TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 (4…7)

Trường trung học phổ thông & tổng hợp ở Sàigòn-Chợ Lớn(TM tổng hợp và bổ túc)

4-Collège Chasseloup-Laubat-
Lycée Jean-Jacques Rousseau-
Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn-
Đường Hồng Thập Tự -Quận 3-Sàigòn

Ngôi trường này có ba tên thay đổi theo thời cuộc:

-Chasseloup-Laubat từ lúc thành lập năm 1874 (1879?) cho đến năm 1955-1956,
-sau năm này là Jean-Jacques Rousseau
-và kể từ năm 1969 là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn.

Được thành lập bởi chính phủ Pháp, khi còn mang tên Chasseloup-Laubat và Jean-Jacques Rousseau, trường này là trường công lập.Các chương trình học của trường từ tiểu học đến tú tài theo chương trình chính quốc và được giảng dạy bằng tiếng Pháp.

Nhưng sau khi trường đổi tên thành Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn, chương trình Việt được thiết lập và được giảng dạy bằng tiếng Việt.

Đây là một trường trung học chỉ nhận nam học sinh, ngoại trừ một khoảng thời gian rất ngắn trong hoàn cảnh rất đặc biệt, trường đã nhận nữ học sinh.

Theo tài liệu [1]: Mười hai năm sau khi Pháp chiếm được miền Nam Việt Nam, ngày 10 tháng 7 năm 1871, Đô Đốc Marie Jules Dupré, thống đốc Đông Dương đã ký nghị định thành lập một ngôi trường với tên là École Normale Coloniale (Trường Sư Phạm Thuộc Địa).

Mặt khác, theo tài liệu [2] thì người ký nghị định là ông Jules François Emile Krantz, Chuẩn Đô đốc, thống đốc Nam Kỳ. Điều này có vẻ không được chính xác lắm bởi vì ông Marie Jules Dupré được bổ làm thống đốc Đông Dương vào năm 1871, ông giữ chức vụ này cho đến tháng 3 năm 1874. Sau ông Dupré là ông Jules François Emile Krantz được bổ làm thống đốc Đông Dương tạm thời trong một thời gian ngắn từ 16 tháng 3 cho tới 30 tháng 11 năm 1874, tức là 3 năm sau khi nghị định đã được ký.

Mục đích thành lập của trường này là đào tạo những thông dịch viên làm trung gian giữa người Pháp và người bản xứ từ rày sinh sống ở Nam Kỳ thuộc địa Pháp . Trường École Normale Coloniale được xây ở Sàigòn trên một miếng đất sình lầy đã được làm khô cạn từ mấy năm trước nằm ở ngã tư của đường Mac Mahon (sau này là Công Lý ) và Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự) (Xem bản đồ đính kèm dưới đây).

Miếng đất nầy thuộc về chùa Khải Tường và nằm kế bên một miếng đất được xử dụng làm trường tác xạ của Pháo Binh (Polygone d’Artillerie). Vào đầu thế kỷ 20, trường tác xạ này bị dẹp bỏ. Một phần đất của trường tác xạ nầy nằm phía Bắc-Tây được sử dụng để xây trường Calmette sau là trường Marie Curie. Cổng trường École Normale Coloniale ngó ra đường tên là Route Stratégique, sau đổi thành Đường Số 25 và sau đó nửa bị đổi ra đường Chasseloup Laubat.

Lịch sử của chùa Khải Tường theo tài liệu [3] : ‘’Những chùa cũ nay chỉ nghe nhắc tên là: Chùa Khải Tường, năm 1859 ông Nguyễn Tri Phương lập làm đồn chống Pháp, qua đêm 6 tháng 12 năm 1860, binh ta phục kích giết quan ba Barbé nơi đây, nên chùa bị Pháp dẹp. Chùa nầy có dật sử chính hoàng tử Đảm (sau lên ngôi là Đức Minh Mạng) sanh nơi hậu liêu vào năm Tân Hợi (1791) giữa cơn tị nạn bình Tây Sơn. Qua năm 1804, Cao Hoàng nhớ tích cũ, để tạ ơn Phật dày công che chở mấy năm bôn tẩu, nên gởi tặng chùa một cốt Phật Thích Ca thật lớn bằng gỗ mít, thếp vàng tuyệt kỹ. Từ năm 1867, chùa bị dẹp, tượng Phật phải dời về nương náu nhiều nơi, cùng một số phận với hội Cổ Học Ấn Hoa, khi đường Tự Đức, khi đại lộ Thống Nhất, (chỗ hãng máy bay Air France bây giờ), mặc cho mối ăn mọt khoét. Ngày nay thanh bình trở lại, tai qua nạn khỏi, đức Thích Ca vĩnh viễn ngự tại trung đường Viện Bảo Tàng Sài Gòn như chúng ta đã thấy. Nền chùa Khải Tường truy rõ lại, ở lọt vùng đất trường Đại Học Y Dược hiện thời, số 28 đường Trần Quý Cáp, trên khu đất mang số bông đồ kim thời 1, 8, 9, section B 2 è feuille, ville de Saigon’’.

(Phụ chú : Theo tài liệu [4] :Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, thường gọi là Y khoa Đại học đường Sài Gòn, được thành lập năm 1947, như một phân hiệu của trường Y khoa Hà Nội. Giáo sư C.Massias được bổ nhiệm làm khoa trưởng phân hiệu này. Khi mới thành lập, trụ sở chính được đặt tại số 28 đường Testard (Trần Quý Cáp, quận 3 sau này), gồm một căn nhà 2 tầng dùng làm văn phòng, thư viện, phòng họp giảng viên, và 3 căn nhà ngang dùng làm nơi giảng dạy lý thuyết.

Sinh viên y khoa và dược khoa sử dụng chung trường tại địa điểm này cho tới ngày 31 tháng 8 năm 1961, Y Dược Đại học đường Sàigòn được phân chia thành hai trường : Y khoa Đại học đường Sàigòn và Dược khoa Đại học đường Sàigòn. Y Dược Đại học đường được thành lập và đặt trụ sở tại nơi khác, số 169 đường Công Lý. Ngày 16 tháng 11 năm 1966, Y khoa Đại học đường Sàigòn và Nha khoa Đại học đường Sàigòn chính thức chuyển về Trung tâm Giáo dục Y khoa trên đường Hồng Bàng, quận 5).

Vị trí nền chùa định chừng ở lối dãy nhà bếp nhà xe của tòa nhà cũ Chưởng khế Mathieu. Xóm nhà nầy dạo trước, nhiều người đồn “ở không được”, và tương truyền ai ở đây, cũng bị “phá khuấy” ít nhiều, chẳng ốm đau cũng có chuyện nọ chuyện kia xảy đến làm cho nhọc lòng rối trí luôn luôn. Thời Pháp có lúc họ dùng ngôi chùa để nuôi lính sen đầm, nay chỗ ấy làm trụ sở trường thuốc, họa chăng từ đây tà mị gặp kẻ cao tay ấn hơn rồi !

Cũng lối đó, ngang chùa Khải Tường, day mặt ra đường Lê Quý Đôn phía sau xa xa khu trường lớn Pháp Chasseloup-Laubat cũ, xưa có một ngôi nhà lợp ngói ta, cột gỗ danh mộc, lối năm 1867, binh Pháp đặt làm tiểu đồn (fortin), sau làm trại nuôi trẻ hoang, đến năm 1895 thì dẹp’’.

Tài liệu [1] không có xác định rõ ràng năm tháng bắt đầu công trình xây cất trường École Normale Coloniale ,trong khi đó tài liệu [5,6] viết là trường Chasseloup Laubat được khởi công xây dựng năm 1874.

Theo tài liệu [7] : Trường trung học bản xứ của Sàigòn thành lập bởi nghị định ngày 14 tháng 11 năm 1874. Trường được đặt tên là Collège Chasseloup-Laubat .

Theo tài liệu [8] : Năm 1874, trường Chasseloup-Laubat được thành lập để thay thế École Normale Coloniale (Trường Sư Phạm Thuộc Địa) bị dẹp bỏ .

Mặt khác tài liệu [3] viết rằng trường Chasseloup Laubat được xây từ năm 1879 đến 1885.

Theo tài liệu [9]: Trường được xây dựng buổi đầu cuộc khai phá của người Pháp nên vật liệu quan trọng mang từ Pháp sang còn lại sử dụng vật liệu tại chổ như gạch, ngói, gạch Tàu, cát. Những dãy lầu hành lang, các lớp học đều được lát gạch bông màu đen và trắng còn phía tầng trệt lối đi đều lót gạch tàu, trừ dãy lớp học dưới phòng học hội họa thì lót gạch tàu. Nóc của trường lợp bằng ngói.

Vào năm 1873, dinh thống đốc Nam Kỳ (Palais du Gouverneur de Cochinchine) được xây lên (Palais Norodom , thời Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Dinh Độc Lập), khuôn viên bên hông của dinh này ngó qua cổng chính của trường Collège Chasseloup -Laubat. (Chi tiết về Dinh Độc Lập này được trình bày trong Phụ đề 1).

Với một cơ sở dân sự Pháp đã được xác định và trước sự cần thiết có một chương trình giáo dục tổng quát, ngày 14 tháng 11 năm 1874, trường École Normale Coloniale đổi tên thành Collège d’Indigènes (Trung Học bản xứ ) giảng dạy theo chương trình cổ điển Pháp hoàn toàn miễn phí.

Tuy nhiên, theo tài liệu [9] : Ngày 10 tháng 7 năm 1871 ,người Pháp cho xây dựng trường sư phạm để đào tạo thông ngôn, thư ký phục vụ trong các công việc hành chính.Trường đó có tên là École Normale Coloniale (annamite) đặt tại vị trí chùa Khải Tường cách vị trí trường Lê Quý Đôn bây giờ khoảng 200 thước trên đường Testard (Trần Quý Cáp) trong thời gian chờ Collège d’Indigènes xây xong.

Vào ngày 14 tháng 11 năm 1874, Collège d’Indigènes được xây trên nền của rạp hát bộ của tổng trấn thành Gia Định là Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt trong khu vực làng Xuân Hòa mà vết tích của làng hiện nay còn lại là đình Xuân Hòa ở đường Yên Đổ và hoàn thành ba năm sau đó nhưng thực sự hoàn tất thì phải tới năm 1882 với hàng cây me chung quanh chia cắt hai sân gọi là grand lycée (trung học) và petit lycée (tiểu học).Khi Collège d’Indigenes xây xong thì École Normale Coloniale được sáp nhập vào cho nên dân Sài Gòn thời đó gọi trường này là trường Khải Tường. Ông Wattebled Honoré là hiệu trưởng đầu tiên của trường này. Khi mới xây xong,đường Testard ((Trần Quý Cáp) và Barbe (đường Lê Quý Đôn) chưa được mở. (Khi xưa đường Barbe còn có tên gọi là đường Palais vì dẫn vào phía hướng Tây Nam của khu vườn dinh thống đốc). Bốn mặt của trường là bốn con đường Chasseloup-Laubat, Testard, Barbe, Mac Mahon [ Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp, Lê Quý Đôn, Công Lý].

Chú thích : Theo đoạn văn trên của tài liệu [9] thì có hai (2) trường hoàn toàn riêng biệt : trường thứ nhứt là École Normale Coloniale (Annamite) và trường thứ hai là Collège d’Indigènes, sau khi trường thứ hai xây xong, trường thứ nhứt sáp nhập vô, trong khi đó theo tài liệu [1] thì Collège d’Indigènes (Trung Học bản xứ ) là École Normale Coloniale đổi tên , tức là chỉ có một (1) trường.

Ngoài ra , đoạn văn của tài liệu [9] này viết là Collège d’Indigènes được xây trong khu vực làng Xuân Hòa, thế mà theo bản đồ Sàigòn năm 1893 thì làng này nằm gần đường Thuận Kiều (sau là đường Lê Văn Duyệt) cách đường Mac Mahon (Công Lý) vài khu phố. Như vậy trường Collège d’Indigenes không thể ở địa điểm của trường Chasseloup-Laubat sau này.

Dưới đây là danh sách các giáo sư ban giảng huấn trường École Normale Coloniale vào năm 1874. Vào năm này, ban giảng huấn chỉ có một (1) hiệu trưởng và năm (5) giáo sư, hai Pháp và ba Việt trong đó có ông Trương Vĩnh Ký và ông Trương Mình Ký.

Collège Chasseloup-Laubat

Năm 1876 ,do nghị định của thống đốc quân sự Đô Đốc Victor-Auguste Baron Duperré, trường Collège d’Indigènes đổi tên thành trường Collège Chasseloup-Laubat để tưởng nhớ Marquis de Chasseloup-Laubat, bộ trưởng hải quân của Napoléon III, người cổ võ việc chinh phục Nam Kỳ. (Mặt khác,theo tài liệu [9] thì trường Collège d’Indigènes đổi tên thành Chasseloup Laubat vào năm 1928 ?). (Xem sơ lược sử tiểu sử của Chasseloup-Laubat trong Phụ đề 2).

Trường được điều khiển bởi một hiệu trưởng công chức người Âu Châu. Ông này chỉ huy các giáo sư người Âu Châu và Việt Nam.

Dân Việt Nam còn gọi trường Chasseloup-Laubat, là trường Bổn Quốc Sàigòn, khác biệt hẳn các trường bản xứ.Trường trung học Collège Chasseloup-Laubat được tách ra làm 2 khu vực : khu vực Âu Châu gọi là Quartier Européen dành riêng cho người Pháp hay người có quốc tịch Pháp và một khu gọi là Quartier indigène dành cho người bản xứ. Học trò cả 2 khu vực đều học chung một chương trình giáo dục của Pháp. Tuy nhiên, theo tài liệu [9] có một chút khác biệt, đó là : Khu vực người Âu có thêm giờ học tiếng Tây Ban Nha, khu vực người bản xứ có thêm giờ học tiếng Quốc ngữ. Từ lớp sixième và cinquième học thêm tiếng Anh . Học sinh cả hai khu vực này sau khi đậu tú tài toàn phần đều được dự thi vào trường Đại học Đông Dương tại Hà Nội hay các đại học khác tại Pháp. Ngoài ra trường còn nhận các học sinh các nước Đông Dương hoặc nước khác như Thái Lan.

Theo những đoạn văn trên thì từ những năm 1874-1876, người bản xứ đã được nhận vào học trường Chasseloup-Laubat, nhưng theo tài liệu [5], trường này chỉ nhận học sinh là người Pháp, mãi tới đầu thế kỷ 20 mới nhận thêm học sinh người Việt Nam có quốc tịch Pháp.

Những học sinh xuất sắc nhất của đất Nam Kỳ cũng được tuyển chọn theo học. Sau mỗi kỳ thi, kết quả học tập của từng học sinh còn được đăng trên Gia Định Báo.

Tài liệu [7] viết như sau : ’’ Mỗi năm trường Chasseloup-Laubat nhận 100 học sinh Việt Nam vào chương trình trung học. Thời gian học là 3 năm.

Các học sinh thi đậu cao ra trường có thể được gởi qua Pháp bằng tiền thuộc địa để hoàn thành chương trình học vấn. Những học trò khác (khoảng 480) với văn bằng khả năng (brevet de capacité) sẽ được nhận vào các cơ quan công cộng .Năm 1877, chính phủ thuộc địa đã chi ra 71000 quan Pháp cho trường này để giảng dạy và giáo dục cho các học sinh người Việt để nâng cao trình độ trí thức và đạo đức.

Trong vòng 3 năm, trường trung học này sẽ cung cấp các thư lại cho văn phòng, những người làm việc về cầu đường , các nhân viên làm việc cho sở địa bạ và sở Dây Thép.

Vào thời điểm này, các công sở được điều khiển bởi người Âu Châu, nhưng công việc trên công trường được làm bởi người bản xứ’’.

Bên đây là danh sách các giáo sư và giáo viên của ban giảng huấn trường Collège Chasseloup-Laubat vào năm 1887.

So với năm 1874, vào năm 1887 này nhân sự ban giảng huấn đã được tăng một cách đáng kể, tất cả là 31 người Pháp và Việt phân ra như sau : Người Pháp : một (1) hiệu trưởng, một (1) hiệu phó, chín giáo sư (9), ba (3) giáo viên phụ nữ; Người Việt : ba (3) giáo sư (trong đó có một giáo sư Hán Ngữ) và mười bốn (14) giáo viên, trong đó có ông Trần Chánh Chiếu (nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động cải cách).

Năm 1891, trường Chasseloup-Laubat với 24 giáo sư ( 31 vào năm 1887 theo danh sách trên) đạt được hơn 100 học sinh một cách khó khăn vì bị trường công giáo Tabert cạnh tranh lúc đó đã có hơn 260 học sinh.

Năm 1893, trường Chasseloup-Laubat đã được xây cất xong mặc dầu các toà nhà chưa được nối liền với nhau. Tuy nhiên, theo tài liệu [5,6] thì công trình xây cất trường Chasseloup-Laubat hoàn tất năm 1877. Nhưng tài liệu [6] lại viết thêm rằng thực sự hoàn tất thì phải tới năm 1882 với hàng cây me chung quanh.

Tài liệu [10] xuất bản năm 1899 về tình trạng giáo dục công cộng ở Đông Dương năm 1896 , đã viết như sau : ‘’Giảng dạy lớp trung học cổ điển và hiện đại được cho ở trường Chasseloup-Laubat.Trường này được thêm vào các lớp mẫu giáo (cours enfantins), nhận học sinh nội trú, bán nội trú, ngoại trú được trông coi và nuôi ăn và ngoại trú tự do. Giá tiền nội trú một năm là 600 quan Pháp, trả trước làm ba lần. Trường cũng có một nội trú dành riêng cho các học sinh bản xứ Việt Nam và học sinh con lai đã qua các kỳ thi tuyển. Các học sinh được nhận học bổng để theo học các lớp giảng dạy các chương trình học gần giống như chương trình cũ được rút ngắn để thích hợp theo nhu cầu địa phương’’.

Ngoài ra trường Chasseloup-Laubat còn có một lớp dành cho học sinh nội trú của một trường chuyên nghiệp gửi tới để theo học chương trình sơ cấp. (Trường Cours d’Apprentissage sau là trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ ?) .Tuy nhiên việc giảng dạy kỹ thuật và thực hành cho các học sinh này được cho trong những xưởng của pháo binh dưới sự chỉ huy của các sĩ quan và giám thị (tài liệu [10]).

Thập niên 1920, hiệu trưởng trường Chasseloup-Laubat là Raphael Barquisseau (tài liệu [1]).

Năm 1924, trường Chasseloup-Laubat có 215 học sinh.

Từ năm 1924 tất cả các kỳ thi tú tài diễn ra tại Sàigòn. Trước đây, học sinh phải ra Hà Nội để thi phần vấn đáp.

Năm 1926, bãi khóa đã xảy ra vào dịp đám tang cụ Phan Chu Trinh.

Ngày 28 tháng 11 năm 1927, toàn quyền Đông Dương (1925-1928) Alexandre Varenne ra nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine . Phân hiệu này được đặt dưới sự điều hành của ban giám đốc trường Chasseloup Laubat và một giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu. Quartier indigène dành cho học trò người bản xứ dưới cái tên là Collège de Cochinchine trở thành tự quản trong trường Chasseloup Laubat. Hiệu trưởng đầu tiên của trường Collège de Cochinchine là ông Sainte Luce Banchelin.

Trong khi đó, theo tài liệu [2] thì nghị định thiết lập một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat này đã được ký bởi ông G. Gal Toàn quyền Đông Dương. Điều này có phần không được chính xác vì lý do trong danh sách các toàn quyền ở Đông Dương vào khoảng năm1927 không có tên ông G. Gal (tài liệu [11]).

(Phụ chú : Theo tài liệu [12] : Đường lối chính trị của ông Alexandre Varenne thiên về người bản xứ chẳng hạn như xây trường học, chích ngừa,tạo công ăn việc làm,kiểm tra lao động… Các việc này làm phiền lòng các nhóm thực dân Pháp sinh sống ở thuộc địa Nam Kỳ . Bọn này đã thành công đẫy ông Varenne ra khỏi chức vụ Toàn quyền Đông Dương).

Năm 1928, do nghị định của Thống đốc Đông Dương, trường trung học Collège Chasseloup-Laubat trở thành Lycée Chasseloup-Laubat vì lý do chương trình giảng dạy trung học đệ nhị cấp trở thành cấp bách (tài liệu [1]).

(Phụ chú: Collège dạy chương trình tương đương trung học đệ nhứt cấp của Việt Nam Cộng Hòa trong khi đó Lycée dạy chương trình tương đương trung học đệ nhị cấp).

Năm 1928 này, trường có 555 học sinh (tài liệu [8]).

Năm 1928, khi các tòa nhà của trường phân hiệu tạm thời ,Collège de Cochinchine, vừa mới xây xong, ngày 11 tháng 8 năm 1928, toàn quyền Đông Dương tạm quyền René Robin ký nghị định số 3116 gồm 6 điều thành lập tại Chợ Quán, kể từ kỳ tựu trường 1928-1929, một trường Cao đẳng Tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao trên 200 học sinh Việt của phân hiệu tạm thời (Collège de Cochinchine) của trường Chaseloup-Laubat vào trường này. Trong số học sinh chuyển giao này có những học sinh thuộc hệ trung học đệ nhị cấp bản xứ của Lycée Chasseloup Laubat. Việc này đưa tới một nhu cầu cấp bách thành lập trong tương lai gần một trường đệ nhị cấp, đó là trường mang tên Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký, tức trường Petrus Ký ( theo tài liệu [5,13]).

Theo tài liệu [14,15] : Toàn quyền Đông Dương tạm quyền tên René Robert là người đã ký nghị định số 3116. Điều này có phần không được chính xác vì lý do trong danh sách các toàn quyền ở Đông Dương vào khoảng năm 1927 không có tên ông René Robert (tài liệu [12]).

Dưới đây là thông báo Lễ Phát Giải Thưởng niên khoá 1928.

Tháng 12 năm 1929, nhân dịp khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký tại sảnh đường của trường Cao đẳng Tiểu học Pháp Nam Kỳ (Collège de Cochinchine), Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên trường là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký. (Xem thêm chi tiết trong bài Trường Petrus Ký của cùng tác giả).

Ban giảng huấn nhiều khi thay nhau giảng dạy hai trường : Lycée Chasseloup-Laubat và Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký . Tiếng Pháp được xử dụng để giảng dạy ở hai trường này cho đến năm 1949.

Năm 1930, tình trạng pháp lý của các trường Trung học Đông Dương trong đó có trường Chasseloup-Laubat đã được xác định bởi nghị định l’Arrêté du 11 Février 1930. Năm này trường có 605 học sinh trong số đó 46 phần trăm là học sinh người Pháp.

Mặt khác, theo tài liệu [9] : Năm 1930 trường có 633 học sinh gồm 235 học sinh Pháp, 125 học sinh gốc châu Á và người Pháp ở Ấn Độ và 274 học sinh Đông Dương. Vào năm này có 88 học sinh nữ người Pháp học tại đây. Trường hợp các học sinh nữ được nhận vào trường với điều kiện có cha mẹ là nhân viên, giáo viên của trường hoặc có anh hay em trai đang học tại đây.

Năm 1938, do nghị định của Thống Đốc M. Brévié, trường công giáo Tabert với 900 học sinh lớp tiểu học được mở thêm bậc trung học, trở thành đối thủ cạnh tranh với trường Chasseloup-Laubat.

Cuối niên khoá 1941-1942, trường Chasseloup-Laubat có 1002 (?) học sinh (tài liệu [7]).

Từ 12 tháng 3 năm 1945 cho tới tháng 8 ,vì lý đó quân đội Nhật chiếm Việt Nam, trường Chasseloup-Laubat trở thành nơi tạm trú cho người Pháp.Các lớp học bị tạm thời gián đoạn cho tới tháng 10. Tuy nhiên, các học sinh Chasseloup-Laubat được di tản lên Đà Lạt học để bắt kịp thời gian (tài liệu [9]).

Năm 1945, trường trung học nữ Calmette (sau năm 1948 trở thành Marie Curie) bị tạm thời đóng cửa. Năm 1947, trong một thời gian ngắn trường Calmette này trở thành trung học Mossard. Các nữ sinh của trường này bị chuyển qua trường Chasseloup-Laubat (xem hình dưới đây) và trường này trở thành trường hỗn hợp (mixte) học sinh nam và nữ trong vòng 2 năm.

Năm 1947, trường Chasseloup-Laubat trở lại trường chỉ dành riêng cho nam học sinh như cũ khi trường Calmette hoạt động trở lại bình thường từ năm 1946-1948.

Năm 1949, trường Chasseloup-Laubat có 1013 học sinh tiểu học (1300 theo tài liệu [9]) và 759 học sinh trung học. Ông Mr Vinciguerra làm hiệu trưởng trường tiểu học cho tới năm 1954.

Theo tài liệu [6] : Vào niên khóa 1950-1951, cả miền Nam chỉ có trường Chasseloup Laubat mở lớp luyện thi tú tài toàn phần Pháp cho cả ba ban triết, toán và khoa học, còn các trường trung học khác chưa có đủ khả năng mở lớp này. Mặt khác, cả miền Nam cũng chỉ đủ học sinh cho mỗi ban một lớp mà thôi.

Năm 1949 cho tới 1954, trường Chasseloup-Laubat hoạt động dưới sự kiểm soát của des Services de l’enseignement du Haut-Commissariat France au Vietnam (Sở Giáo Dục Cao Ủy Pháp ở Việt Nam) (Ông Léon Pignon là cao ủy từ năm 1949 tới tháng 12 năm 1950) trong khuôn khổ Quốc Gia Việt Nam,thành viên của khối Liên Hiệp Pháp.

Năm 1954, tựu trường tháng 9 bị trễ bởi vì các phòng ốc của trường Chasseloup-Laubat đã được xử dụng để đón các người ngoài Bắc di cư vào Nam. Năm này , ở những lớp cấp trung học, 37 phần trăm học sinh là Pháp hay ngoại kiều, 63 phần trăm học sinh là người Việt.

Năm 1955, vào nhiều lúc khác nhau,trường Chasseloup-Laubat bị đóng cửa nhiều ngày vì lý do giao tranh giữa quân đội chính phủ và Bình Xuyên.

Vào dịp tụ trường năm 1955, trường được trang bị với các máy móc thính thị như máy chiếu phim, chiếu dương ảnh về khoa học chính xác, lịch sử , địa lý và các máy thâu băng.

Kể từ tháng 10 năm 1955, Việt Ngữ, trước đó được giảng dạy ở cấp trung học, nay bị bắt buộc dạy ở bực tiểu học, lớp 9, 8 và 7, mỗi tuần 4 giờ.

Theo tài liệu [9] : Ngày 17 tháng 6 năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm chủ tọa buổi lễ phát thưởng cho các học sinh xuất sắc của trường Chasseloup Laubat .Ngày 26 tháng 6 năm 1956, việc trao giải long trọng diễn ra dưới sự chủ trì ông Nguyễn Dương Đôn, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (1954-1957).

Năm 1956 , các lớp việt ngữ được đưa vào lớp 10.

Tháng 6 năm 1956, trường có 2760 học sinh cấp tiểu học và trung học.

Lycée Jean-Jacques Rousseau

Vào đầu khoá tựu trường 1955-56, trường đổi tên là Lycée Jean-Jacques Rousseau, phần lớn học sinh là người Việt, vẫn học theo chương trình giáo dục của Pháp và do người Pháp quản trị. Đường Chasseloup-Laubat trở thành đường Hồng Thập Tự . (Xem sơ lược sử tiểu sử của Jean-Jacques Rousseau trong Phụ đề 2).

Dựa theo tài liệu [16] , người ta được biết rằng vào thập niên 1950, trường Jean-Jacques Rousseau tuyển chọn các học sinh vào lớp 6è (tương đương đệ thất chương trình Việt ) bằng những kỳ thi tuyển rất gay go cho các học sinh tiểu học của các trường Pháp ,nhất là học sinh gia đình Việt, bởi vì kỳ thi này có 2 phần : thi viết (écrit) và sau đó thi vấn đáp (oral). Trước tiên các thí sinh phải đậu thi viết, sau đó vào thi vấn đáp và cũng phải đậu luôn vấn đáp mới được tuyển vào. Ngày nay, cách thi tuyển này chỉ còn được áp dụng ở cấp đại học.

Vào năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Liên Hiệp Pháp, trường Jean-Jacques Rousseau và ban giảng huấn tuỳ thuộc vào Service Culturel de l’Ambassade de France (Phòng Văn Hóa tòa đại sứ Pháp). Các chương trình giảng dạy trực thuộc Viện Hàn Lâm Pháp l’Académie de Rennes,Bretagne. Tất cả bằng cấp trung học đệ nhứt cấp, brevet élémentaire du premier cycle (BEPC), tú tài 1 và tú tài 2 được cấp phát bởi viện hàn lâm này. Giáo dục hoàn toàn miễn phí.Năm này, học sinh người Việt ở lớp trung học chiếm 81 phần trăm so với 63 phần trăm năm 1954.

Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn

Theo tài liệu [9] : Năm 1967, Pháp giao lại hai trường lycée Hồng Bàng và Jean Jacques Rousseau cho Bộ Quốc Gia Giáo dục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa . Riêng đối với trường Jean Jacques Rousseau,Pháp còn sử dụng khu trung học cho đến năm 1969 rồi mới chuyển hết số học sinh này sang lycée Marie Curie. Hiệu trưởng cuối cùng của trường Jean Jacques Rousseau là ông Rousseau.Trường Jean Jacques Rousseau trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. (Xem sơ lược sử tiểu sử của Lê Quý Đôn trong phần Phụ đề 2).

Vào năm Mậu Thân 1968, do những trận tấn công của cộng quân ở Sàigòn, Trung Tâm giáo dục Lê Quý Đôn đóng cửa một tuần.

Phải đợi tới mùa khai giảng niên khóa 1969-1970, trường mới làm lễ chính thức hoạt động với tên là Trung Tâm Giáo dục Lê Quý Đôn dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình học gọi là chương trình tổng hợp, ngoài các môn khoa học tự nhiên và văn học thì môn sử địa gọi là kiến thức xã hội, học sinh còn phải học những môn như kỹ nghệ họa, thuyết trình trước đám đông, hội họa, âm nhạc, đánh máy, doanh thương ngân hàng, nữ công gia chánh (đối với học sinh nữ), điện gia dụng, sinh ngữ Pháp (do người Pháp đảm trách hoặc người Việt đang dạy tại trung tâm văn hóa Pháp) và sinh ngữ Anh. Chương trình này tồn tại được hai năm thì trường bãi bỏ vì không có ngân sách xây dựng phòng ốc phục vụ cho chương trình tổng hợp.

Trung tâm gíáo dục Lê Quý Đôn (phần trung học) trải qua 3 thời hiệu trưởng:

1. Phan Văn Huấn (1969-1971)

2. Hồ Văn Thể (1971-1974)

3. Nguyễn Trung Ngươn (1974-tháng 4, 1975)

Dưới đây là vài hình ảnh giáo sư Trung tâm gíáo dục Lê Quý Đôn :

Với họa đồ đính kèm dưới đây,tài liệu [9] miêu tả các cơ sở phòng ốc của trường Jean Jacques Rousseau như sau :

(1) khối nhà ở của giáo sư và hiệu trưởng trường Jean Jacques Rousseau, sau đó là trung tâm nghiên cứu của Bộ Giáo Dục và Thanh Niên của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

(2) văn phòng, phòng hiệu trưởng, hiệu phó và phòng giáo sư của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn

(3) phòng học môn philosophie (triết học) trường Jean Jacques Rousseau sau đó là phòng thính thị và thư viện của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn (tầng trệt).

(4) phòng giám thị của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn (tầng trệt).

(5) giảng đường trường Jean Jacques Rousseau.

(6) phòng học môn hóa trường Jean Jacques Rousseau sau đó nó cũng là phòng học môn hóa và phòng học môn gia chánh của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.

(7) phòng vệ sinh của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn mặt trước là phòng lao công.

(8) phòng tập thể dục trường Jean Jacques Rousseau sau đó được sửa lại thành hội trường + sân khấu + phòng bóng bàn của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.

(9) phòng lao công, kế bên đàng sau là phòng y tế của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.

(10) văn phòng, phòng hiệu trưởng, hiệu phó và phòng giáo sư của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn phần tiểu học.

(11) căn-tin của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn kế bên cũng là căn-tin của trường Jean Jacques Rousseau khi xưa. Ở trên lầu là phòng học hội họa của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.

(12) phòng học môn lý và hóa của trường Jean Jacques Rousseau khi xưa sau là phòng học của hai lớp 11B và 12B.

(13) vườn thực vật của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.

14. phòng học môn sinh vật của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.

Giữa hai khu trung và tiểu học có bức tường ngăn cách. Bức tường này được xây thời hiệu trưởng Hồ Văn Thể (1970-1974).

Những hình ảnh dưới đây trích từ tài liệu [6] cho phép thấy cảnh bên ngoài của trường :

Entrée des vélos et cyclomoteurs:

1) Cổng chính dành cho xe gắn máy của bên tiểu học nằm ở đường Trần Quý Cáp ( ngày xưa là Testard) chỗ chiếc xe màu xanh
(2) Cổng chính dành cho xe gắn máy của bên tiểu học

Entrée des élèves piétons:
(Là cổng phụ bên đường Barbe – Lê Quý Đôn dành cho học sinh tiểu học ra vào)

(3) Chỗ học sinh tụ tập là cổng phụ bên đường Barbe – Lê Quý Đôn. Dãy phòng thí nghiệm vật lý, hóa học ở chỗ hai xe màu trắng, kế bên là giảng đường.
(4) Hình các học sinh tiểu học, phía sau là dãy nhà dẫn ra cổng đường Trần Quý Cáp-
Bên phải hình là văn phòng tiểu học.
Bên trên là hành lang nối khu tiểu học với trung học ở đó có mấy phòng dành cho nhân viên nhà trường.
Bên trái hình phía trên lầu là dãy lớp học liền kề chỉ ngăn bằng vách gỗ .

Theo trí nhớ đã bàng bạc của tác giả bài này : Vào khoảng cuối thập niên 1960, các lớp huấn luyện về kỹ thuật ngân hàng đã được giảng dạy vào buổi tối trong khuôn viên của trường Lê Quý Đôn. Muốn vào học các lớp này, thí sinh phải qua một kỳ thi tuyển lựa gắt gao, mặc dầu đây là lớp (cours) buổi tối.

Năm 1970, Le lycée Jean-Jacques Rousseau, ex-Chasseloup-Laubat, trường học lâu đời nhứt ở Đông Dương và nổi tiếng nhứt đã bị dẹp bỏ.

Năm 1975,cuộc thi tú tài cuối cùng của Pháp tại Việt Nam tổ chức ở trường Marie Curie dành cho học sinh Jean Jacques Rousseau và Marie Curie (tài liệu [9]).

Từ năm thành lập 1871 cho đến năm 1975, trường Chasseloup Laubat- Jean Jacques Rousseau – Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn trải dài hơn 100 năm, qua nhiều thế hệ, đã đào tạo ra biết bao thế hệ nhân tài trong nước và ngoài nước như Pháp, Hoa Kỳ, Canada , trong mọi ngành nghề, mọi xu hướng chính trị’’ (tài liệu [6]).

‘’Phẩm chất đào tạo của trường Chasseloup Laubat, Jean Jacques Rousseau và kể cả Trung tâm giáo dục Lê Quư Đôn rất là cao. Đây không phải là sự nói thái quá mà đó là sự thật là vì trong thời thuộc địa nó được sự quan tâm của chính phủ thuộc địa và về sau nó cũng được sự quan tâm của bộ Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa. Chính nơi này các học sinh nhiều thế hệ của nó đã thừa hưởng một lối giáo dục tiên tiến của Pháp và Việt Nam Cộng Hòa mang đến’’ (tài liệu [9]).

Các cựu học sinh nhân tài thành danh tiêu biểu có :

  1. Bùi Quang Chiêu (1873-1945) : Nhà báo, nhà hoạt động chính trị tranh đấu đòi tự trị cho Việt Nam.
  2. Hồ Biểu Chánh (1885-1958) : Nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.
  3. Phạm Công Tắc (1890-1959) : Hộ Pháp Đạo Cao Đài, lãnh đạo tối cao của Cao Đài giáo.
  4. Nguyễn Văn Xuân (1892-1989) : Người Việt đầu tiên trúng tuyển vào ngôi trường danh giá nhất xứ Pháp : trường Bách Khoa École Polytechnique de Paris thành lập năm 1794 bởi Napoléon, thiếu tướng (Général de division) quân đội Pháp, Thủ tướng của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ.
  5. Nguyễn Thành Giung : Sinh ra tại tỉnh Sa Đéc năm 1894, đỗ bằng tiến sĩ khoa học năm 1923-đại học Marseille, năm 1926, giáo sư (professeur) tại Trường Sư Phạm Đào Tạo Các Giáo Chức (École Normal des Instituteurs), sau đó đảm nhận các chức vụ tại trường Chasseloup-Laubat và trường Lycée Petrus Ký, trước khi trở thành giám đốc trường Collège de Mỹ Tho. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục 1952-53 thời Quốc gia Việt Nam, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đại học Hà Nội.
  6. Nguyễn An Ninh (1900-1943) : Nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, chủ tờ báo Pháp văn La cloche fêlée (Tiếng chuông rè, có người dịch Tiếng chuông rạn) ở Sàigòn, mất trong tù Côn Đảo vào năm 1943.
  7. Vương Hồng Sển (1902-1996) : Nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng Việt Nam.
  8. Phan Văn Hùm (1902-1946) : Nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng, bị Việt Mình thủ tiêu.
  9. Tạ Thu Thâu (1906-1945) : Nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, bị Việt Minh bắt và sau đó xử tử tại Quảng Ngãi.
  10. Nguyễn Ngọc Thơ (1908-1976) : Tỉnh trưởng, bộ trưởng, đại sứ, quốc vụ khanh, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa.
  11. Marguerite Duras (4 tháng 4 năm 1914 – 3 tháng 3 năm 1996) : Nhà văn, đạo diễn người Pháp, tác giả cuốn tiểu thuyết L’amant, học trường Chasseloup Laubat năm 1930.
  12. Trần Văn Đôn (1917-1998) : Trung tướng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa,Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng tham mưu,Phó thủ tướng, Bộ trưởng bộ quốc phòng, Thượng nghị sĩ.
  13. Trần Tử Oai (1921-2001) : Thiếu tường Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Chiêu hồi, Tổng Giám đốc Chương trình diệt trừ sốt rét, Giám đốc Nha Chiến tranh tâm lý.
  14. Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016) : Giáo sư các đại học George Mason, Trinity College và Georgetown University, Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ dân Vận Chiêu Hồi, Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn quốc Hoa Kỳ, cựu giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA).
  15. Phạm Đăng Lâm : Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Phillipines, trưởng đoàn chính phủ VNCH tại hội đàm Paris.
  16. Nguyễn Xuân Vinh : Đại tá tư lịnh không quân Việt Nam Cộng Hòa, nhà văn bút hiệu Toàn Phong, tác giả của nhiều sách về Toán: Hình học không gian, Lượng Giác học, Cơ học, Thiên Văn học (mà học sinh ban Toán nào vào những năm 1960 nếu chịu khó nghiền ngẫm, lấy hạng Ưu bằng Tú Tài 2 Toán không có gì khó khăn),tiến sĩ khoa học không gian tại Đại học Colorado, Viện sĩ Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế, Giáo sư, cựu phi hành gia Hoa Kỳ.( Để biết thêm nhiều chi tiết về ông Nguyễn Xuân Vinh, xem tài liệu [17])
  17. Trương Công Hiếu : Kỹ Sư, tiến sĩ , giáo sư và giám đốc trường Cao Đẳng Hóa Học và trường Cán Sự Hóa Học ở Phú Thọ Việt Nam Cộng Hòa; Tổng Giám Đốc Kỹ Thuật Ban Khảo Cứu của Công Ty Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nã Đại (Royal Canadian Mint); Người đầu tiên trên thế giới đã thay đổi hệ thống đúc tiền bằng những kỹ thuật dùng kim loại và thép để làm cho đồng tiền mỏng hơn, nhẹ hơn và không bị rỉ sét. Trong quyển sách: “Chuyện Kể Về Các Cuộc Triển Lãm Tiền Xu Quốc Tế” (Story of World Money Fair) được xuất bản vào năm 2012, tác giả Albert M Beck, Chủ Tịch và Sáng Lập Viên của Hội Chợ Quốc Tế Tiền Tệ Berlin tại Đức đã viết và bình luận về Tiến Sĩ Trương Công Hiếu như sau:“Trong 40 năm vừa qua, người đã có công lao nhiều nhất trong sự tiến bộ về ngành đúc tiền trên thế giới, người đã đóng góp nhiều nhất về những kiến thức mới về nghành đúc tiền trên thế giới chính là Tiến Sĩ Hieu C. Truong của Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nã Đại“.

Để tôn vinh và ghi nhớ những công trạng của Tiến Sĩ Trương Công Hiếu, Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nã Đại (Royal Canadian Mint )đã cho xây dựng một Trung Tâm Khảo Cứu Xuất Sắc và Hiện Đại với ngân sách 10 triệu đô la tại Winnipeg và đặt tên cho cơ sở khảo cứu về kỹ thuật đúc tiền vừa mới xây dựng nầy là:
Dr. Hieu C. Truong Center of Excellence
Royal Canadian Mint, Winnipeg, Manitoba, Canada

  1. Trịnh Xuân Thuận: Tiến sĩ, khoa học gia trong lĩnh vực vật lý thiên văn, tác giả nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo, giáo sư tại đại học Virgina và giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII (Université Paris VII – Diderot), Giải thưởng Moron 2007 của của Hàn Lâm Viện Pháp và huân chương Bắc Đẩu Bội tinh của Pháp năm 2014.
  2. Dương Nguyệt Ánh : Kỹ sư hóa học , khoa học điện toán và quốc gia hành chánh đại học Maryland, Giám đốc Khoa học và Kỹ thuật (Director of Science and Technolgy) của chi nhánh Indian Head Division thuộc Trung tâm Vũ khí Hải quân Hoa Kỳ, cố vấn khoa học cho phó Đề Đốc Hải Quân Hoa Kỳ về thông tin và chiến thuật tại Ngũ Giác Đài,Giám đốc An ninh Biên giới và Lãnh hải (Director of the Borders and Maritime Security division) thuộc nha Khoa học và Kỹ thuật (Science and Technology Directorate) của Bộ Nội an Hoa Kỳ (Department of Homeland Security),

Giải thưởng :

1. Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement” của Bộ Hải quân Hoa Kỳ năm 2000.

2. Award of Excellence for Public Service” bởi U.S. Pan Asian American Chamber of Commerce năm 2004.

3. Service to America Medal for National Security” (Huy chương phục vụ Quốc gia về an ninh) năm 2007.

4. Công dân Hoa Kỳ Ngoại hạng năm 2008.

  1. Lâm Thanh Mỹ Châu : Trung Tá Hải Quân (Navy Commander) và là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp từ trường sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ (US Naval Academy).

Bên cạnh các cựu học sinh nhân tài thành danh tiêu biểu nêu ra ở trên , trường Chasseloup Laubat cũng có 2 cựu học sinh đại gian ác. Đó là :

Trần Văn Giàu, lãnh tụ công khai của đảng Cộng sản Việt Nam ở Sài Gòn, đồng thời là người xta-lin-nít khét tiếng, đã ra lệnh bắt và sau đó xử tử một đồng môn của trường này : ông Tạ Thu Thâu tại Quảng Ngãi.

Trịnh Công Sơn, thành phần phản chiến, chống lại Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ra mặt làm tay sai cho ngụy quyền cộng sản, nhưng không được trọng dụng.

Theo tài liệu [9] : Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc ban đầu của ngôi trường vẫn còn như nguyên vẹn, gồm bốn dãy nhà cao hai tầng ghép lại có hình chữ “khẩu”. Với lối kiến trúc mang đậm chất Tây Âu, trường sở được xem như một kiến trúc cổ có lịch sử văn hóa lâu đời, vẫn giữ gìn được nét truyền thống cổ kính mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa.

Sau năm 1975, Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn bị đổi tên là trường trung học Lê Quý Đôn, phân chia thành 2 khu vực: Khu dành riêng cho học trò cấp II, mang tên trung học cơ sở Lê Quý Đôn; khu dành riêng cho học trò cấp III, mang tên trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn.

Tài liệu [18] viết bởi một cựu học sinh : Tôi cũng như các thế hệ học sinh ở trường này khi về thăm lại trường đều thấy hụt hẩng bởi sự thay đổi cấu trúc của trường mà chính nơi đó lưu giữ những kỷ niệm năm tháng học trò vì vậy chỉ thấy lòng buồn thêm. Điều đáng tiếc hiện nay là trường Lê Quý Đôn là một di tích của thành phố nhưng lại bị phá bỏ và thay đổi rất nhiều.

Tham nhũng là một loại bịnh trầm kha ,vô phương cứu chữa được tạo ra bởi ngụy quyền cộng sản. Nó là phương tiện để bọn ngụy quyền cộng sản vinh thân, phì gia cướp bóc tài sản nhân dân và đất nước. Nó đã được cấy vào máu bọn cán bộ ngụy quyền để làm nghèo và làm khổ mọi tầng lớp nhân dân lương thiện.

Trường trung học Lê Quý Đôn hoạt động trong lãnh vực giáo dục cũng không tránh được căn bịnh này. Theo tài liệu [19]: Thời Pháp trường nổi tiếng với nhiều giáo sư và học sinh thật sự giỏi được lưu danh, nhưng thời gian gần đây,trường đã bị tai tiếng vì bê bối xì-căng-đan chạy điểm, phóng điểm. Năm 2006 trường được nhiều báo chí đề cập về vụ “chạy trường” tại đây, một số học sinh không đủ tiêu chuẩn vào trường đã đưa tiền để được nhận vào học.

Tài liệu [5] đã viết : Mỗi khi đi qua trường Lê Quý Đôn, thấy cờ đỏ sao vàng treo cao phía trên sân trường, và khẩu hiệu “Học sinh Lê Quý Đôn tự hào tiến bước dưới cờ đảng,” chúng tôi không khỏi bực bội khó chịu, xót xa. Dù sao cũng còn chút an ủi, là dưới bức tượng Lê Quý Đôn được dựng vào thời gian cuối năm 1998, với danh ngôn của Lê Quý Đôn khắc phía dưới tượng đài: “Phi Trí Bất Hưng.”

o O o

PHỤ ĐỀ

Phụ đề 1 : Lịch sử Dinh Độc Lập

Sau đây là sơ lược lịch sử Dinh Độc Lập trích dẫn từ tài liệu [20,21] :

1. Vài nét về lịch sử dinh Gouverneur de la Cochinchine:

Năm 1858, Pháp đã phát động một cuộc tấn công vào Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm lược của Việt Nam. Năm 1867, Pháp đã hoàn thành cuộc chinh phục của miền Nam Việt Nam (Đàng Trong), bao gồm các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Để củng cố thuộc địa mới được thành lập, vào ngày 23 tháng 2 năm 1868, việc đầu tiên của Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière là xây dinh Thống đốc Nam Kỳ mới ở một vị trí đắc địa nhất.

Đó là một vùng đất cao nhất Sàigòn, rộng 15 mẫu tây, có nơi làm công viên, vườn cây và những bãi cỏ xanh mướt, nhìn ra một không gian rộng thoáng.

Ngày 5 tháng 2 năm 1865, tờ Courrier de Saigon (Thư tín Sàigòn) đăng một thông báo của chính quyền thuộc địa dành một khoản tiền thưởng trị giá 4.000 franc cho các kiến trúc sư hay nghệ sĩ nào giới thiệu một đề án tốt nhất được chọn làm cơ sở xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ.

Khoản tiền thưởng không phải là nhỏ, song đến ngày 20 tháng 4 năm1865, vượt quá thời hạn chót 25 tháng 3 năm 1865, mà chỉ mới có một đề án được gửi tới ban tổ chức. Sau đó không lâu, một đề án do một nhóm kiến trúc sư ở Singapore soạn thảo được chuyển đến Sàigòn, xong sau khi xem xét kỹ cả hai đề án, ban tổ chức không chấp thuận một cái nào.

Cuối cùng, cơ hội bắt tay xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ đã xuất phát từ một sự tình cờ. Trong một dịp ghé Hồng Công, hai đô đốc Pháp Ohier và Roze (cũng từng làm Thống đốc Nam Kỳ) được giới thiệu với một kiến trúc sư người Pháp trẻ tên Hermitte, nguyên là học viên trường Mỹ thuật Paris.

Tại Hồng Công, Hermitte đã đoạt giải thưởng trong việc thiết kế đồ án Tòa Thị chính, vượt qua nhiều kiến trúc sư khác.

Được những thông tin này, Roze và Ohier trở về Sàigòn, thuyết phục đương kim Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière chính thức nhờ Hermitte thiết kế và xây dựng dinh Thống đốc.

Một trong những biện pháp được sử dụng để lôi kéo nhân tài trẻ này là khoản thu nhập 36.000 franc/năm, cao hơn rất nhiều so với các viên chức Pháp đứng đầu các cơ quan tọa lạc tại Sàigòn. Và những gì Lagrandière làm đã có một kết quả : chỉ mấy ngày sau khi đến Sàigòn, Hermitte trình một đồ án được viên Thống đốc chấp thuận ngay.

Chủ nhật ngày 23 tháng 2 năm 1868, trước đông đảo người tham dự, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng dinh Thống đốc Nam Kỳ đã diễn ra dưới sự chủ trì của Đô đốc Lagrandière, với sự tháp tùng của nhiều sĩ quan và viên chức cao cấp của Pháp.

Người làm phép cho công trình là Đức cha Miche với một diễn từ gây xúc động cho cử tọa. (Phụ chú : Năm 1866, Đức cha Miche đã làm lễ khánh thành chủng viện Sàigòn. Xem thêm chi tiết trong bài Chủng viện (Séminaire) Sàigòn của cùng tác giả).

Với sự phụ giúp của kiến trúc sư Hermitte, Thống đốc Lagrandière làm lễ đặt viên đá đầu tiên được chôn sâu 2,6 m bên dưới mặt đất, trên một tầng đất rất cứng chắc.

Đó là một viên đá hoa cương vuông vắn, mỗi cạnh 50 cm, được mang từ Biên Hòa về. Trong thời gian xây dựng, Hermitte đã cho đào một hố móng sâu 3,5 mét, lấy đi 2.436 m3 đất đá và sử dụng khoảng 2 triệu viên gạch.

Năm 1870, công trình xây cất đang tiến triển thì cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, hoàng đế Pháp Napoléon III bị bắt làm tù binh, nước Pháp thất trận. Sự kiện này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng dinh Thống đốc Nam Kỳ, vì lý do nhiều vật liệu phải được chuyển từ chính quốc sang.

Công trình này được xây cất trên một diện tích rộng 12 mẫu tây, bao gồm một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80 thước bên trong có phòng khách chứa 800 người, và một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Phần lớn vật liệu xây dựng dinh được chở từ Pháp sang. Tất cả đều được xây theo phong cách tân Baroque giống với kiểu của hoàng đế Napoleon III.

Cũng vì thế mà mãi đến năm 1875, kiến trúc đồ sộ này mới hoàn chỉnh phần trang trí. Sốt ruột về sự chậm trễ trong việc xây dựng và hoàn thành cơ sở, ngay từ năm 1873, Thống đốc Nam Kỳ Dupré đã dọn về đây để ở và làm việc trong lúc việc trang trí còn tiếp diễn. Dinh gỗ “Thủy sư Đề đốc” còn được lưu giữ, mãi đến năm 1877 mới bị phá hủy hoàn toàn.( Xem thêm chi tiết dinh Thủy sư Đề đốc trong bài Trường La San Taberd của cùng tác giả).

Sau khi xây dựng xong, dinh được đặt tên là dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là đại lộ Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ là Norodom (1834-1904),(thời Việt Nam Cộng Hòa là đại lộ Thống Nhất).

Từ 1871 đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) nên gọi là dinh Thống đốc.

Theo tài liệu [21] : Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur général de l’Indochine Française) đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền.

Nơi ở và làm việc của các Thống đốc Nam Kỳ chuyển sang dinh Gia Long gần đó. Tuy nhiên, dinh chỉ được sử dụng làm nơi làm việc cho Toàn quyền Đông Dương cho đến năm 1906. Khi Phủ Toàn quyền ở Hà Nội được xây dựng xong thì các Toàn quyền và hầu hết bộ máy giúp việc dời ra Hà Nội. Nơi đây chỉ còn lại các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền (cơ quan liên bang) đặc trách ở Nam Kỳ. Mặc dù vậy dân gian vẫn quen gọi đây là dinh Toàn quyền.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, dinh Toàn quyền trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng đến tháng 9 năm 1945, Nhật thất bại trong Thế chiến II, Pháp trở lại chiếm Nam kỳ, dinh Toàn quyền trở lại thành trụ sở làm việc của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, một chức vụ gần tương đương với chức vụ Toàn quyền thời thuộc địa (tài liệu [21]).

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị chia cắt thành 2 quốc gia, miền Nam là nước Quốc Gia Việt Nam (sau thành Việt Nam Cộng Hòa). Ngày 7 tháng 9 năm 1954,dinh Toàn quyền được bàn giao giữa đại diện Pháp, tướng 5 sao Paul Ely, và đại diện Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

2. Vài nét về dinh Độc Lập thời đệ I Cộng Hòa:

Năm 1955, sau một cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trýởng Bảo Ðại và lên làm Tổng thống. Ông quyết ðịnh ðổi tên dinh này thành dinh Độc Lập. Từ đó Dinh Độc Lập trở thành nơi đại diện cho chính quyền cũng như nơi ở của tổng thống và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Thời kỳ này, dinh Độc Lập còn được gọi là dinh Tổng Thống. Theo thuật phong thủy của Dinh được đặt ở vị trí đầu rồng, nên Dinh cũng còn được gọi là Phủ đầu rồng.

Đến năm 1962 lại xảy ra vụ ném bom dinh Độc Lập vào ngày 27 tháng 2 do hai phi công tên là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện.

Dinh Độc Lập bị hư hại nặng nề. Do không thể khôi phục lại, ông Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

Dinh Độc Lập mới được khởi công xây dựng ngày 1 tháng 7 năm 1962.

Trong thời gian xây dựng, gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại dinh Gia Long. Công trình đang xây dựng dở dang thì ông Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính ám sát ngày 2 tháng 11 năm 1963.

3. Vài nét về dinh Độc Lập thời đệ II Cộng Hòa:

Ngày 31 tháng 10 năm 1966, người chủ tọa buổi lễ khánh thành dinh Độc Lập mới xây lại, là ông Nguyễn Văn Thiệu lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia.

Từ ngày này, dinh Độc Lập mới xây trở thành nơi ở và làm việc của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu sống ở dinh này từ tháng 10 năm 1967 đến ngày 21 tháng 4 năm 1975.

Công trình xây dựng dinh Độc Lập tốn khoảng 150.000 lượng vàng và mỗi quân nhân, nhân viên chính quyền thời ấy phải đóng góp mỗi người một ngày lương. Một vài tài liệu về vật liệu đã sử dụng: bê tông cốt sắt độ 12.000 m3, gỗ quí 200 m3, kính làm các cửa 2.000 m2, đá rửa và đá mài 20.000 m2…

Theo đồ án, tòa nhà có diện tích xây dựng 45.000 m2 (rộng 21 gian 85 m, sâu 19 gian 80 m). Diện tích sàn nhà khoảng 20.000 m2, gồm ba tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng (có sân bay trực thăng) và một tầng nền. Tổng số các phòng trong toàn dinh là 95 phòng, không kể các khu vực vệ sinh, hành lang và khách sảnh. Các phòng lớn bố trí cho các công việc đối nội, đối ngoại nằm ở các tầng trệt và lầu 1, lầu 2. Trang trí trong dinh có nhiều bức họa của những danh họa có tiếng đương thời.

Đặc biệt ở phòng trình quốc thư có bức “Bình Ngô đại cáo” (của Nguyễn Trãi viết trong thời giúp Lê Lợi chống giặc Minh), một bức tranh sơn mài lớn gồm 40 bức tranh sơn mài nhỏ ghép lại, tả cảnh sinh hoạt của nhân dân Việt Nam dưới thời Lê của họa sĩ Nguyễn Văn Minh. Ngoài ra còn bức tranh “Giang Sơn Cẩm Tú” của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ; bức “Khuê Văn Các” (Vua Trần Nhân Tông) của họa sĩ Thái Văn Ngôn.

Khi thiết kế Dinh Ðộc lập, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương đông và cá tính của dân tộc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông.

Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT, có nghĩa là tốt lành, may mắn; Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM. Theo quan niệm dân chủ hữu tam Viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG, trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.

Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh lầu 2. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời.

Ði vào bên trong Dinh, tất cả các đuờng nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại sảnh, các phòng ốc đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc.

Sân trước của Dinh là một thảm cỏ hình bầu dục (oval) có đường kính 102 thước. Màu xanh rì của thảm cỏ tạo ra một cảm giác êm dịu, sảng khoái cho khách ngay khi bước qua cổng.

Chạy dài theo suốt chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt. Trong hồ thả hoa sen và hoa súng gợi nên hình ảnh những hồ nước yên ả ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của Việt Nam.

Dinh có diện tích 120.000 m2 (300 m x 400 m), được giới hạn bởi 4 trục đường chính đó là:

• Ðường Công Lý ở phía Ðông Bắc (mặt chính của Dinh)

• Ðường Huyền Trân Công Chúa ở phía Tây Nam (mặt sau của Dinh)

• Ðường Hồng Thập Tự ở phía Tây Bắc (phía bên trái Dinh)

• Ðường Nguyễn Du ở phía Ðông Nam (phía bên phải Dinh)

(Phụ chú : Sau lưng dinh Độc Lập, trên đường Huyền Trân Công Chúa là vườn Tao Đàn.Theo tài liệu [3] : ‘’… Địa điểm phủ tướng súy , tức dinh Tả Quân truy ra thì ở gần nhà linh mục Bá Đa Lộc và gần bộ ngoại giao hiện thời (đường Alexandre de Rhodes) chạy dài ra sau dinh Độc Lập,vì thế cho nên cái hoa viên Tao Đàn, xưa tách ra còn mang tên là Vườn Ông Thượng. Còn tư dinh của Tả Quân phu nhơn (tộc danh Bà Đỗ Thị Phần) thì lọt vào vòng rào dinh Độc Lập hiện thời. Về vườn Tao Đàn, danh từ Pháp xưa gọi vườn Bờ Rô. Có người cắt nghĩa chỗ ấy xưa có làm một cái Préau (sân chơi trường học hay tư viện) hoặc bureau (văn phòng) gì đó, cho nên dân ta dựa theo bèn chế ra đánh từ Bờ Rô gọi làm vậy. Riêng theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường, do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, thì Bờ Rô có lẽ do Moreau ta đọc trại đi, và cứ theo ông Xường thì Moreau là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt chăm nom vườn nầy. Dầu thế nào, theo tôi (tác giả tài liệu [3]) danh từ Bờ Rô chưa được diễn giải một cách ổn thỏa’’).

Dinh có 4 khu nhà:

• Khu nhà chính hình chữ T diện tích là 4.500 m2, cao 26 m, nằm ở vị trí trung tâm của khu đất. Ðây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa . Khu này có 3 tầng lầu, 2 gác lửng, 1 sân thượng, 1 tầng nền và 1 tầng hầm. Tổng số diện tích sử dụng là 20.000 m2 chia làm 95 phòng. Mỗi phòng có 1 chức năng riêng, kiến trúc và các trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của mỗi phòng.

• Khu nhà 2 tầng diện tích 8m x 20m phía đường Nguyễn Du trước 1975 là trụ sở làm việc của Ðảng Dân chủ.

• Khu 4 nhà 2 tầng phía góc đường Nguyễn Du – Huyền Trân Công Chúa trước 1975 là khu nhà ở của tiểu đoàn bảo vệ dinh Ðộc lập.

• Khu nhà trệt phía góc đường Huyền Trân Công Chúa – Hồng Thập Tự, trước 1975 là khu sinh hoạt của đội cận vệ phi hành đoàn lái máy bay cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và của ban chăm sóc vườn cây.

Ngoài các khu nhà trên, ở góc trái Dinh phía đường Hồng Thập Tự còn có một nhà bát giác đường kính 4 thước, xây trên một gò đất cao, chung quanh không xây tường, mái ngói cong cổ kính làm nơi hóng mát, thư giãn.

Những cây cao bên trong dinh, đó là những cây nhãn rừng. Trong dinh có rất nhiều sóc, chúng thường ăn trái này. Đó là hồi trước năm 1975 chứ không biết giờ này còn không.

Xen giữa 4 khu nhà trên là những bãi cỏ xanh mướt, vườn cây cổ thụ, những chậu cây kiểng quí và 4 sân quần vợt phía sau khu nhà chính.

Dinh Độc Lập lúc đầu chưa có bao bọc bởi hàng dây kẽm gai, chỉ có từ năm 1968 mới được rào thêm để bảo vệ an ninh cho dinh để tránh bị tấn công như trong vụ tết Mậu Thân và đường Huyền Trân Công Chúa cũng bị ngăn lại không cho xe qua lại.

Ngày 21 tháng 4 năm 1975,tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức nhường quyền lãnh đạo cho ông Trần Văn Hương nhưng ông này không ở trong dinh.

Đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh lên làm tổng thống chỉ ở vỏn vẹn hai ngày trong dinh.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh Độc Lập rơi vào tay cộng sản. Sau đó bị biến thành hội trường. Thế là mất Độc Lập, thay vào đó là một chế độ ngụy quyền cộng sản tay sai lệ thuộc tàu cộng trên mọi phương diện từ chính trị, quốc phòng, kinh tế, thương mại, văn hóa lưu manh sảo trá …Tự Do đâu chẳng thấy, thì thấy có nhà tù sắt máu để giam và đánh đập dã man tới chết người dân vô tội trong khi đó bọn đảng viên cướp của giết người sống ngoài vòng pháp luật. Trong ba danh từ của tiêu đề tuyên truyền chính thức của cộng sản, thì hai đã hỏng rồi. Chỉ còn Hạnh Phúc thì sao ? Theo một cuộc thăm dò ý kiến của tờ báo lá cải nào đó, thì chỉ số hạnh phúc ở Việt Nam rất cao, nghĩa là rất hạnh phúc. Hãy xem những hạnh phúc mà bọn đầy tớ nhân dân đã ban cho người dân Việt : sưu cao thuế nặng, giải tỏa mất nhà , mất đất , bị triệt đường sinh sống, mất nơi thờ phượng, mất đình, mất chùa chánh pháp, mất nhà thờ chánh đạo, tự do buôn thần bán thánh,môi trường ô nhiễm, ăn cắp, ăn trộm, nhậu nhẹt, xì ke, lấy chồng tàu cộng, lao nô,’’Gái làm người hầu bốn phương, trai làm lao nô tám hướng”, buôn lậu, trốn đi lậu qua các nước tư bản dãy chết để trồng cỏ (cannabis) để kiếm được tiền mang về xây mồ xây mã hoành tráng…

Phụ đề 2 : Sơ lược sử tiểu sử của ba nhân vật mà trường đã chọn làm danh hiệu

2.1) Chasseloup Laubat :

Theo tài liệu [22] : Justin Napoléon Samuel Prosper, Bá tước, sau đó là Hầu tước Chasseloup-Laubat, là một chính trị gia Pháp, sinh ra ở Alexandrie Ý Đại Lợi ngày 29 tháng 5 năm 1805 và qua đời ở Versaille ngày 29 tháng 3 năm 1873. Ông làm bộ trưởng bộ Hải Quân và Các Thuộc Địa từ ngày 24 tháng 11 năm 1860 đến ngày 20 tháng 1 năm 1867, sau đó là bộ trưởng chủ tịch Hội Đồng Quốc Gia từ ngày 17 tháng 7 1869 đến ngày 2 tháng 1 năm 1870.

2.2) Jean Jacques Rousseau :

Theo tài liệu [23]: Jean Jacques Rousseau, sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 ở Genève- Thụy Sĩ và qua đời ngày 2 tháng 7 năm 1778 ở Ermenonville. Sau khi ông qua đời, thi thể của ông được chuyển về Panthéon – Paris năm 1794.

Ông là văn sĩ, triết gia và nhạc sĩ người Genève ngôn ngữ Pháp .Mồ côi mẹ từ thưở còn rất nhỏ, cuộc đời của ông đã bị hằn lên bởi những sự lang thang. Tác phẩm của ông gặt hái được nhiều thành công to lớn nhưng nó cũng cũng gây ra nhiều xung đột cho ông với nhà thờ công giáo, làm cho ông phải thường xuyên đổi nơi cư ngụ và gây cho ông một cảm nghĩ bị hành hạ ngược đãi.

Trong lãnh vực văn chương, Jean-Jacques Rousseau gặt hái được một thành công rất lớn với tiểu thuyết Julie ou la Nouvelle Héloïse (1761), một trong những sách được xuất bản nhiều nhất lớn của thế kỷ 18.

Trong lãnh vực triết lý, những tác phẩm sau đây đã ghi khắc Rousseau lâu dài trong thế giới tư tưởng : le Discours sur les sciences et les arts (1750), le Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes (1755) et Du contrat social (1762). Triết lý chính trị của Rousseau được cấu tạo chung quanh một ý tưởng là Con Người tự nhiên là Tốt và xã hội đã làm biến chất hủ hoá con người. Chính là những tương tác với những người khác đã làm cho con người trở thành Hung Dữ, Độc Ác và làm tăng sự bất bình đẳng.

2.3) Lê Quý Đôn :

Sơ lược tiểu sử Lê Quý Đôn sau đây được trích từ tài liệu [24,25] :

Ông Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ (2 tháng 8 năm 1726) tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam; nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con trai cả của ông Lê Phú Thứ (sau đổi là Lê Trọng Thứ), đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (Giáp Thìn, 1721), và làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Nghĩa Phái hầu. Mẹ Lê Quý Đôn tên Trương Thị Ích, là con gái thứ ba của Trương Minh Lượng, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700), trải nhiều chức quan, tước Hoằng Phái hầu.

Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học, có trí nhớ tốt, được người đương thời coi là “thần đồng”. Năm lên 5 tuổi, ông đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi. Năm 12 tuổi, ông đã học “khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử”. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia.

Ba lần đỗ đầu :

Năm 1743 (Quý Hợi, đời vua Lê Hiển Tông), ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên) lúc 18 tuổi. Sau đó, ông cưới bà Lê Thị Trang ở phường Bích Câu làm vợ. Bà là con gái thứ 7 của Lê Hữu Kiều, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718).

Tuy đỗ đầu khoa thi Hương, nhưng thi Hội mấy lần, ông đều không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm (1743-1752). Sách Đại Việt thông sử (còn gọi là “Lê triều thông sử”) được ông làm trong giai đoạn này (Kỷ Tỵ, 1749).

Năm 27 tuổi (Nhâm Thân, 1752), ông lại dự thi Hội, và lần này thì đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, ông đều đỗ đầu.

Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê – Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)…

Lê Quý Đôn mất ngày 1 tháng 5 năm 1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.

Mặt khác ,theo tài liệu [21] : ‘’…Trong bối cảnh kiêu binh gây rối, triều chính rối ren, nhân dân đói khổ, Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng. Sau đó, ông xin về quê mẹ là làng Nguyễn Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để chữa trị, nhưng không khỏi. Ông mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (tức 11 tháng 6 năm 1784), lúc 58 tuổi.

Thương tiếc, chúa Trịnh Tông (tức Trịnh Khải) đã đề nghị với vua Lê Hiển Tông cho bãi triều ba ngày, cử Bùi Huy Bích làm chủ lễ tang, đồng thời cho truy tặng Lê Quý Đôn hàm Công bộ Thượng thư. Đến khi vua Lê Chiêu Thống nắm quyền chính, ông được gia tặng tước Dĩnh quận công.

Trong cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn, có mấy sự kiện sau có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp trước, văn chương của ông.

Đó là chuyện đi sứ Trung Quốc năm 1760 – 1762. Tại Yên Kinh (Bắc Kinh), Lê Quý Đôn gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên, tiếp xúc với nhiều trí thức nổi tiếng của nhà Thanh, bàn luận với họ những vấn đề sử học, triết học…

Học vấn sâu rộng của ông được các học giả Trung Quốc, Triều Tiên rất khâm phục. Lê Quý Đôn có dịp đọc nhiều sách mới lạ, kể cả sách của người phương Tây nói về địa lý thế giới, về ngôn ngữ học, thủy văn học… Đó là các đợt Lê Quý Đôn đi công cán ở các vùng Sơn Nam, Tuyên Quang, Lạng Sơn những năm 1772, 1774, làm nhiệm vụ điều tra nỗi khổ của nhân dân cùng tệ tham nhũng, ăn hối lộ của quan lại, đo đạc ruộng đất các vùng ven biển bị địa chủ, cường hào địa phương man khai, trốn thuế…

Chính nhờ quá trình đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời như vậy mà kiến thức Lê Quý Đôn trở nên phong phú vô cùng. Ông viết trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Trấn Ninh, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách”.

Ngoài đầu óc thông tuệ đặc biệt cộng với vốn sống lịch lãm và một nghị lực làm việc phi thường, phải kể đến thời đại mà Lê Quý Đôn sống. Và ông là đứa con đẻ, là sản phẩm của thời đại ấy kết tinh lại.

Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như sau:

– Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi.

– Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một loại “bách khoa thư”, trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học… sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội… Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.

– Đại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử, là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh.

– Kiến văn tiểu lục, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở.

– Phủ biên tạp lục, được viết trong thời gian Lê Quý Đôn làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội. Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.

Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ Toàn Việt thi lục 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 – 1516). Lê Quý Đôn hoàn thành Toàn Việt thi lục năm 1768, dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc.

Về sáng tác văn xuôi, theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn có Quế Đường văn tập 4 quyển, nhưng sách này đã mất.

Về sáng tác thơ, Lê Quý Đôn để lại có Quế Đường thi tập khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian đi sứ Trung Quốc.

Nhận xét tổng quát về thơ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú viết: “Ông là người học vấn rộng, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”.

Quan niệm về thơ của Lê Quý Đôn được tổng hợp lại như sau: “Làm thơ có 3 điểm chính: một là tình, hai là cảnh, ba là việc. Tiếng sáo thiên nhiên kêu ở trong lòng mà động vào máy tình; thị giác tiếp xúc với ngoài, cảnh động vào ý, dựa cổ mà chứng kim, chép việc thuật chuyện, thu lãm lấy tinh thần… đại để không ngoài ba điểm ấy”.

Theo giáo sư Dương Quảng Hàm, Lê Quý Đôn thật là một nhà bác học ở đời Lê mạt: một tay ông đã biên tập, trứ thuật rất nhiều sách. Tuy tác phẩm của ông đã thất lạc ít nhiều, nhưng những bộ còn lưu lại cũng là một cái kho tài liệu để ta khảo cứu về lịch sử, địa dư và văn hóa của nước Việt.

Tài liệu tham khảo :

1. AEJJR-Dates marquantes de l’histoire de notre lycée.

2. Bách khoa toàn thư -Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.

3. Vương Hồng Sển- Sàigòn Năm Xưa-Sống Mới-1968.

4. Bách khoa toàn thư : Trường Đại học Y khoa Sàigòn.

5. Nguyễn Đạt/Người Việt-Lê Quý Đôn, ngôi trường cổ nhất Sàigòn-24/10/2015.

6. Phạm Trường Giang-Ngôi trường trung học đầu tiên-Pháp Luật-20/11/2016.

7. André Baudrit-Guide historique des rues de Saigon-1re édition-S. I. L. I. Saigon-1943.

8. Phan Lê Xuân-L’Enseignement au Việt Nam pendant là période coloniale 1862-1945-La formation des intellectuels vietnamien-Thèse de doctorat Université de Lyon-31/08/2018.

9. 140 năm trên làng Xuân Hòa có một ngôi trường-16/03/2015.

10. État de Cochinchine française en 1896- Saigon Imprimerie commerciale Rey-1899.

11. Bách khoa toàn thư :Danh sách Toàn quyền Đông Dương.

12. Bách khoa toàn thư : Alexandre Varenne.

13. Bách khoa toàn thư :Danh sách Toàn quyền Đông Dương.

14. Hội Ái Hữu Pétrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu-Lược Sử trường Pétrus Trương Vĩnh Ký-Nguồn trang Web “Hòn ngọc viễn đông”-01/07/2012.

15. Bách khoa toàn thư : LHP High School.

16. Bách khoa toàn thư : Lycée d’élite LHP.

17. Charles de Gaulle- Công Lý à Saigon-Nguyễn Thanh Bình-Nhắn tin tìm bạn – 25/05/ 2019.

18. Hoa Vo -Danh nhân số 1 của Việt Nam Cộng Hòa-Tiểu sử Đại tá Nguyễn Xuân Vinh-27/10/2017

19. 140 năm Collège Chasseloup Laubart-Jean Jacques Rousseau-Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn.

20. Trường Chasseloup Laubat ở Sàigòn.

21. Lê Quý Đôn-Khung Trời Kỷ Niệm Lịch sử Dinh Độc Lập-09/12/2014.

22. Bách khoa toàn thư- Dinh Độc Lập.

23. Wikipédia-Prosper de Chasseloup-Laubat.

24. Wikipédia-Jean-Jacques Rousseau.

25. Tiểu sử Nhà bác học Lê Quý Đôn.

26. Bách khoa toàn thư-Lê Quý Đôn.

—>5.Trường La San Taberd
<—Mục lục

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Trường Trung Học Phổ Thông và Tổng Hợp ở Sàigòn - Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời