NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU SAU CÙNG TRÊN QUÊ HƯƠNG QUẢNG NAM (Kiều Công Cự, K22)

NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU SAU CÙNG
TRÊN QUÊ HƯƠNG QUẢNG NAM

(nguồn: Đa Hiệu số 125- tháng 5/2023 – Tưởng niệm Tháng Tư Đen)

Ngày 18/3/75 Thiếu Tá Trần Văn Hợp, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn ( TĐ ) 2/TQLC đi họp ở BCH/ Lữ Đoàn 369 về cho biết TĐ sẽ di chuyển vào ngày mai . Anh trải phóng đồ hành quân và khu vực trách nhiệm của TĐ lên chiếc bàn dã chiến đóng bằng thùng gỗ pháo binh .Tôi “à” lên một tiếng rồi nói :

– Tôi biết vùng này rồi.

Mắt không rời bản đồ, giọng tỉnh bơ anh hỏi :

– Ông ở đây rồi à?

– Tôi đã ở đây từ nhỏ tới lớn, nơi chôn nhau cắt rún của tôi, thưa Th/tá.

– Thế thì tiện quá. Tối nay ông gọi máy báo cho Th/tá Giao và các đại đội trưởng chi tiết .

Tối hôm đó sau khi gọi máy báo , tôi nằm hoài không ngủ được. Bao nhiêu năm chiến tranh , lần này tôi trở về chiến đấu giữa quê hương mình. Không biết nên vui hay buồn .Chiến tranh đã bao trùm lên quê tôi từ ngày tôi mới lớn. Quê hương tôi chưa có một ngày yên bình. Ba tôi mất sớm, Mẹ tôi vẫn vững vàng bảo vệ đàn con.

Năm 1947 phong trào Việt Minh nổi lên , giặc Pháp thường mở những trận bố ráp Mẹ tôi phải cõng tôi tản cư vượt qua sông Thu Bồn, chạy về miền núi Tiên Phước ..Rồi đói khổ quá, mẹ tôi lại hồi cư về Ái Nghĩa . Năm 1949 mẹ tôi bị Tây bắt vì tội tiếp tế cho Việt Minh . Sau khi ra tù , mẹ tôi phải bán hết cơ nghiệp nhỏ nhoi để dẫn hai anh em tôi vào Sài Gòn tá túc nhà cậu Niêm . Anh Lang được Cậu cho đi học trường Taberd. Hai năm sau Mẹ tôi cũng gởi tôi lên Đà Lạt ở với dì Bảy để đi học tại trường Tiểu học Xuân An trên đường Nhà Chung, gần bên nhà thờ Con gà . Cậu Hai sang cho mẹ một cái kiosque ở chợ Phú Nhuận để mẹ tôi buôn hột gà hột vịt đủ loại. Những tưởng là yên ấm rồi nhưng tiếng gọi của quê cha đất tổ bao giờ cũng mạnh ; nên sau ngày đình chiến 20/7/1954, chia đôi đất nước, Mẹ tôi quyết định để lại anh Lang cùng chị Ngọc tôi ở lại Sài Gòn, còn bà một thân một mình trở về làng cũ Phong Thử .Tôi cũng được dì Bảy dẫn về thăm mẹ và tôi nhất quyết ở lại với Mẹ. Một năm sau, gia đình tôi dọn về quê cha tôi tại thị trấn Ái Nghĩa cho đến bây gìờ. Năm 1956 tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập Trần Quí Cáp, Hội An.Tôi có bảy năm làm người học trò ở trọ ăn cơm tháng ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé nhưng nhiều thân ái đó .Ôi cái thuở học trò sao mà đẹp :

Thuở sân trường, Anh , có lẽ tình si
Lỡ nhướng mắt ngó say người nguyệt thẹn
Con suối nhỏ sớm mở lời biển hẹn
Còn trách gì sâu cạn những dòng sông.

(HOÀNG LỘC)

Buổi sáng trời dứt mưa nhưng tầng mây vẫn còn thấp và bầu trời thì nặng trĩu. Toàn bộ LĐ369 di chuyển bằng xe, theo thứ tự TĐ6- BCH/LĐ-TĐ1PB-TĐ2 -TĐ9 sau cùng . Các Đại đội bàn giao tuyến đóng quân cho Liên đoàn 15/BĐQ rồi di chuyển ra điểm tập trung trên Quốc lộ I phía bắc sông Mỹ chánh . Cánh B của Th/tá Đổ Trung Giao nối theo TĐ1/PB . Tôi ngồi chung xe với anh Hợp giữa hai người mang máy .Theo dõi từng check point và báo cáo lên Ban 3 /Lữ đoàn lộ trình di chuyển. Mỗi check point là một địa điểm gợi nhớ, những dấu vết kỷ niệm. Những anh chàng TQLC đều có máu giang hồ lãng tử nên mỗi lần được di chuyển đến địa điểm mới hay chuyển vùng là thích thú lắm. Những người dân Phong Điền , Hương Thủy,..dừng tay bên bờ ruộng lúa, lặng nhìn đoàn xe đi qua mà lo âu. Những năm trước, từ Gio Linh cho đến Đông Hà, Quảng Trị ..người lính TQLC rút đi là họ rút theo, người lính TQLC tái chiếm đến đâu thì họ theo về đến đó .Gần năm năm đóng quân ở cái vùng đất loạn lạc này, lòng người lính cũng mang nổi niềm bùi ngùi, thương nhớ :

Thương chi cho uổng công tình..
Bậu về trong nớ bỏ mình bơ vơ..

Nhưng dẫu sao vẫn còn nhiều nhớ thương ray rức trong lòng kẻ ở :

Bơ vơ thì mặc bơ vơ
Bậu về trong nớ nhớ viết thơ cho mình.

Chiếc xe đầu đã đến ngã ba Kim Long , con đường dẫn lên chùa Thiên Mụ, Văn Thánh. Những hào nước sâu thả đầy sen bao quanh thành nội. Đoàn xe qua cầu mới Nguyễn Hoàng, cầu Trường Tiền cách đó cũng không xa. Đoàn xe đi ngang qua trường Quốc Học, Đồng Khánh . Nhưng lần này không nhìn thấy bóng dáng cô nữ sinh Đồng Khánh để mà nói lời tạm biệt. Đài phát thanh Huế với những ngày biến động năm 1963, ty bưu điện và nhà ga xe lửa Huế. Đoàn xe vẫn xuôi nam, qua trung tâm huấn luyện Phú Lương, qua phi trường Phú Bài nhộn nhịp những năm về trước, bây giờ cũng vắng vẻ đìu hiu. Đến trưa thì đoàn xe đã đến đèo Phước Tường và đang lên đèo Bạch Mã .Vùng này có khí hậu rất tốt và phong cảnh rất hữu tình nhưng bây giờ thì hoang vu thưa thớt, người dân đã bỏ đi để tránh bom đạn vì VC đã lập một mật khu ở đây và chúng có một trung đoàn chủ lực miền lấy tên là Bạch Mã. Xe chạy qua những bờ biển xanh, qua các làng ven biển như Lăng Cô, Truồi, đầm Cầu Hai, Phú Lộc .

Xe đã đi vào vùng đèo Hải Vân . Đoạn đường đèo dài hơn mười cây số, phân chia hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên. Tại đỉnh đèo và trên những vòng cao độ quan yếu người Pháp trước đây đã cho xây những lô cốt bằng bê-tông cốt sắt rất kiên cố để bảo vệ đoạn đường độc đạo và huyết mạch này. Từ tháng 8/74 VC đã xử dụng trung đoàn Bạch Mã của chúng để chiếm đèo làm tắt nghẽn giao thông và ngăn chận đoàn người chạy nạn từ Huế vào Đà Nẵng. Bằng những trận đánh ngoạn mục, nhất là những trận đột kích đêm, TĐ11 Dù đã tấn công chiếm lại và xóa tên đơn vị địch. Hiện LĐ468/TQLC tân lập của Đ/tá Ngô Văn Định đang trách nhiệm toàn bộ khu vực đèo .Từ đỉnh đèo nhìn xuống là một vùng biển xanh ngắt của Nam Ô và Lăng Cô. Con đường sắt bắc nam chạy sát chân đèo, lúc ẩn lúc hiện qua những đường hầm đào xuyên qua núi. Một làng cùi do các nữ tu công giáo quản lý nằm biệt lập sát biển. Qua khỏi đèo là địa phận của tỉnh Quảng Nam .Cách nhau có một ngọn đèo mà dân ở hai miền khác hẳn nhau về giọng nói, phong tục và lối sống. Người dân xứ thần kinh thì thâm nghiêm kín cổng cao tường với thành quách đền đài lăng tẩm. Còn người dân xứ Quảng thì mộc mạc kiên cường như Ngũ Hành Sơn . Họ rất hãnh diện là người dân của xứ ngũ phụng tề phi. Đó là đời vua Thành Thái (1898) học trò trong Quảng ra thi Hội tại kinh thành Huế có năm vị đổ từ một tới năm . Đó là các Ông :

Phạm Liệu ,Phan Quang ,Phạm Tuấn đổ tiến sĩ
Ngô Lý ,Dương Hiển Tiến đổ phó bảng .

Đoàn xe đã qua làng Nam Ô sản xuất nước mắm ngon nổi tiếng. Qua khỏi ngã ba Huế , ngã ba Phước Tường, rời khỏi QL1 rồi rẽ về hướng tây.Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm của Quân Đoàn I. Theo tỉnh lộ số 4 đến Túy Loan với những tiệm bán mì quảng ngon tuyệt. Những đoạn đường trong vùng do TQLC Mỹ xây dựng nên còn rất tốt. Vẫn còn những đài radar trên những đỉnh núi cao và những căn cứ hoả lực của quân đội Mỹ trước đây ở Hòa Mỹ, Núi Lỡ, Cầu Chìm .

TĐ6 tiếp tục theo tỉnh lộ 4 qua thị trấn Ái Nghĩa, Phiếm Ái rồi tiến vào vùng trách nhiệm tại Hà Tân, Hà Nha, Phú Hương, con đường độc đạo dẫn đến quận lỵ Thường Đức đã bị Cộng chiếm từ tháng 9/74. TĐ6 đóng quân giáp với SĐ3BB của Tướng Nguyễn Duy Hinh về phía bắc của sông Vu Gia (ở quê tôi gọi là sông Ô Gia ). Mùa này nước từ nguồn đổ về đầy ắp khiến con sông trông rộng mênh mông. Sông này là một nhánh của sông Thu Bồn chảy về hướng đông bắc qua miệt Cẩm Lệ rồi đổ về sông Hàn ở Đà Nẵng .

Đoàn xe chở TĐ2 dừng lại ở một bãi trống, người ta gọi là Truông Lộc Chánh, một rừng sim cây thấp. Nơi đây là địa phận của quận Đại Lộc, giáp ranh với quận Hiếu Đức. Nếu đi tiếp chừng hai cây số nữa là đến thị trấn Ái Nghĩa, nơi chôn nhau cắt rún của tôi. Đây là ngã ba giao lộ , buôn bán sầm uất. Rất tiện giao thông về đường sông và đường bộ. Đi về phía đông là Quốc lộ 1 , con đường dẫn về thành phố cổ Hội An .Về phía đông bắc là thành phố Đà Nẵng. Phía tây là các quận Hiệp Đức và Thượng Đức.Vùng này có mỏ vàng Bông Miêu và mỏ than Nông Sơn. Đây cũng là vùng ba biên giới, địa điểm xâm nhập và tiếp vận chính của Cộng quân. Trước đây người Mỹ đã thành lập những đồn biên phòng và những trại dân sự chiến đấu để theo dõi những hoạt động của CS tại Hiên và Giằng. Người Mỹ rút đi những đồn này cũng bị dẹp bỏ .

Nhà Mẹ tôi và các chị ở gần chiếc cầu sắt nối liền với xã Hoán Mỹ trên giòng sông Ái Nghĩa. Lòng tôi rất mong ước được về thăm mẹ nhưng bây giờ thì không được rồi . Đêm đó tôi ngủ thật bình yên trên quê hương mình . Lòng thanh thản vô cùng .

Sáng hôm sau những chiếc trực thăng chở quân UH1B từ phi trường Non Nước vào bốc TĐ lên thay thế những vị trí của TĐ5 Dù.

Gặp thằng bạn cùng khóa là Trần Thanh Chương đang là Trưởng ban 3 TĐ. ĐĐ5 của Đ/U Huỳnh Văn Trọn thay thế cho ĐĐ Trinh sát của Th/tá Võ Văn Đức ( Khóa 22 ĐL ) bị đám cộng bắn sẽ. Những vị trí được thay thế hoàn tất trong ngày trên dãy Sơn Gà, động Lâm, đồi 1062 ..Đây là những vị trí quan trọng mà những chiến sĩ Dù đã phải chiến đấu vớí những cán binh CS thuộc SĐ304 và SĐ2 khi mặt trận Thượng Đức nổ ra từ tháng 8/74. Đồi 1062 được gọi là ngọn đồi máu. Nếu những vị trí này bị mất thì phi trường Đà Nẵng, BTL/QĐ1 và nhiều vị trí quan trọng khác của Đà Nẵng nằm trong tầm pháo và hỏa tiển của giặc .

Anh Hợp và tôi thường ngồi trên những phiến đá lớn, bằng phẳng ở vị trí cao nhất của Động Lâm, dùng ống dòm quan sát những hoạt động của địch về phía Thượng Đức. Địch đang có những cuộc chuyển quân, vũ khí và tiếp liệu rõ ràng. Từng đoàn Molotova và thiết giáp địch di chuyển làm tung lên những đám bụi mù. Anh Hợp thường gọi pháo binh tác xạ, có hôm đề nghị cả một TĐ gồm 36 khẩu 105 ly bắn T.O.T vào vị trí địch . Có hôm đẹp trời L19 lên quan sát , chúng tôi xin những phi vụ F5E hay A37 dội bom vào những bãi đậu xe, những thiết giáp địch .Các phi công VN rất hào hứng và khích động. Họ la lên trong máy khi bắn trúng thiết giáp địch .Chúng tôi cũng nghe những tiếng nổ phụ và những đám cháy bốc lên thật gần. Địch cũng đáp lại bằng những lưới lửa phòng không dữ dội. Chỉ tiếc bây giờ hải pháo không còn và những đợt thả bom của B52 cũng vắng bóng từ lâu. Tuy nhiên tình hình trong khu vực rất yên tĩnh. Lịnh của Lữ đoàn phải chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Lương khô, đạn dược, thuốc men, kể cả nước uống được tích trử trong vòng một tháng .

Những buổi chiều khi hoàng hôn còn lãng đãng ở những ngọn đồi phía tây, anh Hợp thường đem đờn ra chơi những bản classic. Tôi vẫn thích những bản Romance. Tôi không rành về nhạc nhưng những âm thanh đó như quyện vào không gian của buổi chiều tà, khiến lòng tôi cũng đâm ra buồn man mác. Tôi nhớ đến Mẹ tôi rất nhiều. Khi nhìn những người lính TQLC đi mua sắm trong thị trấn, chắc Mẹ tôi cũng nhớ đến tôi. Bây giờ tình hình thay đổi ngày một khó khăn . Hằng ngày tin tức trên đài VOA và BBC mà sốt ruột. Không biết Mẹ tôi và các chị tôi tính sao. Tôi đem điều này nói với anh Hợp. Anh bảo tôi :

– Thôi ông về thăm bà cụ đi rồi sáng mai theo chuyến tiếp tế mà lên . Để tôi gọi máy cho Hậu trạm đem xe vào đón ông trong vòng hai giờ nữa .

Tôi mừng lắm vội gọi hạ sỹ Hờn mang một cái máy ANPRC25, còn tôi mang khẩu M16 . Rồi hai thầy trò lần theo đường mòn xuống núi. Chúng tôi đi dọc theo tuyến phòng thủ của TĐ . Những ngọn đồi ở đây gần như trọc, loang lỗ và xơ xác vì bom đạn. Binh sỹ đào hầm hố sau những mô đất. Họ lợi dụng tối đa những hang động và những giao thông hào có sẵn. Ở những ngọn đồi kế cận, địch cũng đang ẩn nấp và bắn sẻ rất nguy hiểm. Gần hết triền núi thì gặp TĐ6/TQLC đóng giáp . Tiểu đoàn cũng ra lịnh cho các Đại đội đặt những toán bắn sẻ để đáp trả. Tôi không biết tại sao trong chiến thuật của QL/VNCH không cho phép thành lập những toán bắn sẻ. Trong mặt trận Quảng trị năm 1972, chiến thuật đáp trả này tỏ ra rất hữu hiệu.

Chiếc jeep của HS Mười đón thầy trò tôi ở Cầu Chìm thuộc xã Trường An. Dọc hai bên đường người qua lại vội vã. Những chiếc xe đò, xe Daihatsu ba bánh , xe thồ, xe đạp, xe gắn mày có vẽ tất tả ngược xuôi. Gặp một vài người quen, họ nhìn tôi và có vẽ thích thú khi tôi mặc quần áo lính về làng.Tôi cũng rất hảnh diện với áo hoa sóng biển của mình. Mẹ và các chị tôi rất vui mừng khi thấy tôi từ chiếc xe jeep bước xuống. Tôi cũng cảm thấy có một sự hảnh diện nào đó. Anh rễ tôi cho biết gia đình sắp dọn ra Đà Nẵng ở tạm nhà cháu An rồi tìm cách vào Sài Gòn. Mẹ tôi năm đó đã 72 tuổi nhưng còn khỏe lắm. Bà nói :

– Phải đi thôi .VC vào đây thì không sống được .

Tôi nghĩ Mẹ tôi đã nói đúng và tôi rất an lòng. Sáng hôm sau Mẹ đi mua mì Quảng về cho chúng tôi ăn. Rồi bà hối thầy trò tôi ra bãi đáp trực thăng, theo chuyến tiếp tế về lại đơn vị hành quân .

Tình hình biến chuyển thật nhanh và đang xấu đi .

Ngày 8/3/75 phái đoàn lưỡng viện Mỹ rời Sàigòn. Chính quyền VNCH hoàn toàn thất vọng và lo lắng. Mọi hy vọng vào số tiền 300 triệu viện trợ đã tan thành mây khói. Một lần nữa Hà Nội đã được Mỹ bật đèn xanh. Lê Duẩn vội vàng ra lịnh cho Văn Tiến Dũng mở mặt trận Tây nguyên .

Đêm 10/3/75 lúc 2giờ 30 sáng , SĐ 320 bắt đầu tấn công vào Ban Mê Thuộc. Các SĐ 968 và 10 đã vượt sông Krok, Sre Pok tiến về Kon Tum và Pleiku. Th/tướng Phạm Văn Phú, Tư lịnh Quân đoàn II có trong tay các SĐ22, SĐ23 và 3 LĐ/BĐQ của Đ/tá Phạm Duy Tất cùng những đơn vị pháo binh, thiết giáp và Điạ Phương Quân và Nghĩa Quân cơ hữu .Tất cả sẵn sàng chống địch .

Trong khi đó tại mặt trận Trị Thiên các SĐ324B, 325C, 711 và 304 do Lê Trọng Tấn làm tư lịnh và Võ Chí Công làm chính ủy đang áp sát vào những đơn vị của Tướng Trưởng tại Vùng 1 chiến thuật .

Tình thế bây giờ thật khó khăn. Cái ý định tái phối trí lực lượng hay co cụm phòng thủ đã hình thành trong chiến lược của Ông Thiệu. Nhưng cái chiến lược gì có thể thực hiện được khi người bảo trợ chính cho miền Nam đã quay lưng, nếu không muốn nói là phó mặc. Còn nước còn tát . Ông Thiệu nghĩ như vậy. Chỉ tiếc thời gian thì không cho phép và lòng người thì đang giao động. Ông Thiệu hay bất cứ người nào có thể làm được gì trong hoàn cảnh hiện nay ?

Ngày 14/3/75 trong cuộc họp tại Cam Ranh gồm năm ông tướng (Thiệu, Khiêm ,Viên ,Quang và Phú ) Ông Thiệu ra lịnh cho tướng Phú : Rút bỏ Cao nguyên, đem toàn bộ chủ lực gồm SĐ22, SĐ23, các LĐ/BĐ, các đơn vị thiết giáp, pháo binh,..về phòng thủ duyên hải . Lịnh ban ra thật đơn giản và người thi hành lịnh cũng suy nghĩ thật đơn giản. Sự thất bại là ở chỗ đó . Cấp trên gần như trút bỏ trách nhiệm cho thuộc cấp mà không nghĩ mình phải là người chịu trách nhiệm chính. Theo tôi nghĩ kế họach lui binh này phải được thảo hoạch từ cấp bộ Tổng tham mưu và đại tướng Cao Văn Viên phải là người chủ chốt. Thế nhưng ông Viên không có ý kiến, rồi ông Phú lại giao công việc đó cho ông Tất sau khi năn nỉ ông Thiệu gắn cho ông ấy một sao. Và khi sự thất bại xảy ra, dĩ nhiên, lại dùng quyền hạn của cấp chỉ huy để khống chế thuộc cấp. Việc bắt giam Tướng Phú sau này nói lên một sự sai lầm . Bao nhiêu quân nhân và thường dân vô tội đã chết trên QL14 và liên tỉnh lộ 7B là một sự bi thảm .Và đó cũng là bước đầu dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam .Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính đây ?

Tại vùng I, sau khi rút SĐ Dù về Nam, SĐ/TQLC được chia làm hai: LĐ147 trấn giữ tuyến sông Bồ (Huế), các Lữ đoàn 258, 369 và 468 lập tuyến phòng thủ chính cho thành phố Đà Nẵng từ đèo Hải Vân đến sông Vu Già giáp với SĐ3 BB .

Sự sai lầm cũng được lập lại một lần nữa.

Tướng Trưởng cũng nhận được lịnh : Rút bỏ vùng I . Các SĐ1, SĐ2, SĐ3 và SĐ/TQLC cùng những đơn vị Thiết giáp, Pháo binh,..được lịnh tập trung tại các bãi biển Thuận An , Đà Nẵng và Chu Lai. Lịnh đưa ra thật bất ngờ, thiếu chuẩn bị nên đã gây ra nhiều hoang mang và hỗn loạn.Trong lịch sử chiến tranh VN người ta chưa bao giờ thấy được cái cảnh tồi tệ và thê thảm như thời điểm này. Đúng là các nhà lãnh đạo tại miền Nam đã rơi vào tình trạng hoảng loạn hay nói một cách khác là họ đã bị tẩu hỏa nhập ma mất rồi.

Ngày 22/3/75 LĐ15/BĐQ bị áp lực nặng nề của SĐ324B và SĐ325C phải rút bỏ tuyến phòng thủ Phú Lộc . Pháo 130 ly của Cộng quân bắt đầu nả bừa bãi vào thành phố Huế. Những cảnh thương tâm lại tiếp tục xảy ra.

Ngay 24/3/75 LĐ 147 /TQLC gồm các TĐ3,4,5,7,và TĐ2 PB phải rút bỏ tuyến phòng thủ sông Bồ .Tr/tướng Lâm Quang Thi Tư lịnh tiền phương QĐ1 ra lịnh cho Đ/tá Nguyễn Thế Lương đưa lữ đoàn ra cửa biển Thuận An, sẽ có tàu bốc về nam. Hành quân triệt thối được các đơn vị TQLC tổ chức một cách chặt chẽ và có kỷ luật. Bởi vì họ không bị vướng bận bởi gia đình và những cái lỉnh kỉnh khác. Thế nhưng bỗng nhiên Lữ đoàn 258 của Đ/tá Nguyễn Năng Bão nhận được lịnh rút bỏ đèo Phước Tường và những vị trí quan trọng không cho phép cộng quân tiến xuống vùng đồng bằng và cắt đứt Quốc lộ I trong ngày 28/3/1975. Ai đã ra cái lịnh đưa bao nhiêu con người vào “ tử lộ “ này và tạo điều kiện cho một đơn vị cộng quân đã cắt đứt QL1 tại vùng Núi Đá Bạc. Đoàn người di tản đông đảo kể cả quân nhân các đơn vị đã dội ngược lại Huế . Chỉ còn một lối thoát duy nhất là Cửa bể Thuận An . LĐ 147 đã tập họp đầy đủ tại đây và chờ những hải vận hạm của phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đang lãng vãng ngoài khơi. Nhưng cộng quân đã bám sát và pháo kích vào vị trí đóng quân của LĐ .Trên bãi biễn quá đông người và đủ mọi sắc lính . Cảnh hổn loạn thực sự đã xảy ra . Đ/tá Nguyễn Thành Trí, người chỉ huy trực tiếp Mặt trận phía bắc, cũng phải đau lòng bỏ lại những chiến hữu của mình trong cái rọ đang bị siết chặt lại. Th/tá Nguyễn Tri Nam , Đ/U Tô Thanh Chiêu đã bị bắn chết khi đang rãi tuyến đóng quân . Một chiếc tàu đã cặp bến lần đầu để chở thương binh và BCH/LĐ. Chiếc thứ hai hỏng chân vịt vì quá tải . Những hoả tiển tầm nhiệt AT3 của cộng quân không cho phép những chiếc khác liều mạng vào bờ. Các vị Tiểu đoàn trưởng đã giữ được tinh thần chiến đấu của đơn vị mình như Th/tá Nguyễn Văn Sử (TĐ3), Th/tá Đinh Long Thành (TĐ4), Th/tá Phạm Văn Tiền (TĐ5), Th/tá Phạm Cang (TĐ7) và Th/tá Võ Đằng Phương (TĐ2PB). Tất cả đều đã chiến đấu trong một tình thế tuyệt vọng và mở một con đường máu chạy về cửa Tư Hiền. Cuối cùng của một cuộc chiến, tất cả đã bị bắt và chấm dứt cuộc đời nhà binh của mình tại một làng chài hẻo lánh có tên là Vĩnh Lộc, Thừa Thiên.

Ngày 25/3/75 chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lịnh SĐ1 BB họp các Sĩ quan lần cuối tại căn cứ Dạ Lê, ông cho biết đã nhận được lịnh bỏ Huế và bản thân ông cũng không biết phải làm những gì ? Quả thật gia đình là một gánh nặng. Và chính tướng Điềm cũng đành bất lực xuôi tay. Năm 1971 ông là trung đoàn trưởng xuất sắc đã tiến vào Tchepone trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. SĐ1BB được coi là một tấm khiên vững chắc trấn giữ ải điạ đầu đã bị bức tử từ ngày đó. LĐ258 cũng đã từ Bạch Mã rút về Đà Nẵng.

Chỉ có LĐ468 tân lập của Đ/tá Ngô Văn Định xuống tàu an toàn tại làng cùi dưới chân đèo Hải Vân …

Kiều Công Cự/k22/TVBQGVN

This entry was posted in ***Mùa QUỐC HẬN, Văn Hoá Vụ - Trường Võ Bị Đà Lạt, Đa Hiệu. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời