Bích Huyền-LỐI CŨ CHẲNG SAO QUÊN

Mùa xuân cho con

Buổi sáng nay, khi bước vào phòng, mẹ sững sờ cảm động. Con đã tới trường để lại trên bàn bông hoa hồng màu vàng, gói quà nho nhỏ, tấm thiệp chúc mừng. Tất cả đều nhỏ bé, xinh xắn như con gái yêu quí của mẹ. Một niềm vui lớn lao đến với mẹ trong ngày hôm nay. Những lời con ghi, mẹ rưng rưng nước mắt. Mẹ mừng vì con đã trưởng thành.

“Đây là lần sinh nhật đầu tiên của mẹ trên đất Mỹ. Thời gian nơi đây qua nhanh quá, mẹ nhỉ? Mới vừa đây, hai mẹ con mình bỡ ngỡ đến đất này. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn năm tháng rồi! Và hôm nay, ngày birthday của mẹ: 20-9! Con rất muốn mẹ có những hạnh phúc, vui vẻ trong ngày này. Con tâm sự với mẹ nhé: trong tất cả các ngày trong năm, con thích nhất là ngày birthday của con. Bởi vì thêm một tuổi con cảm thấy mình như lớn hơn, chững chạc hơn. Nhưng con lớn lên thì mẹ lại già đi. Đó là một định luật đã được định sẵn, mà đó là điều con không muốn vì con muốn mẹ ở mãi bên con, trong suốt cuộc đời…Nhân dịp sinh nhật mẹ, con cầu chúc mẹ luôn mạnh khỏe và trẻ, đẹp mãi mãi. Tất cả những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ yêu của con. Diễm Uyển.”

Hai mẹ con mình trên đất Mỹ. Một cuộc đổi đời. Những khó khăn rồi cũng sẽ qua đi. Lòng con yêu mẹ cùng sự cố gắng chăm chỉ học tập ở một ngôi trường hoàn toàn mới, làm mẹ thêm vững bước. Khó khăn, lo lắng, buồn phiền để một mình mẹ gánh chịu. Còn con, hãy vui tươi hồn nhiên bước tới con đường tương lai rộng thênh thang phía trước. Luôn luôn con là niềm tin yêu và hy vọng của cuộc đời mẹ.

Nơi đây xứ lạ quê người. Đất Mỹ rộng mênh mông. Đường đời muôn vạn nẻo. Lòng người cũng không biết thế nào? Xưa nay mẹ vốn là một người có rất nhiều nghị lực, vậy mà những ngày đầu tiên ở trên đất người, đôi lúc mẹ cảm thấy xuống tinh thần.

Rồi cũng như tất cả mọi dòng sông đều chảy, mẹ con mình sẽ quen dần với cuộc sống nơi đây. Những dòng tâm sự mẹ sắp nói, mẹ chỉ muốn trả lời câu hỏi của con: “Tại sao khi ở Việt Nam, mẹ không nói cho con nghe?”

o O o

Khi Sài gòn bị thất thủ, con chưa ra đời. Lúc đó thành phố vô cùng hỗn loạn. Người ta lo sợ, người ta kinh hoàng. Hình ảnh những cuộc đấu tố dã man của Cộng Sản 1954, hình ảnh mồ chôn người tập thể Tết Mậu Thân ở Huế, hình ảnh những trận mưa pháo kích vào nhà dân thành phố Sài gòn …còn in sâu trong lòng người dân miền Nam. Làm sao người ta không trốn chạy?

Bố con cùng Bộ chỉ huy từ Đà lạt di chuyển về Sài gòn với toàn bộ sinh viên trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị. Trong khi các cấp chỉ huy của nhiều đơn vị tìm đường tháo chạy, thì bố con cùng ông chỉ huy trưởng chạy tới chạy lui ở một đơn vị quân đội đầu đường Phan Đình Phùng để lo nơi ăn chốn ở cho các sinh viên. Cuối cùng khi tan hàng thì không còn đường nào đi được nữa. Tìm được một chiếc tàu, cả nhà kéo nhau lên chờ. Đúng lúc Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bọn cách mạng 30 nổ súng, phải quay trở lại.

Cộng sản kêu gọi Sĩ quan, binh lính, công nhân viên chức chế độ cũ tập trung học tập cải tạo rồi sẽ được trả quyền công dân sống bình thường như mọi người dân trong một nước Việt Nam hòa bình thống nhất. Viễn ảnh vẽ ra êm đềm, tươi đẹp quá! Mọi người nô nức kéo nhau đi học! Hạ sĩ quan ba ngày, cấp úy mười ngày, cấp tá một tháng. Những lớp học chính trị cho hạ sĩ quan diễn ra khắp tổ, phường, quận trong thành phố với bầu không khí tự do thoải mái. Mỗi người cầm một mảnh giấy chứng nhận của Ủy Ban Quân Quản, được là một người công dân mới, được làm việc với khả năng.

Cấp tá, cấp tướng được kêu gọi ghi danh học tập cải tạo đem theo đồ ăn trong một tháng và tập trung vào ngày 15 tháng 5 1975. cấp úy ngày 23 tháng 6, và đem theo đồ ăn mười ngày. Ai cũng hăng hái. Có người giải ngũ lâu rồi, muôn có quyền công dân cũng đã khăn gói lên đường.

Từ Nam chí Bắc, mọi người cùng tưởng rằng đất nước đã thống nhất, chính quyền cách mạng khoan hồng, xóa bỏ hận thù.

Tất cả đều lầm to. Họ nói nhưng chẳng thi hành. Món quà lừa bịp đầu tiên của Cách Mạng: Qua mười ngày, không có ai trở về. Một số vợ con cấp úy kéo đến trường Taberd, nơi trình diện học tập, bị xịt nước giải tán. Gia đình cách mạng, có người được cho vào trường gặp ban quân quản. Cán bộ tỉnh bơ trả lời: “Chúng tôi chỉ nói mang lương thực đủ mười ngày chứ chúng tôi có nói đi học tập mười ngày đâu?” Một sự đánh lừa về chữ tinh vi trong các công văn mà ngay cả cán bộ, đảng viên miền Bắc cũng không ngờ tới.

Cả nước bị mắc lừa. Hàng triệu gia đình ly tán. Người đi chẳng còn mong có một ngày về. Trong thời gian đó, mẹ cùng toàn thể giáo viên chế độ cũ phải theo học chính trị. Kết tội “đếquốc Mỹ”, lên án “ngụy quân ngụy quyền” Sài gòn. Cán bộ bắt viết bản thu hoạch có nghĩa là nhận thức về bài học và bắt nhận tội. Giáo viên ngơ ngác không biết mình tội tình gì? Cán bộ vạch ra: nào là trực tiếp tuyên truyền cho nền giáo dục nô dịch,ngoại lai. Nào là gieo rắc vào tâm hồn của lứa tuổi thanh niên lòng yêu nước, đi lính cầm súng bắn lại cách mạng. Nào là dạy những bài học xuyên tạc lịch sử ca tụng Gia Long, Phan Thanh Giản… Nào là dạy những bài văn ca ngợi đất nước Hoa Kỳ…

Viết bài thu hoạch xong, từng người phải đọc bài của mình. Có nhiều người vừa đọc vừa khóc vì uất ức.

Không khí nặng nề bao trùm lớp học mở đầu cho cuộc sống mới mà cách mạng đem đến cho toàn dân miền Nam. Giấy bút học sinh cho mua thật ít, trong khi sơ yếu lý lịch thì từng chồng, từng chồng chuyên chở về trường. Kê khai lý lịch triền miên. Họp tổ phê bình, tự phê bình hàng tuần. Giờ dạy học thì không bao nhiêu mà ngồi lại họp hành bới móc nhau thì nhiều. Ganh nhau từ mớ rau, miếng thịt. Nhất là sau mỗi đợt thi đua. Tha hồ tìm cách hạ nhau.

Chính sách Cộng Sản là như vậy. Họ quản lý thật chặt bao tử của mỗi người. Họ dùng người này tố cáo người kia. Rất nhiều người nhẹ dạ, cả tin hay vì sẵn có tính tị hiềm nên đã bị lôi cuốn vào guồng quay mới, hại bạn bè, thân thuộc, hại chính gia đình…

Có đổi đời, mới biết nhận xét rõ ràng người tốt xấu. Nhưng rồi chính người ấy dần dần cũng chẳng được “cách mạng” tin dùng. Bằng cách này hay bằng cách khác họ cũng bị đào thải.

Ở các tỉnh nhỏ, vợ con của các sĩ quan cấp úy, nhất là cấp tá, đều bị buộc cho thôi việc. Riêng Sài gòn, trung tâm của vùng mới được giải phóng, báo chí quốc tế lui tới thường xuyên. Để chứng tỏ có chính sách khoan hồng nhân đạo, chính quyền Cộng sản không dám cho vợ sĩ quan nghỉ việc. Nhưng mẹ cũng đã chịu trăm nghìn cay đắng.

Mẹ không được đứng trên bục giảng. Chỉ làm những công việc không tên của văn phòng. Cuối cùng được giữ chức quản thủ thư viện. Cũng may, mẹ không phải giảng những bài văn sặc máu căm thù, dạy cho học sinh những gương anh hùng chống Pháp, chống Mỹ của XHCN. Đất nước Việt Nam rừng vàng biển bạc, con người Việt Nam “ra ngõ cũng gặp anh hùng”…Tất cả chỉ là sự lừa bịp những đầu óc mê muội, ngu đần của một số người. Đáng thương hại biết bao! Chỉ vì Cộng sản tàn ác quá, chỉ vì Cộng sản bưng bít quá, nào ai biết miền Nam ra sao, thế giới tiến bộ như thế nào?

Năm tháng vẫn trôi qua. Năm tháng triền miên khổ cực cả về tinh thần lẫn vật chất. Con bắt đầu đi học trường mẫu giáo. Hàng ngày dẫn con đi bộ trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cây cao bóng mát này để nghe đâu đây một chút ngậm ngùi, luyến tiếc.

Con bé nhỏ xinh xắn, đáng yêu, được các chị Trưng Vương mỗi buổi sáng tập thể dục ngoài đường, vỗ tay chào đón, gọi cho con cười để được nhìn thấy hai cái lúm đồng tiền thật sâu trên đôi má bầu bĩnh, để nhìn đôi mắt đen lấp lánh ánh sao.

Các bạn của con có bố đón đưa. Con chỉ có một mình mẹ. Con bắt đầu để ý và hỏi mẹ “Bố con đâu?” “Con ngoan, học giỏi bố sẽ về.” Cuối tuần những phiếu “Bé ngoan” con hớn hở cầm ra khoe mẹ. Nỗi vui bừng lên để rồi nỗi buồn chùng xuống. Ngày về của bố con xa vời vợi. Một năm nhận được vài cái phiếu gửi quà thăm nuôi.

Mỗi lần có phiếu, chắt chiu dành dụm để mua đủ ba ký lô lương thực. Chạy chọt mãi mới mua được vài chục viên thuốc trụ sinh. Những lần gửi quà đầu tiên, ba bốn giờ sáng đã phải có mặt. Rời khỏi nhà khi trời còn tối. Ánh đèn đường lạnh lẽo. Thân nhân người tù cải tạo ngồi sắp hàng bốn, dài suốt từ đường Nguyễn Du đến đường Thống Nhất, chờ được vào bưu điện Hai Bà Trưng. Hai ba tên bộ đội vác súng canh chừng. Mỗi lần dồn hàng, không được đứng lên, nhích dần, nhích dần trong tư thế ngồi xổm…

Tới xế trưa nắng gắt mới được vào phòng. Nào đã yên thân. Khám xét từng cục kẹo, viên thuốc bổ, thức ăn khô. Hạch hỏi, nạt nộ. Đóng gói theo đúng khuôn mẫu của nhà bưu điện đưa ra, kể cả cách thắt dây chung quanh. Có người khóc ròng vì làm không đúng cách, tháo ra thắt vào mãi mà vẫn bị đuổi ra.

Cực như thế đấy, vậy mà vẫn mong nhận được một phiếu gửi quà. Bọn cán bộ cho người bán ra những phiếu đó. Mẹ cũng mua với giá rất đắt nhưng cứ hai gói thì bố chỉ nhận được một. Luật lệ “rừng” nên biết thưa kiện ai đây?

Dưới sự chăm sóc của ông bà ngoại, con mỗi ngày một lớn. Bố con ngày về biền biệt và có thời gian chẳng có tin. Trong các trại gia binh, cư xá quân đội, bọn cán bộ ra vào nạt nộ, tán tỉnh vợ con người tù cải tạo. Nhất là những bà vợ sĩ quan xưa nay chỉ nội trợ, ở nhà dễ bị quyến rũ nhất. Đủ mọi hoàn cảnh đưa đẩy họ tới con đường phụ bạc chồng con.

Mẹ con mình ở cùng nhà với ông bà ngoại, nhà riêng khu tốt nên không có cảnh cán bộ vào hạch sách. Hơn nữa mẹ làm việc tại trường, mọi sinh hoạt tách rời khỏi phường khóm nên yên thân hơn.

Rồi bố con nằm xuống trong lao tù. Một tang vong, mẹ đưa con đi vượt biên cùng gia đình bác Dung. Mẹ đi vào mùa hè, thời gian được nghỉ nên nhà trường không biết. Nếu có biết, họ cũng làm ngơ vì không có chứng cớ. Dù bị nghỉ việc mẹ cũng chẳng cần. Trước đây vì bố con là sĩ quan cao cấp chế độ cũ bị Cộng sản cầm tù, mẹ phải làm việc cho nhà nước để được yên thân và hy vọng có một ngày nào chồng được tha về sớm. Vượt biên ba lần, bị tù mất hai lần, không còn tiền, còn sức mà đi nữa, mẹ đành trở về với trường học.

Thời gian đó, miền Nam chính thức tham gia vào phong trào thi học sinh giỏi toàn quốc. Cán bộ phòng giáo dục rất kỳ thị lý lịch nên mẹ không được mời dạy. hàng ngày mẹ vẫn làm bạn với những cuốn sách trong thư viện. Nhưng cấp trên đầu óc đỡ hẹp hòi hơn. Cho nên sở giáo dục chọn mẹ làm chủ nhiệm lớp học sinh giỏi thành phố. Trường trung học sư phạm mời mẹ về dạy cho giáo sinh. Kể từ đó, cấp dưới là phòng giáo dục mới giao công tác này cho mẹ.

Liên tục mấy năm liền, học sinh của mẹ đa số đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn quốc. Trong không khí tưng bừng tổng kết thi đua, mẹ ngồi dưới hàng ghế hội trường nhìn lên sân khấu xem diễn viên của mình đang được tuyên dương. Không bao giờ mẹ được khen thưởng. Mẹ chỉ là viên gạch lót đường cho người ta đi tới.Nhưng mẹ không buồn. Mẹ không muốn cũng như không thế nào mẹ đứng vào hàng ngũ của họ được. Ngay cả sau này, khi giữ chức vụ Hiệu phó chuyên môn của một trường tiên tiến trong thành phố, giữa mẹ và họ vẫn có một ranh giới rõ ràng. Đền bù lại, mẹ có rất nhiều tình cảm quý mến trân trọng của học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo.

Thời gian này các chuyên gia Liên Xô về trường tuyển chọn học sinh năng khiếu múa ba-lê. Qua nhiều trường với hàng ngàn học sinh cùng lứa tuổi, con được trúng tuyển. Mẹ tìm hết cách để được rút tên con ra. Nhất là về vấn đề lý lịch. Nhưng cũng vì điểm này mà chính chuyên gia Liên Xô đích thân chọn lựa và can thiệp để có đúng tài năng đi du học.

Khi mời lên tiến hành làm hồ sơ, Ủy ban nhân dân quận đã thuyết phục mẹ cho con đi và giữ mẹ ở lại đất nước. Mẹ sẽ được hưởng mọi quyền lợi như những cán bộ khác nếu mẹ rút đơn xuất cảnh. Lúc đó, việc ra đi đã có vẻ khó khăn, nhưng mẹ vẫn không làm theo ý họ.

Và rồi họ cho mẹ nghỉ việc. Ngay năm học đó, phong trào thi học giỏi đi xuống, mẹ được mời dạy trở lại. Mẹ không nhận lời, mẹ đã ra ngoài buôn bán nhỏ, nhưng cuộc sống khá hơn khi còn dạy học rất nhiều.

Mẹ không muốn nói cho con nghe về quá khứ của Ba, về những nỗi nhọc nhằn bấy lâu mẹ phải gánh chịu, bởi mẹ không muốn con có mặc cảm thua kém bạn bè. Người Cộng Sản giáo dục con em họ phải căm thù giai cấp, nhưng với con mẹ không muốn tâm hồn con hoen ố vì thù hằn. Sống làm sao cho lương tâm trong sáng, sống làm sao cho nhân hậu bao dung. Đừng như những người Cộng sản hẹp hòi, độc đoán, ích kỷ, trả thù…Hãy nhìn cuộc sống chung quanh bằng cái nhìn hiểu biết thông cảm. Hãy sống thế nào để không hổ thẹn với lương tâm.

Một mai đây, người Cộng sản sẽ tỉnh ngộ để nhận rõ tội ác đã đầy đọa cả một dân tộc Việt Nam.

Con vẫn lớn lên trong tình thương của mẹ, của bà để bước vào lứa tuổi thanh xuân.

Mớ kiến thức trong sách vở nhà trường hoàn toàn xa vời, trái ngược với thực tế chung quanh. Sau khi nhà nước có quyết định “đổi mới tư duy”, không khí tự do hơn, giáo viên bắt đầu giải đáp cho học sinh những thắc mắc về cuộc sống xã hội diễn ra từng ngày. Không còn đổ tại hậu quả chiến tranh, không còn đổ lỗi cho “Mỹ Ngụy” được nữa rồi… Hòa bình đã lên tới con số 15 năm, vậy thì lỗi tại ai?

Trong một bài thu hoạch của một môn khoa học xã hội thực nghiệm cải cách giáo dục: “Em hãy nói lên những điều tâm đắc nhất qua bài học,” mẹ còn nhớ cô hiệu phó VTT đã mời mẹ đến trường cho xem bài viết của con. Chỉ vỏn vẹn có một câu ngắn: “Rất tiếc qua bài học em không tiếp thu được điều gì có ích lợi cho cuộc sống.” Nếu cô hiệu phó không phải là bạn mẹ, nếu gia đình mình không có giấy xuất cảnh thì chắc chắn việc học của con sẽ bị lôi thôi.

Nhỏ hơn con vài tuổi, thời 1954, để tránh nạn Cộng sản mẹ được ông bà ngoại dẫn di cư vào Nam. Sàigòn không phải là nơi sinh trưởng nhưng là nơi mẹ đã lớn lên, trưởng thành và bước vào đời, nên mẹ yêu Sài gòn. Nhưng quê hương miền Bắc có bao giờ phai mờ trong tâm tưởng? Hôm nay đây, lịch sử đang tái diễn. Gần 40 năm sau, mẹ dẫn con trên bước đường lưu lạc. Xứ sở này đứng đầu thế giới. Cả một chân trời mở rộng đang chờ đón con. Con đường trước mắt thênh thang lắm. Hãy vững tin và cố gắng bước tới. Đừng phụ lòng bố con ở dưới suối vàng. Và con ơi, con đừng quên nhé! Phía bên kia bán cầu còn có một đất nước nghèo nàn nhỏ bé: Việt Nam.

—> xem tiếp

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, BÍCH HUYỀN:Lối cũ chẳng sao quên and tagged , , . Bookmark the permalink.

2 Responses to Bích Huyền-LỐI CŨ CHẲNG SAO QUÊN

  1. Chau Nguyen says:

    Xin chào cô , cháu muốn sách ,nếu có thể được xin Cô cho biết

    Like

    • Lê Thy says:

      @Chau Nguyen
      Cô cám ơn cháu đã theo dõi bài của cô đăng.
      Lâu rồi vì ai cũng bận bịu sinh kế nên cô không liên lạc với cô Bích Huyền . Cô đã email cho cô ấy ngay sau khi nhận được lời nhắn của cháu ở đây nhưng chưa thấy cô ấy hồi âm. Theo cô thì sách đã xuất bản 20 năm, không biết có còn bản nào nữa không. Có tin gì mới thì cô sẽ cho cháu biết ngay.
      Mến,
      Cô Lê Thy

      Like

Ý kiến - Trả lời