MỘT NÀNG HAI CHÀNG (Bình-nguyên Lộc)

-4-

Bấy giờ, qua cơn hoảng sợ chồng làm liều, qua những phút cãi vã với chồng, Cúc mới lắng nghe các vết thương của nàng và sự đau nhức, vẫn có ngay từ lúc nàng ngã, bấy giờ như là mới xuất hiện.

Nàng hít hà rồi xoa những chỗ đau, nhưng tay nàng chạm phải da rách, làm cho nàng đau thêm.

Nàng đã bị bầm dập thân thể hồi còn con gái, mê Hưng, cuốn gói theo hắn, ba nàng bắt lại được, cho nàng một trận đòn bán sống bán chết. Nhưng rồi nàng lại trốn theo hắn nữa. .

Về sau hắn chán nàng nhưng nàng vẫn cứ mê sắc đẹp của hắn, bám riết theo hắn, nên hắn nghĩ cách lợi dụng nàng, xúi nàng mãi dâm nuôi hắn. Nàng quyết từ chối và hắn trói nàng lại, nhốt nàng trong buồng mà đánh đập suốt ngày, từ tuần nầy qua tháng khác cho đến khi hắn mỏi tay quá rồi và không mong thuyết phục hay bắt nạt thiếu phụ hư hèn nhưng chỉ quyết hư với một người thôi, nên hắn đành bỏ cuộc, không hành hạ nàng nữa.

Những trận đòn khi trước làm cho nàng rất đau đớn, hôm nay nàng nhớ lại thì chỉ là trò trẻ con chơi chơi, không đáng than van.

Tuy nhiên, nàng không khỏi nghĩ một lần nữa về hai cánh tay phũ phàng của tên vũ phu mà nàng si mê một cách điên đại.

Tình yêu thật là mù quáng và ngông cuồng. Nàng có học, Hưng dốt, chỉ biết ký tên thôi, nàng con nhà đạo đức, còn Hưng là một kẻ trôi sông lạc chợ, không nhớ ai sanh hắn ra, và sanh hắn nơi nào, thế mà nàng lại yêu hắn, mê hắn như hắn là một chất ma tuý nàng không rơi bỏ được. Ánh đèn lại to dần lên. Hưng trở ra với một cuộn dây thừng.

Anh ta đặt đèn lên nền đá rồi ngồi xuống trói tay chân của Lực lại. Xong đâu đấy, anh ta gọi vợ:

– Cúc ơi lại đây phụ với anh để khiêng hắn ra ngoài kia. Hắn nằm gần ta, anh ghê quá.

Cúc lặng lẽ đứng lên, bước tới để làm cái công việc mà chồng nàng vừa cậy mượn. Nàng nắm hai chân của người say rượu, còn Hưng thì nắm hai vai, nơi nách của Lực, rồi họ hè hụi mà khiêng người chủ động như là khiêng một cái xác.

– Nặng quá! Cúc than rồi để mạnh kẻ bị trói xuống.

Vì kẻ ấy nặng quá, họ không giở hắn lên cao được, nên bị ném mạnh lên đá, hắn cũng không đau đớn gì… nếu hắn thức. Nhưng hắn chỉ là một cái xác không hồn thôi.

Rồi họ lại khệ nệ khiêng nữa, nói là họ rê đi, họ kéo lôi người ngủ đi thì đúng hơn.

Khi Lực bị đặt xuống xong, cả hai vợ chồng Cúc Hưng đều đứng mà thở dốc một hồi rất lâu. Hưng bảo vợ:

– Từ lúc mặt trời lặn tới sáng hôm sau, trong động nầy chắc sẽ lạnh lắm. Em nên vào trong nhúm lửa trước để hơ quần áo của ta cho nó thật khô kẻo đêm nay chịu không thấu.

Quần áo khô rồi, em hãy nấu cơm chiều.

Cúc làm thinh quay lưng đi vào nhà bếp.

Cây cột nắng nãy giờ cứ ngã nghiêng lần và bị thâu ngắn lần. Bấy giờ nó tắt luôn, có lẽ cái hang thông hơi mà đo đó nắng rọi vào đây, cái hang ấy đứng lắm, nên chưa chiều mà ánh sáng không lọt vào được. Hưng xem lại đồng hồ tay thì chỉ mới có hơn ba giờ rưỡi thôi. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào ánh sáng của cây đèn bão. Nếu động hết dầu thì người trong động phải sống thầm.

Giây lát sau Cúc đã nhóm lửa lên. Bây giờ có gió chiều theo cửa động vào đây, đuổi khói thoát ra ở cái hang thông hơi nên không khí trong động tương đối nhẹ thở hơn là khi đang lúc Lực làm bếp.

Nếu Hưng có học, nhìn Cúc đang trần truồng ngồi bên bếp lửa bập bùng, hắn sẽ nghĩ đến cảnh đời Tiền sử trong các hang sâu, các động thẳm.

Nhưng dốt, hắn chỉ nghĩ ngay đến việc hơ ấm thôi và đi vào trong để cùng ngồi xuống cạnh bếp lửa, đối diện với Cúc.

Mỗi người cầm lên chiếc quần của họ để hơ vì quần dầy cầm nước nhiều nên họ phải hơ trước.

Cúc nói :

– Nếu phải ở nhiều ngày không biết lấy gì để thay đổi.

– Ngày mai gở xong là ta đi ngay chớ.

– Anh nói giỡn hay sao? Làm gì mà xong trong vòng một ngày được. Hắn lại tật nguyền.

– Chớ em định phải bao lâu?

– Ai biết đâu. Lại khổ một nỗi quần áo ta nhầu nát hết, vào tới đất liền, đổ bộ lên là họ chú ý ngay, nguy quá.

Hưng nghe vợ nói thế, sợ hãi lắm, nhưng không biết tính sao. Hắn nói gượng:

– Mình cứ trả lời là ta bị đắm thuyền, trôi giạt lên một hoang đảo.

– Cố nhiên là ta chỉ biết nói thế. Nhưng họ chú ý mà khách sạn lại có ghi tên ta vào sổ nữa. Nếu ngày sau có cuộc điều tra thì sẽ lòi ra ta ngay. Thế nên ta không nên giết hắn. Tội ăn cắp tổ yến dầu sao cũng nhẹ hơn tội giết người. Nè, em hỏi thật anh, có phải mấy người thủy thủ chèo thuyền cho ta đó họ té xuống biển hả ?

– Chớ sao!

– Nhưng họ là thủy thủ, sao họ không lội, để chết đuối cả đám như vậy ?

– Tại họ say rượu.

– Mà rượu đó là của anh mang theo. Rượu có đánh thuốc độc trong đó à?

– Tại sao em lại hỏi như vậy? Thì đi du ngoạn trên mặt biển bằng thuyền lại không mang rượu theo cho vui sao?

– Em đã tin theo lời anh, khi sáng ra, thức dậy, thấy chính anh lái thuyền, còn họ thì biến mất cả. Nhưng tới lúc em thấy anh toan giết người gác hòn, em đâm nghi là những người kia cũng bị anh giết hại, ít lắm cũng bị anh phục rượu cho say mèm đêm trước rồi xô họ xuống nước.

– Á thôi, đừng có nhiều chuyện.

– Đừng có tưởng bịt miệng em mà yên thân đâu. Anh sẽ bịt miệng nhà chức trách được hay không nè? Nhưng em nói thế chớ đừng có hoảng hốt lắm mà hóa điên. Nếu vớt xác bọn kia lên được cũng không sao vì không có bằng cớ là anh phục rượu họ, còn các vết thương chắc chắn cũng không có vì anh không đủ khả năng hạ sát ba người thủy thủ lực lưỡng ấy. Chỉ lo là cái án mạng mà anh đang dự trù thi hành đây thôi. Vậy chớ nên ra tay đó nhé.

Quần áo của họ đã khô và gió chiều lọt vào đây, thổi mát các vách đá, khiến họ nghe cần y phục, nên họ mặc quần áo vào .

Xong, Cúc lui cui nấu cơm và nướng khô. Hưng vẫn còn ngồi đó, có vẻ sung sướng ghê lắm như vừa thoát một đại nạn. Phải, đúng như vậy, hắn vừa thoát một đại nạn. Vợ hắn đã đoán đúng cuộc sát hại ba người thủy thủ của hắn và nói lên lời đoán của nàng khiến hắn rụng rời. Nhưng rồi nàng lại bảo rằng không sao vì lẽ nầy vì lẽ nọ, lý luận của nàng vững lắm khiến hắn lại mừng.

Thình lình có ai ở ngoài ném đá vào động, những hòn đá đen, to gần bằng nắm tay cứ bay vào tới tấp.

Cúc kêu rú lên, nhào tới ôm lấy chồng, thở hổn hển và la:

– Chết rồi anh ơi!

Phụ nữ thật khó hiểu. Họ tỏ ra rất oanh liệt trong nhiều trường hợp khó khăn, nguy hiểm, nhưng họ lại sợ chuột con, và sợ cái gì không dữ lắm nhưng có vẻ bí mật, như những hòn đá nầy chẳng hạn.

Đá ném vào không viên nào trúng họ hết thì Cúc khủng khiếp chỉ vì nghĩ đến những oan hồn vô hình nào trả thù họ đó thôi.

Đá không ném trúng họ và bếp tục bay luôn vào trong và lạ lùng lắm là họ không nghe nó rơi xuống ở đâu cả.

Rõ ràng là đá ma rồi mới biến mất được như vậy, không thôi nó phải chạm vách đá ở trong cùng hoặc phải rơi ở đâu chớ.

Hưng cũng kinh sợ hết sức, nhưng hắn là đàn ông sợ dao sợ búa hơn là sợ ma, nên hắn dám ngước mặt lên mà nhìn trừng trừng những hòn đá ma ấy.

Bỗng khám phá ra sự thật, hắn cười to lên. Cúc hỏi :

– Gì đó?

– Không có gì mà em sợ hãi. Yến về tổ đó mà?

– Vậy à? Làm em sợ mất mật. Nhưng tổ nó ở đâu? Sao ta không thấy?

– Có lẽ nó đóng tổ trong cái lỗ thông hơi mà nắng lọt vào đây ấy.

– À, có lẽ anh nói đúng. Yến về tổ là chiều rồi.

Hưng đưa tay lên xem đồng hồ rồi đáp:

– Ừ, đã năm giờ chiều rồi.

– Thời gian trôi qua mau lẹ quá ! Ở đây thắp đèn mãi nên không biết ngày đêm gì cả.

Họ nghe đói bụng nên Cúc dọn cơm ra. Thấy chồng tìm chai rượu, Cúc nói:

– Anh uống rượu làm chi?

– Bữa rượu khi trưa làm anh nhức đầu và mệt lắm. Anh phải uống thêm cho say thật say để quên cái khó chịu đó.

Họ lặng lẽ ăn cơm và ăn xong, Cúc lấy kẹo đậu phộng ra cho chồng tráng miệng và nói:

– Hắn không xấu bụng, nhưng hắn đã quên mất món ngọt nầy, vì hắn say mèm trước khi xong bữa.

Nhưng Hưng từ chối và nói:

– Anh chỉ muốn thâu ngắn bữa ăn để đi ngủ vì mệt hết sức. À, em nè, mặc dầu hắn bị trói, ta cũng nên đề phòng cẩn mật.

Ta thay phiên nhau mà canh chừng hắn. Anh ngủ trước rồi đến khuya, em đánh thức anh dậy để anh thay cho em ngủ nghen.

– Cũng được.

Hưng múc nước ngọt trong khạp uống một bụng rồi ngã lưng tại chỗ mà ngủ liền, ngáy đua với Lực ngoài kia.

Cúc lo dọn rửa để rồi cũng nghỉ lưng vì từ sáng đến giờ, nàng chưa được nằm lần nào cả.

Trước khi đi nghỉ, nàng định tìm dầu để châm thêm vào cây đèn bão nhưng tìm được chai dầu hôi, nàng loay hoay mãi mà không mở được họng đèn ra, nên đành thôi. Cúc rất sợ nửa đêm đèn tắt. Ở nhà, cửa kín thế kia mà còn phải chong đèn, huống chi trong động thẳm, cạnh hai người đàn ông chực giết nhau, một kẻ giết để mà giết, một kẻ giết để tự vệ. Cúc tìm một nơi mặt đá phẳng sát vách động để nằm,. không quên nhận chìm ở mé nước con dao lưỡi dài và cây dầm rút trong xuồng ra. Họ có giết nhau thì giết nhau bằng tay không, ít ghê rợn hơn là bằng khí giới bén.

Nằm như vậy nàng được bảo vệ một bên, bên có vách, và chỉ có một bên là trống trải thôi. Nhưng bên ấy, nàng đóng lại bằng những cái thùng thiếc đựng nước ngọt mà thuyền tiếp tế để lại đây và chủ động đã cho nước vào khạp rồi nên còn thùng không. Hễ có biến, có ai léo hánh đến gần nàng thì những chiếc thùng nầy khua lên, báo động cho nàng hay. Bấy giờ có lẽ ngoài kia ánh sáng đã tắt hẳn. Không khí trong động lạnh dần lên, không thay đổi đột ngột lắm, nhưng vẫn nghe được cái lạnh lẽo càng phút càng xâm nhập hang nầy.

Nền đá lạnh ngắt, Cúc vừa đặt lưng xuống thì vụt ngồi lên vì chưa quen được với sự đụng chạm khó chịu ấy. Nàng lại nằm xuống rồi lại vụt ngồi lên nữa, mấy bận như vậy mới nằm luôn được.

Nằm một hơi, thấm lạnh, Cúc lại dời chỗ và chỗ mới lại lạnh hơn. Nàng trở về chỗ cũ để hưởng cái ấm thừa mà thân thể nàng đã tiết ra còn lưu lại. Ác một nỗi là chỉ trở về mới nghe được cái ấm đó, còn nằm sẵn thì không cảm giác gì hết. Thành thử muốn sướng thân, Cúc cứ đi, để được trở về và cứ loay hoay dời chỗ mãi y như loài chó vào các đêm đông mà nền đất giá lạnh.

Những lần được nằm hơi lâu. Cúc kê tay gối đầu, nghĩ ngợi lung tung về thân phận nàng, một cuộc đời đã hỏng, vì cuộc si mê một kẻ không ra gì nó có thể bỏ rơi nàng lúc nào không biết chừng.

Tương lai xa là thế mà tương lai gần cũng rất mờ mịt, Cúc bươi trí cố tìm mưu để cứu người gác hòn. Nàng chỉ thành công trong việc khuyên chồng dời ngày hạ sát hắn thôi và nàng biết sẽ bất lực lúc chồng nàng quyết ra tay.

Cúc lại nhớ đến Saigon. Bây giờ dễ thường đã hơn mười giờ đêm rồi, giờ nầy là giờ mà giới ăn chơi của Saigon bắt đầu ra khỏi nhà họ. Hưng cũng thuộc vào giới ấy và nàng thường sống theo nếp sống của hắn nên quen với nếp ấy, nhớ không khí ăn chơi lắm, nhớ những hộp đêm, nhớ đèn màu, nhớ tiếng nhạc.

Nơi đó, thật không ai dè vào giờ phút nầy Hưng và nàng nằm đây, và trong vòng có mấy hôm mà họ trải qua nhiều cuộc phiêu lưu lạ lùng như là trong tiểu thuyết.

Người ta nghĩ gì về hai vợ chồng nàng? Không họ không nghĩ gì cả.

Thấy thiếu hai người ấy họ định là chúng đi làm một cú ở tỉnh rồi sẽ về, hay rồi vào tù dưới ấy, đợi xem báo tường thuật, có đăng ảnh hai vợ chồng thì rõ.

Từ mấy năm nay, ngày nào Cúc cũng đợi một tai họa tương tự. Nhưng may quá, Hưng luôn luôn thoát được, và bà con nàng với lại bạn cũ nàng dưới tỉnh không hề dè rằng nàng đã xuống thấp đến thế.

Nhưng mà rồi tai họa ấy thế nào cũng đến, không kíp thì chầy, và ảnh nàng với lại tên tuổi nàng sẽ được chường lên trang nhất các báo hàng ngày và biết đâu chừng có một báo sẽ ly kỳ hóa câu chuyện không gọi nàng là đồng lõa mà cho nàng là nữ chúa cho xôm tin tức?

Cúc lồm cồm ngồi lên, lắng nghe ngóng. Tiếng ngáy của hai người đàn ông đang hòa tấu một khúc nhạc thô tục, tiếng ngáy xa của Lực, giọng thấp, nghe lọc ọc như ai hút thuốc lào, tiếng ngáy gần của chồng nàng, giọng cao giống tiếng khè của các tay nhậu rượu.

Ngoài kia, dư âm của tiếng sóng vỗ đá vẳng đưa vào và gió lòn vào hang, hú dài nghe rợn quá.

Cúc đứng lên rồi xách đèn bão rọi vào mặt chồng. Nàng nhìn thật .kỹ để được chắc ý rằng anh ta đang ngủ say thật sự.

Nàng nghe ngóng một hồi nữa, rình xem Hưng có làm bộ hay không, đoạn đặt đèn xuống, đặt phía ngoài biển thế nào cho Hưng mà có thức giấc thình lình, cũng bị chói lòa không thấy nàng ở phía bên kia, trong bóng tối.

Nàng rón rén bước nhẹ ra ngoài, nhưng nghĩ sao không rõ lại trở lại khom lưng cúi xuống chân chồng mà lay thật mạnh, và gọi tên hắn to lên. Nhưng Hưng quả thật ngủ say mèm. Hắn rất kém tửu lượng và mấy chén rượu từ trưa, thêm hai chén trong bữa cơm tối đã dìm sâu hắn vào giấc cô miên.

Bấy giờ Cúc mới dạn chân bước xuống dốc của cái bãi lài mà nơi mé nước đang ngủ say một người đàn ông khác.

Cúc đoán biết rằng Lực rất mạnh rượu và mặc dầu hắn say hơn Hưng, vẫn dễ đánh thức hắn hơn.

Ánh sáng của cây đèn bão rọi với ra đây, soi mờ mờ nơi nầy, khiến cảnh trông hư ảo lạ lùng.

Bên ngoài, nếu có ai trông vào sẽ thấy bóng dáng của Cúc nổi lên đen thui trên nền sáng của ánh đèn. Cúc đi tới… đi tới…dè dặt bước vì sợ vấp đá cuội mà phải ngã vì sợ đá phải những hòn đá cuội ấy nó sẽ lăn đi long lóc, kêu ầm lên, đánh thức chồng nàng.

Cúc đã ra tới mé nước. Nước biển nhảy chồm lên bãi, rồi lui xuống ngay, khua động không khí không ngừng.

Nàng chống tay lên đầu gối, khom lưng xuống mà tìm, Lực nằm cách đó một thước tây. Lực nằm co lại, phản ứng tự nhiên và bất giác của thân thể trước cái lạnh đêm khuya, chớ lúc bị khiêng ra đây và bị trói, hắn được để nằm ngửa như thường.

Lúc nước mới ròng, hắn được đặt nằm trên chỗ khô ráo. Nhưng giờ nước lớn, bò lên tới chân hắn.

Cúc ngồi xuống, kéo chân của người chủ động lên khỏi mé nước, rồi lay mạnh hắn. Nàng tránh gọi, sợ động mà Hưng giựt mình thức giấc thì rầy.

Cúc lay mạnh hắn, ban đầu nắm vai của hắn mà lay. Nhưng hắn vững như một tảng đá nên nàng phải nắm tai hắn mà kéo, nắm tóc mà giựt.

Bị động, vùng vằng rồi Lực loàm ngoàm những gì không nghe rõ. Dường như anh ta nằm mơ thấy bị ai quấy rầy nên mắng chửi người đó.

Cúc bền chí cứ nắm tai, nắm tóc hắn mà giựt mãi và rốt cuộc hắn ư ư mấy tiếng rồi dụi mắt nhìn lên, hình như hắn chưa thấy gì cho rõ cả, ngoài một dáng người đen thui.

– Anh Lực! Dậy mau, có việc cần!

Lực ngóc lên, rồi ngơ ngác nhìn quanh, không hiểu gì cả trong mấy mươi giây đồng hồ. Đoạn chợt nhớ lại mọi việc xảy ra ngày hôm trước, chàng hỏi:

– Bà ấy à? Ủa sao lại thế nầy? sao kỳ quá thế nầy? Sao tôi lại bị trói? Còn ông ấy đâu?

– Xuỵt, nói nho… nhỏ… Anh đang lâm nguy và tôi đến để thử cứu anh đây.

– Tôi lâm nguy ? Và bà cứu tôi ?

– Chỉ thử cứu anh thôi. Còn cứu được hay không là tùy anh và tùy thời cơ. Nè, anh có thể đang đêm bơi xuồng vào đất liền được chăng?

– Tôi không hiểu. Nếu tôi bơi được thì chính bà lâm nguy vì bà sẽ kẹt một mình ở đây.

– Quả thật anh chưa đoán được gì cả. Tôi sợ anh ấy thức dậy thình lình, nên phải nói tắt, không dè anh chậm trí quá. Nè, anh ấy trói anh lại để ngày mai bắt anh gỡ tổ yến. Anh mà từ chối thì anh ấy giết anh ngay.

– Còn tôi vâng lời, y cũng sẽ giết tôi, khi xong công việc.

– Có thể Vậy nếu anh bơi xuồng được ban đêm, tôi sẽ mở trói cho anh đi.

– Còn bà?

– Vào tới đất liền, hẳn anh phải cho chủ anh biết lý do anh bỏ hòn và ông ấy sẽ báo với nhà chức trách ra đây bắt chúng tôi.

– Bà sẽ ngồi đây mà chờ lính bắt?

– Thà là như thế còn hơn để anh thọ nạn.

– Sao bà không theo tôi mà trốn?

– Vì tôi thương chồng tôi, muốn chung số phận với anh ấy.

– Đáng phục lắm. Nhưng tôi hỏi chơi bà vậy thôi chớ không được. Bà nên biết rằng xuồng nan không thể đưa tôi đi xa. Đừng nói chi vào đất liền, qua chơi trên các hòn khác cũng đã không được rồi. Bọn trộm chúng nó ra đây bằng cách xuất phát từ những chiếc mành lớn những cái trạm nổi ấy thả xuồng xuống nước từ ngoài khơi. Trộm ở phía ngoài vào chớ không phải từ đất liền đi thẳng ra đây.

– Như thế thì còn có một con đường là ngày mai, hắn bảo làm gì, anh cứ vâng lời theo hắn, không thì nguy. Rồi tôi sẽ liệu mà cứu anh.

– Còn một con đường thứ ba nữa chớ.

– Đường nào?

– Là bà cứ mở trói cho tôi để tôi tự vệ.

– Hay để anh giết chồng tôi?

– Tôi có tướng giết người lắm à?

– Biết đâu. Vì anh đang tức giận anh ấy.

– Oán giận nầy không đủ to để tôi giết người. Tôi cũng không có lý do nào khác để giết ông ấy.

– Nhưng anh ấy bậy lắm, có thể sẽ chọc tức anh. Anh quên rằng đến nửa tháng nữa thuyền tiếp tế mới trở ra đây. Hai người thù nghịch nhau mà sống chung với nhau trong động nầy những mười bốn ngày làm gì không xảy ra án mạng.

– Nếu có xảy ra án mạng đi nữa, vẫn công bằng hơn bây giờ mà tôi bị thúc thủ. Hai người thong thả tay chân đánh nhau, chém nhau, ai yếu thì chết.

– Nhưng tôi lại không muốn để chồng tôi chết.

– Kể ra thì bà cũng nghĩ chánh đáng lắm. Thà để người khác chết.

– Xin anh hiểu cho. Tôi không đang thử tìm cách cứu anh đây hay sao?

– Cám ơn lòng tốt của bà, nhưng lòng tốt ấy chỉ đưa đến một kết quả tiêu cực thôi, nghĩa là bà không làm sao cứu tôi được và chắc chắn là tôi phải chết. Nhưng thích nằm đây chết hơn là phải vâng lời một tên bất lương để rồi cũng chết. Xin lỗi bà nhé, tôi không thể gọi hắn bằng gì khác hơn là cái tĩnh từ mà hắn xứng đáng.

– Anh muốn cho anh ấy là gì cũng được nhưng lúc nầy mắng chửi anh ấy thật vô ích, nên dành thì giờ để lo việc cấp bách hơn là thoát nguy đây.

– Không, tôi thích chết hơn là tùng đảng với một tên vô lại đó là nói thí dụ rằng hắn sẽ tha chết cho tôi nếu tôi chịu hợp tác, nhưng chắc chắn là hắn sẽ thủ tiêu tôi.

– Anh Lực ơi! Đời đáng yêu lắm vì cuộc sống chứa nhiều thú vị. Con người cũng có ít lắm là một nhiệm vụ phải làm tròn trước khi chết. Anh rất thông minh và có chí khí, lẽ nào anh lại liều một cách vô lối như vậy?

– Nhưng tôi không thể làm tay sai của tên khốn nạn ấy.

– Anh không nên vì một chút tự ái hay khí khái hảo mà phí một mạng người…

– Tôi chỉ phí mạng tôi thôi, mà tôi trọn quyền về sanh mạng của tôi.

– Không, cá nhân của anh, anh không trọn quyền vì cá nhân anh thuộc quyền sở hữu phần nào của đoàn thể, của xã hội loài người.

– Tôi không cần mớ triết lý xã hội của bà. Nhưng tại sao bà cứ muốn cứu tôi ? Có phải chăng là bà toa rập với nó, sợ tôi liều mạng rồi không ai gở tổ yến cho vợ chồng bà, làm bộ phản bội nó để gạt tôi ?

Cúc kêu trời một tiếng rồi nức lên mà khóc. Nàng khóc mùi mẫn rất lâu mới bớt cơn và tấm tức tấm tưởi nói:

– Tôi không chịu được ai hủy diệt sanh mạng của ai cả chớ không riêng gì sanh mạng của anh. Nhưng riêng anh…

Cúc nghẹn ngào không nói được. Nhưng để thay lời, nàng đặt nhẹ bàn tay lên tóc Lực, vuốt mớ tóc ngắn và cứng của chàng rồi nói:

– Riêng… anh… tôi… không, thú thật là tôi không yêu anh, nhưng tôi yêu tâm hồn và chí khí của anh. Trời ơi! sao anh lại không có được cái dáng ngoài của thằng khốn kiếp ấy, hay sao nó không có được tâm chí cao đẹp như tâm chí của anh !

Lực nhắm mắt lại. Vuốt ve của người thiếu phụ nầy dìu chàng vào một thế giới đê mê huyền ảo mà chàng chưa từng cảm nghe lần nào, cho cả đến trong thời chàng yêu cô gái đã phụ chàng cũng thế.

Là kẻ thiếu thốn tình yêu, mấy lời tâm sự của người đàn bà kỳ lạ nầy chàng nghe sao mà êm dịu như là một khúc nhạc du dương. Tình yêu suông của Cúc, tình yêu trong tinh thần của nàng, tuy không có gì cụ thể nhưng an ủi chàng chẳng kém một mối tình thật sự.

Chàng nhắm mắt lại, lắng nghe dư âm của cái tiếng yêu mà Cúc đã thốt ra, lắng nghe cái cảm giác thần tiên dưới bàn tay mơn trớn của Cúc, cố sống mãnh liệt giây phút nầy đây, giây phút không bao giờ tái hiện nữa trong đời chàng.

Bàn tay của Cúc đi lần đến trán chàng. Nàng thỏ thẻ van lơn:

– Nhé anh nhé! Anh nên sống anh nhé!

Lực thở dài rồi đáp:

– Có lẽ tôi dại và sẽ trúng kế mỹ nhân của thằng vô lại ấy. Nhưng nếu bà thành thật mà tôi ngờ vực bà thì tôi sẽ ôm hận suốt đời. Thế nên tôi phải liều, PHẢI LIỀU MÀ SỐNG. Ừ, thôi thì tôi sống vậy.

Cúc áp mạnh tay vào má của Lực, nàng thấy chàng đưa tay lên, có lẽ để siết chặt tay nàng, nhưng không được vì chàng bị trói…

Thương xót người không may nầy hết sức, Cúc lại đặt nhẹ lên trán chàng một cái hôn. Nàng nghe Lực nấc lên một tiếng ngắn. Có lẽ chàng đang khóc ra những giọt lệ sung sướng nhất trong đời chàng.

– Ngày mai anh nhé!

– Ừ, thôi bà đi nghỉ kẻo khuya.

Cúc vẫn ngồi đó rất lâu, hai người im lặng nhìn nhau trong bóng mờ, đoạn nàng áp tay vào má Lực một lần nữa mà rằng:

– Ngày mai anh nhé!

– Ừ, ngày mai.

Cúc đứng lên và Lực thở dài, một tiếng thở dài ảo não. Chàng nhìn theo cái bóng dáng đen thui của nàng nổi bật lên nền đèn sáng và thấy nàng tiên độc nhất trong đời tăm tối của chàng nhỏ lần, nhỏ lần và qua khỏi cây đèn, nàng biến mất trong bóng đêm.

Đó là một nàng tiên mà khóe mắt, một nụ cười, có cái uy lực của một chiếc đũa phép, biến đổi được cả lòng người chớ đừng nói chỉ biến con mèo ra con chuột.

Nếu phải chết vì nàng chắc chàng cũng sẵn lòng chết, huống chi chỉ phải… sống vì nàng thôi.

Mặc dầu không còn trông thấy gì nữa, Lực vẫn nhìn vào trong, cố soi bới bóng đêm và chốc chốc lại tưởng chừng như có một bóng người từ trong đó đi ra.

Chàng mong đợi nàng, như một anh con trai ngồi ngoài vườn mong đợi người tình nhân đầu tiên trong đời anh, sẽ ra vườn trong một buổi hẹn, sốt ruột, giận, tức, hờn rồi tủi thân đến sa nước mắt.

Chàng muốn bắt chước anh con trai ấy, giả tiếng chim cú kêu lên làm ám hiệu để gọi bạn, nhưng nghĩ lại thật vô ích, nên chàng lại thôi: nàng đã cho chàng nhiều quá rồi, và đã minh định tình cảm của nàng là chỉ yêu cái tâm hồn, cái chí khí của chàng thôi, chớ không yêu con người què cẳng của chàng.

Lực lại tủi thân và lại sa nước mắt.

Chàng nhắm mắt lại mà vẫn cứ thấy nền ánh sáng của ngọn đèn bão trên đó Cúc nổi bật lên.

Đời chàng là bóng tối. Ngọn đèn bão là cuộc phiêu lưu nầy, là Cúc. Cúc là ánh sáng soi tỏ bóng tối của động thẳm, là giọt nắng sưởi ấm hang lạnh.

Lực nghĩ miên man rất lâu, rồi thình lình anh chàng vùng vẫy để bứt dây hầu thoát thân.

Phải sống! – Chàng hét thầm lên. Ta phải sống, không phải vì nàng nữa, mà vì ta. Cuộc đời vẫn còn đủ hấp dẫn với ta, lòng ta chưa chết hẳn vì nó vừa bắt đầu yêu trở lại. Vô hy vọng với nàng ta ư ? Mặc kệ! Tim ta đã biết yêu trở lại thì ta sẽ gặp người để mà ta yêu.

Không biết là các gút cột có sút ra hay không, sau nhiều phút vẫy vùng của Lực. Chàng gồng thịt lên cho giãn dây, nở gút, rồi hóp thịt lại cho lỏng các vòng cột, chàng uốn mình, chàng lăn trở, mặt nhăn những cái nhăn đau đớn.

Cử động hàng giờ đồng hồ, Lực mới nằm yên không biết vì kiệt sức hay đã thành công rồi. Rồi chàng mòn mỏi và ngủ thiếp đi.

Khi Hưng giật mình thức dậy thì ánh sáng ban ngày đã soi lờ mờ động nầy.

Hắn ngồi dậy thật lẹ và thủ thế. Nếu có ai thức mà quan sát hắn, thì họ sẽ buồn cười lắm vì không có kẻ thù mà tên lưu manh nầy lại hành động một cách vô ích. Còn lúc hắn ngủ thì ai thủ thế cho hắn?

Hắn trông ra ngoài, thấy Lực nằm một đống thì an lòng. Nhưng hắn tìm mãi mà không thấy Cúc đâu cả. Hắn đứng lên, xách cây đèn bão cứ còn cháy đi rọi khắp nơi. Cúc vẫn vắng bóng.

– Cúc ơi! Hắn gọi to lên…

Tuy đêm rồi phải thức khuya, giấc ngủ của Cúc rất nhẹ nhàng. Nàng ư mấy tiếng, Hưng có nghe nhưng vẫn chưa biết vợ ở đâu?

– Cúc à!

– Ơi, gì đó anh?

Tiếng đáp của Cúc từ sau hàng rào thùng thiếc vang ra.

Hưng xách đèn bước lại vừa tới nơi đó thì Cúc đã lồm cồm ngồi dậy. Thằng điếm xem đồng hồ tay rồi nói:

– Đã sáu giờ sáng rồi.

– Ừ, sáu giờ sáng, rồi sao?

Hưng không biết đáp thế nào, nên làm thinh. Ở nhà, họ ngủ đến mười giờ mới dậy thì sáu giờ sáng là vị trí thời gian không nói lên cái gì cả.

Cúc đã trót thức, không buồn nằm trở xuống để ngủ lại. Nàng dậy dẹp thùng rồi đi rửa mặt.

– Ở nhà ăn không được, nhưng sao ở đây, cứ nghe đói bụng mãi. Rồi em nấu cơm để ta ăn sáng nhé.

Cúc cứ làm thinh, nhưng vẫn thi hành ý muốn của chồng.

Tên vô lại để đèn cho vợ rồi đi ra ngoài. Bấy giờ động đã sáng hơn lúc nãy. Hôm nay từ ngoài nắng trưa mà vào, họ có cảm giác sai rằng ở đây tối om như trong buồng kín, nay Hưng mới nhận ra là động tương đối đủ sáng để thấy vật nầy vật kia, và không thắp đèn, người chủ động vẫn sinh hoạt được.

Hắn ngạc nhiên hết sức mà thấy con dao lại nằm dưới kia, cách chỗ Lực bị trói rất xa. Hôm qua hắn đã quăng con dao trên nầy mà? Trên nầy tức là phía trên của nơi Lực nằm, chớ không phải phía dưới. Không làm sao mà hắn đoán ra được những gì xảy ra đêm rồi và chính vợ hắn đã nhận chìm con dao dưới nước biển, giờ nước ròng, khí giới ấy mời lòi ra. Công việc đầu tiên của tên bất lương là đi lượm con dao rồi trở lên, đứng trước mặt ân nhân của hắn mà nhìn. Hắn ngỡ Lực còn ngủ nên không nói gì cả.

Thình lình, một câu hỏi của người gác hòn làm cho hắn giật mình đánh thót một cái. Giọng Lực sang sảng, đột ngột vang lên, nghe dễ sợ lắm:

– Trả ơn cho tôi đó hả?

– À chào! Ngủ khoẻ chớ ? Rượu của anh bạn mạnh quá! Chính tôi cũng ngủ say mèm. À, xin lỗi anh bạn nhé! Sở dĩ tôi buộc lòng phải ngược đãi anh bạn chẳng qua là vạn bất đắc dĩ thôi. Tôi sợ anh bạn giết tôi để cướp tiền, nên đành phải ra tay trước để tự vệ.

Lực cười ha hả rồi nói mỉa mai:

– Trong túi có bao nhiêu tiền ? Tôi có vẻ một tên lưu manh sát nhân cướp của lắm hả ?

– Anh khỏi cần biết số tiền mà tôi hiện có. Biết đâu. Người trông nho nhã như tôi mà vẫn cứ dám giết người như thường, huống chi là kẻ có bộ tịch hung dữ như anh.

– Râu tôi mấy tháng rồi chưa được cạo lần nào, tôi có vẻ là một Lỗ Bình Sơn lắm. Phải, anh nói đúng, ai cũng có thể giết người cả, kể cả những thằng có vỏ ngoài lương thiện và sang trọng. Tôi ngốc quá, nên cứ tin nơi anh.

Nhưng tôi không hề có ý muốn giết anh. Chưa chắc anh đã có tiền. Khi người ta đi tìm kho tàng là người ta đã cháy túi rồi.

– Có thể tôi không tiền, nhưng tôi có một người vợ đẹp và trẻ. Không thích cướp tiền, anh bạn có thể ham cướp gái đẹp. Sắc đẹp còn quyến rũ và xúi dại mạnh hơn tiền bạc nữa. Anh đang cô đơn, thiếu thốn thì một cô gái đẹp trong hang lạnh nầy sẽ biến hang ra thành động Thiên Thai. Tôi mong ước một cuộc đời tay đôi như vậy, sống xa xã hội, ở một nơi hẻo lánh thơ mộng như ở đây, với một cô gái đẹp. Hạnh phúc sẽ hoàn toàn. Chắc anh cũng đã mơ như vậy.

Bấy giờ Cúc nhúm lửa bắc cơm xong, cũng đã ra tới ngoài nầy.

Lực nhìn lại người thiếu phụ mà đêm rồi đã lén lút ban cho chàng một ân huệ to lớn khiến chàng sung sướng chưa bao giờ được hưởng trong đời chàng.

Người thiếu phụ nầy bây giờ trông càng đẹp hơn hôm qua và đêm rồi bội phần. Vì trong động thiếu ánh sáng, nên chỉ có những đường nét chánh của gương mặt nàng là lộ rõ ra thôi, mà đường nét đại cương của gương mặt nàng, khéo như tranh vẽ như tượng tạc.

Chàng gật đầu rồi nhìn nhận:

– Phải, bà Hưng đẹp lắm, đẹp ghê hồn. Nhưng tôi cũng không phải là một tay bắt cóc đàn bà. Tôi dư biết rằng lòng dạ con người không thể bắt nhốt được. Nếu được, tôi đã chẳng bị người yêu của tôi phụ rãy tôi.

– Anh bạn nói vậy tôi hay vậy, nhưng có của quí trong tay, tôi vẫn phải đề phòng.

– Anh đề phòng một cách rất là bất lịch sự. Tôi có bảo anh dắt vợ đẹp vào nhà tôi đâu rồi sợ tôi cướp nàng.

– Tình cờ đưa đẩy chớ không ai muốn chuyện nầy xảy ra cả. Nhưng tôi đã trót vào đây, đã trót mang theo vợ đẹp thì tôi phải làm đủ cách để ngăn anh cướp vợ đẹp của tôi.

Thôi, đừng nói chuyện dông dài vô ích. Tôi hỏi thật anh bạn có muốn kiếm được nhiều tiền để giải nghệ, sống một đời an nhàn trong đất liền hay không?

– Cái đó thì tùy.

– Tùy gì?

– Tùy cách kiếm tiền. Làm việc để có tiền thì ham.

– Ừ, thì làm việc. Tôi sẽ cho anh một công việc làm.

Lực muốn hỏi: Gỡ tổ yến cho nhà ngươi phải không? Nhưng chàng cố nín, vì nói thế, tức tố cáo Cúc đã lén ra đây với chàng đêm rồi để tiết lộ âm mưu của hắn.

– Công việc gì?

– Nè, anh gỡ tổ yến cho tôi, rồi ta chia hai với nhau, hai ta cùng vào Saigon mà sống. Trong ấy vui lắm, muốn hưởng gì cũng có.

Lực cười dài, giọng cười rất khinh bỉ rồi mỉa mai nói:

– À, thì ra vậy. Đó là công việc mà anh định cho tôi. Té ra anh không phải sợ tôi cướp tiền hay cướp vợ đẹp của anh như anh đã nói khi nãy, mà chỉ muốn bắt tôi cướp dùm anh tài sản của người khác. A ha… ha… nếu cần cướp, tôi đã cướp một mình, dại gì lại chia hai với anh. Anh có công gì trong vụ cướp mà anh trù định, để đòi chia phần?

– Tôi có công không giết anh. Công đó phải được kể đến chớ.

– A ha… ha… nếu không giết người là công thì ai cũng có công cả hay sao?

– Đúng như vậy. Nhưng chỉ có một mình tôi là có quyền kể công ấy ra thôi. Anh cứu tôi là bổn phận một người. Còn giết tôi thì anh không giết được, bởi tôi có đề phòng.

Riêng anh thì khác. Anh đã dại dột ơ hờ để cho tôi trói lại. Tôi đã cướp được con người của anh thì mạng anh ở cả trong tay tôi.

– Nhưng lấy quyền gì anh cướp con người của tôi ?

– Quyền của kẻ mạnh.

– Luật rừng à?

– Chớ sao? Giữa biển khơi thì cũng như giữa rừng già chớ gì! Mạnh được yếu thua, chỉ có thế thôi.

– Anh có lý. Chỉ có tôi là ngốc. Tôi phải biết rằng hai người đàn ông sống trên một hoang đảo thì hẳn phải theo luật rừng. Nếu ta không giết nhau vì vụ tổ yến, ta cũng sẽ giết nhau khi gần hết lương thực, hết nước ngọt. Tôi ngốc lắm!

– Cũng may là anh nhận chân cái ngốc của anh kịp lúc. Vậy cướp được con người của anh, cầm trong tay sự sống của anh, thì tha chết anh, không phải là một cái công hay sao?

– Phải.

– Không hủy diệt sự sống của anh, mà lại huờn sự sống trở lại cho anh thì anh phải trả công cho tôi chớ.

Nhưng anh có thấy hay chăng là tôi tốt ? Tôi không đòi anh trả công, chỉ huờn không sự sống cho anh, không đòi hỏi gì cả. Gỡ tổ yến, anh sẽ được trả công là chia hai mối lợi đó, chớ không phải gỡ để trả ơn cho tôi đâu.

Lực cười ngất, chàng cười rất lâu và khen:

– Anh ngụy biện tài lắm.

– Tôi nói sự thật đó chớ, nói theo lẽ phải.

– Có lẽ đó là lẽ phải của quân đầu trộm đuôi cướp, chớ không phải của người thường.

– Liệu hồn, tôi không biết thương xót ai cả, cũng không biết gớm tay. Tôi cũng chẳng ham tổ yến bao nhiêu. Tôi mà nổi giận, tôi sẽ chặt đầu anh cho hả cơn mà không cần gì cả.

– Còn tôi, tôi cũng không biết sợ chết.

Thấy con thú mắc bẫy có bộ không cần gì cả, cứng đầu một cách khiến hắn bối rối, không biết xử trí thế nào, Hưng dịu giọng, dỗ dành:

– Nè, tội gì lại cứ trung thành với ông chủ thầu người Tàu của anh? Hai trăm năm mươi ngàn, phần của anh, không phải là ít. Đời vui lắm anh Lực ơi, gái đẹp lắm, rượu ngon lắm.

Vào Sai gon mà hưởng cuộc đời trong vài năm, có chết cũng mát ruột huống chi là vẫn sống vì dầu sao, ta cũng đã tùng đảng với nhau trong vụ nầy, sợ nhau tố cáo nên sẽ phải hợp tác với nhau mãi mãi và anh sẽ có tiền mãi mãi.

Lực lắc đầu:

– Hăm dọa vô ích, mà dụ dỗ chỉ mỏi miệng anh thôi.

Cúc hốt hoảng nói:

– Sao lại không nhận anh Lực, anh cứ nhận đi chớ !

Nàng muốn hỏi: Anh đã quên những gì đã thỏa thuận với nhau đêm rồi à? nhưng giữ miệng kịp, giữ miệng mà không khỏi bứt rứt, lo sợ, băn khoăn, bó hó.

– Nhận đi anh !

Cúc lặp lại câu đó, giọng van lơn, cầu khẩn một cách tuyệt vọng nhưng Lực vẫn cứ lắc đầu.

– Tôi không thích giết anh đâu, Hưng nói. Nhưng tôi trót làm như vầy, rồi lại để anh sống, anh đi đầu cáo thì tôi mang khổ. Vậy xuống suối vàng, anh nên biết cho rằng chỉ vì hoàn cảnh mà tôi không thể nới tay được. Thôi vĩnh biệt nhé!

Nói rồi hấn đưa dao lên cao, giương hết thần lực rồi chặt xuống. Cúc kêu rú lên một tiếng rồi bụm mặt lại, không dám nhìn cảnh thọc huyết heo ấy nữa. Nhưng lạ lùng thay, nàng không nghe tiếng lưỡi dao bén ngót ấy xắn vào thịt người kêu đánh phập, mà lại nghe một tiếng sắt va chạm vào đá đến lạnh lùng.

Nàng hạ tay xuống, mở mắt ra thì thấy Lực đang lăn tròn trên đá và lưỡi dao của Hưng chỉ chém phải nền động thôi.

Hưng quá đà, chưa kịp lấy dao lại để bước theo chém nữa thì kinh dị thay, kẻ bị trói hai tay và hai chân lại vùng đứng dậy.

Trong khi Hưng và Cúc kinh ngạc trố mắt mà nhìn kẻ đã tự giải thoát một cách tài tình và bất ngờ, Hưng run sợ, còn Cúc thì vừa sợ vừa mừng, thì Lực cười ha hả mà rằng:

– Tự thoát trói đối với kẻ vào tù ra khám nầy, chỉ là một trò chơi, một trò ảo thuật nhỏ. Và quấn dây lại để người ta ngỡ mình vẫn còn bị trói lại là một trò trẻ con khác nữa.

Hưng tuy sợ nhưng vẫn cố sát vì thấy rằng không thể lùi được nữa. Hắn ngắm nghía để nghiên cứu trận đánh. Thế quân bình tuy chưa được địch thủ của hắn lập lại, vì hắn hơn kẻ kia ở chỗ có khí giới trong tay, tuy nhiên ưu thế toàn diện hắn đã mất rồi, phải thận trọng lắm mới được.

Sau trận nầy, trong động phải chỉ còn một người đàn ông thôi không thể còn hai mà sống chung với nhau được.

Mỗi người trong hai người nầy ắt hẳn đều nghĩ như vậy và ai cũng quyết làm kẻ độc nhất còn sống sót lại ấy, cho nên trận đánh là một trận mất còn.

Thình lình hắn nhảy tới và chém xuống một dao như thiên lôi giáng. Lực né khỏi trong đường tơ kẽ tóc rồi lẹ như chớp, chàng chụp lấy cổ tay cầm dao của Hưng. Chụp được, chàng nắm chặt cổ tay ấy mà vặn.

Bàn tay của Lực to lớn với những ngón tay to lớn như bằng thép, siết mạnh cổ tay của Hưng như một chiếc kềm ô tô khiến tên lưu manh nầy kêu oái lên một tiếng rồi thả rơi con dao xuống nền đá kêu lên một cái kẻng.

Cúc nín thở mà theo dõi cuộc chiến đấu giữa hai người đàn ông trẻ một người mạnh nhưng tay không và tàn tật, một người yếu nhưng có võ khí trong tay. Nàng không mong cho ai thắng cả vì kẻ thắng sẽ giết chết kẻ bại ngay, mà nàng thì không muốn ai chết hết.

Phản ứng lẹ làng, Hưng thúc đầu gối lên bụng của Lực một cách bất ngờ. Đau điếng người, Lực phải buông tay của Hưng ra. Thừa thế, Hưng thoi vào thái dương của anh gác hòn, nhưng chỉ trúng càm của chàng thôi. Người chủ động tránh được vố đánh vào thái dương nó làm chàng phải ngã chắc. Chàng liền đấm lại địch thủ một quả đấm thôi sơn vào mặt, khiến Hưng xiểng liểng muốn sụm, máu mũi chảy ròng ròng.

Tên bất lương thấy nguy cơ sắp đến nên cố bươi trí để tìm thế hạ địch thủ mà không nhờ vào sức mạnh nữa.

Con dao nằm đó, nhưng hắn không đủ thì giờ lượm khí giới ấy, hắn mà khom xuống là bị thịt ngay.

Bỗng nảy ra một sáng kiến, hắn nhảy a lại rồi ôm chầm lấy người lực sĩ què giò mà vật. Lực có tật chân, đi đứng yếu lắm và chỉ mạnh ở hai tay thôi, Hưng vừa khám phá ra được nhược điểm của địch thủ và ưu thế của hắn trong lối đánh vật.

Lực cũng dư biết mình nên chàng sợ hãi quá nhưng đã bị ôm, không làm sao mà từ chối lối đánh nầy mà chàng tiên đoán được lối ra không hay cho chàng.

Tuy nhiên chàng cũng cố sức vùng vẫy và thoi đấm vào mặt Hưng túi bụi. Hưng cố lì chịu đòn và bám, riết vào Lực, người chủ động không sao thoát được khỏi cái ôm của gã lưu manh nên đành phải nhận lối chiến đấu mà hắn đặt ra.

Hai người, người nầy ráng sức bứng gốc người kia nhưng không ai thành công cả, nên họ xô nhau, đẩy nhau từ trên xuống đến mé nước, rồi từ mé nước đẩy nhau lên.

Cúc có thể can thiệp dễ dàng: nàng chỉ lượm dao chém tên nào nàng không ưa là tên đó ngã ngay, không sợ chém lầm vì vị trí của hai người không thay đổi lẹ làng như trong các lối đánh khác. Nhưng ác một nỗi là nàng không muốn binh ai bỏ ai cả. Nàng phản đối hành động của Hưng, nhưng dầu sao, hắn cũng là chồng nàng, hơn thế, nàng si mê hắn lắm.

Nếu can thiệp mà kẻ bại trận sẽ sống được thì đã không thành vấn đề và nàng không ngại gì mà không can thiệp. Ngặt kẻ ấy phải chết dưới tay kẻ kia thì…

Lực một chân chập chững, ráng sức một cách tuyệt vọng, nhưng rốt cuộc vẫn bị vật ngã quay xuống nền đá.

Cúc châu mày và mếu miệng, chạy qua chạy lại, bứt rứt không không biết phải làm thế nào để cứu người chủ động.

Hưng co gối lại đè lên bụng Lực và nhấn mạnh xuống. Kẻ thất thế đánh lên không ngớt tay, lắc mình lia lịa để quăng Hưng xuống.

Tên đầu trộm đuôi cướp đã hết ưu thế rồi. Thế nằm hay thế ngồi gì cũng lợi cho anh chàng vạm vỡ là Lực, anh ta chỉ yếu khi phải sử dụng hai chân thôi.

Vì thế mà Hưng phải cố giữ vững phần hơn mong manh là ở trên Lực. Hắn nhảy hẳn lên bụng của Lực mà ngồi chồm hổm, không thèm đỡ những quả đấm của Lực, chỉ lo giậm mạnh hai chân lên đó, tay trái đưa ra bóp cổ Lực, tay mặt vói lượm con dao.

Bàn tay của hắn đụng phải mũi dao. Cúc hoảng hốt toan nhảy tới để đá dao văng xa ra, nhưng không kịp, Hưng đã nắm mũi dao, kéo về phía hắn và quay nó lại để cầm lấy cán.

Để dùng được vào nhiều việc, con dao lại dài nầy được rèn đặc biệt: mũi nó nhọn lắm, dao có thể đâm, chém gì cũng tiện cả.

Bấy giờ tên lưu manh đã buông cổ Lực để gạt hai tay đánh đấm của chàng ra cho trống chỗ, rồi đưa con dao lên, nhắm ngay cổ của người nằm dưới mà đâm xuống.

Lực kinh hãi vội chụp lấy cổ tay cầm dao của Hưng mà đẩy lên.

Thấy thế không thắng được người lực sĩ nầy, Hưng sang dao qua tay trái đang ở không rồi lẹ như chớp, hắn chém lia lịa vào hai tay chống đỡ của kẻ nằm dưới.

Lực chưa kịp buông cổ tay mặt của Hưng, cái tay vừa hết nguy hiểm, thì bị chém liên tiếp mấy nhát. Lưỡi dao chém phải xương tay của chàng nên không vào sâu trong thịt được, nhưng không vì thế mà chàng không bị thương nặng, không đau đớn.

Chàng vội buông tay ra thì Hưng đã lại sang dao qua tay vừa được phóng thích, tức là cái tay mạnh, để rồi bếp tục hành động sát nhơn của hắn.

Lực lại hoảng sợ lại đưa hai tay đấm máu lên để nắm giữ tay mặt nguy hiểm của Hưng.

Máu chảy ròng ròng xuống cánh tay của Lực và rơi đầy mặt chàng, Cúc trông thấy máu đỏ lòm khiếp đảm quá, kêu rú lên rồi bụm mặt lại một lúc lâu mới mở tay ra để theo dõi cuộc chiến đấu.

Kẻ đâm xuống, người đẩy lên, nhưng kẻ ở trên được thế hơn nên con dao cứ hạ lần lần… lần lần…

Cúc thở hổn hển, nhìn theo cái đà xuống của con dao, và khi mũi dao chỉ còn cách cổ Lực độ hơn một tấc tây, nàng kêu lên:

– Anh Hưng, đừng có giết hắn. Để hắn sống mà lợi dụng thì hơn.

– Không giết hắn, thì hắn giết anh. Cỡi cọp không thể xuống được.

Hưng đáp lời vợ mà không xao lãng công việc giây phút nào cả.

Lưỡi dao cứ hạ lần… hạ lần… từ từ hạ từng ly một trên nỗ lực chống đỡ của kẻ yếu thế, nó hạ thật chậm nhưng chắc chắn. Lực có hai cánh tay bẻ cổ một con trâu được, nhưng tay ấy lại bị thương, máu ra nhiều quá nên nó yếu bớt đi rất nhiều.

Trên mặt Cúc sự lo sợ và lo nghĩ sôi nổi lộ ra trông thấy.

Nàng kêu:

– Anh Hưng !

Gọi chồng, nhưng Cúc chưa tìm được lý lẽ gì khả dĩ khiến hắn nương tay được, nên chỉ gọi vậy thôi, có lẽ để kéo dài thì giờ.

Hưng cũng biết thế nên bất đếm xỉa đến tiếng gọi của vợ.

– Anh Hưng! Nếu em bảo được hắn thôi tự vệ anh có tha hắn hay không? Như thế, cái thế cỡi cọp của anh không còn nữa.

– Hắn liều mạng như con chó điên, làm sao mà hắn chịu thôi tự vệ?

– Anh Lực, buông tay Hưng ra. Anh thử buông xem, anh ấy không đâm xuống nữa đâu. Anh ấy dại gì mà giết anh. Đừng có ngoan cố mà thiệt thân.

—>5

This entry was posted in Vui cười-Phiếm-luận and tagged . Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời