Hồi-ký Chí-Hoà (Vĩnh Khanh): Gìới thiệu – Cảm Tạ – Lời nói đầu

LỜI GIỚI THIỆU

vinhkhanh0406-00-1Tác giả Vĩnh Khanh là một cựu sinh viên thuộc viện Đại Học Vạn Hạnh Saigon. Nhập ngũ khóa 6/72 SVSQ/TB Thủ Đức, ra trường phục vụ trong quân chủng Không Quân. Sau khi đi tù cải tạo về, anh đi vượt biên tất cả mười lần, đã nếm đủ những đắng cay, tủi nhục trước khi đem được vợ cùng hai con nhỏ đến bến bờ tự do.

Tôi được may mắn là một người bạn đồng khóa với tác giả, được hân hạnh tâm sự cùng anh, được anh gửi cho xem bản thảo của tập hồi ký những chuyến vượt biên của anh. Lời văn của anh rất nhẹ nhàng, rất tình cảm, không có những lời lẽ hằn học, căm thù nhưng rất chi tiết, rất hào hứng, nói lên đầy đủ câu chuyện.

Tập “Hồi Ký Chí Hòa” sẽ kể cho chúng ta nghe những điều đã xẩy ra nơi thiên đường Cộng Sản. Một tác phẩm mà chúng ta nên đọc để biết rõ hơn về chế độc độc tài đảng trị, một quốc gia đầy những nhà tù. Chính quyền muốn bắt ai thì bắt, muốn giam ai thì giam. Rất nhiều người vô tội bị hàm oan, như trường hợp tác giả Vĩnh Khanh cũng là một nạn nhân của chế độ bạo tàn.

Trong môt xã hội thiếu tự do, dân chủ, thân phận con người như chiếc lá mong manh. Tác giả Vĩnh Khanh đã nói lên tất cả những điều mình đã phải trải qua trong tác phẩm của anh. Từ những những ngày đầu tiên vào nhà tù Chí Hòa cho đến ngày được ngẩng mặt lên thở bầu không khí tự do. “Hồi Ký Chí Hòa” nói lên tất cả những tủi nhục, đau thương của một người tù. Những xấu xa, bẩn thỉu bên trong nhà tù và cả … tình người, tình bạn.

“… Để tình người còn mãi thăng hoa…”. Đây cũng là thông điệp của tác giả gởi gấm trong cuốn Hồi Ký này như anh đã nhấn mạnh ở phần Lời Nói Đầu. Bởi thế bối cảnh của tập Hồi Ký Chí Hòa tuy là một nơi tù ngục tối tăm với những khổ ải khó khăn nhất định trong đó, nhưng qua lối văn kể chuyện nhẹ nhàng, bình dị của tác giả, đâu đâu chúng ta cũng thấy bàng bạc tình người, nhờ thế người đọc sẽ thấy hấp dẫn lôi cuốn ngay từ trang đầu qua những nhân vật thật, những câu chuyện thật mà tác giả đã có dịp trải qua.

Tôi xin trang trọng giới thiệu Hồi Ký Chí Hòa như một tác phẩm giá trị xứng đáng nằm trong tủ sách gia đình của những người tị nạn Việt Nam, để thế hệ con cháu chúng ta biết qua được cảnh ngục tù dưới chế độ CS như thế nào, từ đó trân quý hơn hai chữ Tự Do.

Richland College, May 11th, 2006
Vũ Đình Hiếu (K.6/72)

LỜI CẢM TẠ

Người đầu tiên tôi muốn tỏ lòng biết ơn trong việc hoàn thành cuốn Hồi Ký Chí Hòa này; đó là bà xã tôi; đã luôn luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi sớm thực hiện xong công việc mà tôi ấp ủ từ bấy lâu nay. Không có sự khuyến khích của bà xã tôi, cuốn sách này vẫn còn bị lần lựa khất đi khất lại hoài, khó mà hoàn thành cho được.

Lời cám ơn chân thành kế tiếp tôi xin dành đến những anh chị em trong diễn đàn VCF. Từ những trang đầu tiên của cuốn hồi ký, anh chị em đã không ngừng khuyến khích tôi tiếp tục viết. Nhờ thế, Hồi Ký Chí Hòa này tuy được dự trù hoàn tất vào cuối năm 2006, nhưng kết quả chưa đầy 3 tháng nó đã được viết xong.

Kế đến, tôi xin chân thành cám ơn đến tất cả các bạn hữu xa gần đã không ngừng khích lệ và thúc dục tôi in Hồi Ký Chí Hòa này ra thành sách.

Tôi cũng xin được gởi lời cám ơn đến một người bạn thân lâu năm, đó là nhà văn Trà Nguyễn, tác giả Hồi Ký Vượt Ngục đồng thời là chủ nhiệm nguyệt san Carolina Việt Báo, đã khuyến khích và nhiệt tình giúp tôi rất nhiều trong việc góp ý, chia xẻ kinh nghiệm quí báu trong vấn đề in ấn.

Đặc biệt tôi muốn ngỏ lời cám ơn đến các em sau: Nguyễn Bảo, Đỗ Ngọc, Nguyễn Dũng và Âu T. Cường đã không những cổ vũ, khuyến khích mà còn bỏ nhiều thì giờ quý báu, tích cực giúp tôi trong việc layout các trang, chụp hình minh họa trang trong và trình bày cho trang bìa… Cũng như góp ý chỉnh sửa cho cuốn sách được hoàn hảo. Tôi thừa nhận một điều, cuốn hồi ký này in ra được thành sách là nhờ công rất lớn của các em.

Cuối cùng tôi xin trân trọng gởi lời cám ơn đến anh Vũ Đình Hiếu, người bạn cùng khóa 6/72 SVSQTB/TĐ, tác giả của các tác phẩm viết về Quân Lực VNCH như: Trận Chiến Bí Mật NKT/TTM, Biệt Động Quân, Nhảy Dù… và nhiều tác phẩm tài liệu dịch thuật nổi tiếng khác… đã có nhã ý viết lời giới thiệu cho Hồi Ký Chí Hòa này.

Với những nhiệt tình cổ vũ và khuyến khích như thế, Hồi Ký Chí Hòa này không có lý do gì không được in ra thành sách.

Những nhân vật và sự kiện trong Hồi Ký Chí Hòa là người thật, việc thật xảy ra vào khoảng thời gian từ tháng 4/1982 đến 25/12/1985 lúc tác giả ở Biệt Giam, Kiên Giam tầng 2 khu ED Chí Hòa và mấy tuần lễ chuyển xuống khu tập thể FG…. Tuy nhiên vì trí nhớ hạn hẹp chắc chắn vẫn có nhiều thiếu sót không được ghi lại trong Hồi Ký này, đó là việc ngoài ý muốn của tác giả xin quý độc giả lượng thứ và bổ túc cho những thiếu sót để tác giả có thể hiệu đính trong lần tái bản tới.

Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn , đầu tháng 5 năm 2006

LỜI NÓI ĐẦU

Kính Tặng Mẹ

vinhkhanh0406-0-1Trải qua bao thăng trầm của nước nhà và qua bao lần thay ngôi đổi chủ, Nhà Tù Chí Hòa vẫn là một nơi kinh hoàng cho rất nhiều người. Một nơi đã nhốt biết bao nhiêu tù nhân, oan hay không oan… tội nhẹ hay tội nặng… và cũng không ít người đã bỏ mình tại nhà tù này. Nơi đây đã gây biết bao lo âu sợ hãi không những cho các tù nhân đang bị giam cầm mà còn cho cả những thân nhân của họ và những người dân khác ở bên ngoài. Từ thời Nhật chiếm đóng, đến Pháp đô hộ VN, rồi qua hai nền Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hoà kéo dài mãi đến hiện tại… nghe đề cập tới Khám lớn Chí Hòa là thấy sợ rồi. Có lúc người dân miền Nam đã xem nó như là một biểu tượng của sự đày ải kinh hoàng.

Nghe những người lớn tuổi, lịch lãm kể lại rằng: Nhà tù Chí Hòa đầu tiên là do người Nhật chủ trương xây cất, căn cứ theo Bát Quái Đồ chia thành hình 8 góc. Bởi thế các tù nhân thường hay gọi bằng cái tên: Lò Bát Quái. Chính giữa sân có một bồn nước cao, nếu từ trên cao nhìn xuống, trông nó giống y chang hình một thanh kiếm cắm ngược xuống đất mà cái chuôi kiếm chính là bồn nước. Tương truyền khi xây bồn nước này, người Nhật đã cho đổ nhiều tấn muối hột bên dưới, không biết với dụng ý gì, nhưng nhiều người cho là để ếm.

Người Nhật đã sử dụng nơi này để nhốt tù nhân ngay cả lúc nó còn đang xây dở dang và việc xây cất chưa xong hoàn toàn thì Nhật rút khỏi VN. Người Pháp tiếp tục công việc bỏ dở cho đến khi nhà tù Chí Hòa hoàn tất như chúng ta biết hiện nay. Danh từ “Khám Lớn” cũng ra đời ngay sau đó để ám chỉ cho nơi khủng khiếp này… kéo dài qua tới 2 thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà, nhà tù này vẫn là nhà tù lớn nhất ở Saigon để nhốt phạm nhân.

Sau năm 1975, đến thời CS nắm chính quyền, Chí Hòa lại còn khủng khiếp hơn bao giờ hết! Con số người bị bắt nhốt vào đây không làm sao kể xiết… lúc nào cũng đầy ắp tù nhân. Chính quyền CS gọi đây là trại tạm giam, chỉ dùng làm nơi điều tra tội phạm chờ ngày ra toà xét xử, sau đó khi thành án xong mới đưa tù nhân đi lao động bên ngoài cho đến khi mãn án. Nếu thật sự đây chỉ là một trại tạm giam như chính quyền CS vẫn gọi, thì trại tạm giam này phải nói là có một không hai, vì rất nhiều người bị nhốt ở đây mấy năm liền mà vẫn còn bị “tạm giam” hoài, chưa kết thúc hồ sơ để đưa ra xét xử được… Trường hợp của người viết này là một. Do đó Chí Hòa đã nổi tiếng khủng khiếp từ mấy triều đại trước, nay lại càng khủng khiếp đáng sợ hơn nhiều.

Không biết vào thời Nhật, Pháp và 2 nền Đệ Nhất, Đệ Nhị VNCH, các khu vực trong nhà tù được chia ra như thế nào, nhưng khi người viết bị nhốt vào đây năm 1982 thì được biết các khu phân chia ra như sau:

Khu AH: Nhốt tù tội tử hình, tù chung thân.
Khu ED: Nhốt tù Chính Trị, Vượt Biên, Kinh Tế.
Khu FG: Nhốt tù hình sự.
Khu BC: Nhốt đủ thành phần Tệ Đoan Xã Hội.

Ngoài ra còn hai khu phụ: Đó là khu I, nằm ngay góc chính giữa khu ED và BC, là khu nhốt tù nữ gồm đủ thành phần tội phạm và một khu vực xưởng may nằm ngay phía sau khu ED, dành cho tù nữ đã thành án ra lao động may đồ, chờ mãn án.

Kế bên khu xưởng may, còn có một bệnh xá dùng để chữa bệnh cho các tù nhân bệnh nặng và một khu nhà bếp lớn ngay chính giữa ở tầng trệt. Nhà tù xây cao 4 tầng, ngoài ra nghe đồn còn có một tầng hầm dưới mặt đất để điều tra riêng và nhốt những nhân vật đặc biệt bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài và các nơi khác.

Ngoài những buồng giam tập thể, còn có những khu Kiên giam và Biệt giam ép cung… Đồng thời cũng có những biệt giam kỷ luật để nhốt những người đang bị giam mà còn phạm nội qui, kỷ luật…

Có một truyền thuyết mà gần như các tù nhân ở lâu ai cũng biết hoặc nghe nói đến. Đó là trên nóc của khu AH, lúc nào cũng có một khoảng trống vì bị sấm sét đánh hư hại hoài. Hễ cứ sửa chữa xong, lại bị sét đánh hư hại trở lại, cứ như vậy kéo dài từ rất lâu rồi… Cũng theo các tù nhân lớn tuổi kể lại thì người Nhật khi chiếu theo Bát Quái Đồ xây nhà tù này, các cửa Sanh đã bị ếm hết chỉ còn lại có cửa Tử! Cho nên người bị nhốt vào nhiều mà hầu như không thấy có người nào thoát ra được cả, vì vậy nên khí oán bay lên thấu Trời cao, do thế Trời làm sấm sét đánh bể một phần trên nóc khu AH đó để khai ra một cửa Sanh. Nhờ thế người ta mới bắt đầu thấy có người được thả ra…

Dĩ nhiên đây chỉ là truyền thuyết được truyền miệng giữa các tù nhân từ nhiều đời kể cho nhau nghe, rồi dần dần trở thành một huyền thoại, chắc chẳng có ai tin chuyện này là thật cả đâu. Nhưng việc trên nóc của khu AH bị sấm sét đánh bể một khoảng lớn nhiều lần là chuyện có thực mà không ai có thể giải thích được!!

Khi tôi bị bắt vào Chí Hòa, trong sự thiếu thốn, khổ sở cả về tinh thần lẫn thể xác, “tình người” vẫn không thiếu và vẫn nổi bật lên ở chốn khốn cùng này. Sau năm 1975, tôi đã nhận ra được một điều: những con người vì một lý do nào đó phải sa vào vòng tù tội, chưa hẳn đã mất đi “tình người”, vì thế chưa hẳn đã là một người xấu. Đây không phải là một sự biện minh, nhưng trên thực tế nhiều khi xã hội đã đưa đẩy con người vào vòng tội phạm, chứ bản thân người đó chưa chắc đã muốn (Thí dụ những tội như Vượt Biên, Chính Trị và ngay cả một số tội Kinh Tế… như ở khu ED mà tôi đã ở qua trong suốt thời gian bị giam cầm). Tôi đã chứng kiến “tình người” được bộc phát ra bằng những lời thăm hỏi đơn sơ, bằng một điếu thuốc rê, bằng một miếng quà nhỏ… hoặc bằng cả một tâm hồn, một chân tình thắm thiết bàng bạc trong đó nữa.

Khi còn nằm trong Biệt Giam 2, có lần tôi đã mơ ước sau này nhìn thấy nhà tù Chí Hòa bị giật sập và san bằng hoàn toàn. Sau đó được nhìn thấy đại diện tất cả các Tôn Giáo đến làm lễ ban phép lành, cầu siêu… cho linh hồn những người đã bỏ mình oan ức tại nơi đây sớm được cứu rỗi, siêu thoát… và kế tiếp đó được nhìn thấy nơi này xây dựng thành một khu vui chơi, giải trí chỉ có tính cách mang lại niềm vui, nụ cười cho dân chúng, để mọi người khi đến đây sẽ không còn bị ám ảnh, lo sợ nữa.

Than ôi! Đã hai mươi mấy năm qua, mơ ước của tôi vẫn còn đó, nhưng không biết kiếp này của tôi có thể nhìn thấy điều mơ ước của mình trở thành hiện thực hay không!!!

Viết lại hồi ký Chí Hòa này là một thôi thúc âm ỉ trong tôi hơn hai mươi năm qua chưa bao giờ ngừng nghỉ. Tôi viết không phải để kể lể, ta thán về những khổ cực đã qua, cũng không phải viết để mong muốn hồi ký của mình được nhiều người đọc, để được nổi tiếng…v… v… Những chuyện như vậy hoàn toàn không nằm trong ý nghĩ của tôi. Mà thật ra tôi viết hồi ký Chí Hòa này, ngoài mục đích ghi lại và ca ngợi cái “tình người” như tôi đã đề cập ở trên, còn là để… đền đáp một món nợ ân tình quá lớn – Một món nợ không ai đòi – nhưng tôi tự hứa sẽ đền đáp cho bằng được.

Món nợ tinh thần này tôi phải đền đáp cho những người đã ưu ái trao cho tôi cái “tình người” cao đẹp đó, cho vợ cùng hai con tôi lúc bấy giờ còn rất bé và đền đáp ngay cho… chính bản thân tôi nữa – Phải rồi! Tôi cũng nợ cả chính bản thân tội nghiệp này, đã chịu đựng biết bao nghiệt ngã khốn khó mà vẫn đứng vững tới ngày nay. Thế thì tôi cũng nên đền bù tinh thần cho nó lắm chứ! – Ngày nào chưa viết xong được hồi ký này, món nợ đó vẫn còn. Cho nên tôi phải viết. Chỉ đơn giản vậy thôi!!

—>Chương 1

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, KQ Vĩnh Khanh, Người Lính VNCH, Vĩnh Khanh. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời