HOA-HẬU BỒ-ĐÀO (Bình-nguyên Lộc): Chương 3

<—Chương 1
<—Chương 2
– Chương 3 –

Nhà xuất bản Xuân Thu – 1963, Sài Gòn

3/1

Tâm trạng hôm nay của Hiếu sở dĩ sanh ra là vì linh tánh báo trước một tương lai rất gần, không hay cho nàng: nàng không dám nghĩ nhiều, về sự không hay ấy, dồn nó vào tận tiềm thức của nàng và từ nơi đó, viễn ảnh bị dồn ép kia đến thành nỗi bùi ngùi thương tiếc.

Mãi cho đến lúc mấy đứa em nhỏ của Hiếu thấy được chị, reo to lên, cả nhà mới giựt mình thức dậy.

Chưa từng có người thân yêu nào đi xa về, ông Trung bà Trung không ngạc nhiên ở cái chỗ Hiếu không đánh điện báo tin hồi hương, ông bà chỉ hết hồn mà thấy con tiều tụy quá, khác hẳn ngày nàng ra đi, vui tươi và hồng hào không biết bao nhiêu.

– Trời, con tôi! Con tôi sao ra thế nầy!

Hiếu òa lên khóc, khóc không có nghĩa gì cả, nhưng ông bà Trung lại ngỡ là con đã bị ai ngược đãi khổ sở lắm, hay vừa thoát khỏi tai nạn nào cũng nên. Bà chạy lại ôm lấy Hiếu, chỉ nói lên có mấy tiếng: “Con ơi, con của má…” rồi cũng òa lên mà khóc.

Mấy đứa bé tự nhiên cũng khóc theo rùm lên như ai vừa chết. Hai người đờn ông không khóc. Ông bố vợ hỏi chú rể:

– Gì đã xảy ra đó con?

– Dạ, em Bích-Lệ của con bịnh. Nó cấn thai và bị thai hành.

– Vậy hả? Ngỡ gì. Thôi nín đi mẹ con bây! Tin mừng sao lại ráp lên mà khóc.

Long chỉ ở có mấy phút, rồi xin đi, hẹn sẽ trở lại, và hỏi nhỏ Hiếu xem nàng định ngày nào “về nhà”. Hiếu đáp:

– Để em ở đây với má một lúc xem sao. Nhưng anh đến thường nhé!

– Ừ anh đến thường.

Ông Trung bà Trung đã làm ngơ từ lâu, nay bắt đầu thắc mắc trở lại vì cái tin mới nầy. Bà tự hỏi danh từ tin mừng của ông không biết có đúng hay không. Một đứa con là một sợi giây liên lạc có thể cột chặt thêm đôi bạn tình mà cũng là tấm vách ngăn, có thể chặt đứt cây cầu ô thước.

Nhưng tình thương con vẫn lấn át được mọi băn khoăn và tức thì bà mẹ ấy chạy ngay xuống bếp để nấu cháo, mối lo nghĩ đầu tiên của những bà mẹ, và lối săn sóc dịu dàng nhứt của các bà.

Hiếu lần vào buồng mẹ để tìm yên tĩnh mà nằm đặng thở dốc.

Những con bịnh không trị được và sắp từ biệt cõi đời được các bịnh viện cho về nhà để tiện việc chôn cất, người nào cũng nghe như là sắp khỏi hẳn bịnh của họ trong mấy giờ đầu mà họ để chơn vào chốn cũ thân yêu.

Không khí gia đình có cái gì an ủi lạ lùng, chẳng những dẹp lui đau khổ mà xoa dịu được cả những đau đớn của thể xác.

ừ lúc bước vào đầu ngõ đến giờ đã mất hai tiếng đồng hồ mà Hiếu không nghe buồn nôn lần nào cả. Được một lúc khỏe khoắn trong người, nàng lắng nghe tình cảm của nàng khi mà không khí nơi đây giúp cho mọi huyên náo trong lòng nàng và ngoài kiếp sống của nàng lắng lại.

Hiếu nghe như mình vừa từ một cuộc phiêu lưu, kỳ thú cũng có mà nguy hiểm cũng có, trở về. Thật là tưng bừng, cuộc đời của nàng từ mấy tháng nay. Nhưng có điều nầy là luôn luôn người ta sung sướng được về quê cũ sau một cuộc phiêu lưu thật sự, trái lại, người ta khổ biết bao khi lùi về sống cái đời sống nhỏ nhoi của mình sau khi đã nếm qua đủ cả các thứ cao vị của cuộc đời.

Cái buồng hẹp nầy, tuy thế, sang hơn và khô ráo hơn biết bao nhiêu căn buồng tối và ẩm của thuở mà nhà chưa được sửa chữa. Thế mà qua khỏi những phút sung sướng đầu tiên được nghỉ ngơi sau một chuyến đi rất mệt nhọc, nàng dã bắt đầu nghe ngộp thở khi nhớ ra căn phòng ngủ rộng thênh thang của khách sạn Bá-Lê và của biệt thự của Long.

Nàng muốn ngồi dậy đi rửa mặt, nhưng ngại đứng gần lu nước, múc nước bằng gáo rồi xối lên tay, nước rơi xuống gạch bắn tung lên, ướt cả chơn, rất khó chịu.

Những tiện nghi như là bồn rửa mặt, tuy không đáng kể thế mà dễ ghiền, được dùng qua rồi, không thích xối nước bằng gáo nữa, mà trái lại, còn sợ hãi còn nhờm cái lối rửa tay, rửa mặt ấy!

Đi xuống khó chịu quá. Hiếu nhớ ra lần đi thang máy đầu lên tại buyn-đinh chùa Chà để thăm Lilie, lên, nghe hơi kỳ kỳ thôi, mà xuống thì nó nhột cái ruột, nghe muốn nôn. Đi máy bay cũng thế, lên cao, nghe nhẹ lâng lâng bao nhiêu thì mỗi lần phi cơ rơi trong một “lỗ không khí” hành khách nghe khó chịu bấy nhiêu.

Đi xuống trong cuộc đời, không kể sự tủi thân, lại tệ hơn, khó chịu rất nhiều khía.

Hiếu thử hình dung những lần suy sụp trong đời một nhà doanh thương. Chắc họ can đảm lắm mới khỏi thất chí để rồi cần cù gây dựng lại.

Gây dựng lại? Nếu không may, nàng bị Long bỏ rơi chắc thế nào nàng cũng phải cố mà vươn lên một lần nữa, chớ khó lòng mà trở về vị trí cũ lắm.

Bỗng Hiếu giựt mình sợ hãi quá sức. Những nhà doanh nghiệp suy sụp, họ giống như những trái banh cao su, rơi xuống, lại tưng lên, nhờ ở tài năng riêng của họ cũng như trái banh đã nhờ ở tính cách riêng của chất cao-su. Họ có cái gì để mà vin theo đó rồi leo trở lên.

“Còn mình? Mình có cái gì? Mình chỉ có nhan sắc thôi, mà nhan sắc lại chỉ bắn tưng mình lên có một lần chớ không giúp cho mình tưng mãi được như chất cao-su của trái banh”.

Nhưng Hiếu lại cười thầm mình đã khéo sợ hão. Long chưa có ló mòi phụ bạc lần nào cả, và cái việc đưa nàng về xứ là dấu hiệu nuông chiều.

Mãi đến chiều hôm sau, Long mới trở lại. Hắn không có cắt nghĩa vì sao mà hắn biệt dạng suốt hăm bốn tiếng đồng hồ. Hiếu cũng không gặn hỏi vì nàng đang ở vào giai đoạn sinh lý của người đàn bà mà tình yêu không cần thiết lắm: giai đoạn mang thai.

Vả lại Hiếu cũng không phải mà một cô gái hay nhõng nhẽo với tình nhơn, với chồng, phương chi nàng đau ốm, không muốn sanh sự với ai hết.

Nhưng lý do, quan trọng hơn hết là vì Long đã làm một việc chủ yếu và cần thiết cho nàng là hắn đã trao cho Hiếu một số tiền.

rước đây Hiếu hay nghĩ lắm, và khi nhận tiền, nàng băn khoăn về cái chỗ đã không buồn, không gjận Long lúc chàng không đến, và khi chàng đến, không nghe vui mừng bao nhiêu.

Nàng ngạc nhiên hết sức mà nhận ra sự nghèo nàn về tình cảm của mình, và bỗng dưng nhớ lại tâm trạng của những con bạn mà buổi đầu nàng thấy chúng là kỳ dị, những con Lilie, Suzie ấy. Chúng nó không buồn, không vui về gì nữa cả, không thiết tha với sự sống cho lắm. Nàng cũng đã biến thành những con người như thế rồi à? Đành rằng buổi đầu nàng không yêu Long, nhưng ăn ở với nhau như vợ chồng hơn tám tháng, Long lại đẹp trai, giàu, nhứt là tốt bụng thì không làm sao mà nàng không yêu hắn đôi chút được. Thế mà…

Long đến như một kẻ chuyên đánh bẫy, tới thăm chừng coi có con thịt nào vào cạm không, tức là nhìn sơ một cái rồi đi. Hắn hỏi thăm sức khỏe của bạn qua loa, hỏi xem Hiếu có muốn về “bên ấy” chưa rồi hẹn sẽ đến nữa.

Nếu có ai theo dõi được đời sống tình cảm của Hiếu, họ sẽ bảo rằng nàng tốt phước. Nàng không thừa tự cái di sản đa cảm nào của một ông cha, một bà mẹ thực tế. Nội cái việc đó đã là cái may mắn lớn trong đời nàng rồi. Trong mối tình đầu không may cho nàng, kẻ khóc là anh con trai Trọng. Mối tình thứ nhì, cũng không hay nốt, nhưng sự đau đớn to tát quá đã chà xát lòng nàng đến chai cứng đi nên nàng cũng không khóc được.

Nước mắt là cái trò đẹp đẽ, nên thơ, của bọn điên, được nấy anh văn sĩ quan-trọng-hóa ra để nghe cho hay vậy thôi chớ được ráo mắt mãi như thế nầy, mặc dầu bao phong ba bão táp, là sung sướng nhứt đời đó.

Và cái lũ hay khóc, chỉ dại dột làm nạn nhân thôi chớ không chịu làm thủ phạm bao giờ. Vì thế mà lũ ấy chỉ phải khóc mãi, khóc suốt đời và hưởng được cái danh hảo là người tốt.

Bà Trung không tin thầy Tây, Hiếu không khỏi chứng bị cái thai bạo hành là một lý do khiến cho bà khinh miệt thêm loại thầy, loại thuốc đó.

Bà chạy ông thầy Xóm Gà, bà chạy ông thầy chùa Bà Đầm, bà chạy ông thầy Cây Gõ mỗi lần thí nghiệm thuốc của họ trên người của Hiếu độ mười hôm và sáu bảy ông kéo dài cuộc thí nghiệm ấy đúng hai tháng.

Hiếu tự nhiên hết bịnh. Một sáng kia, lúc thức dậy nàng nghe trong người thơ thới lạ kỳ, và suốt ngày hôm đó ăn uống như thường, không nôn mửa lần nào cả.

Bà Trung rất băn khoăn, không biết nhờ thuốc của ông thầy nào để ngày sau biết rõ mà mách giùm bà con. Hiếu thì đoán rằng bịnh tự nhiên mà hết, đúng y như lời vị hác sĩ là ở Ba-Lê đã nói. Nhưng nàng không buồn cãi với mẹ làm gì.

Hai tháng không ăn được đã đào sâu đôi má nàng và nhuộm da mặt nàng một màu xanh mét rất kém mỹ thuật.

Bây giờ thì nàng ăn lợi nghĩnh đây, ăn tợn như hai người ăn và bắt đầu mè nheo mỗi lần Long đến cho tiền. Nàng vặn hỏi tại sao hắn ít đến, vặn hỏi những ngày không đến hắn làm gì.

Long là một anh chàng sống buông trôi, không muốn lôi thôi với ai cả, nên chi cứ làm thinh và lần hạch sách cuối cùng của Hiếu hết sức dữ dội, chàng đề nghị rước Hiếu về bên ấy, thế là êm chuyện ngay.

—>xem tiếp

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Bình-nguyên Lộc. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời