MỘT THỜI NHIỄU NHƯƠNG: Phần IV (tiếp theo)

CHƯƠNG 15

GIAI ĐOẠN PHẢN CÔNG CHIẾN LƯỢC
CỦA HOA KỲ VÀ NAM VIỆT NAM (1967)

Nhiều người cho rằng giai đoạn phản công chiến lược trong kế hoạch của tướng Westmoreland đã khởi sự vào mùa thu năm 1966 với cuộc hành quân Altleboro do Lữ đoàn 196 Khinh binh Hoa Kỳ chủ động đánh vào Chiến khu C tháng 9 năm đó. Trên thực tế, cuộc hành quân Altleboro sơ khởi chỉ là một cuộc hành quân lùng diệt địch cỡ trung bình và chỉ trở thành quy mô khi Tiểu đoàn 1/27 Hoa Kỳ đụng độ nặng với một đơn vị của Sư đoàn 9 chủ lực Miền là Trung đoàn 16 Bắc Việt mới được điều từ Tây nguyên vào và đang làm nhiệm vụ bảo vệ một khu tiếp liệu quan trọng của đối phương khiến cho Hoa Kỳ phải đưa thêm nhiều lực lượng vào tham dự. Vả lại, năm 1966 tướng Westmoreland tập trung nỗ lực triển khai đến những vùng xung yếu, và sắp xếp lại kế hoạch bình định đã không được chú trọng đúng mức sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm tháng 11, 1963. Phải đợi đến cuối năm 1966 Hoa Kỳ và Nam Việt Nam mới thỏa thuận “Kế hoạch chiến dịch Quân sự Hỗn hợp” gọi là AB141 chỉ đạo cho các hoạt động kể từ đầu năm 1967, tiếp theo kế hoạch AB 140 dự trù áp dụng cho năm 1966 vì nhiều lý do đã chỉ có trên giấy tờ.

15-1. Nam Việt Nam tập trung nỗ lực bình định
trong khi Hoa Kỳ mở các cuộc hành quân qui mô
vào các Chiến khu và Mật khu của Cộng Sản
ở khắp 4 vùng Chiến thuật

Theo kế hoạch AB141 , trong năm 1967 lực lượng Đồng minh và Nam Việt Nam tập trung binh lực bảo vệ “các vùng ưu tiên quốc gia” gồm những thị trấn, những trục lộ giao thông huyết mạch, và yểm trợ cho công cuộc bình định những miền thôn quê có tầm quan trọng về mặt chính trị và kinh tế. Đồng thời tăng cường các cuộc hành quân quy mô nhằm tiêu diệt chủ lực địch và vô hiệu hóa các khu căn cứ chủ yếu của địch. Để thực hiện kế hoạch này, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa dồn một nửa đơn vị chủ lực vào nhiệm vụ yểm trợ bình định đang được Bộ xây dựng nông thôn của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tiến hành với sự cố vấn và trợ giúp của phía dân sự Hoa Kỳ. Bộ xây dựng nông thôn dưới quyền Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng đã tổ chức lại chương trình bình định, thành lập các đoàn Cán bộ xây dựng nông thôn, mỗi đoàn 59 người được huấn luyện ở trung tâm Chí linh, Vũng tàu, sinh hoạt ở xã ấp để tranh thủ dân chúng, phát hiện và tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Cộng Sản ở xã ấp, và thiết lập hệ thống an ninh xã ấp để đương đầu với dân quân du kích của địch. Cùng với sự tổ chức tương đối có hệ thống đó, công tác xây dựng nông thôn được theo dõi và đánh giá rất tỉ mỉ theo các tiêu chuẩn được hệ thống hóa gọi là “Hệ thống lượng giá Ấp”.

Về phía Hoa Kỳ, từ năm 1967 trở về trước, việc yểm trợ bình định do “Văn phòng Dân vụ” (1) trực thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ phụ trách. Từ khi Hoa Kỳ đổ quân vào Nam Việt Nam thì công tác yểm trợ bình định bị xao lãng cho nên vào giữa năm 1966 Tổng thống Johnson đã yêu cầu Đại sứ Cabot Lodge giao cho Phó Đại sứ William Porter cấp tốc cải tiến các hoạt động của Văn phòng Dân vụ và hạn trong vòng 3 tháng phải đưa đến những kết quả cụ thể. Cuối năm 1966 khi thấy công cuộc bình định không tiến triển như mong muốn, Tổng thống Johnson quyết định đặt công tác yểm trợ bình định dưới quyền Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam, và sau khi cử ông Ellsworth Bunker đến Sàigòn ngày 25 tháng 4, 1967 làm Đại sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam thay thế ông Cabot Lodge, đã chỉ định ông Robert Komer hàm Đại sứ và tương đương cấp Đại tướng bốn sao làm phó cho Tướng Westmoreland đặc trách việc yểm trợ bình định. Ông Komer đã cải tổ Văn phòng Dân vụ thành “Cơ quan dân sự vụ yểm trợ xây dựng nông thôn” (2) đảm nhiệm việc cố vấn cho Lực lượng Địa phương quân và Nghĩa quân, yểm trợ chiến dịch Phượng Hoàng nhằm tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Cộng Sản ở xã ấp, và đẩy nhanh chương trình bình định.

Về mặt quân sự, theo quan điểm của tướng Westmoreland, Hoa Kỳ vào đầu năm 1967 đã có khá nhiều quân để mở những cuộc hành quân quy mô diệt chủ lực Cộng Sản trong lúc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tập trung hành động trong những vùng ưu tiên quốc gia, đặc biệt dồn nỗ lực vào việc yểm trợ xây dựng nông thôn.

Ở vùng trọng điểm gồm 11 tỉnh bao quanh Sàigòn, lực lượng Hoa Kỳ nhằm đánh 3 Sư đoàn chủ lực Việt Cộng và triệt hạ các căn cứ từ trước đến nay vẫn là hang ổ của những cơ quan chỉ huy quan trọng của Cộng Sản.

Ngày 8 tháng 1, 1967 Lực lượng II Dã chiến Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Cedar Falls cấp Quân đoàn vào khu Tam giác sắt cách Sàigòn 30 cây số về phía bắc, rộng chừng 60 dặm vuông phần lớn là rừng đã được Cộng Sản tổ chức thành một căn cứ địa rất vững chắc trong đó có Bộ Tư lệnh Quân khu Sàigòn – Gia Định trực tiếp chỉ huy các hoạt động của địch nhằm vào thủ đô của Nam Việt Nam và Bến Súc, một ngôi làng khoảng 6.000 dân, nơi mà Cộng Sản dùng làm đầu mối nhận và chuyển đồ tiếp liệu thu mua từ Sàigòn vào mật khu, và vào lúc hành quân phía Hoa Kỳ ghi nhận sự có mặt của Trung đoàn 2 chủ lực Miền, Trung đoàn 165 chủ lực khu 7, và Tiểu đoàn Phú Lợi, chủ lực tỉnh Bình Dương.

Vào ngày đầu tiên triển khai quân, Lữ đoàn 196 Khinh binh và một Lữ đoàn của Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ lập tuyến án ngữ ở phía nam sông Sàigòn trong khi đó Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ đổ quân xuống nhiều bãi đáp ở khu rừng Thanh Điền phía bắc Bến Súc, và Lữ đoàn 173 Nhẩy dù Hoa Kỳ trực thăng vận xuống nhiều địa điểm cũng thuộc thu rừng Thanh điền ở phía tây bắc Bến cát. Đồng thời Trung đoàn 11 Kỵ binh Thiết giáp Hoa Kỳ từ Bến Cát thọc ngang sang Rạch Bắp nằm sát bờ sông Sàigòn.

Giữa lúc các cánh quân ở các hướng khác nhau tiến đến các nơi định trước thì 1 Tiểu đoàn của Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ đổ quân xuống ngay giữa làng Bến Súc, cô lập dân chúng và trong những ngày kế tiếp đưa về định cư ở Phú Cường gần thị xã Bình Dương. Ở Bến Súc lực lượng Hoa Kỳ đã phát hiện được một hệ thống địa đạo và hầm ngầm chứa hơn 3.000 tấn gạo, gần 450 súng ống đủ loại, hơn 1.000 lựu đạn, bắt một số tù binh trong đó có một cán bộ Bắc Việt đã từng học ở trường đại học Bắc Kinh.

Trong khi đó các cánh quân khác đều chạm súng với đối phương nhưng chỉ có tính cách lẻ tẻ vì Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 chủ lực Việt Cộng có mặt trong vùng hành quân của Hoa Kỳ không tập trung đối đầu. Tuy nhiên, lực lượng Hoa Kỳ đã phá hủy được nhiều cơ sở của Cộng Sản, chẳng hạn như Tiểu đoàn 1/5 thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ đã tìm được và đánh sập một hệ thống kho tàng xây thành 4 tầng dưới mặt đất chứa súng đạn, lương thực, vật dụng, bản đồ, sơ đồ các địa điểm đồn trú của Hoa Kỳ ở Saigòn, và cả một bệnh viện ngầm với đầy đủ tiện nghi.

Ngày 26 tháng 1, Lực lượng II Dã chiến Hoa Kỳ đã chấm dứt cuộc hành quân quy mô cấp Quân đoàn đầu tiên trong năm 1967. Sau 19 ngày sục sạo, lực lượng Hoa Kỳ đã hạ được 750 địch, bắt 280 tù binh, và tịch thu được nhiều tiếp liệu phẩm trong đó có hơn 600 súng và nhiều tài liệu quan trọng có liên quan đến hoạt động của Cộng Sản trong vùng Sàigòn – Gia Định. Ngoài ra, lực lượng Hoa Kỳ cũng đã dùng xe ủi đất loại lớn Rome Plow phát quang một số địa điểm, mở một vài con đường chiến thuật, và sửa soạn một số bãi đáp trực thăng để chuẩn bị cho các hoạt động trong tương lai.

Cuộc hành quân Cedar Falls không đạt được kết quả như đã dự trù là vô hiệu hóa vùng Tam giác sắt. Hai ngày sau khi lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi vùng hành quân, Thiếu tướng William Rogers, Tư lệnh phó Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ, bay quan sát đã lại thấy Việt Cộng đi xe hoặc đi bộ tung tăng khắp nơi, và theo lời ông “chúng tôi không có đủ lực lượng… để ngăn Việt Cộng trở lại.” (3) Không những thế, dư luận Mỹ còn lên án việc triệt hạ làng Bến Súc. Nhà báo Hoa Kỳ Jonathan Schell đã viết một cuốn sách mỏng tựa đề “Làng Bến Súc” mà trên tờ bìa bao ngoài người ta đọc thấy dòng chữ quảng cáo: “Chuyện người Mỹ hủy diệt một ngôi làng Việt Nam…” (4)

Tiếp tục lùng và diệt các đơn vị chủ lực của đối phương, ngày 21 tháng 2, 1967 Lực lượng II Dã chiến mở tiếp cuộc hành quân quy mô thứ hai mang tên Junction City vào Chiến khu C giáp giới Kampuchea, khoảng 80 cây số về phía tây bắc Sàigòn. Phía Hoa Kỳ dự trù sử dụng một lực lượng lớn bao vây ba phía theo hình móng ngựa để cho lực lượng chủ công gồm các đơn vị Thiết giáp và Bộ binh cơ giới hóa nhanh chóng đột phá vùng mục tiêu nghi ngờ có các cơ quan của Trung ương cục miền Nam và Sư đoàn 9 chủ lực Miền của Cộng Sản ở phía bắc tỉnh Tây ninh giới hạn ở phía tây là Quốc lộ 22, phía đông là tỉnh lộ 4, phía bắc là ranh giới Việt Nam – Kampuchea và phía nam là tỉnh lộ 247.

Từ trung tuần tháng 2, lực lượng của Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ và Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ đã mở những cuộc hành quân nghi binh ở phía tây và phía đông khu vực dự trù sẽ có hoạt động quy mô và khi cuộc hành quân Junction City bắt đầu thì chuyển thành lực lượng án ngữ. Ngày 21 tháng 2, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ, và Lữ đoàn 173Nhẩy dù Hoa Kỳ trực thăng vận đồng thời vào những địa điểm khác nhau dọc theo biên giới Kampuchea trong đó có 1 Tiểu đoàn nhẩy dù xuống phía bắc Katum để tạo thế bao vây bất ngờ. Hôm sau, Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ và Trung đoàn 11 Kỵ binh Thiết giáp Hoa Kỳ từ tuyến xuất phát là tỉnh lộ 247 tiến song song lên hướng bắc tìm đánh các đơn vị địch đang bị các lực lượng bao vây dồn vào hướng tiến quân của lực lượng chủ công.

Vài ngày đầu, các đơn vị đối phương không xuất đầu lộ diện nhưng khi các lực lượng Hoa Kỳ sục sâu vào vùng hành quân thì bắt đầu chạm địch. Ngày 28 tháng 2 Lữ đoàn 173 Nhẩy dù Hoa Kỳ phát hiện được một cơ sở thông tin của Cộng Sản gồm cả một khu rửa hình ngầm dưới mặt đất chứa nhiều phim và hình ảnh qua đó biết được những hoạt động của tướng Nguyễn Chí Thanh đứng đầu Trung ương Cục miền Nam. Cũng ngày này, Tiểu đoàn 1/16 Hoa Kỳ đã tao ngộ chiến với một đơn vị của Trung đoàn 16 còn có tên là Trung đoàn 101 Bắc Việt ở gần Prek Klok. Đại đội B của Tiểu đoàn 1/16 bất ngờ gặp phải một lực lượng địch đông đảo đã cụm lại cầm cự dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của cả Pháo binh lẫn Không quân, và vành đai hỏa lực trong đó có bom chùm CBU đã bẻ gẫy được cuộc tiến công không chuẩn bị trước của đối phương.

Hai tuần lễ sau, vào đêm 10 tháng 3 Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 chủ lực Việt Cộng đã mở cuộc tiến công dữ dội vào một vị trí dã ngoại mà 1 Tiểu đoàn Công binh Hoa Kỳ đang xây cất Trại Lực lượng đặc biệt Prek Klok dưới sự bảo vệ của Tiểu đoàn 2/2 Bộ binh và Tiểu đoàn 2/33 Pháo binh Hoa Kỳ. Hết đợt xung phong này đến đợt xung phong khác đã bị đẩy lui nhờ các ổ đại liên trên các thiết vận xa bố trí xen kẽ với Bộ binh thành một chu vi phòng thủ hoàn chỉnh, đã nhả đạn xối xả, liên tục trong khi pháo binh đã bắn tới 5.000 quả đạn trực xạ, và Không quân thực hiện 100 phi vụ yểm trợ. Một lần nữa, hỏa lực của Hoa Kỳ lại bẻ gẫy cuộc tiến công thục mạng của đối phương, buộc họ phải bỏ lại tại trận 197 xác và 5 tù binh bị thương.

Kể từ ngày 18 tháng 3, 1967 lực lượng Hoa Kỳ chuyển hướng hoạt động về phía đông vùng hành quân, và 1 Lữ đoàn của Sư đoàn 9 Bộ binh Hoa Kỳ đến thay thế Lữ đoàn 173 Nhẩy dù Hoa Kỳ.

Trước khí thế tiến công của lực lượng Hoa Kỳ, Trung đoàn 3 chủ lực Miền của Việt Cộng luồn ra ngoài khu vực mũi nhọn của Hoa Kỳ, và vào đêm 19 tháng 3 đã đánh một vị tríHoa Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc lộ 13 trong khuôn khổ cuộc hành quân Junction City do 1 Chi đội của Chi đoàn 3/5 Thiết giáp Kỵ binh Hoa Kỳ trú đóng ở phía bắc ấp Bàu Bàng cách Sàigòn 60 cây số về phía bắc. Nửa đêm hôm đó đối phương bắt đầu nổ súng, và chỉ trong chốc lát lực lượng chủ công của họ từ phía nam đã ào vào vị trí của Hoa Kỳ. Nhưng do hỏa lực pháo binh trực xạ quyết liệt nên đối phương phải giãn ra. Đồng thời 2 Chi đội Thiết giáp khác đã đột phá qua một trận địa phục kích đến tiếp ứng. Gần sáng sau khi đã chỉnh đốn lại đội ngũ, Trung đoàn 3 Việt Cộng lại mở một đợt tiến công nữa nhưng đã bị chặn đứng. Tính ra đã có chừng 30 tấn bom đạn trong đó có 3.000 viên đạn đại bác đã được phía Hoa Kỳ sử dụng. Đối phương đã bỏ lại tại trận 227 xác trong khi đơn vị Hoa Kỳ chỉ có 3 chết và 63 bị thương.

Đồng thời với cuộc tiến công này, các đơn vị chủ lực khác của đối phương cũng đã tăng cường hoạt động trong khu vực hành quân của Hoa Kỳ. Vào ngày 19 tháng 3 ở khu vực Suối Tre mà đối phương gọi là Đồng Rùm cách thị xã Tây Ninh 20 cây số, đợt trực thăng đầu tiên đổ quân xuống bãi đáp Gold bị đánh mìn. Đã có 3 chiếc bị phá hủy, 6 chiếc bị hư hại và thiệt hại nhân mạng gồm 15 chết, 28 bị thương. Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 3/22 Bộ binh Hoa Kỳ dưới quyền chỉ huy của Trung tá John Vessey Jr., sau này làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã phối hợp với Tiểu đoàn 2/77 Pháo binh Hoa Kỳ hối hả kiện toàn căn cứ hỏa lực dưới áp lực mỗi lúc một tăng thêm của địch. Quá nửa đêm, cuộc tiến công mà phía Hoa Kỳ chờ đợi đã xẩy ra. Pháo của địch nã khoảng hơn 600 trái đủ loại vào vị trí của Hoa Kỳ. Trong khi quân trú phòng núp pháo thì Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16 thuộc Sư đoàn 9 chủ lực Miền của Việt Cộng áp sát và mở cuộc xung phong. Khoảng 7 giờ sáng đối phương đã chọc thủng phòng tuyến đông bắc mặc dù pháo binh và phi cơ Hoa Kỳ đã yểm trợ mạnh mẽ. Kế đến họ lấn vào phòng tuyến đông nam. Khoảng một giờ sau quân phòng thủ ở hướng đông bắc và đông nam đều phải co về tuyến thứ hai trong khi pháo binh ở vị trí trực xạ quyết liệt vào đội hình địch. Với một lực lượng áp đảo, địch vẫn lừ lừ xông tới, có lúc đã chiếm được ổ đại liên 4 nòng chuẩn bị bắn vào quân lính Hoa Kỳ còn đang chống cự khiến cho Pháo binh Hoa Kỳ phải nhằm thẳng vào tiêu diệt ổ đại liên của chính mình. Căn cứ hỏa lực Gold đã núng thế khi đạn pháo sắp hết. May thay đúng lúc đó 1 Tiểu đoàn Bộ binh đã đến tiếp ứng, và một Tiểu đoàn Bô binh cơ giới hóa cùng với một Tiểu đoàn Thiết giáp được điều từ phía Nam lên đánh vào sau lưng địch. Khoảng 9 giờ 30 lực lượng Hoa Kỳ lập lại được phòng tuyến như lúc đầu, và chừng một giờ sau thì đối phương rút chạy, bỏ lại 647 xác tại trận. Phía Hoa Kỳ có 31 chết và 109 bị thương.

Hơn một tuần lễ sau lại có một trận đánh đẫm máu khác. Ngày 30 tháng 3 Tiểu đoàn 1/26 thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ dưới quyền chỉ huy của Trung tá Alexander Haig sau này trở thành Tư lệnh khối Bắc Tây Dương rồi Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trực thăng vận xuống một chỗ trên bản đồ ghi là Ấp Gụ còn phía Cộng Sản gọi là Trảng Ba Vũng ở đông nam Katum 7 cây số, lập căn cứ hỏa lực George chỉ cách biên giới Kampuchea 5 cây số. Ngày kế tiếp Tiểu đoàn 1/2 cũng thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh xuống quân ở căn cứ George rồi di chuyển xuống phía tây nam lập vị trí hoạt động riêng trong khi các Đại đội của Tiểu đoàn 1/26 bung ra lùng địch. Quá trưa hôm đó, lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu chạm địch ở phía bắc căn cứ. Khi thấy Trung đội của mình bị đánh mạnh, Đại đội trưởng Đại đội B lập tức đưa quân lên tiếp cứu nhưng chỉ phút chốc cả Đại đội này đã nằm dưới hỏa lực của địch không nhúc nhích được. Tình hình mỗi lúc một gay go thêm. Trung tá Haig phải dùng trực thăng chỉ huy bay lên gọi Pháo binh và Không quân yểm trợ đồng thời điều Đại đội A lên tăng cường, và khi máy bay của ông bị trúng đạn đáp xuống trận địa ông đích thân chỉ huy tác chiến. Đại đội A đến nơi cũng lại bị địch áp đảo. Phía Hoa Kỳ đã sử dụng tối đa hỏa lực phi – pháo, và cho đến chiều tối Trung tá Haig mới rút được 2 Đại đội về căn cứ với một số thương vong 7 chết và 28 bị thương.

Để đối phó với nguy cơ có thể bị tiến công cấp kỳ, phía Hoa Kỳ đổ thêm một Tiểu đoàn Bộ binh nữa tăng cường cho căn cứ George, và hai Tiểu đoàn đóng kế nhau chờ đối phương. Khoảng 5 giờ sáng, Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 16, cả hai đều thuộc Sư đoàn 9 chủ lực Miền của Việt Cộng bắt đầu nổ súng. Sau các đợt pháo cấp tập kéo dài chừng 20 phút, lực lượng địch từ ba hướng tây, đông và đông bắc ào vào căn cứ. Quân phòng thủ giữ được mặt tây và đông, nhưng ở mặt đông bắc, mũi chủ công của địch đã mở được một cửa khẩu rộng 200 mét và sâu vào căn cứ 40 mét, và hai bên đã ác chiến. Phi cơ và Pháo binh Hoa Kỳ phải yểm trợ sát sạt và quyết liệt, và khoảng 6 giờ rưỡi sáng mới chặn đứng được mũi xâm nhập chính này. Khi địch khựng lại, lực lượng Hoa Kỳ phản kích lập lại phòng tuyến đông bắc như cũ. Rồi thì hỏa lực của phi – pháo lại xối xả trút xuống đội hình đối phương, buộc địch phải rút chạy, bỏ lại 609 xác. Phía Hoa Kỳ có 17 chết và 102 bị thương.

Sau trận này, lực lượng Hoa Kỳ chỉ còn chạm địch lẻ tẻ và cuộc hành quân Junction City đã kết thúc ngày 14 tháng 5. Cuộc hành quân Junction City là cuộc hành quân lớn nhất của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam tượng trưng cho chiến lược lùng và diệt của tướng Westmoreland. Phía Hoa Kỳ có đông quân, hỏa lực tối tân, thừa thãi, phương tiện tiếp vận dồi dào, kế hoạch tác chiến hoàn hảo mà vẫn không đạt được mục tiêu đề ra. Những điều mà người ta đã quan sát được trong các cuộc giao tranh kể từ ngày Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, hơn bao giờ hết đã thể hiện một cách sinh động trên chiến trường

Đúng là các bộ phận quan trọng của đối phương mà tình báo Hoa Kỳ đã ghi nhận được đều có mặt ở Chiến khu C. Trung ương cục miền Nam của Cộng Sản, Bộ Tư lệnh Miền của Cộng Sản thường thì núp ở phía bắc Tây Ninh chỉ cách biên giới Kampuchea khoảng 5 cây số đã có dư thì giờ phân tán sang khu vực Mimot thuộc lãnh thổ Kampuchea bởi vì đối phương đã dự đoán được hướng tiến công mùa khô của Hoa Kỳ. Theo tài liệu của Hà nội thì: “Không thực hiện được mục tiêu sau hai cuộc hành quân lớn, quân Mỹ ráo riết chuẩn bị cuộc tiến công mới vào căn cứ Dương Minh Châu. Từ đầu tháng 2 năm 1967, mỗi ngày địch huy động hàng ngàn chuyến xe chở đạn đến các khu vực tập kết ở Hớn Quản, Minh Thạnh, Dầu Tiếng, Suối Đá, Thị xã Tây Ninh. Máy bay chiến lược B52 và máy bay chiến thuật liên tục ném bom, rải chất độc hóa học đốt cháy các cánh rừng ở bên đường và ven sông, chuẩn bị đường tiến quân và bãi đổ bộ… Trung ương Cục, Quân Ủy, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đánh địch.” (5)

Quân đội Cộng Sản Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm chống càn quét. Toàn bộ Sư đoàn 9 và nhiều đơn vị chủ lực Miền khác của Việt Cộng có mặt trong vùng hành quân của Hoa Kỳ đã tránh né các mũi tiến công hùng hậu của Hoa Kỳ vào những ngày đầu, chờ nắm vững tình hình rồi mới mở những trận đánh ở những thời điểm và địa điểm do họ lựa chọn, với lực lượng áp đảo. Trong 5 cuộc giao tranh đã diễn ra thì 4 do họ chủ động đánh vào các vị trí của Hoa Kỳ, chỉ có một là tao ngộ chiến vào ngày 28 tháng 2 cho nên mặc dù các đơn vị chủ lực của Cộng Sản bị thiệt hại rất nặng nề nhưng vẫn không bị tiêu diệt.

Một mục tiêu quan trọng khác mà phía Hoa Kỳ nhắm tới là triệt hạ khu căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Cộng Sản ở Nam Việt Nam cũng không đạt được vì Hoa Kỳ không có khả năng thực hiện việc này đối với một kẻ địch đã dùng địa đạo chiến như một bộ phận chủ yếu trong chiến tranh du kích và đã kiện toàn hình thái tác chiến này đến mức tuyệt hảo, vượt xa loại chiến tranh địa đạo của quân đội Nhật Bản mà Hoa Kỳ đã phải đương đầu khi đổ bộ lên Iwo Jima và Okinawa trong Thế Chiến II, với cái nét độc đáo là hệ thống hầm hào được xây dựng một cách khoa học, lại chằng chịt, rải rác trong một khu vực rừng rậm rất khó phát hiện. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng không có đủ quân để duy trì sự có mặt thường xuyên của mình ở Chiến khu C vì một Lữ đoàn dự trù tiếp tục hoạt động ở đây sau khi cuộc Hành quân Junction City chấm dứt đã được vội vã đưa ra miền Trung để đối phó với sự đe dọa của Bắc Việt đang gia tăng ở khu Phi Quân sự.

Chẳng có gì đáng phấn khởi khi một cuộc hành quân quy mô cách Sàigòn không bao xa mà rút cục chỉ làm xáo trộn được trong một thời gian ngắn hoạt động của đối phương ở một khu căn cứ chiến lược đầu não của Cộng Sản. Khi lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi Chiến khu C thì đâu lại đóng đó, ngoại trừ việc thiết lập được hai Trại Lực lượng đặc biệt để theo dõi hoạt động của Cộng Sản ở trong vùng.

Trong khi các đại đơn vị của Hoa Kỳ tảo thanh các Chiến khu của địch ở vòng ngoài thì tại vùng trọng điểm ở ven đô Sàigòn, trong phạm vi tỉnh Gia Định Lữ đoàn 199 Khinh binh Hoa Kỳ, từ tháng 1 năm 1967 đã phối hợp với Liên đoàn 5 Biệt động quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thực hiện một cuộc hành quân dài hạn mang tên “Fairfax – Rạng Đông” nhằm tiêu diệt các đơn vị địa phương của địch thuộc Quân khu Sàigòn – Gia Định. Các lực lượng Đồng minh đã nhiều lần đụng độ với địch, nhưng phần lớn chỉ ở cấp Đại đội trở xuống.

Lực lượng quét vòng trong này tiếp tục được lực lượng càn vòng ngoài hỗ trợ. Sau cuộc hành quân Junction City, Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ đẩy mạnh hoạt động trong khu vực trách nhiệm của mình ở hướng tây bắc Sàigòn bằng những cuộc hành quân diều hâu thả từng toán quân nhỏ xuống những nơi nghi ngờ có địch, và nếu phát hiện được thì sẽ trực thăng vận những đơn vị lớn hơn quay đánh địch. Tuy nhiên, trong mấy tháng liền đã không có cuộc chạm súng nào quan trọng xẩy ra.

Ở hướng đông bắc Sàigòn, tiếp theo cuộc hành quân Junction City, vào ngày 23 tháng 4 Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ lại phối hợp với Trung đoàn 11 Kỵ binh Thiết giáp mở cuộc hành quân Manhattan vào khu Tam giác sắt. Lực lượng hành quân không chạm địch nhưng đã khám phá được nhiều công sự mới đào cũng lại kiên cố, chằng chịt như trong cuộc càn quét quy mô trước đây.

Vào tháng 6, trong cuộc hành quân Billings vào Chiến Khu Đ, Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ đã hai lần giao tranh với Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 9 chủ lực Miền của đối phương, lần nào cũng gay go, ác liệt.

Kể từ đầu năm 1967 phía Hoa Kỳ cũng đã đưa Sư đoàn 9 Bộ binh, một đơn vị mới sang Việt Nam cuối năm trước, lập căn cứ Đồng Tâm ở Mỹ Tho hành quân lùng và diệt địch trong vùng sình lầy thuộc hai tỉnh Long An và Định Tường nằm ở phía tây nam Sàigòn.

Đầu tháng 4, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 9 Bộ binh Hoa Kỳ lần đầu tiên đã giao tranh với Tiểu đoàn 506 chủ lực tỉnh ở vùng Rạch Kiến thuộc địa phận tỉnh Long An. Sau khi máy bay và Pháo binh bắn phá dữ dội buộc đối phương phải chạy khỏi hầm hố thì phía Hoa Kỳ đưa 3 Tiểu đoàn đến vây đánh, gây thiệt hại nặng nề cho đơn vị này của địch.

Ngày 2 tháng 5, ở khu vực Ấp bắc thuộc tỉnh Đinh Tường là nơi xẩy ra một cuộc đụng độ mạnh giữa lực lượng của Sư đoàn 7 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa với Việt Cộng mà báo chí Hoa Kỳ đã làm rùm beng vào đầu năm 1963, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ đã phát hiện và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 504 chủ lực tỉnh.

Cũng từ đầu năm 1967, phía Hoa Kỳ đã tổ chức lực lượng cơ động giang vận gồm 2 Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh phối hợp với Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân 117 có nhiệm vụ cung cấp các giang đỉnh, tàu bọc thép chở quân, tàu rà mìn, phà đặt pháo làm căn cứ hỏa lực nổi, để thực hiện các cuộc hành quân lùng và diệt ở vùng Tiền Giang. Nếu ở miền rừng núi các đơn vị Hoa Kỳ vất vả len lỏi qua những vùng rừng núi âm u không thấy bóng mặt trời thì ở đây họ lại phải bì lõm lội nước ngang người qua những vùng chằng chịt sông rạch, và những vùng ngập nước quanh năm như Đồng Tháp Mười mà đối phương vẫn ẩn hiện khôn lường, ngon thì đánh, không ngon thì chém vè. Cuộc hành quân Conorado V của Hoa Kỳ vây đánh Tiểu đoàn 514 địa phương khu 8 của Việt Cộng ngày 15 tháng 9 năm 1967 ở khu vực Cấm Sơn, Định Tường là một trường hợp điển hình cho thấy những khó khăn của lực lượng Hoa Kỳ hoạt động trong vùng sình lầy ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng ngày mở đầu hành quân, Giang đoàn 11 chở Tiểu đoàn 3/60 theo rạch Ba Rai dọc lên hướng bắc khi sắp đến vùng mục tiêu thì bị đối phương bố trí sẵn ở phía đông chặn đánh dữ dội. Giữa lúc khói lửa mờ mịt, một tàu đã vượt qua làn đạn đổ được một bộ phận lên bãi đổ bộ 1 nhưng chỉ trong phút chốc viên chỉ huy Giang đoàn cho lệnh các tàu rút hết về các bãi dự phòng 3 và 4 vì một số tàu rà mìn bị thiệt hại nặng về cả vật chất lẫn nhân mạng. Tuy nhiên, người chỉ huy tổng quát cuộc hành quân không đồng ý và đã cho lệnh Giang đoàn trở ngược lại hướng bắc. Lần này mặc dù cũng bị thiệt hại nặng nhưng Giang đoàn đã đưa được Tiểu đoàn 3/60 lên các bãi 1 và 2. Sau khi đổ bộ, Tiểu đoàn này tiến về hướng đông nam trong lúc Tiểu đoàn 5/60 chuyển quân bằng đường bộ từ hướng bắc ép xuống. Cả hai cánh quân đều chạm địch nên phía Hoa Kỳ đưa thêm Tiểu đoàn 3/47 đổ bộ lên các bãi 3 và 4 và cho tiến về hướng đỗng bắc đồng thời trực thăng vận Tiểu đoàn 2/60 xuống án ngữ ở phía đông nam. Trên bản đồ dường như đối phương đã bị vây chặt nhưng cho đến tối lực lượng Hoa Kỳ vẫn không áp đảo được họ. Đêm đến phía Hoa Kỳ cho bắn soi sáng trận địa ở phía đông rạch Ba Rai và cho Giang đoàn 11 phối hợp với 1 Tiểu đoàn Nam Việt Nam canh chừng khu vực phía tây. Trong đêm Tiểu đoàn Việt Cộng đã rút êm và hôm sau lực lượng Hoa Kỳ trong khi lục soát chỉ còn đụng độ nhẹ. Địch bỏ lại 263 xác tại chỗ còn Hoa Kỳ bị thương vong 152 trong đó có 16 chết.

Cuộc hành quân Colorado V của Hoa Kỳ diễn ra đúng như sách dậy, với một lực lượng đông gấp bốn lần, phương tiện yểm trợ phi pháo và trực thăng lại rất dồi dào, nhưng đối phương do chuẩn bị trận địa rất chu đáo từ trước và nắm vững địa hình địa vật nên vẫn thoát được vòng vây như hồi còn giao tranh với lực lượng Nam Việt Nam trước kia.

Song song với hoạt động quân sự quy mô ở các vùng trọng điểm quanh Sàigòn, phía Hoa Kỳ đã mở những cuộc hành quân lớn lùng diệt các đơn vị chủ lực Bắc Việt ở Cao Nguyên Trung phần Việt Nam.

Đầu năm 1967 Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Sam Houston nhằm vào Sư đoàn 1 và Sư đoàn 10 Bắc Việt ở vùng giáp ranh Pleiku và Kontum sát biên giới Kampuchea. Giữa vùng rừng núi hoang vu, cây cối có chỗ lớn tới độ người ôm không xuể và cao đến 15 mét, lực lượng hành quân lùng sục cả tháng trời mà chỉ chạm súng lẻ tẻ với địch. Nhưng đột nhiên vào đầu tháng 2 lực lượng Hoa Kỳ phát hiện được nhiều pháo đài và kho đạn ngầm dưới mặt đất chứng tỏ địch đã chuẩn bị trận địa chờ lực lượng Hoa Kỳ tới trong khuôn khổ một chiến dịch lớn của họ dự trù mở ra vào thời điểm này. Theo tài liệu của Hà nội: “Ở Tây Nguyên, thực hiện kế hoạch phối hợp trên toàn Miền, Bộ Tư lệnh mặt trận mở chiến dịch ở tây bắc Công Tum… Các Trung đoàn 66, 320, 88 (Sư đoàn 1), Trung đoàn 101B và các Tiểu đoàn 200, 32 Pháo binh cùng các lực lượng vũ trang địa phương lập thế trận có chiều sâu, có khu vực quyết chiến ở phía tây sông Pô- cô và sông Sa Thầy. Trung đoàn 24 và Trung đoàn 33 đẩy mạnh hoạt động thu hút địch lên bắc Công Tum và bắc Buôn ma thuột. Trung đoàn 95B và các đơn vị Công binh, thông tin của mặt trận đẩy mạnh hoạt động nghi binh…” (6)

Chính vì vậy mà khi phía Hoa Kỳ dồn quân ra biên giới thiết lập các căn cứ Hỏa lực thì đối phương đã theo sát. Hôm 12 tháng 2, Đại đội C của Tiểu đoàn 1/12 Hoa Kỳ từ một căn cứ hỏa lực nằm giữa biên giới Kampuchea và sông Sa Thầy đã chạm địch ngoài công sự. Quân Bắc Việt bám sát Đại đội này và bao vây luôn cả căn cứ hỏa lực, và cho đến tối, sau khi trực thăng vận 2 Đại đội xuống tăng cường, và Không quân đã yểm trợ tối đa phía Hoa Kỳ mới giải cứu được Đại đội C. Trong một tuần lễ kế tiếp sau đó, các Lữ đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ đã chạm địch 6 lần nữa, tất cả đều do địch chủ động gây ra. Phía Hoa Kỳ kết thúc cuộc hành quân Sam Houston với kết quả 733 địch bị giết trong khi Hoa Kỳ bị 169 chết.

Sau cuộc hành quân Sam Houston, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 9 Bộ binh lúc này đặt trực thuộc Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ lập một dẫy căn cứ hỏa lực ở phía tây Pleiku dọc theo biên giới Kampuchea từ Plei Djereng chạy dài đến thung lũng Ia Drang trong khi Lữ đoàn 2 của Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ mở các cuộc hành quân lùng và diệt ở phía tây Kontum.

Cuối tháng 4, 1967 quân Bắc Việt bắt đầu đe dọa các trại Lực lượng đặc biệt Đức Cơ và Plei Djereng. Ngày 30 tháng 4 một Trung đội tuần tra của Tiểu đoàn 2/8 Bộ binh Hoa Kỳ đã phát hiện được địch ở gần Đức Cơ. Đại đội A tiếp tục bám sát và chẳng mấy chốc đã đụng độ mạnh với đối phương cho đến sẩm tối mới rút về được căn cứ.

Trong những ngày kế tiếp các đơn vị Hoa Kỳ chỉ chạm địch lẻ tẻ. Nhưng đến ngày 18 tháng 5 thì Tiểu đoàn 1/8 Bộ binh Hoa Kỳ từ một căn cứ hỏa lực ở tây Đức Cơ càn quét về hướng núi Chu Guongot ở phía tây đường 14 B đã giao tranh mạnh mẽ với địch suốt cả ngày. Phía Hoa Kỳ đã bị 29 chết còn quân Bắc Việt bỏ lại 119 xác.

Hai trận đánh này đánh dấu đợt hoạt động mới của quân Bắc Việt ở Tây Nguyên trong thế trận chuẩn bị trước. Đêm 22 tháng 5, các Trung đoàn 32 và 66 Bắc Việt đã tiến công vị trí của Tiểu đoàn 1/18 Hoa Kỳ và chặn đánh Tiểu đoàn 3/12 Hoa Kỳ đến tăng viện. Rồi 4 ngày sau Đại đội B của Tiểu đoàn 3/12 Hoa Kỳ lại bị vây đánh. Tính cho đến ngày 26 tháng 5 đã có 79 quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng để đổi lấy hơn 300 xác quân Bắc Việt.

Trong khi Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ canh phòng biên giới Kampuchea thì Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ tiếp tục lùng và diệt địch ở một vùng trọng điểm khác là vùng đồng bằng duyên hải Trung phần, chủ yếu ở Bình Định, địa bàn hoạt động của Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3 chủ lực thuộc Quân khu 5 của Việt Cộng.

Đầu năm 1967, Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ đã phối hợp với Lữ đoàn 3 / Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Thayer II ở Bồng Sơn. Kết quả chỉ đụng độ nhẹ với Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Bắc Việt.

Ngày 11 tháng 2, Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Pershing nhằm lùng đánh các đơn vị địch ở bắc Bình Định, và đã hai lần chạm súng với Trung đoàn 18 Bắc Việt.

Vào tháng 5, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ cũng đã hành quân sang cả Quảng Ngãi nhưng không có vụ chạm địch nào đáng kể.

Ở khu Phi Quân sự, vùng trọng điểm thứ tư trong chiến tranh Việt Nam, tình hình đã sôi động từ cuối năm 1966 và sang đầu năm 1967 hoạt động xuất phát từ Bắc Việt Nam qua vùng này đã trở thành thường trực khiến cho tướng Westmoreland phải gấp rút thành lập “Lực lượng đặc nhiệm Oregon” tương đương một Sư đoàn ở Chu Lai gồm Lữ đoàn 196 Khinh binh rút từ miền Nam ra, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh chuyển từ Cao Nguyên xuống, và Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 101 Không vận từ Pleiku đến. Khi lực lượng đặc nhiệm Oregon bắt tay vào hoạt động ở Quảng Ngãi và Quảng Tín thì Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dồn quân ra Thừa Thiên, Quảng Trị.

Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến lập Bộ Chỉ huy hành quân ở Đông Hà điều khiển hoạt động của một hệ thống căn cứ ở phía nam khu Phi Quân sự, từ Đông Hà về phía tây có các căn cứ Cam Lộ, Carroll, Khe Sanh dọc theo đường 9 và hai căn cứ tiều tiêu Gio Linh và Cồn Tiên nằm cách phía nam khu Phi quân sự vài cây số.

Sau khi lập căn cứ, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động lùng và diệt địch bằng cách tung các toán tuần tra rộng khắp và một khi phát hiện được địch thì lực lượng đã bố trí sẵn ở các căn cứ dọc đường 9 mở các cuộc tiến công.

Ngày 27 tháng 2 một đội tuần tra của Trung đoàn 4 Thủy quân lục chiến đã chạm địch ngoài căn cứ Cam Lộ, và một Đại đội có xe tăng yểm trợ đã tới tiếp ứng nhưng vì có một xe tăng bị hư nên phải đóng vị trí đêm dã ngoại. Sáng hôm sau Đại đội này bị quân Bắc Việt tiến công ba lần liên tiếp nhưng cầm cự được, và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 3 Thủy quân lục chiến đã được điều đến tăng cường. Trong khi đó một Đại đội khác của Trung đoàn 4 Thủy quân lục chiến trực thăng vận xuống một ngọn đồi nhằm chặn đường rút lui của địch không ngờ nơi đó đã là một trận địa đối phương đã chuẩn bị sẵn nên đại đội này không cựa quậy được khiến cho Thủy quân lục chiến phải đưa thêm một Đại đội nữa đến hỗ trợ. Đồng thời Tiểu đoàn 2/3 Thủy quân lục chiến từ vị trí bị đánh hôm trước cũng được lệnh tiến đến địa điểm đang có giao tranh. Mới xuất quân được một lúc thì Tiểu đoàn lại bị phục kích, phải chạy lui lại chỗ cũ, và rồi cả chu vi phòng thủ cũng bị hỏa lực địch khống chế, máy bay không đáp xuống được để tản thương. Cuối cùng Thủy quân lục chiến phải đưa thêm nhiều lực lượng nữa vào trận thì địch mới rút.

Trung tuần tháng 3, chiến sự bùng lên về phía tây đường 9 gần căn cứ Khe Sanh, nơi mà tướng Westmoreland vào cuối năm 1966 đã lưu ý Thủy quân lục chiến phải canh chừng khi

Sư đoàn 324 Bắc Việt bắt đầu đánh phá. Căn cứ Khe Sanh có một sân bay nhỏ, bao quanh là những đồi tre rất rậm rạp, thường xuyên có một Đại đội Thủy quân lục chiến đóng giữ để theo dõi các hoạt động của địch.

Ngày 16 tháng 3, một Trung đội của Đại đội B Thủy quân lục chiến từ một vị trí tuần tra đêm trên đồi 861 trở về căn cứ đã bị phục kích và khi một Trung đội khác đến tiếp tay thì cũng bị đánh luôn. Sư đoàn 325 Bắc Việt đã xuất hiện ở vùng quan yếu này.

Hơn một tuần lễ sau, vào ngày 24 một tổ tiền thám của Đại đội B thuộc Trung đoàn 9 Thủy quân lục chiến lại bị phục kích ở một khoảng rừng tre cũng ở trên đồi 861. Nhiều Trung đội đã đến tăng cường và ngày hôm sau thêm một Đại đội nữa được điều vào trận nhưng Thủy quân lục chiến vẫn không tiến lên được vì đụng phải một hệ thống công sự rất kiên cố. Ngày kế tiếp một đại đội nữa từ trại Carroll đã nhập trận song vẫn không thay đổi được tình hình. Tối hôm đó tất cả lực lượng Thủy quân lục chiến phải rút khỏi đồi.

Mục tiêu này xem ra khó nhá nên phía Hoa Kỳ phải chuyển Tiểu đoàn 2/3 Thủy quân lục chiến từ khu vực Quảng Trị tới tiếp sức thêm đồng thời cho máy bay và pháo binh bắn phá liên tục suốt ngày đêm. Cho đến ngày 28 tháng 3 lực lượng Thủy quân lục chiến lúc đó đã lên tới 3 Tiểu đoàn mới làm chủ được ngọn đồi.

Vào ngày 30 tháng 3, Tiểu đoàn 3/3 Thủy quân lục chiến mở cuộc tiến công lên đồi 881 Nam. Khi lực lượng Hoa Kỳ sắp leo lên đến đỉnh đồi thì bị địch từ các hầm hào bổ vây tứ phía. Trực thăng võ trang và phi cơ chiến đấu phải yểm trợ tiếp cận rất quyết liệt Tiểu đoàn này mới rút khỏi được nhưng đã có một Đại đội bị loại khỏi vòng chiến. Ngày hôm sau pháo và bom cầy nát vị trí quân Bắc Việt, và cuối cùng vào ngày 2 tháng 5 đồi 881 Nam mới lọt vào tay Thủy quân lục chiến.

Cũng ngày 2 tháng 5 Tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến tiến đánh đồi 881 Bắc. Cuộc tiến công ngọn đồi này cũng không kém phần chật vật. Đến tối hôm đó vẫn không chiếm được, và sáng hôm sau lại còn bị địch phản kích mạnh mẻ. Phi cơ và pháo binh can thiệp suốt cả ngày, và sang ngày kế tiếp Thủy quân lục chiến mới chiếm được mục tiêu sau khi đã thanh toán từng pháo đài, từng ổ súng của đối phương.

Cuộc thanh toán mấy ngọn đồi đã xong. Thủy quân lục chiến để lại một Tiểu đoàn ở Khe Sanh để canh chừng.

Ngoài hình thức giao tranh thông thường, từ đầu năm 1967 ở phía Nam khu Phi Quân sự đã diễn ra các cuộc đấu pháo trực tiếp giữa Bắc Việt và lực lượng Hoa Kỳ.

Vào ngày 30 tháng 2, Pháo binh hạng nặng của Hoa Kỳ bố trí ở Cồn Tiên đã pháo qua khu Phi Quân sự sang lãnh thổ Bắc Việt Nam và sau đó pháo thường xuyên. Bắc Việt đã đáp lễ. Đặc biệt nhất là đêm 6 rạng 7 tháng 3, Trung đoàn 84 pháo hỏa tiễn ĐKB âm thầm vượt sông Bến Hải mấy ngày trước đã phối hợp với các đơn vị Pháo binh của các đơn vị Bắc Việt có mặt sẵn ở phía nam giới tuyến pháo vào một vài vị trí của Hoa Kỳ hơn 1.000 quả đạn các loại. Trung tuần tháng 3, Bắc Việt Nam đưa pháo hạng nặng xuống sát bờ sông Bến Hải và sẩm tối ngày 20 tháng 3 bắn vào căn cứ Gio Linh phía nam cầu Hiền Lương 6 cây số 1.120 trái đại bác, và cùng đêm đó một đơn vị pháo hỏa tiễn của Quân Bắc Việt cũng đã vượt sông Bến Hải bắn vào Đông Hà 250 trái.

Trong khi Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến trấn giữ vùng giới tuyến thì Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến liên tục mở các cuộc hành quân lùng và diệt ở Quảng Nam để bảo vệ những vùng ưu tiên quốc gia như thung lũng Phước Hạ nằm giữa Chu Lai và Đà Nẵng.

Ngày 21 tháng 4, một Đại đội Thủy quân lục chiến đóng ở một cao điểm chế ngự thung lũng đã chạm súng với Trung đoàn 3 của Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5 Việt Cộng, và phía Hoa Kỳ đã đưa 2 Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến đến đối phó. Chiến sự kéo dài 4 ngày liền cho đến 25 tháng 4 đối phương mới chịu rút nhưng khi lực lượng hành quân truy kích thì đã gặp sự kháng cự mãnh liệt, và đã bị thiệt hại nặng mới làm chủ được trận địa vào ngày 10 tháng 5.

Nửa tháng sau, Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến lại mở cuộc hành quân Union II nhằm lùng đánh Trung đoàn 21 thuộc Sư đoàn 2 chủ lực Việt Cộng ở dẫy đồi phía bắc Tiên Phước, và ở đây cũng đã có nhiều cuộc giao tranh ác liệt.

Trong địa phận tỉnh Quảng Ngãi, Lực lượng đặc nhiệm Oregon cũng ra sức mở những cuộc hành quân lùng và diệt địch. Ngày 11 tháng 5 Lữ đoàn 1/101 Không vận mở cuộc hành quân Malheur ở khu vực Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Trong cuộc hành quân kéo dài mấy tháng Lữ đoàn này chỉ có những cuộc chạm súng nhẹ với đối phương nhưng đã khám phá được nhiều kho vũ khí, đạn dược nhỏ rải rác.Trong 6 tháng đầu của năm 1967, năm mà phía Hoa Kỳ và Nam Việt Nam thực sự tiến hành cuộc phản công chiến lược, người ta thấy nổi bật những điểm sau đây:

Thứ nhất, phía Hoa Kỳ chủ động ở một số vùng như đông Nam phần, Cao Nguyên và duyên hải Trung phần, nhưng ở vùng giới tuyến Quảng Trị – Thừa Thiên thì lại ở vào thế bị động đối phó với những hoạt động ngày một mạnh mẽ và quy mô hơn do chính Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Bắc Việt điều khiển.

Thứ hai, những cuộc hành quân lùng và diệt quy mô dường như chưa mở ra được những triển vọng tốt đẹp. Chưa hề có đơn vị chủ lực cấp sư đoàn nào của địch bị đánh quỵ và cũng chưa hề có khu căn cứ chiến lược quan trọng nào của Cộng Sản bị vô hiệu hóa.

Thứ ba, đã có nhiều trận đánh đẫm máu trong đó các đơn vị chủ lực Cộng Sản bị thiệt hại rất nặng nề nhưng thương vong của Hoa Kỳ cũng ở mức không dễ dàng chấp nhận đối với công chúng Mỹ trong một cuộc chiến tranh kéo dài không có trận tuyến và mục tiêu rõ ràng.

Thứ tư, công cuộc bình định nông thôn mặc dù đã được chấn chỉnh và xúc tiến mạnh mẽ song kết quả vẫn còn ở mức khiêm nhường.

Thứ năm, Hà nội không lui bước. Hoa Kỳ đưa thêm quân vào Nam Việt Nam thì Bắc Việt cũng leo thang mạnh mẽ không kém gì và Liên Xô, Trung Cộng thi nhau hà hơi tiếp sức cho người lính xung kích kiên cường của chủ nghĩa Cộng Sản.

Tóm lại chưa có một dấu hiệu cụ thể nào cho thấy cuộc phản công chiến lược của tướng Westmoreland nhanh chóng đưa đến kết quả mà phía Hoa Kỳ trông đợi.

Đã thế, cuộc chiến tranh Không quân mà Hoa Kỳ tiến hành ở Bắc Việt Nam nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến tranh trên bộ ở Nam Việt Nam lại cũng vẫn nhì nhằng.

Sau cuộc hưu chiến và dịp lễ Giáng Sinh 1966, ngày 15 tháng 1, 1967 Hoa Kỳ mở lại các cuộc oanh tạc ở ngoài khu vực cấm chỉ chung quanh Hà nội nhằm phá hủy đường xe lửa, cầu cống, và một số vị trí hỏa tiễn SAM. Tết Nguyên Đán Việt Nam nghỉ vài ngày rồi lại oanh tạc, nhưng vẫn chỉ oanh tạc hạn chế bởi vì cũng vào tháng 2 Đô đốc Sharp, Tổng Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đã nêu lại vấn đề gài mìn các cảng chính của Bắc Việt nhưng không được chấp thuận mặc dù 85% hàng nhập khẩu vào Bắc Việt đã qua cảng Hải Phòng, và chỉ riêng trong năm 1966 Liên Xô đã đưa vào Bắc Việt 530.000 tấn hàng bằng đường biển. Tổng thống Johnson chỉ cho phép đánh phá một số mục tiêu ít gây ra phản ứng của Hà nội và đồng minh của họ, nhất là Liên Xô chẳng hạn như những máy điện còn lại ở Bắc Việt trừ khu vực Hà nội, Hải Phòng, nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy xi măng ở Hải Phòng, thả mìn các sông và cửa biển của Bắc Việt từ vĩ tuyến 20 trở xuống, và dùng pháo của Hải quân bắn vào những mục tiêu ở bờ biển Bắc Việt.

Được phép rồi song do thời tiết xấu nên phải đợi đến tháng 3 nhịp độ oanh tạc mới gia tăng. Ngày 10 và 11 tháng 3 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc nhà máy gang thép Thái Nguyên, và kế đến là nhà máy điện ở Việt Trì và Bắc Giang. Sang tháng 4 và 5 phi trường Kép cách Hà nội 37 dặm, phi trường Hòa Lạc ở phía tây Hà nội 24 dặm, phi trường Kiến An cách Hải Phòng 6 dặm, và Cầu Đuống cách Hà nội không bao xa đã là những mục tiêu oanh kích của phi cơ Hoa Kỳ.

15- 2. Chiến tranh chưa có triển vọng sớm chấm dứt
trong khi phong trào phản chiến rộ lên ở Hoa Kỳ và trên thế giới

Cuộc oanh tạc Bắc Việt trong những tháng đầu năm 1967 đã gây thêm tổn thất cho Hà nội nhưng vẫn không làm cho họ nhụt chí. Phe ông Hồ Chí Minh không những gồng mình chịu đựng mà còn tăng cường đối đầu với Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh trên bộ có chiều hướng kéo dài trong khi đó công chúng Hoa Kỳ đã nôn nóng muốn kết thúc sớm khiến Tổng thống Johnson phải triệu tướng Westmoreland về nước trấn an dư luận.

Ngày 24 tháng 4 năm 1967 tướng Westmoreland phát biểu ý kiến tại bữa ăn trưa của Hiệp hội báo chí ở khách sạn Waldorf – Astoria tại Nữu Ước, nơi mà ở ngay ngoài cửa những người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam đã đốt hình nộm của ông.

Tướng Westmoreland nói: “Mặc dù tình hình quân sự thuận lợi nhưng kết thúc vẫn chưa ló rạng”, và triển khai thêm trong khi trả lời một câu hỏi liên quan đến nhận xét này:

“Vấn đề đặt ra là phải gây sức ép tối đa với đối phương ở bất kỳ đâu và ở mọi nơi. Chúng ta phải đánh cho họ mòn mỏi. Trên thực tế, chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao trong khi con đường duy nhất khác là chiến tranh tiêu diệt.” (7)

Về đối phương, vị Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam nhận xét: “Chiến dịch quân sự theo quan điểm của địch chỉ là một bộ phận của một cuộc tiến công trường kỳ và được phối hợp cẩn thận mà họ đang tiến hành trên trường quốc tế, nơi mà đáng tiếc là tôi đã thấy có những dấu hiệu thành công… Qua sự kết hợp khéo léo chiến tranh tâm lý với chiến tranh chính trị, địch đã tranh thủ được sự ủng hộ của công luận trên thế giới làm cho họ hy vọng sẽ giành được về mặt chính trị, điều mà họ không thể giành được về mặt quân sự.” (8) Nhân chuyến về Mỹ này, tướng Westmoreland cũng đã được chỉ thị của Tổng thống Johnson ra tường trình trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ về tiến triển của chiến tranh Việt Nam vào ngày 28 tháng 4. Trong buổi tường trình tướng Westmoreland đã thận trọng không dùng từ “chiến thắng” vì theo ông hiểu “mục đích quốc gia không phải là giành chiến thắng quân sự đối với Bắc Việt Nam.” (9) Ông đã lách khéo: “Chúng ta đang cung cấp “cái mộc an ninh cho Việt Nam Cộng Hòa phát triển và thịnh vượng” (10) và sau khi cảnh giác về sự thiếu quyết tâm của Hoa Kỳ, đã khẩn khoản nói rằng “Được nước nhà ủng hộ bằng sự kiên định, tin tưởng, kiên trì, quả quyết, và hỗ trợ liên tục, chúng tôi sẽ khắc phục được sự xâm lược của Cộng Sản ở Việt Nam.” (11)

Lời trấn an của tướng Westmoreland dường như không có tác dụng gì mấy. Công chúng Mỹ đã có thành kiến về chiến tranh Việt Nam, điển hình là Thượng nghị sĩ William Fulbright đã nhận xét về bài diễn văn của tướng Westmoreland: “Về phương diện quân sự thì tốt. Nhưng vấn đề đặt ra là cái chính sách đã đưa con em chúng ta đến đó.” (12)

Thực vậy, cứ thêm một quan tài phủ quốc kỳ Mỹ về nước thì phong trào phản chiến lại thêm vây thêm cánh. Thanh niên Mỹ không muốn đi lính sang Việt Nam, và những người Mỹ thuộc giới nghèo, nhất là trong số người da đen, không muốn Chính quyền Johnson dồn sức người sức của vào chiến tranh Việt Nam. Ngày 25 tháng 3, Mục sư người da đen Martin Luther King Jr. đã dẫn đầu một đoàn biểu tình phản chiến khoảng 5.000 người ở Chicago tuyên bố: “Chiến tranh Việt Nam là một sự xúc phạm đối với tất cả cái gì mà Hoa Kỳ tượng trưng.” (13) Tiếp đến ngày 4 tháng 4 Mục sư King chỉ ra rằng hiện thời đang có sự liên kết giữa phong trào đòi dân quyền và phong trào đòi hòa bình, và đề nghị: Hoa Kỳ (a) ngưng mọi cuộc oanh tạc ở Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam; (b) tuyên bố một cuộc hưu chiến đơn phương với hy vọng sẽ dẫn đến những cuộc hòa đàm; (c) ấn định thời hạn rút tất cả binh đội ra khỏi Việt Nam; (d) dành cho “Mặt trận dân tộc giải phóng” một vai trò trong các cuộc thương thuyết. Vào thời điểm đó ý kiến của Mục sư King chưa có trọng lượng lắm nhưng dù sao thì cũng đã là một dấu hiệu báo trước một sự phân hóa rất đáng quan ngại trong xã hội Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam.

Vào ngày 15 tháng 4 đã có hai cuộc biểu tình tuần hành lớn chống chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tại Nữu Ước, khoảng từ 100.000 đến 125.000 người đã đến nghe diễn văn của các ông Martin Luther King, Floyd McKissick, Stokeley Carmichael, Bác sĩ Benjamin Spock, và trước khi diễn hành thanh niên đã đốt 200 thẻ quân dịch. Ở San Francisco 20.000 người phần lớn là da trắng đã tham dự biểu tình do những người da đen theo chủ nghĩa dân tộc đứng ra tổ chức.

Rồi thì Thượng nghị sĩ William Fulbright còn chống chính sách của Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn. Ông ta nói rằng không còn tin tưởng vào những lời tuyên bố của Tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Dean Rusk va Bộ trưởng quốc phòng McNamara nữa, và cũng đả kích luôn một sổ bạn đồng viện của ông mà ông cho rằng đã ủng hộ chiến tranh Việt Nam vì bị chi phối bởi quyền lợi trong nền kỹ nghệ quốc phòng ở tiểu bang của họ.

Trên trường quốc tế, nhiều chính khách từng lên tiếng chống chiến tranh Việt Nam nay lại lớn tiếng hơn. Ngày 1 tháng 1, 1967 trong bức thông điệp đầu năm của mình, Tổng thống Pháp De Gaulle kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt “sự can thiệp khả ố của họ ở Việt Nam” (14) Một khi lòng tham đã bốc lên mắt thì ôi thôi một chính khách có tiếng là nhìn xa lại chỉ thấy gần! Giả sử Hoa Kỳ không can thiệp ở Việt Nam thì Pháp cũng chẳng sơ múi gì. Mấy tay chủ hụi Liên Xô, Trung Cộng đã chực sẵn.

Về phần ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc thì lần này không còn lời lẽ ngoại giao nữa. Ông ta nói thẳng: “(1) Mặt trận dân tộc giải phóng là một thực thể độc lập và không phải là “tay sai” của Bắc Việt Nam; (2) cái gọi là thuyết đô- mi-nô không thể tin cậy được; (3) Nam Việt Nam không phải là cốt tử đối với quyền lợi và an ninh của phương Tây.” (15) Gác sang một bên hai điểm liên quan đến Hoa Kỳ. Nhưng về cái điểm một kia thì người ta phải tự hỏi tại sao thế giới lại mượn một hạng người ngốc nghếch như vậy làm Tổng thư ký Liên Hiệp quốc.

Ngày 11 tháng 5 ông U Thant lại lên tiếng cảnh giác thế giới đang chứng kiến giai đoạn mở đầu của Thế Chiến III, và theo lời ông ta: “Nếu chiều hướng hiện nay tiếp diễn, tôi e rằng cuộc đối đầu trực tiếp trước tiên là giữa Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh sẽ không thể tránh được.” (16) Hồi đó nghe thấy thế ai mà chẳng hoảng. Về sau này người ta mới vỡ lẽ Trung Cộng đã đánh một canh bạc bịp lớn nhất thế giới. Nước họ đang đánh nhau chí chóe trong “Cuộc Cách mạng văn hóa” thì còn lòng dạ nào mà đưa chí nguyện quân sang Việt Nam. Vả lại, dã tâm của họ là nuôi dưỡng cuộc chiến tranh Việt Nam qua đó nhích lại với Hoa Kỳ, dùng “con hổ giấy” để nát “con gấu Bắc cực”.

Ai mà chẳng sai lầm cho nên có thể bỏ qua được chuyện lộng ngôn hàm hồ của ông U Thant. Tuy nhiên, không dễ dàng xí xóa việc ông ta lợi dụng tư cách của một chính khách phương đông để ăn nói càn rỡ làm thiệt mạng bao nhiêu sinh linh. Là một người tai mắt của dân da vàng mà lại phát biểu ý kiến về một vấn đề của người da vàng thì ít nhiều gì người ta cũng tin. Nhưng như Thúy Kiều đã trách mình trước cái chết của Từ Hải: “Tin tôi nên mới nghe lời…” Nếu như còn sống thì biết đâu ông U Thant lại chẳng thốt ra những lời lẽ tương tự của một cô gái phong trần bạc mệnh và biết đâu lại chẳng nhẩy xuống sông Irrawaldy như Kiều đã gieo mình xuống Tiền đường. Nhưng thôi chết là hết. Những người Việt Nam chịu biết bao nhiêu bất hạnh, oan khiên vì cuộc chiến tranh Việt Nam mà thấm nhuần tinh thần nhân bản bao dung của phương đông giờ đây hẳn là sẵn sàng dùng những sách báo của Hà nội viết về “Mặt trận dân tộc giải phóng” sau năm 1975 làm thành mấy lá vàng đốt cho ông để ông khỏi phải nghe “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du vào “tiết tháng bẩy mưa dầm sùi sụt”.

Công luận Hoa Kỳ và thế giới phản đối chiến tranh Việt Nam đã thực sự gia tăng. Không những thế, ngay trong nội bộ giới cầm quyền cao cấp nhất của Chính quyền Johnson cũng đã manh nha khuynh hướng giảm thang chiến tranh.

Vào dịp có mặt ở Oa-sinh-tơn, tướng Westmoreland đã thảo luận với Tổng thống Johnson cũng như các giới chức dân sự và quân sự liên hệ về vấn đề tăng quân vượt con số 470.000 chấp thuận cho năm 1967 mà ông đã đề nghị trước khi về Mỹ. Bộ tư lệnh viện trợ Quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam đã đệ trình hai kế hoạch. Kế hoạch thứ nhất gọi là “lực lượng cần thiết tối thiểu” gồm 80.500 quân tức là số quân Hoa Kỳ ở Việt Nam sẽ lên đến 500.500; kế hoạch thứ hai tăng thêm 200.00 quân, đưa mức quân lên 670.00 để vừa đẩy mạnh các hoạt động ở Nam Việt Nam vừa có khả năng đánh sang các căn cứ của Cộng Sản ở Lào và Kampuchea. Khi Bộ trưởng Quốc phòng McNamara yêu cầu tướng Westmoreland ước tính xem phải mất bao lâu mới giảm được sự dính líu của Hoa Kỳ đối với mỗi kế hoạch thì tướng Westmoreland trả lời tăng ít thì mất 5 năm tăng nhiều thì mất 3 năm. Cuối cùng, vấn đề tăng quân bị bỏ lửng vì nó liên quan đến việc gọi quân trừ bị có hệ quả rất sâu rộng về mặt chính trị đối với Chính quyền Johnson. Tổng thống Johnson có vẻ nghiêng về đề nghị gọi quân trừ bị nhưng ông McNamara lại không tán thành.

Vào ngày 5 tháng 5, sau khi tướng Westmoreland đã trở lại Sàigòn, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ McNaughton đề nghị giới hạn cuộc chiến tranh Không quân vào khu vực từ vĩ tuyến 20 trở xuống phía nam để giảm bớt tổn thất về người và máy bay trên không phận Hà nội, Hải Phòng là những nơi có hệ thống phòng không dầy đặc. Cũng vào dịp này ông McNaughton nói rằng ông đã đề nghị tăng 80.000 quân nữa cho tướng Westmoreland và đã bình luận thêm: “Giới hạn yêu cầu tăng quân ở mức 80.000 làm được một việc rất quan trọng là hoãn được vấn đề gọi quân trừ bị… nhưng chỉ hoãn được mà thôi.” (17) Việc giảm oanh tạc Bắc Việt do nhóm McNamara khởi xướng đã được sự biểu đồng tình của Cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow, một người từ trước đến nay vẫn chủ trương oanh tạc mạnh mẽ. Thêm vào đó, ông Rostow cũng đã bác bỏ đề nghị gài mìn các cảng cũng như tiến công các bến cảng của Bắc Việt.

Khuynh hướng xuống thang chiến tranh của nhóm McNamara đã bộc lộ rõ nét vào tháng 9 năm 1966 khi tướng Alfred D. Starbird thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho tướng Westmoreland biết là ông McNamara đang tính lập một hàng rào điện tử dọc theo khu Phi Quân sự ngăn cách hai miền nam, bắc Việt Nam, ngang qua cả Lào sang tận Thái Lan.

Ý kiến lập hàng rào này do nhóm kỹ thuật gia nằm trong “Dự án Jason” của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đề xướng và đã được ông McNamara nghe theo chủ yếu vì ông ta không tin Chiến dịch Sấm Rền oanh tạc Bắc Việt có thể chặn đứng được sự xâm nhập vào Nam Việt Nam, và hơn nữa với bộ óc thiên về kỹ thuật và tính toán doanh thương, nghĩ rằng hàng rào này sẽ có hiệu quả, lại rẻ hơn chi phí oanh tạc và giảm được những hệ quả chính trị do chiến dịch oanh tạc gây ra.

Phe quân sự Mỹ không tán thành. Đô đốc Sharp và tướng Westmoreland đều cho rằng hàng rào này sẽ ngốn mất nhiều quân vào nhiệm vụ phòng thủ cố định nhưng không làm gì khác hơn là tuân hành chỉ thị của Bộ trưởng quốc phòng.

Đầu tháng 4 năm 1967 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bắt đầu yểm trợ cho việc lập hàng rào điện tử gồm một tuyến chạy dài khoảng 40 cây số được ủi quang, rào kẽm gai và có đặt nhiều khí cụ tối tân như mìn, máy phát hiện tiếng động, máy phát hiện xâm nhập sử dụng tia hồng ngoại. Khi trung tâm điều hợp nhận được tín hiệu phát ra từ các khí cụ thì phía Hoa Kỳ sử dụng mọi phương tiện như pháo binh, phi cơ, đại bác trên tàu chiến ở ngoài khơi bắn vào nơi có xâm nhập.

Tuy nhiên, việc thiết lập “hàng rào McNamara” như người ta thường gọi để hàm ý bất bình đối với kế hoạch này, không tiến triển được mấy vì pháo binh tầm xa của Bắc Việt cản trở, và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ phải lo đối phó với hoạt động ngày một gia tăng của đối phương ở khu vực giới tuyến, chỉ làm được một vài đoạn giở giăng giở đèn. Cuối cùng, cái hàng rào mà ông McNamara công bố và báo chí Mỹ quảng cáo rùm beng đã rơi vào cảnh đánh trống bỏ dùi.

Nhược điểm về mặt quân sự đã được những nhân vật cao cấp có trách nhiệm vạch ra. Không có hàng rào nào có hiệu quả nếu không có quân lính canh chừng. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là Lào không chấp nhận cho làm hàng rào qua lãnh thổ của họ, và như vậy thì dù có hoàn tất chăng nữa cũng không có công hiệu như nhóm kỹ thuật gia của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và ông McNamara trông đợi. Nhà trọc phú rào trước mặt lại không rào bên hông trong khi kẻ trộm từ trước đến nay vẫn “ra vô thong thả” qua cửa hông.

Mấy trăm năm trước ông Đào Duy Từ ra phò nhà Nguyễn đưa sáng kiến lập Lũy Thày dọc sông Gianh ngăn cách hai miền cát cứ của các giòng họ Trịnh, Nguyễn ở Việt Nam, và đã thành công phần nào. Ngày nay ông McNamara phò Tổng thống Johnson cũng đã làm một công việc na ná như vậy nhưng tiếc thay lại không đi đến đâu!

Trong khi Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ khởi sự làm “hàng rào McNamara” để chuẩn bị xuống thang chiến tranh ở Bắc Việt như người đứng đầu Ngũ Giác Đài dự tính thì Không quân và Hải quân Hoa Kỳ vẫn được phép tiếp tục oanh tạc. Tháng 6 và 7, 1967 phi cơ Hoa Kỳ được phép đánh phá một lần các nhà máy điện ở khu vực Hà nội – Hải phòng nhưng tập trung nhất vẫn là tuyến đường xe lửa đông bắc Hà nội, các mục tiêu xung quanh Hải phòng, và vùng phía bắc khu Phi Quân sự. Chỉ riêng trong tháng 6 trên tuyến đường xe lửa đông bắc đã có 900 toa xe lửa bị phá hủy hoặc hư hại. Tính chung, cho đến đầu tháng 8, 1967 Bắc Việt Nam đã bị thiệt hại 26% doanh trại, 76% các kho đạn dược, 87% các kho chứa dầu, 30% cơ xưởng hỏa xa, 100% các nhà máy làm chất nổ, 90% nhà máy gang thép Thái Nguyên, 90% nhà máy xi măng Hải Phòng, 56% cầu cống, 20% cơ sở chỉ huy.

Trong 3 tháng cuối năm 1967, nhiều mục tiêu trước kia bị cấm nay được phép đánh phá. Ngày 10 tháng 9 Cẩm Phả, một hải cảng lớn vào hàng thứ ba của Bắc Việt bị oanh tạc. Rồi một số mục tiêu trong khu vực hạn chế chung quanh Hà nội và Hải phòng cũng đã ăn bom của phi cơ Hoa Kỳ. Cầu Long Biên sát trung tâm Hà nội bị oanh tạc nặng nề vào ngày 25 và 28 tháng 10.

Sang tháng 11, vào ngày 7 xưởng đóng tàu và cơ sở sửa chữa cách Hải Phòng 12 dặm từ trước đến giờ chưa bị đụng tới đã trở thành mục tiêu oanh tạc.

Trung tuần tháng 12 phi cơ Hoa Kỳ giội bom cơ xưởng hỏa xa Yên Viên cách Hà nội 6 dặm về phía đông. Vào ngày 19 tháng 12 phi cơ Hoa Kỳ được phép bay qua hai vùng mục tiêu trước kia vẫn bị cấm là khu vực hạn chế bao quanh Hà nội và dải đất cách biên giới Trung Quốc 20 dặm nhưng muốn oanh tạc chỗ nào trong hai nơi này thì vẫn phải có sự chấp thuận trước của Oa-sinh-tơn.

Cùng với việc oanh tạc bằng máy bay, các chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục pháo vào các mục tiêu ở bờ biển Bắc Việt từ vĩ tuyến 20 trở xuống phía Nam, trung bình từ 12.000 đến 15.000 trái mỗi tháng.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã có ý muốn xuống thang chiến tranh và mặc dù việc xin tăng quân của ông cho năm 1968 chưa ngã ngũ, tướng Westmoreland vẫn tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh tiêu hao qua các cuộc hành quân lùng và diệt địch. Tuy nhiên, trong mùa hè năm 1967 chiến sự tương đối lắng dịu ngoại trừ hai điểm nóng là giới tuyến và Cao Nguyên Trung phần.

Ở khu vực giới tuyến, ngày 2 tháng 7 một Đại đội của Tiểu đoàn 1/9 Thủy quân lục chiến đã bị Trung đoàn 90 thuộc Sư đoàn 324 Bắc Việt phục kích cách căn cứ Cồn Tiên không bao xa. Phần còn lại của Tiểu đoàn 1/9 có xe tăng yểm trợ đến tiếp ứng đã phải đánh nhau kịch liệt với đối phương mới giải cứu được có 27 người còn sống sót. Đại đội bị phục kích gồm 300 người thì đã chết mắt 100 và gần 200 bị trọng thương. Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến đưa thêm hai Tiểu đoàn nữa vào trận, và giao tranh đã diễn ra rất dữ dội dưới sự yểm trợ của pháo binh của cả đôi bên cho đến ngày 8 mới chấm dứt.

Trong tháng 8 căn cứ Đông Hà bị quân Bắc Việt tiến công bằng cả pháo binh lẫn hỏa tiễn. Nhiều kho xăng, kho đạn bị cháy mấy ngày liền và hầu như cả 1 Tiểu đoàn trực thăng đã bị loại khỏi vòng chiến.

Trên Cao Nguyên Trung phần, vào tháng 6 trại Lực lượng đặc biệt Dakto cách Kontum 40 cây số về phía tây bắc bị đe dọa. Lực lượng Hoa Kỳ và Nam Việt Nam được điều tới đối phó, và trong tháng 6 và 8 đã có một vài trận đánh gay go giữa lực lượng Đồng minh với quân Bắc Việt thuộc Mặt trận Tây nguyên.

Về phía Cộng Sản, mùa hè năm 1967 đã có những thay đổi lớn trong các chức vụ cao cấp của họ về miền Nam sau cái chết của tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Miền. Hồi ấy tình báo Hoa Kỳ cho rằng ông ta đã chết vì trúng bom B52 nhưng theo tin của phía Bắc Việt thì khoảng tháng 6 tướng Nguyễn Chí Thanh đã ra Hà nội báo cáo tình hình, và ngày 6 tháng 7 Bộ Chính trị Trung ương đảng Lao động Việt Nam mở tiệc tiễn hành trước khi ông lên đường trở lại Nam Việt Nam. Quá chén đêm đó, tướng Nguyễn Chí Thanh lên cơn đau tim rồi đột ngột từ trần. Nhân dịp này, Hà nội đã sắp xếp lại các Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở miền Nam. Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Bắc Việt được cử làm Bí thư trung ương Cục kiêm Chính ủy Miền. Hoàng Văn Thái, Ủy viên trung ương Đảng, Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Bắc Việt, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 chuyển vào làm Tư lệnh Miền. Chu Huy Mân, Ủy viên Trung ương đảng, Thiếu tướng nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, làm Tư lệnh Quân khu 5. Hoàng Minh Thảo, Thiếu tướng làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Trần Văn Quang, Ủy viên trung ương đảng, Thiếu tướng, làm Tư lệnh Quân khu Trị – Thiên.

15-3. Nam Việt Nam ổn định dần về mặt chính trị với sự thiết lập nền Đệ nhị Cộng Hòa
trong đó tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống
và tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Phó Tổng thống

Về phía Nam Việt Nam, tình hình chính trị đã ổn định sau khi một Quốc Hội lập hiến gồm 116 đại biểu đã được bầu ra vào ngày 11 tháng 9, 1966. Quốc hội lập hiến đã soạn thảo thể thức bầu cử Tổng thống và Quốc hội lập pháp dự trù thực hiện vào cuối năm 1967.

Mùa hè năm đó, nhiều phe phái dân sự cũng như quân sự ráo riết chuẩn bị đưa người ra ứng cử. Có nhiều liên danh dân sự trong đó đáng kể nhất có liên danh Trương Đình Dzu – Trần Văn Chiêu công khai bầy tỏ lập trường đòi hòa bình, và theo tin đồn đã được sự hỗ trợ của Cộng Sản, Pháp, và nhóm phản chiến Mỹ. Phe quân sự không thống nhất. Hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ hợp nhau cản tướng Dương Văn Minh lúc đó đang lưu vong ở Thái Lan về nước ứng cử Tổng thống. Rồi chính hai tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ lại tranh nhau ứng cử Tổng thống, không ai chịu nhường ai.

Ngày 28 tháng 7 Hội đồng tướng lãnh họp ở Bộ Tổng tham mưu đã quyết định để tướng Nguyễn Cao Kỳ ra ứng cử Tổng thống, nhưng sáng hôm sau tướng Nguyễn Văn Thiệu đột nhiên báo cho Hội đồng tướng lãnh biết ông sẽ ra tranh cử Tổng thống với tư cách dân sự. Hội đồng Tướng lãnh lại phải họp để hòa giải, và cho biết chỉ muốn quân đội có một liên danh để nắm chắc phần thắng. Sau nhiều giờ tranh cãi gay go, tướng Nguyễn Cao Kỳ nhường cho tướng Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử Tổng thống và xin trở lại Quân đội. Tướng Nguyễn Văn Thiệu chơi trò Hàn Tín, khẩn khoản yêu cầu Hội đồng tướng lãnh chỉ định tướng Nguyễn Cao Kỳ làm ứng cử viên phó Tổng thống chung liên danh với ông. Rồi thì có thể do ai mớm trước, tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I / Vùng I Chiến thuật, vứt lon xuống bàn hô hào đoàn kết. Mọi người xuôi theo, và Hội đồng tướng lãnh chỉ định Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu ứng cử Tổng thống, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ứng cử Phó Tổng Thống. Cách giải quyết theo hệ thống quân giai ấy xem ra yên nhưng lại không ổn nên Hội đồng tướng lãnh sắp xếp để tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức “Chủ tịch Quân ủy”, và tướng Nguyễn Văn Thiệu dù có đắc cử Tổng thống vẫn phải thông qua những vấn đề quan trọng với Quân ủy.

Quân ủy, theo tổ chức của Cộng Sản, là đại diện Đảng trong quân đội và nắm chóp quân đội. Song quân ủy của Nam Việt Nam lại là Hội đồng tướng lãnh, một tổ chức sẽ không có lý do tồn tại một khi đã thiết lập chế độ Tổng thống. Ở cái xứ Việt Nam dường như ai có súng mới có thực quyền.

Dù sao đi nữa, Hội đồng tướng lãnh cũng đã tránh cho miền Nam khỏi lâm vào cái cảnh khủng hoảng lãnh đạo mà hầu như ai cũng ngấy đến mang tai rồi sau cái thời đảo lên đảo xuống dài dằng dặc từ ngày lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Vả lại, sự sắp xếp của Hội đồng tướng lãnh cũng phản ánh thực tại khách quan hồi đó. Quân đội Việt Nam Công Hòa đã nằm quyền và sẽ vẫn nắm quyền dưới cái vỏ Chính quyền dân sự và Tổng thống chế còn ai đứng đầu quân đội lại là chuyện khác.

Tướng Nguyễn Cao Kỳ có sức mê hoặc quần chúng và liều lĩnh trong những tình huống khó khăn nhưng lại có nhiều nhược điểm khiến ông không thể dễ dàng chiếm chiếu nhất trên chiến trường miền Nam. Ông là người sinh trưởng ở miền Bắc, không có hậu thuẫn rộng rãi trong giới trung lưu của xứ Đồng Nai. Ngay cả trong quân đội ảnh hưởng của ông cũng chỉ thu hẹp trong Không quân, và vây cánh trong Hội đồng tướng lãnh không ngoài mấy tướng gốc Bắc kỳ cùng khóa 1 Nam Định như Nguyễn Bảo Trị, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng. Trong khi đó tướng Nguyễn Văn Thiệu người miền Trung nhưng bù vào có người vợ gốc Mỹ Tho, lại giao thiệp tương đối rộng qua trung gian của người anh ruột, và bản thân ông trong quân đội quen biết nhiều tướng lãnh hơn tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Cá tính của tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng không thuận lợi cho ông trên đường công danh. Trong những năm biến động sau đảo chính 1 tháng 11, 1963 người ta thấy tướng Nguyễn Cao Kỳ là người nông nổi, bốc đồng, ăn nói bộp chộp trong khi tướng Nguyễn Văn Thiệu tỏ ra mưu mẹo, trầm tĩnh, thận trọng trong lời ăn tiếng nói, và có một ưu điểm đặc biệt là biết luồn lách qua những ngõ ngách cửa quyền.

Quan trọng hơn hết vẫn là thái độ của Hoa Kỳ đối với hai tướng giành nhau ra ứng cử Tổng thống. Dưới con mắt của người Mỹ, tướng Nguyễn Văn Thiệu tượng trưng cho tinh thần khuôn phép còn tướng Nguyễn Cao Kỳ lại điển hình cho cách ứng xử phóng túng không đoán trước được cho nên chẳng ngạc nhiên gì tướng Westmoreland, một người thấm nhuần tinh thần dân chủ của Hợp chủng quốc song cũng lại nặng đầu óc khuôn phép của một người nhà binh , đã cho điểm tướng Nguyễn Văn Thiệu nhiều hơn tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tuy vậy, phía Hoa Kỳ cũng đứng trước một sự lựa chọn khá khó khăn. Cả hai tướng đều thân Mỹ và cũng đều tỏ ra đáng tin cậy trong việc ổn định tình hình chính trị sau khi tướng Nguyễn Khánh ra đi.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ lúc đầu có vẻ nghiêng về tướng Nguyễn Cao Kỳ, một người mà họ cho rằng có sức lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ và có khả năng đẩy nhanh nỗ lực chiến tranh, nhưng tướng Westmoreland phản đối, và theo lời ông:

“Tôi là người độc nhất trong số các viên chức của Phái bộ Hoa Kỳ ưa tướng Thiệu hơn tướng Kỳ. Tôi đã quan sát sự thăng tiến của tướng Thiệu trong nhiều năm, từ Tư lệnh Sư đoàn lên Tham mưu trưởng Quân đội, Tư lệnh Quân đoàn, Tổng trưởng quân lực rồi Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia và Chủ tịch Hội đồng quân đội. Mặc dù Quốc trưởng hồi đó không có mẽ như Thủ tướng, ông Thiệu với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tướng lãnh, đã nắm thực quyền, một sự kiện mà ngay cả Đại sứ cũng không nắm được. Trong số những người có thể làm ứng viên, tôi thấy Nguyễn Văn Thiệu là hy vọng của xứ sở này.” (18) Đại sứ Ellsworth Bunker mới đến Sàigòn không bao lâu đã ngả theo ý kiến của một tay kỳ cựu trong vấn đề Việt Nam, và ngay từ giữa năm 1967 mọi bộ phận dân sự cũng như quân sự của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam đã quyết tâm vận dụng mọi phương tiện để thực hiện chính sách quốc gia của họ. Họ âm thầm vận động cho “gà” của họ bằng cách xoáy sâu vào một chủ đề nghe rất bùi tai là tướng Nguyễn Cao Kỳ thuộc phe thiểu số không thể làm Tổng thống của Nam Việt Nam được. Tướng Westmoreland đã nghiễm nhiên trở thành một Lã bất Vi ở xứ người!

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Nam Việt Nam diễn ra đúng như đã dự trù vào ngày 3 tháng 9 mặc dù Cộng Sản phá hoại làm cho khoảng 50 người chết và hơn 200 người bị thương. Liên danh chiến tranh Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ trúng cử với 34,8% số phiếu và Liên danh hòa bình Trương Đình Dzu – Trần Văn Chiêu chiếm 17% số phiếu, đứng hạng thứ nhì.

Sau khi đắc cử, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dựa theo ý kiến của Quân ủy, đã chỉ định ông Nguyễn Văn Lộc, một luật sư trẻ tuổi người miền Nam, làm Thủ tướng Chính phủ để giữ bộ mặt đoàn kết Bắc, Trung, Nam ở cấp cao nhất của quốc gia.

Ngày 31 tháng 10, 1967 lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và phó Tổng thống đã được tổ chức trọng thể ở Sàigòn đánh dấu sự thành lập nền đệ nhị Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam. Một thời kỳ ổn định chính trị xem ra đã có triển vọng. Tuy nhiên, sự đe dọa của Cộng Sản vẫn không giảm. Vào ngày này đặc công Cộng Sản đã len lỏi vào đô thành bắn mấy trái đạn súng cối vào lễ đài làm cho vài người bị thương. Đạn cối của đối phương nổ giữa lòng thủ đô đã hòa nhịp với tiếng súng đang rộn lên trên khắp miền đất nước báo hiệu một mùa chiến dịch nóng bỏng.

15-4. Chiến sự sôi sục trong Thu – Đông 1967 do Cộng Sản gây ra
ở miền đông Nam phần, giới tuyến, và Cao nguyên Trung phần.

Về phương diện quân sự, mùa hè tương đối lắng dịu đã qua. Bước sang mùa thu hai bên tăng cường hoạt động và chiến sự bùng lên dữ dội. Ở miền đông Nam phần, cuối tháng 9, 1967 Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Shenandoah II khai thông Quốc lộ 13 từ thị xã Bình Dương lên Lộc Ninh sát biên giới Kampuchea trong khi đó cũng khoảng thời gian này Cộng Sản mở “Chiến dịch đường 13 và Lộc Ninh”. Ngày 17 tháng 10 ở vùng đồn điền ông Thạnh cách Lai Khê chừng 20 cây số về phía đông Bắc Tiểu đoàn 2/28 của Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ đã lọt vào ổ phục kích của Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 9 chủ lực Miền Việt Cộng. Hai bên giáp chiến ngay từ phút đầu khiến cho phía Hoa Kỳ không sử dụng được phi pháo. Cho đến xế chiều Tiểu đoàn 2/28 mới gỡ ra được và phân tán thành từng toán nhỏ rút khỏi trận địa. Đã có 53 quân nhân Hoa Kỳ bị chết trong đó có Trung tá Tiểu đoàn trưởng và 58 người khác bị thương mà không ghi nhận được thiệt hại của địch.

Cuối tháng 10 Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ chuyển hướng hoạt động lên phía bắc để đối phó với sự đe dọa đang gia tăng rõ nét ở vùng Bình Long, và Phước Long. Đã có dấu hiệu cho thấy đại bộ phận khối chủ lực cơ động Miền của đối phương lởn vởn ở đây. Đêm 27 tháng 10, Trung đoàn 88 Bắc Việt mới được điều từ Mặt trận Tây Nguyên vào tăng cường cho khối chủ lực Miền của Việt Cộng đã tiến công vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 3/9 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh Nam Việt Nam ở phía Nam thị xã Bình Long. Đối phương đã bỏ lại tại trận hơn 100 xác và hơn 100 súng các loại, nhất là các khẩu AK47, đại liên có bánh xe và súng phóng hỏa tiễn chống tăng B41 mới tinh. Cách một hôm, vào đêm 29 tháng 10, Trung đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 9 chủ lực Miền Việt Cộng đánh vào Bộ Chỉ huy Chi khu Lộc Ninh và trại Lực lượng đặc biệt Lộc Ninh, cả hai đều đóng kế sân bay Lộc Ninh. Lực lượng Nam Việt Nam chống cự mãnh liệt và đứng vững qua đêm gây khá nhiều thiệt hại cho địch. Sáng hôm sau các đơn vị của Sư đoàn 5 Bộ binh Nam Việt Nam và Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ được đưa tới phối hợp giải tỏa áp lực địch.

Sáng hôm 29 Tiểu đoàn 1/18 Bộ binh Hoa Kỳ đổ quân xuống một đồn điền nằm cách sân bay Lộc Ninh 4 cây số về phía Tây đã chạm trán với Trung đoàn 165 chủ lực Quân khu 7. Giao tranh kéo dài đến hôm sau, và nhờ hỏa lực mạnh mẽ của trực thăng, pháo binh, Không quân địch mới rút chạy.

Đêm 31 tháng 10 trại Lực lượng đặc biệt ở sân bay Lộc Ninh bị tiến công lần thứ hai. Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 chủ lực Miền của Việt Cộng đã mở 3 đợt xung phong liên tiếp nhưng đều bị đẩy lui. Hai đêm sau cũng đơn vị này của đối phương lại mở cuộc tiến công thục mạng nữa nhằm chọc thủng hàng rào của trại nhưng vẫn không thành công. Xác địch đã bỏ lại la liệt sau mỗi cuộc tiến công.

Tuy nhiên, các lực lượng địch vẫn lẩn quất chung quanh Lộc Ninh, và trong một cuộc tảo thanh cách Lộc Ninh 8 cây số về phía đông Bắc vào ngày 7 tháng 11 Tiểu đoàn 1/26 Bộ binh Hoa Kỳ đã đụng độ với Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 chủ lực Miền của Việt Cộng và bị chết 18 người trong đó lại có một Trung tá Tiểu đoàn trưởng.

Ngày 19 tháng 11 Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ kết thúc cuộc hành quân Shenandoah II sau khi đã khai thông được Quốc lộ 13. Có một điều mà phía Hoa Kỳ và Nam Việt Nam rất thắc mắc không hiểu sao Cộng Sản lại phí người phí của vào một mục tiêu chẳng có ý nghĩa gì về mặt chiến lược vào lúc đó. Chỉ sau này người ta mới biết được sở dĩ họ làm như vậy vì họ muốn cho quân lính thực tập đánh vào thành thị.

Ở địa đầu giới tuyến, địch tiếp tục tiến hành các hoạt động tiến công hầu như đã trở thành thường xuyên của họ từ cuối năm 1966 với những tiến công xen kẽ với các cuộc pháo kích mạnh mẽ.

Trong tuần lễ từ 19 đến 27 tháng 10 Pháo binh Bắc Việt đã nã hơn 3.000 đạn đại bác vào Cồn Tiên và đã một vài lần mò mẫm đến hàng rào căn cứ trong khi đó Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tiếp tục hành quân ở bên ngoài, do đó đã dụng cuộc đụng độ xẩy ra.

Sẩm tối hôm 10 tháng 9, Trung đoàn 812 thuộc Sư đoàn 324 Bắc Việt ăn mặc giả Thủy quân lục chiến đã tiến công vị trí của Tiểu đoàn 3/26 nhưng dưới sự yểm trợ rất có hiệu quả của phi pháo, Tiểu đoàn này đã bẻ gẫy được tiến công của địch

Sau cuộc tiến công vừa nói, tình hình tạm yên cho đến cuối tháng 12 mới có một vụ chạm súng đáng kể nữa khi Tiểu đoàn 3/1 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tiến hành tảo thanh một số làng mạc ở phía Nam tỉnh Quảng Trị. Lực lượng hành quân đã chạm súng với Trung đoàn 716 thuộc Sư đoàn 324 Bắc Việt. Chiến sự đã kéo dài đến ngày 28 tháng 12 phía Hoa Kỳ mới chiếm được mục tiêu.

Trong khi đó ở mấy tỉnh duyên hải xa về phía Nam, các đơn vị lớn khác của Hoa Kỳ vẫn xúc tiến các cuộc hành quân lùng và diệt. Lực lượng đặc nhiệm Oregon giải thể, và Sư đoàn 23 Bộ binh Hoa Kỳ được tái lập với danh xưng “Sư đoàn Americal” do hai chữ “American” và “Caledonia” ghép tắt gợi lại tên của Sư đoàn Americal gồm các đơn vị Bộ binh hợp lại ở tân Ca-lê-đô-ni để yểm trợ cho cuộc đổ bộ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lên đảo Guadacanal trong Thế Chiến II. Sư đoàn Americal thành lập ở Việt Nam này gồm Lữ đoàn Khinh binh 196 vốn thuộc Lực lượng đặc nhiệm Oregon trước đây cộng với Lữ đoàn 198 Bộ binh và Lữ đoàn 11 Bộ binh đưa từ Hoa Kỳ sang.

Cuối tháng 11, 1967 Lữ đoàn 196 Khinh binh hoạt động ở khu vực giáp bờ biển trong tỉnh Quảng Tín đã chạm súng với lực lượng của Sư đoàn 2 Chủ lực Quân khu 5 của Việt Cộng bố trí sẵn trong một hệ thống hầm hào chằng chịt. Lực lượng hành quân đã phải tận dụng hỏa lực của pháo binh, xe tăng, Không quân và nhiều loại chất nổ khác mới đánh đuổi được đối phương khỏi vùng mục tiêu.

Ở Bình Định, một tỉnh duyên hải khác thuộc lãnh thổ trách nhiệm của Vùng II Chiến thuật, từ tháng 9, 1967 Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ đã nhiều lần giao tranh với chủ lực đối phương ở các thung lũng Bồng Sơn, An Lão nhưng đáng kể nhất là ở Tam Quan vào ngày 6 tháng 12 khi trực thăng quan sát phát hiện được sự có mặt của địch ở khu vực này.

Sau khi phát hiện được một cần ăng-ten của máy vô tuyến ở đây Sư đoàn 1 Không kỵ đổ một Trung đội thám sát xuống ngay Quốc lộ 1 chạy sát ven làng. Trung đội này lập tức bị hỏa lực địch khống chế rồi một Trung đội khác trực thăng vận xuống cánh đồng kế cận cũng bị cầm chân luôn. Sẩm tối Tiểu đoàn 1/8 Không kỵ đến nơi bằng trực thăng nhằm triệt thoái hai Trung đội bị kẹt cũng chạm với lực lượng địch nấp sau các rặng dừa bắn ra. Phía Hoa Kỳ đưa Thiết giáp tới tăng cường và các đơn vị phối hợp với nhau đóng vị trí đêm.

Ngày hôm sau, phối hợp với trung đoàn 40 của Sư đoàn 22 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ phía nam Đại Động đánh lên, lực lượng Hoa Kỳ mở cuộc xung phong vào làng nhưng đã bị chặn lại vì hỏa lực phòng thủ rất mạnh của địch. Pháo lại phải rót liên hồi với hy vọng triệt hạ được các công sự của địch song vẫn không công hiệu. Khi Tiểu đoàn 1/8 Không kỵ tiến lên thì lại bị đại bác không giật và súng phóng hỏa tiễn chống tăng B40 và B41 bắn ra ầm ầm. Phải đợi đến khi diệt xong ổ đại bác ngụy trang khéo léo kia Thiết giáp mới tràn lên được.

Buổi chiều cùng ngày một Đại đội khác của Sư đoàn 1 Không kỵ trong khi tiến công xã Đại Động gần đó cũng đã bị khựng lại ở ven làng, và chiến sự kéo dài liên tiếp mấy ngày nữa phía Hoa Kỳ mới chiếm được mục tiêu.

Trong các cuộc đụng độ ở vùng Tam Quan, tổng cộng lại lực lượng Hoa Kỳ đã bị thương vong khoảng 100 trong khi đối phương bỏ lại tại chỗ 252 xác.

Duyên hải vang tiếng súng thì Cao Nguyên cũng ngụt lửa đạn. Ở Cao Nguyên, chiến sự đã diễn ra quanh Dakto nằm về phía tây bắc thị xã Kontum 40 cây số. Trại Lực lượng đặc biệt Dakto nằm giữa khu rừng nhiệt đới hoang vu phủ kín những triền núi và đỉnh núi dốc đứng có chỗ cao đến hơn 4.000 bộ ở gần biên giới của Việt Nam, Lào, Kampuchea, và thuộc mạng lưới biên phòng trọng địa phận hai tỉnh cực bắc của Cao Nguyên Trung phần có nhiệm vụ theo dõi và ngăn chặn sự xâm nhập của lực lượng Bắc Việt Nam từ vùng ba biên giới vào lãnh thổ Nam Việt Nam.

Chiến sự ở Dakto âm ỉ từ mùa Xuân 1967 khi Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên của Cộng Sản đưa 1 Trung đoàn đếnvùng này theo kế nghi binh nhằm thu hút lực lượng của Hoa Kỳ trong khi họ mở mặt trận chính đánh Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ ở tây bắc Pleiku. Trong giai đoạn nghi binh này quân Bắc Việt lập thế trận ở những chỗ hiểm trở vây ép Trại Lực lượng đặc biệt Dakto. Thượng tuần tháng 5 các toán tuần tiễu của Trại đã phát hiện được những công sự ở những triền núi chung quanh. Ngày 26 tháng 5 Đại đội Dân sự chiến đấu hoạt động dã ngoại đã chạm với lực lượng của Trung đoàn 24 Bắc Việt. Gần một tháng sau, vào ngày 14 tháng 6 địch tiến công vị trí đêm của một Đại đội Dân sự chiến đấu của trại Dakto, và một Đại đội Dân sự chiến đấu xung kích trực thăng vận từ Pleiku tới tăng cường cho đại đội bị đánh đã lọt vào ổ phục kích của địch phải chạy tán loạn vào rừng đến hai ngày sau mới có một số mò được về Trại.

Những cuộc chạm súng này đã xác nhận sự có mặt của quân Bắc Việt và sơ khởi phía Hoa Kỳ đưa 2 Tiểu đoàn của Lữ đoàn 173 Nhẩy dù lên Dakto mở cuộc hành quân Greeley lùng đánh đối phương.

Vào ngày 22 tháng 6, một Đại đội của Tiểu đoàn 2/503 Nhẩy dù đã đụng với Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 Bắc Việt trong khi đang len lỏi xuống một triền núi dốc đứng ở phía tây bắc thị trấn Dakto. Vừa lúc Tiểu đội đi đầu phát hiện được địch thì đối phương áp sát ngay và súng đã nổ mờ mịt. Pháo binh và trực thăng can thiệp không có hiệu quả vì địch, bạn lẫn lộn. Hai Trung đội đi đầu mất liên lạc với Đại đội, chỉ có vài người thất thểu chạy lui lại trong khi đó phần còn lại của Tiểu đoàn đổ quân xuống tiếp ứng. Một Đại đội bị hỏa lực địch khống chế không ra khỏi được bãi đáp còn một Đại đội khác mon men đến gần chỗ chạm súng buổi sáng lại bị hỏa lực địch chặn đứng. Ngày hôm sau lực lượng tăng cường mới tới được vị trí hai Trung đội bị đánh, dọn 76 xác chết của quân mình còn thiệt hại của địch thì không rõ.

Tình hình có vẻ nghiêm trọng. Phía Hoa Kỳ và Nam Việt Nam dồn quân lên Cao Nguyên đối phó. Một tuần lễ sau vụ chạm súng vừa rồi nhiều đơn vị tăng cường đã đến Kontum. Lực lượng Hoa Kỳ gồm phần còn lại của Lữ đoàn 173 Nhẩy dù từ Biên Hòa điều tới và Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ từ vùng Bình Định chuyển lên phối hợp với một Chiến đoàn Nhẩy dù, và 1 Tiểu đoàn của Sư đoàn 22 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ráo riết mở những cuộc hành quân lùng và diệt địch trong nhửng khu vực trách nhiệm riêng rẽ với sự trợ lực về mặt tình báo của các trại Lực lượng đặc biệt.

Các đơn vị hành quân đã tập trung nỗ lực vào những khu vực hiểm trở ở phía tây và bắc Kontum, và đã nhiều lần chạm trán với quân Bắc Việt bố trí trong các công sự đã được chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt là trong đêm 6 tháng 8 ở gần trại Lực lượng đặc biệt Dakseang, 15 cây số tây bắc Dakto, Tiểu đoàn 8 Nhẩy dù của Nam Việt Nam ở một vị trí đêm đã đánh bại 5 đợt tiến công liên tiếp của Trung đoàn 174 Bắc Việt.

Sau trận này tình hình ở khu vực Dakto tạm lắng. Lữ đoàn 3 Không kỵ, Lữ đoàn 173 Nhẩy dù Hoa Kỳ, và Chiến đoàn Nhẩy dù của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa rời vùng hành quân.

Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 10 đã lại có dấu hiệu xuất hiện của đối phương ở khu vực Dakto. Lúc này Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên của Cộng Sản theo chỉ thị của Hà nội đang rục rịch mở “Chiến dịch Dakto” với lực lượng hùng hậu gồm 5 Trung đoàn chủ lực thiện chiến.

Phía Hoa Kỳ Không vận Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ từ vùng hành quân ở phía tây Pleiku lên Dakto và Lữ đoàn 173 Nhẩy dù Hoa Kỳ cấp tốc trở lại đây. Một Chiến đoàn Nhẩy dù Nam Việt Nam gồm Tiểu đoàn 2 và 3 Nhẩy dù và 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn 42 thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng có mặt. Các đơn vị hành quân phân vùng hoạt động dưới sự điều hợp của Bộ Chỉ huy Hành quân Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ, lực lượng Nam Việt Nam ở đông bắc Dakto và lực lượng Hoa Kỳ ở tây nam Dakto.

Ngày 4 tháng 11 Tiểu đoàn 3/12 của Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ đã chạm địch nhẹ ở một triền núi ở nam Dakto, nơi mà đã xẩy ra cuộc giao chiến ác liệt giữa Tiểu đoàn 2/503 Nhẩy dù vào tháng 6 vừa rồi. Kế đến, vào ngày 6 tháng 11, Tiểu đoàn 4/503 Nhẩy dù Hoa Kỳ đánh nhau kịch liệt với quân Bắc Việt ở đồi 823 nằm ở phía Nam trại Lực lượng đặc biệt Ben Het và đã bị thiệt hại rất nặng, một Đại đội 164 người mà chỉ còn 44 sống sót.

Ở phía đông bắc Dakto chiến sự cũng bùng lên mạnh mẽ. Ngày 14 tháng 11 một Tiểu đoàn của Trung đoàn 42 thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã đụng độ dữ dội với quân Bắc Việt, và Chiến đoàn Nhẩy dù của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã được điều tới tiếp ứng.

Tuy nhiên, chiến sự ở phía tây nam Dakto gay go hơn vì đối phương đã tập trung ở đây 3 Trung đoàn thiện chiến 32, và 66 của Sư đoàn 1 Chủ lực Tây Nguyên, và Trung đoàn 174. Trong khi lần mò từ triền núi này đến triền núi khác lùng kiếm đối phương các đơn vị Hoa Kỳ đều chạm địch ẩn úp trong những pháo đài ngầm rất kiên cố.

Ngày 13 tháng 11 một Đại đội của Tiểu đoàn 2/503 Nhẩy dù trong lúc lục soát chuẩn bị đóng quân đêm ở một sườn núi phía tây nam Dakto đã bị Trung đoàn 174 Bắc Việt vây đánh. Một trận giáp lá cà rất dữ dội đã diễn ra. Hai bên vật lộn khiến cho phi pháo của phía Hoa Kỳ phải chịu bó tay. Một đại đội khác được gấp rút đưa tới trợ lực, và 2 Đại đội này đã hợp sức với nhau đẩy lui được nhiều đợt tiến công của địch trong ban đêm.

Đêm 15 tháng 11 phi trường Dakto lúc này trở thành khu tiếp vận nhộn nhịp của các đơn vị hành quan đã bị pháo kích. Một kho đạn bị nổ tung và 2 phi cơ vận tải bị phá hủy.

Được vài hôm tạm yên, vào ngày 19 tháng 11 chiến sự lại bộc phát mạnh mẽ tại đồi 875 ở phía tây Dakto 12 dặm khi một đại đội dân sự chiến đấu phát hiện được ở sườn phía đông nhiều pháo đài và giao thông hào ngầm nối liền với nhau ngụy trang rất kín đáo dưới những đám cỏ cây um tùm. Ngay ngày hôm sau Tiểu đoàn 2/503 Nhẩy dù Hoa Kỳ tiến đến lục soát đã chạm địch và chính ở đồi này trận đánh đã trở thành ác liệt nhất trong khuôn khổ hành quân Mac Arthur của lực lượng Đồng minh và “Chiến dịch Dakto” của Cộng Sản.

Trong khi 2 Đại đội C và Đ của Tiểu đoàn 2/503 Nhẩy dù đang men theo sườn phía bắc của đồi 875 thì bị hỏa lực của đối phương kiềm chế và chẳng bao lâu Trung đoàn 174 Bắc Việt đã mở nhiều đợt tiến công tới tấp vào lực lượng Hoa Kỳ đồng thời đánh luôn cả đại đội A ở thế đội trừ bị tại chân đồi thiếu chút nữa thì tràn ngập được Đại đội này. Trước sức ép dữ dội của địch, lực lượng Hoa Kỳ đã cụm lại thành một chu vi phòng thủ chờ không yểm và tiếp viện. Song 6 trực thăng đã bị nổ tung ở trên trời và rủi hơn nữa, một trái bom đã rơi trúng vị trí của Hoa Kỳ gây ra hơn 50 thương vong trong đó có nửa số sĩ quan chỉ huy trong Tiểu đoàn. Chiến sự vẫn tiếp diễn đến 10 giờ đêm hôm đó Tiểu đoàn 4/503 Nhẩy dù mới đến nơi tăng cường.

Sáng ngày 21 Lữ đoàn 173 Nhẩy dù cho máy bay đến tản thương. Rồi thì pháo và bom trút liên hồi xuống đỉnh đồi 875 suốt 7 tiếng đồng hồ trong khi đó Tiểu đoàn 4/503 Nhẩy dù chuẩn bị tiến công. Khoảng 3 giờ chiều Tiểu đoàn này bắt đầu tiến quân nhưng chỉ tiến được rất chậm chạp vì hỏa lực địch vẫn bắn chặn rất mạnh mẻ. Lực lượng Hoa Kỳ đã phải đối diện với những pháo đài ngầm nóc dầy cả 14 bộ và chỉ phát hiện được khi đối phương khai hỏa, và phải thanh toán rất chật vật vì lựu đạn, súng phun lửa, đại bác không giật đều tỏ ra vô hiệu. Không những thế lại còn bị đối phương phản kích vào hai bên sườn và bọc hậu. Cuộc tiến công của Tiểu đoàn 4/503 Nhẩy dù đã khựng lại khi chỉ còn cách đỉnh đồi 250 bộ, và cuối cùng phải bỏ dở khi trời tối.

Suốt ngày hôm sau pháo binh và máy bay mọi loại lại thi nhau dội xuống biến đỉnh đồi thành một khoảng trơ trụi, xác xơ trong khi Tiểu đoàn 1/12 của Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ trực thăng vận tới tiếp sức cho Tiểu đoàn 4/503 Nhẩy dù.

Ngày 23 tháng 11, hai Tiểu đoàn này đã cùng nhau tiến chiếm đồi 875. Quân Bắc Việt đã mất dạng nên lực lượng tiến công không còn gặp sự kháng cự nào. Vào lúc trưa phía Hoa Kỳ hoàn toàn làm chủ một ngọn đồi không tên tuổi nằm cách xứ họ nửa vòng trái đất trong khi đó lực lượng Bắc Việt Nam lặng lẽ trở lại xứ Kampuchea trung lập của ông hoàng Xi-ha-núc ung dung bồi dưỡng, bổ sung.

Trong cuộc hành quân ở Dakto, phía Đồng minh đã phải quần thảo với một đạo quân Cộng Sản kiên cường hiếm có. Hoa Kỳ đã sử dụng hơn 150.000 trái đạn đại bác, 2.069 phi xuất của phi cơ chiến thuật, 252 phi vụ của máy bay chiến lược B52, và rất nhiều phi xuất trực thăng để đổi lấy 1.600 mạng quân Bắc Việt mà mình cũng bị thiệt hại khá nặng. Số thương vong của Hoa Kỳ gồm 283 chết, 985 bị thương, và 18 mất tích còn lực lượng hành quân của Nam Việt Nam bị thương vong khoảng 70 người. Tổn thất vật chất cũng không nhỏ: Đã có 40 trực thăng bị phá hủy ngoài số quân dụng bị tổn thất trong cuộc pháo kích của đối phương đêm 15 tháng 11.

Dakto là một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong chiến tranh Việt Nam. Tướng William R. Peers Tư lệnh Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ chỉ huy cuộc hành quân trong khi trả lời các phóng viên báo chí đã nói: “Về cường độ chiến đấu ác liệt thì đây là một trường hợp gay go nhất chúng tôi đã gặp phải.” (19) Nhận xét này chỉ xác nhận những điều mà người ta đã thấy trong hai năm qua. Thiết tưởng nên để ý đến lời lẽ bâng khuâng của một viên trung sĩ Mỹ sau khi phía Hoa Kỳ đã làm chủ đồi 875: “Chúng tôi có cần phải chiếm hết những ngọn đồi đó không?” (20) Không phải chỉ có cựu Đại tướng James Gavin chống đối “chiến lược lùng và diệt” của tướng Westmoreland mà giờ đây chính người lính Mỹ trực tiếp với lửa đạn, chết chóc ở chiến trường đã bầy tỏ sự thắc mắc của họ.

15-5. Nước Mỹ phân hóa vì chiến tranh Việt Nam

Ở chiến trường chẳng có gì lạc quan còn ở trong nước thì phong trào chống đối chiến tranh mỗi ngày một bùng lên mạnh mẻ. Ngày 30 tháng 7 Tổng giám mục Fulton J. Sheer thuộc địa phận Rochester ở Nữu Ước kêu gọi Tổng thống Johnson “rút ngay quân đội khỏi Việt Nam để hòa giải.” (21) Nổi bật hơn hết là vào ngày 21 tháng 10 đã có hơn 50.000 người gồm những người theo khuynh hướng tự do, những người cực đoan, những người da đen theo chủ nghĩa quốc gia đã tham dự vào một cuộc biểu tình khổng lồ ở Oa-sinh-tơn chống chiến tranh Việt Nam. Những người biểu tình đã tuần hành có trật tự đến Ngũ Giác Đài họp mít-tinh và “canh đêm” cho đến sáng ngày 23 mới giải tán khiến Chính quyền Hoa Kỳ phải huy động 10.000 binh lính đề phòng bạo động.

Nội bộ Chính quyền Johnson lại lủng củng mạnh về chính sách chiến tranh. Bộ trưởng Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng hoàn toàn không ăn ý với nhau. Ông McNamara thất vọng về chiến dịch oanh tạc Bắc Việt Nam, và vào ngày

25 tháng 8 trong khi điều trần trước “Tiểu ban phụ trách sẵn sàng” của Thượng nghị viện, đã phát biểu ý kiến ngược hẳn với các tướng lãnh cũng ra điều trần. Ông ta “khẳng định rằng cuộc oanh tạc Bắc Việt Nam đã :

1) không giảm được sự di chuyển tiếp liệu vào Nam Việt Nam;

2) không gây được thiệt hại trầm trọng cho nền kinh tế của Bắc Việt Nam;

3) không bẻ gẫy được tinh thần của dân chúng Bắc Việt Nam.” (22)

Nước Mỹ quả thực đã phân hóa cao độ đối với chiến tranh Việt Nam. Vào tháng 7, viện thăm dò dư luận Gallup cho biết 52% không tán thành việc điều hành chiến tranh Việt Nam, 41% nghĩ rằng Hoa Kỳ sai lầm khi đưa quân sang Việt Nam, và 56% cho rằng Hoa Kỳ đang thua hoặc đang ở trong tư thế giằng co.” (23) Từ đó đến cuối năm, nhân tâm còn ly tán mạnh hơn nữa.

Giữa lúc nhân tâm ly tán, chính quyền lục đục, Tổng thống Johnson vào ngày 2 tháng 11 đã bí mật tham khảo ý kiến của một số người lãnh đạo có uy tín của Hoa Kỳ như Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Dean Acheson, Cựu Thống tướng Omar Bradley, cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam Henry Cabot Lodge, và Đại sứ lưu động Averell Harriman để tìm cách đoàn kết nhân dân trong nước. Những bậc được coi là “thức giả” này đã khuyên Tổng thống Johnson nên cung cấp cho dân chúng Hoa Kỳ những báo cáo lạc quan.

Thế là tướng Westmoreland lại được Tổng thống Johnson triệu về nước lần nữa để động viên tinh thần dân chúng Mỹ. Cùng về nước lần này với ông, có cả Đại sứ Ellsworth Bunker, và cả hai đã xuất hiện trước công chúng.

Ngày 21 tháng 11, trong lúc trận Dakto đang đến hồi gay go nhất, tướng Westmoreland đã phát biểu ý kiến tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia: “…chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn 3 trong đó, ngoài việc tiếp tục tiêu diệt địch, chúng tôi sẽ đẩy mạnh những nỗ lực để căng cường quân lực Nam Việt Nam. Sang giai đoạn bốn chúng tôi sẽ bắt đầu giảm đơn vị Mỹ trong khi chuyển giao trách nhiệm mỗi lúc một nhiều hơn cho người Việt Nam, kể cả các căn cứ, phi trường, và hải cảng mà chúng tôi đã xây dựng… đó là chiến lược rút lui của tôi.” (24)

Ngoài cuộc nói chuyện tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia tướng Westmoreland cũng đã trả lời phỏng vấn truyền hình của hảng CBS và dự chương trình “Gặp gỡ báo chí”. Trong hồi ký của mình, ông đã ghi lại câu trả lời đối với các câu hỏi có liên quan đến thời điểm có thể rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam: “Tôi nghĩ rằng trong vòng hai năm hay ít hơn nữa có thể giảm dần mức độ tham dự của chúng ta và chuyển nhiều gánh nặng chiến tranh hơn nữa cho Quân lực Nam Việt Nam… tôi xin nói rõ rằng lúc đầu việc này có thể chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng hy vọng sẽ tiến xa hơn, và chắc chắn là chúng tôi đang chuẩn bị những kế hoạch để việc đó có thể tiến xa hơn…” (25)

Lời tuyên bố của tướng Westmoreland mặc dù là rất dè dặt nhưng cũng đã tỏ ra lạc quan. Đây là lần đầu tiên tướng Westmoreland công khai tiên đoán về chiến tranh Việt Nam, và ông đã hố! Ông có biết đâu rằng ngay từ đầu năm 1967 Hà nội đã duyệt xét lại chính sách chiến tranh của họ và vào tháng 10 thì đã dứt khoát chuyển sang một chiến lược mới cực kỳ táo bạo.

(1) Office of Civil Operations, viết tắt là OCO .

(2) Civil Operations and Revolutionary Development, viết tắt là CORDS.

(3) Biến cố Việt Nam: Mỹ gánh vác trách nhiệm, trang 108.

(4) Schell, Jonathan, Làng Bến Súc (” The village of Ben Suc”), NXB Alfred.A. Knoff, Inc., Hoa Kỳ, 1967.

(5) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập II, Quyển Một, trang 351.

(6) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập II, Quyển Một, trang 355.

(7) Westmoreland, William C., sđd, trang 273 – 274.

(8) Cùng tác giả, cùng sách, trang 274.

(9) Cùng tác giả, cùng sách, trang 277.

(10) Như trên.

(11)Westmoreland, William C., sđd, trang 278.

(12) Cùng tác giả, cùng sách, trang 278.

(13) Niên lịch thế giới về Chiến tranh Việt Nam, trang 164.

(14) Niên lịch thế giới về Chiến tranh Việt Nam, trang 158.

(15) Niên lịch thế giới về Chiến tranh Việt Nam, trang 160.

(16) Niên lịch thế giới về Chiến tranh Việt Nam, trang 170.

(17) Niên lịch thế giới về Chiến tranh Việt Nam, trang 168.

(18) Westmoreland, William C., sđd, trang 266.

(19) Biến cố Việt Nam: Lục quân lâm chiến, trang 164.

(20) Nguyễn đức Phương, Những trận đánh lịch sử trong chiến tranh Việt Nam, NXB Đại Nam, Hoa kỳ, 1993, trang 163.

(21) Niên lịch thế giới về chiến tranh Việt Nam, trang 177.

(22) Cùng sách, trang 177.

(23) Niên lịch thế giới về chiến tranh Việt Nam, trang 177.

(24) Westmoreland, William C., sđd, trang 284.

(25) Westmoreland, William C., sđd, trang 285.

—>Chương 16

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TRẦN ĐỨC MINH: Một Thời Nhiễu Nhương, Việt Sử. Bookmark the permalink.

1 Response to MỘT THỜI NHIỄU NHƯƠNG: Phần IV (tiếp theo)

  1. KIến Kim Den says:

    Nếu quân Hoa Kỳ anh dũng như vậy thì theo công bố chính thức: 58000 tử trận, 350000 ngàn thương binh, trong đó 153 ngàn là phế binh, 200 ngà nhiễm chất độc da cam, 150 ngà nghiện ma túy do quá sợ hãi khi tham chiến… Quân đôi Sài Gòn khoảng 300 ngàn tử trận, 1,1 triệu thương binh. Trong khi đó quân số Hoa Kỳ là 55 vạn+quân ngụy 1,2 triệu chọi với 250 ngàn quân cộng sản (năm 1968 – nguồn Wikipedia mở).

    Like

Ý kiến - Trả lời