CHƯƠNG MƯỜI SÁU
Từ dạo ba tôi lên ở đây Thái Vân thường về thăm. Chúng tôi không nói nên ba tôi vẫn chưa biết gì về đời sống hiện tại của nó. Tôi giấu nhẹm chỉ nói với ba là nó đang làm nghề uốn tóc ở xa, lâu lâu mới về thăm. Ba tôi không hỏi nhưng tôi nghĩ ông đã nghi ngờ.
Chiều thứ bảy nào nếu không có mục gì, hoặc không đi đâu, tôi hay lên lầu ngóng Thái Vân đến chơi. Khi thấy tướng đi nhún nha, nhún nhảy của nó từ đầu đường Trần Quý Cáp và Lê Văn Duyệt thì lòng tôi nở hoa ngay, vì chúng tôi có rất nhiều chuyện để kể cho nhau nghe.
Thái Vân vừa xuất hiện, thì lũ con trai trong xóm đứng đâu đó thường hay chỉ trỏ, buông lời chọc gheo nó. Nào là: “Ngó ngang ông hoàng bủn rủn. Ngó dọc thằng trọc rụng rời. Ngó ngay thằng nài chết héo. Ngó xéo thằng vẹo chết khô”. Có đứa còn rống họng xuống vọng cổ: “Em Hai ơi! Ngó xa xa thì em giống con ma. Ngó em gần thì em giống con ơ…ơ…đần…” Tội nghiệp con Thái Vân, chỉ biết lấy nón lá che mặt lại rồi đi nhanh vào khuôn viên nhà tôi. Nó khép cửa lại chửi bới lầm bầm: ” Đồ cái thứ ôn dịch. Đồ cái thứ cóc lác, cà xốc chó, khó thương dễ ghét, cặp mắt dê cứ quét lên khắp thân thể người ta. Đồ mấy tên trốn lính, ăn không ngồi rồi báo cha, báo mẹ. Mấy tên lưu manh cao bồi mất dạy. Tụi bây trước sau gì cũng bị cảnh sát xúc thảy lên xe rồi liệng vô Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho rảnh mắt…”
Tôi chọc quê:
– Nếu mai sau tụi nó trở thành anh lính chiến oai hùng, tới phiên mầy trổ tài ỏng ẹo ve vãn tụi nó.
Nó trề môi:
– Còn khuya à, chị Hai mầy mà chịu mấy thằng ranh con nầy sao? Sức mấy!
Bao giờ cũng vậy, mỗi lần về thăm Thái Vân đều mua cho tôi bó bông huệ, có khi bông cúc, hoặc bông vạn thọ để chưng trên bàn Phật. Nó còn mua cho tôi bó lá ngãi cứu nói là để tôi trừ tà, trừ ma nữa.
Chu choa ơi! Dạo nầy công nương Thể Hà thật sự mắc bịnh tà rất nặng đây. Chỉ lá ngãi cứu thôi, làm sao tôi đuổi được con tà đi? Con tà nầy có cái tên Đông Nhựt, cứ ám ảnh tôi hoài, xâm lăng thường trực trái tim lẫn tâm hồn tôi, dương oai, diễu võ, thấy ghét lắm. Tôi tự nhủ với lòng rằng phải quên hắn, đuổi hắn ra khỏi ý nghĩ mình. Mà nào có được?
Thái Vân bao giờ cũng hiếu thảo và thương kính ba tôi. Lần rồi về nó trao cho ba tôi bao thơ tiền dầy cộm. Ba tôi không lấy và nói với nó rằng:
– Con giữ để dành hậu thân. Sau nầy con có gia đình phải lo đủ mọi thứ nữa. Thỉnh thoảng con về thăm ba là được rồi, đừng bày đặt quà cáp chi cho tốn kém. Ba cũng không ăn uống tiêu xài bao nhiêu. Thể Hà đi làm rồi, nên con không phải lo gì hết, nghe không. Công việc làm ăn thế nào, có cực lắm không? Ba trông con dạo nầy có vẻ mệt mỏi hơn trước nhiều đó. Bộ làm lụng vất vả lắm hả? Phải để ý giữ gìn sức khỏe kẻo đau ốm thì làm sao đây?
Thái Vân cảm động, rơi nước mắt:
– Cảm ơn ba luôn để ý và nhắc nhở con. Công việc con làm không nặng nhọc cực khổ. Nhưng vì giờ giấc bất thường nên có khi quên cả ăn uống chớ không có bịnh hoạn chi đâu ba.
Tối đó hai đứa ngủ chung, nó thỏ thẻ hỏi tôi:
– Thể Hà, nghe nói có một thương gia nhà giàu, trẻ tuổi, đẹp trai, đang theo đuổi mầy phải không?
Tôi cười, lí lắc:
– Ai nói, ba hay cô Hai? Mầy không nhớ ba đã nói là tao độc tài, cứng đầu, ương ngạnh, dữ dằn… ai uống mật gấu, ăn gan cọp mới dám cưới tao làm vợ hay sao, mà mầy còn hỏi?
Nó nhìn tôi, dò xét:
– Ai nói cũng được, có đúng vậy không? Đừng làm bộ nhen mậy. Hôm trước, tao thấy mầy ngồi xe hắn chở đi hóng gió trên đường Trần Hưng Đạo, chớ gì?
Tôi phì cười:
– Bậy mầy, ai mà đi hứng gió ở đường Trần Hưng Đạo bao giờ? Đường đó hứng bụi thì đúng hơn.
Nó đánh vai tôi, cười nói:
– Thôi mầy đừng có làm bộ đánh trống lãng nữa. Mầy có yêu hắn chưa thì trả lời cho tao biết đi, chớ tao thấy ba và cô Hai chịu thằng chả rồi đó.
Tôi nhíu mày với nó:
– Ờ mầy thấy mặt anh ta lần nào chưa? Ba và cô Hai ưa hắn là phải. Cuối tuần nào hắn cũng hay cà kê dê ngỗng đến đây đánh cờ với ba. Cô Hai nấu món gì ăn, hắn cũng khen lấy khen để, thì thử hỏi, hai người già đó không khoái chí sao được?
Nó cười khì khì mở to mắt, nhìn tôi:
– Thấy rồi. Hôm đó trên đường Nguyễn Huệ tao thấy hai đứa bây tình tứ dìu nhau đi dạo phố. Tụi bây thật xứng đôi lắm. Nè Thể Hà, hai người già đó khoái chí tên thương gia kia. Còn người trẻ nầy thì yêu hắn tha thiết, da diết, hết biết rồi phải không?
Tôi nạt vội:
– Bậy nà! Tao ghét hắn lắm, bởi hắn hay chọc ghẹo tao, hay bươi móc cái quê mùa của tao. Hắn hay ăn hiếp tao, hay nạt nộ tao… Thằng chả lúc nào cũng tỏ ra là anh cả tao nên tao không ưa.
Thái Vân nhìn tôi cặp mắt nửa tin nửa ngờ, bảo:
– Mầy nói cũng đúng, tuần trước tao thấy rõ dung nhan mùa hạ của hắn, lúc hắn đến rước cô Hai lại nhà vú để hai bà đi mua sắm. Hôm đó thằng chả mặc quần Jean xanh, áo mông-ta-gu màu huyết dụ, mang Bata trắng. Tướng hắn dong dỏng cao nước da xạm nắng, có vẻ phong trần. Tóc bồng bềnh trông lãng mạn như tài tử xi-nê. Tướng nầy là thần tượng của các em đó nghen mậy. Mầy hãy coi chừng bị kẻ khác phổng tay trên.
Nói đến đây, nó dừng lại ranh mảnh nhìn tôi cười cười dò xét, rồi tiếp:
– Nhưng khi đối mặt nói chuyện thì tao mới thấy hắn giống hệch cóc hầm hơi. Cái mặt thì chầm dầm, chừ bự, lầm lầm, lì lì, hỏi tới đâu nói tới đó, như ai ăn hết của hắn vậy. Thấy phát chán thì thôi! Quả nhiên tao nghĩ đúng y chang, chắc là mầy không ưa hắn đâu?
Tôi tự nhiên không so đo nghĩ ngợi, nói ngay:
– Mầy đừng nhìn hắn quả đoán, lạnh lùng, chai cứng như vậy có được không? Mầy không tiếp xúc với hắn nhiều nên không biết đó. Và hắn cũng không phải là người dễ để lộ tâm sự mình cho người khác thấy. Mầy cũng biết hắn là một thương gia có học. Hắn học trung học Trương Vĩnh Ký, xong phần hai, hắn trúng tuyển vào y khoa học được hai năm thì chú hắn qua đời, nên hắn bỏ học mà về quán xuyến cơ sở làm ăn. Đầu óc hắn rất minh mẫn, linh động, thích ứng với mọi hoàn cảnh. Tại mầy lạ, hắn giữ kẽ, không để lộ chân tình đó. Hắn cũng đã từng cùng sinh viên xuống đường biểu tình tuyệt thực đòi hỏi trả lại sự công bằng trong vụ đàn áp Phật giáo năm xưa. Bề ngoài thì hắn ít nói, thanh đạm, cao ngạo, nhưng bên trong nhiệt huyết cuồn cuộn.
Thái Vân chúm chím cười nhìn và gật gù, lắng nghe tôi thao thao nói về Đông. Nó trề môi bảo:
– Ờ, tao biết rồi. Mầy chẳng ưa chi hắn, mầy ghét hắn. Nhưng ai nói động đến hắn mầy binh hắn chầm chập. Tao mà nói xấu hắn, mầy sẽ luộc tao chín nhừ. Mầy sẽ xay tao ra thành bột. Mỗi tuần, nếu hắn không đến thì mầy mong. Vắng hắn mầy nhớ. Mầy hay nghĩ vu vơ về hắn. Mầy nhớ chuyện nầy chuyện kia của hắn. Trong lòng mầy rất thoải mái khi nghe ai nhắc đến hắn. Niềm vui chợt đến, bất ngờ gặp hắn. Luôn nghĩ ngợi về hắn lúc mầy nhàn rỗi, lúc vui, lúc muộn phiền, có đúng không?
Tôi chồm lên, cười tươi nói:
– Đúng! Rất đúng, mầy nói không sai một mảy may nào. Sao mầy biết?
Con nhỏ Thái Vân có phổi bò lại lớn họng, cười ha hả rổn ráng như tiếng trống ai đang đánh gần đây, như đang dọng chuông. Như kẻ vui mừng mới khám phá ra được mỏ vàng, nó đưa tay vỗ đùi đen đét, đầu gật gù có vẻ thích chí lắm. Nó ngồi xổm lên, xỉ vào trán tôi:
– Thôi đúng đứt đuôi con nòng nọc là mầy đã yêu hắn rồi. Chỉ có cái miệng mầy phủ nhận mà thôi! Tao cố tình chê bai hắn ta, để xem phản ứng mầy ra sao? Không ngờ mầy dễ dàng lọt vào thiên la địa võng của tao. Nghe tao nói thêm đây: nếu mầy thấy hắn đi với người phụ nữ nào, hay thân mật với cô nào, thì mầy sẽ tru tréo khóc hu hu cho coi. Có đúng không?
Tôi ngơ ngác rồi cười, háy nó:
– Mầy là con mắc toi! Cả tao mà cũng chận đầu chận ngách nữa. Tao không biết bởi tao chưa bắt gặp hắn đi đâu riêng rẽ với một người phụ nữ nào. Tao nghĩ rằng mầy đoán sai rồi, vì tao có đếm xỉa gì đến chuyện riêng tư của hắn đâu. Và hắn cũng chưa nói tiếng nào là thương tao, thì tội gì tao phải khóc hu hu như mầy nói cho phí cuộc đời? Mầy chỉ nói xạo. Thôi đi mầy ơi, làm như mầy ở trong bụng tao mới nhảy ra vậy.
– Kinh nghiệm bản thân cho tao biết.
Tôi quả quyết:
– Tao vẫn không tin mầy. Lòng tao trong sáng như trăng rằm tháng tám, như gió xuân phơi phới không gợn một mảy may nghĩ ngợi âu lo, thì dựa vào đâu nói tao yêu hắn? Dựa vào mấy câu đón gió đêm hè của mầy hả? Còn khuya! Thôi bỏ đi tám. Đừng nói gì về chuyện của tao nữa, vì đó là vấn đề tương lai, còn xa xôi mù mịt lắm mầy ơi. Hãy nói chuyện của mầy đi. Anh Bá của mầy sắp ra trường phải không? Mau quá, mới ngày nào tao qua nhà bọn mầy ăn cơm mà nay đã ba năm rồi.Tụi bây có định gì cho tương lai chưa? Ảnh sẽ làm ở đâu? Và chừng nào bọn bây kết hôn?
Nó thở dài, có vẻ ngao ngán:
– Chưa, ảnh định làm vài năm có chút vốn rồi hẳng hay.
Tôi thật tình:
– Sao lạ vậy? Chớ không phải anh ta nôn nóng ở chung với mầy từ mấy năm trước hay sao mà bây giờ nói vài năm nữa. Bộ anh ta muốn tìm cớ hoãn binh để quất ngựa truy phong hay sao? Đàn ông thật khó hiểu. Nam Mô ADi Đà Phật! Lạy trời đừng cho tao thương người đàn ông nào trên cõi đời ô trọc nầy cả.
Nó cười buồn:
– Sao chưa chi mà coi bộ mầy lo xa quá vậy? Duyên nợ do trời định mà. Nếu của mình thì là của mình, còn không phải của mình thì mình không cưỡng cầu được đâu. Hãy yên tâm đi. Mầy chắc chắn sẽ được hạnh phúc trời ban.
Tôi thọc lét nó:
– A thì ra mầy có thêm nghề thầy đoán mò hồi nào vậy? Có lần mầy nói với tao là mầy sẽ theo anh ta ra Bà Rịa phải không? Sao tao không nghe mầy nhắc đến nữa?
– Lúc đầu tao định cùng đi với ảnh. Nhưng ra ngoài đó thì chỗ ăn ở và việc làm không tiện cho tao nên ảnh đi một mình ở trong quân y viện. Mỗi cuối tuần, ảnh về hoặc tao ra thăm.
Tôi hỏi nó:
– Dạo nầy việc làm mầy có khá không? Nếu cần gì ở tao thì nói nghen. Mình là chị em. Nếu giúp được mầy chuyện gì tao sẽ sẵn lòng, mầy đừng có ngại.
Nó cảm động:
– Cảm ơn mầy nghen Thể Hà. Ba và mầy lúc nào cũng thương tao quá. Hãy bớt tốt với tao một chút đi cho tao cảm thấy đỡ phần có lỗi.
Tôi càm ràm nó:
– Mầy lại nói sang đàng nữa rồi? Lỗi gì, mầy vẫn còn áy náy việc sống chung với anh Bá ấy à? Đừng ngại. Đến giờ ba cũng không biết. Ba rất mong mầy có nơi nương tựa tốt. Tao không nói gì về mầy và anh Bá, để chừng nào bọn mày kết hôn, rồi mới cho ông niềm vui bất ngờ. Chừng nào mầy kết hôn tao sẽ cho mầy quà hậu hĩ.
Thái Vân cười lí lắc:
– Vậy mầy cho tao bây giờ đi, lúc đó khỏi cho.
Tôi cũng cười và ngáp dài buồn ngủ;
– Đâu được mậy. Quà cưới thì phải chờ đến đám cưới mới cho chớ. Tao buồn ngủ quá! Thôi, ngủ đi mầy ơi.
Thức khuya đói bụng, tôi rủ con Thái Vân ra làm thịt hai khúc bánh mì chả lụa, xử tử luôn mấy trái khế ngọt, cho chúng nó chun vào bao tử là chỗ không trời, không đất.
Tôi bảo:
– Mầy coi đó, tao ăn hàng hà rầm hà rì, đờn ông con trai nào mà ưa tao?
Con Thái Vân háy tôi, rồi vắt hất cái mặt. Lên giọng thầy đời:
– Thôi đi con nói chảnh! Hôm nào đây, tao gặp mầy với tên thương gia kia đi ngắm hoa xuân trên đường Nguyễn Huệ. Hai đứa bây còn ghé mua mỗi đứa một xâu chùm ruột ngào đường của bà xẩm. Và mua lòng heo, lòng gà vịt phá lấu của mấy chú chệt bán bên lề đường nữa kìa. Có phải tại mầy rủ rê nên thằng chả mới mê mấy món quà vặt đó không? Đờn ông khó hiểu lắm mầy à. Hễ khi họ mê mình rồi, thì tật xấu của mình họ cũng thấy có duyên đáo để.
—> Chương 17