Các rạp hát của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975 (2)

NHỮNG NƠI CÓ PHIM KHÔNG BÁN VÉ

Theo tài liệu số 7 : « « Ngoài những rạp xi-nê bình thường còn phải kể đến những nơi có chiếu phim không bán vé.

-Trường Taberd. Thỉnh thoảng các sư huynh chiếu phim cho học sinh xem vào chiều cuối tuần không có lớp học, phim thì cũ rích, máy thì nhỏ chỉ đủ xem trong phòng lớp. Về sau này, khi có auditorium khang trang với balcon đàng hoàng không thua gì các rạp xi-nê lớn ngoài phố. Tôi được xem phim Ivanhoe (1952) ở đây. Học sinh nội trú Taberd được xem phim mỗi tối Chúa Nhật. Phim tôi nhớ nhất là Titanic (1953) lúc tàu đang chìm, ban nhạc và những người ở lại với chiếc tàu cùng nhau hát bài Chúa ơi con nay gần kề … thật cảm động. Mặc dù bị đám học sinh nội trú chê là ciné Taberd toujours local, các sư huynh ở đây tiến bộ hơn các sư huynh ở tỉnh, những pha cụp lạc hôn hít vẫn được tôn trọng để nguyên cho học sinh xem. Trái lại, khi tôi học nội trú ở trường Saint Joseph, Mỹ Tho, phim nào có cảnh hôn hít đều bị cắt xén trước khi chiếu. Có lần, vì không kịp kiểm duyệt trước nên lúc chiếu có màn hôn hít, sư huynh phụ trách bèn điều chỉnh cho hình ảnh mờ đi chẳng còn thấy cái gì mặc cho đám học sinh la ó om xòm.

-Đơn vị Công Binh. Nhà của tôi ở gần một căn cứ quân đội. Một thượng sĩ được lệnh chiếu phim mỗi tuần vài ba đêm cho trại gia binh xem. Phim thuộc loại 16mm mượn của quân đội Hoa kỳ nên dĩ nhiên là chẳng có phụ đề Việt ngữ gì cả. Ngược lại, phim rất mới và không có chiếu ngoài rạp Sài Gòn, hoặc ít ra cũng phải một hay hai năm sau mới có chiếu như phim Les Félins (1964). Điểm ngộ nghĩnh của nơi chiếu phim này là người chiếu phim lại cần đến khán giả. Những phim nào dễ hiểu thì bà con còn coi cho vui, phim nào khó hiểu thì bà con bỏ đi về hết một phần vì trời tối khuya khoắc. Có lần chỉ còn tôi và một người bạn ráng ở lại để cho thượng sĩ phụ trách vui lòng. Một điểm kỹ thuật là máy chiếu phim không có hoặc hư hoặc mất cái ống kính chiếu phim đại vỹ tuyến nên gặp phim loại này là hình ảnh cứ dẹp lép theo chiều đứng. Thượng sĩ chiếu phim bèn nghĩ ra cách là để máy chiếu nằm chéo góc với màn ảnh nên xem cũng tạm tạm mặc dù một bên lớn, một bên nhỏ. Tôi được xem những phim độc đáo như Goldfinger (1964), She (1965) …

-Câu Lạc Bộ Mỹ. Nhờ chơi nhạc trong các căn cứ quân đội Hoa Kỳ, tôi được mấy anh G.I.s mời trở lại thăm viếng và cùng xem xi-nê với họ. Như đã nói, đây là những phim 16mm nhằm giải trí cho quân nhân Hoa Kỳ. Tôi được xem phim Your Cheatin’ Heart (1964) kể lại cuộc đời của ca sĩ nhạc country Hank Williams. Phim loại này chắc chắn khó được các nhà phân phối phim Sài Gòn mua nhập vì người Sài Gòn có thể nói rằng chẳng hề biết Hank Williams là ai cả. Nói về nhập cảng phim, tôi vẫn còn nhớ đến hãng Cosunam khi mở đầu phim luôn có cảnh bộ lư đang hun khói cùng với đoạn nhạc hiệu lập đi lập lại nghe đến phát chán. Ngoài ra còn có hãng Mỹ Vân đã đóng góp rất nhiều cho nền điện ảnh Sài Gòn qua phần nhập cảng, chuyển âm và sản xuất phim.

-Đài Truyền Hình Số 11. Khai sinh cùng lúc với Đài Truyền Hình Số 9, Đài 11 của quân đội Hoa Kỳ nhằm thông tin và giải trí cho quân nhân và nhân viên Mỹ ở Sài Gòn. Tiết mục chương trình có phần chiếu phim. Nhiều phim rất hay đã được chiếu qua Đài 11. Tôi còn nhớ có phim The Last Man on Earth (1964) do Vincent Price đóng. Về sau, rạp ở Sài Gòn có chiếu phim The Omega Man (1971) do Charlton Heston đóng với cốt truyện tương tự nói về người sống sót cuối cùng trên địa cầu … Đài 11 tồn tại cho đến sau khi Hiệp Định Paris được ký kết năm 1973 và toàn bộ cơ cấu quân đội Hoa Kỳ rút đi. Những đêm cuối cùng trước khi Đài 11 tắt sóng, tôi được xem phim Un Homme et une Femme / A Man and a Woman (1966).

-Hội trường của công ty Shell. Được biết ở đây có chiếu phim, tôi đến xem phim Play Misty For Me (1971). Chỉ xem có một lần nên không biết có chiếu nhiều lần hay không, nếu có thì tôi đã bỏ lỡ cơ hội rất tốt vì căn cứ theo phim đã xem thì nơi này chọn lựa phim rất hay. » »

Dưới đây là một rạp hát chỉ có trong tài liệu CNH, đó là Rạp chiếu phim 2 bánh lưu động – (Xem hình dưới đây chụp vào năm 1972):

« « Vào những năm 1960 kéo dài tới 1970, trên đường phố ở khu Tân Định-Dakao, có một rạp hát 2 bánh di chuyển từ xóm này sang xóm khác để chiếu phim cho trẻ con. Ông chủ rạp này bắt lên 1 chiếc xe đạp hay 1 chiếc xe gắn máy 2 bánh, một thùng dùng làm màn ảnh và một máy chiếu phim cho những cuốn phim ngắn khoảng 5 hay 10 phút, thường là phim trắng đen Charlot hay Laurent Hardy. Giá vé vào cửa (mặc dầu rạp này không có cửa) khoảng vài cắc hay một đồng. Trước khi chiều, chủ rạp mở các lỗ đục trên thùng, khán giả trẻ con đứng dán mắt vào các lỗ này để xem phim. Đây là một niềm vui rất giản dị và lý thú cho trẻ con không có nhiều xu.

Nếu ông chủ rạp hát này còn tiếp tục làm việc tới sau 1975, chắc hẳn là ông ta phải hân hoan tự nguyện dâng hiến cái rạp chiếu phim 2 bánh này cho ‘‘Nhà nước’’ và sau đó đi làm công với cái chức rạp phó giống như con cháu ông chủ rạp Đại Đồng. » »

Xin bổ túc thêm-viết theo trí nhớ thời niên thiếu của tác giả tài liệu CNH:

« « Vào những thập niên 1960, bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa có những ê-kíp chiếu phim lưu động ở Ty Thanh Niên quận hay các nơi công cộng. Tôi còn nhớ những buổi chiếu phim vào buổi tối ở trên một con đường nhỏ, nằm giữa chợ Tận Đình và chẩn y viện Tân Định (Buổi chiều khi tan chợ, tất cả xạp trên đường được dựng đứng lên trên lề. Công nhân vệ sinh chợ thu dọn rác rưới và rửa sạch lòng đường chuẩn bị cho phiên chợ ngày sau Vì con đường này là đường của chợ, thành thử ra không có xe cộ lưu thông). Buổi chiếu phim thường được bắt đầu bằng phim thời sự, sau đó là phim chính như là phim Charlot, Laurel and Hardy…Các phím thời nầy thường là phim trắng đen. Dân chúng khu vực Tân Định tụ tập từ lúc chiều trong lúc các kỹ thuật viên của ê-kíp chiếu phim giăng màn ảnh trên lòng đường. Còn bọn con nít chúng tôi thường leo lên các xạp chợ đề ngồi coi phim. Không khí thật là náo nhiệt, vui nhộn. Cái thời xưa thanh bình! » ».

Một buổi chiếu phim tiêu biểu của các rạp hát:

Mỗi khi bắt đầu một xuất chiếu phim khán giả phải đứng dậy chào quốc kỳ và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, sau đó là ‘suy tôn Ngô Tổng thống’ với những lời ca tụng Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau năm 1963, thì chào suy tôn Ngô Tổng Thống bị bãi bỏ. Tiếp theo đó là phim thời sự ngắn trong tuần. Trước khi vào phim chính, các rạp còn chiếu quảng cáo phim mà rạp hát sẽ chiếu tuần sau và tuần tới, những phim sắp tới theo chương trình của riêng từng rạp. Dĩ nhiên là chọn cảnh nào hấp dẫn nhất để giới thiệu cùng khán giả, đó cũng là một cách quảng cáo của các hãng nhập cảng phim từ nước ngoài. Sau cùng là phim chính. Trong trường hợp phim chính quá ngắn, các rạp câu khách bằng cách chiếu thêm phim phụ như phim của Charlot, phim thời sự hoặc đôi khi còn có phụ diễn tân nhạc cho… xôm tụ.

Mỗi phim gồm nhiều cuộn nên thời đó mấy rạp cùng chiếu chung một phim bằng cách lên lịch chia lệch giờ khởi chiếu. Mỗi khi chiếu xong một cuộn sẽ có người đi xe gắn máy giao cho rạp kế tiếp. Sau hết một cuốn, nhân viên chiếu phim quay lại cuốn này và sau đó ráp lên cuốn kế tiếp. Trong lúc nghĩ ăn-trắc (entr’acte) khoảng 10-15 phút, khán già đi toa-lết hay ăn giải lao đổ mua mang vào hay bán tại chỗ. Đôi khi phím vì quá cũ bị đứt trong lúc chiếu, nhân viên phải ngừng lại và dán phim, khán giả chờ lâu đã hút gió rất to để thúc dục chiếu phim trở lại.

Tài liệu CNH:

« « Một việc không mấy đẹp: Ở mấy rạp hát nhỏ, đôi khi trẻ con hay người lớn vô ý thức, sau khi ăn kẹo gôm cao su (chewing gum), đã dán kẹo này lên ghế ngồi hay quăng dưới đất. Khán giả vào coi phim, không để ý hoặc là vì tắt đèn tối trong rạp, không thấy, ngồi lên hoặc đạp lên các kẹo này. Thôi thật là rắc rối phiền phức, làm mất vui buổi coi chiếu phim. » »

B-RẠP CẢI LƯƠNG XƯA Ở SAIGON

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Các rạp hát của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975 and tagged , , , . Bookmark the permalink.

13 Responses to Các rạp hát của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975 (2)

  1. TM says:

    TM xin cám ơn Nghia Nguyen rất nhiều, đã bỏ thời giờ đọc bài của TM và đã gợi ý thêm một rạp hát Văn Cầm, Quận Hốc Môn, Gia Định. TM đã tìm kiếm chi tiết về rạp này, nhưng chưa có kết quả. Nếu Nghia Nguyen có biết chi tiết, địa điểm hay hình ảnh rạp này, xin gửi cho để bổ túc bài.
    TM rất vui mừng được biết Nghia Nguyen cũng có ý khuyến khích ghi lại những ký ức đời sống ngày xưa thời VNCH. Trong cùng ý tưởng đó, TM đã có viết vài bài về Chơ, Bệnh Viện, Trường học, Nghĩa trang trước 1975, đã được đăng trên Bảo Vệ Cờ Vàng. Xin giới thiệu cùng Nghia Nguyen .

    Like

  2. Nghia Nguyen says:

    Nếu có chi tiết thì xin ghi thêm Rạp Hát Văn Cầm, Quận Hốc Môn, Gia Định cùng một chủ với các Rạp Văn Cầm và Rạp Hát Cẩm Vân. Sau năm 75, Rạp Hát Văn Cầm, Quận Hốc Môn được ông Văn Cầm sửa chửa và hát lại cho đến cuối năm 75 cũng như tất cà rạp hát bị tịch thu vì phim ành dùng để giáo dục nhân dân và tư nhân không được phép quản lý. Chân thành cảm ơn đã ghi lại những lịch sử này để những người xem phim trước năm 75 nhớ lại những kỷ niệm xa xưa ấy. Thời niên thiếu không biết gìn giử và tranh đấu cho giá trị của tự do.

    Like

  3. TM says:

    Cám ơn ông Ân đã để thời giờ quí báu để viết cho TM và những đọc giả khác của mạng Bảo Vệ Cờ Vàng thêm một vài chi tiết rất hữu ích.
    Tuy nhiên TM xin ông chỉ thêm cho một vài điểm mà TM chưa rõ:
    Ông viết trường trung học đô thị trong khi đó một đọc giả khác viết trung Học Đô Thành. Vậy thì Đô Thị và Đô Thành là một ?
    Ông viết : trung học đô thị quận 6 (hiệu trưởng Võ Văn Bé) và trung học đô thị quận 8 (hiệu trưởng Uông Đại Bằng). Tuy nhiên theo những tài liệu TM tham khảo trên mạng và đã dùng để viết bài các trường trung học thì đây là Trung Học Cộng Đồng Quận 6 và Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 ?

    Like

    • Cảm ơn TM. Có lẽ tôi lầm: đúng ra là Trung hoc công đồng Quận 6, Quân 8. Tuy nhiên các Trung Học Đô Thị, Trung Học Cộng Đồng hay Trung Học Tổng Hợp là các thí điểm cho các định hướng mới cho chương trình học của các em học sinh trung học nhưng cho đến 30/4/1975 người ta chưa thấy gì khác biệt với các trường trung học truyền thống.

      Like

  4. TM says:

    Cám ơn ông Ân đã cho bạn đọc 1 mẩu chuyện dính liếu tới 2 rạp hát Quốc Tế & Casino Sàigòn sau 75.
    Nhân dịp này, được biết ông là cựu giáo sư nhiều trường trung học ở Sàigòn-Gia Định, tôi xin được phép hỏi ông chi tiết về trường dưới đây viết bởi 1 đọc giả trên mạng Bảo Vệ Cờ Vàng :
    Trường Trung Học Đô Thành Quận 6.
    Trường nằm phía sau và sát vách với trường trung học Mạc Đỉnh Chi.
    Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trần Văn Sùng là hiệu trưởng
    Thành thật cảm ơn ông.
    TM tác giả bài các rạp hát & trường trung học

    Like

    • Trường trung học đô thị quận 6 là một trong các trường trung học đô thị được thành lập muộn màng trước ngày 30/4/1975 : nữ trung học đô thị Cô Giang, trung học đo thị quận 6 (hiệu trưởng Võ Văn Bé), trung học đô thị quận 7 (hiệu trưởng Võ Hồng Lạc), trung học đô thị quân 8 (hiệu trưởng Uông Đại Bằng). Tôi quen biết với hai anh Võ Văn Bé (đã mất) và anh Võ Hồng Lạc (hiện ở Mỹ), còn anh Uông Đại Bằng tôi chỉ nghe tên.
      Nếu tôi không lầm thì các trường trung học đô thị trực thuộc Sở Giáo Dục Đô Thành ?

      Like

  5. CÂU CHUYÊN LIÊN QUAN ĐẾN HAI RẠP HÁT QUỐC TẾ VÀ CASINO SAIGON SAU 1975

    Năm 1984, sau chuyến vượt biên thất bại, gia đình tôi bị bắt và khi được thả ra tôi được một người quen gIới thiệu thuê nhà ông Mạnh trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (quận 2 trước 75) đối diện rạp xi nê Quốc Tế (thanh Bình cũ) mở một quán nhậu dưới hình thức Cửa Hàng Ăn Uống Hợp Doanh Phường Phạm Ngũ Lão quận 1 (tôi từng mở quán nhậu Chim Sẻ có chút ít tiếng tăm ở quận 4 trước khi vượt biên). Ông Mạnh là một người miền Nam, dân Chợ Đũi, Sài Gòn, tâp kết ra Bắc (ông kể tôi nghe vì ham vui lúc 15 tuổi theo người ta làm chuyến viễn du hơn 20 năm), có vợ là một bà Bắc cao và to hơn ông gấp đôi. Ông là giám đốc hãng Nissan (lò giết mỗ heo quốc doanh) và là đại biểu hội đồng nhân dân thành phố. Kể ra, ông Mạnh bản chất cũng hiền lành nhưng bà vợ thì không hỗ danh một người phụ nữ đất Bắc, giọng nói to hơn loa phường. Ông Mạnh giúp tôi làm hợp đồng với hợp tác xã phường để mở .cửa hàng.ăn uống.
    Thời gian đó, anh giám đốc rạp Quốc Tế (tôi đã quên tên) cùng chú Hồng (tôi gọi bằng chú vì nhỏ tuổi hơn tôi), phó giấm đốc và ông bảo vệ già là những khách hàng thường trực của quán tôi. Anh giám đốc và chú Hồng là dân Củ Chi chắc trong chiến tranh là du kích ở đó. Anh giám đốc đó đã có vợ con nhưng lại cặp bồ với chị giám đốc rạp Vinh Quang (Casino Saigon cũ) và anh thường dẫn chị ta vào quán tôi ăn uống. Chị này tuy vẫn mặc quần đen, áo bà ba theo đúng truyền thống “nữ chiến sĩ cách mạng” nhưng đều bằng hàng đắt tiền, đeo nữ trang đầy đủ trên cổ, trên cổ tay và ngón tay, móng tay sơn đỏ choét và người lúc nào cũng toat mùi nước hoa. Mặt mày trông cũng khá tuy dáng người hơi kịch cợm (gốc nông dân mà!). Lần nào vào quán tôi, hai ông bà giám đốc ngồi “tâm sự’ hàng mấy tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng anh giám đốc rạp quốc Tế cũng có dẫn vợ anh ta đến quán tôi, chị này trông có vẻ hiền từ và có lẽ chỉ là dân thường chứ không phải là cán bộ như chị giám đốc rạp Quốc Tế.
    Nhờ quen với giám đốc các rạp lớn đó nên vợ chồng tôi đi xem phim ở hai rạp Quốc tế và Vinh Quang khỏi tốn tiền mua vé. Không biết giờ đây hai người đó có được “thăng quan, tiến chức” gì cao hơn hay là dã bị vắt chanh bỏ vỏ như hầu hết những cán bộ gốc miền Nam hiện nay.
    Riêng khu nhà ông Mạnh xưa kia là cư xá hỏa xa nằm trong khu vực ga xe lửa Sài Gòn, sau này đã bị giải toả để xây công viên 23/9. Gia đình ông ấy trôi dạt về đâu tôi cũng không rõ.

    Like

  6. Te Nguyen says:

    Theo tôi nhớ tuy không nhớ rõ năm nào, rạp Việt Long được sửa sang và đổi tên là Văn Hoa SG và Mini Văn Hoa cho tới ngày mất nước. Phim cuối cùng chiếu tại VH SG là phim ‘Gun Fight At The OK Corral’.

    Like

    • Vinh says:

      Neu tôi con nho ro thi rap Viet Long duoc sua sang và doi tên là Van Hoa SG vào cuoi nam 1969.Luc do tôi moi 8 tuoi nhung nho dai.Phim dau tiên chieu tai Van Hoa SG là phim cua Phap tên là Le Cerveau do tài tu noi tieng cua Phap là Jean-Paul Belmondo dong.Phim thu nhi là phim cowboy cua My hay Y,tôi kô nho ro.Den phim thu ba ve sau là phim Tàu vi là xom binh dân nên chieu phim Tàu khach dong nhieu hon.Da hon 50 nam nên tôi kô nho ro ràng rap Van Hoa SG khai truong chinh xac nam nào (1969-1970) nhung phim dau tiên là phim Le Cerveau dich tên tieng Viet là Tu Kiet Dong Hành.Tôi dam ca bao nhiêu cung duoc.

      Rap Van Hoa SG sua sang và doi tên là Capitol vào nam 1974.Tôi kô nho ro là chu Capitol co thêm chu e hay kô tuc là Capitole theo tieng Phap.Mini Capitol cung khai truong vào nam 1974 canh rap Capitol.Tôi thac mac vi kô biet Van Hoa SG và Van Hoa Dakao co cùng chu hay kô?

      Like

  7. TM says:

    Cảm ơn Ray đã bỏ thời giờ đọc hết bài các Rạp Hát của TM để thấy còn thiếu và bổ túc thêm 1 rạp hát.
    Ngoài ra còn điều chỉnh lại tên rạp Trung Hoa thành rạp Trung Hu?ng . Xin Ray cho lại tên rạp nầy.
    Nếu Ray có pictures của 2 rạp này xin cho thêm. Cảm ơn.
    TM

    Like

    • phuc minh nguyen says:

      Con xin chào Cô/Chú,
      Con tên là phuc nguyen. Con xin góp ý một chút thông tin về rạp hát Thủ Đô, chuyên hát cải lương. Người chủ rạp hát tên là Nguyễn Tấn Đức, xuất thân là nha sĩ du học bên Pháp về. Cùng thời với vợ chồng bác sĩ Lương Phán – Nguyễn Thị Lợi và ông Trần văn Khê.
      Ông Đức và bà Lợi là chị em ruột. Bà Lợi thứ tư. Ông nội con là thứ chín. Quê quán thuộc tổng Long Hưng, Trung Quận, Chợ Lớn. Ông Đức còn là chủ rạp Tân Việt trên đường Đồng Khánh.
      Rạp Thủ Đô (Eden Chợ Lớn) có trước rồi xây rạp Tân Việt sau này.
      Ông Đức còn là chủ chung cư Canberra (cho lính Úc thuên nên gọi là Canberra) và khách sạn Thủ Đô.
      Sau năm 1975, do không hợp tác với chính quyền Cộng sản nên bị tịch thu và đi cải tạo một thời gian. Sau đó nhờ quen biết nên được về. Đồng thời khoảng năm 1988-1990, gia đình có lo tiền và đòi lại được rạp hát Thủ Đô và khách sạn Thủ Đô, nhưng trên danh nghĩa là liên doanh với nhà nước, không được phép sang nhượng. Còn rạp Tân Việt và chung cư Canberra thì mất trắng, không đòi lại được.
      Con xin cám ơn Cô/Chú.

      Like

      • Lê Thy says:

        Chào cháu Phúc,

        Cô Lê Thy thay mặt tác giả cám ơn cháu đã cho biết thêm về những chi tiết quí giá của rạp Thủ Đô.

        Vì cháu đánh máy tiếng Việt không bỏ dấu nên cô đã mạn phép đánh máy lại cho người đọc dễ hiểu hơn.
        LT

        Like

  8. Ray says:

    Hinh nhu Ba.n da? quen Rap Da.i Quang Minh trong hem? duong Dong Khanh o Q5 gan Nha` hang Ngoc Lan Dinh` khu’c den` 5 ngo.n.

    Rap o gan Nha` Tho Cha Tam Phan Xi Co la` Rap Trung Hu*ng… ko phai Rap Trung Hoa.

    Like

Ý kiến - Trả lời

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s