Huy Vũ: CHUYỆN KỂ VỀ MỘT NGUỜI NGHIỀN Ở QUÊ TÔI

(Lê Thy đánh máy lại từ bản PDF)

Hồi còn đi học trong vùng kháng chiến ở Liên Khu Bắc Việt vào đầu thập niên 1950, khi về trở về nhà vào dịp nghỉ hè, thì anh tôi bị gọi đi dân công thủy lợi. Sự vắng mặt của anh là một trở ngại lớn cho công việc đồng áng trong gia đình. Còn tôi, nếu vắng mặt thêm một thời gian ngắn nữa, cũng chỉ coi như là nghỉ hè trễ thế thôi, nên tôi xin đi thế cho anh. Có lẽ chỉ có mẹ tôi hơi buồn một chút, vì cậu con trai út của bà đi học xa nhà và vừa mới xếp bút nghiên nghỉ ngơi chưa được vài ngày, nay lại phải vác cuốc xẻng lên đường đi dân công.

Đám dân công thủy lợi làng tôi, cộng với những làng khác trong vùng lên tới nhiều ngàn người và được đưa tới vùng Cao Xá để đắp đập. Vào thời gian ấy, không quân Pháp vẫn còn làm chủ bầu trời trong vùng kháng chiến, nên đám dân công chúng tôi, ban ngày tắp vào nhà dân hay bờ bụi nào đó để nấu cơm ăn và ngủ nghỉ, chờ cho đến lúc mặt trời sắp lặn mới thi công cho đến gần sáng mới trở về.

Trong tổ dân công của tôi có hơn mười người, song chỉ có người cháu họ bên ngoại của thầy tôi, anh Trực, và tôi là đực rựa, nên chúng tôi phải đảm nhiệm công việc khá nặng nhọc là xử dụng cuốc chim, một loại cuốc khá nặng có hai lưỡi, một bằng như cuốc thường và một nhọn như mỏ chim, để cuốc đất cho những người khác trong tổ, gánh đi đắp đập. Phần vì cách biệt tuổi tác, phần vì bà con xa và tôi thường đi học xa nhà nữa, nên trước đó anh Trực và tôi ít có dịp gặp gỡ và chuyện trò với nhau. Tôi chỉ biết gia đình anh trước đây rất khá giả. Và vào lúc “cái học nhà nho đã hỏng rồi, mười người đi học chín người thôi”(1) thì anh là một trong số rất ít người vẫn tiếp tục đến cửa Khổng sân Trình để ê-a: “nhân chi sơ tính bản thiện”. Nghe nói anh đã học hết chữ trong hai cuốn Tứ Thư và Ngũ Kinh. Về sau anh quay sang học Quốc Ngữ và đã học hết lớp ba trường làng. Nhờ dịp đi dân công cùng chung một tổ, lại chỉ có hai anh em là đàn ông, nên anh Trực và tôi thường đi sát với nhau và trở nên thân thiết hơn.

Vào những buổi trưa, khi chúng tôi “lánh nạn” dưới những tàng cây trong vùng đồi núi, vì e ngại máy bay có thể oanh kích vào khu đông dân cư và đông dân công, anh Trực đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện đã xẩy ra trong đời anh, trong gia đình anh, cũng như trong làng. Một trong những chuyện mà anh kể, tôi thích hơn cả là:
Chuyện Về Một Người Nghiền Thuốc Phiện.

Vào cuối năm 1954, gia đình tôi bị cụ Hồ xếp vào lọai địa chủ bóc lột mang ra đấu tố tơi bời, nên đành phải bỏ cửa bỏ nhà, bỏ ruộng bỏ vườn và bỏ cả mồ mả của ông cha trốn vào miền Nam để sống còn. Sau năm 1975 tôi lại phải đi tù, rồi nhiều năm sau đó lại vượt biển qua Mỹ, và chưa một lần về thăm quê nên không biết vào giờ phút này anh Trực còn sống trên dương thế hay đã ra người thiên cổ? Dù trong tình huống nào đi nữa, tôi cũng xin anh hay linh hồn anh cho phép tôi được viết lại câu chuyện này ở đây. Vì nếu không, câu chuyện dí dỏm mà anh kể cho tôi nghe vào buổi trưa hôm ấy sẽ mai một đi thì uổng quá. Đã nửa thế kỷ qua đi, nhưng tôi vẫn còn nhớ được anh Trực đã bắt đầu câu chuyện như sau:

“Chắc chú có nghe nói về ông cụ thân sinh ra anh chứ? Là con một, lại sinh ra trong một gia đình khá giả, nên ông cụ được nuông chiều ngay từ hồi tấm bé. Lớn lên lại được cha mẹ cưới cho một “cô vợ thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con” nữa, nên lại càng được nuông chiều bội phần. Từ việc lớn đến việc nhỏ trong nhà và ngoài đồng đều do u (2) anh đảm đương hết, còn ông cụ không bao giờ phải đụng đến móng tay. Có lẽ vì “nhàn cư vi bất thiện” nên ông cụ thường rủ rê bạn bè đi chơi đây đó. Trong những chuyến du hý, lúc thì đi mây về gió, lúc đi thăm nàng tiên nâu, lúc đi săn vịt trời, lúc đi bắn khỉ v.v.. Nói thế chú có hiểu là họ đi đâu không? Đó chỉ là cách nói bóng nói gió cho có vẻ tao nhã đấy thôi, còn nói trắng ra là đi hút thuốc phiện. Lúc đầu, chắc chỉ tính hút chơi cho vui hoặc vì tò mò muốn thử cho biết mùi đời thôi, nên năm thì mười họa mới ghé tiệm hút một lần. Càng về sau khoảng cách càng được rút ngắn lại, từ năm mười ngày tới đôi ba ngày, rồi đến một lúc nào đó mỗi ngày phải ghé tiệm hút một lần, nếu không người sẽ bần thần, gắt gỏng, ăn không ngon, ngủ không yên v.v.. Thế là ông cụ trở nên nghiền lúc nào mà bà nội và u anh không hay biết gì cả. Đến khi biết được, chỉ còn có nước kêu Trời.

Trước việc đã rồi, lại không muốn con và chồng phải thường xuyên tới tiệm hút, hay tiệm bán đầu tiêm, là nơi gặp gỡ của nhiều thành phần phức tạp trong xã hội, nên u anh và bà nội bàn thảo với nhau, rồi đành phải nhắm mắt mua sắm một bộ bàn đèn đặt tại nhà. Trong thời gian đầu còn phải thuê người, hàng ngày đến tiêm thuốc cho ông cụ hút nữa. Kể từ lúc đó, mỗi ngày anh thấy người tiêm thuốc mướn đến nhà, lấy chiếu hoa trải trên xập gụ, rồi lôi ra bộ bàn đèn cùng mấy chiếc gối bằng gỗ từ chiếc tủ đứng ở góc nhà bầy ra chiếu.

Chú có biết bộ bàn đèn gồm những “đồ nghề” gì không? Nhiều thứ lỉnh kỉnh lắm chú ơi:

-Một cái khay lớn

-Một cái đèn đốt bằng dầu lạc (đậu phộng) hay mỡ lợn (heo) có chụp dầy và thường đi theo với một cây kéo nhỏ dùng để cắt tàn và kéo tim.

-Một cái diện hay cái lọ, ở đáy có một lỗ lủng nhỏ gọi là lỗ nhĩ, dùng để đặt viên thuốc khi hút

-Một cái dọc tẩu hay cái se, dài khoảng nửa thước. Một đầu gắn một cái núm nhỏ, giống như núm vú giả của trẻ em, để ngậm vào miệng khi hút. Đầu còn lại bịt kín, nhưng lại có một lỗ trống lớn bên hông để gắn chiếc diện.

-Một cây tiêm một đầu nhọn như mũi kim và một đầu dẹt.

-Một cây nạo lưỡi cong thước thợ dùng để cạo xái bám trong lòng chiếc diện.

-Một cây tán dùng để nghiền xái

-Một chiếc chén hay ly bằng thau dùng như một cái cối nhỏ để tán xái

-Một miếng vải hay miếng giẻ trắng nhỏ dùng để lau chùi đồ nghề

Đại để một bộ bàn đèn là như thế, nhưng nếu so sánh giữa bộ bàn đèn của người giầu có và bộ bàn đèn của kẻ nghèo khó thì lại khác nhau một trời một vực. Trong bộ bàn đèn nhà giầu sang, cái dọc tẩu chẳng những bóng láng, mà còn được khảm xà cừ tiên ông cưỡi hạc, rồng bay phượng múa v.v.., trông tựa như một bức tranh. Đầu và đuôi còn được ráp nối bằng một khúc ngọc thạch được gọt giũa rất công phu lên nước bóng láng. Một vài chỗ còn được nạm vàng sáng chói. Cái diện bằng sứ da chu rất mỏng, vì càng mỏng hút càng kêu, và góc cạnh còn được bít bạc hay vàng. Có những cái được coi là đồ cổ rất quý làm từ đời Khang Hy bên Tầu. Cán cây nạo và cây tán bằng ngà voi, nạm vàng rất lộng lẫy. Cây đèn, từ bình chứa dầu đến chụp đèn đều bằng pha lê có điểm bông hoa trong suốt. Một bộ bàn đèn sang trọng, có khi phải tốn hàng chục lạng vàng mới mua sắm nổi. Chú có biết bộ bàn đèn mà cụ Hồ nhà ta “hối lộ” tướng Lư Hán, một viên tướng của Trung Hoa Quốc Gia cầm đầu toán quân Tầu ô sang tước khi giới quân đội Phù Tang ở nước ta vào năm 1945, đáng giá bao nhiêu tiền không? Người ta không nói rõ giá trị to lớn đến mức nào mà chỉ ước lượng là vào khoảng một nửa tổng số vàng mà cụ thu được trong tuần lễ vàng trên toàn quốc. Còn bộ bàn đèn của người nghiền đã lâm vào tình trạng “tán gia bại sản” và “bán vợ đợ con” rồi thì tang thương lắm chú ơi! Cái dọc tẩu hay cái se chỉ là một đốt tre dài mộc mạc. Cái diện hay cái lọ thì y chang như cái hũ đựng nước mắm thu nhỏ. Cái chụp đèn không được là loại rẻ tiền nhất bán trong các cửa tiệm tạp hoá, mà là cái vỏ chai cắt bỏ khúc đầu và khúc đuôi. Còn các thứ khác đều là loại phế thải cả rồi, nhưng cố giữ lại để xài tạm. Có lẽ lúc đầu nó cũng toàn đồ “xịn” cả, và không đến nỗi tồi tệ như thế đâu, nhưng về sau vì túng quẫn nên phải bán hay đổi chác dần đi để lấy tiền mua thuốc hút, rồi thế vào đó bằng những đồ “dởm” xấu xí.

Vào thời kỳ mà ông cụ anh nghiền, người Pháp vẫn còn đô hộ nước ta, và họ độc quyền bán ra một loại thuốc phiện gọi là thuốc ty, dưới dạng lỏng và được đóng vào những hộp bằng đồng thau với nhiều cỡ khác nhau. Thực dân Pháp thực hiện việc này chẳng những để kiếm lời mà còn có âm mưu đồi trụy hoá dân bản xứ để dễ bề cai trị nữa, vì một người nghiền tối ngày chỉ lo tiền bạc và hút sách, chứ còn tinh thần đâu để đấu tranh dành độc lập tự do nữa. Thuốc ty mua bao nhiêu cũng có, hút bao nhiêu cũng được, miễn là có tiền. Còn thuốc phiện lậu thường được bán lén dưới dạng nhựa và đôi khi dưới dạng lỏng với giá hạ hơn, nhưng nếu nhân viên Thương Chính, tức nhà đoan (3), bắt được thì cả người bán, lẫn người mua cùng người tiêu dùng đều bị bỏ tù.

Dù là thuốc ty hay thuốc lậu đều là nhựa hay mủ của một loại cây gọi là cây THẨU hay cây ANH TÚC có hoa mầu tím rất đẹp, thường được trồng trong các vùng cao ở vùng ba biên giới Việt- Hoa-Lào. Thú thật với chú, anh chưa bao giờ nhìn thấy cây thẩu cả, mà chỉ nghe nói là nó thuộc loại thân thảo, cao khoảng một thước tây, chịu được thời tiết lạnh lẽo. Người ta lấy nhựa từ trái của nó đem phơi cho đặc, rồi gói lại bằng giấy bóng từng bánh nhỏ cho dễ giấu giếm và dễ chuyển vận. Sở dĩ anh biết chút ít về loại thuốc lậu, là vì hồi trước đôi khi anh được sai đi mua mang về cho ông cụ, và anh còn phụ giúp ông cụ trong việc nấu nhựa thành thuốc nữa. Cầm bánh nhựa thuốc phiện trong tay, anh có thể biết được thuộc loại tốt hay xấu. Mùi càng thơm càng tốt. Bẻ đôi bánh nhựa, rồi kéo rời ra nếu thấy ở lằn gẫy tạo ra nhiều răng cá là loại khá. Không răng cá, giá rẻ cũng đừng mua.

Mua nhựa về phải nấu mới hút được. Nghe nói ở những nơi trồng cây thẩu, người ta thường hút ngay từ nhựa. Nấu thuốc phiện cũng chẳng có gì là cầu kỳ cả, song vì nó rất đắt, nên người ta phải thận trọng trong mọi giai đoạn để tránh thất thoát. Khi nấu, người ta bẻ bánh nhựa thành những mảnh nhỏ, bỏ vào nồi nước, đun sôi với ngọn lửa nho nhỏ, quậy cho tan hết ra nước, rồi dùng giấy bản lược đi lược lại vài lần, cuối cùng được một lượng nước mầu nâu trong suốt, đem cô đặc lại thành thuốc. Độ đậm đặc tuỳ theo ý thích của người nấu và đo bằng số cây tiêm. Cứ mỗi lần nhúng cây tiêm vào lọ thuốc, rồi hơ trên ngọn đèn để nướng cho nở thành bong bóng thì gọi một tiêm. Mỗi lần nhúng là một lần nướng. Nếu tới 10 lần mới được một điếu to bằng hạt đậu tương, thì thuốc nước chỉ cần đặc vừa thôi. Còn nếu muốn 5 lần được một điếu, thì phải đậm đặc gần như gấp đôi. Nhựa tốt cho nhiều thuốc, nhựa xấu cho ít thuốc. Khi một lạng nhựa nấu được 8 đồng cân thuốc nước, và sáu lần nhúng tiêm mới được một điếu thuốc, thì được coi là loại trung bình và người ta bảo loại nhựa này “tám tuổi, sáu tiêm”.

Chú có biết việc cân đo đong đếm thuốc phiện được thực thi như thế nào không? Người ta dùng cân ta, là loại cân dùng để cân vàng ở các tiệm kim hoàn. Loại cân này nhỏ và nhậy, thường gọi là cân tiểu ly. Đơn vị căn bản để cân đo là lạng hay lượng. Một lạng có 10 đồng cân hay 10 chỉ. Mười lượng là một nén, và 16 lượng mới được một cân ta (4). Thuốc phiện dưới dạng lỏng, cũng tính bằng đơn vị lượng hay đồng cân, song lại được đong đếm bằng chai lọ. Cứ đầy tới miệng chai Nhị Thiên Đường là một đồng cân hay một chỉ. Vì thuốc phiện được coi là vàng đen, nên khi đong đếm người ta rất thận trọng và quí trọng từng ly từng tý một. Sau khi đong bằng chai của người bán, thuốc được rót một cách rất nâng niu và thận trọng sang chai của người mua, rồi người bán dùng một cọng lông gà, đã được tước hết những sợi lông ở hai bên sườn mà chỉ còn lại một chòm nhỏ ở đoạn chót, đút vào chai vừa đong, ngoáy đi ngoáy lại cho phần thuốc phiện còn dính lại ở thành trong của chai quện hết vào chòm lông. Sau đó chuyển sợi lông sang chai của người mua, dùng đầu ngón tay ép cọng lông thật sát vào miệng chai, rồi kéo sợi lông ra, để cho phần thuốc nhỏ nhoi bám ở chòm lông rớt vào chai người mua. Đôi khi phải làm như thế đến hai ba lần, mới lấy hết được tất cả lượng thuốc dính ở trong thành chai.

Chú có bao giờ thấy người ta tiêm và hút thuốc phiện chưa? Không đơn giản như hút thuốc lào đâu chú ạ. Người tiêm thuốc phiện không thể là tay ngang được, mà phải là tay nghề. Nhiều người nghiền không thể “tự tiêm” được, mà phải mướn người “chuyên môn” tiêm cho họ. Khi tiêm thuốc, việc đầu tiên là đốt đèn, rồi gắn cái diện dính thật chắc và thật khít khao vào chiếc dọc tẩu, để khi hút không khí ở bên ngoài không thể nào lọt bên trong được. Để thử xem đã kín chưa, người tiêm thường dùng đầu ngón tay bịt kín lỗ nhĩ lại, rồi ngậm miệng vào núm vú hút thật mạnh để lấy hết không khí bên trong dọc tẩu ra ngoài. Nếu đã đủ kín, thì khối chân không trong lòng chiếc diện sẽ hút một phần nhỏ môi của người thử lọt vào đuôi núm vú. Sau đó, người tiêm mới bắt đầu tiêm thuốc.

Thuốc phiện đem ra tiêm thường được chứa trong những chai nhỏ cho dễ cầm. Khi tiêm thuốc, người ta nhúng đầu nhọn cây tiêm nhúng vào lọ thuốc, nông hay sâu tùy theo mực thuốc đầy hay vơi, rồi đem hơ trên ngọn đèn cho nở phồng lên, sau đó lăn qua lăn lại trên đầu ngón tay hay ngay trên đầu chụp đèn cho xẹp xuống, rồi lại nhúng vào lọ để lấy thêm thuốc và nướng trở lại. Làm đi làm lại như thế nhiều lần, tùy theo thuốc lỏng hay đặc, mới được một viên thuốc to hơn hạt gạo. Tới lúc này người tiêm thuốc mới cầm dọc tẩu lên, dùng cây tiêm gắn viên thuốc vào lỗ nhĩ, rồi khoan một lỗ thông hơi qua tâm viên thuốc.

Khi tiêm xong, núm vú ở đuôi dọc tẩu được đưa vào miệng người hút và người này bắt đầu kéo một hơi dài, từ hai mươi giây đến nửa phút hay hơn nữa, tuỳ theo viên thuốc nhỏ hay lớn, mới xong một điếu thuốc. Nhìn người hút, ta có thể đánh giá được mức độ “thâm niên” của người này. Người mới tập sự thường phải hút ba bốn hơi, mới xong một điếu, đôi khi còn bị ho sặc sụa, phun cả nước miếng vào mặt những người đối diện. Người thành thạo, thường nín thở, kéo một hơi không ngập ngừng, không ngưng nghỉ. Viên thuốc bắt lửa cháy đều đều, phát ra những tiếng kêu ro ro như tiếng sáo diều, biến thành khói chui qua lỗ nhĩ, vào trong lòng chiếc diện, chạy qua dọc tẩu, xông vào phổi người hút. Khi hút xong, người nghiền không khi nào chu môi chum chúm hay há miệng toang hoác để nhả khói ra thành từng luồng hay thành từng vòng tròn, như ta thường thấy ở người hút thuốc lá hay thuốc lào, mà ngậm miệng, tiếp tục nín thở để giữ cho khói thuốc thoát ra càng ít càng tối. Đôi khi họ còn “hãm” khói thuốc bằng cách “chiêu” một ngụm nước trà thật đặc và thật nóng.

Có một điều mà nhiều người cho là lạ, là người hút thuốc phiện thường không gối đầu lên những chiếc gối làm bằng bông gòn hay lông ngỗng vừa mềm mại vừa êm ái, mà lại gối lên những chiếc gối làm bằng cây hay bằng vật liệu khác cứng như đá. Đố chú có biết tại sao đấy? Thật ra cũng chẳng có gì là lạ cả, vì gối đầu lên gối cứng thì họ mới có thể hút được một điếu thuốc “ngon lành” từ đầu đến cuối.

Để tôi giải thích cho chú nghe nhé ! Khi tiến trình hút bắt đầu thì viên thuốc gắn ở lỗ nhĩ đã được điều chỉnh sao cho lọt vào “khối cầu không phận” rất nhỏ có độ nóng cần và đủ để đốt viên thuốc, nằm ngay trên ngọn đèn. Đồng thời đầu người hút, khi đã ngậm miệng vào núm vú, cũng phải điều chỉnh theo để có khoảng cách thích hợp. Như thế có nghĩa là khoảng cách giữa đầu người hút trên gối và “khối cầu không phận” bên trên ngọn đèn tạo thành một khoảng cách gần như cố định. Bất kỳ một sự cố nào khiến cho đầu người hút thay đổi, cũng sẽ làm cho khoảng cách này thay đổi, họac là miệng người hút tuột ra khỏi núm vú hay viên thuốc bị kéo ra khỏi “khối cầu không phận”. Khi bị đẩy hay kéo ra ngoài không phận hình cầu viên thuốc ở lỗ nhĩ lâm vào tình trạng “thiếu lửa” sẽ ngưng cháy. Khi bị đẩy xuống quá thấp, viên thuốc lâm vào tình trạng “quá lửa” sẽ cháy thành than. Nếu gối đầu trên gối vừa mềm vừa êm thì thường có sự co dãn, khiến cho đầu người hút lúc cao, lúc thấp, lúc gần, lúc xa. Còn gối đầu lên gối cứng, thì sự cố này khó có thể xảy ra.

Sau khi đã hút năm ba điếu thuốc, người ta gỡ chiếc diện ra khỏi chiếc dọc tẩu, cạo nhè nhẹ vào thành trong bằng cây nạo để lấy xái ra. Bỏ vào chiếc chén đồng, rồi dùng cây tán nghiền thành bột. Sau đó lấy một lượng nhỏ thuốc phiện nước bỏ vào bột xái; ngào đi ngào lại thật nhuyễn cho đến lúc trở thành một khối dẻo đen sì, rồi ngắt ra thành từng viên nhỏ bằng hạt gạo. Xái lấy ra sau đợt hút đầu tiên được gọi là xái nhất, kế đó là xái nhì, và sau đó gọi là xái ba. Thường thì người ta chỉ lấy đến xái ba là cùng. Viên xái trước khi đem nướng để tiêm hút, được nhúng vào lọ thuốc nước để có một lớp thuốc mỏng bao quanh bên ngoài, nên được gọi là xái bao. Theo những người nghiền, thì hút xái tuy không phê bằng hút thuốc, song kêu giòn, thơm ngon hơn và thú vị hơn. Vì thế, người ta mới có câu: chết kèn trống, sống xái bao.

Hồi ông cụ anh mới nghiền, anh còn nhỏ, nên thích lân la bên bàn đèn để coi ông cụ hút và cũng để ông cụ sai bảo lặt vặt nữa. Vào lúc ông cụ đốt đèn lên để tiêm thuốc hút, anh thấy có tới ba, bốn con thạch sùng cũng bò ra trên vách nữa. Chúng qua lại sum sê, cho đến lúc ông cụ hút xong bữa thuốc, thu dọn bàn đèn cất vào tủ, mới chịu rút lui. Anh không nghĩ là chúng xuất hiện để bắt muỗi hay vì thích ánh đèn thấp thoáng đâu, mà vì dư vị của khói thuốc phiện. Đến khi lớn lên một chút, bà nội cấm anh không được lân la bên bàn đèn với ông cụ nữa, và thường bảo: Cứ quanh quẩn bên bàn đèn với bố mãi, thì trước sau gì cũng nghiền như bố thôi cháu ạ.

À, còn miếng giẻ luôn luôn hiện diện trong một bộ bàn đèn, chú biết để làm gì không? Miếng giẻ, lớn gần bằng chiếc khăn mùi-soa (5), thường được xé ra từ một chiếc áo trắng cũ rách bằng vải chúc-bâu nhưng chưa đến nỗi mục nát, dùng để lau chùi cây tiêm, cây nạo, cây tán, lỗ nhĩ, chai đựng thuốc v.. v.., không phải vào lúc chúng dính đầy bụi bặm, mà vào lúc dính thuốc hay xái, dù chỉ là một chút xíu. Lúc đầu có lẽ miếng giẻ có mầu trắng tinh hay ít ra cũng mầu cháo lòng, song vì lau chùi thuốc xái lâu ngày khiến nó đen gần như mõm chó, trông dơ dáy hơn cả miếng giẻ lau giầy nữa. Càng dơ bẩn bao nhiêu lại càng qúy bấy nhiêu. Cho đến một lúc nào đó bất ngờ lâm vào tình trạng bất khả kháng như hết thuốc, mà mưa to, gió lớn, lụt lội hoạc cạn tiền mà chưa “bán vợ đợ con” được v. v.., người ta quăng miếng giẻ vào nồi “hầm” một lúc là được ngay một tô “nước lèo” đục ngầu; để cho lắng cặn, lấy giấy bản lược đi, lược lại, rồi đem cô đặc, đôi khi cũng được đến nửa chai nhị thiên đường thuốc phiện. Tuy không ngon bằng thuốc thường, nhưng cũng hạ thấp được cơn nghiền.

À chú có bao giờ hút và say thuốc phiện chưa? Chắc chưa đâu? Anh đã thử đôi ba lần rồi, nên cũng biết cái cảm giác của người say thuốc phiện như thế nào. Say thuốc phiện ở mức độ ói mửa ra mật xanh, mật vàng và nằm thẳng cẳng như một xác chết thì chẳng còn gì thú vị để mà nói cả. Còn say ở mức độ vừa phải thì kỳ diệu lắm chú ơi! Đừng nghĩ là, anh muốn khích động tính tò mò của chú đâu. Khi say còn đôi chút tỉnh táo, không biết người khác thế nào, chứ riêng anh thì có nhiều cảm giác kỳ ảo lắm. Có lúc anh cảm thấy ngứa ngáy khắp châu thân, nhưng không rõ thực sự ngứa chỗ nào. Nếu gãi mạnh tay một chút vào chỗ mà ta tưởng là ngứa nhất, thì lại nhận ra ngay là lầm lẫn. Còn nếu gãi nhè nhe một chút vào bất cứ chỗ nào ta cũng đều cảm thấy đê mê cả. Có lúc nằm ngay ngắn trên tấm phản, mà anh lại có cảm giác là tấm phản đang quay quanh một trục nằm ngang thật nhanh, nhưng lại không bao giờ quay hết được một vòng tròn cả, mới lạ chứ. Lại có lúc anh cảm thấy lâng lâng, lơ lửng như đang nằm trên một đám mây bồng bềnh trôi về một nơi vô định. Có lẽ vì cảm thấy như thế, mà người ta gọi những người nghiền là những kẻ đi mây về gió chăng?

Chú có biết thuốc phiện chữa được khá nhiều bệnh không? Ai nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm v.v.. chỉ cần hút một hai điếu là cảm thấy khỏe liền. Ai ho khan, ho đàm, ho sù sụ như hai lá phổi muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực chỉ cần hút một hay hai điếu, hoạc lấy một chút thuốc phiện sống hoà tan trong ly nước trà, uống từng ngụm nhỏ đủ để thuốc ngấm vào tới cổ họng thôi, hoạc lấy chút xái nhất hay nhì nhét vào múi chanh, ngậm đôi ba lần là ho biến mất ngay. Ai đau bụng, tiêu chảy chỉ cần kéo một vài điếu, hay lấy một chút thuốc phiện sống cho vào nước trà, uống độ ba bốn lần là hết tiệt. Đàn bà mới sanh, chỉ cần hút một hai điếu là chỉ vài ba ngày sau đi cấy, đi gặt phon phon, và đặc biệt thời gian “con so ba tháng mười ngày, con dạ một tháng một ngày mới nên” rút xuống chỉ còn phân nửa. Chàng trai nào khi lâm trận thường “khóc ngoài quan ải” chỉ cần kéo một vài điếu là “tả xung hữu đột” lại có thừa ngay. Chàng nào yếu sinh lý, ăn cắp tiền của vợ, đi hút một vài điếu, khi vợ vỡ lẽ, chẳng những không bị vợ rầy la, mà còn được khen lấy khen để nữa. Tướng nào chỉ thạo chiến thuật “đánh mau rút lẹ” mà được “thụ huấn” vài điếu thôi là có thể “trường kỳ kháng chiến” đến phút cuối cùng ngay. Còn kẻ nào muốn tiêu diêu miền cực lạc sớm chỉ cần uống thuốc phiện sống với dấm thanh là toại nguyện liền.

Nhìn một người đi đường, chắc chú không thể đoán được người ấy nghiền hay không nghiền đâu ? Còn anh thì có thể đoán trúng đến 90%. Người nghiền, ít có người mập mạp lắm, bởi vì họ, thường chỉ lo hút nhiều hơn là lo ăn, nên rơi vào tình trạng gần như suy dinh dưỡng, người choắt lại. Hơn nữa, người ta còn bảo, những người nghiền khi hút một điếu thuốc thì thường hút đến 3 hay 4 điếu xái, vì tính chất khô khan của xái làm thân thể người nghiền khô héo và gầy còm đi. Thứ đến là môi người nghiền luôn luôn thâm xịt. Về điểm môi thâm, có thể dễ lẫn lộn giữa người nghiền với anh thợ kèn đám ma, vì môi hai người này đều thâm như nhau. Về môi anh thợ kèn, anh không biết thực hư ra sao, nhưng lại bị người đời đen so sánh với “lờ” của gái giang hồ, nên mới có câu bì phấn với vôi, bì lờ con đĩ với môi anh thợ kèn. Nếu đúng như thế thì môi người nghiền, môi anh thợ kèn và lờ con đĩ có cùng một mẫu số chung đấy chú ạ.

Còn một điểm nữa là đứng gần người nghiền ta thường cảm nhận được một mùi rất đặc biệt mà người thường không có. Đó là mùi của khói thuốc phiện pha trộn với mùi mồ hôi từ thân người nghiền bốc ra. Tuy không đến nỗi “hôi như tổ cú”, song cũng ngai ngái làm cho mũi người khác cảm thấy hơi khó chịu. Chú biết tại sao người nghiền có được mùi đặc thù này không? Vì người nghiền thường không “yêu nước” nên năm thì mười hoạ mới dám “xả thân cho nước” hay tắm một lần. Cực chẳng đã họ mới chịu tắm, và nếu tắm thì thường phải tắm bằng nước nóng, vì nước nóng dường như không làm giảm hiệu năng của khói thuốc luân lưu trong cơ thể của họ.

Trong dân gian có một câu đố về bàn đèn, không biết chú có nghe ai đố bao giờ chưa? Câu đố như sau:

“Không sông mà bắc cầu kiều
Không diều mà có sáo diều ro-ro
Chân cầu một gã nằm co
Cái môi thâm xịt, cái giò khẳng khiu
Ngọn đèn leo lét hắt hiu
Khói lam mờ toả gió chiều nhẹ bay.”

Còn chuyện này nữa, nói ra chú đừng cười nhé. Đối với anh, nếu tình cờ đi ra đồng lỡ gặp đống phân của người nào đó, anh có thể biết chắc người ấy nghiền hay không nghiền? Thật đấy, anh không nói phét đâu. Người nghiền thuốc phiện luôn luôn bị táo bón, hai ba ngày mới đi đồng hay đi tiêu một lần. Nhìn vào đống phân, mà thấy những cục tròn tròn và khô cứng như phân dê, thì chắc chắn đến 100% là phân của người nghiền thuốc phiện rồi.

Ngoài ra, chú có biết người nghiền thích ăn gì không? Thích ăn chè. Chè nào cũng được, chè nếp, chè khoai, chè đậu v.v.. Có lẽ vì chè có tác dụng làm dịu đi sự khô khan của xái thuốc phiện ? Hút xong một cữ thuốc, rồi làm một hay hai chén chè hạt sen đường cát nữa vào là tâm hồn thoải mái như lạc vào cõi thiên thai. Vì thích hảo ngọt, nên người nghiền rất ít khi mời người khác ăn chè. Khi thấy người nghiền mời người khác ăn chè, thì người ta cho đó là điều bất thường, nên mới có câu: miệng lọ se có chè tiếp khách.

Khi người nghiền lâm vào cảnh túng quẫn, không còn tiền bạc để mua thuốc hút nữa, mà cơn nghiền lại thôi thúc, thì họ không không từ nan làm bất cứ việc gì dù xấu xa đến đâu, dù bại hoại luân thường đạo lý đến mức nào đi nữa. Họ táng tận lương tâm đến nỗi sẵn sàng bán đến cái váy rách cuối cùng của vợ để có tiền mua thuốc hút. Đến khi không còn cái gì có giá trị để bán nữa thì họ lại đi ăn trộm ăn cắp. Chẳng cần phải nói đâu xa, ngay ở làng ta thôi, nhiều năm về trước cũng có một gia đình cả hai bố con đều nghiền nên phải bán dần ruộng vườn, nhà cửa, trâu bò v.v.. để lấy tiền mua thuốc hút. Cho đến lúc không còn chổi cùn và rế rách để bán nữa, người bố vì già yếu không còn đủ sức chịu đựng được sự vật vã của những cơn nghiền nên đã chết sau nhiều ngày không thuốc. Còn người con trẻ hơn nên đã sống sót, nhưng vẫn không bỏ được thuốc và đã phải đi ăn trộm. Đối với người nghiền thuốc phiện, khi bị cơn nghiền thôi thúc, thì “không có gì quý hơn là thuốc phiện”. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Một khi đã nghiền thuốc phiện rồi thì dù có giầu như Vương Khải, Thạch Sùng (6) đi nữa, cuối cùng cũng đi đến chỗ tán gia bại sản mà thôi chú ạ. Nghiền thuốc phiện nó nguy hiểm ở chỗ là mức độ nghiền thường không bao giờ chịu ngưng lại ở một điểm cố định nào cả, mà nó cứ tăng dần theo thời gian cho tới giai đoạn gần như là phải nằm bẹp dí xuống giường và hút luôn miệng, như cụ Nguyễn Hải Thần (7), mới chịu được. Thuốc phiện lại mắc như vàng, thì dù tiền có nhiều như nước sông Dương Tử và của có chất cao như núi Thái Sơn đi nữa cũng phải có ngày sông băng, núi lở. Thật ra, nếu ông cụ anh không mất sớm, chắc gia đình anh cũng đã tiêu tán đường rồi chú ơi ! Mới chỉ có hơn một hơn một chục mẫu ruộng vào loại nhất đẳng điền và hai con trâu biến thành khói thuốc, thì ông cụ bị bịnh qua đời. Khi ông cụ về với ông bà ông vải, một kẻ xấu trong làng đã há miệng ra chửi:

– Phúc đức tám mươi đời nhà anh đấy. Nếu bố anh sống thêm năm ba năm nữa thôi, thì nhà anh chỉ còn có nước dắt díu nhau đi ăn mày thôi.

Thú thực với chú nghe chửi anh tức lắm ! Bố mình chết mà nó dám bảo là có Phước Tám Mươi Đời thì không tức làm sao được. Anh định vác dao đến tận nhà chém cho thằng cha ấy mấy nhát, rồi đến đâu thì đến. Song may mà bình tâm nghĩ lại, thấy hắn có nói sai đâu, nên đành phải dẹp tự ái và câm miệng như hến.

À, còn một câu chuyện liên quan đến người nghiền, không biết thật hay hư cấu, để tôi kể nốt cho chú nhé!

Có một phú ông nghiền thuốc phiện, nhờ cô con dâu nói nói bóng, nói gió mà bỏ được thuốc phiện đấy ! Chuyện kể rằng trong một làng nọ có một ông rất giầu, không biết vì nguyên do nào đó mà mắc phải chứng nghiền thuốc phiện. Sau nhiều năm nghiện ngập, ông ta đã phải bán đi hàng chục mẫu ruộng và vài ba con trâu để lấy tiền mua thuốc hút. Một hôm dậy trễ, ông ta thấy mặt trời đã lên cao khỏi ngọn cây mà cô con dâu vẫn chưa cho con trâu còn lại duy nhất ra khỏi chuồng để đi bừa, mới nhắc:

-Sáng lâu rồi, sao chị cả chưa cho trâu đi bừa ?

-Dạ con đi ngay bây giờ bố ạ.

Dường như cô con dâu trưởng đang chờ đợi ông bố chồng nhắc nhở điều ấy, nên cô ta vội vàng đứng dậy, và đi ngay vào chuồng trâu, lấy vè bừa quất vào đít trâu đen đét để đuổi ra khỏi chuồng, nhưng lại cố tình không mở cửa chuồng, trước sự chứng kiến của ông bố chồng. Con trâu duy nhất còn lại trong chuồng không có đường thoát ra, nên chạy lồng lộn. Thấy vậy ông bố chồng bèn bảo:

-Chị cả à! Chị quên chưa mở cửa chuồng làm sao trâu ra được ?

-Dạ thưa bố, tuy cửa chưa mở, nhưng song cửa khá rộng, nên trâu có thể chui ra được dễ dàng bố ạ.

-Không được đâu chị cả à !

-Con nghĩ cứ đánh mạnh vào là con trâu này sẽ ra được thôi. Bố nghĩ xem, mấy con trâu trước to lớn hơn, mà nó còn chui qua lỗ nhĩ được huống chi là con trâu nhỏ nầy ?

Ông bố chồng biết cô con dâu nói xỏ, nói xiên, tức như điên, liền vội vàng chạy lên nhà trên lấy búa đập bộ bàn đèn nát như tương đâm, rồi bắt đầu tuyệt thuốc.

Anh kể chuyện khá dài rồi. Thôi tạm ngưng tại đây nhé. Chú cố ngủ đi, để xế chiều còn có sức cuốc đất chứ”.

Huy Vũ

Chú thích:

1- Thơ Tú Xương
2- Dân quê miền Bắc thường gọi mẹ là U
3- Chuyển âm từ tiếng Pháp: douane
4- Cân ta: một cân ta có 16 lạng, nên mới có câu “bên tám lạng, người nưả cân.”
5-Chuyển âm từ chữ mouchoir trong tiếng Pháp
6-Vương Khải và Thạch Sùng là hai nhà giầu nứt đốđổ vách ở bên Tầu thơì xưa.
7 Lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Advertisement
This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, Huy Vũ. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s