Huy Vũ: NHỚ LÀNG THẠCH CÁP

(Lê Thy đánh máy lại từ bản PDF)

Làng Thạch Cáp, tên tục là làng Gáp, và còn được gọi là Tứ Xã hay Ngũ Xã vì có tới bốn hay năm làng hợp lại. Dưới thời Pháp thuộc Thạch Cáp thuộc tổng Vĩnh Lại, phủ Lâm Thao, Tỉnh Phú Thọ. Sau năm 1945, Việt Minh lên nắm chính quyền, làng này có tên mới là xã Việt Tiến, không còn thuộc phủ Lâm Thao nữa mà thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Làng Thạch Cáp nằm chơi vơi trên một gò đất cao giữa một cánh đồng trũng lớn ở phía sau làng Á cuả tôi. Phía Bắc là cánh đồng tương đối bằng phẳng ăn thông với làng Sơn Dương. Phía Tây và Nam là cánh đồng thấp giáp ranh với các làng nằm dọc theo khúc quanh hình chữ C của sông Hồng là Kinh Kệ, Bản Nguyên, Quỳnh Lâm, Thành Chu, Vĩnh Lại và Trình Xá. Phía Đông tiếp giáp với các làng có núi đồi chập chùng là Do Nghĩa, Sơn Vi và Dục Mỹ.

Vùng đất mà làng Gáp toạ lạc không cao hơn mặt ruộng là bao, nên muốn có một căn nhà không bị ngập nước vào mùa mưa, người dân phải đào ao để lấy đất đắp nền, vì thế trong làng này rất nhiều ao hồ và được dùng nuôi cá, thả rau muống, hay cấy rau cần.

Làng Gáp có lẽ được hình thành vào thời Hùng Vương cùng với làng tôi, vì từ làng này tới làng Cổ Tích thuộc xã Phong Châu, nơi được coi là kinh đô của nước Văn Lang ngày xưa, không xa lắm, chỉ vào khoảng bẩy tám cây số theo đường chim bay, và cũng không có sông sâu hay núi cao ngăn cách, nên việc đi lại giữa hai nơi này, dù là vào thời cổ đại cũng không có gì là khó khăn. Ở trong vùng vẫn còn truyền tụng một câu chuyện thần thoại rằng:

Vào thời xa xưa, ở giải đất giữa làng Vầy (Sơn Vi) và làng Gáp (Thạch Cáp), cứ vào khoảng tháng Mười hàng năm, người ta thấy có một loại cây mọc thành từng bụi. Lá tựa như lá mía. Thân mềm tựa lau sậy. Hạt có hình dáng như chiếc thuyền và khi già rụng đầy mặt đất. Chim chóc từ khắp nơi kéo đến ăn rất đông. Một trong những vị quan Lang, tức hoàng tử của vua Hùng, đi tuần thú tới vùng này, thấy thế mới nghĩ rằng, chim ăn được thì người cũng ăn được, nên ăn thử, chẳng những thấy ngon miệng mà còn cảm thấy trong người khoan khoái mữa. Vị quan lang này bèn lấy hạt làm giống, và dạy dân trồng tỉa.

Làng Thạch Cáp, vào thời Hán học thịnh hành, đã có nhiều người đỗ cử nhân, tiến sĩ và ra làm quan với các triều đại Lê, Lý, Trần… Một số trong những nhà khoa bảng này là bạn văn chương thi phú của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Trong số những người đỗ đạt, có nhiều người không chịu ra làm quan, đã mở trường ngay trong làng để dạy học. Học sinh trong làng và các làng lân cận, kéo đến học rất đông. Thân phụ tôi có rất nhiều bạn cưả Khổng sân Trình trong làng này.

Đa số dân chúng trong làng Thạch Cáp sống bằng nghề nông. Ba phần tư ruộng đất của làng này, nằm trong vùng trũng, nên chỉ cấy được vụ CHIÊM duy nhất. Cầy bừa và gieo mạ vào tháng Một (1). Cấy vào tháng Chạp. Gặt vào tháng Tư hay tháng Năm. Tháng cấy lúa là tháng lạnh nhất trong năm. Người đi cấy hầu như phải ngâm chân trong những thửa ruộng đầy nước lạnh buốt, và phải phơi thân trong gió Bắc lạnh như cắt da. Tháng gặt lúa, lại là tháng nóng nhất trong năm. Trên đầu, trời nắng như đổ lửa. Dưới chân, nước nóng bỏng như nước sôi. Mồ hôi tuôn ra như tắm. So sánh với những làng chỉ làm vụ Mùa, thì làng Gáp, làm vụ Chiêm, vất vả gấp bội.

Dân đông, và nghề nông lại không cung cấp đủ công việc làm cho dân làng, nên ngay từ những ngày đầu, nghề dệt và nghề mộc đã có chân đứng vững vàng trong làng này. Trong làng còn có miếu thờ ông Tổ nghề dệt cũng như miếu thờ ông Tổ nghề Mộc nữa. Hàng năm cứ đến ngày giỗ tổ, dân làng tổ chức tế lễ rất linh đình, để cầu xin thánh tổ phù hộ độ trì cho những người trong nghề làm ăn phát đạt.

Số người sống bằng nghề dệt khá đông, nên trong làng dường như lúc nào cũng nghe thấy những tiếng kẽo kẹt từ những chiếc khung cửi phát ra. Vào những lúc vải bán chạy, thợ dệt phải làm việc khá mệt nhọc, và con cò của những chiếc khung cửi trong làng có dịp mấp máy suốt đêm thâu. Có người còn bảo là bài thơ DỆT CỬI của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được lấy ý từ những chiếc khung cửi trong làng Gáp, nhân dịp tới thăm một trong những người bạn văn chương của bà.

Vải do làng Thạch Cáp sản xuất có sợi thô nên được gọi là vải sô. Mặt khác, khổ lại hẹp, chỉ độ 50 hay 60 phân tây, nên còn gọi là vải TA, để phân biệt với vải TÂY, khổ rộng tới 90 phân hay 1 mét, do nhập cảng hay do nhà máy dệt Nam Định sản xuất.

Nghe nói, trước đây, nghề dệt làng Thạch Cáp rất phát đạt. Nhờ đó mà trong làng có nhiều nhà ngói cây mít hơn các làng khác. Khi vải rộng khổ của nhà máy dệt Nam Định do người Pháp thiết lập được bán ra rộng rãi trên thị trường miền Bắc, đã làm cho nghề dệt cổ truyền làng Gáp xuống dốc. Trong chiến tranh Việt Pháp 1945-1954, vùng kháng chiến ở liên khu Bắc Việt hầu như bị bế quan toả cảng, nên ngành dệt cổ truyền ở đây đã có cơ hội phát đạt trở lại. Vào dịp này, ngành dệt trong làng này đã kéo theo một số ngành nghề phụ thuộc khác, không chỉ riêng cho làng Gáp, mà cho cả các làng lân cận, cũng phát triển theo nữa. Đó là nghề trồng bông, cán bông (2), bật bông (3) và kéo sợi (4).

Trong làng có những buổi chợ phiên dành riêng cho ngành dệt và các ngành phụ thuộc. Vào ngày này có nhiều con buôn tới từ các tỉnh rất xa như Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng đến cất hàng. Chỗ này người bán và kẻ mua bông. Chỗ nọ người bán và kẻ mua sợi. Chỗ kia người bán và kẻ mua vải. Tiếng mặc cả, tiếng trả giá ồn ào chen lần với tiếng bật bông tịch tịch tàng tàng rân rang khắp chợ.

Làng Gáp ngày xưa chẳng những đã cung cấp vải, mà còn cung cấp nhiều toán thợ mộc cho các tỉnh miền Bắc. Thường thì mỗi toán thợ mộc của làng này gồm 3 người: thợ cả, thợ hai và thợ nhỏ. Thợ cả là người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong việc cất nhà, đóng tủ, đóng bàn ghế v. v… Thợ hai cũng biết đầy đủ như thế, nhưng so với thợ cả về tài nghệ và kinh nghiệm thì có phần kém hơn. Thợ nhỏ, thường là một chàng trai trẻ còn là vị thành niên và chỉ là người học việc, nên đục, đẽo, cưa, cắt được đặt dưới sự hướng dẫn, lúc của thợ cả, lúc của thợ hai.

Có lẽ vào thuở xa xưa, thợ mộc khó kiếm được việc làm hoặc tiền công không được khá, nên những người làm nghề thợ mộc trong làng này, không mấy người có nhà cao cửa rộng. Từ xưa đã có một câu ca dao chế diễu rằng:

Thợ mộc đẽo gỗ nghênh ngang
Cái nhà hắn ở như hang chuột chù.

Tuy nhà cửa lụp xụp, nhưng một khi được mướn cất nhà hay đóng bàn, ghế, giương tủ rồi, thợ mộc thường được gia chủ kính trọng, cho ăn uống đầy đủ và ngủ nghê trên giường cao, chiếu rộng.

Vào khoảng năm 1942 hay 1943, gia đình tôi có mướn một toán thợ mộc người làng Gáp sửa nhà. Hàng ngày, me tôi phải lo cho họ ba bữa cơm. Cơm được nấu bằng một loại gạo ngon, và thức ăn phải luôn luôn đầy đủ, không cá thì thịt. Me tôi bảo, nếu cho ăn rối thì mình thiệt, vì họ sẽ múa tối ngày. Có nghĩa là nếu cho ăm đạm bạc, họ chỉ đục đẽo qua loa cho hết ngày để ăn tiền công mà công việc không tiến triển được bao nhiêu. Dân làng trong vùng tôi thời xưa thường bảo nhau rằng, đừng bao cho thợ mộc ăn uống kham khổ, vì chẳng những họ chỉ múa rối tối ngày mà còn ếm bùa Lỗ Ban nữa. Một khi đã bị ếm rồi, thì gia chủ sẽ suốt đời không cất đầu lên được.

Vào năm gia đình tôi sửa nhà, tôi vẫn còn là một cậu bé con, nên thường lân la bên cạnh, lúc thợ cả, lúc thợ hai, lúc thợ nhỏ để xem họ cưa xẻ, đục đẽo. Tình cờ một hôm tôi thấy ông thợ cả đang đẽo cột nhà, không biết vì sơ ý hay bị tổ trát, nên lưỡi rừu chạm vào mắt cá chân, máu tuôn ra có vòi. Ông ta thảy chiếc rừu xuống đất, rồi hấp tấp đút tay vào trong quần. Một tiếng “rột” khô khan phát ra. Mặt ông ta mặt nhăn nhó như khỉ ăn mắm tôm.

Tay kéo ra một nắm lông đen xì, đắp vội vàng lên vết thương. Lạ thay, máu đang phun ra có vòi, lập tức ngưng lại. Viên thợ Hai cầm một miếng vải, chạy đến giúp ông cột vết thương lại. Không biết, vì trước con mắt quá đỗi ngạc nhiên của tôi, hay vì muốn truyền lại một phương thuốc cầm máu “gia truyền” cho viên thợ Hai, ông thợ cả vừa xuýt xoa vừa giải thích:

– È hè, lông dái có hèm nghe bay.

Trong làng Thạch Cáp, ngoài miếu thờ tổ nghề dệt và nghề mộc còn có miếu Trò Trám nữa. Trong những năm tản cư vào làng Gáp, tôi được nghe kể về ngôi miếu rất đặc biệt này. Có lẽ vì muốn nhắc nhở dân làng không được quên bổn phận sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, hay muốn tạo điều kiện cho trai gái trong làng có cơ hội gặp gỡ nhau để nên vợ thành chồng, hoặc muốn chống lại định chế khắt khe “nam nữ thọ thọ bất thân” của Khổng Giáo, mà miếu Trò Trám được dựng lên để thờ bộ sinh dục của một người nam và của một người nữ. Hai bộ phận này được đục đẽo bằng một loại gỗ qúy, được sơn phết cầu kỳ và được cất giữ rất cẩn trọng ngay trong miếu. Hàng năm cứ vào ngày lễ (5) dân làng tụ lại để cúng bái rất linh đình. Vào ngày lễ hội này, sau những màn tế lễ và hát xướng là đến tiết mục chính gọi là “linh tinh tình phộc”.

Trong tiết mục này, một cậu trai cầm bộ phận sinh dục của phái nam và một cô gái nằm giữ bộ phận sinh dục của phái nữ, từ sau bàn thờ tiến ra phía trước. Họ múa may quay cuồng một chút như là để khích động, mơn trớn, rồi sáp lại gần, lắp ráp hai vật linh thiêng vào với nhau giữa những tiếng vui cười và la hét hả hê của những người xem lễ.

Sau buổi lễ, trai chưa vợ, gái chưa chồng, do hẹn hò từ trước hoặc do tao ngộ, kéo nhau ra rừng trám (6) không xa ngôi miếu là bao, để tự do hú hí và tâm tình suốt đêm. Lệ làng không cấm trai gái trong đêm này đi sâu và xa hơn nữa vào lãnh vực riêng tư của nhau. Có điều là người con gái dường như đã được cha mẹ căn dặn trước là cần phải biết rõ gốc gác người bạn trai, hay ít ra cũng nắm được một vài “tang vật” hay “chứng tích” nào đó về người bạn qua đêm ấy, để lỡ ra có bầu bì, còn trình cho làng biết gốc gác của tác giả. Làng chẳng những không phạt vạ mà còn hoan hỉ đứng ra lo liệu việc cưới gả cho nữa.

Làng Thạch Cáp còn có tục lệ “ném quân” với làng Sơn Dương vào ngày mồng Ba tháng Ba âm lịch. Hai làng chỉ cách nhau một cánh đồng hẹp, và cứ vào ngày này hàng năm, sau khi cúng tế ở đình xong, là dân hai làng kéo nhau ra cánh đồng giữa hai làng, dàn hàng ngang, reo hò, lượm đất ruộng ném lẫn nhau. Các làng lân cận cũng kéo đến tham chiến. Muốn hỗ trợ làng nào thì đứng vào chiến tuyến của làng ấy. Có rất nhiều người bưu đầu, sứt trán trong dịp này. Vì đông dân, có khi gấp hai gấp ba, nên làng Thạch Cáp hầu như năm nào cũng thắng. Khi gặp “hoả lực” quá mạnh của đối phương lấn áp trên trận tuyến, dân làng Sơn Dương và đồng minh thường phải vừa “cầm cự” vừa rút lui từ từ dần về phía bìa làng, rồi rút hẳn vào trong làng, đóng các cổng lại. Tới lúc đó chiến cuộc được coi như chấm dứt. Dân dân làng Thạch Cáp và đồng minh reo hò kéo nhau trở về làng đem bánh TRÔI và bánh DÙNG (7) ra ăn mừng chiến thắng.

Dân cả hai làng tin rằng, nếu tục lệ này không được tôn trọng, thì trong năm sẽ xẩy ra những vụ hoả hoạn lớn, không làng này thì làng nọ, hoặc cả hai.

Vào bốn hay năm ngày trước tết Nguyên Đán, làng Thạch Cáp còn có tục lệ bắt cá cúng đình. Ở cánh đồng Chiêm làng Gáp có một cái đầm lớn hầu như không bao giờ khô cạn, nên chẳng những có nhiều cá, mà cá lại lớn nữa. Vào ngày này, dân trong làng cũng như dân các làng lân cận, mình trần, lưng mang giỏ, tay cầm nơm, tập trung quanh mép đầm. Khi đến giờ ấn định, họ cùng nhau nhào xuống đầm bắt cá. Bắt được cá nhỏ, được tự do mang về ăn tết. Bắt được cá lớn phải nộp cho làng để cúng đình. Một số người làng tôi đã tham dự “đại hội bắt cá” này cho biết, vì có tới hàng chục ngàn người cùng nhẩy xuống đầm một lúc, nên mực nước đầm dâng cao làm ngập lụt “cấp tính” khá nhiều thửa ruộng lúa chiêm xanh tươi quanh đầm.

Ngoài đồng có đầm lớn, trong làng có nhiều ao sâu, nên làng Gáp có tới ba đặc sản nổi tiếng là cá, rau muống ao, và rau cần. Cá làng Gáp bán ra thường là cá CHẮM CỎ rất béo và ngọt thịt, nên trong vùng có câu: Cơm đồng Á, cá đồng Gáp. Rau muống của làng Gáp sản xuất là rau muống ao, lá xanh sậm, cuống mầu nâu lạt, tuy trông không được đẹp mắt, nhưng có nhiều chất sắt bổ máu, ăn dòn sần sật rất ngon, và lại bán rẻ hơn các làng khác. Rau cần thường được trồng trong các ao cạn có nhiều bùn lầy quanh năm, nên cọng lớn, thân dài tới 6 hay 7 tấc tây, xanh tươi mơn mởn hơn rau cần ở các làng khác. Cần non xào với thịt bò, ăn hết chỗ chê.

Trong thời gian 9 năm chiến tranh chống Pháp, làng Gáp vì có nhiều “ưu điểm” cho một chiến trường du kích. Vào mùa mưa hầu như nước ngập quanh làng, chỉ còn một dải đất hẹp cuối làng ăn thông với làng Sơn Vi và một con đường nhỏ hẹp nối với làng Á Nguyên là còn khô cạn. Việc đi lại của người dân thường phải sử dụng những chiếc thuyền nan nhỏ bé. Vào mùa khô có đồng trống và đồng lầy bao bọc, lại còn có luỹ tre xanh khá kiên cố quanh làng. Trong làng còn có nhiều bờ luỹ dọc ngang làm công sự chiến đấu, có ao sâu làm chướng ngại vật, có nhiều ngõ ngách quanh co chằng chịt đến nỗi tôi tản cư sống trong làng này cả năm trời mà vẫn còn đi lạc, nên được huyện Lâm Thao chọn là làng chiến đấu.

Quân đội Pháp đã đôi ba lần đến sát luỹ tre nhưng không dám đột nhập vào làng, mặc dầu trong làng chỉ có dân quân du kích và một vài khẩu súng trường. Trong suốt 9 năm kháng chiến, chỉ có một lần vào năm 1948 hay 1949, quân đội Pháp đã mở một cuộc hành quân lớn trong vùng tỉnh Phú Thọ. Vào dịp này, một đơn vị khinh binh của lực lượng hành quân, khi rút về đồn Hưng Hoá bằng đường bộ đã xâm nhập vào làng Thạch Cáp, và được du kích trong làng đón tiếp bằng những hầm chông, địa lôi, và lựu đạn. Không rõ số thiệt hại là bao nhiêu, nhưng đã để lại nhiều vết máu và một số căn nhà trong làng bị đốt.

Trong làng Thạch Cáp, có tất cả bốn ngôi đình. Ngôi giữa làng, không chỉ lớn hơn ba ngôi kia, mà còn là một trong những ngôi đình lớn nhất trong vùng. Những cây cột đình, chẳng những to lớn mà còn toàn là loại danh mộc. Ngày xửa ngày xưa, việc cưa xẻ, đục đẽo, trạm trổ toàn bằng tay, nên dù là thợ mộc đông và sẵn trong làng đi nữa, làng Gáp cũng cần phải có thời gian hàng chục năm để thu mua vật liệu và thi công, mới có thể hoàn tất được một ngôi đình to lớn và công phu như thế.

Ngôi đình lớn và đẹp ở giữa làng Gáp này đã để lại trong tôi một “sự cố”, tính đến hôm nay đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng không thể quên được. Số là vào năm 1947 hay 1948, vì e ngại quân Pháp sẽ tiến chiếm các làng ven sông Hồng Hà, trong đó có làng Á hay Bản Nguyên của tôi, nên vào một buổi tối sáng trăng, tôi được sai dẫn đường cho một số gia nhân, khuân vác một số đồ đạc lỉnh kỉnh của gia đình vào gửi trong nhà một người quen ở làng Gáp. Khi trở về, đi qua ngôi đình này vào lúc nửa khuya, chúng tôi nghe tiếng khóc than não nề của một phụ nữ từ trong ngôi đình thoát ra: “Ôi trời cao đất dầy ơi ! Tôi có làm Việt gian Việt giếc bao giờ đâu mà nỡ tra khảo tôi tàn nhẫn thế này”. Trong chuyến gửi đồ vào ngày hôm sau, tôi hỏi ông chủ nhà về tiếng than khóc đêm qua. Ông chủ nhà, dường như cũng là một chức sắc trong làng lúc bấy giờ, cho biết là công an trong làng ông có bắt được một con mẹ, không biết từ đâu tới. Vì nghi là Việt gian, nên khám xét đồ đạc mang theo rất kỹ và đã tìm thấy một lá cờ tam tài xanh, trắng, đỏ của thực dân Pháp giấu trong nẹp áo. Chứng cớ rành rành như thế, mà bà ta vẫn không chịu nhận tội làm Việt gian, nên bị tra tấn nhừ tử.

Lúc bấy giờ nghe nói như thế, có lẽ vì còn quá trẻ và kiến thức còn quá nông cạn, nên tôi hết sức khâm phục đám dân quân du kích và công an làng Thạch Cáp. Mấy năm sau, tôi không khỏi hết hồn, vì tình cờ phát giác ra được rằng, hầu hết các áo lạnh hay áo dài may bằng đoạn hay sa tanh của thầy me tôi và của chúng tôi đều có nẹp xanh trắng đỏ như quốc kỳ của Pháp. Cũng may cho gia đình tôi, chỉ tản cư vào những làng mạc quen biết trong vùng mà thôi. Nếu vào các làng xa lạ, mà bị bắt gặp với những quần áo có nẹp xanh đỏ trắng như thế, chắc gia đình tôi cũng bị nghi là làm Việt gian cho Pháp và phải bỏ mạng rồi. Nghe nói, chỉ vì sự ấu trĩ của nhà cầm quyền Việt Minh lúc mới lên cầm quyền, và chính sách “thà giết lầm còn hơn tha lầm” mà không biết bao nhiêu người tản cư vô tội bị giết lầm như trường hợp người phụ nữ đáng thương trên đây. Rất có thể người phụ nữ đó đã trở thành người thiên cổ ngay trong đêm ấy. Nếu vì oan khuất mà linh hồn còn vất vưởng nơi cõi thế, xin nhận những dòng chữ này như một lời cầu nguyện hay là một nén hương muộn màng để linh hồn sớm được tiêu diêu miền cực lạc.

Không được rõ những vị được tôn vinh làm thành hoàng và được thờ phụng trong các ngôi đình làng Thạch Cáp có sự nghiệp như thế nào, mà chỉ nghe dân làng đồn rằng các vị này linh thiêng lắm. Họ đã giúp cho dân làng Gáp ăn nên làm ra, và tai qua nạn khỏi rất nhiều lần. Đặc biệt đã có một lần đốt cháy nguyên một máy bay Dakota của Pháp, khi bay tới làng Gáp để thả bom trải thảm. Tôi không biết có phải là thành hoàng làng Gáp linh thiêng đã đốt chiếc máy bay Dakota đó hay không? Song sự việc một chiếc máy vận tải của Pháp bốc cháy và rớt xuống làng Gáp, không do súng ống gì trong làng bắn lên cả, là điều có thật. Chính tôi và rất nhiều người làng tôi chứng kiến.

Biến cố này đã xẩy ra, nếu tôi nhớ không lầm, vào mùa hè năm 1951. Khi ấy, gia đình tôi không còn trú ngụ trong làng Thạch Cáp nữa mà đã trở về làng cũ, vì sau chiến dịch Cao Bắc Lạng vào năm 1950, quân đội Pháp ở căn cứ Hưng Hoá đã rút về Trung Hà. Hôm đó, vào khoảng 3 giờ chiều, tôi và vài người bạn cùng xóm, đang chăn trâu trên cánh đồng giữa làng tôi và làng Gáp. Bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng ì ầm rất nặng nề, dường như của nhiều chiếc máy bay cùng phát ra một lúc. Một lát sau, chúng tôi thấy nhiều chấm đen hiện lên ở chân trời phía Đông Nam làng tôi, cũng là phía Đông Nam làng Thạch Cáp. Tiếng ì ầm cứ mỗi lúc lại lớn lên, và các chấm đen cứ mỗi lúc một to ra. Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy rõ một đoàn máy bay vận tải, gồm 9 chiếc bay theo đội hình 3 X 3 hướng về làng Thạch Cáp. Khi bay trên vùng trời trên làng này, thì những chùm bom đen xì chui ra tữ dưới bụng của chúng. Những tiếng nổ ầm ầm và những đám khói đen, khói trắng bốc lên. Khi bay khỏi làng Gáp một đỗi khá xa, chúng vòng về hướng cũ, rồi mất dạng.

Những tưởng như thế là xong. Không ngờ độ hơn một giờ sau, lại thấy đủ chín chiếc quay trở lại, và khi bay đến làng Thạch Cáp từng chùm bom đen sì lại tiếp tục rơi xuống. Song lần này, chúng tôi thấy một trong 3 chiếc của toán cuối đột nhiên bốc cháy. Chỉ mấy giây sau chiếc máy bay này bị gẫy làm hai đoạn, rồi rớt xuống sau rặng tre xanh. Những chiếc khác dường như đã vội vàng biến mất vào chân trời. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối dân chúng trong vùng tôi thấy được cảnh không quân Pháp dùng máy bay vận tải cải tiến để thả bom “trải thảm” xuống vùng kháng chiến ở liên khu Bắc Việt. Báo hại, phần đầu của chiếc máy bay đang cháy rớt ngay bên cạnh căn nhà ngói của cụ Chánh Tiếp, một người bạn cửa Khổng sân Trình của thân phụ tôi, là nơi mà gia đình tôi gửi khá nhiều đồ đạc, khiến căn nhà này và nhiều căn nhà kế cận khác bị cháy rụi.

Sau biến cố này, dân chúng làng Thạch Cáp cũng như dân chúng trong vùng đồn đại rùm beng lên rằng, thành hoàng làng Thạch Cáp đã đốt cháy một chiếc máy bay cùng những tên giặc lái của không quân Pháp ngay trên bầu trời làng này, và làm cho chúng kinh hồn táng đởm, không bao giờ dám trở lại ném bom làng này nữa.

Làng Thạch Cáp còn một điều khá ngộ nghĩnh đáng nói nữa là những con đường vào làng cũng như những con đường trong làng vào mùa mưa thường bị ngập nước, nên những chỗ lội tương tự như Chỗ Lội Làng Ngang của cụ Nguyễn Khuyến không thiếu gì.

Trong thời gian lánh cư ở làng Gáp, tuy mới hơn 10 tuổi, song tôi thường phải qua lại những chỗ lội như thế rất nhiều lần. Đôi khi tôi cũng thấy các bà, các cô lội ngược chiều, có lẽ vì khinh thường tôi là “con nít con nôi” hay” em còn bé bỏng biết chi”, nên đã vén váy lên thật cao một cách rất tự nhiên cho khỏi ướt, khi gặp chỗ nước sâu đến háng hay hơn nữa, nên phơi cả “sự đời” ra, trông rõ mồn một. Có lẽ lúc ấy quả là tôi còn con nít thật, nên dù thấy “trắng như con cúi” hay “đen như mõm chó” cũng không một chút mảy may cảm động.

Tuy đã hơn năm mươi năm trôi qua, song mỗi khi nhớ đến làng Gáp tôi vẫn có cảm tưởng như mới ngày nào. Những người mà tôi quen biết, cũng như những người mà tôi gặp gỡ dù chỉ là một lần trong làng này, chắc phần lớn đã trở thành “người của muôn năm cũ” và “không biết hồn của họ đang ở đâu bây giờ” hay đã “vào chung một chỗ ngồi”.

Huy Vũ

Chú thích:

1-Tháng 11 Âm Lịch thường được gọi tắt là tháng Một

2-Cán bông: là dùng một dụng cụ có hai trục song song nằm sát nhau nhưng quay ngược chiều nhau để tách biệt bông và hạt thành hai phần riêng rẽ.

3-Bắt bông: là dùng một dụng cụ có căng một sợi dây như cây cung, đánh vào sợi,dây này khiến nó rung động liên tục làm cho bông (đã cán bỏ hạt) tơi tả và nhuyễn ra để kéo sợi được dễ dàng

4-Kéo sợi: là dùng chiếc xa quay tay để kéo bông (đã bật nhuyễn) thành những cuộn sợi gọi là con cúi.

5-Rất tiếc là tôi không nhớ được ngày tháng của lễ này.

6-TRÁM là một loại cây lớn cho tráí ăn được . Có hai loại: trám chua và trám đen

7-Bánh TRÔI làm bằng bột nếp và nhân là một cục đường thẻ. Bánh DÙNG cũng làm bằng bột nếp nhân đậu xanh và lớn hơn nhiều lần.

<—-Trở về Mục Lục

Advertisement
This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, Huy Vũ. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s