TM tổng hợp và bổ túc – Các ngôi chùa Phật Giáo trước năm 1975 trong tỉnh Gia Định: Phần I (001-130)

105-  Chùa Viên Giác
Đường Bùi Thị Xuân –  Khu Ông Tạ
Quận Tân Bình – Gia Định

Theo tài liệu [1] : Ngay sau khi luồng sóng người Bắc di cư tỵ nạn Cộng sản vào Nam,  tràn đến khu Ông Tạ,  cùng với các nhà thờ Công giáo,  hàng loạt chùa Bắc (hệ Bắc tông) cũng đồng thời được xây dựng.Sớm nhất là chùa Viên Giác trên đường Bùi Thị Xuân vào năm 1955.

(Phụ chú : Đường Bùi Thị Xuân chạy từ kinh Bảo Ngạn,  xuyên qua đường Thoại Ngọc Hầu,  gặp đường Trương Mink Ký ở khu Lăng Cha Cả).

Theo tài liệu [2, 3, 4, 5, 6, 7, 8] : Chùa Viên Giác hiện nay tọa lạc tại số 193,  đường Bùi Thị Xuân,  phường 1,  quận Tân Bình, gần giao điểm với hai đường Trương Minh Ký và Thoại Ngọc Hầu ,  nơi đây được coi là trung tâm của quận Tân Bình.

Chùa theo hệ phái Bắc tông, được thành lập vào năm 1955 bởi Hòa Thượng Thích Hồng Tịnh.

Theo tài liệu [2] : Mãi cho đến thập niên 1960,  chùa Viên Giác vẫn khá nhỏ,  đường vào chùa còn lổn nhổn đất đá. Khu vực xung quanh chùa Viên Giác cách nhà nhạc sĩ Hoài An (tác giả nhiều bản hát về Xuân nổi tiếng như Câu chuyện đầu năm…) hơn trăm thước,  trước và sau 1975,  còn thấy nhiều người dân cố cựu làng Tân Sơn Hòa xưa trồng khá nhiều mai trước nhà.

Thưở ban đầu,  chùa Viên Giác chỉ là một cái am nhỏ vì cất lên để ẩn tu nên có tên là Ðộc Giác. Sau do nhu cầu tín ngưỡng cộng thêm tâm Bồ Ðề dõng phát,  Hòa Thượng Thích Hồng Tịnh đã cho xây lại một cách quy mô hơn. Từ đấy,  Chùa được đổi tên là Viên Giác,  có ý nghĩa là sự giác ngộ tròn đầy (tự giác,  giác tha và giác hạnh viên mãn). Sau khi Ngài viên tịch,  vì không có người kế thế nên những người thân tín tạm lo việc hương khói và thờ cúng. Mãi đến năm 1976,  Chùa mới thỉnh Thượng Tọa Thích Minh Phát về điều hành Phật sự.

Hai mươi năm sau tức năm 1996,  vì sức khỏe của Thượng Tọa Thích Minh Phát yếu kém,  bệnh không thuyên giảm nên Chùa thỉnh Ðại đức Thích Lệ Trang về trụ trì.

Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu,  nhưng Chùa vẫn không tránh khỏi sự tàn tạ theo thời gian và nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng Phật tử ngày càng cao,  nên vào đầu mùa xuân năm Tân Tỵ (2001),  Ðại Đức Thích Lệ Trang cho khởi công trùng hưng ngôi Tam Bảo.Ròng rã mưa nắng hơn một năm,  công trình đã trải qua biết bao khó khăn vất vả,  ngôi Tam Bảo mới được thành tựu.

Theo tài liệu [2, 3, 5, 6, 7] : Chùa Viên Giác tọa lạc tại trung tâm của quận Tân Bình nên diện tích không lớn .Phía trước chùa là đường quốc lộ,  cửa hàng buôn bán nhộn nhip,  người và xe cộ lưu thông ồn ào. Tuy vậy, bên trong chùa Viên Giác vẫn giữ được dáng vẻ trầm mặc, yên tĩnh và thiêng liêng. Chùa Viên Giác đã được xây dựng lại rất đẹp.

Vừa bước vào cổng tam quan,  cảnh trí đầu tiên hiện ra là một ngôi chùa được xây dựng theo bố cục hình chữ Sơn,  có mái cong trung hòa vào nét góc,  cung tròn tạo thành những đường lượn mềm mại nhẹ nhàng uyển chuyển làm lộ rõ dáng kiến trúc xây dựng truyền thống. Tuy được phối hợp với những nét kiến trúc Á Ðông và kỹ thuật hiện đại,  nhưng Chùa trông rất cổ kính và uy nghiêm,  với hệ thống kèo cột,  rui mè đỡ mái,  ô cửa tròn,  tường bao lượn sóng,  mái ngói cong,  màu vàng , mâu trầm và đỏ gạch…

Cổng tam quan chùa Viên Giác
Hình trích từ tài liệu [9]

Sau khi đi qua phần sân chùa được lát bằng gạch đỏ,  bước lên những nấc thang vào Phật điện,  người ta sẽ được chiêm ngưỡng tượng Ðức Di Lặc tôn trí trước “bái đường” với nụ cười hoan hỉ,  được khắc họa theo tư thế Tam Ða (Phước – Lộc – Thọ).

Ranh giới giữa bái đường và chính điện là lớp cửa “Thập Nhị Thời Thần” – Thần chủ của 12 con giáp cũng là 12 vị thần Ðại Dược Xoa Tướng trong pháp hội Dược Sư được chạm trổ công phu và tỉ mỉ do những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Huế chạm khắc.

Chánh điện chùa Viên Giác được được điêu khắc rất tinh xảo. Tượng Ðức Phật Bổn Sư trong tư thế chuyển pháp luân được đặt tại trung tâm chính điện .Xung quanh thân quang có bảy vị hóa Phật,  tháp trống và tháp chuông đối xứng hai bên chính điện. Với nghệ thuật hào quang hiện đại,  khi nhìn vào,  người ta sẽ thấy không chỉ một vị Phật mà hóa thành 7 vị phật pháp,  lúc ẩn lúc hiện vô cùng lung linh huyền ảo.

Ở hai bên Phật điện, là những pho tượng “ Thập Bát La Hán ” .

Đi ra phía phía sau Phật điện là Tiếp Dẫn điện. Nơi đây thờ tượng Đức Phật A Di Đà,  xung quanh là những linh vị trông vô cùng trang nghiêm.

Phía dưới Phật điện là Phạm Âm đường,  có các khu giảng đường (chuyên dùng để thuyết pháp , giảng đạo và trình bày văn hóa tín ngưỡng); Hai bên là Ðông đường (Khai Sơn đường) và Tây đường (Ngũ Quán đường) ,  nơi tiếp khách,  nghỉ ngơi của các tăng ni.

Bên ngoài là hai gác vọng thờ hai vị bồ tát là Thiên Thủ Thiên Nhãn và Ðịa Tạng,  tạo nên nét thẩm mỹ hài hòa và cân đối.

Ở hướng Tây Bắc khuôn viên chùa Viên Giác , là ngôi tháp Đẳng Quang được xây dựng năm 1996 và hoàn thành sau ba năm.

Tháp hình bát giác cao 22 thước,  đỉnh tháp 3 tầng có hình hoa sen,  phía trên là 7 tầng nhỏ tượng trưng 7 cõi trời. Đặc biệt,  tháp được trang trí hoàn toàn bằng gốm sứ Việt Nam do các cơ sở gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất.

Theo tài liệu [2] : Tháp của chùa Viên Giác bằng gốm sứ cao nhất Việt Nam.

Tháp chùa Viên Giác
 Hình trích từ tài liệu [5]

Bảy mái của tháp được lợp ngói lưu ly với nét điêu khắc hình Phật và Bồ tát. Mái làm theo hình cá chép hóa rồng màu xanh vàng.

Phía trước tháp có một đỉnh hương bằng đồng được chạm khắc bài minh bằng nét Lệ Thư tạo thẩm mỹ hài hòa và cân đối.

Bên trong Ðẳng Quan tháp,  thờ xá lợi Phật thờ kinh Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa và thờ các vị sư tổ. Phạm chung cao 1 thước 90 và nặng 750 kí lô được đặt ở thượng tầng Từ Ý các.

Xá Lợi Phật được thờ tại Từ Ý Các,  Pháp Bằng Các cùng Phật Thích Ca,  Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa cùng với Đa Bảo được thờ tại trung tầng.

Phần vách của gạch được trạm khắc hình ảnh tượng Phật và Bồ Tát.

Tầng nền có họa tiết hoa sen cách điệu trên nền men trắng. Bốn cửa xung quanh chạm 8 vị thần Kim Cang trên nền gỗ.

Tầng hầm của tháp là nơi thờ tụng linh cốt của Thượng tọa Thích Minh Phát (người đã khai sáng ra chùa Viên Giác ngày nay) và lưu trử tro cốt và vật lưu niệm của các vị trụ trì trước đây.

Ngoài những pho tượng cũng như những khu nhà chính của chùa,  vẫn còn những khu bảo điện nhỏ thờ rất nhiều những pho tượng Phật khác nữa.

– Trụ trì tiền nhiệm chùa Viên Giác : Hòa thượng Thích Hồng Tịnh, Thượng tọa Thích Minh Phát và Đại Đức Thích Lệ Trang.

– Theo tài liệu [7] : Trụ trì (hiện nay ?) chùa Viên Giác : Thượng Tọa Thích Đồng Văn; Phó trụ trì : Đại Đức Thích Trí Thông.

Chùa Viên Giác ngoài những công việc Phật sự,  nhưng với tinh thần trách nhiệm “sống tốt đời đẹp đạo”,  chùa luôn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng,  đóng góp tích cực cho địa phương như: duy trì tặng cơm chay miễn phí vào ngày rằm hàng tháng,  vận động phật tử tham gia hiến máu nhân đạo,  tặng quà cho hộ khó khăn trên địa bàn phường,  tổ chức Trung thu cho các em thiếu nhi…

Tài liệu tham khảo :

1.  Cù Mai Công :  Tiếng chuông từ bi vang lên cùng tiếng chuông bác ái

2. Cù Mai Công-Saigon Nhỏ : Xuân mang niềm tin tới,  như hoa mai nở phơi phới – Câu chuyện đầu năm –  26/01/2022.

3. Blog by mytour.vn –  Chùa Viên Giác – bức tranh thủy mặc sống động – 07/05/2021.

4. Đồ thờ Bát Trang.VN : Danh sách địa chỉ các ngôi chùa tại quận Tân Bình – 17/11/2018.

5. Chùa Viên Giác : Vẻ đẹp tâm linh bí ẩn chốn thiền tự – 02/08/2018.

6. Cổng thông tin điện tử Quận Tân Bình:   TP hcm – Vãng cảnh chùa Viên Giác – 21/06/2022.

7. disantrangan.vn: Khám phá chùa Viên Giác – Ngôi chùa có tháp bằng gốm sứ cao nhất Việt Nam –  25/02/2022.

8. Kinh điển Phật Pháp: Các chùa ở Quận Tân Bình – 06/08/2007.

9. Mạng Google : Vien Giac Buddhist Temple (Chùa Viên Giác).

—>106 – Tu Viện Hoa Nghiêm

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Các ngôi chùa Phật Giáo trước năm 1975 trong tỉnh Gia Định. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời