HOẢ LÒ (Nguyễn Chí Thiện)

Tạc Tượng

– Thu xếp nội vụ chuyển buồng!

Lão già đứng dậy, lẳng lặng vơ bộ quần áo nhầu cũ, hoen ố những vết bẩn lão vẫn cuộn lại làm gối, ném vào cái bị nhỏ. Lão ném cái ca men không nắp vào, vắt cái khăn mặt sờn rách lên vai, rồi đi ra khỏi buồng. Nội vụ của lão chỉ có thế.

Tới cửa xà-lim, lão nói lớn:

– Chào tất cả các bạn! Bạn nào được về, chuyển hộ lời “thăm hỏi ân cần” của tôi tới đồng bào cả nước!

Cả xà-lim cười ầm lên. Mắt tên quản giáo nẩy lửa:

– Chỉ được cái bố láo! Anh tưởng anh là lãnh tụ à?

Lão không thèm trả lời. Trong đời tù dằng dặc của lão, lão vẫn hay khôi hài, mỉa mai, đùa cợt bông lông như vậy. Bất cứ chuyện gì, lão cũng có thể biến thành chuyện cười. Lão sống được dai dẳng qua nhiều trại tù mà chưa chết, một phần cũng vì cái tính hài hước đó. Đến nỗi bọn quản giáo đã đặt cho lão một biệt danh là “Lão già quai guốc”.

Tên quản giáo đi trước, lão đi sau. Không ai nói với ai một câu. Ra tới sân trại, lão ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh ngát, cao vút, hít mạnh không khí trong lành buổi sáng. Một nỗi bùi ngùi, nhẫn nhục, chợt tới với lão. Bầu trời xanh bất tận, bao la kia, không khí tươi mát này, hoàn toàn xa lạ, đâu phải của lão! Tất cả đã cách biệt từ lâu lắm! Ngày gặp gỡ lại với thiên nhiên coi như không còn.

Phải rời xà lim, lão thấy tiếc, như rời một nơi êm ấm! Lão biết rõ ra phòng chung ở với lưu manh, sẽ khổ gấp bội. Xà-lim trước kia, cách đây khoảng mươi năm thôi, còn là nơi chỉ giành để giam những tội phạm quan trọng, hoặc những phạm nhân vi phạm nội quy, mới bị tống vào kỷ luật cùm vài tuần. Hồi đó, tù nhân coi ở xà-lim là cực lắm, như ở trong một nấm mồ bằng bê-tông, mùa hè thời nóng bức, ngột ngạt như một lò hấp, mùa đông thời lạnh toát thấu xương. Ai cũng sợ. Bây giờ, lượng chứa của Hỏa-Lò vẫn y nguyên. Số người bị bắt cứ ùn ùn tăng lên gấp bội. Các buồng chung bị lèn như cá hộp. Ở xà-lim, được nằm một mình trên một bệ xi măng rộng những sáu mươi phân. Thật là thiên đường! Trừ những tội phạm bị đánh giá là cực kỳ nguy hại, tất cả ai muốn được ưu tiên nằm xà-lim đều phải quen biết với người của Bộ, của Sở. Và một điều không thể thiếu: phải có tiền! Còn muốn được làm ăng-ten cho Ban Chấp-Pháp thì bắt buộc phải là phạm nhân Đảng viên.

Loanh quanh rẽ phải, rẽ trái, vài phút, thì tới cửa phòng 14. Tên quản giáo dừng lại, bước vào một căn phòng nhỏ, phía trước trống toang, không tường, không cửa. Ở giữa trơ trọi một bàn mộc, một ghế mây. Đó là nơi làm việc của quản giáo phụ trách. Tù gọi là“quán gió”, vì chiếc quạt trần lúc nào cũng quay ào ào như giông bão. Hai tên quản giáo nói nhỏ với nhau một lúc, rồi tên quản giáo phụ trách xà-lim bỏ đi. Ba tên tù tự giác đương khám đồ tiếp tế của dăm người tù vừa được gia đình gửi vào. Chúng đổ các túi quà ra sân, soát từng món một. Bánh nếp, bánh tẻ, bánh giò, chúng giở tung ra, lấy dao cắt dọc, cắt ngang. Đường, muối vừng, thịt, cá, chúng đổ ra những bát men. Kẹo, chúng bóc ra từng cái. Khám xong, mấy người bê quà ra bên cạnh, ngồi phệt xuống đất, thành hàng ngang, mỗi người cách nhau một thước, theo đúng quy định.

Một tên tự giác ra lệnh:

– Cấm không được trao đổi, hoặc cho nhau. Vi phạm, tịch thu toàn bộ!

Mấy người tù chết đói dở, bắt đầu tấn công ăn. Họ vục mặt xuống, nhồm nhoàm, ngấu nghiến, quyết đánh tan cơn thèm khát. Họ tập trung toàn bộ tinh thần vào việc nhai nuốt. Mọi sự trên đời quên hết. Những bàn tay lở loét, sưng vù, bốc xôi, bốc thịt, bốc bánh, đưa lên mồm, tới tấp, liên tục.

Lão già đứng nhìn, lắc đầu. Tên quản giáo vẫn ngồi uống trà, phì phèo điếu thuốc trên miệng, chưa buồn ngó tới lão. Lão vất cái bị cói xuống thềm, uể oải ngồi xuống. Mấy tên tự giác đứng canh bọn tù ngồi ăn, đợi lệnh. Lão già chẳng bao giờ để ý tới bọn quản giáo. Nhiều năm ở tù rồi, lão thấy bọn chúng: dù trẻ, dù trung niên, dù già, dù gầy, dù béo, dù cao, dù thấp, dù da trắng, da ngăm ngăm, dù mắt lồi, mắt sâu, mắt sếch, mắt lươn, mắt lé… đa số đều có một điểm chung là nhìn bọn tù lừ lừ, khinh miệt, thù hận, mê muội…

– Thằng nào vừa gặp gia đình?

Tiếng tên quản giáo, hỗng hách, đầy quyền uy.

– Thưa ông, cháu.

Một tên đương ăn vội vã đứng lên, lụng bụng đáp lại. Tên quản giáo hất hàm cho mấy tên tự giác:

– Khám!

Hai tên tự giác xăm xăm tới:

– Cởi áo ra!

Hai bàn tay gã tù lở loét, bê bết xôi, nhầy nhụa mỡ thịt, loang hoay cởi khuy. Một tên tự giác sờ nắn, rũ rũ chiếc áo. Tên tự giác khác bắt gã tù giơ hai tay lên cao, quay trước, quay sau.

– Cởi quần ra!

Gã tù trút bỏ chiếc quần ni-lông ra. Lại sờ nắn, rũ rũ.

– Báo cáo ông, không có gì.

Tên quản giáo nhăn mặt, nhíu mũi khi nhìn thân hình ghẻ lở, loang lổ mủ máu. Thấy dáng điệu gã có vẻ hồi hộp, hắn quát:

– Cởi quần đùi ra!

Gã tù lom khom cởi nốt chiếc quần đùi, mặt tái nhợt, hai tay úp che hạ bộ.

– Bắt nó chổng mông lên! Nhìn lỗ đít nó xem có gì không!

Hai tên tự giác ấn gã tù chổng mông. Rồi một tên ngồi xuống, lấy hai tay vạch hậu môn, nhìn vào. Phát hiện thấy có vật gì trong đó, hắn quát:

– Rặn mạnh ra!

Loay hoay một lúc, hắn lôi ra một cục ni-lông tròn, dài.

– Báo cáo ông, thuốc lào!

Tên quản giáo đắc ý:

– Mày qua mắt ông nội mày thế nào được! Con muỗi bay qua, ông cũng phân biệt được con nào là con đực, con nào là con cái. Nhìn cái điệu của mày, ông đã biết thể nào cũng có vấn đề. Mày ở ngoài là nhà báo, mày không đọc được nội quy sao?

– Thưa ông, giải quyết thằng này thế nào?

Một tên tự giác khúm núm hỏi.

– Tịch thu toàn bộ quà. Bắt nó nuốt chỗ thuốc lào ấy! Mày nhét vào lỗ đít, tưởng qua mắt nổi ông. Bây giờ ông nhét vào lỗ mồm này!

Một tên tự giác nhanh như cắt, bưng ngay chỗ quà vào buồng. Gã tù hoảng sợ, van lạy:

– Xin ông tha cho lần này. Lâu lắm cháu mới được vợ gửi cho ít quà. Lần này cháu chót dại. Cháu xin thề không bao giờ dám vi phạm nữa. Ông phạt cháu nuốt chỗ thuốc lào. Cháu xin tuân lệnh nuốt ngay.

– Lệnh thu là thu. Nhét chỗ thuốc lào vào mõm nó!

Lão già đứng lên, ôn tồn:

– Báo cáo cán bộ, Nuốt hết chỗ thuốc lào ấy, anh ta có thể chết vì ngộ độc ni-cô-tin.

Tên quản giáo nhìn lão từ đầu tới chân, đằng đằng sát khí:

– Không phải việc của anh, im mồm! Phải xác định rõ vị trí của anh! Anh là một thằng tù!

-Tôi lúc nào cũng xác định ranh giới. Tôi là tù, ông là người coi tù. Chỉ vì tôi sợ ông gây ra án mạng nên mới nói.

– Chuyện gì vậy?

Một tên công an tuổi chạc ngũ tuần, đeo hàm thiếu tá, bộ quần áo ka ki vàng là thẳng nếp, giày đen bóng loáng, vừa bước tới, vừa hỏi.

Mấy tên tự giác cung kính:

– Chào Ban ạ, chào Ban ạ.

Tên quản giáo thay đổi hẳn nét mặt, lễ phép:

– Báo cáo thủ trưởng, tên phạm này ra gặp gia đình, lén lút mang thuốc lào vào…

– Cắt bốn tháng không cho nhận quà, gặp gia đình. Còn thuốc lào, ném xuống cống!

Tên chánh giám thị Hỏa-Lò bước vào phòng. Tên quản giáo nhanh nhẹn kéo ghế:

– Mời thủ trưởng ngồi.

Y không nói gì, ngồi xuống, nhìn về phía lão già:

– Anh kia vào đây!

Lão già lẳng lặng, xách bị bước vào, đứng cách tên chánh giám thị chừng ba thước, theo đúng quy định.

Tên chánh giám thị nhìn vào cái bị con của lão, hỏi:

– Đồ đạc của anh chỉ có thế?

Lão già mặt lạnh như tiền:

– Tôi là vô sản, vô sản quốc tế. Ngoài hai bộ đồ che thân, không có gì khác. Không vợ con. Không tiếp tế. Không ngày về. Ba không.

Tên chánh giám thị gật gù:

– Anh xác định thế là tốt. Anh có hiểu tại sao anh chuyển từ xà lim ra đây không?

– Đời tù, việc chuyển buồng, chuyển trại là chuyện bình thường. Tôi không tìm hiểu lý do.

– Tôi được báo cáo là anh thường xuyên kích động bọn tử tù hò reo, hoan hô Hoàng-văn-Hoan, hoan hô đại quân Trung-Quốc tiến sang giải phóng Việt-Nam. Anh có biết tội đó có thể đem truy tố?

– Hoàn toàn sai sự thật. Hoàng-văn-Hoan, ngay cả lúc nó còn là một tên đứng thứ năm trong Bộ Chính Trị, đầy quyền lực, tôi đã coi nó chẳng ra gì. Khi làm cách mạng, nó toàn sống ở Tầu, ở Thái-Lan, không hề bị Pháp bỏ tù ngày nào. Bây giờ phản cách mạng, cũng lại trốn sang Bắc-Kinh mới phản. Còn lũ Tầu, thời cả Tầu Tưởng tôi cũng không ưa. Tầu Mao thời tôi càng kinh tởm. Trước kia, tôi chưa bao giờ tặng hoa, ôm hôn thắm thiết chúng cả. Bây giờ, tại sao tôi lại phải kích động bọn tử tù hoan hô lũ đó? Hơn nữa, chúng hò reo, rung cùm ầm ầm, cả xà-lim mất ngủ. Mọi người, kể cả tôi, can ngăn nhiều lần không được. Ông có thể hỏi tất cả xà-lim, xem có đúng như tôi nói không.

Tên chánh giám thị có vẻ suy nghĩ. Một lúc, hắn nói:

– Các đồng chí trên Bộ đã cho tôi biết về anh. Tóm lại, tôi chỉ khuyên anh là đã vào đây thì đừng chống đối nữa. Như thế có lợi cho anh. Đừng để cho chúng tôi phải xuống tay. Các cán bộ báo cáo với tôi là anh bướng lắm. Anh phải biết rằng vào Hỏa-Lò này đến thép cũng chảy!

Lão già giọng dắn dỏi:

– Tôi chống đối là chống đối Chủ Nghĩa Mác-Lê, chống đối cái chế độ xây dựng trên chủ nghĩa ấy. Đó chỉ là một sự bất đồng về quan điểm chính trị. Ở một xã hội dân chủ bình thường, tôi không thể bị bắt giam. Mục tiêu của tôi là thế. Chứ không phải là vào cái Hỏa-Lò này để chống lại mấy ông quản lý trại giam. Tôi ở đây đã gần ba năm, chưa bao giờ vi phạm nội quy, chưa bao giờ có lời nói hoặc thái độ nào coi thường các cán bộ. Có thể chỉ vì tôi không xưng cháu với các ông ấy, nên bị coi là bướng bỉnh. Hôm nay, nhân gặp ông đây, tôi xin nói thẳng. Mục đích cải tạo là để tội phạm trở thành người tốt, có nhân cách. Phạm nhân luôn xưng cháu với các cán bộ có khi còn ít tuổi hơn họ nhiều, là họ đã tự bỏ mất nhân cách của họ. Cần phải cấm, không cho họ xưng hô quỵ lụy như thế. Nghĩa là bắt họ phải tự trọng, giữ lấy tư cách làm người. Sau đó mới cải tạo những thói hư, tật xấu của họ được.

– Chúng tôi không ai bắt họ phải xưng như thế cả. Trong nội quy cũng không có điều lệ này. Thôi được, dịp khác, tôi sẽ nói chuyện nhiều với anh.

Nói xong, tên chánh giám thị rời khỏi buồng.

Mấy tên tự giác xun xoe:

– Chào Ban ạ, chào Ban ạ.

Tên quản giáo, mặt hầm hầm, quát mấy tên tự giác:

– Khám đồ của nó, rồi tống vào phòng. Cho nó chung thân nằm “nhà mét” (nhà vệ sinh).

Dứt lời, hắn đùng đùng bỏ đi.

Khám xét xong, một tên tự giác dẫn lão già vào phòng. Vừa bước vào khỏi cửa, một tên tù đã ôm chầm lấy lão:

– Trời, Đại ca! Bảy năm rồi, bây giờ mới được gặp lại đại ca! Đại ca còn nhớ em không?

Lão già ngạc nhiên, vui mừng:

– Ủa, mày lại vào tù nữa! Đúng tù là nhà!

Gã tù nắm lấy hai vai lão, lắc lắc:

– Đại ca trông già đi nhiều, râu tóc bạc cả. Nhưng tác phong vẫn như xưa. Ung dung, đàng hoàng. Ăn nói đâu ra đó. Tên chánh giám thị cũng phải nể. Người khác thì đời đã ra nước với nó rồi!

Một tên tù đứng bên, trầm trồ:

– Cháu ở tù bao năm chưa thấy ai dám nói như ông chú cả. Chúng cháu trong này nghe sướng cả lỗ tai! Lão chánh giám thị khét tiếng là bạo chúa ở Hỏa-Lò này, ai cũng khiếp sợ. Thế mà ông chú xem khinh. Nể ông chú thật!

– Thôi, chúng mày lui ra hết, để đại ca tao nghỉ ngơi. Đại ca có muốn tắm không? Em bảo bọn tự giác xách vào một thùng nước.

Lão già lắc đầu:

– Hậu xét, hậu xét. Có thuốc lào không? Tao ghiền quá! Bao lâu nay không được “hơi” nào!

Gã đàn em quay sang bảo một tên tù khác đương đứng nhìn lão chăm chăm:

– Cuộn một vê thật to. Nhanh lên!

Tên tù vội vàng chạy vào nhà mét. Một lúc gã đem ra một điếu xâu kèn cuộn bằng giấy báo.

Gã tù đàn em trỏ một tên:

– Ra cửa ngó. Có gì báo động ngay. Còn đại ca theo em. Thuốc lào Vĩnh-Bảo chính hiệu đấy!

Gã đưa lão vào nhà mét. Đó là một khoảng rộng độ ba thước vuông. Có tường ngăn, không có cửa. Tuy vừa cọ rửa xong, nhưng vẫn nồng nặc một mùi tanh buồn nôn.

– Đại ca dựa vào tường. Lâu không hút, sẽ kềnh đấy!

Một tên tù khác đi vào, tay cầm một mẩu nhựa bẻ từ cán một bàn chải đánh răng, một mảnh giấy xi măng dùng làm đóm, một mẩu bông xé tơi. Hắn cúi xuống, lấy ở xó tường, một mảnh thủy tinh con. Hắn để miếng bông lên bệ cầu tiêu, dùng mảnh thủy tinh bật vào miếng nhựa có gắn một viên đá lửa. Tia lửa bật ra, bén vào miếng bông, bùng cháy. Nhanh như cắt, hắn châm mảnh giấy vào lửa, đưa lên miệng lão già. Lão hít một hơi dài, lảo đảo…

– Đại ca để em đỡ. Cứ đứng yên.

– Mắt lão nhắm lại. Người lão nhẹ lâng, bồng bềnh trên những đợt sóng không khí, rung rinh, tối xầm. Mồ hôi trên trán lấm tấm. Mắt lờ đờ, dại đi. Miệng lắp bắp: “Say… Say… Say… ”

Hai gã tù cười thích thú:

– Đúng là “đưa hồn say về tận cuối trời quên!”

Vài phút sau, lão trở về với thực tại, lảo đảo bước ra khỏi nhà mét.

Trong phòng, vào giờ hành chính, mấy trăm tù ngồi bó gối, xếp hàng đầy cả hai bên sàn nằm. Tên đàn em mời lão ngồi cạnh gã. Tên trực trong to đùng như một con gấu, đi lại phía cửa, hùng dũng, oai vệ.

Lão già hỏi tên đàn em:

– Đứa nào là trưởng phòng?

-Thằng khám đại ca, đưa đại ca vào là trưởng phòng đấy. Nhưng tất cả bọn tự giác đều là “nô lệ” của em. Em điều khiển tất cả. Chúng nó gọi em là “Tù Trưởng”.

– Phòng đông như thế này có bao nhiêu tự giác?

– Một trưởng phòng coi sóc chung. Một trực trong, giữ trật tự trong buồng. Ba trực ngoài để hầu hạ quản giáo, để khám xét tù đi cung về hoặc tù mới vào. Hai thằng nữa lo việc chia cơm, rửa bát. Tất cả bảy thằng. Chúng nó ở ngoài đều là cán bộ cả. Can tội tham ô, hối lộ, ăn cắp của công, thông dâm, hủ hóa, bị chộp vào đây.

– Đông khiếp thế này thì ăn nằm vào đâu?

Tù trưởng chửi:

– Đ… mẹ cái thằng Phạm-Hùng. Từ ngày nó thay thằng Trần-quốc-Hoàn, bị mất chức vì để xổng mất Hoàng-văn-Hoan, nó tuyên bố sẽ biến Hà-Nội với các thành phố khác trong như pha lê. Nó càn quét dữ dội, gom lại cho đi “tập bọp” hết. Nó nói là nó bắt không tính đến số lượng. Em cũng bị hốt vào đây trong dịp này đấy, dù em có phạm pháp gì đâu! Muốn sống lương thiện cũng không nổi, đại ca ạ!

– Chuẩn bị ra ăn! Lần lượt từng đứa một! Cởi hết quần áo, chỉ được mặc quần đùi!

Tên trực trong ra lệnh, tiếng oang oang như lệnh vỡ.

Mấy tên tù ngấp nghé nhìn ra đã biết sáng nay vừa có bánh mì, vừa có bo bo, thầm thì kháo nhau, thành cả phòng đều biết. Thằng nào ra trước sẽ vớ được bánh mì. Đám tù vội vã trút bỏ quần áo, đổ xô chen nhau ra. Tên trực trong đấm hộc máu mồm mấy đứa, chúng mới dừng lại. Nhưng vẫn chen lấn nhau để ngoi lên trước.

– Đại ca bỏ quần áo ra. Đây là lệnh ban giám thị, để đề phòng giấu gạch đá, mảnh chai, kim khí vào giết nhau. Nhưng chủ yếu là để bảo đảm an toàn cho bọn quản giáo.

Lão già, tù trưởng, cùng bốn đàn em của tù trưởng, đi tới đâu, bọn tù dạt ra tới đó. Sáu người ra sân đầu tiên. Mỗi người lấy một bánh mì con và một bát nước muối. Đám tù xếp thành hai hàng ngang một, ngồi đối diện nhau. Hàng chục hàng như vậy, ngồi đầy cả sân. Một đống túi ni-lông đựng thịt, cá, ruốc, muối vừng của những người có tiếp tế đã được đổ xuống sân từ một bao tải to. Một tên tự giác cầm từng túi một, đưa cao lên, hô:

– Của thằng nào?

Các túi đều có dấu riêng. Ai nhận ra của mình thì tay giơ cao, miệng nói lớn “Của em”. Tên tự giác ném vèo tới chỗ người đó. Đám tù ngồi ăn ngấu nghiến. Kẻ nhai bánh mì, kẻ múc bo bo bằng những thìa nhôm đã bẻ gẫy cán (cán thìa có thể mài nhọn thành vũ khí, chọc thủng mắt).

Đây đó, những tiếng xì xầm:

– Thịt mỡ hấp dẫn quá! Đưa đây vài miếng. Lần sau có “tắc” (tiếp tế), giả gấp hai!

– Đồ bọ! Một thìa muối vừng cũng kẹo!

– Lần trước bố cho mày. Lần này có, định “quên” hả?

– Muốn ăn, thì đưa một vê thuốc lào đây!

– Đưa ruốc đây, sẽ có một viên Tétra trị lở!

Đột nhiên, “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa”. Những thằng tù no tiếp tế gia đình, ngừng ăn, trố mắt. Một cô gái, tuổi chừng đôi mươi, đương đi tới. Theo sau độ mươi thước là một mụ quản giáo, dáng dấp như một tên du côn. Cô gái trông mảnh mai, nét mặt trái soan, xanh nhợt, ủ ê, nhưng khá đẹp. Một tên tự giác đứng canh đám tù ngồi ăn, khi cô gái đi tới gần, gã nhe răng, nhăn nhở:

– Em làm nghề “lấy lỗ làm lãi” phải không?

Một tên tù khác mắt hấp háy, toe toét:

-Trông thơm quá! Cho anh yêu một cái đi!

Cô gái đi ngang qua chỗ lão già ngồi ăn, làm lão ọe một cái, nôn ra một ít bánh mì. Một mùi tanh tưởi, tệ hơn mùi chuột chết, từ đũng quần cô gái, ập vào mũi lão.

Tên trực trong cười hềnh hệch:

– Loại “phò” này mà xốc nách nhấc bổng lên, lắc mạnh mấy cái, là rơi xuống đầy một sọt “gậy gộc”!

Cô gái lẳng lặng đi. Thoáng thấy mấy lá bánh chưng còn dính vài cục bánh con con, cô nhào tới rãnh nước, nhặt lên, đưa vào mồm, liếm lấy, liếm để.

Mụ quản giáo the thé:

– Con nhà thổ! Bà sẽ cùm mày lại!

Mụ chạy xốc tới, nắm mớ tóc bù xù của cô gái, giật mạnh, tát tới tấp. Cô gái lí nhí kêu lạy. Đám tù vô gia cư đói rạc, gầy giơ, từ nẫy vẫn gục mặt xuống ăn, không để ý gì tới xung quanh, nghe tiếng của mụ quản giáo, cũng phải ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn.

Bữa ăn kéo dài độ mươi phút. Đám tù như một đàn lợn, được lùa vào chuồng. Không rửa mồm. Không uống nước. Tất cả lại ngồi nghiêm chỉnh trên hai sàn xi măng.

Suốt ngày, ba đợt tù từ các nhà giam ở các quận Hai-Bà, Đống-Đa, Hoàn-Kiếm, Ba-Đình, chuyển tới. Phải tới ba chục tên. Tên nào, tên nấy, mặt mũi sưng vù, thâm bầm, đi đứng xiêu vẹo. Chúng đã được ăn đòn nhừ tử ở các quận.

Tên trưởng phòng bối rối, báo cáo với tên quản giáo:

– Thưa ông, phòng đã chật cứng, phải nằm cả trong nhà mét. Làm sao chứa được từng này người nữa?

Tên quản giáo chặc lưỡi:

– Phòng nào cũng như thế cả. Cứ ấn chúng nó vào! Vài hôm nữa sẽ có đợt chuyển trại.

Cơm chiều xong, coi như hết ngày. Tù ngồi la liệt khắp phòng. Dưới nền nhà dùng làm lối đi, rộng độ ba thước, cũng chật ních. Tiếng rầm rì nói chuyện của mấy trăm con người hợp thành một thứ âm thanh ồn ào, hỗn tạp. Mùi mủ máu lan tỏa, lợm giọng. Mùi mồ hôi bốc lên chua nồng như mùi bánh bao thiu, khiến mấy gã tù chết đói nuốt nước bọt, hỏi nhau:

– Đ… mẹ nó, mùi bánh bao ở đâu ấy nhỉ?

Lũ tù tự giác, tù trưởng và lũ đàn em, trải chiếu ra ở đầu phòng. Mỗi người một chiếu rộng 70 phân, chiếm một khoảng dài. Chúng ngồi quây quần thành một nhóm riêng biệt. Ở giữa là một bi-đông lớn trà nóng.

Tù trưởng đặt tay lên đùi lão già:

– Sao chân trái đại ca đi tập tễnh thế?

– Tao bị cùm trong xà-lim 8 tháng liền. Làm sao mà đi ngay thẳng được?

– Sao đại ca không đổi chân. Mỗi ngày cùm một chân có đỡ không.

Lão già vỗ vào vai hắn:

– Chú mày lầm rồi. Cùm một chân liên tục, cổ chân sẽ nhỏ đi. Đỡ bị cùm nghiến chặt. Đỡ đau. Không lo, chỉ vài tháng là chân tao trở lại bình thường.

Tù trưởng rót trà ra một ca men:

– Đại ca uống thử xem.Trà móc câu Tân-Cương đấy!

Lão già nhấp một hớp:

– Trà ngon thật. Nhưng độ nóng hơi kém. Giảm bớt giá trị.

Tên trưởng phòng giải thích:

– Đun sôi nửa tiếng rồi. Ủ vào chăn cũng nguội đi phần nào.

Lần lượt, theo tôn ti trật tự, tù trưởng, trưởng phòng cầm ca uống. Rồi đến bọn đàn em, bọn tự giác. Một tên giở một gói tướng thuốc lào, cuốn một điếu vào giấy báo, to, dài như điếu xì-gà. Gã xé tơi ít bông, đánh lửa, châm đìếu thuốc cho cháy, rồi kính trọng đưa cho tù trưởng.

Tù trưởng tươi cười:

– Kính lão đắc thọ. Mời đại ca. Đại ca rít cho thoải mái.

Lão già hít một hơi dài. Đầu điếu thuốc đỏ rực, cháy lem lém. Lão từ từ nhả khói ra, hãm một hớp nước trà. Điếu thuốc cũng theo đúng tôn ti trật tự, chuyền tay từng gã một. Khói thơm ngào ngạt. Hơn hai trăm cặp mắt nhìn chầm chập vào điếu thuốc, hau háu. Mấy phong bánh đậu xanh được bóc ra, ăn cho ngọt giọng.

Lão già, vuốt chòm râu bạc:

-Trong xà-lim, thỉnh thoảng có người đi cung, nhặt giấu được vài đầu mẩu thuốc lá mang về hút. Chúng nó phải tiết kiệm, “bỏ tù khói”, không một sợi khói nào lọt ra khỏi mũi!

Tù trưởng cười:

– Đôi khi khan hiếm, chúng em cũng “bỏ tù khói” như vậy. Tối nay, mời đại ca dùng mì tôm với thịt gà luộc. Đại ca ở đây, bọn em sẽ bồi dưỡng cho lại sức, để đại ca còn “trường kỳ kháng chiến”!

Lão già hơi nhíu mày:

– Chắc mày cùng lũ “đầu gấu” đây lại đánh đập, trấn lột của những người khác phải không?

-Không đâu! Bọn em dùng phương pháp khác. Chúng nó tự nguyện đưa cho bọn em thôi.

– Tự nguyện theo kiểu tư sản “tự nguyện” hiến nhà, hiến của, nông dân “tự nguyện” vào hợp tác xã, thanh niên “tự nguyện” nhập ngũ?

Tù trưởng cười khoái chí:

– Bọn em không đểu thế đâu! Bọn em dùng phương pháp trao đổi, hai bên cùng có lợi. Hàng của bọn em là thuốc lào. Ở Hỏa-Lò này quý hơn máu khô đấy! Thằng nào muốn được ngày bốn hơi: sáng 1, sau mỗi bữa ăn 1, tối 1, thì phải đưa thịt, đưa đường, đưa mì tôm ra. Đại ca biết, cái giống thuốc lào này nó lạ lắm. Ngửi thấy mùi khói là bị vật rồi. Thịt mỡ nốc vào, kẹo bánh “bành” rồi, nó càng vật vã, không chịu nổi.Thằng nào cũng tới lạy bọn em, xin trao đổi. Bọn em đã thống kê. Cả phòng này, chỉ độ bốn mươi tên can tội kinh tế là “quả tắc dầm” (tiếp tế to). Mấy chục tên nữa thời làng nhàng. Còn lại toàn bọn rận rệp, vô gia cư, đói vêu mõm chó cả. Thằng nào muốn có chỗ nằm thở được một chút, muốn có nước lau mình hàng ngày, thì quả tắc phải chia cho bọn em một nửa. Chúng nó có của. Chúng lấy của che thân là đúng quá!

Lão già khen:

– Thủ đoạn tương đối nhân đạo. Không đến nỗi như các phòng khác. Vừa đánh, vừa cướp để ăn.

Tên trưởng phòng, ở ngoài nguyên là một cán bộ đảng viên, lễ phép:

– Nghe nói cuộc đời bác tù tội triền miên vì chống đối. Xin bác kể cho chúng em nghe về “đời hoạt động của bác”.

Tù trưởng gạt đi:

– Để hôm khác. Hôm nay đại ca còn mệt. Tao chỉ nói qua cho bọn bay biết, không phải vô cớ mà một thằng như tao, đứt giây trên trời rơi xuống, có sợ ai đâu, mà lại đi tôn bác là đại ca. Hồi ở trại Phố-Lu, Lào-Cai, đại ca tao bị khóa cánh tiên nhiều lần, cho tới ngất xỉu, mà không bao giờ nói một câu, kêu một tiếng! Trong khi các tay lưu manh sừng sỏ, các dũng sĩ diệt Mỹ ra thăm miền Bắc, ngang ngổ đánh nhau với công an, bị đi tù, khi nếm cánh tiên đều hoá điên, hoá rồ. Lúc thì quỳ xuống kêu lạy, xin tha. Lúc thì thét lên, chửi cả Bác lẫn Đảng. Tao phục đại ca tao từ đó. Đây, tao thử khóa cánh tiên cho bọn mày coi.

Tù trưởng bảo tên trực trong to lớn, lực lưỡng đứng dậy. Gã cầm hai cổ tay, theo tư thế hai bàn tay ngửa ra phía ngoài, rồi gã bẻ mạnh quặt ra sau lưng. Tên trực trong rú lên một tiếng, vùng khỏi.

Tù trưởng cười nắc nẻ:

– Bố mới bẻ nhẹ một cái mà mày đã rú lên thế rồi! Còn khóa cánh tiên thực ấy à, phải hai thằng tù tự giác mới bẻ được hai cổ tay sát vào nhau, thằng thứ ba đưa khóa số 8 khóa lại. Không phải khóa ở cổ tay mà khóa ở phía trên, độ mươi phân. Tao còn nhớ một lần, vào mùa đông, không độ. Đại ca bị lột trần, chịu khóa như vậy giữa sân trại. Hai ngón tay còn bị buộc dây đồng, treo ngược lên hàng rào thép gai. Mồ hôi đại ca chảy ròng ròng toàn thân. Râu tóc ướt cả. Ai trông thấy cũng phải khiếp.

Cả đám, vẻ kính phục, nhìn lão già mình trần, xương sườn đội da, nhô lên như sóng gợn, râu tóc bạc phơ, mặt vêu vao, khắc khổ.

Lão già nhấp một hớp trà, thở dài:

– Chuyện cũ cả. Chúng ta còn phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng nhiều.

Tên trưởng phòng lấy ở dưới chiếu ra một tờ giấy trắng, một phong bì, một bút bi, nói nhỏ với tên tù trưởng:

– Tên quản giáo cho thằng Việt kiều ở Pháp viết thư. Tí nữa nó tới lấy.

– Giải quyết nhanh gọn đi!

Trưởng phòng vẫy tay, gọi một gã đã đứng tuổi, tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm, đương ngồi gãi ghẻ cách đấy dăm thước:

– Ê, lại đây!

Gã Việt kiều cao lênh khênh đứng dậy, bước len qua đám tù đương ngồi lau mủ máu trên người bằng những miếng giẻ to bằng bao diêm, lại bên trưởng phòng, ngồi xổm xuống.

– Viết thư về gia đình. Nhớ một cân trà búp, một cân thuốc lào, hai tút Điện-Biên, một cân mì chính, ba trăm đồng tiền mặt. Bảo gia đình, đưa tất cả cho người mang thư tới. Chớ có bép xép với ai mà tan đời đấy!

Gã Việt-kiều buồn rầu:

– Tất cả là một năm lương của vợ em!

Tên trưởng phòng gằn giọng:

– Mày là được chiếu cố nhất đấy. Các bố đây còn hao tài tốn của gấp mấy! Tiếc, thì đưa lại giấy bút đây! Muốn làm tự giác, mà lại tiếc của!

– Em nói thế thôi. Đâu dám tiếc gì!

– Biết điều như thế thì được. Ngồi ngay ở đây viết. Ngắn gọn thôi!

Lão già thương hại, nói với trưởng phòng:

-Trông anh ta lờ đờ lắm. Cho anh ta uống một ngụm trà cho tỉnh táo, rồi hãy viết.

Trưởng phòng dốc một tí trà còn sót lại trong bi-đông ra:

– Uống đi!

Lão già ôn tồn nói:

– Anh cứ ngồi hẳn xuống. Anh ở Pháp về nước lâu chưa? Ở ngoài làm cơ quan nào? Sao bị đưa vào đây?

Chắc đây là lần đầu tiên được một người khác thăm hỏi tới số phận mình bằng một giọng tử tế, lại cho uống trà, ngồi bình đẳng ở chỗ mà không một tù nhân nào khác dám bén mảng tới, gã Việt-kiều sốt sắng trình bầy:

– Thưa bác, em là kỹ sư, làm việc ở Montpellier. Đất nước thống nhất được khoảng bốn năm thì vợ chồng em trở về. Em học và làm việc ở Pháp từ năm 1964. Em nghĩ về nước là để tái thiết tổ quốc sau bao năm chiến tranh. Em được xếp vào làm việc ở nhà máy Trần-Hưng-Đạo. Nhà em cũng được làm kế toán ở đó. Đồng lương tuy ít ỏi, thiếu thốn, nhưng vợ chồng em không phàn nàn gì. Em chỉ phê bình lãnh đạo nhà máy vài lần, góp ý với họ cải tiến lề lối làm việc. Họ không nghe, còn bắt em làm kiểm điểm, đưa em ra cuộc họp nhiều lần, phê phán em tiêm nhiễm nặng tư tưởng tư sản. Cô đầm ở sứ quán Pháp, quen vợ chồng em từ Pháp, thường tới nhà em chơi, đôi khi dẫn em vào sứ quán khiêu vũ. Họ kết tội em là tác phong đồi trụy, liên lạc với người nước ngoài. Em chán nản, bực bội, nhờ ông anh ruột em là một cán bộ đảng viên cao cấp, giúp vợ chồng em trở về Pháp. Ông ấy sửng cồ, mắng em là ngu như bò. Trước kia, ông ấy có viết thư cho em, dặn là nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định về nước. Em không hiểu ý, cứ về. Ông ấy nói với em là ông ấy không có quyền, muốn đi Pháp thì cứ làm đơn xin đi. Em làm đơn và bị bắt vào đây đã sáu tháng nay. Ông chấp pháp hỏi cung em, buộc cho em đủ các thứ tội. Nào cố tình phá hoại uy tín của lãnh đạo nhà máy. Nào kích động công nhân phản kháng. Nào làm gián điệp cho nước ngoài. Em trả lời là không hề có những chuyện đó. Ông ấy đập bàn bảo em ngoan cố và vặn em vì lý do gì đang sống ở Pháp sung sướng lại mò về? Em giải thích là vì lòng yêu nước, vì có nhiều cán bộ sang Pháp công tác, động viên em về xây dựng đất nước. Ông ấy chửi em là nói chó cũng không nghe được, là lý lẽ của em, trẻ con cũng không lừa được, mà định đem lừa cách mạng!

Nghe gã Việt-kiều kể lể, đám đầu gấu, đám tự giác ôm bụng cười lăn, cười bò ra, như được nghe một chuyện tiếu lâm lý thú.

– Sao ở đời có thằng ngu đến như vậy được!

– Đầu óc chứa toàn bã đậu. Chữ nghĩa nhét vào, uổng mẹ nó cả!

– Thật là cơm không ăn, ăn cứt!

Lão già đợi dứt trận cười, mới ái ngại nói:

– Chắc bây giờ anh đã hiểu thế nào là chủ nghĩa xã hội, là học thuyết cộng sản. Anh không phải là người đầu tiên. Mà cũng không phải là người cuối cùng.

Gã Việt-kiều ngước mắt nhìn, mặt trang trọng:

– Xã hội khủng khiếp này không phải là xã hội mà Các-Mác định kiến tạo. Mác-Lê đã bị phản bội! Nếu Hồ-chủ-Tịch còn sống, nhất định không có những chuyện như thế này!

Lại một trận cười thứ hai rộ lên. Lần này, lão già vốn chẳng bao giờ cười, cũng phải phì cười, lắc đầu:

– Thôi, anh viết thư đi. Hãy cố gắng kiên nhẫn chịu đựng. Không có cách nào khác.

Tù trưởng cầm miếng các-tông, quạt phành phạch:

– Cho loại này uống, phí cả trà. Viết nhanh, rồi biến đi!

Trưởng phòng lau mồ hôi nhễ nhại, nhìn chiếc quạt trần cao chót vót lừ đừ quay, như hết hơi:

– Treo cái quạt này làm đéo gì! Đ… mẹ chúng nó, chơi khăm thật! Cùng ở Hỏa-Lò cả, mà quạt ở các buồng quản giáo thì vù vù như vũ bão!

Tù trưởng cười khẩy:

– Muốn vù vù thì đợi tới mùa đông, sẽ được vù vù! Bỏ mẹ những thằng nằm dưới, chăn chiếu không có!

Vài phút sau, gã trí thức Việt-kiều viết xong thư, bỏ vào phong bì, đưa cho trưởng phòng.

Một lúc, có tiếng tên quản giáo ở cửa, hách dịch:

– Trưởng phòng đâu!

– Dạ, có cháu!

Tên trưởng phòng chạy ra cửa, đưa phong thư qua song sắt:

– Tất cả viết theo đúng yêu cầu của ông.

Tên quản giáo dúi cho gã một gói to thuốc lào:

– Nhớ tuyệt đối bí mật, tôi đi ngay.

– Cám ơn ông, ông yên tâm. Được ông giúp thế này là đại phúc cho nó lắm rồi!

Trưởng phòng đưa gói thuốc lào cho tù trưởng cất giấu.

Trong nhà mét, một gã đầu gấu đã nổi lửa đun một xoong lớn nước sôi. Nhiên liệu là những mảnh chăn rách quấn ni-lông. Mùi khét lẹt lan ra khắp phòng. “Cuộc chiến đấu” rất nhanh gọn. Chỉ mươi phút sau là hơn chục bát mì tôm đã hoàn tất. Toàn thể đám đầu gấu, tự giác ngồi thành một vòng tròn, xộp xoạp múc ăn. Một tên tù đứng canh ở cửa để báo động.

Tù trưởng gắp một đùi gà luộc, bỏ vào bát lão già:

– Tối nào cũng một bữa thế này, cộng với một ca nước chanh đường, là thừa ca lo để chiến đấu!

– Tao lâu lắm chỉ ăn tiêu chuẩn trại. Ăn thế này có khi lạ bụng, bị Tào-Tháo đuổi mất!

– Chúng em có thuốc. Đại ca không lo.

Trưởng phòng vui vẻ:

– Tối nay, thư tới nhà. Vài hôm nữa, chúng ta sẽ có một cân thuốc lào, tha hồ đổi chác! Lũ mới vào hôm nay, có mấy thằng có quần bò. Xếp dặn là phải lấy cho xếp. Một dúm thuốc lào là xong thôi.

Tù trưởng bực dọc:

– Tên quản giáo này thực tham lam tới mức chó má, lưu manh quá lưu manh. Bắt nó phải nhả ra mấy bao Điện-Biên!

– Thuốc lá đối với chúng ta nhạt phèo. Hút vào, chỉ chua miệng. Thích thì cũng có. Không hiểu tại sao điếu thuốc có gì là quan trọng mà phải cấm dữ đến thế. Cơn nghiện lên, bao vụ chọc mắt, cắt gân, giết nhau cũng chỉ vì tí khói!

Lão già trầm ngâm:

– Dễ hiểu thôi. Hỏa-Lò là nơi tạm giam để thẩm vấn. Khi chấp pháp gọi đi cung, cho hút một điếu, được coi như một sự đối xử tử tế, một ân huệ, ảnh hưởng tốt tới tâm lý phạm nhân. Như thế, thuận lợi cho việc cung kẹo hơn. Chính vì lẽ đó, chỉ riêng những trại tạm giam mới nghiêm cấm. Điếu thuốc trở thành một trong những biện pháp để khai thác cung.

Trưởng phòng “À” một tiếng:

– Bác giải thích, bọn em mới vỡ lẽ. Đòn hiểm thật!

Một tên tù ở nhà mét ra. Lừ đừ đi được dăm bước, tự nhiên ngã uỵch xuống, như một cây gỗ đổ, ngất xỉu. Những tiếng cười vang lên:

– Bị ma đói vật rồi!

– Con ma này thiêng thật! Ngày nào cũng vật vài thằng như thế.

Lão già đứng dậy:

– Để tao lại xem nó thế nào.

Tù trưởng gạt đi:

– Ở đây nhiều tên không tắc, tự nhiên lăn đùng ra như thế. Chỉ một lúc là nó tỉnh lại thôi. Mấy tháng đầu, đứa nào cũng bị. Sau dạ dầy teo lại, quen với cái đói, là hết. Đại ca không cần bận tâm.

– Cứ để tao xem nó thế nào. Tao không nỡ bỏ mặc nó như thế.

Lão già đi tới chỗ tên bị ngất, ngồi xuống cạnh hắn, cầm tay bắt mạch, rồi lay gọi. Một lúc, hắn mở mắt tỉnh lại. Lão đỡ hắn ngồi dậy:

– Anh thấy trong người thế nào?

Hắn thều thào:

– Cháu thường tự dưng tối xầm mặt mày, ngã ngất như thế này.

– Gia đình có tiếp tế cho anh không?

– Bố mẹ cháu đã chết. Cháu vào tù, vợ cháu phải nuôi hai con nhỏ. Không đi tiếp tế được.

Thấy hắn quá yếu. Lão cho hắn ngồi dựa vào tường:

– Anh hãy tạm ngồi nghỉ. Hết choáng váng hãy đứng dậy.

Lão già trở lại chỗ, nói với tù trưởng:

– Mày nói đúng, nó chỉ có bệnh đói thôi! Tao muốn mày cho nó một ca nước đường.

– Vâng, chuyện ấy dễ thôi.

Lão lại chỗ gã tù đương ngồi dựa vào tường, mặt mày nhợt nhạt.

– Đứng dậy, tôi đỡ đi.

Hắn chống tay vào đầu gối, đứng lên. Lão dìu tới chỗ tù trưởng, để hắn ngồi xuống. Sau khi uống ừng ực hết ca nước đường, hắn tỉnh táo ra:

– Cháu thấy đỡ nhiều lắm.

Lão già thương hại:

– Anh vào đây lâu chưa?

– Thưa bác, tám tháng rồi.

– Anh can tội gì?

Gã rơm rớm nước mắt, kể lể:

– Cháu có tội gì đâu. Cháu biết nghề sửa chữa đồng hồ. Nhưng không có cửa hiệu. Cháu phải dùng xe đạp mang đồ nghề theo, dạo quanh các phố rao mời. Cháu vẫn thường rao to “Đồng hồ nhanh, chậm, hỏng vỡ. Ai cần sửa chữa!” Một hôm, giời xui, đất khiến thế nào, cháu lại rao ngắn gọn lại “hồ hỏng, hồ vỡ, sửa chữa”. Đi rao thế được vài phố thì bị công an bắt vào đồn. Họ kết tội cháu dám xúc phạm tới Hồ-Chủ-Tịch. Sau đó họ giải cháu tới Hoả Lò này. Ông chấp pháp hỏi cung cháu, bắt cháu phải nhận có ý đồ phản động, xỏ xiên lãnh tụ, khi rao như vậy. Ông ấy bảo la ầm cả phố lên “ hồ hỏng, hồ vỡ, sửa chữa “, rõ rệt là có dụng ý xấu. Cháu thanh minh là cháu rao ngắn lại thế cho đỡ mệt, vì hôm ấy cháu bị ho, chứ trước đó, cháu có rao như thế bao giờ đâu. Cháu lạy van ông ấy là cháu chỉ vô tình thôi. Cháu còn 2 con nhỏ phải nuôi. Đâu dám làm chuyện tầy trời xúc phạm Hồ-Chủ-Tịch. Ông ấy bảo nếu nhận là cố ý, Đảng sẽ khoan hồng, cho về với vợ con. Cháu tin ông ấy, cháu nhận tội và ký vào biên bản. Không hiểu sao cháu vẫn cứ bị giam ở đây. Không biết vợ con cháu bây giờ ra sao.

Nói tới đấy, hắn khóc nấc lên.

Trưởng phòng chép miệng:

– Chẳng thà tù như bọn tao, tiêu tiền của nhà nước thoải mái. Vợ con cũng được nhờ. Đi tù cũng cam. Còn tù vớ vẩn như bọn mày thì thật chán mớ đời! Nhưng tại sao lại ngu đi ký vào biên bản, nhận cái tội chết người đó?

Lão già thở dài:

– Tội này, nhận hay không, cũng vậy. Nếu không xử thì cũng tập trung.

Lão quay sang gã “hồ hỏng, hồ vỡ”:

– Thế anh không quen biết ai ở phòng này à?

– Cháu chỉ quen có bác xích lô già nằm cạnh cháu. Mà vào đây mới quen. Cháu với bác ấy nằm cạnh nhau.

– Nằm ở chỗ nào?

– Nằm trong nhà mét đã ba hôm nay rồi.

Trưởng phòng mắng:

– Nói láo! Nhà mét chỉ những tên mới tới bị nằm, thay thế những đứa đã nằm. Chúng mày ở lâu rồi, sao lại phải nằm đó?

– Thưa anh, em không dám đặt điều. Chỗ của em và bác xích lô vốn ở xa nhà mét, gần giữa phòng. Nhưng cách đây ba hôm, có hai anh bắt phải vào nằm nhà mét thay họ. Họ dọa, nếu báo cáo với trưởng phòng, họ sẽ cho tan xương.

Trưởng phòng mặt đỏ bừng:

– Hai thằng nào, chỉ mặt cho tao biết. Chúng ăn gan hùm, mật gấu hay sao mà dám quậy như vậy! Không sợ, chỉ ngay!

Gã “hồ hỏng, hồ vỡ” dẫn trưởng phòng tới chỗ hai thanh niên mặc quần áo bộ đội, can tội đột nhập sứ quán Pháp “đánh quả” (ăn trộm). Chúng mới bị bắt mấy hôm, nên trông còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh.

Trưởng phòng quát:

– Hai thằng theo tao!

Chúng lừ lừ đi theo, rồi ngồi bệt xuống lòng sàn.

Tù trưởng cười gằn:

– Chúng mày chiếm chỗ của thằng này với lão già xích lô phải không?

– Thưa anh, không. Thằng này nói bậy đấy ạ.

Trưởng phòng quát to:

– Lão già xích lô đâu, lại đây!

Từ dưới nhà mét, một ông già độ sáu mươi tuổi, râu tóc bờm xờm, mắt đầy nhử, miệng ho xù xụ, lờ đờ đi tới.

– Có phải hai thằng này bắt mày vào nằm nhà mét không?

Lão xích lô run run:

– Thưa các anh, đúng thế ạ.

Tù trưởng đứng phắt dậy, phóng một cú song phi vào mặt hai tên thanh niên. Cả hai ngã ngửa người, đập đầu xuống đất.

– Quỳ xuống!

Hai tên lóp ngóp bò dậy, quỳ gối xuống sàn nhà.

– Trực trong, cho mỗi thằng mười gót vào lưng!

Ra lệnh xong, tù trưởng trở lại ngồi cạnh đại ca của gã, mặt vẫn bừng bừng tức giận. Tên trực trong khệ nệ đứng dậy:

– Hai con úp mặt xuống đây, để bố cho thưởng thức món “chân giò”.

Hai gã lưỡng lự, rồi đành tuân lệnh.

Tên trực trong giơ bàn chân khổng lồ lên, giáng gót xuống lưng từng tên một. Cả phòng im phăng phắc, theo rõi cuộc trừng phạt. Những tiếng “ự, ự” vang lên. Hai cái lưng oằn lên, hạ xuống. Mỗi tên chịu độ ba gót, thì lão già ngăn lại:

– Thôi tha cho chúng.

Lão nói nhỏ với tù trưởng:

– Đánh nữa, nhỡ có thằng lăn ra chết, thì mày bị tử hình.

Tên trực trong ngừng lại, toe toét:

– Nhớ, còn bảy “chân giò” án treo!

Hai tên đứng dậy, mắt long lên những ánh căm hờn.Tù trưởng nhẩy vọt tới, nhanh như chầy máy, cho mỗi tên một đấm như trời giáng vào ngực. Cả hai ngã gục xuống.

– Chúng mày tỏ ra căm hờn à! Bố sẽ đánh cho chúng mày tiêu tan hết căm hờn, tiêu tan hết chí phục thù!

Hai tên lóp ngóp đứng dậy, cuống quýt:

– Chúng em có dám căm hờn đâu. Lạy anh, anh tha cho chúng em.

– Chúng mày phải nhớ rằng ở đây, thằng ngu ngơ, tao đánh cho thành thông minh. Thằng thông minh, tao đánh cho thành ngu ngơ. Thằng nhanh nhẩu, tao đánh cho thành lờ đờ. Thằng lờ đờ, tao đánh cho thành nhanh nhẩu.

– Chúng em biết uy của đàn anh rồi. Xin đàn anh tha cho.

Trưởng phòng ra lệnh:

– Phạt chúng mày nằm nhà mét một tuần! Biến cho khuất mắt!

Hai tên lủi thủi bước về phía nhà mét cuối phòng.

Lão già xích lô nhìn đại ca, ngập ngừng:

– Thưa bác, xin bác chỉ bảo cho cháu…

– Có điều gì, bác cứ nói. Bác nhiều tuổi rồi, cứ xưng tôi với tôi thôi.

– Vâng, thưa bác, tôi chỉ vì đạp xe trái luật, bị cảnh sát phạt hai chục đồng. Tôi không có đủ tiền nộp. Họ giữ xe tôi ở đồn mấy hôm. Vợ con tôi đói. Tôi lạy van, xin họ trả xe tôi, để tôi đi làm. Có tiền, tôi sẽ nộp phạt sau. Mấy ngày liền, tôi lên đồn cầu xin. Họ không chịu trả xe, còn xô đuổi tôi. Tôi uất quá, đứng trước cửa đồn kêu trời, kêu đất, kêu tên các ông Lê-Duẩn, Trường-Chinh, kể nỗi khổ của gia đình tôi. Thế là tôi bị giải vào đây. Đã mười bốn tháng rồi. Tôi không biết chữ, xin bác làm ơn, làm phúc viết giùm cái đơn xin nhà nước tha cho tôi.

– Cán bộ hỏi cung nói bác phạm tội gì? Bác có chửi bới gì không?

– Tôi đâu dám chửi bới! Tôi chỉ kêu trời, kêu đất, kêu tên các ông ấy thôi. Nhưng ông chấp pháp bảo là tôi đã lăng mạ các lãnh tụ. Tôi phải nói dối là lúc đó tôi say rượu, nên mới dại dột kêu la như thế. Ông chấp pháp mắng, bảo tôi say rượu, sao không lôi tên bố, tên mẹ ra mà kêu. Tôi khóc lóc, van xin ông ấy. Ông ấy bắt phải điểm chỉ vào biên bản nhận là đã lăng mạ lãnh tụ. Tôi không chịu. Đã tám tháng nay, tôi không bị đi cung nữa. Bác xem liệu tôi có được tha không?

– Bác trước có dính líu hoặc làm việc cho Pháp không?

– Không, tôi trước là cu li kéo xe đường Hà-Nội – Hà-Đông. Mấy chục năm nay thì đạp xích lô.

Lão già suy nghĩ:

– Tôi không chắc chắn. Nhưng may ra thì bác sẽ được tha. Còn việc làm đơn, thì bác phải xin phép quản giáo. Nếu được, tôi sẽ viết hộ bác. Gia đình có tiếp tế đều cho bác không?

– Vợ con tôi nghèo. Độ ba bốn tháng, mới có một lần.

– Thôi, bác đừng lo nghĩ quá. Cố kiên nhẫn chờ đợi. Có thể có hy vọng.

Ở ngoài sân, tiếng công an vũ trang quát lớn:

– 9 giờ rồi. Tất cả trật tự. Đi ngủ!

Tên trực trong đứng dậy, hô:

– Những thằng mới vào hôm nay, đứng ra góc kia! Còn tất cả nằm vào chỗ!

Ba chục tên mới vào trong ngày, chen chúc đứng ở một khoảng chỗ cửa ra vào, rộng độ 3 thước vuông. Đây là khoảng trống, không ai được phép nằm, ngồi, hoặc lảng vảng. Trừ trường hợp đi uống nước ở một thùng nước đặt phía ngoài song sắt.

Đám tù còn lại chen nhau nằm trên hai sàn, trên lối đi giữa phòng. Không một kẽ hở. Tất cả phải nằm úp thìa, chân co lại. Trong nhà mét, một chục tên nằm, ngồi, ngổn ngang.

Trực trong huấn thị:

– Những thằng mới vào nghe kỹ! Cấm khạc nhổ xuống sàn. Thằng nào vi phạm ăn năm chân giò vào ngực, bắt nuốt chỗ đờm nhổ ra, phạt nằm nhà mét một tuần. Thằng nào múc nước uống, lợi dụng nhúng tay ghẻ lở máu mủ vào thùng để rửa, hình phạt tương tự! Đây là giữ vệ sinh cho chúng mày. Chúng tao đã mang nước riêng vào để uống. Cấm ngặt đi tới chỗ tự giác nằm. Thằng nào vi phạm, một chục chân giò, nằm nhà mét một tháng! Trong bọn mày, những thằng tim la, nổ ống khói, sẽ xếp nằm vào một góc. Còn 36 điều nội quy, ngày mai chúng mày sẽ học. Hãy nhìn khẩu hiệu trên tường “Ba sạch: Ăn sạch. Ở sạch. Nội vụ sạch”. Phải chấp hành. Phòng 14 này là phòng tiên tiến của Hỏa-Lò.

Nói xong, trực trong bàn với trưởng phòng:

– Hơn ba chục tên, bây giờ nhét vào đâu?

– Đành phải lèn chúng nó vào bằng được!

Trực trong gọi từng tên một, chêm vào đống người:

– Dồn lại! Dồn lại!

Miệng hô, gót chân nện vào bụng, vào ngực những thằng đương nằm, cố có được một khoảng trống độ 15 phân để chêm được thêm một tên. Vất vả độ 15 phút, cũng chỉ thêm được 7 tên.

Trực trong lau mồ hôi, cười:

– Dùng phương pháp xếp chỗ bằng gót chân mà cũng chỉ được có thế. Số còn lại, bây giờ tính sao?

Trưởng phòng suy tính không ra, cuối cùng nói:

– Trước hết hãy tống mười thằng vào nhà mét, thay thế bọn đã nằm ở đó mấy đêm rồi.

Trực trong gọi bọn trong nhà mét ra, dẫn tám tên mới và hai tên bị ăn chân giò lúc nẫy vào. Trưởng phòng hội ý với bọn tự giác, bàn giải quyết hơn hai chục tên chưa có chỗ. Không ai tìm được “phương án” nào.

Tù trưởng vỗ trán nói:

– Tao có biện pháp! Cho chúng nó “tạc tượng”, nghĩa là đứng dựa lưng vào tường đêm nay. Đêm mai, sẽ thay lớp khác.

Cả bọn hớn hở, mặt mũi “tưng bừng ngày hội”.

– Một sáng kiến hay! Một sáng kiến vĩ đại!

Lập tức hơn hai chục “pho tượng” được đặt dọc theo hai bức tường, sau một đợt xê xích, co cụm của đống người.

Tù trưởng đắc ý nói với lão già:

– Thế là ổn! Tí nữa em buông màn, đại ca ngủ chung với em. Muỗi nhiều lắm. Lại rệp nữa. Nhưng từng này người, chúng đốt đến no thì cũng phải thôi!

– Thằng quản giáo bắt tao phải nằm nhà mét. Trái lệnh nó, anh em tự giác có bị lôi thôi không?

Trưởng phòng cười:

– Đêm nó còn ôm vợ nó. Làm sao nó biết được. Còn chuyện bẩm báo ngầm thì phòng này nghiêm lắm, không bao giờ xảy ra. Đối với bọn ăng-ten, chúng em rất Phát-xít. Hitler còn phải gọi bằng cụ tổ! Hơn nữa, nó đối với bọn em cũng cùng một phe. Dựa vào nhau mà sống cả.

Tên trực trong đứng dậy vươn vai:

– Thằng “chủ ngân hàng” đâu, đưa tao một ít đô la!

Một tên tự giác, đầu húi trọc, mắt ốc nhồi, lông mày chổi xể, đương nằm vỗ tay lên cái bụng phệ, ư ử nghêu ngao: “Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ, nó to… to ra…”. Nghe tiếng tên trực trong, hắn nặng nề nhỏm ngồi dậy, lấy ở đầu chiếu một tập, vừa giấy báo, vừa giấy xi-măng còn dính những hạt xôi khô cứng, hoặc loang lổ những vết dầu của muối vừng thấm vào.

Hắn đưa cho trực trong bốn mảnh giấy báo to bằng bàn tay, rồi nói lớn:

– Mười một giờ là ngân hàng đóng cửa. Quý vị nào cần ngoại tệ mạnh hãy lưu ý.

Tù trưởng cười:

– Đại ca có biết không, giấy chùi đít ở Hỏa-Lò còn quý hơn đô-la Mỹ. Để phòng việc thông cung, các loại giấy bị cấm ngặt. Mấy thằng trực ngoài lấy trộm những giấy gói đồ tiếp tế, mở ngân hàng kinh doanh. Đứa nào muốn dùng, phải có quà đấm mõm. Ngân hàng làm ăn khá phát đạt. Bọn vô gia cư thì coi khinh. Chúng lý luận là trâu bò có chùi đít đâu, mà vẫn sống nhăn răng, còn khỏe mạnh nữa. Khẩu hiệu của chúng là “ở bẩn, sống lâu”.

Lão già thở dài:

– Dân trí mình thấp quá nên mới tới nông nỗi này! Hết phong kiến đến thực dân, rồi bây giờ đến cộng sản! Không biết ngày nào mới thấy ánh sáng. Tao già rồi, nhiều lúc cũng nản lòng. Lớp trẻ lớn lên dưới chế độ phần đông tăm tối, hư hỏng…

– Cái gì cũng có thời của nó, đại ca ạ. Đêm mãi rồi cũng phải sáng. Chỉ cần một phần mười dân số như đại ca với em, thì độc tài phát-xít, độc tài cộng sản, chẳng thằng độc tài nào cai trị nổi! Cộng sản làm chủ đất nước, cũng như em đây làm chủ cái phòng này, là nhờ có bạo lực. Nhưng kinh nghiệm xương máu cho bọn đầu gấu chúng em biết cai trị bằng bạo lực chỉ hữu hiệu nhất thời, không bền. Ở các phòng khác, “đảo chính”, đâm chém xảy ra luôn. Em sở dĩ nắm chính quyền được ở đây đã bảy tháng nay, mà không xảy ra bạo loạn, là vì em rất giới hạn việc dùng bạo lực. Em không trấn lột ai, không lừa bịp ai, không đàn áp vô lý ai, xử phạt nghiêm minh. Nhiều khi còn che chở, giúp đỡ bọn rận rệp, tạo điều kiện cho tất cả được thoải mái đôi chút. Khi có nhiều thuốc lào, em vẫn phát cho cả phòng hút. Thằng nào ốm yếu, em miễn cho khỏi nằm nhà mét. Không để thằng nào bắt nạt thằng nào. Do đó, chúng sợ em mà không căm thù em. Em hơn cộng sản là ở chỗ đó! Cộng sản thì chỉ thuần túy dùng lừa bịp, áp chế, bạo lực. Chúng lừa bịp một cách trắng trợn, bạo lực một cách quá đáng. Chúng tồn tại không lâu nữa đâu. Đó là điều chắc chắn.

– Không ngờ đầu óc mày thông minh như vậy. Nhận định của mày đúng lắm. Nhưng cái “không lâu” của lịch sử nhiều khi cũng bằng cái “quá dài” của đời người. Hy vọng lớp tuổi mày sẽ thấy được ngày mai tươi đẹp. Lớp con cháu sẽ được cứu vớt.

– Cũng nhờ đại ca chỉ bảo trước kia. Bản chất em vốn không phải là thằng lưu manh. Em có bao giờ trộm cắp của tư nhân đâu. Em toàn đột các kho hàng của nhà nước. Chúng nó cướp của dân, em cướp lại của chúng nó một tí. Thấm thía gì! Nhưng từ khi gặp đại ca, em đã đi làm nghiêm chỉnh. Em tự kiểm điểm, em thấy em còn lương thiện gấp vạn lần bọn lãnh tụ Đảng!

– Ở một xã hội bình thường, mày có thể trở thành một nhân tài, vì mày rất thông minh. Nhưng thực tế của xã hội này cũng dạy cho mày những kiến thức quý báu mà nhiều đại trí thức không có. Xét cho cùng, cuộc sống là một cuốn sách vĩ đại nhất. Tất cả các cuốn sách khác đều sao chép từ nó. Nhưng thôi, tao muốn bàn với mày một chuyện thực tế. Tao thấy phòng quá chật, mà bọn mày nằm mỗi người một chiếu quá rộng. Có thể hy sinh một chút, hai người nằm một chiếu, được không?

– Đại ca lúc nào cũng nghĩ đến người khác. Một người tốt như đại ca mà suốt đời đi tù, chứng tỏ cái xã hội này nó xấu xa tới đâu. Em hoàn toàn đồng tình với đại ca. Ngày mai, em sẽ bảo trưởng phòng sắp xếp lại. Muộn rồi, chúng ta làm một hơi rồi buông màn ngủ.

Tù trưởng ngồi dậy, ra lệnh:

– Chuẩn bị bắn phát cuối cùng!

Bọn tự giác, bọn đầu gấu, xúm lai, ngồi thành một vòng tròn. Tên chuyên phụ trách vấn đề “khói lửa” giở bao thuốc, cuộn một điếu thực to, rung đùi, hát tếu: “Rất dài và rất to là những ngày thương nhớ. Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim yêu thương… Là trái tim yêu thương… Em đang mùa hành kinh, pháo anh đành tắc tị” *. Hắn xé tơi ít bông, lôi cái cán bàn chải có gắn đá lửa, chuẩn bị bật. Nhưng mảnh thủy tinh đã biến đâu mất. Lật tất cả các chiếu lên tìm, vẫn không thấy.

* Nguyên văn là “Rất dài và rất xa… Anh đang mùa hành quân pháo ngân dài chiến dịch.”

Trưởng phòng mắng:

– Không có nó lấy gì mà bật lửa. Làm ăn chẳng ra sao cả! Còn sáng mai nữa. Dậy không có một hơi, thì tỉnh thế đéo nào được!

Cả bọn nhìn tên phụ trách khói lửa, bực tức.

Tên này cằn nhằn:

– Đéo ai muốn thế! Rõ rệt là để dưới chiếu, chỗ này. Không hiểu sao nó bay đâu!

Lão già xua tay:

– Việc nhỏ, có cách giải quyết.

Dứt lời, lão lấy chiếc kính cận đập mạnh xuống sàn xi-măng. Mắt kính vỡ thành nhiều mảnh. Tù trưởng ngăn lại không kịp.

– Không có kính, đại ca lấy gì mà đọc.

Lão già điềm đạm:

– Có gì đâu mà đọc. Nhìn rõ, nhìn lờ mờ cũng vậy thôi. Cả ngày, cả đêm ở trong phòng này, cần gì đến kính.

Trưởng phòng mắt sáng lên, thán phục:

– Ngang tàng thật! Đúng là tác phong hiệp sĩ. Từ nay, xin bác cho chúng em được gọi bác là đại ca!

Cả bọn nhao nhao:

– Đúng, từ nay, chúng em gọi bác là đại ca!

Lão già xuề xòa:

– Bốn bể đều là anh em. Huống hồ chúng ta lại cùng chung hoạn nạn. Gặp gỡ ở đây cũng là một cái duyên.

– Đi đâu, về chỗ!

Tên trực trong quát bốn, năm gã đương lò rò, loay hoay bước giữa đống người.

– Chúng em đi uống nước.

– Làm gì còn nước mà uống, về chỗ!

Tù trưởng lắc đầu:

– Mùa đông thời đói rét. Mùa hè thời đói khát. Từ 5 giớ chiều tới 7 giờ sáng, chỉ có một thùng nước độ một trăm lít, cho 250 thằng tù. Trời thì nóng như nung, như hấp. Mồ hôi ròng ròng thế này. Nước muối, bo bo nốc vào, chúng nó phải khát cháy họng. Đi mẹ nó trại trung ương ngày nào sớm ngày ấy!

Lão già ngao ngán:

– Trại trung ương có cái khổ của trại trung ương. Đâu cũng cái đất nước Việt-Nam này cả. Ở ngoài xã hội cũng sung sướng gì! Chênh lệch nhau đôi chút!

Trưởng phòng buồn rầu:

– Dù sao ở Hỏa-Lò, gần gia đình, cũng vẫn hơn. Vợ em phải đút lót 8 cây vàng mới được ở lại đây. Mất thêm 3 cây nữa mới được làm tự giác. Cũng may là em khôn, không khai báo hết. Có nhiều ông to liên quan tới vụ em. Em chỉ là một mắt xích nhỏ. Chính nhờ mấy ông ấy cứu, nên em chỉ bị kết án có 4 năm tù. Nhưng nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Bốn năm cũng ê ẩm rồi!

Tù trưởng cười:

– Bốn năm, bóc bốn cái bánh chưng tết. So với đại ca đây, chỉ là một giấc ngủ trưa!

Lão già tính toán:

– Bốn năm, chưa được một nửa cái “ờ” của ông Tố-Hữu. “Ờ, đã chín năm rồi đấy nhỉ. Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”.

Cả bọn cười sặc sụa:

– Bố già hóm hỉnh thật!

– Noi gương Tố-Hữu, chúng ta cứ “trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!”

Những tiếng chửi bới, những tiếng uỳnh uỵch từ chỗ gần nhà mét vọng lại.

Trực trong đứng dậy:

– Câm ngay! Đứa nào mất trật tự, gây gổ, ông cho ăn chân giò vỡ mõm!

Lập tức, im lặng trở lại.

Trưởng phòng nói với lão già:

– Phòng đông, lại nóng nực thế này. Không có kỷ luật thép thì chúng nó cắn xé nhau chết. Đêm nào cũng chí chóe nhau suốt. Đã chuyển bớt một số tù tới Xuân-Hòa, cách đây độ hai chục cây. Nghe đâu nhà nước có kế hoạch xây một nhà tù to lắm ở ngoại thành. Cái Hỏa-Lò này trở thành lạc hậu rồi!

Lão già giọng đăm chiêu:

– Tôi có ý kiến với các bạn thế này. Tù trưởng đã nghĩ ra cách tạc tượng rất hay. Những người bị tạc tượng ban đêm, sáng mai cho họ ngủ bù, không phải ngồi xếp hàng nữa. Còn trong nhà mét, không để ai nằm. Hai bên tường còn nhiều chỗ. Chúng ta ngồi tận đây, gần cửa, mà mùi khai thối còn khó chịu. Nằm trong nhà mét, kinh tởm quá. Họ cùng cảnh ngộ như chúng ta, phải thông cảm. Từng này con người mà chỉ có một cầu tiêu con!

Tù trưởng tán thành:

– Đại ca nói đúng. Nhưng bây giờ khuya rồi. Nhiều đứa đã mệt ngủ. Không nên phá giấc của chúng. Tối mai sẽ bố trí lại. Chứ để một chục thằng nằm nhà mét, mỗi khi đi tiểu rất phiền. Cũng may là bọn rận rệp chỉ ăn tiêu chuẩn trại, tí bo bo, tí nước muối, thiếu rau, táo bón, năm, sáu hôm, chúng mới đi một lần. Mồ hôi ra nhiều, nước không có uống, nên đi tiểu cũng ít. Nếu không, thì nhà mét đã ngập ngụa lên!

Trưởng phòng hơi lo ngại:

– Có điều là ban ngày, nội quy bắt trong giờ hành chính, tất cả phải ngồi xếp hàng ngay ngắn. Nếu cho những thằng tạc tượng nằm, tên quản giáo nó biết được thì…

Lão già gạt đi:

– Anh không ngại. Tên quản giáo phải sợ anh, chứ anh không phải sợ nó. Anh đã có đủ bằng cớ, cả nhân chứng lẫn vật chứng, để đưa nó vào đây nằm với anh đó! Nếu nó biết, anh giải thích, nó phải nghe, phải hiểu. Còn Ban Giám Thị có tình cờ vào đây, anh để tôi đối phó.

Trực trong chửi:

– Đ… mẹ chúng nó! Chúng nó sợ hôi thối, có bao giờ bước chân vào phòng đâu mà phải lo! Giờ đếm tù trong phòng, mất độ một phút, nó với thằng võ trang cũng phải đeo khẩu trang!

Tù trưởng thán phục:

– Đại ca lợi hại thật. Mình đã biết “tử huyệt” của nó. Phải bắt nó kiềng mình! Đến nỗi nào mà mang cái xoong, cái bát, cái thìa vào cũng sợ nó biết. Nó sắm được đồng hồ, xe đạp, đài đóm, cũng nhờ ở chúng mình. Nó chỉ quẳng cho ít thuốc lào. Bắt nó phải nhả ra nữa!

Trưởng phòng không tán thành:

– Nó cũng ngơ đi cho bọn mình nhiều đấy chứ. Nó quái lắm. Giấu thế nào được nó. Già néo đứt dây thì phiền.

Lão già đồng tình:

– Đúng, không nên cứng quá. Cần thiết, cảnh cáo nhẹ, là nó phải biết điều thôi. Sở dĩ ở Hỏa-Lò này, từ thằng đội trưởng quản giáo tới tên chánh giám thị đều không dám quá đáng với tao, cũng chỉ vì tao ở đây gần ba năm, tình cờ biết rõ một số vụ việc của chúng. Tao chỉ bóng gió cho chúng hiểu là tao nắm vững vấn đề. Người của Bộ lại hay gặp tao, chúng càng chờn. Cứ duy trì tình trạng đó, có lợi cho mình hơn.

Tù trưởng thắc mắc:

– Thế tại sao đại ca lại bị cùm ròng rã tám tháng?

– Hình phạt này là do lệnh của Bộ. Tao phải chuyển từ xà-lim ra đây, cũng là do lệnh của Bộ. Dụng ý của họ là muốn đày tao sống với tù hình sự, để bọn đầu trộm đuôi cướp trị tao, cho tao phải sống dở, chết dở. Không liên quan gì tới Ban Giám Thị Hỏa-Lò. Đối với tao sống chết không thành vấn đề. Nhưng còn sống ngày nào, là còn phải chiến đấu. Mà chiến đấu thời phải khôn ngoan, tỉnh táo, biết tính toán, cân nhắc.

Tù trưởng lắc đầu:

– Đại ca không giải thích thì làm sao em hiểu nổi! Lúc nào tiện, đại ca kể cho em nghe vụ việc của đại ca. Chắc phải ly kỳ lắm?

Lão già đứng dậy:

– Tất nhiên là tao sẽ kể cho mày nghe. Nhưng không có gì ly kỳ cả. Chuyện của tao đâu phải là truyện trinh thám, gián điệp. Tao đi tiểu một cái. Khuya rồi.

Trực trong sốt sắng:

– Em cũng đi một thể. Đại ca để em dẫn đi. Phải có võ hoặc diễn viên xiếc mới có thể đi mà không dẫm, không ngã lên đống người này!

Trực trong nắm tay lão già dẫn đi, kẻ trước, người sau. Trước khi bước, phải tìm kẽ hở nào đó giữa đám người nằm chen chúc, để đặt nổi năm đầu ngón chân xuống. Có những chỗ quá xa không bước nổi, phải nhảy tới, rồi đứng lò cò. Rất dễ đạp lên mặt, lên cổ, lên ngực, lên tay, lên chân những người nằm, rồi ngã đè lên họ. Lão già chịu. Không thể đi nổi! Trực trong buộc lòng phải dựng chúng ngồi dậy mới đưa lão già tới được cửa nhà mét.

Trong nhà mét, một tên ngồi xổm trên miệng hố xí, gục đầu xuống đùi gối. Một tên khác ngồi ở chỗ bực bước lên hố xí. Đó là hai tên bị ăn chân giò lúc tối. Chúng đã trấn được hai chỗ tốt nhất. Những tên khác, kẻ nằm co quắp ngay trên chổ tiểu tiện. Kẻ ngồi dựa vào tường. Chật kín. Trực trong lại phải dùng đến gót chân, bắt chúng đứng dậy, để có chỗ cho hắn và lão già đứng tiểu tiện. Hai người vừa ra khỏi, chúng lại nằm vật ngay xuống đó. Mùi khai thối khiến lão già thấy cay cả mắt, nhức cả mũi.

Khi về tới chỗ, lão già lắc đầu:

– Nhất thiết phải sắp xếp lại, cho có một lối đi giữa nhà, rộng độ mươi phân, đủ đặt bàn chân. Chỉ cần thêm năm, sáu đứa “tạc tượng” là có một lối đi như thế. Để thế này, mỗi khi đi vào nhà mét thế nào cũng dẫm, cũng ngã lên những đứa nằm!

Trực trong thừa nhận:

– Cứ như thế này, đến em đi cũng không nổi. Đêm nay, đến phiên em thức gác. Thằng chủ ngân hàng ngủ đi! Hai giờ rưỡi sáng đến lượt mày.

– Sao! Phải có người thay phiên thức gác suốt đêm à?

Tù trưởng đã nằm trong màn, vén màn lên, thò đầu ra:

– Đại ca vào màn ngủ đi. Em nói cho đại ca rõ. Phòng này tuy đa số là lưu manh, ăn cắp vặt để sống. Nhưng cũng có một số tên anh chị sừng sỏ, ở ngoài chuyên trấn lột. Có cả những tên đã gây án mạng. Chúng là những tay đao búa, hung hãn. Nhiều tên từng là đặc công. Đảo chính, cướp chính quyền là điều chúng rất muốn. Nhất là trong cảnh cùng cực thế này! Em đã dùng đủ biện pháp ngăn chặn, phân hóa, không cho chúng tụ thành một khối. Hơi có mầm mống biến động là bị tiêu diệt ngay. Em tuy được đa số tâm phục, khẩu phục. Nhưng vẫn phải đề phòng. Không có người gác, lúc ngủ, chúng đến tấn công thì nguy! Chỉ cần một cái kim, một cái đinh, cũng đủ chọc mắt, chọc tiết. Chúng cất giấu, làm sao mà kiểm tra xuể! Vớ được thằng nào yểm những thứ đó, thì nó phải ăn đòn thừa sống thiếu chết. Các phòng khác thường xảy ra các cuộc tập kích đêm. “Cảnh giác cách mạng” là tốt nhất. Bất cứ thằng nào ban đêm mà bén mảng quá cái vạch kia là bị đánh gục ngay. Trừng phạt thích đáng. Tên gác trong giờ gác cấm không được rời vị trí, kể cả đi tiểu. Bọn nằm quanh đây đều được tuyển chọn kỹ, là lâu la của em cả. Giữ vững chính quyền không phải dễ, đại ca ạ. Em còn thiết lập cả một hệ thống điệp viên ngầm, theo dõi tình hình, rồi mật báo cho em kịp thời. Em tổ chức như một nhà nước độc tài. Thú thực, em cũng học được ở bọn cộng sản nhiều.

– Miễn là mày không hiếp đáp những đứa hiền lành. Không đánh người vô cớ là được. Cuộc sống ghê tởm này đúng là một trường tranh đấu, giành giật. Biết làm thế nào khác được! Tao bị cùm, nằm nhiều, xương cốt, mình mẩy nhức mỏi quá!

– Để em gọi một đứa tẩm quất cho đại ca. Kiến hiệu lắm. Em bây giờ đâm nghiền. Tối nào cũng phải làm một quả. Mấy hôm nay, nóng nực quá, nên tạm ngừng. Thằng này tẩm quất chuyên nghiệp. Tay nó sờ vào đâu là kêu răng rắc tới đó. Mỗi lần em cho nó hai vê thuốc lào, gấp đôi những đứa khác. Để em gọi nó.

– Khuya rồi, để mai. Chúng ta ngủ đi. Tây có câu “Ngủ thay ăn”. Ngủ quên đói, quên buồn, quên giận, quên tất. Ngủ!

Nói thế, nhưng lão già có ngủ được đâu. Lão nhắm mắt, nằm im, thở nhè nhẹ, cố giải phóng đầu óc khỏi mọi ý nghĩ, mong chợp đi được vài tiếng. Nhưng đêm nào cũng vậy, như một ám ảnh, thường chập chờn tan, hiện trong mảnh hồn già nua của lão, bao hình ảnh tươi mát của một thời xa xưa lắm, thời lão còn là một chàng trai bừng bừng sức sống, hừng hực khát khao, cuộc đời như cuốn thần thoại thơm ngát, rộng mở những trang huy hoàng, tuyệt mỹ! Ôi, cái thủa ngất ngây, không rượu mà say đó, ánh mắt sáng trong, nỗi lòng sôi động, chân trời lồng lộng, ảo mộng lung linh, đã héo, đã hắt, đã tàn, đã tắt từ lâu dưới bao dập vùi đen tối, sao cứ lấp lánh hiện về! Trái tim bầm giập của lão không còn rớm máu trước mọi cảnh đời, dù là quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Lão cố tôi luyện nó để bình thản đối phó với bao thảm cảnh đương diễn ra triền miên trong đời lão, trên quê hương, đất nước lão. Cuộc sống đầy hương sắc, tưng bừng như hoa, ngây ngất như rượu, đã trở thành xa lạ. Lão muốn cho chìm hẳn, không muốn nó lởn vởn trở về. Mấy chục năm giam cầm, lão đã hoà nhập được cả tâm hồn lẫn thể xác vào thế giới tù ngục, một thế giới không có thời gian, không có không gian: Một hốc đen thăm thẳm, hun hút, thảm khốc chất chồng!

Bên cạnh, tù trưởng đã ngủ. Bọn tự giác, bọn đầu gấu đã ngủ. Có lẽ tất cả đã ngủ. Phòng im phăng phắc. Nghe rõ cả tiếng đàn muỗi bay vo vo. Xa xa, tiếng giày của bọn công an võ trang đi tuần vọng lại, lộp bộp. Mình mẩy ê ẩm, biết không ngủ được, lão ngồi dậy, vén màn, lê ra mép sàn ngồi.

Tên trực trong đương ngồi xếp bằng tròn, hai bàn tay để ngửa lên đùi, mắt lim dim. Thấy lão, gã mở mắt:

– Nóng quá, đại ca không ngủ được phải không?

Lão già lấy tay vỗ vỗ vào lưng mình, nói:

– Tôi thường mất ngủ. Anh ngủ đi, tôi gác hộ cho.

Gã cười:

– Đại ca để mặc em. Em đang luyện yoga. Luyện xong, đặt mình xuống là ngủ.

– Vậy tiếp tục luyện đi.

Lão già cũng ngồi xếp chân bằng tròn, thẳng người, dùng hai tay xoa đầu, xoa mặt, xoa ngực, theo phương pháp “Cốc Đại Phong” mà một bạn tù người Hoa đã dạy lão. Lão ngồi xoa đều đặn, đúng lớp lang. Máu huyết trong người như lưu thông tốt hơn. Ngực đỡ đau. Lưng đỡ mỏi. Tinh thần dần dần tỉnh táo. Lão cứ ngồi xoa nhịp nhàng như vậy. Không nghĩ ngợi gì. Đầu óc thư giãn, dịu lắng…

Đêm về khuya, Hỏa-Lò như một nấm mồ câm lặng. Xa xa, từ khu xà lim 3, một giọng nữ trầm bổng, ai oán, ngân nga một bài hát buồn. Ờ, bài hát này đã lâu lắm rồi, từ hồi còn rất trẻ, lão đã nghe, đã mê. Nhưng sao đêm nay, trong cái tịch mịch âm u của đêm tù, sau gần ba mươi năm trời mới được nghe lại, lão thấy xao động cả cõi lòng! Sao âm điệu nó não nề, thổn thức thế! Cô gái xà-lim hình như trút hết tâm tình, nỗi niềm vào lời ca. Tâm hồn lão như theo tiếng hát bay ngược giòng thời gian, trở lại thuở xa xưa, tình người thơm thảo, mầu đời xanh hồng, óng ả, trăng nước mơ màng, diễm ảo…

Đêm năm xưa, tương tư người hò khoan
Âu yếm nâng tà quạt
Hôn gió đưa về…

Tiếng hát theo gió, chơi vơi trên sông nước, mênh mang niềm tiếc hận khôn nguôi…

Rót nước vào, chợt thấy bóng Trương lang
Quanh chén trà, thuyền trôi theo tiếng đàn
Đã thấy tàn, đời không bóng Xuân về …

Lão già chợt thấy hiển hiện cả một chuỗi năm tháng đen xì, vùi dập cuộc đời lão. Lão ngồi thần người, tay nắm chòm râu bạc. Đúng, đúng là “đã thấy tàn, đời không bóng xuân về”. Cổ lão nghèn nghẹn, mắt lão cay cay… Lão rùng người. Không, không thể để cho sự ủy mị thâm nhập! Phải cứng rắn sống với thực tế! Lão vùng đứng thẳng dậy, mặt sa sầm, nhìn suốt phòng. Mấy trăm bộ xương da khẳng khiu, lở loét ngập tràn, nằm ôm cứng lấy nhau, la liệt phủ kín sàn nhà. Mùi tanh tưởi lộn mửa của máu mủ, của mồ hôi, quện với mùi nhà mét bốc lên lan tỏa…Một so sánh chợt tới với lão. Đúng, đúng là một nấm mồ tập thể lộ thiên, chưa lấp đất! Lão đứng dưới đáy huyệt khổng lổ đó, buông thõng hai tay, nhìn trừng trừng vào những xác chết, nhìn vào bóng bộ xương của lão in dài trên mấy bộ xương nằm dưới, nghĩ tới sức sống dai đẳng, bền bỉ phi thường của giống người. Người quả là một sinh vật thích ứng với mọi hoàn cảnh! Trâu, bò, gà, lợn mà cho chúng đói khát thế này, nhốt lèn chúng thế này, liệu chúng sống nổi không? Chắc chắn là không! Chúng sẽ giầy xéo nhau, cắn xé nhau mà chết. Giòi bọ mang tiếng là sống nhung nhúc, chúng cũng còn no đủ, còn có một khoảng không gian sinh tồn để bò ngang, bò dọc! Lão tưởng tưởng tới mười con người đương nằm ngồi ngổn ngang, ngủ vật, ngủ vờ trong một cầu tiêu rộng ba thước vuông, ngập ngụa phân, nước tiểu, khai thối tới ngạt thở! Lão thấy sống thế, thà chết luôn còn hơn! Mấy hôm trước, bọn quản giáo trầm trồ kháo nhau về thành tích của hai nhà du hành vũ trụ Xô-Viết đã sống và làm việc được hơn ba tháng trên con tầu vũ trụ bay quanh trái đất. Một kỷ lục thế giới! Lão cười nhạt, thầm hỏi liệu những anh hùng vũ trụ đó có sống nổi ba ngày trong căn nhà mét này? Nhất định là không! Họ làm sao có thể sánh nổi với mười nhà du hành vũ trụ Việt-Nam đương ngủ khò khò trong cầu tiêu – con tầu vũ trụ của nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam! Mười nhà du hành này mới thực xứng đáng mang danh hiệu Anh-Hùng Vũ-Trụ!

– Dậy, dậy, hai giờ rưỡi rồi. Đến lượt mày gác!

Tên trực trong vừa gọi, vừa lôi cẳng tên “chủ ngân hàng”. Tên này ngồi dậy, chui ra khỏi màn, hoác miệng ngáp một cái gần sái quai hàm, giọng còn ngái ngủ:

– Làm gì mà nhặng lên thế! Đưa đồng hồ đây, xem đúng giờ không.

Hắn nhìn chiếc đồng hồ quả quít cổ lỗ sĩ tên trực trong đưa cho hắn, miệng lầm bầm:

– Mới có 2 giờ 25. Có năm phút mà cũng phải gian lận.

– Đồng hồ này chậm năm phút. Gian lận cái gì?

Tên trực trong giật lại, rồi chui vào màn.

Lão già muốn đi tiểu, nhưng thấy không thể vượt qua đống người, đành cố nhịn, nhẹ nhàng chui vào màn. Tù trưởng vẫn ngủ mê mệt. Tuổi trẻ lợi hại thực! Lão nghĩ tới những năm tháng, những gian lao, đày ải lão đã chịu đựng. Nếu không có tuổi trẻ đầy sức sống, đầy ý chí, làm sao vượt qua nổi mấy chục năm kiếp người mà phải sống kiếp khỉ đó!

Bây giờ lão già rồi. Thể xác, tinh thần đều mòn mỏi, cùn nhụt, chùng nhão, mất hết sức bật. Chặng đường trước mắt nghĩ tới mà khủng khiếp! Biết sức tàn, từ mấy năm nay, lão sống bằng thiền. Mọi việc ngang trái, bất công bỏ ngoài tai. Trước những cảnh điêu trá, tàn bạo, hạ nhục con người, lão chỉ thở dài, không còn lên tiếng phản đối như trước. Lao động trí óc, lão cũng ngừng. Tử thần luôn vờn quanh, giơ lưỡi hái, dọa dẫm. Lão không sợ chết. Chết đối với lão là một sự giải thoát. Lòng đất nâu là chiếc giường muôn thủa. Hai tay buông xuôi, mắt nhắm, nằm đó, là tịch diệt mọi phiền não, khổ lụy cõi hồng trần. Nhưng lão muốn sống, dù sống dưới trăm cay, ngàn đắng, sống trong sự tra tấn từng phút, từng giờ của cơ hàn, tủi nhục, uất hận. Lão cố sống. Lão không được phép sợ sống! Công việc của lão còn dở dang. Lão phải sống. Sống để giương đôi mắt đỏ ngầu quan sát cuộc đời xám xịt trùng trùng vây bủa đất nước lão, đồng bào lão. Nhiều đợt suy kiệt quá, muốn đổ, lão phải mượn của Trời, Phật, chút sức mạnh để vững trụ. Qua nhiều lần thoát hiểm, lão đâm ra tin ở Trời, ở số mệnh. Niềm tin này đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự trường tồn của lão. Suy nghĩ miên man, lão thiếp đi lúc nào không biết…

– Cho tôi cốc nước cam… Làm ơn, làm phúc cho tôi bát cháo… hừ hừ… cháo gà ấy… hừ… hừ…

Tiếng rên rỉ, tiếng kêu xin khắc khoải, mê loạn, lập đi, lập lại nhiều lần, làm lão già thức giấc.

– Sao em không tiếp tế cho anh… hừ hừ… nước chanh đá… cháo… hừ hừ…

Lão ngồi hẳn dậy, vén màn bò ra, nhìn về phía nhà mét.

Một tên tù gần đấy đứng dậy, lò rò đi tiểu. Tới gần nhà mét, hắn dừng lại, lấy chân đá mạnh vào một tên đương nằm:

– Đ… mẹ mày. Điên à, nước cam với cháo gà, kêu mãi làm bố mất ngủ. Không câm họng, bố đạp chết!

Lão già len qua dẫy màn, tìm can nước của tự giác. Lão nhấc chiếc can nhựa 20 lít lên, lắc lắc. Không còn một giọt.

– Đại ca uống nước à?

Tù trưởng vừa thức giấc, hỏi lão.

– Không, tao định xem còn nước không, để cho thằng đang rên uống một hớp. Nhưng hết nhẵn cả rồi.

– Đại ca ngủ đi. Mới khoảng 5 giờ sáng. Hai tiếng nữa, cửa mở ra rửa mặt, nó sẽ uống. Đêm nào chả có thằng ngủ mê kêu la.

Tiếng rên rỉ phía nhà mét lại vọng tới, yếu ớt:

– Ối mẹ ơi… cho con nước cam… xôi, chuối, thịt… hừ hừ… thịt mỡ luộc ấy… hừ hừ… mẹ ơi…ối…

Tù trưởng lắc đầu:

– Đói khát quá, mê sảng toàn mê ăn mê uống!

Trực trong quát lớn:

– Thằng nào còn lảm nhảm, bố cho năm chân giò bây giờ!

Tiếng rên tắt hẳn có lẽ vì sợ ăn “chân giò”.

Lão già lấy khăn lau mồ hôi:

– Mới hơn 5 giờ sáng mà đã nóng thế này. Ngày hôm nay xem ra còn nóng dữ hơn hôm qua. Nóng liền một tuần rồi. Thế nào cũng nổi giông bão. Mày thấy không ngủ được nữa, thì bỏ màn ra cho thoáng.

Tù trưởng đứng dậy tháo màn:

– Em ngủ đủ rồi. Buông màn thì đỡ khai thối một chút, nhưng nóng hơn. Em ở đây bó cẳng lắm. Chỉ mong được đi trại.

– Tao thấy nhiều thằng ở trại lại mong về Hỏa-Lò. Tâm lý con người vốn thích thay đổi. Mày cũng biết rồi đấy. Những quả đồi mênh mông, mả tù san sát như bát úp, đủ hiểu cuộc sống trên trại như thế nào. Phải an tâm mà sống. Đừng đứng núi này trông núi nọ. Số phận tới đâu hay đó.

– Nhưng sống mãi ở một nơi cũng chán. Gặp đại ca là em vui lắm. Đại ca này, không hiểu tù đế quốc có khá không?

Lão già trầm ngâm:

– Nhà tù thực dân, đế quốc, hiệu quả kém lắm. Bọn cộng sản không sợ. Chúng coi nhà tù là một trường học. Mà là trường học thật! Nhiều tên vào không biết tiếng Pháp. Ra tù, đã đọc được sách báo tiếng Pháp. Chúng còn có cả tổ chức đảng, kết nạp cả đảng viên trong tù. Chúng mở lớp huấn luyện chính trị, học tập văn hóa. Ăn uống đầy đủ, sách báo không thiếu. Mày cứ đọc những cuốn hồi ký của chính mấy lãnh tụ cộng sản kể lại sinh hoạt trong tù của họ thì rõ. Thời Nga Hoàng, Lê-Nin bị đi đầy ba năm ở Si-bê-ri. Y đọc sách, viết sách, câu cá, săn bắn, cưới cả vợ! Vì thế có ra tù, vào tù, chúng cũng không sợ. Lại nổi tiếng là anh hùng cách mạng! Rút kinh nghiệm đó, cộng sản xây dựng một hệ thống trại tù kinh hồn, táng đởm, tiêu diệt mọi sinh lực, tiêu diệt mọi ý chí. Thực chất là những trường bắn im lìm, không tiếng súng. Những lò thiêu không cần lửa điện. Thằng nào sống sót ra được, mười năm sau, ngủ ở nhà với vợ vẫn còn thấy ác mộng!

Tù trưởng trợn mắt:

– Phải công nhận chúng chơi độc! Nhưng nếu không đứng vững, xập tiệm thì bỏ mẹ. Dân sẽ băm nát chúng! Hút một điếu, chúc chúng mau xập tiệm! Thằng khói lửa đâu, chuẩn bị bắn một phát, khai mạc ngày mới!

Tất cả bọn tự giác, bọn đầu gấu, tháo màn, gấp lại. Sau khi bắn một hơi say sưa, trực trong ra lệnh:

– Tất cả dậy! Những thằng nhà mét ra ngoài!

Mười tên trong nhà mét lóp ngóp đi ra. Hàng chục tên xếp hàng đợi vào đại tiện, tiểu tiện.

Đột nhiên, một tiếng kêu hốt hoảng:

– Báo cáo trưởng phòng, có người chết!

– Thằng nằm cạnh em, nó chết rồi!

Những tiếng ồn ào nổi lên, nhộn nhạo.

Trưởng phòng đứng dậy, quát:

-Tất cả dẹp sang hai bên! Im lặng, giữ trật tự!

Trưởng phòng, trực trong, tù trưởng, lão già đi tới cửa nhà mét. Một thanh niên đầu trọc, cởi trần, mặc quần đùi, nằm ngoẹo đầu sang một bên, mắt trừng trừng.

Lão già ngồi xuống, để tay lên mũi hắn, rồi bò ra, áp tai vào ngực.

Lão đứng dậy nói với trưởng phòng:

– Thì ra lúc nó mê sảng, rên rỉ, là lúc nó đang hấp hối. Chúng ta hãy khiêng nó để nằm một nơi khác…

Hai tên tự giác khiêng xác để lên sàn, sát tường nhà mét.

Trực trong chạy ra cửa, kêu lớn:

– Báo cáo cán bộ! Phòng 14 có người chết!

Hắn kêu hàng chục lần. Không ai trả lời.

Phía cuối phòng xôn xao, bàn tán:

– Nó mới vào có hơn một tuần thôi.

– Quê nó ở Bất-Bạt, Sơn-Tây.

– Nó là bộ đội giải ngũ đấy.

– Nó nói nó chửi chủ nhiệm hợp tác tham ô, nên mới bị bắt.

– Nó vợ con gì chưa?

– Hôm kia nó khai ốm, xin thuốc, y sĩ còn tát nó, bảo nó ốm vờ.

Ngoài sân, một gã nhà bếp đi tới cửa phòng lấy thùng nước như thường lệ mỗi sáng. Trực trong chạy ra nhờ:

– Anh báo hộ với cán bộ là phòng 14 có người chết.

Tên nhà bếp bình thản:

– Chưa thấy bóng ông nào cả. Nếu thấy, tôi sẽ báo.

Nói xong, hắn lẳng lặng xách thùng, bỏ đi.

Từ nẫy, lão già vẫn ngồi lặng thinh. Như chợt nhớ ra điều gì, lão gọi trưởng phòng tới, bảo:

– Anh xem quần áo của nó đâu, cho người mặc vào cho nó.

Trưởng phòng đi về phía cuối phòng, hỏi:

– Quần áo của thằng chết đâu?

Một tên thọt chân, tập tễnh đứng dậy:

– Báo cáo anh, nó chỉ có cái áo. Quần nó đã xé ra chùi đít rồi. Còn có một mảnh này thôi.

Tên thọt giơ cái áo và cái quần dài chỉ còn một ống lên.

– Mặc áo cho nó.

Tên thọt tới bên xác chết, dựng ngồi dậy. Gã “hồ hỏng, hồ vỡ” sốt sắng tới giúp một tay.

– Em muốn mặc cho nó cái quần của em, có được không?

– Mày thừa quần? Mày quen nó ở ngoài à?

Tên thọt, mặt rầu rầu:

– Em không quen nó. Nhưng nó với em nằm cạnh nhau hơn một tuần rồi, cũng coi như bạn.

– Được, mặc nốt cho nó.

Có tiếng lọc xọc mở khoá.

Trưởng phòng vội chạy ra cửa:

– Báo cáo cán bộ, có một thằng chết.

Hai tên quản giáo đeo khẩu trang, bước vào phòng:

– Nó nằm đâu?

– Báo cáo cán bộ, ở góc kia.

Tất cả bọn tù đứng dạt ra, im phăng phắc. Một tên cán bộ lấy máy ảnh, chụp xác chết. Lách tách 3 cái liền.

– Khiêng nó để ra sân!

Hai tên tự giác, thằng cầm hai vai, thằng cầm hai chân, khiêng tên chết đi ra ngoài. Gã “hồ hỏng, hồ vỡ” vừa cởi áo, vừa chạy theo:

– Các anh lấy cái áo này phủ lên mặt nó!

Tù trưởng mắng:

– Có một cái áo độc nhất. Đi trại, mày cởi trần đi à? Đây, lấy cái màn này phủ cho nó.

Tù trưởng quẳng cái màn của mình cho một tên tự giác. Xác chết được đặt ở giữa sân. Chiếc màn mầu cháo lòng phủ kín toàn thân.

– Khẩn trương lên, vào!

Mấy tên tự giác hấp tấp chạy vào phòng, kéo cửa đóng lại. Một tên quản giáo bấm khóa. Rồi cả hai lột khẩu trang ra, bỏ đi.

Lão già nói với tù trưởng, vẻ xúc động:

– Cuộc đời cơ cực, tàn bạo này, tình người vẫn còn, chưa mất hẳn. Từ nay nên ưu tiên một chút cho tên “hồ hỏng, hồ vỡ” với tên thọt.

– Xin chấp hành lệnh của đại ca! Thằng “khói lửa” đâu, làm một phát xua tan cái tử khí ở phòng này đi!

Cả bọn lại quây thành hình vòng tròn. Nghi lễ khai hỏa long trọng tiến hành.

– Thằng thọt, thằng “hồ hỏng, hồ vỡ” lại đây!

Nghe tù trưởng quát gọi, hai tên lập cập tới, sợ hãi:

– Chúng em có vi phạm gì đâu!

– Ngồi xuống sàn. Hôm nay phải phạt chúng mày!

Hai gã run rẩy ngồi xuống lòng sàn, van xin:

– Chúng em có điều gì sai, anh tha cho!

Tù trưởng cười ha hả:

– Không tha được! Hôm nay phạt chúng mày, mỗi đứa phải kéo một hơi tới lăn đùng ra!

Tưởng là họa. Đột nhiên lại chuyển sang phúc. Hai gã mặt mày rạng rỡ:

– Cảm ơn anh, cảm ơn anh.

Tên “khói lửa” cắm vào mồm mỗi đứa một điếu sâu kèn, ra lệnh:

– Kéo cho hết!

Toàn phòng nhìn chằm chằm, không chớp mắt, vào hai điếu thuốc rực hồng, lem lém cháy. Hai gã kéo xong một hơi dài, lăn quay ra sàn, mắt lờ đờ, dớt dãi chảy ra mép. Thấy cả phòng ngồi nhìn, thèm khát cực độ. Tù trưởng tuyên bố:

– Tối nay, cho tất cả bọn bay mỗi đứa bắn một phát!

Tất cả ồ lên, nhao nhao:

– Hoan hô tù trưởng! Hoan hô tù trưởng!

Một tên khoái quá, la lớn:

– Tù trưởng muôn năm!

Tù trưởng mắng:

– Muôn năm ở đây để bỏ mẹ tao à! Chúc đéo gì lại chúc kiểu ấy!

Cả phòng cười ầm lên, vui vẻ.

 

Bẩy giờ sáng, cửa phòng mở. Lại bắt đầu một ngày như muôn ngày khác. Trực trong cho từng nhóm hai mươi tên ra rửa mặt ở bể nước con. Mỗi đứa được đúng hai bát men. Hai tên tự giác đi lấy một chiếc cáng, đặt xác chết lên khiêng ra ngoài. Qua phòng thường trực, tới dưới giàn nho, chúng đặt cáng xuống cạnh một xác chết khác. Trong Phòng-Thường-Trực, dưới chân dung Hồ-Chủ-Tịch, bốn chữ ” Trị Bệnh Cứu Người “, to tướng, đỏ sậm.

Một nữ y tá công an cười tình với tên công an trực ban:

– Chúng nó chết tự bao giờ thế anh?

– Chúng như bầy heo chồng chất lên nhau, chết lúc nào, ai mà biết được!

Hai gã tự giác được lệnh khiêng hai xác chết lên chiếc xe tù.

Tên chánh giám thị tươi tỉnh, trong chiếc sơ mi cộc tay màu xanh da trời, ném mẩu thuốc lá xuống sân gạch, hỏi tên y sĩ:

– Hôm kia, đồng chí đã đưa mấy thằng chết tới bệnh viện nào?

– Báo cáo thủ trưởng, tới bệnh viện Saint-Paul, bệnh viện 108.

– Hôm nay đưa tới bệnh viện Bạch-Mai, bệnh viện Việt-Đức. Nhớ đưa tản ra các bệnh viện ở Hà-Nội. Con số tử vong phải mật!

– Báo cáo thủ trưởng, tôi vẫn phân tán như vậy.

Nói xong, hắn leo lên xe, ngồi cạnh gã tài xế, để hai bìa hồ sơ lên đùi. Hai tên tự giác bị đuổi về phòng.

Chiếc xe từ từ lăn bánh, chở hai tên tù đã được “trị hết mọi thứ bệnh”, ra khỏi Hoả-Lò…

—->Trăng Nước Sông Hồng

 

 

This entry was posted in 4.Truyện ngắn, Nguyễn Chí Thiện. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời