ĐỨA CHÁU ĐỒNG BẠC (Lê Văn Trương): Đoạn thứ nhất

(Nguồn: Lê Thy đánh máy từ bản PDF của https://vietbooks.info/)

ĐOẠN THỨ NHẤT

– 1-

Hôm ấy, bà Cả Bỉnh buồn. Mặt rầu rầu, bà ngồi trên sập, chống tay vào chồng gối xếp nghĩ-ngợi.

Không phải bà buồn cho tấm thân góa-bụa, cô-quạnh, cũng không phải bà buồn vì công việc cho vay mượn của bà bị vấp-váp, bà buồn vì cậu Cả vừa mới lấy của bà hai trăm đồng bạc để sắm quần áo tây !

Hai trăm đồng bạc đối với cái gia-tư kếch-xù của bà chẳng qua như muối bỏ bể. Bà buồn không phải buồn vì trong cái «két» ứ giấy bạc của bà thiếu đi hai trăm đồng mà buồn vì cái ý-nghĩ : sau này bà hai tay buông xuôi, không biết cậu Cả có giữ được cái gia-tài hàng bao nhiêu vạn đã mấy đời chắt bóp mới có không ?

Bà Cả Bỉnh không phải là hạng người trí-giả biết để cho con một thứ gia-tài không bao giờ có thể mất.

Học-vấn, đức-hạnh, nhân-phẩm là những gia-tài quý-báu nhất, vĩnh-viễn nhất mà những cha mẹ biết làm cha mẹ, biết thương con một cách «biết thương» phải tìm hết cách hun đúc vào người con để thành một kho-tàng nó chỉ có thể cùng với đứa con cùng mất, bà Cả Bỉnh không bao giờ nghĩ đến cả. Hay cũng chỉ nghĩ đến một cách ti-tiện, một cách hẹp-hòi nông-nổi.

Nhà giầu có con giai, lẽ tất-nhiên là cho đi học, nhưng bà chỉ muốn cho học đủ chữ để làm một cách trôi chẩy cái văn-tự. Và để cho người ta khỏi bắt nạt. Bà lại sợ học nhiều thì có thể vì sự biết rộng mà thành ra ăn tiêu rộng và chơi bời hoang-phí. Còn đến như đức-hạnh thì kẻ làm cha mẹ ai là người không muốn cho con có đức-hạnh. Đến như thằng ăn cướp giết người kia cũng dậy cho con đừng ăn cướp giết người như mình. Bà Cả Bỉnh muốn cho con có đức-hạnh nhiều lắm, nhưng cái đức-hạnh bà ao-ước cho con là sự tần-tiện, sự hiền-lành, sự chắt bóp, sư ích-kỷ nghĩa là tất cả những đức-hạnh gì nó có thể làm cho con không vung-phí đồng-tiền của cha mẹ để lại. Và biết tìm cách đem được đồng-tiền của người khác về nhà mình.

Đến như nhân-phẩm thì bà Cả Bỉnh lại muốn cho con có một thứ nhân-phẩm mà kẻ trí-giả gọi là một cái nhân-phẩm – không biết có thể dùng chữ nhân-phẩm được nữa không? – của những con người bỏ đi. Cái nhân-phẩm ấy là tất cả những điều-kiện nó làm cho một người có thể vui được cái đời sống hẹp-hòi với vợ, với con, với con cá vàng, với chậu cảnh mà chẳng còn biết để ý gì đến những biến dời của xã-hội, những bí-mật của vũ-trụ, nghĩa là một đời sống thu hẹp lại theo đời sống của con vật, của cỏ cây.

Cái bản-ngã hùng-liệt, cái cốt-cách ngang-tàng, cái tài-hoa lỗi-lạc là những thứ nó làm tăng giá-trị cho đời sống của kẻ đáng bậc nam-nhi, bà rất sợ. Bà cho đó toàn là những thứ có thể phá của cả.

Cái lẽ sống thiết-tha nhất của đời bà là đống của, cho nên bà muốn cho con bà thành ra một tên thần giữ của, chỉ là một tên thần giữ của thôi.

Cậu Cả thật đã làm cho bà vừa ý trong hơn hai chục năm. Đỗ cái bằng tuyển-sinh với đủ chữ nho đọc cái văn-tự, rồi ở nhà kiểm bạc đồng cho bà, và giữ sổ sách cho vay, và chăm nuôi mấy con họa-mi, mấy con sơn-ca, với lại tết đến gọt ít dò thủy-tiên, bón xới mấy chậu lan, cậu Cả thật là con của mẹ.

Bà Cả Bỉnh nhìn đống tiền, nhìn lẫm thóc, nhìn mấy dãy nhà ở phố Khách, nhìn đống văn-tự ruộng rất lấy làm hài lòng vì công việc làm ăn phát-đạt. Lại càng hài lòng khi nhìn thấy đứa con ngoan-ngoãn có thể giữ được nguyên-vẹn cái của ấy sau này.

– Cháu nó là người căn-cơ tần-tảo.

Đó là câu bà thường vẫn khoe với chị em.

– Thật cụ là người phúc đức mới đẻ được cậu Cả hiền lành như thế !

Đó là câu mà chị em và những người vay nợ thường dùng để tâng-bốc bà.

Năm mười sáu, bà lấy vợ cho cậu Cả. Muốn lấy một người thật là «làm ăn cơ chỉ», nhưng rủi thay, mợ Cả lại nằm vào một trường-hợp mà câu phong dao «lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống» không đúng nghĩa. Tuy cụ Hàn Hinh cả ông lẫn bà đều là người làm ăn cơ chỉ, nhưng cô Nhu lại chẳng làm ăn cơ chỉ một tí nào. Cô có một khối óc mới nó không chịu được những hủ-lậu.

Cụ Hàn gả được con gái cho cậu Cả khấp khởi mừng thầm «chuột sa chĩnh gạo». Nhung cô Nhu lấy chồng được sáu tháng phải buồn rầu tức-tối về nỗi «hồng ngâm chuột vọc».

Cô vừa ghét vừa khinh cậu Cả, vừa bực dọc về sự ăn ở ti-tiện của mẹ chồng. Nhưng đồng tiền vốn có nhiều sức mạnh ràng buộc người ta, nên tuy chết cay, chết đắng trong lòng, cô vẫn phải làm ra bộ hả-hê yên-phận.

Ấy thế rồi cô đẻ một đứa con gái đầu lòng. Ấy thế rồi sau bẩy năm sạn mặt vì anh chàng hủ-lậu, cô mới nẩy được ra cái ý-kiến xui anh chàng ăn mặc quần áo tây.

Ấy thế rồi lần đầu thấy đứa con giai cơ chỉ diện bộ quần áo Tây về nhà, bà Cả Bỉnh liền coi ngay là một đại-họa.

Ấy thế rồi bà vật mình vật mẩy la giời trách đất. Ấy thế rồi bà gọi ngay con dâu lên trách mắng :

– Mày không khuyên can nó để nó lố lăng thế à ?

Ấy thế rồi bất cứ với ai, bà cũng than-phiền rằng con bà đã đổi tính đổi nết.

Ấy thế rồi bà lo đêm lo ngày cho cái đống tiền của bà sau này.

Cậu Cả đã đua đòi anh em ăn mặc quần áo tây thì cậu Cả cũng có thể đua đòi anh em chơi bời xa phí. Trong óc bà Cả thì những người ăn mặc quần áo tây đều là chơi bời ghê gớm cả. Đã mặc quần áo tây thì tất-nhiên hoang-phí như ông Tây, bà đầm, chứ ai còn chắt bóp từng xu.

Ấy thế là thấy cậu Cả từ khi mặc quần áo tây thường thường lại đi chơi, chứ không suốt ngày ở nhà như trước, bà coi như là đại-họa đã không thể tránh được rồi. Mà đống tiền của bà sắp tiêu-tán nay mai.

Ấy thế là sau một đêm không ngủ vì tối qua cậu Cả đi xem tuồng đến quá mười hai giờ mới về, bà ngồi thừ ở sập suy nghĩ để tìm cách gì cho cậu Cả khỏi chơi bời… thì mới mong giữ được của.

Ấy thế là thấy Khán Thủ, người đầy tớ tay chân mà bà sai đi đòi nợ mới về, bà liền than thở :

– Đấy bác Khán xem thế thì còn giời đất nào, hôm qua cậu Cả diện tây đi chơi, tới quá nửa đêm mới về!

– Thế cụ hỏi thì cậu con bảo cậu con đi đâu?

– Bảo đi xem tuồng. Nhưng tuồng với tiếc gì ! Lại giai gái đĩ bợm rồi nói dối ra thế.

Bà Cả lại chép miệng :

– Bây giờ còn tao sống đây thì còn người kìm hãm, chứ một mai, tao mà hai tay buông xuôi rồi, cứ cái cơ-ngơi này thì nó phá mấy chốc mà hết sạch! Tao chỉ tiếc cái công tao chắt-chiu trong bao nhiêu năm giời mà thôi!

– Cụ chớ nên quá lo, cậu con lớn rồi thì cũng phải đi chơi với người ta đôi chút, chứ chả nhẽ cứ…

– Ấy bác cũng lại bênh nó nữa ! Thì đi chơi một chút, nào tao có nói gì, nhưng đằng này đi chơi đêm thì bảo không nói, không lo làm sao được ! Mà bây giờ tính khí lại khác trước, chải đầu, vuốt áo suốt ngày, chứ không chịu săn-sóc đến việc nhà như trước nữa. Nếu cứ thế này thì gia-đạo (?) còn gì. Tao chỉ sợ nay chơi, mai chơi rồi «tập-nhiễm tính thành», rồi đua anh đua em vung tay quá trán thì của-cải ải thác nào mà chẳng phải tan-tành. Không chịu kiếm, cứ ăn chơi thì có là núi cũng phải lở.

– Thì Cụ giữ cậu con ở nhà, đừng cho đi đâu nữa.

– Tao nói nào nó có nghe. Mà bây giờ tao còn sống thì bảo còn giữ được, chứ một mai tao khuất đi rồi thì ai giữ. Tao đâu có phải đội đá ở đời với nó mãi được. Bây giờ phải có cách gì giữ nó ở nhà mãi mãi.

– Thì cụ bảo mợ Cả, con tưởng mợ Cả có thể giữ được.

Mợ Cả bực vì chồng mình hủ-lậu, muốn cho đua-đòi anh em để trở nên «văn-minh» một chút, nếu trái lại không nghe lời mẹ chồng giữ chồng ở nhà mà lại xui chồng nên đi chơi thêm.

Bà Cả thấy mọi cách đều không hiệu-nghiệm, khuyên-can mắng chửi thế nào, cậu Cả cũng cứ đi chơi, liền lại bàn với Khán Thủ. Khán Thủ gãi tai thủ-thỉ :

– Con xem cứ cái cơ-ngơi như thế này, đến phải cho nghiện mới xong.

Bà Cả thoạt nghe trố mắt nhìn Khán Thủ không hiểu. Khán Thủ lại dủ-dỉ :

– Con xem những người nghiện chẳng ai chơi bời cả. Chỉ nằm nghĩ cách để kiếm sao cho tiền vào nhà. Tuy hút mỗi tháng tốn mười lăm đồng thật, nhưng lợi bao nhiêu cái khác. Một cái không đi chơi bời giai gái đã lợi là bao nhiêu rồi. Đi hát, đi xướng một tối vài ba chục đồng, chứ đằng này hút một tháng chỉ tốn có nửa ngần ấy. Đã nghiện thì chẳng còn ai giai gái nữa, suốt ngày ở nhà với bàn đèn. Cụ cứ cho cậu con nghiện thì chẳng còn nghi-ngại gì về chỗ cậu con chơi bời phá-phách về sau này nữa. Nghề nằm một chỗ hút thì hay nghĩ. Mà đã nghĩ thì ai cũng nghĩ khôn, chứ có ai nghĩ dại. Con dám chắc nếu cậu Cả mà nghiện thì chẳng những cụ không lo chỗ phá của sau này mà còn có thể làm giàu thêm lên nữa.

Thoạt mới nghe thì bà Cả ngờ rằng khán Thủ nghiện, muốn cho cậu Cả cũng nghiện để kiếm chác điếu xái, điếu men, nhưng sau nghe những lời đàn giải của y, bà đã thấy hơi xiêu lòng.

– Thì cụ cứ xem con, cả đời có đi chơi đâu bao giờ. Ngoài những lúc cụ sai con đi hỏi nợ, bao giờ con cũng ở nhà. Và tần-tiện từng ly, từng tí. Con cũng nhờ có điếu thuốc, điếu men nên mới nghĩ ra nhiều cách để đòi nợ mà không ai có thể vỗ. Thì cụ xem từ trước đến nay, bao nhiêu công việc cụ giao cho con có bao giờ suy-chuyển đâu. Nếu con không có điếu thuốc thì khi nào được thế. Người nghiện bao giờ cũng chỉ tìm cách vơ vào, chứ không ai lại bào ra bao giờ.

Trước bà Cả còn không nghe, nhưng sau thấy cậu Cả cứ đi chơi và nhất là sau hai lần đi suốt sáng, bà liền nhất-quyết cho cậu Cả hút thuốc phiện, mặc dầu mợ Cả can thế nào, bà Cả cũng không nghe.

Y như lời Khán Thủ nói, sau khi mắc nghiện, cậu Cả suốt ngày ở nhà, chẳng buồn đi đến đâu nữa.

Bà Cả thấy thế mười phần vui sướng. Bà bỏ ra bạc trăm mua thuốc chôn xuống đất để cho con ăn dần, vì bà nghe người ta nói thuốc hạ thổ được lâu ngày ăn khỏe người lắm.

Cậu Cả suốt ngày nằm cạnh bàn đèn, lại thuốc sẵn tha hồ hút, nên chả mấy chốc mà nghiện nặng. Càng nghiện nặng, bà Cả càng mừng. Bà bụng bảo dạ :

– Cho dù nó hút hết mỗi tháng trăm bạc, cũng chẳng thấm vào đâu. Cứ thu tiền thuê nhà và thóc ruộng cũng thừa chán.

Lại thấy cậu Cả từ đấy suy ly từng xu, bà Cả lại càng vững dạ rằng sau này thế nào con cũng giữ được nghiệp nhà.

Bà thấy quần áo tây từ đấy cậu để một xó chẳng ngó ngàng gì đến, mà cũng lại không hay chải chuốt như trước, bà cho là đắc-sách. Bà cho là giời thương thánh-độ mới xui Khán Thủ bầy cho bà cái diệu kế ấy để giữ gìn của cải sau này cho khỏi sang tay người khác.

Thấy mợ Cả muộn đẻ con giai, ba liền lấy một người vợ lẽ cho cậu Cả. Bà lấy một người thật «nhà quê» tốt nái, chỉ cốt để đẻ con.

Hai mươi bốn tuổi, con nhà giầu, hai vợ và nghiện một ngày ba đồng bạc thuốc phiện, cậu Cả là một con ký-sinh-trùng đã bị cuộc sống xóa tên trong cái xã-hội loài người đua ganh. Nhưng trái lại, mỗi khi bà Cả thấy cậu nằm bẹp ở cạnh bàn đèn, bà lại mừng thầm là nhà tốt phúc.

Lâu lâu, bà lại nậng đứa cháu gái năm ấy đã lên bẩy mà bảo :

– Đấy cháu xem, bố cháu làm thần giữ của cho bà đấy !

Rồi mỗi khi bà nghe người ta nói chuyện rằng người Tầu nào nhà giầu cũng cho con hút thuốc phiện từ bé để lớn lên khỏi chơi-bời, bà rất phục là giống khách khôn-ngoan.

Từ đấy, bà lại hết sức chắt bóp làm giầu, yên chí rằng cái của bà kiếm vào đã có một đứa con biết giữ thì không khi nào ra nữa.

—>Xem tiếp

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Lê Văn Trương. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời