Các rạp hát của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975 (2)

Các rạp hát của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định
trước và sau năm 1975

(Xem thêm
Bổ túc Chi tiết ngày 20-04-2021 tại đây

Bổ túc số 2 ngày 16-10-2022 tại đây)

A- CÁC RẠP CHIẾU BÓNG (CINÉ)

I-Trung tâm Sài Gòn

01- Rạp Al Hambra – đường Nguyễn Cư Trinh, quận 2

Rạp hát Al Hambra nằm bên trái tấm hình, chụp năm 1955 trong vào lúc quân đội quốc gia hành quân dẹp Bình Xuyên.

Rạp Al Hambra sau này đổi tên thành rạp Imperial Lê Ngọc
(Trên hình này, bên góc trái, ở ngã ba đường, là rạp hát Hưng Đạo).

Chú thích dưới đây cung cấp bởi ông dzuthuy@yahoo.com (sinh năm 1918, thuộc hàng “Đại trưởng lão Viewr” theo tài liệu số 21) về rạp Al Hambra, có liên quan đến rạp Hưng Đạo và vài công trinh xưa khác tại Saigon:

« « Nói thêm một chút về rạp Al Hambra này. Rạp Al Hambra đúng là cùng tên với lâu đài Al Hambra của người Moorer ở thành phố Grenada, phía Nam Tây Ban Nha. Rạp nằm ở số 10 đường Nguyễn Cư Trinh – quận Nhì Sài Gòn, chứ không phải nằm ngay góc Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh. Chủ rạp không phải là “Anh Bảy” Ấn Độ mà là một anh Pakistan, anh em ruột với anh Ấn Độ, chỉ khác có một chút là anh Bảy Ấn Độ theo đạo Bà La Môn thờ bò, còn anh Pakistan thì là Muslim theo đạo Islam không ăn thịt heo, hổng biết cha Pakistan này thuộc nhóm Shiites hay Sunnites. Theo như trong hình chụp (màu trắng đen), binh lính của ông Thủ Tướng Diệm đang kéo vô bót Centrale gần đó để đánh lại 2 anh em Lai Văn Sang, Lai Hữu Tài đang chỉ huy lực lượng Công An xung phong của phe ông Bảy Lê Văn Viễn – Bình Xuyên nằm cách đó 2 khối dãy phố, số 262 Trần Hưng Đạo.

Trong hình ta cũng thấy một ngôi nhà mái ngói bánh ú cao cao, bị tấm bảng hiệu cây xăng Mobilgas che khuất. Căn villa này là của ” Cậu Hai Quý ” chủ nhơn của hãng National Việt Nam, có trụ sở kiêm nhà trưng bày (Showroom) sản phẩm National, tọa lạc ngay góc Nguyễn Thiệp (Thiếp thì đúng hơn vì là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp) – Nguyễn Huệ, góc bên kia cũng cùng đường này, bên dãy nhà hàng Brodard, có Hôtel Catinat nổi tiếng với vụ đánh ghen của giới nghệ sĩ Sài Gòn. Lúc hình được chụp chưa có rạp Hưng Đạo của ông Indo Comptoir Nguyễn Thành Niệm chuyên bán xe mô tô 2 bánh danh tiếng BMW / NTN. Sau này, ổng dẹp bỏ tiệm bán xe mô tô xây nên rạp hát cải lương và k/s IC 1 kế bên hãng đúc Nguyen Văn Dung – 120 Trần Hưng Đạo để cạnh tranh với rạp cải lương lâu đời của ông Nguyễn Văn Hảo, số 38 Trần Hưng Đạo, ngược lên phía trường nữ tiểu học Tôn Thọ Tường đối diện Cinéma Đại Nam của ông Ưng Thi. Rạp ông Niệm “knock out” rạp ông Hảo. Gánh Thanh Minh trước đóng đô thường trực bên ông Hảo; từ khi có rạp ông Niệm – Hưng Đạo – Thanh Minh thêm chữ Thanh Nga vô bảng hiệu là dọn qua ông Niệm ” ăn cơm tháng ” tại đây luôn.

Sau ngày 30/4/1975, rạp Imperial Lê Ngọc (Al Hambra) biến thành kho gạo của Công ty lương thực quận 1. » ».

02-Rạp Alliance Française – 6 đường Đồn Đất, quận 1.

Centre culturel français-Trung tâm văn hóa Pháp năm 1969

Tài liệu CNH : « « Centre culturel français là một cơ quan văn hóa của chính phủ Pháp, nhằm mục đích truyền bá văn hóa Pháp. Rạp Alliance Française là một phòng trong toà nhà nằm trên đường Đồn Đất và Gia Long, bên kia đường là bịnh viện Grall.Khán giả thường là Pháp kiều, hay là học sinh trường tây, hay là học sinh học Pháp ngữ. Các học sinh học ở centre nầy, được thấy cô giảng dạy ở đây khuyến khích đi xem phim Pháp, vì vậy không có phụ đề Việt ngữ. Rạp nhỏ, trang bị máy lạnh, tiện nghi, ít chỗ nhưng ghế ngồi có bọc nệm, giá vào cửa vừa túi tiền học trò và sinh viên. Phần lớn chiếu phim của Pháp với các tài tử gạo cội như Jean Gabin, Fernandel, BB, Lino Ventura, Jean Marais, Louis de Funès… » ».

Theo tài liệu số 2 : «« Đôi khi rạp này có chiếu phim Mỹ “Easy Rider”-1969 »».

Sau 1975, rạp Alliance française và cả Trung tâm văn hóa Pháp trở thành rạp chiếu phim Nghiệp Thắng.
Adieu les cours français!

03-Rạp Asam (Rạp Hồng Bàng) – đường Công Lý góc Lê Lợi, quận 1

Đi một đoạn ngắn tới đường Công Lý góc Lê Lợi ta thấy rạp Asam mà dân Saigon thường gọi là “Á sẩm”. Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên “Á sẩm” mất gốc quá nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao Chỉ. Về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này “ngang cơ” với Casino Saigon. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì Hồng Bàng có tuyệt chiêu suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.

Sau 1975 cũng chịu chung số phận với rạp Nam Việt một phần vì ế ẩm, chủ rạp không chịu đầu tư, trùng tu sửa sang nên khán giả vào rạp xem phim hay bị nóng nực, ghế ngồi bị hư hỏng nhiều lại thêm rệp, chuột…, phần vì những rạp này nằm nơi chợ búa nên rất nhiều những khán giả là trẻ con hay nhưng người sống quanh đó vào xem. Chính vì nhà gần nên việc đi xem phim không được xem trọng, những khán giả này ăn mặc xuề xòa, nói năng ồn ào thậm chí trẻ con chạy giỡn om xòm giữa các hàng ghế và leo trèo lên trên, tạo nhiều cảnh bát nháo làm ngăn cản các khán giả khác thường thức cuốn phim.

Nay rạp Hồng Bàng trở thành cơ sở sản xuất.

04-Rạp Casino Saigon– đường Pasteur-Lê Lợi, quận 1.

Rạp Casino Saigon chiếu phim La Mã

Rạp Casino Saigon chiếu phim kiếm hiệp

Rạp Casino Saigon chiếu phim cao bồi miền tây

Hình ảnh rạp Casino Saigon trước năm 1975

Rạp Casino Saigon là rạp hạng nhì, thuộc loại trung bình nên giá vé rẻ hơn rạp hạng nhất như rạp Rex, tuy nhiên mắc hơn nhiều so với các rạp khác.

Theo tài liệu số 4 : « « Ngay bên cạnh rạp Casino Saigon có hẻm Casino nổi tiếng không kém gì rạp xi-nê Casino. Phim chiếu ở Casino có thể dở hoặc hay tùy theo sở thích của người xem nhưng có điều ghé vào hẻm Casino người ta sẽ hài lòng với các món ‘khoái khẩu’ mang hương vị đất Bắc.Chủ nhân của các quán trong hẻm Casino đa số là dân ‘Bắc kỳ di cư’ nên có những món ‘tuyệt cú mèo’ như bún chả, bún thang, bún riêu, bánh tôm và dĩ nhiên là phở… Các quán tại đây không thuộc loại sang nhưng giá tiền lại hơi đắt, có lẽ vì nằm ngay trung tâm Sài Gòn. Hẻm Casino thuở ấy rộn rã nam thanh, nữ tú ra vào suốt ngày, nhất là mỗi chiều thứ bảy, cả ngày chủ nhật, sau khi cùng dòng người “bát phố”. Hoặc bạn có thể đổi món bằng cách băng qua đường Lê Lợi để thưởng thức dĩa bò bía đi kèm với nước mía Viễn Đông thì còn gì bằng. Trong rạp hát Casino có bàn cà rem Esquimo bọc một lớp xô cô la, ngon hết xảy nhưng giá hơi mắc cho túi tiền học sinh » ».

Sau năm 1975, rạp Casino Saigon đổi tên là rạp Vinh Quang.

Rạp Casino Saigon (rạp Vinh Quang) năm 1998

Năm 2011 bị đập bỏ và thành làng ẩm thực Vũng Tàu-Sau đó đã bị đập và xây lại.

Hiện nay là khách sạn Liberty Central.

05-Rạp Cathay – đường Nguyễn Công Trứ, quận 2

Rạp Cathay ngày xưa

06-Rạp Cinéma Catinat – đường Nguyễn Thiệp, quận 1.

Rạp Catinat nằm trong con đường nối đường Tự Do (Catinat) sang đường Nguyễn Huệ (Charner). Đây là rạp chiếu phim thường trực đầu tiên ở Việt Nam, và tất nhiên cũng là rạp chiếu phim thường trực đầu tiên ở Đông Dương.

Rạp Catinat chỉ chiếu lại những phim các rạp lớn chiếu rồi nên giá vé rất rẻ, giá vé đồng hạng 10 đồng, rạp còn bán 1 tập 10 vé giá 80 đồng, mua nguyên tập khán giả lợi được 20 đồng.

Rạp xi-nê thuộc loại ‘tí hon’ này về sau chuyển đổi thành phòng trà ca nhạc với nhiều tên như Au Chalet rồi Đêm Màu Hồng, nơi ra mắt của ban nhạc Phượng Hoàng thời kỳ trước khi nhập với ca sĩ Elvis Phương.

07-Rạp Đại Nam – 79 Trần Hưng Đạo, quận 2

Hình ảnh rạp Đại Nam trước năm 1975.
(Trên áp phích quảng cáo phim Le Cid.)

Rạp Đại Nam là rạp sang trọng nhất Sài Gòn thời đó do ông Ưng Thi làm chủ khi Rex trên đường Nguyễn Huệ chưa có mặt. Phim mới được chiếu trước tiên ở đây và một vài rạp khác rồi một thời gian sau mới được đưa đi tỉnh hoặc các rạp nhỏ chuyên chiếu lại.

Phim chiếu tại Đại Nam có cả phim Tàu (Đài Loan, Hồng Kông), nổi bật nhất là Mùa Thu Lá Bay với đôi trai tài gái sắc Đặng Quang Vinh và Chân Chân. Đó là thời tiểu thuyết của nữ văn sĩ Quỳnh Giao, ăn khách không kém truyện võ hiệp hấp dẫn của Kim Dung như Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lục đỉnh ký

Sau năm 1975, rạp Đại Nam trở thành khách sạn Đại Nam.

08-Rạp Eden – đường Tự Do, quận 1

Trên đường Tự Do có hai rạp được xem là xưa nhất và đẹp nhất đó là Majestic Eden.

Hình ảnh rạp Eden trước năm 1975-
chiếu phim Le Tombeur Dames với tài từ hề Jerry Lewis.

Rạp Eden quay mặt về hướng công viên Đống Đa nằm trong khu thương xá mua sắm Hành lang Eden (Passage Eden) nổi tiếng. Đến rạp, khán giả có thể đi vào từ phía đường Tự Do, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ đều được cả. Cả hai rạp Eden và Majestic đều được xây dựng rất đẹp theo kiểu kiến trúc cổ điển của các nhà hát Paris, có chia lô để phân biệt giữa hạng cao cấp với hạng bình dân. Thời gian đầu khán giả toàn người Pháp và những người bản xứ giàu có, sau đó dần dần mở rộng cho tất cả các tầng lớp khán giả. Không ai ngờ người Việt đón nhận loại hình mới mẻ này quá nồng nhiệt, đến mức chỉ chưa đến chục năm sau, khán giả đến rạp xem phim chỉ toàn người bản xứ. Chẳng mấy chốc các chủ rạp người Pháp đã phải chuyển nhượng hoàn toàn việc kinh doanh rạp chớp bóng lại cho người Việt. Rạp chớp bóng nhanh chóng trở thành ngành kinh doanh cực kỳ béo bở, và phát triển với tốc độ kinh hồn. Chỉ cần làm chủ một rạp, chỉ sau vài năm đã có thể… xây thêm một rạp khác! Mà rạp hồi đó, sức chứa ít nhất từ 700 – 1000 chỗ là chuyện bình thường.

Tài liệu CNH : « « Trong cao ốc Hành lang Eden, phía góc đường Tự Do-Lê Lợi có nhà sách Xuân Thu nổi tiếng không kém gì nhà sách Khai Trí, bán nhiều sách có giá trị và hiếm hoi; kế bên có tiệm cà phê Givral bán cà phê và bánh ngọt Tây. Bánh ngọt Givral thì miễn bàn, chỉ có điều giá rất mắc. (Sau này có bánh ngọt Hương Lan và Nguyễn Văn Ngải tọa lạc ở Bưu Điện Saigon, cuối đường Tự Do, bán bánh ngọt cũng không thua gì Givral mà giá cả phải chăng) » ».

Ở Sài Gòn, chỉ duy nhất rạp Eden này mới có hai balcon. Thông thường, khi xem xi-nê tại đây, ngồi balcon 1 là hay nhất vì nhìn xuống vừa tầm mắt không mỏi cổ và không bị cái đầu của người ngồi hàng ghế trước che khuất tầm nhìn. Balcon 2 của rạp Eden thì nhỏ hơn và vì quá cao nên nhìn sâu xuống màn ảnh muốn cụp cái cổ nên phần đông khán giả chẳng màng để ý đến sự hiện hữu của nó, ngoại trừ dân đào kép Sài Gòn ‘yêu nhau đi trời hôm tối rồi’ thì chiếu cố rất nhiệt liệt và gọi đó là ‘pigeonnier’ (chuồng bồ câu). Ca sĩ Pháp Dalida đã có lần xuất hiện tại rạp Eden ‘bằng xương bằng thịt’ khi cô đến Sài Gòn. Mấy năm sau đó, rạp Eden chiếu phim “Parlez-Moi d’Amour” (1961) do Dalida đóng. Vào khoảng đầu thập niên 60, rạp này chiếu phim “Les Pilliers du Ciel” (Pillars of the Sky (1956), một phim cao bồi của Mỹ do Jeff Chandler và Dorothy Malone đóng.

Theo tài liệu số 19 : « « Trương Dĩ Nhiên, thương gia người Việt gốc Hoa,”vua ciné”: Xuất thân từ một gia đình người Hoa, anh em họ Trương được ăn học và giáo dục theo phong cách quý phái người Hoa. Trương Vĩ Nhiên thấm nhuần đạo Phật và say mê triết lý Đông phương, có đầu óc phóng khoáng và nhạy cảm hiểu biết về tâm lý quần chúng và thị trường. Ông là chủ nhân hãng xuất nhập cảng phim Viễn Đông, đại lý độc quyền các phim của hảng phim nổi tiếng Shaw Brothers (Đài Loan) và Golden Harvest (Hồng Kông). Điện ảnh Hong Kong và Đài Loan cuối thập niên 1960, được coi là thời vàng son, đã sản xuất các phim dã sử kiếm hiệp thu hút khán giả nhiều nơi ở Đông Nam Á cạnh tranh và làm các hảng phim Âu Mỹ nể sợ và khâm phục. Ở miền Nam thời bấy giờ, các tài tử Lý Thanh, Trịnh Phối Phối, Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Địch Long, Hà Lợi Lợi… với các phim Độc Long Đàm, Hiệp Khách Hành, Độc Thủ Đại Hiệp, Nhất kiếm trấn ải, Long hổ quyết đấu… đã chinh phục khán giả với doanh thu vượt kỷ lục hơn cả các phim Âu Mỹ thời đó như Cleopatre, Love Story, Romeo Juliet, Deux hommes dans la ville của các tài tử Liz Taylor, Ali Mc Graw, Steve McQueen, Alain Delon, Jean Belmondo.Trương Dĩ Nhiên đã nhìn thấy trước qua sự say mê của người dân với các truyện võ hiệp Kim Dung và sau này Quỳnh Dao ở các nước Á châu và ông đã mua lại các rạp làm ăn ế ẩm, tân trang lại và làm chủ các rạp hát ciné ở nhiều nơi vùng Sài Gòn – Chợ Lớn: Eden, Đại Nam, Palace, Opéra, Oscar, Lệ Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Thủ Đô… Tất cả các rạp của Trương Dĩ Nhiên đều được sửa sang xây dựng mới mẻ, với hệ thống máy lạnh tốt, ghế ngồi bọc da, trang hoàng đẹp mắt và hấp dẫn khách hàng với hệ thống máy móc như máy chiếu, âm thanh, ánh sáng nhiều màu trong rạp, cả buvette (quầy giải khát) phục vụ ngay trong rạp, cùng các phương tiện quảng cáo đa dạng và quy mô. Bắt đầu từ năm 1966, Trương Dĩ Nhiên nhập cảng các loại phim võ hiệp, kiếm hiệp dã sữ Hồng Kông và Đài Loan, sau là phim tình cảm phỏng theo truyện của các tác giả nổi tiếng như Kim Dung, Ngọa Long tiên sinh, Quỳnh Dao…. Ông trở thành tỉ phú giàu có khi chỉ mới hơn 30 tuổi. Ông có ảnh hưởng rất lớn về nghệ thuật và văn hóa điện ảnh trong cuối thập niên 1960 và đầu 1970 » ».

Theo tài liệu số 24 : « « Năm 1972, hãng phim Mỹ Ảnh của ông Trương Dì Nhiên quay phim và sản xuất phim kiếm hiệp Báu Kiếm Rửa Hận Thù. Diễn viên của phim này có các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Hoàng Long, Ngọc Đan Thanh, Văn Ngà, Bảo Lâm, Ba Nghĩa và các võ sĩ của võ đường Việt Nam cũng võ sư Lý Huỳnh. Soạn giả Nguyễn Phương là phụ tá đạo diễn, viết lời thoại » ».

Rạp Eden sau đó trở thành một phần phòng trà Tiếng Tơ Đồng.

Sau 1975, rạp Eden bị xóa sổ hoàn toàn để trở thành trung tâm mua sắm Eden Mall và bị đóng cửa vào năm 2012. Nay Hành lang Eden đã trở thành toà nhà thương mại cao tầng. .

Ngày xưa chỗ này là rạp Eden

09-Rạp Kim Châu – 15, 17 đường Nguyễn Văn Sâm, quận 1.

Rạp Kim Châu trên đường Nguyễn Văn Sâm, góc Hàm Nghi, tương đối còn mới và chiếu phim hay. Khi rạp bắt đầu khai trương thì họ đã quảng cáo sẽ chiếu phim “Sapho” (1960). Qua đến những phim kế tiếp, rạp Kim Châu đã tuyển chọn những phim cùng loại nên rất được khán giả hài lòng.

Cô Kim Châu là con gái Bà Bút Trà Tô Thị Thân, chủ nhân báo SaiGòn Mới. Phu quân cô Kim Châu là tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.

Rạp Kim Châu năm 1968-69

Sau năm 1975, rạp Kim Châu từng có thời gian là nơi tập của nhà hát ca múa nhạc chuyên diễn cải lương nhưng sau này do không kham nổi nên thường xuyên đóng cửa.

10-Rạp Kim Đô – Tiếp tục đi về hướng cầu Ông Lãnh gần chợ Dân Sinh có rạp chiếu bóng nhỏ tên là Kim Đô.

11-Rạp Kinh Đô (Sài Gòn) – Lê Văn Duyệt, quận 3.

Rạp Kinh Đô trước năm 1975

Năm 1960 rạp xi-nê Kinh Đô được xây mới trên đường Lê Văn Duyệt (ngã ba Huyền Trân công chúa), chỗ nhìn sang Trụ sở Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam.

Có lẽ mang tên là Kinh Ðô nên rạp rất sạch sẽ thanh lịch, mới khá hiện đại và đẹp. Máy chiếu phim và máy lạnh đều thuộc loại mới nhất.

Khoảng năm 1961, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ mướn rạp Kinh Đô làm nơi chiếu phim cho nhân viên và gia đình làm việc ở Sài Gòn đến xem.

Năm 1962, rạp Kinh Đô bị bọn khủng bố việt cộng đặt chất nổ bom plastic trong rạp. Có thể nói đây là vụ đánh bom đầu tiên tại Sài Gòn. Sau vụ nổ, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ không mướn rạp Kinh Đô nữa và rồi rạp này được phá đi, khu đất đó xây một tòa nhà là trụ sở USAID với nhiều tầng lầu.

Sau năm 1975, Rạp Kinh Đô từ sân trượt patin trở thành phòng game online.

12-Rạp Lam Sơn – Bùi Chu. Mũi tàu Lê Lai, Bùi Chu, Võ Tánh chéo góc với nhà thờ Huyện Sĩ, vòng qua bên hông rạp phía đường Lê Lai thì có nhà của nữ kịch sĩ Kim Cương. Rạp xi-nê này chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn ngủi rồi bị đóng cửa vì vị trí của rạp quá gần một nhà thờ, vào thời kỳ đó là Đệ Nhất Cộng Hòa, nên Công Giáo đang có ưu thế.

13-Rạp Lê Lợi – 112 Lê Thánh Tôn, quận 1

Rạp Lê Lợi trước năm 1975

Rạp gần chợ Bến Thành, chuyên chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác. Tuy nhiên, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ kiên nhẫn chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Cái hay là chương trình chiếu phim được niêm yết trước để khán giả có thể chọn ngày đi xem.

Rạp Lê Lợi có thể nói là rạp duy nhất ở Sài Gòn chiếu phim theo phương thức này, một ít rạp khác có bắt chước phần nào nhưng rồi cũng không theo được hoặc sau đó phải thay đổi cách làm khác. Khách hàng thường xuyên của rạp Lê Lợi là những sinh viên, học sinh vì rạp chiếu phim cũ nhưng lại hay và giá vé rất rẻ. Thời đó, đi học ngày hai buổi nên buổi chiều nào chán hoặc lười học bọn trẻ, trai cũng như gái, rủ nhau ‘cúp cua’ đi xem xi- nê ở rạp này. Cũng chính vì rạp này có nhiều nữ sinh đến xem nên các chị em rất hay bị thả dê tại đây.

Sau năm 1975, rạp Lê Lợi trở thành vũ trường, bar và liên tiếp thay đổi chủ.

Nay là phòng trà Không Tên

14-Rạp Long Phụng – 234 Gia Long, quận 1

Nằm trên đường Gia Long là rạp “chuyên trị” dòng phim thần thoại ca vũ nhạc Ấn Độ. Thuở ấy mấy bà mấy cô thuộc lứa tuổi 50, 60 thường là khán giả “ruột” của rạp này với những phim được sản xuất từ Ấn Độ đưa sang. Nhiều người vẫn coi đi coi lại mãi những phim như: “Tình Chị Duyên Em”, “Hồn Người Xác Rắn”.

Có thể Long Phụng chuyên về phim Ấn vì địa điểm của rạp rất gần với Chùa Chà Và trên đường Trương Công Định chăng? Nam tài tử Ấn Độ ăn khách nhất thời đó là Rama Rao, ông này sau thời 80-90 làm Thống đốc bang Pradesh thuộc miền Nam nước Ấn.

Sau năm 1975, rạp Long Phụng trở thành nơi trình diễn của nhà hát nghệ thuật hát bội thành phố nhưng luôn đóng cửa, tắt đèn.

15-Rạp Long Thuận – 10 Trương Công Định và Nguyễn An Ninh, quận 1

Một trong những rạp nhỏ nhất và rẻ tiền nhất của Sài Gòn, Tuy vậy, địa điểm của rạp rất tốt nằm ngay trước nhà ga xe lửa vào thời Pháp thuộc và rạp tiếp tục hoạt động cho đến những năm đầu của thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Đây phải được kể là nơi rất thuận tiện để giết thì giờ trong khi chờ đợi các chuyến xe lửa khởi hành đi về các tỉnh vì phim được chiếu thường trực, vào xem lúc nào cũng được, xem giáp vòng thì về, muốn ngồi xem hoài cũng chẳng sao.

Tôi cá với các bạn vào coi phim ở rạp Long Thuận (ngang ga xe lửa Saigon phía đường Lê Lai) mà dám ngồi ghế đàng hoàng. Tại sao lọa vậy? Thưa vì đó là mật khu của rệp. Hổng biết chúng theo con đường nào mà tràn ngập rạp. Từ chân ghế, mặt ghế, thành ghế đến lưng ghế, chỗ nào tụi nó cũng đóng chốt hết. Muốn an toàn thì phải ngồi chồm hổm kiểu cán ngố vào nhà hàng, mà bố ai ngồi chồm hổm trong suốt 2 tiếng đồng hồ cho nổi. Thôi thì tránh rệp không xấu mặt nào vậy.

Sau năm 1975, rạp Long Thuận trở thành trụ sở một công ty thiết bị điện

16-Rạp Majestic – Đường Tự Do, quận 1.

Rạp Majestic cũng là rạp hạng sang và đẹp. Rạp này nằm sát bên khách sạn Majestic ở cuối đường Tự Do gần bến Bạch Đằng, khán giả xem phim phần lớn là người Pháp.

Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Nơi đây được xây thành vũ trường Maxim tầng trên và sân khấu trình diễn ca vũ nhạc kịch tầng dưới do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách.

Hiện nay là nhà hàng Maxim’ Nam An.

17-Rạp Nam Tiến – Hẻm Nam Tiến-Bến Vân Đồn. Quận 4, Khánh Hội

Vùng đất vốn mang tiếng là “đất dữ”, bởi những băng nhóm giang hồ thường chọn làm nơi hùng cứ.

Theo tài liệu số 20: “Thuở nhỏ, tôi từ quê lên ở hẻm Nam Tiến, đường Bến Vân Đồn quận 4, để trọ học. Hẻm Nam Tiến có rạp hát Nam Tiến chuyên chiếu phim cao bồi Mỹ, hồi này còn phim câm, đen trắng, máy chiếu phim chạy bằng than. Mỗi lần anh chàng cao bồi cưỡi ngựa phi nước đại đuổi theo đối thủ móc súng bên hông ra quay vèo vèo, đám trẻ con đứng bật dậy khỏi ghế cây vỗ tay hoan hô thì những dãy ghế cây bật lên kêu rầm rầm theo mức độ phấn khích của khán giả trẻ con. Xem phim đen trắng mà câm đã mệt, thỉnh thoảng lại hiện lên dòng chữ nguệch ngoạc “xin cáo lỗi tạm ngưng ít phút để thay than” thì càng oải hơn, nhưng trẻ con ngày đó không còn phương tiện giải trí nào khác. Lâu lâu rạp Nam Tiến đổi món, cho những đoàn hát cải lương về diễn thường quảng cáo ảnh đào kép phía mặt tiền rạp sát lề đường Bến Vân Đồn và bằng cách phát nhạc đĩa nhựa hai giọng ca nổi tiếng lúc bấy giờ là Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết với bài Gạo trắng trăng thanh mà tôi nghe riết cũng đã thuộc lòng.

Hẻm Nam Tiến là con hẻm sâu trên đường Bến Vân Đồn gần cầu Ông Lãnh Khoảng 4 giờ chiều một ngày cuối năm 1963, trong thời điểm trời hanh khô, hẻm Nam Tiến đột nhiên bốc cháy. Ngọn lửa phát lên từ một ngôi nhà nào đó trong trùng trùng những ngôi nhà ở xa tít nhưng lan dần tới hẻm Nam Tiến. Thế là con hẻm biến mất từ trận hỏa hoạn kinh hoàng đó. Sau này, có dịp về quận 4, đi ngang đường Bến Vân Đồn, chếch phía bên này cầu Ông Lãnh tôi không còn hình dung được đâu là con hẻm xưa nơi tôi ở một thời gian dài. Tất cả đều thay đổi. Hẻm Nam Tiến hoàn toàn biến mất. Và trong những lúc bồi hồi với những kỷ niệm xưa tôi vẫn cố đi tìm lại một nơi chốn cũ, đó là con hẻm ngày xưa tôi ở, con hẻm của tuổi thơ tôi, con hẻm Nam Tiến, bây giờ đã hoàn toàn biến mất “.

18-Rạp Nam Việt – đường Tôn thất Đạm, quận 1

Hướng về chợ cũ, đi ngang qua các hàng bánh mì nổi tiếng để đến đường Tôn thất Đạm, bạn có thể vào xem phim bình dân ở rạp Nam Việt. Rạp nhỏ và rất nóng nực.

Tài liệu CNH: « « Trước của rạp, có một xe đẩy của một ông tàu, bán bánh bột chiên. Ăn nóng rất ngon. Nếu có đủ một chút tiền thì đập thêm một trứng, tuyệt phích » ».

19-Rạp Nguyễn Huệ – đường Nguyễn Huệ, quận 1

Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là cơ sở U.S.O. Journey to the Center of the Earth (1959).

20-Rạp Rex “cũ”- đường Nguyễn Công Trứ, quận 2

Là một rạp phụ của rạp xi-nê Majestic (đường Tự Do). Phim chiếu ở rạp Majestic, năm hay bẩy tháng sau, thậm chí cả năm sau, được mang ra chiếu lại ở rạp Rex cũ. Không khí trong rạp hôi mùi… nước tiểu vì ngay cửa vào rạp người ta thiết kế toilet. Khoảng năm 1955 rạp Rex cũ này bị phá đi.

21-Rạp Rex – góc đường Lê Lợi & Nguyễn Huệ, quận 1

Mặt tiền của rạp Rex, khánh thành năm 1962 Ảnh rạp Rex buổi tối-thấy rõ thang máy tự động (thang cuốn)

Rạp Rex trước năm 1975- Số 1 Đông Nam Á.

Trong số doanh nhân thời đó về văn hóa điện ảnh nổi bật lên cái tên Bà Ưng Thi (hoàng gia nhà Nguyễn) – một thương gia rất thành công, làm chủ nhiều rạp chiếu phim hàng đầu tại Sài Gòn (các rạp Rex, Văn Hoa Dakao, Văn Hoa Sài Gòn, Mini Rex A, B, C). Nhưng bà vẫn chưa muốn dừng ở đó, với ấp ủ phải có ít nhất một rạp thượng hạng không thua kém các nước Âu Mỹ mà bà được biết. Quyết là làm, Bà Ưng Thi vét sạch vốn liếng bỏ ra một số tiền khổng lồ mua khu đất đẹp nhất Sài Gòn, toạ lạc ở đại lộ Nguyễn Huệ, rồi đầu năm 1960, khởi công xây dựng rạp Rex. Rap Rex ngó ra công viên Đổng Đa, bên kia đường là hành lang dẫn tới rap Eden.Trên lầu thuợng là hôtel Rex. Bên kia đường, góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi, trong thưởng xá Tax có tiệm kem Pôle Nord bán kem ly hết xảy, ăn trong phòng máy lạnh, trong lúc ngoài đường nắng đổ con mắt. Giá rất mắc cho túi tiền học sinh và sinh viên.

Tất cả những gì tiện nghi nhất, tối tân nhất lúc bấy giờ của một rạp chiếu phim trên thế giới, đều được bà Ưng Thi trang bị cho rạp Rex: Máy lạnh tối tân nhất với công suất tối đa có thể làm cho 1.200 khán giả run cầm cập! (Rất nhiều khán giả trước đây có kể lại thời đó đi xem phim ở rạp Rex thường là phải mang theo… áo len!). Kiến trúc của rạp rất trang nhã và sang trọng. Toàn bộ ghế ngồi bọc nệm nhung nhập cảng từ ngoại quốc. Âm thanh nổi Stereo lúc ấy là phát minh mới nhất cũng có ở rạp Rex.

Một trong những thứ đặc biệt của rạp Rex còn in trong trí nhớ của khán giả là màn ảnh đại vĩ tuyến Todd-AO, rộng tới hơn 150 mét vuông, và dàn máy chiếu đặc biệt dành riêng cho loại phim 70mm (hiện ở Mỹ loại phim này cũng ít được sử dụng vì giá thành quá đắt). Chưa hết, để gây “sốc” cho khán giả đến rạp, tất cả khán giả mua vé trên lầu (đắt nhất) được đi bằng… thang máy tự động (thang cuốn). Có thể nói đây là chiếc thang máy tự động đầu tiên ở Việt Nam, và lại trang bị cho một rạp chiếu phim!

Ngay từ đầu bà Ưng Thi đã xác định, tầm vóc như rạp Rex chỉ độc quyền chiếu những siêu phẩm lớn mới tương xứng. Và bà Ưng Thi đã chọn bộ phim chiếu khai trương rạp Rex gây sửng sốt không chỉ ở trong nước – Đó là phim Ben-Hur, siêu phẩm đoạt 11 giải Oscar 1959. Lúc ấy theo thông lệ một phim mới chiếu ở Mỹ, một hai năm sau mới tới các thị trường lớn khác, và ba bốn năm sau mới đến Sài Gòn. Phim Ben-Hur lúc ấy đang làm mưa làm gió ở Mỹ, và chỉ mới có một vài nước được chiếu. Vậy mà một thành phố ở châu Á xa lắc xa lơ dám sang tận Hollywood thương lượng để được chiếu bộ phim này khi nó còn đang “nóng”! Chắc chắn bà Ưng Thi đã phải trả một số tiền không nhỏ.

Thời điểm khai trương rạp Rex (1961) là một sự kiện gây được chú ý của không chỉ dân kinh doanh rạp mà còn cả giới chính trị gia thời đó. Dân Sài Gòn nở mày nở mặt với rạp Rex được đánh giá là tối tân nhất Đông Nam Á – mặc dù giá vé ở đây cao gấp mấy lần các rạp khác, nhưng Rex vẫn luôn nghẹt khán giả vì tiện nghi hiện đại và quan trọng nhất, phim ở đây được chọn lọc chiếu độc quyền (đến 6 tháng sau mới đến các rạp khác). Thời đó dẫn “đào” đi xem phim, mà bước vô rạp Rex thì chẳng khác gì bây giờ mời “em” đi du lịch nước ngoài!

Sau năm 1975, rạp Rex trở thành khách sạn Rex.

22- Rạp Mini Rex A & B – đường Lê Lợi, quận 1.

Thập niên 1960 đầu 1970, đánh dấu thời cực thịnh của rạp phim ở Sài Gòn. Các rạp mới hiện đại hầu như được xây mỗi năm, tuy không bằng Rex, nhưng quy mô cũng không kém. Đến năm 1975, Sài Gòn có gần 60 rạp lớn, trong đó có những rạp vừa mới xây như Capital Văn Hoa, Mini Capital Văn Hoa, và đặc biệt là Mini Rex trên đường Lê Lợi (cũng của gia đình bà Ưng Thi), ấm cúng sang trọng và hiện đại bậc nhất thời đó.

Rạp Mini Rex sinh sau đẻ muộn vào những năm đầu của thập niên 70. Thuộc vào hạng sang nhất Sài Gòn, rạp rất nhỏ nhưng ghế ngồi rất lớn. Thành ghế dựa lưng thật cao nên dẫn đào vào đây quá lý tưởng. Người ngồi hàng ghế phía sau hoàn toàn không thấy cái đầu của người ngồi hàng ghế phía trước, tha hồ mà du dương!

Sau năm 1975, Rạp Mini Rex A & B trở thành khách sạn Rex.

23-Rạp Thành Xương (Rạp Diên Hồng) – góc đường Phạm Ngũ Lão và đường Yersin. Rạp nằm gần đình Cầu Quan. Sau này trở thành rạp cinê và đổi tên thành rạp Diên Hồng.

Rạp Thành Xương ngày xưa

Rạp Thành Xương sau năm 1975

24-Rạp Vĩnh Lợi – 121 đường Lê Lợi, quận 1

Đi tới ngã tư Lê Lợi và Công Lý là rạp Vĩnh Lợi, bên cạnh bệnh viện Sài Gòn.

Theo tài liệu số 26: “Một chuyện mới lạ nữa đối với tôi (Huy Phương) là hai rạp chiếu bóng thường trực (mà chúng tôi hay gọi là ciné permanente) rạp Bonard trên đường Bonard trước cửa chợ Bến Thành gần bệnh viện Sàigòn, sau ngày Bonard đổi thành đường Lê Lợi thì rạp hát đổi thành Vĩnh Lợi để khỏi trùng tên với rạp Lê Lợi, cũng chiếu thường trực trên đường Lê Thánh Tôn sau lưng chợ Bến Thành.

A! Thì ra đây là một cái rạp hát chiếu một phim liên tục từ 9 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm, mua vé vào lúc nào cũng được ở chết trong đó hay coi nửa phim bỏ ra cũng chẳng sao. Nên thường là chúng ta coi đoạn kết trước đoạn mở đầu, y như thời xưa giở cuốn tiểu thuyết, nóng lòng xem đoạn kết trước để xem hai nhân vật cuối cùng có lấy nhau không?

Vào thời đó, những năm đầu thập niên 50, phần lớn phim chiếu là những cuốn phim đen trắng, cũ khoảng một hai năm, nhưng là những cuốn phim nổi tiếng như “La valse dans l’hombre” (Waterloo Bridge) do Vivien Leigh và Robert Taylor đóng vai chính hay coi “Tant qu’il y aura des hommes” (From Here to Eternity) để nghe Montgomerey Clift thổi kèn truy điệu. Những phim này chúng tôi xem đi xem lại cả chục lần!

“Cinema permanent” là nơi cho những cặp tình nhân hẹn hò hay cho tụi học sinh trốn học, trong rạp không thiếu những cô cậu, áo dài hay sơ mi trắng tay ôm cặp. Ở rạp Bonard (Vĩnh Lợi) lại là nơi cho những cặp đồng tính gặp gỡ trong bóng tối đồng loã của rạp hát, và đã có người bị sờ soạn bất ngờ.

Có một điều gây ấn tượng lâu đời cho tôi, là ở rạp Vĩnh Lợi, sau năm 1954, người ngồi bán vé ở guichet là một thiếu phụ đặc biệt luôn luôn mặc áo dài đen và quấn ruban đen mà tôi có cảm tưởng như là một người quả phụ đang để tang chồng. Năm, bảy năm sau, khi tôi bước vào đời, đi nhiều nơi, một ngày trở lại Saigon, tôi vẫn thấy người đàn bà ấy ngồi sau ô cửa bán vé. Cuộc sống ở đây hình như không có gì thay đổi, sao dời và vật chẳng hề đổi“.

Khoảng đầu thập niên 60, rạp Vĩnh Lợi bị bọn khủng bố Việt cộng ném lựu đạn & đặt chất nổ trong rạp, may mắn gần bệnh viện Sài Gòn nên các nạn nhân chỉ cần bước vài bước được cấp cứu ngay.

Nếu như Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì rạp Vĩnh Lợi có quán cơm Thanh Bạch cũng nổi danh không kém.

Sau năm 1975, rạp Vĩnh Lợi chuyển thành showroom xe hơi của hãng Daewoo rồi nay thành sàn giao dịch chứng khoán.

Đi về khu vực chợ Thái Bình có khá nhiều rạp như sau:

25-Rạp Khải Hoàn ngay góc đường Cống Quỳnh và đường Phạm Ngũ Lão, quận 2

Rạp Khải Hoàn trước năm 1975

Rạp này thường chiếu phim Tây. Coi được nhưng kẹt cái thiếu máy lạnh, ai vào xem cũng cứ muốn… ‘yêu nhau cởi áo cho nhau’.

Nơi đây thường hay chiếu những phim đặc dị như phim: “Cây Nhân Sinh”, “Con Quỷ Đường Nhà Xác”, “Dracula”… thường câu khách bằng việc treo bảng “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi”.

Sau năm 1975, rạp Khải Hoàn “chia” cho nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, giờ đã trở thành trung tâm điện máy.

26-Rạp Long Duyên – đường Hồ Văn Ngà, quận 2

27- Rạp Quốc Thanh – 271 đường Nguyễn Trãi, quận 2

Nằm đối diện Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia. Rạp khá khang trang, sau trở thành sân khấu cải lương mà đoàn Dạ Lý Hương đóng đô thường trực.

Sau năm 1975, rạp Quốc Thanh trở thành Trung tâm giải trí văn hóa Quốc Thanh.

28-Rạp Thăng Long – 148 đường Cống Quỳnh, quận 2

Hiện tại đã bị đập và xây thành khu hổn hợp.

29-Rạp Thanh Bình (Rạp Quốc Tế) – 343 đường Phạm Ngũ Lão, quận 2

Trước năm 1975, rạp Thanh Bình sửa sang lại thật lịch sự và đổi tên là rạp Quốc Tế. Rạp Quốc Tế này là nơi đầu tiên trang bị màn hình chiếu cong 72 li hiện đại nhất bấy giờ, chiếu những bộ phim hành động với hình ảnh đại vỉ tuyến vô cùng đẹp mắt.Rạp Thành Bình có một tủ kiếng chưng bày các đồ bỏ quên của khán giả như là mắt kiếng, bóp, vi.. để khán giả trở lại tìm.

Một kỷ niệm đẹp mà dân Sài Gòn dành cho rạp hát Quốc Tế và phim Hollywood : Theo tài liệu số 1 : « « Vài năm sau 1975, ngụy quyền cs việt nam cho phép rạp hát này chiếu phim “Samson và nàng Dalilah”, như là một loại phim tư liệu. Dù là phim khá xưa, nhưng phim này cũng gây được cơn sốt vé khủng khiếp khi hàng nghìn người chen chúc nhau để mua cho được vé vào xem suốt thời gian chiếu phim » ».

Sau năm 1975, rạp Thanh Bình (rạp Quốc tế) bị đập nát, nay vừa mới xây thành Trung tâm Văn hóa Thương mại quốc tế International Plaza.

30-Rạp Khu Dân Sinh– đường Yersin, quận 2.

Rạp hát này không có tên hiệu như các rạp hát khác. Để tiện việc trình bày, tác giả tài liệu CNH xin xử dụng tên tòa nhà Khu Dân Sinh mà ở trong đó rạp hát này đã được xây lên và hoạt động.

Đoạn văn sau đây được trích từ tài liệu số 28 : « « Diện tích khu Dân Sinh khá lớn rộng, 4 con đường bao quanh: Yersin-Nguyễn Công Trứ-Ký Con-Nguyễn Văn Sâm. Lối vào Khu Dân Sinh, mặt trước ở đường Yersin, mặt sau ở đường Nguyễn Công Trứ.

Khu Dân Sinh thuở trước in đậm trong ký ức một thời học trò ở Sài Gòn.Chúng tôi học sinh trường trung học Chu Văn An, vẫn thường “cúp cua” để rủ các bạn thân học tại trường Nguyễn Văn Khuê (sau đổi tên là trường Bồ Ðề) chỉ cách Khu Dân Sinh chừng vài trăm mét, vào Khu Dân Sinh xem chiếu phim thường trực “cinéma permanent”.Rạp chiếu phim Dân Sinh nằm ở trung tâm của khu này, có máy lạnh mát rượi giữa Sài Gòn oi bức.

Chúng tôi không bỏ sót một phim Mỹ nào. Rạp chiếu phim Dân Sinh thường chiếu phim cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ – phim Western, với những người hùng cưỡi ngựa phi nước đại, bắn súng bằng cả hai tay, và phim tình cảm Ấn Ðộ rất cảm động, làm người xem rơi nước mắt; thỉnh thoảng rạp có trình diễn tuồng cải lương.

Người bạn của chúng tôi còn nhắc nhở: “Cậu có nhớ những lúc có pha đấu súng, người hùng rút súng nhanh như chớp, hạ gục đối phương rồi quay súng rất điệu nghệ; thì bọn học trò, gần như hầu hết khán giả trong rạp lúc đó là học trò, chúng mình đứng cả lên vỗ tay, những chiếc ghế gỗ bật lên rào rào. Lại mỗi khi đang chiếu bị đứt phim, màn ảnh hiện lên hai chữ ‘Cáo lỗi’, với dòng chữ ‘Tạm nghỉ 5 phút’ ”.

Người bạn này còn giữ được vài tờ chương trình “Programme,” trong đó có tờ nền màu xanh chữ đen, in hình tài tử Henry Fonda với hai tay hai khẩu súng. Người bạn đã lưu giữ tờ chương trình này khi xem chiếu phim Dũng Sĩ Với Ðôi Súng Bá Vàng (L’homme aux colt d’or) tại rạp Dân Sinh trong Khu Dân Sinh, cách đây đã hơn nửa thế kỷ » ».

Theo tài liệu số 29, thỉnh thoảng đoàn hát cải lương đến thuê rạp Khu Dân Sinh để trình diễn cho người dân quanh vùng.

Sau năm 1975, Khu Dân Sinh bị đổi tên thành chợ Dân Sinh một trung tâm buôn bán bình thường như các trung tâm buôn bán khác, rạp hát Khu Dân Sinh bị dẹp bỏ.

31-Rạp Văn Cầm – đường Trần Hưng Đạo, gần chợ Nancy, Chợ Quán.

Lúc đầu là rạp chiếu bóng sau đó được chuyển thành rạp cải lương cho các đòan cải lương về hát. Rạp Văn Cầm ngày trước có ở 3 địa điểm nhưng đều cùng 1 chủ:

– Văn Cầm, Phú Nhuận: ngay ngã ba đường Võ Di Nguy & Nguyễn Huỳnh Đức

– Văn Cầm, Chợ Quán: đường Trần Hưng Đạo, gần chợ Nancy.

– Văn Cầm, Thị Nghè: đường Pham Viết Chánh, Thị Nghè, gần trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây

Rạp Văn Cầm (Sài Gòn) đã ngưng hoạt động từ trước năm 1975. Về sau là đại lý Honda đầu tiên tại Việt Nam.

—->II-Khu vực Đakao-Tân Định

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Các rạp hát của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975 and tagged , , , . Bookmark the permalink.

13 Responses to Các rạp hát của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975 (2)

  1. TM says:

    TM xin cám ơn Nghia Nguyen rất nhiều, đã bỏ thời giờ đọc bài của TM và đã gợi ý thêm một rạp hát Văn Cầm, Quận Hốc Môn, Gia Định. TM đã tìm kiếm chi tiết về rạp này, nhưng chưa có kết quả. Nếu Nghia Nguyen có biết chi tiết, địa điểm hay hình ảnh rạp này, xin gửi cho để bổ túc bài.
    TM rất vui mừng được biết Nghia Nguyen cũng có ý khuyến khích ghi lại những ký ức đời sống ngày xưa thời VNCH. Trong cùng ý tưởng đó, TM đã có viết vài bài về Chơ, Bệnh Viện, Trường học, Nghĩa trang trước 1975, đã được đăng trên Bảo Vệ Cờ Vàng. Xin giới thiệu cùng Nghia Nguyen .

    Like

  2. Nghia Nguyen says:

    Nếu có chi tiết thì xin ghi thêm Rạp Hát Văn Cầm, Quận Hốc Môn, Gia Định cùng một chủ với các Rạp Văn Cầm và Rạp Hát Cẩm Vân. Sau năm 75, Rạp Hát Văn Cầm, Quận Hốc Môn được ông Văn Cầm sửa chửa và hát lại cho đến cuối năm 75 cũng như tất cà rạp hát bị tịch thu vì phim ành dùng để giáo dục nhân dân và tư nhân không được phép quản lý. Chân thành cảm ơn đã ghi lại những lịch sử này để những người xem phim trước năm 75 nhớ lại những kỷ niệm xa xưa ấy. Thời niên thiếu không biết gìn giử và tranh đấu cho giá trị của tự do.

    Like

  3. TM says:

    Cám ơn ông Ân đã để thời giờ quí báu để viết cho TM và những đọc giả khác của mạng Bảo Vệ Cờ Vàng thêm một vài chi tiết rất hữu ích.
    Tuy nhiên TM xin ông chỉ thêm cho một vài điểm mà TM chưa rõ:
    Ông viết trường trung học đô thị trong khi đó một đọc giả khác viết trung Học Đô Thành. Vậy thì Đô Thị và Đô Thành là một ?
    Ông viết : trung học đô thị quận 6 (hiệu trưởng Võ Văn Bé) và trung học đô thị quận 8 (hiệu trưởng Uông Đại Bằng). Tuy nhiên theo những tài liệu TM tham khảo trên mạng và đã dùng để viết bài các trường trung học thì đây là Trung Học Cộng Đồng Quận 6 và Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 ?

    Like

    • Cảm ơn TM. Có lẽ tôi lầm: đúng ra là Trung hoc công đồng Quận 6, Quân 8. Tuy nhiên các Trung Học Đô Thị, Trung Học Cộng Đồng hay Trung Học Tổng Hợp là các thí điểm cho các định hướng mới cho chương trình học của các em học sinh trung học nhưng cho đến 30/4/1975 người ta chưa thấy gì khác biệt với các trường trung học truyền thống.

      Like

  4. TM says:

    Cám ơn ông Ân đã cho bạn đọc 1 mẩu chuyện dính liếu tới 2 rạp hát Quốc Tế & Casino Sàigòn sau 75.
    Nhân dịp này, được biết ông là cựu giáo sư nhiều trường trung học ở Sàigòn-Gia Định, tôi xin được phép hỏi ông chi tiết về trường dưới đây viết bởi 1 đọc giả trên mạng Bảo Vệ Cờ Vàng :
    Trường Trung Học Đô Thành Quận 6.
    Trường nằm phía sau và sát vách với trường trung học Mạc Đỉnh Chi.
    Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trần Văn Sùng là hiệu trưởng
    Thành thật cảm ơn ông.
    TM tác giả bài các rạp hát & trường trung học

    Like

    • Trường trung học đô thị quận 6 là một trong các trường trung học đô thị được thành lập muộn màng trước ngày 30/4/1975 : nữ trung học đô thị Cô Giang, trung học đo thị quận 6 (hiệu trưởng Võ Văn Bé), trung học đô thị quận 7 (hiệu trưởng Võ Hồng Lạc), trung học đô thị quân 8 (hiệu trưởng Uông Đại Bằng). Tôi quen biết với hai anh Võ Văn Bé (đã mất) và anh Võ Hồng Lạc (hiện ở Mỹ), còn anh Uông Đại Bằng tôi chỉ nghe tên.
      Nếu tôi không lầm thì các trường trung học đô thị trực thuộc Sở Giáo Dục Đô Thành ?

      Like

  5. CÂU CHUYÊN LIÊN QUAN ĐẾN HAI RẠP HÁT QUỐC TẾ VÀ CASINO SAIGON SAU 1975

    Năm 1984, sau chuyến vượt biên thất bại, gia đình tôi bị bắt và khi được thả ra tôi được một người quen gIới thiệu thuê nhà ông Mạnh trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (quận 2 trước 75) đối diện rạp xi nê Quốc Tế (thanh Bình cũ) mở một quán nhậu dưới hình thức Cửa Hàng Ăn Uống Hợp Doanh Phường Phạm Ngũ Lão quận 1 (tôi từng mở quán nhậu Chim Sẻ có chút ít tiếng tăm ở quận 4 trước khi vượt biên). Ông Mạnh là một người miền Nam, dân Chợ Đũi, Sài Gòn, tâp kết ra Bắc (ông kể tôi nghe vì ham vui lúc 15 tuổi theo người ta làm chuyến viễn du hơn 20 năm), có vợ là một bà Bắc cao và to hơn ông gấp đôi. Ông là giám đốc hãng Nissan (lò giết mỗ heo quốc doanh) và là đại biểu hội đồng nhân dân thành phố. Kể ra, ông Mạnh bản chất cũng hiền lành nhưng bà vợ thì không hỗ danh một người phụ nữ đất Bắc, giọng nói to hơn loa phường. Ông Mạnh giúp tôi làm hợp đồng với hợp tác xã phường để mở .cửa hàng.ăn uống.
    Thời gian đó, anh giám đốc rạp Quốc Tế (tôi đã quên tên) cùng chú Hồng (tôi gọi bằng chú vì nhỏ tuổi hơn tôi), phó giấm đốc và ông bảo vệ già là những khách hàng thường trực của quán tôi. Anh giám đốc và chú Hồng là dân Củ Chi chắc trong chiến tranh là du kích ở đó. Anh giám đốc đó đã có vợ con nhưng lại cặp bồ với chị giám đốc rạp Vinh Quang (Casino Saigon cũ) và anh thường dẫn chị ta vào quán tôi ăn uống. Chị này tuy vẫn mặc quần đen, áo bà ba theo đúng truyền thống “nữ chiến sĩ cách mạng” nhưng đều bằng hàng đắt tiền, đeo nữ trang đầy đủ trên cổ, trên cổ tay và ngón tay, móng tay sơn đỏ choét và người lúc nào cũng toat mùi nước hoa. Mặt mày trông cũng khá tuy dáng người hơi kịch cợm (gốc nông dân mà!). Lần nào vào quán tôi, hai ông bà giám đốc ngồi “tâm sự’ hàng mấy tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng anh giám đốc rạp quốc Tế cũng có dẫn vợ anh ta đến quán tôi, chị này trông có vẻ hiền từ và có lẽ chỉ là dân thường chứ không phải là cán bộ như chị giám đốc rạp Quốc Tế.
    Nhờ quen với giám đốc các rạp lớn đó nên vợ chồng tôi đi xem phim ở hai rạp Quốc tế và Vinh Quang khỏi tốn tiền mua vé. Không biết giờ đây hai người đó có được “thăng quan, tiến chức” gì cao hơn hay là dã bị vắt chanh bỏ vỏ như hầu hết những cán bộ gốc miền Nam hiện nay.
    Riêng khu nhà ông Mạnh xưa kia là cư xá hỏa xa nằm trong khu vực ga xe lửa Sài Gòn, sau này đã bị giải toả để xây công viên 23/9. Gia đình ông ấy trôi dạt về đâu tôi cũng không rõ.

    Like

  6. Te Nguyen says:

    Theo tôi nhớ tuy không nhớ rõ năm nào, rạp Việt Long được sửa sang và đổi tên là Văn Hoa SG và Mini Văn Hoa cho tới ngày mất nước. Phim cuối cùng chiếu tại VH SG là phim ‘Gun Fight At The OK Corral’.

    Like

    • Vinh says:

      Neu tôi con nho ro thi rap Viet Long duoc sua sang và doi tên là Van Hoa SG vào cuoi nam 1969.Luc do tôi moi 8 tuoi nhung nho dai.Phim dau tiên chieu tai Van Hoa SG là phim cua Phap tên là Le Cerveau do tài tu noi tieng cua Phap là Jean-Paul Belmondo dong.Phim thu nhi là phim cowboy cua My hay Y,tôi kô nho ro.Den phim thu ba ve sau là phim Tàu vi là xom binh dân nên chieu phim Tàu khach dong nhieu hon.Da hon 50 nam nên tôi kô nho ro ràng rap Van Hoa SG khai truong chinh xac nam nào (1969-1970) nhung phim dau tiên là phim Le Cerveau dich tên tieng Viet là Tu Kiet Dong Hành.Tôi dam ca bao nhiêu cung duoc.

      Rap Van Hoa SG sua sang và doi tên là Capitol vào nam 1974.Tôi kô nho ro là chu Capitol co thêm chu e hay kô tuc là Capitole theo tieng Phap.Mini Capitol cung khai truong vào nam 1974 canh rap Capitol.Tôi thac mac vi kô biet Van Hoa SG và Van Hoa Dakao co cùng chu hay kô?

      Like

  7. TM says:

    Cảm ơn Ray đã bỏ thời giờ đọc hết bài các Rạp Hát của TM để thấy còn thiếu và bổ túc thêm 1 rạp hát.
    Ngoài ra còn điều chỉnh lại tên rạp Trung Hoa thành rạp Trung Hu?ng . Xin Ray cho lại tên rạp nầy.
    Nếu Ray có pictures của 2 rạp này xin cho thêm. Cảm ơn.
    TM

    Like

    • phuc minh nguyen says:

      Con xin chào Cô/Chú,
      Con tên là phuc nguyen. Con xin góp ý một chút thông tin về rạp hát Thủ Đô, chuyên hát cải lương. Người chủ rạp hát tên là Nguyễn Tấn Đức, xuất thân là nha sĩ du học bên Pháp về. Cùng thời với vợ chồng bác sĩ Lương Phán – Nguyễn Thị Lợi và ông Trần văn Khê.
      Ông Đức và bà Lợi là chị em ruột. Bà Lợi thứ tư. Ông nội con là thứ chín. Quê quán thuộc tổng Long Hưng, Trung Quận, Chợ Lớn. Ông Đức còn là chủ rạp Tân Việt trên đường Đồng Khánh.
      Rạp Thủ Đô (Eden Chợ Lớn) có trước rồi xây rạp Tân Việt sau này.
      Ông Đức còn là chủ chung cư Canberra (cho lính Úc thuên nên gọi là Canberra) và khách sạn Thủ Đô.
      Sau năm 1975, do không hợp tác với chính quyền Cộng sản nên bị tịch thu và đi cải tạo một thời gian. Sau đó nhờ quen biết nên được về. Đồng thời khoảng năm 1988-1990, gia đình có lo tiền và đòi lại được rạp hát Thủ Đô và khách sạn Thủ Đô, nhưng trên danh nghĩa là liên doanh với nhà nước, không được phép sang nhượng. Còn rạp Tân Việt và chung cư Canberra thì mất trắng, không đòi lại được.
      Con xin cám ơn Cô/Chú.

      Like

      • Lê Thy says:

        Chào cháu Phúc,

        Cô Lê Thy thay mặt tác giả cám ơn cháu đã cho biết thêm về những chi tiết quí giá của rạp Thủ Đô.

        Vì cháu đánh máy tiếng Việt không bỏ dấu nên cô đã mạn phép đánh máy lại cho người đọc dễ hiểu hơn.
        LT

        Like

  8. Ray says:

    Hinh nhu Ba.n da? quen Rap Da.i Quang Minh trong hem? duong Dong Khanh o Q5 gan Nha` hang Ngoc Lan Dinh` khu’c den` 5 ngo.n.

    Rap o gan Nha` Tho Cha Tam Phan Xi Co la` Rap Trung Hu*ng… ko phai Rap Trung Hoa.

    Like

Ý kiến - Trả lời