HẬN NGHÌN ĐỜI (Lê Văn Trương)

(Nguồn: Lê Thy đánh máy từ bản PDF của thân hữu BVCV gởi)

-1-

Có những cuộc gặp-gỡ nó đánh dấu cả một đoạn đường đời.

Tôi còn nhớ hồi ấy, tôi làm một cái nghề kỳ-lạ : buôn sái thuốc phiện ở Lục-tỉnh đem bán sang Xiêm. Cái nghề kỳ-lạ ấy tuy nguy-hiểm, nhưng nó có lắm chỗ thú-vị, thú-vị nhất là một chuyến nó đem lại cho tôi hơn nghìn đồng bạc lãi ở trong một cái va-li to. Sái nhất thuốc ti – đấy là thuốc Indien, hồi ấy chưa có local – mua chừng 5$ một lạng đem sang Xiêm bán được từ 8$50 đến 10$. Ai chẳng muốn làm? Nhưng sở-dĩ ai cũng chưa thành ra tay buôn thuốc phiện lậu sang Xiêm cả là vì bên Xiêm, người ta phạt tù những kẻ buôn thuốc phiện lậu như trộm cướp ; năm năm, mười năm, mười lăm năm, tùy theo số thuốc nhiều ít. Tôi sở dĩ không buôn thuốc hay cũng buôn ít thôi là vì ở Xiêm thuốc bán không mạnh bằng sái. Đất Xiêm phần nhiều là khách, mà khách thì phần nhiều nghiện, người nghiện phần nhiều thích hút sái. Thuốc phiện ở Xiêm cứ mỗi năm người ta đánh nhạt dần đi, nên không tốt sái mấy. Vì cớ ấy, sự buôn bán của tôi phát-đạt lạ thường ; mỗi năm, ít nhất, tôi làm ba chuyến. Tôi đài-tải sái thuốc phiện sang Xiêm bằng nhiều cách. Có khi tôi dùng đường bể đi từ Réam (Cao-mên) sang Pénang, có khi tôi dùng đường bộ đi xuyên sang Chan-taboun, có khi tôi đi xuyên rừng sang Pachim, nhưng đại-để mỗi đường tôi chỉ đi có một lần.

Năm ấy, người ta mới làm đường giải đá tự Sisophon đến ải địa-đầu Aranya, ô-tô có thể đi suốt từ Phnompenh cho đến ải địa-đầu của Xiêm. Tôi tự nghĩ:

– Hay ta dùng con đường này, vừa mau chóng, vừa đỡ vất-vả. Mới lần đầu, chắc cũng chẳng ai khám xét kỹ, quý hồ mình khéo đóng một vai công-tử đi du-lịch.

Ấy thế là một hôm tôi trèo lên một chiếc xe thơ chạy lừ Phnompenh đi Aranya. Tôi thừa một lúc khách đến đông mới xách va-li lại. Tôi để trà trộn cái va-li sái của tôi lên mui xe với các hành-lý khác khiến cho người ta không thể nhận rõ cái va-li ấy là va-li của tôi. Các ngài chắc đã biết tại sao tôi phải đề-phòng như thế, để nhỡ, nhỡ có làm sao thì thôi đành mất của, cho thoát lấy người.

Tôi cắp một cái cặp nghênh-ngang và điềm-tĩnh lên ngồi hạng nhất. Mình ăn mặc bảnh như thế này, lại là một tay có ruộng đất, một tay buôn thóc to, ai dám ngờ rằng mình buôn thuốc phiện lậu. Mà có ngờ thì mình cũng chối băng.

Tôi móc thuốc lá đánh diêm hút một cách ra dáng như ông Hoàng đi du-lịch. Thì một cái xe đỗ, tôi liếc thấy một người cũng mang một cái va-li lớn và một cái cặp như tôi. Nhưng người này lại dõng-dạc gọi người tài-xế phụ xách va-li để lên mui, chứ không lẩn-lút, giấu-giếm như tôi : thì họ có buôn lậu như mình đâu.

Người ấy cũng lên ngồi hạng nhất, cũng đánh diêm hút thuốc lá vênh-vang như một ông Hoàng. Tôi ngồi cạnh sốp-phơ thì người ấy ngồi cạnh tôi: hai ông Hoàng ngồi cạnh nhau.

Lúc ấy, giời còn tối, tôi không nhìn rõ mặt, nhưng hình như người ấy cũng ăn mặc sang trọng như tôi.

Sốp-phơ là người Cao-mên, tôi nói rặt tiếng Cao-mên trong khi trò-chuyện với y nên người ấy tưởng tôi là một chú khách. Mà tôi thì tôi cũng đinh-ninh rằng có một chú khách ngồi cạnh tôi.

Xe chạy, gió mát. Phần bị dậy sớm, khách đi xe ai cũng ngủ gà, ngủ gật, chỉ duy có hai ông Hoàng là không ngủ. Quái, mình có cái ách bên mình phập-phồng không ngủ được, chứ thằng cha này, sao cũng không ngủ, kìa.

Xe chạy đến Kompong-luong thì sáng rõ.Lúc ấy tôi mới nhận thấy người ấy ăn mặc cũng giống tôi, áo sơ-mi hở cổ mùi nước dưa, quần cộc kaki ăng-lê vàng, vớ sịt-po, giầy đế cao-su.

Nhìn đến cái mũ thì quái ! cũng thứ mũ giạ bán ơ Xiêm hai vành như của tôi. Nhìn đến cổ tay thì quái! cũng đồng-hồ mạ kền kiểu Đức. Người ấy hình như cũng nhận xét thấy như thế, nên mỉm cười. Giá ai vô-tình trông thấy chúng tôi thì tưởng là hai anh em. Xe đỗ trước cửa Cẩm (lệ ở Cao-mên, xe chạy bao giờ cũng đi qua cửa Cẩm để trình) thì một sự lạ : không hẹn mà nên, hai chúng tôi cùng móc thuốc lá đánh diêm, rồi cùng lấy dáng cho đĩnh-đạc như ông Hoàng.Tôi thì tôi phải làm bộ ra như thế để cho người ta khỏi nghi, chứ thằng cha này thì việc gì mà cũng phải làm ra như thế?

Bộ điệu của chúng tôi quả có hiệu-nghiệm thật, người ma-tà hỏi thẻ khắp mọi người, duy có chúng tôi là không. Người ta tin ở bộ áo và dáng-điệu của chúng tôi. Xe chạy, tôi bắt đầu để ý nhìn diện-mạo để dò xét xem y vào hạng người gì. Thì cái nghề buôn lậu gặp ai mà chẳng phải để ý dò xét: biết ai là chỉ-điểm cho nhà đoan, biết ai không. Nhưng quái! anh chàng này không phải buôn lậu, sao cũng dò xét mình. Các ngài nên nhớ cuộc dò xét của chúng tôi kín-đáo lắm nhé. Sau cuộc dò xét ấy thì hình như hai bên cùng nghi nhau. Tôi nghi y vì từ lúc nãy đến giờ, y không nói một câu nào, chỉ nhìn trộm, mà y nghi tôi có lẽ vì tôi nói nhiều quá. Đến Kompongchnang mọi người xuống ăn cơm cả, duy chúng tôi là không. Tôi vì còn vướng phải trông coi cái va-li nên không đi, chứ y thì trong va-li có vàng hay sao mà cũng ngồi lỳ ra đó ? Tôi giở cặp lấy bánh tây xúc-xích ra ăn thì quái ! y cũng giở cặp lấy bánh tây và xúc-xích ra. Nhưng khác một điều, tôi có mang theo một chai nước Vittel mà y thì không. Tôi móc túi lấy dao ra thì y cũng móc túi lấy dao ra. Quái ! hai con dao giống nhau như đúc, một thứ dao của hảng Saint-Étienne đủ cả dùi để mở hộp, mở bia… Nhưng cái đặc-điểm là nó có một lưỡi dao lớn trong khi nguy-hiểm có thể dùng làm một khí-giới phòng thân rất tốt. Tôi là kẻ đi buôn lậu cần phải dùng thứ dao săn ấy để phòng thân chứ y thì y làm gì mà cũng phải dùng con dao to như thế. Ăn xong, tôi thấy y không có nước uống, liền đưa chai nước mời y. Tôi dùng tiếng Quảng-đông mời y thì y cũng giả nhời bằng tiếng Quảng-đông rất sỏi. Đúng là một người khách, không nghi-ngờ gì nữa.

– Xếnh-xáng đi đâu ? – Y hỏi tôi.

– Tôi về Battambang.

– Tôi cũng về Battambang.

Tôi thì phải đi tới Poipet (ải địa-đầu xứ Cao-mên giáp với Xiêm) hay nếu cần dùng thì gần Poipet xuống rồi đi bộ, nhưng tôi nói dối như thế. Tôi nghe y nói vậy thì yên-trí rằng từ Battambang mình sẽ không được hân-hạnh đi chung với một người hành-khách ăn mặc giống mình. Nhưng, quái ! sáng mai, lúc xe thơ bắt đầu chạy Poipet thì tôi đã thấy y ngồi ở đấy rồi. Mà một điều lạ, y cũng giống tôi, đều đợi xe lên đầu tỉnh, nghĩa là sau khi sở Cẩm đã khám xe rồi.

– Sếnh-sáng bảo xuống Battambang cơ mà ?

– Tôi lại có việc phải đi Sisophon.

Y mỉm cười :

– Thế thì cũng giống tôi.

Rồi y nháy mắt một cách ý-nghĩa :

– Hay quá Sisophon gần Poipet cũng thế.

Tôi chột dạ, nhưng nếu y là chỉ-điểm, cớ sao không hô bắt mình ngay khi ở Battambang. Nghĩ thế tôi lại chấn-đinh được ngay.

Xe chạy một quãng, tôi liền « thả » một câu ra để dò xét :

– Đến Sisophon, tôi có việc phải vào đồn thăm ông Đoan, xếnh-xáng làm ơn trông giùm cái va-li hộ lôi một lát.

Cái thâm-ý của tôi hình như bị y dò xét thấu, y liền trỏ người sốp-phơ :

– Nhờ bác tài trông giùm thì hơn, vì đến Sisophon tôi cũng phải đi có tí việc. Tôi cũng nhờ bác ấy trông hộ đấy. Cái tí việc của tôi cũng như cái tí việc của tiên-sinh.

Y nói xong lại mỉm cười.

Ở Sisophon thường thường có lính đoan chờ ở đấy để khám các xe đi lại.Tôi phải xuống vì sợ nếu họ khám ra thì lôi thôi đến mình. Tôi bụng bảo dạ: « Hay thằng này cũng như mình ? Mà có lẽ thế, vì đến chỗ nào có Cẩm Cò là nó cũng làm ra bộ đàng-hoàng. Nó cũng không rời cái va-li ra một bước trừ những chỗ… nguy-hiểm ».

Tôi vừa định thả ra câu nữa để dò-la mà lần này, tôi chắc thế nào, tôi cũng biết sự thực thì bỗng y vỗ vai tôi :

– Nếu xếnh-xáng sợ tài-xế trông coi không được cẩn-thận thì thôi, cái tí việc ấy chúng ta đừng đi nữa. Có ai… tò-mò hỏi hai cái va-li của ai, thì tôi nhận cả là của tôi. Như thế có phải cái tí việc ấy không cần đến nữa không?

Đồng-nghề! Ông bạn đồng-nghề, chúng tôi đã rõ nhau. Tôi mỉm cười :

– Thế thì tôi nhận cả cho xếnh-xáng có tiện không, hà-tất phải để xếnh-xáng nhận.

Y khoa tay, rồi dún vai:

– Tôi không muốn thế vì một lẽ rất thường… tôi chẳng thiết gì ở đời. Xin xếnh-xáng cứ tin như thế và đừng lấy làm lạ.

Thằng này điên! Nó không thiết gì ở đời thì nó đi buôn lậu làm gì ? Tôi đang lẩn-vẩn về cái ý nghĩ ấy thì xe đến Sisophon. Y như rằng có hai viên-chức nhà đoan, một Tây, một Cao-mên kéo đến,

– Để tôi nhận.

Y nói thầm với tôi thế.

Xe đỗ, tôi chưa kịp nói thì y đã xuống xe đút hai tay vào túi quần đi bách bộ ung-dung lắm. Tôi đã nhiều phen hiểu thế nào là nguy-hiểm và đã nhiều phen bị bắt buộc phải làm ra… ta đây chẳng sợ gì, thế mà tôi cũng phải phục cái vẻ quá điềm-tĩnh của y : thằng này tài-tử số một.

Người Tây vừa mới lấy cái roi gân bò gõ lên hai cái va-li để trên mui thì y đã nói tiếng Tây một cách tự-nhiên :

– Hai cái va-li ấy của tôi ngài muốn khám để tôi mở (!)

Người Tây đoan lắc đầu rồi nhìn qua một lượt, không thấy có cái gì khả-nghi liền cho xe chạy.

– Tôi cám ơn xếnh-xáng.

– Xếnh-xáng sẽ không nói như thế, nếu xếnh-xáng biết rõ tôi làm như thế là vì tôi chẳng còn quan-tâm đến sự gì ở đời. Tôi làm mọi việc đều coi như trò chơi để tiêu-khiển mà thôi. Tôi chẳng biết làm gì ở đời cho vui thì tôi tìm cách chơi nguy-hiểm như thế.

Y nói một giọng thành-thực, chứ không phải một cách làm bộ khoe mình. Đời người này giấu một sự gì bí-mật.

Sau khi chúng tôi sang Bangkok bán hết hàng thì chúng tôi trở thành đôi bạn rất thân. Nhưng chúng tôi vẫn không biết nhau là an-nam. Mãi một hôm, chúng tôi cùng vào thăm một người bạn đổi sang làm việc ở tòa Lãnh- sự bên ấy mới rõ gốc tích của nhau.

Từ đấy về sau, mỗi khi đi buôn lậu, tôi với anh Cung cùng đi. Rồi một hôm, tôi rủ anh Cung về đồn-điền tôi chơi.

Thấy những sách vở tôi bày la-liệt khắp buồng giấy, anh Cung nhìn ngắm một lát rồi bảo tôi :

– Anh giống tôi lắm. Tôi chỉ còn hai cái thú : xem sách và buôn lậu.

Hồi ấy, tôi bắt đầu viết quyển «Mười năm luân-lạc» tôi đọc cho anh nghe. Anh rất lấy làm ưng-ý.

– Anh còn có mục-đích làm giầu và viết văn, chứ tôi chẳng có mục-đích gì cả. Tôi xem sách để tiêu-khiển mà tôi đi buôn lậu cũng để tiêu-khiển. Khổ nhất là sống ở đời không có mục-đích… vì tôi chẳng còn một lẽ sống gì.

Mỗi khi về Saigon, anh Cung đều rủ tôi đi chơi, anh cũng uống rượu, cũng hút thuốc-phiện, nhưng anh uống rượu và hút thuốc- phiện cũng như anh đọc sách và đi buôn lậu, để cho qua ngày. Một điều lạ là tôi rủ anh đi chơi phì-phà-muối hay đi… đâu, anh cũng đi.

Nhưng anh chỉ nói chuyện nhảm-nhí một lúc rồi quay ra gẩy đàn hay hát, chứ không bao giờ anh… kiếm-chác một cô nào cả.

Tôi hỏi những nhà mà anh năng đến chơi thì họ đều nói với tôi như thế. Tuy anh không bao giờ tìm thú vật-chất, mà anh chi cũng rất rộng. Chẳng những anh rộng-rãi với các gái giang-hồ, anh lại rất hào-phóng đối với các bè-bạn. Ai cần tiền là anh giúp ngay. Ai giả thì giả, chẳng giả thì thôi, không bao giờ anh đòi.

Đời anh thật là bí-mật, hành-vi của anh thật là kỳ-lạ.

Nhiều lúc tôi ngờ là anh liệt-dương hay ái-nam ái-nữ, nhưng không, tôi dò xét kỹ thì anh không như thế.

Đời anh thật là không dính-díu với một người đàn-bà nào. Mỗi chuyến đi như thế, có lãi về, anh ăn tiêu với bè-bạn cho hết rồi lại đi.

Một điều tôi nhận thấy là mặt anh bao giờ cũng bọc một vẻ buồn, và cứ xem cách ăn ở của anh thì thật anh chẳng cần gì hết.

Những cử-chỉ kỳ-quái không ở trong khuôn khổ thói thường ấy làm cho tôi khó chịu quá. Một hôm tôi không giữ nỗi tính tò-mò, tới hỏi anh. Tôi còn nhớ hôm ấy ở nhà mụ Tài-phoong, chung-quanh chúng tôi toàn là những cô ả xinh-tươi, từ mười-lăm đến đôi mươi là cùng. Sau khi tiêm mấy điếu thuốc phiện cho anh hút, tôi gợi chuyện :

– Chúng nó gọi anh là cậu trai «đồng-trinh» đúng lắm. Mà chính tôi cũng lấy làm lạ gần gái đẹp như thế này, sao chẳng bao giờ anh động-tâm cả ? Tôi trông anh khỏe mạnh lắm…

– Tôi khỏe mạnh và chẳng có một ám-tật gì, nhưng sở-dĩ tôi không «yêu» gái là vì lòng tôi đã chết.

– Lòng anh chết, chứ xác thịt anh có chết đâu ?

– Lòng đã chết thì nó giết luôn cả xác thịt chết theo.

Anh ngồi nhổm dậy. Tôi trông anh lúc ấy thật là buồn-thảm. Nét mặt xanh tái, hai mắt lờ đờ: một vẻ thất-vọng hiện lên rõ-rệt ở đôi giao mi cau-có và ở tảng trán rạch đầy những đường nhăn.

– Bây giờ tôi sở-dĩ không thể chung-chạ với một người đàn-bà nào là vì xưa kia tôi đã quá yêu một người đàn-bà. Người ấy, ngày nay đã chết, nhưng sống ở trong lòng tôi. Tôi không muốn làm ô-uế cái hình ảnh thiêng-liêng ấy, tôi không thể làm nhơ-nhuốc cái kỷ-niệm thần-tiên của người yêu.

Rồi anh giơ tay đưa đi đưa lại một cách chán-chường :

– Tôi đã biết một nàng tiên, bây giờ tôi không thể gần… một người phàm, chứ có phải tôi không đủ điều-kiện để yêu gái đâu.

– Anh đã có một mối tình tuyệt-vọng.

– Tuyệt-vọng à ? hơn tuyệt-vọng nữa. Người ấy chết đi đã đem theo hết những lẽ sống của tôi xuống dưới nấm-mồ. Tôi ngày nay sở-dĩ phải sống là vì người ấy lúc chết dối dăng lại bảo tôi phải sống, chứ không thì….Thôi anh đừng hỏi nữa để bao giờ có dịp tôi sẽ nói rõ cho anh hay.

Rồi anh Cung nằm vật xuống giường nhắm mắt lại như để sống lại dĩ-vãng. Thật đúng như lời anh nói với tôi:

– Anh là một người chết trong đám người sống.

★★★

—>Xem tiếp

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Lê Văn Trương. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời