VĨNH BIỆT PHƯỢNG (Dương Hùng Cường)

(Lê Thy đánh máy từ bản điện tử của vietmessenger.com)

Trước khi vào truyện

Đã từ lâu, tôi muốn viết về truyện tình của hai người. Tôi cứ hẹn với mình mãi. Truyện tình của Phượng và Dương là một truyện tình đẹp, có thể sống mãi với muôn đời. Cuộc đời của tôi mới đi hết một nửa quãng đường, thành ra tôi nhiều khi tự nhủ thầm ngày còn rộng, tháng còn dài, vội gì!…

Nhiều lúc, tôi đã ngồi vào bàn viết, viết lên vài trang khởi đầu. Khi chấm dứt vài trang ấy, tôi xếp lại định ngày mai lại tiếp tục. Nhưng cái ngày mai ấy, không bao giờ đến. Cái nhất định, ít khi nằm bất di bất dịch trong tôi. Chỉ một thời gian ngắn nào đó, cái nhất định lại biến thành nhị định, rồi tam tứ định…

Có lẽ tôi cần phải thú thật một điều. Tính tôi vốn lười…Những người thân thiết với tôi thường trách tôi nhiều về tật xấu ấy. Hồi còn làm việc ở phi trường Biên Hoà, tôi làm việc ở Đài Kiểm-soát Phi-trường. Làm việc hai mươi bốn giờ rồi nghỉ bốn mươi tám giờ. Trong cái thời gian bốn mươi tám giờ nghỉ ngơi ấy, tôi làm thiên hạ khiếp sợ về tài ngủ.

Tôi ngủ liên miên giờ này qua giờ khác, trừ những lúc bị những cần thiết của cơ thể thúc bách. Tôi chỉ giật mình thức dậy vào những giờ ăn, rồi lại tiếp tục nằm dài, như Gia Cát Lượng ngày xưa nằm gối đầu cao, chờ công danh trên đỉnh Ngọa Long Cương. Nhưng Gia Cát Lượng mang tật ngủ ngày, còn được đặt tên là con Rồng Nằm chứ tôi chỉ là một thằng lười, lười chẩy ra, lười đến không thấy ai lười hơn nó nữa.

Đó là lời phê bình của Dương, mỗi buổi chiều đến rủ tôi đi ra quán A la Plague, ngồi uống cà-phê, đấu tiếng Tây với ông chủ quán Tây già, sống lủi thủi như một thứ anh hùng thấm mệt.

Tôi đã hẹn với mình nhiều lần sẽ viết truyện về Phượng và Dương mà chưa viết. Hôm nay tôi bắt đầu đây.

Sàigòn, năm nay mùa mưa tới sớm, những buổi chiều, lạc lõng trên nền trời mây xám đã trôi đi chầm chậm. Nhưng đám mây chưa sũng nước, mong manh quá, cố gắng lắm cũng chỉ rơi được xuống hè phố, lác đác vài giọt nước mắt vô duyên. Những lúc đó, trời đầy hơi khó thở. Lá cây nằm im lìm bất động.

Trong những lúc giao mùa, vỉa hè vắng khách nhàn du. Cái sung sướng nhất là ngồi trong một phòng lạnh, áp ly nước đá lên mặt nhìn qua cửa kính để thấy màu nắng úa vàng.

Chiều nay, tôi nhìn thấy Phượng đi trong màu nắng úa ấy. Màu áo đen nổi bật trên hè phố vốn rực rỡ nhiều màu. Bước chân thẫn thờ như kéo lê đôi dép thấp.

Phượng ngừng lại bên kia đường, khi đèn xanh bật lên. Giòng xe cộ ào ạt chạy qua, che khuất Phượng rồi lại để lộ ra hình Phượng. Trong một giây, tôi tưởng như Phượng đã biến đi, nhưng khi giòng xe cuồng lũ qua đi, tôi vẫn thấy Phượng đứng sừng sững , vẫn với một dáng im lìm, bất động, như tượng đá đầu non. Sau một giây ngơ ngác, Phượng đặt chân xuống đường và từng bước, từng bước, chậm chạp qua đường. Tôi mở cửa đi ra để gặp Phượng .

Tuy rằng, đã lâu lắm rồi mới gặp nhau, nhưng tôi không bắt gặp một nét ngạc nhiên nào trên mặt Phượng. Hình như từ lâu, Phượng đã giữ một khuôn mặt nước đá, mà hồi xưa, tôi và Dương thường chế diễu, mỗi khi Phượng có chuyện gì giận dỗi, là một khuôn mặt tủ lạnh. Bây giờ thì khuôn mặt tủ lạnh ấy thường trực đóng khung. Chuyện của Dương và Phượng thật buồn.

Tôi như một chứng nhân, có mặt từ lúc đầu cho tới lúc hạ màn, vở bi kịch có tiếng cười, có nước mắt. Sân khấu trường đời thật phũ phàng. Có những diễn viên, không được học vở kịch từ trước nhưng đã bị những diễn tiến của vở kịch lôi cuốn đi, rồi cứ như thế, sân khấu đã bắt diễn viên phải khóc, phải cười. Phượng là một diễn viên của cái sân khấu ma quái ấy.

Tiếng hát của nhà thu băng Tiếng Hát Đôi Mươi bên kia đường tình cờ bắt đầu một bản nhạc nức nở. “Như giòng đời đó, cuốn người theo”. Cưỡng lại làm sao hở Phượng?…

Tôi mời Phượng vào quán. Ở quán này là nơi tụ họp nhiều nhà báo và nhất là nhạc sĩ và ca sĩ.

Thói quen mỗi buổi chiều của tôi là phải tới quán này, uống vài ly rượu, đấu láo vài chuyện nhảm. Khi gặp đông bạn bè, thì chỉ trở về nhà khi quán đóng cửa. Hôm nào mệt tôi về sớm, nhưng cái sớm ấy cũng phải là lúc thành phố lên đèn.

Tôi mời Phượng ngồi xuống ghế. Ở đây, Phượng khác hẳn những nàng ca sĩ, vẫn thường ghé ngồi đây chờ giờ đi trình diễn. Phượng vẫn đẹp như ngày xưa, nhưng cái đẹp hồn nhiên, nhí nhảnh học trò đã nhường chỗ cho một thứ đẹp liêu trai, rất buồn, buồn đến não nùng. Cặp mắt hay chớp ngày xưa, bây giờ mở lớn, bất động, làm cho chiếc trán thanh tú ẩn hiện vài nếp hằn suy tư. Tôi hỏi Phượng :

– Hôm nay đi đâu mà lại chỉ có một mình?

Phượng cười buồn:

– Còn ai nữa mà hai mình? Hay là anh đi chơi với Phượng để chúng mình có hai đứa. Bằng lòng không?

Phượng vẫn còn nhớ được những cái thẳng băng của lối nói chuyện ngày xưa. Ồ, tại sao tôi cứ hay nhắc tới ngày xưa, hai tiếng mà nói lên cứ như kể chuyện cổ tích?…

Ngày xưa, những ngày ấy đẹp lắm, ngày có tôi, có Dương, có Phượng, có Tâm, có Thư Hương.

Tới bây giờ tôi vẫn không hiểu Thư Hương là một cô gái đáng thương hay đáng trách. Tất cả chúng tôi đều coi Thư Hương như em gái, mà thật ra thì Thư Hương chính là em gái của chúng tôi…Thư Hương là em gái của Tâm…

Bây giờ Tâm đã nằm yên dưới ba thước đất. Nấm mộ Tâm, cỏ đã mọc xanh rì. Ngày còn sống, Tâm thường hãnh diện với cái tên mình bằng một câu trong truyện Kiều: “Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời”. Ba ngôi sao, thêm một vầng trăng là tên của Tâm. Căn cứ vào đó, Tâm cho rằng cuộc đời binh nghiệp của Tâm sẽ sáng lắm.

Chắc chắn rồi đây Tâm sẽ là tướng 3 sao mà! Nhưng cố gắng lắm thì Tâm cũng chỉ thành một cố Đại Úy với ba hoa mai đặt lên bàn thờ, một đám tang với nhiều tiếng nức nở và để lại trên cõi đời này ba cuộc đời oan nghiệt, gồm cuộc đời của Dương, của Phượng, của Thư Hương.

Vầng trăng khuyết là Tâm đó chăng? Và ba ngôi sao nằm cạnh vầng trăng là Phượng, là Dương, là Thư Hương đó chăng? Sao không thấy ai trả lời? Tâm nằm im lìm ngoài đó, nơi Bắc Việt Nghĩa-trang với những lối đi đầy xác lá, với tiếng thông reo vi vu như ngàn tiếng thì thầm và thở dài của những người nằm dưới mộ.

Mỗi buổi chiều, nơi nghĩa trang này đều có vài ba bóng dáng những nàng quả phụ trẻ, thầm lặng thắp lên vài ba nấm mồ những nén hương tưởng nhớ. Không khí nghĩa trang thật yên lặng dù chỉ cách đại lộ một quãng đường mà lúc nào xe cũng chạy nhộn nhịp không ngừng . Nhìn tấm bia của từng nấm mộ ít ai có được một cái chết già.

Làm một cái tính trừ của năm mà người sống đưa người chết ra tới nghĩa trang, với năm mà người đó được đẩy ra dưới ánh mặt trời, sao thấy con số nhỏ quá. Nhiều nhất là khoảng tuổi từ hai mươi tới ba mươi. Tâm cũng vậy. Chàng đã chết lúc vừa hai mươi tám tuổi.

Những ngày buồn, tôi lại tới Bắc Việt Nghĩa-trang. Nhiều người bạn của tôi đang nằm ở đây…Nơi đây ngoài những tiếng động âm thầm của Nghĩa-trang, còn vang vọng tiếng động cơ từ phi trường Tân Sơn Nhất. Từng chuyến phi cơ vận tải phản lực cất cánh và hạ cánh, đôi cánh che rợp trời, loang loáng lướt qua từng nấm mộ.

Những chiếc phi cơ ấy, không phải của bạn tôi, của Tâm hay của Dương. Vì dưới cánh, không mang theo bom đạn, để gợi cho mọi người nhớ tới cái chiến tranh đang kéo dài mấy chục năm trên đất nước này.

Tôi nhìn vào mắt Phượng …

Đôi mắt sâu thẳm chứa đầy u buồn hơn cả bao nghĩa trang. Ly nước để trước mặt, lấm chấm vài giọt nước đọng. Phượng thẫn thờ đặt lên môi uống một hơi hết nửa ly, rồi như bàng hoàng tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Lần đầu tiên từ lúc gặp, tôi được nhìn một nụ cười thoải mái nở trên môi Phượng:

– Thế nào anh? Cuộc đời ái tình sự nghiệp của anh hồi này ra sao?…Chuyện cơm áo vất vả lắm không?…Làm nhiều nghề như anh thì giàu là cái chắc rồi.

Như cất đi được những tảng đá nặng chĩu xuống đôi vai, tôi cười theo Phượng:

– Cũng đều đều. Ngày hai bữa ăn và một giấc ngủ. Làm sao mà giàu được? Phượng còn lạ gì tính tôi. Có tiền thì phải tiêu xài cho hết, chỉ sợ tiền thành rắn thành rết bò ra cắn chết. Bởi vậy chẳng bao giờ giàu.

Phượng hỏi thăm tới vợ tôi và con tôi và những người mà hai người cùng quen biết.

Cuộc gặp gỡ Phượng chỉ ngắn ngûi có thế. Nhưng như thế cũng đủ rồi. Đủ để tôi bắt đầu cho truyện Phượng và Dương…

Và bây giờ, bắt đầu vào truyện….

—>Chương 1

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Dương Hùng Cường and tagged , . Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời