ĐÁY ĐỊA NGỤC (Tạ Tỵ): Chương V

-Chương V-
VỀ XUÔI

V/1

Chúng tôi mang đồ xuống Hội Trường mới được xây cất. Nó khá rộng, có bậc xây bằng gạch như một hí viện. Phía sau, cũng có phông màn tử tế, vừa dùng làm chỗ hội họp, vừa làm nơi hội diễn Văn nghệ.

Khi chúng tôi bước vô, gian phòng đã đông người, những người chuyển trại. Hội trường tối mò, không ai nhìn rõ ai. Dưới ánh đèn pin, tôi nhận thấy có mặt tên đại uý Phó Giám thị. Tên này cho lệnh tập họp để hắn nói chuyện. Chúng tôi đứng lố nhố, nên không thể đoán rõ chừng bao nhiêu người ? Tên Phó Giám thị này thích đọc thơ Tố Hữu, coi Tố Hữu như thần thánh! Sau khi tập họp xong, hắn nói:

– Theo lệnh trên, hôm nay các anh được chuyển trại. Sự việc này rất tốt và thuận lợi! Các anh sẽ về miền xuôi. Nhưng ngay lúc này, tôi không thể xác định cho các anh biết, nó thuộc vùng nào. Sớm muộn gì sẽ biết thôi. Bữa nay, chúng ta cũng cần phải nói thật với nhau một điều.

Đến đây, hắn dừng lại như đắn đo, rồi tiếp:

– …Cái điều đó cũng bình thường, vì theo luật lệ của cơ quan chúng tôi, các anh sẽ bị còng tay trong suốt thời gian di chuyển.

Tuy không nhìn rõ nhau, để xem sắc mặt, nhưng suy ta ra người, khi nghe thấy bị còng, tức là xích tay. Vậy nhục quá, trong lòng tôi như bị một sợi gân siết chặt làm đau đớn toàn bộ cảm giác.

Sau vài phút im lặng, bên cạnh tôi, chợt nổi lên tiếng thì thầm. Một giọng tuy nhỏ, nhưng chứa chất đầy uất hận:

– Tiên sư cha tụi Công An. Đồ khốn nạn! Khi còng mình thì nó nói thật, còn các chuyện khác đều nói dối cả sao?

Một giọng khác:

– Thôi, cậu chửi làm gì cho tốn sức. Cái nghề của tụi nó như vậy mà! Cậu đừng bao giờ quên , đây là một cuộc trả thù, tuy máu không đổ, nhưng vô cùng dã man, tàn nhẫn!

Tiếng nói trôi đến tai tôi như những mũi kim nhọn xuyên vào da thịt. Tuy không phân biệt hai người đối thoại là ai, nhưng ít nhất, cũng chứng tỏ sự phẫn nộ ngấm ngầm tận đáy lòng mọi người cải tạo nào còn chút lương tri, còn thấy được sự ác độc của Cộng Sản đối với kẻ thù đã thất thế! Nhưng tôi tin, muốn nói gì, có uất hận ra sao, thì bạo lực bao giờ cũng thắng, nhất là bạo lực được xử dụng trong môi trường này. Cộng Sản đã làm chúng tôi sống dở, chết dở, biến chúng tôi thành lũ ma đói, ma khát, thành những xác chết chưa chôn, sau những năm tháng dài gian khổ, dưới uy quyền của chúng! Do vậy, nếu hôm nay, chúng có xử dụng thêm một hình thức đoạ đày nào nữa, cũng vậy thôi! Chúng thường quy tội chúng tôi là phạm nhân chiến tranh, là “phản Cách Mạng” và danh từ Cải Tạo nếu nhìn bề ngoài, có vẻ tốt đẹp hơn hai chữ Nhà Tù. Nhưng một khi đã sống trong nó, thì nó còn khắc nghiệt, tàn bạo hơn bất cứ loại nhà tù nào trên thế giới! Ngày vào thì có, ngày ra chỉ có Trời mới biết! Chúng tôi đã “nín thở” trên 3 năm mà chưa “qua sông” được.

Bóng tối vẫn bao trùm hội trường. Những ánh đèn pin lập loè đây đó. Cái không khí ma quái, nửa thực, nửa hư làm xáo trộn nhận thức. Một tiếng hô to lôi tôi ra khỏi suy nghĩ:

– Yêu cầu các anh mở tư trang để điểm nghiệm!

Cả hội trường nhốn nháo. Màn khám đồ tái diễn. Lại mở ra xếp lại, lần lưng, nắn túi. Xong được cho ăn cơm với canh rau muống. Mỗi người còn được phát một vắt cơm và miếng thịt heo. Lần chuyển trại nào cũng được phát chừng ấy! Sợ di chuyển bị đói, tôi cố nuốt chén cơm chan canh rau muống nấu muối để dằn bụng. Ai ngờ chén cơm này đã làm khổ tôi suốt mấy trăm cây số đường dài.

Trời mờ sáng. Cảnh vật đã hiện ra trước tầm nhìn. Tất cả những khuôn mặt đều ẩn giấu nỗi lo ngại., nhưng không hoàn toàn thất vọng vì dù sao, không nơi nào có thể khổ hơn ở đây. Đói khát và lao động quá sức làm con người mòn mỏi dần dần, sức chịu đựng lâu ngày trở nên chai đá. Ngay bây giờ có đem ra pháp trường xử bắn, chắc chắn chúng tôi không còn sợ sệt, lại còn cảm ơn, cho đó là sự giải thoát mầu nhiệm.

Nhưng không, nếu muốn, Cộng Sản đã giết rồi chứ đời nào chúng còn để “cái của nợ” này sống lây lất tới bây giờ và còn nữa! Cái nham hiểm của Cộng Sản ở chỗ đó. Giết, sợ mang tiếng đối với quốc tế và gây căm phẫn trong lòng dân chúng miền Nam, dù Cộng Sản cũng chẳng ưa thích gì miền Nam đã từng chống đối họ suốt mấy chục năm.

Tên Công An vũ trang giải tù cho lệnh mọi người mang đồ ra cổng. Tôi nhìn lần cuối toàn thể khu vực Trại Cải tạo Trung Ương số 1. Giờ này, toàn trại chưa mở “chuồng” ngoài toán phụ trách bếp. Chiếc sân rộng vắng hoe, những chiếc lá vàng rơi đầy, tao nên hoang vắng, sự hoang vắng ghê sợ của trại Tập Trung, có lẽ, kiên cố nhất của miền Bắc. Ở hai bên sân, hai khu riêng biệt. Những bức tường cao, nhẵn thín quây chặt từng khu, mầu vôi trắng quét lâu ngày, mưa nắng làm loang lổ . Một khu nằm sát mặt sân, còn khu kia ở trên cao, phải leo dăm bẩy bậc thang xây gạch. Ở bên lề, có những cây cao, tàn lá trải rộng. Hàng cây này có lẽ được trồng từ hồi mới lập trại, nên chúng cao ngất. Tôi nhìn từ chiếc cổng chính tới cuối sân, khu nhà bếp, nơi có vài bóng người qua lại.

Gần đấy, căn nhà khám bệnh, nơi đã cho tôi nhiều ấn tượng căm phẫn, hận thù. Những người bệnh đến khám nơi đây, trừ toán nhà bếp thường đem cho tụi nó bánh mì, khoai sắn nên được đối đối xử tử tế, còn lại đều được đánh giá như những kẻ ăn xin, những kẻ được ban ơn!

Căn nhà Hội Trường to lớn làm bằng cây rừng và tre nứa, có chỗ xây gạch do công lao khó nhọc của mấy trăm tù lao động khổ sai, suốt mấy tháng mới tạo dựng lên. Tôi chợt nghĩ đến những ngày gió mưa rét mướt trong mùa đông vừa qua, từng đoàn người lam lũ đi vào rừng lấy gỗ đường kính 3 tấc, dài 5-7 thước, họ vừa khiêng, vừa té lên té xuống trên những con dốc trơn trượt, tự nhiên lòng tôi dâng lên mối xúc động. Giờ này, chắc anh em toàn trại đã thức hết, nhưng chưa được ra. Chỉ riêng chúng tôi , những kẻ được coi như “nguy hiểm cho chế độ” dù đang bị giam giữ, vì chuyển trại, nên mới được nhìn cái cảnh tượng đặc biệt của nhà tù số 1, trong buổi sớm mai.

Những tên Công An quản giáo và vũ trang đi lại rộn ràng như cần giải quyết những vấn đề cấp bách. Thôi, giã từ nhé, những gì trong thời gian qua, đã tạo cho ta bao nhiêu kỷ niệm, dù vui hay buồn. Giã từ những ngày đói rét, xin ăn nhục nhã. Giã từ chỗ ngồi quen thuộc mỗi sáng, mỗi chiều chờ đi lao động. Giã từ căn “chuồng” ta đã sống, đã ngủ, đã gặp những ác mộng mỗi đêm. Giã từ anh em thân, người sơ!

Tiếng động cơ xe hơi đã nổ ngoài cổng. Tên Kỳ giục chúng tôi mang đồ ra xe. Bây giờ trời đã sáng rõ. Tôi nhìn số anh em đông đảo, khiêng vác khệ nệ giành nhau ra trước. Tôi nghĩ, có lẽ do truyền thống, luôn luôn tranh giành, cái gì cũng muốn được hơn người, ngay cả chuyện còng tay, hình như sợ, nếu chìa tay muộn sẽ hết còng.

Tôi, người sau cùng bước ra khỏi cổng, chiếc cổng được xây cất thật kiên cố, với hai cánh bằng sắt dầy, mỗi lần mở kêu ken két nghe rùng mình. Khi đến nơi, tôi nhìn thấy hai chiếc xe vận tải màu xanh đậu lù lù trước mặt và chiếc xe Jeep kiểu Liên Xô đậu gần đấy. Những tên Công An vũ trang đông nghẹt, đứng đầy xung quanh xe và trên mô đất cao. Những khẩu AK cũ rích do Bộ đội thải ra, phát lại cho Công An dùng. Dưới chế độ Cộng Sản, Công An là lực lượng chuyên về nội trị. Họ được Nhà Nước ban phát rất nhiều quyền hành vì sự ổn định chính trị trong nước có hay không đều do sự hoạt động tích cực hay trì trệ của guồng máy Công An . Bộ đội chỉ chuyên đánh trận. Do đó, nghe nói luôn luôn có sự va chạm quyền lực giữa hai khối vũ trang này.

Tất cả anh em đã lên xe, chỉ còn tôi và Liêm đứng dưới. Liêm, người bạn tù chưa hề quen biết, trông hiền lành nhẫn nhục. Chúng tôi quăng gói đồ lên xe. Lòng xe chật cứng. Anh em đều bị còng tay, hai người một. Mỗi xe chứa 26 người cùng tư trang. Chiếc xe lần này không giống các chuyến xe đã đưa chúng tôi chuyển trại lần trước. Nó có hàng chấn song bằng gỗ vuông 3 phân, ngăn cách giữa chúng tôi và tên Công An vũ trang ngồi sát tấm chắn hậu. Một cánh cửa nhỏ có khoá và sợi xích sắt buông lòng thòng. Chiếc ghế đẩu kê ngay lối đi, dành cho Công An áp tải.

Chiếc còng số 8, chúng tôi thường gọi đùa là “Seiko ết” được mở ra, úp chụp lấy hai cổ tay. Tên Công An ấn còng. Một tiếng “cách” khô khan, làm rùng mình. Chiếc còng quá cũ đã sét rỉ và thô sơ vì là đồ nội hoá. Từ ngày bố mẹ sinh ra tới hôm nay, 16-7-78, tôi mới biết còng tay là cái gì. Nó vướng vất khó chịu vô cùng. Nó xác định, tôi là người tù chính cống. Tuy không nặng bao nhiêu, nhưng nó lại có sức làm ai đeo nó cảm thấy nhục nhã, hổ thẹn và hình như nó có sức nặng ngàn cân trong mỗi suy nghĩ, mỗi hành động. Nếu Liêm làm một cử động gì bằng cái tay bị còng, bắt buộc tôi phải làm theo như vậy, trái lại Liêm cũng thế. Do đó, từ lúc bị còng, chúng tôi ít khi xử dụng cánh tay bị còng, chỉ dùng “cánh tay tự do” còn lại để giải quyết những gì cần tới!

Sự thực, tụi Công An cũng quá nguyên tắc. Làm sao chúng tôi có thể trốn được khi chiếc xe được quây kín như vậy. Mui xe không che bằng chiếc bạt vải như mọi lần, mà được thực hiện bằng loại tre cật đan kín, kẹp lá nón ở giữa nên rất chắc. Hơn nữa, có hai tên Công An vũ trang nồi trước và sau, có hàng chấn song gỗ ngăn cách, trốn cách nào? Chúng tôi đang ở giữa mảnh đất Xã Hội Chủ Nghĩa, làm sao lọt qua được màng lưới an ninh của địa phương mà chúng tôi không thuộc địa hình? Họ áp dụng luật lệ này, nhằm mục đích áp đảo tinh thần nhiều hơn.

Từ lòng xe, qua chấn song gỗ ngăn cách, cửa đã khoá chặt, thấy tên Kỳ đứng dưới, tôi muốn nhổ vào mặt nó bãi nước miếng. Tôi ghét nó không phải vì bị mất chiếc Zippo, nhưng vì nó đối xử tàn ác với anh em tôi trong thời gian vừa qua và còn sau này nữa. Cơn giận qua đi cùng với tiếng xe rồ máy. Hai chiếc nối đuôi nhau chạy. Chiếc xe Jeep theo sau.

Mặt trời đã lên, giữa một vùng đầy mây trôi nổi bềnh bồng. Từng vệt nắng trải dài trên những quả đồi trà làm mầu xanh nổi bật giữa mầu đất đỏ au. Chiếc xe lăn qua “hiện trường” nơi tôi đã đổ bao nhiêu giọt mồ hôi trong mùa nắng, nơi tôi đã gánh chịu bao nhiêu cực nhọc trong mùa đông, mưa phùn gió bấc. Tôi nhìn bãi đất trâu dẫm bây giờ đầy nước như chiếc hồ nhỏ. Nhìn những quả đất cao nghệu được che bằng những tấm liếp cũ nát, tôi vẫn rùng mình! Tôi cố tìm xem “quả đất” mà tôi đã dẫm hôm qua nằm ở đâu. Nó vẫn có đó, nằm im lìm bên cạnh đống gạch vụn ngổn ngang. “Hiện trường” vắng ngắt vì không có lao động. Chiếc lò gạch và ngói đang hoạt động, lửa cháy rực từ miệng lò đỏ hồng, nhìn đẹp mắt!

Thôi, giã từ nhé, dù ngày mai đây, ta ở nơi góc biển chân trời nào, ta không bao giờ quên mi, quên những bước chân rã rời, đã qua lại trên những lối mòn đó, quên những lùm cây, nhánh cỏ, quên những quả đồi trà đã ghi lại trong ta nhiều đắng cay, tủi nhục! Quên làm sao được những ngày dài đói khổ, bụng đói như cào, chân vẫn đạp đất lạnh giá, thèm từng điếu thuốc lào, từng củ khoai, khúc sắn thèm đi! Giã từ, giã từ nhé!….

Chiếc xe tăng dần tốc độ. Trại nữ tù im lìm sau con đường đất nhỏ dần tới cổng. Không bóng người qua lại. Trại này bằng lá, nên trông không dữ dằn như Trại Cải Tạo Trung Ương số 1 . Tuy chẳng có chút liên hệ nào, nhưng tiện đây, ta cũng gửi lại lời chào và cầu chúc cho tất cả gặp nhiều may mắn, nhất là cô gái đã vì tình yêu, mỗi ngày mất một chiếc bánh mì luộc và cô gái cũng vì yêu trái với đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước, đang kéo lê những ngày buồn vô thời hạn trong lúc men tình rạo rực trong mỗi tế bào tuổi trẻ…

Chiếc xe đi lọt thỏm trong vùng hẻo lánh, xung quanh toàn núi rừng cao ngất. Ngoài tiếng máy, không còn tiếng động nào khác. Tôi nhìn thấy một dòng suối khá lớn đang chảy song song với con đường. Những cành lá rủ xuống nước với những cụm hoa rừng làm cảnh vật tăng phần quyến rũ. Nhưng tất cả đều thoáng hiện, thoáng mất theo tốc độ. Chiếc xe Jeep cứ lẽo đẽo theo sau, tuy sức nó có thể vượt qua hai chiếc xe lớn dễ dàng! Tên sĩ quan Công An, đeo súng ngắn, đầu trần, gió thổi tóc hắn rối tung. Phía sau có ba tên Công An ngồi, súng AK dựng đứng. Vì ngồi sát chiếc chấn song gỗ như chiếc cũi nên tôi nhìn rõ hết. Xe chạy vòng vèo khi lên khi xuống, toàn đi quanh sườn núi, không qua một thị trấn nào . Có lẽ đây là con đường chiến lược làm từ thuở kháng chiến chống Pháp, nên nó không chạy song song với quốc lộ. Nhiều chỗ núi cao, mặt trời chưa chiếu xuống được, trông âm u như đang di chuyển trong đường hầm. Phong cảnh thay đổi luôn luôn khi sáng, khi tối, có nơi cây cối xanh um, mầu lá khác biệt, tạo nên cảnh trí vô cùng linh động. Các độ mầu đậm, nhạt xen kẽ, đan kết với nhau làm cho mầu xanh trở thành một tấm thảm biến ảo khôn lường, có khi sâu, có khi nông, tưởng có thể sờ mó, cầm giữ được. Nhưng cũng có những đoạn đường trơ vơ vách đá sừng sững, nặng nề khô khan, nhìn mãi mỏi mắt. “Thiên nhiên là một ông thầy”, câu nói của nhà danh hoạ Corot quả đúng trong hoàn cảnh này!

Tên Công An vũ trang chắc không chịu được sự lên xuống, vòng vèo của đường rừng núi, hơn nữa lại ngồi phía cuối xe nên nôn thốc tháo từng chặp. Mặt mũi nó xanh lè như tầu lá. Con đường từ Nghĩa Lộ lên Lào Cai đẹp ra sao, tôi không được biết, vì độc dược đã làm tôi hôn mê, nhưng tôi chắc cũng không hơn gì con đường này vì đường núi rừng nào cũng vậy cả.

Mấy tiếng sau, đoàn xe rời khỏi vùng rừng núi. Phong cảnh hai bên đã thoáng. Những dẫy đồi thấp nhấp nhô, khô cằn, phơi mình dưới mầu trời bàng bạc sắp đổ mưa. Dẫy Hoàng Liên Sơn đã mờ nhạt sau lớp cây phía xa xa. Đã mấy năm, tôi sống ở dưới chân nó, trong những chỗ khuất nẻo và gánh chịu nhiều đắng cay, tủi nhục, nhưng nó có biết gì? Và hiện nay, còn biết bao nhiêu anh em của tôi còn đang sống , hàng ngày lê những bước chân đọa đầy ngay trong lòng nó, nhưng chính nó là bức trường thành đã a tòng với Cộng Sản để giam giữ chúng tôi trong một môi trường quá ư khắc nghiệt!

Hôm nay, mỗi phút, tôi xa rời nó, vì xe càng chạy, trước mặt tôi trải dài một vùng chân trời rộng lớn. Cơn mưa đã bắt đầu rớt xuống. Những hạt mưa không to nhưng rơi đều làm mặt đường nhớt nhát, dễ trơn trượt. Nhưng chẳng vì thế, đoàn xe hạ tốc lực, nó vẫn lao nhanh dưới lớp mưa. Cảnh vật bị xoá mờ, dẫy Hoàng Liên Sơn chìm khuất sau màn nước dầy đặc. Nhưng cơn mưa không kéo dài, chừng nửa tiếng sau trời lại nắng, nhưng cái nắng rất yếu vì bị những tảng mây khổng lồ ngăn chặn.

Đến gần trưa, xe đỗ lại cho làm nhu cầu vệ sinh! Chiếc khóa cửa được mở. Vì ngồi ngoài, tôi và Liêm xuống trước. Tay vướng còng nên rất khó cử động, chúng tôi bảo nhau cùng nhẩy một lượt, chứ kẻ xuống trước, người sau, còng nó siết vào tay chịu gì nổi? Một, hai, ba chúng tôi cùng nhẩy. Mọi người đều làm vậy. Tôi thấy chột bụng, muốn đi cầu, Liêm phải đi theo. Tuy không muốn, nhưng Liêm cũng ngồi xuống như tôi. Chẳng hiểu sao, hôm nay bụng dạ tôi tự nhiên bê bối quá. Phân đi chẳng bao nhiêu nhưng bụng đau quặn liên hồi, cứ mót mà không sao đi được. Để Liêm chờ lâu quá, không tiện, tôi đứng dậy bước ra khỏi lùm cây. Từng cặp một, anh em người đi tiêu, kẻ đi tiểu, lần lượt ra khỏi bãi đất. Một tên Công An tiến đến phía chúng tôi, bảo:

– Các anh được nghỉ tại đây nửa tiếng để ăn trưa. Ăn xong đi thẳng, không ngừng ở đâu nữa.

Mọi người lục tục lên xe. Lần leo có vẻ khó hơn lần xuống vì chỉ lên được từng người. Nhưng hoàn cảnh nào tù cũng tìm cách cho mình đỡ khổ, nên mọi người vẫn leo lên thoải mái bằng cách người nọ kéo kẻ kia. Anh em lục tục mở cơm vắt ra ăn. Có người đã ăn hết trong lúc xe chưa di chuyển. Tôi thấy mệt và đau bụng không muốn ăn. Biết rằng nếu không ăn kịp, cơm vắt tùu tối qua có nhồi miếng thịt mỡ sẽ hư, nên tôi biếu một anh bạn còn đói. Liêm mở gói cơm, cho tay vấu từng miếng đút vào miệng. Chắc Liêm cố ăn cho dạ dày đầy chứ chẳng ngon lành gì, vì hắn nhai hoài, mãi chưa nuốt. Cuối cùng Liêm cũng chỉ ăn hết nửa vắt cơm, nửa vắt còn lại, anh đem cho!

Vài người dân đi qua, dừng lại nhìn chúng tôi bằng con mắt tò mò.

Đoàn xe lại chuyển bánh. Một tên Công An vũ trang khác thay thế, ngồi vào ghế sau khi khoá cửa ngăn cách. Muốn quên cơn đau, tôi hỏi Liêm:

– Vì sao ông đi cải tạo. Trông ông không thuộc diện quân đội.

– Tôi là Hội Đồng tỉnh Quảng Ngãi, bị đưa ra đây từ cuối năm 76.

– Ông qua nhiều trại chưa?

– Không, từ ngày ra, ở luôn tới hôm nay.

– Sao tôi không gặp ông đi lao động bao giờ?

– Tôi ở Đội chẻ tre, làm mành mành xuất khẩu, do đó khỏi đi lao động xa.

– A, tôi biết. Làm công việc đó nhàn nhưng buồn chết.

– Ở tù, mình đâu có quyền chọn lựa?

– Đúng.

Như vậy, tội của Liêm cũng nặng lắm. Tội làm “Ông Hội Đồng” ở nơi sinh quán của thủ tướng Phạm văn Đồng, ít nhiều gì Liêm cũng đóng góp công lao của mình trong vấn đề chống Cộng, mà chống tích cực nên mới được bầu vào Hội đồng Tỉnh. Nhưng, bên cạnh tôi, Liêm – một người rất hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, có tinh thần chịu đựng, chẳng thấy anh phàn nàn gì về chiếc tay bị còng. Không như tôi, lầm rầm chửi rủa Cộng Sản!

Có tiếng “kéo pháo” ở sau lưng. Khói thuốc tỏa ra hương thơm quyến rũ. Tôi quay lại. A, Phùng , người bạn tù làm chung ở hiện trường gạch ngói, tuy khác Đội. Tôi ngỏ ý xin bi thuốc. Phùng vui vẻ nhồi thuốc vào nõ, xong đưa tôi. Chiếc điếu cầy xinh xinh bé bằng cổ tay đứa nhỏ, ngắn chừng 2 tấc, chúng tôi thường gọi “điếu lao động” hay “điếu mini”. Nó bé gọn, dễ mang, bỏ trong túi áo cũng được. Hút tuy không ngon bằng điếu lớn, nhưng lúc này có nó cũng đỡ. Đưa điếu lên môi, Phùng châm lửa bằng mẩu giấy, dí vô. Tôi kéo một hơi dài. Từ sớm chưa hút điếu nào nên khói thuốc làm tôi ngây ngất, nghiêng ngã trong lòng xe chật chội.

Sau khi hả cơn say, bụng tôi lại đau âm ỉ. Tôi xin tên Công An vũ trang cho dừng xe để đi cầu. Nó không trả lời, cứ ngồi trơ như pho tượng. Chiếc xe vẫn chạy bon bon trên con lộ trải nhựa, hai bên đồng ruộng trải dài xa tắp. Sau bí quá, chịu không nổi, tôi lấy chiếc bao nylon, đi vô đó, xong luồn tay qua chấn song, vứt xuống đường. Tên Công An nhìn thấy, chẳng nói gì. Vừa đi xong, chừng 15 phút lại mót, bụng đau như có sợi dây cước siết chặt. Tôi lại tìm bao nylon làm y như lần trước. Đi chừng vài bận, bao nylon hết, giấy chùi cũng không còn. Tôi chẳng biết giải quyết ra sao nếu tình trạng này không sớm chấm dứt. Nhưng cơn đau khi có khi không, khó chịu vô cùng. Tôi lấy tấm nylon, vẫn dùng thay áo mưa, trải ở phía dưới, rồi tụt quần sẵn, để khi cần cứ đi vào đó.

Mùi phân xông lên khó chịu, nhưng Liêm không nói gì, anh còn tỏ vẻ thương xót. Tôi chợt nghĩ đến chén canh rau muống sáng nay, được bón toàn bằng phân người. Có lẽ trong đêm tối, toán nhà bếp rửa dối, cơ thể tôi yếu nên bị nhiễm trùng. Tên Công An thỉnh thoảng liếc nhìn. Mắt tôi hoa lên, người mệt rã rời. Phùng mời thuốc, tôi cũng không muốn hút nữa, chỉ mong chóng tới nơi để xin thuốc uống. Có thể anh em có thuốc, nhưng làm sao lấy trong hoàn cảnh này? Vì đau và mệt quá nên tôi không còn muốn nhìn phong cảnh dọc đường. Phía sau, một công-voa của bộ đội bóp còi đòi qua mặt, nhưng đoàn xe chở tù nhất định không nhường. Chờ đến quãng rộng, chiếc xe bộ đội phóng qua thật lẹ. Vài phút sau tự nhiên chiếc xe chở chúng tôi từ từ dừng lại. Những tiếng kêu oai oái từ đầu xe vọng lại. Tên Công An vũ trang nhẩy xuống đất nhìn. Phía sau, những chiếc áo xanh chạy đến, có người cầm cây sắt vung cao, xông tới đập tên Công An vũ trang. Tên này trúng một cây, chạy mất. Tôi nhìn khẩu trung liên đặt trên nóc ca-bin chiếc Molotova đậu sát chiếc xe chở chúng tôi. Có một tên đang ghì báng súng quay qua quay lại như sẵn sàng nhả đạn. Bộ Đội đánh Công An! Có tiếng nói khẽ trong xe. Nhưng rồi, chẳng biết họ giải quyết với nhau ra sao, sau cũng êm. Tên Công An vũ trang bị đánh một cây gậy lại leo lên xe, nó đưa tay lên vai xoa xoa, có vẻ đau đớn. Chờ đòn công-voa đi hết với những tiếng reo hò chế giễu, hai chiếc xe chở chúng tôi lại lăn bánh. Tôi vẫn ở trong tình trạng bê bối, ngồi ngay trên bãi phân của mình.

Đoàn xe qua Việt Trì, rồi Vĩnh Yên. Đến đây, đoàn xe dừng lại. Những tên Công An xuống xe đến một quán hàng mua nước ngọt uống. Mỗi đứa cầm một chai ngửa cổ tu cạn, xong lại lên đường. Mặt trời chỉ còn cách chân trời khỏang ba con sào. Đoàn xe hình như xả hết tốc lực. Tôi nghe tiếng gió thổi vù vù. Cảnh vật hai bên lùi nhanh trước mặt. Tôi thầm nghĩ chắc họ đưa mình về giam ở Hỏa Lò Hà-nội. Nhà giam này tôi biết. Nó nằm gần Toà Án, rộng cả một khu phố, xung quanh có tường đá bao bọc và những dây điện giăng kín trên cao. Chẳng biết ngày mai sẽ ra sao. Vì lý do nào, 48 viên độc dược không kết thúc đời tôi từ năm ngoái, bây giờ xương thịt đã nát tan dưới lòng đất nơi xó rừng nào đó, đâu còn gánh chịu thêm những cảnh khốn khó này?

Tôi cứ “đi” vào tấm nylon từng chút một, bụng vẫn đau như xé. Liêm ngồi bên chịu đựng. Chiếc tay bị còng mỏi rã rời vì không cử động. Tôi nhắm mắt thiêm thiếp, ngả đầu vào vai Liêm.

—>Xem tiếp
<—Mục Lục

This entry was posted in **Chuyện Tù, 1.Hồi-ký - Bút-ký, TẠ TỴ: Đáy Địa Ngục and tagged , . Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời