CÁC NGÔI CHỢ Ở SÀIGÒN, CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH TRƯỚC 1975 : Chợ Vườn Chuối-Chợ Bàn Cờ-Chợ Hòa Bình-Chợ An Đông

(TM tổng hợp và bổ túc)

13&14-Chợ Vườn Chuối và Chợ Bàn Cờ
Đường Phan Đình Phùng- Quận 3-Sàigòn

Một số dữ kiện về chợ Bàn Cờ và chợ Vườn Chuối trước năm 1975 trình bày dưới đây, được viết theo lời kể của ông N. Đ. H., cư ngụ nhiều năm ở cư xá Đô Thành nằm trong khu Bàn Cờ,từng hành nghề luật sư ở Sàigòn, sau 1975, định cư tại tỉnh bang Québec, Canada.

Chợ Bàn Cờ và chợ Vườn Chuối được trình bày chung trong cùng bài vì lý do hai chợ này gần như nằm trên cùng một con đường, đó là đường Phan Đình Phùng trong khu vực Bàn Cờ, từ chợ này qua chợ kia vào khoảng cây số. Hai chợ này đã có mặt ở Sàigòn từ những năm trước 1954.

13-Chợ Vườn Chuối

Chợ Vườn Chuối nằm ở khoảng giữa và bên phía tay phải của khúc đường Phan Đình Phùng khi đi chuyển từ đường Lê Văn Duyệt về hướng đường Cao Thắng. Đầu chợ ở đường Phan Đình Phùng, cuối chợ ở đường Phan Thanh Giản, chiều dài của chợ song song với đường rầy xe lửa từ Sàigòn qua Hòa Hưng.

Ở nơi đầu chợ, có một vài địa chỉ đặc biệt mà người dân ở đây vẫn còn nhớ tới. Cùng một bên đường và gần chợ (đi về phía đường Cao Thắng) là trường tiểu học Rạng Đông (tên Pháp là Aurore). Bên kia đường, đối diện với trường này là tiệm sách Thanh Bình nơi người ta thường nghe tiếng vĩ cầm réo rắc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên lúc đêm khuya. Cách nhà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vài bước là tiệm cho thuê truyện nổi tiếng Cảnh Hưng (tiệm sách này là một ngôi nhà lầu 3 hay 4 tầng, lúc nào cũng đầy người mà phần lớn là phái mạnh mày râu, tới thuê sách chuyện đủ loại như truyện tàu, truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình, trinh thám,gián điệp Z 28, tình cảm xã hội). Đi thêm vài chục thước nữa về hướng đường Lê Văn Duyệt là nhà hòm Đức Bảo. Cách nhà hòm này vài căn là nhà của nhiếp ảnh gia Vũ Công Hiển.

Từ cư xá Đô Thành (cổng chính nằm trên đường Phan Thanh Giản) đi bộ tới Chợ Vườn Chuối thì mất khoảng 10 phút. Gần sát bên cạnh chợ này, có một con đường tên là đường Vườn Chuối nhỏ nhưng đi được hai chiều, thuộc khu vực cư xá Đô Thành, nối liền đường Phan Thanh Giản qua đường Phan Đình Phùng. Từ xưa đến nay, con đường này có nhiều nhà may, tiệm bán quần áo thường và quần áo cưới, quán ăn… nằm san sát.

Khu Vườn Chuối ngày xưa có thể là một phần đất của khu vực gọi là Đồng Tập Trận hay Mò Súng (người Pháp gọi là Đồng Mả Mồ), nơi Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt xuất binh vào ngày mồng sáu tháng giêng mỗi năm. Nơi này sau năm 1835, trở thành mồ chôn con nuôi của Đức Tả Quân, ông Lê Văn Khôi, gia đình và các binh sĩ. Tài liệu [4] viết lại theo chú thích của ông Đặng Văn Ký tự Minh Tải, học giả ở Gò Vấp, thì chỗ ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Thanh Giản, khoảng bệnh viện Bình Dân, ngày xưa là Mả Ngụy hay Mả Biện Tru , người Pháp gọi là Plaine des tombeaux.

Trên miếng đất này, vua Minh Mạng đã chôn chung cùng huyệt mả cả thảy 1137 người (gần 2000 người theo ông Lê Thành Khôi), già trẻ, lớn bé, đàn ông , đàn bà lộn xộn bị khép vào tội phản nghịch (1832-1835).

Bản đồ Sàigòn 1867

Bản đồ Sàigòn 1859, 1867, 1900 và 1905 đã ghi rõ ràng Plaines des tombeaux trên khu vực này.

Khu vực Đồng Tập Trận thường được nhắc lại như một vùng đất của oan hồn, không ai dám bén mảng, dần trở thành vùng rừng cây rậm rạp rộng lớn giữa trung tâm Gia Định.

Trong thời Pháp thuộc, sau khi đến Sài Gòn, Raoul Postel đã mô tả cánh Đồng Mả Mồ trong tác phẩm L’Extrême-Orient, Cochinchine, Annam Tonkin như sau: “Chẳng có ai đến Sài Gòn chỉ trong một ngày mà lại không nghe nói đến ít nhất về cái nghĩa địa bao la được gọi dưới cái tên là Đồng Mả Mồ.”

Sau đó người dân đã trồng trọt trên khu vực Đồng Tập Trận. Bản đồ Sàigòn 1860 dưới đây đã ghi rõ ràng Plantattions (đồn điền trồng cây-nông trại).

Khu Vườn Chuối ngày nay có thể là một phần đất của khu đồn điền này.

Chợ Vườn Chuối mang tên Vườn Chuối vì ngày xưa ở đây là một khu vực trồng chuối, tới những năm 1962-63, người ta còn thấy những vườn chuối ở ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, nơi này sau có tòa đại sứ Cao Miên.

Theo tài liệu [89] :

“Trong khu vực chợ Vườn Chuối có một cây bồ đề lâu đời xum xê nằm chễm chệ ở góc chợ. Không ai biết cây này mọc đã bao lâu hay từ khi nào. Chỉ hay rằng người dân thấy cây lâu năm, linh thiêng nên lập bàn thờ dưới gốc cây, rồi mỗi ngày mọi người ra xung quanh nhang khói, hương đèn như một nơi cầu bình an cho gia đình.

Khu Vườn Chuối ngày trước toàn là nhà lá, nhưng sau bị cháy, nghi là có người đốt. Rồi từ vụ cháy đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lấy đất, phân lô bán lại cho dân lao động hoặc cấp cho công chức chính phủ để cất nhà”. (Có thể sau hỏa hoạn này cư xá Đô Thành được xây lên?).

Lối chính vào chợ Vườn Chuối nằm trên đường Phan Đình Phùng Tại đây trước năm 1975 có tiệm vàng và tiệm bán giò chả khá ngon Bên hông chợ, một bên là đường rầy xe lửa, Sàigòn-Hòa Hưng ,hông bên kia là một dẫy nhà hai tầng.Tầng dưới là các tiệm tạp hóa vào dịp Tết bán bánh mứt, bông hoa như hoa Mai, hoa Cúc và các loại hoa khác,vào dịp Trung Thu bán lồng đèn vui đáo để.Nếu đi vào bằng lối quầy giò chả ta sẽ gặp mùi thơm của bún riêu,bún thịt nướng… Ở đây có những hàng bán bún riêu ngon nổi tiếng ở quận 3, khách hàng tới ăn phần lớn là các bà, các cô học sinh và sinh viên của các trường học chung quanh.

Qua dẫy hàng ăn chúng ta sẽ vào nhà lồng chợ Trong này bán đủ thứ vải để các bà,các cô chọn lựa. Qua nhà lồng là khu chợ cá. Đủ loại tôm cá để kho tiêu hoăc nấu canh chua…Rồi còn hàng thịt nửa chứ đủ loại thịt bò,gà ,heo…Qua khu bán cá, chúng ta sẽ gặp một cầu tiêu công cộng nhưng khi xử dụng thì phải….trả tiền (truyền thống nay vẫn còn tồn tại ở nhiều xứ Âu Châu nhất là nước Pháp). Khu này đã là cuối chợ gần đường Phan Thanh Giản Nếu chúng ta làm chữ U đi ngược về đường Phan Đình Phùng thì đó là khu hàng rau.

Sau năm 1975, buổi chiều tối chợ Vườn Chuối bán đồ ăn. Ngoài món bún riêu đã nổi tiếng từ trước 1975, nay chợ này bày bán thêm nhiều món ăn nước với bún như làbún Thái, bún bò Huế, bún đậu mắm tôm, bún mọc, bánh canh, nui, suông…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

4. Vương Hồng Sển: Sài Gòn Năm Xưa – Sống Mới – 1968.
89. Hồng Thắm – Sài Gòn xóm – Kỳ 2: Xóm Vườn Chuối không chỉ bán chuối! – 22/05/2018.

—> Chợ Bàn Cờ

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Các Ngôi Chợ ở Sàigòn - Chợ Lớn và Gia Định trước 1975 and tagged , , , . Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời