XA QUÊ HƯƠNG NHỚ MẸ HIỀN (Nguyễn Khắp Nơi)

XA QUÊ HƯƠNG NHỚ MẸ HIỀN.

(Viết theo lời kể của một người con, cho Ngày Của Mẹ 2014.
Tên trong bài không phải là tên thật.)

-1-

Khi ba tôi còn ở trong Lính Cộng Hòa, mỗi lần ba về phép, đều kéo theo một số bạn bè ngồi nhậu chung với nhau, cười dỡn vui vẻ lắm. Má tôi làm đồ nhậu cho mọi người rồi cũng dắt tôi ra ngồi cạnh ba, tôi nhìn thấy có một người Lính vẽ trên cánh tay của chú nhữnh hình ảnh và chữ thật đẹp, tôi chẳng biết đó là cái gì? Nên đã lân la đến gần, đưa tay rờ lên hàng chữ trên tay của chú. Chú lính cười ha hả hỏi tôi:

“Cháu đi học chưa? Đã biết đọc chưa? Đọc hàng chữ này cho chú nghe coi …”

Lúc đó, tôi chỉ là đứa con gái sáu tuổi đầu, vừa mới bắt đầu đi học, mẹ tôi cũng có dạy tôi học thêm ở nhà rồi, nên tôi có thể đọc một ít chữ, tuy nhiên, những hàng chữ trên tay của chú không viết giống như những chữ tôi đã học, nên tôi nhìn tới nhìn lui hoài cũng không biết đó là chữ gì, tôi nhìn chú cười rồi lắc đầu. Chú lính chỉ từng chữ đọc cho tôi nghe: “XA QUÊ HƯƠNG NHỚ MẸ HIỀN”

Đọc xong, tự nhiên chú đổi thái độ, chú không cười nữa, chú nói với tôi nhưng không nhìn vào tôi mà lại nhìn vào bức tường trước mặt, làm như chú nói cho một mình chú nghe:

“Nhà chú ở tuốt Miền Trung, xa lắm, chú ham làm lính Cọp Biển, nên đi tuốt vào Miền Nam mà đăng lính. Lâu lắm rồi chú không có dịp về thăm má, nhớ má quá, nên chú xâm hàng chữ này làm kỷ niệm…”

Rồi chú chợt quay lại nhìn tôi, vẻ mặt vui tươi trở lại, chú nói:

“Mai mốt cháu lớn lên đăng lính như chú , rồi chú sẽ xâm chữ này cho cháu.”

Tôi chạy lại mẹ, mẹ ôm lấy tôi vừa cười vừa trả lời chú lính:

“Con gái mà đi lính nỗi gì…nó lúc nào cũng ở kế bên chị, có đi khỏi một bước đâu mà phải…nhớ mẹ hiền …”

Khi Saigòn bị thất thủ, tôi đang học lới Ba, nhà tôi ở Ngã Ba Ông Tạ, gần phi trường.

Tôi nhớ ngày ấy, súng nổ thật nhiều, ở khắp mọi nơi, nhà tôi chỉ có hai mẹ con, ba tôi đi hành quân xa như mọi ngày, mẹ tôi nghe súng nổ quá nhiều, ngoài đường người ta gánh gồng ôm quần áo chạy đi chạy lại thật là hỗn độn. Mẹ tôi thấy tình hình như vậy, không dám cho tôi đi học nữa, má đóng cửa thật chặt, bảo tôi vào trong nhà ngồi tự học được rồi, nhưng lâu lâu mẹ lại mở hé cửa xem ngoài đường tình hình ra sao, tôi cũng luồn dưới chân mẹ ló đầu ra xem.

Ngoài đường đầy những người lính đội nón sắt giống như ba tôi, không biết họ từ đâu và từ lúc nào mà đã kéo về thật là nhiều, ai cũng súng đạn đầy người, họ lầm lì không nói không cười, đứng nấp sau những gốc cây, những bao cát, chông súng về phía sau như là sắp sửa bắn. Mẹ tôi lại vội vàng đóng cửa dắt tôi vào trong phòng ngủ, mẹ lấy quần áo và đồ ăn khô bỏ vào hai cái bao vải, đưa cho tôi một bao nhỏ, nắm lấy vai tôi mà dặn thật kỹ càng:

“Chắc là đánh nhau tới Saigòn rồi đó con à, mẹ con mình sẽ phải đi nơi khác để tránh bom đạn. Con nhớ nắm chặt lấy tay mẹ cho khỏi bị lạc, nhe con. Mẹ đưa cho con cái gói này, trong đó có quần áo và đồ ăn của con, nhớ lúc nào cũng phải đeo trên người, đừng để bị mất.”

Mẹ tôi suy nghĩ một lúc lâu, rồi má mở ngăn kéo lấy giấy lấy viết ra viết rồi xếp lại, bỏ vào một cái túi nhỏ, cột dây lại đeo vào cổ tôi mà nói:

“Đây là cái bao nilông, trong đó có tờ giấy viết tên của ba mẹ, tên và ngày tháng năm sanh của con, lúc nào con cũng đeo trên cổ…lỡ có lạc thì người ta biết tên của ba má, của con mà giữ con dùm để mẹ tới lãnh.”

Má nói tới đây thì ôm lấy tôi mà òa lên khóc, vừa khóc vừa nói với tôi:

“Không biết ba có về đây kịp hay không nữa . . ?”

Ngay lúc đó, rất nhiều tiếng súng nổ thật lớn, ngay phía trước nhà, mẹ vội vàng nắm tay tôi chui vào gầm giường mà chung quanh mẹ đã xếp đầy những bao cát, mẹ nằm đè lên tôi để che chở lỡ đạn có lạc vào trong hầm thì tôi cũng không bị thương. Thật lâu sau, khi tiếng súng đã êm, mẹ mới dám dẫn tôi ra ngoài, hé cửa nhìn ra đường . .

Xe tăng T54 của Bắc quân bị bắn cháy sáng 30-4
ở Lăng Cha Cả

(Hình: internet.)

Ngay trước mắt tôi…thật là khủng khiếp: Hai chiếc xe thật là lớn, có gắn súng dài, trên xe có vẽ ngôi sao đỏ, bị bắn cháy… Ngọn lửa đang bốc lên thật cao…Sau những bao cát, những người lính đội nón sắt đang chĩa súng bắn vào những người lính khác, cũng mặc quần áo mầu xanh lá cây nhưng đội nón rất lạ và chân lại mang dép chứ không mang giầy như ba tôi. Trên đường, có những thân người đầy máu nằm dài không cử động…Lần này thì tôi thấy mẹ tôi sợ run cả người lên, tôi cũng sợ quá, nắm chặt lấy đùi mẹ mà khóc không ra tiếng. Mãi một lúc sau, mẹ mới tỉnh người lại mà dắt tôi vào trong nhà, đeo cái bao vải vào người tôi rồi dắt tôi ra sau nhà mở cửa sau chạy vào trong hẻm.

Trong hẻm cũng đầy những người, ai cũng mang túi như chúng tôi nắm tay nhau mà chạy…Mẹ tôi cũng cứ thế mà nắm tay tôi chạy theo đoàn người. Từ trong hẻm chạy ra đến đường lớn, súng nổ vang khắp mọi nơi, người ta chạy tứ tán từ phía trước ào trở vào trong ngõ, mẹ con tôi bị đoàn người đụng vào té nằm dài trền đường. Tôi lạc mẹ sợ quá hét lên tìm mẹ:

“Mẹ ơi…mẹ ơi …”

Mẹ tôi cũng đang kêu khóc tìm tôi…Hai mẹ con chỉ nằm cách nhau có vài bước, mẹ vội vàng nhào tới ôm lấy tôi chạy trở vào trong ngõ rồi cuối cùng, lại trở vào nhà. Mẹ tôi nằm vật xuống sàn nhà thở hồng hộc…Đằng trước nhà, người ta cũng đang chạy lung tung la hét om sòm. Tôi chợt nhớ ra là lúc nãy mẹ tôi dắt tôi chạy mà quên chưa đóng cửa, tôi vội và chạy ra xô cánh cửa cho nó đóng vào một cái rầm rồi trở vào nằm với mẹ.

Chiều tối thì tiếng súng đã bắt đầu ngưng, bác Ba hàng xóm luồn cửa sau vào nhà cho má hay:

“Mình…đầu hàng rồi…Mấy ông Lính không chịu đầu hàng, họ ôm nhau tự tử hết trơn…buồn quá …”

Mẹ tôi gượng ngồi dậy, hỏi bác Ba:

“Anh Ba…đã về được chưa hả chị …?”

Bác Ba lắc đầu, nhìn chung quanh nhà rồi hỏi lại mẹ tôi:

“Chưa thấy đâu hết…Chồng em có tin tức gì không …?”

Qua ngày hôm sau, ba tôi mới trở về nhà…Ba mặc áo thung trắng, vẫn mặc quần lính và mang giầy. Mẹ mừng rỡ, ôm lấy ba mà khóc như mưa. Ba ôm lấy mẹ, tay kia bồng tôi lên, rưng rưng nước mắt nói với mẹ:

“Mình…thua trận rồi em ơi…nhục quá…muốn tự tử chết cho rồi …”

Mẹ tôi vội vàng ôm chặt lấy hai tay của ba, khóc lớn tiếng:

“Đừng…Đừng…Anh ơi…Anh đừng bỏ em…đừng bỏ con …”

Ba tôi ở nhà không lâu thì được những người mang băng đỏ đến nhà báo là phải đi trình diện học tập, ở nhà lại chỉ có tôi và mẹ sống thui thủi với nhau. Mẹ tôi không còn mặc áo dài lái xe Honda đi làm nữa, mẹ đã bán cả đồ đạc trong nhà đi để mà làm vốn mua đồ cũ ra chợ trời bán kiếm tiền nuôi tôi. Mỗi buổi sáng, mẹ đưa tôi đi học rồi mới về nhà chở đồ ra chợ bán, buổi trưa tan học, mẹ phải nhờ người bạn hàng trông dùm đồ đạc để đi đón tôi ra chợ cùng ngồi bán với mẹ. Tôi sống với giang hồ từ khi bắt đầu đi học lớp 1.

Một hôm, mẹ tôi nhận được thư của ba gởi về, mẹ mừng rơi nước mắt ép lá thư vào ngực mà khóc lên thành tiếng. Mẹ nói ba đi học tập mãi ở Miền Bắc, được chính quyền cho gia đình lên thăm nuôi. Tôi cũng mừng lắm, xin mẹ cho đi cùng, vì tôi cũng đã lớn rồi, có thể giúp mẹ nhiều công việc lắm. Mẹ tôi lúc đầu không muốn cho tôi đi theo, mẹ nói:

“Từ đây ra ngoài Bắc, xa lắm con ạ, mình phải di xe lửa, chen lấn có khi lọt xuống dưới đường rầy, rồi muỗi mòng rắn rít …”

Nhưng khi Bác Ba qua chơi, bác nói phải có người đi cùng để trông hàng, vì ăn cắp rất nhiều, có người ra tới nơi thăm chồng, bị mất hết cả dồ đạc lẫn tiền bạc, chỉ còn cách đứng đó mà khóc than, may nhờ có bạn bè hùn vô mỗi người một ít mới mua được vé xe lửa mà về nhà, thế là mẹ lại đổi ý, cho tôi đi cùng. Tôi mừng hết sức, tưởng chừng như ngày mai đã gặp ba rồi, ba sẽ ẵm tôi trên vai như hồi tôi còn nhỏ.

Đúng như lời mẹ tôi đã nói, xe lửa rất là đông, người ta chen lấn xô đẩy nhau thật là hung hãn để có một chỗ ngồi, thành ra, thay vì tôi trông coi đồ đạc, mẹ tôi vừa phải bảo vệ cho tôi, vừa phải trông chừng cho gánh đồ đem cho ba, làm cho tôi cảm thấy hối hận vì đã đòi đi, làm cho mẹ càng bị cực nhọc thêm. Nhưng khi đến Ga Hàng Cỏ, nếu không có tôi trông chừng gánh đồ, mẹ không thể nào đi tìm xe thồ mà mặc cả giá chuyên chở được, được mẹ khen, tôi cũng thấy đỡ phần mặc cảm. Khi không còn đi bằng xe được nữa, mẹ và tôi phải bước xuống đi bộ vào trong rừng rồi leo lên núi, thật là mệt nhọc và cực khổ, mà chỉ có những người như mẹ tôi mới chịu đựng được.

Nhưng trái với ước mơ của tôi, khi gặp ba, ba tôi rất ốm yếu, ngồi cũng không vững và rất là buồn khi những người bộ đội đã không cho tôi đến gần ba, nên ba không có cách nào mà ẵm tôi trên tay cả. Mẹ cũng không được ngồi gần ba, mẹ chỉ lén nắm được tay ba một lần, bị mấy người cán bộ trông thấy, la mắng mẹ thật là nhiều, rồi nói với ba tôi là đã vi phạm nội quy trại, kỳ tới sẽ không cho thăm nuôi nữa.

Mẹ và tôi đi thăm nuôi thêm hai lần nữa thì ba tôi được thả về.

Những người Công an khu vực không để cho ba tôi có một ngày nghỉ, ngày nào ba cũng được gọi lên để bị bắt buộc đưa gia đình đi khu Kinh Tế Mới. Mẹ tôi cứ phải đi theo ba và mỗi lần như vậy phải mua quà biếu hết người này tới người khác ba tôi mới được ở yên lành mà đạp xe ba bánh đi chở đồ thuê, từ sáng sớm mãi đến khuya mới về.

Một buổi sáng, không thấy ba thức dậy sớm như mọi khi, tôi hỏi mẹ:

“Ba đi đâu từ sáng sớm vậy hả mẹ?”

Mẹ tôi nhìn trước nhìn sau như canh chừng, rồi mới nói nhỏ cho tôi dủ nghe:

“Ba đi…Long Khánh mua than về bán, vài ngày nữa mới về.”

Được hai ngày sau thì mấy người Công an đã lảng vảng chung quanh nhà tôi, môt 5 người vào trong nhà tôi nhìn từ trước ra sau, rồi hỏi mẹ:

“Anh Tâm đi đâu mà không thấy lên trình diện nhỉ?”

Mẹ đang ấp úng chưa biết nói sao thì tôi đã vuột miệng trả lời thay cho mẹ:

“Ba của cháu đi Long Khánh mua than về bán, mấy ngày nữa mới về.”

Người Công an quay lại nhìn tôi rất lâu rồi mới nói với tôi, ông ta nói với tôi mà hai hàm răng vẫn cắn chặt vào với nhau:

“Được rồi, khi nào ba cháu về, nhớ nói với ba lên…”làm việc” với Công an Phường nhá.”

Miệng thì nói như thế, nhưng sáng sớm hôm sau tôi đã thấy ông lảng vảng trước cửa nhà tôi rồi, ông không vào nhà mà đứng đằng trước nói chuyện với bác Ba, hỏi thăm bác đã gặp ba tôi hay không? Bác Ba trai cười thật tươi, trả lời rằng mới thấy ba tôi sáng sớm hôm qua …

Hôm sau nữa thì rất nhiều Công an đã vào nhà tôi khám xét, họ đi từ trong ra ngoài, từ trên xuống dước, dở mọi góc nhà lên xem ba tôi có trốn ở trong đó hay không? Mặc cho họ quát mắng la hét tung cả nóc nhà lên, mẹ tôi vẫn cứ một mực trả lời là…ba tôi đi mua than, và tôi cũng chỉ biết có bấy nhiêu.

Mấy tháng sau, khi ba tôi đã hoàn toàn không trở về nữa, người Công an có cặp môi thật mỏng mới thôi đến thăm nhà tôi, chỉ có một người Công an từ đầu mùa đến cuối mùa ngày nào cũng có mặt ở nhà tôi nhưng không bao giờ nói một câu nào cả, ngày cuối cùng trước khi về, đã đến nói nhỏ với mẹ tôi:

“Nếu anh ấy có gởi hàng về…chia cho tôi một ít nhá! Tôi biết anh ấy đi vượt biên từ ngày đầu rồi, nhưng không báo cáo gì cả.”

Tôi đã quen với sự vắng mặt của ba ở trong nhà, nên lâu ngày cũng không còn nhắc đến ba nữa.

Một hôm, khi mẹ sửa soạn chở tôi đi học thì có một người đàn bà chạy xe lại ngừng trước cửa nhà tôi, mẹ vội vàng chạy ra xem là ai, thì người này đưa ra một tấm giấy mà hỏi:

“Trong nhà có ai tên là Nguyễn Thị Mỹ Vân hay không?”

Mẹ trả lời là có, thì bà này hỏi tiếp:

“Bà có quen với ai tên là Trần Quốc Tâm hay không?”

Mẹ tôi hơi tái mặt đi…tôi cũng hoảng hốt, vì đó là tên của ba tôi mà. Một lúc sau mẹ mới ngập ngừng trả lời:

“Ông ấy là chồng tôi…Có chuyện gì không hả bà …? Nhà tôi có…làm sao không? Tôi xin lỗi hỏi…bà làm ở đâu mà biết tên chồng tôi?”

Người đàn bà đến lúc này mới tươi cười nói với mẹ:

“Bà có thư và quà của chồng bà từ Úc gởi về đó, lên ngay bưu điện mà lãnh, cứ hỏi tên tôi là Lê Thị Lương thì tôi sẽ ra giao thùng đồ cho bà, đem bán đi thì khối tiền ra đấy…nhưng mà phải có sẵn tiền trà nước cho tôi đó…không đủ thì đừng hòng lãnh hàng …”

(bài trên nguyenkhapnoi.com thiếu 1 đoạn )

…. sửng sốt khi thấy toàn là vải và thuốc tây sắp thật chặt trong thùng hàng…Mẹ đưa tay lục tung đống đồ như tìm kiếm một cái gì đó, chợt mắt mẹ sáng lên khi thấy một phong thơ, mẹ mở ra đọc, gương mặt của mẹ càng lúc càng tươi hớn hở, nhưng hai mắt của mẹ thì đầy những nước mắt. Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ, mẹ đưa lá thơ cho tôi mà nói như trong mơ:

“Thơ của bố từ bên Úc gởi về cho mẹ con mình đó…con xem đi.”

Tôi vội vàng cầm lấy lá thơ hối hả đọc …

Thì ra ba tôi đã đi vượt biên. Mẹ đã bán những món đồ cuối cùng trong nhà để góp tiền cho ba tôi ra đi. May mắn thay, ba tôi đi thoát và đã được định cư ở bên Úc. Ba nói là đã tìm được việc làm có lương cao, đang làm thủ tục bảo lãnh cho mẹ và tôi qua Úc, mỗi tháng ba sẽ mua hàng gởi về để mẹ bán đi lấy tiền sinh sống.

Tôi buông lá thơ, ôm lấy mẹ, hai mẹ con khóc như chưa bao giờ được khóc…

Từ khi ba ra đi, tôi đã đủ khôn lớn để nghĩ rằng ba tôi đã đi vượt biên, mẹ tôi cũng đã nói cho tôi biết như vậy, nhưng mẹ không biết rằng ba có đi thoát hay không? Vì đã có rất nhiều người bị bắt, bị chết trên đường vượt biên, nên mẹ nói với tôi hãy giữ kín chuyện này cho đến khih nào nhận được thơ báo tin của ba. Ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho ba tôi được đến bến bờ tự do để rồi bảo lãnh mẹ và tôi qua đó chung sống. Tôi đã tâm sự với mẹ, tôi đã sống một cuộc sống đơn độc vắng cha từ năm này qua năm khác, tôi thèm muốn những ngày được ở bên cạnh ba, cho nên niềm hạnh phúc duy nhất mà tôi mong muốn là được sống chung với ba với mẹ. Mẹ cũng đã khóc mà nói rằng, niềm hạnh phúc duy nhất mà mẹ mong muốn cũng là một mái nhà để ba mẹ và tôi cùng sống chung với nhau.

Giấc mơ của tôi và mẹ đã thành sự thật rồi!

Từ đó, cứ mỗi vài tháng, mẹ lại nhận được một thùng quà của ba gởi, ba nhắc mẹ là ráng mua một chiếc máy may để học may, vì ở bên Úc, rất nhiều người Việt làm nghề này, kiếm tiền khá lắm. Tôi cững nhận được những cuốn sách và truyện bằng tiếng Anh mà ba nói tôi phải ráng học để khi qua bên Úc tiếp tục đi học, món quà mà tôi thích nhất là con búp bê có cặp mắt to tròn và đôi chân thật dài, tên là Barbie.

Thời gian chờ đợi thật là lâu, nhưng mẹ và tôi thật là vui, ai cũng có đầy mộng tưởng. Mỗi tối trước khi đi nghủ, mẹ đã kể cho tôi nghe những chuyện về ba, về thời gian mà ba mẹ mới quen nhau, thật là thơ mộng, thật là yêu thương, ba thương mẹ lắm, nói rằng chỉ yêu mẹ chứ không yêu ai khác…Mẹ nói từ ngày lấy ba, vì ba là lính nên luôn luôn phải hành quân khắp mọi nơi, lâu lắm mới lại về nhà được vài ngày rồi lại đi. Kể từ khi qua Úc, mẹ với ba sẽ sống suốt ngày suốt tháng suốt năm bên nhau, không còn xa cách nhau nữa…mẹ cứ nói…nói mãi cho đến khi tôi không nghe mẹ nói nữa, nhìn qua, mẹ tôi đã ngủ từ lúc nào, trên môi mẹ vẫn nở nụ cười tươi…nụ cười của ngày đoàn tụ. Tôi thức nghe mẹ kể, tôi nhớ đến ba tôi thật nhiều và cũng chỉ mong cho chóng đến ngày đoàn tụ gia đình …

Ba nói mẹ có thể bán căn nhà đi để có thêm tiền qua bên Úc mua nhà mới, nhưng mẹ nghĩ đến cô Tường Vi, em của ba, đang bị mất nhà vì vượt biên bị bắt, nên mẹ đã xin cho gia đình cô Vi về ở chung nhà rồi sang tên căn nhà cho cô. Ba cho biết là đã có việc làm mới, lương cao hơn, nhưng phải làm…“On Call” mà ba giải thích là mình phải ở nhà chờ người chủ gọi điện thoại lại để đi làm, khi nhận được điện thoại thì phải đi ngay, bất kể đó là ngày hay đêm, không đi thì sẽ bị mất việc.

Ngày vui nhất trong đời mẹ và tôi là ngày hai mẹ con tôi bước lên máy bay để qua đoàn tụ với ba, tất cả bà con anh em của mẹ của ba đều ra phi trường tiễn đưa mẹ con tôi qua Úc, ai cũng cầu chúc cho chúng tôi được sống đoàn tụ bên nhau.

Lần đầu tiên được ngồi máy bay, tôi thích lắm, ngắm nhìn đủ mọi thứ trên máy bay, từ cái ghế ngồi cho tới cái thắt lung an toàn mà khi bấm vào, nó kêu một tiếng…“Cách” rồi dính vào với nhau, không thể nào tuột ra được. Tôi thích thú nhìn những cô gái làm việc trên máy bay, họ cũng có tóc đen như tôi nhưng không nói được tiếng Việt, cô nào cũng xinh đẹp và cao ráo, nói chuyện thật là có duyên. Tôi đã học được một ít tiếng Anh nên đánh bạo nói chuyện với mấy cô này, ai cũng khen tôi xinh đẹp, làm tôi thích chí, chỉ mong lớn lên được làm việc giống như các cô.

Thời gian để bay từ Việt Nam tới Úc lâu lắm, mất hơn tám tiếng đồng hồ, máy bay không bay thẳng một lèo mà lại ngừng ở một phi trường khác mà tôi không nhớ rõ, rồi sau đó mới bay thẳng tới Úc. Khi máy bay hạ cánh rồi ngừng hẳn, tôi nghe tiếng người phi công nói trong loa:

“Welcome to Melbourne, Australia …”

Tôi cảm thấy thật là nôn nao trong người, tôi nhìn qua cửa kính, trời đã sáng hẳn, máy bay đậu thật nhiều ở chung quanh, phi trường thật là to lớn và sáng trưng dước ánh nắng mai…quê hương mới của tôi đây rồi…kể từ nay, tôi sẽ là người Úc gốc Việt, sinh sống ở một quốc gia mà mẹ tôi nói là không còn phải xếp hàng đi mua gạo mua thịt và không còn phải nhìn thấy bản mặt của những tên Công an lúc nào cũng quanh quẩn trong xóm và có thể vào nhà của mình bất cứ lúc nào. Mẹ tôi mới là người nôn nóng hơn tôi…Tôi thấy mẹ mở xách tay ra, nhìn vào trong gương, đóng xách tay lại, một lúc sau lại mở ra ngắm, đưa ngón tay lên xoa lại vành môi, vén lại mái tóc, cuối cùng, mẹ quay sang tôi, hỏi nhỏ:

“Con nhìn mẹ…có già không …?”

Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ…một lúc sau tôi mới hiểu…lâu lắm rồi mẹ không gặp ba, mẹ muốn làm đẹp để cho ba ngắm…tôi cười vui nói với mẹ:

“Mẹ của con là đẹp nhất, trẻ nhất…ba thương mẹ, thì dù mẹ có như thế nào đi nữa thì ba cũng vẫn thương mẹ …”

Mẹ cười ôm lấy tôi . Tôi thấy người mẹ run lên…Mẹ nói nhỏ trong tai tôi:

“Mẹ sắp gặp ba rồi…Anh yêu…em nhớ anh lắm …”

Mẹ nắm tay tôi đi theo đoàn người xuống phi trường …

OH! Phi trường Melbourne thật là rộng lớn, người ta đông thật là đông…Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những người Úc da trắng tóc vàng, nhưng không phải ai cũng có tóc vàng, mà còn có những người Úc da trắng tóc đen, tóc nâu nữa. Ra tới chỗ chờ thân nhân, mẹ tôi nôn nao run cả người lên, cứ luống cuống nhìn chung quanh tìm ba, tôi phải vừa cong người đẩy xe hành lý vừa kéo mẹ đi vừa nhìn chung quanh đầy những người, tôi không làm sao tìm ra ba tôi cả…Lâu quá rồi, ba có thay đổi gì không? Mẹ tôi bối rối nhìn quanh, miệng lẩm bẩm: “Ba đâu …? Ba đâu rồi …? Con có thấy ba chưa …?”

Mẹ nhìn quanh . Tôi cũng luống cuống nhìn quanh…Ba đâu?…Phi trường đầy những người tóc đen da vàng, tôi không thể nào biết ai vào với ai nữa …

Bất chợt, tôi nghe phía xa có tiếng người kêu:

“Em ơi…Mỹ Vân ơi…anh là Tâm đây …”

Mẹ tôi đã nghe được tiếng gọi của ba…mẹ chạy thật nhanh lại chỗ phát ra tiếng nói…Tôi cũng bỏ luôn chiếc xe hành lý mà chạy theo mẹ…Ba tôi…ba tôi đây rồi, ba đang cầm bó hoa nhìn chung quanh, thì ra ba cũng không làm sao mà tìm ra mẹ con tôi.

—>Phần 2

Advertisement
This entry was posted in 4.Truyện ngắn, Nguyễn Khắp Nơi. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s