TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ TẠI VIỆT NAM (Paul Trần Vỹ): Chương VIII

Chương VIII

– TÙ NHÂN
– LÍNH GÁC TÙ
– CUỘC GẶP GỠ BIỆT KÍCH DÙ
– TRƯƠNG QUANG HẬU TUYỆT THỰC ĐẾN CHẾT
– TÔI BỊ VIÊM ĐỘNG MẠCH TIM

Ông Huệ có vẻ không ưa gì Tài, người phụ y tá mới, kẻ đã đến thế người được ông che chở, mà không hỏi ý kiến ông. Ông kêu Tài lại, hỏi vài câu về nghề anh đã làm trước đây, rồi nói với anh rằng, vì học vấn anh kém, công việc chánh của anh là lo về vệ sinh của bệnh xá, tải nước đủ cho chúng tôi và bệnh nhân dùng, lo về cơm nước, áo quần, vệ sinh cá nhân của các bệnh nhân nằm bệnh viện và cũng phải trồng trọt miếng đất nhỏ khoảng 300 thước vuông trước sân bệnh xá.

Nhưng hôm sau, vừa tới nơi, ông Huệ kêu Tài lại và với ngón tay dọa anh và nói to tiếng:

“Tổng giám thị gởi mày lại đây để do thám tao và ông V. Liệu hồn đó, mày là chỉ điểm viên của tổng giám thị, nếu tao bắt được mày lảng vảng chung quanh tao và ông V. để nghe chuyện chúng tao nói, tao sẽ đập nát mặt mày. Tao cấm mày không đến gần tao dưới bốn thước khi tao nói chuyện với ông V.”

Tài cúi đầu và không nói gì.

Được báo trước, tôi luôn luôn giữ một khoảng cách nào đó giữa Tài và tôi, và sự quan hệ với anh ta không khi nào giống như với Thúy. Tài thực hiện tốt những công việc mà ông Huệ đã giao cho: anh vỡ miếng đất nhỏ trước bệnh xá và trồng cà tím. Thường thường, nhất là buổi chiều, khi cửa đã khóa, chúng tôi đã vào giường nhưng chưa ngủ, Tài kể cho tôi nghe một ít về đời sống của anh ở Saigon và những giai đoạn nhiều khi phóng đãng của một hồi chánh viên khi cần phải xoay trở, để sống trong những khu lao động ở ven thành phố.

Anh ta cũng biết làm món thịt chuột rất ngon và có một bữa có cả rắn, đã rơi vào bẫy anh làm bằng tre và đất sét

Một tuần sau khi ra đi, Thúy đã trở lại thăm tôi một buổi sáng chúa nhật. Tôi rất vui, chúng tôi nấu nước và uống trà trong khi trò chuyện. Thúy nói đã làm được khoen mộng đàng hoàng, điều quan trọng nhất trong việc làm ghế đẩu và ghế tựa; tôi kể lại cho anh nghe những gì ông Huệ đã nói với tôi về lý do vì sao anh ra đi và dặn anh cẩn thận về những giao thiệp của anh. Chúng tôi ở lại với nhau hơn một giờ rồi anh mới ra đi.

Vài ngày sau đó tôi thật ngạc nhiên khi thấy anh đến trong giờ làm việc của trại. Anh được miễn đến xưởng hai tuần vì một cán bộ của bộ Nội Vụ đến gặp anh và bảo làm một bản báo cáo về tình hình quốc tế. Anh lấy trong túi ra năm điếu thuốc ra và một gói giấy thật nhỏ đưa cho tôi:

“Anh cán bộ này đã cho tôi nửa bao thuốc và một nhúm trà. Tôi biếu lại anh phân nửa”.

Rồi anh kể cho tôi nghe rằng trong những tờ khai trước lúc anh còn ở trong khu F, anh ta đã tiên đoán sự nổi dậy của phong trào FULRO (Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng của các sắc tộc bị áp bức, Front Unis De Libération des Races Opprimées) và nguy cơ có thể đến từ Trung Hoa. Những điều này đúng và hiện nay liên lạc giữa Việt Cộng và Trung Hoa rất căng thẳng, điều mà cán bộ của Bộ đã xác nhận với anh. Ông Phụ Tá Bộ Nội Vụ, người đã gặp anh lúc bấy giờ, muốn biết anh nghĩ sao về tiến triển của tình hình.

“Cám ơn ông tù cố vấn chính trị của Phụ Tá Bộ Nội Vụ! Nhưng anh đáng lẽ phải đòi một lương bổng hậu hơn!”

Trong hai tuần này Thúy đến thăm tôi nhiều lần, mỗi lần anh nói với người trực của đội anh, là anh bị nhức đầu vì phải suy nghĩ nhiều để soạn báo cáo của anh và anh đi lại bệnh xá để xin aspirine. Khi đã chắc rằng Tài không ở gần quá, chúng tôi trò chuyện đủ thứ, những chuyện cũ Saigon, những chuyện gẫu của trại như chuyện một người tù dùng mấy miếng nhôm làm ra những chiếc lược đẹp đến nỗi một cán bộ đã đến mỗi ngày ba hoặc bốn lần đề nhìn anh ấy làm việc, và dĩ nhiên cũng có bàn về chính trị quốc tế!

“Vũ khí Mỹ trang bị cho lính Trung Hoa, nếu cứ tiếp tục như thế, sẽ là một lực lượng kinh khủng! Người Nga bắt đầu đái trong quần; còn mấy chú ở Hà Nội, sớm hay muộn, chúng cũng sẽ bị một trận đòn!’

Cán bộ quản giáo cũng cho chúng tôi biết về sự căng thẳng tăng dần giữa Việt Nam và Trung Quốc và nói rằng cũng có thể có di tản khẩn cấp của trại. Bởi vậy đồ tùy thân của chúng tôi lúc nào cũng phải sẵn sàng để có thể ra đi bất thình lình sau mười lăm phút báo trước. Khi có hiệu báo động, mọi người đều phải nhanh chóng tập họp, và dưới sự hướng dẫn của một người cán bộ và lính gác, rời trại và tập trung vào những nơi đã được định trước; chúng tôi phải đi có trật tự và phải im lặng; tù nhân nào đi ra khỏi hàng hoặc tỏ ra vô kỷ luật sẽ bị bắn bỏ lập tức … Những buổi tập dượt di tản sẽ được tồ chức, nhưng mỗi lần chỉ vài đội tham dự thôi, và sẽ không có tổng báo động (đánh mõ, hụ còi) …

Quả thật, đã có hai buổi tập dượt; mỗi lần tù nhân của các đội phải tập với tất cả hành lý trên lưng, đi ra khỏi trại giữa đêm và lội bùn giữa ruộng trong hơn hai tiếng đồng hồ, trước khi được về trại! Sau đó người ta cho họ nghỉ buổi sáng hôm sau!

Hậu quả của sự va chạm chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc trên đời sống của trại chúng tôi không chỉ giới hạn vào những buổi tập dượt di tản này. Có những ông tướng tù binh đến, sau đó tới phiên các đại tá, rồi có những tù khổ sai đến nữa.

Một buổi xế trưa, trong tháng chín, trong lúc tôi đi nhận thuốc hằng ngày từ bệnh xá nhân viên trở về, khi đi vào con đường lớn chạy thẳng vào sân, tôi thấy trước bệnh xá một đám đông người mặc đồ beo gấm. Tôi bước vội lên và lúc đến nơi, tôi được một số đông người bao quanh chào hỏi một cách nồng nhiệt; một vài người ôm tôi như là họ vừa gặp lại một người bạn đã bị xa cách từ lâu. Ngạc nhiên vì nhiều cử chỉ thân thiện đến thế, tôi hỏi họ:

“Mấy anh từ đâu đến?”

Trong tiếng ồn ào trả lời, tôi hiểu một lúc sau rằng họ là những chiến sĩ Việt Nam đã được thả dù xuống miền thượng du Bắc Việt trong những năm 1960 và 1961, nhằm gây ra một cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số trong những tỉnh này. Nhưng Việt Cộng đã tổ chức kiểm soát gắt gao các dân tộc thiểu số, và các anh biệt kích dù của chúng ta đều bị bắt mau chóng. Họ đã bị giữ lại như tù binh từ ngày ấy, luôn luôn ở trong núi rừng, hoàn toàn cách ly với dân chúng xung quanh; họ không bao giờ được phép thư từ với gia đình còn ở lại Sài gòn. Vợ, con, cha mẹ đều coi như họ đã chết từ lâu rồi! Lúc tôi hỏi vài người địa chỉ của họ ở Sài Gòn, họ cho tôi những tên đường của thời Pháp thuộc:

“Tôi ở với gia đình, đường Colonel Grimaud!

– Gia đình tôi ở trong một hẻm đường Mayer!”

Tôi hình dung lại họ đỉnh đạc trong quân phục nhẩy dù trên những đường phố Sài Gòn xưa và bây giờ, mười bẩy hay mười tám năm sau, họ đó, trong quân phục beo gấm ít nhiều vá đắp (chiến lợi phẩm Việt Cộng lấy được ở Sài Gòn và cho tù binh mặc để họ không thể trốn được giữa dân chúng nếu họ vượt ngục được), ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, sống cuộc đời đáng thương hại của tù khổ sai, không mảy may hy vọng được thả. Tuy nhiên, tôi phải giấu mọi cảm xúc và nói với họ để tôi lo trước việc phân phối thuốc cho những người trực. Với tinh thần kỷ luật, họ chìu ý tôi, và tôi bước qua phòng bên cạnh để nói chuyện với vài bệnh nhân “nằm bệnh viện”. Lúc tôi xong công việc và có thể trở lại, họ nói với tôi rằng họ đến không phải để xin thuốc, mà chỉ đến thăm tôi. Họ đến trại từ đêm trước và xế trưa hôm nay, vì có người nói với họ rằng có một bác sĩ miền Nam Việt Nam trong trại, mọi người đều muốn đến bệnh xá để thăm tôi. Cuối cùng, người trưởng đoàn của họ quyết định chỉ cho một số người trong bọn họ đến gặp tôi thôi. Họ nói rằng, đã hơn mười bẩy, mười tám năm rồi, họ chưa gặp được một người đồng hương ở miền Nam Việt Nam; cái miền Nam Việt Nam này họ nhớ tới nỗi mà thay vào chỗ “có thể nhìn Sài Gòn”, nhìn thấy một người Nam Việt Nam nói chuyện với “lũy” (lui) thì đã là một niềm vui. Họ kể cho tôi nghe rằng khi người ta báo tin cho hay về vụ ám sát Ngô Đình Diệm, nhiều người đã khóc suốt cả ngày, vài người còn không tin là chuyện ấy có thể xẩy ra; khi họ nghe tin Sài Gòn sụp đổ, cả đoàn nhịn ăn suốt hai ngày!

Vì giờ đóng cửa sắp đến, tôi bảo họ trở về mau, về đội của họ và họ nghe lời liền; khi ra đi, tất cả đều siết chặt tay hoặc cánh tay tôi, như để tỏ sự đoàn kết của chúng tôi và họ hứa sẽ trở lại thăm tôi thường xuyên.

Đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được khi nghĩ đến họ! Những dòng lệ trào ra mắt! Những người đang còn trong tuổi tràn đầy nhựa sống đã được số phận an bài trong ngục tù suốt đời! Những tên Việt cộng dã man đã dấu họ với thế giới loài người; nếu không có sự căng thẳng với Trung Quốc, họ sẽ còn ở trên miền thượng du, di chuyển từ núi này qua núi nọ, mỗi sáu tháng hay mỗi năm cho đến ngày họ từ trần. Và điều đó họ cũng đã biết. Nhưng cái đã cho họ sức sống, không phải là hy vọng một ngày kia còn có thể gặp lại gia đình, nhưng chỉ là tinh thần đoàn kết đã hợp nhất họ, đoàn của họ đã trở thành gia đình mới! Từ ngày họ bị bắt cho đến năm 1975, đã có nhiều cuộc trao đổi tù binh, nhưng những người chỉ huy của họ, những người đã gởi họ đi thi hành công tác nguy hiểm này, những tướng lãnh ngự trị ở Sài Gòn, đã chỉ đơn giản quên họ thôi, vì mải bận với những tham vọng và trụy lạc!

Nhưng tôi đã hoài công chờ họ, vì ngày hôm sau ông Huệ cho tôi biết đoàn mới đến đã bị xếp vào một khu đặc biệt khu C, và ai bị bệnh sẽ đến bệnh xá của thường phạm.

Ít lâu sau, khi nói về những tù nhân này, ông Huệ nói với tôi rằng họ là những người hoạt động, có kỷ luật thi hành đứng đắn những công việc giao phó; cán bộ đã để cho họ tự chọn thủ lĩnh và người này có quyền hành thật sự trên đồng bạn. Với sự chấp thuận của cán bộ, lúc ở trên miền thượng du, họ đã trồng cây thuốc lá nhờ vậy họ có thuốc để hút, họ cũng làm những ống sáo và cả đờn ghi-ta (cán bộ đã cho họ giây đàn) để giải trí chung.

Một lần nọ, có cãi lộn lớn giữa hai tù nhân, quản giáo muốn can thiệp, nhưng người trưởng đoàn xin để tù nhân tự giải quyết những vấn đề nội bộ, anh đã thành công lập lại trật tự, buộc người có lỗi phải xin lỗi và nhận trừng phạt bằng cách không được ăn phần cơm của mình.

Một buổi xế trưa, tôi đến bệnh xá tù thường phạm, ông Huệ đã đi ra ngoài, và khi thấy người trực của đoàn này đi lại, tôi hỏi anh ta:

“Khi các anh ở miền thượng du, các anh có khi nào gặp tù binh Mỹ chăng7

– Có, tôi có thấy họ nhiều lần, nhưng ở khá xa!”

Vừa lúc ấy ông Huệ đi về, và chúng tôi không thể nói chuyện tiếp.

Khoảng tháng 11 năm 1978, đoàn 113 biệt kích dù Việt Nam Cộng Hòa đã từng bị giữ hơn mười bẩy năm ấy lên đường đến một trạm mới trong cuộc viễn du vô tận!

Một buổi sáng tháng giêng 1979, hai đội tù khổ sai cựu đại tá đang tụ tập nơi đường lộ chính trước khi ra đồng, được lệnh trở về phòng và sửa soạn dự một khóa học đặc biệt quan trọng dưới sự hướng dẫn của cán bộ từ bộ Nội Vụ về.

Các tù nhân, trong những trường hợp tương tự luôn luôn nghi ngờ là có tin xấu, nhưng lần này thì đã trái lại! Nhìn nhận ngầm “giá trị quân sự” của họ, cán bộ của bộ Nội Vụ đã đến báo cho họ biết, và chỉ cho họ mà thôi, sự chiến thắng của quân đội Cộng Sản Việt Nam trong cuộc xâm lược Campuchia. Nhờ một bản đồ vẽ trên tấm bảng đen vừa mới đem tới, phái viên của Bộ tả cho họ sự tấn công nhanh chóng của Việt Nam bắt đầu ngày 25 tháng chạp, đã tiến chiếm Phnom-Penh ngày 07 tháng Giêng do nhiều quân đoàn Việt Nam xuất phát từ những khu biên giới khác nhau tập trung mũi dùi lại. Chiến thắng chớp nhoáng! Chiến thắng quyết định? Chỉ còn lại một câu hỏi nhỏ: “Những sư đoàn Khmer có trước cuộc tấn công đã đi đâu rồi?”

Đoàn quân Việt Nam đã không gặp họ đâu cả, họa chăng vài tiểu đoàn mà thôi. Chúng đã biến mất, có lẽ rút về những núi ở miền tây, nhưng đó chỉ là chuyện trong vài tuần nữa thôi. Người ta ăn mừng chiến thắng: trà và bánh ngọt cho những tù nhân này, những quân nhân nhà nghề đã biết giá trị của quân đội Cộng Sản Việt Nam!

Các phòng của tù nhân đại tá còn có một hân hạnh nữa, được đón tiếp khách ngoại quốc thăm viếng, trong đó có những thông tín viên. Người ta chuẩn bị cho việc này từ nhiều tuần qua, không phải chỉ tại hai đội nói trên, mà tất cả những đội khác cũng chuẩn bị, vì người ta quá cẩn thận, khách có thể đánh lừa hướng dẫn viên và ghé mắt vào những chỗ khác hơn những nơi đã định trước! Bởi vậy việc chuẩn bị làm chung cho cả trại, trong tất cả các phòng, phải quét, lau, xếp dọn lại các túi đồ dùng cá nhân (chỉ một túi cho mỗi người mà thôi, để trên kệ tường, những túi khác thì vất lộn xộn trong một phòng nhỏ chứa đồ lặt vặt), ở đầu mỗi chiếu, phải cuốn mùng, mền và gối thành một gói, tất cả xếp đàng hoàng và cùng kích thước. Trong vài phòng một bích chương viết chữ lớn trên một tờ giấy rộng dán vào tường gần cửa ra vào, để không một ai không đọc nó khi bước vào phòng, kê thực đơn mỗi ngày trong tuần: thứ hai, thứ ba, … chủ nhật: ăn điểm tâm, cơm sáng, cơm chiều .

Theo thực đơn này, mỗi bữa cơm chính, chúng tôi được một ký cơm nấu chín, một món thịt hay cá, một món rau cải và một tô canh miến … Thực đơn mỗi ngày khác nhau, ngày chủ nhật có thêm món tráng miệng. Dĩ nhiên những thực đơn tuyệt vời này làm chúng tôi chảy nước miếng, chỉ có trong tưởng tượng của người viết, cũng như rủi thay, trong những bài phóng sự của những phóng viên quá ngây thơ hoặc đã từ lâu theo lý tưởng cộng sản!

Con đường chánh lớn và phòng họp ở cuối đường được chú ý đặc biệt. Từ hơn hai tháng rồi, một đội sáu người tù dưới sự hướng dẫn của một người trong số bạn hữu của tôi, Nguyễn Tri T., nguyên công cán ủy viên bộ Giáo Dục miền Nam, đã được giao nhiệm vụ sửa sang và bảo trì con đường này. Bùn được vét đi, mặt đường được cán bằng và người ta xây dọc theo hai bờ tường hai bồn hoa với vài đoạn nới rộng ra hình bán nguyệt. Trong những vòng bán nguyệt này, người ta trồng hoa hướng dương hoặc tầm xuân, trong vườn cảnh bên cạnh đường những cây phụng tiên với hoa muôn màu đã bắt đầu nở. Một ngày nọ, khi tôi đi qua con đường chính này, Nguyễn Tri T. bắt chuyện và nói:

“Anh ơi, nhìn xem con đường này, với những cây hoa phụng tiên đủ màu sắc, có đẹp không?

-Ừ, đẹp tuyệt vời! Cũng đẹp như ở Père Lachaise

(tên nghĩa địa nổi tiếng ở Paris) vậy!”

Nguyễn Tri T. nhăn mặt.

Còn về phòng học, trước đây là một căn trại rộng lớn lộng gió bốn phương, một toán của đội thợ mộc đến đó để biến đổi toàn diện, họ dựng vách bằng tre đan, cao nửa chiều phòng, bọc ba mặt phòng, trừ phía nhìn ra con đường lớn. Một vách bên trong ngăn ra làm hai phòng. Trong phòng thứ nhất người ta đặt hai bàn dài, có ghế hai bên và nhiều kệ, độ trăm cuốn sách được để trên kệ buổi sáng hôm có thăm viếng, và biến mất ngay buổi chiều, để không có một lầm lẫn nào, người ta đã viết trên vách ứng dụng của phòng bằng chữ lớn: “Phòng Đọc Sách”. Trong phòng kia, người ta đã kê một bàn bóng bàn và vài ghế dài dựa sát vách, lưới đã căng sẵn trên bàn, nhưng mà vợt và banh chỉ được để ở đó, trong thời gian dự trù trước cho những cuộc viếng thăm. Sau khi thăm viếng xong, những người gác tù đã đến chơi, sau đó bỏ đi mang theo vợt và banh; họ còn trở lại chơi nhiều lần nữa; nhưng tù nhân không được phép, kể cả nhìn họ chơi! Một tuần sau bàn ping-pong, cũng như những bàn khác ghế dài, kệ sách, tất cả biến mất …

Trong bệnh xá, chúng tôi cũng phải quét dọn tất cả chỉnh đốn lại mọi thứ: những biểu đồ về số người đến khám bệnh, số người bị bệnh và những ngày nằm bệnh viện đã bị gỡ khỏi tường và cất vào hộc tủ bàn giấy “Bí mật quốc gia”, đó là lời cán bộ y tế nói với chúng tôi. Cuộc viếng thăm bệnh xá không có trong dự tính, vì theo lời vài người tù gốc đại tá, bệnh xá “với những song sắt ở cửa sổ, giống như những chuồng cọp nổi tiếng hung dữ của nhà tù Côn Đảo. nhưng nhỏ hơn và ngộp thở hơn”. Theo họ, bệnh xá đáng được gọi là “Chuồng Chó Điên”. Điều này, không tránh cho ông Huệ và tôi, ngày thăm viếng, đổ mồ hôi hột, dưới một chiếc áo blouse dày mới tinh, áo chỉ được cán bộ y tế dùng một hay hai lần khi anh ta phải đứng chụp hình bên cạnh một người tù chính trị chết và làm bộ dạng chẩn bệnh hay tiêm thuốc vào cánh tay “người bệnh” (lệ thường chụp ba kiểu ảnh cho mỗi người tù chính trị từ trần).

Nhưng thành công nhất là sự dàn cảnh trong những đại đội tù nhân nguyên đại tá. Nguyên những người này bị nhốt 90 người trong những buồng dự tính cho sáu mươi người; bởi vậy họ phải trải chiếu trườm lên nhau theo kiểu “vẩy cá ‘ theo lệnh của cán bộ, họ chỉ có thể ngủ bằng cách nằm nghiêng. Vài ngày trước khi có cuộc thăm viếng, người ta thay những chiếc chiếu cá nhân bằng những chiếc chiếu rộng một thước bề ngang và họ phải ngủ hai người một chiếc. Sáng ngày có cuộc thăm viếng, cán bộ đến thật sớm, ra lệnh cho họ chỉ để trên chiếu và trên kệ, một gói mùng mền và một cái túi mà thôi, những đồ khác tạm thời bỏ vào phòng kho. Trên tấm bảng nhỏ ở đầu cửa, thường dùng để ghi nhân số trong ngày của tù nhân (để tiện việc kiểm soát hằng ngày của tổng giám thị), người ta đã xoá con số 90 và thay vào đó con số 45. Ngày hôm đó, tù nhân không được trở về lúc trưa để ăn cơm; người ta đưa cơm ra ngoài đồng, chỗ họ làm việc để tránh cho khách thăm viếng khỏi gặp họ và đặt những câu hỏi khó chịu . Phiền hơn nữa, người ta đã báo trước là triệt để cấm chúng tôi “nói chuyện” với khách thăm viếng.

Quả nhiên, vào dịp thăm viếng xưởng mộc, một nữ phóng viên hỏi một tù nhân: “Anh làm nghề gì trước năm 1975?”. Người tù không trả lời, nhưng nữ phóng viên cố nài và dồn anh đến tận cùng bằng cách hỏi anh có hiểu tiếng Anh hay là điếc hoặc là câm; người tù đáng thương hại này không nhịn được và đã nói rằng anh là giáo sư Anh văn và Pháp văn trong một trường trung học; một người khác cũng bị khiêu khích cách đó, trả lời rằng anh ta là thiếu tá tỉnh trưởng… Chiều trở về trại, hai người bị phỏng vấn bất đắc dĩ này, đã bị phạt như đã hứa: “một tuần ở ngục và bắp khô.”

“Hỡi các phóng viên báo chí và nghị sĩ đi tìm sự thật, chúng tôi năn nỉ quý vị đừng đến thăm chúng tôi nữa! Quý vị sẽ không thấy ở đây cái gì là thật cả và dù có thiện chí cho đến đâu, các vị cũng chỉ làm khổ thêm cho chúng tôi!”.

Đó là lời mong ước của tất cả tù nhân chính trị trong các trại tập trung cải tạo ở Việt Nam.

Về những cuộc viếng thăm này, nguyên đại tá Hoàng văn T. đã kể cho tôi nghe về một cuộc phiêu lưu lạ lùng đã xẩy ra cho hai vị nguyên tướng lãnh. Một ngày nọ, hai cán bộ từ bộ Nội Vụ xuống đề nghị các ông đi với họ vài ngày để gặp vài nhà báo ngoại quốc. Vì các ông muốn từ chối, một cán bộ chánh trị nói với họ rằng không phải sợ gì cả; nếu họ không muốn trả lời các nhà báo, một cựu đại tá của quân đội miền Nam Việt Nam sẽ trả lời thay họ, người ta chỉ cần họ có mặt! Dù họ có muốn từ chối, người ta cũng cho biết không thể được! Vậy là công an để họ lên băng sau xe jeep và trong khi mọi người chuyện trò xe bắt đầu chuyển bánh dưới ánh mặt trời buổi sáng. Đi ngang một gánh mì, cán bộ nói nếu họ có tiền và nếu họ muốn, người ta có thể dừng lại để họ ăn. Các tướng lãnh của chúng ta không mong gì hơn là thế. Chiếc xe jeep liền đó dừng lại khi gặp quán ăn đầu tiên, nhưng cán bộ ở lại trên xe và để hai người tù vào quán ăn mì; nửa giờ sau họ rời quán, lại lên xe và độ mười cây số sau, đã tới trước một biệt thự, cách không xa một huyện lỵ.

Trong biệt thự, ngoài nhiều thứ khác, có một phòng khách, một phòng ăn,một phòng ngủ dành cho họ; phòng này có hai giường, với nệm, drap và mền … Ở đó họ gặp một người tự giới thiệu là một cựu đại tá của quân đội Cộng Hòa Việt Nam, nhưng họ không sao nhớ mặt được. Trong bữa cơm trưa sau đó, mọi người trò chuyện và ông đại tá cho biết chi tiết về những năm sống ở đơn vị này hay đơn vị khác; với những thượng cấp này hay thượng cấp kia … Bữa cơm thật tuyệt : chẳng phải mỗi người có một miếng beefsteak mà họ đã quên mùi vị từ hơn ba năm nay rồi sao ? Sau bữa ăn, họ tự hỏi thật lạ làm sao mà sự nghiệp của họ, hai ông tướng và ông đại tá, lại không bao giờ có dịp gặp nhau, nhưng những chi tiết rõ ràng mà ông đại tá này nói với họ, tuy vậy mà đúng với sự thật. Bữa cơm chiều cũng ngon như vậy, cũng như những bữa cơm của ngày hôm sau; họ ngủ với đầy đủ tiện nghi trong hai đêm, nhưng những nhà báo mà người ta đợi không đến. Ngày thứ ba, công an báo cho họ hay là cuộc hẹn với các nhà báo đã được hủy bỏ và phải lập tức trở về trại. Họ lại lên băng sau xe jeep, nhưng lần này với xiềng xích nơi tay! Không còn chuyện ăn mì nữa, người ta chạy một mạch tới cổng trại 52A và chỉ tới đó, người ta mới mở xích khoá cho họ! Các tướng của chúng ta không thể không hài lòng: hai ngày ăn ngon, và có mì ăn nữa chớ, đối với một người tù Việt Cộng có phải ít đâu!

Một buổi sáng tháng hai năm 1979, từ sớm tôi thấy một người bệnh được hai người đồng bạn khiêng đến, người xanh xao, phì, và hầu như bất tỉnh. Tôi nhận ra liền đó là Trương Quang Hậu, ở đội đan lát cũ mà tôi đã được cho về đó trước khi về bệnh xá. Những đồng bạn đang bồng anh nói rằng Hậu đã tình nguyện tuyệt thực từ một tuần rồi để chống lại việc triển hạn giam giữ chúng tôi. Hai ngày trước đây, họ đã muốn đem anh ấy đến bệnh xá, nhưng quản giáo không cho phép. Chỉ đến sáng nay khi Hậu bất động cán bộ mới cho phép đưa lên bệnh xá. Tôi khám bệnh nhanh chóng và xác định là Hậu đang ở trong một tình trạng kiệt sức cực điểm: huyết áp thấp, mạch chậm, hơi thở hết sức yếu ớt. Tôi lập tức chích cho anh ta tất cả số dự trữ về dung dịch glu-cô mà tôi hiện có, cả thảy sáu ống mỗi ống năm phân khối! Tôi bảo Tài xuống bếp hỏi xin một ít đường và bảo họ nấu cho chén cháo. Ở lại một mình với Hậu tôi ngồi xuống bên thành giường của anh, cầm tay anh trong tay tôi, cố gắng thuyết phục anh ăn trở lại. Tôi nói với anh rằng, bây giờ tất cả các bạn ở trong trại đã biết anh tuyệt thực để phản đối rồi, anh không cần phải tiếp tục nữa, rằng tốt hơn hết anh phải ăn uống lại để chiến đấu dưới một hình thức khác và anh còn sống những người khác có thể nhìn nơi anh một tấm gương để theo. Nếu anh mất đi, trái lại, rất nhanh không còn ai nhớ đến hành động can đảm của anh nữa! Hậu không trả lời gì. Cái nhìn của anh vẫn dửng dưng như thế; có thể anh đã chớp mắt ? Lúc bấy giờ Tài trở về đem theo một chén nước có đường và một cái muỗng. Tôi múc một ít nước đường và đưa đến gần môi Hậu; sau một chút do dự, anh hé mở miệng ra để tôi có thể đổ nước đường vào, rồi anh tiếp tục như thế từng muỗng một. Lúc bấy giờ có nhiều việc cần phải làm, tôi giao muỗng cho Tài tiếp tục cho anh uống. Cán bộ y tế lúc đó đã đến; tôi kể lại trường hợp của Hậu và nói với anh rằng ở trại chúng ta không có phương tiện vật chất nào để cứu anh và phải chuyển anh về nhà thương Hà Đông. Anh ta trả lời là sẽ đi nói với ban giám đốc trại, cơ quan duy nhất có thể quyết định chuyển một người bệnh qua nhà thương và anh ta bỏ đi không muốn nhìn cả người bệnh!

Trong lúc đó, sau khi cho Hậu uống một nửa chén nước đường, Tài đưa thêm cháo, Hậu chịu ăn vài muỗng, nhưng ngậm trong miệng khá lâu không chịu nuốt rồi nhổ ra ngoài. Sau đó anh từ chối cả nước đường, tôi chích cho Hậu một mũi nikéthamide và cho uống vài giọt trợ tim, nhưng tình trạng chẳng khả quan hơn.

Người trực trong đội của Hậu, đã đến thăm Hậu và kể cho tôi nghe rằng từ tháng 9 Hậu không chịu đi làm nữa; khi người đội trưởng, Phạm T. rầy Hậu vì từ chối đi làm, Hậu trả lời rằng: khi người ta đã áp đặt cho anh một bản án là ba năm cải tạo trong trại tập trung, thì anh không có bổn phận phải đi làm khi thời hạn ấy đã qua từ lâu. Phạm T. choáng váng, chạy đi kể lại những lời này cho cán bộ quản giáo, anh này đến nói chuyện với Hậu, chuyện này kéo dài khá lâu và cuối cùng cán bộ ra lệnh cho Phạm T. để Hậu yên, cho phép tùy ý đi hay không đi làm việc. Nhưng tuần trước Hậu có nói với vài người bạn là anh đã chán việc chờ đợi và anh sẽ bắt đầu tuyệt thực để người ta cho anh “về hay chết”; nhiều bạn anh nhất định khuyên can, nhưng Hậu cương quyết từ chối và bắt đầu tuyệt thực.

Tôi đợi cho đến trưa và vì cán bộ y tế không đến, tôi quyết định đi nhờ ông Huệ can thiệp đùm. Tôi gặp ông ấy đang ăn cơm trưa. Tôi trình bày trường hợp của Hậu và nói là tôi đang chờ cán bộ y tế đến và hỏi ông ta xem có thể nào giúp thêm vào lời yêu cầu di chuyển này không vì Hậu sắp chết. ông Huệ đặt đũa xuống bàn, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói:

“Chuyển Hậu qua nhà thương à? Để cho tất cả mọi người biết là trong trại này có một người tù chính trị đang tuyệt thực làm reo chăng? Cán bộ y tế sẽ không dám kể trường hợp này cho giám đốc! Anh ta sẽ bị cảnh cáo tức thì. Còn về chuyện xin di chuyển, anh ta không khi nào dám nghĩ đến!”

Số phận của Hậu vậy là đã an bài rồi!

Trong buổi xế trưa, tôi rất khó khăn kiếm được hai mươi ống dung dịch glu-cô loại năm phân khối; và cũng khó mà chích cho anh ta, vì tôi chỉ có một ống chích năm phân khối. Tôi quyết định mỗi giờ chích cho anh mười phân khối, cho đến mười giờ đêm, sau đó cách hai giờ một mũi. Sáng hôm sau lúc bẩy giờ, Hậu hấp hối : tiếng thở ran của anh vang dội từ đầu này qua đầu kia bệnh xá. Tôi hoài công đợi cán bộ y tá đến! Đúng, hôm nay, anh ta không đến! ông Huệ tới nhìn người bệnh vài phút và nói: “Tội nghiệp kẻ bất hạnh!”, ông lắc đầu, tỏ dấu bất lực rồi bỏ đi về nhà.

Tôi thật hoàn toàn ý thức về sự vô ích của cách chữa trị kém cỏi của trại, nhưng một cái gì đó trong lương tâm thúc đẩy tôi cứ kiên trì: tôi chích cho anh ống nikéthamide cuối cùng. Tới nửa đêm, tôi thức dậy để chích cho anh hai ống dung dịch glu-cô, rồi ngủ đến hai giờ sáng tôi thức dậy để chích thuốc một lần nữa. Tôi run lạnh khi thức giấc, vì trời rất lạnh vào tháng hai ở ngoài Bắc, tôi chui liền dưới mền khi xong công việc và ngủ liền. Khoảng bốn giờ sáng, tôi giựt mình thức dậy vì bị đau nhói ở ngực, đau như bị dao găm đâm thường thấy tả trong các sách y học. Tôi nghĩ là mình đã bị viêm phổi rồi, thật vậy tất cả triệu chứng đều hội đủ để xác định bệnh: lạnh giá, suy nhược trong một cơ thể yếu đuối toàn diện vì thiếu dinh dưỡng.

Mười lăm phút, nửa giờ trôi qua, cơn đau giảm dần, nhưng cũng còn khá mãnh hệt, và tụ lại rõ ràng hơn ở phần trước ngực. Điểm đau này thường không thấy trong bệnh viêm phổi, nhưng những triệu chứng của một bệnh phải chăng lúc nào cũng giống như trong sách vở. Tôi trăn qua trở lại trên giường . . . Tôi nằm sắp xuống, một tay đặt lên gối; cái gối này xẹp xuống để một phần ngực đưa vào đấy và … không cần tìm, tôi nghe nhịp tim đập : nhịp đập bất thường, từng nhóm sáu tiếng đập, được tiếp theo bởi một khoảng nghỉ dài. Tôi đếm: 1, 2, 3, 4, 5, 6, nghỉ 1, 2, 3, 4, 5, 6 lại nghi và tiếp tục như thế, mỗi lần tim ngưng đập tôi tự hỏi không biết nó có đập trở lại chăng? Vậy là chẩn đoán sai rồi: không phải tôi bị sưng phổi, nhưng đang bị đau động mạch tim. Nếu là viêm phổi, tôi đã nghĩ đến thuốc péniciline có ở bệnh xá, nhưng mà đau thắt ngực, không có thuốc gì để trị cả, kể cả nơi tủ thuốc của bệnh xá nhân viên! Xin di chuyển về bệnh viện Hà Đông chăng? Điều đó khó lắm! Đã có một trường hợp “viêm động mạch tim” trong toán chúng tôi mà bệnh nhân ấy cũng không được nhận vào bệnh xá; ban giám đốc trại chỉ cho phép “được nằm bệnh viện” những bệnh nhân có triệu chứng bệnh nặng rõ ràng! Người bệnh này đã có ba cơn đau rồi, may mà anh ta có thuốc sẵn trong hành lý! Tôi đang nghiền ngẫm những ý nghĩ ấy, đột nhiên tôi nhận ra rằng không còn nghe tiếng rên vang dội của Hậu nữa. Anh ấy đã tắt thở rồi chăng ? hay là đã tỉnh lại ? Chầm chậm thời gian trôi qua, tiếng gồng báo thức vang lên, tôi gọi Tài ngủ phòng bên cạnh:

” Anh Hậu ra sao rồi ?

– Anh ấy đã chết khoảng bốn giờ sáng!

– Anh chịu khó, ngay khi cửa mở, đi tìm ông Huệ và tin cho ông ấy rằng Hậu đã chết, và chính tôi cũng bị cơn đau tim, và tôi không thể dậy để làm việc”.

Ông Huệ đến rất mau, tôi tin cho ông biết trong hoàn cảnh nào tôi bị đau động mạch tim và những lo lắng của tôi về sự thiếu thuốc chữa. Ông ấy khích lệ tôi và bảo tôi có thể nghỉ ở giường, ông sẽ lo mọi công việc của tôi trong vài ngày. Một giờ sau, ông ấy trở lại, cho tôi một gói bánh mì nướng (mà ai đó đã biếu cho ông) và một cuốn sách nhỏ hướng dẫn điều trị của bộ Y Tế Hà Nội. Ông ấy chỉ cho tôi bài “Đau thắt lồng ngực” trong ấy người ta viết là có thể dùng atropine để trị bệnh ấy. Tôi rất hài lòng vì atropine thì chúng tôi có mà có nhiều nữa. Ông ấy liền bắt đầu chữa cho tôi, điều trị trong năm ngày, mỗi ngày hai ống atropine 1/4 mg, rồi bẩy ngày tiếp theo mỗi ngày một ống. Tôi nghỉ được ba ngày, ngày thứ tư tôi bắt đầu làm việc lại và ngày kế đó tôi làm việc lại bình thường. Trong mười lăm ngày, tôi nhịn hút thuốc và uống trà và trong một tháng tôi tự cho phép uống một chén trà và hút một điếu thuốc mỗi ngày mà thôi.

—> Chương IX
<— Mục Lục

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, Paul Trần Vỹ. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời