TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 (21…30)

29-Trường Nguyễn Trãi
Đường Trịnh Minh Thế
Quận 4, Sàigòn

Bài này được viết chung với ông NĐH, cựu học sinh trường Nguyễn Trãi niên khoá 1957.

Trường Nguyễn Trãi là một trường trung học công lập đệ nhị cấp tọa lạc trên đường Trịnh Minh Thế ,bên Kho Năm Khánh Hội tại quận Tư, Sàigòn. Đây là trường trung học có đệ nhị cấp duy nhất ở quận 4 này. Từ thưở thành lập, trường chỉ nhận nam học sinh nhưng từ niên học 1971-1972, trường bắt đầu thu nhận thêm nữ sinh.

Theo tài liệu [1,2] : Trường trung học Nguyễn Trãi được thành lập từ sự phân chia ra làm hai phần của trường trung học Chu Văn An Hà Nội vào khoảng năm 1950 : Một nửa số học sinh (đa số có nhà cư ngụ ở mạn bắc Hà Nội) di chuyển cùng với tên trường Chu Văn An về trường Giáo Sinh Sư Phạm hay Sư Phạm Tiểu Học (Collège Đỗ Hữu Vị?) Cửa Bắc, góc phố Ðỗ Hữu Vị và Quan Thánh , nơi đào tạo các giáo viên bậc tiểu học, tại đường Đỗ Hữu Vị . Còn nửa số học sinh ở lại trường nữ trung học Ðồng Khánh, gần Hồ Hoàn Kiếm và trường Trưng Vương, (đa số có nhà cư ngụ ở mạn Nam Hà Nội) và trường được đổi tên thành trường trung học Nguyễn Trãi, lấy theo tên của một anh hùng dân tộc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và tác giả của Bình Ngô Đại Cáo. (Xem Sơ Lược Tiểu Sử Nguyễn Trãi trong phần Phụ đề 1 và Lược sử trường Chu Văn An trong bài Trường Chu Văn An của cùng tác giả).

Theo tài liệu [3] : Năm học 1950 – 1951, trường trung học Nguyễn Trãi xử dụng cơ sở của trường nữ Trung học Đồng Khánh (Trường Trưng Vương) trên phố Hàng Bài- Hà Nội.

Những tháng năm trước Hiệp-Định Genève chia đôi Đất Nước năm 1954, tình hình ngoài Bắc loạn lạc nên phần đông dân chúng phải tản cư rồi lại hồi cư, việc học bị gián đoạn nên thường bị trễ vài năm. Nhiều gia đình trốn ra Hà Nội và được tạm cư trong trường Nguyễn Trãi vì lúc đó học sinh đang nghỉ hè và ở đấy chừng nửa tháng và phải nấu ăn tự túc ngay trên sàn gạch của lớp học. Những người trách nhiệm về việc tạm trú bảo tháo bàn học ra làm củi vì không tìm đâu ra củi để nấu ăn (tài liệu [4]).

Theo tài liệu [5] : Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, miền Bắc vĩ tuyến 17 thuộc quyền nhà nước Cộng Sản, miền Nam vĩ tuyến 17 thuộc chính quyền quốc gia của đức Quốc trưởng Bảo Đại, do thủ tướng Ngô Đình Diệm đặc mệnh, toàn quyền.

Trường Nguyễn Trãi từ Hà Nội cũng theo đoàn người di cư vào Sàigòn nhưng không có trường sở riêng để thiết lập lại, đành phải học nhờ tại một trường Nam tiểu học,một mặt giáp với rạp Đại Nam, ba mặt kia nhìn ra ba đường: Nguyễn Thái Học ( trước đó là đường chợ Cầu Muối ) ,Trần Hưng Đạo trước đó là (đường Galliéni) và Hồ Văn Ngà cây cao bóng mát. (Trường này theo tài liệu [6] tên là trường nam tiểu học Trương Minh Ký).

Trường Trương Minh Ký trên đường Nguyễn Thái Học
(năm chưa xác định được)

Vào thời điểm này, trường Nguyễn Trãi mang tên trường trung học công lập di chuyển Nguyễn Trải.

Theo tài liệu [7] : Khi chưa di cư, còn đóng đô ở Hà Nội, trường trung học Nguyễn Trãi vẫn dạy tới Đệ Nhất (Tú Tài 2).Nhưng sau khi vô Nam, trường sở thì là học ké lại chật hẹp nên bị cắt mất bậc tú tài 2 nên trở thành trường trung học đệ nhất cấp từ đệ Thất đến đệ Tứ.

Năm đầu tiên vào Sàigòn,học sinh không cần qua cuộc thi tuyển chỉ cần thông tín bạ hoặc giấy chứng nhận học trình.

Theo tài liệu [8] : Trước cổng trường Nguyễn Trãi trên đường Nguyễn Thái Học là một bãi đất trống. Học sinh Nguyễn Trãi thường tụ tập ở đây, chờ các lớp học sinh tiểu học ra hết mới đến luợt mình vào học. Tại đây có nhiều hàng quà. Từ kem đến bò khô, bò bía, giầm (?), bánh cuốn, bánh ngọt… Thôi thì đủ thứ, trông ngon lắm !

Trường Nam tiểu học Trương Minh Ký này không những phải nhận học trò trường Nguyễn Trãi mà còn phải nhận luôn học trò trường Trưng Vương cũng mới di cư từ miền Bắc vào Sàigòn trong cùng thời điểm này

Tài liệu [6] viết ‘’ Lớp chúng tôi hơn sáu chục người là những nữ sinh đã trúng tuyển vào lớp đệ thất trường nữ trung học Trưng Vương. Tuy nhiên vì trường nữ trung học Trưng Vương cũng trong tình trạng mới di chuyển vào Nam và đang phải học nhờ trường nữ trung học Gia Long, nên thiếu phòng để cho các nữ sinh học, do đó bà hiệu trưởng của chúng tôi bèn gửi chúng tôi đến trường trung học Nguyễn Trãi để nhờ thầy hiệu trưởng Trần Văn Việt dậy dỗ lớp chúng tôi giúp bà.

Có thể, chỉ duy nhất lớp chúng tôi là con gái nên chúng tôi được là con cưng của trường. Thầy hiệu trưởng lo cho lớp chúng tôi rất nhiệt tình và chu đáo lắm nhưng cũng rất nghiêm, thầy sắp xếp cho lớp tôi học nơi phòng cuối cùng của dẫy nhà nằm quay mặt hướng vào sân trường còn lưng thì quay về đường Trần Hưng Đạo, chúng tôi không đi lối cổng chính cùng với nam sinh của trường, là cổng mở ra trên đường Nguyễn Thái Học, lớp tôi được ưu tiên đi cổng nhỏ dành riêng cho quí vị giáo sư được mở ra ở bên hông của trường về phía đường Trần Hưng Đạo, ngay sau lưng lớp học của chúng tôi. Giờ ra chơi chúng tôi không bao giờ được phép sân mà chỉ quanh quần ở trong lớp hoặc ra mái hiên sau lưng lớp học về phía đường Trần Hưng Đạo. Tôi còn nhớ gần đến ngày nghỉ hè, sân trường Nguyễn Trãi vàng rực một mầu hoa điệp đẹp mê hồn. Sau hai niên khóa bà hiệu trưởng Tăng Xuân An đón cả lớp chúng tôi về lại trường nữ trung học Trưng Vương vì bà hiệu trưởng vừa lo được cơ sở mới, khang trang và rộng rãi tọa lạc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần sở thú’’.

Theo tài liệu [5] : Hai năm sau (1956 ) trường Nguyễn Trãi lại di chuyển về học nhờ trường tiểu học Phan Đình Phùng tại số 94, đường Phan Đình Phùng, Sàigon. Sau này, trường đổi tên là Nam Tiểu Học Lê văn Duyệt. (Xem thêm chi tiết về Trường Nam Tiểu Học Lê Văn Duyệt trong phần Phụ đề 2).

Ở bên cạnh bảng tên to lớn của trường Nam Tiểu Học Lê văn Duyệt và hơi thấp hơn là một tấm bảng nhỏ hơn : Trường Trung Học công lập di chuyển Nguyễn Trãi.

Bố trí phòng ốc của trường tiểu học Lê văn Duyệt được phác họa và miêu tả theo trí nhớ của tác giả tài liệu [9] :

Cổng trước của trường ngó ra là đường Phan Đình Phùng với hai hàng cây cao rợp bóng mát. Năm 1959, trường mới có cổng sau trên đường Tự Đức. Hai bên hông trường là đường Mạc Đỉnh Chi và Đinh Tiên Hoàng với những biệt thự tư nhân sang trọng. Từ đường Đinh Tiên Hoàng vào, có một dẫy nhà gạch sang trọng hai tầng, có con hẻm xe hơi chạy xuyên qua đường Tự Đức mé sau trường, rồi qua một vài biệt thự lớn thì đến cổng trường, tiếp theo là biệt thự rồi đến đường Mạc Đỉnh Chi.

(Ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng và Tự Đức là trường nữ tiểu học Đinh Tiên Hoàng nằm xéo cổng sau trường tiểu học Lê Văn Duyệt).

Trong khuôn viên của trường có văn phòng của nha học chánh còn làm việc tại đây.

Trường chỉ xử dụng ba dẫy nhà. Từ cổng vào, đầu dẫy là văn phòng của trường tiểu học Lê Văn Duyệt buổi sáng, cuối dẫy là văn phòng, bên cạnh là phòng giáo sư của truờng Nguyễn Trãi.

Tiếp đến là sân trường khá lớn, chính giữa có cột cờ cao, mà tất cả giáo sư, học sinh làm lễ chào cờ mỗi trưa thứ hai đầu tuần.

Phía bên phải của sân là khu nhà để xe đạp và khu nhà vệ sinh. Phía bên trái là khu nhà kho, phòng y tế, phòng các thầy giám thị nối liền vào với dẫy các lớp học thứ hai.

Giữa dẫy lớp học thứ hai và thứ ba có thêm một sân chơi khá rộng, nơi mà những tên học trò lớn thường phóng qua cửa sổ để trốn học. Phía bên phải của sân sau là một hồ tắm lớn bỏ không, không bao giờ có nước. Bên cạnh hồ tắm này là nhà ông Phan văn Quan, giám đốc ty tiểu học. Hai bên sân sau là khu nhà ở của nhân viên trường tiểu học, bên phải là nhà của thầy hiệu trưởng trường Lê Văn Duyệt, phía sau là những khu nhà, phòng họp chỉ cho trường tiểu học xử dụng. Một bức tường khá cao có cổng sắt bên phải thông ra đường Tự Đức phía sau trường, ít khi được mở.

Vì là trường sở đi mượn, nên học sinh Nguyễn Trãi chỉ đi học buổi chiều. Các lớp học bắt đầu từ hai giờ cho đến sáu hay bẩy giờ chiều (một giờ tới năm rưỡi theo tài liệu [7]). Ngoài ra theo tài liệu [4] : Buổi tối là các lớp cuả Hội Khuyến học Bổ Túc dành cho những người đã đi làm học thêm để luyện thi.

Tài liệu [7] cho biết thêm vài chi tiết về kiến trúc của các dãy nhà trường :

Trường Nguyễn Trãi khi ấy (năm 1957) có ba dãy :

Hai dãy nhà cổ, tường gạch, lợp ngói, lớp học thoáng mát, đúng tiêu chuẩn trường học xây dựng thời Pháp. Hai dãy cách nhau bởi một khoảng sân rộng.

Một dãy thứ ba, tường gạch nhưng mái lợp tôn, được xây dựng thêm ở phía sau chỉ cách đường Tự Đức một dẻo đất hẹp và một bức tường cao khoảng hai mét.

Dãy đầu tiên của trường Trung Học Nguyễn Trãi

Văn phòng trường là một căn nhà nhỏ, lợp tôn ngang thước thợ và ở đầu dãy thứ hai. Bây giờ nghĩ lại, thấy tội nghiệp các thày. Căn phòng thì nhỏ, không bằng một lớp học, lợp tôn nóng bức mà vừa là phòng Hiệu Trưởng, phòng Giám học, phòng Giáo sư, văn phòng hành chánh,…

Theo tài liệu [ 5] : Năm 1955, dẫy nhà trên tường gạch, mái ngói, dành cho các lớp Ngũ, Tứ và văn phòng. Dẫy nhà dưới tường gạch mái tôn, dành cho các lớp Thất, Lục. Những ngày hè nóng lửa, các lớp học này như cái lò nướng bánh mì.

Theo tài liệu [7] : Năm 1957, Lớp Đệ Thất B3 nằm ở một góc ba tó (?), cuối dãy đầu tiên, gần phía đường Phan Đình Phùng, Đến năm 1958, Đệ Lục B3, phải xuống học ở “xóm” nhà tôn phía sau, Đệ Ngũ B3 được học ở phòng thứ hai của dãy nhà giữa, dãy đẹp nhất, lớp học thoáng mát.

Đến năm 1959 thì các lớp đệ thất, đệ lục đều nằm ở dẫy nhà đầu (nhà cổ) đường Phan Đình Phùng (tài liệu [9] ).

Theo tài liệu [5] : Năm đầu 1955 , cụ Trần Văn Việt làm hiệu trưởng, có biệt danh là “cụ Việt bụng bự”, cụ là hiệu trưởng một trường Tiểu học, hình như Đỗ Hữu Vị ở Hải Phòng. Năm sau cụ Việt lên làm hiệu trưởng Trung học Chu Văn An. Cụ Vũ Đức Thận về thay thế, làm hiệu trưởng Nguyễn Trãi. Tổng Gíam thị là thầy Ngô Hữu Phác.

Thày Vũ Đức Thận người tầm thước, hơi gầy, tới trường bao giờ cũng mặc bộ complet trắng.Tính thày điềm đạm, nghiêm nghị, đúng là một nhà mô phạm của thế hệ trước. Thày có viết một cuốn sách Vạn Vật cho lớp Đệ Tứ. Cụ hiệu trưởng Thận luôn mặc bộ complet bằng vải Kaki trắng, đội mũ cao bồi rộng vành, cũng màu trắng. Khi đứng trước hàng học sinh, cụ thường đút hai tay vào túi quần sau, tay chân khuỳnh khuỳnh y hệt John Wayne trong các phim cowboy miền viễn Tây.

Theo tài liệu [4] : Kỳ thi tuyển vào đệ thất năm 1956, tổng số thí sinh là 2500 mà trường chỉ chọn 240 học sinh trúng tuyển được chia thành 4 lớp gồm ba lớp sinh ngữ Anh văn B1, B2, B3 và một lớp Pháp văn B4.

Kỳ thi tuyển của niên khóa 1959 cũng tương tự như năm 1956, gần cả ngàn học sinh dự thi, chỉ lấy có khoảng 250 học sinh vào 4 lớp đệ thất (tài liệu [9]).

Một sự kiện vô cùng độc đáo là một học trò lớp đệ lục niên khóa 1956-1957 tên là Phan Ngọc Cung đã sáng tác ra bài Hiệu Đoàn Nguyễn Trãi.Bài này trở thành bài ca hành khúc chính thức của trường Nguyễn Trãi.

Năm 1957 ,trường Nguyễn Trãi có 16 lớp : Bốn đệ thất,bốn đệ lục,bốn đệ ngũ và bốn đệ tứ. Lớp đệ thất B2 được ban giám đốc trường giao vinh dự hát quốc ca lễ chào cờ mỗi trưa thứ hai đầu tuần.Các học sinh niên khoá 1957 này trong bốn năm liên tiếp được học môn hội họa duy nhất với giáo sư họa sĩ nổi tiếng của Sàigòn Thịnh Del và môn âm nhạc duy nhất với giáo sư Chung Quân, nhạc sĩ sáng tác bản nhạc nổi tiếng Làng Tôi hồi 16 tuổi .Hàng tuần học trò trường có giờ thể dục ,thể thao vào buổi sáng tại sân vân động Hoa Lư với huấn luyện viên là thầy Bảo.

Vào những năm 1958 – 1959 ,học sinh trường ngoài các môn sinh ngữ Anh hay Pháp còn có giờ học thêm môn Hán văn giảng dạy bởi một giáo sư là một cụ tú mặc áo the thâm khăn đóng.

Niên khóa 1960-1961, trường Nguyễn Trãi có vị nữ giáo sư đầu tiên là cô An thị Hà Châu và sau đó là giáo sư Đào thị Kim Phụng Cho tới nay giáo sư Đào Thị Kim Phụng vẫn sinh họat với cựu học sinh Nguyễn Trãi.

Theo tài liệu [7] : Năm 1960-1961, là một bước phát triển quan trọng của trường Nguyễn Trãi từ khi vào Nam. Đó là năm trường mở thêm bậc đệ nhị cấp: đệ Tam, đệ Nhị, đệ Nhất. Lớp đệ Nhất nằm ở phòng đầu dãy giữa, cạnh văn phòng trường. (Tuy vậy, đám học trò đệ Tứ vào học trước đó chẳng coi cái lớp đệ Nhất đó là cái “đinh” gì và vẫn tự cho mình là học trò kỳ cựu, lớn nhất trường, không thèm để mắt tới đám ma mới đệ nhất mới vô).

Năm 1960 , trường Nguyễn Trãi có một thay đổi lớn. Thầy hiệu trưởng Vũ Đức Thận về hưu, thay vào là thầy Phạm Đăng Châu, còn trẻ, ở Vĩnh Long đổi về. Hình như vị hiệu trưởng mới này có quen biết hay họ hàng chi đó với Bộ trưởng Giáo dục Trần Hữu Thế. Lễ chào cờ đầu năm học 1960-1961 rất trang trọng với sự chủ tọa của Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Học sinh xếp hàng theo lớp, các giáo sư đứng thành hàng ngang ở trên. Lễ thượng kỳ có ban quân nhạc kèn đồng sáng loáng cử bài quốc ca rất hùng tráng “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…” Sau lễ chào cờ, các giáo sư được giới thiệu với Bộ Trưởng.

Lễ chào cờ đầu năm học 1960 -1961

Thầy Hiệu Trưởng và ban giáo sư

Năm học 1960- 1961, học trò đệ Tứ, sau bốn năm học chung cùng một lớp và sau kỳ thi Trung học đệ nhất cấp, lên học lớp Đệ Tam. Vì trường chỉ có hai lớp đệ tam đầu tiên : một ban A và một ban B và tới giờ sinh ngữ thì đổi lớp,học trò Đệ Tam bị phân tán, một số được giữ lại học ở Nguyễn Trãi, số còn lại được chuyển sang Chu Văn An hoặc Võ Trường Toản.

Ðến năm 1964, một cơ sở mới cho trường Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng bên Kho Năm Khánh Hội tại quận Tư, Sàigòn và trở thành là trường trung học có đệ nhị cấp duy nhất ở quận Tư (tài liệu [10,11]). Niên khóa 1963-1964, trường Nguyễn Trãi mới này, có lớp đệ nhất đầu tiên nhưng chỉ có ban B (ban toán) thôi. Thầy Tạ Quang Khôi làm hiệu trưởng trường mới .

Trường Nguyễn Trãi không còn học nhờ tại trường Tiểu Học Lê Văn Duyệt và dọn sang trường mới toanh. Học sinh hớn hở đi học trường mới dù rằng phải đi xa hơn, qua cầu bắc ngang sông Sàigòn và phải lái xe cẩn thận vì xe vận tải lớn của nhân sự và quân sự Việt nam và Hoa kỳ đi nườm nượp và chúng thả khói xe đen ngòm .

Cầu Quay Khánh Hội , quay khúc giữa cho tàu buôn qua lại.
Cầu được xây năm 1904 nhưng không biết ngừng quay năm nào, bắc ngang kinh Bến Nghé đi qua đường Trịnh Minh Thế – Khánh Hội

(Hình trích từ tài liệu [12])

Cầu Quay Khánh Hội khi còn đường xe lửa năm 1948 không còn khả năng quay nữa
(hình Jack Birns)
(Hình trích từ tài liệu [12])

Không ảnh Cầu Quay Khánh Hội và cầu Mống 1955 by Raymond Cauchetier
(Hình trích từ tài liệu [12])

Một điều ngạc nhiên và không mấy thích thú vào ngày khai trường khi thấy phòng vệ sinh bị mất mát bao nhiêu như vòi rửa tay hay bồn rửa mặt. Nghe nói dân anh chị Kho Năm đã tháo gỡ trước ngày khánh thành trường.

Đoạn văn dưới đây trích từ tài liệu [13] cho thấy khung cảnh chung quanh trường mới : Dạo ấy trường Nguyễn Trãi vừa mới đổi sang khu Khánh Hội, ngày ngày thầy trò chúng tôi còn đang bận rộn làm quen với khung cảnh mới, nối đuôi nhau nắng mưa hai buổi trên con đường Trịnh Minh Thế bụi mù và dày đặc khói xe, len lỏi giữa những đoàn công voa, xe vận tải khổng lồ hay quân xa Mỹ chở đầy binh lính từ mé cầu Tân Thuận hướng đến Sàigòn. Có ai ngờ đâu cách đó chỉ vài năm khi trường Nguyễn Trãi chúng tôi còn yên ổn tạm cư trên một mảnh đất văn hóa ngay tại khu vực Phan Đình Phùng -Mạc Đỉnh Chi. Đây là một nơi yên tĩnh của trung tâm thành phố Sàigòn với những hàng cây cao quanh năm rợp bóng mát. Nay thì khung cảnh học đường êm ả như thế đã không còn nữa.

Lớp học năm đó ở tận lầu ba, nhìn sâu xuống phía dưới hun hút là những mảng đất trống trong sân trường vẫn còn hoang sơ lắm, bên kia bờ tường là con đường Trịnh Minh Thế lúc nào cũng đông nghẹt người và xe cộ, trên lề đường thì la liệt những hàng ăn, quán cóc lúc nào cũng chật ních dân lao động và phu phen, xa hơn chút nữa là những tòa nhà thuộc Kho 5 nằm trong khu thương cảng. Từ các cửa sổ trong mỗi lớp học trên tầng lầu ba chúng tôi đều có thể quan sát những tàu buôn, tàu chở hàng đậu san sát nhau. Đằng sau đấy là cả một khung trời bao la thoáng mát trên mặt sông Sàigòn, nhô cao thêm chút nữa là những ống khói tàu to lớn sơn màu xanh đỏ nhàn nhã nhả từng cụm khói khổng lồ lên bầu trời xanh lơ và thỉnh thoảng trong sương sớm vẫn hụ vang từng hồi còi tàu dồn dập rồi đứt quãng xa dần như đánh thức và hối thúc tâm hồn chúng tôi ấp ủ thêm nhiều ước mộng phiêu du.

Từ niên học 1971-1972, trường bắt đầu thu nhận thêm nữ sinh và có đủ học sinh đệ nhất và đệ nhị cấp. Đây là trường trung học công lập đầu tiên tại Sàigòn có nam sinh và nữ sinh học chung Đó là điểm son của trường trung học công lập Nguyễn Trãi.

Dưới đây là một vài sự kiện trong đời học sinh trường Nguyễn Trãi đáng được ghi lại :

Theo tài liệu [5] : Cổng trường Phan Đình Phùng có mấy cây xoài cổ thụ sai trái. Học sinh Tăng Xuân Hồng, trèo lên cây xoài, gặp cành khô, té xuống chết. Báo Ngôn Luận đăng tin một học sinh Hoa kiều trèo cây té chết. Cả lớp chúng tôi kéo đến tòa soạn báo Ngôn Luận phản đối viết tin sai vì Tăng Xuân Hồng là người Việt Nam.

Theo tài liệu [7] : Trên đường Đinh Tiên Hoàng có một rạp chiếu bóng “ pẹc-ma-năng”, là rạp Asam. Đây là rạp chiếu bóng “tủ” của các nhóc tì Nguyễn Trãi. Rạp bình dân, giá rẻ, chỉ có 5 đồng một vé, có thể ngồi coi suốt ngày. Thỉnh thoảng một đám tiểu yêu, trốn học, len lén đi ra bức tường sau, quẳng cặp táp ra trước rồi leo tường nhảy ra ngoài, chạy ù tới rạp chiếu bóng. Rạp Casino Đakao ở đầu đường Đinh Tiên Hoàng thì sang hơn, giá tới 10 đồng một vé, nên các nhóc tì chê, ít khi bén mảng tới .

Nguyễn Trãi là trường cho nam học sinh nên chúng tôi được xếp vào hạng ba “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Để tỏ ra oai hùng nên học trò hậu duệ Nguyễn Trãi lâu lâu có chiến tranh nhỏ với học sinh trường trung học kỹ thuật đệ nhất cấp Nguyễn Trường Tộ không xa trường. Học trò trường này có lợi thế là có học cụ là kềm búa nên học trò trường nhà lãnh đủ vài phang ! (Tài liệu [11] ) .

Năm 1959 (?), học sinh Nguyễn Trường Tộ kéo sang tấn công Nguyễn Trãi với dao, buá, xích sắt và ống khoá xe đạp khiến học sinh trường phải leo lên nóc nhà gỡ ngói làm vũ khí phòng thủ và chống trả. Sau đó, học sinh phải ở nhà mấy ngày để hai trường dàn xếp với nhau và sửa chữa phòng ốc (tài liệu [4]).

Ngoài ra học sinh Nguyễn Trãi còn đại chiến với Hồ ngọc Cẩn sau trận banh mà Nguyễn Trãi đọat cúp vô địch học sinh Saigon năm 1965 (tài liệu [9]).

(Chú thích : Trường Nguyễn Trường Tộ và Hồ Ngọc Cẩn là hai trường nam sinh láng giềng lân cận của trường Nguyễn Trãi).

Theo tài liệu [14] : Trường trung học Nguyễn Trãi là trường Trung Học Đệ Nhị cấp duy nhất ở quận tư trước 1975. Trường tọa lạc gần kho năm Khánh Hội nên thành phần học sinh phức tạp hơn các trường trung học khác. Lúc đầu trường toàn nam sinh. Ngoài các học sinh học hành nghiêm túc còn một số ít em hay đánh nhau, đồng phục lôi thôi, đi muộn, bỏ lớp … Ban giám hiệu tìm biện pháp cải thiện nhưng kết quả chẳng mấy khả quan . Nhưng vẫn còn vấn đề làm ban giám hiệu nhức đầu. Một số ít em vẫn đánh nhau với trường khác, ngoài cổng trường hay nơi nào trên đường đi học hoặc về nhà. Cảnh sát đến thì ….chạy. Các vị bạn dân này biết các em là học trò của trường nên đến phàn nàn với ban giám hiệu. Tóm lại các em vẫn hiếu động, phá phách.

Trường trung học Nguyễn Trãi mặc dầu chỉ có tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn nhưng đã cống hiến cho tổ quốc nhiều anh hùng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ nền tự do của Việt Nam Cộng Hòa : Đặng Sơn, thiếu tá Biệt Kích Nhảy Dù của quân đội Việt Nam Cộng Hòa,nhận huy chương Đệ Tứ Bảo Quốc Huân Chương. Sau năm 1975, bị ngụy quyền cộng sản bắt đi cải tạo và mất trong nhà tù….

Các cựu học sinh thành danh nổi tiếng tiêu biểu của trường Nguyễn Trãi :

– Bác sĩ Vũ Qúy Đài, cựu khoa trưởng Đại Học Y Khoa Saigon , cựu học sinh Nguyễn Trãi – Hà Nội ;

– Nguyễn Hải Bình, tiến sĩ , thứ trưởng Bộ Tài Chánh (?) , giáo sư khoa trưởng trường đại học Kinh Thương- Viện đại học Minh Đức và giáo sư Đại Học Champlain (Québec-Canada);

– Đoàn Dự, Hoàng Khởi Phong,Hoàng Nguyên Linh, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Võ Tá Hân, Vũ Thành An, Đức Huy và rất nhiều văn nghệ sĩ khác ;

– Nhiều cựu học sinh Nguyễn Trãi khác cũng phục vụ đất nước Việt Nam Cộng Hòa trong mọi lãnh vực hành pháp, tư pháp và lập pháp cũng như trong các lãnh vực chuyên môn y tế ,xây dựng,luật pháp, thương mại…

Sau năm 1975, trường Nguyễn Trãi bên Khánh Hội vẫn còn giữ được tên Nguyễn Trãi.

Phụ đề 1 : Sơ lược tiểu sử Nguyễn Trãi

Theo tài liệu [15,16,17] : Nguyễn Trãi gốc làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông, sinh năm 1380 ở Thăng Long, tại nhà ông ngoại là Hoàng thân – Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán thường được gọi là Trần Công.

Trần Công xây một dinh thự gọi là Thanh Hư Động ở Côn Sơn thuộc làng Chi Ngại huyện Phượng Sơn .Trần Nguyên Đán, ngoài con trai còn có 4 con gái; Cô trưởng và thứ đã xuất giá có chồng, chỉ còn hai tiểu thư tên là Thái và Thai 11 và 12 tuổi, nên nuôi hai nho sinh là Nguyễn Ứng Long dạy cô Thái, và Nguyễn Hán Anh dạy cô Thai.

Sau một thời gian dài 5 năm sau dạy các tiểu thư; các cô đã trổ mã mặn mòi, đẹp gái. Hai thầy gian díu với hai học trò. Cô Thái có bầu, Ứng Long sợ bỏ trốn. Trần Nguyên Đán gọi về, tha tội, và gả con cho. Ứng Long và tiểu thư Thái sau vài lần sinh con không nuôi được; đến lần thứ ba sinh ra một nam nhi, đặt tên là Nguyễn Trãi (1380-1442) sau là một nhân vật vĩ đại cho lịch sử Việt Nam. Vợ chồng Ứng Long còn sanh thêm bốn ngưòi con trai nữa là Nguyễn Phi Bảo, Phi Ly, Phi Bằng và Phi Hùng.

Từ đời xưa, ông của Nguyễn Ứng Long tên là Nguyễn Phi Loan vốn tin phong thủy nên nhờ một thầy Tàu tìm được một huyệt động ở làng Nhị Khê thuộc huyện Thượng Phúc mà ông tin là nơi đất tốt phát cho con cháu sau này.

Nguyễn Phi Loan bèn dời ngôi mộ cha ông từ đồng Chi Ngại đến mai táng tại làng Nhị Khê. Đến đời cha của Ứng Long là Nguyễn Phi Hổ vẫn lui tới làng Nhị Khê để chăm sóc ngôi mộ tổ và sau này Nguyễn Ứng Long cũng mở trường dạy học và sinh sống tại làng Nhị Khê nên coi như người làng Nhị Khê.

Ứng Long thông minh có tiếng hay chữ nên được quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán mời làm thầy dạy kèm học cho tiểu thư Thái con ông. Trần Nguyên Đán rất quý Ứng Long nên thường gọi ông là Thầy” Kiểm Nhị Xuyên” .

Đến Khóa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) , Nguyễn Ứng Long thi đỗ bảng nhãn (1374) mà Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không cho làm quan, vì tội “thường dân mà thông dâm lấy con gái tông thất”, nên phải về Nhị Khê sống theo nghề dạy học .

Cuối đời Kiến Tân (1400) ,Hồ Qúy Ly cướp ngôi của vua Trần Thiếu Đế , rồi xuống lệnh xử dụng người có học vị.Vì thế Nguyễn Ứng Long cải tên là Nguyễn Phi Khanh để ra làm Quan dưới triều nhà Hồ, với chức Hàn Lâm Học Sĩ .Vào đời Hồ Hán Sương niên hiệu Thiệu Thành năm 1401,Nguyễn Phi Khanh được thụ chức Đại Lý Tự Khanh kiêm Trung thị Lang.

Cũng trong năm 1400, mở khoa thi Thái học sinh, Nguyễn Trãi thi đỗ ra làm quan (1400-1407), được bổ làm Chánh chưởng đài Ngự sử.

Năm 1407, quân Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ để xâm chiếm nước ta. Hồ Quí Ly bị thua. Cuối tháng sáu năm 1407, giặc Minh bắt được cha con Hồ Quí Ly và một số quan, tướng trong đó có Phi Khanh, giải về Kim Lăng. Nguyễn Trãi theo cha đến điếm Vạn Sơn (tỉnh Hồ Bắc), rồi tuân lời cha trở về nước lo “trả thù nhà, rửa nhục nước”, để em là Phi Hùng ở lại nuôi cha.

Nguyễn Trãi cùng anh họ là Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn kết nghĩa cùng Lê Lợi từ khoảng năm 1416 là năm ông dự Hội Thề Lũng Nhai với Lê Lợi, Lê Lai và 17 hào kiệt khác.

Thời gian sau, có tin Lê Lợi khởi nghĩa . Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào Lỗi Giang tìm Lê Lợi lần nữa (1420). Lần nầy, Trần Nguyên Hãn mới dâng kiếm báu của nội tổ Trần Quang Khải.Lê Lợi dùng Trần Nguyên Hãn làm quan võ. Còn Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô sách, chủ trương “đánh vào lòng người” cuối cùng sẽ thắng. Lê Lợi khen hay, dùng Nguyễn Trãi làm Hàn Lâm Thừa Chỉ, coi việc thảo văn thư, chiếu hịch, tham dự bộ tham mưu. Nguyễn Trãi trở thành đệ nhất mưu thần của Lam Sơn khởi nghĩa.

Năm 1428, kháng chiến toàn thắng, Nguyễn Trãi được tước hầu, làm Thượng thư bộ Lại (coi về nhân viên, quan lại). Ông phục vụ dưới triều đại vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và Lê Thái Tôn với chức vụ Nhập nội hành khiển và Thừa chỉ. Dưới triều Lê Thái Tôn, Nguyễn Trãi được nhà vua trẻ tuổi kính nể trọng vọng tuy vẫn giữ một chức vị khiêm tốn so với công đầu khởi nghĩa của ông.

Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) có 2 đợt phong thưởng chính, lần một vào tháng 2, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) cho những Hỏa thủ và quân nhân Thiết đột ở Lũng Nhai, gồm 121 người. Lần 2, vào tháng 5, năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), ban biển ngạch công thần cho 93 người. Đợt phong thưởng lần 2 có tên của Nguyễn Trãi.

Vào tháng 3, năm 1428, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Đại hội các tướng và các quan văn võ để định công, ban thưởng, xét công cao thấp mà định thứ bậc. Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu; tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc; Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái Bảo; đều được ban quốc tính.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1429, Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, ông được phong tước Á hầu.

Phong thưởng có tất cả chín bậc, Thứ nhất: Huyện thượng hầu; Thứ hai: Á thượng hầu; Thứ ba: Hương thượng hầu; Thứ tư: Đình thượng hầu; Thứ năm: Huyện hầu; Thứ sáu: Á hầu; Thứ bảy: Quan nội hầu; Thứ tám: Quan phục hầu; Thứ chín: Trước phục hầu. Nguyễn Trãi ở bậc thứ 6.

Nhưng năm sau vì liên can với Trần Nguyên Hãn, (bị vua nghi, sai người bắt giết, Nguyên Hãn nhảy sông tự tử), nên Nguyễn Trãi bị tù. Nhờ các đại thần can thiệp, Trãi được tha ra, làm quan lại một thời gian, rồi xin từ quan về Côn Sơn. Vua Thái Tôn sắc chỉ cử Nguyễn Trãi coi miền Bắc đạo.

Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên.

Vua Nhân Tông sau này khi lớn lên cầm quyền, nhân một hôm đọc lại các sách của Nguyễn Trãi tại Bí Thư mà nhớ lại việc xưa nên Vua phán rằng: Nguyễn Trãi là người trung thành có công giúp Đức Thái Tổ. Lấy võ dẹp quân phiến loạn, lấy văn hóa dâng Bình Ngô Đại cáo lên Thái Tổ, cùng trị bình thiên hạ, các danh tướng không sánh bằng Trãi được.Tuy nhiên vì kẻ phụ nhân làm liên lụy đến nên người bị mắc hàm oan.

Năm Quang Thuận thứ 5 là năm 1464 ,vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan tha tội cho Nguyễn Trãi và truy tặng chức Đặc Tiền Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, tước Tán Trù Bá.

Vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) , vua Thánh Tông sai người đi tìm kiếm các văn thơ của Nguyễn Trãi bị thất lạc đem về lưu tại Thư Viện .

Đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn

Đến đời vua Tương Dực năm Hồng Thuận thứ 4 (1512), phong Ức trai Nguyễn Trãi tước Tế văn hầu; sau đó không rõ đời vua nào gia phong Thái Bảo Khê Quận công cho Nguyễn Trãi .

Năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), vua Hiển Tông phong Nguyễn Trãi là Tuyên Linh Duyên Khánh Đại Vương.

Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông là một trong những đại anh hùng dân tộc Việt Nam.

Phụ đề 2 : Trường Nam Tiểu Học Lê Văn Duyệt

Phụ đề 2 có hai phần : Phần 1 về ký ức xa xăm của một cựu học sinh trường nam tiểu học Lê văn Duyệt và Phần 2 về hậu thân của trường này.

Phần 1 : Ký ức xa xăm về một ngôi trường trường nam tiểu học Lê văn Duyệt nay đã mất tên, được trích từ tài liệu [18]

Cây bàng xưa kia lá tốt xanh tươi
Chạnh lòng ai nhớ tiếc khôn nguôi

Mùa tựu trường tháng 9, mấy ai quên được những đoạn văn của Thanh Tịnh : « Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường ».

‘’Một buổi sáng tháng 9, đưa đứa con đi nhập học, nhìn mái trường của con tôi, tự dưng, tôi lại nhớ đến mái trường tiểu học xưa của tôi. Một ngôi trường nay đã mất tên : trường Nam Tiểu Học Lê văn Duyệt ở quận 1, Sàigòn.

Năm xưa, ở khu Đa Kao, quận 1, SàiGòn, có 2 trường tiểu học công lập nổi tiếng là trường nam tiểu học Lê văn Duyệt (LVD) và trường nữ tiểu học Đinh Tiên Hoàng (ĐTH).

Trường LVD toạ lạc trên đường Phan Đình Phùng, giữa 2 đường Đinh Tiên Hoàng và Mạc Đĩnh Chi, gần con hẻm Cây Điệp. Mặt sau trường tiếp giáp đường Tự Đức.Trường ĐTH thì nằm giữa đường Tự Đức và đường nhỏ Nguyễn Thành Ý.

Về lịch sử trường LVD thì tôi không biết rõ vì còn lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết. Chỉ biết trường đã có từ lâu. Nhìn sơ qua, có thể đoán trường này được xây từ thời Pháp. Sau 1975, khi trường bị xoá tên thì trên internet, tôi cũng chẳng tìm ra thông tin về trường LVD cũ.

Bây giờ, tóc đã bạc, lưng đã mỏi nhưng không hiểu sao, đôi khi, tôi vẫn nhớ đến trường tiểu học cũ. Nơi đã cho mình những kiến thức đầu đời. Chẳng bao giờ tôi quên bài học cũ : « Nước ta có 2 mùa, mùa mưa và mùa nắng» của thời tiểu học.

Trước năm 1971, 1972 gì đó, hệ thống trường học trong Nam vẫn còn được gọi lớp Năm đến lớp Nhất cho hệ tiểu học. Hệ trung học từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Nhất. Có 2 kỳ thi tuyển là Tú Tài 1 (lớp đệ Nhị) và Tú Tài 2 (lớp đệ Nhất). Sau năm 1973, bắt đầu gọi tên từ lớp 1 đến lớp 12. Kỳ thi Tú Tài 1 cũng huỷ bỏ và chỉ còn giữ lại kỳ thi Tú Tài 2.

Trường LVD năm 1964, có thầy hiệu trưởng là Đặng Văn Nghiệp. Ông Nghiệp dáng nhỏ người và trong ký ức của tôi, ông cực kỳ nghiêm khắc trong công việc. Học trò nào cũng nể sợ.

Trường LVD xưa là một ngôi trường lớn, bề thế. Rộng rãi với 2 sân chơi lớn, 1 hồ tắm (nhưng hết xử dụng khi có một tai nạn xảy ra trong những năm trước 1964) và những cây phượng vỹ, cây bàng. Học trò đều mặc áo trắng, đeo phù hiệu : Trường tiểu học Lê văn Duyệt- Sàigòn » và áo bỏ trong quần.

Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng chẳng bao giờ tôi quên những buổi chào cờ sáng thứ hai. Lúc đó, tất cả các lớp đểu ra đứng ở sân trường, quanh cột cờ. Hai nam sinh (luân phiên của từng lớp Nhất) được cử ra cột cờ để làm nghi lễ thượng kỳ. Lá cờ được kéo lên từ từ trong tiếng hát Quốc ca vang dội của cả trường: « Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…. ». Khi vừa hát chấm dứt câu « …xứng danh ngàn năm giòng giống Lạc Hồng » thì ngay sau đó, tiếng vang như còn dội lại trong bầu không khí đã im lặng của toàn trường. Nghe mà nổi cả gai ốc vì mức độ hùng tráng của bài hát và thời điểm đó. Chẳng học sinh LVD nào, ngày nay, đầu hai thứ tóc, quên được những giây phút trang trọng ấy.

Lúc ấy, chỉ có những trường công mới chào cờ và hát Quốc Ca chứ các trường tư thì không bắt buộc hát quốc ca (Như trường trung học Huỳnh Khương Ninh lân cận cũng có chào cờ nhưng do không có sân trường, học sinh chỉ đứng lên trong lớp và hát Huỳnh Khương Ninh Hành khúc « Hát vang lên đời học sinh như chim bình minh, đón nắng mới, rộn ràng niêm vui phơi phới… »).

Chương trình học ở bậc tiểu học chỉ có một buổi sáng. Từ 7 giờ đến 11 giờ.

Đi học khi đến trường, cả một đạo quân bán đồ chơi , thức ăn la liệt trước cổng trường. Người bán thường bày hàng dưới đất, trên những tấm bạt hay trên những chiếc xe đẩy. Đồ chơi bán thi đa dạng và theo mùa. Từ những tấm cạc tông in hình lem luốc để học trò cắt ra dích hình hay tạc hình, những hòn bi, dế lửa, dế cơm đến cá vàng, cá lia thia (bán trong những túi nilon bơm oxy) hay những chú dế gáy te te …

Làm sao quên những hồi hộp khi đẩy một đầu hộp quẹt ra và thấy 2 hàng râu dài ngoe nguẩy thò ra của chú dế. Còn nhỏ, mấy ai hiểu đó là thú chơi tàn ác trên những con côn trùng nhỏ ?

Có xe đẩy đóng thùng, chiếu phim với những ống nhìn. Cứ đưa vài cắc ra thì được ghé mắt vào coi những phim của hề Sạc Lô hay những đoạn phim hoạt hình của Disney. Có những hàng cũng tập thói xấu (nhưng nhà trường không dẹp được) là trò Bầu Cua Cá Cọp.

Và chẳng học sinh LVD nào quên được cái tiếng trống trường ngày xưa, gõ thùng thùng 8 tiếng, báo hiệu giờ vào học, giờ ra chơi, giờ vào học và giờ tan trường. Giờ ra chơi là lúc 9 giờ. Khi đó, cả trường lân cận ra sân chơi. Những học trò có chút tiền túi cha mẹ cho thì đi ra trước cổng trường mua đồ ăn vặt. Có những xe đạp đẩy bán kẹo, mía ghim, bánh bông lan, kem cây, trái cây…đầy dẫy. Sau này, để tránh sự mất trật tự và bảo đảm an ninh, trường không cho phép học sinh đi ra ngoài mua đồ ăn vặt nữa.

Ai đi ngang các lớp trong giờ giảng dạy, đều khó quên những tiếng ê a đọc bài chung của cả lớp vang lên. Tình cờ lục lại trong xấp hình ảnh xưa, xúc động biết bao khi mình lại thấy mình, 50 năm xưa, đứng chụp hình với những đứa bạn cùng trang lứa.

Lê văn Duyệt – Niên khoá 1966-1967

Trong hình, lớp đứng, lớp quỳ gối, đứa toe toét cười, đứa bình thản nhìn… Và tất cả đứng bao quanh cô giáo. « Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ ? »

Sau 1975, « Bên thắng cuộc » có cái nhìn quá khắt khe về những danh nhân lịch sử xưa. Nên những đường mang tên (Tả quân) Lê văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Tự Đức đều bị đổi.

Đường Phan Thanh Giản, chạy từ quận 1 đến quận10, trở thành đường Điện Biên Phủ. Đường Lê văn Duyệt, quận 3, trở thành Cách Mạng tháng 8 (ngoại trừ Lăng Ông thì không thể đổi tên được vì …Ông nằm sờ sờ trong đó). Đường Phan Đình Phùng, kéo dài từ quận 1 đến quận 3, trở thành đường Nguyễn Đình Chiểu. Cụ Phan Đình Phùng còn chút an ủi là được đặt lại tên đường bên Phú Nhuận (vừa qua cầu Kiệu), chiếm chỗ cụ Võ Di Nguy ! Và đường Tự Đức mang tên Nguyễn văn Thủ.

Trường tiểu học Lê văn Duyệt, do diện tích quá lớn nên bị cắt ra làm 2. Mặt trước

trường,đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), quận 1 thì hoá thành trường Mẫu Giáo. Mặt sau trường, tiếp giáp đường Tự Đức (Nguyễn văn Thủ) thì trở thành trường trung học cơ sở Trần văn Ơn. Trường tiểu học nữ Đinh Tiên Hoàng vẫn là trường tiểu học nhưng có cả học trò nam lần nữ, mang lại tên Đinh Tiên Hoàng.

Tất cả cơ sở cũ của hai trường, đều được xây lại lớn hơn để đáp ứng số lượng học trò ngày càng tăng lên.

Và những ngày tựu trường trong tháng 9 cũng không còn cái ý nghĩa cũ. Vì tất cả trường tiểu học đều nhập học trong tháng 8 nhưng đến đầu tháng 9 thì lại có cái lễ…tựu trường hình thức và đầy kịch tính. Và có biết bao nhiêu chuyện nhiêu khê thêm vào, từ việc phải mua đồng phục do nhà trường may, tiền sách vở, tiền bảo hiểm, quỹ nhà trường, khăn quàng đỏ… đã làm thay đổi hoàn toàn cái phong cách của những trường tiểu học xưa.

Tình cờ, lật tờ báo Tuổi Ngọc, số 5, thấy bài hát « Trường cũ » của nhạc sĩ Tô Hải, tôi lại chạnh lòng, nhớ lại ngôi trường cũ, nay đã mất tên, của tôi thời thơ ấu.

Với những cây phượng vỹ, hoa đỏ chói rực cả một mùa hè.

« Cây bàng xưa kia lá tốt xanh tươi, chạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi ». Hình như đâu đó trong tôi, cây bàng trong sân trường tiểu học Lê văn Duyệt năm xưa, lá vẫn luôn luôn xanh tươi trong tâm tưởng.

Phần 2 : Hậu thân trường Nam Tiểu Học Lê Văn Duyệt trích từ tài liệu [19]

‘’Vào thời Pháp thuộc, trường Tự Đức có tên là Phan Đình Phùng (vì cổng chính của trường nằm trên đường Phan Đình Phùng). Vị trí của trường nằm đối diện với sở Tiểu Học Thành Phố Sàigòn. Sau này, trường đổi tên là Nam Tiểu Học Lê Văn Duyệt . Thầy Đặng Văn Nghiệp là hiệu trưởng của trường thời bấy giờ.

Năm 1969, trường bắt đầu thành lập bậc Trung Học. Học sinh được tuyển vào trường gồm có hai nhóm :

– Nhóm thứ nhất goị là “Tân Tạo”, nhóm này gồm những học sinh ưu tú ở khu Quận Nhất Sàigòn (Gồm các trường như Lê Văn Duyệt, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v.) thi rớt ở những trường khác và có điểm học bạ cao được tuyển chọn vào. Mỗi lớp được chọn 5 học sinh để thành lập lớp 6A (Anh Văn – Nam sinh), 6B (Anh Văn – Nữ sinh), và 6C (Pháp Văn – Nam-Nữ sinh).

– Nhóm thứ hai goị là “Đô Thị”, nhóm này gồm những học sinh ưu tú con của nhân viên công chức ở thành phố Sàigòn, đó là các anh chị em của lớp 6D (Anh Văn – Nam sinh), 6E (Anh Văn – Nữ sinh), và 6P (Pháp Văn – Nam-Nữ sinh).

Năm 1972, trường được phép mở rộng thành trường Trung Học Đệ Nhị Cấp (từ lớp 10 đến lớp 12) và cũng vì trùng tên với trường nữ sinh Lê Văn Duyệt ở Gia Định nên đổi tên là trường Trung Học Tự Đức . Từ đó trường thay đổi cổng chánh về phía đường Tự Đức thay vì mở cổng chánh trên đường Phan Đình Phùng.

Sau năm 1972, một số bạn học chuyển trường sang các trường khác như Nông Lâm Súc Bình Dương, Kỹ Thuật Cao Thắng, Việt Đức, v.v. Ngoài ra một số bạn học trễ tuổi phải ra trường Tư để học nhẩy. Do đó chúng tôi lấy lớp 9 niên khoá 1972 – 1973 để lập hội ái hữu.

Năm 1975, trường bị giải tán và học sinh được chuyển đi khắp nơi, một số bạn cũ được chuyển sang trường Võ Trường Toản và Trưng Vương để học xong năm cuối cùng của bậc trung học (lớp 12).

Sau này trường được mở trở lại với tên là Trần Văn Ơn và dạy trung học đệ nhất cấp (từ lớp 6 tới lớp 9).

Tài liệu tham khảo :

  1. Lê Duy San – Lịch sử Trường Chu Văn An.
  2. Lê Tất Luyện – CVA 61 – Vài nét lịch sử trường Chu Văn An – Giai phẩm vườn cva 5461-Xuân Nhâm Thìn 2012.
  3. Nguyễn Văn Trường – Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội-Trithucvn- 29/10/2019 .
  4. Thế Huy – Ký ức 55 năm về trường trung học Nguyễn Trãi Sàigòn-Thời Báo-06/03/ 2019.
  5. Tạ Quang Trung (NT 55-59)- Trường Nguyễn Trãi thời tôi học- Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  6. Lan Chi (NT+TV 55-62) Sân Trường Xưa- Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  7. Nguyễn Trần Trác (NT 58)- Duyên nợ Nguyễn Trãi- Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  8. Nguyễn Tuấn (NT 55-59)- Thuở học trò- Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  9. Trường Kha -Nguyễn Phúc Tiến (NT 59-66)- Lớp bê bối chúng tôi – Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  10. Hoàng Nam Sơn -Đại hội thế giới Trung học Nguyễn Trãi-14/03/2020.
  11. Đặng Hà Nội – Cái Thời Mài Lủng Quần Xa Xưa Ấy- Việt Báo-24/03/2020.
  12. Y Nguyên Mai Trần – Kể lại chuyện kinh cầu xưa vùng Sàigòn Chợ Lớn trước 1975.
  13. Phùng Quân Tiến (NT 63-70)- Kỷ Niệm về thầy Bùi Thái Trừu- Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  14. Nguyễn Ngọc Hạnh – Hướng dẫn khải đạo – Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  15. Đoàn Toàn (NT 57) – Vụ án oan Lê Chi Viện (Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ) – Đặc san Trung học Nguyễn Trãi Sàigòn 2012 – Cựu học sinh trường Nguyễn Trãi Sàigòn.
  16. Cao Thế Dung – Chân Dung phụ Nữ Việt Nam trong Văn Hoa Sử-Nhà xuất bản Tiếng Mẹ-1990.
  17. Bách khoa toàn thư – Nguyễn Trãi.
  18. Nhớ về một trường tiểu học cũ đã mất tên – Trường tiểu học Lê văn Duyệt, Sàigòn – Paris, tháng 9 2015.
  19. Mạng Ái Hữu Tự Đức – Tự Đức High School Alumi – Lịch sử Trường Trung học Tự Đức – Cô Hồ Thị Oanh và bạn M. Quý đã kể lại lịch sử trường.

—>30-Trường Trần Lục
<—Mục lục

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Trường Trung Học Phổ Thông và Tổng Hợp ở Sàigòn - Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975. Bookmark the permalink.

2 Responses to TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 (21…30)

  1. TM says:

    Cám ơn ông Nam Van Tran đã viết thêm danh sách các thầy cô. Tuy nhiên, xin ông viết thêm cho là các vị nầy giảng dạy ở trường nào? Nếu TM hiểu, thì ông viết về trường Trần Lục & Đồ Chiểu? Về chuyện vixi pháo kích bừa bãi vào năm 1968. Chúng đã bắn hỏa tiễn 122 ly vào trường tiểu học Cai Lậy, nhiều em nhỏ mất mạng. Không biết bọn phản chiến thời đó có lên tiếng phản đối cộng sản ?

    Like

  2. Nam Van Tran says:

    Thầy Giám thị Vũ Mốc mất khoảng năm 1961 – 62 . Những Thầy Cô đã mất : Thầy Nguyễn văn Ngọc ( dậy Toán ) , Thầy Vũ Giáp ( dậy Công Dân ) , Cô Vũ thị Kim Oanh ( dậy Việt văn ) , Thầy Giáp và Cô Oanh cùng là vợ chồng – Thầy Đỗ ngọc Long ( dậy Việt văn ) , Thầy Khiếu hữu Kiều ( dậy Pháp văn ) … Tôi gặp và tù chung cùng T,L với Thầy Bảng tại Trại tù vc Trảng Lớn . Trong C thời gian đợt Tổng Công Kích đợt 2 của vc xảy ra – Chúng tôi cùng anh Hoàng cơ Trường , nhận và chăm lo , giúp đỡ cho hơn 2000 đồng bào Tỵ nạn cộng sản tại Trung Tâm Tiếp cư Đồ Chiểu . Bà Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Đồ Chiểu làm Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Tiếp Cư . Việt cộng đã pháo kích bừa bãi vào Thủ Đô SAIGON . Hai trái hoả tiễn 107 ly đã rớt ngay vào Trung Tâm ( khoảng cuối tháng 6/1968 ) may mà một trái bị lép, cắm sâu xuống đất , còn một trái phát nổ làm bị thương hai mươi mấy người

    – Xót thương thay có hai em bé gái bị giết chết : em HƯƠNG bị miểng hoả tiễn ghim vào đầu , đã chết ngay trên tay tôi khi xe cứu thương vừa tới cổng Trung Tâm Cấp Cứu Bệnh Viện Đô Thành – Em PHỤNG bị thương , được giải phẫu và chết vào ngày hôm sau và chính tay tôi đã vuốt mắt em PHỤNG lần cuối tại Nhà Xác Bệnh Viện .

    HÌNH ẢNH TANG THƯƠNG VÀ TỘI ÁC NÀY , NGÀN NĂM KHÔNG QUÊN – Hai em gái HƯƠNG và PHỤNG đều cùng 6 tuổi , cùng sinh năm 1962 . CHÂN THÀNH TƯỞNG NIỆM ĐẾN HAI EM HƯƠNG PHỤNG .

    Like

Ý kiến - Trả lời