AN-LỘC CHIẾN SỬ (Phan Nhật Nam)

Trong qui ước truyền tin quân đội, chữ A được đánh vần là “Alpha” hay là “Anh Dũng”. An Lộc cũng bắt đầu bằng chữ A, thế nên tôi gọi An Lộc là Anh Dũng, tĩnh từ nầy đã được dùng quá nhiều đến độ nhàm chán nhưng ngoài nó ra không còn một từ ngữ nào xác thực và đúng đắn hơn.

Phải, An Lộc là Anh Dũng, chiến đấu ở An Lộc, sống ở An Lộc và chết ở An Lộc – Tất cả đều trùng trùng tràn ngập vây kín bởi Anh Dũng…Tôi không nói quá lời với sự chân thật của người cầm bút và tấm lòng giản dị của một người lính, xin xác nhận lại một điều : An Lộc là Anh Dũng, yếu tính của thành phố, người và sự kiện của An Lộc là tĩnh từ giản dị đầy đủ kia. Gần mười năm trận địa, bao nhiêu trang sách về binh sử đã được đọc, tất cả đều bị An Lộc vượt xa, vượt một tầm quá lớn mà không một trận chiến nào có thể bén gót được… Kiến thức về quân sự ý niệm chiến tranh, tất cả bị đổ nhào phá nát bởi An Lộc, chắc chắn như thế nếu ai đến và sống với nó một lần. Những ” huyền thoại” An Lộc đã được khai thác nhưng chưa hết, những anh hùng của An Lộc đã được nhiều nhắc nhở nhưng chưa đủ . Tôi nối tiếp công việc nầy vì An Lộc không những chỉ có Tướng Hưng với các trung đoàn 8,9, 48,52 bộ binh, Đại tá Huấn với Liên đoàn 81 Biệt cách Dù Liên đoàn 3 BĐQ, và Đại tá Nhật với thành phần cơ hữu của Tiểu khu Bình Long… Ngoài những lực lượng nầy còn có Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đơn vị tham chiến từ ngày 7/4, bắt tay An Lộc lần 1 vào ngày 16/4 và lần thứ 2 sau trận đánh trên tất cả các trận đánh, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù “clear” 2 cây số còn lại vào đến Thanh Bình (hay đồn điền Xa Cam trong 45 phút chiến trận. An Lộc được “bắt tay” lần 2 lúc 17g15 ngày 8/6.

Lữ đoàn 1 Nhảy Dù với «Lê Lợi» Lê Quang Lưỡng, 55 Nguyễn Chí Hiếu, 64 Nguyễn Ngọc Đỉnh. Anh Dũng Văn Bá Ninh, Bắc Bình Đoàn Thiên Tuyển, những người đã “nắm” An Lộc trong cơn run của 8000 đạn đại pháo “nắm” và giữ thật vững ở Đông Nam và chính Nam – Những người đã vào An Lộc từ ngã Đồi Gió đã biến thành những kẻ “vô tư cách” vì thiếu điếu thuốc lá trên môi, đã thèm một cây tăm xỉa răng, đã ao ước được cởi đôi giày trong hằng ngàn chiến trận… Và họ cũng đã là “xếp” đàn anh, Liên đoàn trưởng sinh viên sĩ quan của tôi trong một thời gian dài – Thời gian dài như chiếc nón đỏ tôi đội trên đầu, bộ đồ hoa ngụy trang tôi mặc – Tôi phải viết về cho họ – Cách trả ơn của người đã từng hô “Nhảy Dù cố gắng”.

PNN

MỤC LỤC

Quê hương bình yên của loài nai.
Vòng vây thật chặt
Vạch một đường đi.
Nhẩy trực thăng – Nghề của «Lê Lợi».
Phương Tây đỏ lửa : An Lộc.
Chiến trường quá “khổ”
Tuyến “Hoả Tiễn” và Tăng
Mong ngày đi qua mau
Đồi Gió, nút thoát hơi của An Lộc
Đạp đổ định mệnh
Đồi Gió đổi tên
Sống như là chiến đấu
Phục hận

Quê hương bình yên của loài nai

Đường 13 chạy từ ngã ba Chơn Thành đến An Lộc đo được 30 cây số, tiếp tục về hướng Bắc thêm 18 cây số nữa là Lộc Ninh, bên kia biên giới là Snoul, qua Snoul con đường ngã theo hướng Tây Bắc để tiến tới Kratié nằm cạnh bờ Cửu Long nép bên bờ trái của con sông, con đường tiếp tục về phía Bắc để gặp Stung Treng vị trí chiến thuật quan trọng của đường giây ông Hồ từ Bắc vào… Đoạn này cũng được gọi là đường Sihanouk cho có vẻ đại đồng nhưng thật ra cũng chỉ là của anh Hồ Cộng Sản… Khởi đầu cuộc chiến “Đông Dương” đệ nhị. Những anh của Trung ương cục miền Nam đã lần mò, tìm kiếm, ráp nối lại con đường, bắt đầu từ giòng Suối Đá, Suối Chà Là, Suối Ma của vùng Bình Long, Phước Long để lần qua biên giới đến những mật “khu” trong tương lai sẽ vang danh theo cùng chiều rộng thế giới: Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt.. Năm 1970 quân lực ta đã từ Bình Long, Tây Ninh đồng loạt xua quân qua biên giới, cánh quân cực Bắc của lực lượng vượt biên đã có lần đi xa Snoul để đến gần kề Kratié… Cộng quân tan nát và đổ vỡ toàn thể hạ tầng cơ sở, kho tàng, trọng điểm tiếp liệu và căn cứ trung ương. Hai năm sau những ngày đầu của 1972 một lực lượng Cộng khác, thứ Cộng nguyên gốc, mới tính theo kế hoạch tinh vi yểm trợ cho mục tiêu chiến lược chính trị từ Bắc vào, xuôi theo đường 13 vượt qua Snoul cùng ào vào Lộc Ninh với 3 sư đoàn chính qui thượng thặng sau khi giàn đại pháo 130 dọn sẵn đường. Sau Lộc Ninh là An Lộc – Và thị trấn nhỏ bé của miền cực đông Nam phần bắt đầu co vào trong một thế gọi là “Tử Thủ”. Địa ngục bắt đầu từ ngày đầu tháng 4/72.

An Lộc không phải là một thị trấn, một thành phố, đúng ra là thị xã của tỉnh Bình Long, đồng thời cũng là quận lỵ quận An Lộc, tức quận Châu Thành của tỉnh. Tỉnh gồm ba quận: Lộc Ninh cực Bắc, An Lộc giữa và Chơn Thành ở phía Nam. Tất cả cơ sở hành chánh đều nằm trên còn đường 13, con đường lớn phẳng phiu chạy thẳng theo hướng Bắc Nam vạch một đường đen thẫm giữa hàng cao su xanh lá, đường nổi bật giữa lớp đất đỏ nâu mịn màng đẹp đẽ… đỏ nâu cũng là màu máu khô, đường 13, con số của sự xấu – Định mệnh đã định rõ : Con lộ mang số tử thần và có màu máu thẫm – Hai cuộc chiến tranh chứng tỏ có một Thượng đế tàn ác đã xếp đặt sẵn điêu linh cho người. An Lộc, tên nghe thật hiền, hiền như hình ảnh của đàn nai chạy tung tăng trên đồng cỏ tranh mượt sóng, đàn nai no đủ bình yên được che chở bởi tàng cao su im bóng nắng và hàng trăm con suối mang đủ các thứ tên Việt, Miên, Thượng… Những giòng suối đầu tiên ở sông Bé ở phía Đông và sông Sàigòn ở phía Tây. Nằm giữa hai con sông trải dài trên một bình nguyên bao la – Bình Long quê hương của loài Nai, miền Đồng Nai thượng không phải chỉ là một vị thế tốt, nhưng còn là chiếc nôi nuôi dưỡng quốc gia với tiềm năng phong phú – Đầy và rộng trên một chuỗi đồi chập chùng chạy dài đến Biên Hòa, Gia Định.. Đất giàu đẹp và uy nghi bát ngát như hãnh diện của quê hương.

Nhưng đúng là quê hương khốn nạn, quê hương gắng chịu tai ương của nhân loại, quê hương nguy khốn, ngặt nghèo… quê hương lửa dậy và đạn nổ chém gẫy cây rừng, khô lá nõn. Lửa dậy và Bình Long hừng hực tro bay, sự sống không còn trên trái đất.

Vòng vây thật chặt

18 khẩu 105, 6 khẩu 155, một pháo đội 130, Đại đội súng cối từ 82 đến 120 ly, rừng hỏa tiễn 107, 122 và bao nhiêu vị trí phòng không từ 12ly7 đến 20 ly, ba công trường 5,7,9, tăng cường thêm công trường Bình Long, được yểm trợ bởi hai Trung đoàn 202 và 203 Thiết giáp, Cộng quân bọc một vòng đai thép chung quanh An Lộc từ sân bay hay “Quán cà phê Hương giang” đến Bãi trực thăng B15 “Khánh Ly” chiều dài đo đúng 1 cây số 800 thước và bề ngang từ cửa Phú Lỗ về cực đông tối đa được 700. Đó là vòng đai lớn, những ngày nguy khốn vòng phòng thủ phía Bắc cong xuống đến đường hoành độ 88 : Chu vi phòng thủ không quá 400 thước vuông – An Lộc, vòng vây ngột ngạt nhất trong chiến sử nhân loại.

Người Pháp giữ Điện Biên Phủ trong 209 ngày với 56 ngày bị vây, vòng đai phòng thủ của những ngày thất thủ cũng có được một chiều dài 800 thước. Người Đức bao vây Stalingrad 76 ngày. Người Anh và lực lượng khối Thịnh Vượng Chung giữ Tobruk 241 ngày. Những cuộc bao vây và tử thủ này được thực hiện bằng Tiểu liên Sten, đại bác 75 ly và xe tăng Grant Sherman hoặc Panzer, mà vận tốc lý thuyết là 23 dậm 1 giờ với vũ khí “ngoại hạng” là 1 khẩu đại bác 75 ly.

An Lộc hơn hẳn các mặt trận, với 30 chiếc T.54 vững chãi, bề thế, nòng súng 85 ly đầy ưu thế hỏa lực đè bẹp bất kỳ vũ khí nào của bộ binh miền Nam… Và An Lộc bị bao vây vào ngày thứ 68 với mực độ pháo kích có khi trên 8000 trái như ngày 11 tháng 5 từ 1 giờ chấm dứt lúc 3 giờ để bộ binh tùng thiết tấn công bằng ba mũi dùi chính, một mũi dùi là một Trung đoàn. Trận địa pháo đã vượt hết ý niệm về hỏa lực và pháo binh của tất cả mọi người lính dù trí não tối đa phong phú tưởng tượng.

Vòng vây siết quá chặt, “tăng” đã vào thành phố, thị xã mất trong từng giờ trôi qua, bộ Tư Lệnh Quân khu 3 quyết định xin tăng phái quân trừ bị. Sư đoàn TQLC ở mặt trận Trị Thiên, Lữ đoàn 2 và 3 Dù đang hành quân Tam biên nên Lữ đoàn 1 với 3 Tiểu đoàn thực dụng hành quân 5, 6, 8 cùng Tiểu đoàn 3 Pháo nhận vùng trách nhiệm An Lộc cùng 60 cây số đường dài Lai Khê – Chơn Thành – An Lộc – Thành phố lửa nằm cuối con đường máu. Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù phải đi hết đoạn đường này để đến địa ngục ở phía Bắc. Chiếc nón của binh chủng thêm một lần thấm đỏ máu tươi, và chuỗi băng tang đằng sau sẽ dài hơn trước – Vinh quang đầy cay nghiệt đang chờ, lính Nhảy Dù nhập cuộc.

Vạch một đường đi

Đến Lai Khê ngày 5-4, Lữ đoàn 1 nhập cuộc ngay ngày sau, 60 cây số đường hun hút trong rừng cây xanh trải dài trước mặt, Đại tá Lê Quang Lưỡng con beo gấm chiến trường «Lê Lợi» tân thời, ít nói, trầm tĩnh, nhiều cơ mưu đứng nhìn con đường với cường độ hiểm nghèo đang cao ngất chờ đợi… Nhưng nhiệm vụ đã được định đoạt : Mở vào An Lộc theo trục lộ 13. Trán của người chỉ huy cau lại: Địch chiếm An Lộc và biết chắc chắn ta sẽ điều quân trên trục lộ này. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù dẫn vào cái bẫy đang giăng! Bằng cách nào để tránh thiệt hại tối đa cho đơn vị ? «Lê Lợi» đi chân trên mặt đường để đo độ cứng của con đường hay sự chịu đựng của lớp nhựa ? Bao nhiêu mìn đã được chôn dưới mặt đường này trong những cây số phía bắc, Bầu Bàng, Bầu Lòng, Chơn Thành, Suối Tầu ô. Những địa danh nặng cứng như mỗi tảng đá chồng thêm vào đỉnh đầu. Bao nhiêu “đứa con” sẽ mất để bước chân vào đến mỗi địa điểm kia ? Bao nhiêu pháo của “tụi nó” đã lấy sẵn yếu tố trên những điểm địa hình, vị trí chiến thuật mà đoàn quân “Bắc tiến” bắt buộc phải đi qua và dừng chân. Phải làm gì ? Bằng cách nào ? Lấy gì để bảo vệ cạnh sườn ? Làm sao để bung rộng quân để tránh pháo và phục kích… 60 cây số – Đoạn đường dài nhất trong binh nghiệp hai mươi năm lính. Nhiệm vụ quá lớn vượt khỏi khả năng của một Lữ đoàn gồm 3 Tiểu đoàn Nhảy Dù bộ chiến… Nhảy Dù cố gắng! Đại tá Lưỡng nhếch mép cười : ” Cố gắng! Mình cố gắng đến bao lâu và đâu là điểm dứt hơi ?? “

Buổi họp các Tiểu đoàn trưởng được thành hình. «Lê Lợi» được Ngọc Long phụ tá (cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ 7 ND. Tiểu đoàn trưởng nặng ký tham mưu nhất giữa những người đồng cấp bậc và chức vụ ) thứ đến là, Tố Quyên – Tố Quyên, danh hiệu nghe thì con gái, nhưng “người” đàn ông hơn hết mọi đàn ông. “Người” lừng lững di động phì phà cái píp, chậm rãi khoan thai và cứ “đường ta ta đi”… Cựu Thủ khoa khóa 16 Võ Bị đâu phải thứ thường, khoá “thép” mở đầu kỷ nguyên Võ Bị Quốc Gia. Bộ tham mưu Lữ đoàn 1 không thể có những sĩ quan tham mưu nào hay ho hơn được thành hình chớp nhoáng kế hoạch Bắc tiến . «Lê Lợi» luận :

– Con đường quá dài, tụi nó có đủ yếu tố chiến thuật: Địa thế, nhân số, hỏa lực để chơi mình, chơi bất cứ lúc nào, ở đâu nếu “nó” muốn. Mình có ba Tiểu đoàn, nghe thì nhiều nhưng không có được bao nhiêu, không thể tập trung lực lượng được, mình phải phân tán, mục tiêu lại quá xa. Đây này – «Lê Lợi» đo gang tay trên bản đồ.– ” Bốn gang, 60 cây số.” Di chuyển trên một hành lang hẹp bề ngang không rộng đến 2 cây số với chiều dài như thế cũng như đi vào vòng ghế điện.. Nhưng nhiệm vụ phải thi hành khẩn cấp, mình chỉ có được một đường, dọc cái đường “khốn nạn” này, vậy mình đi kiểu chân chim : Thằng 8 (Tiểu đoàn 8) đi trước, đóng quân ở chỗ nầy, xong thằng 5 sẽ vượt theo đường cũ leo cao hơn.. Thằng 6 sẽ đi sau hết. Pháo sẽ đi theo thằng 5 ở bước đầu, 8 ở bước sau, giai đoạn 1 lấy mục tiêu là Bầu Bàng, hai là Chơn Thành. Đến Chơn Thành lập được thêm đầu cầu phía Bắc mình sẽ qua giai đoạn III.

Các Tiểu đoàn trưởng cùng gật đầu, không còn chiến pháp nào hơn “bước chân chim” nữa được, ba Tiểu đoàn chỉ vừa đủ để lập một đầu cầu trong chiến tranh với đơn vị căn bản là một trung đoàn. Ba Tiểu đoàn Dù phải “gồng” mình đến giới hạn chót để chiến đấu. Châm ngôn của binh chủng thế mà hay “cố gắng” làm được công việc khiêm nhường này cũng đủ đáng đồng tiền phụ cấp. Tại sao binh chủng không lựa những châm ngôn “lớn” như Tổ Quốc Không gian – Danh Dự Quân lực – Vinh Quang Biển cả v.v… Sao chỉ là “cố gắng “. Cố gắng hoài đến bao giờ mới hết ?

Câu chuyện khôi hài chấm dứt buổi họp. Các Tiểu đoàn trưởng bước về nơi đóng quân – Ba Trung Tá, không thể có khuyết điểm nơi những người nay trên phường vị Tiểu đoàn trưởng.

Ngày 7 tháng 4, Tiểu đoàn 8 vượt tuyến xuất phát, lấy con đường làm chuẩn, hai cánh quân cùng tiến song song đội hình mở rộng không quá 300 thước cho mỗi bên, đến ngang hoành độ 48 dừng lại. Tiểu đoàn 5 vượt qua mặt tiến lên, lục soát vừa phải, cố mở đội hình rộng mấy trăm con người của Tiểu đoàn chìm hẳn vào màu xanh đậm cứng của rừng. Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Chí Hiếu kẹp sát ống liên hợp vào mang tai, linh cảm có những trầm trọng sắp xẩy đến ? Mười bốn năm chiến trận đã tạo thành những trực giác bén nhậy. Rừng cao su im lìm – Địa thế quá lý tưởng cho một cuộc phục kích. Súng nổ, thoạt đầu chỉ có tiếng AK ở hướng đầu hành quân, nhưng không đầy 5 phút, 5 phút ngắn chưa đủ để xua người lính chạy quá một gốc cao su, cối và pháo binh nổ… Hiếu đo lường thật nhanh hỏa lực của địch: Phía trái, dọc đường rầy có nhiều tiếng súng cá nhân, cánh quân trái phải đánh ngay vào để bám sát mới tránh được pháo… Đúng như anh ước tính, tiểu đoàn Cộng nằm một hàng dọc trên mô đất của đường xe lửa cũ đang thực tập tác xạ và lính Nhảy Dù xung phong vào trái! chỉ còn một đường nầy. Cộng quân không bỏ vị thế tốt, trận đánh dằng dai ngang ngửa, một nửa ngày qua, lính Bắc rút đi… Thương binh nằm chật rừng cao su, dựa lưng vào thân cây… Hiếu nhìn bản đồ : Bàu Hót, tọa độ 780510. Từ đây đến An Lộc còn bao nhiêu cái bàu nữa… Chiến trường mới qua một ngày – Món ăn chơi đầu tiên đã khó nuốt.

Từng cây số một bước lên, độ cao cứng rắn của chiến trường càng rõ, gần đến Chơn Thành rồi, đã “ngửi” được mùi địch, địch cùng pháo và cối, chắc sẽ đầy đủ và mãnh liệt hơn Hạ Lào; và Hạ Lào, rừng phòng không nhân tạo tua tủa như cây trời. «Lê Lợi» nặng mặt, khoảng trán cao nhăn nhăn mấy cái.

– Quyền, cố gắng xin mấy cái trực thăng để ngày mai mình “thẩy” thằng 6 lên Chơn Thành và cho lục soát ngược về.

Hôm nay là ngày thứ hai (8/4) của kiểu “chân chim”, nếu cứ tiếp tục thêm một ngày nữa, Cộng quân không tiếc gì để “chặt chân”, phải có một kế hoạch khác: lục soát ngược lại. Quyền nhìn “xếp” thán phục. «Lê Lợi» quả là con beo thật, một con beo gấm già không chút sơ hở.

Ngày 9, Tiểu Đoàn 6 nhảy cú bất thần lên phía Bắc Chơn Thành. Không khai triển được chiều rộng thì biến chế theo chiều dài, có luật nào bắt buộc tiến quân phải theo thứ tự Nam – Bắc ? Xong trả bộ quay lại Chơn Thành. Tiểu Đoàn 5 từ Bàu Bàng chạy vọt lên 2 giờ chiều ” link-up ” cái rụp ơ Chơn Thành. Tốt, «Lê Lợi» gật gù : Tụi nó không biết mình làm trò gì với cú nhảy của thằng 6, đi lên hay xuống… Tiên sư nó cũng không biết được. Thừa đà đi, 5 Dù lên thẳng phía Bắc cách hơn Chơn Thành 3 cây số hạ trại, Ngày bình yên đi qua, Đại tá Lưỡng cởi đôi giày lần đầu kể từ ngày N, bộ tham mưu bắt chước… Mỗi buổi chiều cởi được giày là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc, giá càng ngày càng rẻ.

Thêm 2 ngày đẹp đẽ đi qua, lữ đoàn đã đi được trên dà mươi cây số, ba cây số cho 6 ngày kể ra quá chậm trên địa thế dễ di chuyển nầy. Nhưng làm thế nào để đi nhanh hơn, thiết đoàn 1/5 tăng phái tuy rất chịu khó cày và lội theo cùng Nhảy Dù nhưng nhiệm vụ không cho mở vào sâu và vào sâu thì lún lầy… Những con voi sắt dũng mãnh tới lui nặag nề chậm theo bước tiến bộ binh. Ngày 12, kể từ Bắc xuống Nam theo thứ tự là Tiểu đoàn 5, 6 Chơn Thành 8 và pháo binh (TĐ 3 PB Dù) ở cực Nam , lại theo chiến thuật “chân chim”, TĐ8, Pháo và Thiết kỵ nhảy bước lớn từ cực Nam qua mặt Chơn Thành, đến ngang TĐ 5 bỏ pháo lại tiếp tục lên hướng Bắc… «Lê Lợi» đóng ở Chơn Thành cùng Tiểu đoàn 6 theo dõi thằng con (TĐ8) tiến quân…

– Tốt, nó tới được suối Tàu Ô, tụi mình chỉ còn cách An Lộc trên mười cây số, hy vọng tuần sau mình đang ” đụng” nó…Hy vọng như thế.

Nhưng hy vọng của «Lê Lợi» vỡ tung như bong bóng nước dưới trời mưa nặng hạt. Tiểu đoàn 8 vừa đặt chân qua hoành độ 72 cách Tàu Ô 1 cây số 300 thước thì đụng. Cộng quân không thèm ngụy trang, che dấu, ngồi sẵn trên đường tay ngoắt mõm kêu “ngụy”. Nhưng lực lượng Cộng không phải chỉ là thành phần ngồi trên đường đó, đấy là lực lượng biểu dương. “Tụi mất dạy” chính cống nằm dọc bên tay trái, nằm đầy bên tay phải dưới giao thông hào, dưới công sự có nắp ngụy trang kín mít. Nhưng nếu là bộ binh không thì nói làm gì, kẻ “cừu nhân” độc địa hơn mới đáng sợ : Pháo và cối. Thôi rồi, «Lê Lợi» run tay, chiếc combiné ép vào tai nghe báo cáo:

– Tụi nó gom tôi và ông Đức (Thiết đoàn trưởng 1/5 chiến xa) thành vòng tròn rồi…. Pháo quá dữ “đề lô” tụi nó theo sát đây, nó bắn không phí một quả, nó “đi tiền” quá nhiều nó “tapi” tôi.

“Bắc Bình” Đoàn Thiên Tuyển, Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù nói nhanh như khi bốc con bài thứ 5. Tuyển cũng là Tuyển “Táp”. Hỗn danh nghe thì kinh, nhưng lại là người nhỏ con, vui tính, nhanh như sóc, “táp” chỉ là một tĩnh từ để mô tả chân dung người thêm xác đáng. Tuyển lại tiếp tục báo cáo :

– Tụi nó bâu như kiến… Đ..m bắn quả M 72 vào cây cao su kia… Trình «Lê Lợi» cho gunship lên… C, bảo thằng Vân “mu” lên chút nữa bung rộng ra mới được… Dạ, dạ, tôi nói thằng con tôi cố gắng !”

Vừa báo cáo với Lữ đoàn trưởng vừa điều động các đại đội, Tuyển nói như một cái dĩa chạy quá tour. Tuyển “Hỏa Tiễn”, thêm một biệt hiệu khác theo với tên anh.

Sau Tiểu đoàn 8 đến Tiểu đoàn 5, 55 Nguyễn chí Hiển, vẫn giữ giọng đĩnh đạc, chậm rãi gọn và sắc :

– Trình «Lê Lợi», tôi chưa kịp có vị trí, pháo binh cũng thế và tụi nó pháo quá dữ – Dạ, pháo từ xa, cối gần hơn B40, 75 không giật thì chỉ cách tôi dưới 100 dứt.

«Lê Lợi» thả combiné xuống – Sự kiện bắt buộc xảy ra, không thể tránh theo chiều nào được. Pháo không phải từ một vị trí, pháo trận địa, pháo “vùng”, pháo TOT (Tác xạ tập trung bắn từ nhiều nơi) và chính ngay tại Chơn Thành, PC của «Lê Lợi» cũng bắt đầu “lo”. Lại pháo nổ xuống…

Ngày 13, tình hình như c… Thằng 8 bị vây, thằng 5 bị pháo và Chơn Thành thì nhúc nhích không được. «Lê Lợi» vất bỏ cái máy, ông không muốn nghe thêm một chữ nữa – Đại Tá Đức, Thiết đoàn trưởng phối hợp hành quân chết – chiếc trực thăng vừa bốc lên khỏi cao độ hơn 10 thước, viên đạn oan nghiệt kết thúc đời người anh, anh hùng mũ đen – Đại Tá Đức, mắt sáng nụ cười tươi, hàng ria mép đen nhẫy vừa mới phút trước đây còn anh tôi hàn huyên thân ái, mới phút trước đây : Anh để tôi lên xem “thằng con” như thế nào… Chết rồi, người bằng hữu lừng lững đi vào như không. Đại tá Lưỡng cúi mặt xuống. Con beo gấm thất thủ trước chiến trường vuột tầm tay.

Chiến trường trở nên xấu hơn khi Tiểu đoàn 5, nơi có vị trí pháo binh báo cáo hết đạn.

– Máy bay không thể vào vùng được – Đại-tá Quyền nhắc với «Lê Lợi» khi thiết kế tiếp đạn cho TĐ5.

– Vậy thì gọi về Lai Khê, bảo thằng Thu (Ban 4 của Lữ đoàn) qua nói với tiền trạm Tiểu đoàn 5, cho người hướng dẫn đem một xe đạn lên đây để tiếp cho “thằng cha” nó.

Trung sĩ Hoàng Thi, Thường vụ Tiểu đoàn lãnh nhiệm vụ áp ải xe đạn từ Lai Khê đến Chơn Thành và từ đây một mình một súng, Thi làm “độc hành đại bảo tiêu” đi 4 cây số hay đường hầm Tử thần để giao đạn cho đơn vị…

Đến Chơn Thành, Thi mượn máy Lữ đoàn liên lạc với Tiểu đoàn trưởng.

– Trình đích thân, em đã tới nơi của «Lê Lợi», bây giờ em đem kẹo lên.

– Không được, đang đánh nhau tùm lum ở đây, dọc đường lại đầy tụi nó đi sao được…

– Dạ em nghĩ tụi nó có là để đợi phục kích các đơn vị đâu phải phục kích một chiếc xe, em chạy cái ào sức mấy nó bắn kịp…

55 Nguyễn Chí Hiếu đồng ý, hết đạn chỉ còn trông vào sự may rủi đặt trên can đảm của người Trung sĩ này.

Thi leo lên xe GMC, gã tài xế thuộc đại đội quân vận tăng phải nhăn nhó :

– Trung sĩ, đường đang đánh nhau làm sao mình đi được.

– Đồng ý là có đánh nhau, nhưng nó đâu ngờ được có một chiếc xe GMC chạy lên trong giờ phút này, mầy xả hết ga, xa lộ mà mầy, sợ gì tao cũng vợ ba con chứ đâu không sợ chết.

– Lỡ có mìn thì sao ?

– Có mìn thì mìn chống chiến xa ở vệ đường thôi, mầy cứ nghe lời tao, ào một cái chẳng can chi… đ.m mầy không lái thì tao lái.

Chiếc xe GMC đội pháo rời khỏi Chơn Thành với tốc độ 70 cây số một giờ. Người Kinh Kha tân thời mang lon Trung sĩ bỏ cần tác xạ khẩu đại liên 60 vào vị trí suto…

– Đấy cứ chạy như thế, mày có chết thì cũng chết sau tao, sợ gì em…

Gã tài xế không nói một tiếng, chân ga lút cán chiếc xe không phải chạy nhưng bay trên lớp nhựa đen, hai bên đường đạn AK và B40 thổi tưng bừng. Trật hết cả, mầy thấy chưa có thằng nào dám ra đường đón mình đâu. Thi bắn khẩu đại liên theo hướng trước mặt, chiếc quan tài di động chứa đầy đạn thoát đi như phép lạ… Nhưng Thi không bao giờ đến với “gia đình” được, một toán Việt Cộng được báo máy chạy túa ra đường chận chiếc xe.

– Làm sao Trung sĩ ? ?

– Phóng thẳng đè qua tụi nó….hết ga luôn.

Thi vẫn bắn không ngừng vào những bóng lô nhô trên mặt đường… Đ…m không xong rồi, mày ép bên mặt xuống dưới đường, coi chừng nó thụt B40. Gã tài xế tay chân chuyển động như cái máy vô tri quẹo trái lách phải mỗi tích tắc, mỗi giây phút qua nổ tan trong lồng ngực… Quẹo lại, quẹo lách vào mấy cái cây. Lách vào, de lại. De. Thi vừa bắn vừa la như quạ … Về. Về. Lút ga đi mầy. Lút ga. Mau hơn nữa. Gã tài xế nhấn bàn chân phải hết độ cứng. Đạn rơi trên thùng xe, đạn xoáy vào thùng đạn, đạn làm vỡ kính chiếu hậu… Chiếc xe, người tài xế và Thi về lại được Chơn Thành trong ngơ ngác của mọi người và của hai “đương sự”.

– Trình Đại bàng, em cố đưa đạn lên nhưng không được… – Thi nói trong tiếng thở khi đến Bộ Chỉ huy Lữ đoàn báo cáo với tiểu đoàn trưởng.

– Ừ thôi vậy, anh đã làm hết sức rồi. – Nguyễn Chí Hiếu trong lửa đạn không khỏi cảm phục người thuộc hạ đã can đảm vượt khỏi sức của người.

8 bị vây kín, 5 bị pháo cô lập, Tiểu đoàn 3 Pháo binh tê liệt, vị trí dã chiến chưa có đủ thời gian để chuẩn bị. Lữ đoàn và TĐ 6 ở Chơn Thành kẹt cứng trong vòng đai chi khu. «Lê Lợi» thiết kế cùng với thiết đoàn 1/5 bung rộng qua phía Đông để tấn công lên hướng Bắc. Hai chiến xa mở đường vừa vào chưa được 3 cây số bị kẹt cứng bởi hệ thống đầm lầy, suối con, bàu nước đan vào nhau chằng chịt… Hai ngày dậm chân tại chỗ đi qua. Tàu Ô, con suối chỉ hơn 4 cây số sao quá khó khăn để đến đôi mắt người chỉ huy chớp liên hồi. Tránh hết sức cũng không được, mình vào bẫy của nó… Bộ óc chiến trận xoay hoài trên cái trục mang số 13. Nếu mình đừng bị lệ thuộc vào con đường chắc sẽ xoay trở được.

Rút tất cả về lại Chơn Thành giao vùng trách nhiệm và con đường “khốn nạn” lại cho Sư đoàn 21. Lữ đoàn nhận nhiệm vụ mới. Đại tá Lưỡng thở hơi ngắn : Bỏ được đường 13 thì tốt rồi nhưng nhiệm vụ sắp tới sẽ như thế nào ? Những đường nhăn lại vạch thật đậm trên vầng trán. Ngày thứ 8 của chiến trường khối óc chưa một giờ ngừng nghỉ, chưa một phút được nghỉ, đúng chính xác như thế – giấc ngủ chập chờn những hình ảnh xô bồ, náo động và đỏ cháy những lửa – Người Lữ đoàn trưởng đưa tay lên bóp bóp hai thái dương – Ngày hôm kia “thằng Bảo” lại chết ! Đại tá Lưỡng “cứng óc” trong một khoảng thời gian. Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo, người đàn em thân yêu của ông tử trận ngày 12-4 tại Charlie, Kontum.

Nhẩy trực thăng – Nghề của “Lê Lợi”

Buổi họp tại Trung Tâm Hành Quân căn cứ Lê Khê đưa đến kết luận : Bằng tất cả mọi giá, phải đưa Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù vào An Lộc. Sáng ngày 13 lúc 7g 15, T54 đã đến sát hầm chỉ huy của Tướng Hưng. Vào An Lộc bằng đường bộ sẽ quá chậm trễ… ” Chính cá nhân Đại-tá Tư Lệnh phó Sư Đoàn 5 cũng phải thủ một khẩu M72…” Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù phải vào An Lộc trong thời gian ngắn nhất. Tướng Minh Tư Lệnh Quân Khu III đưa mắt hỏi ý kiến Tướng Đống trong việc ném “thằng 1” vào An Lộc… E ngại, điều này không phải cảm nghĩ riêng của mỗi người nhưng là tình trạng chung của các cấp chỉ huy : Đưa một đơn vị vào trong rừng phòng không, các bãi đáp đã có đủ yếu tố tác xạ, tối thiểu cũng do một pháo đội đại bác trách nhiệm : Nhưng chỉ còn biện pháp này.

– Thế nào Lưỡng, nhảy không? Nghề của ông mà !

– Nhẩy thì cũng nhảy Trung-tướng, nhưng phải cho tôi đi một vòng để tìm bãi đáp. Khó là lúc đáp xuống, nếu xuống được thì nhất định tôi vào được.

Chiếc trực thăng chỉ huy ở một cao độ lạnh người lượn vòng thứ 5 trên An Lộc. Đại-tá Lưỡng hỏi Thiếu- tá Quyền (sĩ quan hành quân) :

– Thấy cái đồi ở phía đông nam không ?

– Thấy, Đại-tá.

– Chỗ đó !!

– Vâng, Đại-tá, mình đi thêm một vòng để thấy cho rõ…

Chiếc trực thăng lại chao đi thêm một lần nữa, nhầm lẫn hớ hênh là mua đứt mạng sống của bao nhiêu người và đổ vỡ hẳn kế hoạch tăng viện, tất cả đều do phút này quyết định.

– Đây tao sẽ cho xuống ở đây. Ấp tên gì lạ quá?

– Dạ ấp Srok Ton Cui, có lẽ là tên Miên.

– Ừ, cái ấp đó nó sẽ được dãy đồi ở Tây Bắc che dấu, trực thăng khi vào vùng bay sát ở dưới lên, tránh được “đề lô” tụi nó quan sát. Hơn nữa, không bao giờ tụi nó nghĩ mình dám đổ quân ở phía Đông. Nó giữ chặt phía Nam vì phía đó cũng là đường về của mìah. Mình nhảy nơi cái ấp đó, xong chiếm ngay mấy ngọn đồi, vậy là giữ được đầu cầu, phải cẩn thận trong thời gian đầu tiên…

– Vâng, Đại tá.

Quyền không bàn điều gì thêm. «Lê Lợi» “đánh hơi” chiến trường không chút sơ hở…

Ngày 14 tháng 4, bãi đáp là một đoạn đường nhựa ở ấp Srok Ton Cui, đường 245 nối từ Xa Trạch vào đồn điền Quảng Lợi, tây nam An Lộc cách nhau bởi hệ thống đồi với cao độ 150 thước. 14g30 chiếc trực thăng đầu tiên đưa đại đội 62/TĐ6/ND thay vì xuống ấp lại đáp lộn xuống vùng ruộng của Suối Rô dưới chân đồi không tên cao độ 176 thước. Ngô Xuân Vinh 23 tuổi đại đội trưởng nhỏ tuổi nhất của TĐ6 biệt danh ” Vinh con ” – “con” không phải vì nhỏ người non dạ, trái lại bụng phệ, mặt mâm, 76 ký dềnh dàng nặng nề, nhưng “con” là vì tính khôn ngoan quá cỡ so với số tuổi “tí xíu”. Vinh “con” có thể ở với những “xếp” nặng nhất, của Sư đoàn Nhảy Dù nhờ cú né tài tình mà không thể bậc thầy nào qua mặt nó được.. Vinh xuống lộn bãi nó loay hoay một chút giữa đám ruộng trống trải… Bố trí lại hay tiến về phía đồi ? Nhưng Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn đã xuống kịp. Trung-tá Nguyễn Ngọc Đỉnh hay Đỉnh “Tây con” ba mươi ba tuổi, khuôn mặt tròn, da trắng, lông mi cong.

– Anh Năm nếu không vì hàm râu quai nón mang lon Trung-úy vẫn còn vừa! – Vinh đã nhiều lần đùa xếp như vậy.

Nhưng Đỉnh không “con” chút nào trong trận địa. Khoá 15 Đà lạt, từ đầu cuộc chiến, lon lá lên toàn ở mặt trận, kinh nghiệm dày như khi mới rút con “thứ ba” đã chịu quay vì biết nó có đôi xì “kít” trong khi mình có đôi đầm mặt. Quan Năm Đỉnh không thua người một chút nào dù với khuôn mặt quá trẻ. Các em mê ở chỗ này nhưng cũng là “nhược điểm” đau khổ nhất của người. Chỉ có trời và vợ biết. Đỉnh xua liền thằng Vinh lên đồi…

– Để em xin trong An Lộc bắn ra mấy trái trên đó lên cho chắc ăn.

Vinh vào thẳng tần số An Lộc xin tác xạ yểm trợ. Trong nầy pháo tiêu hết còn độc mỗi khẩu 105 “nhỏ” cho Vinh ba quả đạn – Đúng ba quả. Thôi đành vậy. Vinh nhào lên đồi. Chỉ có toán Cộng quân làm tiền đồn, đánh không khó. Vinh thanh toán mục tiêu trong vòng 40 phút. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn lên theo. Đỉnh đặt tên cho đồi : cao độ “E”. E là Echo, chữ thứ 6 của 24 chữ cái, Đỉnh bị ám ảnh bởi con số của đơn vị mình. (Sau khi Tiểu đoàn trở lại An Lộc lần thứ hai với chiến đoàn đặc nhiệm 6, Đỉnh cũng linh cảm sự linh thiêng của con số – Sổ 6 là số 9 đang thành hình – Số đẹp nhất). Đại đội 61 xuống tiếp chiến ngay cao độ Đông Bắc “E”, nhận danh hiệu E2. Hai Đại đội vừa chiếm xong cao độ để giữ an ninh cho bãi đáp thì Cộng quân cũng phát hiện được cuộc trực thăng vận. Pháo từ phía Bắc và 75 ly không giật từ Tân Lợi (cơ sở sản xuất cao su lớn của Pháp, 3 cây số đông bắc An Lộc) bắn thẳng vào E và E2… Mặc, phải giữ E để làm an ninh cho bãi đáp, không phải riêng cho đơn vị nhưng để Lữ đoàn và quân bạn vào ngày mai. Lính đào hố dưới mảnh đạn văng tung tóe, chiếc ba lô làm vật tránh đạn tạm thời che vào độ cái đầu thụ động dưới mỗi loạt pháo. Đỉnh, cố vấn Morgan, Nghiêm (ban 3) tất cả đều bị thương ;

– Đừng để lính biết, bảo lính đào hầm nhanh lên, chiều rồi, xong mầy ở luôn lại đây. – Đỉnh bảo Vinh, tay đè lên miếng băng cứu thương, máu thấm đẫm lớp băng dày.

Phương Tây đỏ lửa : An Lộc

Tiểu đoàn xuống đủ, E hay “Đồi Gió” biệt danh được đặt cấp tốc, giờ đây là gió lửa, gió nhân tạo đầy mảnh thép, ầm vang tiếng nổ.

– Gắng ở lại đây nghe em, tao xuống dưới kia. Có cáỉ ấp dễ tải thương kín đáo hơn. Mầy thâm niên nên coi thằng 1 (Đại đội 1) ở bên E2 luôn.

– Tôi nghe Trung tá.

Vinh ở E, hay Đồi Gió, cao độ 175 thước nhìn chếch về An Lộc ở Phương Tây, 4 cây số đường chim bay. Vinh thấy khói đen bốc lên nhiều nơi, thành phố đang bị pháo kích… Từ khi minh xuống tới giờ chẳng thấy nó nghỉ pháo một chút nào cả… Chịu làm sao như thế được ? Vinh quên mất niềm hãnh diện : Người đầu tiên trực diện với An Lộc, thành phố sau nửa tháng nghẹt thở, nằm cứng trên giàn hỏa càng ngày càng tăng độ nóng. Có tiếng người kêu ở Tây nam phía đồi 169, một toán lính mặc áo ngụy trang đứng trên đỉnh ngoắt tay liên hồi… Lính Biệt Động Quân, họ bị vây từ hơn mười ngày – Mười ngày không tiếp tế và nước uống. Vinh nghe được giọng nói nghẹt khô của viên Đại đội trưởng Đại đội này..

– Nón đỏ, nón nâu đây, đói, khát quá…

– Nghe rõ, bạn gắng đợi ngày mai, bây giờ quá chiều tôi qua bạn không được.

Vinh nghe được một tiếng thở dài thật mệt qua không gian truyền ngữ như vậy không hiểu mình sau này có khá hơn được không ?

Ngày 15-4 BCH/Lữ đoàn, Tiểu đoàn 5 và 8 cũng xuống bãi đáp cũ bình yên. «Lê Lợi» leo lên đỉnh Đồi Gió họp 2 Tiểu đoàn trưởng 5 và 8:

– Mình đi liền, anh Ninh (TĐ8) đưa thằng con vào An Lộc, nhưng khoan vào hẳn, anh tới ngang chỗ con suối thì ngưng đợi tôi. Tôi và Hiếu (TĐ5) vào ấp Sóc Gòn, mình dọn đường vào cho thật sạch, có gì còn bung ra lại để đường đơn vị khác sau này vào cho dễ dàng. Đồi Gió – An Lộc, 4 cây số trên những cao độ thoai thoải, qua khu rừng cao su Phú Hòa, nếu muốn đi chỉ mất khoảng 2 [?] giờ (? : chữ mờ, người đánh máy đoán không được bao nhiêu giờ) , đi với lục soát cẩn thận – Cẩn thận, «Lê Lợi» vượt xa đức tính quí giá này hơn nữa – Ông thấy rõ cái “chật” của chiến trường , trước khi vào cái bẫy bắt buộc, không quên mở rộng tối đa không gian cho đơn vị – Muốn đánh nhau phải có một chiến trường – An Lộc không phải là vị trí tốt để tác chiến, cái túi thụ động ngột ngạt, ông muốn có trời xanh và khoảng trống để các “đứa con” sẽ tung hoành hết kích thước của lính Nhẩy Đù. An Lộc là cái bẫy – Đại Tá Lưỡng ngần ngại khi bước chân vào thành phố này – Nhiệm vụ chiến thuật của một Lữ đoàn đến đây bị chặt hết khả năng vùng vẫy… Nhưng nhà binh và nhiệm vụ là những điều bẳt buộc, ông chỉ là một sĩ quan trung cấp. Chức vụ Đại tá một Lữ đoàn có là bao so với cuộc chiến.

Chiến trường quá “khổ”

Từ Đồi Gió, Lữ đoàn chia làm hai cánh quân chính do «Lê Lợi» chỉ huy “xấn” 2 đứa con 5, 8 vào với An Lộc. Cánh thứ hai gồm Ngọc Long (Lữ đoàn phó), Tiểu đoàn 6, một pháo đội TĐ 3PB… ở lại Đồi Gió. Toán quân này sẽ có vinh quang và tàn khốc riêng. Tiểu đoàn 6 Dù chỉ trong thời gian “chưa tàn điếu thuốc” của cuộc chiến dằng dặc sẽ đi từ cực điểm này đến cực điểm khác. Những điểm thấp và cao nhất của chiến sử đơn vị. Tiểu đoàn 6 hậu thân Đơn vị Nhảy Dù lừng danh nhất của Quân Đoàn viễn chinh Pháp và cũng như định mệnh đặt để : Nó sẽ đến chót đỉnh Vinh Quang như “số 9” tiềm ẩn trong nó hoặc đi sâu xuống hẳn vào kinh hoàng khốc liệt mà không thể có đơn vị bộ chiến nào vượt nổi. Chuyện Tiểu đoàn số 6 sẽ được nói sau. Chúng ta đi theo cánh quân của «Lê Lợi». An Lộc một đoạn trường đang chờ đợi với tột đỉnh khắc nghiệt. Điểm dứt hơi chiến tranh Việt Nam.

Ngày 16-4 Tiểu đoàn 5 chia làm hai cánh quân băng qua rừng cao su tấn công vào ấp Sóc Gòn, toán quân đang tiến vào ngon trớn bỗng dừng lại: dân ùa ra, dân tràn ra như giòng nước vượt qua bờ đất nhỏ.

– Để cho dân ra hết, mình chia hai cánh quân gắng vào càng sát rồi nổ súng, sẽ còn nhiều đụng độ ở đây.. – Tiểu đoàn trưởng Hiếu dặn dò các Đại đội trưởng trước khi xung trận ở lằn mức chót. Bìa làng chỉ cách 100 thước.

Một lần, hai lần, không vào được – Rút quân ra, phải đánh bom mới được, tụi nó tổ chức phòng thủ cả nửa tháng. Súng tay mình không phá vỡ nổi. 20 phi tuần khu trục Việt Nam, chiến đấu cơ của Mỹ cũng phụ lực tham chiến, bom đánh suốt ngày. Buổi chiều, Tiểu đoàn “dứt” mục tiêu. Ấp hình lục giác bây giờ biến thành thập, thập nhị giác hay không còn một hình khối nào nữa… 300 thước vuông nhận hơn 30 “pass” bom vừa tây và ta đã biến thành một đống vỡ vụn, cây trốc gốc; nhà bốc cháy… Nhưng so với An Lộc bên cạnh, ấp Sóc Gòn chỉ là lò than nhà.

Ngày 17-4, Tiểu đoàn 8 qua suối Quảng Lợi, vượt đường xe lửa, trời chưa sáng, 4 giờ, ánh sáng tím của đêm bước qua ngày nhập nhoè trên tàng cây. Lữ đoàn cùng Tiểu đoàn 5 cũng rời bỏ ấp Sóc Gòn tiến song song với 8 dọc theo đường 303 vào An Lộc.

8 Dù vào thẳng không trở ngại, đến ngay vòng đai An Lộc lúc 7 giờ sáng.

– Nhảy Dù ! Nhảy Dù! – Người lính Địa phương quân gác ở vọng cạnh cực Đông nhảy vọt lên khỏi hố, anh ta báo hiệu cho những người bạn bên cạnh… Pháo địch rơi xuống 2 trái, một ở chi khu, một ở B15, người lính liền xuống hầm. Trước mắt lính Tiểu đoàn 8, An Lộc không còn sự sống.

Cánh quân Tiểu đoàn 5 khựng lại ở đường rầy không thể dùng phi pháo, muốn dùng cũng không có… Tiểu đoàn ngừng lại đưa một đại đội lên đánh, phải đánh theo lối đặc công, địch ở hầm quá sâu.

13 giờ, Đại Tá Lưỡng bước chân hẳn vào vòng đai An Lộc.

– Không còn gì hết Quyền hả ?

– Vâng, kinh thật, tôi không thể tưởng tượng nổi.

Hai người trao nhau câu nói ngắn, lính phải phân tán thành từng toán nhỏ di chuyển từ hầm này sang hầm khác. Chỉ là một cách để gây tự tin và khỏi thiệt hại vô ích. Địch có tiền sát viên ở các cao độ phía Bắc điều chỉnh vào toán quân từng trái đạn chính xác như để bi vào lỗ… Thêm một số bị thương, chẳng thấy được mặt Cộng Sản như thế nào !

Đại-tá Lưỡng mượn chiếc xe Jeep của Liên đoàn 3 Biệt Động Quân do Quyền lái chạy như bay trên mặt đường lởm chởm hố và vương vãi xác người… Tướng Hưng còn hai hộp bia và một chai bia lớn, mở ra lập tức.

– Mời anh Lưỡng… tốt quá, có được anh, tôi vững tâm.

Đại tá Lưỡng uống hớp bia cuối cùng của Tướng Hưng. Ông Tướng mới nhất của quân lực cố nở nụ cười tươi trên khuôn mặt tan nát vì lo âu “có anh, tôi mừng lắm”.

– Chào Chuẩn Tướng, tôi về để lo điều động mấy đứa con, tôi sẽ “clear” và giữ hướng Nam.

– Đúng vậy, anh gắng cẩn thận…

Trên xe đi đến BCH Tiểu khu nơi Đại-tá Nhật (Tỉnh trưởng Bình long) «Lê Lợi» hỏi Quyền:

– Mầy biết tao vào An Lộc bằng cách nào không ?

Quyền không hiểu ý câu nói, anh đưa mắt hỏi thầm.

– Tao vào bằng lưng, chân bị vọp bẻ quá, tao phải xoay lưng đi ngược vào An Lộc… Cái mặt mà sưng bằng cái lưng là điềm không khá, khó lắm đó mầy.

Quả thật rất khó hơn mọi khó khăn mà Lữ đoàn đã gánh chịu từng bao nhiêu năm. Mậu Thân thành phố Huế bỏ ngõ . Cộng quân vây chặt trùng trùng, điểm kháng cự chót là Mang Cá với Tướng Trưởng lặng cứng âu lo… Đại tá Lưỡng đã một lần vào thành phố cuối đáy tuyệt vọng như thế, nhưng dù với Tiểu đoàn 7 Dù đã bị phục kích nát ngay tại cửa An Hòa, ông vẫn còn Tiểu đoàn 2 và 9 để nới rộng vòng đai chiến đấu của Sư đoàn 1 ra đến Tây Lộc cửa chánh Tây, cửa Thượng Tứ. Mậu Thân cũng không phi pháo chỉ với những đứa con bị thiệt hại trầm trọng ông vẫn vùng vẫy, vẫn bung vẫn xấn tới vào mục tiêu. Và Hạ Lào ngày ngày bay trên lưới đạn, không phải chỉ một tấm lưới nhưng hằng hằng lớp lớp đạn phòng không đan chặt trời cùng đạn pháo binh với đầu nổ cao gây những đóa hoa chết đầy không gian… Đại tá Lưỡng đã qua những chiến trường nặng độ như thế nhưng vẫn trở tay được, vẫn tìm được một đường chiến đấu. An Lộc điểm dứt hơi chật chội, lính Nhảy Dù đang nằm dưới một vòm lưới khổng lồ. Ném thằng 8 qua phía Tây thành phố xong băng xuống chính Nam…

– Anh cho tối thiểu cũng phải 3 đại đội ra khỏi hàng rào mới làm ăn được, giữ trong nầy thì bó tay mình, vô ích.

Trung Tá Văn bá Ninh gật đầu nhận lệnh, ông cũng đồng quan niệm. An Lộc quá chật và thụ động.

Tuyến “Hoả Tiễn” và Tăng

Tiểu đoàn 8 trừ gồm 3 đại đội do Tiểu đoàn Phó Tuyển sau khi đến hàng rào cực Tây, trở hướng tiến về phía Nam ra khỏi hàng rào An Lộc. Trước mắt đoàn quân, con đường 13 vắng lặng như khối vật chết, rừng cao su xanh thẫm, lớp đất đỏ nâu sậm – cảnh vật hấp hối lặng lờ nặng chĩu – Tai ương đè lên mỗi phân đất mà người lính bắt buộc phải dẫm lên – Di chuyển trên một bãi mìn cũng căng cứng bằng thế này mà thôi… Lực lượng nầy cũng đang di chuyển qua một bãi mìn di động: mìn không gian, mìn được phóng từ nơi xa, nổ chụp lên đầu… Một ngàn hai trăm thước ba đại đội Tiểu đoàn 8 đi mất buổi chiều… Không phải đi nhưng di chuyển theo một chiến thuật quái dị, di chuyển từ một gốc cây, di chuyển theo lối cóc nhảy, lối loài bò sát của côn trùng sâu bọ ; 1200 thước An Lộc – Ngã ba Xa Cam, 3 đại đội đi trên một giây tử thần đã bị cắt đứt ruột… Đóng quân, tung quân lục soát và đụng… Mỗi lần đụng là một lần thiệt bại, Tiểu đoàn 8 tưởng như không có một đời sống nào khác hơn là sự chết đang bao trùm. Mỗi cuộc tấn công địch dùng 2 trung đoàn, 2 trung đoàn bộ được yểm trợ tối đa pháo binh – Pháo binh với 105, 155, 130 bắn tối thiểu cũng từ 6 vị trí trở nên lên ụp xuống… làm sao để phản pháo và lấy gì để phản pháo – khẩu cuối cùng của An Lộc đã bị phá hỏng, chỉ còn ổ súng cối Nhảy Dù nhưng súng cối chỉ là để phòng thủ, tự vệ đâu phải là pháo binh để dọn đường cho cuộc phản công.

Từ vị trí đóng quân, ngày 21/4 Tuyển gom ba đại đội cố mở vòng đai phòng thủ. Đại đội 83 Vân đi bên trái, 2 Đại đội 81 và 84 bên phải, lấy con lộ làm chuẩn. Mục tiêu là ngã ba Xa Cam cách nơi đóng quân 500 thước. Đụng liền, trái, phải, trên, dưới đều kẹt cứng. Hình như Cộng quân, không dùng súng cá nhân, tối thiểu là cũng Trung liên rồi đệm vào bởi B40, B41 và 75 bắn thẳng.

– Bắc Bình lên ngay dùm tôi, bên phải tôi trống quá. – Vân gọi máy nói với Tuyển như van xin.

– Tôi biết, bên này cũng bị kẹt, bây giờ chỉ bắn che cho anh thôi…

– Vâng, Bắc Bình cứ bắn như thế …

Đó là những lời nói cuối của Vân, Trung úy, thành phần “chóc” của TĐ8. Vân bị một trái 75 chém đứt cánh tay, máu chảy từng đường lớn, sức lực nào để chống nổi với cái chết đang ào xuốg, máu chảy đến giọt cuối và Vân đi khuất.

Tiến không được thì rút về cố thủ. Tuyển biến thành một hỏa tiễn liên lục địa, anh hét vang vang. Anh nổ bùng, bốc lửa “…c…đ.m kẹt thì tung ra, đánh bỏ mẹ tụi nó hết, bắn đợi thật gần mới bắn, 20 thước mới được bắn…”

Không đánh địch ở xa, Tuyển đánh ngay vị trí, đánh tăng, thứ tăng liều lĩnh ngu ngốc tưởng chỉ với khối thép bề thế áp đảo được lính Nhảy Dù. Vị trí phòng thủ không đầy 200 thước chu vi của Tuyển biến thành một cái đinh thu hút địch, chúng bao quanh Tuyển như đàn kiến đói giành nhau hạt đường.

Đêm 22 rạng 23 tháng 5, Cộng quân dùng hai công trường 7 và 9 “phối thuộc” Đại Đội 5 Tiểu đoàn 107 Trung đoàn 203 chiến xa từ xã Thanh Bình (hay đồn điền Xa Cam) kéo ra quốc lộ chia làm 2 nhánh. Nhánh thứ nhất quẹo tay phải theo đường về phương Nam đánh Trung đoàn 15 Bộ Binh. Thành phần thứ 2 gồm trung đoàn 272 (nổ lực chính) thuộc công trường 7 có 2 T54, 2 BTB PK 50 dẫn đầu quẹo phía Bắc. Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn sẵn sàng, hơn ai hết. Lính Nhảy Dù biết rõ thiết giáp Cộng quân chỉ là đồ chơi, lính Thiết Kỵ của chúng chưa có đựợc kinh nghiệm và khả năng để điều khiển chiếc xe, nói rõ hơn chúng chỉ biết lái đến một vị trí đã được chỉ định.. Và bộ binh tùng thiết (theo xe bọc sắt) thì quá khờ khạo không biết phối hợp và điều động theo chiến trường.

Ba người lính của đại đội 81 cùng đứng dậy một loạt khi chiếc T54 ùn đi tới, bóng đen khối sắt lấp lánh dưới trăng non.

– Tao bắn trước!

– Không được, ba đứa cùng bắn, tao hô 1,2,3 rồi mình “phơ”.

– Bắn!

2M72 biến cải, 2XM 202 cùng phun ra một lượt. Mỗi quả M202 cháy nóng 36000 độ F, 4 quả là bao nhiêu ?… Chiếc T54 nằm im bốc cháy không một bóng người nhảy ra. Trò chơi máu được dành giựt mê mải, lính ta đánh giặc như đùa, như giỡn với bọn trẻ con cuồng dại.

Chiếc T54 thứ 2 tốt số hơn né được trái M72 đầu tiên đâm vào bờ rừng nằm cứng. Hai người lính nhảy ra… Để tôi ném lựu đạn, đừng bắn để ném lựu đạn…

Năm “con cua” bị rang muối trong 11 phút đầu tiên, cách phòng tuyến Tiểu đoàn 8 dài nhất là 50 thước và ngắn nhất là không có thước nào ! Vì thiếu PK 50 cuối cùng thay vì tấn công Tiểu đoàn 8 ở phía Tây con đường lại tấn công về phía đông nơi Trung đoàn 48 BB, bị đơn vị này bắt, chiếc PK 50 lùi dần lùi qua đường và vào hẳn vòng đai phòng thủ của TĐ8. Lính ta quá ngạc nhiên với hiện tượng một cái xe cứ đưa đít chạy ngược. Nên khi nó vào trong vòng Tiểu đoàn, không ai có thể bắn được (sợ đụng đồng bạn). Chiếc xe lùi thêm nữa, đi lên nấp hầm đại đội trưởng 81, hai sợi giây xích hỏng khỏi mặt đất quay tít, thân xe ngúc ngắc cựa quậy và máy tắt… Lính ta nhào tới, máy lại nổ. Trò đùa chấm dứt khi anh Hạ sĩ Chút leo lên thẩy một trái lựu đạn. Hai mươi xác chết cháy đen được mang ra.

Tiểu đoàn 8 không những “diệt gọn” những tăng đánh phần đất mình, Tuyển liên lạc với C130 Spector (Phi cơ 130 có gắn súng 105, bắn và nhận diện mục tiêu bằng Radar) hạ luôn 5 chiếc chạy hướng Nam trước khi tấn công Trung đoàn 15. Quá hăng hái và thích thú, Tuyển “vung tay quá trán” không những quá trán mà còn quá cả đầu, vết thương cũ đứt tung chỉ, máu thấm ướt qua hai lớp áo mới hay.

Mong ngày đi qua mau

Nhưng những “ngày vui” đó quá ít và qua quá mau, những ngày dài còn lại chỉ có việc nằm co chịu pháo. – Đ.m. Nó lấy đạn đâu mà pháo lắm thế – nằm yên dưới hầm lâu lâu Tuyển lại lẩm bẩm khi có những viên đạn nổ quá gần; lẩm bẩm như khi ngồi chầu rìa thấy người ta tố mà mình đã biết rõ tẩy. Tuyển cũng biết rõ tẩy của đối phương thứ tẩy sất hạng bét như lỡ tiền nó mạnh quá.. Đ.m.. đạn đâu lắm thế nhỉ, Tuyển hỏi câu hỏi đó hàng ngàn lần trong hai tháng hay 72 ngày…

Nhưng An Lộc địa ngục không phải chỉ ở vòng ngoài nơi Tiểu đoàn 8 Dù ở ngã ba và Xa Cam, An Lộc đúng nghĩa, đúng là ở An Lộc Thị Xã từ phía Bắc Tòa Hành Chánh cho đến B15 ám danh “Khánh Ly”. Từ nơi CTCT đến, Bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 hay cũng là Bộ chỉ huy Tiểu Khu.. Không ngừng nghỉ không ngắt khoảng, pháo không phải vài trái không phải vài loạt, pháo TOT (Tác xạ tập trung bắn từ nhiều vị trí), pháo ngày đêm, trưa, chiều, hỏa tiễn súng cối điểm giọt đổi món và SA7 cầm tay là trò chơi trên không khí dưới đất không còn mục tiêu để đùa. Một tiếng động trực thăng ở trên cao, có thể chỉ là một trực thăng chỉ huy đã ầm! ầm! Bãi đáp cạnh Tòa Hành Chánh,“Khánh Ly”, bãi pháo ngoài ngã ba cùng nổ tung vật vã… Máy bay thả dù phải bay mãi trên cao, trên các cụm mây, phải nối các tầng mây dày đặc mới hy vọng tránh khỏi phòng không và hỏa tiễn tầm nhiệt – Thứ hỏa tiễn nhỏ nhưng độc địa kinh tởm. Thả mười cái dù thì hết 8 cái rơi bên ngoài, sân vận động dài chỉ 100 thước, tàu bay ở cao độ trên 8000 bộ, dù nào có thể rơi xuống được trong bãi thả bằng lỗ mũi… lại phải biến chế thêm điều khiển, dù lái.. Tiếp tế đồ ăn cũng là một điều nguy nan.

Chịu pháo và thiếu thức ăn lâu lâu lại có ngày đặc biệt như đêm 11 rạng 12 tháng 5. Ba mũi dùi mỗi mũi dùi là một Trung đoàn đủ 3 Tiểu đoàn bộ phối hợp với một đại đội chiến xa đánh theo ba hướng Đông Bắc, Tây Nam… Mỗi mũi dùi có một nhiệm vụ riêng nhưng mục tiêu chính của dân cường tập là “Bắt Chuẩn tướng Hưng đem về Snoul bằng xe 2 CV và san An Lộc thành bình địa”. Mục tiêu đầu thì không đạt được nhưng phần sao thì Cộng quân đã đạt đến toàn phần. Bình địa thì không thể nói được vì cũng còn vài bức tường đứng được trên quả đất nhưng có thể nói rằng : Không một vật thể nào còn nguyên hình thù đứng được trên mặt đất. Chiếc xe Jeep, bánh xe bò, cột giây điện, ngay cả một ống đạn đựng nước, cái nón sắt bỏ rơi… Tất cả đều có dấu vết của cuộc đại pháo kích. Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng, hơn 8000 quả đạn rơi đầy trên 400 thước vuông, trung bình mỗi thước vuông nhận 20 trái đạn cực mạnh – loại “delay” loại đạn không cần rơi trúng hầm, chỉ cần rơi bên cạnh xong xoáy một độ sâu và nổ bùng… Vách hầm nào chiu đựng nổi loại đạn trên – Trong thị xã chỉ có được 2 cái hầm béton: một của Tướng Hưng, một của Đại-tá Lưỡng và Nhật. Danh tướng Mac Arthur đã dọa Bắc Cao “Nếu tràn qua sông áp lực tôi sẽ cho mỗi khẩu 105 ly giữ 1cs vuông.” Danh tướng lừng danh quân sử Mỹ cũng không tiên đoán được trong tương lai ở một chiến trường tầm thường nơi hóc hẻm của một quốc gia nghèo hèn có được một trận địa pháo với 8000 quả đạn trong 2 giờ trên 400 thước vuông.

Chỉ có ở An Lộc, Tiểu đoàn 5 Dù, Tiểu đoàn ngoại hạng của binh chủng đơn vị khai sinh ra Tướng Ân, Tướng Trưởng, Tướng Nam, Tướng Thi mới bị tổn thất nặng. 4 đại đội trưởng tác chiến, một Tiểu đoàn phó bị thương mà không đụng được một trận ra hồn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn chí Hiếu chỉ việc nằm im dưới 3 thước hầm để đợi ngày qua và pháo dứt. Chỉ ở An Lộc mới có những bộ tham mưu làm việc 24/24 với một “tenu” độc nhất : áo thun, quần xà lõn hay sang trọng hơn : 1 quần nhà binh cắt cụt ống…

Đại tá, Trung tá Nhảy Dù ngồi mơ ước những hạnh phúc “lớn”:

– Moa chỉ cần một cái đùi gà, một đùi gà luộc, nhỏ chừng nầy cũng được. (Ngọc Long đưa 3 ngón tay) xong bỏ ít lá rau răm, chút tiêu, muối và ớt thiệt cay…. rồi bóc! bóc ! hai hộp bia thiệt lạnh. Xong rồi, cọc! cọc ! Moa… ăn !

Trung Tá Nhảy Dù, cựu tùy viên quân sự – người đã đi hết nửa vòng thế giới, đã uống champagne ở Table Mandarin – trong bóng tối của hầm chỉ huy ở An Lộc chỉ mơ ước được một miếng thịt gà bằng 3 ngón tay.

Và cũng chỉ ở An Lộc mới có một thương binh gẫy chân đến ngày thứ 31, thịt chỗ bị thương đã nặng mùi, khi trực thăng mới chạm được càng trên lớp đường nhựa anh ta đã “chạy” vọt lên – Chạy bằng hai chân nhanh như một gã lực sĩ điền kinh.

Trên tàu bay chiếc Slick chở con số làm chóng mặt nhân viên An Phi : 18 người. Gã thương binh nước mắt ràn rụa “sửa” lại vị trí của bàn chân – Bàn chân quập vào phía trong khi ống chân chĩa thẳng ra ngoài!!! Máy bay không có xác chết nhưng nặng mùi tử khí.

An Lộc ngột ngạt, chật chội, thụ động; An Lộc là “Túi” mà kẻ vào trong đó chỉ có việc nằm co mình hứng pháo và mất hết khả năng tung hoành vùng vẫy. Không phải đợi đến ngày thứ 72, «Lê Lợi» mới biết được điều ấy, ông biết từ Ngày N+10 của chiến trường lúc ông cùng Quyền lượn trên các cao độ của Đồi Gió để tìm bãi đáp cho cuộc trực thăng vận ngày 14/7 và ông đã thấy đúng kích thước của nó – Cao độ 75, điểm tựa để An Lộc có thể thở, điểm thoát hơi tối cần thiết. Tiểu đoàn 6 Dù cùng Bộ chỉ huy nặng sẽ ở lại đồi nầy với pháo binh – ý định chiến thuật của ông chính xác và tinh vi đã không thực hiện được… Trở lại Đồi Gió, điểm “dứt hơi” hay nút an toàn độc nhất của An Lộc – chính xác hơn của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù…

Đồi Gió, nút thoát hơi của An Lộc

Đồi Gió là gì ? ở đâu ? Bên cạnh một An Lộc quá to lớn bởi sự tàn khốc và bi tráng, Đồi Gió quả nhỏ bé và tội nghiệp như dãy cao độ không tên mà Tiểu đoàn 6 Dù đã xuống trong ngày 14/7. Nhưng thật ra đây là điểm chiến thuật đầy tính chất sáng tạo mà chỉ có thể một cấp chỉ huy như Đại tá Lưỡng mới cảm thấy được toàn bộ quan trọng của một vị trí vô danh trong chiến địa trùng trùng… Nếu những xã Tàu Ô, Tân Khai, Xa Trạch, Xa Cam là những nút chận dọc đường 13 mà Cộng quân cố bám chặt theo tiêu chuẩn “chốt cứng chân đứng, diệt gọn, cơ động nhanh. Vây ép bám chặt, đánh chậm, đánh chắc…” Lữ đoàn 1 Dù cũng đã thử lửa vượt qua những chốt cứng này rồi. Không thể được, quân số Lữ đoàn không thể mở rộng tối đa được 1 cây số mỗi bên, và cuộc trực thăng vận là một điều bắt buộc… Nhưng Đồi Gió không chỉ là một bãi đáp, Đại tá Lưỡng thấy nó còn là một điểm tựa, điểm tựa thật nhỏ nhưng vô cùng cần thiết. Giữ được nó, An Lộc có được một sườn phía Đông an toàn, từ đó có thể làm bàn đạp tiến dễ dàng lên hướng Bắc hay rẽ xuống hướng Nam. Dãy cao độ chạy theo hướng Đông Bắc Tây Nam với 3 cao điểm 160, 185 và 140 đã được nhận định đúng kích thước… Tiểu đoàn 6 ND cùng một pháo đội 105 của TĐ3PB Dù có nhiệm vụ giữ điểm tựa… Trong chiến sử có những đơn vị bất ngờ được chọn lựa thi hành những nhiệm vụ quá khổ ; bất ngờ không phải là ép buộc, nhưng tình thế đưa đẩy đơn vị đó hoặc những biến cố ngặt nghèo… Và nó đứng vững trong toàn thể kinh ngạc. Tiểu đoàn 6 Dù, một trong những đơn vị đó – như tiền thân của nó trước kia 6ème BEP đã đương đầu với Sư đoàn nặng 320 Bắc Việt trong một cuộc chạy đua trên trăm cây số núi rừng Việt Bắc.

Kể từ khi Đại đội 62 bước lên Đồi Gió, 18g30 ngày 14/7, có thể nói rằng Tiểu đoàn 6 đã nhận được một số mệnh khắc nghiệt của các lực lượng bộ chiến ở An Lộc. Khi Bộ Chỉ huy mặt trận Bình Long khám phá ra được cuộc trực thăng vận thì tất cả hỏa lực của vùng Bắc và Tây Bắc An Lộc đều hướng về Đồi Gió, ba cao độ rõ ràng như ba điểm chuẩn địa hình, pháo binh địch rơi không chệch một quả xuống chân đồi… Bị thương nhẹ là một điều hạnh phúc. Mong được sống và an toàn là một chuyện quá vô lý… Tao bị thương chỉ mấy mảnh như thế này là khá rồi! Trung Tá Đỉnh, Tiểu đoàn Trưởng ngày giờ đầu tiên đã nhận hai mảnh 75 không giật bắn từ hướng Bắc xuống.

Ngày 15 khi Lữ đoàn cùng 2 Tiểu đoàn 5,8 bắt đầu rời đồi vào An Lộc, Đỉnh ở lại cùng Bộ Chỉ huy nặng của Lữ đoàn gồm Lữ đoàn Phó, Đại đội Trinh Sát 3 Dù và pháo đội 105… Bắt đầu giờ định mệnh của Tiểu đoàn 6, khi bức công điện của mặt trận Bình Long gởi về Bộ Chỉ huy Trung ương cục “01 D Dù Ngụy (Tiểu đoàn Dù) chiếm Đồi Gió, gây khó khăn trong việc chiếm Bình Long phải “diệt gọn” D ngụy với tất cả phương tiện… Chuyển xong chữ chót”.

Đạp đổ định mệnh

Đỉnh cũng không hoàn toàn thụ động dưới cơn mưa đại pháo địch. “Nó phân tán pháo để tập trung hỏa lực để bắn mình. Tại sao mình không phân tán các đứa con cơ hữu để tránh pháo ngoài ra còn phòng thủ lưu động được toàn miền?” Đồi E, Đồi Gió hay cao độ 175 cũng chỉ là một cao độ : Một điểm địa hình quá dễ dàng để “chỉ định mục tiêu” cho pháo binh địch thực hiện liền ý định. Đỉnh cho Đại đội 63 do Hoàng chỉ huy xuống núi đến trấn giữ ngã ba đường 245 Bắc của ấp Srok Ton Cui 64 do Tuấn – Cao Hoàng Tuấn khóa 22 Đà lạt – giữa ấp Srok. Như vậy một sườn phía Đông của đồi còn được bảo vệ thêm một hàng rào … Đồi hy vọng đứng vững ? Đỉnh tự hỏi khi còn một mình dưới hầm trên “E”. Nhưng hy vọng không thể tồn tại lâu hơn được, bản mật văn của Bộ Chỉ huy mặt trận đã có quyết định, Tiểu đoàn 6 Dù thực sự bắt tay với tàn khốc khi toán Tiền sát của Tiểu đoàn Bộ binh BV bắt đầu chạm nặng với 63. Lần mở một dấu ngoặc để nói rõ ý định hành quân của địch : Viên Tư lệnh mặt trận Bình Long (xin hiểu từ đây danh xưng này là của Bắc quân) tưởng rằng BCH/Tiểu đoàn 6 vẫn còn ở ấp Srok, sự suy đoán đây rất hợp lý, vì ấp đã là bãi đáp của ngày 14/7 hai cánh quân 5,8 đã vào An Lộc, thành phần chịu pháo trên Đồi Gió chỉ là pháo binh và lực lượng bảo vệ – Bắc quân rất dễ quan sát các hoạt động của ta vì chúng ở các cao độ Bắc và Tây Bắc An Lộc…

13 giờ ngày 17, súng bắt đầu nổ ở Đại đội 63… Trận đánh tăng cường độ khi trời vào chiều và Bắc quân từ phía Bắc con đường ùn ùn tiếp viện. 63 đánh chậm nhưng chắc… Trời sắp tối, Đỉnh cho 64 lên “giải tỏa” 63. Tuấn dẫn Đại đội đi không chậm một giây, suốt buổi chiều theo dõi trận đánh, Tuấn đã hiểu được việc mình sẽ làm. Ấp Srok – ĐĐ 63 chỉ 600 thước nhưng Tuấn cũng phải mất 5 giờ ! Công đồn để đả viện là chuyện thường tình, nên 600 thước ngắn đó vượt qua được trong bóng đêm là một nỗ lực quá lớn, chỉ những người dũng cảm mới làm được … 10 giờ đêm Tuấn bắt tay được với 63 ; hai Đại đội quây lấy nhau thành vòng tròn.

– Một mình tao nó đánh chưa được, bây giờ có thêm mầy sức mấy tụi mình thua…– Hoàng nói với Tuấn.

– Bắt tay được với mầy là tao quá giỏi….Tụi nó nằm chật đường như dân đi biểu tỉnh, nó không che dấu ý định phục kích.. Tao đoán mầy với tao đang bị với 2 Tiểu đoàn…

– Nó đánh xa luân chiến, nhiều đơn vị thay thế nhau “nhồi” mình… Mới ba ngày vào đây đã thấy khó.

Đỉnh ngồi ở E thở được hơi dài sau 9 giờ ngồi trực máy, khi nghe được hai Đại đội bắt tay được nhau..

Khổ hai thằng nhỏ đêm nay sức mấy ngủ được. Sẵn có một phi tuần Daisy cutter (ngắt hoa cúc) thứ ngắt hoa bằng vũ khí tinh độc CBU… Đỉnh hướng dẫn đánh ào xuống phía Bắc ĐĐ 63. Tiếng bom reo trong đêm nghe kinh dị nhưng cả Hoàng và Tuấn đều đồng thanh báo cáo :

– Đúng rồi! Đúng rồi, xin 12 (Tiểu đoàn trưởng Đỉnh) cứ tiếp tục gần hơn nữa mới bung tụi nó ra được…

Lính của Đại đội 63, 64 suốt đêm không ngủ được, dựng dứng tròng hai mắt để chơi trò chuyền banh cùng Bắc quân qua con đường đá 245 với bề ngang 6 thước. Banh của mỗi lần giao nhau là một trái lựu đạn.

Ngày 18, 63 và 64 được lệnh trở về đồi. Đỉnh bảo Hoàng và Tuấn báo cáo kết quả sơ khởi của đêm chạm súng.

-Trình với 12, không thể đi đếm xác tụi nó được, nó chết dài dài từ dưới ấp lên đây, hầm nào cũng có 2, 3 thằng, toàn là trung liên nồi, có cả hai cây K54, như vậy chắc có 2 thằng Đại đội trưởng hay Tiểu đoàn trưởng chết…

-Ừ, thôi vậy, các toa về đi, moa cho thằng 1 (ĐĐ 61) xuống thế vùng.. Cố giữ được một đêm là giỏi lắm. Quốc Tuấn gắng lên…

Ngày 18, ngày tương đối bình yên; pháo hơi dứt, lính bắt đầu ra khỏi hầm để nhìn về phía An Lộc…

– An Lộc đó hả ?

– Ừ, cháy hoài, cháy cả mấy ngày rồi !!

– Mình ở đầy thế mà “sướng”!!

Tiểu đoàn 6 ở Đồi Gió không “sướng” một chút nào hết vì những giờ ngắn bình yên của ngày 18 qua quá mau. Ngày 19 tưởng cũng là ngày tốt, ngày hên, sắp sửa “được” tải thương và tiếp tế thì pháo địch xuống… Bắc quân phục hận trận đêm 17 và đã biết rõ Bộ Chỉ huy 6 Dù ở lại đồi chứ không phải dưới ấp Srok… Pháo mờ trời !! Đỉnh cố gắng dịch cho cố vấn Peyton cái thành ngữ đặc biệt để nói rõ cường độ của cơn pháo… Peyton trước kia là cố vấn phó của TĐ5 Dù, và Đỉnh cũng là Tiểu đoàn phó ở đây.

– Lúc trước tôi và “Sir” đều Thiếu tá và cùng chung chức vụ phó bây giờ “Sir” là Trung tá, tôi không thể mầy tao như kỳ Tiểu đoàn 5 được. – Peyton đi đường giáo khoa thư dưới mặt đất rung rinh trong khi Đỉnh đang cứ giật bắn ngưòi vì đạn pháo binh ta bị pháo kích chạm nổ.. Tiếng nổ phụ là gì nhỉ ? Tiên sư lúc muốn nói thì nhớ không nổi!! Nhớ làm sao nổi được dưới cơn giông bão đại pháo đến từ nơi xa và “Tiếng nổ phụ” của hơn ngàn đạn 105 chỉ cách 50 thước đang nổ dây chuyền…

– Cái gì nổ quá lớn vậy “Sir”.

– Tiếng nổ phụ… mẹ, quên rồi, giờ nầy cứ “xơ” với “múi” đến khổ. Đạn pháo binh mình đấy Peyton.

– Yes, sir. – Đúng truyền thống Ăng-lê, Peyton điềm nhiên tỉnh táo thưa gởi trước mỗi câu nói…

– Ầm! – một tiếng thật sát vào miệng hầm, Peyton bắn vào vách, đúng hơn bị dán sát vào vách.

– Sir, tôi bị thương.

– Biết rồi, nói mãi…

Đỉnh lục túi lấy băng cứu thương cá nhân mình băng cho Peyton, lòng thầm nói : Tiên sư, mình có số “sát” cố vấn, chẳng thằng nào ở quá một tuần !!

Tiếp tục, tiếp tục, hột lạc E méo mó, nhăn nhúm và vỡ nát dần, 6 khẩu 105 chưa một lần khai hỏa bị bóc nát từng mảnh nhỏ ; đạn nổ, đất rung… Đồi E, Đồi Gió hay cao độ 175 nằm im dưới 1 ngày hay 24 giờ chịu pháo : Chỉ mới là pháo binh, một tiểu đoàn cùng một pháo đội bị trói cứng, mỗi giờ qua độ cứng càng cứng thêm chặt… 32 người bị thương! Đỉnh lẩm bẩm hoài trong miệng “Tiên sư có đánh được gì đâu… Có đánh được gì đâu…” Đánh được, đụng với bộ binh địch là ước vọng “cao đẹp hạnh phúc lớn” của Đỉnh.

Đồi Gió đổi tên

21:00 giờ của ngày 19 được đánh dấu bởi quyết định của «Lê Lợi» : TĐ6 không còn nhiệm vụ giữ pháo nữa, chỉ còn nhiệm vụ giữ cao địa, Tiểu đoàn trưởng toàn quyền quyết định… Pháo còn đâu nữa, để giữ, chưa đầy 48 giờ mất 6 khẩu pháo và ngàn quả đạn, bây giờ ở lại đây làm gì ? Dọt, Đỉnh dẫn 62 xuống đồi hướng về phía Ấp Srok, nơi đang có 61 lập vị trí, để lại đồi 2 ĐĐ 63 và 64 cho tiểu đoàn phó Phạm Kim Bằng trấn giữ.

Vinh “con” ào xuống như núi lở. Cộng quân bung ra, khép lại, Vinh tiếp tục lấn.. Chân Đồi Gió và Ấp Srok lại kẹt thêm cái suối Rô, Vinh cựa quậy khó khăn dưới đám lau sậy, ruộng sũng nước…

– Nó bâu tôi như đỉa, dứt không nổi anh Năm.

Vinh hét với Đỉnh trong máy… Tối quá, chỉ có sờ ngực áo mà đánh lưỡi lê thôi… quên, sờ nón sắt mà nhận bạn. Nhưng dù Cộng quân cố chận bằng mấy lớp hàng rào người, 11 giờ đêm Vinh cũng rờ được cái ấp… nơi Đại đội 61 đang giang tay chờ từ lúc trời chập tối. 400 thước từ chân đồi đến người lính gác của ĐĐ 61, thành phần của Tiểu đoàn 6 đi mất 3 giờ, ba giờ thêm một số thương binh vì lưỡi lê và mảnh lựu đạn của 400 thước cận chiến !

Bây giờ, 0 giờ, giờ của ngày 19 bước qua 20, Cộng quân không phải là chỉ một thành phần, một cánh quân, nhưng là một lũ người, một lớp sóng người chen vai thích cánh, lố nhố đầy chân Đồi Gió, chân đồi phía Tây lẫn chân đồi phía Đông

Cộng quân tràn ngập đường 245 như trẫy hội, Cộng quân bao quanh ấp SrokTon Cui như đám người đói cây quanh vị trí phát chẩn…

Không phải là một cuộc điều quân để chuẩn bị tác chiến nhưng là một chợ người lộn xộn, ồn ào, la hét để tìm đơn vị, chuyển lệnh.

– Ngày hôm nay máy bay Ngụy nhiều quá !
– Đ…m mày, sao mầy không bắn !
– Tao chỉ có AK.
– AK thì AK bắn cho Ngụy sợ…

Trong này Đỉnh thì thầm liên lạc với các Đại đội trưởng 61, 62, và 60 :

– Các toa dặn lính đừng bắn, tụi nó đi đâu cho nó đi, chỉ bắn khi nào nó tấn công vào mình mà thôi.

– Chúng tôi nhận hiểu. – Cả ba Đại đội trưởng đều thở dài. Lấy gì mà bắn nữa !!

Nhưng dù vô trật tự đến đâu, Cộng quân cũng tập hợp lại được hàng ngũ. 3 giờ sáng tiếng kèn thúc quân vang lên lồng lộng… Xong rồi, tụi nó dứt mình.

Tiếng kèn thúc quân xoáy trong đêm, vang dọc theo đường 245. Bỏ mẹ, nó bố quân cả ba cây số đường dài. Đỉnh run tay khi nghe hiệu lệnh từ đầu đến cuối hàng quân.. Đồng thời từ phía Bắc đầu đường 245 có tiếng động cơ máy nổ, ánh đèn pha quét ngang dọc trong bóng đêm. Tăng T54, Bắc quân “dứt điểm” Tiểu đoàn 6 Dù không nương tay…

3giờ đúng, Đồi Gió bị tấn công trước. Tiểu đoàn phó Phạm Kim Bằng, mặt sắt đen sì, con người quá khổ, chậm rãi, điềm tĩnh và hùng tráng như một hiệp sĩ thời cổ đứng ra khỏi hầm, điều khiển 2 Đại đội 63, 64 phản công.

63 của Hoàng, 64 của Tuấn. Hai Đại đội đã thử lửa với Bắc quân từ ngày 17, hai Đại đội trưởng “tới” quá mức, dũng cảm như những thiên thần tung hoành trên đầu lũ quỷ say máu. Tất cả đều ở tuyến chiến đấu, không còn khinh binh, Tổ trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn phó… Chỉ còn một hàng ngang theo giao thông hào, điểm phân biệt người chỉ huy là tay nói máy chuyển lệnh tay ném lựu đạn. Hai Đại đội chỉ trừ những ngưới chết hoặc bị thương mê man, thương binh chỉ tạm băng qua vết thương, đứng hoặc dựng lưng vào thành giao thông hào để chiến đấu.

4 giờ, trong bóng tối ngã mầu tím của ngày sắp đến, 4 chiếc T54 chia từ hai hướng Đông và Đông Bắc bắt đầu lên đồi, lính tùng thiết Bắc quân chạy lố nhố theo sau để tính bề diệt gọn. Trăng thượng tuần gần sáng dọi sáng ánh trăng lạnh xuống sườn đồi vằng vặc, khối sắt đen lóng lánh tiến dần vào cùng động cơ vang ầm ĩ, ngọn đèn vẫn giữ nguyên độ sáng ở vị thế “pha”, luồng sáng dọi thẳng lên đồi hỗn xược, thách thức.. Hai chiếc T54 đầu tiên bò lần lần từng thước đồi dựng đứng.

– Để tao thanh toán nó, chính tao bắn cho chắc. – Tuấn đứng hẳn khỏi giao thông hào, kéo chiếc ống M72 cơ hữu (trên nguyên tắc chỉ khinh binh mới có M72). Rút hết các chốt an toàn.. Tách 1 sợi giây an toàn cuối cùng đã bị đứt, Tuấn đưa chiếc hỏa tiễn lên vai, nheo mắt.. 100 thước, còn xa, 80 thước hơi xa, 50 thước đủ ! Tuấn bị lóa bởi 2 ngọn đèn dọi thẳng mặt… Ầm! quả hỏa tiễn đập thẳng vào giữa hai điểm ánh sáng, hơi chếch cao một chút, trúng ngay pháo tháp… Chiếc thứ 2 tăng tốc độ hú tiếng lớn nhấc một cái lên tuyến phòng thủ. Hạ sĩ I Nhu, Tiểu đội trưởng can trường không kém Đại đội trưởng nhẩy vội lên pháo tháp, quả lựu đạn phát nổ sau khi Nhu vừa kịp nhẩy xuống. Hai chiếc T54 của phía Đông thì do chính Hoàng và một Binh 1 bắn hạ.. Cộng quân dạt lui xuống chân đồi để đại pháo rưới thêm một lớp, lớp thứ 6 kể từ lúc khởi trận đánh .

Ngày tới với ánh sáng cùng cơn mưa pháo thứ 7, đỉnh đồi bây giờ tan hoang, điêu tàn và bốc khói, khói của đạn địch và khói của đạn ta cháy dở… “Hột lạc” dài 300 thước ngang 70 thước, hứng 2000 quả đạn trong một đêm với vị trí dã chiến, ngày dọi ánh nắng rọi rõ cảnh tan nát. Tiểu đoàn phó Bằng bị “tung” một mắt, Tuấn hứng nguyên một quả 75, quả đạn nổ ngay trên thân thể người sĩ quan trẻ tuổi. Tuấn mới 23 tuổi – Số tuổi quá nhỏ đem so với chiến trường nặng độ. Đồi Gió nay được mang tên mới: đồi “Quốc Tuấn” danh hiệu truyền tin của Tuấn. Cao Hoàng Tuấn, nhắc đến tên hiệp sĩ thời đại mới một lần chót.

Băng vội con mắt đẫm máu, Bằng nghiến răng, nhướng cặp mắt còn lại giữ vững đồi cho đến đợt tấn cộng thứ 16. 12 giờ trưa ngày 20, Bằng kiệt lực, xuôi tay bỏ rơi chiếc combiné gọi Hoàng đến :

– Thay moa, đem 2 Đại đội về 169 (Tây Nam đồi Quốc Tuấn với một cái “yên ngựa” chập chùng trên 2 cây số đường rừng rậm). Nhớ đem theo hết thương binh, tụi chết phải chôn lại…

Vĩnh biệt chiến hữu, vĩnh biệt Tuấn, vĩnh biệt Đồi Gió – đồi Quốc Tuấn, địa danh quá lạ và quá nhỏ bên cạnh An Lộc ngút trời. Địa ngục nào cũng có một thứ lửa – Lửa nào cũng nóng và thiêu đốt sinh linh.

Mọi con đường đều dẫn đến An Lộc. «Lê Lợi» không còn đường vùng vẫy, cao độ phía Đông Nam, “điểm tựa” của An Lộc điểm sáng tạo của bộ óc chiến địa hạng nặng trở lại vẻ hoang vắng của núi rừng, khói vẫn bốc cao trên đất đá điêu tàn.

Sống như là chiến đấu

Trở lại ấp Srok Ton Cui, Tiểu đoàn 6 hay đúng nghĩa hơn 3 Đại đội 60, 61, 62 lính pháo binh với 70 thương binh nặng nhẹ. Đỉnh vuốt mặt, những sợi râu tua tủa từ ngày 11 đến bây giờ – 11 giờ đêm của tối 20 – chạm vào tay nhắc nhở đến một điều: mình phải sống và chiến đấu để bảo tồn đơn vị… Nhưng đánh bằng cách nào? và lấy gì để đánh ? Đạn đại liên, M72, lựu đạn hết. XM16 chỉ còn 20 viên của những người ít “đụng” nhất. Kể từ khi cánh quân của Bằng và Lữ đoàn bỏ đồi “Quốc Tuấn” cùng đỉnh 169 thì mặt Tây của Đỉnh lạnh, lạnh cứng, như cái kềm ép chặt gọng… Bắc quân chiếm 2 cao địa, trí một giàn 75 sơn pháo và cứ “một yếu tố” với một mục tiêu : ấp Srok Ton Cui…

– Nghiêm à, không lẽ đời mình tàn ở đây sao? – Đỉnh thì thào với Nghiêm khi thấy “tên” nầy đang nhồi nhồi trái lựu đạn ở tay… Đỉnh để tay lên trái đạn của mình, hơi thép lạnh làm nhói cơn đau trong tim.

11 giờ đêm, trăng lại quá sáng, rừng cây thưa lóng lánh ánh trăng. Đỉnh tìm đủ cách để liên lạc cùng «Lê Lợi»… Sau một hồi lần mò, Đỉnh vào được một tần số – hệ thống tiếp vận của Mỹ ở núi Bà Đen… Lại phải thêm một màn thông dịch đến “mờ người” Đỉnh mới “chớp” được tần số của «Lê Lợi». Hai người cách nhau 5 cây số đường chim bay nói chuyện được qua đài trung gian, cách hơn 100 cây số.

– Sẽ có 3 “line” B52 đánh xuống chỗ anh, cách anh 500 thước thôi, ở ba hướng Bắc, Đông và Nam, xong theo hướng Đông Nam đến bờ sông Bé có trực thăng về… Gắng lên đời anh và tôi chỉ có một lần.

– Tôi nghe rõ «Lê Lợi», tuy nhiên chỉ cho xin một điều : Sau khi B52 đánh xong thì tôi dọt. «Lê Lợi» cho bắn khoảng 8 quả khói ở phía Đông Nam để tụi tôi biến đi, trăng quá sáng và tụi “Hải Tặc” (Bắc quân) vây tôi không hở một kẽ…

– Nghe rõ anh, nhưng chưa chắc có cái màn khói đó cho anh, pháo ở đây tiêu hết rồi…

– Tôi nghe rõ…

Đỉnh bỏ máy, dọi ánh đèn hạt đỗ xuống tấm bản đồ nhàu nát. Các Đại đội trưởng và Nghiêm cùng chúi đầu vào. Đỉnh run run bàn tay đặt ngón tay út xuống chỗ chữ “Srok Ton Cui”, ngón tay hướng về phiá Đông Nam… hướng Sông Bé. Không có sông Bé ở tờ bản đồ nầy, nó ở tờ bên cạnh ! Nghiêm lẹ tay lật thêm tấm bản đồ… Một, hai, ba gang tay đi trên miếng giấy mầu xanh ngoằn ngoèo những vòng cao độ vàng… rừng và đồi . Hai gang, ngón tay cái mới chạm phải vạch xanh xanh : Sông Bé – 30 cây số đường thẳng, bao nhiêu cây số trên mặt đất ? Đỉnh mở to hai mắt, đôi mắt thường ngày long lanh đẹp đẽ nay nóng đỏ khô khan lướt qua khuôn mặt những người thân tình… những khuôn mặt phờ phạc dưới trăng lóng lánh những đồng tử toé lửa… 30 cây số đường rừng, đi được đến không ? Bờ sông Bé, nghìn trùng nơi cuối trời!!

– Các toa về bảo lính chia đạn cho nhau, mang theo hết thương binh, đi hàng một, mgười nầy theo lưng người kia, 62 đi trước đến 60 và pháo binh. 61 đi cuối. Vinh lựa thằng dẫn đường phải thật giỏi… Hướng Đông Nam, lấy phương giác cho chính xác…

– Như vậy để em đi khinh binh luôn Trung Tá, tụi nó đi lạng quạng là bỏ mẹ…

Ba “line” B52 đánh ập xuống như cơn địa chấn. 200 thước đối với bom chiến lược là không có thước an toàn nào cả…

– Xong rồi, xin «Lê Lợi» màn khói. – Đỉnh liên lạc lại một lần nữa với Lữ Đoàn…

– Khói không có, thôi anh dọt đi…

– Tôi nghe.

Đất còn nồng mùi lửa, rừng còn nóng mùi bom, khói trộn tro than bốc lên ngùn ngụt trên nền trời trong xanh… Tiên sư sao trời sáng quá ! Sao trời không có mây che mặt trăng nhỉ ?… Lần đầu tiên trong lịch sử binh chủng : Đại úy Đại đội trưởng làm khinh binh số 1, Thiếu Tá sĩ quan hành quân làm khinh binh số 2 và Trung Tá Tiểu đoàn trưởng làm khinh binh số 3…

Vinh, Nghiêm, Đỉnh theo thứ tự dẫn đầu hàng quân, một hàng dọc hướng về Đông Nam. Mười phút sau khi binh sĩ cuối cùng của Đại đội 62 rời khỏi ấp, một trận bão pháo từ 10 vị trí cùng tập trung xuống Srok Ton Cui và một đoàn tăng từ phía Đông để đèn pha dọi sáng rực, đè bẹp lên cây rừng dàn hàng ngang đâm vào ấp…

Khởi đi từ 0lg42 phút, cánh quân của Đỉnh liên tiếp bị phục kích thêm 2 lần nữa, đi theo suối thì bị Bắc quân, đi trên cao độ thì sợ bại lộ, từng người một nối đuôi dìu nhau đi trong cuối đáy tuyệt vọng… 17g00 ngay tại một trảng trống để đợi trực thăng móc về Tiểu đoàn bị thêm một cú “dứt” thứ 3… Hướng Đông Nam : An toàn khu nơi đặt Bộ Chỉ huy tiền phương của mặt trận Bình Long.

Phục hận

Tan hàng, 17g ngày 21 tháng 4, lần tan hàng đầu tiên của Tiểu đoàn 6 Dù sau 18 năm thành lập nhưng sau khi tan hàng thì phải “cố gắng”… châm ngôn binh chủng bảo thế. Nên Đỉnh và các Đai đội trưởng đã cố gắng hết mình, cố gắng quá cỡ, cố gắng dạy tân binh vừa được bổ sung, tháo ráp và tác xạ XM16, cố gắng dạy cách ném lựu đạn, cố gắng dạy di chuyển và ngụy trang….Một tháng ở Lai Khê, tiểu đoàn cắn răng, ngậm miệng xây dựng lại mỗi người lính, cấu tạo lại từng Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, một tháng giữ đường, giữ căn cứ. Ở đâu đâu cũng huấn luyện, đâu đâu tập cũng “điều động dưới hỏa lực”.

Ngày 3 tháng 6, Đỉnh đứng chào Trung tướng Minh tại trung tâm hành quân Lai Khê xác định lại ý định của đơn vị :“Thưa Trung tướng chúng tôi sẽ cố gắng”. Tiểu đoàn 6 “cố” thêm một lần chót và chớp lấy vinh quang bốc lửa : “giải tỏa An Lộc”. Ba ngày, 6 cây số đường từ Xa Trạch đến Xa Cam. 6 cây số “chốt cứng” kẹp chặt An Lộc hơn 2 tháng, Tiểu đoàn 6 “ào” mà đi trong 3 ngày, “ào mà đi, vừa đi vừa bắn, đừng cho tụi nó ngóc đầu, thanh toán hầm bằng lựu đạn”. Tiểu đoàn trưởng, Đại đội trưởng, khinh binh dàn thành một hàng ngang quét một nhát qua 6 cây số đường rừng bắn tung 300 công sự phòng thủ của 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 275, CT17, 90% lính Bắc chết tại hầm, không có dịp nhìn đựợc mặt “lính Nhẩy Dù” trước khi đi hết đường «Sinh Bắc Tử Nam».

Về 45 phút chót của chiến trường, Đại đội 62 của Vinh “con”, lại Vinh con “dứt nọc” hết 65 tên của 2 Đại đội C7, C8 đúng chữ “dứt nọc” với một người được sống sốt. Tù binh Nguyễn văn Tiền.

Đúng 17g15 ngày 8-6 Vinh đứng lên mặt đường nhựa, ngã ba vào Xã Thanh Bình (đồn điền Xa Cam) bắt tay Ni (Tiểu đoàn 8 Dù) đơn vị cực Nam của An Lộc.

– Xong rồi, mày và tao xong việc, ai về nhà nấy ! !

Viên cố vấn Mỹ nước mắt đầy má vì hãnh diện run tay khi chụp tấm hình lịch sử của An Lộc….

“Tôi chỉ xin có một điều báo với quí vị : Tiểu đoàn 6 Dù đã bắt tay với An Lộc”. Chuẩn tướng Hậu Tư Lệnh SĐ21, kiêm Tư lệnh lực lượng giải tỏa An Lộc, trong đó Tiểu đoàn 6 là thành phần tăng phái đã nói câu trên để mở đầu và kết thúc buổi họp tại Lai Khê lúc 16 giờ cùng ngày…

Chiến sử An Lộc còn nhiều. Rất nhiều, không phải mỗi cá nhân nói hết được, phải có một ủy ban, phải viết ngàn ngàn trang giấy… Trong cấp thời, chỉ với một đơn vị tăng phái, viết về An Lộc đã thấy đủ hết cay đắng cũng như hùng tráng ngập trời… Chỉ mới một đơn vị. Tương lai gần khi tiếng súng dứt chúng ta trở lại An Lộc nơi lịch sử sẽ phải nhớ và ngậm ngùi. Đất cao cả vinh quang không phải cho một người, một đơn vị, một quân lực… An Lộc là của chúng ta, của quê hương bi tráng anh hùng.

PNN

(Nguồn: Lê Thy đánh máy từ
Bút ký chiến trường NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG,
bản PDF của tusachtiengviet.com)

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG (Nhiều tác giả), Phan Nhật Nam. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời