ĐỨA CHÁU ĐỒNG BẠC (Lê Văn Trương): Đoạn thứ ba

(Nguồn: Lê Thy đánh máy từ bản PDF của https://vietbooks.info/)<— ĐOẠN THỨ NHẤT
<— ĐOẠN THỨ HAI

ĐOẠN THỨ BA

– 1 –

– Đấy me xem phong-thể nhà con thế này, me đã bằng lòng con gái me chưa?

Vừa nói, Ngọc-Yến vừa trỏ những salon gụ, tủ gương, đỉnh đồng một cách đắc-chí, rồi lại nói tiếp :

– Nếu con không quyết-đoán cứ sợ mang tiếng thế nọ, thế kia thì bao giờ được thế này? A, con biếu me trăm bạc để me đánh tổ-tôm nhé. Đây nhà con hôm qua mới cho con ba trăm.

Bà Phán Cư cầm tập giấy bạc, trên mặt lộ một vẻ vui mừng

– Thì me vẫn biết con me biết đời và khôn-ngoan lắm, nhưng…

– Nhưng làm sao ? Me sợ cái nhà này, cái ô-tô kia, cái đồn-điền hơn hai trăm mẫu ở Phúc-yên không phải hẳn là của con chứ gì? Thưa me, con không dại đâu. Những thứ ấy hoàn-toàn là của con, con muốn bán hay con để là tùy con, con đã bắt nhà con viết giấy chắc chắn cho con rồi con mới chịu về. Những giấy ấy nằm trong tủ sắt kia, me bảo còn suy-chuyển đi đâu. Con tuy là mang tiếng lấy lẽ thứ ba, nhung cái tiếng thì me bảo ở đời cần quái gì. Cốt-yếu là ở sự thực. Sự thực là con không cần biết đến vợ cả. Con chẳng cần biết mặt mũi y ra làm sao. Riêng một giang-sơn nhà con cho con, con hưởng. Vợ cả mà ngu dại lò-dò đến đây thì con có quyền tát vào mặt y và tống cổ y ra đường. Me tưởng con phải qụy lụy ai đấy hả? Cái nhà này là của con, đồ-đạc này hoàn-toàn là của con. Con đã đề-phòng bằng đủ mọi cách chắc-chắn dù ai có muốn lật cũng không lật được. Nhưng nói thế thôi, chứ nhà con yêu-quý con như vàng, hơi se mình một cái là sợ hết vía, đời nào lại còn tệ-bạc.

– Me trông mặt thì cũng phúc-hậu.

– Cũng thôi à? Phúc-hậu lắm lắm chứ. Chả phúc-hậu lại có thể giầu có hàng bao nhiêu vạn. Nhưng me nên nhớ chỉ đối với con là nhà con rộng-rãi, còn đối với công việc thì diết-gióng lắm nhé, không suy-ly đi dâu một xu. Mà phải thế trong công việc kinh-doanh thì mới giầu được chứ. Mà có giầu thì mới có tiền cho vợ nhờ chứ. Bây giờ cứ mỗi tháng nhà con cho con ba trăm. Ấy thế mà cũng chẳng thừa mấy đâu me ạ ! Tiền tài-xế, tiền dầu xăng, tiền rượu Tây, tiền gia-nhân đầy tớ. Mọi cái tốn lắm. Con ăn ở bây giờ thật như một bà đầm.

– Nhưng con cũng nên cần-kiệm để…

– Đề-phòng về sau ấy ư? Không cần me ạ. Cái địa-vị của con bây giờ chắc chắn lắm. Sắc đẹp là một thứ không có cái gì có thể xâm-phạm được. Mà bây giờ còn trẻ, hẵng ăn chơi cho nó sướng thỏa, chờ lúc nào đứng tuổi sẽ hay.

Ngọc-Yến nói xong, phưỡn ngực như để hô-hấp lấy tất cả những cái vui của tuổi xuân mà sắc đẹp và sức khỏe đang mang đến cho nàng trong một khung cảnh giầu sang lộng-lẫy.

– A me ạ, me ở đằng ấy có điều gì bất-như-ý thì lại đây ở với con. Me sẽ chẳng phải thiếu- thốn một thứ gì. Me tha hồ tổ-tôm và đi lễ. Nhà con sẽ quý me như một đức thánh-mẫu.

Ngọc-Yến sà vào lòng mẹ. Cái cử-chỉ ấy như để viết một câu không lời: «Đẻ được một đứa con đẹp như thế này thì lẽ tất-nhiên được người ta coi là thánh-mẫu, đúng lắm rồi».

– Me ở đằng ấy chẳng có điều gì bất-như-ý cả. Chỉ phải cái ít tiền thì không được rộng-rãi lắm thôi. Người ta đang tử-tế với mình, bỏ đi chỗ khác không tiện.

Ngọc-Yến chồm dậy :

– À , me, con đi lấy chồng thế này, chắc anh chàng si buồn khổ lắm nhỉ? Từ khi con đi, y có nói gì không?

– Không, y chả nói gì cả. Mà kiếm được đồng nào y cũng vẫn đưa cả cho me. Nghe me nói con ở đây được mọi điều như ý, y lại hình như mừng cho con.

– Ồ, thế thì y biết điều và cũng không đến nỗi nào. Me thử coi nếu con nể me, nể ba con mà lấy y thì bây giờ con đâu được cái địa-vị như thế này. Lại đến lâm vào cảnh giật gấu vá vai không đủ thì còn tiền đâu mà ăn chơi. Nếu con mà không đè được cái tình thương không phải đường thì có phải tự mình đã đem chôn vùi cái sắc-đẹp và tuổi trẻ của mình trong sự cùng quẫn rồi không ? À con bảo tài-xế đánh ô-tô đi chơi mát, rồi me ở đây ăn cơm Tây với con, me ạ. Thằng bếp nhà con làm được cả cơm Tầu lẫn cơm Tây khéo lắm. Con phải giả nó mỗi tháng tám đồng đấy.

Ô-tô đánh ra chờ ở cửa. Ngọc-Yến trèo lên cầm lái :

– À con cầm lái bây giờ đã thạo lắm. Nhà con định cuối tháng này thì lấy bằng cho con.

Ngọc-Yến cho ô-tô đi lượn các phố đông, rồi đỗ ở cửa Gô-đa.

Khi nàng vừa bước xuống thì có hai người thiếu-niên nhìn nàng một cách chăm-chú. Ngọc-Yến thấy thế rất lấy làm đắc-chí liền thì-thầm bảo mẹ:

– Me ạ, con đi đến đâu, tụi chúng nó cũng nhìn con thèm rỏ dãi. Con nghĩ nhà con cũng là người tốt số thật.

Nàng đang sung-sướng, vênh-vang lấy điệu đi qua thì bỗng những mẩu chuyện vẳng đưa lại làm cho mặt nàng sa sầm ngay xuống:

– Đẹp như thế mà lấy lẽ thứ ba một thằng vũ-phu già, thì uổng quá !

– Già, nhưng ô-tô nó «mới». Vũ-phu, nhưng cái nhà lầu nó to !

– Đành thế, nhưng tao vẫn không thể cảm được cái thứ «bán mình» như thế.

Ngọc-Yến nguýt hai thiếu-niên bằng một cái nhìn có thể đánh ngã một con trâu rồi trề môi bảo mẹ :

– Những quân này cũng gàn-dở, ngu-ngốc như thằng Bình!

Vào Gô-đa, Ngọc-Yến sắm huyên-thuyên những thứ tối vô-ích, nhưng nó rất đắt tiền. Chỉ một loáng đã hơn năm chục. Nàng hãnh-diện cầm gói đồ ra xe:

– Me coi ngần này bằng cả cơ-nghiệp nhiều người. Con nghe người ta kể chuyện xưa kia me giầu, me cũng ăn tiêu sang lắm phải không ? Con thật giống me. Không hiểu sao, con không có những thứ này để dùng thì con không thể sống được. Kể có đồng tiền trong tay cũng sướng thật, muốn cái gì có ngay. Me coi nếu giời nắng như thế này, không có ô-tô đi, phải đi bộ hay đi xe tay thì cứ những bụi nó bay vào cũng đủ ho lao.

Trong năm tháng giời, Ngọc-Yến như bơi trong sự dư-dật, chìm đắm trong hoan-lạc. Nàng say sưa sống với giầu sang, mê-man sống với chợ-phiên, ciné, và yến-tiệc.

Nhưng trong năm tháng giời ấy thì Bình bị quằn-quại trong đau khổ. Bình gọi nghệ-thuật đến để đem lại cho minh an-ủi. Bình lao đầu vào sự làm việc để cố quên.

Một buổi sáng trở dậy, Bình cảm thấy lòng mình đã hết đau-đớn, chàng liền rú lên :

– Ta thoát chết rồi ! Ta lại sống được rồi !

Sung-sướng, Bình mở rộng cửa sổ để hô-hấp cái khí giời trong trẻo của bình-minh. Rồi Bình ngâm thơ vang nhà.

Bà Phán Cư lúc ấy cũng đã dậy, đang uống nước chè Tầu ở nhà ngoài. Từ khi Ngọc-Yến đi lấy chồng, bà thấy Bình cả ngày không nói, nay bỗng thấy hát như thế, bà cho là một sự lạ liền chạy vào:

– Ô, cậu làm gì mà sáng nay vui thế ?

Bình quay lại :

– Con mới sống lại bà ạ.

Bình lầm. Có những người chỉ yêu một lần trong cả một đời. Mà sự thất-vọng của mối tình đầu-tiên làm tan hết cả yên-vui một đời. Bị thất-vọng, hạng người ấy sống trong xã-hội loài người như một cái bóng. Bao nhiêu những cái gì nó làm cho người ta yêu đời, vui đời đều đã bị bàn tay tàn-ác của thần Định-mệnh nghiền tan trong cuộc tình-duyên ngang ngửa. Trái tim đã bị vặt hết nguồn sống, chẳng còn gì nữa để mà sống, sống với hết cái nghĩa sôi nổi của chữ ấy.

Bình là hạng người ấy. Chẳng qua bị ức-uất, bị đối-đầu với một cái không thể tránh được, Bình lầm tưởng thế. Vết thương lòng mà chàng lầm tưởng rằng đã dịu, đã hàn thì bỗng một cơ-hội kéo đến lại làm cho nó vỡ tung ra. Lần này, nhìn rõ trái tim dập nát, chàng phải ngao-ngán mà nhận rằng cả cái đời trẻ trung hy-vọng của mình đến đây là đánh cái dấu hết.

Trong năm tháng nay, Ngọc-Yến vì ngượng với người cùng phố, ngượng với dượng ghẻ, mà có lẽ ngượng cả với Bình nên không về chơi nhà thì hôm nay nàng về.

Ô-tô đỗ xịch ở cửa. Còi bóp ầm ĩ, Bình ở trên gác, nghe tiếng còi ô-tô, chạy ra cửa nhìn thoáng trông thấy Ngọc-Yến bỗng choáng váng mặt mày. Bao nhiêu kỷ-niệm xưa kia bỗng sống cả lại gieo vào lòng chàng bao nhiêu đau buồn nhớ tiếc.

Những tiếng cười ròn-rã và thứ nhất cái giọng nói vui-vẻ của Ngọc-Yến lại như những dùi nhọn dâm vào lòng chàng. Chàng ngồi lặng cá trong ghế nghe :

– Con mua biếu ba hai lạng sâm để ba ăn cho khỏe. Sâm Cao-ly thật hiệu đấy, những mười tám đồng một lạng đấy. Ba có mạnh-khỏe không hở ba ? Anh Bình đâu hở ba?

Bình chỉ nghe thấy có tiếng nói của Ngọc-Yến còn ba chàng nói gì thì vì khẽ quá, chàng không nghe tiếng.

Chàng muốn không nhìn thấy mặt Ngọc-Yến, nhưng không hiểu một sức mạnh gì lại du chàng đứng dậy đi ra. Chàng vừa ra đến cửa studio thì Ngọc-Yến bước vào.

Hôm ấy, nàng thật là đẹp, đẹp một cái đẹp rực-rỡ khiến cho Bình thoạt trông thấy mà lóe mắt, không cầm nổi lòng bỗng thốt ra :

– Độ này, cô đẹp quá.

Nhí-nhảnh, Ngọc-Yến chạy lại trước cái gương treo :

– Có phải thế không anh ? Chính em độ này em cũng nghiệm thay thế. Thì anh tính chẳng phải lo nghĩ gì.

Rồi quay lại :

– À, độ này anh thế nào ? Anh có vẽ được cái gì đẹp không ? Cho em xin một bức để treo ở sa-lông. À nhà em định nhờ anh vẽ hộ một bức ảnh toàn thân của em để treo ở buồng ngủ đấy. Nhà em sẽ giả anh đắt lắm cơ đấy.

Những câu nói chỏng-lỏn và kiêu-ngạo của Ngọc-Yến liền làm cho Bình nhận chân thấy cảnh-ngộ. Chàng giận sôi lên :

– Anh có phải là tay sai hay cái đồ dùng cho những kẻ giầu đâu. Anh là một nghệ-sĩ. Người ta tuy cần phải sống bằng tiền, nhưng một nghệ- sĩ cũng phải buộc lòng gạt đồng tiền đi, nếu phải làm những cái mà lòng mình không thích.

Ngọc-Yến lắc đầu một cách ái-ngại :

– Anh sống ở buổi đời một là một, hai là hai này mà anh vẫn còn cứ tưởng-tượng như ở trên cung giăng. Cái khí-khái hảo ấy rồi đây sẽ làm cho anh phải nghèo suốt đời.

– Anh cam chịu nghèo để cho thân mình được tự-do chẳng phải hệ-lụy vào ai cả.

Thấy mặt Ngọc-Yến sa-sầm, Bình vội nói chữa :

– Ở đời mỗi người có một cái thích mà người nọ không có quyền vì cái thích của mình phản-đối cái thích của người kia. Ví-dụ như cô thích những cảnh giầu sang, còn trái lại anh thích cảnh thanh-bần mà người ta chỉ sống với một tấm lòng thảnh-thơi thì cô bảo sao ?

– Tôi bảo ít nhất anh cũng là người trái tính. Thôi không nói nữa. Tôi xem hình như anh vẫn có cái gì tức tối đối với tôi. Anh còn là người anh giai luôn luôn nghĩ tới hạnh-phúc của tôi hay anh đã ghen với sự sung-sướng của tôi đấy ?

– Sao cô lại có thể buộc cho tôi có những tư-tưởng quái-gở thế ?

– Thế nếu bây giờ tôi yêu-cầu anh phải vẽ cho tôi thì anh bảo sao ?

– Cô yêu-cầu với trả tiền là hai việc khác nhau. Cô yêu-cầu thì tôi liền vẽ biếu cô ngay. Nhưng nếu cô nói đến sự trả tiền thì mấy tôi cũng không vẽ. Có lẽ tính tôi lẩn-thẩn thật, cho nên có lắm thứ tiền tôi không thể tiêu được.

– Anh không lấy tiền thì tôi lại càng có tiền để mua sắm. Nhưng anh định đến bao giờ thì vẽ cho tôi nào. Tôi đang cần có một bức họa thật to, thật đẹp để bầy ở sa-lông. Hay bắt đầu từ mai nhé.

– Tôi còn giở bận nhiều việc. Nửa tháng nữa, cô đến đây. Nhưng cô nên nhớ bây giờ tôi bận lắm nhé. Cô phải đoan với tôi mỗi ngày cô đến đúng hai giờ thì tôi mới có thể vẽ mau cho cô được. Mà như thế thì mới đẹp.

– Bằng lòng. Cám ơn anh trước.

Hôm ấy, Ngọc-Yến ở lại ăn cơm với mẹ. Cái gì nàng cũng chê là không bằng ở nhà mình.

– Ở nhà con mà bếp nó bầy vào những đĩa thạch-trúc như thế này thì nhà con ném đĩa đi ngay.

Bình mỉm cười :

– Nhưng không có thứ đĩa khác thì cũng đành vậy.

– Phải là một người giầu có thì mới có thể kiêu-kỳ như thế được.

– Thì đã hẳn.

Dầu bữa cơm hôm ấy có nhiều món, nhưng Ngọc-Yến chỉ chấm mút qua loa :

-Thằng bếp nhà này nó làm kém. Không thể nào nuốt được.

Bà Phán Cư liền bảo :

– Thì nó có phải là bếp đâu. Tháng giả nó có hơn đồng bạc ấy mà. Bì thế nào với nhà cô được.

Ổng Phán Cư tuy người nhu-nhược, nhưng vốn tính ngay thẳng, thấy Ngọc-Yến cái gì cũng cứ chê ỏng chê ẹo, liền bảo :

– Sao độ này con khó tính thế? Trước kia cũng vẫn nó nấu sao con ăn được ?

Bình thấy cha mình nói thế sợ Ngọc-Yến ngượng, liền nói tránh :

– Lúc làm bà Nghị với lúc làm cô học-trò khác chứ. Địa-vị nào phải xử theo địa-vị ấy chứ. Bà Nghị giầu có mà cũng cứ xuềnh-xoàng như cô học-trò thì người ta cười chết.

Ngọc-Yến chẳng ngượng, chẳng nhìn thấy một mỉa-mai gì ở trong lời nói của ông Phán Cư. Nàng nghe Bình nói thế liền cười :

– Từ lúc nẫy tôi về đến giờ, tôi mới nghe thấy anh Bình nói được một câu nghe được.

Cơm xong, Ngọc-Yến than phiền :

– Không có cà-phê uống, nó lợm giọng thế nào ấy.

Bình trong lòng buồn bực lắm, nhưng vẫn cố chiều.

– Thì để sai con sen nó ra hiệu mua cho cô vậy nhé.

Ngọc-Yến vội khoa tay :

– Cà-phê của hiệu khách thì uống làm sao được. Thôi để em về nhà em uống.

Trước khi từ-giã, Ngọc-Yến hãnh-diện mở ví đưa cho mẹ hai chục :

– Hễ bao giờ me tiêu hết lại bảo con nhé, con bây giờ sẵn lắm.

Rồi kiêu-ngạo quay sang Bình :

– Những điều lo-ngại của anh đối với tôi trước kia, tôi xin nói để anh biết, cho anh yên lòng, nó không bao giờ hóa ra sự thực cả. Tôi bây giờ hoàn-toàn được toại-nguyện về đủ mọi phương-diện.

– Nếu thế thì tôi rất lấy làm mừng cho cô.

– Phải, anh nên mừng cho tôi. Chồng yêu, sẵn tiền, tôi còn mong ước gì nữa. Tôi tin rằng hạnh-phúc của tôi sẽ lâu bền mãi mãi.

– Nếu thế thì tôi lại càng yên lòng lắm, và mừng cho cô lắm. Nhưng cô cũng nên đề-phòng và đừng nên quá tin. Hãy chờ tương-lai trả lời cho chúng ta.

– Tương-lai, tương-lai ! Trên miệng anh lúc nào cũng tương-lai với tương-lai. Cái hiện-tại của tôi đủ bảo-đảm cho tương-lai.

– Nếu được thế thì tôi rất vui mừng, bởi tôi chẳng cầu mong gì hơn là được nhìn thấy cô sung-sướng.

—>Xem tiếp

Advertisement
This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Lê Văn Trương. Bookmark the permalink.

3 Responses to ĐỨA CHÁU ĐỒNG BẠC (Lê Văn Trương): Đoạn thứ ba

  1. Hoan nghênh Lethy đã giới thiệu văn học tiền chiến…

    Like

Ý kiến - Trả lời

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s