TRONG LAO TÙ CỘNG SẢN (Kiều Công Cự, K22)

TRONG LAO TÙ CỘNG SẢN
(Kiều Công Cự, K22/TVBQGVN)

1. Trở lại căn nhà ở đường Tô Hiến Thành.

Cái giây phút nói tiếng chia tay bao giờ cũng ngại ngần. Nó có vẻ uỷ mị quá chăng (!)? Anh Hợp và tôi không nói một lời gì với nhau, mà cả hai dành trọn tình cảm đó cho những người đồng đội, những người cùng vào sinh ra tử trong suốt đoạn đường chinh chiến.

Ngày đầu tiên và ngày cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, người chỉ huy trực tiếp của tôi là anh Trần Văn Hợp. Hai tiểu đoàn mà tôi phục vụ trong tám năm trong Sư Đoàn TQLC là Tiểu Đoàn 2 (Trâu Điên) và 9 (Mãnh Hổ). Tiểu Đoàn 2 là đơn vị đầu tiên tôi đến, cũng là nơi cuối cùng tôi ra đi.

Buổi sáng ngày 30/4/1975, sau khi nghe lịnh đầu hàng của Dương Văn Minh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, nhiều tiểu đoàn TQLC cũng được lệnh trở về hậu cứ của mình là Căn Cứ Sóng Thần. Ngoại trừ Tiểu Đoàn 4 TQLC có hậu cứ tại Vũng Tàu, còn lại 11 tiểu đoàn tác chiến, ba tiểu đoàn Pháo Binh, các tiểu đoàn Quân Y, Truyền Tin, Công Binh, và Bịnh viện Lê Hữu Sanh của TQLC đều có mặt trong một căn cứ rộng lớn do quân đội Đồng Minh giao lại. Trung Tâm Huấn Luyện TQLC tại Rừng Cấm cũng ở gần đó. Các tiểu đoàn lần lượt về đây.

Họ cùng một hoàn cảnh như chúng tôi. Buổi sáng nắng đã lên cao, cái nắng của tháng Tư bắt đầu gay gắt. Không có cái gì hoảng loạn nhưng có một cái gì ngao ngán và bẽ bàng. Chúng tôi bắt tay nhau, rồi tất cả hướng về cổng với nhiều phương tiện khác nhau. Việt Cộng vẫn còn ở đâu rất xa. Không có bàn giao. Có lẽ Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lịnh Phó Sư Đoàn, là người sau cùng rời khỏi căn cứ. Tôi cũng leo lên chiếc xe jeep do Hạ Sĩ Mười lái cùng với một số anh em lính. Họ vẫn còn mang theo những khẩu M79 và M16, làm như đang hộ tống một nhân vật quan trọng. Quân phục, lon lá vẫn còn, nhưng chẳng còn gì ngoài tấm lòng hoang mang và buồn bã. Lần này thì thật sự hết rồi. Chẳng còn mong gì làm lại.

Từ ngã ba Đường Sơn Quán, xe quẹo phải theo Quốc Lộ 1 cũ, qua chợ Thủ Đức. Một vài tiệm buôn, cũng như nhà lồng chợ và những quán nem vẫn mở cửa nhưng cũng chẳng ai ăn uống mua sắm gì nhiều. Người ta túa ra đường rất đông. Ai cũng có vẻ ngơ ngác, chờ đợi. Quận lỵ Thủ Đức có nhiều hậu cứ và trại gia binh của các tiểu đoàn TQLC trước đây. Xe qua cầu Gò Dưa rồi phải dừng lại ở ga Bình Triệu vì kẹt đường. Số người từ khắp nơi đổ về Sài Gòn và nhiều người từ trong thành phố bỏ chạy ra ngoại ô. Người ta nghe tin Việt Cộng sẽ pháo kích vào Sài Gòn và nơi đây sẽ trở thành biển máu. Bây giờ thì họ dồn tụ lại ở đây. Những chiếc T54 và PT76 của Cộng Sản do Liên sô chế tạo và cung cấp, vẫn còn gắn đầy lá nguỵ trang đang từ hướng Lái Thiêu chạy qua cầu Bình Triệu. Chúng tiến chậm chạp và dè dặt. Đám đông đứng hai bên đường giơ tay chỉ trỏ. Có một vài tiếng hoan hô.

Tôi bỗng nhớ bài hát của Trịnh Công Sơn nói về đàn bò vào thành phố; đàn bò này khi vào thành phố thường hung bạo, chúng ta phải cẩn thận mới được. Thầy trò bỏ chiếc xe jeep lại ven đường, đi với nhau một đoạn rồi nói tiếng chia tay mỗi người về một ngã.

Tôi cũng băng qua cầu, đi bộ về ngã ba Hàng Xanh. Rồi quẹo phải theo đường Bạch Đằng về hướng chợ Bà Chiểu. Tôi định ghé qua nhà anh Lang ở đường Võ Tánh hoặc về nhà chị Ngọc.

Tiếng súng vẫn còn nổ ở vài nơi, nhất là trước Tòa Tỉnh Trưởng Gia Định. Một tiếng nổ khá lớn trước nhà Bưu Điện, khói đen bốc lên trước tôi khoảng năm chục thước. Tôi đành bọc qua hông trái của chợ Bà Chiểu. Hàng quán trong chợ đóng cửa hết, nhưng số người trong đó vẫn còn. Có những đám người đi hôi của chạy qua lại lăng xăng. Chúng cầm những súng M16, M79, có cả súng Carbine báng xếp nữa, bắn vào những ổ khóa những kho hàng. Chúng leo qua tường những nhà mà gia chủ đã bỏ đi, đập bể cửa kiếng vào nhà.

Tôi bỗng nghe một loạt súng bắn thẳng về hướng mình. Theo một phản ứng tự nhiên của người lính tôi phóng lại một bức tường thấp, nhưng cô gái tay dẫn thằng em nhỏ đang đi trước tôi lãnh nguyên một băng đạn vào đầu vai và ngực. Cô ngã xuống bên vỉa hè. Tiếng thằng em khóc rống lên. Ở căn nhà đối diện một người đàn bà tất tưởi chạy ra, vừa kêu lên:

– Con ơi!

Tôi phụ một tay khiêng cô gái vào nhà. Mắt cô gái mở trợn trừng. Toàn thân đẫm máu, cô gái đã chết. Thằng em không hề hấn gì. Tôi thấy miệng mình đắng ngắt và cổ khô rát. Tôi xin một ly nước lạnh rồi lặng lẽ rời căn nhà đang có nhiều tiếng khóc. Áo của tôi cũng dính đầy máu.

Lăng Ông Bà Chiểu vẫn còn một số người nhang khói. Tôi ra đến đầu đường, đối diện bên kia là trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt. Đường vẫn còn đầy người đi bộ và xe cộ. Một vài chiếc jeep chạy qua, bóp còi inh ỏi. Trên xe là những thanh niên mang băng đỏ, tay cầm súng bắn nhiều loạt chỉ thiên. Xe cộ phải dạt qua hai bên. Người cũng chạy núp vào những cây lớn hai bên đường. Cứ như đang có đánh lớn trong thành phố. Trong đợt đầu của trận tấn công Tết Mậu Thân (1968), nghe tiếng súng thì dân Sài Gòn chạy ra coi mặt mũi Việt Cộng ra sao. Nhưng đến đợt hai thì nghe Việt Cộng đến đâu dân bỏ chạy đến đó. Lần này thì chúng đã vào đến tận Sài Gòn rồi… Quang cảnh ở thành phố này thật phức tạp và nguy hiểm. Súng vẫn còn nổ ở nhiều nơi. Người ta tìm mọi cách để rời thành phố. Tại Tòa Đại Sứ Mỹ những chiếc trực thăng lên xuống liên tục. Tại cầu tàu ở bến Bạch Đằng…

Một chiếc xe ôm trờ tới, tôi mừng quá. Người tài xế nhìn tôi tò mò:

– Anh bị thương phải không?

– Không phải đâu… Tại cái áo… Anh cho tôi về đường Tô Hiến Thành…

– Anh cho 2000$.

– Được rồi, anh.

Nói xong là tôi nhảy lên phía sau xe và hối anh chạy đi. Anh tài xế là người lương thiện, nếu anh có bảo 20.000$ tôi cũng không có gì để mà kỳ kèo. Trong cảnh xô bồ hỗn loạn này tôi muốn được về nhà càng sớm càng tốt. Không biết vợ con tôi có được an toàn hay không? Xe qua khỏi cầu Bông, qua Đa Kao, rồi rẽ phải theo đường Hiền Vương. Khu nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi vắng vẻ. Ngã tư Hai Bà Trưng xe cộ kẹt cứng vì không có cảnh sát chỉ đường. Anh tài xế phải leo lên lề đường mà chạy. Những tiệm phở từ ngã ba Duy Tân đến ngã tư Pasteur đều đóng cửa. Trước tiệm có những toán lính Lôi Hổ đang ngồi, súng kê lên vai hay dựa trên đùi. Họ rất bình tĩnh và thản nhiên.

Đến ngã tư Nguyễn Thông tôi thấy một chiếc M41 đang còn nổ máy. Trên đó, một vài cậu bé khoảng 14, 15 đang cố gắng kéo cơ bẩm của khẩu đại liên 50 về sau trong tư thế nạp đạn. Cách đó không xa xác một đàn bà tóc xõa dài, máu đọng lại thành vũng. Xe chạy qua Bùng Binh Ngã Sáu, qua trường Lasan Taberd, rồi rẽ phải về đường Lê Văn Duyệt. Đến rạp chiếu bóng Thanh Vân, tôi thấy những cán binh Việt Cộng đang chạy lúp xúp, súng cầm tay, trên người vẫn còn dắt lá ngụy trang. Đúng là đàn bò vào thành phố… nhưng hãy coi chừng đó là những tên cuồng sát, ngạo mạn và lố bịch sau này. Chúng đang tiến về trại Lê Văn Duyệt thuộc Bộ Tư Lịnh Biệt Khu Thủ Đô. Dân ở hai bên đường chỉ trỏ rồi vỗ tay cười. Không biết để hoan hô hay để chế nhạo chính mình. Trong trí tưởng của họ hình ảnh của những anh chàng bộ đội này có vẻ tương phản:

Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ,
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai.

Quẹo trái qua chợ Hòa Hưng, qua Đơn Vị 3 Quản Trị Trung Ương, tới nhà tôi ở trong Cư Xá Cao Thắng trên đường Tô Hiến Thành. Mọi người cũng đang tụ năm, tụ ba bàn tán về số phận của những người đang ở trong những khu cư xá của Quân Đội. Cái cổng sắt nhà tôi khóa chặt. Bà Tư Xem, người ở sát cạnh, đang ngồi trong nhà nói vọng ra:

– Súng bắn quá chừng đêm qua. Cô Tư sáng nay đã dẫn Cường Thảo qua bên Ngoại. Dượng Tư vào đây uống nước, để tôi bảo con Phước đạp xe qua kêu cô Tư về cho. Rầu quá dượng ơi!

Rồi bà thở dài. Gia đình của Bà từ Nam Vang chạy về đây năm 1970, để tránh nạn “cáp duồn” (giết người Việt) của Miên. Bỏ của chạy lấy người. Mới gây dựng được vài năm thì bị cái nạn này. Càng nghĩ bà càng thấy cảnh đời thê thảm. Rồi bà khóc lặng lẽ. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Trong mười năm ở quân đội tôi đã khóc cho bạn bè, cho đồng đội đã nằm xuống. Lần này tôi khóc cho vận nước nổi trôi, cho chính cái thân phận mình và gia đình. Vợ và con tôi cũng ngậm ngùi:

Còn Quê Hương là còn cơm ngon,
Còn Quê Hương là còn danh thơm,
Mất Quê Hương là mất tất cả…

Miền Nam đã rơi vào tay Việt Cộng và chúng ta đã mất hết hôm nay.

Ông Thiệu đã nói đúng. Mà hồi đó chẳng có ai nghĩ tới và chẳng có ai tin. Mất Quê Hương là mất tất cả. Bây giờ người ta mới nhận ra sự thực này. Hồi đó không ai hiểu được tâm trạng của những kẻ mất nước. Hồi đó những người miền Nam hiểu biết về Cộng Sản ít quá. Đến nỗi vào những giờ phút cuối cùng, Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền vẫn còn muốn thành lập một phái đoàn vào Camp David trong Tân Sơn Nhất để thương thảo với Võ Đông Giang tìm một giải pháp hòa hợp, hòa giải với Cộng Sản.

Nhiều người vẫn còn hy vọng có mặt trong cái chính phủ ba thành phần. Những thầy tu như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trần Hữu Thanh sẵn sàng tổ chức xuống đường tiếp tay cho Cộng Sản. Những tên dân biểu ăn cơm quốc gia mà thờ ma Cộng Sản như Ngô Công Đức, Lý Quí Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba… tìm mọi cách để phá hoại chế độ. Những tên nhạc sĩ cò mồi, những tên nhà báo phá thối, những tên sinh viên gây rối… Đúng là cái cảnh thù trong giặc ngoài. Tội nghiệp cho cái chế độ VNCH mới khai sanh, chưa kịp trưởng thành phải chết yểu. Nền dân chủ mới hình thành đã bị khai tử.

Thật sự như tôi đã nói đa số người dân miền Nam hiểu biết về Cộng Sản quá ít nên sẵn sàng chấp nhận chế độ mới, trong cái ý hướng muốn làm một người dân bình thường trong một xã hội với đầy đủ tính cách của Việt Nam. Chế độ nào cũng được. Họ suy nghĩ đơn giản như vậy, nhưng thật ra thì cũng chẳng còn một sự lựa chọn nào khác. Bỏ trốn ra nước ngoài đối với tôi là một điều xa lạ và tôi cũng chưa nghĩ tới. Ngay cả với Mẹ tôi cũng cùng chung ý nghĩ đó:

Rất vui mừng thấy con ở lại,
Vì ra đi nghĩa là trốn chạy,
Đất nước còn đó… Ta còn đây…

Ý thức Cộng Sản chưa thể nào thâm nhập và đánh đổi lý tưởng Tự Do của chúng tôi được. Thượng Đế đã cho phép con người được hưởng trọn vẹn ý thức tự do. Chấp nhận hay không chấp nhận, đó là sự tự nguyện và thể hiện. Miễn là tôi không chống đối một cách ồn ào và phát biểu một cách công khai. Chỉ có điều trong thâm tâm tôi vẫn mong được đối xử như một người cùng chung một cội nguồn dân tộc. Hồi đó tôi chưa hề nghĩ đến hai tiếng trả thù, bởi vì những người miền Nam chiến đấu không phải vì mục đích hận thù và tiêu diệt giai cấp đối kháng như chủ trương của Cộng Sản.

Sau ngày 30/4 vợ tôi vẫn tiếp tục đi dạy học. Còn tôi thì chỉ làm một vài công việc lặt vặt và chờ đợi… Chờ đợi một đường lối và chính sách của chế độ mới.

2. Những ngày đầu tiên trong tù CS.

Những anh em hạ sĩ quan và binh sĩ được tập trung và học tập trong ba ngày tại phường khóm ở điạ phương. Đây là cái bẫy để bọn chúng bắt những con mồi lớn hơn. Và ngày 24/6/75 có thông cáo trên đài phát thanh của cái gọi là Ủy Ban Quân Quản Thành Phố, mà người đại diện là tên Tướng Trần Văn Trà. Chúng tôi chẳng có một con đường nào khác, cũng chẳng có gì do dự hay trốn tránh. Cái câu được phổ biến trong thông cáo có nguyên văn như sau:

Đem theo lương thực và đồ dùng trong vòng 10 ngày.

Cái câu này đã được tranh cãi rất nhiều và đó là cái bẫy sập kế tiếp. Cái thơ ngây của người dân miền Nam. Đây cũng là lúc Cộng Sản đã đem mọi thủ đoạn lường gạt ra áp dụng.

Buổi chiều, khoảng ba giờ trời đổ mưa. Cơn mưa đến thật nhanh và cũng ra đi thật lẹ, nhưng cái nóng của một ngày hè vẫn không giảm. Thằng cháu, con của chị Ba, tên là Phạm Đình Yên, chở tôi trên một chiếc Yamaha đến tại Số 91 đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn sau cơn mưa. Nhiều người đã có mặt tại đây từ ngày hôm qua. Khá đông người nhưng những người tôi quen thì chưa thấy một ai. Tôi tự giới thiệu và bắt tay những người ngồi gần đó như Đào Kim Trọng (Nhảy Dù), Nguyễn Phú Tài (Pháo Binh), Trần Gia Toàn (Bộ Tổng Tham Mưu)… Tài có vẻ lo lắng, Trọng thì đang nói chuyện… luôn luôn có những câu chưởi thề đi kèm, còn Toàn thì cho biết vợ mới sanh được hơn tháng. Trước cổng và rải rác quanh trường đều có đám vệ binh đứng gác. Vài người mon men đến gần bắt chuyện, hỏi thăm tin tức…

Trời tối dần. Một vài bóng điện ngoài hành lang chiếu sáng lờ mờ. Chúng tôi mang đồ ăn bày ra ăn chung. Những con muổi bắt đầu vo ve. Tôi đi lang thang ngoài sân một lát rồi cùng Tài dọn chỗ ngủ. Toàn cũng chui vào vì Tài đem theo cái mùng lớn. Đầu gối lên chiếc túi nhỏ mang theo. Kể ra cũng khó mà ngủ… Vì những tiếng động chẳng êm ái chút nào. Tiếng ngáy thật dữ dằn của Toàn và tiếng nghiến răng thật khủng khiếp của Tài. Chưa bao giờ tôi bị lọt vào giữa hai lằn đạn pháo binh như thế này. Thôi đành chui ra ngoài, cùng vài anh bạn ngồi ngoài sân hút thuốc.

Nửa đêm tất cả đều được đánh thức và cho biết sẵn sàng để hành quân đêm. Một đoàn Molotova phủ bạt bít bùng dừng lại trước đường. Từng 30 người lên một chiếc xe.

3. Trại Hốc Môn (Liên Đoàn 30 Công Binh Kiến Tạo)

Đi đâu? Đến địa điểm tập trung nào đây? Xa hay gần? Qua những lỗ thủng của những tấm bạt, những người ngồi gần có thể quan sát được bên ngoài và thông báo cho anh em trong xe. Sài Gòn đối với chúng tôi đâu có xa lạ gì. Chúng tôi biết từng góc phố, từng con đường. Đoàn xe chạy lòng vòng trong nội thành rồi chạy ra ngoại ô. Xe chạy ra Xa Cảng Phú Lâm rồi vòng lên xa lộ Đại Hàn, rồi Hốc Môn, Bà Điểm,… Và cuối cùng dừng lại và đổ quân xuống một địa điểm mà nhiều người đã biết. Đó là Thành Ông Năm, nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Liên Đoàn 30 Công Binh Kiến Tạo. Nếu đi thẳng một mạch từ địa điểm tập trung lên đây thì khoảng hơn nửa giờ, nhưng kế hoạch đánh lạc hướng địch của Việt Cộng kéo dài hơn năm tiếng đồng hồ. Trời sáng rất nhanh, chúng tôi được tập trung vào sân cờ, chia từng đội 30 người rồi đưa vào những căn nhà có sẵn vẫn còn nguyên vẹn, tường quét vôi và những khẩu hiệu trên tường vẫn còn. Nền nhà tráng ciment hay lát gạch bông sạch sẽ. Rải rác đó đây vẫn còn nhiều xe ủi đất, xe ban nền, nhiều loại xe cơ giới và quân xa còn nguyên vẹn.

Việc sắp xếp thành đội và phân chia nhà ở được thực hiện khá nhanh. Một tên bộ đội, không mang cấp bậc, đọc trong bản danh sách và chỉ định một người làm đội trưởng. Đó là một đại uý Tuyên Úy Phật Giáo tên Long. Hai ngày sau chính anh ta cho chúng tôi biết, anh tu tại một ngôi chùa ở Gò Vấp, thuộc Viện Hóa Đạo của Thương Tọa Thích Tâm Châu, được điều động làm Tuyên Úy Phật giáo cho Bộ Tổng Tham Mưu. Anh thích ứng rất nhanh trong vai trò của mình và muốn chứng tỏ khả năng chỉ huy với mọi người. Anh cắt cử người đi theo vệ binh lên khung lãnh hai cái chảo lớn về để nấu cơm và nấu nước.

Chúng tôi sử dụng một căn nhà bỏ trống phía sau để làm nhà bếp. Người ta dùng những miếng tableau kê lên cao và đặt hai cái chảo sát nhau. Tôi là người hân hạnh nấu chảo cơm đầu tiên. Nhờ ở ngoài hành quân tôi được theo dõi mấy ông lính nhà tôi làm công việc này. Mọi người cũng vây chung quanh đưa ra ý kiến, ý cò và hồi hộp theo dõi cái nồi cơm có được ba tầng: Khê, sống, nhão… Cũng may là nồi cơm ăn được. Và những ngày sau đó tôi được tiếp tục phân công nấu cơm.

Nhưng cái nồi cá kho đầu tiên thì lại do ông tuyên úy hăng hái lãnh trách nhiệm. Không biết trước đây ở chùa ông có làm công việc này chưa mà bây giờ ông có vẻ rành rọt quá. Ông nêm nếm có vẻ sành điệu lắm và trong cơn hào hứng ông tuyên bố sẽ cởi bỏ áo cà sa, mà thật sự ông đang mặc một bộ đồ thường và sẽ hoàn tục về nhà nấu cơm kho cá cho vợ. Nhiều người hoan hô, nhiều người nhăn mặt bỏ đi. Có người hóm hỉnh chen vào:

– Thiếu một cái “lima” (tục) nữa, cho buổi lể hoàn tục của hắn thêm phần hào hứng.

Toàn bộ khu vực được gọi là L19 gồm có hai T: T1dành cho cấp đại úy trong đó có người anh em cột chèo với tôi tên Võ Chánh Trực – Quân Cụ và tôi -TQLC. Còn T2 dành cho cấp tá trong đó có ông già vợ của tôi là Phan An Ri -Quân Cụ và người cậu vợ Bùi Thiện Khiêm – Công Binh. Thật ra ba vợ của tôi đã giải ngũ từ năm 1974, nhưng ông cũng bị ép phải đi trình diện học tập “cải tạo”, vì dù sao ông cũng thuộc thành phần của chế độ cũ. Hai T ngăn cách nhau bằng một hàng rào concertinat. Sau này chúng tôi gọi đó là bức tường Bá Linh do sự đối xử khác nhau giữa hai bên.

Khu T1 do một anh đại úy bộ đội khoảng 60 tuổi, người Nam, làm thủ trưởng. Những ngày đầu hắn thường đứng trên một vọng gác cao quan sát chúng tôi ở phía dưới. Một tuần lễ sau hắn bắt đầu phát động phong trào gọi là sinh hoạt cách mạng. Việc đầu tiên là thu tiền ăn mà chúng tôi mang theo trong vòng mười ngày. Việc kế tiếp là tăng gia sản xuất. Hắn thường lập đi ,lặp lại nhiều lần và có vẻ đắc ý với cái câu của Hoàng Trung Thông:

Bàn tay ta làm nên tất cả,
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Hắn ra lệnh đào sân cờ, đào những đất chung quanh chỗ ở để lấy đất trồng rau muống, cải bắp, ớt,… Dụng cụ là những xẻng cá nhân còn lại trong kho, hoặc những dụng cụ tự chế. Hột giống bảo gia đình gởi lên. Phá những cầu tiêu cũ, làm những cầu nổi để lấy phân tươi; nước tiểu cũng phải hứng vào những thùng phi lớn, nhỏ do từng đội quản lý. Chẳng bao lâu khu ăn ngủ đầy những mùi phân. Khu sân cờ mà chúng tôi thường đi dạo buổi chiều cũng nồng nặc mùi nước tiểu.

Rồi 10 ngày đi qua. Một tháng đi qua. Chưa thấy động tĩnh gì hết. Nhiều người bắt đầu lo lắng và thất vọng. Khẩu phần ăn hằng ngày bắt đầu giảm. Những bao gạo hạt dài trong kho của liên đoàn đã hết, thay vào đó là những bao gạo được chở về từ những mật khu của bọn chúng. Gạo chôn dấu ở dưới đất lâu ngày đã ẩm mục, không còn tí nhựa. Gạo cũng đầy đất cát sỏi lẫn lộn (hẳn là có dụng ý). Dụng cụ để đãi gạo không có. Số lượng cát sỏi đó cũng được tính vào trọng lượng ít ỏi cấp phát. Chất mỡ, chất đường dự trữ trong người cạn dần, cạn dần.

Thời kỳ suy nhược bắt đầu. Bịnh phù thủng và ghẻ lở xuất hiện. Bấm ngón tay vào bất cứ chỗ nào trên da thịt cũng thấy lõm xuống. Nhìn cái mặt của Nguyễn Phú Tài thấy nó sưng lên. Tô Ngọc Rự, người làm ở cơ quan D.A.O, hồi mới vào tù trông đẹp trai và phong độ mà bây giờ mới hơn một tháng mà đã xuống dốc một cách thê thảm. Không có được một viên B1. Đi khai bịnh thì được cấp một vài viên xuyên tâm liên trị bách bịnh. Nhà bếp khi vo gạo lấy nước nấu sôi lên cho anh em uống để lấy tí nước cám. Một vài người lấy nước tro, khuấy lên để lắng lại rồi uống.

Mùa Đông năm đó sao mà lạnh. Sài Gòn có bao giờ phải lạnh co ro đâu. Thế mà cái lạnh đến buốt xương. Cái lạnh bao giờ cũng đến liền sau cái đói. Chúng tôi bắt đầu hiểu thấm thía cái ý niệm về thể chất giữ một vai trò rất quan trọng trong sức mạnh của tinh thần. Cộng Sản đã bắt đầu sử dụng những độc chiêu của chúng.

Đấy là thời khắc mà bọn chúng tung ra độc chiêu số hai: Chương trình học tập chính trị. Mở đầu bằng năm bài về đường lối chính sách, kết án Mỹ và chế độ miền Nam, đề cao con người mới và chế độ mới là ưu việt. Huấn luyện viên là những cán bộ chính trị (có lẽ là thế), lâu lâu cũng có anh chàng thủ trưởng T1, mà chúng tôi thường gọi là Anh Mười Răng Vàng. Chúng nói như là cái máy, thao thao bất tuyệt. Nhưng khi cần chứng minh bằng một bài báo, hay một đoạn sách thì chữ nghĩa đối với chúng mới thật khó khăn. Sau này chúng tôi mới hiểu được là trong chế độ Cộng Sản, mọi đường lối chủ trương đều từ cấp cao nhất của bọn chúng là Bộ Chính Trị đưa ra, cấp dưới đều phải lặp lại y chang và thi hành mà không cần ý kiến ý cò gì hết.

Đúng là bọn chúng là những cái máy có gắn cục pin. Bấm nút thì phát, mà tắt máy thì im. Những tên ngoại quốc được phiên âm ra tiếng Việt rất lạ lùng đến khó hiểu. Họ còn thích đảo ngược lại chữ nghĩa và dùng nhiều từ ngữ kỳ cục. Họ muốn làm cho khác đi và tự hào cho đó là cách mạng, nhưng chính nó lại không giống ai. Suy cho cùng họ chính là người đại diện cho một chế độ lấy giai cấp công nông làm chính. Thành phần bần cố nông được coi là những giai cấp cốt cán cho chế độ. Trí thức không có lợi hơn một đống phân bò, như lời phát biểu của Hồ Chí Minh.

Sau buổi lên lớp đến phần thảo luận. Mỗi tổ có một tên bộ đội ngồi bên. Đây là lúc gay go nhất. Những mục đích yêu cầu của chúng có tính cách áp đặt nghĩa là chỉ cần nói và làm theo chứ không có bàn bạc hay lý luận. Đó là những điều hoàn toàn khác biệt với những người miền Nam. Chúng tôi muốn đưa ra một sự thật về cuộc chiến tại VN. Một cuộc chiến ý thức hệ giữa hai khối Cộng Sản và Tự Do. Mỗi bên đều có lý tưởng riêng và lý tưởng đó cần được tôn trọng. Mục tiêu, phương thức điều hành của cuộc chiến hoàn toàn khác biệt. Đối với những phát biểu này không thích hợp chút nào và còn nguy hiểm nữa. Nhưng ít nhất cũng được một lần nói lên bài học kể trên đưa chúng tôi vào một quyết định: Chấp nhận hay từ chối.

Chấp nhận nghĩa là phủ nhận toàn bộ lý tưởng chiến đấu của mình, tự nhận mình là kẻ phản bội. Tự đào mồ chôn lấy nhân phẩm của mình. Tự ký vào bản án mà chúng đã viết sẵn, tự ý chui vào cái bẩy sập thứ hai. Chúng tôi đã là những người nói “nín thở qua sông”, hay “gặp thời thế, thế thời phải thế“ .Còn từ chối nghĩa là công khai phủ nhận toàn bộ đường lối và chính sách của bọn chúng. Nghĩa là sẵn sàng chấp nhận một hậu quả khốc liệt nhưng vinh quang và sẵn sàng chọn lấy cái chết hay để chúng hành hạ cho đến chết. Đã có những người chọn giải pháp này. Những người hùng cô đơn và can đảm mà chúng tôi vẫn nhận diện được trong suốt đoạn đường khổ nạn của dân tộc.

Sau đợt học tập, có vài người chúng cho là ngoan cố, phản động. Những người này bị đánh đập tàn nhẫn, bị nhốt vào conex, bị đưa đi thủ tiêu; hoặc công khai hơn, bị đưa ra tòa của bọn chúng rồi đem đi bắn tại chỗ để răn đe những người khác. Chúng sẵn sàng sử dụng bạo lực và sức mạnh của chúng ở trên đầu súng.

Khẩu phần ăn được giảm đi. Cá mối được thay bằng nước muối. Lý do: Không tích cực trong học tập, không xác nhận tội lỗi của mình. Trong những ngày thê thảm đó, đã có những người sẵn sàng cúi đầu theo giặc. Cái anh chàng thầy chùa tuyên uý đó là người đầu tiên. Những lời bàn tán, phản đối trong đội đều được hắn ta báo cáo đầy đủ. Nhiều người bị kêu lên khung làm việc. Anh em bắt đầu nghi kỵ nhau, những người bạn cùng đơn vị, cùng chiến đấu bây giờ chưa hẳn là những người cùng chiến tuyến. Ăn nói phải dè dặt, ngó trước dòm sau. Tốt hơn hết là đừng bao giờ nên nói nhiều. Chúng tôi bị đưa vào tình trạng khủng bố tinh thần.

Thời kỳ khó khăn kế tiếp là viết tổng kiểm thảo. Viết lại toàn bộ lý lịch của mình. Tên họ ông nội, ông ngoại, cô dì, chú bác, cậu mợ,.. Thôi thì bị hạch hỏi đủ điều. Cái kiểu sợi tóc chẻ làm tư, làm tám. Những người ở nhiều đơn vị, giữ nhiều chức vụ, những người xuất ngoại du học, những người ở các ngành an ninh, tình báo, tâm lý chiến,.. Còn tôi thì đơn giản hơn, vì là lính tác chiến. Năm chức vụ và ba đơn vị kể từ ngày vào lính. Thế mà cũng kêu lên hạch hỏi:

– Tại sao anh đi Đà Lạt mà không đi Thủ Đức?
– Tại sao anh không chọn Địa Phương Quân mà chọn Thủy Quân Lục Chiến ác ôn?
– Tại sao anh đi lính chưa được 10 năm mà đã có 19 huy chương? Bộ anh căm thù “cách mạng” lắm sao? Anh đã đánh bao nhiêu trận và giết bao nhiêu “cách mạng”?
– Anh phải được liệt vào loại “ác ôn, có nhiều nợ máu” với cách mạng.
– Anh phải được cải tạo nhiều năm. Chúng tôi sẽ lưu ý đến anh.

Tôi muốn xác định với họ một điều:

– Tôi yêu Quân Đội nên chọn binh nghiệp để phục vụ suốt đời mình.
– Tôi thích được đội nón xanh và yêu màu màu áo hoa sóng biển.
– Tôi chẳng có gì dấu diếm hay lẩn tránh trong cái lý lịch của mình. Có một điều phải xác nhận là tôi đã chiến đấu vì lý tưởng Tự Do, chứ không phải vì lòng căm thù Cộng Sản.

Bây giờ chúng là những người thắng cuộc, chúng có quyền ba hoa và áp đặt. Còn chúng tôi là những người thua cuộc. Cuộc cờ đã đến hồi kết thúc. Mà bàn cờ chỉ còn xe, pháo, mã, và tốt. Tướng, sĩ, tượng thì đâu mất tiêu. Chẳng có gì để oán trách những người đã bỏ đi. Ông Thiệu, ông Viên, ông Kỳ hay ông nào nữa cũng không thể nào cứu vãn được tình thế. Nếu họ ở lại họ cũng lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười này mà thôi, nhiều khi lại còn tệ hại nhục nhằn hơn nữa

Cũng đã có người giữ được cái hùng khí của một quân nhân và đã có những người dám nói lên cái lý tưởng của cuộc chiến.

Những người như các ông Tướng NGUYỄN KHOA NAM, LÊ VĂN HƯNG, PHẠM VĂN PHÚ, TRẦN VĂN HAI, LÊ NGUYÊN VỸ,.. vẫn còn sống mãi trong lòng chúng tôi.

Chúng tôi không phải là tù binh, cũng không phải là hàng binh. Chúng tôi là những kẻ bị bỏ rơi sau cuộc chiến, bị gán cho cái tội thật khôi hài – “phản cách mạng”. Có theo đâu mà phản, mà phải gọi là “chống cách mạng”. Nhưng sự thật này thật khó lòng cho bọn chúng chấp nhận. Thôi thì cứ gọi là “cải tạo viên”. Nhưng liệu bọn chúng có đủ khả năng, bản lĩnh để cải tạo hay thuyết phục bọn tôi hay không. Thực tế là KHÔNG.

Bên ngoài đang có những đổi thay quan trọng. Đợt đổi tiền đầu tiên. Mỗi người dân được đổi 200$ tiền Hồ. Miền Nam đang bắt đầu tiến lên vô sản chuyên chính như miền Bắc. Lê Duẫn vội vàng mở hội nghị Hiệp Thương Thống Nhất hai miền Nam Bắc. Cái được gọi là Mặt Trận Giải Phóng MiềnNam của Nguyễn Hữu Thọ và cái Chính Phủ Lâm Thời của Huỳnh Tấn Phát bị khai tử vì đã hết tác dụng. Dương Quỳnh Hoa bất mãn la lên; Trương Như Tảng âm thầm tìm đường trốn qua Pháp. Nguyễn Thị Bình sẵn sàng hợp tác để tìm kiếm những ơn mưa móc.

Những đám nằm vùng như Ni Sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng đứng sắp hàng phía sau công nhân quét rác Lê Thị Thuê để nhận lấy mảnh giấy ban khen đem về lộng kiếng.

Miền Nam đã qua một mùa Đông với cái lạnh đột ngột từ miền Bắc tràn xuống thật mạnh bạo và phủ phàng.

Cái Tết đầu tiên trong tù Cộng Sản tại trại tù Hốc Môn. Mới chưa đầy 6 tháng mà tình trạng sức khỏe của nhiều người suy sụp một cách đáng kể. Chúng cho phép viết thư. Và nhận được gói quà 3 ký và 5 đồng bạc của vợ.

4. Trại Long Giao (Hậu cứ Trung Đoàn 48 Sư Đoàn 18 BB)

Sau Tết là đợt chuyển trại đầu tiên. Một số người được đưa lên trại Long Giao. Trước đây là một căn cứ của quân đội Đồng Minh, sau này giao lại cho Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 18 BB. Long Giao cách Sài Gòn 80 cây số về phía Đông Bắc và cách thị xã Xuân Lộc 7 cây số về phía Tây Nam. Vùng này đất đỏ, xung quanh có nhiều đồn điền cao su. Trời nắng thì đất bụi mù, còn trời mưa thì đất nhão nhét, dính vào chân. Vùng Long Khánh có những đồn điền cao su bạt ngàn. Ngoài ra người ta còn trồng cà phê và những cọc tiêu các loại. Chúng tôi ở trong những khu nhà tiền chế bằng tôn. Trải những tấm vải nhựa lên những sàn gỗ, nhưng nó cũng ọp ẹp lắm rồi. Ban đêm một người thức dậy là cả một khu rúng động vì những tiếng chân trên sàn gỗ.

Nhưng có một khó khăn ở đây là vấn đề nước uống. Khu vực không được gần những con sông hay con suối. Chỉ có một cái giếng cạn nhưng phải đào sâu thêm thì mới có nước. Từng nhà phải cắt cử người ra đào. Mà cắt cử ai đây. Cũng chẳng ai muốn làm công việc khó khăn và nguy hiểm này. Lại tranh cãi gay gắt. Bọn cán bộ Cộng Sản thì bất cần và ngồi đó chờ. Cuối cùng cũng phải đi đến một quyết định vì không thể không quyết định được: Đào giếng. Dụng cụ không có và chúng cũng không cấp phát mà chỉ nói – các anh khắc phục. Đây chính là lúc mà tinh thần của những người lính VNCH được thể hiện. Lòng tự ái và sự sáng tạo trong hành động. Cuối cùng cái giếng cạn đã có nước. Nước đục ngầu và phải đợi qua một ngày mới xử dụng được. Cũng may trời có cơn mưa nhẹ của mùa Xuân… Bộ ba Trọng, Tài, và tôi vẫn còn đi chung với nhau. Chúng tôi vẫn còn ở chung nhiều nơi suốt từ Nam ra Bắc, rồi về Nam…

Cũng ở trại này trước khi chúng tôi đến đã xảy ra một phiên tòa và xử tử hình một đại úy trong đám người tình nguyện vào tù của chúng tôi. Đó là Đại Úy Lê Đức Thịnh, Sĩ Quan An Ninh của Trường Võ Khoa Thủ Đức. Anh Thịnh đã viết một bức thư chui gửi về gia đình nói lên nỗi bất mãn và căm giận của Anh đối với chế độ. Bị phát giác, Anh đã bị xử tử hình và đem bắn ngay sau đó.

Sự kiện cũng đơn giản nếu ta biết được đó là những phương thức bạo lực của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Stalin đã giết nhiều triệu dân Nga trong những quần đảo ngục tù ở vùng tuyết giá Siberia. Mao Trạch Đông đã giết nhiều triệu dân Trung Quốc trong những đợt thanh trừng và Cách Mạng Văn Hóa. Hồ Chí Minh áp dụng chính sách Cải Cách Ruộng Đất đế áp đặt một đường lối cai trị mới sau khi chiếm được miền Bắc. Nhiều trăm ngàn người vô tội đã bị chúng tàn sát một cách dã man do những toán ám sát đã giết, chặt đầu thả trôi sông hoặc cho mò tôm ở miền Nam. Gần đây nhất là tai nạn diệt chủng của Pôn Pốt, Ieng Sary ở Cambodia. Đối với Cộng Sản thì bạo lực cách mạng phải được áp dụng một cách triệt để như lời hô hào của Tố Hữu:

Giết, giết nữa bàn tay không ngơi nghỉ.
Cho ruộng đồng tươi tốt, lúa mau xanh.

5. Trại Suối máu, Tân Hiệp (Trại Giam Tù Binh Phiến Cộng)

Hơn một tháng sau chúng tôi được đưa về trại Suối Máu, Tân Hiệp, Biên Hòa. Trước đây là Trại Giam Tù Binh Phiến Cộng do Tiểu đoàn 5 Quân Cảnh chịu trách nhiệm. Có 5 khu, ngăn cách nhau bằng những hàng rào kẽm gai kiên cố, với những dãy nhà tôn, mái tôn vách tôn và có bệ ngủ bằng ciment.

Tôi ở K1, ở chung với ông bố vợ (Phan An Ri) và ông cậu vợ (Bùi Thiện Khiêm). Họ cũng từ T2 Hốc Môn đưa lên đây sau Tết. Mới có mấy tháng mà ông bố coi thê thảm quá. Ông đã sẵn ốm mà bây giờ trông hốc hác hơn mặc dầu năm nay ông mới 56 tuổi. Hôm mới chuyển trại về đây tôi còn một hộp diêm thuốc lào và hai tán đường. Tôi nói Ba chọn một trong hai món, còn món kia giao cho cậu Khiêm. Ông đã chọn hộp thuốc lào. Cậu Khiêm người to cao mà bây giờ cũng ốm nhách. Mỗi lần đi lao động về nếu bắt được một con chuột thì cậu mừng lắm. Cậu không biết làm nên tôi phải giúp cậu. Toàn trại được phép viết thư để thông báo gia đình thăm nuôi. Hai căn nhà phía ngoài cổng được quét dọn sạch sẽ. Ba tôi được thăm trong đợt đầu tiên, rồi đến cậu Khiêm và sau cùng là tôi.

Ba vợ tôi xuất thân Khóa 5 Phụ trường Võ Khoa Thủ Đức, ra trường về phục vụ tại Cục Quân Cụ trên đường Trần Quốc Toản, Quận 10. Ông cũng chỉ ở đây cho đến ngày giải ngũ vào tháng 12/1974. Sau gần 20 năm phục vụ, ông được ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và một số huy chương về kỹ thuật và chuyên môn, và có cấp bậc sau cùng là thiếu tá. Mặc dầu đã giải ngũ nhưng ông cũng đi trình diện, vì tưởng là chỉ đi một tháng rồi về cũng chẳng sao. Nhưng ông cũng đã ở trong tù hơn một năm và được thả từ trại Tân Hiệp sau ngày tôi được chuyển ra Bắc. Ông về quê tại làng Mỹ Ngãi, huyện châu thành Cao Lãnh (Kiến Phong) và làm ruộng. Thật ra thì ông có mấy công đất và cho người ta làm thuê và chỉ thâu lúa vào mỗi mùa gặt. Ông lên Sài Gòn những ngày cuối đời và mất ngày 13/1/1996. Ông có 3 người con rể: Đặng Minh Học, chồng chị Sương (Bắc Kỳ), Võ Chánh Trực, chồng chị Anh (Nam Kỳ), và tôi (Trung Kỳ). Ông có đầy đủ bản chất của người miền Nam là hiền lành, ngay thẳng và dễ chịu. Tôi có rất nhiều kỷ niệm và gần gũi với ông trong những ngày ở tù tại trại Hốc Môn và trại Tân Hiệp.

Còn cậu Khiêm ở Cục Công Binh và có một thời gian thì được biệt phái qua Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên ở trong trại David trong phi trường Tân Sơn Nhất. Mục đích của Cục An Ninh Quân Đội là muốn cậu móc nối với người anh ruột của mình là Bùi Thiện Hùng (Cậu Bảy), một cán bộ tuyên huấn Cộng Sản đang có mặt tại đây. Nhưng chẳng có ai móc được ai. Người nào cũng sẵn sàng giữ cái vị trí hiện nay của mình. Cuối cùng cậu trở về Cục và đi làm Phân Chi Khu Trưởng tại một phân khu ở Sài Gòn. Cấp bực sau cùng cậu là thiếu tá. Cậu là người có máu văn nghệ, đờn và hát rất hay. Lấy vợ cùng 18 tuổi. Cậu rất ghiền thuốc lào, nhất là thuốc lào thuộc loại Cái Sắn Kinh B. Cậu ra tù tìm đường vượt biên giới qua Thái Lan và được định cư tại San Jose. Sau đó cậu đã bảo lãnh toàn thể gia đình qua Mỹ đầy đủ.

Tôi được gọi thăm nuôi sau Ba tôi và cậu Chín. Vợ tôi đã dẫn theo Cường và Thảo. Chị Sương cũng đi theo nhưng không được vào thăm chính thức mà phải đứng ở ngoài. Cộng Sản không ngờ là dân miền Nam còn giàu lắm nên người nào được gọi ra lúc trở về cũng phải kéo vào đầy cả xe. Thật ra một người đi thăm thì cả bà con, họ hàng đều góp quà vào đó. Cái tình nghĩa là ở chỗ đó. Cho nên lần sau chúng chỉ cho đem theo 3 kg mà thôi. Rất vui mừng gặp lại vợ tôi trong vòng nửa giờ nhưng không được ôm những người thân vào lòng cũng buồn. Mới xa gia đình hơn một năm mà coi như đã lâu lắm rồi. Ba tôi bây giờ khỏe hơn. Ông khỏi đi lao động bên ngoài nhưng được phụ trách làm vệ sinh cái giếng nước trong trại. Ông thường gọi tôi qua ăn cơm chung và nói những chuyện về gia đình. Cậu Khiêm bây giờ cũng tươi vui hơn. Cậu thích hút thuốc lào thật phê. Người nhà đem vào cho cậu một cây đờn ghi-ta. Tiếng hát của cậu vẫn còn truyền cảm lắm.

Hằng ngày chúng tôi đi lao động bên ngoài gần đường rầy xe lửa. Mỗi ngày có hai ba chuyến đi về. Hành khách quá nhiều. Người ta leo lên trên nóc tàu. Mỗi lần tàu đi qua, chúng tôi vẫy tay chào nhau, đôi khi họ quăng đồ ăn hoặc thuốc hút cho chúng tôi. Cái cảnh tượng ở đây đã gây cảm hứng cho nhạc sỹ Thục Vũ (tên thật là Vũ Văn Sâm, Trung Tá thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, đã chết ở Hoàng Liên Sơn năm 1977 vì suy dinh dưỡng và kiết lỵ) đã làm bản nhạc rất hay mà cậu Khiêm hát nhiều lần và đã có nhiều người rơm rớm nước mắt. Lời thơ và lời nhạc rất hay, tôi ghi lại đây để nhớ tâm trạng của chúng tôi lúc đó:

ANH Ở ĐÂY

Em ở Sài Gòn, anh ở đây
Đồi cao cát trắng kẽm gai dày
Ngẩn ngơ dăm chuyến tàu xuôi ngược
Để nhớ thương về heo hút mây

Anh vẫn từng đêm thương nhớ con,
Thương em tình nghĩa vẫn vuông tròn
Thương mình thao thức từng đêm trắng
Thương bạn bè anh ngày héo hon.

Bài thơ quá hay và bài hát quá cảm động; vì nó nói lên đúng tâm trạng, đúng khung cảnh chúng tôi đang sống lúc đó. Chỉ tiếc Cộng Sản đã giết chết những nhân tài miền Nam một cách oan uổng. Những con người đáng lẽ sẽ góp một bàn tay một cách đắc lực trong việc xây dựng lại đất nước sau những tàn phá của chiến tranh. Lịch sử sẽ phán xét những hành động sai lầm và cuồng tín của bọn chúng.

Chúng tôi trồng khoai mì, trồng cây khuynh diệp, hay qua Tổng Kho Long Bình dẫy cỏ hay dọn kho. Dẫy cỏ trong những khu bãi mìn thì ớn quá, vì mất mạng hay đui què mẻ sứt như chơi. Dọn kho thì thích hơn. Thế nào cũng tìm được những ống signal bằng nhôm để làm những ống thuốc lào hay kiếm được những miếng nhôm inox để làm lược hay làm kẹp tóc quà tặng cho gia đình những lần thăm nuôi tới. Những tên vệ binh đi theo cũng tham gia lục lạo. Chúng tìm những tấm nhôm lớn hay những tấm tôn lớn đem về nhờ anh em chúng tôi làm những cái vali rất đẹp. Nếu tôn thì sơn lên, còn nhôm thì khắc xủi lên hình ảnh chạm trổ rất đẹp. Tôi cũng dành nhiều thì giờ làm lược, làm kẹp tóc. Tôi thường ngồi hằng giờ nhìn anh bạn Võ Văn, Đại Úy Phòng An Ninh Sư Đoàn 1 BB. Nhờ những nét xủi sắc sảo và sáng tạo mà Văn có nhiều khách hàng và được các tay vệ binh chiều chuộng. Những tên cán bộ hay vệ binh gốc Bắc mỗi lần về phép đều muốn có một cái vali. Trong trại bây giờ có nhiều xưởng sản xuất vali, lược, kẹp tóc, ống thuốc lào,.. Tiếng động vang lên suốt ngày. Nhờ có thăm nuôi nên đời sống cũng dễ chịu.

Bây giờ không còn cái ảo vọng 10 ngày hay một tháng nữa. Tất cả đều yên trí con đường đi tù Cộng Sản của mình đang trải dài phía trước. Trong lý lịch trích ngang thì ghi tội danh là sĩ quan chế độ cũ; còn án phạt thì đề là tập trung cải tạo. Án phạt này chỉ có những nước Cộng Sản như Liên Sô, Trung Cộng và bây giờ là Cộng Sản Việt Nam. Án tù co giãn như sợi thun. Người bị kết án chẳng bao giờ biết được ngày về. Còn bọn chúng thì cứ lảm nhảm cái giọng điệu:

– Học tập tốt, lao động tốt, để sớm trở thành người tiến bộ được đảng và nhà nước cho về đoàn tụ với gia đình…

Những ngày ở K1 là những ngày thoải mái nhất trong cuộc đời tù của mình. Những đám cán bộ vào ra thường xuyên trong trại cho biết những người từ Long Giao chuyển về đây chỉ ở tạm để chờ chuyển ra Bắc. Nhiều người rất lo lắng. Chỉ có những lính tác chiến ăn bờ ngủ bụi như tụi tôi chẳng có gì trở ngại hết.

Đại diện cho K1 là Trần Đông A, Thiếu Tá Quân Y, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Quân Y Dù. Hắn ta là người sẵn sàng hợp tác với Cộng Sản. Sau ngày ra tù, hắn ở lại và được đưa vào làm việc trong một bịnh viện ở Sài Gòn. Người thứ hai phụ trách đọc báo cho K1 là Đoàn…, Thiếu Tá Hành Chánh Quân Y.  Ba của hắn có tên là Đoàn Hùng (tức là tên Tướng Song Hào của Cộng Sản). Nghe nói hắn có đến thăm A… một lần ở trại Suối Máu nhưng từ chối không ra.

Chúng tôi qua một cái Tết thứ hai trong tù. K1 tổ chức những trò văn nghệ, giải trí; nhưng tôi thích nhất là đấu cờ tướng. Tôi rất say mê môn này. Những ngày sau đó tôi bỏ hết cưa xủi mà theo Đào Kim Trọng đi coi, hoặc đánh cờ tướng. Một biến cố quan trọng nữa ngoài việc đổi tiền và đánh tư sản là việc tên Tổng Bí Thư Lê Duẫn hô hào hiệp thương Nam Bắc. Đó cũng chỉ là thủ tục thôi vì một việc đã nằm trong chương trình hoạch định của Bộ Chính Trị Cộng Sản. Thế là cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Nguyễn Hữu Thọ hay cái Chính Phủ Lâm Thời của Huỳnh Tấn Phát bị giải thể. Hai cái công cụ chính trị này cũng để đánh lừa dư luận quốc tế và lường gạt những kẻ nhẹ dạ dễ tin, còn thực chất thì tất cả đều nằm trong bàn tay phù thủy của những tên ma đầu Việt Cộng, mà đứng đầu là tên Hồ Chí Minh.

Cái điều khôi hài là Dương Văn Minh được cho đi bầu với tư cách công dân. Tôi cứ nhớ hoài cái nụ cười gượng gạo của hắn không dám mở lớn vì thiếu hai cái răng cửa. Sau đó một thời gian hắn được Việt Cộng cho sang Pháp, với điều kiện là không được tuyên bố điều gì bất lợi cho chính quyền Cộng Sản hiện tại. Khi gia đình tôi sang định cư ở Mỹ theo chương trình HO22 thì cũng được nghe tin ông ta được con gái bảo lãnh qua sống tại thành phố Pasadena (California), cách nơi tôi ở không xa và cũng chết ở đây. Đám tang cũng chẳng có mấy người tham dự, chỉ có Tôn Thất Đính. Dĩ nhiên, cộng đồng người Việt tại Nam Cali cũng không ai tham dự.

Ngày tháng qua thật nhanh. Sài Gòn tháng Năm trong những căn nhà tôn nóng hầm hập. Sau khi thăm nuôi được một tháng chúng tôi được lịnh chuyển trại. Ngọc Tuyết lần nào đi thăm tôi cũng dẫn theo Cường, Thảo. Cường lên năm tuổi và Thảo ba tuổi. Hai con rất ngoan và học giỏi. Tôi không biết rồi tương lai của mình và nó ảnh hưởng đến hai con như thế nào. Tuy nhiên tôi vẫn luôn luôn hy vọng và cầu nguyện Chúa ở cùng và ban phước cho Gia Đình chúng tôi. Cái ngày chúng tôi không chờ đợi đã tới. Trước đó mấy ngày, những tên cán bộ nhờ làm vali, làm lược vào hối thúc làm cho nhanh. Chúng tôi lợi dụng bọn chúng để báo tin tức về gia đình. Ba tôi và cậu Chín ở lại Tân Hiệp. Ba tôi đưa thêm đồ ăn và thuốc lào nhưng tôi không nhận. Tôi nghĩ những thứ này rất cần cho ba tôi hơn là cho tôi. Dầu sao năm ấy tôi vẫn còn trẻ và còn sức. Vào cái ngày lên đường đi Bắc, tôi đang ở cái tuối 36.

—>Xem tiếp

This entry was posted in ***Mùa QUỐC HẬN, **Chuyện Tù, Đa Hiệu. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời