MỘT THỜI NHIỄU NHƯƠNG: Phần I

Quốc hiệu “Việt Nam” của nước ta đã có từ đầu thế kỷ XIX sau khi Nguyễn Ánh đánh bại vương triều Tây Sơn, thống nhất đất nước từ Ải Nam quan đến mũi Cà Mau, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long nhưng phải đến năm 1945 thế giới mới thường biết đến tên gọi đó. Từ năm 1945 trở về trước người nước ngoài kể cả người Pháp thường dùng mấy tiếng “An Nam” hoặc “Đông Dương” hoặc “Đông Pháp” khi nói đến nước ta.

Một cường quốc thế giới như Hoa Kỳ mà sau này con dân họ phải bỏ mình trên dải đất Việt Nam, vào những năm 40 của thế kỷ trước, vẫn rất mù mờ về Việt Nam vì nước ta đã thuộc Pháp từ 1884. Lúc thế chiến II sắp kết thúc, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt trong một cuộc họp báo ở chiến hạm Quincy ngày 23 tháng 2 năm 1945 trên đường đi dự hội nghị Yalta nhằm chia vùng ảnh hưởng trên thế giới giữa các cường quốc với nhau đã nói: “Suốt hai năm qua tôi băn khoăn ghê gớm về Đông Dương. Tôi đã nói chuyện với Tưởng Giới Thạch ở Cai-rô, với Xta-lin ở Tê-hê-ran… Lúc đó tôi gợi ý với Tưởng Giới Thạch là nên đặt Đông Dương dưới chế độ ủy trị trong đó có một người Pháp, một hoặc hai người Đông Dương, một người Trung Quốc, một người Nga, có lẽ cả một người Phi-líp-pin và một người Mỹ nữa để dạy họ tự cai trị… Xta-lin thích ý kiến đó. Tưởng cũng vậy. Nhưng người Anh thì không. Việc ấy rất có thể làm sụp đổ đế quốc của họ vì nếu người Đông Dương cộng tác theo chiều hướng ấy và cuối cùng giành được độc lập thì người Miến Điện cũng có thể làm như vậy đối với người Anh…” (1)

Rõ ràng là Tổng Thống Hoa Kỳ lúc đó không muốn người Pháp trở lại đô hộ Đông Dương như trước khi bán đảo này bị Nhật chiếm năm 1940 nhưng chưa biết tính sao vì Hoa Kỳ chưa tìm hiểu nhiều và tất nhiên cũng không hiểu nhiều về Việt Nam. Sau khi Tổng thống Roosevelt qua đời và sau khi Thế Chiến II kết thúc, tình hình thế giới thay đổi và cuộc chiến tranh lạnh giữa khối Cộng Sản và Không Cộng Sản bắt đầu. Đông Dương trong đó có Việt Nam được đặt vào một bối cảnh mới. Hoa Kỳ từ chỗ quan tâm rồi dần dần mắc míu sâu xa vào Việt Nam, Lào và Kampuchea đến mức hơn 50.000 binh sĩ bị thiệt mạng tính từ khi Mỹ can thiệp ồ ạt vào Việt Nam năm 1965 cho đến năm 1973 là lúc quân đội Mỹ rút khỏi đây. Không những thế, tất cả những nước mà Tổng thống Hoa Kỳ đề cập đến trong câu chuyện về Đông Dương vừa dẫn ở trên đều đã dính líu đến một mức độ nào đó vào Cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

(1) Hammer, Ellen J. , Đông dương tranh đấu ( “The struggle for Indochina”), NXB Stanford University Press, Hoa Kỳ, 1954, trang 44.

CHƯƠNG 1

MỘT DẢI GIANG SƠN GẤM VÓC BÊN BỜ BIỂN ĐÔNG VỚI QUỐC HIỆU “VIỆT NAM”

Việt Nam ở cực Đông Nam của lục địa Châu Á, chiếm một diện tích 128,000 dặm vuông, đông và nam giáp biển mà trên bản đồ thế giới gọi là “Biển Nam Trung Quốc” trong khi người Việt Nam bây giờ có khuynh hướng gọi là biển Đông. Bờ biển dài chừng 1.400 dặm còn biên giới đất liền khoảng 2.300 dặm, bắc giáp Trung Quốc, tây giáp Lào và Kampuchea.

Lãnh thổ Việt Nam là một dải đất hình chữ S, hai đầu phình ra, ở giữa thắt lại. Hình thể ấy đã được ông cha ta vắn tắt gọi là “nhất cống lưỡng cơ” (2) nghĩa là chiếc đòn gánh ở giữa hai đầu là hai thúng thóc. Hình ảnh ấy quả là đơn giản song cũng quả là ý nhị. Từ bao đời nay Việt Nam cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp và hình ảnh trung thực về người Việt Nam chính là hình ảnh người nông dân kĩu kịt gánh lúa trên dải giang sơn gấm vóc mà nhân dân ta đã trân trọng qua lời ca: “Việt Nam minh châu trời đông”.

Ba phần tư nước ta là đồi núi, chỉ có một phần tư là đồng bằng. Vùng đồi núi chạy dài từ miền cực bắc bắc phần Việt Nam xuyên qua trung phần Việt Nam đến miền cực bắc nam phần Việt Nam. Đại thể đồi núi chia làm ba bậc trong đó 85% dưới 1.000 mét, 14% dưới 2.000 mét và 1% trên 2.000 mét. Hệ thống đồi núi tuy thấp nhưng hiểm trở, đi lại khó khăn vì bị một màng lưới sông suối dày đặc chia cắt vụn. Rừng bao phủ 80% đồi núi và rừng nhiệt đới chiếm 40%.

Đồng bằng ở Việt Nam chiếm một diện tích nhỏ song rất quan trọng. Hai con sông lớn Hồng Hà và Cửu Long tạo thành hai đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Bắc và Nam phần Việt Nam trong khi dọc bờ biển rất nhiều sông suối tạo thành những đồng bằng duyên hải nhỏ hơn.

Các thành phố phát triển nhất ở nước ta đều là thành phố ven biển với những hải cảng quan trọng như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Hà Nội đã trở thành kinh đô của nước ta dưới quốc hiệu Đại Việt vào đầu thế kỷ XI dưới đời Lý. Năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh bình về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long bởi vì Thăng Long tức là Hà Nội ngày nay “ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi…” (3) phù hợp với mục tiêu dời đô là “đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau” (4). Huế không phải là một trung tâm kinh tế vì không thuận tiện về giao thông đường bộ cũng như đường thủy nhưng ở vào nơi hiểm yếu, một mặt là biển, ba mặt là núi dễ dàng cho việc phòng thủ nên đã được nhà Nguyễn chọn làm đế đô vào đầu thế kỷ XIX. Sài Gòn là một hải cảng quan trọng. Từ năm 1948 Sàigòn được coi là thủ phủ của Chính quyền không Cộng Sản do Cựu Hoàng Bảo Đại đứng đầu. Sau Hiệp Định Giơ-Ne 1954 chia đôi Việt Nam, Sàigòn trở thành thủ đô của “Việt Nam Cộng Hòa” trong khi Hà Nội là thủ đô của “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.

Các vùng đồng bằng là kho người, kho của cho nên trong cuộc chiến tranh kéo dài từ 1945 đến 1975 đã là những địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa đôi bên trong đó vùng rừng núi là nơi diễn ra những trận đánh quyết định: Điện biên phủ ở vùng tây bắc bắc phần Việt Nam và Ban Mê Thuột ở Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.

Hệ thống đường sá nước ta nghèo nàn, thô sơ. Về đường bộ thì kể từ đời Nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX mới có đường cái quan nối liền Bắc Nam. Trong thời Pháp thuộc, đến năm 1934 chính quyền thuộc địa đã xây dựng được một số đường nhựa và đường trải đá tổng cộng chừng 20.000 dặm trong đó Quốc Lộ 1 là quan trọng nhất nối liền Sàigòn với Hà Nội. Song song với Quốc Lộ 1 là đường xe lửa xuyên Đông Dương chạy suốt từ Sàigòn đến Lạng Sơn dài chừng 1.000 dặm hoàn thành vào năm 1936. Đường sông chủ yếu tập trung ở lưu vực sông Hồng Hà, sông Thái Bình tại Bắc phần Việt Nam, sông Cửu Long, Đồng Nai ở Nam phần Việt Nam. Giao thông đường biển thì dưới thời Pháp thuộc đã có Tàu biển liên lạc giữa các hải cảng chính Hải Phòng, Đà Nẵng, Sàigòn. Địa thế hiểm trở và đường sá ít ỏi đã được tổ tiên ta khai thác triệt để trong việc bảo vệ giang sơn. Trong quá trình lịch sử có nhiều trường hợp nhưng điển hình nhất là trận đánh quân Minh ở Ải Chi Lăng năm 1427. Khoảng thời gian này cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi bùng lên ở Thanh Hóa từ năm 1416 đã dần dần dồn quân xâm lược vào thế bị động khiến chúng phải xin viện binh từ Trung Quốc sang. Ngày 8 tháng 10 năm 1427 đạo quân Liễu Thăng kéo sang Lạng Sơn tiến về phía Chi Lăng, một cửa ải nằm trên đường từ Lạng Sơn đến thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), dài khoảng 5 cây số rộng khoảng 1 cây số, phía tây là dẫy núi đá vôi lởm chởm dựng đứng, phía Đông là núi rừng hiểm trở, giữa thung lũng là cánh đồng lầy lội. Khi quân tiếp viện đến gần cửa ải Liễu Thăng đích thân chỉ huy một đội kỵ binh mở đường. Ngày 10 tháng 2, 1427 đạo quân tiên phong đó lọt vào trận địa mai phục. Liễu Thăng bị bay đầu, và quân ta đã thừa thắng xông lên diệt hơn một vạn tên trong trận này.

Cuối thế kỷ XIX quân xâm lược Pháp cũng đã phải đối phó với những cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân từ những vùng sình lầy ở Nam phần Việt Nam qua những nơi hiểm yếu ở Trung phần Việt Nam đến miền rừng núi âm u ở cực bắc Bắc phần Việt Nam.

Địa thế hiểm trở của Việt Nam không thuận lợi cho việc tác chiến của quân đội hiện đại. Quân đội hiện đại có mọi phương tiện tối tân nhưng không phát huy được đầy đủ tác dụng của nó cho nên có thể nói rằng quân dụng tinh xảo không đương nhiên là yếu tố quyết định trên chiến trường Việt Nam. Vấn đề mấu chốt là quân dụng có thích hợp với loại chiến tranh mà mỗi bên đối nghịch nhằm theo đuổi hay không.

Nói chung thì một quân đội cơ giới hóa đến mức cao độ hoàn toàn trông cậy vào xe tăng, máy bay, tàu chiến lại không chiếm được ưu thế như người ta trông đợi trên chiến trường Việt Nam. Thực thế, trong Lục Quân thì thiết giáp bị hạn chế nhiều nhất vì núi rừng và sình lầy. Không Quân với những loại phi cơ bay rất nhanh lại càng ít hiệu quả vì khó mà phát hiện được người, vật dưới những tàn cây che lấp mặt trời quanh năm suốt tháng trong những khu rừng nhiệt đới bạt ngàn. Chỉ còn Hải Quân là tương đối dễ hoạt động nhưng cũng ở ngoài khơi thôi, chứ khi phải hành quân trong sông rạch thì tàu bè nặng nề, ồn ào, khó xoay trở không nhanh bằng ghe thuyền thô sơ nhưng gọn gàng mà lại khó bị phát hiện.Trong khi hành quân trên một địa thế khó khăn mà lại gặp thời tiết khắc nghiệt thì hiệu năng của một quân đội hiện đại giảm sút rất nhiều.

Về mặt khí hậu, Việt Nam nằm trong khu vực gió mùa. Mùa lạnh gió khô ở đất liền thổi ra biển gọi là Gió mùa đông bắc. Mùa hè gió ẩm thổi từ biển vào đất liền gọi là Gió mùa tây nam. Vì vậy ở Việt Nam có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa nắng. Từ tháng 11 đến tháng 4 phần lớn lãnh thổ Việt Nam không mưa. Trái lại từ tháng 5 đến tháng 10 có mưa bão nhiều. Tuy nhiên, hình thể lãnh thổ và địa hình ảnh hưởng đến khí hậu nên nói chung thì có hai mùa mưa, nắng song ở Bắc phần Việt Nam nhiệt độ chênh lệch nhau nhiều trong khi ở Nam phần Việt Nam gần đường xích đạo thì nóng quanh năm. Tháng lạnh nhất ở Hà Nội là 54o F, ở Huế là 68o F, ở Sàigòn là 79o F trong khi tháng nóng nhất ở ba nơi trên trung bình là 85o F. Hơn nữa, mùa mưa ở Bắc và Trung phần Việt Nam không rõ rệt như ở Nam phần Việt Nam, và vào cuối mùa đông ở bắc và trung phần Việt Nam thường có mưa phùn hoặc sương mù.

Khí hậu gió mùa đã chi phối nặng nề các hoạt động quân sự. Trong thế kỷ XVIII người ta đã nói đến “trận giặc mùa” giữa nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn. Khi quân Tây Sơn còn mạnh Nguyễn Ánh đã lợi dụng gió Mùa Tây Nam hàng năm cứ đến tháng 4, tháng 5 từ Gia Định mở các cuộc tấn công bằng đường biển lấn dần đất của Tây Sơn rồi đến kỳ Gió Mùa đông bắc lại rút về Gia Định.

Những đạo quân nước ngoài đều lâm vào cảnh thủy thổ không hợp khi hoạt động ở nước ta. Vào thế kỷ III sau Tây Lịch, Thái Thú Giao Chỉ là Tiết Tổng trong bài sớ gửi Ngô Tôn Quyền đã nói: “Giao Chỉ đất rộng nhiều người, hiểm trở, độc hại…” (5) rồi Quách Quỳ, một trong những viên chủ tướng của đạo quân Tống sang đánh nước ta ở thế kỷ XI đã than vãn về tác động tai hại của khí hậu Việt Nam: “Lương ăn của 9 đạo quân đã cạn. Lúc ra đi quân có 10 vạn, phu có 20 vạn. Vì nóng nực và lam chướng quân, phu đã chết mất quá nửa rồi. Còn non nửa cũng đều ốm (6). Người Pháp sau này cũng gặp cảnh ngộ tương tự.

Năm 1858 một hạm đội Pháp dưới quyền Đô Đốc Rigault de Genouilly hùng hổ kéo đến Đà Nẵng. Quân ta không mạnh nhưng khí hậu đã tiếp tay. Số thương vong của Pháp vì dịch tễ gấp 20 lần số thương vong vì chiến trận, và tình trạng này đã trở thành bi đát khi dịch tả và sốt phát ban lan ra vào mùa hè 1859. Khí hậu Việt Nam tác động bất lợi đối với đạo quân nước ngoài vẫn là một vấn đề khó khăn mà người Pháp phải đương đầu ngay cả vào giữa thế kỷ XX là lúc y học đã tiến triển rất xa. Sau Thế Chiến II quân đội Liên Hiệp Pháp cũng đã phải chịu những gánh nặng do khí hậu trong khi chiến đấu ở Việt Nam. Qua kiểm nghiệm sức khỏe của tù binh được thả khi đình chiến năm 1954 người ta thấy tỷ lệ phải nằm bệnh viện đối với đơn vị Lê Dương là trên 69%, đối với đơn vị chính gốc Pháp là trên 66%, và đối với đơn vị Bắc Phi là 60%. Giới y học giải thích sở dĩ đạo quân Lê Dương có tỷ lệ nằm bệnh viện cao như vậy vì thể chất của họ, chủ yếu là da và lông mềm, không dễ dàng chịu đựng được “khí hậu gió mùa chết chóc”. Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là tù binh người Việt Nam chiến đấu bên phía quân đội Liên Hiệp Pháp phải nằm bệnh viện chỉ bằng 1/3 số quân lính viễn chinh Pháp.

Về mặt quân sự, khí hậu Việt Nam cũng đã gây cản trở đáng kể cho các đạo quân cơ giới hóa. Vào năm 1954 ở Điện Biên Phủ thuộc Bắc phần Việt Nam, và vào năm 1968 ở Khe sanh thuộc Nam phần Việt Nam người ta nghe nói nhiều đến sương mù gây khó khăn rất lớn và có lúc làm tê liệt việc tiếp tế bằng máy bay cho các đơn vị bị bao vây.

Do vị trí địa lý và khí hậu mà Việt Nam là một nước giầu tài nguyên thiên nhiên. Những châu thổ phì nhiêu suốt dọc bờ biển là những vựa lúa to lớn dư khả năng nuôi sống nhân dân ta. Những vùng đồi núi trùng điệp là những kho khoáng sản phong phú về nhiều loại, và các khu khoáng sản quan trọng nhất phần lớn tập trung ở Bắc phần Việt Nam. Giống như đồng bằng và đồi núi, biển cũng là một tài nguyên dồi dào. Biển cung cấp cho nước ta một nguồn hải sản đáng kể và một thềm lục địa hứa hẹn khá nhiều về dầu lửa, cụ thể là năm 1974 dầu lửa đã được phát hiện ở ngoài khơi Nam phần Việt Nam, và sau này Việt Nam đã trở thành một nước sản xuất dầu lửa.

Về tài nguyên của nước ta, giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes sau hơn 20 năm truyền giáo ở nước ta đã đưa ra nhận xét: “Đây là một vị trí cần phải chiếm lấy, và chiếm được vị trí này thì thương nhân Châu Âu sẽ tìm được nguồn lợi nhuận và tài nguyên dồi dào.” (7)

(2) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Bốn phương, Sài gòn, Việt Nam, 1951, trang 16.

(3) Lịch sử Việt Nam, Tập I, NXB Khoa học xã hội, Hànội, Việt nam, 1971, trang 151.

(4) Cùng sách, trang151.

(5) Lịch sử Việt Nam, Tập I, NXB Khoa học xã hội, Hànội, Việt nam, 1971, trang 108.

(6) Trương Hữu Quýnh – Nguyễn Đức Nghinh, Lịch sử Việt Nam, (Thế Kỷ VII- 1427), NXB Giáo dục ,TP Hồ chí Minh, Việt Nam, trang 117.

(7) Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427- 1858), Quyển 2, Tập 2, NXB Giáo dục ,TP Hồ chí Minh, 1976 , trang 201.

—>Chương 2

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TRẦN ĐỨC MINH: Một Thời Nhiễu Nhương, Việt Sử. Bookmark the permalink.

2 Responses to MỘT THỜI NHIỄU NHƯƠNG: Phần I

  1. 01207628248 says:

    mot tac pham thuc su rat hay xin ban bien tap hay tiep tuc ra them ve cac sach bao noi ve the che viet nam cong hoa

    Liked by 2 people

Ý kiến - Trả lời