GIÂY BÍ RỢ (Nguyễn Vỹ)

-VIII-

Tính theo tuổi ta thì Bình Minh đã bốn tuổi. Còn tính theo ‘‘tuổi Tây’’ thì hôm nay mới đúng ba tuổi. Vì theo tuổi ta cứ đến Tết là một tuổi, nhưng Thanh không thích lối tuổi ăn gian ấy, nên cô tính theo tuổi Tây. Hôm nay mới thiệt là ngày sanh nhựt đúng ba tuổi của bé Bình Minh.

Bác sĩ Long được thơ Thanh, sáng ngày ấy đã lái xe đến nhà Thanh thật sớm. Bác sĩ lấy ra đủ các thứ quà bánh, áo quần và đồ chơi tặng Bé. Bé mừng ríu rít

– Cảm ơn Bác ạ – Thưa Bác su-cu-la ngon lắm ạ …Thưa Bác, con búp bê đẹp quá ạ…

Thanh và Bác sĩ cười rất thân mật vui vẻ. Thằng Cùi cũng lăng xăng, được Bác sĩ cho nhiều quà và quần áo, nó mừng hú hí.

Từ sáng sớm Thanh đã lấy bộ quần áo bà ba bằng lụa mà Thanh vừa mới may cho kịp ngày sinh nhật để thay cho Bé. Nhưng Thanh thấy trong đống quà của Bác sĩ có một gói giấy bóng xinh xắn buộc chỉ xanh có thắt nơ xanh màu lá mạ, Thanh mở ra thấy hai cái áo đầm mới thật đẹp của trẻ con, Thanh cười với bé:

– Nè, cái áo của Bác cho con đây nè. Đẹp quá hả con!

Thanh vội vàng cởi đồ bà ba lụa, mặc áo đầm mới cho bé, và cởi đôi dép cũ ra, mang vào đôi dép mới của Bác sĩ cho. Bé vui mừng sung sướng lắm. Thanh ngắm nghía khen và bảo bé:

– Con không cám ơn Bác, sao con?

Bé chắp tay cúi đầu:

– Cảm ơn Bác ạ!

Bác sĩ cúi xuống ôm xốc bé lên, hôn bé thật nhiều. Bé tươi như hoa, và tự nhiên không ai bảo, bé áp má vào má Bác sĩ, hôn Bác sĩ. Thanh đứng cạnh Bác sĩ, nhìn cảnh âu yếm ấy, lòng xôn xao cảm động…

Hôm nay, sẵn đúng ngày chúa nhựt, Thanh mời Bác sĩ ở dùng cơm trưa với Thanh:

– Nhơn mừng ngày lễ sinh nhựt của Bình Minh, và biết Bác sĩ không chê cảnh nghèo, nên tôi mới dám mời…

Bác sĩ Long cười:

– Hân hạnh lắm chớ!

– Chỉ cơm rau và canh bí rợ thôi, Bác sĩ à!

– Càng hân hạnh lắm !

Trong lúc thằng Cùi sửa soạn gánh nước, Thanh dắt bé Bình Minh ra sân sau hái bí, vui vẻ nói với Bác sĩ Long:

– Bác sĩ muốn xem giây bí rợ của thằng Cùi trồng không? Đẹp lắm, xanh tốt lạ thưòng !

Bác sĩ trông thấy đám bí, trầm trồ khen:

– Chà ! Vườn bí tốt quá !

Bác sĩ Long có mang máy hình theo, sẵn đó, ông hỏi Thanh:

– Hôm nay Thanh định chụp hình cho Bé để làm kỷ niệm chớ?

– Dạ, tôi định chút nữa thằng Cùi gánh nước xong, nó sẽ đi chợ mua chút ít thực phẩm, kêu luôn người thợ chụp hình đến chụp cho bé một tấm thật đẹp để tặng Bác sĩ, và để làm kỷ nỉệm. Không ngờ Bác sĩ có đem máy hình theo !

– Máy này tốt lắm. Tôi cũng mới lắp cuộn phim mới. Nào Bé đứng chỗ giây bí rợ, để Bác chụp cho Bé cái hình nào!

Bình Minh ngoan ngoãn ra đứng một chỗ theo Bác sĩ chỉ, ông chụp một tấm xong, bảo Thanh:

– Thanh muốn chụp chung với cháu không?

– Dạ có.

Thanh âu yếm cầm tay bé, đứng bên giây bí rợ. Chụp xong, Bác sĩ kêu thằng Cùi:

– Cùi vô đây, em !

Quay lại Thanh, Bác sĩ nói:

– Thanh chụp chung một cái với thằng Cùi và Bé nhé?

– Dạ.

Thanh ẵm bé Bình Minh lên tay, Bình Minh quyến luyến ngả đầu vào đầu ‘‘má’’. Thằng Cùi đứng cạnh cô Hai. Nó cười dễ thương lắm. Bác sĩ bấm cái ‘‘tách’’.

Thằng Cùi hớn hở, lại chạy đi gánh nước,

Bác sĩ chụp riêng một mình Thanh một tấm cuối cùng.

Xong, Thanh và Bác sĩ đi song song vô đám bí rợ, Bình Minh nắm áo Má, đi theo một bên. Thanh hái các nụ bí để chút nữa nấu canh, vừa nói chuyện với Bác sĩ ;

– Bác sĩ muốn biết lịch sử giây bí rợ này không? Nói đáng ra thì cũng chẳng phải là một lịch sử mới mẻ gì. Vì Bác sĩ đã biết rằng Bình Minh lúc chào đời nằm trên một lá bí rợ. Theo ý nghĩa ấy, hôm lễ Thôi nôi của cháu, tôi có bảo thằng Cùi đi bứng một giây bí rợ về trồng. Nhưng có điều tôi rất thắc mắc từ một năm nay mỗi khi tôi nhìn giây bí, là cái màu xanh tươi phi thường của nó. Từ khi giây bí mới trồng đến khi nó thật lớn, nghĩa là trong thời gian hai năm, giây bí này vẫn sống hoài, nhưng yếu ớt vàng vọt, không tốt. Nó chỉ ra nụ ít thôi, còn trái thì chỉ được vài ba trái ốm teo ốm nhách. Nhiều lần tôi đã muốn nhổ bỏ vì nó cằn cỗi mà rụng lá ủa thêm bẩn. Nhưng thằng Cùi năn nỉ tôi để lại. Nó nói nó sẽ tưới nước thật nhiều mỗi ngày để coi giây bí sẽ tốt hơn không, vì nó tiếc công nó đi bứng một giây bí con về trồng để làm kỷ niệm. Có lần nó bảo:

– Thưa cô Hai, tại con nhỏ này đẻ hoang, cha mẹ nó thất đức, cho nên giây bí không tốt đó !

Tôi, thì tôi cho rằng một là tại giống bí không tốt hai là tại đất ở đây không được phì nhiêu. Hoặc thiếu phân bón, hoặc đất không hạp với giống bí rợ. Nhưng gần năm nay giây bí bỗng đâm chòi nứt lá, rồi phát lên tươi tốt phi thường. Mỗi ngày nó mỗi tươi thêm, đâm thêm ra nhiều nhánh, nhiêu giây, ràng rịt chật hết chỗ đất này, và trái thật nhiều, thật lớn, trái nào trái nấy cũng nặng trên 10 ký là ít. Tôi rất đỗi hoang mang, không hiểu nhờ cái gì mà giây bí rợ bỗng dưng tốt tươi một cách lạ lùng như thế. Bà con cô bác trong làng thường đến chơi, ai trông thấy giây bí của tôi cũng phải ngạc nhiên! Trong làng cũng có nhiều nhà trồng bí rợ, nhưng không có của ai tốt tuơi đặc biệt như giây bí này. Bác sĩ xem, lá nó to bằng hai lá bí thường! Trái nó cũng lớn bằng hai trái bí của người ta! Tại sao vậy? Bác sĩ giỏi về khoa học, Bác sĩ thử tìm xem nguyên nhơn vì sao giây bí rợ nầy trước kia vàng vọt cằn cỗi, bỗng dưng mấy tháng nay đâm ra tươi tốt bất thường như thế?

Bác sĩ Long chăm chỉ nghe, rồi đáp :

– Có lẽ tại giây bí gặp được một thứ phân nào hạp với nó chăng?

– Tôi không hề bón phân gì cho nó khác hơn là phân heo. Nhưng trước kia cũng đã đổ phân heo mãi mà sao giây bí không xanh tươi? Nhờ thằng Cùi tưới nước hoài cho nên nó không chết đó là may!

– Nó có thể gặp được một thứ phân khác ở dưới đất, mà mình không biết.

– Dạ, có lẽ… Nhưng tại sao trước kia nó không gặp, mà bỗng dưng sau này nó mới gặp thử phân đó?

– Tại trước kia rễ của nó còn yếu, ăn xuống đất chưa được sâu, chưa được rộng, bây giờ lâu ngày rễ nó cứ đâm xa lần lần, sâu lần lần, rồi nó gặp một chất nào hạp với nó, thế là nó phát lên.

Bác sĩ trầm ngâm một lúc thật lâu, rồi nói tiếp :

– Xin lỗi Thanh, tôi đang đi lạc ra ngoài phạm vi khoa học phân tách và thí nghiệm (science analytique et expérimentale) và bước vô biên giới của khoa học ngoại nhơn sanh (science extra humaine) và khoa học huyền bí…

Thanh mỉm cười khôi hài:

– Khoa học huyền bí? Tại sao lại có chuyện khoa học huyền bí ở đây? Tôi không mê tín dị đoan đâu, Bác sĩ nhé!

– Không, đây không phải là mê tín dị đoan. Hai khoa học khác nhau, bởi nó chi phối hai thế giới khác nhau: thế giới linh hồn (le monđe mental) và thế giới nhãn chất (le monde visuel). Nhưng tuy khác nhau, hai thế giới vẫn có liên quan mật thiết với nhau lắm. Tin hay không tin, là tùy theo quan niệm riêng của mỗi người. Nhưng nó vẫn có. Riêng tôi, tôi đã có thí nghiệm về khoa học huyền bí, và tôi đã khám phá được nhiều trạng thái rất xác thực của nó. Nhơn chuyện giây bí rợ này, tôi nhớ có một ngày đã lâu, hình như năm ngoái thì phải, Thanh có kể chuyện cho tôi nghe về lời tiên tri của một bà Cốt… Thanh còn nhớ không nhỉ?

– Dạ, có. Nhưng tôi cũng ít nghĩ tới, nên gần như quên hẳn. Nay Bác sĩ nhắc lại, tôi mới nhớ. Nhưng lờí bà Cốt nói, có quan hệ gì đến giây bí rợ này?

– Quan hệ hay không, chúng ta chưa bàn tới. Đây chúng ta chỉ tìm manh mối một sự kiện lạ thường có lẽ liên quan đến giây bí rợ chăng? Nếu tôi nhớ kỹ, thì hôm ấy cô thất vọng vì không biết tin tức của Ba cô ở đâu, nên cô có tìm đến hỏi bà Cốt tuy cô không tin nơi bà. Bà Cốt có nói : ‘‘Ông thân của tuổi Tỵ nầy hiện ở cõi hư không. Nhưng không sao, trong ba năm nữa, tuổi Tỵ này sẽ gặp lại ông thân’’. Có phải là bà Cốt nói như vậy không?

– Dạ, phải..

– Nghĩa là nếu bà Cốt nói một cách dễ hiểu hơn thì Ba cô chết rồi, (ở cõi hư không ) nhưng ba năm nữa cô sẽ tìm thấy xác Ba được. Điều ngẫu nhiên là năm nay đúng năm thứ ba, kể từ ngày bà Cốt nói với Thanh, có phải không?

– Dạ phải.

– Thanh xem, chuyện gì của Thanh nói với tôi, tôi đều nhớ rõ từng chi tiết!… Bây giờ chúng ta cùng đặt ra vài yếu tố giản dị của bài toán huyền bí nầy, theo thứ tự kể tiếp của nó :

1.- Thanh bị lính thân binh bắt. Ba cũng bị đêm đó, nhưng không bị bắt cùng một lượt với Thanh. Thanh bị trói tay dẫn đi trước. Ra sân Thanh còn nghe tiếng xô xát ở trong nhà và tiếng của Ba kêu la rồi im bẵng.

2.- Lúc Thanh được tha về thì không tìm được dấu tích của Ba bị giam tại đâu, hay bị chết chỗ nào.

3.- Thanh đến hỏi bà Cốt. Bà nói Ba đã chết rồi, ba năm nữa sẽ tìm thấy xác.

4.- Kế đó thằng Cùi xí được đứa hài nhi đẻ hoang bỏ nằm trên lá bí rợ.

5.- Một năm sau, vô tình Thanh biểu thằng Cùi bứng giây bí về trồng, để kỷ niệm ngày sanh của Bé.

6.- Hai năm, giây bí cứ héo hoài, không lớn.

7. – Năm thứ ba, là năm nay, giây bí bỗng phát lên tươi tốt lạ thường.

Đó là bảy yếu tố quan trọng để cho ta tìm hiểu cái bí mật. Thanh có thấy mọi liên quan của các yếu tố đó với giây bí rợ này không?

Thanh lặng thinh chăm chú nghe, đôi mắt Thanh như dính chặt trên môi Bác sĩ. Thanh kinh ngạc trước những phân tách, vừa cụ thể vừa huyền bí, của nhà bác học trẻ tuổi. Bác sĩ Long nói tiếp:

– Thanh à, tôi chắc Thanh đã nhận thấy mối liên quan ly kỳ giữa khoa học … huyền bí với khoa học phân tách thí nghiệm …

Thanh càng hoang mang, đáp:

– Tôi chưa nhận thấy rõ Bác sĩ muốn kết luận như thế nào ?

– Giây bí rợ xanh tươi kỳ quặc kia, như tôi đã nói lúc nãy, không có gì là huyền bí cả. Nguyên do bộc phát của nó là tại ở dưới đất các rễ của nó ăn sâu và rộng ra chung quanh đã gặp một chất phân gì lạ thường, nhờ đó nó mới đâm chòi nẩy lộc xanh tươi lên đột ngột như thế. Đó là khoa học phân tách thí nghiệm, Nhưng ta thử hỏi: chất gì lạ thường ở dưới gốc giây bí? Lời tiên đoán của bà Cốt để cho chúng ta phải suy xét tận gốc rễ … dựa theo những yếu tố đã đặt ra lúc nãy để tìm ra manh mối…

Thanh lặng thinh nghe chưa hiểu rõ ý Bác sĩ Long muốn nói gì. Nhưng tự nhiên cô thấy lành lạnh trong người, cô bồi hồi lo sợ, mặt cô tái mét, mắt cô chòng chọc ngó Bác sĩ như chờ đợi ông phát giác ra một bí mật gì ghê gớm lắm… Bác sĩ Long đăm đăm nhìn gốc giây bí rợ, gương mặt ông như sầm tối lại, với giọng nói âm u mờ mịt, ông chậm rãi bảo :

– Giây bí rợ trồng ở chỗ nầy hai năm không tươi tốt được. Nhưng bây giờ bỗng nó phát lên xanh tươi lạ thường vì rễ nó đã ăn sâu rộng ra đến chung quanh nơi đây… gặp một chất phân lạ… chất phân lạ nầy là gì? Dựa theo lời tiên tri của bà Cốt, lại xét đến trường hợp bí mật trong vụ Ba cô bị biệt tin, thì…

Thanh bỗng thấy hình như mọi vật đều sẩm tối trước mắt cô, đầu óc như quây cuồng… Cô hỏi nho nhỏ, vừa muốn run, muốn xỉu:

– Bác sĩ à, có phải Bác sĩ ngờ rằng Ba tôi bị ai giết… đã 3 năm nay, và chôn xác… gần nơi… gốc giây bí rợ nầy chăng?

– Có lẽ vậy, nhưng chỉ là một nghi vấn… Tìm nguyên do tại sao giây bí rợ tốt tươi phi thường chúng ta có thể tin rằng tại gần gốc bí rợ có một xác chết chôn dưới lâu ngày thành phân tốt bón cho rễ bí. Chúng ta nghĩ rằng đó là xác chết của Ba chôn gần đâu đây, đã 3 năm nay.

– Có lẽ…Bác sĩ đoán đúng…

– Đúng hay không đúng, ngày mai Thanh cho đào đất quanh góc bí, để xem thử…

– Tôi muốn kêu người đến đào ngay bây giờ.

– Không nên, Thanh à. Thanh đừng quên rằng hôm nay là lễ sanh nhựt của bé Bình Minh, đứa bé không cha không mẹ, được Thanh cứu sống cho đến bây giờ. Nên để cho qua ngày đẹp đẽ vui mừng của Bé…

***

Sáng sớm hôm sau Thanh và thằng Cùi cuốc đất chung quanh gốc giây bí rợ. Giây bí trồng sát hè sau bếp. Cạnh gốc bí chừng năm bước, có kê một lu nước uống, một thùng nước cơm, và một máng heo ăn. Ba vật này sắp ngay hàng thẳng lối, có thứ tự, và để y nguyên một chỗ từ bao lâu nay cho đến bây giờ.

Thanh và thằng Cùi cuốc chung quanh gốc bí cách xa một hai bước vẫn không thấy gì. Thanh mệt quá, bỏ cuốc ngồi nghỉ. Hai anh nông dân ở gần xóm đến hỏi Thanh bán cho một trái bí rợ. Từ khi giây bí của cô có nhiều trái, bà con trong làng vẫn đến mua, vì cô bán rẻ.

Thấy cuốc đất, một anh hỏi:

– Cô Hai cuốc đất trồng thứ chi đó, cô Hai?

Thọat tiên Thanh không muốn nói. Nhưng Thanh nghĩ lại, nên nói thật cho họ biết:

– Tôi nghi ngờ có… cái chi ở dưới đất, giây bí mới tốt tươi quá được như vậy. Tôi cuốc đất coi thử.

Người nông dân thật thà bảo:

– Tại giống bí này tốt thì nó tốt, chớ có chi đâu cô Hai !

– Bác sĩ Long nghi có ai giết Ba tôi và chôn xác Ba tôi gần gốc giây bí rợ, lâu ngày thành thứ phân tốt bón cho giây bí, cho nên nó mới xanh tươi kỳ quặc vậy đó. Tôi muốn đào đất lên coi.

Hai anh nông dân xầm xì với cô Thanh về vụ ông Bảy bị biệt tích ba năm nay một cách rất bí mật. Dư luận trong làng vẫn xôn xao bàn tán, nhưng không ai dám quả quyết chỉ danh kẻ thủ phạm. Sẵn cơ hội này, hai anh nông dân bảo cô Thanh:

– Tụi tui đào sâu xuống coi, nghe cô Hai? Phải đào sâu xuống mới biết được, cô Hai à.

– Dạ, nhờ hai anh giúp cho.

Hai người cầm cuốc nỗ lực đào chung quanh gốc bí. Vừa cuốc xa chừng hai bước, một anh kêu cô Thanh:

– Nè, cô coi, cô Hai. Đất chỗ nầy cái màu nó đen đen, cô thấy hông?

– Dạ, thấy.

Anh nầy kêu anh nông dân thứ hai đang cuốc phía khác:

– Chú Tâm, chú bỏ chỗ đó, lại phụ tui đàng này coi.

Chú Tâm xách cuốc lại:

– Đào kế theo đây phải hông, anh Tư?

– Chú với thằng Cùi khiêng lu nước để ra chỗ khác đi. Thùng nước cơm với cái máng heo cũng đem dời ra ngoài, rồi đào chỗ đó coi !

Cô Thanh phụ với hai người khiêng lu nước uống để xích ra ngoài xa. Thùng nước cơm và máng heo cũng dời đi. Anh Tư và chú Tám cuốc lần tới chỗ đất ướt ẩm ấy.

Bỗng anh hoảng hốt kêu cô Thanh…

Anh vừa thấy lộ hẳn ra hai ống xương người… Anh Tư không dám cuốc nữa.

Cô Thanh tái mặt, lật đật bảo thằng Cùi chạy đi báo cáo với Hương Quản và viên chức hội tề, mời họ đến chứng kiến cuộc khám phá ghê rợn.

Nửa giờ sau túp nhà lá của cô Thanh đông nghẹt người ta. Với sự hiện diện của Hương Quản, Hương Hào và đông đủ viên chức, cuộc đào đất tiếp tục mãi đến trưa, giữa đám dân chúng trong làng, già trẻ lớn bé, đứng chen chúc chung quanh im lặng và kinh tởm.

Dưới nắng oi ả, sáu anh nông phu lực lưỡng, ở trần, mặc quần đùi đen, mồ hôi chảy ướt đẩm cả mình mẩy, lui cui đào một vùng đất chung quanh xác chết rục đã lâu ngày. Tất cả đàn bà con gái, nhứt là các cụ già, chứng kiến cảnh tượng rùng rợn bi thương ấy, đều khóc sùi sụt, thật là cảm động. Cô Thanh liền té xỉu xuống, hai tay bám chặt lấy đống đất, kêu khóc ‘‘Ba ơi là ba ơi !…’’ Rất là thê thảm,

Hương Quản và các viên chức trong làng bàn nghị rằng thủ phạm vụ ám sát này ít nhứt là hai người. Họ đã giết ông Bảy ở trong nhà rồi đem ra sân bếp. Họ khiêng lu nước uống, thùng nước cơm và máng heo để ra một bên. Họ đào lỗ ngay chỗ đất ấy, bỏ xác ông già xuống, lấp đất lại, rồi họ khiêng lu nước, thùng nước cơm và máng heo để trở lại lên trên, đúng theo chỗ cũ, để đừng ai nghi ngờ và khám phá được.

Cô Thanh làm đơn thưa kẻ vô danh đã giết Ba cô và đem chôn dưới lu nước.

Hương Quản làm biên bản và lập tức lên tỉnh báo với biện lý. Biện lý nhờ Bác sĩ Long về xã khám nghiệm thi thể.

Sáng hôm sau Bác sĩ Long làm xong phận sự và kết luận trong bản tường trình rằng nạn nhân bị giết và chôn đã ba năm,

Hương Quản cho phép cô Thanh liệm xác Ba cô trong một chiếc quan tài tử tế. Thịt đã nát hết, chỉ còn xương. Bốn anh nông dân chịu khó hốt hết di hài vô chiếc hòm sơn đỏ. Và Bác sĩ cho rắc lên một lớp vôi bột. Bác sĩ Long và bà con hàng xóm lo giúp cô Thanh hoàn thành cuộc mai táng tại nghĩa địa trong làng. Đám tang thật vô cùng cảm động. Hầu hết dân làng đều đi đưa di cốt của ông Bảy, một vị kỳ lão hiền lành phước đức bị giết oan bởi bàn tay đẩm máu của kẻ sát nhân vô nhơn đạo. Không một người nào đi theo quan tài ông Bảy mà không ràn rụa nước mắt. Cô Thanh quỳ gục xuống nấm mồ mới đắp của cha, khóc la thảm thiết. Dư luận dân chúng phẩn uất, hỏi nhau:

– Ai giết ông Bảy ?

– Tại sao giết?

– Giết trong trường hợp nào?

Dĩ nhiên người ta đồng thanh nghi một người nhưng ai dám hở môi? Kẻ thủ phạm bị tình nghi chính là một người đang có ‘‘thế lực’’ !…

***

Biện lý giao nội vụ cho Ty Hành-cảnh lưu động của Công an tỉnh điều tra.

Một buổi sáng, trong phòng giấy ông cò, cô Nguyễn thị Thanh mặc tang phục bình tĩnh đứng trước mặt ông. Ông Cò kêu một thầy thư ký đánh máy ở phòng kế cận. Thầy ấy qua. Ông Cò bảo:

– Thầy ngồi đây chép những lời khai của cô này, rồi đưa tôi xem lại trước khi đánh máy.

– Dạ.

Trông thấy cô Thanh, thầy thư ký ngạc nhiên, nhoẻn miệng cười. Cô Thanh tỏ vẻ rất thản nhiên. Cuộc thẩm vấn bắt đầu.

Ông Cò Hành-cảnh lưu động hỏi:

– Cô có nghi cho ai giết Ba cô không?

Cô Thanh điềm nhiên trả lời:

– Thưa ông Cò, tôi có nghi một người. Xin ông Cò cho phép tôi kể lại câu chuyện xảy ra trước đây ba năm. Hồi đó là tháng Bảy năm 1949 tôi học ở trường tỉnh; về quê nghỉ hè. Có một người thanh niên trong xã, học ở Saigon cũng về nghỉ hè, đến dạm hỏi tôi…

Người thơ ký trừng mắt lên ngó cô. Cô Thanh điềm nhiên nói tiếp:

– Y dạm hỏi tôi ba bốn lần, đem bạc vàng châu báu ra đặng dụ dỗ tôi, nhưng tôi nhứt định không chịu. Y hăm dọa tôi, và dùng các phương tiện để buộc Ba tôi phải gả tôi cho y. Thấy tôi không ưng thuận, Ba tôi không nở ép. Một hôm y tới nhà tôi quyến rũ tôi nữa, tôi cương quyết từ chối thì y nhảy xổ vô tôi, định cưỡng hiếp tôi. Tôi chạy xuống bếp, y chạy theo chụp được tôi và xô tôi ngả xuống đất, xé rách áo của tôi. Tôi liền cắn tay y thật đau để y buông tôi ra… Thưa ông Cò, tôi chắc rằng dấu cắn của tôi hãy còn trên cổ tay của y vì tôi cắn thật sâu với tất cả hai hàm răng của tôi. Tôi thoát được ra hè, nhưng y còn chạy theo ôm được tôi, vật tôi xuống một lần nữa, nhưng Ba tôi thấy cảnh đau lòng, sợ tôi không chống cự nổi kẻ vũ phu, liền chạy vô bếp lấy con dao bén nhọn quăng trúng bàn tay y đứt mất một miếng da. Máu chảy nhiều quá, y mới chịu buông tôi ra và lật đật chạy về. Thưa ông Cò, tôi cũng chắc rằng trên bàn tay phải của y hãy còn cái thẹo. Kế đó ba hôm, một đêm tối trời Ba tôi đang ngủ, tôi đang ngồi bóp chưn cho Ba tôi, bỗng có ba tiếng súng nổ ngay trước nhà tôi, đạn bay vèo sát bên mái nhà. Hai người lính ‘‘thân binh’’ xô cửa vô, đi sau là hai người khác nữa. Một người chính là kẻ vũ phu trên kia. Lần này y vu cáo tôi làm việc phi pháp để y trả thù Ba tôi và tôi. Hai người lính còng tay tôi, dẫn tôi ra một chiếc xe jeep đậu ngoài đường. Nhưng vừa ra khỏi cửa, tôi nghe trong nhà Ba tôi hỏi: ‘‘Sao cậu dẫn lính về bắt con tôi?.’’ Tôi nghe rõ tiếng người ấy nói: ‘‘Còn thằng già nầy, bữa nay mầy biết tay tao !’’ Tôi chỉ nghe đến đó vì tôi đã bị lôi lên xe jeep chở đi mất. Ngay sáng hôm sau dân làng không thấy Ba tôi đâu nữa. Chính người nhà kẻ vũ phu ấy phao tin rằng Ba tôi bị sở Mật thám Pháp bắt lên Saigon rồi biệt tích. Sau khi viên Quan tư Thân binh xét tôi vô tội, thả tôi ra, tôi có lên Saigon ở một tháng để hỏi tin tức của Ba tôi, thì không đâu biết hết. Tôi có vào tận các cơ quan Quân sự và Mật thám Pháp hỏi nhưng không ai biết vụ ba tôi bị bắt bao giờ? Nhiều người Pháp ở Mật thám Liên bang lại cho rằng chuyện Mật thám Pháp bắt bớ Ba tôi trong trường hợp đó là hoàn toàn vô lý. Nhưng tôi không biết kêu oan ở đâu được!

Tôi đau khổ chờ đợi suốt 3 năm nay… Bỗng dưng, vì giây bí rợ…

Thanh kể rõ nguyên do và sao nhờ giây bí rợ mà Bác sĩ Long và Thanh đã khám phá ra được vết tích của Ba cô bị giết chôn đã 3 năm nay. Rồi cô kết luận:

– Thưa Ông Cò, tôi quả quyết rằng người thanh niên đã dạm hỏi tôi không được, thù Ba tôi và tôi nên một đêm tối trời, y dắt lính đến bắt tôi, và giết Ba tôi ở ngay tại nhà tôi, rồi đem chôn xác Ba tôi dưới lu nước sau bếp.

Người thư ký đang chép những lời khai của cô Thanh, bỗng dưng rút trong túi quần của y một khẩu súng sáu để lên trên bàn, trước mặt y. Ông Cò thấy vậy ngạc nhiên hỏi:

– Thầy làm cái gì vậy ?

– Dạ bị nó cấn cái ghế…

Ông Cò quay lại Thanh:

– Cô có biết người thanh niên đó hiện giờ làm nghề gì không?

– Thưa ông Cò, y làm nghề gì tôi không được biết.

– Cô có biết y ở đâu không?

– Dạ… có.

– Cô có thể cho tôi biết địa chỉ của y hoặc sở của y mần không?

– Thưa ông Cò, hiện y đang ngồi đây!

Thanh chỉ ngay người thư ký đang ngồi trước mặt ông.

Ông Cò hết sức kinh ngạc. Như một tiếng sét đánh vào tai, ông chưa tin được, nhưng vừa thấy người thư ký nắm khẩu súng lục nhắm bắn cô Thanh, ông Cò liền chụp tay y trong lúc viên đạn đã bay ra kêu một tiếng ‘‘chát !’’ bên cạnh đầu cô Thanh. Cô Thanh đứng né kịp ra một bên, và ông Cò cũng giựt được kịp khẩu súng.

Ông trố mắt hỏi Thanh:

– Chính thủ phạm là cậu thư ký nầy hả?

Thanh điềm nhiên trả lời:

– Dạ, thưa ông Cò, y là cậu Hai Ngọc, con thầy Cai Tổng đó.

***

Ra tòa, Ngọc nhìn nhận hết tội lỗi. Cậu khai người tòng phạm với cậu đã bị chết, trong một trận phục kích trên đường đi Châu Đốc trước đây ba tháng. Cậu nhìn nhận những vết thẹo hiện còn trên bàn tay và trên cổ tay cậu là dấu cắn của cô Thanh và vết dao của ông già cô. Cậu thú nhận rằng cậu đã vu cáo cho Thanh có liên lạc với địch, và dẫn lính bắt cô. Cậu cũng khai rằng cậu không cố ý giết ông Bảy, nhưng cậu đã lỡ đạp ông già một đạp quá mạnh, ông già té xuống đất, cậu đạp luôn hai đạp vô hông, và trên ngực, ông già chết tốt. Cậu và tòng phạm ra sau bếp khiêng lu nước để ra một bên, đào một lỗ sâu, bỏ xác ông già xuống, rồi lấp đất. Để khỏi bể chuyện, và đừng ai nghi ngờ được, hai người khiêng lu nước để lại chỗ cũ, ngay trên cái lỗ vừa lấp đất bằng phẳng lại. Muốn cho trong làng không ai rình thấy công việc cậu làm, trước đó và sau đó cậu và tòng phạm đã bắn mấy phát súng chỉ thiên để thị oai. Rồi hôm sau, cậu cho phao tin rằng đêm qua cô Thanh bị lính bắt lên tỉnh, còn ông già thì bị lính mật thám Pháp bắt đưa lên Saigon để tra tấn. Như thế để cho ai nấy đừng nghi ngờ là ông Bảy đã chết và chôn ngay đêm đó tại nhà ông.

Mặc dầu có ba trạng sư bào chữa cho thủ phạm, xin Tòa khoan hồng, Ngọc cũng bị án khổ sai chung thân. Người ta đồn thầy Cai Tổng đã tốn hết năm sáu trăm ngàn, mà không cứu được đứa con quý tử !

—>9

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Nguyễn Vỹ. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời