Cuốn Đỗ Lệnh Dũng với bìa sau là tấm ảnh bà mẹ chờ tin con,
đã biểu tình tại Hoa Kỳ. Đó là thân mẫu Trung Úy Dũng
Westminster (VB – 12.2006) .– Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (do ký giả kỳ cựu Uyên Thao điều hành) vừa in xong cuốn truyện ký của tay viết ký sự tiếng tăm Lê Thiệp, cuốn ĐỖ LỆNH DŨNG, sắp ra mắt độc giả Little Saigon nay mai.
Tựa sách lấy tên nhân vật chính của truyện, là một nhân chứng thời đại có thật, kể chuyện thực. Cựu trung úy Dũng từng là tùy viên Tỉnh Trưởng Phước Long, tình nguyện ra tác chiến, cùng đồng đội quyết chiến đến phút cuối cùng của quận Đôn Luân thất thủ, bị bắt làm tù binh. Thời điểm đó đã khởi đầu của chuỗi ngày lận đận dài ngót ba mươi năm sau mới sum họp với cha mẹ tại Hoa Kỳ.
“Sách được xây dựng trên cuộc đời có thật, dữ kiện thật, nhưng đấy không phải là cuốn tự truyện”, theo như lời tác giả, tức nhà báo Lê Thiệp nói trong cuốn ĐỖ LỆNH DŨNG dày 416 trang, in thật đẹp với bìa cứng có thêm “cover” do họa sĩ Từ Phong trình bày.
“Đỗ Lệnh Dũng không chỉ là câu chuyện chiến tranh… Đây là câu chuyện về những oan khiên khắc nghiệt mà người dân VN phải trải gần trọn thế kỷ qua cho đến ngày nay. Nhân vật chính giã từ cha mẹ khi tròn 18 tuổi và lúc được gặp lại thì đã gần tới tuổi… ngũ tuần. Thời gian xa cách là lửa đạn, là những ngày lê gót trên con đường mòn Trường Sơn từ nam ra Bắc, là những năm tháng đọa đày tại các trại tù…” theo nhà xuất bản cho biết trong sách truyện ký sự nhân vật này.
Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương từng xuất bản nhiều sách giá trị như Thân Phận Ma Trơi, Giữa Đêm Trường của Nguyễn Thụy Long, Sống Chết Ở Saigon của Hoàng Hải Thủy, Nhận Định Tổng Hợp Hồ Chí Minh của Minh Võ, Trắng Trên Đen của Vũ Thư Hiên, thơ Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, .v.v.
Còn tác giả Lê Thiệp dạo thanh niên, là phóng viên nhật báo Chính Luận, và có tiếng về các bài viết ký sự nhân vật cho các nhật báo khác. Một phần đời của ông có thuật trong cuốn Chân Ướt Chân Ráo cũng của nhà xuất bản này. Trong số báo Xuân Việt Báo năm rồi, ông có bài ký sự Ăn Phở Hà Nội, với văn phong dí dỏm và trào lộng nhẹ nhàng, hồn nhiên.
o O o
Ðỗ Lệnh Dũng: người không muốn làm anh hùng
::: Vũ Ánh :::
“Tối hôm đó, khi đã khép cánh cửa phòng lại, tôi nhìn vào tấm bảng tuyên dương với chữ ký của nhiều vị chức sắc trong quân đội Mỹ lòng bâng khuâng.
Tôi nhìn Thu buột miệng:
– Anh đâu có muốn làm anh hùng.
Vợ tôi cười:
– Thế anh muốn làm anh gì?
– Anh chỉ muốn làm anh hiền. Anh chỉ muốn một đời sống giản dị, bình thường, không bắn giết, không súng đạn. Ước ao đó từ hồi nhỏ, nhưng rồi cả đời anh là chiến trận, là tù đày, là khổ nhục. Làm anh hùng để làm gì?
Vợ tôi ôm tôi, ghé tai nói rất khẽ:
– Anh là anh hùng của riêng em”.
(Trích trang 387 – “Ðỗ Lệnh Dũng” của Lê Thiệp)
Tôi trích đoạn kết thúc truyện ký “Ðỗ Lệnh Dũng” của Lê Thiệp, do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương mới ấn hành ở miền Ðông Hoa Kỳ. Nói cho ngay đây chẳng phải là một câu chuyện viết về chiến tranh Việt Nam với những hư cấu được đặt vào trong những năm cuối của cuộc chiến này. Không, đây là câu chuyện thật, hoàn toàn thật cả người lẫn cảnh, một hồi ký của cựu Trung Úy Ðỗ Lệnh Dũng, người lính đã từng trải qua trận đánh khốc liệt nhất ở Ðồng Xoài, trận mở màn dẫn tới thảm kịch ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Dĩ nhiên, trận Ðồng Xoài cũng phải là một khúc quanh đẩy người lính này vào một đoạn đời dài hun hút những tù đày và khổ nhục. Ðỗ Lệnh Dũng chấp nhận đoạn đời đó không một chút than van. Có lẽ sự thanh thản giữa khổ đau giúp anh không bị nhận chìm bởi cơn lốc chiến tranh, đổi thay và lưu đày. Những ai hy vọng đọc tác phẩm “Ðỗ Lệnh Dũng” của Lê Thiệp để tìm thấy nhân dáng của một cầm súng gào thét bắn giết, một người cầm súng với ý thức hệ Quốc-Cộng rõ rệt, một người cầm súng biểu hiện được ý thức hệ phe mình chắc chắn sẽ thất vọng. Ở trong truyện ký “Ðỗ Lệnh Dũng” của Lê Thiệp, người đọc chỉ tìm thấy nhân vật chính là một quân nhân hồn nhiên với ước mơ giản dị, nhưng lại đầy bản lĩnh giữa sóng gió của chiến tranh, ngay cả lúc thất bại và trong đời tù khắc nghiệt từ trước khi chiến tranh kết thúc. Trung Úy Ðỗ Lệnh Dũng đã chiến đấu dũng mãnh vào những ngày cuối cùng của Ðồng Xoài, đã sống hết lòng với những đồng đội trên đường rút lui và bị cộng quân chận đánh, rỉa rói. Trong hoàn cảnh khốn cùng nhất trước khi ngã ngựa, ông vẫn là một người chỉ huy bao dung, đầy tình người và tình đồng đội.
Ðối với cá nhân Trung Úy Ðỗ Lệnh Dũng và một số đồng đội của ông, chiến tranh không kết thúc vào ngày 30 Tháng Tư 1975 mà đã kết thúc ngay vào lúc ông bị bắt làm tù binh khi cố gắng chỉ huy nhóm tàn quân theo ông tìm đường về Phú Giáo, nơi ông hy vọng còn có những đơn vị Việt Nam Cộng Hòa. Rồi ông trở thành tù binh chiến tranh, bị đưa ra Bắc, gặp lại những đồng đội cũ trong nghịch cảnh: các trại tù cải tạo mọc lên như nấm ở miền Bắc lúc bấy giờ để đày nhốt hầu như toàn bộ những cấp chỉ huy của quân đội, chính quyền miền Nam. Sống trong các trại tù ở miền Bắc, có lúc Ðỗ Lệnh Dũng bị trả thù, bị đối xử tàn tệ, nhưng ông đã chấp nhận với sự bình thản. Chiến tranh đã chấm dứt, chúng tôi ở phe thua, người thắng muốn đối xử với chúng tôi ra sao thì tùy. Cách nhìn kết quả của một cuộc chiến như vậy giúp tù binh Ðỗ Lệnh Dũng vượt lên trên được những khắc nghiệt và giữ được cho trái tim mình luôn luôn còn biết rung động. Khi trái tim còn biết rung động, Dũng nhìn những gì xảy ra trong các trại tù một cách công bằng hơn, bao dung hơn. Trên hết, sự công bằng và bao dung của người tù binh này đã làm cho những kẻ dùng đòn thù để đối xử với ông và những người khác trở thành những người thật yếu hèn vì rõ ràng, họ không còn niềm tin vào con người nữa…
Vì sao mà Ðỗ Lệnh Dũng có được cái bản lãnh đó? Khi đọc hết 387 trang hồi ký được Lê Thiệp dùng ngòi bút thuật sự để vẽ lại cho đúng nhân dáng của nhân vật chính và bối cảnh lúc đương thời, người ta có thể tìm ra câu giải đáp: “Anh không muốn làm anh hùng. Làm anh hùng để làm gì?” Nhưng chính trong cách sống khi chàng thanh niên này phải ở lính, cách sống khi chàng thanh niên này ở tù, cách sống khi anh được thả ra từ trại tù về một xã hội đang tan nát và nhầy nhụa của Sài Gòn… đã giúp Ðỗ Lệnh Dũng tìm lại cho mình một ốc đảo của hạnh phúc riêng tư, vẫn nhìn đời bằng trái tim mở rộng, vẫn thấy tình cảm quyến luyến Việt Nam ngày càng sống dậy mãnh liệt trong ông, dù rằng những người đang cầm quyền vẫn còn những hành động vùi dập Việt Nam một cách không thương tiếc.
Trong truyện ký, Ðỗ Lệnh Dũng không phủ nhận gốc gác của ông là từ một gia đình có thế lực, bố mẹ đều làm việc với người Mỹ trên đất Mỹ từ năm 1964. Ông có rất nhiều điều kiện và hậu thuẫn để hưởng những ân huệ là thoát khỏi cuộc chiến. Học trường tây và đúng vào lúc chiến tranh đang lan rộng sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân của Việt Cộng là lúc ông đang học luật thì bị gọi vào quân ngũ theo tổng động viên. Dù chưa bao giờ Dũng nghĩ đến chuyện chọn con đường binh nghiệp, nhưng một khi đã là “tài nguyên quốc gia” ông không chống lệnh gọi đi phục vụ dưới cờ. Tốt nghiệp khóa 3/68 trường Bộ Binh Thủ Ðức, ông cũng chẳng chạy chọt vào các đơn vị chuyên môn hay vào những vị trí phi tác chiến ở hậu phương. Ai sao mình vậy, Dũng không đòi bất cứ ưu quyền nào. Thế rồi cũng như hàng trăm ngàn thanh niên khác trên khắp nẻo đường đất nước, Ðỗ Lệnh Dũng lao vào chiến trận, bị thương hai lần. Khi ở lính cũng vậy, với ảnh hưởng của gia đình, Dũng có thể xin ngồi vào một nơi nào đó mà súng đạn không đụng tới được. Nhưng ông đã không làm thế. Ngay cả khi ông được gọi về làm tùy viên cho tỉnh trưởng Phước Long, Dũng chỉ chỉ hụ hợ một thời gian ngắn ở chức vụ này rồi lại xin ra tác chiến, trở lại súng đạn cùng các đồng đội của mình.
Ðúng vào lúc Dũng đang yên ổn mọi bề với súng đạn và chiến trận thì ông bị gọi về Sài Gòn để chuẩn bị lên đường viếng thăm gia đình ở Hoa Kỳ do cuộc vận động của Sam Graves, một cố vấn Mỹ của Ðại Ðội Quyết Tử tỉnh Phước Long. Người sĩ quan Mỹ này đã được Dũng cứu mạng một lần trong cuộc đụng độ với Việt Cộng tại Phước Lộc, tỉnh Phước Long và sau đó hai người trở thành bạn thân. Hết nhiệm kỳ Sam Graves trở về Mỹ. Ðầu 1975, Sam Graves đã vận động ở một cấp rất cao trong quân đội Hoa Kỳ để Dũng được sang Mỹ thăm gia đình coi như hành động biểu lộ tình bạn. Do nỗi nhớ gia đình dày vò, lần này Dũng chấp nhận sang Hoa Kỳ gặp bố mẹ. Ông có linh cảm lần ra đi này, sẽ không trở lại Việt Nam nữa. Nhưng tình đồng đội khiến ông trở lại Ðồng Xoài để từ giã cấp chỉ huy và những bạn lính trong đơn vị. Dũng ở lại Ðồng Xoài mấy ngày trong lúc tình hình quân sự đã bắt đầu có dấu hiệu nguy khốn. Một người bạn về phép nhờ Dũng chỉ huy đơn vị vài ngày. Trung Úy Ðỗ Lệnh Dũng, người sắp rời khỏi Việt Nam lại nhận lời và đây chính là một khúc quanh đầy giông bão của ông. Cộng Sản Bắc Việt đánh Ðồng Xoài, mở màn cho cuộc tổng công kích và cũng mở màn cho tấn bi kịch cho dân tộc Việt Nam, trong đó có Ðỗ Lệnh Dũng.
Tôi có may mắn là được Lê Thiệp đưa cho đọc bản thảo cuốn truyện ký Ðỗ Lệnh Dũng và biết được rằng Lê Thiệp đã rất thận trọng khi viết truyện ký này. Khi viết truyện ký bằng lối văn thuật sự có nghĩa là khi viết phải hết sức bình tĩnh, cân nhắc để gạt bỏ mọi loại cảm tính có thể làm ảnh hưởng không tốt hay làm méo mó những gì mà nhân vật chính mô tả lại. Bức tranh của ngòi bút thuật sự phải giữ được nguyên bản những gì đã từng xảy ra, không bóp méo, không cường điệu, không vẽ rắn thêm chân. Là một nhà báo tiếng tăm tù thời còn rất trẻ ở Việt Nam giữa thập niên 1960, Lê Thiệp cũng trải qua nhiều biến cố chính trị trong đời viết báo của mình. Vượt biên sang Hoa Kỳ, cầm bút một thời gian ngắn rồi nhảy vào kinh doanh và thành công. Nay Lê Thiệp đã về hưu và trở lại với viết lách. Ông viết lại những gì do Dũng kể lại như một bổn phận và nhu cầu phải ghi lại cuộc đời của người lính này một cách chân thực và không vướng một chút thù hận nào. Dũng cũng muốn như thế bởi vì trái tim ông cho đến nay vẫn là trái tim chân thực và hào phóng tình người.
Quân đội Hoa Kỳ đã tuyên dương ông như là anh hùng của họ. Dũng cảm động nhưng ông đón nhận bằng tuyên dương chỉ như một cử chỉ đẹp đối với Sam Graves và những người bạn Mỹ khác nay đã lên tới hàng ngũ tướng tá quan trọng trong quân lực Hoa Kỳ. Ðỗ Lệnh Dũng chỉ muốn là người lính bình thường, hết chiến tranh trở về, lập gia đình sống hạnh phúc với Thu, kết quả của một mối tình thật đẹp ngay trong thời gian Dũng còn trong tù đày. Chiến tranh đã chấm dứt, bây giờ người cựu binh này, cựu Trung Úy Ðỗ Lệnh Dũng đang được sống riêng với cái thế giới yên bình và hạnh phúc mà ông từng mơ ước.
Truyện ký Ðỗ Lệnh Dũng của Lê Thiệp là một câu chuyện có hậu, phần thưởng cho tất cả những ai vượt qua và vượt lên trên được cơn lốc của thời đại chúng ta. Liệu có thể gọi đây là một thông điệp cho thế hệ đồng trang lứa với Ðỗ Lệnh Dũng khi chiến tranh chấm dứt?
Vũ Ánh
06 tháng 12, 2006
o O o
Vài cảm nghĩ khi đọc “Đỗ Lệnh Dũng”:
Liệu “Cuộc chiến cũ” có là tiền kiếp?
::: Đào Trường Phúc :::
Giữa năm 2004, một truyện dài ký sự của Lê Thiệp, với tựa đề “Chuyện Người Đỗ Lệnh Dũng”, được khởi đăng hàng tuần trên Hoa Thịnh Đốn Việt Báo. Mãi đến cuối năm 2006, truyện ký này mới được xuất bản thành một cuốn sách hơn 400 trang, và tựa đề được cắt gọn lại, chỉ còn cái tên “Đỗ Lệnh Dũng”, tên của nhân vật chính, một người có thật và đang còn sống.
Nhưng Đỗ Lệnh Dũng không phải là nhân vật nổi tiếng ở ngoài đời vì có một quá khứ lừng lẫy trên chính trường hoặc vì từng giữ một vai trò đặc biệt nào đó trên chiến trường, như những vị chính khách hoặc tướng lãnh đã xuất bản hồi ký hoặc viết lại các dữ liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông chỉ là một sĩ quan cấp trung úy của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đầu thập niên 90, ông cùng gia đình qua Mỹ theo chương trình H.O. dành cho các cựu tù nhân Cộng sản, và định cư tại tiểu bang Virginia.
Lần đầu tiên kẻ viết bài này nghe biết tên Đỗ Lệnh Dũng là lúc ông cùng một nhóm thân hữu thành lập Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn, mở lớp dạy miễn phí cho những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Và tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp ông, nhân một buổi ông đến lớp nhiếp ảnh, tại Trung tâm Sinh hoạt Đa văn hóa Willston ở Falls Church. Hôm ấy chúng tôi đứng tán gẫu một lúc ở cổng ngoài. Dĩ nhiên ông già hơn nhiều so với tấm ảnh mang lon trung úy in trong tựa đề “Chuyện Người Đỗ Lệnh Dũng” đang đăng trên báo, nhưng những nét chính trên khuôn mặt thì không khác. Ông nói chuyện hiền lành, nhỏ nhẹ, đôi lúc chỉ góp chuyện bằng một nụ cười hóm hỉnh nhẹ nhàng. Tuy không phải là một học viên của ông, tôi có thể hiểu tại sao các học viên lớp nhiếp ảnh quý mến ông và thích nói chuyện với ông. Tôi vẫn còn giữ nguyên những ấn tượng và thiện cảm ấy, về con người Đỗ Lệnh Dũng, khi đọc chương dẫn nhập cuốn truyện ký của Lê Thiệp và lời giới thiệu nơi bìa sách (của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương):
“Đúng nửa đêm 24/11/1974, trái đạn 82 ly đầu tiên rót vào trong vòng đai chi khu Đôn Luân (tên chữ của quận lỵ Đồng Xoài).
“Hai trung đoàn của Sư Đoàn 7 CSBV với đại pháo và chiến xa T-54 yểm trợ áp dụng chiến thuật tiền pháo tập trung, hậu xung tứ diện, quyết nuốt chửng căn cứ nhỏ bé này càng nhanh càng tốt. Đồng Xoài chống trả suốt 10 ngày không hề được tiếp viện và đã bị tràn ngập vào rạng sáng 7/12/1974.
“Trận Đồng Xoài đã mở đầu cho một chuỗi biến cố quân sự khiến Việt Nam Cộng Hòa bị xóa tên. Trận đánh này cũng đẩy trung úy Đỗ Lệnh Dũng vào một quãng đời khác hẳn với những gì anh đang ước mơ…”
“…Đỗ Lệnh Dũng không chỉ là câu chuyện về chiến tranh, dù nhân vật chính là một chiến binh mất tích giữa chiến khu D sau một trận đánh dữ dội.
“Đây là câu chuyện về những oan khiên khắc nghiệt mà người dân Việt Nam phải trải gần trọn thế kỷ qua cho đến ngày nay. Nhân vật chính giã từ cha mẹ khi tròn 18 tuổi và lúc được gặp lại cha mẹ thì đã gần tới tuổi ngũ tuần. Thời gian xa cách là lửa đạn, là những ngày lê gót trên con đường mòn vượt rừng núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, là những năm tháng đọa đày tại các trại tù…”.
Cần mở một dấu ngoặc để ghi chú: Vì chi khu Đồng Xoài thất thủ ngày 7 tháng 12 năm 1974 và Đỗ Lệnh Dũng bị bắt làm tù binh khoảng một tuần sau đó, nên đoạn đời tù của ông bắt đầu trước ngày định mệnh 30/4/1975 của toàn miền Nam mấy tháng trời. Sau khi bị giam cầm, bị đấu tố trước “tòa án nhân dân”, ông bị đưa ra Bắc bằng đường bộ, và vào trại “tù cải tạo” Yên Báy cho đến năm 1984 mới được phóng thích.
Hơn 400 trang sách – trong đó từ chương 1 đến chương 6 là ký ức về đời lính, từ chương 7 đến chương 12 là ký ức về đời tù – tuy dùng hình thức tự truyện nhưng lại được tác giả Lê Thiệp khẳng định không phải là cuốn “tiểu sử” của nhân vật chính, được viết ra chỉ để diễn tả “thảm trạng một con người bị tước đoạt trọn vẹn tuổi trẻ, tình yêu, gia đình và mọi điều kiện an bình của cuộc sống”. Cuộc chiến tranh kéo dài một phần tư thế kỷ đã tạo ra biết bao nhiêu con người cùng trải qua thảm trạng như thế. Vậy thì tại sao lại là “Chuyện Người Đỗ Lệnh Dũng”? Đọc xong cuốn sách, người đọc có thể cảm thấy rằng, với lối viết bình tĩnh, chừng mực, sáng sủa của một nhà báo từng dấn thân đến vùng lửa đạn để viết phóng sự chiến trường, Lê Thiệp đã “chọn” Đỗ Lệnh Dũng như một nhân vật đặc biệt – nhưng không phải là nhân vật điển hình – để ghi lại một số hình ảnh sống thực của những ngày tháng đầy máu và nước mắt trên quê hương Việt Nam, những ngày tháng mà cả nhân vật chính lẫn tác giả cuốn truyện đều có mặt, dù trong hoàn cảnh và khung cảnh khác nhau, và đều giữ lại những ký ức khó xóa nhòa.
Ghi lại những ngày tháng ấy để làm gì nhỉ? Để trút ra hết trên mặt giấy những ký ức mà nhân vật chính cũng như tác giả cuốn truyện dù có muốn “cố quên để còn nhìn được về phía trước” vẫn không thể nào quên cho nổi? Hay để gửi đi một thông điệp như trên bìa trong của cuốn sách đã viết: “Nhân vật chính nhắc lại quá vãng bi đát của bản thân như một thoáng đời bình thường để chia sẻ các dữ liệu thực tế với mọi người — mà theo người viết, đã cho thấy trong mọi nghịch cảnh luôn tồn tại một nét đẹp truyền thống từng giúp người dân Việt Nam vượt qua mọi thử thách gian nan”?
Nét đẹp truyền thống ấy phải chăng là chất nhân bản của dân tộc Việt Nam, thể hiện trong những con người như Đỗ Lệnh Dũng, hiền lành, bình thản trong mọi hoàn cảnh, và khi hồi tưởng về quãng đời đã sống, dù có những giai đoạn cay đắng nghiệt ngã đến mấy đi nữa, cũng vẫn là “cách hồi tưởng hồn nhiên, chân thực không vướng chút oán hờn”. Nếu hơn 400 trang sách được viết ra để nói lên bản chất của những con người Việt Nam như thế, thì có thể kể là tác giả đã thành công. Từ chiến trường lửa đạn mịt mùng cho đến những năm tháng tù đày khốn khổ đều chỉ được nhắc lại như từng trang ký ức ngậm ngùi, chứ không phải như một nỗi ám ảnh day dứt. Và ngay cả đến một thành tích đầy vinh dự mà nhân vật chính có được sau bao nhiêu bão táp của cuộc đời, cũng chỉ được diễn tả như một chuyện tình cờ. (Đầu thập niên 70, sau khi cứu mạng đại úy cố vấn Sam Graves trong một trận chiến, trung úy Đỗ Lệnh Dũng đã nói với nhân viên tòa đại sứ Mỹ rằng chuyện ấy “không có gì ghê gớm, vì đó là bổn phận của tôi, và hơn nữa vì chính mạng sống của tôi và binh sĩ dưới quyền”. Nhưng người sĩ quan Mỹ vẫn nhớ mãi đến ân nhân, và hơn hai mươi năm sau, trong buổi lễ giải ngũ của đại tá Sam Graves tại Liên Đoàn Yểm Trợ 88 ở Indiana, trung úy Đỗ Lệnh Dũng được mời lên nhận bằng tuyên dương “Anh Hùng Mỹ Quốc” (American Hero Award) vì “hành vi vô vị lợi, sẵn sàng đem mạng sống của mình ra bảo vệ đất nước Việt Nam, nêu cao truyền thống bất khuất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và cũng là của quân đội Hoa Kỳ”. Sau buổi lễ, người được tuyên dương nhỏ nhẹ tâm sự với vợ: “Anh đâu có muốn làm anh hùng… Anh chỉ muốn một đời sống giản dị, bình thường, không bắn giết, không súng đạn. Ước ao đó từ hồi nhỏ nhưng rồi cả đời anh là chiến trận, là tù đày, là khổ nhục. Làm anh hùng để làm gì?”)
Niềm ước ao của nhân vật Đỗ Lệnh Dũng xem chừng cũng chẳng mấy khác biệt với niềm ước mong của tác giả Lê Thiệp, khi viết trong lời bạt cuốn truyện ký: “Tác phẩm này trước hết nhắm ghi lại một số hình tượng sống trong một giai đoạn tràn ngập thảm cảnh của người dân Việt Nam, và kế tiếp để dành tặng Mai và các con với ước mong một ngày nào đó cả nhà sẽ có thể về lại quê hương sống như một gia đình Việt Nam bình thường”.
Những mơ ước như thế không khỏi khiến người đọc nhớ đến một bài thơ của Cao Tần.
Giữa thập niên 80, trong lúc làn sóng vượt biên vẫn tiếp tục đổ ra biển Đông và những đoàn “tù cải tạo” vẫn tiếp tục bị chuyển từ trại giam này qua trại giam khác trên ba miền đất nước, thì ở Hoa Kỳ, nhà thơ Cao Tần đã viết những bài thơ diễn tả tâm trạng người tỵ nạn tha hương, mỗi câu thơ như vừa thấp thoáng một nụ cười vừa ẩn chứa một giọt lệ, nhưng bài nào cũng chứa chan tinh thần nhân bản:
…Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan…
…Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương.
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là Ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”.
Khi Đỗ Lệnh Dũng kể lại với Lê Thiệp về cuộc đời thăng trầm của ông và nhắc đến những chi tiết riêng tư thầm kín mà ông nói là “cố quên để còn nhìn được về phía trước”, có thể tâm sự của cả người kể truyện lẫn người viết truyện đã gặp nhau ở điểm là chỉ muốn coi “cuộc chiến cũ” như “tiền kiếp”, cho nhẹ lòng. Thế nhưng khi cuốn truyện viết xong, in ra và đến tay người đọc, chắc chắn sẽ có nhiều người vẫn cảm thấy nặng lòng mỗi lúc bắt gặp trên chương sách này hay chương sách nọ hình ảnh của chính mình ở một đoạn đời xa cũ, hay hình ảnh của một người bạn đồng ngũ đã ngã xuống, một người bạn tù đã vĩnh viễn ra đi… Và sẽ có rất nhiều người chạnh lòng nhớ đến những hình ảnh của quê hương – trong đó có biết bao nhiêu hình ảnh mà dù cho có cơ hội trở về thăm đất nước cũng chẳng bao giờ còn thấy lại được nữa. Từ những hình ảnh cũ ấy, có thể người ta sẽ liên tưởng đến hình ảnh ngày hôm nay trên quê hương. Ở đó bây giờ – năm 2007 – tuy không còn những người “tù cải tạo” nhưng vẫn đầy dẫy trại tù để giam giữ những người không chịu nói cùng cách nói của chế độ cầm quyền, những tín đồ thà chấp nhận tù tội chứ không chịu từ bỏ đức tin, những đám dân nghèo oan ức bị đẩy đến đường cùng phải vùng lên đòi công lý, những người trẻ tuổi bị bắt giam và buộc tội “cấu kết với bọn phản động nước ngoài” chỉ vì trao đổi ý kiến trên một diễn đàn Internet… Ở đó bây giờ cũng đang có những người trong tay không vũ khí nhưng kiên trì và dũng cảm đối đầu với cả một guồng máy bạo lực, không phải để giành dân chiếm đất mà là để đòi lại những quyền tối thiểu của con người. Và điều ấy có nghĩa là ở đó, một cuộc chiến mới đang diễn ra, từng ngày, từng phút.
Còn những hồi tưởng như thế và còn những liên tưởng như thế, thì “cuộc chiến cũ” chưa thể coi là tiền kiếp được. Và chúng ta vẫn nên đọc, vẫn cần đọc những truyện ký như “Đỗ Lệnh Dũng”.
Đào Trường Phúc
Tháng 1/2007
—>Chương 1