23-Nghĩa trang Chùa Nghệ Sĩ
Hẻm trên đường Số 8, phường 11
Quận Gò Vấp – Gia Định
Nghĩa trang Chùa Nghệ Sĩ là một nghĩa trang đặc biệt dành cho các nghệ sĩ cải lương miền Nam trước 1975 và các thân nhân gia đình của họ.
Chùa Nghệ Sĩ có tên chính thức là Nhựt Quang Tự hay Phật Quang Tự nhưng người dân và khán giả mộ điệu vẫn quen gọi là chùa Nghệ Sĩ.
Trên bản đồ Google Map hiện nay ,chùa Nghệ Sĩ tọa lạc trong con hẻm trên đường Số 8, phường 11-Quận Gò Vấp. Nhưng theo một số tài liệu trên mạng ,địa điểm của chùa có phần khác nhau :
– hẻm nhỏ nằm bên đường Số 11 (tài liệu [1]),
– số 89 đường Thống Nhất (tài liệu [2]),
– số 116/6 đường Thống Nhất (tài liệu [3]),
– gần cuối con đường Thống Nhất, quận Gò Vấp (tài liệu [4]).
Theo tài liệu [2,5,6] : Vào lứa tuổi 30 , nữ nghệ sĩ Phùng Há nhận thấy cuộc đời nghệ sĩ đi theo gánh hát, gạo chợ nước sông, rày đây may đó cuộc sống lênh đênh không nơi định cư nhứt định, khi về già sẽ không nơi nương tựa, do đó bà Phùng Há nghĩ rằng phải làm cái gì đó để giúp đỡ giới nghệ sĩ cải lương khi không còn đi hát được.
Nên vào năm 1947, bà Phùng Há trong một buổi họp mặt với các nghệ sĩ cùng thời như Năm Châu, Năm Phỉ, Duy Lân, Bảy Nhiêu, Tư Trang, Bảy Nam, Năm Nở, Từ Anh… đã bàn bạc vấn đề trên. Năm sau, 1948, Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế Nam Việt ra đời nhằm liên kết các nghệ sĩ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.
(Phụ chú : Gần đây, tài liệu [7] viết rằng : Năm 1948 Ông Nguyễn Văn Phát (Hội đồng Phát) đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Cô Bắc (Mon Seigneur Dumortier) để lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Ông Phát mới là người sáng lập Hội Nghệ sĩ ái hữu. Ông làm Hội trưởng, nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu làm Tổng Thơ ký).
Thời đó, nhìn thấy có nghệ sĩ tài danh khi chết đi chỉ có mảnh chiếu quấn thân vì không có áo quan để chôn, bà Phùng Há đau lòng nên bày tỏ ước nguyện tìm một mảnh đất để xây chùa và nghĩa trang, giúp cho “giới nghệ sĩ sinh thời sống chung thì khi chết không thể lẻ loi, túng quẫn như vậy”.
Ý tưởng đó đã được Hội Nghệ sĩ Ái Hữu Tương tế Nam Việt đồng tình ủng hộ.
Các nghệ sĩ Phùng Há, Năm Châu, Tư Trang, Thanh Tao, Năm Công và các nghệ sĩ trong Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Nghệ sĩ tương tế và các nghệ sĩ tài danh đứng ra vận động quyên tiền. Dựa vào mối quan hệ đầy uy tín và tài ngoại giao của một cô đào tài sắc thời đó, Phùng Há đã vận động ông chủ trường đua Phú Thọ tặng cho Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế Nam Việt một ngày thu nhập. Ngày 5 tháng 9 năm 1949 , Hội đã nhận được 139000 đồng để mua lô đất có diện tích 6080 mét vuông ở xã Hạnh Thông Tây , quận Gò Vấp để xây chùa và thành lập nghĩa trang nghệ sĩ.
Mặt khác, theo tài liệu [1] :Năm 1958, Phùng Há xin được tiền để Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế mua đất làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Một tài liệu khác [4] cũng viết tương tự : Phùng Há đứng ra mua mảnh đất này từ năm 1958.
(Phụ chú: Giữa tài liệu [2,5,6] và tài liệu [1,4] , năm mua đất để xây chùa và thành lập nghĩa trang nghệ sĩ không có sự phù hợp?).
Theo tài liệu [1,5] : Tuy nhiên, sau khi mua đất , do không có tiền để xây chùa nên mảnh đất này đã để không gần 10 năm trời.
Đến năm 1969, ông Năm Công (bầu của đoàn Lê Minh Công) xin Phùng Há cho xây dựng am để tu hành. Tuy nhiên, sau khi am hoàn thành vào năm 1970, vì không còn tiền để trả nợ, bầu Năm Công lại quyết định bán lại cho ông Diệp Nam Thắng tức bầu Xuân. Lúc này, bầu Xuân đã đồng ý mua lại am với mức giá tương đương gần 100 cây vàng.
Sau đó, bầu Xuân xây dựng lại am thành ngôi chùa bề thế khang trang đặt tên là Nhựt Quang Tự hay Phật Quang Tự và trở thành nơi an nghỉ của nhiều nghệ sĩ cải lương.
Cổng Chùa Nghệ Sĩ hay Nhựt Quang Tự
Khuôn viên chùa Nghệ Sĩ
Thời kỳ còn làm bầu đoàn hát Dạ Lý Hương, ông Diệp Nam Thắng từng bỏ tiền ra trả nợ cho chùa để ngôi chùa được tồn tại.
Được biết ông bầu Xuân nguyên là giám đốc đoàn hát Dạ Lý Hương nổi tiếng thời kỳ trước 1975, các nghệ sĩ tên tuổi như Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Út Trà Ôn… từng cộng tác với đoàn hát của ông.Đồng thời trước đó ông cũng là giám đốc một công ty xuất nhập cảng, và là chủ nhân hãng sản xuất giấy vệ sinh hiệu Kiss Me. Sau 1975 ông bị cho đi học tập cải tạo vì tội “Tư Sản Văn Hóa” (tài liệu [8]).
Người đầu tiên được đưa về chùa Nghệ sĩ vào năm 1970 là nghệ sĩ Tư Út của đoàn cải lương Phụng Hảo. Ông qua đời ở Nam Vang năm 1946, lúc đó ông mới 36 tuổi và đang đi hát ở Nam Vang.
Năm 1972, hội Nghệ sĩ Ái hữu thành lập ban quản lý Nghĩa trang Nghệ Sĩ, và đã thường xuyên tổ chức tại đây nhiều buổi diễn nhằm quyên góp và vận động các nhà hảo tâm đóng góp phát triển chùa.
Thời gian đầu sau khi xây dựng, Chùa Nghệ sĩ lấy tiêu chỉ “Tứ thân phụ mẫu” của nghệ sĩ làm chuẩn nên sau khi một nghệ sĩ qua đời, người thân của họ cũng sẽ được chôn cất tại chùa. Tuy nhiên, đến năm 1994, khi chùa hoàn chỉnh, điều lệ này đã bị loại bỏ và chùa trở thành nơi an nghỉ dành riêng của các nghệ sĩ.
Theo tài liệu [2,9] : Chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa trang Nghệ Sĩ được hình thành đến nay đúng 60 năm (xem Phụ chú dưới đây) , có hơn 700 ngôi mộ nghệ sĩ và hơn 100 hũ cốt nghệ sĩ , công nhân hậu đài, diễn viên nghèo được hỏa táng, thờ trong chùa.
(Phụ chú: Tài liệu [2,9] viết vào năm 2009, như vậy Chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa trang Nghệ Sĩ phải được xây dựng từ năm 1949 = năm 2009 trừ 60 hiện hữu).
Tài liệu [10] cũng viết rằng : Đây là nơi an nghỉ của hơn 700 ngôi mộ và hài cốt của các nghệ sĩ mà phần lớn là nghệ sĩ cải lương đã từng nhiều năm gắn bó với ánh đèn sân khấu.
Số lượng ngôi mộ trong nghĩa trang , theo ba tài liệu sau đây, có phần thay đổi :
Tài liệu [1] : Đến nay, chùa Nghệ Sĩ đã trở thành nơi an nghỉ của 546 nghệ sĩ nổi tiếng trong giới cải lương Sàigòn;
Tài liệu [3] : Tính đến thời điểm cuối năm 2008, chùa đã có 546 ngôi mộ và hơn 500 lọ cốt. Những mộ nằm lâu năm sẽ được hoả táng đưa vào 2 tháp cốt trong sân chùa;
Tài liệu [4] : Chùa chôn cất, dựng mộ và thắp hương giữ cốt tro cho hơn 500 nghệ sĩ cải lương đã quá cố gần 60 năm qua.Tài liệu này cũng viết rằng :Tro cốt và ảnh những nghệ sĩ đã chôn cất hơn 30 năm lần lượt sẽ được lên chùa thờ. Sau đó những nghệ sĩ cải lương mới mất mà có ý muốn và hoàn cảnh khó khăn sẽ được vào thế chỗ chôn cất trong ngôi chùa này. Đó là quy ước bất thành văn từ những ngày đầu hình thành nghĩa trang này theo sáng kiến của Phùng Há.
Nhiều nghệ sĩ danh tiếng cũng như ít được biết đến được an táng tại chùa sau khi qua đời. Trong số những nghệ sĩ tài danh được an táng trong Nghĩa trang Nghệ Sĩ có Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Thanh Tao, vợ chồng Thanh Nga, Út Trà Ôn, cô Năm Đồ, cô Kim Thoa, Hoàng Giang, Trường Xuân, Hà Triều, Hoa Phượng, Vĩnh Điền, Loan Thảo, Hoàng Việt, Minh Phụng…
Phần mộ của nghệ sĩ Phùng Há,
người sáng lập và trông coi Nghĩa trang Nghệ Sĩ trong hàng chục năm trời.
Mộ của soạn giả Hà Triều,
tác giả những vở tuồng cải lương nổi tiếng
Nghĩa trang Chùa Nghệ Sĩ
(Ảnh của soạn giả Nguyễn Phương)
Một góc Nghĩa trang Nghệ sĩ cải lương
Không những chỉ an táng các nghệ sĩ cải lương từ trần trong nước, các nghệ sĩ người Việt từ trần từ nước ngoài cũng xin được mang hài cốt và hình ảnh về chùa Nghệ Sĩ thờ cúng như: nghệ sĩ Tư Út, Hữu Phước và Hùng Cường…
Tài liệu [8,11] viết : Những người nằm lại nơi đây đều là những người đã đạt đến đỉnh cao danh vọng. Họ có tất cả vinh hoa, có cả những nỗi đoạn trường và khi lớp son phấn trên người đã lau sạch, họ nằm lại đây với hư không và quạnh quẽ.
Trong Nghĩa trang Nghệ sĩ ,có Chùa Nghệ sĩ không có nghĩa chỉ có các nghệ sĩ theo Phật giáo mới được vào yên nghỉ. Ranh giới tôn giáo không nằm trong tôn chỉ của nghĩa trang.
Một số các nghệ sĩ theo Công giáo cũng đã vào đây nằm chung với đồng nghiệp. Đã là nghệ sĩ không phân biệt tôn giáo, sang hèn. Càng không phân biệt là danh ca là kép chánh đào chánh.
Miễn người vào đây đã gắn cuộc đời mình với sân khấu.
Sự mong manh của kiếp cầm ca, của kiếp người là bóng tối của kiếp bụi trần. Người nghệ sĩ bị người đời lãng quên họ trở về với những nấm mồ hiu quạnh bên những đồng nghiệp đã một thời cùng gắn bó. Những ngôi mộ nằm sát nhau, có những ngôi mộ được người thân của các nghệ sĩ đến thăm viếng thường xuyên nhưng cũng có những ngôi mộ cỏ rác mọc đầy, thiếu người chăm sóc.
Trong Nghĩa trang Nghệ Sĩ ,có tháng gần như ngày nào cũng có giỗ nghệ sĩ tại đây. Ngày đó không chỉ có người thân mà còn có rất đông khán giả mộ điệu khắp nơi tìm về, nghe lại bài vọng cổ, xem lại những tấm ảnh lưu niệm để nhớ về người nghệ sĩ họ yêu mến. Giới diễn viên trẻ từ cải lương, hát bội đến kịch nói, điện ảnh, truyền hình sau này đã tìm đến Nghĩa trang Nghệ Sĩ và chùa Nghệ Sĩ để tìm hiểu và lắng nghe những câu chuyện thấm nhuần đạo lý của người nghệ sĩ đối với cuộc sống (tài liệu [9]) .
Hàng năm người ta thường tổ chức biểu diễn ca cổ và hát cải lương ở đây (Nghĩa trang Nghệ Sĩ) như một sự nhớ lại và trở về. Một chốn bình yên cho sự gặp gỡ. Họ vẫn như ngày xưa cùng hát trên sân khấu. Những nghệ sĩ về chùa đều chắp tay khấn cho tổ nghiệp, cùng những sư phụ đã dựng cho họ một sứ mệnh thiêng liêng, gìn giữ và phát huy nền nghệ thuật cải lương hàng trăm năm qua. Mỗi câu ca như được cất lên từ chính những người đã khuất làm nên bản giao hưởng của đất nước và thôi thúc lòng người (tài liệu [4]) .
Chùa Nghệ Sĩ không chỉ là nơi tụ họp của các Phật tử mà còn là nơi lui tới của nhiều nghệ sĩ sau mỗi chuyến lưu diễn. Họ đến thắp nhang để cầu may mắn, cầu cho những chuyến lưu diễn được thuận buồm xuôi gió (tài liệu [11]).
Năm 1972, khi hội Nghệ sĩ Ái hữu thành lập ban quản lý, Nghĩa trang Nghệ Sĩ đã thường xuyên tổ chức tại đây nhiều buổi diễn nhằm quyên góp và vận động các nhà hảo tâm đóng góp phát triển chùa.
Theo tài liệu [4,12] :Trông nom ngôi Chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa trang Nghệ Sĩ từ lâu đều là những nghệ sĩ cải lương lớn tuổi và neo đơn. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận. Thời trẻ lang bạt theo các đoàn hát, cuối đời họ nương nhờ tuổi già nơi cửa Phật.

Nghệ sĩ Lí Lắc bên mộ của nghệ sĩ Phùng Há
Nghệ sĩ Nhật Sinh, nhân viên canh gác chùa có gian phòng 7 mét vuông trong chùa làm chỗ trú chân .Nghệ sĩ hài Lí Lắc, từng là một kép độc, nổi tiếng với những tiết mục tấu hài của đoàn cải lương Phùng Hảo và Dạ Lý Hương, đêm đêm chỉ có manh chiếu trải bên thềm chùa để ngủ. Hằng ngày, nghệ sĩ Lý Lắc nhận làm cỏ và coi phần mộ Phùng Há.
Nhiều vũ công đoàn hát Dạ Lý Hương khi xưa, nay nương tựa trong chùa.Vũ công tên Nguyệt giờ là người nấu ăn trong chùa. Vũ công Thu Hồng hàng ngày lo đèn nhang cho các gian thờ Phật và thờ Mẫu. Một nghệ sĩ lớn tuổi khác hiện đang ở chùa là Thu Nguyệt. Các bà đều là những nghệ sĩ đã hát cho các đoàn cải lương lớn nhất ở Sàigòn và sống ở chùa đã gần 20 năm. Hàng chục ngôi mộ không còn người trông nom đều trông cậy vào những nghệ sĩ này. Họ chăm lo hương khói vào những ngày rằm, hay đầu tháng.
Sau khi bà Phùng Há mất đi vào năm 2009, thọ 98 tuổi, ông Diệp Nam Thắng làm hội trưởng hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế và cũng là Trưởng ban Quản lý của Chùa và Nghĩa trang Nghệ Sĩ. Mặc dù là quản lý ngôi chùa nhưng ông Nam Thắng không xuất gia (tài liệu [8]).
Nhưng chẳng bao lâu, trong buổi lễ cúng 49 ngày của cố nữ nghệ sĩ lão thành Phùng Há, ông Diệp Nam Thắng, buồn bã cho các nghệ sĩ biết quyết định giải tỏa nghĩa trang chùa Nghệ sĩ (tài liệu [2]). Tin này đã gây hoang mang, lo lắng trong hàng ngàn nghệ sĩ và khán giả ái mộ cải lương.Nên ngụy quyền cộng sản quận Gò Vấp đã đính chánh rằng không có việc giải tỏa Nghĩa trang Nghệ Sĩ.
Bọn ngụy quyền cộng sản quận Gò Vấp còn giải thích thêm : “Vận động giải tỏa nghĩa trang trên địa bàn quận Gò Vấp theo kế hoạch 37/KH-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009, nhằm mục đích cải thiện điều kiện môi trường trên địa bàn. Đây là chủ trương được tiến hành trên cơ sở vận động tự nguyện… đối tượng là các nghĩa trang gia tộc đang tồn tại trong khu dân cư. Quận chưa đặt vấn đề giải tỏa nghĩa trang nghệ sĩ thành phố.”
Giải thích này nói rõ ràng là chưa có đặt vấn đề giải tỏa Nghĩa trang Nghệ Sĩ. Chưa có thể hiểu là chưa đặt ra bây giờ nhưng có thể sẽ đặt ra trong một thời gian tới, gần hay xa chưa biết. Có người nghĩ đó là một dự án treo như bao nhiêu dự án treo khác ở thành phố.
Bên cạnh những lời tuyên truyền nhân đạo giả dối ở trên, qua tài liệu [13], người ta được biết ngụy quyền cộng sản quận Gò Vấp đã được sự chấp thuận của bọn ngụy quyền cộng sản xếp ở TP hcm (Sic) về việc xây dựng tháp cốt trên diện tích 2000 mét vuông để lưu giữ những hài cốt sau khi đã hỏa táng từ các nghĩa trang gia tộc trong tổng số 345 nghĩa trang gia tộc đang nằm lẫn lộn trong khu dân cư, để tạo thuận lợi cho thân nhân thăm viếng. Tất nhiên phải được sự chấp thuận, đồng tình của những gia tộc này.
(Phụ chú : Trong số 345 nghĩa trang này, có nghĩa trang dòng họ ông Trương Minh Giảng – Xem thêm chi tiết trong bài Đất mộ phần dòng họ Trương Minh của cùng tác giả).
Tháp cốt được xây dựng sau Chùa Nghệ Sĩ nhằm mục đích xây dựng một di tích văn hóa và việc hương khói, tế lễ được trang trọng hơn (Sic). Ngụy quyền cộng sản quận Gò Vấp sẽ giao cho Công ty Dịch vụ Công ích quận Gò Vấp quản lý công trình này.
Như thế việc chấp thuận và đồng tình của các nghĩa trang gia tộc không còn cần thiết nữa. Muốn hay không muốn, trước hay sau , người dân sẽ bị bắt buộc tự mình quật mồ đào mã ông bà, cha mẹ, vợ con thân quyến trong nghĩa trang của mình, hỏa táng hài cốt , đem tro cốt vào tháp cốt của ngụy quyền cộng sản, để sau đó đóng tiền lưu giữ . Phần đất để lại của các ngôi mộ này chắc chắn sẽ được giải tỏa ! Cũng cần viết thêm là từ nhiều năm nay, bọn ngụy quyền cộng sản đã phát động giải tỏa rất nhiều nghĩa trang tư nhân ở Sàigòn và Gia Định , chẳng hạn như nghĩa trang Cầu Kho , Nhị Tỳ Quảng Đông,Bắc Việt Tương Tế, Bình Hưng Hòa, Văn Giáp v.v… để cướp đất và làm ăn với bọn tư bản đỏ đầu cơ địa ốc.
Tài liệu tham khảo :
- Tuổi trẻ đời sống -Chùa Nghệ Sĩ ở đâu? Tham quan chùa Nghĩa trang Nghệ Sĩ duy nhất trên thế giới-Đời Sống.
- Soạn giả Nguyễn Phương- RFA- Đài Á Châu Tự Do-Nghĩa trang Nghệ Sĩ ở Gò Vấp bị dẹp bỏ ! – 06/09/2009.
- Bách khoa toàn thư -Chùa Nghệ Sĩ.
- Cảnh Linh-Lạc vào Chùa Nghệ sĩ- Suckhoedoisong.vn- 26/06/2016.
- Ngành Mai – Thông tín viên RFA – Đài Á Châu Tự Do -Trước ngày về với Tổ nghiệp, nghệ sĩ tiền phong Phùng Há nói gì về cải lương-21/11/2015.
- Website Hoa Sinh Thoại -700 phần mộ nghệ sĩ an táng tại nghĩa trang chùa Nghệ Sĩ sẽ bị giải tỏa?
- Lê Đại Anh Kiệt – Người bí ẩn đã lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’ là ai?- Người Đô Thị- 05/10/2019.
- Trần Chánh Nghĩa – Cải Lương Việt Nam – Bản Sắc Dân Tộc – Mạng cailuongvietnam.com.
- Thanh Hiệp-Website Hoa Sinh Thoại -700 phần mộ nghệ sĩ an táng tại Nghĩa trang chùa Nghệ Sĩ sẽ bị giải tỏa?
- Vietnam.Net-Nghệ sĩ Việt nghèo khó sống giữa nghĩa trang cô quạnh-20/08/2015.
- Lâm Vi -Vietnam.Net-Nghệ sĩ Việt nghèo khó sống giữa nghĩa trang cô quạnh-20/08/2015.
- Châu Mỹ-VNEXPRESS-Những phận đời nghệ sĩ tại chùa Nhật Quang.
- Thanh Hiệp – Người Lao Động-Không giải tỏa Nghĩa trang Nghệ sĩ TP hcm! 02/09/2009.
—>24-Nghĩa trang Văn Giáp
Cám ơn pearlharbor2009 đã bổ túc thêm chi tiết cho bài viết được đầy đủ hơn, hữu ích cho TM và các độc giả khác
LikeLike
nghĩa trang Đa Minh giờ nằm trên đường Bình Long (thuộc quận Bình Tân), đối diện đường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), nó tách ra so với khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa (góc ngã 4 Bình Long – Tân Kỳ Tân Quý).
LikeLike