CUỘC CHIẾN CHƯA TÀN (Trần Nhật Kim) : Chương 10-18 (hết)

16.
CÁCH MẠNG THÀNH CÔNG

Qua ngày lễ đầu năm dương lịch đã thấy Tết Nguyên Ðán cận kề. Theo phong tục, dù ở hoàn cảnh nào, Tết vẫn là những ngày quan trọng. Ðối với mọi gia đình, nếu không thay thế vật dụng trong nhà bằng thứ mới, căn nhà ở cũng phải sơn quét sửa sang cho sạch sẽ.

Ðội 16 chưa có công tác nhất định, nên được phân thành từng nhóm tùy theo nhu cầu trại.

Kim, Hướng và anh Tsé được phân công quét vôi khu gia đình cán bộ. Một dẫy nhà lợp tranh tường gạch gồm 6 căn ở trên một nền đất cao, mỗi Căn có hai phòng. Trần nhà bằng cót đã cũ, có chỗ thõng xuống rời khỏi khung tre. Trong nhà chỉ có một ngọn đèn điện không đủ sáng vào ngày mưa gió. Qua những lỗ hổng trên trần, ánh sáng xuyên qua những lỗ nhỏ trên mái rọi xuống những vệt sáng dài. Mỗi gia đình ở một căn, bất kể con đông hay ít.

Vào giờ giải lao, Kim gặp một nữ cán bộ là sĩ quan công-an. Không hiểu anh Tsé nói gì mà cô rất vui, có lẽ vì là người đồng hương vùng Lai châu. Thấy cô ngồi nhặt một rổ hoa đu đủ đực, Kim hỏi:

-“Cô nấu món gì với hoa này?”

Anh Tsé nhanh nhẹn trả lời:

-“Ðây là món ăn đặc biệt của người Thái, thường xào với thịt lợn, vị rất ngọt và bùi.”

Nghe anh nói Kim cũng biết vậy vì chưa ăn bao giờ. Trước kia anh đã ăn món trái đu đủ xào thịt khi về làng Thạch-Lỗi thuộc tỉnh Hải-dương, lát đu đủ đã ửng vàng có vị ngọt dịu sau khi xào. Anh chưa ăn hoa, nên không biết vị nó ra sao.

Cô góp lời:

-“Xào với thịt lợn thì ngon hơn, nhưng bây giờ thịt đắt quá, nên chỉ xào với mỡ.”

Kim hỏi cô:

-“Chúng tôi ở trại đã lâu nên không rõ giá chợ bây giờ ra sao.”

Cô nhìn Kim bỗng nói:

-“Vào lúc chiến tranh giá thịt chỉ có 7.50$, mà bây giờ 1 ký thịt lợn lên tới 40$.”

-“Tôi nghe nói sinh hoạt xã hội đã dễ chịu hơn trước, nhiều thứ xuống giá. Nước nhà đã thống nhất nên việc vận chuyển thuận lợi hơn trước.”

-“Thực ra giá chợ đã tăng rất nhiều, mọi thứ đã lên giá so với trước ngày thống nhất.”

Chẳng phải một mình cô, mà cả nhân dân miền Bắc đều nghĩ như thế, họ ngỡ ngàng vì thấy nhiều thứ không giống như trước. Họ chỉ biết tin tức qua cơ quan truyền thông của nhà nước, và vẫn đinh ninh dân tộc Việt-Nam anh hùng, là giầu mạnh, là đỉnh cao trí tuệ của thế giới loài người. Cô đã từng uống nhiều viên thuốc thần diệu, ngọt lịm. Nhưng không hiểu sao bây giờ, cũng cùng một thứ thuốc mà cô cảm thấy đắng. Hay nó chỉ là viên thuốc bọc đường, mà chất ngọt đã tan nhanh, chỉ để lại vị cay đắng bên trong.

Cô đã hồ hởi phấn khởi đón nhận cái vinh quang của ngày đất nước thống nhất. Cô thố lộ gia đình cô cha truyền con nối mấy đời làm cách mạng, một lòng chống thực dân phong-kiến. Và đến đời cô, đã mấy chục năm đóng góp công sức cho Ðảng và nhà nước, chỉ mong có một đời sống yên vui, no đủ. Nhưng sự thật trái ngược, sau khi cách mạng thành công, khó có được một ngày vui. Cô ra khỏi vùng đất Lai-châu, quê hương thân yêu của cô, để được tới góc núi miền Bái-thượng.

Kim thông cảm với nỗi thất vọng của cô. Mường tượng cô đang cố nuốt viên thuốc đã tan đường, mà vị đắng làm nghẹn nơi cuống họng.

Thực ra nhà nước cũng biết đời sống dân chúng khó khăn. Nhưng làm sao được, đâu có thể nói thật, nói thẳng với dân. Nhà nước cũng có cái khó khăn, đang phải trả số nợ ngập đầu mà các nước đàn anh đã viện trợ để có phương tiện đánh chiếm miền Nam. Cả miền Bắc xúm vào cuộc chiến, nguồn nhân lực hùng hậu cả về phẩm lẫn lượng, thay vì dùng phát triển kinh-tế lại đem hủy diệt trên các chiến trường.

Rồi bộ đội giải ngũ tập thể, không đủ công ăn việc làm, ấy là chưa kể đến thương bệnh binh, nhà nước phải in cho nhiều tiền, dù chỉ là tấm giấy lộn. Vì vậy cũng ký thịt, cách nhau không bao lâu, giá tăng lên gấp mấy lần.

Kim, Hướng và bác Trần-duy-Ðôn trở lại khu gia đình cán bộ, quét vôi làm nền cho nhà cô Thủy. Anh chưa gặp vợ chồng người nữ cán bộ này bao giờ.

Như mọi lần Hướng và bác Ðôn phụ Kim quét vôi căn nhà ngoài trước. Từ lúc đến bắt đầu làm anh vẫn nghe tiếng trẻ nhỏ khóc trong buồng, Kim hỏi cô:

-“Sao cháu nhỏ khóc nhiều thế?”

-“Cháu bị nóng mấy bữa nay mà còn đi cầu nữa.”

Ðứa con gái mới một tuổi đang oằn oại trên tay mẹ. Anh có 5 đứa con nhỏ, tự tay anh săn sóc coi chừng chúng khi đau ốm, nên anh có chút kinh nghiệm. Nắm tay chân đứa nhỏ, hơi nóng lan nhanh sang tay anh. Nó đang lên cơn sốt cao.

-“Cô đưa cháu xuống trạm xá chưa?”

-“Tôi có đưa cháu tới, các anh chỉ có thuốc cảm thường mà không có thuốc đau bụng.”

-“Cô xem có phải cháu mọc răng không?”

-“Chắc không phải mọc răng, vì cháu hay rướn người lên và đi cầu mầu đen.”

Anh nuôi con nên biết, khi chúng mọc răng, tập nẫy tập bò thường đi cầu hoa cà hoa cải. Anh bảo cô Thủy:

-“Bây giờ sắp đến giờ nghỉ trưa, để tôi về trại hỏi anh em xem thuốc men thế nào, chiều đi làm tôi cho cô hay. Bây giờ cháu đang sốt cao, cô lấy chanh tươi cắt vài lát xoa vào người cháu để hạ cơn sốt.”

Anh thấy tội nghiệp đứa nhỏ, cơn nóng làm nó mềm nhũn. Anh yên tâm khi các con anh đau ốm vì có bác-sĩ trông nom, thuốc men đầy đủ, còn ở đây con người phải bó tay trước căn bệnh.

Kim về trại hỏi Dược-sì Diệm sau khi tả bệnh trạng đứa nhỏ, bác cho hay đứa nhỏ có triệu chứng nhiễm trùng đường ruột. – đây thiếu thuốc, nhưng có một cách có thể chữa được.

Vào giờ lao động buổi chiều, anh bảo cô lấy gạo rang vàng, đem đun nước cho đứa nhỏ uống. Khi còn ở ngoài Bắc, gia đình anh thường uống nước gạo rang thay trà vào muà hè. Nước gạo rang có bỏ thêm lát gừng tươi cho thơm. Cha anh thường nói nước gạo rang rất mát, nếu uống không quen dễ bị sôi bụng, do đó cần bỏ thêm miếng gừng cho đều hoà và tăng vị thơm ngon.

Ðứa nhỏ bớt khóc, dễ chịu dần. Qua ngày hôm sau các anh trở lại làm tiếp nền nhà, cô Thủy cho hay đêm qua con cô bớt quấy, cơn nóng cũng đã giảm nhiều. Anh lưu ý cô phải giữ vệ sinh khi cho đứa nhỏ ăn hay bú sữa. Thực ra khó mà giữ cho đúng, vì các trẻ nhỏ được giao cho nhà giữ trẻ khi cha mẹ chúng đi làm. Nhà giữ trẻ lại tăm tối, mất vệ sinh.

Chỉ còn ít ngày nữa là Tết, đội trưởng cử Kim, Hướng và Cảnh trở lại khu gia đình sửa nhà cho cô Tư, một sĩ quan công-an. Các căn nhà có tình trạng giống nhau, cần phải sửa toàn bộ. Khi đến nơi cô Tư nói:

-“Các anh sửa hộ tôi nền nhà, nhiều lỗ hổng quá, các cháu vấp ngã luôn.”

Kim nhìn nền nhà, không còn chỗ nào nguyên vẹn, bằng phẳng, lỗ chỗ như tổ ong. Không hiểu của cải dành dụm được bao nhiêu, nhưng khung cảnh trước mắt trông thật nghèo nàn. Căn ngoài dùng làm phòng khách chỉ kê một chiếc bàn và 4 ghế đẩu gỗ trơn, một giường khung gỗ kê sát vách ngăn với buồng trong. Anh không thấy bàn thờ tổ tiên. Căn phòng trong dùng làm phòng ngủ cũng không khá hơn. Anh hỏi cô Tư:

-“Cô muốn làm lại nền phòng ngoài hay cả phòng trong?”

-“Cận ngày Tết rồi, các anh sửa giúp cho phòng ngoài, còn căn trong ra ngoài ngày tôi tính sau. Xi-măng và cát để phía trước, tôi vào cơ quan một chút, các anh cần gì cho biết.”

-“Cô có ý định quét vôi trong nhà không?”

-“Tôi cũng muốn quét vôi trong nhà, nhưng cận ngày quá sợ làm không kịp.”

-Từ giờ đến Tết còn hơn một tuần. Cô xin vôi chúng tôi sẽ quét nhà cho sạch. Làm chỉ mất hai ngày, cô còn dư thì giờ sửa soạn Tết.”

Kim nói với hai bạn:

-“Nếu vá những lỗ hổng trên mặt nền vừa khó làm lại cực thân, mà chỗ vá chỉ vài ngày là bong ra.”

Hướng góp lời:

-“Anh tính sao?”

-“Tôi nghĩ để dễ làm và đỡ mệt công, chúng ta đập sơ mặt nền, rồi cán lên một lớp mỏng vài phân, như vậy sẽ nhanh hơn.”

Hướng cười phụ họa:

-“Anh là thợ chính, anh Cảnh là thợ phụ còn tôi chỉ là thợ vịn. Cách nào cũng tùy ý các anh.”

Sau khi quét hai nước vôi phần tường trong nhà, cán 3 phân hồ lên mặt nền cũ, rắc xi-măng bột đánh láng mặt nền. Anh nhặn cô Tư:

-“Cô giữ cho hai ngày. Tôi đã ngăn cửa ra vào giữa hai phòng, sợ các cháu nhẩy vào, nền còn ướt dễ in nốt chân.”

-“Chúng tôi sẽ đi cửa sau vài ngày.”

Cô mời mỗi người một ly trà xanh nóng hổi. Kim nhớ khi còn ở ngoài Bắc, người dân ngoại ô thành phố Hà-nội thường bán nước trà xanh nóng trong nồi ngoài phủ bao bố. Nước trà nóng bốc khói ánh lên một mầu xanh pha sắc vàng. Uống trà bằng bát sành trông thật nghèo nàn, nhưng sau này anh mới hiểu là chiếc bát dầy sẽ giữ cho trà nóng lâu, nhất là mùa đông tháng rét. Khi vào miền Nam gia đình anh đã quen uống trà xanh, vị trà ngọt dịu có pha một chút chát của nhựa lá. Uống lâu thành nghiền. Bẵng đi mấy năm không uống, vị trà thơm ngọt vô cùng.

Cô Tư hỏi Hướng, Cảnh rồi quay qua Kim:

-“Gia đình các anh đã tới thăm nuôi chưa?”

Kim trả lời:

-“Tôi có nhận quà gia đình gửi qua bưu điện. Các con tôi còn nhỏ nên nhà tôi khó đi xa. Trong ba chúng tôi, chỉ có anh Hướng gia-đình vừa tới thăm.”

-“Tôi thấy gia đình các anh ra thăm mang hàng trăm ký quà, ăn cả năm chưa hết. Khi khám quà tôi thấy đầy đủ mọi thứ.”

Hướng góp lời:

-“Chúng tôi thiếu dinh dưỡng đã lâu, không thể ăn dè được. Hơn nữa anh em chia nhau mỗi người một chút cho vui, vì vậy gói quà cả trăm ký chỉ được một hai tháng là cùng.”

Kim đồng ý với Hướng, cuộc đời tù cải-tạo “no nhất thời đói muôn thuở”. Nay ở mai đi, di chuyển bất thường, biết cách nào mà mang, mà giữ để ăn dè.

-“Nhìn thân nhân các anh tới thăm nuôi, tôi biết gia đình các anh rất khá giả, mặc dù các anh đã đi cải tạo mấy năm nay…” cô nhìn quanh căn nhà tiếp lời: “Nhà cửa của các anh trong Nam hẳn là khang trang đẹp đẽ, chẳng bù cho chúng tôi, nhà cửa nghèo nàn chật chội.”

Kim nhìn người nữ cán bộ trước mặt đang diễn tả thực trạng đời sống của mình, nét mặt chứng tỏ lời nói. Vì ở địa vị cô, là người đang có quyền, không cần phải nói một lời “xuống nước” trước mặt những người cải tạo. Nên khi nói ra, phải là lời thành thật, một nhận xét sau thời gian chung đụng với tù cải tạo miền Nam.

Kim trả lời cô:

-“Chúng ta ở hai hoàn cảnh đời sống khác nhau, nhưng có điều cần thiết là phải sống vui. Ngày Tết đã gần tới, cô hãy sửa soạn để vui xuân.”

-“Cám ơn các anh đã sửa nhà giùm tôi. Sau khi quét vôi và cán nền mới, căn phòng sáng sủa hẳn lên.”

Ðây là người cán bộ thứ hai anh gặp. Mặc dầu chưa bước chân vào miền nam, nhưng tự họ đã so sánh hai cảnh sống, và tìm ra sự thật về lời tuyên truyền của nhà nước mà họ từng học tập trước đây.

oOo

Sau mấy ngày mưa nặng hạt, khu gia đình cán bộ không căn nào là không dột. Nước mưa xuyên qua lỗ dột trên mái tranh khiến nền nhà ướt nhẹp. Ðội 16 cử một số anh em tới thay lớp tranh cũ…

Trời về chiều, bất chợt gió thổi mỗi lúc một thêm mạnh. Bầu trời đục mây như thấp hẳn xuống. Từng cụm mây đã chuyển thành mầu xám đậm đang ùn ùn kéo tới từ phương đông, hứa hẹn một trận mưa nặng hạt không xa.

Ðứng trên đòn vông, Kim nhìn suốt hai mái tranh, mỗi bên chỉ còn gần một thước nữa là tới nóc. Bình thường làm thong thả chỉ mất hơn một giờ là hoàn tất.

Bầu trời đã thẫm mầu hơn. Ánh sáng yếu ớt của buổi chiều như không xuyên qua nổi màn mây đục. Gió mang hơi lạnh tới sát một bên. Kim ngồi nghiêng người như muốn nấp sau chiếc nón lá để tránh làn gió lạnh chợt ào tới. Anh vội dơ tay giữ nón nhưng không kịp nữa, gió đã thổi chiếc nón vuột khỏi đầu, rơi xuống sân, trượt dài trên nền đất ướt.

Mưa bắt đầu nặng hạt, xối tới tấp xuống mái tranh, lạnh rát làn da hở ngoài lớp vải mỏng. Người anh ướt đẫm, hơi lạnh đã thấm sâu vào da. Gió thổi mạnh hơn, uốn cong những cành cây nhỏ, lá rũ nghiêng ngả như mái tóc dài sũng nước. Cảnh vật trong mưa thật ảm đạm.

Mọi người đã rời khỏi mái tranh để tránh cơn mưa lạnh. Kim đứng dưới mái tranh, lần vải ướt như dính chặt vào da. Nhìn vào trong nhà, gió đang lùa những hạt mưa xuyên qua phần hở trên nóc, khiến căn phòng ướt nhẹp. Ðám trẻ con đang chạy mưa, chúng ôm chăn chiếu áo quần nấp vào góc nhà dưới mái che. Tấm cót trần lâu ngày hư cũ, rách nát loang lổ không ngăn được những hạt mưa đang xối mạnh.

Kim và các bạn thấy đám trẻ chạy mưa mà tội nghiệp. Anh quay qua anh Trương Văn Tuyên (Đại úy, Ðà-lạt):

-“Nhìn đám trẻ chạy mưa lòng tôi thật ái ngại. Chúng như con cái mình đâu biết gì là hận thù. Ðêm nay nhà không có nóc, trong nhà như ngoài sân trống, tránh sao khỏi ốm đau. Anh tính sao, có làm nốt phần nóc không?”

-“Cái đó tùy anh. Nhìn đám trẻ ướt nhẹp mà thương. Anh thử hỏi các bạn xem sao.”

Kim quay qua hỏi các bạn đứng gần:

-“Các anh nghĩ sao, có định làm tiếp không?”

Hướng góp ý:

-“Anh định làm bao lâu thì xong. Cơn mưa này dai và nặng hạt, sợ mưa hết đêm nay chưa dứt. Ngồi lâu trên mái các anh có sợ lạnh không?”

-“Tôi đã nghĩ tới điều đó. Chúng ta không cần nhiều người lên mái, bẩy người là đủ và khi ai thấy lạnh thì xuống dưới ngay. Mỗi tấm tranh cần buộc hai lạt, ngày mai trời tạnh chúng ta sẽ làm lại. Bây giờ làm độ 30 phút thì xong.”

-“Chúng tôi đồng ý, vậy anh cắt đặt công việc đi.”

Kim nói với các bạn:

-“Anh em nào lên mái hãy vào bếp hút thuốc, uống nước và sưởi cho ấm. Còn các bạn khác ném tranh lên mái cho đủ lợp.”

Tranh được đưa lên mái xếp dọc theo đòn vông. Kim coi lại bó lạt. Anh chọn những bó dẻo mềm, hai đầu đã cắt nhọn dễ xâu qua tấm tranh mà khi buộc lại không gẫy.

Mọi người lên mái làm nốt phần nóc dở. Mưa vẫn nặng hạt, gió rít từng hồi thổi qua mép lá. Bầu trời tối hẳn lại…

oOo

Công tác lớn phải xử dụng cả đội vẫn chưa có, nên đội cử một số anh em chở gỗ cho cán bộ Tuy, nguyên là trung-úy phụ trách ban giáo dục.

Nghe hắn về hưu Kim ngạc nhiên, vì hắn còn trẻ quá. Nhà nước vẫn có thể xử dụng hắn như chiếc máy hát, nhái lại những bài đã thuộc lòng. Kim nhớ khi anh mới tới đây trại sinh-hoạt liên miên. Hàng tuần kéo nhau lên căn hội trường ở giữa sân trại nghe hắn giảng.

Chỉ có một bài thuyết trình nghe mãi từ Nam ra Bắc đâm ra nhàm chán. Người miền Nam vốn dễ tính, văn học lại không cầu kỳ, thành thử anh đã ngớ ngẩn trước những danh từ lạ tai. Những ngày mới vào tù, khi gọi đi “lấy cung” thì họ bảo là đi “làm việc.” Rồi danh từ đơn giản bị chê là nặng tính Hán học nên đổi thành “giản đơn” cho ra vẻ đại chúng. Vì ý-tưởng giản đơn nên những bài thuyết trình về “ba giòng thác cách mạng” đã khiến anh không thấu triệt nổi “đường lối xã-hội chủ nghiã.”

Thành thử, Kim và số đông các bạn luôn cố-gắng đi sau và ngồi phía dưới, với lý do chính đáng là ở trên không đủ chỗ ngồi. Dù căn hội trường không có tường bao quanh và mái tranh thật cao, anh vẫn cảm thấy thoáng khí hơn khi ngồi nơi bậc tam cấp cuối hội trường. Vì hội trường vừa rộng vừa dài, nên khi cán bộ Tuy giảng bài các anh đã không mấy quan tâm, cùng nhau chuyện gẫu. Do đó, trong suốt bao nhiêu năm “học tập cải tạo,” anh không có lấy một chữ vào đầu.

Thế rồi không lâu, các buổi sinh hoạt toàn trại lơi dần. Trước cách tuần sau cách tháng và ít lâu nay không thấy hắn xuất hiện ở hội trường. Cũng chẳng thấy cán bộ nào tới thay thế hầu giữ nhịp giảng dậy nội quy chính sách ở mức độ bình thường, một nhu cầu cấp thiết của các trại cải tạo.

Hay trại cho là anh em cải tạo đã thông suốt chính sách nhà nước nên không cần phải học tập. Cũng có thể vì căn hội trường quá tiêu điều, mái tranh tơi tả như cặp cánh gà chọi sau một trận đòn thê thảm, không có thể dùng làm nơi thực thi chính sách, phổ biến pháp quyền, để mọi người có thể lầm tưởng đó là biểu tượng uy quyền nhà nước.

Mặc dù ngoài mặt hắn có vẻ hiền lành, nhưng anh em khó có cảm tình với hắn. Vì hắn chót đại diện pháp quyền cho một nhà nước thu hẹp. Suy tụng chính sách ưu việt, về học-thuyết bách chiến bách thắng…là những thứ mà anh em cải tạo miền Nam căm thù tận xương tủy, nên ghét lây đến hắn.

Nghe tin hắn về hưu non, anh em cũng tội nghiệp cho hắn. Ðúng ra ở tuổi này, sau nhiều năm hắn sống chết với nghề, đã chín mùi, kinh nghiệm đầy mình, đòn ắt phải độc. Nhưng không hiểu sao hắn bị thất sủng, có phải vì nhà nước đã vắt hắn kiệt sức như trái chanh khô nước. Hay trong lòng hắn đã nẩy sinh một chút hoài nghi, nhiều điều thắc mắc sau khi chung đụng với anh em cải tạo miền Nam.

Cũng giống như lần một cán bộ trẻ bảo Kim: “các anh ra đây để chúng tôi cải tạo, nhưng thực ra, các anh đã cải tạo chúng tôi…” Người cán bộ trại Thanh-cẩm này đã nghĩ gì. Hay hắn đã có dịp so sánh, nhìn rõ mặt trái những thứ, mà hắn được giảng dậy, vẫn cho là khuôn vàng thước ngọc là kim chỉ nam cho xã hội loài người, tất cả chỉ là ảo tưởng.

Nhà nước đã buộc “mọi người cả nước phải có chung một ý nghĩ, phải làm cùng một hành động, phải nhìn cùng một hướng mà nhà nước đã chọn lựa.” Có như vậy mới thực thi đúng đường lối xã hội chủ nghĩa.

Hắn đã dại dột không nhìn cùng một phía như đã chỉ định. Hắn không còn chỗ bám víu, như kẻ hụt chân bên bờ vực thẳm, không còn chỗ cho tinh thần nương tựa. Vì vậy ý nghĩ và hành động có hơi lưng chừng, mà nhà nước cho là lạc hướng.

Nhưng dù sao hắn cũng hy sinh cả tuổi trẻ cho Ðảng, cũng đóng góp công sức để xây dựng xã-hội chủ-nghĩa thành công như ngày hôm nay. Hắn được hưởng một chút ân huệ, trại cho một ít gỗ rừng để hắn sửa lại căn nhà cũ đã xiêu vẹo.

Sau khi gỗ được xếp vào sau nhà, hắn mời anh em uống bát nước trà xanh. Hắn hỏi thăm gia đình anh em cải tạo, rồi bất chợt vì ngẫu hứng, vì lạc hướng hay đang mang niềm uất ức trong lòng, hắn nói:

-“Bây giờ tôi đã về hưu, trước đây nhận trách nhiệm giảng huấn, tôi phải nói theo chính sách…”

Kim ngạc nhiên trước câu hắn nói. Có thực hắn cần giãi bầy tâm sự với anh em cải tạo vào lúc này không. Anh thấy thương và cũng mừng cho hắn. Dù ở tuổi này đã muộn, nhưng ít nhất tâm hồn hắn còn được một chút yên ổn trong những tháng ngày còn lại.

Và một lần khác, một cán bộ trẻ coi đội thường hay hỏi về sinh hoạt đời sống Sài-gon ngày trước. Có lần hắn nói:

-“Có phải đời sống trong Nam trước đây bị bọn tư bản bóc lột, thị-trường cạnh tranh, gía cả lên xuống bất thường. Còn ngoài Bắc nhà nước quản lý nên gía rất vững.”

Anh đã bảo hắn:

-“Gía cả thị trường trong Nam có lên xuống, nhưng vì cạnh tranh, sản phẩm bán ra phải tốt và rẻ hơn. Như vậy người dân có quyền chọn lựa những thứ mình thích, và có lợi vì được hưởng phần gía rẻ và sản phẩm tốt hơn.”

Trong một lần khác hắn bảo anh:

-“Ngoài Bắc nhất trí từ trên xuống dưới. Quyết định của Ðảng và nhà nước đưa ra toàn dân một lòng thi hành.” Hắn hỏi anh trong Nam tổ chức chính quyền ra sao. Anh cho hắn hay sinh hoạt chính trị miền Nam chia làm ba quyền, với mục đích bảo vệ quyền tự do của người dân.

Sau một phút im lặng, hắn bỗng nói: “như vậy tổ chức chính quyền miền Nam tốt hơn.” Kim và các bạn ngạc nhiên về nhận xét của hắn. Một sự nhận xét không thể thành hình trong giây phút, mà phải trải qua nhiều suy tư trong cuộc sống. Hắn đã thấy rõ những bất công trong xã hội, và trong lòng lớp trẻ như hắn cũng muốn một sự đổi mới trong đời sống xã hội ngày càng đi xuống.

—> 17. Hồi tưởng

This entry was posted in **Chuyện Tù, 1.Hồi-ký - Bút-ký, Trần Nhật Kim and tagged , , . Bookmark the permalink.

2 Responses to CUỘC CHIẾN CHƯA TÀN (Trần Nhật Kim) : Chương 10-18 (hết)

  1. LÊ văn SONG ,Tuy phước BĐ Hội an QNam says:

    Người tù trở về từ địa ngục trần gian của CS mà viết lại như vầy thì anh có bẩm chất như PHAN NHẬT NAM,nhà văn tài hoa,,,tiếc rằng đây không phải là cuộc chiến mà là cuộc đấu tranh để tồn tại hầu về với gia đình vợ con…nhân tố gây nên thảm hoạ tháng 4/75 là bọn HOA KỲ gốc ISSRAEL âm mưu bán đứng miền nam VN và đồng góp phần phá nát QL VNCH là ngài tt NG.V.THIỆU

    Like

  2. gary nguyen says:

    Cam on anh da cho chung toi.., nhung nguoi tre.., sinh vien cua Viet Nam Cong Hoa may man ra khoi nuoc ti nan cong san nam 1975… thay nhung da man tan bao cua che do cong san doi voi nhung si quan cua quan luc VNCH mien Nam. Dau don thay o hai ngoai van con nhung tri thuc dau bac nhung ruot thi den xi van hoang tuong ca tung che do “cho de ” do va thieu so tu nhan cua cai che do..” ben thang cuoc “..bi giam cam day doa nhieu nam..the ma qua den My van tro ve VN nhieu lan huong thu va choi gai…, du do gai to..cung noi tot cho che do CS quy DO ..vi du nhu ten thieu ta Nhay Du ten la Cung Cu Dau o Bolsa….,Thang do la mot vet o nhuc cho quan luc VNCH.

    Like

Ý kiến - Trả lời