VÙNG LẦY NƯỚC MẮT (Trần Nhật Kim)

image001
Bìa:
Họa phẩm : Ngóng Trông
Họa sĩ : Nguyễn Cao Nguyên
Trình bày : Trần Nhật Minh
Copyright @ 2000 by Tran Nhat Kim

* Để kính dâng hương hồn Mẹ tôi.
 
*Tặng Thu,
Người vợ đã vạn nẻo tìm chồng.
 
* Để kính tặng các bà mẹ,
những người vợ
đã một thời yêu thương
và những năm tháng tủi hờn

Xin chân thành cảm tạ quý thân hữu
đã cho phép tôi ghi lại câu truyện và được giữ tên thật của quý vị

o O o

Tựa

Cách đây hơn một năm anh Trần-Nhật-Kim đã ra mắt tác phẩm “Cuộc chiến chưa tàn”, mô tả lại những bước đường gian truân trong cuộc đời cải tạo. Năm nay tác giả lại trình diện tác phẩm thứ hai “Vùng lầy nước mắt” để tiếp nối văn phẩm thứ nhất về một vài khía cạnh cần bổ túc. Sự tách rời một thể chuyện thành hai pho sách nằm trong dụng ý của tác giả nhằm xây dựng cho mỗi tác phẩm một sắc thái riêng biệt, thích hợp với bản chất của những nhân vật giới thiệu trong nội dung câu chuyện. Anh Trần-Nhật-Kim muốn “Cuộc chiến chưa tàn” phải bao hàm một ý tưởng chủ động và một tinh thần bất khuất trước nghịch cảnh, vì đây là áng văn nói lên dũng khí của những con người không chịu khuất phục trước bạo quyền. Trong “Vùng lầy nước mắt”, trái lại, tác giả chỉ muốn đó là một sự than thở ngậm ngùi có tác dụng gợi lên tối đa thương cảm trong tâm tư người đọc.

Anh Trần-Nhật-Kim hoàn thành tác phẩm thứ hai để “kính dâng hương hồn Mẹ”, để tặng Thu “người vợ đã vạn nẻo tìm chồng” và để kính tặng các bà mẹ cũng như những người vợ Việt Nam khác đã có “một thời thương yêu và những năm tháng tủi hờn”. Trong cuốn tự truyện này vì viết thay cho vợ nên anh đã xử dụng một văn phong mượt mà óng ả. Từ dòng đầu đến dòng cuối, độc giả sẽ chỉ thấy toàn là những phản ứng chịu đựng, những sự cam phận trước bạo lực, những oan ức tạo thương cảm ngập trời và bất bình cùng cực. Suối văn của anh tuy giản dị, độ lượng, tha thứ nhưng lúc nào cũng mang một tinh thần sắc bén và nghiêm túc.

Ðọc “Vùng lầy nước mắt” độc giả sẽ sống lại những biến động kinh hoàng trong xã hội miền Nam sau ngày 30 tháng Tư đen tối. Từ lúc gót chân người cộng sản đặt xuống phần đất này của tổ quốc, mọi việc đã hoàn toàn đảo lộn và nhanh chóng đổi thay theo chiều hướng đi xuống chứ không đi lên như nhiều người đã một thời kỳ vọng. Dù không phải là cuộc tắm máu như một số báo chí Tây Phương suy luận và trù liệu, nhưng bàn tay tội ác của cộng sản đã để lại một hậu quả vô cùng trầm trọng mà thời gian sẽ không thể nào gột rửa. Tất cả những biến động kinh hoàng đó đã được anh Trần-Nhật-Kim ghi lại một cách tương đối đầy đủ và diễn tả bằng một văn phong nhẹ nhàng nhưng vô cùng thấm thía.

Lần theo những trang sách của tác giả, những người không sống những ngày tăm tối sau 30 tháng Tư 1975 sẽ thấy hiện ra trong trí óc một cảnh tượng ghê hồn: đoàn quân xâm lăng nghèo đói của Hà Nội khi chiếm được vùng đất giầu có miền Nam, đã tổ chức ngay một cuộc ăn cuớp đại quy mô. Một cuộc ăn cướp tàn nhẫn, vô nhân đạo mà nạn nhân là nửa phần dân tộc. Chế độ cộng sản đã cướp đi của người dân miền Nam không chỉ của cải mà còn cả vợ con họ, không chỉ tín ngưỡng, tư tuởng và tình cảm mà còn cả tự do là thứ tài sản mà họ trân quý nhất.

Ðể âm mưu cướp của giết người này có thể thực hiện xuông sẻ, Hà Nội đã tiến hành một thủ thuật lừa đảo để lùa tất cả những người được chế độ gán cho danh hiệu ngụy quân, ngụy quyền vào các trại tù “cải tạo” mà không đếm xỉa gì đến hậu quả tai hại của việc làm thất nhân tâm này.

Hậu quả trước mắt là cả triệu người miền Nam đã bỏ nước ra đi. Họ liều chết vượt đại dương trên những con thuyền mong manh nhỏ bé để khỏi phải sống với những con người gian trá, những con người đã mất hết tính người. Trên bước đường phiêu lưu mạo hiểm hàng trăm ngàn người đã chui vào bụng cá hoặc làm mồi cho hải tặc. Không những bản thân ho bịï thiệt thòi vì không bao giờ được cập bến tự do, mà cái chết của họ còn để lại trong tâm hồn những thân nhân sống sót một vết thương không bao giờ hàn gắn. Tổ quốc tuy đã được thống nhất về mặt lãnh thổ, nhưng nhát chém chia cắt dân tộc vẫn còn di lụy đến ngày nay.

Hậu quả thứ hai là không biết bao nhiêu người của chế độ VNCH đã bị chết oan uổng và gia đình họ đã bị tan nát bởi cái chính sách “cải tạo” thâm độc của Hà Nội. Cũng may đạo lý và truyền thống cao đẹp của dân tộc đã trang bị cho một số lớn phụ nữ Việt Nam sức chịu đựng và lòng hy sinh dũng cảm để cứu nguy chồng con trong cảnh bị đọa đầy cơ cực. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi lại đức hy sinh cao đẹp này như một nét son và một sự hãnh diện cho giống nòi.

“Vùng lầy nước mắt” là một bản cáo trạng lên án sự tàn ác của chế độ cộng sản hiện nay, một bản cáo trạng được viết lên để đọc trước tòa án của lương tâm nhân loại. Trong bản cáo trạng này phần luận tội không phải là những đoạn văn hằn học, lên án khắt khe, mà là một áng văn chương hiền hòa nhưng vô cùng thấm thía. Ðó là nội dung của tác phẩm và nét đặc biệt của văn phong Trần-Nhật-Kim mà chúng tôi bàn đến trong lời tựa để giới thiệu “Vùng lầy nước mắt” cùng độc giả bốn phương.

Nguyễn-Cao-Quyền
Ngày 10 tháng 9 năm 1999

o O o

Lời Bạt

Tôi đã đọc xong bản thảo tác phẩm “Vùng lầy nước mắt” của anh. Hôm nay tôi xin được nêu ra một vài nhận xét về công trình văn học mà anh đã mất nhiều tâm huyết tạo dựng.

Nhận xét chung, nội dung tác phẩm của anh rất xác thực, đáp ứng nhu cầu hiểu biết những gì xẩy ra cho những người đàn bà có chồng con đi “học tập cải tạo”. Họ là những phụ nữ đã nhẫn nhục chịu đựng, nuốt trọn nỗi đau thương và niềm tủi nhục để cố gắng vươn lên, làm tròn bổn phận làm mẹ và làm vợ. Trước bao nhiêu phồn hoa cám dỗ và quyền uy đe dọa người đức phụ trong truyền thống Việt-nam vẫn đứng vững, không gì lay chuyển nổi. Họ chỉ khóc cho số phận hẩm hiu, cho tương lai đen tối. Những dòng huyết lệ đó đã chảy từng ngày, từng tháng, từng năm, chảy mãi và đọng lại thành “Vùng lầy nước mắt”.

Ðiểm đặc biệt trong tác phẩm của anh là đã nói lên sự hy sinh cao cả của những người mẹ, người vợ Việt-nam trong giai đoạn đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Một điều ít có dịp được đề cập tới từ trước đến nay.

Truyện của anh là một diễn tiến liên tục những thảm cảnh và những nỗi đau khổ âm thầm của người phụ nữ sau ngày 30 tháng 4 đen tối. Nhiều đoạn làm cho người đọc xúc động và rưng rưng nước mắt, xót thương cho một kiếp người.

Từ trang đầu tới trang cuối, anh viết với một văn cách giản dị, trong sáng, không tìm những cấu trúc cầu kỳ. Ðó là ưu điểm dễ gây cảm tình với độc giả.

Hà-Bỉnh-Trung
Springfield, Mùa Ðông 1999

—> 1

This entry was posted in **Chuyện Tù, 1.Hồi-ký - Bút-ký, Trần Nhật Kim and tagged , , , , . Bookmark the permalink.

6 Responses to VÙNG LẦY NƯỚC MẮT (Trần Nhật Kim)

  1. NguySaigon says:

    Tỷ Tỷ,

    Kể chị nghe chuyện ngày xưa . Gần hai năm sau ngày mất nước , Mẹ em mới được VC cho đến thăm em . Mới gặp em , Chưa kịp chào hỏi ôm Mẹ như ngày xưa mỗi khi về phép .Mẹ em khóc quá trời . Khóc hết biết , nước mắt ở đâu mà nhiều lắm . Em nhẹ nhàng nói: “Mẹ, con xin Mẹ đừng khóc trước mặt kẻ thù của con . Mẹ em ngưng khóc nhưng khuôn mặt đầy vẻ đau khổ vì biết rằng thằng con mình sẽ không bao giờ “tiến bộ” Có nghĩa là … Ngày về xa tít mù khơi . … Không biết những giọt nước mắt năm xưa của Mẹ em có phải là “Vùng Lầy Nước Mắt ” không

    PS: Có ông Nguyễn Ngọc Tùng , SQ tùy viên của Tướng Nguyễn Văn Minh đã xỏ xiên bài viết SNOUL, Trận Chiến Hào Hùng của LD3KB/LLXKQDIII nhằm đổ tội cho Tướng Khôi chậm trể đi cứu viện CD8BB ở Snoul mà em đã viết lật tẩy Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh đệ tử của Tướng Minh . Em đã viết được nửa bài để chỉ cho bọn đệ tử Tướng Minh thấy được sự dốt nát, bần tiện của họ khi viết bài đả kích Tướng Khôi, một danh tướng Thiết Giáp đã ở lại để cùng chia khổ với các kỵ binh LD3KB . Chữ nghĩa sẵn trong đầu chỉ có gỏ thôi mà cũng chưa được .

    Nguyễn Vĩnh Long Hồ là cây viết có nét lắm . Em đã từng say mê tác phẩm ” Mê Kông Sóng Cuộn Phù Sa ” Làm sao mà chị có để đưa lên trang BVCV ?
    Chúc chị mạnh khỏe

    Like

    • Lê Thy says:

      Nguyễn Vĩnh Long Hồ là cây viết có nét lắm . Em đã từng say mê tác phẩm ” Mê Kông Sóng Cuộn Phù Sa ” Làm sao mà chị có để đưa lên trang BVCV ?

      Qua BVCV, chị quen được nhóm “cựu sinh viên nội trú Đại Hộc Máu Thanh Cẩm ” trong đó có anh NVLH, anh Trần Nhật Kim. Tất cả những bài chị đăng ở đây đều do các tác giả gửi cho chị.

      Lúc này mắt của chị không thể đọc chữ trên computer được nên phải nhờ đến mấy đứa con và các thân hữu ở gần đọc mail, trả lời mail dùm cũng như post bài trên BVCV. Ngoài việc đó, sức khoẻ chị vẫn OK, vẫn còn dư sức để chống Cộng và nhất là diệt bọn đi chân 10giờ10.

      Thân,
      Chị

      Like

  2. Lê Thy says:

    Lê Thy xin gửi đến bạn đọc bài nói chuyện của LM Nguyễn Hữu Lễ giới thiệu tác phẩm: VÙNG LẦY NƯỚC MẮT trong buổi ra mắt sách này tại Washington DC (Virginia) năm 2000.
    Đây là bàì nói chuyện không soạn trước . Anh Trần Nhật Kim thâu lại để làm kỷ niệm.
    LM. Nguyễn Hữu Lễ – tác giả hồi kýTÔI PHẢI SỐNG – cũng là cựu tù tại trại “khổ sai” Thanh Cẩm (Thanh Hoá) cùng với các anh Trần Nhật Kim và Nguyễn Vĩnh Long Hồ.

    Kính thưa quý vị,

    Hôm nay tôi hân hạnh được lên đây, trước hết là để kính chào quý vị và các bạn. Nhất là quý vị nào tôi chưa quen biết, để tôi được ra mắt như một người khách, một người em, để chúng ta cùng chung với nhau trong một vài phạm vi.

    Ðặc biệt nhất tôi được vinh dự lên đây để nói về một tác phẩm, tuy hình thức trình bầy nó nhỏ, số trang hạn chế nhưng đề tài gói ghém nội dung thật vô tận. Tôi muốn nói lên sự suy nghĩ của tôi khi anh Trần-Nhật-Kim đặt bút viết tác phẩm Vùng Lầy Nước Mắt.

    Trước khi đi vào đề tài mà ban tổ chức có yêu cầu tôi nói về tác giả, tôi xin kể lại một câu chuyện, và đó cũng là một tiền đề để tôi chia sẻ với anh Kim về tác phẩm này. Những ngày đầu tháng 5/1975, khi đó tôi là Cha Phó nhà thờ chính tòa vĩnh Long, tôi đã có một kinh nghiệm và kinh nghiệm đó đã ghi dấu mãi trong tâm tư của tôi, như những giòng chữ đầu tiên của tác phẩm mà anh Kim gửi đến tay quý vị. Một buổi xế trưa tôi đi xe Honda đến thăm một người bạn là một giáo dân của tôi, đó là Trung Tá Phan-Ngọc-Nhuận, làm việc tại tòa Hành Chánh tỉnh Vĩnh Long. Khi đó không có điện thoại như bây giờ, nên thường đến thăm bất ngờ. Tôi bước vào cửa, một hình ảnh làm tôi ghi nhớ mãi, tôi nhìn thấy chị Nhuận ngồi bên chiếc bàn nhỏ, trên tay cầm lưỡi dao lam đang cắt đi những chiếc “hoa mai” thêu trên cổ áo của chồng nước mắt chảy xuống. Hình ảnh này thấy quen thuộc, như của nhiếp ảnh gia Nguyễn-ngọc-Hạnh trong một tác phẩm mà tôi không nhớ tên, diễn tả một cô gái cầm tấm thẻ bài của chồng trong khi nước mắt nhỏ xuống. Và có lẽ đó là những giọt nước mắt đầu tiên mà chúng ta tìm thấy trong tác phẩm VLNM cuả anh TNK. Hình ảnh đó mới chỉ là một trang mở đầu của biết bao nhiêu nước mắt của người đàn bà Việt-Nam đã chẩy ra suốt trong giòng lịch sử. Tất cả những cái đó làm thành một suy nghĩ khiến anh TNK hoàn thành tác phẩm này.

    Tôi biết anh Trần-Nhật-Kim từ ngày 9/2/1977, khi nhóm anh em chúng tôi chuyển lên trại Gia Rai tức ngã ba Ông Ðồn (Long Khánh). Một thời gian sau, cuộc đời đưa đẩy, ngày 17/4/1977 chúng tôi được đưa xuống tầu Sông Hương ra Bắc. Sau đó chúng tôi tới trại Nam Hà, và đúng đêm Giáng sinh năm 1977, tôi cùng với 19 anh em khác còng tay bước ra khỏi trại trong đêm. Trong số gần 1200 tù nhân trong trại, 20 anh em chúng tôi lên một chiếc xe đặc biệt chở lên một trại mà chúng tôi gọi là trại Cổng Trời. Ðến nay chưa có ai có thể diễn tả hết được những nét đặc biệt về trại Cổng Trời. Tôi đã thử nhiều lần ngồi xuống muốn viết lại, mặc dầu tôi không phải là một văn sĩ. Nhưng tôi viết rồi lại xé, xé rồi lại viết, vì khi viết xong tôi mới thấy mình chưa viết được một cái gì về trại Cổng trời cả.

    Thưa quý vị và các bạn, từ đêm Giáng sinh 1977 đến nay đã 20 năm rồi, tôi vẫn chưa viết được những điều đó, mặc dầu nó luôn ấp ủ trong lòng tôi. Cho nên anh Kim à, tôi đọc tác phẩm của anh hôm nay, tôi biết anh viết cũng chưa trọn vẹn hết những gì mà anh em mình chia xẻ với nhau. Xin lỗi anh Kim, người ta thường nói “văn ta vợ người”. Văn của mình thì lúc nào mình cũng khen nó hay mà vợ của người lúc nào cũng thấy đẹp. Ở đây cũng mở ngoặc để kể một chuyện vui. Tôi thì không thấy đúng lắm, nhưng ít nhất còn một người, đó là nhà đại tư tưởng cổ Hy Lạp, nhà hiền triết Socrate. Ông yêu vợ đến độ xem vợ ông là người đẹp nhất trên thế gian này. Một ngày nọ ông nói với vợ, vợ ông chột một mắt, là ông thấy thương hại những người đàn bà khác vì họ dư một con mắt. Và nếu câu trên này đúng, thì trừ ra một người là ông Socrate.

    Bây giờ tôi xin trở lại đề tài. Anh Kim à, Anh em mình đã gặp nhau lâu, đã chia xẻ rất nhiều từ ngày ở trại Gia-Rai Xuân Lộc rồi đến trại Nam-Hà và nhất là những ngày anh em chúng ta chờ chết tại trại Cổng Trời. Chúng ta đã chứng kiến những giòng nước mắt của biết bao nhiêu người đàn bà trong cuộc chiến đó đã đổ ra vì chồng, vì con, vì cháu. Một ngày nọ anh bạn đọc cho tôi một lá thư, trong bức thư có viết: “Anh à, anh đừng lo gì cả. Ở nhà em và các con mọi chuyện rất là tốt đẹp, anh cứ yên tâm cải tạo”. Quý vị biết giọng văn đó là giọng văn gì. Ðoạn kết bức thư: “Hôm nay các con được vui, vì sau khi em làm mắm ruốc gửi cho anh, các con được ăn phần cháy dưới đáy nồi.” Chúa ơi! nước mắt tôi chẩy ra. Không thể tưởng tượng được, lối văn trên kia đã làm đau khổ bao nhiêu người. Cái câu chuyện đó nó là một chi tiết nhỏ của bao nhiêu câu chuyện khác, để VLNM từ từ dâng lên.

    Cá nhân tôi không có gia đình, nhưng tôi có mẹ già, có chị. Ngày tôi ra khỏi nhà để đi tù, sau này nghe nói lại, mẹ tôi mỗi ngày bắc ghế ngồi trước cửa đợi tôi về. Hai năm sau ngã ra chết. 11 năm sau tôi về đốt cây nhang trên mộ mẹ tôi. Vào một đêm tôi lén về thăm nhà, căn nhà tôi ngày xưa vách tôn bây giờ che bằng giấy dầu. Tôi hỏi chị tôi tại sao vậy. Vách tôn đã gỡ ra bán để lấy tiền nuôi tôi. Trong suốt mười mấy năm đó, chị ra Bắc thăm tôi một lần. Chị đã phải đi ngày, từ Vĩnh Long ra Saigon rồi ra Bắc, đến Thanh-Hóa và vào Thanh-Cẩm, để cuối cùng không được gặp mặt tôi.

    Những gì như vậy nó đã xẩy ra cho tôi, cho anh Kim, xẩy ra cho tất cả một thế hệ mà anh em chúng tôi gọi là “tù cải tạo”. Thưa quý vị, tôi xin nhấn mạnh đó là một nhà tù, và nếu chúng ta gọi đó là một nhà tù thì đây là một nhà tù ác độc hơn bao nhiêu nhà tù khác. Vì không những giam giữ chúng tôi mà còn giam giữ gia đình, vợ con, thân nhân của phần đông anh em chúng ta ở đây. Anh em chúng tôi đã gặp nhau vào những ngày đó. Tôi thấy Trần N Kim là một con người nghiêm nghị. Lần đầu tiên gặp anh Kim, khi đó anh cùng đi với anh Nguyễn-tiến-Ðạt và nguyễn-Tôn-Tính. Bởi vì chúng tôi chưa biết nhau, nhưng từ những cuộc sinh hoạt, chúng tôi trao đổi tâm tình. Tôi thấy anh Kim là người có chiều sâu rất lớn. Anh Kim tâm sự với tôi: “Cậu Bẩy à”, trong tù anh em thường gọi tôi là cậu Bẩy, một danh từ rất thân mật đối với tôi, “nếu chúng ta còn sống sót phải làm một cái gì, chứ không thể để chuyện này qua đi.” Và thực sự nói, chúng tôi đã nâng đỡ nhau mà sống trong cái thân thể này, con người này nhưng quan trọng hơn nữa là chúng tôi nâng đỡ nhau để sống còn trong tư tưởng của mình, trong cái chí hướng của mình, trong cái hoài bão của mình. Hiện nay, sau mười mấy năm trải qua những sóng gió đó, tôi rất vui mừng khi thấy anh T.N.Kim đã đưa ra những gì mà anh em mình đã chia xẻ.

    Năm ngoái tôi qua đây, anh có nhờ tôi viết cho anh một vài giòng về tác phẩm “Cuộc chiến chưa tàn”, trong đó tôi có viết: “Ðề tài về tù cải tạo và nhà giam CS thì đã có quá nhiều người nói tới rồi. Nó không còn là một đề tài để chúng ta đặt ra nữa. Nhưng đằng sau đề tài đó, tôi thấy anh đã khai thác đúng, cái cuộc chiến đó nó chưa tàn. Nếu chỉ nói đến nhà tù mà thôi, cùm kẹp mà thôi, đói rách mà thôi, khốn nạn mà thôi, thì chừng đó chúng ta thấy đủ. Nhưng đằng sau những cái đó nó là cái gì, là một tội rất lớn đối với dân tộc đã xuất hiện trong tác phẩm Cuộc Chiến Chưa Tàn (CCCT) của anh. Và hôm nay tôi tới đây để nói về con người T. N. Kim, nói chuyện về tác giả.

    Tôi may mắn không phải nói về tác phẩm, Bởi vì như tôi nói, thực ra anh Kim chưa diễn tả được hết những gì về tâm tình mà anh và tôi và tất cả những người trong cuộc là nạn nhân và chứng nhân đối với người thân yêu nhất của đời mình. Ðối với anh là chị Thu, đối với tôi là mẹ già của tôi, là chị của tôi và tất cả những người cùng quay cuồng trong cơn lốc của thời cuộc đó. Anh Kim, tôi nói điều nàu nếu quá đáng anh bỏ qua cho tôi, anh chưa diễn tả được hết những đau thương mặc dù anh cố gắng rất nhiều. Nhưng anh ơi, có những cái chúng ta không thể diễn tả được. Có những cái chúng ta chỉ cảm thấy mà đau, mà rơi lệ vì mình không thể viết ra được. Làm sao cò thể diễn tả được câu nói: “Bao năm chinh chiến ta xum họp, đến lúc thanh bình lại biệt ly”. Thử hỏi ai có thể diễn tả được câu nói đó. Thưa qúy vị thi sĩ có mặt tại đây, xin quý vị làm thơ diễn tả dùm tôi cái tâm trạng của một người lính chiến, những người suốt đời mình bảo vệ giang sơn đất nước. Rồi đến một ngày nào đó, người ta gọi là hòa bình thì cuộc đời chúng tôi tan nát tất cả. Vợ con, cha mẹ, chị em chúng tôi đưa nhau vào trong một cơn lốc, mà không biết cơn lốc đó sẽ đưa chúng tôi về đâu. Anh Kim à, chúng ta không thể diễn tả được. Tôi muốn nói đến những giọt nước mắt âm thầm của biết bao nhiêu người giờ này không còn có mặt trên mặt đất. Tôi muốn nói đến những giọt nước mắt của các bà mẹ nhìn đàn con lớn lên không biết tương lai chúng đi về đâu dưới hoàn cảnh chế độ như vậy.

    Thưa quý vị, anh Kim là người có tầm vóc suy nghĩ, đưa kinh nghiệm ra thành văn. Tôi biết anh Kim là người cùng với anh em, may mắn trong đó có tôi, quyết tâm đưa ra những gì trên mặt giấy đó bằng hành động trong cuộc đời này. Tôi đánh giá cao về anh T. N. Kim.

    Thưa anh Kim, có thể văn phong của anh không bằng những văn sĩ khác, có thể tác phẩm của anh không có nhiều trang giấy bằng những người viết văn đã lâu. Có thể bút pháp của anh không điêu luyện. Nhưng tôi tin rằng tâm tình mà anh ký gửi trong tác phẩm này là một đề tài lớn. Một đề tài đáng để cho tôi và những anh chị em đã đọc phải suy nghĩ. Bởi nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đây mà thôi, thì tác phẩm của TNK không có giá trị. Nhưng chúng ta nên biết rằng TNK là người đã đưa ra một đề tài để chúng ta phải đặt một câu hỏi với sự việc như vậy. Mỗi người VN chúng ta phải làm gì với đề tài CCCT, với đề tài VLNM. Ðó là những điểm tôi xin nhấn mạnh với qúy vị.

    Trước khi nhường lời cho quý vị khác, trong cuộc tao loạn đó, chúng ta là nhũng người đàn ông, những người chồng, những thanh niên bị nhốt trong các ngục tù đó. Giá mà ngược lại, các chị và các cô bị nhốt thay chúng ta thì tình trạng sẽ tệ hại hơn rất nhiều. Thứ nhất là vì lý do sức khỏe, các bà các chị, các cô sẽ không chịu đựng được như chúng tôi, và số người chết trong tù có lẽ sẽ cao hơn con số hiện tại. Thứ nhì có khi quý ông ở nha økhông thể lo lắng đủ được cho các con các cháu. Và cái công ơn đó tôi xin quý ông có mặt tại đây, nhất là quý ông đi cải tạo, ghi nhận đó là một công ơn rất lớn của các bà các chị đã thay the chúng ta để săn sóc đàn con đàn cháu. Còn một điều thứ ba, thỉnh thoảng chúng ta nghe đây đó, một vài người than phiền khi các ông đi cải tạo, đôi khi một vài phần tử rất là ít các bà vợ không chung thủy. Trường hợp đó có thể xẩy ra, nhưng nếu đặt ngược vấn đe, các ông ở nhà còn các bà đi cải tạo thì chừng đó ra sao. Xin quý ông trả lời chúng tôi. Tôi xin nhắc lại, đó là công ơn chúng ta phải mang đối với các bà mẹ, các bà vợ, các bà chị của anh em chúng ta trong thời gian chúng ta đi cải tạo.

    Anh Kim, tôi ước mong những ngày anh em chúng ta còn khỏe mạnh, còn đi lại được, anh hãy giữ vững tinh thần. Chúng ta đã toan tính, đã ước mơ và khi cuộc đời còn cho phép anh vững gối, anh còn cầm bút được xin anh hãy xử dụng khả năng đó để viết lên những tâm tình mà có thể tôi không viết ra được. Hôm nay tôi rất cám ơn anh đã cho tôi cơ hội lên đây, để qua tác phẩm của anh tôi cám ơn tất cả những người đàn bà Việt Nam trong giờ phút đau khổ đó của thời cuộc. Cá nhân tôi sống còn đến ngày hôm nay là nhờ mẹ tôi, chị tôi và nhờ sự lo lắng chung của tất cả các chị. Ðó là một cái ơn mà tôi ghi mãi trong lòng.

    Trước khi ngừng lời tôi xin gửi gấm một tâm tình. Xin quý vị và các bạn đừng đọc tác phẩm VLNM của TNK như là một câu chuyện kể lại một quãng đời của các bà mẹ, các người vợ. Quý vị hãy đọc tác phẩm VLNM như một thách thức. Trước hoàn cảnh đó chúng ta phải làm gì, và nếu chúng ta không làm gì cả thì có thể và gần như chắc là trong tương lai chúng ta sẽ có một Vùng lầy Nước Mắt khác.

    Xin kính chào quý vị.

    LM.Nguyễn-Hữu-Lễ

    Like

  3. Tuyen Nguyen says:

    Chuong 14 can chinh sua lai. Xe lua tau Thong Nhat khong co ghe Qui Nho*n. Chi co’ ghe ga Dieu Tri. Chay qua khoi Dieu Tri mot chut thi moi gap quoc lo^. 19 di huong An Khe va Pleiku. Mat du truyen viet co the hu* ca^’u. Nhung day la dia ly. Can phai sua chua cho no logic. Cam on

    Like

    • Trần Nhật Kim says:

      Rất cám ơn vị độc giả đã góp ý sửa sai.
      Tôi nhận có khuyết điểm khi viết tên ga Qui Nhớn thay vì Diêu Trì. (Thực ra khi viết tôi có xem trên bản đồ, nhưng mãi tới sau này tôi mới tìm trên Internet. Nhà tôi học ở Nha Trang từ nhỏ, sau này về Saigon và chúng tôi ở Pleiku nhiều năm. Tôi đã sống ở An Khê và thường ghé Qui Nhơn.)

      Xin chị Lê Thy giúp sửa trên bài viết, cám ơn chị. Chúc chị vui khỏe.
      Thân kính,
      Trần Nhật Kim

      Like

  4. Lê Thy says:

    Cám ơn anh Kim..đã cho tôi nhìn lại trại tù Thanh Cẩm để ngậm ngùi cho một thời làm thân cò lặn lội ở các viện “ĐẠI HỘC MÁU” từ Nam ra Bắc, làm ngọn rau răm* bị vùi dập trong cơn đại hồng thủy từ miền Bắc ùa ập vào Miền Nam thân yêu của chúng ta.
    * “Sóng (đỏ) đưa cây cải lên Ngàn
    Rau răm ở lại vô vàn đắng cay”!

    Like

Ý kiến - Trả lời