Tập truyện DIỄM PHƯỢNG (Bình-nguyên Lộc)

BÊN KIA SỰ THẬT

Bên nầy phố Lê Thánh Tôn là một hiệu giải khát, bên kia là một hiệu cơm Tây hạng kha khá.

Đêm nào Hồ và Biển cũng ra ngồi uống cà-phê ở cái bàn vỉa hè của hiệu giải khát nầy, mà họ chọn từ ngày quán Ngân Đình mà họ thích, không còn đủ an ninh nữa. Họ quyết đóng đô ở đây luôn cho tới ngày thái bình vãn hồi, vì muốn được yên thân mà cũng vì…

Ngay đêm đầu dời đô tới đây, họ đã chú ý đến một cảnh nầy : Một thiếu phụ lái một chiếc Dauphine sơn màu kem, chạy đến đậu ngay trước mũi họ, vì bàn mà họ ngồi, choáng gần hết vỉa hè, đứa nào ngồi đầu bàn vói tay ra là sờ được chiếc xe ấy.

Cùng đi với thiếu phụ là một con sen, nó ngồi một mình ở băng sau. Xe đậu lại là nó mở cửa ra liền, chạy băng qua phố, vào hiệu cơm Tây bên kia.

Phố nầy là phố một chiều, xe đậu bên kia là đậu bên phải đấy, nhưng vì khách ăn bên ấy toàn đi xe nhà, nên không còn chỗ đậu, thành thử nàng lợi dụng tánh cách một chiều của con phố để đậu bên trái vậy.

Năm phút sau, con sen trở ra, tay xách bữa ăn mà nhờ thạo lối xách cơm tây nên họ đoán được ngay : các món ăn đựng trong dĩa chớ không phải trong gàu mên như ta, mỗi dĩa đều được đậy bằng một cái dĩa thứ nhì, đậy úp lên trên, thành thử những dĩa khác chồng lên mà không sợ hỏng món ăn của các dĩa nằm ở dưới; ba món ăn, xách lối đó, phải tốn sáu cái dĩa; tất cả được gói lại trong một chiếc khăn vuông lớn, biên chéo khăn được cột lại ở trên, kết thành một quai xách.

Chắc nàng ăn cơm tháng ở đây nên hiệu nó mới phục dịch nhanh chóng đến thế, mà kẻ ăn cơm tháng phải đích thân đi lấy bữa ăn, có lẽ vì hiệu không nhận giao hàng tận nhà.

Nàng mặc đầm, khá đẹp và khá trẻ, họ đoán nàng không quá hăm lăm.

– Yêu không ? Hồ hỏi đùa bạn.

– Yêu ghê lắm.

– Mổ cũng vậy. Nhưng làm thế nào ?

– Ừ, làm thế nào ? Tụi mình giống hai con sâu đất, ban đêm bò lên miệng hang để nhìn nàng Sao lấp lánh trên trời. Nàng đẹp quá, nhưng…cao quá.

Đi xe nhà và ăn cơm Tây mỗi hôm, nếu không giàu thì cũng là công nhân hạng cao cấp, chẳng hạn như nữ kỹ sư hoặc nữ giáo sư cử nhơn đổ lên.

Rồi đôi bạn cười xòa với nhau.

Cái đêm đầu ấy, họ ngỡ nàng bận gì, không lo bữa ăn được, nên tạm mua đồ một lần, nhưng ngồi đó một tuần lễ là họ biết rằng nàng ăn cơm tháng ở đó.

Hai gã nầy hơi si tình thật đó chớ chẳng nói chơi đâu.

Không có hạng gái nào dễ mê bằng những cô mà ta quen mặt mà không quen biết. Ta tò mò, phỏng đoán về họ và tưởng tượng toàn chuyện thơ mộng không mà thôi, họ hóa ra dễ mê vì họ tự nhiên được phủ bằng một lớp hào quang mà ta tạo ra cho họ.

Biển yêu cầu :

– Toa làm việc ở Công chánh thì rất dễ biết nàng là ai. Cứ xem bảng số xe rồi vào hỏi bạn đồng sở ở Ty Kiểm soát ô tô để xin xem sổ, là tức khắc biết tên họ, lai lịch của nàng.

– Không dại, Hồ nói, cứ để vậy mà tưởng tượng, thú vị hơn nhiều. Tìm biết càng hay, và chính sự tìm biết, sự khám phá cũng thú lắm, nhưng phải khó khăn kia, chứ còn xem sổ thì dễ quá, mất cả thi vị đi còn gì.

Biển đồng ý với bạn, và thế là cả hai người mở một chiến dịch sáng tác về đời nàng.

Biển vốn là tay viết tiểu thuyết tình cảm, phải viết trước chương đầu. Y nói : “Nàng sống một mình, vì nếu ở với cha mẹ thì không thể như thế được”

– Sao vậy ? Hồ hỏi.

– Cha mẹ nàng năm nay ít tuổi lắm, cũng thuộc hạng 50, mà thế hệ 50 tuổi, xem việc ăn cơm xách là hư hèn lắm. Họ có tiền mướn con sen, thì họ cũng có tiền mướn chị bếp, nếu cả nhà đều bận hoặc đều lười nấu ăn.

Bằng như nàng ở với chồng, thì cái khổ dịch đi lấy bữa ăn nầy chính ông chồng phải đảm trách lấy, thỉnh thoảng hắn bận, nàng phải đi một đôi lần thì còn cho được đi, chớ sao cứ nàng đi lấy cơm mãi mỗi đêm ?

– Chương đầu khá hữu lý.

– Mà cũng ly kỳ nữa chớ. Có gì ly kỳ bằng một cô gái sống một mình. Nàng hẳn phải cô đơn, khát yêu, mê ly chưa ?

– Khá mê ly. Để mỏa viết chương thứ nhì cho. Nầy, nàng là nữ công nhân cao cấp chớ không phải nhà giàu.

– Bằng cớ ?

– Ta đã đồng ý là nàng không còn cha mẹ. Nhà giàu mà mồ côi, hẳn có biệt thự phụ ấm. Mà có biệt thự phải có anh làm vườn ăn ở tại nhà, có con sen phải nuôi cơm, thì thà là mướn một chị bếp có tiện hơn không ?

Không ! Nàng không có biệt thự, tức không phải nhà giàu mà mồ côi, nhưng mức sống cao như thế thì hẳn phải là tay đi làm, lương rất cao.

– Bồ đoán nàng làm gì ?

– Nữ kỹ sư hóa học hãng đường.

– Như vậy thì buồn quá. Một cô nữ kỹ sư, không biết mơ mộng đâu. Cứ cho nàng là biên tập viên của Trung tâm Văn hóa Nhựt Bổn đi.

– Nhựt Bổn không có Trung tâm Văn hóa ở đây, họ chỉ có Phòng thân hữu Nhựt Việt, sau nhà thương Đồn Đất, trong đó có một cô người mình đẹp kinh hồn, nhưng không phải là cô nầy.

– Vậy thì cứ cho là Trung tâm Văn hóa Đức đi.

– Cũng tạm được.

Thiếu phụ luôn luôn cột đè mái tóc bồng bềnh xuống bằng một sợi ruy-băng, mỗi đêm mỗi đổi màu, trông trẻ như con gái mười lăm.

Nàng ít khi nhìn vào hiệu giải khát mà hễ mỗi lần nhìn là mỗi lần ngạc nhiên, vì đêm nào cũng cứ thấy hai cái bản mặt quen ấy mãi.

– Có lẽ nàng đoán được rằng ta si nàng.

– Cố nhiên. Ai cũng đoán như vậy. Họ làm sao mà đoán được rằng ta ghiền cà-phê đêm, mà ghiền luôn cả không khí quán lều, nhứt là họ đâu có biết rằng ta chỉ còn chỗ nầy là chỗ độc nhứt được yên thân.

– Nếu nàng đoán thế thì có lợi lắm.

– Ừ, có lợi lắm. Giờ mà ta ra làm quen thì nàng khỏi ngạc nhiên và chịu chơi liền.

– Nhưng đứa nào được hân hạnh ấy ?

– Ừ, đứa nào ?

– Thôi thì oẳn tù tì.

– Nhưng nghĩ lại thì không nên. Rủi ro có thằng được thì có phải thằng kia buồn hay không ? Chi bằng cứ để cả hai đứa đều được mơ.

– Sao lại chỉ có một thằng được ? Hễ một đứa làm quen được rồi thì tự nhiên cả hai đều được quen.

– Mổ nói được là được chuyện khác kia. Không lẽ chỉ làm quen suông vậy thôi thì làm quen chi cho mất công, ta cũng đã quen chán vạn phụ nữ rồi, thêm một cô cũng chẳng lợi ích gì.

Đêm nào họ tới trễ, người đẹp đã lấy bữa ăn đi rồi, thì họ nghe nhơ nhớ.

Còn đêm nào, nàng không đến, họ lo ghê lắm, và nhứt là viết nhiều chương tiểu thuyết rất là éo le, gay cấn, áo não, nghẹt thở.

Một cậu đoán rằng nàng đã xuất ngoại. Cậu kia cho rằng nàng bị tai nạn xe cộ. Rồi cả hai hoảng hốt khi nhớ ra rằng nàng rất có thể được ai đó mời đi ăn cơm ở nơi khác.

Họ tức sao họ không làm quen với giai nhân vì nếu đã quen, thì có lẽ đêm nay, kẻ mời nàng ăn cơm là họ.

Thiếu phụ lái xe rất tài, cứ bằng vào lối vô xe và ra xe của nàng, nó ngọt như đường phèn, thì biết ngay. Lắm đêm, xe đậu chật cả hai bên phố trước hiệu giải khát chỉ còn một khoảng trống ba thước, vậy mà nàng vô ra ở chỗ trống nhỏ hẹp ấy dễ như chơi.

Hai con sâu đất phục lăn nàng Sao, nàng lấp lánh bằng sắc đẹp của nàng, bằng mức sống của nàng, mà nàng có tài vặt lái xe nầy nữa. Thế nên lắm đêm, tủi thân sâu đất quá, họ không thèm nhìn nàng Sao, làm bộ như ta đây cóc cần bọn con gái ca-líp đó, chúng nó chỉ được cái ăn no rồi đánh bóng cho hào nhoáng chớ chẳng làm nên cái tích sự gì.

Tuy nhiên, những đêm như vậy, Hồ rình và bắt chợt Biển lén lén liếc sơ sơ người ấy và ngược lại Biển cũng thấy bạn y chớp nhoáng chụp hình nàng bằng hai ống ảnh trời cho hắn.

Hai đứa bắt nhau quả tang rồi cười xòa với nhau.

Biển nói cho đỡ mắc cỡ :

– Tao xem nàng vô xe đó chớ ! Ngọt quá ! Tao thì phải rộng bằng rưỡi chỗ nầy, tao vô mới lọt, không thôi tao ủi xe trước, tao hất xe sau bằng mông xe của tao.

– Nhưng tụi mình bây giờ không đứa nào còn xe nữa, thì đừng có nói “xe của tao”.

Suốt ba tháng trường, hai con sâu đất đêm nào cũng ngắm nàng Sao lấp lánh trên trời, tại miệng hang của họ. Họ lo mùa mưa sắp đến, không ngồi vỉa hè nầy được nữa, thì nhớ nàng không biết là bao nhiêu. Ngồi ở trong không thú vị gì cả, với lại ngồi ở trong, xa nàng quá. Ở đây, họ nghe được cả mùi nước hoa của nàng nữa, họ nghe được tiếng nói thanh tao của nàng, mỗi lần con sen ở trong tiệm hơi lâu. “- Sao lâu quá vậy Thẹo ? “

– Trời, giọng nàng sao nó hay như giọng ca sĩ vậy kìa !

Đêm ấy, một biến cố xảy ra. Không, một tang thương. Không, một cuộc tận thế xảy ra.

Chiếc xe Dauphine màu kem, tù từ sà lại trước bàn họ, nhưng người lái xe lại là một ông Tây già, đầu sói sọi, và họ đoán rằng cái bụng bự lắm.

Vâng, ông lão nầy là Tây chắc chắn như vậy, chớ không phải Huê Kỳ, vì Huê Kỳ ở đây không có người nào già hết.

Con sen cũng chiếm một mình nó trọn cái băng sau. Nhưng chỗ ngồi thứ nhì, ở băng trước, cạnh người lái xe là nàng Sao cột tóc bằng ruy băng màu

– À, ra họ là đầm lai, chắc con của lão nầy. Hồ nói bằng một giọng nghẹn ngào không tin tưởng, bởi nàng mũi cao, nhưng cao theo người Việt Nam, nghĩa là cũng xệp, mắt đen, không có vẻ gì là đầm lai cả.

– Không, Biển cũng nghẹn ngào cãi lại, nó là con nuôi của lão nầy.

Biển cũng nói gượng bằng một giọng không tin tưởng rồi cả hai nhìn nhau mà cười xòa.

Rất có thể là tối lại, cả trên giường, nàng cũng gọi ông Tây bằng papa, nhưng gọi chế diễu ông chồng già chơi vậy thôi, chớ nàng không phải là con nuôi cái khỉ khô gì hết ráo.

Nàng nhìn vào hiệu giải khát và đây là lần đầu tiên mà nàng mĩm cười với hai cái bản mặt si tình, có lẽ thầm nói :“Có vỡ mộng chưa hai bồ ? Xin lỗi nhé ! Nào có ai muốn thế đâu ! Lão ta lười ghê lắm, nhưng đêm nay không biết lão ta mắc chứng gì mà lại đâm hứng lái xe lấy ! Dầu sao “thiếp” cũng cảm ơn hai bồ đã làm cho thiếp sung sướng từ mấy tháng nay, mà được hai chàng người Việt nhìn thiếu điều rớt con mắt mỗi đêm. Giờ cả đôi bên đều đánh rơi mất cả mộng rồi, buồn quá hai bồ ơi”.

Buồn thật là buồn ! Pho tiểu thuyết ly kỳ, éo le, gay cấn về nàng, Biển viết tiếp không được nữa, mà Hồ có làm thơ cũng không tròn vận nữa.

Nàng Sao đã rụng một cách không ngoạn mục như vậy, giúp họ hết tủi thân sâu đất của họ, nhưng họ cũng không trở lại được như trước.

– Mổ muốn khóc bồ ơi – Biển than.

– Si đến thế à ?

– Đâu phải. Mổ muốn khóc, y như mổ đã khóc chan hòa hồi mổ mười hai tuổi… Chẳng, thuở bé, mổ mê truyện cổ tích lắm. Nhưng đến năm mười bốn vào ly-xê, ông giáo sư khoa học của mổ ổng chứng tỏ rằng, tiên là chuyện láo khoét, khiến mổ khóc nức nở lên, vì mổ nghe mổ vừa mất đi một cái gì. Cái đó là thi vị của bao nhiêu mộng tuổi thơ của mổ, giờ cũng thế, đây là một sự thật rất đáng giận, mất thi vị của mỗi người lớn.

– Ừ, hình như là mổ cũng nghe nao nao, nghe tim mình se thắt lại, mổ chối với mổ là không có, sợ si mê một cô me tây thì xấu hổ quá, nhưng giờ toa phân tách ra, mổ đã hết mắc cỡ và dám tự thú rằng mổ cũng muốn khóc vì cái chất thơ của cuộc đời vừa tan như khói.

– Ta đã chết hai lần.

– Ừ, lần vào trung học và lần nầy. Tên sát nhơn lần trước là ông giáo sư khoa học, tên sát nhơn bây giờ là lão Tây già.

– Không, không phải lão là thủ phạm đâu, tên sát nhơn là sự xuất hiện của Sự Thật.

– Mổ thì từ đây, không tìm biết con gái nữa, cứ nhắm mắt mà mơ họ thôi. Họ sẽ cứ là những nàng tiên huyền diễm, những vì sao lấp lánh trên trời.

– Ảo ảnh muôn năm !

– Và muôn năm bọn con gái giả dối, giả dối bằng lời nói, hoặc bằng cách giấu sự thật.

Nàng ơi, nàng đừng cho tôi biết gì cả, mà cũng đừng để hớ ra cái gì. Tôi muốn tôn thờ nàng trong mù quáng và những bức sơn thủy giả như đề co của cải lương rất cần cho tâm hồn tôi nó tránh được sự đau xót vì cái xấu xa của cuộc đời.

(Nhật báo Tiếng Vang, 1965)

—> 7- Xuân ủy nhiệm

This entry was posted in 4.Truyện ngắn, Bình-nguyên Lộc. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời