NGÀY TA BỎ NÚI (Vương Mộng Long – K20)

Biệt Động Quân

Biệt Động Quân

Chương 1.

Giữa tháng 2 năm 1975, tôi lái xe từ đồn Kiến-Đức, Quảng-Đức lên thăm Đại Tá Biệt Động Quân Phạm Duy Tất tại căn cứ Non-Nước, khoảng 10 cây số bắc Kontum. Đêm đó hai thày trò tôi nằm bên nhau, hàn huyên tới khuya. Tôi được Đại Tá Tất cho đọc bản cung từ của một hồi chánh viên. Bản cung từ này do Đại Úy Dũng của Trung-tâm Thẩm Vấn, Quân đoàn 2 thiết lập. Người hồi chánh là một Thượng Sĩ trưởng mũi thám sát của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 CSBV. Anh ta khai rằng, hai tháng nữa sẽ có một cuộc tấn công đại qui mô của Cộng Quân nhằm giải phóng thị xã Ban Mê Thuột. Anh ta còn kê khai ra những tổn thất của Sư đoàn 320 CSBV trong trận đánh 34 ngày đêm vây hãm Plei Me tháng 7& 8 năm 1974. Trận này Trung đoàn 48/SĐ 320 chủ công đã bị thiệt hại rất nặng, mỗi đại đội chỉ còn khoảng 17, 18 cán binh. Đơn vị đó phải về hậu cứ gần biên giới Việt Miên để bổ sung quân số rồi chuyển vùng hoạt động. Đêm đó tôi có nói với Đại Tá Tất rằng,

-“Thằng 48 đã bị tôi đánh xiểng liểng hai lần. Kỳ này Tư Lệnh cho tôi về phòng thủ Ban-Mê-Thuột, tôi sẽ có dịp ‘cưa’ với nó một lần nữa. Đại Tá yên chí! Nếu tôi chưa chết thì Ban-Mê-Thuột chưa lung lay. Tôi cam đoan với Đại Tá như vậy!”

Tôi thực lòng mong muốn được về giữ thành phố này. Vì cha mẹ, vợ con, anh em tôi, và gia đình binh sĩ đơn vị tôi sinh sống trong thành phố này. Ông Tất cười cười trả lời,

-“Cậu đừng lo! Ông Phú (Tư Lệnh QĐ2) đã giao cho ông Tường (Tư Lệnh SĐ23/BB) lo vụ này rồi!”

Tôi cũng được ông Tất cho biết rằng Sư đoàn 23/ BB sẽ án ngữ tại Buôn Blech, có thể dễ dàng di động giữa Ban-Mê-Thuột và Pleiku. Tiếp đó Đại Tá Tư Lệnh “bật mí” cho tôi một tin vui: Vài tháng nữa TĐ82/BĐQ của tôi sẽ được tăng cường để có quân số trên 800 người, với một hệ thống ngang 16 máy truyền tin, gồm đủ Trinh-Sát, Viễn-Thám cùng một đại đội chỉ huy và bốn đại đội tác chiến. Tiểu đoàn tôi sẽ xuất phát khỏi Liên đoàn 24 BĐQ để làm lực lượng xung kích dưới quyền Tư Lệnh Mặt Trận Kontum.

Hôm sau, trước khi từ giã Đại Tá Tất, tôi có đi quanh một vòng thăm Trung Tá Lê Tất Biên, liên đoàn trưởng LĐ 23 BĐQ và vài người bạn đang tham gia phòng thủ vùng Bắc-Kontum. Thiếu Tá Thi, liên đoàn phó LĐ 23 BĐQ hướng dẫn tôi đi quan sát vị trí bố quân của liên đoàn. Tôi thấy mặt trận ở đây có vẻ còn yên tĩnh hơn vùng Ngã Ba Tam Biên Nam (Cao Miên, Nam Kỳ, Trung Kỳ) mà tôi đang trấn giữ. Trên đường về Quảng-Đức, tôi ghé Ban-Mê-Thuột thăm hậu cứ tiểu đoàn, rồi về nhà nghỉ với vợ con tôi một đêm. Buổi sáng ngày kế đó, tôi vào tiệm Phở Tây-Hiên, ăn điểm tâm trước khi lên đường. Lúc tôi sắp lên xe thì người lính già Dương Đức Mai (cựu Trung Tá liên đoàn trưởng LĐ22 BĐQ, mới giải ngũ) xuất hiện giữa phố, dơ tay vẫy,

-“Chào người hùng Plei-Me. Ghé tệ xá cho tôi hỏi thăm đôi lời đi ông Quan Tư!”

Tôi và bác Mai là chỗ rất thân tình. Chúng tôi đã nhiều năm làm việc chung ở BCH BĐQ QK2. Tôi theo chân bác, vào thăm nhà bác. Nhà bác ở kế hàng rào sân vận động Ban-Mê-Thuột. Vào tới sân, Trung Tá Dương Đức Mai, thật nghiêm nghị, hỏi tôi,

-“Theo ý cậu, tụi VC có dám đánh Ban-Mê-Thuột hay không?”

Vừa nâng niu những giò lan rực rỡ trên giàn, tôi vừa hùng hồn cam đoan với người chỉ huy cũ,

-“Bác cứ yên chí lớn! Ông Tường sẽ bảo vệ Ban-Mê-Thuột, ông Tất nói vậy, bác đừng lo!”

-“Thế ông gia, bà gia và vợ con cậu không di chuyển đi đâu sao?” Bác Mai nhìn tôi, dọ dẫm.

-“Có thể địch sẽ tấn công, nhưng chắc chúng không làm nên sự việc gì đâu. Gia đình tôi còn ở đây, đủ hết, cha mẹ, anh em, vợ con tôi, vợ con binh sĩ tiểu đoàn tôi.” Tôi cầm tay bác, trấn an bác,

Tới đây thì bác Mai có vẻ yên tâm. Tối trước, khi thấy bố vợ tôi âu lo vì những tin đồn địch sẽ tấn công, tôi nói với ông cụ rằng, một cặp chỉ huy dày dạn chiến trường Tường và Luật đủ bảo đảm cho sự đứng vững của thành phố nhỏ bé này rồi (Chuẩn Tướng Lê Trung Tường Tư Lệnh/SĐ 23 BB & Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Darlac). Nghe tôi mạnh miệng, bố vợ tôi mới hết lo lắng. Bố vợ tôi cũng là một cựu Trung Tá của Sư đoàn 23 Bộ Binh vừa giải ngũ được một năm. Ông cụ và bác Dương Đức Mai là bạn khá thân. Sau khi chuyện trò một lúc, tôi bắt tay từ giã người cựu liên đoàn trưởng Biệt Động Quân Dương Đức Mai, rồi lên đường.

Vài ngày sau, ở Kiến Đức, tôi chợt nhớ ra rằng, bản cung hồi chánh đã cũ, và nếu đúng theo diễn tiến mà anh Thượng Sĩ của Trung đoàn 48/SĐ 320/ Điện-Biên đã khai, thì giữa tháng Ba tới, địch sẽ triển khai chiến dịch tấn công Ban Mê Thuột. Tôi lại nghe tin A2 phổ biến từ Phòng Nhì, Quân đoàn 2 thông báo những chỉ dấu chuyển quân của Việt Cộng từ biên giới Việt Miên về vùng ven căn cứ biên phòng Bản-Don. Mối quan tâm của tôi là, gia đình tôi và gia đình binh sĩ Tiểu đoàn 82 BĐQ đều ở Ban- Mê-Thuột. Tôi vội thảo gấp một cái công điện gởi thẳng cho hai nơi, một cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Biệt Động Quân Quân- khu 2 đang ở Kontum, một cho Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 2 ở Pleiku. Tôi xin thượng cấp cho phép Tiểu đoàn 82 BĐQ được rời Kiến-Đức, Quảng-Đức để về phòng thủ Ban-Mê-Thuột. Tôi biết rất rõ về Trung đoàn 48 SĐ 320 CSBV, đơn vị chủ công sẽ đánh Ban Mê Thuột. Tôi tin tưởng rằng đơn vị tôi đủ sức đương đầu với chúng. Trong quá khứ, đơn vị tôi đã hai lần chạm trán với trung đoàn CSBV này ở căn cứ 711 Pleiku (tháng Tư, 1974) và ở căn cứ biên phòng Plei-Me (tháng 7 & 8, năm 1974). Vì đây là điện văn riêng, nên tôi không gởi theo hệ thống dọc qua bộ chỉ huy Liên đoàn 24 BĐQ và qua bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Đức mà chúng tôi đang tăng phái. Nhưng Trung Tá Hoàng Kim Thanh, liên đoàn trưởng LĐ 24 BĐQ rõ chuyện này, vì tôi có tâm sự với ông, ông rất thông cảm hoàn cảnh của tôi. Tôi chờ đợi từng ngày. Không ai trả lời bức điện thỉnh cầu của tôi.

Những khi hành quân xa, tôi thường đặt đài tiếp vận để tiện liên lạc với hậu cứ. Những tiểu đoàn bạn, đôi khi cả bộ chỉ huy liên đoàn cũng vào tần số đài này nhờ chuyển tin. Sáng ngày 9/3/75 đài tiếp vận “Tam Quái 82″ của tôi đặt trên căn cứ hoả lực Núi Lửa, Đức-Lập báo cáo rằng địch đang pháo kích vào chi khu Đức-Lập. Tới gần trưa thì chính căn cứ Núi Lửa cũng bị địch pháo kích và tấn công bằng bộ binh. Xế chiều, tôi nghe anh Binh nhì trưởng toán tiếp vận báo cáo bằng bạch văn lời cuối,

-“Thiếu Tá ơi! Tam Quái chắc tiêu ma đợt này rồi Thiếu Tá ơi!”

Sau đó tôi không còn nghe được gì nữa. Tôi thường gọi mấy anh Biệt Động Quân của Tiểu đoàn 82 giữ máy tiếp vận trên đỉnh Núi Lửa là “Tam Quái”. Chỉ vì toán này gồm ba anh lính có tật, một anh cà thọt, một anh điếc, và một anh thong manh. Anh điếc nấu cơm, hai anh kia trực máy truyền tin. Những năm sau này, quân số thiếu hụt, những người có tật cũng bị bắt đi quân dịch, mà Biệt Động Quân lại thiếu người, nên rất dễ dãi vấn đề tuyển quân. Biệt Động Quân nhận tất cả quân nhân bổ sung từ bất cứ nguồn nhân lực nào. Chúng tôi được bổ sung quân số từ Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3 chuyển qua BCH BĐQ QLVNCH, TTHLBĐQ Dục Mỹ, TTHL Lam Sơn, Đơn Vị 2 Quản Trị Địa Phương, Quân Lao, kể cả Lao Công Phục Hồi. Tôi không chê bất cứ ai trình sự vụ lệnh về phục vụ đơn vị mình. Thong manh, cà thọt, mẻ sứt, kể cả ma túy, sì-ke tôi nhận tuốt. Những quái nhân này ở tiểu đoàn tôi chỉ ít lâu sau đã thành những con người mới. Người nào có việc nấy, tôi cứ áp dụng lời khuyên của người chỉ huy cũ, Trung Tá Bùi văn Sâm,

bdqmt9“Viên đạn nào cũng bắn vào đầu địch.Chỉ cần người lính chịu bóp cò là được rồi. Xấu trai mà dám bóp cò, còn hơn đẹp trai mà ra trận chưa nghe súng nổ, mắt đã láo liên. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!”

Vì thế mà quân số tiểu đoàn tôi lúc nào cũng đông hơn tiểu đoàn khác. Lính cà thọt không chạy nhanh được, cho họ làm tiền đồn. Cà thọt đóng chốt thì khỏi lo mất chốt. Lính thong manh, không canh gác được thì cho trực truyền tin, nấu cơm. Lính điếc thì cho tải đạn cối 81 ly, cối 60 ly, SKZ 57 ly. Lính điếc mà bắn cối hay SKZ thì nhất! Điếc đâu cần bịt lỗ tai! Sì-ke nghiện ngập cũng dễ chữa thôi! Tôi lúc nào cũng dùng lời khuyến dụ êm ngọt trước, dùng võ lực sau. Anh nào không nghe lời nhỏ nhẹ bỏ nghề chích choác thì tôi mời vào connex nằm chơi. Ngày này qua ngày khác, chỉ có món nước đường do Thiếu úy Hoàng, Đại đội trưởng đại đội công vụ tiếp tế. Những ngày đầu thiếu thuốc, dân choác khổ sở, vật vã vô cùng. Dăm ba ngày sau quen dần, quen dần. Người nghiện nặng cách mấy cũng chỉ một tuần là phải từ giã ống chích, kim tiêm, khỏi bịnh! Theo lời dạy của cổ nhân,”Dụng nhân như dụng mộc”, tôi sắp xếp người của tôi vào công việc phù hợp với họ; trên dưới đề huề, thương nhau. Những năm sau cùng, không khí sinh hoạt trong đơn vị tôi (Tiểu đoàn 82 BĐQ) là thế đấy! Tin Tam Quái trên Núi Lửa bị mất liên lạc làm cả ban tham mưu tiểu đoàn buồn rầu.

Sáng 10/3/75, bộ chỉ huy liên đoàn báo cho tôi biết tin địch pháo kích vào tiền cứ Liên đoàn 24 BĐQ ở Ban Mê Thuột. Tiền cứ này nằm sát trại Thiết-Giáp trên đường đi Bản-Don. Thiếu Tá Hồng, chỉ huy tiền cứ đã bị thương. Sau đó là tin chiến xa VC bắt đầu tấn công vào trung tâm thị xã. Tin tức đứt đoạn vì không có đài tiếp vận và tiền cứ liên đoàn đã mất liên lạc. Đêm đó đài BBC loan tin Ban Mê Thuột thất thủ. Tôi và cả ban tham mưu tiểu đoàn bàng hoàng, vì hậu cứ cũng như gia đình binh sĩ của tiểu đoàn tôi đều ở Ban Mê Thuột. Ngày 11/3/75 tôi nghe được tiếng Đại Tá Phạm duy Tất trên tần số. Ông Tất đang bay trên trời Ban Mê Thuột và gọi tôi. Tôi hỏi ông về địch tình, về phản ứng của Chuẩn Tướng Lê trung Tường. Đại Tá Tất buồn rầu trả lời,

-“Ông Tường không đủ sức ngăn chúng nó toa ơi! Bây giờ chỉ còn hy vọng thằng Dậu cố gắng cứu vãn tình thế. Không biết có được hay không.”

Trung Tá Lê quý Dậu là liên đoàn trưởng Liên đoàn 21 Biệt động Quân. Ông Dậu mới lên chỉ huy liên đoàn được hai, ba tháng, thay thế cho Trung Tá Lang (Lang Trọc) vừa giải ngũ. Tôi cố nài nỉ ông chỉ huy trưởng,

-“Trường-An cho phương tiện bốc tôi về Ban-Mê-Thuột đi! Trường-An ơi! Vợ con tôi ở đó! Vợ con lính của tôi ở đó!”

Trường-An là danh hiệu truyền tin của Đại Tá Phạm duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân Quân khu 2. Lúc đó tôi nghẹn lời, bên tôi người sĩ quan tiếp liệu tiểu đoàn, Trung úy Đăng mắt cũng đỏ hoe. Tôi tỉnh người khi nghe ông Tất hứa hẹn, “Rồi! Ta sẽ nói lại với Số 1 (Thiếu tướng Phú) để bốc Thái-Sơn về.” Thái-Sơn là tên riêng của tôi, tôi mang tên này từ khi còn phục vụ ở Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân, thời 1967-69.

Được lời như cởi tấm lòng. Tôi quyết định rút trung đội tiền đồn của Đại đội 4/82 trên đồi Bù-Row cách 3 cây số hướng bắc về. Tôi cũng gọi sĩ quan đại đội trưởng một đại đội của Tiểu đoàn 63 Biệt động Quân đang tăng cường cho tôi lên gặp tôi. Tôi dặn dò anh kỹ càng những điều phải làm để phòng thủ Ngã Ba Kiến-Đức thay cho Đại đội 1/82 BĐQ của Thiếu úy Nguyễn văn Học, nếu chúng tôi có trực thăng bốc đi. Tiếp đó tôi cho tiểu đoàn chuẩn bị hai ngày cơm vắt, vũ khí, đạn dược sẵn sàng. Sau khi lệnh chuẩn bị hành quân của tôi được thông báo tới mọi cấp trong đơn vị, tôi nghe tiếng bàn tán xôn xao trong các túp lều và bên giao thông hào. Niềm háo hức hân hoan lộ rõ trên những khuôn mặt sạm nắng. Những người lính gốc Rhadé, Jarai dưới quyền tôi đã lâu, nên qua nụ cười, ánh mắt của họ, tôi hiểu rằng lúc đó họ đang vui sướng vô cùng.

Suốt ngày 12/3/75, tôi không nghe tiếng Đại Tá Tất trên máy, nhưng tôi liên lạc được một phi công đang quan sát trên trời Ban Mê Thuột. Tôi nhờ anh ghi nhận và chuyển cho tôi những gì anh nhìn thấy dưới chân anh. Tôi mô tả con đường Hàm-Nghi cạnh nhà thờ Vinh-Sơn, là nơi gia đình tôi cư ngụ và khu hậu cứ Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân. Sau hồi lâu quan sát, anh cho tôi biết rằng cả hai nơi đều nằm trong màn khói đen mù mịt. Buồn quá, tôi ngồi trước cửa hầm, ôm cây đàn guitar. Tay tôi chỉ bấm một cung Mi Thứ; tôi lần mò một bài tình ca buồn. Nhớ lại lần đầu, sáu năm trước, tôi và người bạn cùng đơn vị đi đón em gái anh ta lúc học sinh Trung Học Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột tan trường. Sau đó mẹ tôi từ Hội An vào gặp bố mẹ cô ta. Mẹ tôi xin cô ta về làm dâu họ Vương. Bây giờ nàng đang bị kẹt trong vùng đạn lửa, một nách ba đứa con thơ, lại thêm bụng mang dạ chửa. Tôi ngồi thừ người trước cửa hầm trú ẩn của tiểu đoàn trưởng. Tôi không cảm thấy cái lạnh của sương đêm. Trời sáng lúc nào tôi không hay. Vừng dương bắt đầu le lói. Lại thêm một ngày. Bên tôi là những cây hoa móng tay. Mấy ngày rồi không ai tưới, hoa lá đã vàng vọt úa màu. Bên những cây hoa này, hai đứa con gái tôi đã đứng chụp hình. Con tôi cũng chỉ xấp xỉ cao cỡ những cây hoa đó. Sau Noël 1974, tôi đã đón vợ tôi và hai đứa con gái lớn lên tiền đồn này chơi vài ngày. Hai đứa bé suốt ngày chỉ quanh quẩn bên những cây hoa móng tay. Chợt những bông hoa móng tay trước mắt tôi như mờ dần đi. Một giọt nước mắt nóng rơi trên mu bàn tay. Đầu óc tôi phừng phừng. Hai bàn tay tôi xoắn vào nhau, giày vò lẫn nhau. Tôi muốn đập phá, la hét, kêu gào để trút bỏ niềm đau đớn, phẫn uất đang nung nấu tâm can. Nước mắt cứ tiếp tục lăn trên má, qua môi, xuống miệng. Tôi oán trách ông Trời. Tôi oán trách Đại Tá Tất. Tôi oán trách Tướng Tường. Tôi oán trách Trung Tá Dậu. Tôi tự oán trách tôi.

Chuẩn úy Lê văn Phước (ban 3) len lén đến bên tôi. Phước đưa cho tôi cái khăn bông ướt,

-“Bình tĩnh lại Thiếu Tá! Đài BBC nói Ban Mê Thuột thất thủ rồi! Đánh nhau nhanh như vậy chắc là ít người chết. Nhà hai bác ở xa khu quân sự, hi vọng chị và các cháu không hề hấn gì.”

Cái khăn ướt làm mặt tôi bớt nóng. Tôi đứng lên bước hững hờ xuống khu pháo binh cũ, hướng bắc của bộ chỉ huy tiểu đoàn. Từ đây tôi có thể nhìn thấy một vùng rừng rậm xanh rì trải dài về hướng chân trời. Xa lắm, nơi chân mây hướng đông bắc là Ban Mê Thuột, nơi đó có gia đình tôi, gia đình của những người lính Kinh, Thượng, Jarai, Rhadé, Bana dưới quyền tôi.

Hai ngày dài buồn thảm nối tiếp trôi qua, tôi không nghe được tin tức gì của Ban-Mê-Thuột. Chiều 15 tháng Ba dân chúng từ buôn Bù-Binh hướng nam, nối đuôi nhau đi về Ngã Ba Kiến-Đức. Gùi sau lưng, con trước ngực, họ từng đoàn lếch thếch qua mặt đồn tôi đóng, để về Nhơn-Cơ. Không rõ vì lý do gì, gần tối đoàn người dội ngược trở lại. Tôi cho đám dân tị nạn này tạm nghỉ qua đêm trong cái nhà tranh Câu Lạc Bộ của tiểu đoàn, sát chân đồi, bên lề đường.

bdq_loisuoiSáng sớm 16/3/75, trung đội tuần đường của Đại đội 1/TĐ 82 BĐQ vừa tới đầu khúc cua chữ “S” cách Kiến-Đức hơn 3 cây số thì đại liên 12,7 ly choang choác nổ dòn. Ông Thượng Sĩ Y Ngon Near bị phòng không bắn chết nơi đầu dốc. Trung đội tuần đường tháo chạy ngược về hướng Kiến- Đức. Từ giờ này đoạn tỉnh lộ Kiến-Đức, Nhơn-Cơ bị cắt. Xác ông tiểu đội trưởng Y Ngon Near bị bỏ rơi nằm chình ình giữa lộ. Ngay lúc đó pháo địch từ hướng tây bắc nã khoảng gần 100 viên đại bác 105 ly trên đồi Kiến-Đức. Lúc đạn địch rơi, tôi đang thăm khu dân tỵ nạn để hỏi han họ lý do tại sao họ không về Nhơn-Cơ chiều hôm trước. Bây giờ thì rõ ràng rồi: địch chặn đường! Lúc này Thiếu Tá Hoàng đình Mẫn, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81 BĐQ báo cáo rằng chiến xa địch đang từ hướng Phước Long tiến về Bù Binh, nơi ông đang đóng quân. Liên đoàn cho lệnh ông Mẫn rút về với tôi. Tối đó Tiểu đoàn 81/BĐQ được tôi chia cho phần nhiệm vụ phòng thủ mặt đông Ngã Ba Kiến-Đức, án ngữ hướng về Nhơn-Cơ. Đêm 16/3/75 Trung Tá liên đoàn trưởng ra lệnh cho Thiếu Tá Mẫn nỗ lực vượt qua nút chặn của Cộng Quân để về phòng thủ quận Nhơn-Cơ.

Suốt ngày 17/3/75, đạn 12,7 ly nổ rền trời nơi khúc quanh có xác Thượng Sĩ Ngon. Tiểu đoàn 81 BĐQ không tiến được bước nào. Đêm xuống, con cáo già khóa 2 Đồng-Đế, Hoàng đình Mẫn cho đơn vị chui lòn trong rừng, đánh một vòng rộng về hướng nam, xa hẳn vùng Việt-Cộng đóng chốt để tìm đường vào phi trường Nhơn-Cơ. Ông Mẫn đã khôn khéo tránh né đụng độ, và đã hoàn thành nhiệm vụ bắt tay được Thiếu Tá Khánh, quận trưởng Kiến-Đức ở căn cứ Nhơn-Cơ buổi sáng ngày hôm sau.

Mờ sáng 18/3/75, súng cối 82 ly của địch từ hướng tây lại tái pháo kích vào BCH TĐ 82 BĐQ. Từ tuần lễ nay, đồi Bù Row bỏ ngỏ. Địch đã quay lại chiếm lĩnh cao điểm này. Từ đây, DKZ 75 của chúng liên tục đánh phá khu trung tâm đồi chỉ huy của tiểu đoàn. Thêm vào đó, đạn đại bác 105 ly từ đằng xa phía bắc, nã không ngừng trên nửa ngọn đồi hướng bắc, nơi những ụ súng pháo binh đã bỏ hoang từ khi pháo đội 105 ly của SĐ 23 BB rút đi. Tôi phải bỏ cái hầm chỉ huy đã sập, rồi tụt xuống ngã ba Quốc lộ 14. Tôi dùng một cái hầm nhỏ của Đại đội 1/82 bên đường làm hầm chỉ huy. Tôi không cho lệnh phản pháo tức thời như vẫn làm thường lệ khi bị địch pháo kích. Tôi cùng toán hộ tống chạy thẳng lên đỉnh ngọn đồi hướng tây do Đại đội 2/82 trấn giữ. Từ đây tôi có thể chấm chính xác 3 vị trí cối 82 ly và nơi phụt khói 75 ly của địch. Tôi cho trung đội Pháo binh Biên-Phòng đang ở với tôi và Pháo binh Diện Địa Nhơn Cơ mười phút để lột vỏ 400 quả đạn và chuẩn bị yếu tố tác xạ trên bốn vị trí tôi đã chấm. Đại đội 2/82 được lệnh di chuyển tiến đánh hai khẩu cối 82 ly đặt gần, ngay sau lưng một ngọn đồi trọc hướng tây. Đại đội 2/82 đang thiếu đại đội trưởng. Sau Tết Âm Lịch vài ngày, Trung úy Danh (k24 VB) bị sốt rét đi nằm nhà thương nên Đại đội 2/82 tạm thời do Chuẩn úy Gấm cầm đầu. Trung úy Đăng xin tôi cho anh chỉ huy Đại đội 2/82 trong lần ra quân này.Tôi ái ngại,

-“Chú nghĩ sao mà xin đi đánh cú này?”

-“Vợ con em ở hậu cứ. Hậu cứ mất rồi. Em còn gì đâu? Thiếu Tá cho em trở lại đại đội cho quên chuyện gia đình.” Đăng nghẹn ngào,

-“Ừ! Cậu đã muốn thế thì tôi cũng okay! Thôi đi đi!” Tôi tần ngần,

Tôi đứng trên đồi nhìn theo bóng dáng cao gầy của Đăng đang lẫn vào rặng cây xanh. Hồi 1969-70, khi tôi còn làm Ban 2 và Trinh Sát Liên đoàn 2 BĐQ thì Chuẩn úy Đăng là trung đội trưởng ở Tiểu đoàn 22 BĐQ dưới quyền một anh bạn cùng khóa của tôi. Khi tôi nhận chức Tiểu đoàn trưởng TĐ82 BĐQ thì Đăng đang là Trung úy đại đội trưởng của Tiểu đoàn 22 BĐQ. Khi đó anh có gặp và xin tôi nhận anh về làm việc với tôi. Tôi từ chối vì đơn vị tôi đã đủ sĩ quan đại đội trưởng. Sau đó Đăng bị thương; anh bị đứt một khúc ruột, chờ ra hội đồng y khoa để chuyển sang bộ binh, thương binh loại 2 yểm trợ. Đăng lại gặp tôi và tình nguyện làm sĩ quan tiếp liệu tiểu đoàn cho tôi để anh còn được tiếp tục ở lại phục vụ binh chủng Biệt Động Quân. Lần này tôi chấp thuận. Đăng xin xuất viện về làm việc dưới quyền tôi đã được gần một năm.

Khi cánh quân của Đại đội 2/82 báo cáo còn cách mục tiêu gần hai trăm mét thì tôi cho lệnh pháo binh khai hỏa. Đạn đi! Mỗi mục tiêu một trăm quả hỗn tạp. Và chỉ năm phút sau khi đạn rơi, tiếng M16 nổ rộ như pháo ran chêm vào là những tiếng M 79. Khói súng và bụi che mờ một nửa ngọn đồi. Thoáng chốc, hai khẩu cối 82 ly đã đổi chủ, từ trung đoàn E 271/T10 của QK6/CSBV sang Đại đội 2/TĐ 82 BĐQ. Tôi chợt nghe AK và đại liên nổ rền trong thung lũng. Tôi hỏi Đăng,

-“Ê! Delta! ngoài tiếng AK còn tiếng đại liên. Đại liên của cậu hay của địch vậy?”

-“Của tụi nó đó Thái Sơn! Em đâu có đem theo M 60!”

-“Delta đây Thái Sơn! Cuốn gói! Đừng về đường cũ! Hãy theo hướng ba ngàn hai trăm! Tôi với thằng An Bình đón cậu trên đường. Tôi lập lại! Ba ngàn hai trăm! Nghe rõ chưa?” Tôi cho lệnh Đại đội 2/82 rút lui,

-“Ba ngàn hai! Nhận 5!”

Nếu trở về đường cũ thì Đại đội 2/82 sẽ phải qua một cái thung lũng. Và hai khẩu đại liên địch không để cho họ dễ dàng rút về an toàn trên đoạn đường gần 2 cây số rừng lau. Đại liên địch cứ nổ dòn, đạn lửa đan chéo nhau trong thung lũng. Tôi nghĩ địch bắn hoảng bắn tiều chứ chúng chẳng rõ BĐQ đang ở chỗ nào. Tôi chấm vị trí hai khẩu đại liên địch và giao cho Đại Úy Ngũ văn Hoàn, Tiểu đoàn phó. Ông Hoàn và Thượng Sĩ Năng, trưởng khẩu 81 ly sẽ rót cối vào đầu chúng! Từ hướng bắc, đạn đại bác 105 ly địch lại rơi tới tấp trên đồi chỉ huy của tiểu đoàn. Với đại bác 105 ly thì vô phương! 105 ly của khối Cộng đã bắn dài hơn 105 ly của ta, mà súng của ta lại đặt sau hậu quân. Hai khẩu 155 ly của Sư đoàn 23 Bộ Binh tăng cường cho tôi đã bị tiểu khu đòi lại từ hai tuần lễ trước. Hiện thời, không súng nào của tôi với tới được vị trí súng của chúng. Thôi! Cứ để cho nó tác oai tác quái, chưa hề hấn gì!

Nửa giờ sau tôi và An Bình (Trung úy Trần văn Phước, ĐĐT/ĐĐ3/82) cùng một trung đội thuộc Đại đội 3/82 tiếp xúc được cánh quân đầu của Trung úy Đăng. Đại đội 2 đã hoàn tất nhiệm vụ mà không bị tổn thất nào. Thẩm quyền Delta là một trong những người đi đoạn hậu của Đại đội 2/82 . Tôi thấy Trung úy Đăng vừa thở, vừa cười hì hì khi leo lên mặt Quốc lộ 14. Vừa gặp mặt tôi Đăng đã oang oang,

-“Có ngay hai khẩu 82 cho Thái Sơn đây!”

Sau lưng Trung úy Đăng là hai anh lính Thượng đang hì hục vác 2 cái nòng 82 ly. Hai người lính Jarai hớn hở khoe,

-“Cái ông Thiếu Tá ơi! Tụi Việt Cộng này đánh dở lắm! Chưa chi đã bỏ súng mà chạy! Dở hơn mấy thằng đánh với mình ở Trà-Ku nhiều!”

-“Mấy hôm nữa tụi mình lại về Trà-Ku. Mấy chú có nhớ Trà-Ku không?” Tôi cười,

Người dân tộc Jarai gọi Pleiku là Trà-Ku. Tôi ở Pleiku lâu rồi, tuy không nói được tiếng Jarai nhưng nghe biết nhiều tiếng thường dùng của họ. Khi nhắc tới Trà-Ku, không ai cố ý khơi chuyện buồn. Nhưng bỗng nhiên thày trò chúng tôi cùng ngước nhìn nhau, rồi cùng nhìn về phương bắc, rưng rưng…

Hướng Nhơn-Cơ có chạm súng, vì ở cuối gió nên tôi nghe rõ tiếng đạn đại liên và đạn cối nổ đì đùng. Trên máy truyền tin có giọng Thiếu Tá Khánh, chi khu trưởng Nhơn-Cơ và Thiếu Tá Mẫn BĐQ gọi nhau. Thiếu Tá Mẫn báo cáo với bộ chỉ huy liên đoàn rằng Cộng Quân đang tấn công vào khu xưởng cưa cách quận Nhơn-Cơ hai trăm mét về hướng đông. Hai khẩu 105 ly Biên phòng của tôi phải trở ngược nòng về hướng đông, yểm trợ cho Thiếu Tá Mẫn suốt đêm. Sáng hôm sau có nhiều phi tuần A 37 đánh tiếp cận cho quận Nhơn-Cơ. Cuộc giao tranh có vẻ kéo dài cầm chừng cho tới trưa 19 tháng Ba.

Trong khi đó thì tình hình vùng tôi chịu trách nhiệm cũng có nhiều chỉ dấu đang biến chuyển. Nửa đêm về sáng chúng tôi thấy nhiều đốm lửa di động vùng nam Kiến-Đức, có cả tiếng động cơ. Những toán chống tank đã được gởi đi nằm phục trong rừng. Ở đây, tôi không ngán tank VC một chút nào, vì tôi đã trấn giữ cái đồn này gần nửa năm. Tôi đã nghiên cứu, thám sát và nắm chắc địa hình vùng này. Chỉ có hai hướng xe tank có thể áp sát đồn Kiến- Đức. Cả hai ngả đều có bãi mìn chống tank của tôi. Mỗi bãi chôn bốn mươi quả mìn đĩa. Mỗi quả mìn đĩa được kèm theo một đầu đạn 105 ly. Quan trọng nhất là việc bảo vệ bãi mìn. Bãi mìn không người bảo vệ coi như vứt đi, vô dụng. Kinh nghiệm trong quá khứ, tháng 8 năm 1973 khi nhảy toán Biên Vụ (Viễn Thám) vùng đông căn cứ Plei Djereng tôi đã thấy xe tank địch chạy phoong phoong trên bãi mìn của Quân đoàn 2 đặt gần Plei De Chi hướng tây Pleiku mà chẳng nghe mìn nổ. Công Binh Quân đoàn 2 đã bỏ công sức hàng tháng trời để thiết lập bãi mìn chống tank này. Vậy mà sau đó nó bị bỏ thí, không người canh gác. Công binh VC chỉ cần hai hàng bangalore là mở được một hành lang rộng cho tank đi qua. Ở Kiến-Đức, mỗi bãi mìn chống tank của tôi, khi hữu sự được bảo vệ bằng một đại đội BĐQ. Đại đội này không có nhiệm vụ đánh tank mà đánh những tên cán binh đi dò, dọn đường cho tank.

bdqmt001Sáng 20/3/75, Trung Tá liên đoàn trưởng ra lệnh cho tôi bứt cái chốt của VC trên tỉnh lộ 344 để link-up với một đại đội thuộc TĐ63/BĐQ của Thiếu Tá Trần đình Đàng. Đại đội này đang trấn giữ một ngọn đồi bên cái cống xi măng trên tỉnh lộ. Tôi thu Đại đội 4/82 của Thiếu úy Trần văn Thủy từ hướng bắc về hợp lực với đại đội của TĐ63/BĐQ tăng phái để giữ đồn Kiến-Đức. Tôi dặn dò Đại Úy Tiểu đoàn phó về sự quan trọng của hai bãi mìn chống tank. Bất cứ giá nào cũng phải giữ. Vì nếu tôi đang đánh nhau ở phía trước, mà bị tank địch tập kích từ đàng sau thì không tài nào trở tay. Đại Úy Hoàn chần chừ một lúc rồi gãi đầu xin tôi cho đi nhổ chốt,

-“Thái Sơn cho tôi đi khai thông con đường có được không?”

Quả thực, từ xưa tới nay (từ đại đội tới tiểu đoàn) tôi chưa bao giờ xử dụng người phụ tá của mình làm nỗ lực chính bao giờ. Nhiệm vụ của những ông phó cho tôi là yểm trợ cho tôi, và sẵn sàng thay thế tôi, nếu tôi nằm xuống. Đại Úy Ngũ văn Hoàn đã phục vụ dưới quyền tôi gần nửa năm. Ông chỉ thuần túy làm công việc yểm trợ chứ không bị tôi đưa lên tuyến đầu lần nào. Thấy tôi ngần ngừ, ông ta nài nỉ,

-“Giữ đồn nặng hơn bứt chốt. Thái Sơn cho tôi đi bứt chốt đi!”

Nghe ông nói có lý, tôi gọi hai đại đội trưởng trách nhiệm nhổ chốt là Trung úy Phước (ĐĐ3/82) và Trung úy Đăng (ĐĐ2/82) lên dặn dò, chỉ bảo họ đường đi, nước bước, cách đánh nào thích hợp nhứt trong tình huống này. Bộ chỉ huy nhẹ TĐ 82/ BĐQ của Hoàng Long (Đ/úy Hoàn) cùng hai đại đội tác chiến lên đường lúc 10 giờ sáng 20 tháng Ba.

Trong khi tôi đang theo dõi diễn tiến hành binh của Đại Úy Hoàn thì tổ báo động hướng Bù-Binh báo cáo có tiếng xe tank địch. Để tiện quan sát, tôi lại cùng toán hộ tống leo lên đỉnh đồi Tây, nơi Thiếu úy Trần văn Thủy (ĐĐT/ĐĐ4/82) trấn giữ thay cho Đại đội 2/82 đang đi nhổ chốt. Từ đỉnh đồi tôi có thể quan sát tới khúc quanh nơi cái cống sập cách Kiến-Đức gần hai cây số. Khẩu SKZ 57 ly của tiểu đoàn lúc nào cũng sẵn sàng trên đỉnh đồi Tây. Ống nhắm của khẩu súng đã điều chỉnh chính xác ngay cái cống sập. Nếu SKZ bắn hụt thì tổ chống tank núp sẵn trên triền đồi sẽ làm nhiệm vụ tiếp tay. Khi thằng Thọ (B2 Thọ nấu cơm) trao ly cà phê cho tôi vừa trở gót xuống đồi thì tiếng 12,7 ly nổ rền hướng Nhơn-Cơ. Lúc đó là giữa trưa. Máy truyền tin các cánh quân của Đại Úy tiểu đoàn phó gọi nhau cuống quýt. Tôi nghe Delta và An Bình báo cáo đang chạm địch nặng. Delta đang bị đại liên địch dồn xuống khe suối bên trái đường lộ. Delta yêu cầu An Bình giữ an ninh bên phải dùm anh ta để anh ta rút về con dốc đầu chữ “S”. Chuẩn úy Đức và trung đội đi đầu của Đại đội 2 đã bị thất lạc. Tôi không nghe tiếng Hoàng Long trên máy. Tôi vào máy hỏi Delta và An Bình sao không nghe Hoàng Long, thì hai anh đều không rõ ông Đại Úy TĐP ở chỗ nào. Tình hình có vẻ nghiêm trọng. Tôi giao cho Thiếu úy Thủy lo vụ chống tank rồi tụt xuống đồi.

—>Chương 2

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, 2.Một thời để nhớ, BĐQ Vương Mộng Long, Người Lính VNCH, Vương Mộng Long. Bookmark the permalink.

10 Responses to NGÀY TA BỎ NÚI (Vương Mộng Long – K20)

  1. Kim Thanh says:

    Cám ơn Thiếu Tá Vương mộng Long . Cháu rất kính phục và ngưỡng mộ Thiếu tá , ông là vị chỉ huy rất mưu lược , tài giỏi và khí phách , hết lòng vì binh lính , trách nhiệm danh dự tổ quốc . Cảm phục và tri ân những người lính Vnch .

    Like

  2. Thai Pham says:

    Tuyệt! Bài viết “ bốc lửa “ đúng với văn phong và khẩu khí của dân Cọp 3 đầu rằn hay 32 răng đều thế cả. Đọc nhiều chỗ Cọp chơi quá đẹp, khí thế phừng lên những muốn xỏ lại đôi giầy trận, khoác lại áo kaki mà quên đi cái thân bạc nhược vì tuổi tác của mình. Dẫu sao cũng cố tìm chai rượu, rót 1 ly mời gọi các Anh Linh Cọp đã nằm xuống chiến địa năm nào mà nghe lòng mình bâng khuâng nhớ về ngày tháng cũ

    Like

  3. lang tran says:

    Cám ơn ông Long, Ông đã tượng trưng cho “Tổ Quốc, Danh dự Trách nhiệm”, Ngày đó nếu Ông là tướng Nguyễn văn Phú thì cục diện chắc có thay đổi. Nhưng tất cả đều là vận nước, số trời. Trời xanh thật bất công để bao người dũng cảm ngã xuống, để lũ lươn lẹo lên ngôi .

    Cảm ơn Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cảm ơn thiếu tá.

    Like

  4. otajunya says:

    muu luoc , dung khi can truong cua si quan QLVNCH , VUONG MONG LONG la mau nguoi dien hinh , cung tat ca toan quan mien nam V-N , da bao ve TU DO cho mien nam . thanh that nguong mo va cam on tat ca nhung chien si VNCH da bao ve mien nam V-N que huong .

    Like

  5. Hai Pham says:

    Anh dung la mot nguoi chi huy vi dai, tiec thay anh da sinh ra lam the ki.cui dau bai phuc, nguong mo nguoi anh hung cua quan luc vnch.

    Like

  6. Nam Tran says:

    Cám ơn Thiếu Tá Vương Mộng Long . Cám ơn những người lính Việt Nam Cộng Hoà . Tôi đã trải qua những năm tháng tù đầy cùng với những người bạn cùng khoá của Niên Trưởng : Thiếu Tá Vũ Quý Ánh , Thiếu Tá Huỳnh Tấn Nghiệp …

    Like

  7. Chi D Tran says:

    Chuyện xảy ra đã hơn 40 năm rồi. Thế mà tôi “nín thở” theo dõi từng chữ, từng câu, từng đoạn…..theo chân lữ đoàn Biệt Động Quân “bỏ núi” thật bị thảm nhưng hùng tráng.

    Cảm ơn người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa và đặc biệt cảm ơn cựu Thiếu Tá Biệt Động Quân Vương Mộng Long đã kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện bi thương như thế này.

    Trần Đ. Chi

    Like

  8. Anh X Nguyen says:

    Cam on anh va cac dông dôi da chiên dâu cho dân quân VNCH; tho*i do` thiêu cac bâc anh hung nhu* anh, tho*i nay thiêu cac tiêng noi dê noi lên 2 chu*: CAM O*N cac anh, nhung vi anh hu`ng cua tho*i dê nhi. Công Hoà Miêm Nam Viêt Nam.

    Like

  9. Danny Nguyen says:

    Major VUONG MONG LONG is the best. We have another “MONG LONG”: VU MONG LONG (writer DUYEN ANH) is also the best. Read his “MO LAM NGUOI QUANG TRUNG”

    Like

  10. Tuyen Nguyen says:

    Cam on bai viet cua Thieu Ta Vuong Mong Long. Cam on nhung nguoi linh VHCH da chien dau de bao ve que huong.

    Like

Ý kiến - Trả lời