CÕI ĐÁ VÀNG (Nguyễn Thị Thanh Sâm): chương 21-hết

coi-da-vang
(tiếp theo)

CHƯƠNG XXI

Con chó già khoanh mình nằm ngủ dưới một cành mai nở vàng biếc. Ánh nắng đầu xuân phủ lên lớp lông xám nhạt của nó một lớp gợn sáng rung rinh.

Một con bướm cánh màu xanh ngọc có điểm chấm màu nâu bay lượn trong nắng đáp xuống đậu trên cái tai nhỏ bé của con chó. Con chó già đang ngủ nhưng vẫn biết có con bướm mùa xuân đến đậu trên lỗ tai mình. Nó khẽ máy đôi tai, tức thì con bướm bay cao lên đến đậu trên một hoa mai, cánh hoa mỏng manh trĩu xuống, bướm lại khoan thai bay qua một chùm hoa khác, một ít phấn vàng dính theo chân bướm.

Tuy cái Tết năm nay chồng bà Thị không về được nhưng trong nhà không khí Tết cũng đầy đủ và trang trọng với căn nhà thờ xanh biếc ánh nến và trầm hương.

Mặc dù đêm qua cả nhà đều thức khuya nhưng sáng nay mọi người đều dậy sớm. Tất cả đều y phục chỉnh tề để đón năm mới. Người ta lễ bàn thờ tổ tiên và chúc tụng lẫn nhau.

Hơn hai năm nay từ ngày người con gái của bà Thị mất đi. Tết năm nay trong nhà bà mới lại thấp thoáng những tà áo màu tha thướt của các cô gái, nó làm cho căn nhà trở lại sống động và có vẻ Tết hơn bao giờ cả.

Sáng nay Thương mặc một chiếc áo dài lụa màu túy ngọc, chiếc quần sa tanh trắng có viền thêu rất công phu dưới gấu, nàng mang một đôi giày da đen bóng, nàng đi lại trong nhà, châm thêm nước trên bàn thờ, giúp bà Thị sắp đặt lại cỗ cúng. Khuôn mặt trắng mát tươi đẹp, dáng điệu dịu dàng trang trọng của nàng tương phản với Thể My riu ríu như chim khuyên trong chiếc áo dài gấm màu vàng hoàng hậu, mái tóc thắt hai cái nơ trắng dát kim tuyến óng ánh trên màu tóc đen huyền. Nhìn hai cô gái ở thành phố về quê Trần liên tưởng đến những người con gái của miền kháng chiến, quanh năm suốt tháng họ chẳng có cái gì ngoài những bộ áo bà ba màu nâu hoặc đen trắng, chân mang dép cao su đen. Thế mà họ vẫn có những vẻ đẹp thanh thoát lạ lùng không thua kém gì những cô gái đài trang trong thành phố.

Bà Thị vừa lễ bàn thờ cúng mồng một Tết xong. Bà mang một nén hương ra khấn vái ngoài sân. Bà vái lạy khắp bốn phương, đoạn mang nén hương ra cắm ngoài cổng ra vào, để cho những linh hồn trong gia tộc phiêu dạt khắp nơi, mùa xuân đến cũng nương theo khói hương mà trở về dưới mái nhà xưa của họ lúc sinh thời.

Giữa buổi sáng đầu xuân, ánh nắng chiếu trên khuôn mặt của người đàn bà hiền hậu phảng phất một vẻ buồn kín đáo, vẻ buồn khiến ta liên tưởng đến bao mùa xuân lộng lẫy xa xưa. Tóc bà vấn trần, một đôi hoa tai ngọc bích xanh đậm trên đôi tai đầy đặn. Bà mặc một chiếc áo dài bằng hàng len màu xám, quần đen bằng hàng lĩnh tuyết nhung, chân vận đôi hài nhung màu đen, vóc người hơi mập, cử chỉ chậm rãi oai nghiêm, bà Thị là hiện thân cho những gì bền vững và ấm cúng của những gia đình Đông phương. Hiện giờ bà đang có việc phải nghĩ ngợi, đó là việc hôn nhân của Trần và Thương mà mẹ Trần đã giao phó nhờ bà thu xếp. Thương và Thể My chỉ còn ở lại đây ba ngày, sáng mồng bốn hai cô gái đã phải trở về thành phố. Từ chiều hôm qua khi Trần trở về, cùng gia đình canh nồi bánh tét trò chuyện tới khuya, bà đã âm thầm theo dõi thái độ cử chỉ của Trần đối với Thương, nhưng linh cảm của đàn bà khiến bà nhận thấy sự trìu mến hồn nhiên của Trần đối với Thương chỉ là sự vui mừng gặp lại người thân thuộc của gia đình sau bao năm xa cách mà thôi. Có một cái gì nơi Trần khiến bà thấy mọi sự có vẻ không xuôi chèo mát mái. Cũng bằng linh tính của đàn bà mà bà rất hiểu rõ lòng Thương. Người con gái mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, đã về ở trong gia đình Trần từ thuở bé, nàng đã dành cho gia đình Trần một tấm chân tình ngây thơ cảm động, riêng đối với Trần, nàng đã để lộ niềm yêu thương thắm thiết. Bà Thị mải mê suy tính trong lòng, bà sẽ dàn xếp cho chúng có dịp nói chuyện riêng với nhau để gần gũi nhau hơn nữa. Thời buổi bây giờ không còn như trước, phải để cho đôi trẻ được quyền tự định đoạt lấy việc đời của họ, bà chỉ âm thầm khuyến khích mà thôi. Nghĩ đến đấy, trong óc bà thoáng hiện một sự sắp đặt khá tinh tế. Bà mỉm cười một mình, quay bước trở vào nhà.

Vừa ngang qua sân, bỗng bà đứng khựng lại, một tràng súng nổ rền vang về phía cánh đồng xa, những tiếng nổ ròn khô khan, xoáy mạnh như ghim vào từng bụi cây đám cỏ. Con chó già đang ngủ vụt dậy sủa vang lên, rồi cúp đuôi chạy biến ra sau vườn. Con bướm có đôi cánh xanh biếc đang đậu trên cành mai vàng chợt chao cánh, hốt hoảng như muốn lộn lèo giữa khoảng không. Những cánh hoa mai rung động, bàng hoàng run rẩy. Bà Thị vẻ mặt lo lắng nhưng vẫn bình tĩnh bước vào nhà.

Trần đang đánh cờ tướng với Tâm, con trai bà Thị, Thương và Thể My ngồi xem hai bên. Nghe tiếng súng hai cô bé đứng bật dậy, vẻ mặt lo sợ. Trần vẫn cúi đầu nghĩ ngợi nước cờ, chàng hơi nhíu mày, nhưng không ngẩng lên. Tâm ngước mắt nhìn Trần, hơi e ngại, nhưng thấy chàng vẫn chú tâm vào ván cờ, nó cũng yên lặng cúi xuống tiếp tục nghĩ thế cờ.

Bà Thị từ ngoài bước vào:

– Không biết cái gì mà súng nổ gần như thế?

Người lão bộc, già Mót, đang ngồi sưởi trong bếp, đứng dậy đi thẳng ra ngoài:

– Để tôi đi ra xem cái gì.

Thể My chạy đến bên Trần:

– Có sao không hả cậu, cháu sợ quá.

Trần không nói gì; lấy tay đẩy một con cờ, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Tiếng súng lại nổ vang lên, nghe gần hơn. Có tiếng chân người chạy dồn dập ngoài đường quan. Tâm nhẹ nhàng nhắc lên một quân cờ, chiếu tướng. Trần thở ra:

– Anh chịu thua em rồi đó.

Bà Thị lắc đầu:

– Súng nổ thế mà hai anh em cứ chúi vào bàn cờ. Tết nhất mà họ làm gì thế chả biết.

Trần đứng dậy, khoác vai Thể My:

– Nào, cô bé của cậu, đừng có hốt hoảng lên thế, vậy mà cứ đòi đi kháng chiến, cháu của cậu anh hùng ghê, để cậu xem nào, nghe tiếng súng có vẻ gần vậy chứ kỳ thật là nó nổ xa lắm. Tận làng dưới, ngoài sông kia lận. Tuy nhiên phía đó cơ quan của cậu đóng ở đó. Có lẽ cậu phải về xem sao.

Bà Thị nhìn Trần lo sợ:

– Đâu có được, súng đang nổ dữ dội, chưa biết tình hình ở ngoài ra sao, làm sao mà đi được.

Thương đứng lặng, đôi mắt trân trân nhìn Trần có vẻ cầu khẩn van lơn. Thể My níu cứng cánh tay Trần:

– Cháu không cho cậu đi đâu, cậu bỏ bà và hai đứa cháu ở lại như thế này mà cậu yên tâm đi được hay sao?

Già Mót bước vào, giọng khinh khỉnh:

– Cái tụi Tây thiệt không ra gì hết. Ngày Tết của người ta mà cũng làm rộn. Tây ở đồn làng trên sáng nay qua bên kia sông làm gì không biết, đụng nhau với mấy bộ đội của mình đang đánh nhau bên đó. Lại có cả ca nô chở lính ở trong Huế về nhiều lắm, ba bốn chiếc ca nô đang đi ngoài sông đó.

Lão nhổ toẹt xuống đất, đưa tay gãi gãi cái đầu cạo trọc, tóc bạc trắng lởm chởm:

– Thiệt là cái lũ vô đầu vô vị, được ba ngày Tết người ta cúng giỗ tổ tiên mà chúng nó cũng kéo nhau đi phá làng phá xóm cho được, bắn dữ rứa thì ông bà mô mà thèm về nữa.

Mọi người yên lặng lắng nghe, ngoài sông có tiếng động cơ rù rù vọng lại, Trần nói:

– Như thế này là chúng lợi dụng ngày Tết, ai nấy đều lo lễ lạc không đề phòng nên chúng tập trung quân đổ về tấn công các đơn vị kháng chiến của mình đấy cô ạ.

Vùng của ta không sao đâu vì không có bộ đội ta đóng và cũng nhờ gần Huế. Nhưng bên kia sông và miệt dưới thì có nhiều cơ quan và các đơn vị của ta đóng. Cháu e rằng đánh to đây, bây giờ cháu phải đi, vì cháu cần có mặt bên các bạn cháu.

Trần không nhìn ai cả, quay lưng đi thẳng lên nhà trên.

Trong khi chàng đang lúi húi xếp những đồ vặt vãnh vào ba lô, bà Thị theo lên một mình. Bà buồn rầu hỏi Trần:

– Cháu đi như thế này cô lo sợ quá, và còn chuyện Thương nữa, cháu đã có ý định gì chưa, cô sẽ trả lời với mẹ cháu ra sao đây?

Trần nhìn cô, chàng hơi nhíu mày, nhưng giọng chàng vẫn ôn tồn:

– Xin cô đừng lo, cháu thuộc đường sá quanh vùng này, các trạm liên lạc của ta sẽ cho cháu biết tin tức và đường đi nước bước, cháu không sao đâu mà cô lo. Còn về chuyện vợ con của cháu, xin cô hãy kể lại cho mẹ cháu nghe hôm nay cháu phải rời nhà ra đi sớm hơn ngày đã định ra sao, mẹ cháu tất sẽ hiểu. Ngay trong lúc này cháu đang ở đây, có bao nhiêu bạn đồng đội của cháu đang lâm trận, cũng có thể có người đang gục ngã, làm sao cháu có thể nghĩ đến chuyện đó bây giờ cho được. Xin mẹ cháu và cô khoan vội lo việc đó, vì cháu chắc cô cũng thấy là không phải lúc.

Bà Thị chép miệng:

– Cháu nói vậy cô cũng đành vậy. Nhưng còn Thương cô biết là nó cũng nghĩ đến cháu nhiều, mà đâu phải tính ngay bây giờ, chỉ cần cháu bằng lòng một tiếng rồi bao giờ cũng được.

Trần nói với cô bằng giọng nhẫn nại:

– Thưa cô từ bao lâu chúng ta đã xem Thương như người trong gia đình, Thương có quyến luyến cháu là do tình cậu cháu chơi đùa với nhau từ thuở bé mà thôi. Hiện Thương cũng còn thơ ngây lắm, chưa biết gì đâu, chúng ta nên để cho Thương học hành, đừng gieo vào trí óc nó chuyện người lớn làm gì. Cháu quý Thương cũng như Thể My và không thể mỗi lúc xem khác đi được. Xin cô hiểu và nói với mẹ cháu. Cháu sẽ viết cho mẹ và chị cháu sau. Bây giờ cháu phải đi, xin cô đừng buồn, hãy cầu nguyện cho cháu. Nhé, cô nhé.

Bà Thị lặng lẽ gật đầu, Trần xốc quai ba lô lên vai, cúi chào cô đoạn bước vội xuống nhà ngang. Thương và Thể My đứng đó, vẻ chờ đợi. Thể My chạy lại ôm lấy Trần:

– Cậu đi thật đấy à? Sao cậu lại đi trong lúc súng bắn nhiều thế kia? Cháu sợ quá, bà ngoại mà biết cậu đi như thế này thì bà khóc lắm, cháu cũng khóc nữa.

Cô bé mếu máo, nước mắt tuôn ra ràn rụa. Trần xúc động, chàng cố gượng cười, vỗ về cháu:

– Ơ, chỉ thiếu chuyện khóc nhè nữa mà thôi đấy nhé. Bây giờ thì đủ rồi, cô chiến sĩ can đảm của cậu, hãy để cậu đi ra ngoài một tí xem sao, lát dứt tiếng súng, yên cậu lại về mà, có gì đâu, cháu đừng làm vậy, cậu buồn.

Thương đứng yên, hai mắt mở rộng nhìn Trần, khuôn mặt nàng trắng bạch. Hai ngày nàng về đây, được thấy mặt người nàng yêu, không hiểu sao nàng có linh cảm rằng chàng đang sống giữa mọi sự bất ổn về tinh thần, điều đó in dấu trên ánh mắt ưu tư, trên nét mặt khắc khổ của chàng. Trong những mẩu chuyện mà chàng vui đùa với Thể My, chàng đã để lộ cho nàng thấy đời sống của chàng chứa chất biết bao đắng cay đau khổ. Bây giờ chàng lại sắp ra đi, tiếng súng ác nghiệt ngoài kia thúc giục réo gọi chàng. Bây giờ nàng đang nhìn tận mắt tính mạng của chàng đang bị đe dọa, chàng sắp rời khỏi căn nhà này, đi về phía có tiếng súng vang âm từng tràng sau những cánh đồng, những lũy tre, những hàng cây xanh um kia.

“Chàng đi đến đó làm chi kìa?” Nàng đau đớn tự nhủ, hai tay nàng buông thõng. “Nhưng chàng đã sẵn sàng để đi, trông kìa, không ai có vẻ sẵn sàng hơn thế nữa, chàng đứng đó mà tâm trí chàng đã thoát đi tận đâu đâu, về phía tiếng súng khủng khiếp vẫn nổ giòn ở xa kia, quả thật, chàng không bao giờ, không bao giờ có thể là của mình cả, cũng không thể là của ai cả. Mình chỉ là một đứa bé mơ ước hão huyền. Chàng sắp đi đến đó, đi đến với cái số phận khắc nghiệt của chàng, còn mình, ở lại đây, trơ trọi, không có gì cả, không còn gì nữa.”

Thương hoang mang tự hỏi: “Có thật đúng như vậy không?”

Nàng mơ hồ thấy Trần tiến lại bên nàng, quàng tay qua vai nàng siết nhẹ, giọng chàng trầm ấm:

– Thương buồn à? Cậu đi một lát cậu về ngay thôi mà.

Chàng cúi nhìn sâu vào mắt Thương:

– Nào, cháu can đảm lên chứ, hãy cười cho cậu đi được may mắn xem nào. Cậu cần Thương can đảm, có như thế cậu đi sẽ được bình yên. Ừ, có thế chứ, cháu cười đẹp lắm, đó là dấu hiệu chúc lành. Thế là không có súng đạn nào động đến cậu được đâu.

Chàng hôn phớt trên mái tóc Thương:

– Thôi cậu đi nhé.

Chàng nựng cằm bé Tâm đứng gần đó:

– Đợi anh về đánh cờ nhé.

Tâm la lên: – Anh về ngay nhé.

Trần gật gật đầu băng ngang qua già Mót đang đứng nhìn chàng băn khoăn, chàng đặt tay lên vai ông lão:

– Tôi đi già Mót nhé.

Đoạn chàng đi thẳng ra sân, khuất sau hàng giậu chè tiên xanh ngắt có những sợi tơ vàng óng ả uốn lượn bên trên.

Tiếng súng bên kia sông vẫn nổ suốt ngày mồng một, lúc gần lúc xa, nhưng khi chiều xuống, đêm về, mang trả lại sự tĩnh mịch cho đồng quê. Sự yên lặng của đêm đen đè nặng xuống tâm tư mọi người. Bà Thị và hai cô gái thức rất khuya để chờ Trần về. Mỗi tiếng xào xạc của lá cây lay động ngoài vườn, tiếng đập cánh của một con chim đêm, tiếng gió luồn qua khe cửa đều làm cho họ nhìn nhau nghe ngóng hy vọng.

Đúng như Trần đã nói, trận chiến xảy ra suốt mấy ngày đêm, luôn ba ngày Tết, máy bay Pháp bay ra bắn phá, giội bom liên miên những làng miệt dưới bên kia sông.

Suốt ba ngày, ba người đàn bà ra sân đứng nhìn những chiếc máy bay lồng lộn trên không phận cuối lũy tre xa xa xanh thẳm, thả hàng giây bom nổ rền trời, và sà xuống bắn phá không ngừng trên những làng mạc, ở đó họ biết rằng Trần đang có mặt. Lại những đêm về chờ đợi, những ngày đón nghe tin tức, người chết, nhà cháy, giặc đi lùng, hãm hiếp.

Thể My không cười vui nữa, nét mặt vô tư hồn nhiên của cô bé đã vương nếp buồn đau, khắc khoải.

Thương im lìm câm nín, nàng âm thầm cầu nguyện cho Trần, nàng niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, xin che chở cho chàng. Giữa những phút giây cầu nguyện, thỉnh thoảng một ý nghĩ kinh hoàng len vào tâm tư khiến người nàng lạnh tê buốt cóng. Nàng run rẩy đi tìm bà Thị, nàng tìm thấy bà quỳ trên chiếu trải trên nền gạch, trước bàn thờ Phật, nét mặt hiền hậu của bà thành khẩn trong dáng điệu cầu xin, ngước lên tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, đôi mắt thiết tha thờ phụng, tay bà lần tràng hạt, quang cảnh ấy khiến lòng Thương dịu lại, như được nâng đỡ, nàng rón rén quỳ xuống bên cạnh bà Thị, ngẩng lên nhìn Đức Phật, nét mặt từ bi nhân ái của Ngài mang lại cho lòng nàng niềm yên ủi vô biên. Mắt đẫm lệ, Thương miên man cầu nguyện không nhận thấy Thể My cũng nhẹ nhàng quỳ bên cạnh nàng từ bao giờ không biết.

Ngày mồng ba, tiếng súng đã ngớt, buổi chiều có một người lạ tạt qua nhà bà Thị, đưa một mảnh giấy rồi đi ngay. Mảnh giấy nhàu nát, không có phong bì:

“Cháu bình yên, chưa thể về được, xin cô và cả nhà đừng lo. Thương và Thể My về nhà cho cậu gởi lời thăm bà Ngoại và ba mẹ. Hai bé chóng ngoan, học giỏi cậu mừng. Trần.”

Mọi người đều thở ra nhẹ nhõm, vui mừng, không ai nghĩ đến việc Trần không thể trở lại như chàng đã hứa. Thương không ngớt thầm lập đi lập lại trong trí: “miễn là chàng còn đó, miễn là chàng vẫn còn đó.”

Ngày mai Thương và Thể My trở về thành phố Huế, đêm hôm ấy nàng đi tha thẩn khắp căn nhà bà Thị, ở đây nàng đã gặp lại Trần, dù chỉ trong khoảnh khắc, ở đây nàng đã thấy chàng cười nói như trong giấc mơ, nàng đã thấy chàng rời khỏi nơi đây một cách đột ngột, lạ lùng khôn xiết. Nàng còn nhớ đôi mắt dịu dàng, ẩn náu một nỗi đau thương kỳ dị của chàng cúi nhìn sâu trong đáy mắt nàng, giọng nói trìu mến ấm áp của chàng, chiếc hôn phớt nhẹ trên mái tóc như đó chỉ là hơi thở. Ngày mai nàng sẽ trở lại đời sống êm đềm phẳng lặng của nàng trong ngôi nhà của mẹ Trần ở thôn Vĩ Dạ, ở đó nàng đã lớn lên, ở đó nàng xây những ước vọng đầu tiên, ở đó nàng đã mơ mộng qua những buổi chiều trong khu vườn rợp bóng những cành cây nhãn, những chùm nhãn đầu mùa ngọt lịm nhắc nhở ngày chớm sang thu, giòng sông ngang qua sau vườn lăn tăn gợn sóng vàng ánh nắng chiều. Trên những bậc đá xây xuống bến sông, Thương đã bao lần đứng đó, bứt từng chiếc lá tre thả trôi theo giòng nước, buông trôi theo giòng bao nhiêu mộng mơ của tuổi thơ, của tình yêu, của tương lai hoài bão. Người con gái mồ côi là nàng vẫn còn một mái ấm để trở về, để tiếp tục chuỗi ngày bình yên buồn nản, để cầu nguyện mãi mãi cho một người đã dấn thân vào cuộc sống vô thường, đầy nắng rát và lửa đạn. Nàng sẽ chờ cánh chim bay mỏi có lúc phải ngừng, nàng biết rằng nàng sẽ chờ đợi được. Trong tâm hồn trẻ trong suốt của nàng, mối tình từ ngày thơ bé đã khắc ghi như một lời son sắt, cũng như biết bao tâm hồn phụ nữ phương Đông, tình yêu của nàng không mong bù đắp. Yêu là cho tất cả và chấp nhận mọi thua thiệt đau buồn.

—->Chương 22

Advertisement
This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Nguyễn Thị Thanh Sâm and tagged , . Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s