TRÊN VÒM TRỜI LỬA ĐẠN (KQ Vĩnh Hiếu): Mùa Hè Đỏ Lửa

chuongIII_muahedolua

Người Ở Lại Charlie

Một chút gì để nhớ đến những cánh chim Thần Tượng gãy cảnh trên vòm trời Cao Nguyên Miền Tây: Trung-úy Phạm Thành Rinh, Trung-úy Nguyễn Tường Vân, Trung-úy Trần văn Long, Thiếu-úy Võ Diện cùng các mê vô xạ thủ Linh Thông, Lan, Phiệt.

Một nén hương lòng thắp lên để tưởng nhớ tới vị anh hùng Trung-tá Nguyễn Đình Bảo cùng với tất cả những chiến sĩ Mũ Đỏ can trường đã bỏ mình trên ngọn đồi lịch sử Charlie…

Ngày 12 tháng 4 năm 72

Này anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Vâng, chính anh là loài chim quý
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý
Một lần dậy cánh bay
Người để cho người nước mắt trên tay…

(Trần Thiện Thanh)

Một buổi chiều trên vòm trời miền Tây Nguyên, một buổi chiều sau một ngày sôi động chiến tranh của “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Bầu không khí vẩn đục khói rừng âm ỉ cháy, phảng phất đâu đây mùi tử khí. Xa xa những vạt nắng nhạt màu còn vương vấn trải dài trên những triền núi cao…Hai chiếc trực thăng võ trang của Phi đoàn Thần Tượng đang lầm lũi trên đường trở về căn cứ Cù Hanh sau một ngày nhào lộn trên vòm trời khói lửa.

Trên ghế bay, Thiếu-úy Nguyễn Thanh Hùng im lặng câm cần lái, đôi mắt đăm chiêu, trên nét mặt thể hiện nét mệt mỏi. Ngồi bên cạnh, tôi uể oải dựa ngữa đầu vào lưng ghế bay nhìn xuống con Quốc lộ 14 đang chạy lùi dưới chân. Đây là con đường huyết mạch nối liền Kontum và thị trấn Pleiku chạy giữa vùng núi rừng xanh thẳm. Dọc theo hai bên đường được khai quang trống trải để đề phòng những cuộc phục kích của Việt Cộng. Những người Thượng lưng đeo chiếc gùi đầy củi đang cúi đầu bước nhanh cố tranh thủ với bóng đêm đang chầm chập tới. Một vài người ngững đầu lên đưa tay vẫy chào hai con tàu đang lướt qua trên đầu. Phía bên trái ngọn núi Chu Pao đứng sừng sững nhìn xuống QL 14 như một vọng canh chiến lược thiên nhiên. Nơi đây sẽ khởi chiến những trận đánh đẫm máu của ta và địch trong những ngày sắp tới để dành chủ quyền kiểm soát con đường huyết mạch này. Từ hướng Pleiku, một đoàn xe công-voa nhà binh mở đèn pha chạy nối đuôi nhau chạy ngược về hướng mặt trận đang bùng nổ. Con Quốc lộ xa xôi này giờ đây đã trở thành một con đường vô cùng quen thuộc với những con chim sắt ngày ngày tung cánh lao đi vào vùng lửa đạn.

Sau phi vụ tiếp tế đẫm máu mở màn tại Tiền đồn 6, kế cận phi trường Phượng Hoàng, Tân Cảnh, phi đoàn 215 Thần Tượng đã được lệnh tăng phái lên Pleiku để yễm trợ cho mặt trận vùng cao nguyên.

Nguyên phi đội được chỉ định ở trong một trong những “barrack” của Mỹ để lại trong phi trường cạnh một sân cỏ rộng. Ở đó đậu tạm những chiếc trực thăng của biệt đội trong giai đoạn hành quân. Trong linh cảm, tất cả nhân viên phi hành đều biết rằng sẽ phải đối đầu với một trận chiến khốc liệt và có thể kéo dài. Phi trường Cù Hanh càng ngày càng bận rộn theo mức leo thang của chiến cuộc, sự sinh hoạt tại căn cứ mang một màu sắc nghiêm trọng khẩn trương hơn. Đứng trên tầng hai của biệt đội nằm trên một vùng đất khá cao, tôi có thể quan sát mọi sự hoạt động của phi trường vào mỗi buổi sáng sớm. Trên những con đường những chiếc xe pick-up màu xanh chạy vội vã chở đầy phi công; những người lính Không quân hối hả trên những chiếc xe gắn máy phóng đến phần sở cho kịp giờ; những hàng gánh rong bán thức ăn sáng rộn rịp ở những góc đường.

Ngoài phi đạo máy bay sắp hàng để chuẩn bị cất cánh lên vùng; những chiếc khu trục thô kệch nặng nề, đeo đầy bom tiếng máy rú lên như con thú dữ; những chiếc máy bay quan sát mảnh mai như con hạc trắng nhẹ nhàng cất cánh lên không trung; mấy chiếc vận tải C-123, C-130 to lớn đậu trên tarmac kế những “hangar” khổng lồ, cửa cargo sau đuôi tàu mở rộng, những kiện hàng nằm ngổn ngang. Tại mấy ụ đậu trực thăng, tiếng quay máy o…o…của những động cơ bán phản lực cùng tiếng chém gió phầng phậc của những chiếc tàu đang lơ lững trên “taxiway” càng làm cho bầu không khí càng thêm sôi động.

Vào những giờ ăn tại câu lạc bộ của Không Đoàn đầy người đủ mọi thành phần của các quân binh chủng. Hoa tiêu trong những bộ đồ bay tác chiến đủ kiểu, từ bộ đồ nomex hai mảnh của những hoa tiêu trực thăng, đội nón rằn ri như lính Lôi Hổ, đến những phi công khu trục với bộ đồ bay cam, xám hay kaki, cùng những người không phi hành ngồi tụm năm tụm ba trên bàn, trên khuôn mặt mọi người thể hiện lên nét khẩn trương, phản ảnh một cuộc chiến đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Từ đầu năm 72 đến trung tuần tháng ba, địch đã đủ thời giờ dàn trận và bố trí ở những mặt trận mà chúng đã chọn, và đến bây giờ là giai đoạn tống công kích. Quân đội VNCH bị ở trong thế cờ thụ động, dò dẫm nghe ngóng hoạt động của địch. Không lực của Đồng Minh cũng như Việt Nam liên tục ngày đêm oanh tạc những điểm tập trung của địch để tiêu hủy tiềm năng của Cộng quân trước khi chúng thực sự mở cuộc tổng tấn công. Riêng về hoạt động của các phi đoàn trực thăng đa số là tiếp tế cũng như đổ toán Lôi Hổ để thám sát, dò tìm tin tức sau phòng tuyến của địch. Những phi vụ bay gần vùng biên giới thường đem lại cho phi hành đoàn những cảm giác căng thẳng nếu không nói là lo ngại vì sự hiểm nghèo của nó.

Nhớ lại một phi vụ thi hành khi sương mù đang còn lãng đãng trên đầu ngọn cây, hai chiếc trực thăng võ trang trong đội hình tác chiến, hướng về vùng biên giới. Tôi đang cầm cần lái bay sát trên mặt rừng cây trùng điệp, né tránh những bãi cỏ trống hay rừng thưa, bỗng dưng trước mặt một tàn cây đại thụ cành lá xum xoe nhô lên cao trước mũi tàu. Loáng thoáng bên dưới ánh mắt tôi bắt gặp năm bảy bóng đen đang di động trên những cành cây. Giật thót người tôi kéo ngược cần lái, con tàu bay vút lên cao! Tim đập thình thịch tôi la: -“Trời đất!..Việt Cộng!., tụi mày thấy không!?”

Người hoa tiêu phụ quay nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, buột miệng:

-“Việt Cộng ở đâu ông!?.. Khỉ đó!.. Một đàn khỉ đu trên cây tôi thấy rõ ràng!”

Tôi cắt lời:

-“Bạn nói gì?.. Tôi thấy năm bảy đứa bận đồ đen đang rình mà bạn nói là khỉ”. Như không đồng ý với người hoa tiêu phụ tôi quay ra phía sau hỏi hai anh mê vô xạ thủ:

-“Tụi mày thấy gì? Tao thấy rõ ràng lố nhố mấy thằng bận áo đen đang đeo trên cành cao. Bố chúng nó! Làm tao hết hồn..

Mấy anh xạ thủ sau nhe miệng cười:

-“Ông giật cần lái làm tụi tui hết hồn!..Khỉ đó ông à,., tụi tui thấy rõ ràng mà!”

Lợi dụng địa thế rừng rậm vùng cao nguyên, Việt Cộng thường cho những khinh binh leo lên cây cao hay làm những chòi nhỏ trên đọt để quan sát sự di chuyển cũng như những hoạt động của máy bay và đôi lúc chúng cũng dùng súng trường để bắn sẻ vào những chiếc trực thăng bay ở độ thấp. Đến đây thì tôi mới biết rằng mình lầm, hồn vía trở lại!

Trong một chuyến bay thả toán khác, tôi đã bất ngờ đụng địch sau khi thi hành xong phi vụ yễm trợ thả toán Lôi Hổ kế cạnh con đường mòn Hồ Chí Minh. Trên đường về, cho tàu lướt nhạnh trên mặt rừng già dày đặc để tránh phòng không đích. Bất ngờ trước mặt mũi tàu một bãi cỏ xanh rộng hiện ra, tôi thoáng thấy một khẩu phòng không được ngụy trang băng những cành lá đặt dưới tàn cây sát bìa rừng. Nòng súng đen ngòm to chỉa thăng lên trời. Mặc dù đã xông pha trận mạc qua nhiêu năm tôi vẫn không làm sao tránh được cái cảm giác bị giật mình khi gặp một yếu tố bất ngờ. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một khẩu súng cao xạ cỡ lớn trong khoảng cách quá gần, tức thời tôi bẻ ngoặc cần lái quẹo gắt né bãi cỏ trống. Địch và chúng tôi bất ngờ giáp măt cả hai không bên nào có thì giờ để phản ứng. Đó cũng là môt điều may mắn cho phi hành đoàn. Hai chiếc trực thăng trưc chỉ về căn cứ, nhưng hình ảnh khẩu phòng không nằm ở góc rừng cứ lẩn quẩn trong đầu tôi như đang ngạo nghễ thách đố…Trước đây không lâu Trung-úy Phạm Thành Rinh, một người bạn chí thân của tôi trong phi đội võ trang 215, và Thiếu-úy Võ Diện đã bị bắn nổ tung trên bầu trời mịt mờ khói lửa cũa Võ Định, Tân Cảnh. Rinh đã cùng phi hành đoàn thảng thốt ra đi, không kịp nói một lời trên tần số. Tôi đã mất một người bạn, một nghệ sĩ với cây đàn…Giọng hát ngọt ngào trầm ấm anh thường trình diễn trong những buổi dạ vũ của phi đoàn còn văng vẵng bên tai:

Em đến bên tôi một chiều khi nắng qua rồi…
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới…
Xa xa tiếng đàn trầm vô tư…
Đâu đây dáng huyền bền duyên mơ…
Bên cầu biên giới…
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi…

Rinh đã vĩnh viễn ra đi, thân xác anh đã trở thành cát bụi trên vùng trời biên giới, anh không còn hiện hữu để “lặng nghe dòng đời từ từ trôi…” Rinh và tôi chỉ có hai người được chọn về với phi đoàn 215 trong tất cả các bạn cùng khóa. Anh ra đi vì khẩu phòng không oan nghiệt. Hình ảnh đau thương trở lại trong tâm trí, máu huyết trong người tôi sôi sục, tôi muốn quay trở lại ngay để trút lên đầu địch những hận thù chất chứa.

Nhìn lại khả năng và vũ khí giới hạn trong tay, trực diện đối đầu với khẩu phòng không này quả là một sự điên rồ. Những sách vở kiến thức học ở trường bay chưa bao giờ dạy chúng tôi phương thức để đối phó với hoàn cảnh này. Trực thăng vận quá mới mẻ đối với chiến tranh Việt Nam. Những hoa tiêu trực thăng chỉ được dạy kỹ thuật bay bổng, ngoài ra họ phải tự học hỏi lấy để sống còn qua những kinh nghiệm bản thân để đối phó với một mặt trận càng ngày càng leo thang.

Khẩu cao xạ phòng không vẫn đang chờ đợi. Lòng tôi sôi sục. Tôi chợt liên tưởng đến chiêu pháp: “dương Đông kích Tây”. Nếu tôi cho “wingman” (chiếc bay theo sau) của tôi bay vòng sát đầu ngọn cây phía Bắc của địch, tiếng động cơ ồn ào cùng tiếng chém gió của cánh quạt sẽ gây sự chú ý của tên xạ thủ phòng không và chắc chắn nó sẽ quay mũi súng chờ đợi. Bay nhanh sát trên đàu ngọn cây từ hướng Nam lên, tôi sẽ bất ngờ đột kích. Khẩu cao xạ nặng nề sẽ không kịp quay họng súng kịp để tác xạ. Nếu sự suy luận của tôi đúng, tôi chỉ cần vài ba giây ngắn ngủi đó để hoàn tất sứ mạng.

Tôi quyết định quay tàu lui, sau khi cho chiếc trực thăng võ trang số hai biết ý định. Chúng tôi chia tay nhau, chiếc số hai thi hành nhiệm vụ “dương Bắc”, tôi ở lại chờ đợi sứ mạng “kích Nam”. Không đầy một phút sau chiếc gun số hai báo cho biết đã đến vùng. Thời cơ đã điểm, không một giây chậm trể, tôi lao con tàu về hướng khẩu phòng không. Chiếc tàu cắm đầu chúi mũi lướt vùn vụt trên đầu mặt rừng già gợn sóng nhấp nhô như mặt biển xanh. Khi chỉ còn cách bãi cỏ một khoảng ngắn, tôi kéo ngược cần lái, con tàu tức khắc ngóc đầu lên cao như con rắn hổ phùng mang trợn má trước khi mổ vào đầu địch.

Xoẹt…xoẹt…xoẹt… Mười bốn trái “rocket” vội vã thi nhau rời con tàu lao thẳng tới dàn phòng không ẩn hiện trong đám cây góc rừng. Những tiếng nổ ầm vang dội núi đồi, bụi mù xen lẫn cành lá bay tung tóe khắp nơi. Tai nghe loáng thoáng tiếng cóc cóc đâu đó từ những khẩu AK-47. Tôi không còn thì giờ để nhìn thành quả, một tay đè mạnh cần cao độ, tay kia bẻ ngoặc cần lái, con tàu nghiêng mình lài xuống về phía bờ cây cao.

Trước sự ngỡ ngàng của địch quân chiếc trực thăng chỉ xuất hiện năm ba giây rồi vụt biến mất dạng trên mặt rừng mênh mông, theo sau chiếc Hổ 2 sát nhập lại nối đuôi nhau như hai con rắn độc hạ thủ xong lủi vào bụi cây rậm…Trên đường trở về căn cứ, tôi hình dung một nụ cười mãn nguyện đang nở trên môi của Rinh nơi chín suối.

….

– Mãnh Hổ, Charlie…Hai bạn ờ đang ở đâu, cho biết vi trí. Tiếng nói của Thiếu-tá Phạm Bính, phi đoàn trường của phi đoàn 215 đột ngột vang trong tần số VHF.

Ngạc nhiên khi nghe chiếc Charlie gọi tôi trong giờ phút này, tôi trả lời:

– Charlie đây Hổ!..còn chừng mười phút nữa đáp Pleiku.

– Tôi vừa nhận được tin tức mới nhất,., căn cứ hỏa lực Charlie đang bị tấn công nguy kịch, tình trạng rất nguy ngập,..quân bạn đang cần sự yễm trợ của tất cả những phi cơ nào đang có mặt trên vùng…Hai Hổ quay lại vùng Võ Định, hiện tôi đang có mặt tại đây với Ban chỉ huy Dù, hai bạn lúc nào đến cho tôi biết, sẽ có chỉ thị.

Vừa nghe Charlie dứt lời trên tần số Thiếu-úy Hùng quay sang nhìn tôi vài giây như dò hỏi, xong buột miệng:

– Trời đất… trễ quá rồi tới đó là quá tối thấy đường đâu mà đánh. Trước thái độ của Hùng, tôi biết anh đã quá mệt mỏi sau một ngày dài, nhưng không có một sự lựa chọn, tôi trả lời Charlie:

– Hổ nghe năm!., quay lại Võ Định. Nói xong tôi ra dấu tay cho Hùng quay đầu con tầu trở lại hướng Bắc. Sau lưng chiếc Hổ 2 bám sát. Nhìn ra bên ngoài, bầu trời mập mờ không còn bao lâu nữa thì tối hẳn. Lòng dấy lên một niềm e ngại, chưa bao giờ tôi thực sự tham dự một trận đánh đêm trong vùng rừng núi cao nguyên này cả. Tuy nhiên theo chỉ thị của cấp trên, tôi phải tuân lệnh. Tôi vỗ về người hoa tiêu bạn:

– Ráng tí đi Hùng, có lẽ mình sẽ đánh vài “pass” rồi về thôi.

Trong phi đoàn anh hoa tiêu phụ của tôi có biệt danh là “Hùng kiềng”, chân anh hơi cong cong, anh có tướng đi khệnh khạng như “cao bồi” cỡi ngựa. Anh tánh bộc trực có gì nói nấy, lại có tội hơi lè phè. Tôi còn nhớ một buổi sáng đang mơ màng nằm ngủ trong phòng bỗng nghe văng vẳng tiếng đồng hồ báo thức của ai reo dai dẳng, liên tục. Tôi ngồi dậy bước ra khỏi giường, ngang phòng Hùng thuê cách tôi một căn, tiếng reo vang rền, tôi đây nhẹ vào cửa không khóa. Hùng đang nằm ngữa mình trần trùng trục mồ hôi đổ nhễ nhại, hả miệng ngáy o…o…Hoa tiêu phụ có bổn phận phải có mặt trước để check tàu, trưởng phi cơ sẽ ra sau. Chiếc đồng hồ điện báo thức réo rắt từ sáu giờ sáng đến quá chín giờ mà anh vẫn còn chìm đắm trong giấc ngủ say.

Hùng là một hoa tiêu phụ bay với tôi rất nhiều phi vụ và đã chia sẻ với tôi nhiều giây phút đáng nhớ. Một lần trên đường bay ra Phù Cát, giao tay lái cho Hùng xong tôi ngồi dựa ngữa vào lưng ghế, mắt nhắm lại nghỉ mệt. Trong tiếng máy nổ đều đặn, con tàu rung nhẹ dần đưa tôi vào “chốn lãng du”… Đang phiêu diêu nơi “chốn tang bồng” con tàu chợt rung động mạnh, tôi hé mở mắt ra nhìn: tất cả xung quanh con tàu bao phủ một màu mây trắng xóa, không biết đâu là trời đất. Mơ mơ màng màng, tôi tự hỏi: tàu bị lọt vô mây,., ai đang cầm lái đây?..vertigo ? Những tư tưởng mơ hồ loáng thoáng trong đâu như tia điện làm tôi tỉnh hẳn người. Hốt hoảng tôi ngồi phắt dậy, tay chụp vội cần lái la to:

-“Ê! ê!.. chết!..chết!..”

Vừa chưa la chưa hết câu, đột nhiên bầu trời trở lại trong sáng, dưới chân mặt biển xanh ngát một màu. Con tàu vừa bay xuyên qua một đám mây nhỏ! Sượng sùng tôi trả cần lái lại cho Hùng. Cũng nên biết trực thăng thường bay VFR (Visual Flight Rules), chun vô mây là điều bất khả kháng.

Cuộc đời hoa tiêu trực thăng gian khổ, năm tháng đương đầu với những giờ bay dài đăng đẳng. Một ngày ngồi trên chiếc ghế bay bảy tám tiếng là chuyện thường khi hợp đoàn phải di chuyển cả tiểu đoàn bạn vào vùng hành quân. Ngồi trên ghế chai cả mông, mồ hôi đổ ướt đít đến mọc mụn.

Một lần khác trên thung lũng “Buôn Mì Gà” vào buổi trưa hè nắng gắt, hai chiếc “gun” bay vòng trên trời chờ hợp đoàn trở về bốc thêm quân, Hùng cầm cần lái tôi ngữa đầu vào lưng ghế nghỉ rồi ngủ thiếp đi. Bay vòng chờ trên cao, mỗi khi con tàu hướng về phía mặt trời, ánh nắng dọi thẳng vào mặt nóng ran. Chợt tôi mơ một cơn ác mộng, thấy con tàu đường trở về căn cứ, mình đang bay bị bốc cháy dữ dội, lửa ngọn lan tràn đến phòng lái. Tôi hốt hoảng ngồi bật dậy la làng:

-“Cháy!..cháy!..cháy!”

Mở mắt ra, tim đập thình thịch, tôi ngơ ngác nhìn quanh. Bên ghế trái “Hùng kiềng” đang im lặng miệng phì phèo điếu thuốc lá trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên, rồi bật cười lớn. Biết là hố, tôi lấy tay áo quẹt lau mồ hôi đổ hột trên mặt, sửa lại thế ngồi, xong lui cui móc điếu thuốc lá châm hút, nhìn ra ngoài trời xanh, mây trắng không nói một lời

– Sao ông thầy,., mình cần load thêm đạn không? Người xạ thủ ngồi sau khoang tàu hỏi tôi.

– À…thôi có lẽ còn chừng đó xài đủ rồi, để coi tình trạng như thế nào đã. Chắc không lâu đâu,., đánh vài vòng rồi về,., tối rồi.

Phía sau tàu Trung sĩ Hội xạ đang ngồi bệt trên sàn lúi húi sửa khẩu súng bị kẹt, chiếc áo bay phập phồng gió lộng trong khoang tàu mở cửa. Trung sĩ Song mê vô ngồi trên thùng đạn đang ưu tư nhìn vào khoảng không. Một niềm cảm xúc dấỵ lên trong lòng thương cho những người bạn đồng hành gần gũi qua bao nhiêu năm chung chia tất cả những vui buồn khổ cực.

Trong những giây phút mạng sống như chỉ mành treo chuông trên mặt trận họ cũng hứng chịu không khác gì hoa tiêu, nhưng họ đã không được đề cao hay tưởng thưởng tương xứng với những gì họ đã đóng góp. Phi đội trực thăng võ trang trong phi đoàn chỉ là một nhóm nhỏ, rất thân tình gần gũi với nhau, anh em biết tánh tình từng người một.

HOVANSONGTrung sĩ Song xạ thủ theo đạo Phật, theo tôi biết anh kỵ sát sanh, một con kiến anh cũng không muốn giết vậy mà không hiểu tại sao anh lại xin vào phi đội trực thăng võ trang. Trong một phi vụ phía Bắc Gia Nghĩa, đang bay quan sát bãi đáp ở độ cao vài trăm bộ, bất chợt một tên Việt Cộng từ bụi cây giữa bãi cỏ trống phóng như cắt hướng về bìa rùng. Tôi la to:

“Song!.. Song!..bắn!..bắn!..”

Hàng ngàn viên đạn tuông ra từ nòng súng cày lên mặt đất tung tóe như mưa bấc. Tên địch vẫn chạy.. .chạy mãi đến gần bìa rừng. Tay kềm con tàu, theo dõi diễn tiến qua khung cửa, tôi điên “tiết vịt” lên lắc mạnh cần lái, con tàu chao đảo. Tôi nói to như hét:

-“Hội!..Hội!..qua bên này bắn đi… nhanh lên…, coi chừng nó chạy mất…Bắn như con c.!”

Nhưng đã quá muộn tên vc đã biến mất dạng dưới những tàng cây rừng rậm rạp. Tôi lầm bầm một mình trong “intercom”: Mẹ!..sợ sát sanh mà còn đòi đi bay “gun”.

– Hổ tới đâu rồi, báo cáo…Giọng nói của Thiếu-tá Bính nghe trên tần số.

– Chừng vài phút sẽ đến Võ Định, OK,.. tôi thấy Charlie rồi…

Cao trên thung lũng đậm màu đêm xuống, bên con sông Pokor uốn khúc phía Tây QL 14, chiếc trực thăng Charlie lơ lững như một chấm đen trên đầu dãy “Rocket Ridge”. Phía Đông nằm sát con lộ là Võ Định, nơi đóng quân của bộ chỉ huy Lữ Đoàn 2 Dù.

– Hổ “hold” chờ phía Đông đồi Charlie…Hổ sẽ cùng bốn chiếc “gunship” của phi đoàn 235 và 229 vào yễm trợ…chừng vài phút nữa họ sẽ có mặt….

Tôi cho con tàu bay vòng về phía Đông dãy núi trọc nhìn xuống cụm đồi phòng thủ của đôn Charlie hình yên ngựa. Từ cao tôi có thể thấy những trái đại pháo liên tục rớt trên mặt đất của đồn, nổ tóe lửa trong ánh hoàng hôn mờ ảo, trông lập lòe chớp lóe như pháo bông. Căn cứ hỏa lực này giờ hầu như đã thành bình địa. Những công sự phòng thủ bị pháo nát, hòa lẫn với đất cát không nhận ra hình hài.

Tại căn cứ này, địch đã dùng chiến thuật công đồn đả viện, tiền pháo hậu xung. Chúng tiêu hao tất cả những tiềm lực chiến đấu của quân bạn bằng những trái đạn đại pháo, những trái đạn nổ chậm chui xuống đất rồi nổ tung phá nát hầm sâu. Một mặt chúng ngăn chặn nguồn tiếp tế duy nhất là trực thăng bằng những khẩu phòng không bố trí xung quanh đĩnh núi hay những trái pháo đã được điều chỉnh sẵn nhắm vào bãi đáp.

Trong bóng chiều tà, từ đỉnh đồi Charlie nhìn thẳng xuống tới chân núi phía Đông tôi vẫn còn nhận rõ một khoảng đất cỏ cháy xém, ngay chính giữa là một khối sắt co dúm đen đủi, kế bên là một khúc đuôi trực thăng còn nguyên nằm lật ngược. Tất cả đó là những gì còn sót lại của một con chim sắt thuộc phi đoàn Thần Tượng đã gãy cánh cách đây mấy ngày. Hình ảnh còn mới mẻ của phi hành đoàn thân yêu đã ra đi trong bất ngờ, trong thảng thốt như một cuốn phim kinh hoàng bừng sống lại trước mắt tôi.

Mười giờ sáng hôm đó, năm phi hành đoàn Thần Tượng đáp tại bộ chỉ huy Dù ở căn cứ Võ Định, sát phía Đông QL 14. Chiếc Charlie do Thiếu-tá Khưu Văn Phát, phi đoàn phó 215 cầm lái. Vì Lữ Đoàn Dù chỉ đóng quân tại những căn cứ cố định trên những tiền đồn cao điểm nên những phi vụ thường là tản thương hoặc tiếp tế. Năm chiếc tầu đã tắt máy. Tôi mở cửa tàu, bước xuống đi lững thững vào bộ chỉ huy dọc theo hàng rào kẽm gai con đường đất đỏ quanh co. Gần đó là những chiếc lều dã chiến màu xanh cứt ngựa thật lớn, trên nóc đầy những cột “ăn ten” chĩa thắng lên trời. Không xa đặt vài khẩu trọng pháo, thỉnh thoảng nổ đì đùng…

Vòng vo một khoảng nữa thì tôi đến căn trại của bộ chỉ huy Lữ Đoàn II Dù. Tôi bước vào lều. Thiếu-tá Phát đã có mặt với một vài vị sĩ quan bạn ngồi kế bên một cái bàn dài trải những tấm bản đồ xanh lơ. Kế đó Trung-tá Đặng Duy Lạc, một hoa tiêu A-37, Không đoàn Trưởng KD62/CT tại Nha Trang, đang nói chuyện với một sĩ quan cấp tá Dù. Sự hiện diện của Trung-tá Lạc làm cho tôi rất ngạc nhiên. Tôi vừa đưa tay chào theo cung cách nhà binh vừa bước đến gần bên Thiếu-tá Phát kéo chiếc ghế trống ra ngồi, xong tôi ghé sát vào tai Thiếu-tá Phát hỏi nhỏ:

-“Ông Trung-tá Lạc làm gì ở đây vậy? ”

-“À,., ổng chỉ lên thăm và ủng hộ tinh thần anh em thôi, chiều ổng về lại Nha Trang rồi”.

Thiếu-tá Phát trả lời xong nói tiếp:

-“Ngồi tí rồi mình đi, sáng hôm nay chỉ có hai phi vụ tiếp tế cho đồi Charlie… Anh còn nhớ vụ tôi bị bắn ở Tiền đồn 6 không? Phòng không đây nặng hơn nhiều… nên cẩn thận”.

-“Thầy quá may đó,., nhìn chiếc tàu bị bắn, tôi không hiểu sao Thầy về kịp đáp Phượng Hoàng an toàn được”

Nhớ lại hình ảnh chiếc trực thăng khi đem về căn cứ, viên đạn xụyên qua sàn tầu, đâm lủng bình xăng đi thẳng lên làm một lổ lớn trên trần tàu rồi bay thẳng lên trời, may viên đạn trúng tàu không phải là đạn lửa, không thì con tàu sẽ nổ tan xác pháo. Tôi cảm thấy cuộc đời bay bổng của hoa tiêu trực thăng thật quá mong manh, mạng sống như chỉ mành treo chuông, nhất là trong những trận chiến sôi động này, tương lai chỉ đếm từng ngày một.

Ngồi nói chuyện đôi ba câu xong, tôi đứng dậy bước khỏi lều hút thuốc lá. Trong ánh nắng chói chang, tôi để tầm mắt về hướng Tây, dãy núi “Rocket Ridge” đứng sừng sững bất động dưới bầu trời xanh. Đã mấy ngày nay tin tức cho biết Cộng Quân đang áp đảo căn cứ trên đỉnh núi, cố tình muốn dứt nọc trước khi tổng tấn công vào vùng Tân Cảnh, dưới trách nhiệm của Sư Đoàn 22 bộ binh. Những viên đạn đại pháo 130 ly, những trái hỏa tiễn 122 ly cùng với những súng cối 82 ly ngày đêm không ngưng nghỉ rót vào những căn cứ hỏa lực.

– “Lẹ đi, tao đá cái chết mẹ bây giờ!”

Đang đứng dựa gốc cột dưới căn lều dã chiến bộ chỉ huy, tôi quay lại thấy một anh trung sĩ Dù, đầu đội nón “bê-rê” đỏ đi kế bên một thằng bé cỡ mười sáu tuổi mười bảy tuổi, bận bộ đồ màu xanh cứt ngựa của lính chính quy Cộng Sản, tóctai bơ phờ, mặt mày ngơ ngáo. Thấy tôi anh ngừng lai chào tôi hỏi:

-“Anh đem nó đi đâu vậy?”

-Dạ… tôi đưa nó đi cầu”, xong anh nói tiếp: “Nó vừa mới bị bắt sống tối hôm qua đó,., nó thuộc Sư Đoàn Thép, bộ chỉ huy cho chở về đây lấy tin tức. Tụi nó hết người rồi phải lấy toàn con nít hỉ mũi chưa sạch. Sư Đoàn Thép bây giờ toàn thứ này nhiều lắm”.

Nhìn khuôn mặt non choẹt tái mét vì đã chui rúc trong rừng sâu nước độc, mỏng manh trong bộ quân phục xốc xếch, chân mang đôi dép quai râu, tôi thấy tội nghiệp cho những đứa trẻ “sinh Bắc tử Nam”. Anh lính Dù đứng một lát xong dục:

– “Đi mày!”

Tôi gật đầu chào rồi bước ra chỗ bãi đậu, lửng thửng đi ngang qua hai chiếc trực thăng chở tiếp tế. Sau khoang tàu, mấy phi hành đoàn đang tập tụ binh xập xám chờ phi vụ.

-“Ê! bao lâu nữa thì đi?”

Trung-úy Vân bay chiếc số một đang ngồi trong khoang tàu hỏi vọng ra.

-“Sắp sửa rồi, chuẩn bị đi!”

Tôi vừa bước gần Vân thấy có Thiếu-úy Long đứng kế bên, tôi hỏi một câu nửa chơi nửa thiệt :

-“Sao? Long! giải được bùa chưa?”

Anh không trả lời chỉ nhếch mép cười. Nghe mấy người bạn kể lại vì tội dụ dỗ một cô gái Thượng ở Ba Mê Thuột, anh đã bị thư một cái dằm vào chân, mỗi đêm đều bị nhức nhối. Tôi nghe anh em nói tưởng họ đùa, nhưng khi gặp anh Long hỏi thì anh xác nhận chuyện đó có thật. Mỗi lần trong phi đoàn có phi vụ nào đi Ba Mê Thuột anh đều xin theo để gặp thầy pháp giải bùa chữa bệnh.

Từ ngày mặt trận bùng nổ, tôi đã cảm nhận rằng trong bầu không khí chiến tranh càng ngày càng leo thang, tâm tư anh em phi hành đoàn bắt đầu mang một nỗi e dè, lo lắng. Tối hôm qua, ở tại biệt đội, trong khi mọi người đang tụ tập bàn tán xôn xao về tin của một chiếc tàu của phi đoàn bạn bị bắn nổ trên không trung, Trung-úy Vân vừa mới lên từ Nha Trang, ngồi trong phòng tại biệt đội, anh tâm sự với một người bạn thân rằng vợ anh mới sanh, tiền bạc chẳng có nhiều, mặt trận càng ngày càng sôi động làm anh rất quan tâm…Trước khi đi ngủ anh móc tất cả trong túi lấy ra được mấy ngàn đồng, cùng với cái đồng hồ rồi bỏ tất cả trong hộc tủ, nhờ một người bạn nếu anh có mệnh hệ gì thì giao lại tất cả cho vợ anh. Nghe câu chuyện tôi linh cảm đó như là một điềm xấu có thể xảy ra cho Trung-úy Vân.

Từ căn lều bộ chỉ huy, Trung-tá Lạc bận bộ đồ bay màu xám, chiếc nón lưỡi trai đen trên đầu với hai nhành dương liễu trắng trông rất phong độ, đi song đôi với Thiếu-tá Phát, phía sau Trung-tá Nhảy Dù đầu đội nón sắt tay cầm bản đồ và mấy người tùy tùng. Tất cả đang tiến ra bãi đậu. Âm thanh o…o…quay máy của Charlie khởi đầu cho phi vụ tiếp tế.

Hai chiếc trực thăng vừa quay máy, vừa nhận hàng của một chiếc xe cam nhông đậu kế bên hông. Những thùng bằng gổ thông chứa đạn dược, C-Ration ( khẩu phần ăn của nhà binh) cùng với những ống sắt đựng đại bác dùng để chứa nước được chất đầy trên boong tàu. Đợi tất cả cất cánh trước cho rộng chỗ, tôi từ từ nương con tàu nặng nề súng đạn rời khỏi bãi, vượt qua hàng rào kẽm gai và những cây “ăng-ten” cao nghệu. Nhìn xuống, những căn lều lúp xúp của trung tâm hành quân Dù Võ Định vây quanh bởi hàng chục vòng kẽm gai nhỏ dần dưới ánh nắng mai gay gắt…

Bay chừng năm bảy phút, tất cả hợp đoàn đã đến vùng. Rặng núi “Rocket Ridge” đang nằm im lìm dưới bầu trời trong xanh. Chiếc Charlie bay vòng trên cao độ nhìn xuống, căn cứ Charlie. Nơi đây gồm ba cứ điểm phòng ngự từ Nam lên Bắc, điểm thấp nhất đồi 960 cũng là bãi đậu trực thăng làm nơi tiếp tế, rồi tới đồi 1020, cao nhất phía Bắc là đỉnh Charlie, 1050. Tất cả tạo thành một địa thế từ xa nhìn giống như hình yên ngựa. Tại cụm phòng ngự này đã bị Cộng quân mở hàng loạt trận địa pháo 130 ly, 122 ly và hỏa tiễn đủ loại, chúng cố dứt điếm căn cứ này với mọi giá. Tại cao điểm này chúng có thể kiểm soát tất cả những di chuyển cũng như hoạt động dưới thung lũng sông Pokor cũng như QL 14 chạy dài tới thị xã Tân Cảnh, mục tiêu trọng yếu đầu tiên trước khi tiến chiếm Kontum. Trước đó mấy ngày căn cứ hỏa lực Yankee phía Bẳc Charlie đã bị thất thủ.

Vòng vây địch siết chặt, áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung, sau những trận mưa pháo dữ dội, địch quân xung phong ào ạt vào căn cứ, sau bao lần đều bị đẩy lui bởi sức kháng cự mãnh liệt của những chiến sĩ Dù và sự yễm trợ của phi pháo. Sự kiên nhẫn của địch quân có giới hạn, chúng trở thành như điên cuồng lao đầu vào trước những mũi súng của quân ta. Xác của những tên Cộng quân nằm la liệt ngoài những hàng rào phòng thủ, tan nát cháy đen vì đạn pháo binh cũng như bom “napal” của những chiếc máy bay khu trục. Tình trạng đạn dược lương thực nước uống cạn dần đến mức tối thiểu, nếu không được tiếp tế trong ngày hôm nay, Tiểu Đoàn 11 của Trung-tá Nguyển Đình Bảo sẽ không còn phương tiện để chống trả sức tấn công liên tục của địch.

Từ ngày Cộng Sản khởi động cuộc chiến tại miền Nam, chiến thuật trực thăng vận đã được đem ra áp dụng lần đầu tiên trong lịch sừ chiến tranh thế giới. Trực thăng vận đã hoạt động rất hữu hiệu trong chiến trường du kích chiến. Nhưng chiến tranh càng ngày càng leo thang, địch quân được tăng cường và trang bị thêm nhiều vũ khí tối tân hạng nặng, đặc biệt nhất là vũ khí phòng không. Trực thăng với tốc độ chậm dễ bị phương hại và đã trở thành những mục tiêu dễ dàng cho những loại súng cỡ lớn từ 12 ly 7, 37 ly và đặt biệt là những hỏa tiễn cầm tay như SA-7.

Sự tổn thất chiến trường của ngành trực thăng càng ngày càng lên cao. Mấy ngày hôm nay những phi vụ tiếp tế đã gặp nhiều khó khăn trở ngại vì rừng phòng không và những trái đạn pháo kích chính xác địch đã điều chỉnh sẵn nhắm vào bãi đáp trực thăng. Tôi cảm thấy bất lực trước hỏa lực cũng như khả năng yêu kém của chiếc trực thăng võ trang này để bảo vệ hữu hiệu cho những người bạn đồng đội.

Chiếc tàu tiếp tế số một của Trung-úy Vân bắt đầu vào đáp. Trên triền núi trơ trụi vì đạn pháo bao ngày qua từ màu xanh cỏ úa đã trở thành màu đất đỏ lồi lõm những hố đạn pháo. Ba điểm phòng thủ đồi Charlie đã xơ xác hoang tàn gần như thành bình địa.

Trong cái im lặng của sự chờ đợi nghe ngóng của địch, tôi cảm tưởng như tất cả những trái đại pháo đang chờ con tàu mong manh nay đi vào ổ phục kích. Tôi cho chiếc Hổ 1 bọc sau đuôi cánh trái, chiếc Hổ 2 bên cánh phải. Từ sau lưng trên cao nhìn xuống tôi theo dõi chiếc trực thăng của Trung-úy Vân chậm chạp hạ cao độ rồi từ từ đáp xuống trên vòng tròn nhỏ của bãi trực thăng. Bụi đỏ bốc lên dưới sức gió của cánh quạt. Từ vị thế trên cao phía sau tôi nhìn xuyên qua cánh quạt trực thăng, những người lính trên tàu đạp vội vã những thùng đồ xuông bãi… Bỗng trên bãi đáp không xa hai ba trái pháo nổ bung khói đen cùng bụi đỏ bốc lên đồng thời những tiếng súng nổ vang rền lên từ triền núi kế cận. Con tàu chậin chạp từ từ quaỵ đầu lại chuẩn bị cất cánh, đồng thời trên tần số tôi nghe tiếng của Trung-úy Vân đứt đoạn:

-“Charlie! Ground fires! Ground fires!..tàu trúng đạn!..”

Từ những mõm núi trọc mênh mông, những viên đạn pháo không biế nơi xuất phát, những viên đạn phòng không từ những hang hóc của những ngọn đồi kế cận bắn tới tấp hướng tàu của Trung-úy Vân. Phản ứng tự nhiên, tôi cắm đầu con tàu phóng những trái “rocket” rải rác trên triền núi. Những trái hỏa tiễn nổ lốm đốm trên sườn núi, tung lên những đám bụi đỏ, yếu ớt vô hiệu quả trước kẻ thù đang ẩn nấp sâu trong hang hố đâu đó.

Sau khi tác xạ xong tôi quay vòng lại nhìn tàu của Trung-úy Vân vừa lên cao. Trên tần số tiếng la hốt hoảng của Thiếu-tá Phát:

-“Lead”!.. “lead”!..tàu bạn đang bốc khói nghe không trả lời?”

Không có tiếng trả lời! Chiếc trực thăng từ bãi đáp đang lấy cao độ rời khỏi triền núi, một làn khói đen đang bốc lên từ buồng máy. Không khí căng thẳng đến tột độ.

-“Lead! tàu bạn bị cháy…đáp ngay!..đáp ngay! Dưới chân bạn có bãi đáp trông ngay triền đôi, bạn nghe không trả lời?” Tiếng của Thiếu-tá Phát dồn dập. Từ xa, cùng cao độ tôi thấy con tàu của Trung-úy Vân lửa bắt đầu ngún lên thành ngọn bao trùm buồng máy. Lửa lan dần đến giữa thân tàu.Tôi phụ họa:

-“Đáp…đáp…tàu cháy,..tàu cháy…đáp dưới chân đồi,., nghe không Vân?”

Kéo hết tốc độ tôi cố đến gần chiếc tàu bị nạn. Lửa mỗi lúc mỗi cao, khoang tàu mịt mù khói đen thấp thoáng hai anh mê vô xạ thủ đang chồm về phía “cockpit” để tránh hơi nóng càng ngày càng mãnh liệt.

– “Đáp…đáp ngay…đáp xuống triền núi có Hổ cover đây…nghe rõ trả lời?

Hình như mọi sự liên lạc đã bị cắt đứt. Chiếc trực thăng của Trung-úy Vân đang trở thành một khối lửa cuồn cuộn, lao nhanh xuống triền núi vỡ bùng! Tất cả chỉ còn là một đống sắt đang cháy ngùn ngụt! Trong cơn hốt hoảng phi hành đoàn chỉ muốn bay xa khỏi tầm sát hại của địch mà không ước lượng được tình trạng thiệt hại của con tàu đến khi quá trễ. Tôi cho tàu lượn thấp xuống nhìn trong tuyệt vọng. Hai chiếc “gun” bay vòng tròn trên chiếc tàu bị nạn và sau đó được lệnh rời vùng. Tôi ngoái đầu nhìn đám cháy mịt mù một lần cuối rồi chuyển hướng bay, nước mắt lưng tròng…

Trên tần số có tiếng của Thiếu-tá Phạm Bính:

– Mãnh Hổ, đây Charlie…Bốn chiếc “gun” của hai phi đoàn bạn đã đến vùng, bạn dẫn tất cả vào mục tiêu.

Tôi ngước đầu nhìn, từ xa bốn chấm đen từng cặp một đang bay đến trên nền trời sẩm tối.

– Charlie…đây Mãnh Hổ!..Cho biết vị trí tác xạ chính xác? Tôi hỏi.

– Hổ đây CharlieLhiện tại địch đã tràn ngập khắp mọi nơi, hai cao điểm thâp đã bị địch chiếm, chỉ còn đỉnh đồi Charlie đang còn giao tranh cận chiến… Bạn tự do oanh kích ngay trên căn cứ Charlie!.. nghe rõ trả lời?…

Thiếu-tá Bính vừa dứt lời trên tần số, tôi bàng hoàng không tin những gì mình vừa nghe được:

– Charlie, đây Hổ!.. Thiếu-tá muốn tôi đánh ngay vào đỉnh đồi!?..

– Đúng năm!

Tiếng nói rõ ràng và khẳng định của Charlie không còn làm tôi nghi ngờ gì nữa. Lần đầu tiên chứng kiến sự thất thủ của quân bạn ngay trước mắt. Căn cứ được đóng và bảo vệ bởi một lực lượng tinh hoa và kinh nghiệm nhất của QLVNCH, đã từng chiến thắng bao nhiêu mặt trận, đã làm cho địch nhiều phen kinh hoàng khiếp đảm, giờ đây đang bó tay trước những đợt tấn công thí mạng của đối phương. Với sự hiểu biết hạn chế của một hoa tiêu trực thăng võ trang, tôi thường tự hỏi về chiến thuật của bộ chỉ huy khi để một đơn vị tác chiến như Nhảy Dù sở trường trong việc tấn công và chủ động trong chiến trường phải đóng trụ tại một cao điểm. Thụ động chờ đợi địch là sở đoản của binh chủng Nhảy Dù. Họ được huấn luyện để tấn công, không phải để giữ đồn.

Trong giờ phút này không thấy bóng dáng của một chiếc khu trục trên bầu trời, chắc không cần thiết nữa. Quân bạn có lẽ đã dùng hết tất cả mọi khả năng yễm trợ, sáu chiếc trực thăng võ trang bây giờ chỉ còn là những vớt vát cuối cùng cố gây tổn thất tối đa cho quân địch trước khi chúng hoàn thành mục đích của chúng.

Lấy tần số của Charlie, tôi liên lạc được với bốn chiếc “gun” của phi đoàn bạn và tất cả sáu chiếc theo nhau đi vào vùng. Bầu trời đã tối lắm rồi, triền núi của ngọn “Rocket Ridge” mờ ẩn hiện sau nền trời đen xám. Từ trên cao độ tôi tiến gần vào mục tiêu, chỗ trũng thấp yên ngựa bãi đáp trực thăng cao điểm 960 là một trong ba cao điểm quen thuộc của cụm đồi Charlie, nơi mà Trung-úy Vân và phi hành đoàn đã bị bắn, và lên theo triền dốc và phía Bẳc vài trăm bộ là cao điểm thứ hai 1020 đã bị địch chiếm, chỉ còn lại cứ điểm cao nhất 1050 Charlie do Trung-tá Nguyễn Đình Bảo chỉ huy là đang còn giao tranh. Bay đến gần đỉnh núi cao vô tri giác đó tôi như đã cảm nhận được những trái lựu đạn đang chuyền tay nhau nô tung giữa những giao thông hào bể nát, những viên đạn súng trường bắn thật gần, những người lính Dù đang vật lộn với kẻ thù đông đảo, cố chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

Giờ phút này sự chính xác của những trái “rocket” của sáu chiếc trực thăng võ trang không còn cần thiết nữa. Trên bãi chiến trường này, mảnh đất nhỏ hẹp nào cũng là mục tiêu. Sau khi thông báo cho những chiếc “gun” đang theo sau, tôi cho con tàu cỡ ngàn bộ trên đỉnh cao điểm cắm đầu xuống bắt đầu oanh kích. Những trái hỏa tiễn cháy bùng nối đuôi lao xuống đỉnh núi, theo sau những vệt lửa dài chạm đất nổ tung, tóe lửa. Những khẩu “mini-gun” quay vù tuôn những viên đạn lửa nối đuôi nhau tạo một đường đỏ dài uốn éo trong ánh sáng mờ ảo.

Theo sau những chiếc “gun” tuần tự phóng những trái “rocket” xuống đỉnh núi, những đốm lửa lóe lên bởi những trái “rocket” trong bóng đêm chập choạng như đánh thức rừng phòng không của địch. Chung quanh đỉnh đồi bỗng lấp lánh chấp chóa ánh sáng rực rỡ như cây Noel trong đêm Giáng Sinh. Một rừng tên lửa đỏ lao về hướng những chiếc trực thăng đang cắm đâu xạ kích. Tôi la lớn trong tần số:

– “Phòng không!..phòng không!..Break! Break!..” Vừa la xong tôi kéo ngược con tàu lên cao. Những viên đạn lửa bay vút hướng lên bầu trời đen như những vì sao xẹt. Không cần thiết phải có sự chính xác nữa, tôi thông báo cho tất cả hợp đoàn “gun” xử dụng tất cả những đạn dược còn lại một lần cuối trước khi rời vùng.

Từ khoảng cách khá an toàn xa tầm bắn của những khẩu phòng không, tôi kéo con tàu nhổng đầu lên phóng những trái “rocket” bắn vòng cầu như đạn pháo binh, những trái hỏa tiễn biến mất vào khoảng không gian mù mịt rồi rơi rớt rải rác trên đỉnh đồi tóe lửa. Những mũi súng cao xạ của địch tức thì phản ứng, từ triền núi lấp lánh những ánh lửa đỏ bay như mưa rào ngược về hướng những con tàu ẩn hiện trong bóng tối.

Tất cả đều vô nghĩa! Trận đánh đã ngã ngũ! Những con chim sắt đang cố gắng thi hành phi vụ cuối cùng trong vô vọng. Ngọn đồi mang tên Charlie không còn nữa, chỉ còn lại là dư âm của những trận đánh kinh hoàng trong ngày tháng qua. Những người lính Dù đã anh dũng chiến đấu tới giây phút cuối cùng với vị chỉ huy anh hùng của họ, Trung-tá Nguyễn Đình Bảo.

-Hổ đây Charlie!.. các bạn có thể trở về căn cứ. Thông báo cho tất cả biết trong vòng mười lăm phút nữa sẽ có phi vụ B-52 đến trải thảm bom. Các bạn hãy mau rời vùng!

Tiếng nói của Thiếu-tá Phạm Bính lạnh lùng trên tần số.

Tôi quay đầu con tàu quay rời vùng giao tranh, những đốm lửa lập lòe trên ngọn đồi Charlie đang chìm dần vào bóng tối. Trung-úy Nguyễn Tường Vân, Thiếu-úy Trần Văn Long và phi hành đoàn cùng tất cả những chiến sĩ Dù đã ở lại ngọn đồi Charlie, mãi mãi…. Xa xa, thành phố Pleiku đã lên đèn, một vùng ánh sáng lấp lánh, nhạt nhòa ẩn hiện, không biết vì đêm đen hay vì dòng lệ đã trào dâng lên khóe mắt ?

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nay
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai, từng ngày,
không có ai đời đời, ru anh ngủ vùi,
Mùa mưa tới trong nghĩa trang này cỏ loài chim thôi!..

Văng vẳng đâu đây, âm thanh ì ầm rung chuyển bầu khí quyển từ thảm bom của những chiếc pháo đài bay B-52 vang vọng…

—>Mặt trận Kontum

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, 2.Một thời để nhớ, KQ Vĩnh Hiếu, Người Lính VNCH, Vĩnh Hiếu. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời