CÁC ẨN-SỐ CHÍNH-TRỊ trong Tiểu-thuyết Võ-hiệp Kim-Dung (Gs Nguyễn Ngọc Huy): Chương I

ansochinhtriCHƯƠNG I

CÁC NHƠN VẬT TƯỢNG TRƯNG
CHO MỘT VÀI QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TRÊN THẾ GIỚI
HOẶC
MÔ TẢ MỘT VÀI CHÁNH KHÁCH NỔI TIẾNG
TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC CẬN ĐẠI.

Trong các tác phẩm của mình, Kim Dung đã đề cập đến nhiều nhơn vật võ công trác tuyệt. Nghiên cứu kỹ tài nghệ và đức tánh của một số trong các nhơn vật này ta có thể nhận thấy rằng Kim Dung đã dùng họ để tượng trưng cho một vài quốc gia đặc biệt trên thế giới, hoặc để mô tả một vài chánh khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại.

MỤC 1:
CÁC NHƠN VẬT TƯỢNG TRƯNG
CHO MỘT VÀI QUỐC GIA
ĐẶC BIỆT TRÊN THẾ GIỚI.

Luận võ trên đỉnh Hoa Sơn để xác nhận vai tuồng bá chủ võ lâm là một đề tài đã được Kim Dung khai thác trong ba bộ truyện võ hiệp VÕ LÂM NGŨ BÁ, ANH HÙNG XẠ ĐIÊU và THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP. Tên bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ thật ra không thấy có trong danh sách các tác phẩm được Ông Hàn Giang Nhạn cho biết là chắc chắn do Kim Dung sáng tác (theo lời Dịch giả cho bản dịch LỘC ĐỈNH KÝ, Quyển 1-2 trang 3). Bởi đó, chúng ta không thể biết chắc là tác phẩm này quả thật của Kim Dung hay do người khác viết rồi gán cho Kim Dung. Nhưng trừ ra một vài điểm nhỏ nhặt, còn thì phần lớn các chi tiết về các nhơn vật chánh yếu trong đó đều phù hợp nhau nên chúng tôi nghĩ có thể dùng bộ truyện này làm một trong các tài liệu để nghiên cứu về đề tài luận võ ở Hoa Sơn được Kim Dung nêu ra.

Kể cho đủ hết thì có đến ba kỳ luận võ như vậy. Nhưng thật sự thì kỳ luận võ thứ nhì không đưa đến kết quả gì, còn trong kỳ luận võ thứ ba thì các cao thủ võ lâm gặp nhau về việc này là người đã có danh vọng rồi, lại có tinh thần hoà hợp với nhau nên đã không tỷ thí với nhau để phân hơn kém. Vậy, rốt cuộc lại, chỉ có cuộc luận võ đầu tiên là thật sự quan trọng.

Trong cuộc luận võ đầu tiên này, có 5 nhơn vật tham dự. Họ được gọi chung là Võ Lâm Ngũ Bá và mang ngoại hiệu Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái và Nam Đế. Năm nhơn vật này đã có ý thật sự tỷ thí với nhau với mục đích phân hơn kém và quyết định xem ai là người được quyền giữ bộ CỬU ÂM CHÂN KINH. Sau cuộc tỷ thí rất gay go này, mọi người đều công nhận rằng TrungThần Thông có võ cao diệu hơn hết, còn những người khác thì tài nghệ suýt soát như nhau. Ngoài họ ra, còn một nhơn vật thứ sáu được xem là đồng tài nghệ với họ, nhưng không dự cuộc luận võ này. Đó là Bang Chủ của Thiết Chưởng Bang.

Nếu chỉ xét bề ngoài câu chuyện thì Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế và Bang Chủ Thiết Chưởng Bang là những người nhờ dày công tập luyện về nội công và võ nghệ, và có người còn nhờ thêm cơ duyên tiêu thụ được một vật quí hiếm có, mà trở thành những cao thủ siêu tuyệt trong võ lâm. Nhưng khi xem kỹ các chi tiết liên hệ đến họ, chúng ta có thể nhận thấy rằng họ đã được Kim Dung dùng để ám chỉ một số quốc gia đặc biệt trên thế giới. Trong số các quốc gia được ám chỉ như vậy, laị có những quốc gia được ít nhiều thể hiện bằng những chánh khách có thật, và những quốc gia không có chánh khách biểu tượng cụ thể. Mặt khác, có khi một nhơn vật đã được dùng để tượng trưng cho một khối gồm nhiều quốc gia có những đặc điểm chung nhau.

Nhưng điều chúng ta nên để ý là tác giả các bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ, ANH HÙNG XẠ ĐIÊU và THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP không phải dùng cốt chuyện của các bộ truyện võ hiệp này để kể lại cả lịch sử thật sự của các quốc gia được ông ám chỉ qua các nhơn vật võ lâm. Mục đích chánh yếu của ông là nêu ra các đặc tánh của các quốc gia hay khối quốc gia ấy. Các đặc tánh này dựa vào nền văn hoá và tâm lý nhơn dân, nó lại đưa đến những khả năng cá biệt của quốc gia trong cuộc tranh đấu với các quốc gia khác. Nói chung thì Kim Dung chỉ nêu ra một vài chi tiết liên hệ đến lịch sử các quốc gia ấy, theo cái nhìn của ông. Do đó, thời điểm tương ứng của các việc xảy ra trong các câu chuyện và của các cố sự mà nó ám chỉ không phải luôn luôn phù hợp với nhau. Mặt khác, vì quan điểm của Kim Dung đối với các quốc gia được ông ám chỉ bằng các nhơn vật võ lâm đã có sự thay đổi theo dòng thời gian nên trong bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, cách ông mô tả một vài nhơn vật trong số này cũng có hơi khác cách ông mô tả họ trong hai bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU.

Ta có thể nhận thấy ý Kim Dung muốn dùng các nhơn vật võ lâm để ám chỉ một số quốc gia trên thế giới trong đoạn ông mô tả cuộc luận võ đầu tiên ở Hoa Sơn. Trong một giai đoạn của cuộc luận võ này, Võ Lâm Ngũ Bá đã tỷ thí với nhau theo lối “ngũ quốc giao binh”, dịch sát nghĩa chữ là “năm nước tranh chiến với nhau.”. Theo lối tỷ thí này thì mỗi người chiếm một phương vị ngũ hành rồi dùng nội công kình lực công kích người khác theo thủ pháp nào cũng được. Năm vị cao thủ tham dự cuộc luận võ được tự do chọn lựa đối thủ, muốn đấu với ai cũng được mà muốn giúp ai cũng được. Vậy, Kim Dung đã trực tiếp dùng từ ngữ “ngũ quốc” tức là “năm nước” để chỉ các cao thủ luận võ với nhau. Ngoài ra, sự diễn tiến của cuộc tỷ thí theo ông mô tả đã cho thấy là những người có cảm tình với nhau có khi đã giúp nhau, nhưng cũng có khi đã thình lình đột kích nhau, và do đó mà đỡ đòn cho người họ không ưa thích. Điều này phù hợp với sự thật trong đời sống quốc tế, là các nước thân nhau có thể giúp nhau mà cũng có thể đánh nhau những đòn bất ngờ, trong khi các nước đối nghịch nhau thường chống nhau mà cũng có khi trợ lực cho nhau một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Với các dữ kiện trên đây, ta có thể xác nhận Võ Lâm Ngũ Bá là năm nhơn vật tượng trưng cho năm quốc gia hoặc khối quốc gia trên thế giới. Về phần Bang Chủ Thiết Chưởng Bang, ông không có dự cuộc luận võ ở Hoa Sơn, nhưng đã được xem là có tài nghệ ngang hàng với Võ Lâm Ngũ Bá nên cũng là tiêu biểu cho một quốc gia..

Ngoài Võ Lâm Ngũ Bá và Bang Chủ Thiết Chưởng Bang, còn có một số nhơn vật khác như Châu Bá Thông, Quách Tĩnh, Dương Khang , Hoàng Dung, Dương Quá, Cừu Thiên Lý, Cừu Thiên Xích và Công Tôn Chỉ có liên hệ đến họ với tư cách là người tượng trưng cho một quốc gia hay một khối quốc gia. Trong các nhơn vật này, có người đã là vai chánh trong tác phẩm của Kim Dung như Quách Tĩnh và Hoàng Dung trong bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU, và Dương Quá trong bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP. Mặt khác, trong cuộc luận võ cuối cùng ở Hoa Sơn, Châu Bá Thông, Quách Tĩnh, Dương Quá đã được đưa lên hàng Võ Lâm Ngũ Bá với các ngoại hiệu Trung Ngoan Đồng, Bắc Hiệp và Tây Cuồng để thay thế Trung Thần Thông, Bắc Cái và Tây Độc đã chết. Tuy nhiên, các nhơn vật này thật sự chỉ có một vai tuồng phụ thuộc trong đề tài dùng các cao thủ võ lâm để tiêu biểu các quốc gia hay khối quốc gia hoặc các chánh khác thể hiện cho một quốc gia. Do đó, chúng tôi sẽ lấy Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế và Bang Chủ Thiết Chưởng Bang làm nhơn vật chánh yếu trong Mục này và chỉ sẽ đề cập đến Châu Bá Thông, Quách Tĩnh, Dương Khang, Hoàng Dung, Dương Quá, Cừu Thiên Lý, Cừu Thiên Xích và Công Tôn Chỉ khi nói đến các nhơn vật chánh yếu kể trên đây. Nhưng Kim Dung đã dùng các nhơn vật chánh yếu để chỉ các quốc gia nào?

I- NHƠN VẬT VÀ ĐOÀN THỂ
TIÊU BIỂU CHO NƯỚC TRUNG HOA CỔ ĐIỂN:
Trung Thần Thông , Châu Bá Thông và Phái Toàn Chân

Trong các tác phẩm của Kim Dung nói đến Võ Lâm Ngũ Bá, có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng đệ nhứt bá là Trung Thần Thông và đoàn thể do ông lãnh đạo là phái Toàn Chân đã được dùng để tiêu biểu cho nước Trung Hoa cổ điển. Kim Dung là người Trung Hoa. Do đó, việc ông xem Trung Hoa là nước xứng đáng dẫn đầu các nước khác là việc tự nhiên. Thật sự thì trong thời cận đại, nước Trung Hoa không phải là cường quốc mạnh nhứt thế giới . Bởi đó, mặc dầu danh hiệu đệ nhứt bá võ lâm đã đạt được sau một cuộc tranh tài bằng võ nghệ, nó không phải được dùng để chỉ quốc gia cường thạnh nhứt mà để nói đến quốc gia có nền văn hoá đáng trọng vọng nhất.

A- Ý NGHĨA CỦA NGOẠI HIỆU TRUNG THẦN THÔNG.

1- Trung là ở ngay chính giữa. Từ ngàn xưa, người Tàu đã tự hào là mình sống ngay chính giữa địa cầu. Họ đã chánh thức gọi dân tộc họ là dân tộc Trung Hoa và nước họ là Trung Quốc. Các danh xưng trên đây đã cho thấy rõ quan niệm của họ về vấn đề này.

2- Về mặt tinh thần, người Trung Hoa lại theo đạo trung dung. Một số người thường lầm tưởng rằng trung dung là một thái độ ở nửa chừng trong mọi việc. Nhưng nếu hiểu trung dung như vậy thì khi phải chọn giữa hoà bình với chiến tranh, người đương nhiên phải theo chủ trương xung đột hạn chế, và khi phải chọn giữa việc làm người lương thiện với việc làm người ăn cướp thì người đương nhiên phải chấp nhận làm người ăn trộm. Sự chọn lựa máy móc như vậy không có gì khó khăn và cũng không có tánh cách đạo lý chút nào nên ta không hiểu đạo trung dung như vậy được. Thật sự trong Hán văn, chữ trung cũng đọc là trúng có nghĩa là đúng, hợp . Nó chỉ tư thế của một con người lúc nào cũng đứng trong vị thế quân bình, không nghiêng không lệch về phía nào, và trong mọi việc làm đều có thái độ thích ứng, vừa phải, không thái quá cũng không bất cập. Vì mọi việc trong đời đều biến đổi không ngừng nên việc theo đạo trung dung như thế không phải là dễ dàng. Nhưng nếu người cố gắng theo đạo trung dung được thì người trở thành sáng suốt, hiểu biết được mọi sự việc và có thể biến cải để ứng phó với mọi khó khăn, mọi trở lực, mọi địch thủ. Nói cách khác, người trở thành Thần Thông và có thể tự bảo vệ, đồng thời thực hiện được các nguyện vọng của mình.

3- Như thế, ngoại hiệu TRUNG THẦN THÔNG vừa gọi đúng danh hiệu, vừa nêu ra một quan niệm triết lý căn bản và khả năng đặc biệt của quốc gia Trung Hoa. Trong vũ trụ quan của người Trung Hoa từ ngàn xưa, ngũ hành cùng các phương hướng và các màu sắc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vị thế trung ương thuộc hành thổ và liên hệ với màu vàng. Bởi đó trong bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ, Trung Thần Thông đã thường mặc áo vàng, mà trong tổ chức chánh trị cổ của Trung Hoa, màu vàng lại là màu dành cho nhà vua. Việc Trung Thần Thông thường mặc màu vàng xác nhận địa vị số một của ông ta trong võ lâm.

B – Ý NGHĨA CỦA HỌ VƯƠNG LÀ HỌ CỦA TRUNG THẦN THÔNG

Địa vị số một của Trung Thần Thông trong võ lâm được gọi là điạ vị bá chủ. Nhưng mặc dầu đã tham dự cuộc tỷ thí để đoạt chức vị bá chủ võ lâm, Trung Thần Thông lại có một bản chất trái ngược lại tư tưởng bá chủ.

1. Trung Thần Thông vốn là một người họ Vương mà trong từ ngữ Trung Hoa, vương có nghĩa là vua. Trong Hán văn thì chữ vương gồm 3 nét ngang và 1 nét dọc. Lúc khởi thủy, có thể đây là hình vẽ cái búa mà nhà cầm quyền dùng để chặt đầu những kẻ trái lịnh hay phạm pháp. Nhưng khi đã có một nền văn hoá khá cao rồi, người Trung Hoa giải thích rằng trong chữ vương, 3 nét ngang tượng trưng cho Trời, Đất và Người, và nét dọc hàm ý nối liền ba nét ngang trên đây. Lối giải thích trên đây đã trở thành cổ điển. Nó biểu lộ rõ rệt quan niệm cho rằng quyền uy của một nhà vua xứng đáng với danh hiệu vua được xây dựng không phải trên võ lực mà trên đạo lý. Đạo lý mà nhà vua phải dựa vào được gọi là vương đạo. Nó đòi hỏi nhà vua phải hành động theo nhân nghĩa, và phải dùng những phương tiện chánh đáng để phục vụ nhơn dân. Chủ trương làm chánh trị theo vương đạo chính là chủ trương mà dân Trung Hoa đã chánh thức đề cao trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.

2. Việc theo lý tưởng vương đạo của Trung Hoa đã được Kim Dung bộc lộ rõ rệt qua việc Trung Thần Thông nhứt quyết không dùng CỬU ÂM CHÂN KINH. Đó là một tác phẩm dạy các căn bản để luyện nội công. Người tập đúng mức và thành công có thể chữa cho kẻ bị đánh mang nội thương trầm trọng và chính mình thì có thể trường sanh bất lão. Nhưng CỬU CÂM CHÂN KINH lại bao gồm những phương pháp luyện công có cái ác độc dị thường. Công phu Cửu Âm Thần Trảo phải cần dùng một số lớn heo dê còn sống để người luyện tập dùng ngón tay thọc mạnh vào trong óc của chúng. Sự luyện tập này phải kéo dài cho đến khi năm ngón tay đủ sự cứng rắn và chánh xác cần thiết. Đã vậy, người luyện tập còn phải tẩm thêm chất độc trên ngón tay. Công phu Độc Hạp Thần Công thì chuyên luyện tập móng tay, luyện xong thì chỉ cần đụng vào thân một người nào là người ấy chết không phương cứu chữa. Công phu Tồi Tâm Chưởng thì có thể làm một quả tim của kẻ địch nát bấy và kẻ địch phải thổ huyết mà chết. Hai công phu Độc Hạp Thần Công và Tồi Tâm Chưởng cũng phải dùng thú vật như mèo chó để cho người luyện tập thí nghiệm.

C- THÁI ĐỘ CỦA TRUNG THẦN THÔNG VỚI CỬU ÂM CHÂN KINH BIỂU LỘ THÁI ĐỘ CỦA NƯỚC TRUNG HOA CỔ ĐIỂN ĐỐI VỚI KHOA HỌC

1.Ta có thể nghĩ rằng Kim Dung đã dùng CỬU ÂM CHÂN KINH để chỉ các khoa học thực nghiệm. Các khoa học này nêu ra những nguyên tắc quan sát và suy luận có thể mở mang trí tuệ con người và giúp vào sự cải thiện đời sống của loài người về mọi phương diện. Nhưng nó cũng đồng thời bao gồm những cách thức làm việc trái với đạo nhân, như việc dùng các con thú làm vật thí nghiệm hay việc chế tạo các võ khí hại người quá độ như các chất nổ có sức tàn phá lớn lao, các võ khí hoá học hoặc võ khí hạch tâm.

Cứ theo hai bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU thì Trung Thần Thông đã cố công tìm ra được bộ CỬU ÂM CHÂN KINH nhưng sau khi xem qua, ông đã quyết định không dùng nó mà còn nghiêm cấm môn đệ tập luyện theo nó. Trong bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Kim Dung cho biết rằng Trung Thần Thông đã phải áp dụng các nguyên tắc ông đọc được trong CỬU ÂM CHÂN KINH mới sáng chế được các thế võ có đủ khả năng thắng các đòn của phái Cổ Một vốn mang tánh cách chế khắc võ thuật của phái Toàn Chân . Mặt khác, các cao thủ võ lâm đều tìm CỬU ÂM CHÂN KINH để học và khi học được thì đều tiến bộ rất nhiều. Tuy nhiên, Trung Thần Thông vẫn duy trì quyết định không cho môn đệ ông học CỬU ÂM CHÂN KINH.

2. Kim Dung đã dùng các sự kiện này để chỉ thái độ của người Trung Hoa trước đây đối với khoa học thực nghiệm. Người Trung Hoa thời xưa đã có những phát minh khoa học cao diệu. Họ đã làm được kim chỉ nam, chế được thuốc súng, làm đồ gốm rất tốt và xây dựng được nhiều công trình kiến trúc vĩ đại, đặc biệt là các cầu mống không cần cột chôn ở giữa dòng sông để chống đỡ, khiến cho người Âu Châu hâm mộ. Đời Tam Quốc (thế kỷ thứ 3 sau CN), Hoa Đà đã biết giải phẩu và đã dám nghĩ đến việc mổ óc cho Tào Tháo. Nhưng các nhà lãnh đạo tinh thần của Trung Hoa từ thời xưa đã hướng dẫn dân tộc họ về việc tuyệt đối tôn trọng đạo đức mà quay lưng lại khoa học thực nghiệm. Đó là một quan điểm sai lầm tai hại mà hậu quả được nêu rõ trong các tác phẩm của Kim Dung nói đến Trung Thần Thông và phái Toàn Chân. Mặc dầu Trung Thần Thông đã đoạt được địa vị đệ nhứt bá võ lâm, các đệ tử kế vị ông để lãnh đạo phái Toàn Chân về sau, đã thua sút các cao thủ đã từng bị ông đánh bại.

D- CHÂU BÁ THÔNG, BIỂU TƯỢNG CHO NỀN CÔNG NGHỆ CỔ CỦA TRUNG QUỐC

1. Trong phái Toàn Chân, ngoài Trung Thần Thông, chỉ có Châu Bá Thông là đã từng học CỬU ÂM CHÂN KINH. Tuy nhiên, ông này bất đắc dĩ mới phải đọc nó và lại theo đúng lời dạy của vị Giáo Chủ họ Vương là sư huynh mình nên lúc đầu, ông đã không sử dụng các điều nó dạy. Dầu vậy, ông cũng gián tiếp nhờ nó mà có một tài nghệ kinh người không thua sút Đông Tà, Bắc Cái, Tây Độc và Nam Đế. Mãi đến lúc về già, Châu Bá Thông mới dùng chiêu số Đại Phục Ma Pháp của CỬU ÂM CHÂN KINH để luyện Không Minh Chưởng. Nhưng mặc dầu thông minh đỉnh ngộ, có tài sáng chế các môn võ và cuối cùng cũng có một võ công siêu tuyệt, Châu Bá Thông không phải là người lãnh đạo phái Toàn Chân, cũng không được xem là đệ nhứt bá võ lâm. Đã thế, ông còn bị gọi là Lão Ngoan Đồng, tức là ông già mà có tánh hay chơi đùa như trẻ con, vì tánh ông ham vui, không theo đuổi những công việc làm đứng đắn một cách liên tục được.

Trong phần kết cuộc bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Châu Bá Thông đã được chọn làm kẻ thay thế Trung Thần Thông làm một trong năm bá chủ võ lâm với ngoại hiệu là Trung Ngoan Đồng. Nhưng lúc ấy, phái Toàn Chân đã suy sụp mà Châu Bá Thông cũng không hề nghĩ gì đến phái ấy. Mặt khác, theo Kim Dung, vì ông tánh tình phóng dật không ưa giới luật câu nệ, nên ông không được các nhà lãnh đạo chánh thức của phái Toàn Chân mến chuộng. Vậy, Châu Bá Thông không được Kim Dung dùng để tượng trưng toàn diện cho Trung Quốc như Trung Thần Thông trước đó.

2. Với các chi tiết trên đây, chúng ta có thể nghĩ rằng Châu Bá Thông là người được dùng làm biểu tượng cho nền công nghệ cổ của Trung Quốc. Nền công nghệ này vốn dựa vào sự thực nghiệm. Nó đã sản xuất những công trình rất tinh xảo, không thua các công trình sản xuất ở bất cứ nước nào khác. Nhưng phần lớn các phát minh của nó nhờ thực nghiệm mà nó chỉ dùng vào việc mua vui hay vào hoạt động nghệ thuật, chớ không dùng vào việc tăng cường lực lượng quốc gia. Như thuốc súng chẳng hạn, đã được người Trung Hoa phát minh rất sớm, nhưng họ đã dùng nó để làm pháo bông nhiều hơn để làm đại pháo đánh thành phá lũy. Mặt khác, những người thợ khéo của xã hội cổ Trung Quốc không được trọng vọng như những người đồng nghề ở các nước khác, đặc biệt là các nước Tây Phương, vì công việc của họ chỉ được xem là việc dùng để cho vui tai đẹp mắt mà không hữu ích cho nền chánh trị vương đạo nên họ chỉ được xem là hạng phục dịch cấp dưới của nhà vua. Tuy vẫn nói rằng “nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”, người Trung Hoa trước đây đã khinh thường người thợ khéo và đặt những người trong ngành công nghệ nói chung ở hạng thứ ba trong bốn hạng người của xã hội: dưới hai hạng sĩ và nông.

Từ khi nắm được toàn quyền lãnh đạo nước Trung Hoa, Đảng Trung Công đã đưa nước này vào một đường lối hoàn toàn mới. Bởi đó, nước Trung Hoa cổ điển kể như đã chấm dứt về mặt chánh trị và hiện nay, nó chỉ còn được người ta biết đến và hâm mộ nhờ các tác phẩm thuộc mọi loại nó còn để lại. Các điểm trên đây đã được Kim Dung ám chỉ qua việc phái Toàn Chân lần lần suy sụp sau cái chết của Trung Thần Thông và chỉ còn được kính trọng nhờ Châu Bá Thông, một nhơn vật võ nghệ cao siêu và tánh tình khả ái làm cho người ta mến phục, nhưng không có sự nghiêm chỉnh cần thiết để có thể đóng vai tuồng lãnh đạo hay đại diện cho môn phái của mình.

Đ- CÁI NẤM MỌC TRÊN BÃ NHƠN SÂM LÀM TĂNG CÔNG LỰC TRUNG THẦN THÔNG, BIỂU TƯỢNG NỀN VĂN HÓA CỔ TRUNG HOA

1- Về phần Trung Thần Thông thì sở dĩ ông luyện được một công lực siêu phàm là vì lúc nhỏ ông đã ngẫu nhiên ăn được cái nấm mọc trên chỗ đổ bã nhơn sâm từ mấy chục năm trước tích tụ lại. Nhơn sâm là một trân quí có khả năng bổ dưỡng con người . Bã của nó đã bị đem bỏ vì đã hết công dụng, nhưng lại làm nảy sanh được cái nấm qúi. Cậu bé họ Vương sau này là Trung Thần Thông đã ăn cái nấm đó và chết mất ba ngày. Người nhà đã sắp đem cậu đi chôn, chỉ nhờ có thầy là Thanh Hư Chơn Nhơn đến và giải cứu cho, cậu mới sống lại được. Đạo hiệu Trùng Dương mà thầy của Trung Thần Thông đặt cho ông bao hàm ý đã chết mà được sống trở lại.

2. Với câu chuyện trên đây, Kim Dung muốn mô tả tính cách cao quí nhưng rất cổ của nền văn hoá Trung Hoa. Nền văn hoá này đã được duy trì liên tục từ mấy ngàn năm. Do đó, mặc dầu có nhiều điểm hay và có công dụng tốt trong quá khứ, nó không khỏi có chỗ không còn thích ứng với đời sống hiện tại. Nền văn hoá Trung Hoa đã tạo cho nước ấy một sức mạnh tinh thần thâm hậu, nhưng cũng đã là một trở ngại lớn cho việc canh tân trong mấy thế kỷ sau này và suýt làm cho Trung Hoa bị liệt cường qua phân hay chinh phục, nghĩa là súyt bị loại luôn khỏi trường chánh trị quốc tế.

E- Ý NGHĨA CỦA PHÁI ĐẠO GIÁO TOÀN CHÂN

1. Vị trí của Đạo Giáo trong lịch sử Trung Quốc.

Xét về mặt văn hoá thì hệ thống tư tưởng Trung Hoa được người ngoại quốc biết đến nhiều nhứt là Nho Giáo, còn xét về mặt võ thuật thì môn phái Thiếu Lâm. Nhưng Trung Thần Thông lại được Kim Dung mô tả như là người theo Đạo Giáo. Đó là vì Nho Giáo chỉ chuyên về văn học mà không nghiên cứu về võ thuật, còn môn phái Thiếu Lâm có tiếng về võ thuật lại là một môn phái của Phật Giáo mà Phật Giáo vốn từ Ấn Độ truyền sang nên bị người Trung Hoa xem là một tôn giáo ngoại lai. Về phần Đạo Giáo, nó là một tôn giáo phát xuất từ Trung Quốc mà cũng có nghiên cứu về võ thuật. Bởi vậy, nó đã được Kim Dung dùng để biểu tượng cho tài nghệ của nước Trung Hoa.

Xu hướng trọng Đạo Giáo hon Phật Giáo đã có ở Trung Hoa từ thời trước. Trong quá khứ, khi theo nguyên tắc tam giáo đồng lưu, người Việt Nam ta đã xem Nho Giáo, Phật Giáo và Đạo Giáo như nhau, và có lúc đã chịu ảnh hưởng của Phật Giáo nhiều hơn hai tôn giáo kia. Người Trung Hoa, trái lại, lúc nào cũng đặt Nho Giáo lên trên hết, và tuy vẫn phải dung nạp Phật Giáo vì quần chúng sùng tín tôn giáo, các chánh quyền Trung Quốc hai đời Đường (618-907) và Tống (960-1276) đã trọng Đạo Giáo hơn Phật Giáo.

Vì truyền thuyết cho rằng một Giáo Tổ của Đạo Giáo là Lão Tử vốn họ Lý, mà vua nhà Đường cũng họ Lý, nên triều đại này đã nhận Lão Tử làm tiền nhơn của mình và đặc biệt ưu đãi Đạo Giáo. Năm 667, vua Đường Cao Tông đã phong Lão Tử tước Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế. Đến năm 736, vua Đường Huyền Tông lại quyết định cho các đạo sĩ và nữ quan (tức là các phụ nữa theo học Đạo Giáo) thuộc sự quản trị của Tông Chánh Tự là cơ quan coi sóc các việt liên hệ đến những người trong tông thất,nghĩa là có họ hàng với nhà vua. Nói cách khác, từ đời vua này, những người theo Đạo Giáo được xem như là người trong hoàng tộc. Đối với Phật Giáo, chánh quyền quân chủ Trung Hoa trước đây đã nhiều lần áp dụng chánh sách chèn ép. Riêng đời nhà Đường thì năm 845, vua Võ Tông đã ra lịnh đàn áp Phật Giáo, phá hủy nhiều chùa và bắt một số tăng ni hoàn tục làm cho Phật Giáo bị suy.

Nhà Tống đã tiếp tục chánh sách của nhà Đường. Nhưng vì vốn họ Triệu nên các nhà vua Tống không thể nhận Lão Tử làm tiền nhơn của mình. Do đó, họ phải tạo ra một vì thần Đạo Giáo khác để tôn thờ làm tổ tiên. Đó là Triệu Công Minh, một vị thần cỡi cọp đen, cũng được gọi là Huyền Đàn Nguyên Soái.

Vậy, từ thế kỷ thứ 7, chánh quyền Trung Hoa đặc biệt tôn sùng Đạo Giáo và sang thế kỷ thứ 8, với việc xem đạo sĩ và nữ quan như là người trong hoàng tộc, tôn giáo này được nâng lên hàng quốc giáo. Kim Dung đã dựa vào các sự thật trên đây khi mô tả Trung Thần Thông, người biểu tượng của nước Trung Hoa cổ điển, như là một nhà lãnh tụ Đạo Giáo. Tác giả các bộ truyện võ hiệp nói đến Trung Thần Thông vốn không phải là người có ác cảm với Phật Giáo. Trái lại, ông đề cao tư tưởng Phật Giáo trong nhiều tác phẩm, nhứt là trong các bộ THIÊN LONG BÁT BỘ và LỤC MẠCH THẦN KIẾM. Nhưng vì có chủ ý dùng Trung Thần Thông để biểu tượng nước Trung Hoa cổ điển, ông đã phải hạ thấp giá trị Phật Giáo xuống về mặt võ thuật, mặc dầu môn phái Thiếu Lâm theo Phật Giáo đã nổi tiếng khắp nơi. Trong bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ, ông cho thấy rằng Trung Thần Thông ngay từ lúc trẻ đã nhiều lần thắng một cách dễ dàng các nhà sư của chùa Thiếu Lâm trong các cuộc tỷ thí. Mặt khác, ta có thể nhận thấy rằng trong hai bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU, không có vị cao tăng Trung Hoa nào có một vai tuồng siêu việt, đáng được tôn trọng.

2. Phái Toàn Chân: tiêu biểu cho tánh cách dung hợp của nền văn hoá Trung Hoa

Phái Đạo Giáo mà Vương Trùng Dương lãnh đạo tên là Toàn Chân. Đạo Giáo vốn đã được Trương Đạo Lăng sáng lập dưới đời Đông Hán (25-220) và đặt căn cứ chánh tại nơi họ Trương tu luyện là Long Hổ Sơn (trong tỉnh Giang Tây ngày nay). Nhưng từ lúc nước Đại Kim chiếm lấy phía bắc Trung Quốc, triều đình nhà Tống phải dời về phương nam, người theo Đạo Giáo ở Hà Bắc thuộc quyền cai trị của người Đại Kim đã tách ra và lập ba phái phân biệt nhau là Toàn Chân, Đại Đạo, Thái Ất. Trong ba phái này, Toàn Chân là phái mạnh nhất.

Toàn Chân vốn có nghĩa là sự thật đầy đủ, trọn vẹn. Môn phái Đạo Giáo này đã mang danh hiệu trên đây vì ngoài chủ trương riêng của Đạo Giáo, nó lại còn bao gồm những chủ trương của Nho Giáo và Phật Giáo. Các môn phái Đạo Giáo trước đó chỉ chuyên về việc luyện linh đơn và làm phù chú. Phái Toàn Chân đã thêm vào các công phu trên đây, việc theo đạo trung hiếu của Nho Giáo và các giới luật của Phật Giáo. Những người theo môn phái này đã gọi nó là Toàn Chân chính vì nó bao gồm trọn vẹn các chơn lý mà các tôn giáo lớn lưu hành ở Trung Quốc đã nêu ra. Nói chung lại thì tuy cốt là Đạo Giáo, phái Toàn Chân cũng chứa đựng cả giáo lý của Nho Giáo và Phật Giáo và điều này đã mô tả đúng tánh cách dung hợp của nền văn hoá Trung Hoa trước đây.

G- Ý NGHĨA CÁC KỸ THUẬT TRANH ĐẤU CỦA PHÁI TOÀN CHÂN

1. Nhứt Dương Chỉ:

Cứ theo hai bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU thì công phu lợi hại nhứt của Giáo Chủ phái Toàn Chân là Nhứt Dương Chỉ.

a. Chữ nhứt trước hết có nghĩa là qui tập hết các sự việc về một mối. Việc phái Toàn Chân tuy là theo Đạo Giáo nhưng đã bao gồm các giáo lý của Nho Giáo và Phật Giáo chính nó đã là một biểu lộ cho tinh thần qui tập các nguyên lý hay về một mối. Ngoài ra chúng ta còn có thể nhận thấy rằng các triết gia Trung Hoa khi nghiên cứu các dữ kiện có mối liên hệ với nhau thì thường có xu hướng tìm mẫu số chung của các dữ kiện ấy để làm bộc lộ tánh cách đồng nhứt của nó. Khi nói về KINH THI, Khổng Tử đã bảo rằng bộ sách nầy có 300 thiên, nhưng chỉ cần một lời là tóm được hết ý nghĩa của nó, ấy là “không nghĩ bậy” (THI tam bá, nhứt ngôn dĩ tế chi, viết : tư vô tà . – LUẬN NGỮ, Vi Chánh). Nói về mối đạo của mình, Giáo Tổ của Nho Giáo cũng bảo là nó có thể do nơi một lẽ mà thông suốt tất cả (Ngô đạo nhứt dĩ quán chi. LUẬN NGỮ, Lý Nhân). Cứ theo lời giải thích của Tăng Tử, đó là việc thành tâm thật ý để suy lòng mình ra lòng người. Sự cố gắng qui tập các sự việc về một mối nói trên đây phát xuất từ một quan niệm làm căn bản cho cả nền tư tuởng cổ của Trung Hoa. Đó là quan niệm xem trời, đất và vạn vật đều cùng chung một thể với nhau (thiên địa vạn vật nhứt thể).

Ngoài ý qui tập hết các sự việc về một mối, chữ nhứt còn có nghĩa là chuyên tâm vào một việc gì. Thiên Cao Dao Mô trong KINH THƯ đã bảo: “Nhơn tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh, duy nhứt, doãn chấp quyết trung” . Câu này hàm ý rằng vì mọi sự việc đều biến đổi không ngừng nên lòng người rất dễ bị nghiêng lệch và ở vào thế bất ổn (nguy) mà mối đạo thì tế nhị và ẩn ảo khó thấy rõ được (vi) cho nên người phải giữ cho lòng mình trong suốt (tinh) và chuyên nhứt thì mới giữ được cái trung. Như vậy, nhứt là một điều kiện để đạt đạo trung.

b. Về chữ dương, nó chỉ là một nguyên tắc căn bản trong vũ trụ quan của người Trung Hoa. Nó được dùng để đối chiếu lại âm, vốn chỉ một nguyên tắc khác nó và thường được xem là phần nào chọi lại nó. Như sáng là dương mà tối là âm, nam phái là dương mà nữ phái là âm, cõi sống là dương mà cõi chết là âm. Về mặt xử thế thì sự quang minh chánh trực thuộc dương, sự ám muội tà khúc thuộc âm. Về mặt võ nghệ thì cương thuật thuộc dương mà nhu thuật thuộc âm.

Tên Nhứt Dương Chỉ hàm ý rằng công phu lợi hại hơn hết của Trung Thần Thông dựa vào cương thuật tới mức tối đa và rất dũng mãnh. Kim Dung đã dùng hình ảnh này để cho thấy rằng nền chánh trị lý tưởng của Trung Hoa có tánh cách quang minh chánh trực và có mục đích thực hiện cảnh thế giới đại đồng làm cho cả thiên hạ sống yên vui hoà mục và dùng sự nhân nghĩa mà đối xử với nhau.

Tuy nhiên, trên đời không thể chỉ có dương mà không có âm. Vả lại, việc vào dương thuần tuý là điều trái với đạo trung. Bởi đó, Nhứt Dương Chỉ không phải là một công phu thường dụng. Theo Kim Dung, nó làm hao tổn rất nhiều nội lực và khi người dùng nó rồi thì nguyên khí và tinh lực trong người bị tiêu hao, phải tĩnh dưỡng nhiều ngày mới hồi phục lại công lực. Theo bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU thì người dùng công phu Nhứt Dương Chỉ để chữa một nội thương trầm trọng của kẻ khác phải mất công lực trong 5 năm; nếu có học CỬU ÂM CHƠN KINH và luyện tập lại đúng mức thì cũng phải mất mấy tháng mới có công lực lại như xưa. Bởi đó, Trung Thần Thông bất đắc dĩ lắm mới dùng đến Nhứt Dương Chỉ.

Nếu xem Trung Thần Thông là tiêu biểu cho một quốc gia thì việc dùng Nhứt Dương Chỉ có thể xem như là việc huy động toàn quốc để thực hiện một công trình rất lớn lao. Sự tấn công kẻ địch bằng công phu Nhứt Dương Chỉ có thể so sánch với việc gây chiến tranh với quốc gia khác. Dầu có đem thắng lợi về cho mình, chiến tranh cũng làm cho quốc gia hao tổn nhơn lực, tài lực và quốc gia phải cần một thời gian mới khôi phục lại tình trạng bình thường. Với lối mô tả Nhứt Dương Chỉ, Kim Dung có ý cho biết rằng nước Trung Hoa cổ điển không chủ trương dùng chiến tranh làm phương pháp chánh yếu để giải quyết các vụ xung đột với nước khác như một số quốc gia hiếu chiến trên thế giới, và chỉ dùng đến chiến tranh một cách bất đắc dĩ thôi.

2. Thái Cực Quyền

Trong tình trạng bình thường, Trung Thần Thông và người của phái Toàn Chân đã dùng Thái Cực Quyền trong các cuộc giao đấu. Thái Cực là tình trạng vũ trụ lúc còn là một khối hỗn mang chưa phân ra thành trời đất. Trong triết lý cổ Trung Hoa, nó dùng để chỉ một tình trạng thống nhứt nhưng bao gồm các yếu tố khác nhau. Do đó, Thái Cực hàm có lưỡng nghi là âmdương và Thái Cực Quyền mà phái Toàn Chân thường sử dụng gồm có cả nguyên tắc cương và nhu. Về mặt nội công thì phái Toàn Chân đã luyện Thái Ất Huyền Công. Thái Ất hay Thái Nhứt vốn là tên của một ngôi sao tượng trưng cho một nguyên lý linh thiêng trong vũ trụ. Giữa Thái Ất và Thái Cực có sự liên hệ mật thiết với nhau. Thái Ất có thể xem nhu là sự thể hiện của Thái Cực và do đó mà cũng gồm cả hai nguyên tắc âm dương. Vì thế Thái Ất Huyền Công của phái Toàn Chân được Kim Dung mô tả như là một công phu vừa cương vừa nhu, khi vận chơn khí thì làm cho thân thể mềm xốp như bông gòn hay cứng như gang sắt. Điều này thích hợp với đạo trung và hàm ý rằng tùy theo vương đạo và hướng về việc dùng nhơn nghĩa, nền chánh trị Trung Hoa cũng gồm có việc dùng võ lực và hình phạt để trừng trị những kẻ làm bậy.

3. Thiên Cương Bắc Đẩu Trận.

Ngoài kỹ thuật tranh đấu cá nhơn, phái Toàn Chân lại có một kỹ thuật tranh đấu tập thể làm bảo pháp trấn sơn là Thiên Cương Bắc Đẩu Trận. Theo kỹ thuật này, phải có bảy người ngồi theo vị thế của bảy ngôi sao trong chòm sao Bánh Lái, với sao Bắc Đẩu làm chủ chốt. Khi ngồi theo vị thế đó và tương ứng tương trợ nhau, bảy người trên đây họp tập được công lực của nhau và công lực này trở thành một sức mạnh lớn lao làm cho kẻ địch khó có thể thắng họ được.

Chữ cương theo nghĩa đen là sợi dây lớn làm giềng cho một cái lưới. Nó thường được dùng với chữ kỷ vốn có nghĩa là sắp xếp các sợi tơ, và hai chữ cương kỷ ghép lại dùng để chỉ một trật tự đã an bài. Theo khoa thiên văn của người Trung Hoa thời cổ, các ngôi sao trên trời được sắp xếp thành hai bộ phận: chòm sao Bắc Đẩu thuộc thiên cương, còn dải Ngân Hà thì thuộc địa kỷ. Ở thế gian thì từ ngữ cương kỷ dùng để nói đến trật tự và qui luật của một quốc gia và thiên cương là qui chế chánh trị đương hữu.

Vậy Thiên Cương Bắc Đẩu Trận mượn danh hiệu của một chòm sao trên trời, nhưng cũng ám chỉ nền chánh trị một nước. Ta nên lưu ý rằng nhà triết học được người Trung Hoa thờ làm thánh sư là Khổng Tử đã từng so sánh nên chánh trị dựa vào đạo đức với ngôi sao Bắc Đẩu, ở yên một chỗ mà các sao khác đều phải chầu về (LUẬN NGỮ, Vi Chánh). Như thế, việc bảy người phái Toàn Chân ngồi theo vị thế bảy ngôi sao của chòm sao Bánh Lái để chống địch và danh hiệu Thiên Cương Bắc Đẩu Trận của kỹ thuật tranh đấu tập thể này đã được Kim Dung dùng để nói đến chủ trương căn bản của người Trung Hoa lấy đạo đức làm nền tảng cho việc lãnh đạo xã hội và gây tinh thần đoàn kết giữa mọi người làm cho cộng đồng trở thành một lực lượng mạnh mẽ vô địch.

H- CÁC NHƠN VẬT CÓ THỂ ĐƯỢC VƯƠNG TRÙNG DUƠNG BIỂU TƯỢNG.

Nói chung lại thì trong hai bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU, chúng ta đã tìm thấy nhiều dữ kiện làm cho chúng ta có thể tin rằng Kim Dung đã dùng nhơn vật Trung Thần Thông và phái Toàn Chân để ám chỉ nước Trung Hoa cổ điển. Theo sự mô tả của ông thì Trung Thần Thông chết, phái Toàn Chân suy sụp lần lần về cả hai mặt võ công lẫn đạo đức. Những người nối nghiệp Trung Thần Thông chẳng những không giữ được địa vị số 1 ông đã được, mà cuối cùng phái Toàn Chân do họ lãnh đạo còn gần như tan vỡ khi căn cứ của nó là Trùng Dương Cung ở Chung Nam Sơn bị đốt cháy. Sau Trung Thần Thông , người cao thủ của phái Toàn Chân có võ công siêu tuyệt ngang với các bá chủ võ lâm khác, đó là Châu Bá Thông. Nhưng ông này không phải là người lãnh đạo của môn phái và không nghĩ gì đến nó. Qua các sự kiện trên đây, Kim Dung đã có ý bảo rằng nước Trung Hoa cổ điển đã có nền văn hoá cao diệu nhứt thế giới, nhưng vì quá chú trọng đến đạo đức mà quay lưng lại khoa học thực nghiệm nên nó lần lần suy vi và cuối cùng đã sụp đổ với việc Cộng Sản nắm chánh quyền, thành ra chỉ còn tồn tại với các công trình công nghệ tuyệt xảo của mình.

Nếu muốn lấy một nhơn vật siêu việt trong lịch sử Trung Quốc thời Cộng Sản chưa nắm trọn chánh quyền để so sánh với Vương Trùng Dương thì ta có thể nêu ra hai người:

1. Trước hết là Khổng Tử (551-479 tr. CN). Ông là người được dân Trung Hoa thờ làm thánh sư trong hơn hai ngàn năm. Ông tập họp các trí thức thời ông để xây dựng một học thuyết làm nền tảng cho cả nền văn hoá và chánh trị cổ của Trung Quốc và học thuyết này bao gồm các đặc tánh mà chúng tôi đã phân tích trên đây về ý thức hệ của dân tộc Trung Hoa. Nhưng khi một môn đệ là Phàn Trì muốn học làm ruộng hay làm vườn thì Khổng Tử đã bảo nên đi tìm một ông lão làm vườn hay làm ruộng mà học. Sau đó ông còn chê trí Phàn Trì là chí khí nhỏ hẹp. Theo ông, đi học là học lễ, nghĩa tín khiến cho dân chúng từ bốn phương xa lạ khâm phục và đai con đến để theo mình (LUẬN NGỮ, Tử Lộ). Vậy chính Khổng Tử là người đã dạy dân Trung Hoa chỉ nên hướng về đạo đức mà quay lưng lại khoa học thực nghiệm, cũng như Vương Trùng Dương đã nghiêm cấm môn đệ học CỬU ÂM CHƠN KINH.

2. Tuy nhiên, Khổng Tử là một nhơn vật quá cổ nên không thích hợp với khung cảnh chánh trị thời nay. Bởi đó, có lẽ nhà chánh trị Trung Hoa cận đại có thể so sánh với Vương Trùng Dương là Tôn Văn. Ông là người được cả dân Trung Hoa tôn trọng và gọi là Quốc Phụ. Tên tự ông là Dật Tiên, mà theo quan niệm Trung Hoa, tiên là một nhơn vật nhờ theo Đạo Giáo mà được trường sanh bất lão. Địa vị Quốc Phụ của Tôn Văn cũng giống như địa vị Giáo Chủ phái Toàn Chân của Trung Thần Thông.

Theo bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP thì trước khi đi tu làm đạo sĩ, Trung Thần Thông đã từng tổ chức cuộc tranh đấu để chống lại người Kim, và sau đó phái Toàn Chân do ông sáng lập là một đoàn thể có chủ trương chống lại người Mông Cổ. Phần Ông Tôn Văn thì đã làm cách mạng giải thoát nước Trung Hoa khỏi sự cai trị của nhà Thanh do người Mãn Châu xây dựng, để bắt đầu chánh sách tự tân tự cường. Điều đáng lưu ý là dân Mãn Châu chính là giống dân đã thành lập nước Đại Kim trước đây. Vậy, Tôn Văn với Trung Thần Thông đã có một quá trình tranh đấu chống sự xâm lược của dị tộc như nhau.

Mặt khác, ngoài tên húy là Văn và tên tự là Dật Tiên, họ Tôn lại còn có tên hiệu là Trung Sơn. Ta có thể nhận thấy rằng tên hiệu này có chữ trung bên trong như ngoại hiệu Trung Thần Thông của Vương Trùng Dương. Về mặt ý thức hệ, Tôn Văn đã chủ trương kết hợp ba hệ thống tư tưởng Dân Tộc, Dân Quyền và Dân Sinh gồm có tư tưởng Quốc Gia, Tự Do và Xã hội làm một mối trong chủ nghĩa Tam Dân, lại tìm cách dung hoà nền văn hoá cổ của Trung Hoa với những cái hay của nền văn hóa thế giới. Đường lối chánh trị của ông dựa trên tinh thần dân bản, lại hướng đến lý tưởng thế giới đại đồng. Những điểm trên đây có sự tương đồng với chủ trương đường lối phái Toàn Chân là một đoàn thể đã kết hợp giáo lý của Nho Giáo, Phật Giáo và Đạo Giáo và lấy Thiên Cương Bắc Đẩu Trận làm kỹ thuật tranh đấu trấn sơn.

Sau hết, lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhựt Mãn Địa Hồng mà Tôn Văn và Trung Hoa Quốc Dân Đảng do ông lãnh đạo lấy làm quốc kỳ có hình mặt trời chói lọi tiêu biểu cho nền chánh trị dựa vào sự quang minh chánh trực và có thể so sánh với công phu Nhứt Dương Chỉ của phái Toàn Chân.

I- CÁC NHƠN VẬT CÓ LIÊN HỆ ĐẾN PHÁI TOÀN CHÂN SAU VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG: QUÁCH TĨNH và DƯƠNG KHANG

Sau khi Tôn Văn chết, không còn vị chánh khách Trung Hoa nào được toàn thể người Trung Hoa tôn trọng, cũng như sau khi Vương Trùng Dương chết, không còn người nào trong phái Toàn Chân có được tầm vóc của ông trừ Châu Bá Thông, nhưng Châu Bá Thông lại không được đứng vào địa vị lãnh đạo phái này. Bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU có nói đến hai nhơn vật có liên hệ đến phái Toàn Chân là Quách Tĩnh và Dương Khang.

1. Quách Tĩnh đã học nội công với đại đệ tử của Vương Trùng Dương là Mã Ngọc, nhưng không được Mã Ngọc nhận làm học trò. Sau đó ông đã thờ Bắc Cái làm sư phụ, mà như chúng tôi sẽ trình bày sau. Bắc Cái là một nhơn vật tượng trưng cho Liên Sô và Đảng Cộng Sản Quốc Tế.

Mặt khác, Quách Tĩnh đã có thêm nhiều công lực nhờ hút được huyết con rắn quí của Lương Tử Ông. Con rắn này nguyên là một con rắn độc màu đen, nhưng sau khi được Lương Tử Ông nuôi lâu năm bằng những loại trân dược, nó trở thành đỏ như huyết. Như chúng tôi sẽ trình bày trong đoạn nói về Tây Độc, con rắn là một biểu tượng của nền văn hoá Tây Phương. Ngoài ra, hiện nay, người ta thường dùng màu đen để biểu tượng cho cánh hữu bảo thủ và màu đỏ để biểu tượng cho cánh tả cách mạng. Các chi tiết trên đây cho thấy rằng con rắn của Lương Tử Ông được dùng để ám chỉ chủ nghĩa Cộng Sản. Triết lý của chủ nghĩa này vốn phát xuất từ biện chứng pháp của Hegel là một nhà học giả hữu phái của nước Đức. Karl Marx là học trò của Hegel; ông đã biến biện chứng pháp Hegel thành biện chứng pháp duy vật và làm nền tảng cho hệ thống tư tưởng cách mạng vô sản của mình. Kim Dung đã dùng con rắn đỏ để chỉ biện chứng pháp duy vật của Karl Marx. Biện chứng pháp duy vật thiên tả này vốn phát xuất từ biện chứng pháp hữu phái của Hegel, cũng như con rắn đỏ của Lương Tử Ông vốn là con rắn đen bị đổi màu sau khi được nuôi lâu năm bằng trân dược.

Vậy, Quách Tĩnh biểu tượng cho một nhơn vật Trung Hoa có một sở học khá vững về nền văn hoá cổ truyền của nước mình, nhưng sau đó, đã theo chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx và gia nhập Đảng Cộng Sản Quốc Tế. Trong các chánh khách Trung Hoa quan trọng xuất hiện sau Tôn Văn, người thích ứng hơn hết với các chi tiết trên đây là Mao Trạch Đông.

Trong hai bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU và THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Quách Tĩnh đã không nhận lãnh quan chức của triều đình nhà Tống mà ông cho là hủ bại với những ông vua ham mê tửu sắc và những viên quan hèn nhát gian nịnh. Nhưng ông đã cùng với viên trấn thủ thành Tương Dương (nay là Tương Phàn trong tỉnh Hồ Bắc) lãnh đạo cuộc tranh đấu chống lại các cuộc tấn công của quân Mông Cổ. Những điều này có thể so sánh với các việc Mao Trạch Đông tuy không thuận với chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc, nhưng đã cùng chánh phủ này lãnh đạo cưộc kháng chiến chống Nhựt.

Trong phần kết cuộc của bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Quách Tĩnh lại được công nhận làm Bắc Hiệp hay Bắc Cái trong số Võ Lâm Ngũ Bá. Với sự kiện này, Kim Dung đã muốn nêu ý kiến là Mao Trạch Đông xứng đáng cầm đầu Cộng Sản Quốc Tế hơn là các nhà lãnh đạo Sô Viết kế vị cho Staline. Ta không nên lấy làm lạ về quan điểm này vì khi viết bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Kim Dung đã bớt thiện cảm với Cộng Sản Nga, nhưng vẫn còn hoan nghinh Trung Cộng.

2. Dương Khang vừa là người anh em kết nghĩa với Quách Tĩnh, vừa là người đã nhiều lần chống chọi lại Quách Tỉnh. Lúc ban đầu, ông được Khưu Xứ Cơ là sư đệ của Mã Ngọc thâu nhận làm đệ tử. Vậy, ông chánh thức là người của phái Toàn Chân. Nhưng ông đã được Hoàn Nhan Liệt là một thân vương nước Đại Kim nuôi từ nhỏ và xem như con ruột. Một mặt vì thương mến và thâm cảm ơn nuôi dưỡng tử tế, một mặt vì luyến tiếc sự giàu ang của vương thất nước Đại Kim mặc dầu nước ấy đang ở vào lúc sắp bị diệt, Dương Khang đã tiếp tục trung thành với Hoàn Nhan Liệt ngay cả lúc đã được biết chắc là vị vương giả này thật sự là người thù đã làm hại cha mẹ ruột mình. Dương Khang cũng có một đôi lần bị mối thù cha mẹ thúc giục nên có ý định làm hại Hoàn Nhan Liệt, nhưng lần nào ông cũng bỏ qua ý định đó.

Cứ theo lời mô tả của Kim Dung thì Hoàn Nhan Liệt có thể xem như là tiêu biểu cho phe đế quốc xâm lược. Về phần Dương Khang thì nhơn vật chánh trị thời cận đại gần với hình ảnh của ông nhiều hơn hết là Uông Tinh Vệ. Ông này vốn là một nhà ái quốc chống lại nhà Thanh và là một nhơn vật hợp tác chặt chẽ với Tôn Văn trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

Trong thời kỳ chống lại nhà Thanh, ông Uông Tinh Vệ đã tỏ ra rất dũng cảm. Khi bị bắt lúc hãy còn rất trẻ, ông đã không sợ hãi mà còn làm một bài thơ để biểu lộ ý chí mình như sau:

Khảng khái ca Yên thị,
Thung dung tác Sở tù.
Dẫn đao thành nhứt khoái,
Bất phụ thiếu niên đầu.

Yên thị là cái chợ ở Yên Kinh, tức là Bắc Kinh ngày nay, nơi nhà Nguyên do người Mông Cổ thành lập dùng làm kinh đô. Lúc người Mông Cổ đánh Nam Tống thì một nhà ái quốc Trung Hoa là Văn Thiên Tường đã mộ quân chống lại họ. Ông bị bắt và bị cầm tù ở Bắc Kinh ngày nay vì không chịu đầu hàng. Trong khi ở trong ngục, ông làm bài Chánh Khí Ca để biểu lộ lòng trung nghĩa bất khuất của mình, và về sau đã bị người Mông Cổ xử tử ở Bắc Kinh.

Sở tù là người tù nước Sở. Đó là danh hiệu để chỉ Chung Nghi, một người nước Sở bị bắt làm tù binh, nhưng trong khi bị địch giam giữ vẫn có vẻ ung dung và giữ lề lối ăn mặc cư xử của nước mình.

Vậy với bài thơ trên đây, ông Uông Tinh Vệ đã lấy gương Văn Thiên Tường và Chung Nghi ra để biểu lộ ý chí của mình không chịu khuất phục nhà Thanh. Ông quyết tâm giữ thái độ ung dung như Chung Nghi và nếu có bị xử tử thì sẵn sàng ca hát một cách khảng khái ở pháp trường như Văn Thiên Tường, chỉ mong cho đao của người giám trảm chặt cho ngon để không uổng công chém cái đầu của một người thiếu niên như mình.

Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, ông Uông Tinh Vệ trở thành một người cộng sự mật thiết với ông Tôn Văn và là một trong những người tranh quyền lãnh đạo với Tưởng Giới Thạch. Ông rất muốn cho Trung Quốc canh tân theo nước Nhựt để trở thành cường thạnh, nhưng dĩ nhiên không thể không tán thành việc nước Nhựt chinh phục Trung Quốc. Tuy nhiên, một mặt vì không chấp nhận quyền lãnh đạo của ông Tưởng Giới Thạch, một mặt vì đặt chủ trương chống lại Trung Cộng trên chủ trương chống Nhựt nên về sau, ông đã chịu thành lập một Chánh Phủ Trung Hoa hợp tác với người Nhựt khi nước Nhựt xâm lấn Trung Quốc. Do đó, Uông Tinh Vệ đã bị đa số người Trung Hoa hiện đại lên án về chỗ đã hợp tác với kẻ thù của nước mình. Nếu quả thật Kim Dung dùng Dương Khang để biểu tượng cho Uông Tinh Vệ thì ông đã theo xu hướng chung của đồng bào ông.

—>Chương I – Mục I- Phần 2

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, NGUYỄN NGỌC HUY : Các Ẩn Số Chính Trị trong Tiểu-thuyết Võ-hiệp Kim-Dung and tagged , , , , . Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời