TM tổng hợp và bổ túc – Các ngôi chùa Phật Giáo trước năm 1975 trong tỉnh Gia Định: Phần I (131-263)

182 – Chùa Vạn Quang
 Đường Thoại Ngọc Hầu
Khu Ông Tạ – Quận Tân Bình – Gia Định

Theo tài liệu [1] : Ngay sau khi luồng sóng người Bắc di cư tỵ nạn Cộng sản vào Nam,  tràn đến khu Ông Tạ,  cùng với các nhà thờ Công giáo,  hàng loạt chùa Bắc (hệ Bắc tông) cũng đồng thời được xây dựng.Chùa Vạn Quang nằm trong con hẻm thông từ ngõ Con Mắt ra chợ Ông Tạ cũ trên đường Thoại Ngọc Hầu có từ năm 1965 (Xem thêm chi tiết trong Phụ đề).

Theo tài liệu [2] : Chùa Vạn Quang hiện nay tọa lạc tại số 235/173,   đường Hùng Vương – phường 5,  quận Tân Bình.

Nhưng theo tài liệu [3] : Chùa Vạn Quang ở số 235/173,  đường Phạm Văn Hai,  phường 5,  quận Tân Bình.

Mặt khác theo tài liệu [4, 5] : Địa chỉ của chùa Vạn Quang là 173,  đường Phạm Văn Hai,  phường 5,  quận Tân Bình.

(Phụ chú : Phạm Văn Hai là tên Việt Cộng đặc công khủng bố. Tên đường này chỉ xuất hiện sau năm 1975,  trước đó là đường Thoại Ngọc Hầu).

Theo tài liệu [2] : Chùa Vạn Quang theo hệ phái Bắc Tông,  được thành lập năm 1965 bởi Thượng Tọa Thích Đức Huân.

Chùa được trùng tu năm 1997.

Trụ trì tiền nhiệm : Nữ Sư Thích Nữ Hải Liên.

Trụ trì hiện nay : Nữ Sư Thích Nữ Diệu Minh.

Phụ đề : Ngõ Con Mắt

Theo tài liệu [6] : Ngõ Con Mắt là một con hẻm nhỏ và ngắn của vùng Ông Tạ,  nhưng không bác tài nào,  từ chú xà ích xe ngựa thập niên 1960,  bác tài xích lô đến tài xế xe lam từ Bà Quẹo cho tới ngã sáu Phù Đổng thập niên 1970 không biết.

Ngõ Con Mắt dài khoảng 300 thước,   song song với đường Thoại Ngọc Hầu. Cuối hẻm là đường Dân Chủ. Nếu theo đường chim bay,  nó cách khoảng 150 thước,  còn nếu con chim ấy đi bộ thì có thể dài hơn xíu.

Bản đồ định vị Ngõ Con Mắt trong khu Ông Tạ
Hình trích từ tài liệu [6]

Ngõ này nay là hẻm 766 Cách mạng tháng tám (Sic) (Trước năm 1975 tên là đường Lê Văn Duyệt),   chạy song song với con đường chính qua chợ Ông Tạ (đường Thoại Ngọc Hầu)

Hẻm vào chùa Vạn Quang
nay là hẻm 766,  đường Lê Văn Duyệt
Hình trích từ tài liệu [6]

Ngõ có tên này vì trước 1975,  đầu ngõ có một bảng quảng cáo khá lớn vẽ chỉ một con mắt,  của một ông lang với tên tiệm Ích Mẫu bên trong,  gần đầu ngõ,  chuyên chữa các bệnh về mắt. Ngõ Con Mắt ấy nay là hẻm 766,  Cách Mạng Tháng Tám (Sic),  phường 5,  Tân Bình. Nếu đi từ Hòa Hưng xuống,  qua hẻm này khoảng hơn 150 thước thì tới ngã ba Ông Tạ.

Nói là hẻm nhưng nó rộng như một con đường nhỏ,  chiều ngang 7 – 8 thước,  rộng và dài hơn con đường Dân Chủ cuối hẻm. Vậy nên trước 1975,  nó có tên hẳn hoi: đường Thăng Long. Hiện nay vẫn còn công ty ở đây mang tên Thăng Long,  như một dấu vết xưa của con đường bị hạ xuống thành hẻm này.

Ngõ hẻm này xưa là cung đường chính của trại Hà Nội,  tiền thân giáo xứ An Lạc hiện nay. Hồi cuối thập niên 1950,  ở ngõ hẻm này có lúc từng có một ngôi chợ mang tên Hà Nội. Cà phê Thăng Long nổi tiếng trước và sau 1975 trên đường Thánh Mẫu thuở ban đầu cũng ở đây.

Bên trái ngõ Con Mắt,  ngoài đường Dân Chủ,   cung đường này còn hai con hẻm nhỏ thông ra đường Thoại Ngọc Hầu,  liên thông với khu vực chợ Ông Tạ sầm uất. Bên phải,  có 3 con hẻm nhỏ khác thông ra khu nhà thờ An Lạc – trái tim của giáo xứ An Lạc.

Đầu ngõ xưa,  ít nhất từ 1960 có xe phở Lưu Phương,  trước cả xe phở Mầm (sau mở tiệm trên đường Phạm Hồng Thái,  gần ngã ba Ông Tạ,  lấy tên phở Hải Phòng) không chỉ ngon mà còn rẻ: 5 đồng/tô lớn,  3 đồng tô nhỏ,  tô không thịt 2 đồng.

Tài liệu tham khảo :

1. Cù Mai Công : Tiếng chuông từ bi vang lên cùng tiếng chuông bác ái

2. Blog Liên Hoa Sanh: Địa chỉ các chùa tại quận Tân Bình  -07/04/2013.

3. map.coccoc.com: Chùa Vạn Quang.

4. Thế Giới Phật Giáo (Quốc Tế): Kinh sách & danh bạ chùa – Chùa Vạn Quang (Tân Bình).

5. Mạng Google: Van Quang Buddhist Temple (Chùa Vạn Quang).

6. Cù Mai Công – FB Karate Shorin-Ryu VN: Cung đường có những người ‘’Khác Thường’’ và ‘’Dính Nhau Như Số Kiếp’’. 31/10/2020

—>183 – Thiền Viện Thanh Minh

This entry was posted in TM, TM: Các ngôi chùa Phật Giáo trước năm 1975 trong tỉnh Gia Định. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời