TRUYỆN NGƯỜI VIẾT SỬ (Trần Nghi Hoàng)

Tranh bìa: "BÊN TRONG LỊCH SỬ" - Tranh sơn dầu và collage của Trần Nghi Hoàng

Tranh bìa: “BÊN TRONG LỊCH SỬ”
Tranh sơn dầu và collage của Trần Nghi Hoàng

tnvs_vanuyenGởi Trần Nghi Âu Cơ,
con gái thương quý nhất của bố
TNH

MỤC LỤC

  • Đọc “Truyện Người Viết Sử” của Trần Nghi Hoàng
    (Đoàn Nhã Văn)
  1. Tâm Sự Của Gia Long
  2. Người Yêu Nước Tình Cờ
  3. Cái Chết Của Một Nhà Cách Mạng
  4. Âu Cơ
  5. Nàng Trinh Nữ Khoả Thân và Người Chép Sử
  6. Người Đàn Bà Mặc Áo Măng Tô Màu Xám
  7. Cái Trống Đồng Của Nguyễn Ánh
  8. Kế Thừa
  9. Truyện Người Viết Sử
  10. Sen Tàn Trong Ngày 30 Tháng Tư

symbol1Bóc Quá Khứ, Nhìn Về Phía Trước
hay
Đọc “Truyện Người Viết Sử” của Trần Nghi Hoàng

Dùng lịch sử để dựng những thiên truyện ngắn hay, trong văn chương Việt Nam, có vài tên tuổi nổi trội. Trong nước, Nguyễn Huy Thiệp tạo được những cơn sóng trên mặt hồ văn nghệ ở những năm cuối 1980’s và đầu 1990’s. Ngoài nước có Trần Vũ với những truyện ngắn táo bạo gây nên những tranh luận một thời gian ngắn sau đó, và Trần nghi Hoàng đầy tung tẩy với những truyện ngắn lịch sử trong tập “Truyện Người Viết Sử” (TNVS). Mỗi người mỗi khác. Tuy nhiên, ở góc độ bình thường hóa những nhân vật lịch sử, Vũ có nét tương đồng với Thiệp. Hoàng sãi bước theo hướng riêng của mình.

Truyện Người Viết Sử gồm 9 truyện ngắn và vở kịch “Sen tàn trong ngày 30 tháng tư”. Trong 9 truyện ngắn đó, có 4 truyện ngắn liên quan đến những nhân vật lịch sử: Quang Trung, Nguyễn Ánh, Lê Long Đỉnh, Ngô-Thì Nhậm, Ngô Thì Chí và những nhân vật phụ khác. Những truyện còn lại lấy bối cảnh lịch sử cận đại, tại Việt Nam cũng như tại Mỹ.

Vở kịch “Sen tàn trong ngày 30 tháng tư” chuyên chở một phần triết lý nhà Phật qua những nhân vật đầy trần tục. Xa hơn, nó có thể được xem là mặt thứ hai của đồng tiền, khi mặt thứ nhất là vở kịch “Sen nở trong ngày 29 tháng tư” của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, bài viết này sẽ không đi sâu vào vở kịch, cũng như những truyện ngắn lấy bối cảnh cận đại của cuộc sống, bởi vì, thứ nhất, bài viết này đi sâu vào những điểm nổi bật về truyện ngắn của Trần Nghi Hoàng trong dòng “truyện ngắn lịch sử”; thứ hai, để có một sự so sánh đầy đủ về bút pháp và đặc biệt là tư tưởng của hai nhà văn qua hai vở kịch, cần một bài viết so sánh khác, đặt hai vở kịch song song với nhau.

Trần Nghi Hoàng, qua tập truyện ngắn “Truyện Người Viết Sử”, không vay mượn lịch sử theo cái nghĩa thông thường. Bằng vào một hay nhiều sự kiện lịch sử, mà người đi trước hoặc không viết thêm ra, hoặc không giải thích rộng hơn, hay vì một lý do nào đó họ ngừng lại ở chỗ mà, theo ông, lẽ ra phải giải thích cho hâu thế tận tường, Trần Nghi Hoàng đã đào xới, mỗ xẻ và tổng hợp với những sự kiện khác, đã xảy ra trước, hoặc sau đó, để lý giải, trước hết là tìm cho mình một lời giải đáp. Và sau đó là chia xẻ đến độc giả những điều lý giải này. Bằng một lối viết đầy hình ảnh và bố cục rất chặt, những điều ấy tạo nên những thích thú trên những trang văn của ông. Cách tháo gỡ và tổng hợp những sự kiện lịch sử của ông làm tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của Tuệ Sĩ trong tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn”:

Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc

Đường ta đi non nước bồi hồi

Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc;

Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi.

Vâng, những lý giải, những lớp quá khứ được bóc ra, qua TNVS, ít nhiều làm những người khác khó chịu. Không khó chịu sao được, chẳng hạn, khi ai ai cũng biết rằng, qua những điều học được từ chính sử, Lê Long Đỉnh là một ông vua nổi tiếng ác ôn, Nguyễn Ánh có những cách trả thù ghê rợn v.v. Nhưng đằng sau những “ác ôn”, những ghê rợn đó là một trời tâm sự của họ được TNH dựng lại đầy thích thú, có khi đến ngạc nhiên.

Qua TNVS, tôi để ý đến hai điều nổi bật: một, nổi cô đơn của những nhân vật lịch sử; và hai, tư tưởng cấp tiến cùng cái tâm của những nhân vật lịch sử đó, dù là những người bị “chính sử” nguyền rủa.

Nổi Cô đơn của những nhân vật lịch sử

Những người làm nên lịch sử là những người vượt lên trên muôn người. Chính vì điều đó, họ thường là những kẻ cô đơn. Cô đơn, một phần vì ít ai hiểu được họ. Cô đơn, phần khác, vì khi đã ngất ngưởng trên ngôi cao, họ ít tin người. Họ là những Gia Long, Quang Trung … của lịch sử Việt Nam. Tên tuổi càng lớn, nổi cô đơn của họ càng lớn. Trần Nghi Hoàng khai thác triệt để nổi cô đơn của họ trên những trang sách của ông.

Trên ngai vàng chất ngất, Gia Long luôn được người chờ chực, kẻ hầu hạ nhưng lúc nào cũng bị phủ chụp bởi một không khí cô đơn, một nỗi cô đơn cùng cực. Tâm sự của ông là tâm sự của một người thắng, nhưng bại. Thắng, vì đã thu phục giang sơn về một mối. Còn cái bại nằm ở những nổi ám ảnh, những nỗi bất an trong tinh thần dù là đang nắm quyền sinh sát trong tay. Chính cái bất an và lòng thù hận ngút trời đã tạo nên những cuộc trả thù ghê rợn. Chẳng hạn tâm trạng bất an của ông khi ngồi trên thượng đài theo dõi nữ tướng Bùi Thị Xuân bị hành hình:

“Nhà vua chợt nhìn thấy trên khuôn mặt nát tan và bê bết máu của nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân một nụ cười. Nụ cười vừa khinh miệt, vừa rạng rỡ của kẻ thực sự chiến thắng. Của kẻ mà mọi áp đặt bên ngoài đều bất khả xâm phạm vào được cái phần tinh thần của họ …Toàn thân Gia Long hốt nhiên lạnh ngắt. Nhìn những lóp vải lụa đẫm máu vẫn quấn chặt quanh người viên nữ tướng, câu hỏi cũ đã được quay trở lại: “Ai? Ai là người đã cung cấp vải lụa cho mẹ con Bùi Thị Xuân chuẩn bị trước cuộc hành hình?”” (Trang 24).

Cái thất bại khác của Gia Long khi ngồi trên ngai vàng: không thu phục được những bại tướng, những người thân của Quang Trung. Gia Long, dưới ngòi bút của Trần Nghi Hoàng còn có một điểm khác: trọng nhân tài, muốn thu phục những bại tướng, muốn chiếm đoạt trái tim chứ không phải thể xác của giai nhân. Tuy nhiên, có lẽ vì bản tánh của ông đã làm người khác quay lưng, chấp nhận những nhục hình chứ không chịu cúi đầu. không bao giờ ông mua được lòng người.

Một Trần Quang Diệu, tướng tài của Quang Trung, người mà Gia Long cố công thu phục, người mà Gia Long từng phải nghiêng mình, trước cuộc hành hình, đã nhắn người nói với Gia Long rằng:

“Nói với Nguyễn Ánh, ta thâm tạ lòng thiên tài của y. Nhưng tôi trung không thờ hai chúa. Chỉ xin Nguyễn Aùnh nếu thực sự trọng ta, và nếu còn nghĩ tới chút ân tình ta đã có năm nào với Võ Tánh khi vây thành Bình ĐỊnh, thì hãy tha chết cho mẹ ta. Bà đã 80 tuổi, không còn có thể can dự vào chuyện quốc gia đại sự được …Chắc chắn bà không thể nào là hậu hoạn của Nguyễn Gia Miêu.” (Trang 15-16)

Hay cái khinh khi của Bắc cung Hoàng Hậu – Ngọc Hân:

“Đáng lý ta phải tự sát ngay lúc này để tạ tội với Đức Quang Trung ta, vì ta đã cố tình cho ngươi xâm phạm vào ngọc thể của ta. Nhưng ta muốn chứng minh ngươi biết một điều, dù ngươi có “lấy” được thân thể ta, ta vẫn là người của Đức Quang Trung. Ta đã thuộc về Ngài và bởi thế, trong ta có sự hiện diện của Ngài, của Long Nhưỡng tướng quân, của Bắc Bình Vương, của Quang Trung Hoàng Đế. Người mà chỉ nghe tên ngươi đã bay hồn bạt vía. Cũng như đất đai và thiên hạ Đại Việt này dù có nằm trong tay ngươi, vẫn muôn đời có sự hiện diện của Thái Tổ Võ Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngươi đã hiểu rõ cái giả chân của thành bại hay chưa, hở tên hèn hạ, tiểu nhân ty tiện … Rồi đây sử sách của đời sau, tên họ ngươi là để cho cháu con Đại Việt phỉ nhổ, khinh ghê …” (Trang 33-34)

Cái quay lưng chờ chết của Trần Quang Diệu, cái phỉ nhổ, khinh khi của Ngọc Hân, cái mỉm cười thách thức của nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân càng làm rõ nét cô đơn của một người đã thâu tóm cả thiên hạ và muốn gì được nấy nhưng không bao giờ mua được lòng người, những người bên kia chiến tuyến. Và càng không mua được lòng người, những người ở gần ông, như Võ Minh, chẳng hạn.

Gia Long hiện ra dưới ngòi bút của Trần Nghi Hoàng trước hết là một kẻ cô đơn, thứ đến là một người đầy tham vọng, tàn nhẫn và thủ đoạn. Người mà nghĩ đến việc trả thù như một khoái cảm. Kẻ thù càng đau đớn, khoái cảm càng dâng cao. Khi khoái cảm dâng cao tột đỉnh cũng là lúc nhận ra mình cùng cực cô đơn. Đó là cá tính và đó cũng là số phận của một lãnh tụ.

Không chỉ ở Gia Long, cái cô đơn lớn đó còn nhìn thấy ở nhiều nhân vật khác, như Quang Trung, như Ngô Thì Chí, mà nhất là Lê Long Đỉnh.

Chúng ta nghe nói đến Lê Long Đỉnh là một vị vua tàn ác khét tiếng. Sử sách gọi ông là Lê Ngọa Triều, người đã từng sai thủ hạ róc mía trên đầu sư. Cái khuất tấp của lịch sử là chưa giải thích được tại sao Lê Long Đỉnh lại nằm trên cáng khi tiếp kiến quần thần, và tại sao ông lại tạo ra cảnh “róc mía trên đầu sư” để bá tánh khinh khi, để thiên hạ phỉ nhổ? Có gì khuất tấp? Hay nhà chép sử của triều đại mới phải làm theo lệnh để chinh phục lòng người cho một triều đại mới?

Cái công án “róc mía trên đầu sư” được TNH lý giải để trả lời cho sự tàn bạo của vị vua trẻ, tài hoa, nhưng không kém phần ghê rợn khi xuống tay, theo chính sử. Trần Nghi Hoàng dựng nên những chuỗi hình ảnh, giải thích sự ngọa triều của vì vua trẻ này và nhất là đối lập với giả thiết là nhà vua trẻ đắm say trong nhục dục đến nỗi không thể ngồi trên ngai để xử lý mọi việc trong triều.

Nỗi cô đơn của Lê Long Đỉnh là không ai hiểu được nổi lòng của ông, nổi lòng của một vị vua biết nhìn xa, biết lo cho bá tánh, MUỐN nhường ngôi mà không được. Chỉ có một người duy nhất hiểu được: Viêm Cơ. Và Viêm cơ, người trinh nữ khỏa thân lại là một nhân vật hư cấu. Ở điểm này, Hoàng và Thiệp có nét tương đồng: dùng nhân vật nữ hư cấu để “tải” điều mình gởi gắm. Tuy nhiên, cái khác biệt: Hoàng dùng Viêm Cơ để bẫy nhân vật Lê Long Đỉnh lên cao, Thiệp dùng Nguyễn Thị Vinh Hoa để kéo Quang Trung xuống thấp với đời thường.

Tư tưởng cấp tiến của những nhân vật lịch sử

Trần Nghi Hoàng đánh giá cao về chiều sâu về sự cấp tiến trong tư tưởng của những nhân vật lịch sử. Nhân vật càng lớn, tư tưởng của họ càng cao, vượt khỏi tầm của thời đại mà họ đang sống, như Quang Trung chẳng hạn. Cứ lấy một ví dụ nhỏ để minh chứng để thấy cái khác biệt giữa TNH và Nguyễn Huy Thiệp.

Cùng một sự kiện lúc Nguyễn Huệ lâm chung, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Khi lâm chung có Vinh Hoa đứng hầu bên giường, nhà vua nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt. Cả triều đình thương cảm. Con trai nhà vua là Nguyễn Quang Toản vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra là mắt nhà vua mở trừng trừng. Đến cả hoàng hâu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mi mắt thì mắt nhà vua mới nhắm lại được. Sau đấy, chỗ ngón tay út của Vinh Hoa đen như chàm, rửa thế nào cũng không sạch.” (Phẩm Tiết)

Cũng trong lúc lâm chung, Trần Nghi Hoàng cho rằng, Quang Trung đã cho gọi tướng tài Trần Quang Diệu về mà trăn trối rằng: “Đại Việt là của muôn dân, chẳng phải của riêng một dòng họ nào cả. Nếu sau này Nguyễn Aùnh có lấy được thiên hạ, lo được cho thiên hạ ấm no, thì các ngươi cũng đừng vì cái xác rữa của ta mà gây thêm binh loạn.” (Trang 16)

Cùng một khoảng khắc lâm chung của Quang Trung, hai nhà văn dựng hai hình ảnh khác nhau.

Ở Nguyễn Huy Thiệp, một Vinh Hoa giả tưởng với ngón tay út đen như chàm sau khi đặt lên mắt Quang Trung cho thấy kết quả còn lại của một đời người từng vẫy vùng từ Nam ra Bắc, khi nhắm mắt, tất cả còn lại là vết đen, cặn bã. Đó cũng là một phần trong phong cách dựng lại cái đời thường của những nhân vật lịch sử trong chùm truyện ngắn lịch sử của ông.

Còn Trần Nghi Hoàng? Trong “La Sơn Phu Tử”, Hoàng Xuân Hãn có viết rằng vua Quang Trung mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, giờ Dạ Tý (khoảng 11-12 giờ khuya ngày 16 tháng 9 năm 1792). Trước khi mất, ông đã đòi Trần Quang Diệu về trối trăn. Xa hơn, Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng nhắc đến việc triệu hồi Trần Quang Diệu của Quang Trung.

Nếu Nguyễn Huy Thiệp bịa ra nhân vật giả để nắm bắt cái còn lại đen như chàm của một vị vua, của một danh tướng, thì Trần Nghi Hoàng đi gần với chính sử hơn. Cái hư cấu mà ông dựng nên là lời trối trăn với vị tướng tài Trần Quang Diệu. Lịch sử không ghi lại Quang Trung đã trăn trối lại điều gì cho người tướng tài mà ông tin cẩn. Người chép sử không biết, hoặc có biết nhưng đã để bên ngoài những trang sử của ông. Dân thường không biết vì làm gì được đứng gần Vua trong giây phút cực kỳ nghiêm trọng đó. Chỉ có điều: người từng làm nên lịch sử thường để lại những câu nói lịch sử. Trong chiều hướng đó, Trần Nghi Hoàng đã cố ý đưa lời trăn trối này của Quang Trung mà gởi lại cho người sau. Câu nói của Quang Trung mang một độ “lớn” như cái lớn của chính hình ảnh ông trong lòng bao người dân nước Việt. Cái lớn của nó nằm trong cả hai phần của câu nói. Trước hết, ông khẳng định nước là của dân. Điều này khác hẳn với suy nghĩ của thời phong kiến: nước thuộc về Vua, vì Vua chính là thiên tử. Nó hé lộ cái cấp tiến của một nhà quân sự tài ba, của một lãnh tụ biết nhìn ngườiï. Thứ hai, Quang Trung đánh giá cao Nguyễn Ánh. Đây chính là phong cách: anh hùng trọng anh hùng, dù họ là kẻ thù không đội trời chung. Quang Trung đặt kẻ thù của mình đúng vào vị trí của họ. Đó là cái nhìn vượt tầm của một nhà thao lược: hiểu tường tận các tướng của ông, dù tài, giỏi cách mấy cũng không qua được Nguyễn Ánh. Ông nhìn thấy có một ngày, sau khi ông nằm xuống, Nguyễn Aùnh sẽ thâu tóm giang sơn. Mà nếu Nguyễn Ánh mà tạo được cơm no áo ấm cho bá tánh thì đừng bao giờ nghĩ đến việc trả thù. Nguyện vọng lớn của nhân vật lớn: nghĩ đến người dân trên cả vận mệnh của một gia tộc và danh dự của chính mình.

Bằng một câu nói tạo cho nhân vật của mình để lại lúc lâm chung, Trần Nghi Hoàng đã trả lại chỗ đứng lịch sử cho một nhân vật lừng danh trong lịch sử. Chỗ đứng đó không phải tạo dựng bằng sự kiện mà bằng một chất văn lôi cuốn, bằng một giọng điệu sắc sảo trên những trang sách.

Nói đến tư tưởng cấp tiến của những nhân vật lịch sử, không thể không nhắc đến một người khác. Trong lịch sử Việt Nam, một dòng họ nổi tiếng về đường công danh, khoa bảng mà hầu như ai ai cũng biết đến, đó là dòng họ Ngô-Thì. Suốt nhiều đời, dòng họ Ngô-Thì đã góp vào lịch sử dân tộc nhiều vị quan, nhiều tiến sĩ danh tiếng. Phải nói rằng, đây là một dòng họ mà tài danh và khoa hoạn được xem là vào bậc nhất của Bắc Hà. Ngày nay, đền thờ của họ Ngô-Thì còn ghi hai câu đối mà đọc lên mới thấy cái lẫy lừng của họ này trong suốt nhiều đời tiếp nối:

Thập bát Quận Công, tam Tể Tướng

Bách dư Tiến Sĩ, cửu phong Hầu.

Vì thế, chúng ta không lạ, trong những cuộc tranh giành quyền lực triều chánh, người của họ Ngô-Thì cũng có mặt ở cả hai phía. Chính vì vậy, những gút mắc của gia đình, của dòng họ đã tạo nên những sự tranh luận nảy lửa.

Là một kẻ sĩ của thời cuộc, chữ TRUNG phải được hiểu như thế nào, khi đứng trước cơn bão lữa, binh đao của lịch sử? Câu hỏi này dằn vặt cả hai anh em: Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Chí.

Theo sử sách, Ngô Thì Chí làm quan, phục vụ nhà Lê, mất năm 1788 (thọ 35 tuổi) khi nhận lệnh Lê Chiêu Thống lên lạng Sơn mộ lính để chống nhau với nhà Tây Sơn. Trong khi đó, Ngô Thì Nhậm lại là người của Tây Sơn. Hai anh em, hai điển hình khoa bảng, nằm trong hai chiến tuyến trong thời tao loạn. Vậy chữ “Trung” phải hiểu thế nào mới là đúng?

Bằng vào một lối viết tung tẩy, tạo được không khí của một thời đã qua, từ lối đối thoại, hình ảnh, đến từng chi tiết, xê dịch trong truyện, Trần Nghi Hoàng đã xây dựng một câu chuyện cuốn hút, mang tính thuyết phục, trong đó có nhiều đoạn tranh luận nảy lửa của hai anh em, Ngô Thì Chí và Ngô Thì Nhậm. Hãy đọc một đoạn truyện ngắn để thấy lập luận của Trần Nghi Hoàng khi soi rọi lại những vấn đề lịch sử.

“Thì Chí nhấp một ngợm trà, ngước nhìn Thì Nhậm:

· Khi chiều, lúc mới đến, em có nghe anh Nhậm hỏi Thì Du. Và em đã mạn phép trả lời: “Trung là một lòng vời Vua, là trọn đạo thần tử.” Em thấy nhà Lê đang hồi suy biến, bị quân giặc Tây Sơn làm loạn, trấn áp. Đây là lúc kẽ bầy tôi phải dốc lòng đêm tài trí vì Vua, giúp nước.

Thì Nhậm xoay tách trà trong tay, nhẹ lắc đầu:

· Vì Vua, chưa hẳn là giúp được nước. Trung với một ông Vua, với một dòng tộc, có khi mang hại đến cho xã tắc, mang gông xiềng cùm lên trăm họ… Thì chữ Trung đó là Ngu Trung của bọn hủ nho…

Sắc mặt Thì Chí tái xanh, ông cắn chặt răng. Thì Du kích động hằn trên khóe môi như chực nói. Thì Nhậm cho tay vào áo, đưa ra một phong thư:

· Chú đọc đi. Đọc cho cả Thì Du cùng nghe. Thư của Trung Thư Lệnh nhà Tây Sơn là Trần Văn Kỷ. Chắc chú Chí và Thì Du có nghe bậc danh sĩ đất Thuận Hóa này.

Thì Chí mở thư, đọc:

“Hi Doãn huynh nhã giám,

Kể từ ngày hội ngộ, lòng đệ luôn tưởng nhớ đến huynh…

Nay thế nước đã thay, nhà Lê không còn ai tài đức. Nghe đâu vì cái ngai vàng của tộc họ, mà Chiêu Thống đã mưu định cho người sang cầu viện ngoại Thanh vào để đối đầu cùng Tây Sơn.

Đệ mong Hi Doãn huynh vì tiền đồ của nòi Nam Việt, vì phúc lợi của con cháu Hồng Lạc mà sớm ra góp tay với Bắc Bình Vương. Trước, cùng đành đuổi ngoại Thanh. Sau, là anh định thiên hạ …”

Thì Chí run tay dằn mạnh tờ thư xuống mặt bàn:

· Rồi anh Nhậm trả lời Trần Văn Kỷ ra sao?

· Tôi đã hẹn ngày với Trần Văn Kỷ, để ra gặp Bắc Bình Vương.

Thì Chí nắm chặt hai bàn tay, hét nhỏ:

· Trung thần bất sự nhị quân.

Thì Nhậm đanh giọng:

· Tôi Trung với nước chứ không trung với một ông vua.

Thì Chí chua chát:

· Có phải vì anh hơn 8 năm lận đận vừa qua, mà sinh ra đổi dạ với nhà Lê?

Thì Nhậm bật cười lớn:

· Kẻ Sĩ tiến thoái, xuất, xử phải biết lẽ.

· Nhưng nhà Lê chưa từng phụ anh.

· Tôi chẳng phụ nhà Lê. Nhưng tôi cũng không muốn vì nhà Lê mà có tội với đất nước, với tiền nhân, với trăm họ.

Thì Chí cuối mặt thở dài. Giọng ông đầy boăn khoăn:

· Thì Du, còn chú thì sao?

Thì Du đặt tách trà xuống mặt bàn, thẳng người, ngang nhiên đáp:

· Em đồng ý với anh Thì Nhậm. Trung là Trung với nước, chứ không phải Trung với Vua. Vì Trung với Vua mà làm cái việc rước voi dày mả tổ, là có lỗi với cha ông, là thành tội đồ thiên cổ của lịch sử.

Thì Chí bần thần:

· …Là có lỗi với cha ông… Là thành tội đồ thiên cổ của lịch sử. Ta lại là người chép sử… Nhưng Trung thần bất sự nhị quân…

Thì Nhậm nghiêm giọng:

· Phải, chú là người chép sử. Chú lại là người dâng kế sách cho Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh. Trong cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí mà tôi biết chú đang biên soạn, chú sẽ viết như thế nào về sự việc này?” (trang 297-300)

Sau đó, sử sách chép lại rằng: trên đường lên Lạng Sơn mộ lính, theo lệnh Lê Chiêu Thống, để chống lại Tây Sơn, Ngô Thì Chí bị bệnh mà mất tại Gia Bình, thọ 35 tuổi. (Theo Tự Điển Danh Nhân Việt Nam, trang 465). Tuy nhiên, từ sự chặt chẽ trong cách dàn dựng, cái sắc lạnh trong đối đáp, và nổi boăn khoăn của hai anh em thuộc dòng họ Ngô Thì, hai khuôn mặt lớn của lịch sử, Trần Nghi Hoàng dẫn người đọc đi đến kết luận: Ngô Thì Chí tự vẫn chứ không phải bịnh tật như sử sách đã chép. Lý do tự vẫn là vì ông “không minh bạch được chữ Trung của kẻ sĩ”. Dù đồng ý hay không với lập luận của Trần Nghi Hoàng, người đọc vẫn thấy câu chuyện đầy cuốn hút và hấp dẫn. Điều thành công của tác giả là làm người đọc suy nghĩ, lôi kéo người đọc tự tìm cho mình câu trả lời. Và quan trọng hơn hết chính là tư tưởng mà Trần Nghi Hoàng đã cài đặt trong truyện ngắn: kẻ sĩ thời Tây Sơn đã có những suy nghĩ táo bạo, cấp tiến. Không nhất thiết: Trung là phải sống, chết với một người mà bỏ rơi trăm họ.

Cũng cần phải tìm hiểu tại sao phải mượn lịch sử để hình thành truyện ngắn. Bởi đó là một phần trong quan niệm nghệ thuật của nhà văn.

“Lịch sử, cũng như tất cả những sự việc khác trong cuộc đời, trong cõi nhân gian, thường là một đồng tiền hai mặt. Giữa anh hùng và phản quốc, giữa quân tử và tiểu nhân, lằn ranh tưởng chừng rất rõ ràng.

Tưởng chừng rất rõ ràng, do đó chỉ là lằn ranh được vạch ra từ khuôn phép của những định kiến.

(……) Dưới chế độ phong kiến, người chép sử đa số là những ông quan. Làm quan, hưởng bỗng lộc và chịu dưới quyền sai xử của vua, thì tất nhiên phải theo lệnh vua. Người chép sử phải viết như thế nào về những kẻ đối thủ trước kia của ông vua đang trị vì trong cuộc tranh ngôi Vương Đế? Người chép sử phải viết như thế nào về ông vua đang trị vì? Và người chép sử phải tự viết như thế nào về ông ta, nếu chính người chép sử cũng từng tham dự vào lịch sử? Cái tốt, cái công nghiệp thì quá dễ. Nhưng còn cái xấu và những tội nghiệt?

Xin tạm trả lời: Chỉ giông bão của thời gian mới thổi tung được bao lớp bụi mờ phủ che lịch sử, giải tỏa được những oan khiên … Tuy nhiên, một điều kiện tất yếu nữa, là cần phải có những con người hậu thế với những tấm lòng thành …” (Trang 292)

Đó là lời khẳng định, đó cũng là quan niệm nghệ thuật của Trần Nghi Hoàng khi dựng nên những truyện ngắn mang tính chất lịch sử. Và đó cũng là điều mà ông kỳ vọng ở độc giả, những người đến với lịch sử bằng một tấm lòng thành.

Từ quan niệm nghệ thuật đó, lịch sử trên những trang văn của Trần Nghi Hoàng luôn có hai mặt. Đó cũng là tính lưỡng nguyên của cuộc đời. Chính ở điều này, độc giả có khi vừa thấy ghê rợn nhưng cũng vừa cảm thông với nhân vật này, lại vừa thấy ghét cái thú tánh nhưng cũng vừa phục cái tầm nhìn xa của nhân vật khác. Nhìn lịch sử là nhìn cả hai mặt, đọc lịch sử là đọc giữa những dòng chữ, soi rọi lịch sử là soi rọi bằng cái tâm của người hậu thế, và quan trọng hơn hết, mượn lịch sử là trả sòng phẳng, trả bằng cả hai mặt của vấn đề, không phải mượn hai (hùng và hèn) nhưng chỉ trả một (hèn), để tạo nên những cú sốc trên mặt hồ văn chương. Đó là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt những trang văn của Trần Nghi Hoàng. Và đó cũng là con đường của riêng ông: đến với lịch sử bằng cái tâm của người hậu thế.

Có một điều cũng nên nhắc ở đây: hình ảnh MƯA được lập lại khá nhiều trong truyện ngắn của TNH. Mưa ở Hoa Lư, Mưa ở Thuận Hóa, Mưa ở Đà Lạt, Mưa ở Hà Tiên, Mưa ở D.C. v.v.. Mưa, Mưa, và mưa. Một mưa mịt mù nhân ảnh. Một mưa rây rây không thành hột. Một mưa xám ngắt nhân gian. Một mưa thúi đất, úng trời. Một mưa bay bay, lạnh lùng nhân thế. Mỗi cơn mưa bao phủ một vùng đất trời rộng lớn nhưng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có khi mưa để tẩy xóa những vết dơ của lịch sử. Có khi mưa làm ướt lòng người. Có khi mưa để hé lộ những sự thật bị che giấu bởi lòng người hạn hẹp. Và, quan trọng nhất, mưa để bắt đầu cho những đợt mùa mới, khởi đầu cho vận hội mới của dòng Bách Việt.

Như đã nói trong phần đầu, trong số những nhà văn viết về lịch sử, nếu Nguyễn Huy Thiệp khai thác cái tầm thường, xấu xa của những nhân vật lịch sử, nếu Trần Vũ quay trong chiều kích bạo lực và dâm loạn, nếu Nguyễn Mộng Giác thành công ở những chi tiết, ở cái thật bình thường, thì Trần Nghi Hoàng đẩy tư tưởng của nhân vật mình lên một bậc, đó là cái nhìn cấp tiến của những nhân vật lừng danh trong lịch sử. Có thể nói, ông là người gần nhất với cổ nhân, khi dựng những nhân vật lịch sử, qua câu: “Nuôi thân sinh nô tài, nuôi óc sinh nhân tài, nuôi tâm sinh thiên tài”.

Từ lâu, người đọc vẫn biết đến Trần Nghi Hoàng như một thi sĩ. Không chỉ làm thơ, Trần Nghi Hoàng hầu như xông xáo vào mọi lĩnh vực; từ viết truyện, biên khảo, đến viết kịch, tạp văn, làm báo, và gần đây hơn, ông dành nhiều thời gian trong lãnh vực phiếm luận, phê bình. Tham dự nhiều, xông xáo lắm, nên cái này có khi làm mờ cái khác. Tuy nhiên, theo tôi, khi mọi thứ lắng đọng theo thời gian, độc giả sẽ nhớ Trần Nghi Hoàng, trước hết, như một thi sĩ và kế đến, như một người viết truyện mà TNVS như một dấu ấn riêng, trong mảng truyện ngắn viết về lịch sử của Trần Nghi Hoàng.

Đoàn Nhã Văn

—> Tâm sự của Gia Long

This entry was posted in 4.Truyện ngắn, Thông Biện Tiên Sinh, Trần Nghi Hoàng. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời