VÕ BỊ VÀ NHỮNG VIÊN ĐẠN CUỐI CÙNG (Võ Nhẫn K20)

VÕ BỊ VÀ NHỮNG VIÊN ĐẠN CUỐI CÙNG.

Người chiến sĩ Bảo Quốc An Dân chấp nhận mọi hiểm nguy đến tính mạng, xông pha vào lửa đạn để bảo vệ cho nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc và Tổ Quốc được trường tồn. Họ sẵn sàng hy sinh không những vì đạn thù trên chiến trường mà ngay cả khi “không toại mộng hải hồ” của người trai thời chinh chiến. Ngày xưa đã có các anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu thì ngày nay cũng đã có Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Văn Long… Đồng thời, nhiều chàng trai Võ Bị đã không chết vì đạn thù mà chính họ đã tự kết liễu đời mình bằng những hành động bất khuất, kiên cường do họ tự chọn cho bản thân mình đúng ước nguyện “Tử Vi Thành” của người trai thời loạn khi không hoàn thành “sứ mạng Bảo Quốc An Dân” mà họ đã hiến thân phục vụ. Họ là Ai?

1 – Thiếu Tướng Phạm Văn Phú K8. Ông đã từng giữ chức trung đội trưởng, đại đội trưởng của binh chủng Nhảy  Dù khi tham dự chiến trận Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, Ông từng đảm nhiệm Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt rồi Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh… Nhờ tài trí của Ông, Sư Đoàn 1 BB trở thành một đơn vị thiện chiến của QLVNCH. Ông là một tướng lãnh của chiến trường.

Do đó, tháng 12 năm 1974, khi chiến trường sôi động, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Ông làm Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu 2.

– Ngày 14/03/1975, chính phủ Hoa Kỳ đã cắt đứt quân viện, Tổng Thống Thiệu họp với các Tướng Lãnh cùng Thiếu Tướng Phú tại Cam Ranh và ra lệnh Tướng Phú triệt thoái Quân Đoàn II theo Liên Tỉnh Lộ 7 về Nha Trang để bảo vệ vùng duyên hải…

Tướng Phú xin tử thủ ở cao nguyên nhưng không được chấp thuận. Cuộc triệt thoái thất bại.

– Trưa ngày 02/04/1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và vài sĩ quan thân tín đã bay đến đồi “Lầu Ông Hoàng” để chờ bàn giao phần lãnh thổ còn lại của Quân Đoàn II/Quân Khu 2 cho Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu K3, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III. Khi trực thăng chở Tướng Hiếu vừa đáp xuống, Tướng Phú đã rút súng ra để tuẩn tiết, nhưng Đại Tá Đức, nguyên Phụ Tá Tư Lệnh Quân Đoàn II, đặc trách lực lượng diện địa, đã ngăn cản kịp thời…

– Cuối tháng 4/1975, nhân viên của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đã đến tận nhà, đề nghị Thiếu Tướng Phú và gia đình rời Việt Nam để định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã từ chối. Ngày 29 tháng 4, vũ khí đã bị “tước đoạt”, Ông “đành mượn” một liều độc dược cực mạnh thay cho viên đạn cuối cùng của người lính chiến! Nhờ sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, trưa 30 tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú tỉnh dậy, thều thào với phu nhân:

– Tình hình đến đâu rồi?

Bà Phú buồn rầu, thổn thức:

– … cộng sản đã vào đến Sài Gòn!

Từ từ nhắm mắt lại, trở về cỏi hư vô, tìm gặp lại những chiến hữu trên khắp mọi miền của đất nước, Thiếu Tướng Phú đã giữ trọn ước nguyện của mình khi Ông xin tử thủ Pleiku cho đến viên đạn cuối cùng!!!

2 – Chuẩn Tướng Trần Văn Hai K7. Ông là một trong những sĩ quan đầu tiên xây dựng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân, Dục Mỹ, cũng từng là chỉ huy trưởng Binh Chủng Biệt Động Quân và Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.

Cuối năm 1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB. Trước khi từ nhiệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho trực thăng xuống đón Tướng Hai và gia đình về Sài Gòn. Ông đã từ chối và xin được ở lại với đơn vị.

Trưa 30/4/1975, khi có lệnh buông súng, Ông đã tập họp quân nhân các cấp của Bộ Tư Lệnh tại Câu Lạc Bộ Sư Đoàn để ngỏ lời cám ơn, chào từ giã và đề nghị mọi người về nhà thu xếp gia đình trong hoàn cảnh mới, tuyệt đối tránh đụng độ với địch quân, đổ máu vô ích …

Đến 15 giờ, Trung Úy Hoa lên văn phòng, Tướng Hai ngồi trầm ngâm như một pho tượng. Thái độ yêu đời, nhiệt tình của Tướng quân không còn nữa, báo hiệu một điều chẳng lành của một Tướng quân suốt đời Vì Nước, Vì Dân. Ông ra dấu cho Trung Úy Hoa ngồi xuống ghế, rồi từ tốn nói:

– Anh cám ơn em đã ở bên anh trong giờ phút này. Vận nước đã đến hồi như vậy, chúng ta không thể làm được gì khác hơn. Là quân nhân, chúng ta phải tuyệt đối chấp hành lệnh của thượng cấp!

Ông mở ngăn kéo, lôi ra một gói đồ bọc bằng giấy báo rồi đưa cho Trung Úy Hoa và nhờ:

– Đây là gói quà của anh gởi cho bà xã và bảo bà đừng lo gì cho anh cả!

Sau này, Trung úy Hoa được biết trong gói quà đó có 70.000 đồng – một tháng tiền lương và một số vật dụng cá nhân của Ông.

Chờ mãi đến 6 giờ chiều, Trung Úy Hoa tự ý chạy lên văn phòng. Đèn vẫn sáng như mọi ngày nhưng không khí vô cùng Cố Chuẩn Tướng lạnh lùng, ảm đạm. Đẩy mạnh Trần Văn Hai cửa phòng, khung cảnh trước mắt làm cho Trung Úy Hoa hoảng hốt, bàng hoàng, đau đớn lẫn xót xa.

Chuẩn Tướng vẫn ngồi trên ghế nhưng đầu thì đã gục xuống trên bàn mê man, bất tỉnh cạnh một ly rượu lớn đã cạn. Trung Úy Hoa liền gọi xe cứu thương đến, chở Tướng Quân về bệnh xá.

Các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng Tướng Quân đã trút hơi thở cuối cùng.

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai là một Tướng Lãnh tài, đức, có đầy đủ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín trong công cuộc Bảo Quốc, An Dân.

3 – Đại Tá Phạm Tường Chinh K8 (14/08/1925 – 30/4/1975).

Ngày 30/04/1975, khi được tin Thiếu Tướng Phú tuẫn tiết và quan tài đang được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, Đại Tá Chinh đã đến viếng linh cửu của Tướng Phú. Về nhà Ông cũng đã tuẫn tiết. Tuy nhiên, cộng sản không cho gia đình khai tử vào ngày 30/04/1975 mà phải khai tử ngày 16 tháng 05 năm 1975 và phải đóng “thuế tử” mới được mai táng.

4 – Đại Tá Nguyễn Hữu Thông K16 (1937 – 4/1975).

Ông sinh năm 1937, tại Quảng Trị. Chỉ 10 năm trên chiến trường, Ông đã mang cấp đại tá và đảm nhận chức Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42 của Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Ông là một sĩ quan có đầy đủ các đức tính Đức, Trí và Dũng. Khi có cơ hội, Ông tiếp xúc với binh sĩ để thăm, hỏi sức khỏe gia đình, quyền lợi lương bổng, lương thực, thực phẩm lúc hành quân, tình trạng quân trang, quân dụng và khuyên họ chi tiêu vừa đủ, cố gắng gởi tiền về giúp cha mẹ già hoặc vợ con.

Khi Sư Đoàn 22 Bộ Binh được lệnh di tản khỏi Qui Nhơn thì tình cảnh Quân Y Viện thật đau lòng! Hầu hết các bác sĩ của Quân Y Viện đều đã di tản chỉ còn có một mình Bác Sĩ Trứ ở trong Quân Y Viện để điều trị cho hàng trăm thương bệnh binh. Họ thiếu ăn, thiếu thuốc cùng thi hài của nhiều tử sĩ đã bốc mùi hôi, thế mà không được chôn cất! Đại Tá Thông đã đến thăm, chứng kiến cảnh tang thương ấy. Ông đã khóc!

Thế nhưng khi đối đầu với giặc cộng, Ông là một quân nhân anh dũng lại đầy mưu trí. Do đó, Ông đã tạo được nhiều chiến công thật vẻ vang mà điển hình nhất là chiến thắng Đèo Nhông. Năm 1974, Đại Tá Thông đang chỉ huy Trung Đoàn hành quân tại Pleime, tây nam Pleiku thì được lệnh lui binh để về giải tỏa áp lực địch ở Bình Định. Kế hoạch dự trù cuộc chuyển quân nhanh nhất cũng mất 48 giờ từ Pleime về Bắc Phù Cát! Nhưng thật tài tình! Đại Tá Thông đã lui binh rồi di chuyển cả trung đoàn về đến Bắc Phù Cát, ngay trong đêm hôm đó, chỉ hơn 12 giờ. Thật bất ngờ. Từ đó, Trung Đoàn đã đánh thẳng vào cạnh sườn của địch đã làm cho địch quân hổn loạn, tan nát rồi tìm đường tẩu thoát. Đơn vị của Ông đã đánh tan cả một trung đoàn của Sư Đoàn 3 Sao Vàng cộng quân.

Giữa tháng 3 năm 1975, Trung Đoàn lại đang anh dũng chiến đấu với Sư Đoàn 3 Sao Vàng cộng sản ở Bình Khê thì được lệnh lui binh để di tản! Khi về đến đèo An Khê, Trung Đoàn đã giao chiến, ngăn chặn Sư Đoàn 10 cộng quân tràn xuống thành phố Qui Nhơn. Do đó, khi có lệnh lên tàu thì Trung Đoàn còn 1 tiểu đoàn đang giao chiến với cộng quân ở nghĩa trang của thành phố.

Trung Tá Lê Thành Uyển, Chỉ Huy Trưởng Hải Đội 3 Tuần Dương HQ08 đã nhiều lần thúc giục Đại Tá Thông lên tàu, nhưng Đại Tá Thông không chịu lên tàu vì các chiến hữu của Ông đang chiến đấu với cộng quân. Nôn nóng, Trung Tá Uyển hỏi tại sao Đại Tá Thông không chịu lên tàu? Đại Tá Thông đã ôn tồn đáp:

– Tôi không thể ra với Anh được. Lính của tôi có lẽ ra cũng gần hết rồi. Cám ơn Anh. Tôi đi về đây!

Cuộc liên lạc cuối cùng với Đại Tá Thông chấm dứt. Theo lời của Đại Tá Nguyễn Thiều K16, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 41 và nhiều chiến hữu khác thì sau cuộc điện đàm với Trung Tá Uyển, Đại Tá Thông đã cùng vài binh sĩ của Ông đã đi ngược về những ngọn đồi vô danh mà đơn vị đã từng chiến đấu với cộng quân trước đây.

Hình ảnh của một vị đại tá trẻ khi đã đưa được những chiến hữu của mình còn lại sau những trận đánh khốc liệt về vùng an toàn rồi lửng thửng đi trở lại con đường cũ, về phía những ngọn đồi vô danh của chiến trường xưa, để rồi cùng được nằm xuống bên cạnh những chiến hữu của mình đã Vị Quốc Vong Thân. Thật hào hùng!

Đại Tá Nguyễn Hữu Thông đã an giấc ngàn thu bên cạnh các chiến hữu của mình, vẹn toàn Tình Nghĩa Huynh Đệ Chi Binh với các tử sĩ đã một lòng Vì Nước Vì Dân!

5 – Trung Tá Nguyễn Đình Chi K10 (08/01/ 1934 – 30/04/1975), sinh quán Quảng Trị, Phụ Tá Chánh Sở 3 An Ninh Quân Đội tuẫn tiết tại Sài Gòn khi có lệnh buông súng.

6 – Trung Tá Nguyễn Văn Đức K11 (06/06/1937 – 30/04/1975), Trưởng Ty Cảnh Sát Giao Thông Công Lộ Sài Gòn, tuẫn tiết tại tư gia ở Sài Gòn khi có lệnh buông súng …

7 – Trung Tá Nguyễn Xuân Tiêu K8 (21/11/1931 – 04/1975), số quân 51/300263, sinh tại Hải Dương, quận trưởng Bình Khê, tỉnh Bình Định, tuẫn tiết tại Bình Định.

8 – Thiếu Tá Nguyễn Văn Chúc K6 ( – 30/04/1975), Tổng Cục Tiếp Vận, tuẩn tiết tại Sài Gòn, khi có lệnh buông súng.

9 – Thiếu Tá Lê Vĩnh Xuân K13 (17/10/1938 – 30/04/1975), số quân 58/191318, sinh tại Chợ Lớn, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Quân Báo/Biệt Khu Thủ Đô cùng vợ và các con tuẩn tiết tại Sài Gòn.

10 – Thiếu Tá Phạm Văn Thái K20 ( – 02/04/1975), Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã chỉ huy Tiểu Đoàn di tản từ cao nguyên về đến Phan Rang. Trưa ngày 2 tháng 4 năm 1975, khi nhận được tin thành phố Nha Trang thất thủ, Thiếu Tá Thái đã tuẫn tiết tại tư gia.

11 – Thiếu Tá Tôn Thất Trân K20 (. – 30/04/1975).

Trong lưu niệm của Khóa 20, Ông đã viết “ Thích cuộc sống hào hùng, đầy nguy hiểm và thử thách trong tương lai’

Ra Trường, Ông tình nguyện phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Được phân phối về trung tâm huấn luyện, nhưng Ông xin phục vụ ở các đơn vị tác chiến. Ông đã tham dự các chiến trận lớn như Tết Mậu Thân, Hành Quân Lam Sơn 719 cho đến Mùa Hè Đỏ Lửa, đặc biệt là cuộc phản công tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị… Ông đã được ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu, 5 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu cùng với các Chiến Thương Bội Tinh. Sau đó, Ông được thuyên chuyển về Tiểu Khu Hậu Nghĩa, giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 327 Địa Phương Quân. Trưa ngày 30/04/1975, mặc dầu đã bị “gẫy súng”, nhưng Ông không chịu buông vũ khí, thà chết chứ không sống nhục, nên khi cộng quân đòi tước vũ khí của binh sĩ Tiểu Đoàn 327, Ông khẳng khái đối đáp:

– Tôi là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng 327, theo lệnh của thượng cấp đưa đơn vị về đây để bàn giao chứ không phải để các anh tước vũ khí và đầu hàng.

Sau đó, Ông đã thổ lộ với Thiếu Tá Tô Công Thất K16,  Quận Trưởng Đức Hòa về cuộc đối đáp với tên chỉ huy của cộng sản:

– Tên này lập luận hồ đồ, rất yếu, mở miệng là em quạt liền. Nó cứng họng không hỏi nữa. Em biết nó tức lắm, muốn bắn em cho hả dạ. Em cũng muốn nó bắn em đi, nếu không, còn bị chúng làm nhục nữa!

Trước họng súng của kẻ thù gian ác, Ông vẫn khẳng khái, bất khuất với thách đố hào hùng “Em cũng muốn nó bắn em đi…” (Trích) của người trai Võ Bị mà Ông đã ước nguyện hiến dâng đời mình cho Lý Tưởng Bảo Quốc An Dân.

Bọn chúng đã hèn hạ thủ tiêu Ông.

12 – Đại Úy Trịnh Lan Phương K21 ( – 30/04/1975).

Ra Trường, Ông phục vụ tại Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 42 Biệt Lập cho đến tháng 07/1968. Ông được thuyên chuyển về Phủ Tổng Thống. Vì không chấp nhận đầu hàng, Ông đã tuẫn tiết vào chiều ngày 30/04/1975 tại tư gia ở Sài Gòn.

12 – Trung úy Nguyễn Văn Hùng K20 ( – 08/04/1970). Đại Đội Trưởng/ Tiểu Đoàn 23 BĐQ tuẫn tiết tại chiến trường Dak Seang, cao nguyên Trung Phần trong đêm 08/04/1970, khi căn cứ bị cộng quân tràn ngập.

Đầu tháng 4/1970, Tiểu Đoàn 23 BĐQ hành quân vào vùng Dak Saeng, cao nguyên Trung Phần. Đại Úy Nguyễn Văn Thu K19, Tiểu Đoàn Trưởng đang điều trị bệnh sốt rét tại bệnh viện liền xin xuất viện để tham dự cuộc hành quân. Trung Úy Trần Công Bao K20 và Trung Úy Nguyễn Văn Hùng K20 là đại đội trưởng. Trung Úy Vương Mộng Long K20 là trưởng ban 2 của Liên Đoàn 5 BĐQ đang điều trị vết thương cũ ở bệnh viện cũng được gọi về … Tờ mờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1970, một trung đòan cộng quân dùng chiến thuật biển người tấn công, pháo kích ào ạt vào vị trí đóng quân các đại đội của Tiểu Đoàn 23 BĐQ. Trận chiến vô cùng khốc liệt. Do đó, khi liên lạc với các đại đội trưởng, Trung Úy Vương Mộng Long K20 đành phải:

“. Tới nước này, tôi chẳng còn câu nệ dùng ám danh hay ngụy thoại gì nữa, cứ bạch văn mà xài.

– Hồng Hà! Đây Lê Lai! Phải Hùng Cá Sấu đó không?

– Tao đây! Long ơi! Mẹ kiếp! Tao bị gảy hai chân rồi! Lính của tao thì áo đỏ, áo vàng lền khền. Tụi tao đã chơi hết mình nhưng tụi nó đông quá! Chắc tao không trụ được nữa đâu, mày ơi!

– Anh Thái Bạch thế nào?

– Tao giữ mặt Tây, anh Thu nằm bên mặt Đông với thằng Bao. Thằng Bao nói anh Thu chết rồi!

– Để tao lệnh cho thằng Mạnh Mẽ (Mừng) quay lại cứu mày nhé!

– Nó chịu trận từ tờ mờ sáng đến giờ, chắc không còn hơi sức đâu mà cứu tao.

– Thế còn thằng Bao. Nó có giúp gì cho mày được không?

– Thằng Bao cũng sắp hết đạn. Nó đang chuẩn bị rút. Nó cho người sang khiêng tao đi. Nhưng lính của tao bị thương nhiều lắm, mày ơi! Bỏ đàn em mà chạy thì tao không làm được. Thà chết thì thôi!

Hùng nói một hơi không nghỉ, tiếng nói xen lẫn tiếng súng chát chúa nghe như sát bên.

– Vậy thì tao có thể làm gì để giúp mày bây giờ?

Hùng Cá Sấu không trả lời. Hình như nó phải ngừng đàm thoại để tiếp tục bắn nhau. Một hồi sau:

Tao giục thằng Bao chạy rồi. Tao đoạn hậu cho nó chạy. Mày đón nó!

Tôi sang máy liên đoàn gọi Nguyễn Công Bao, nhưng không nghe trả lời.

Tình hình chắc chắn đang nguy kịch lắm nên tôi không nghe Hùng nói gì thêm. Lòng tôi bồn chồn, nóng như lửa đốt. Chúng tôi người này nhìn người kia, không ai biết sẽ phải làm gì lúc này. Chợt loa khuếch âm oang oang tiếng thét giựt giọng, lẫn với tiếng súng ròn rã, có cả tiếng “Oành! Oành” của lựu đạn và thủ pháo:

– Lê Lai đây Hồng Hà! Tao bị tràn ngập rồi! Mày bắn lên đầu tao đi! Mau lên!

Tôi hướng về Trung Tá Sâm:

– Thằng Hùng xin bắn lên đầu, xin Trung Tá quyết định.

Trung Tá Sâm nhìn sang Thiếu Tá Tòng:

– Chỉ có Đại Úy Thu mới có thẩm quyền. Giờ đây số phận của cố vấn cũng không biết thế nào? Mình có xin oanh kích lên đầu bạn, chắc gì Mỹ nó chịu.

Thiếu Tá Đào trao đổi vài câu với Trung Tá Mỹ, rồi lắc đầu.

– Họ không chịu!

Trên đầu máy bên kia, Hùng Cá Sấu hổn hển, nghẹn ngào:

– Lê Lai đây Hồng Hà! … Long ơi! Long ơi!… Tao phải bắn … viên đạn cuối cùng rồi! … Vĩnh biệt mày!

Rồi máy của Hùng phụt tắt. Tôi chết lặng người, tai ù đặc như bị ai bưng kín. Những người khác trong trung tâm hành quân đều hiểu rằng bạn tôi đã tự sát, nhưng chắc có lẽ họ không biết ý nghĩa sâu xa của danh từ “Viên đạn cuối cùng” này đâu! Danh từ ấy mang ý nghĩa của một sự đứt gánh giữa đường đầy chua xót, đồng thời cũng biểu hiện cái nghĩa khí can vân của một Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam”.
(Trích, Dak Saeng 1970, Vương Mộng Long K20).

13 – Trung úy Vy Văn Đạt K25. (20/08/1949 – 04/1975), số quân 69/142961, sinh tại Hải Ninh, Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn 52, Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân. Tuẫn tiết trên đường đơn vị di tản.

14 – Trung úy Nguyễn Đình Giang K25. (. – 30/04/1975), số quân 69/142955, sinh tại Hải Dương, Đại Đội Trưởng Đại Đội Trinh Sát/ Trung Đoàn 50/ Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Tuẫn tiết lúc đơn vị đang di tản.

15 – Trung ủy Lê Văn Cao K26. (20/09/1949 – 30/04/1975), sinh tại Hà Nam, Thiết Giáp. Đơn vị bị địch bao vây, Ông không chịu đầu hàng rồi tuẫn tiết tại Âp Tân Bắc, Hố Nai, Biên Hòa.

16 – Trung úy Phạm Đức Loan K26. (1950 – 04/1975), sinh tại Thái Bình, Tiểu Đoàn 11/Nhảy Dù, tuẫn tiết tại Phan Rang.

17 – Thiếu úy Trần Hữu Sơn K28. (23/03/1952 – 21/08/1979)

Sau ngày 30/04/1975, Việt cộng áp dụng chính sách hận thù đối với các tù nhân Quân Cán Chính VNCH. Tại Trại Bình Điền, tây nam Thành Phố Huế, bọn cai tù đã hành hạ các tù nhân một cách dã man. Do đó, các tù nhân cùng nhau họp lại, tổ chức tranh đấu đòi cải thiện chế độ lao tù gian ác của cộng quân. Các “tù nhân cải tạo” đã biến những buổi họp kiểm điểm cuối tuần thành những cuộc đấu tranh. Họ ca những bản hùng ca của Cục Chính Huấn VNCH. Do đó, cộng sản đã thủ tiêu các tù nhân có trách nhiệm tổ chức và đàn áp, đánh đập các tù nhân tham gia cuộc đấu tranh một cách hung bạo.

Thiếu Úy Trần Hữu Sơn, một sĩ quan trẻ, đầy nhiệt huyết, không khuất phục bạo quyền đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh. Bọn cai ngục đã tra tấn, đánh đập ép cung, bắt anh khai những tù nhân đã chỉ huy anh trong cuộc đấu tranh, nhưng anh luôn luôn xác nhận rằng anh tranh đấu vì Lý Tưởng Quốc Gia Dân Tộc, chứ không do một cá nhân nào hết! Do đó, các tên cai ngục đã liên tục hành hạ, tra tấn, đánh đập anh một cách dã man. Thân thể anh đầy thương tích sau mỗi cuộc tra tấn! Anh phải dùng nước tiểu để rửa những vết thương bầm tím, rướm máu, nhiễm trùng ung mủ…

Do đó, vào giữa tháng 8/1979, Thiếu Úy Sơn quyết định tuyệt thực để phản đối chính sách trả thù tàn ác, đầy thú tính của cộng sản. Càng ngày, cơ thể của anh càng trở nên hốc hác, tiều tụy. Hai chân sưng vù lên nên vòng cùm sắt lại càng siết chặt… Lớp da thịt ở cổ chân chạm vào cùm sắt, bung ra thành một vết thương đỏ loét, nhức nhối. Qua ngày thứ 6, hai chân sưng to, lớn như chân voi. Đôi cùm sắt trên cổ chân đã lún sâu vào lớp da, thịt phù thủng của nạn nhân. Các vết thương bắt đầu chảy nước màu vàng, nhầy nhụa có đậm mùi tanh. Da mặt trở nên nhợt nhạt, tái dần, nhưng tinh thần của anh càng trở nên cương quyết vô song! Anh không bao giờ than van hay rên siết!

Đến ngày thứ Bảy, anh gục chết ngay trong phòng biệt giam. Nhưng hồ sơ của công an tỉnh Thừa Thiên đã ghi: “Trong thời gian học tập cải tạo ông Sơn đã chết ngày 11 tháng 10 năm 1979 tại trại cải tạo Bình Điền. Lý do: Tự hủy hoại thân thể.” (Trích).

Họ là những Chiến Sĩ Bảo Quốc An Dân. Họ đã xả thân chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cùng nền Độc Lập của Tổ Quốc Việt Nam. Ngay cả khi đã sa cơ thất thế, trước họng súng của cộng quân gian, ác, họ vẫn kiên cường, bất khuất một lòng Vì Nước Vì Dân. Máu xương của họ đã đổ xuống để bảo vệ quê hương Việt Nam cùng tô thắm lá Cờ Vàng của muôn dân Việt. Họ là những Anh Hùng.

Anh Hùng tử, Khí Hùng bất tử.

Võ Nhẫn K20/TVBQGVN

(nguồn: Tập san Đa Hiệu số 128/tháng 5-2024)

 

This entry was posted in 2.Một thời để nhớ, Người Lính VNCH, Văn Hoá Vụ - Trường Võ Bị Đà Lạt, Đa Hiệu. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời