Đọc Hồi ký chánh trị Đất Nước Tôi của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn (Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh)

Tôi là một trong số ít những người được đọc cuốn hồi ký chánh trị của cựu Thủ tuớng Nguyễn Bá Cẩn khi tập sách quan trọng này còn đang ở dạng bản thảo. Nói như vậy không có nghĩa là tôi là một người bạn thân với ông Cẩn hay là một người từng cộng sự mật thiết trong thời gian ông tham chính nên được ông tham khảo ý kiến khi viết hồi ký.

Như phần lớn những người Việt Nam, tôi được nghe thấy nói đến tác giả lần đầu tiên khi ông đắc cử làm dân biểu Hạ viện và được giao phó những chức vụ có tầm vóc quốc gia. Từ ngày ly hương vì nạn nước, cũng như bao nhiêu người khác phải tự lực cánh sinh, ông Nguyễn Bá Cẩn đã học được một ngành chuyên môn về kỹ thuật cao và làm việc cho một công ty điện toán Hoa Kỳ ở một thị trấn không có đông người Việt ở gần San Francisco. Có lẽ cũng vì thế mà từ khi ông về hưu cách đây mấy năm và dọn về San Jose, là thủ đô văn hóa của người Việt ở miền Bắc Cali, người ta mới thường xuyên gặp ông tại những sinh hoạt văn hóa và chánh trị của cộng đồng. Tôi đã gặp ông cựu Thủ tướng trong khoảng thời gian này và được biết rằng, tuy bận công việc làm nhưng trong những năm qua ông vẫn thường xuyên viết bài nói về chính nghĩa quốc gia cho những báo Việt và Mỹ, và để tâm soạn lại những hồ sơ còn lưu giữ cùng sưu tầm thêm được nhiều tài liệu hành chánh và lịch sử và sẽ viết hồi ký chánh trị để nói những đóng góp của mình trong cuộc chiến giữa quốcgia và cộng sản, khi đất nước ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của những năm vừa qua.

Tháng Tư năm 2002, khi nghe tôi giới thiệu một cách rất vô tư, trước một cử tọa đông đảo, cuốn hồi ký “The Twenty-Five Year Century” của Trung tướngLâm Quang Thi, ông Nguyễn Bá Cẩn mới ngỏ lời muốn tôi viết một bài nhận định về cuốn sách của ông dự trù sẽ ra mắt độc giả người Việt trong năm tới.

Ông Nguyễn Bá Cẩn, khi viết tập hồi ký chánh trị của mình, đã không theo khuôn mẫu đưa ra của những nhân vật Mỹ và Việt đã viết tự truyện trước ông và trong đó họ đã nhìn đất nước Việt Nam trong nửa thế kỷ trước dưới một góc nhìn rất giới hạn, đặt trọng tâm vào nhiệm vụ của người viết, thường thì là một nhà báo, một cựu viên chức cao cấp trong chánh quyền hay là một vị chỉ huy quân sự. Ở đây, ông Nguyễn Bá Cẩn đã trình bày sự việc một cách toàn diện hơn vì tác giả có một kinh nghiệm đặc biệt là ở chỗ ông được phục vụ đất nước ở cả hai ngành: Hành pháp và Lập pháp.

Trong ngành Hành chánh, tác giả đã bắt đầu cuộc đời dấn thân phụng sự đất nước vào năm 1958 như là Quận trưởng Cái Bè, một đơn vị mà vào thời điểm ấy đang ở trong tình trạng bị Việt cộng lũng đoạn bê bết đến nỗi tên Bí thư Huyện ủy đã giữa ban ngày rượt đuổi Quận trưởng của ta để ám sát ngay tại chợ quận lỵ. Chỉ trong vòng nửa năm kể từ ngày nhậm chức, ông tân Quận trưởng, tuổi vừa 28, đã thực hiện được kế hoạch đề ra, là tận diệt được Huyện ủy và 16 Xã ủy của Việt cộng trong điạ hạt của mình. Từ trách vụ nhỏ đến trách vụ lớn, trong gần 10 năm trời, người thanh niên từng tốt nghiệp thủ khoa Khóa I Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và cùng một lúc được huấn luyện quân sự tại hai quân trường sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức và Liên quân Đà Lạt, ông Nguyễn Bá Cẩn đã tận dụng khả năng của mình để phục vụ đất nước khi lần lượt giữ những chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Định Tường, Phước Tuy và sau cùng là Long An trước khi xin nghỉ giả hạn không lương để ứng cử Dân biểu Pháp nhiệm I.

Trong ngành Lập pháp, suốt hai nhiệm kỳ vói sự hiểu biết về Hiến pháp và thông thạo hành chánh, ông Nguyễn Bá Cẩn đã được bầu làm Đệ nhị Phó chủ tịch Hạ nghị viện và sau là Chủ tịch Hạ nghị viện để rồi trong những ngày tuyệt vọng của đất nước, vào tháng Tư năm 1975, ông can đảm nhận trọng trách làm Thủ tướng và thành lập một chính phủ mới khi mà thủ đô Sài Gòn đã bị hơn mười sư đoàn cộng quân bao vây khắp ngả và Đồng minh đã bỏ mặc chúng ta để chỉ còn có thể lựa chọn giữa hai đường tử thủ hay đầu hàng.

Giờ đây, viết lại những sự việc đã xẩy ra, khoảng thời gian bốn mươi lăm năm trong cuộc đời của cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn sống trên quê hương đã được tác giả ghi lại một cách trung thực trong cuốn Hồi ký “ĐẤT NƯỚC TÔI” dầy gần 600 trang. Cuốn Hồi ký này gồm có 20 chương và có thể chia làm 4 phần với một chương cuối là những lời kết luận coi như là tâm sự của tác giả gửi cho thế hệ sau.

1- Phần Một, dài 141 trang và gồm có 6 chương đầu như sau:

  • Ch 1. Đất Nước Tôi
  • Ch 2. Chính Nghĩa Quốc Gia
  • Ch 3. Dấn Thân
  • Ch 4. Quận Trưởng
  • Ch 5. Phó Tỉnh Trưởng
  • Ch 6. Đất Nước Ngửa Nghiêng.

Trong phần đầu của cuốn sách tác giả đã kể lại cuộc sống của mình từ thuở ấu thơ như là một cậu học trò ở miền Hậu giang. Ông đã hết sức thành thực khi nói đến gia cảnh nghèo của mình, bản chất là nông dân, thân phụ lại mất sớm, bà mẹ phải tần tảo nuôi một đàn con. Tuy vậy cậu bé học trò đã cố gắng học tập và ước mơ phục vụ đất nước trong ngành hành chánh đã được thực hiện khi ông tốt nghiệp thủ khoa Khóa I Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và được bổ nhiệm làm Quận trưởng quận Cái Bè, thuộc tỉnh Định Tường. Nơi đây ông phải đối phó với cái gọi là “chiến tranh giải phóng” của Cộng sản và có khi giữa đêm khuya người Quận trưởng trẻ tuổi đã phải lội ruộng công tác giữa Đồng Tháp với vỏn vẹn hai tiểu đội địa phương quân đi kèm. Sự mẫn cán khi làm việc và sự thông hiểu lòng dân đã giúp ông ổn định mau chóng địa phương thuộc quyền mình quản trị, và cũng đưa lại cho ông những trách vụ hành chánh nặng nề hơn ở cấp tỉnh. Với cương vị Phó tỉnh trưởng Định Tường, Phước Tuy và Long An, ngưòi đốc sự hành chánh trẻ tuổi đã làm được khá nhiều việc về bình định, cải tiến hành chánh và chỉnh trang những thị xã ông phục vụ. Trong khoảng 10 năm trong ngành hành pháp, tác giả đã hoạt động với các chiến sĩ chính quy, địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát, công chức và cán bộ, từ cấp xã đến cấp tỉnh và vùng chiến thuật, đã khéo léo phối hợp các viên chức ở cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp để chống lại sự lan tràn và phá hoại của cộng sản một cách hữu hiệu.

Đọc những trang hồi ký này ta có thể nhận thấy rằng ông luôn luôn nghĩ đến việc giúp cho dân nghèo trở thành hữu sản để đời sống của người dân lành trở nên phong phú hơn.Cũng trong phần này tác giả đã nói đến những khó khăn và những rối loạn trên đất nước qua những binh biến đã xẩy ra trong thời gian chuyển tiếp giữa hai nền Cộng hòa.

2- Phần Hai nói về thời gian ông Nguyễn Bá Cẩn phục vụ quốc gia và dân tộcở trong ngành Lập pháp và gồm có 4 chương kế tiếp với tổng cộng là 99 trang. Những chương sách này được xếp theo thứ tự thời gian 8 năm tác giả ở trong Quốc hội của Đệ nhị Cộng hòa:

  • Ch 7. Phó Chủ Tịch Hạ Viện
  • Ch 8. Đảng Công Nông
  • Ch 9. Chủ Tịch Hạ Nghị Viện
  • Ch 10. Đảng Dân Chủ

Qua nhưng chương sách này tác giả đã cho ta biết rất nhiều về những vấn đề phức tạp ở lưỡng viện trong Quốc hội. Cũng vì muốn bài trừ những tệ đoan trong Hạ nghị viện mà ông đã cùng một số những bạn đồng viện thành lập Đảng Công Nông, và sau đó ra ứng cử trách vụ Chủ tịch Hạ Nghị Viện khi được tái cử dân biểu Hạ Nghị Viện Pháp nhiệm 2. Khi viết hồi ký, và phải nhắc lại một cách trung thực những sự việc đã xẩy ra, tất nhiên phải nói đến nhân sự, kẻ hay người dở. Tôi nhận thấy về điểm này, tác giả đã hết mực ôn hòa, không chỉ trích hay tâng bốc cá nhân, mà chỉ nêu ra những sự việc, dù tốt hay xấu, mà đã được ghi nhận trên báo chí hay côngvăn của thời đại, hay có thể kiểm điểm lại với những nhân chứng còn sống. Cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn vừa có kinh nghiệm chiến đấu chống Việt cộng trong khoảng thời gian phục vụ trong ngành Hành pháp, vừa ở vị thế trung ương trong ngành Lập pháp và được các nhà lãnh đạo quốc gia thườngxuyên mời tới hỏi ý kiến nên ông rất thấu đáo những sự thật đã xẩy ra trong việc liên hệ chánh trị giữa đồng minh Hoa Kỳ và nội bộ Việt Nam CộngHòa.

3- Gần 200 trang sách trong Phần Ba của cuốn Hồi ký đã được tác giả dành để nói về tình hình chánh trị và quân sự đã đưa đến sự sụp đổ của nền Cộng Hòa Việt Nam. Những chương sách liên hệ là:

  • Ch 11. Hiệp Định Ba Lê
  • Ch 12. Bản Chất Cộng Sản
  • Ch 13. Chính Tình Suy Sụp
  • Ch 14. Bên Bờ Vực Thẳm
  • Ch 15. Sự Sụp Đổ
  • Ch 16. Thủ Tướng Chính Phủ
  • Ch 17. Tổ Quốc Lâm Nguy

Qua những chương sách này, và qua góc nhìn của một người đã biết rõ bản tính lường gạt của cộng sản gian manh, tác giả đã cho ta thấy rằng cuộcchiến xâm lăng do Cộng sản Bắc Việt gây ra là một cuộc chiến toàn diện, ba mặt giáp công chính trị, quân sự và ngoại giao, từ giành đất giành dân tại nông thôn đến đấu tranh chính trị trực diện tại cấp đô tỉnh thị trong nước vàsau cùng là chiến tranh chánh trị ngoại giao giữa hai phe tự do và độc tài trêntầm mức toàn cầu. Người đọc có thể theo dõi từng ngày, từng giờ nhữngbiến chuyễn quân sự trên quê hương, những vận động ngoại giao giữa các chính phủ liên hệ, những gì thương thuyết giữa Henri Kissinger với Lê Đức Thọvà với Chánh phủ quốc gia, và những lý do đã khiến cho ông Nguyễn Bá Cẩn nhận làm Thủ tướng để thành lập một chánh phủ mới vào giờ thứ hai mươi lăm. Hai chương tiếp theo là sự phân tách của tác giả về những lý do đã làm cho Việt cộng chiếm trọn được miền Nam Việt Nam với âm mưu của Trung cộng trên bàn cờ quốc tế.

4- Hơn 100 trang sách đã dành cho Phần Bốn là phần cuối cùng của cuốn sách.

  • Ch 18. Tại Sao Miền Nam Thua
  • Ch 19. VNCH Bị Bán Đứng

Trong những năm cuối cùng của nền Đệ nhị Cộng hòa, với phong trào phản lại chiến tranh tại Việt Nam tới mức cao độ tại Hoa Kỳ, Quốc Hội ở đây đã gây nhiều khó khăn cho Tổng thống Nixon. Với tư cách là Chủ tịch Hạ nghị viện ở Việt Nam, ông Nguyẽn Bá Cẩn luôn luôn được chính phủ tham khảo ý kiến và nhờ đó mà có một hiểu biết thấu đáo về nội tình thương thuyết giữa hai chính phủ.

Đọc Phần Bốn của hồi ký “ĐẤT NƯỚC TÔI” ta sẽ hiểu rõviệc di tản chiến thuật của Vùng 2 có cần thiết không, và biết được rõ ràng những ai là người chịu trách nhiệm về việc đổ vỡ của hai cuộc triệt thoái Vùng 2 và Vùng 1. Tác giả cũng nêu rõ sự việc miền Nam mất vào tay Cộng sản là vì miền Nam đã bị bán đứng, khi các đại cường quốc đã thỏa hiệp với nhau về một sự phân chia quyền lợi và ảnh hưởng mới.

Đoạn hồi ký chánh trị của cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn được dừng ở đây, với 19 chương sách đã được liệt kê ở trên. Nhưng chúng ta không thể nào không đọc tiếp chương cuối cùng, là Chương 20, mà tác giả viết là Đoạn Kết. Đây là 30 trang sách, ông Nguyễn Bá Cẩn không nói về cuộc đời của mình, nhưng ghi những lời tâm tình ông gửi đến các bạn trẻ, mà ông cho sẽ là thế hệ lãnh đạo của một nước Việt Nam dân chủ, tươi sáng trong tương lai khi không còn chế độ cộng sản áp đặt trên quê hương. Từ một cậu học sinh nghèo ở miền Hậu Giang, và cố gắng học hành để rồi sau này tốt nghiệp thủ khoa Khóa I của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và cùng một lúc được huấn luyện quân sự tại hai quân trường sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức và Liên Quân Đà Lạt, ông Nguyễn Bá Cẩn đã tận dụng khả năng của mình và những kiến thức thâu thập được để dấn thân phục vụ đất nước.

Cuốn hồi ký “ĐẤT NƯỚC TÔI” đã ghi lại một cách trung thực cuộc đời của tác giả từ thuở ấu thơ cho đến lúc tham chính, từ lãnh đạo hành chánh địa phương ở cấp quận và tỉnh cho đến những trách vụ lãnh đạo Trung Ương trong những ngày khó khăn nhất của quốc gia.

Tuy là một hồi ký chánh trị nhưng cuốn sách đọc rất hấp dẫn vì lời văn giản dị, trình bầy một cách trung thực những sự việc đã xẩy ra. Trước đây tôi đã được đôi lần nghe tác giả thuyết trình trong những buổi họp văn hóa và chánh trị và ông luôn luôn nhấn mạnh ở điểm là khi nước nhà trở lại được thể chế dân chủ thì phần lãnh đạo sẽ ở trong tay giới trẻ hiện nay. Tôi cũng chia sẻ ý nghĩ này với ông Nguyễn Bá Cẩn, vì chúng tôi cùng một lứa tuổi và cùng một số bằng hữu khác đã được gọi đi Khóa I sĩ quan trừ bị ở những Quân trường Thủ Đức và Nam Định, khi chúng tôi ở vào tuổi trên dưới ba mươi, nhiều người đã giữ những chức vụ chỉ huy Đại đơn vị cấp quân khu, quân đoàn hay quân chủng, đã có những trọng trách lãnh đạo hành chánh hay đã có dịp hướng dẫn những phái đoàn của Chánh phủ trung ương hay Quốc hội đi tiếp xúc với những chánh phủ của các cường quốc. Giờ đây, ở trong và ngoài nước, cả một thế hệ trẻ ở vào tuổi trên dưới ba mươi cũng đã lên đường. Là những người tiếp nối thế hệ phụ huynh, các bạn rất cần biết những bài học thành công hay thất bại của những người đi trước.

Cuốn sách của cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn thật là một tài liệu lịch sử qúy giá cho những nhà nghiên cứu và cũng là một cuốn tự truyện của một nhân tài đất nước đã nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách các bạn trẻ nên đọc.

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

icon_speakerMời nghe Audio hồi ký ĐẤT NƯỚC TÔI
do đài Radio Saigon Dallas 980am đọc

This entry was posted in Bình-luận - Quan-điểm, Nguyễn Bá Cẩn. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời