ĐỒNG-BẰNG GAI-GÓC: 11-20 (Xuân Vũ)

– 13 –

Sáng sớm thức dậy ăn bánh dừa uống trà rồi sửa soạn khởi hành. Cô giáo phải bỏ lốt thành thị khoác áo giải phóng. Áo bà ba đen, quần đen, nón lá mà Năm đã chuẩn bị từ nhà để ra khu thăm anh, vai mang ba lô, làm cán bộ.

Bà Xã Ủy ngắm nghía rồi cười:

– Coi xứng quá trời.. Vợ chồng cán bộ đi công tác.

Thế là cuộc hành quân bắt đầu. Ở trước chòi, cái bờ ranh có một khúc đứt. Tôi lội qua trước rồi quay lại đưa tay kéo nàng. Bỗng bà Xã Ủy la lên:

– Khoan đã ! Cái bắp chuối cô Năm trắng quá , không được! Phải lấy bùn bôi vô.

ô giáo giật mình buông hai ống quần xuống và đứng ngơ ngác không biết làm gì. Tôi trông thấy đôi chân người đẹp quả là “ngọc túc”. Nếu không có ai ở đây tôi sẽ hôn mỗi chân một cái rất say đắm. Tôi có lánh nhát gái mà lại !

Hai Nghi thấy em ngượng ngùng bèn bảo:

– Em đừng xăn quyền lên nữa. Cứ để tự nhiên như thế.

húng tôi đi một mạch xuống tới Cẩm Sơn. Tôi dắt thẳng đến nhà cậu Ba rồi nhà ông Nhứt tôi. Ông Nhứt lẫn cậu mợ tôi đều bảo:

– Con nhỏ coi được lắm!

Ông Nhứt còn hứa:

– Nếu má cháu không lên được, ông đại diện đàng trai cho! Hoặc ông sẽ lên Châu Đốc nói chuyện với đàng gái!

án bộ Mùa Thu cưới vợ còn khó hơn Lưu Bị sang Giang Đông làm rể! Trên đường về nàng cứ hỏi tôi:

– Khu giải phóng như vầy sao anh?

– Nghĩa là sao?

– Em đâu có thấy cái nhà nào. Toàn chòi là chòi.

– Trước cách mạng, vùng này cũng như những nơi khác nhà ngói nền đúc rất đông, nhưng từ khi cách mạng nổi lên, nhà ngói bay hết ngói, còn nhà nền đúc sụp luôn.

Hai Nghi tưởng tôi nói hớ, bèn bẻ lái:

– Đó là do bom đạn Pháp và Mỹ phá hoại đó chớ.

Tôi cứ nói rấn tới.

– Nếu nhà em mà ở vùng giải phóng thì cũng vậy thôi ! Cách mạng tiêu thổ kháng chiến tới hai lần. Lần trước còn sót cái nền nhà. Lần này cả nóc lẫn nền đều bay hết.

Hai Nghi biết không thể sửa mũi mấn tôi được bèn lảng sang chuyện khác. Về tới chòi bà Xã Ủy thì trời chiều. Ông Xã Ủy vừa giở chà bắt được một mớ tôm. Ông bảo vợ làm món tôm nhúng dấm cuốn bánh tráng. Tôi ngồi bên cạnh nàng. Chúng tôi hãy còn giữ thế với nhau. Nhưng bà Xã Ủy thì cứ bô bô cái miệng:

– Cưới hỏi nhau rồi, ông nhà tôi sẽ phụ giúp cất cho cái chòi. Rồi nuôi vịt nuôi gà. Có chụp dù thì chạy. Ối, ở đây chụp dù như cơm bữa. Có chết chóc gì đâu.

Khuya hôm đó tôi lại đưa nàng ra đò. Tôi nắm tay đưa nàng lên tấm ván dài rung rung bắc từ bờ lên mũi đò . Nàng dừng lại. Tôi đưa tay nàng lên môi hôn rồi- hôn lên má nàng. Tôi muốn hôn môi nàng nhưng nàng ngăn lại, thầm thì:

– Để dành anh ạ !

Đò đã đông nghẹt, nhưng khách còn ào ạt xuống. Dân giải phóng toàn đi chợ tính thành. Tôi và Năm vẫn đứng ở mũi đò, tay trong tay không muốn rời. Không biết phải nói những gì với nhau trong phút chia tay. Tôi chỉ bảo nàng

– Em về nhà kính lời anh thăm bác và đốt dùm anh cây nhang trên bàn thờ bác trai.

Nàng nói với một giọt lệ trong khóe mắt.

– Kính lời thăm và đốt nhang trên bàn thờ ba chớ không phải đốt dùmbác trai !

Người tài công đến mở dây đỏi sửa soạn cho đò rời bến. Tôi đành bước lui để anh ta rút tấm đòn dài, chiếc cầu Ô Thước của Ngưu Lang Chức Nữ thời đại trực thăng vận. Tôi bước nhanh xuống và quay lại nhìn mũi đò quay ra, vẫy tay. Tay nàng như cành hoa huệ trắng xa dần rồi lẫn vào đám đông. Tôi thầm tiếc đã hôn nàng quá ít. Một tiếng thầm thì bên tai tôi.

– Hè sau nó sẽ xuống !

Tôi nhận ra Hai Nghi. Hai Nghi lôi tay tôi. Chiếc đò đã ra giữa sông. Chân vịt quay tung nước trắng xóa sau lái, nát lòng kẻ đứng trên bờ lẫn người đi. Năm sau, nghe chừng lâu quá và có gặp nhau nữa chăng?

Ôi cái cảnh biệt ty sao mà buồn vậy? Câu văn đơn sơ nhưng thấm thía vô cùng của lớp Đồng Ấu bỗng bừng dậy trong lòng tôi. Và một bài hát xưa lại trở về tâm trí như có ai khẽ hát bên tai tôi:

Theo gió thuyền xuôi, sóng đưa bè trôi
Tiếng đàn trầm trầm, man mác lòng tôi
Nhìn con thuyên xa bến, lòng tôi càng lưu luyến
Hát khúc chia ly cho trái tim não nùng đôi chút
Cho tiếng tơ thêm càng reo rắc
Tiếng đàn trầm trầm, man mác lòng ai
Non nước trời mây cách xa từ đây
Ta khóc biệt ly, khóc cho người đi
Không còn ngày về chia mối tình si.

Đây là bài hát “Thuyền Xa Bến” của Dzoãn Mẫn mà thời kháng chiến chống Pháp tôi đã thuộc lòng và cũng là bài ruột của tôi. Thời đó nào biết yêu nào biết chia ly nhưng cũng thấy nó hay thì bây giờ càng thấy hình như tác giả sáng tác bài này cho tôi. Thiệt là não nùng.

Hai Nghi cứ nhắc lại câu như điệp khúc của bài hát:

– Năm sau, mùa nghỉ hè là sẽ gặp nhau rồi tính.

Với sự hậu thuẫn của Hai Nghi, cuộc hôn nhân được mọi sự thuận lợi. Không có một trở lực nào nữa, ngoại trừ tình hình giặc giã. Nhờ cơ sở quân báo của Bảy Quế mà tôi nhận được thư của Năm luôn. Trạm giao liên là quán cô xẩm lai ở chợ. Quả thật tôi đoán không sai. Bảy Quế đã móc với hai Tịnh, trưởng quân báo tỉnh và là người Cầu Mống bạn học cũ thời đồng ấu của tôi. Do đó cứ một tuần hoặc mươi ngày tôi đến trạm cô xẩm nhận thư hoặc gởi thư. Tin nhạn đi về không dứt. Nàng làm thơ, ký tên tắt là B, gởi cho tôi.. Tôi cũng làm thơ đáp lại, ký tắt là K, gởi cho nàng.

Thời kỳ này tôi tạm gác những dự định về tiểu thuyết Đồng Khởi vì bận làm thơ. Tình hình quá căng thẳng, cứ sáng thức dậy là ngồi ngóng con đầm già . Nếu nó xách đuốc đi soi vùng khác thì mới yên tâm ngày đó mìnhh còn sống. Có khi suốt buổi sáng êm ả, nhưng chiều lại bị chụp. Có khi chạy liên hoàn hai ba ngày không về được nhà. Do đó tôi phải chuyển qua làm thơ. Khi nào yên ổn thì lẩm nhẩm trong bụng rồi tối về mới ghi ra. Tôi đã làm xong một tập thơ tên là “Bến Tre Xanh Mãi Bóng Dừa” gồm cả ngàn câu song thất lục bát. Tôi đem cho tỉnh ủy để họ điện về R, để chứng minh rằng ông có hoạt động chớ không phải nằm ỳ, ngâm cứu dưới hầm cá trê như bọn tỉnh ủy.

Tập thơ này về tới khu II tức chiến khu VIII của Trần Văn Trà hồi kháng chiến. Nơi đây một thằng bạn nối khố của tôi, thi sĩ Lê Nguyên tức Lê Xí, tiếp nhận một cách nồng nhiệt. Hắn cho đánh máy ra thành nhiều bản để phổ biến vì nhà in của Khu bị lính Sài Gòn “mượn tạm” vô thời hạn rồi. Chuyến băng đồng chó ngáp năm trước của tôi bị ngưng và tôi phải lội hai lần cánh đồng ấy chính là vì cuộc chụp dù bóc đi cái nhà in này. Vài bài thơ xướng họa của hai đứa tôi còn nhớ, tạm ghi ra như sau:

HOA ĐỨNG MỘT MÌNH

Một đóa hồng tươi đứng giữa vườn
Đọng giữa lòng hoa một hạt sương
Bỗng trận Mưa Xuân đâu chợt đổ
Hoa nghiêng cánh hứng giọt sầu vương
Rồi con bướm nhỏ từ xa tới
Làm hoa thêm sắc đậm thêm hương
Từ đó hoa không cô độc nữa
Trong lòng nghe dậy nhạc yêu đương.

B.

Bài thơ được ướp nước hoa. Một sợi tóc bao quanh bài thơ với dòng chữ: Tặng anh “sợi tóc người xa”, đó chỉ là nét vẽ của nàng, còn sợi tóc thật thì không bao giờ tới.

TÓC EM

Tóc em một ngọn cỏ thơm
Giữa lòng ai mọc chập chờn hương say
Tóc em một đóa vân bay
Cho anh buộc cuống tim này vào em
Tóc em một chuỗi hạt huyền
Cho anh buộc bến, buộc thuyền vào nhau
Tóc em một sợi tơ đào
Bao nhiêu sóng gió cuốn trào hồn ai
Sắc màu nhạt, tóc không phai
Anh đem nối lại cho dài anh ta.

K.

KHÔNG ĐỀ

Trong lòng dường có bụi gai
Nghiêng qua gai sẽ móc trầy trái tim
Trong tim dường có mũi kim
Trở mình kim chích nằm yên được nào
Trong lòng như có lưỡi dao
Mỗi lần tim bóp nghe đau vô ngần
Trong tim dường có chuông ngân
Như ru ba tiếng (… ?) như gần như xa
Gọi tên ai ấy tên ta
Giữa hai lần đập, chính ta gọi chàng
Tiếng tim trăn trở mơ màng
Canh chầy thao thức chắc chàng gọi ta…

B.

CÁI HÔN

Cho anh hôn gót chân ai còn dính đất quê hương
Cho anh hôn tóc ai mùi xoài cam ổi chín còn vương
Cho anh hôn đôi má ai rám nắng miền quê ngoại
Cho anh hôn đôi môi ai còn ngọt ngụm chanh đường
Cho anh hôn mũi đò in dấu chân em đẫm nước
Cho anh hôn bờ ranh đứt, cỏ ướt mù sương.

K.

Trong một lá thư tôi có viết cho nàng: “Khi em trở lại quê anh, em hãy gói đem xuống cho anh một hòn đất quê mình em nhé!” Nàng viết thư hỏi tôi:

Quê em mênh mông, có kinh Vĩnh Tế
Có núi Thất Sơn, có đền Bà Chúa
Có trái bần khô khỉ bạc đầu (*)
Có lăng của Thoại Ngọc Hầu
Em biếtt hòn đất nơi đâu mà tìm ?

B.

(*) Một vài câu trong bài thơ cổ, nàng trích ra trong quyển sách ca tụng Thoại Ngọc Hầu.

Tôi đáp:

Nơi nào em đứng,
Thì nơi đó là quê hương yêu dấu của anh.

Ít lâu sau, tôi nhận được một gói nhỏ và một phong thư trong đó có câu thơ:

“Gởi anh hương vị quê hương
Kết tinh của cả tình thương nồng nàn. “

B.

Tôi mở ra vài lần giấy bọc, tưởng là hòn đất Quê Hương yêu dấu, nhưng không phải. Đó là táng đường Thốt Nốt, mà nàng bảo là Thốt Lốt. Táng đường nhỏ nhắn màu nâu như đất, nặng như tim, trong chiến dịch Long Châu Hà năm 1951 mà giờ đây tôi mới được nếm vị ngọt Quê Hương.

Kèm theo thư và thơ còn có những tấm hình màu: Đền Thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc, cảnh sông nước miền Tây, và chiếc lồng chim với chú chim lạ.

Nàng chú thích rất rõ từng tấm một: Ngôi đền ở chân núi Sam thờ Bà Chúa Xứ rất linh thiêng hằng năm dân chúng khắp nơi đến cầu nguyện và xin ơn của Bà. Để khi có dịp, em sẽ dẫn anh đến viếng đền.

ảnh sông nước miền Tây – Đây là sông Cái Cối Bến Tre. Em nhờ người bạn mua dùm để em tặng nhìn cho đỡ nhớ nhà .

òn ảnh chiếc lồng chim: Đây là con Yểng rất khôn, biết nói. Em cất nó trong nhà để nó chỉ nghe tiếng người và quên tiếng chim. Em đã dạy nó nói được hai tiếng “Chào anh!” Em sẽ tập nó nói “Chào anh yêu mến”.

Tôi đưa cho Hai Nghi xem. Hai Nghi lấy làm thích thú.

Hắn nói:

– Cô giáo mà có lai thi sĩ!

Tôi bèn viết ngay bốn câu thơ:

Uớc gì anh được làm chim
Sống trong lồng sắt trái tim một “Bà”

Tôi đưa cho Hai Nghi đọc. Đọc xong, hắn bảo.

– Bài thơ này hay nhất là chữ .

– Tại sao?

– Mày viết ra mà còn hỏi. Bà nào?

– Bà Chúa…! Mày cũng có Bà. Tao cũng có một Bà. Mỗi thằng đều có lỗ trên đầu để cặm nhang thờ Bà, hà hà …

Tình hình càng lúc càng căng thêm. Các đại đơn vị Sư Đoàn 7 và Sư Đoàn 9 Bộ Binh Sài Gòn phóng những mũi lao ác liệt vào vùng giải phóng. Sau khi càn, các đội Bình Định tới chiêu an dân chúng rồi địa phương quân đóng đồn. Trước tình hình bi đát này, tổ tam tam chúng tôi tan rã . Mỗi đứa đi một nơi. Hai Nghi vác máy về R bỏ lại cái bộ phim “Binh Biến”.

Tôi và Tám Không cũng chia tay nhau. Tám Không hết hạn thăm nhà một năm rưỡi nên phải quảy ba lô đi miền Tây nhập đoàn với văn công của ông Ba Nha. Tám Không phịa sáu cá i tựa kịch là Trăng Giải Phóng, Nước Giải Phóng, Mặt Trời Lên ở Hướng Này… nhưng chỉ là những cái tên, còn màn lớp thì chưa… dựng. Ai diễn mà dựng?

Tôi còn ở lại nhà chú Nhứt một mình, buồn vô hạn. Nhưng buồn không bằng sợ. Sợ bị chụp dù không có bạn để chạy chung, rủi bị thương không ai biết sẽ chết dọc đường. Thời may có anh Tư Mô người hùng của R đến.

Tư Mô là người Bến Tre, thi sĩ kiêm văn sĩ, kháng chiến từ 45 . Năm 1954, khi Một On Le Roy chiếm đóng toàn tỉnh Bến Tre thì anh dắt vợ cõng con chạy vô miền Tây . Vợ làm kẹo dừa bán cho anh đi bỏ mối các quán lấy tiền sống đắp đổi ba, bốn năm liền. Sau 54 anh về thành viết văn rất nổi tiếng. Không biết tại sao đang ở Sài gòn mà lại ra khu làm công tác tuyên huấn cho Trần Bạch Đằng. Khi tôi về tiểu ban Văn Nghệ thì hai anh em xin đi công tác Bến Tre để sưu tầm tài liệu Đồng Khởi. Về đến tỉnh nhà anh vọt qua Cù Lao Bảo thăm nhà, nhưng quê nhà bị lính đóng đồn. Anh bèn trở qua Cù Lao Minh gặp tôi. Đúng là kẻ thắt ruột thương người ruột thắt, mắt châu rơi khóc mắt rơi châu.

Anh bảo tình hình bên Cù Lao Bảo cũng không yên ổn. Hai đứa bèn chung tay với nhau đào một cái hầm cá trê ở gần bờ rạch Cái Chát Nhỏ thuộc xã An Thai. Nhưng xui quá, đào gần nửa đêm uống hết ba bình tích trà đậm nhãn hiệu Con Khỉ Hộc Máu thì đụng nhằm một tấm ván. Hai đứa hè hụi với nhau cả buổi mới lôi được tấm ván lên. Rọi đèn pin xem mới hay đó là tấm ván hòm. Hai anh em sợ quá bèn bỏ luôn.

Từ đó hai anh em sát cánh với nhau như hình với bóng trong lúc ngủ nghê, chạy ruồng, hoặc hàn huyên chuyện cũ Anh luôn luôn giục tôi cưới vợ. Nhưng có ai ở đây mà cưới. Anh bảo là khi nghe tôi sắp về tới, anh có ý cáp đôi tôi với một đứa cháu bà con của anh đang làm cán bộ của tỉnh ủy. Nhưng khi về đến nơi thì anh mới té ngửa ra. Con nhỏ có bầu, phá thai rồi lại có bầu lần nữa. Khi anh về nhà thì cô nàng lại đang phá thai.

– Mặt mũi nó tôi không còn nhận ra nữa chú ơi ! … Bây giờ chuyện đã như vậy, tôi cũng không muốn cho chú biết làm gì. Cái bụng của tôi đối với chú là như vậy đó.

Tôi bèn kể chuyện cô Năm cho anh nghe. Nghe xong anh bảo:

– Thời này không mơ mộng được đâu chú ! Cái gì cũng phải thực tế. Cưới rồi ở đâu, ăn gì để sống, tiền đâu xài, khi ốm đau, vợ đẻ ở nhà thương nào, con nuôi cách nào, bom bỏ cà nông thụt có hầm trốn không? Hồi ở khu 9 chú thấy vợ con tôi khổ sở vậy đó. Nên rút kinh nghiệm đi chú .

Một hôm hai anh em ghé nhà ông Xã Ủy. Bà Xã Ủy cũng bô bô cái miệng.

– Tôi còn giữ một mớ đồ của cậu Nghi, không biết cẩu ở đâu mà giao lại.

– Bộ chị đi lên nhà nó nữa hả?

– Bà già dặn tôi đầu tháng trở lên để bà gởi cho cẩu và cậu. Tôi trở lên đem về cả đống đây, sợ bị chụp không biết giấu ở đâu. Trời ơi trời, cậu Vũ mà vô đó thì kể như chuột sa hũ nếp. Coi tình hình êm êm thì cưới cho rồi. Về đây ông nhà tôi cấp đất cho làm.

Nói xong bà lấy đưa cho tôi một gói nhỏ. Tôi khui ra.

Đó là một cánh hoa hồng ép, một sợi tóc dán trên trang giấy hồng và một bài thơ. Nhiều chữ bị nhòe, nhưng vẫn còn đọc được.

Trời ơi ? Lửa Lòng tôi mong thời gian và sự xa cách sẽ dập tắt đi, nhưng không, ngọn lửa lại bùng cháy mãnh liệt hơn. Nhưng làm sao? Cách nhau chừng 150 cây số, mà không phương gì biết tin nhau được. Tôi lẩm bẩm mấy câu thơ định gởi nàng, nhưng rồi không gởi được. Tôi bỏ trong ba-lô bữa sau bị chụp đem nhận xuống mương.

Vừa chạy đua với trực thăng vừa làm thơ tình, độc giả có ớn không? Bản tình ca bắt đầu là nhịp đi hùng tráng: Tempo di Marcta, đoạn cuối thì Rumba TTKH.

Đó là công thức muôn thuở của mọi khúc tình ca:

Nếu biết rằng tôi đã “lấy” chồng
Trời ơi người ấy có buồn không ?

Năm 1968 sau khi tôi trở về Sài Gòn, tôi được mời đi nói chuyện ở rất nhiều nơi, trước nhiều đối tượng, dân sự, quân đội, trong đó có thể kể ra như sau: toàn thể sĩ quan của Sư Đoàn 25 Bộ Binh, Sư Đoàn Công Binh, các tỉnh Đà Nãng, Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công v.v… Một bữa sau khi chấm dứt cuộc nói chuyện ở Gò Công, tôi vừa bước xuống khán đài thì một sĩ quan đến vỗ vai tôi, hỏi:

– Triết phải không? Tôi là Ngôn học Trung Châu nè .

Tôi ngẫm nghĩ một lúc mới nhớ ra.

– Mời anh về nhà chơi.

Rồi nắm tay tôi lôi đi tới một chiếc xe jeep đậu gần đó. Tôi liền thấy quân hàm của Ngôn là thiếu tá. Chiếc xe do một thiếu úy lái chạy đến một biệt thự. Viên thiếu úy bước xuống mở cửa xe. Thiếu Tá Ngôn mời tôi xuống. Qua cách xưng hô của các vệ sĩ, tôi biết được Ngôn là quận trưởng.

Ngôn vui vẻ :

– Mời anh ở lại dùng cơm chiều với vợ chồng tôi.

húng tôi ngồi ở phòng khách. Ngôn nhắc lại những kỷ niệm thời trung học.

– Cháu vào mời cô ra có khách đặc biệt!

Ngôn bảo cô gái giúp việc vừa đem mâm trà ra. Ngôn vừa rót mời và khen câu chuyện của tôi trình bày rất hấp dẫn: Không có vẻ gì chính trị cả mà lại rất chính trị. Chắc nhiều người phải sáng mắt ra. Tôi vẫn mang cái mặc cảm của một kẻ lầm đường nên ngồi nghe hơn là nói. Còn Ngôn thì cứ nói thao thao và giục tôi uống trà hai ba lần. Tấm cửa buồng bằng trúc bỗng rung động, rồi một người đàn bà vén màn bước ra. Tôi suýt kêu lên.

Bà ta cúi đầu chào rồi ngước lên nhìn tôi. Bà sững sốt. Ngôn bảo.

– Em ngồi đây! rồi mình hỏi chuyện anh Hai.

– Em… em… vô xem sắp nhỏ nấu nướng.

Người đàn bà nói xong quay vào ngay. Tấm mành trúc rung động và khua như một điệu nhạc lạ lùng vang động cả tâm can tôi. Ngôn nói:

– Chúng mình xa nhau trên hai mươi năm. Gặp nhau thật bất ngờ. Nhân dịp này tôi muốn hỏi anh là nhà văn chắc có quen nhiều văn nghệ sĩ trong khu R.

– Dạ tôi cũng biết nhiều nhiều.

– Vợ tội có người anh ruột đi tập kết. Nghe bà nhạc tôi nói anh đó về trong này rồi. Bà nhạc và vợ tôi có vào trong khu thăm vài lần vào năm 1963, 64 chi đó. Rồi bặt tin luôn vài năm nay. Không biết ảnh hiện nay đi đâu mà không thấy cho người về.

– Anh ấy làm gì trong khu ạ ?

– Ảnh soạn kịch hay đạo diễn gì tôi không rõ.

Ngôn đứng dậy bước vào trong một chốc rồi quay ra, bảo.

– Vợ tôi nói là ảnh quay phim.

– Quay phim thì đông lắm, không biết anh nhà là cán bộ được đào tạo trong này hay từ Bắc về.

Tôi quên Ngôn vừa nói là người anh đi tập kết. Ngôn lại vào rồi trở ra.

– Ảnh từ Bắc về . Tên là Hai Nghi. Nhà tôi thứ Năm, ảnh thứ Hai.

– Hai Nghi?

Ngôn hỏi to vọng vào trong:

– Anh Hai tên là Hai Nghi phải không em?

Tiếng nói từ trong vọng ra.

– Dạ. Hai Nghi. Ảnh có sang bên Đức.

– Có, tôi biết Hai Nghi từ trong kháng chiến và trước khi vào Nam gặp nhau ở trường đi B cùng lội Trường Sơn. Khi xuống Bến Tre thì chúng tôi lại gặp nhau vài lần…

– Ảnh còn khỏe không ạ?

– Dạ trước khi tôi về Sài Gòn vài năm tôi không nghe tin tức về anh ấy nữa.

Bữa cơm hôm đó thật thịnh soạn. Ngôn rót rượu mời, chúc mừng tôi, và tỏ ý tiếc rằng phu nhân không ra dùng bữa với khách.

– Đáng lẽ hôm nay vợ chồng tôi cùng dùng cơm với anh trong dịp vui gặp bạn cũ này, nhưng có lẽ nghe nhắc tới người anh trai nên vợ tôi buồn. Cô đang khóc và xin phép vắng mặt.

Tôi ngồi lặng thinh cố kềm đôi đũa cho khôi rum và giữ vẻ mặt bình thường. Ăn xong, tôi lấy cớ có việc với đoàn thuyết trình nên nhờ Ngôn đưa về khách sạn. Bỗng thấy tấm hình ông già trên bàn thờ, tôi nhận ra nét quen quen bèn hỏi Ngôn:

– Xin lỗi, bác mất đã được bao lâu rồi anh?

– Dạ, đây là nhạc phụ của tôi, còn thân phụ tôi hãy còn tại đường.

– Xin phép anh cho tôi đốt cây nhang trên bàn thờ bác.

Tôi nhớ Hai Nghi hao hao giống nên mới hỏi anh.

– Cảm ơn anh. Anh cứ tự nhiên.

Ngôn nói và lấy hộp diêm đưa cho tôi. Tôi đốt nhang cắm vào lư hương và cúi đầu. Ngôn nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên:

– Anh đi xa nhà lâu quá mà vẫn còn nhớ lễ nghi phong tục ông bà ! Thật là đáng quí.

Ngôn đưa tôi ra xe. Viên thiếu úy đã mở máy. Tôi bắt tay Ngôn, lưu luyến. Sắp bước lên xe thì thấy một người đàn bà ẵm một đứa bé đi ra. Ngôn vẫy tay:

– Hoài Xuân ? Con ra ba bảo.

Người đàn bà đi nửa đường rồi dừng lại thả con xuống chứ không đi tới nữa. Thằng bé lốc thốc chạy một mình.

Ngôn bế con lên.

– Con bắt tay từ giã bác đi con.

Thằng bé đưa tay ra. Tôi nắm lấy và hôn lên má nó.

– Cháu ngoan quá . Lâu lâu cháu nhớ đốt dùm bác một cây nhang trên bàn thờ ông ngoại nghe.

– Dạ.

Tôi biết câu nói đó đối với nó là vô lý. Nhưng tôi đâu nói với nó. Tôi buông tay thằng bé, bước lên xe, trái tim dường có chuông ngân.

Xe vọt tới, xốc lên mấy cái quanh sang bên phải. Tôi không quay nhìn lại mà vẫn thấy người đàn bà, thấy lại nàng như đứng ở mũi đò năm nào, bàn tay giơ lên vẫy trắng như hoa huệ..

Hoài Xuân! ôi tình yêu! Đau Khổ và Hạnh Phúc. Ơn trên đã dành cho tôi cái ngõ cụt nào? Không biết. Nhưng chắc chắn cuộc hôn nhân bất thành là điều may mắn cho nàng vậy.

—>(xem tiếp)

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, Xuân Vũ, Xuân Vũ, Xuân Vũ. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời