SỐ PHẬN THƠ TRONG BÀN TAY ĐỒ TỂ (Thông Biện Tiên Sinh)

(Lê Thy đánh máy trích từ sách
CÕI NGƯỜI TA – phiếm luận của Thông Biện Tiên Sinh)


coinguoita_biaThi ca là một trong vài thứ mà Thông Biện tôi yêu quý nhất trong cõi đời ba trợn này. Vì thế, hầu như những gì có liên hệ, dan díu, mắc mớ tới thi ca thường bị Thông Biện tôi dòm giỏ tới. Tuy nhiên, dù rất yêu quý thi ca và dĩ nhiên yêu tiếng Việt cũng như nước Việt, Thông Biện lại không thể nào chịu nổi cái câu: “Dân tộc việt Nam là một dân tộc của thi ca. Mỗi người Việt Nam là một… thi sĩ ” Vừa thôi ? Đây là một thứ tự ái dân tộc không nhầm chỗ và lố bịch! Có thể, đa số người Việt Nam yêu thi ca; nhưng một điều chắc chấn, không phải bất cứ người Việt Nam nào cũng đương nhiên. . . hô biến thành thi sĩ hết? Thử đọc:

CẢNH RỪNG VIỆT BẮC

Cánh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay.

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.
(1)

Những câu, ý ngô nghê , gượng gạo gò ép, rỗng sáo và vô duyên như thế đó mà cũng được gọi là thơ lại là một trong 50 bài thơ trữ tình tiêu biểu của Việt Nam từ xưa tới nay, đứng chung với những tên tuổi như Mãn Giác Thiền Sư, Lý Thường Kiệt, Dương Không Lộ, Nguyễn Trải, Nguyễn Bĩnh Khiêm, Nguyễn Du v. .v . . . thì quả là sự phỉ báng thơ tới mức tận cùng ! Bài thơ mang tên ‘Cảnh Rừng Việt Bắc”, câu mở đầu bèn được phang liền tù tì “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay”, làm Thông Biện tôi nhớ tới đầu đề bài luận văn lớp ba của thằng em kế hồi còn nhỏ: “Em Hãy Tá Con Mèo Nhà Em” Thằng bé hân hoan… nhập đề trực khởi rằng: ‘Nhà em có nuôi một con mèo….’ Tuy nhiên sau đó thằng em của Thông Biện có tả con Mướp một cách khá tỉ mỉ theo cái nhìn của cậu nhô 7 tuổi về con mèo nhà mình. Thằng bé đã không có nhập đề rằng thì là : ‘Nhà em có nuôi một con mèo thiệt đẹp… “ hay sao hết. Thằng bé khoe là nhà có nuôi một con mèo, rồi thành thực tả con mèo đó để cho… xấu đẹp tùy người thưởng ngoạn! Đại khái, Thông Biện tôi còn nhớ một câu hết sức dễ thương: “… Lông của nó có những vệt nâu đen dài giống như mấy cái lằn xanh đen dài trên trái mướp ngoài vườn sau, nên Mẹ em đặt tên cho nó là con Mướp. “

Con Mướp có thực và không biết chơi ăn gian. Chung quanh và trên mình con Mướp không có những sáo ngữ và đặc biệt con Mướp không đèo tòng teng ở cổ hai chữ ‘ kháng chiến ” lãng nhách ! Từ đó, cái hay của cảnh rừng Việt Bắc nghe ra có gì không ổn. Người ta thường nói ‘chim kêu vượn hú’, chứ chưa từng có sự vụ ‘chim kêu vươn hót’ ! Vượn mà “hót” thì họa chăng có là con Vượn sắp thành Người của Darwin mà mấy anh Cộng Sản vẫn hàng tin tưởng là thủy tổ của họ. Trong ca dao Nam Bộ, tiếng con vượn hú buồn buồn, văng vẳng:

Má ai đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà Má đâu!

Vậy thì, một bài… gọi là thơ vừa dở vừa ngu, vừa dỏm, vừa thiếu cảm xúc như trên, hà cớ hà căn lại được xếp vào danh sách những bài thơ trữ tình tiêu biểu của dòng thi ca Việt Nam ta? Chẳng qua, vì bài thơ đó là của Hồ Chí Minh, Chủ Tịch cái Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam!

Khi đã biết được tên tác giả của cái gọi là bài thơ trên rồi Thông Biện tôi thiết nghĩ sự việc không còn gì để đáng lấy làm ngạc nhiên nữa hết. Bob Perelman, một nhà thơ hiện đại Hoa Kỳ trong một bài thơ tên Politics, đã mở đầu:

“Once there was a straight line which told how ít got bent.
Someone died and the town was named.
Pittsbure, Piedmont, Emeryville…. ”
(2)

Xin dịch. . . vật theo kiểu Thông Biện:

“Khi đường thẳng sự thật được lệnh phải bẽ cong
Tên đô tể ngủm củ tỏi và thành phố bị đặt tên:
Hố Chí Minh, Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh … ”

Khi chính trị khống chế thi ca, hoặc thi ca bị sử dụng như một công cụ của chính trị, thì thi ca tức thì lâm vào tình trạng trơ trẽn hoặc handicapped. tức là tàn tật và không giống ai. Dĩ nhiên, trước hết nó sẽ chẳng thể nào là thi ca thứ thiệt, mà là một cái mắc dịch gì đó được gọi là thi ca!

Có điều, chính bài thơ của tên đồ tể thì lại tố cáo những sự thật mà bè đảng hằng bao lâu nay dấu diếm. bóp méo, vo tròn để suy tôn lãnh tụ, tuyên truyền lường gạt nhân dân: Nào là Hồ Chủ Tịch ta ăn uống rất đạm bạc, chỉ có mắm cà với lại cơm rau! Vì trong cái bài được gọi là thơ trên, Hồ Chủ Tịch đã dại dột làm bản tự khai là thường cho đàn em đi săn để kiếm thêm chất tươi và cũng thời thịt rừng như điên. Lại còn “rượu ngọt chè tươi mặc sức say ” ….một cách hết sức là tận tình hưởng thụ !

Từ trong hang Pắc Bó Cao Bằng giữa núi rừng Việt Bắc, Bác, tức Chủ Tịch nhà ta đã có rồi những ngón đòn giảo quyệt: Khách lên thì Bác chỉ mời xơi ngô nếp nướng ra chiều thanh cảnh…. Những thịt rừng do đàn em săn về thì Bác mặc sức say cùng với rượu ngọt. . . do ngoại quốc sản xuất. Say xong, vì tiền đồ quốc gia dân tộc, Bác đành phải chơi một bình trà xanh để . . . lai tỉnh mà còn làm chuyện nước chuyện dân ! Nghe đâu, trong người Bác thường có hai bao thuốc lá . . . khác hiệu. Một bao là Phillip Morris của đế quốc Mỹ đầu có cán, Bác chỉ dành hút mình ên . . . những 1 khi vắng vẻ không có . . . khách. Bao còn lại là thuốc nội hóa Văn Điển Nhân Dân này nọ, Bác. . . hy sinh dùng để mời khách!

Trong cái nhìn về thẩm mỹ học của nhân loại, thi ca được biểu tượng như một mỹ nhân thiên kiều bá mị. Nhưng trong lịch sử văn học nhân loại, mỹ nhân thiên kiều bá mị đó lại đã từng bị hãm ‘ hiếp, bề hội đồng, dày vò liên hồi kỳ trận. Nỗi thống khổ của thơ đã chất chồng không biết cơ mang nào mà kể. Nhất là nàng thơ của ngôn ngữ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ! Nhiều người Việt Nam đã nhân danh cái câu bá láp “Dân tộc Việt Nam là dân tộc của thi ca. Mỗi người Việt Nam là một… thi sĩ. “. . . để cưỡng bức thi ca vô tội vạ. Lắm ông, lắm bà, lắm anh, lắm chị đã có nghề nghiệp vững chắc để kiếm tiền, đã có cơ ngơi đầy đủ để chẳng là phải bận tâm gì về vấn đề hậu sự, bỗng nhiên, một ngày đẹp trời lại a thần phù vào ôm ấp nàng thơ. Quý vị này hồ hởi nhào vô lột quần, lột áo nàng thơ một cách thô bạo . . . bằng cách đẻ ra một cái thứ gì đó do cóp nhặt những món cliché cũ mèm từ thời tiền chiến thậm chí tiền … sử, như:

……..

Vì ai
Đeo đẳng chữ tình
Nên khung vườn mộng, in hình bóng xa

Vườn hoa
Bí mật… của ta
Muôn hồng nghìn tía, hoàng hoa nở đầy

………………………………………………..(3)

Tại sao đã “muôn hồng nghìn tía”, mà lại “hoàng hoa nở đầy” là cái con khỉ gì cơ chứ? Hoặc có người còn bào chế ra những món quái dị vô duyên và mặc nhiên xem đó là . . . thơ:

Nhà thơ
Thua cả con chó:
Không biết sủa oăng-oẳng
Và vẫy đuôi cụp cụp

………………………………………………..(4)

Trong trường hợp này, thì tác giả đã tự so sánh mình với con. . . bốn chân là chuyện của cá nhân ông. Nhưng ông đã chơi không đàng hoàng, ông trương hai chữ “nhà thơ” lên như một thứ biểu ngữ để nép mình vào thì là một hành động không lấy gì làm liêm sỉ!

Trở lại với loại thơ “chính trị”, mà Thông Biện tôi đặt tên là loại thơ Cắc Bùm, hãy đọc bốn câu thơ mà Chế Lan Viên ngợi ca là : “Anh biết đưa vào thơ chất diễn ca nói ý làm cho thơ thêm rắn chắc “. Thơ mà “rắn chắc”, trời ạ! Xin . . . rán đọc:

Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Điều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường..
..(5)

Bốn câu trên, nếu gọi là vè cũng đã là . . . phỉ báng vè, chứ nói nâng nó lên thành thơ, mà lại là thơ… hay vì rắn chắc? Điều đáng lưu ý ở đây, tác giả bốn câu thơ vừa tồi. vừa thủm và thua vè vì vè tuy là vè nhưng không thủm. lại là một nhà thơ Lớn Nhất của nền thi ca xã hội chủ nghĩa tức cộng sản Việt Nam: Tố Hữu! Xem thế, đủ biết, dưới chế độ Cộng Sản, số phận thi ca bầm dập tới mức nào?

Than ôi? ước gì “Dân tộc Việt Nam KHÔNG PHẢI là dân lộc của thi ca?!!”

Virginia, June 6/99
thongbien_sign

CHÚ THÍCH:

1- 50 Bài Thơ Trữ Tình Tiêu Biểu. Văn Hóa Việt Nam Tổng Hợp 1989-1995. Tr. 242.

2- Bon Perelman. The Best American Poetry 1988. John Ashbery, Editor. David Lehman, Series Editọr. Collier Books MacMillan Pub. Co. New York 1988 . Tr. 151 .

3- Sương Mai. Vườn Hoa Của Riêng Ta. Tạp chí Thơ số mùa Xuân 1999. Tr. 84.

4- Huỳnh Mạnh Tiên. Khuyết Đề I. Tạp chí Thơ số mùa Xuân 1999. Tr. 47.

5- Trích thơ Tố Hữu. Chế Lan Viên. Suy Nghĩ và Bình Luận. NXB Văn Học Hà Nội 1971 . Tr. 40.

—>Đêm Ngày Lộn Xộn Vũ Thư Hiên

—>Những bài khác trong CÕI NGƯỜI TA

This entry was posted in Thông Biện Tiên Sinh, Vui cười-Phiếm-luận-Tạp ghi and tagged , . Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời