CHIẾC ÁO CƯỚI MÀU HỒNG (Nguyễn Vỹ)

(nguồn: Lê Thy đánh máy từ bản PDF của tusachtiengviet.com)

Chương I

Làng Tân Phú tuy gọi là một làng, với cái tên gợi cảnh giàu sang mới mẻ, nhưng chỉ gồm có năm sáu túp nhà lá lụp xụp, có vẻ hoang tàn, lác đác ven rừng hai bên một đèo cao trên đường quốc lộ Saigon – Dalat.

Bấy giờ vào cuối mùa hè 1946. Đường ấy vắng lắm, xe cộ ít dám lưu thông. Tân Phú lại ở vào khu vực nguy hiểm nhất, từ Hố Nai đến đèo Blao, thỉnh thoảng ở đây có những trận đột kích vô cùng ác liệt. Nhà binh Pháp chưa thiết lập những đoàn xe hộ tống, cho nên một số rất ít xe cam-nhông chở hàng từ Sàigòn lên, hoặc chở rau từ Đà Lạt xuống, thường chạy ban đêm, gần như lén lút , với tất cả rủi ro mạo hiểm, không có gì bảo đảm. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe nhà vì công việc cần thiết phải liều lĩnh chạy bừa, phó cho số mạng.

Quang cảnh làng Tân Phú đìu hiu vắng vẻ với dân số độ vài chục người, kể cả người lớn trẻ con. Ban ngày phần nhiều đàn ông đàn bà đi vô rừng chặt củi, hoặc làm ruộng rẫy trong các hốc núi. Lũ trẻ nít ở nhà với vài con chó ốm dơ xương nằm dưới bóng một cây mít hay một cây đu đủ, cằn cỗi khó khăn.

Lâu lâu, một đoàn xe bọc sắt của Nhà binh Pháp chỉa súng hai bên, chạy rầm rộ lên đèo, giữa một vùng bụi mịt mù trong nắng gắt. Tiếng chó sủa hồi lâu vang dậy một khu rừng, rồi đâu đấy lại chìm trong im lặng.

Một buổi chiều, mặt trời gần lặn, những người đi làm trong núi đã lần lượt về nhà, lòm khòm, uể oải. Người ta mỉm cười thấy một cặp trai gái còn ngồi trên tảng đá lớn, nơi đỉnh núi. Cậu con trai đội chiếc mũ nỉ cũ mèm, áo sơ mi vải xanh vá nhiều tấm, quần cụt, chưn mang đôi dép cao su làm bằng vỏ xe hơi. Cô gái bới tóc, đội nón lá rách, mặc áo bà ba trắng, chấp vá nơi vai, đi chưn không, Bên cạnh cậu, một bó tre lò-o chặt trong núi đem về. Bên chưn thiếu nữ, một gánh lá lợp nhà. Hai người vừa ở trong núi ra, ngồi kề nhau trên tảng đá cao, coi chiều âu yếm lắm. Trong làng Tân Phú ai cũng biết đó là Tình và Phượng, một đôi tình nhơn sắp cưới.

Trần văn Tình, 20 tuổi, là con trai một người phu đồn điền, trước đã theo cha làm phụ thợ mộc trong một sở Cao-su ở Trảng-Bôm. Từ hồi chiến- tranh, gia đình cậu tản cư về ở Tân Phú, nhà ông ngoại. Hiền lành, ít nói, bộ mặt dễ thương, cốt cách một cậu học trò hơn là một thanh niên lao động. Nhưng một cậu học trò đã lớn, đứng đắn, đàng hoàng, lanh lợi. Vả lại cậu đã thi đỗ bằng tiểu học, hồi 11 tuổi, học được một năm lớp đệ nhứt rồi phải nghỉ học theo cha lo kế sanh nhai.

Mỹ Phượng, tên đã đẹp mà người lại càng đẹp, là con gái thứ một chú Cai Lục-lộ đã về hưu. Trước cô đi học trường Đà Lạt, đỗ bằng Tiểu học. Từ khi người chị đi lấy chồng thợ hồ, Mỹ Phượng thôi học, về nhà giúp mẹ. Bắt đầu truyện này, Mỹ Phượng đã 19 tuổi. Dáng điệu thướt tha, nhan sắc hồng hào tự nhiên. Mỹ Phượng đẹp hơn các cô gái ở thành thị nhiều. Đẹp nhất là đôi mắt ngà của Phượng, với tròng con ngươi xanh lợt như một chấm màu trời. Phượng được mọi người trong làng thương mến vì tính nết đoan trang, thùy mị. Mẹ cô đã già yếu, một mình cô đảm đương gần hết mọi việc trong gia đình.

Trước kia, Tình đã quen biết Phượng, nhưng hai người thật đã thương nhau từ ngày Tình tản cư về đây. Thương nhau vì tính tình hạp nhau, hoàn cảnh giống nhau. Thương nhau vì Tình có nhiều cử chỉ thành thật, nhiều lời nói đoan trang, vì Phượng biết thờ mẹ kính cha, một người con gái có hiếu thảo, đủ công dung ngôn hạnh. Đôi bạn trẻ nghèo nàn chất phác kia đâu có biết tự do lãng mạn là gì, ái tình mơ mộng là gì, nhưng tình thương yêu quê mùa mộc mạc của họ không phải là không tha thiết đắm say. Và cũng không phái là không cảm động.

Chiều hôm ấy, hai người từ rừng sâu ra về. Phượng đi trước, gánh một gánh lá mồng tơi, Tình đi kế sau, vác một bó tre lò-o, dài và nặng. Đến đỉnh núi ngó xuống xóm nhà Tân Phú, Tình thấy Phượng đi cà nhót, liền hỏi:

– Em đau chưn hay sao em?

Mỹ Phượng dịu dàng đáp:

– Dạ, em vừa đạp trúng gai.

Tình bảo Phượng nghỉ một lát, để cậu lể gai cho. Cậu vứt bó tre lò-o xuống đất, và đỡ gánh lá cho Phượng:

– Em ngồi lên tảng đá đưa chưn tôi coi gai đâm chỗ nào.

Phượng bẽn lẽn làm theo lời Tình, ngồi trên tảng đá, chỉ chỗ đau dưới bàn chưn. Tình ngồi dưới đất, khẽ nâng bàn chưn mủm mỉm nõn nà của Phượng. Cậu thấm nước miếng lên đầu ngón tay, chùi sạch chỗ da bị gai đâm, lấy chéo áo lau khô, rồi mở chiếc ghim-băng nơi túi áo của cậu, để khều gai. Phượng hơi mắc cở, nhưng sung sướng cảm động, ngó Tình ngồi bên chưn cô, âu yếm nắm bàn chưn cô, lể mủi gai xương rồng. Cậu khều nhè nhẹ, vừa khẽ hỏi Phượng:

– Đau không em?

Phượng thỏ thẻ đáp:

– Dạ không đau, anh à.

Tình nắm được đầu gai rút ra, đưa Phượng xem. Phượng mỉm cười:

– Cám ơn anh.

Tình đứng dậy ngồi lên tảng đá, sát cạnh Phượng. Mặt trời đã biến sau áng mây hồng. Chung quanh rừng núi bao la, trùng trùng điệp điệp. Mấy túp nhà lá lụp xụp, đìu hiu, có vẻ hoang vu dưới ánh chiều tàn. Đôi trai gái rừng xanh lặng lẽ ngồi nhìn con đường Sài gòn – Đà Lạt quanh co như một giải lụa dài vô tận. Không một bóng người. Một làn gió thổi mạnh, cuồn cuộn bụi mờ, hiu hắt tan dần trong tịch mịch.

Tình buồn bã, mân mê cánh áo trắng của Phượng:

– Em ơi, ngày cưới của hai đứa mình còn xa quá, phải không em?

Phượng khẽ đáp:

– Còn hai tháng nữa, anh à. Nhưng em cũng thấy lâu như hai năm vậy.

– Tại gia đình chúng ta quá tin theo dị đoan, nhứt định phải đợi đến ngày 28 tháng 5 mới cho làm lễ cưới.

– Chúng mình ráng chờ vậy, chớ biết sao?

– Thời buổi loạn ly. Chắc sum họp được lâu không, hay ly biệt ngày nào? Chúng mình lại ở giữa nơi chiến địa. Mấy ông thường qua lại, sợ có ngày hai bên chạm trán nhau ở đây, khu rừng yên tĩnh sẽ hóa ra bãi chiến trường, rồi biết đâu em với tôi sẽ thất lạc mỗi người mỗi ngã?.. Hoặc sẽ bỏ thân trong máu lửa hãi hùng? Tôi cứ sợ ngày đêm, em ạ.

Phượng cũng tỏ vẻ băn khoăn lo lắng. Tình nói tiếp:

– Tôi đã bàn với cha tôi, để cho hai đứa mình thành hôn sớm ngày nào hay ngày ấy. Rồi chúng mình đem nhau đi Đà Lạt, hoặc Biên Hòa, kiếm việc làm tạm, để nuôi dưỡng cha mẹ già, cho qua ngay qua tháng. Nhưng cha tôi cứ biểu ở Tân Phú một thời gian nữa coi, chừng nào thiệt yên ổn cha mới cho đi.

– Cha mẹ em cũng tính như vậy. Nhưng em không dám cãi. Mọi việc, em đều chờ anh quyết định.

– Dù sao, còn hai tháng nữa, đến 28 tháng 5 làm lễ cưới xong, tôi cũng đem em đi Đà Lạt đặng kiếm sở mần. Tôi nghe người ta nói ở trên ấy có nhiều xưởng đã mở cửa làm việc lại, đang cần nhiều thợ. Tôi muốn xin vô làm thợ máy. Còn em thì ra chợ buôn bán. Một vài tháng, chúng mình kiếm được nhà ở đàng hoàng, sẽ rước cha mẹ tôi và cha mẹ em lên ở chung với chúng mình, để chúng mình nuôi dưỡng. Tôi tính như vậy đó, em có đồng ý không?

– Dạ tùy anh. Anh sắp đặt sao, em cũng nghe theo. Anh đi đâu, em cũng theo anh.

– Hai bữa nay, bà già ho nặng. Sáng sớm mai tôi phải vô Biên Hoà mua thuốc cho bà. Chiều tối, tôi về.

– Anh đi bộ vô Biên Hoà, rồi chiều lại đi bộ về, sao kịp?

– Nếu không kịp, thì tối mai tôi ở lại nhà Dì Năm. Sáng mốt tôi về vậy. Sẵn chuyến đi này, tôi mua luôn ít thước hàng may áo dài cho em, để đến ngày cưới em mặc. Em ưa hàng màu gì?

– Anh đừng mua nữa, Em đã có áo hàng màu xanh rồi.

– Áo em mặc hôm Tết đó, phải không?

-Dạ.

– Áo ấy đã cũ, em mặc thấy cụt ngẳng, và chật ních Tôi muốn may tặng em chiếc áo cưới mới màu hồng. Em thích màu hồng không?

– Anh thương em, cho em áo gì em cũng mặc

– Áo cưới màu hồng chắc coi đẹp lắm, em nhỉ?

– Dạ, anh thấy đẹp, em cũng thấy đẹp vậy.

Tình nắm bàn tay Phượng, nõn nà, năm ngón tay búp măng. Cậu âu yếm ngó Phượng:

– Em Mỹ Phượng à, tôi thương em quá. Em đã xinh đẹp mà lại hiền lành nữa.

– Anh thương em, anh khen em chớ em đâu có đẹp gì?

Phượng lại hỏi:

– Chừng nào anh đi Biên Hoà?

– Gà gáy đầu, anh dậy đi liền để kịp trưa đến tỉnh.

– Thôi, chúng mình về để anh nghỉ sớm, sáng anh đi sớm.

Mặt trời đã lặn từ lâu. Tình đặt gánh lá mồng tơi lên vai Phượng. Cậu tự xốc bó tre lò-o lên vai cậu rồi đôi trai gái lam lủ mộc mạc của rừng xanh cùng nhau xuống núi.

***

Gà vừa gáy sáng. Phượng thức dậy, lật đật mở cửa bếp ra sân sau, súc miệng, rửa mặt, rồi đi vòng sân trước, ra đường cái lớn. Sương mù bao phủ cả núi rừng, dày đặc, không trông thấy gì. Phượng lạnh run, đút hai tay vào túi áo, bước lẹ theo lề đường đến trước cổng nhà Tình, cách hai trăm thước. Ngó vô nhà thấy ánh đèn và nghe tiếng Tình sửa sọan, tiếng ông già cậu căn dặn:

– Thời buổi giặc giã, con đi tỉnh lo mua đồ về mau, đừng đi chơi lang thang lỡ bị bố ráp, nghe con?

Tiếng Tình đáp:

– Dạ, chiều nay con về.

Phượng đứng Iấp ló ngoài đường, chờ Tình. Tình vừa ra, tay xách một gói nhỏ. Trông thấy bóng Phượng, Tình lật đật đến gần:

– Em! Trời lạnh quá, em dậy sớm làm gì?

– Em tiễn anh đi.

Tình nắm tay Phượng. Hai người lặng lẽ nhìn nhau rất âu yếm. Tình khẽ bảo:

– Em về kẻo lạnh.

– Em định nói với anh đừng đi Biên Hoà bữa nay. Hôm khác anh đi có được không?

– Sao vậy, em?

– Đêm nay em cứ thấy bồn chồn trong dạ. Em lo sợ có chuyện gì không hay sẽ xẩy ra cho anh…

– Anh phải đi mua thuốc ho cho mẹ. Và mua chiếc áo cưới màu hồng cho em.

Phượng rưng rưng nước mắt. Tình ôm Phượng vào lòng, hôn hai má ửng hồng của vị hôn thê tuyệt đẹp, rồi khẽ bảo:

– Em đừng lo buồn, nghe em. Chiều nay anh về.

Tình nắm chặt hai tay Phượng một lần chót, để từ giã.

Mỹ Phượng ngó theo người yêu biến trong sương mù. Sương mù dày đặc phảng phất một màu trắng lợt như tấm vải tang mênh mông bao phủ cả núi rừng…

Chiều tối hôm ấy, Phượng hồi hộp đợi chờ. Từ lúc mặt trời lặn, đến hết canh một, qua canh hai. Phượng ngóng trông, chưa thấy bóng Tình về. Cả đêm cho đến gà gáy sáng, Phượng thao thức, trằn trọc trên giường tre, hình ảnh của Tình chập chờn lúc mê lúc tỉnh.

Ba hôm sau, Tình vẫn chưa về. Hai bên cha mẹ đều nóng lòng lo sợ. Phượng không ăn, không ngủ. Cô xin phép cha mẹ cô đi Biên Hoà để hỏi tin tức. Cô sửa soạn đi thì Tấn, người con trai của bà Dì ở tỉnh, vừa lên theo một chuyến xe hàng buổi tối. Tấn trao Phượng năm hộp thuốc ho, một xấp hàng màu hồng, và thuật chuyện:

– Đêm hôm kia, anh Tình đi chơi phố với em. Hai anh em đứng trước cửa rạp hát giữa đám đông người đang nghe âm nhạc cải cách, bỗng có hai trái lựu đạn nổ trong tiệm cà phê kế cận. Ba người lính Tây chết. Bốn người lính Ma-rốc bị thương nặng. Đám đông người trước cửa rạp hát và khách hàng trong tiệm xô nhau chạy tán loạn. Ngay lúc ấy, một tốp lính Pháp và ‘‘thân binh’’ bao vây các nẻo đường, bố ráp dân chúng. Hơn một trăm người bị bắt, trong số có anh Tình. Thật là xui cho anh, vì em vừa nghe lựu đan nổ là em lanh chưn chạy liền, kéo anh chạy theo em, không dè trong lúc mọi người xô nhau chạy, không biết anh lính quýnh cách nào bị té rồi bị kẹt lại sau, bị lính bắt. Về nhà em không thấy anh, đợi mãi suốt đêm không thấy anh về. Sáng hôm sau, em dò hỏi biết ảnh bị giam trong trại lính Ma-rốc với đám người bị bắt, nhưng không làm sao hỏi thăm ảnh được. Đợi hai ngày không thấy ảnh ra, má em mới biểu em đem tin gấp cho Dì Dượng và chị Ba biết.

Ông già của Phượng hỏi:

– Bữa nó xuống Biên Hoà, mấy giờ thì tới nơi? Rồi sao chiều nó không về?

– Dạ, thưa Dượng, ảnh xuống đến nhà con thì vào khoảng 2 giờ chiều. Ảnh kêu đau chưn vì đi đường xa. Ảnh nghỉ ngơi một lúc rồi bốn giờ rủ con đi ra phố mua thuốc ho và lựa hàng đẹp mua một áo dài. Ảnh nhất định mua hàng màu hồng để may áo cưới cho chị Ba. Sáu giờ ảnh với con về nhà, cơm xong con rủ ảnh đi chơi… sẵn đi ngang qua rạp hát, tụi con đứng lại nghe Âm nhạc được một lát thì lựu đạn nổ…

Phượng cầm trong tay gói hàng màu hồng, bần thần, đau đớn. Cô biết nói sao bây giờ?

Tấn an ủi:

– Thôi chị đừng buồn, chị Ba à. Ảnh vô tội, chắc thế nào cũng được tha.

– Tôi buồn khổ cho tôi thì ít, nhưng lo sợ cho anh Tình nhiều hơn. Không biết chừng nào anh được tha?

– Thế nào người ta cũng tra xét ra ai là người ném lựu đạn. Anh Tình không có ném thì họ tha ra, chớ giam ảnh làm gì? Em chắc ít ngày nữa ảnh về.

– 28 tháng 5 sắp tới đây là ngày cưới của chúng tôi. Còn hai tháng nữa không biết ảnh sẽ về kịp hay không?

Mỹ Phượng ôm ấp gói hàng màu hồng vào ngực, nằm khóc sướt mướt thâu đêm.

—>Chương 2

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Nguyễn Vỹ. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời