MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG VÀ KHÓI SÚNG (Vương Mộng Long -K20)

Mấy hôm nay tuyết bắt đầu rơi, mùa Winter 2006 – Bắc Mỹ đã tới. Tôi nhủ thầm, “Như thế là Xuân đang về nơi quê mẹ!” Quê mẹ Việt-Nam của tôi nằm bên kia biển Thái Bình Dương, xa lắm!

Ðầu năm Dương Lịch, tôi có một tuần được nghỉ bù cho những ngày làm việc phụ trội mùa Giáng-Sinh. Tôi lên nhà đứa con gái thứ nhì, chơi với thằng cháu ngoại Maxwell hai tuổi. Bố mẹ nó đi làm tới tối mới về. Tuổi cháu Maxwell bây giờ bằng tuổi mẹ nó ngày ông ngoại nó thua trận năm xưa, ngày Sài-Gòn thất thủ, tháng tư 1975.

Thằng bé bập bẹ:

“Ong…ong… ong ngại…”

Tôi vuốt tóc nó. Nó toét miệng ra cười. Nụ cười của thằng bé thật là trong sáng, hồn nhiên. Mùa Xuân đời nó mới bắt đầu…

Tôi ôm thằng cháu ngoại vào lòng. Bồi hồi nhớ lại những mùa Xuân đã qua trong cuộc đời mình.

Thuở ấu thơ, Xuân về, tôi chỉ thấy buồn nhiều hơn vui: vì tôi là một đứa trẻ mồ côi cha khi chưa đầy sáu tuổi.

Tuổi hai mươi, tôi vào Trường Võ-Bị. Ra trường, tôi lặn ngụp trong chiến trận mười năm, tiếp theo là mười ba năm khổ nhục trong lao tù Cộng-Sản. Giờ đây tôi đang bước sang năm thứ mười ba của kiếp sống tha phương nơi đất lạ quê người.

Tới mùa Xuân 2006 này là chẵn bốn mươi năm kể từ ngày tôi trình diện đơn vị.

Tới mùa Xuân này là chẵn bốn mươi năm sau ngày tôi tham dự trận đánh lớn đầu tiên.

Trận đánh này tôi xem như bài khảo hạch thực tế quá khắt khe và quá phũ phàng đối với một sĩ quan trẻ vừa rời quân trường. Nó đã ghi sâu trong lòng tôi một kỷ niệm rất buồn, khó quên. Nó cũng là một bài học quý giá giúp tôi thành công những năm sau, trên cương vị một người chỉ huy, sống và chiến đấu sát vai với thuộc cấp của mình.

o O o

 

Thiếu úy Vương Mộng Long-1966
(nguồn: http://baotreonline.com/)

Mùng Mười Tết năm Bính-Ngọ 1966, tôi mãn phép ra trường. Vài ngày sau đó tôi trình diện Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Chuẩn tướng Nhuận bắt tay tôi, chúc cho tôi một đời binh nghiệp thành công.

Lòng phơi phới, hân hoan tôi rời Sài-Gòn với cái sự vụ lệnh bổ sung quân số cho Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đồn trú ở Phú-Lộc, Ðà-Nẵng.

Ðoạn đường ngắn ngủi từ Ban Ðại-Diện Biệt Ðộng Quân Quân Khu 1 ở gần cầu Trịnh Minh Thế, tới hậu cứ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân ở xã Hòa-Khánh ngoại ô Ðà-Nẵng, cũng chiếm vài ngày, vì thủ tục giấy tờ nhiêu khê.

Thiếu úy Nguyễn Giáp, sĩ quan quân số của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, nói với tôi rằng ông Ðại úy Tiểu đoàn trưởng đang hành quân ở Hội-An. Tôi có thể đi tìm ông ta bằng phương tiện tự túc.

Hạ tuần tháng Giêng Âm-Lịch, hơi hướm Tết còn vương. Vào Xuân, đường phố Hội-An rực rỡ. Những đóa hoa mai nở vàng sau vườn. Những câu đối đỏ còn đong đưa trên nêu tre trong phố cổ.

Trong nắng ấm, phấp phới những tà áo màu sặc sỡ. Phố hẹp, người đông. Người dân Hội-An đang sống trong một không khí thanh bình tạm bợ. Khói lửa chiến tranh vẫn ngùn ngụt nơi vùng quê. Từ ngoại ô, tiếng đại bác vẫn ì ầm vọng về…

Khoảng mười giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1966 tôi rời nhà, lên phố tìm ông tiểu đoàn trưởng để trình diện.

Từ chùa Âm-Bổn, tôi thả bộ theo đường Nguyễn Duy Hiệu, vừa đi vừa ngắm cảnh phố phường.

Khi tôi tới cổng trường Trung học Tư thục Diên-Hồng thì sau lưng tôi có một chiếc xe GMC từ hướng Ðế-Võng chạy lên. Thấy trên xe có cái quan tài phủ quốc kỳ Việt- Nam Cộng- Hòa, tôi dừng lại, đứng nghiêm, giơ tay chào vĩnh biệt người chiến sĩ vừa tử trận.

Bốn anh Biệt Ðộng Quân hộ tống xe tang ngồi hai bên quan tài, dõi mắt quan sát khách qua đường. Khi nhận ra tôi cũng là một Biệt Ðộng Quân, với bông mai vàng trên ve áo, họ giơ tay chào. Tôi tò mò,

– Ai đó mấy chú?

Một anh lính nghẹn ngào,

– Thiếu úy Gia, Thiếu úy Gia Ðại Ðội 2 đó Thiếu úy!

Tôi chột dạ, hỏi thêm,

– Thiếu úy Nguyễn Vĩnh Gia khóa 19 Ðà-Lạt phải không?

– Dạ phải!

Tim tôi nhoi nhói đau. Khóa 19 Ðà-Lạt ra trường trước khóa 20 Ðà-Lạt của tôi vừa tròn một năm. Tôi đứng lặng nhìn theo chiếc GMC chạy về hướng chợ.

Chiếc xe từ từ lăn bánh giữa hai hàng cây xanh. Những cành phượng vỹ mềm mại trĩu xuống, vướng vào mui xe, quệt trên lá cờ vàng ba sọc đỏ, như níu, như kéo. Khi chiếc xe đi qua, những cành cây bật qua, bật lại trông như những cánh tay vẫy chào biệt ly…

Tới đầu chợ Hội-An, tôi gặp một toán quân nhân Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đang tụ tập chờ xe đón về đơn vị. Tôi hỏi thăm họ nơi nào ông tiểu đoàn trưởng đóng quân, thì họ nói ông Ðại úy ngày nào cũng loanh quanh ở mấy quán cà phê đâu đó gần chùa Cầu.

Tôi tìm được Ðại úy tiểu đoàn trưởng trước cửa tiệm chụp ảnh Huỳnh Sỏ. Ông Ðại úy và đoàn tùy tùng của ông đang ngồi xẹp, tán dóc giữa đường Nguyễn Thái Học. Ông không cần đọc cái sự vụ lệnh của tôi. Ông nheo mắt quan sát tôi một phút rồi phán,

– Còn sữa quá! Làm ban 3 tiểu đoàn!

Tôi đứng nghiêm. Nhìn thẳng vào mặt ông tiểu đoàn trưởng, tôi dõng dạc,

– Thưa Ðại úy, tôi muốn ra đại đội tác chiến!

Ông tiểu đoàn trưởng nhìn sững tôi một giây, rồi phá lên cười,

– Ð! M! Chứ ban 3 tiểu đoàn không tác chiến sao? Oui! Toa về Ðại Ðội 3 thay Thiếu úy Vinh. Thằng Vinh lên làm ban 3.

Khi nói chuyện, Ðại úy Nguyễn Thừa Dzu , Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân thường chêm tiếng Tây; sau này tôi biết ông xuất thân từ quân đội Tây. (Oui! = Ðược rồi!)

Xế trưa hôm đó, tôi quá giang xe đò tới xã Thanh-Quýt, quận Ðiện-Bàn, để giữ chức Ðại Ðội Phó kiêm Trung Ðội Trưởng Trung Ðội 1/Ðại Ðội 3/ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Sĩ quan Ðại Ðội Trưởng 3/11 là Trung úy Lê Bá Ngọ đi chơi vắng. Người tiếp tôi là Chuẩn úy Nguyễn Văn Vinh, sĩ quan trực đại đội, anh cũng là người sẽ bàn giao Trung Ðội 1 cho tôi.

Khi bàn giao trung đội cho tôi, Vinh cười,

– Sao mày ngu quá? Làm ban 3 có xe Jeep lại không chịu. Chịu làm trung đội trưởng, để đi bộ.

Chuẩn úy Nguyễn Văn Vinh là con bác Bạo, y tá của Bệnh Viện Hội-An. Anh Vinh là bạn học cùng lớp Trung học Trần Quí Cáp của tôi. Vinh đi khóa 17 Thủ-Ðức. Khóa 17 Thủ Ðức nhập trường sau khóa 20 Ðà-Lạt vài ngày, ra trường trước khóa 20 Ðà-Lạt hơn một năm.

Ngày tiếp nhận sự vụ lệnh của tôi, Thiếu úy Giáp còn cho tôi biết khóa 20 Ðà-Lạt có ba người được bổ sung quân số cho Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, nhưng chỉ có mình tôi tới đơn vị đúng ngày, hai người kia thì chưa thấy đâu.

Hồi đó tôi còn thư sinh, trắng trẻo lắm, binh sĩ trong đơn vị cứ lầm tôi với Thiếu úy Hồng Dũ Thiều, khóa 19 Ðà-Lạt, cấp chỉ huy cũ của họ. Tôi thấy họ tỏ ra rất tin tưởng, vâng lời và thương yêu những sĩ quan xuất thân từ Ðà-Lạt.

Ðã có nhiều niên trưởng của tôi phục vụ đơn vị này trước khi tôi ra trường. Nhưng cùng với đà khốc liệt của chiến tranh tăng nhanh, sĩ quan Ðà-Lạt ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân cũng hao hụt nhanh. Trừ Thiếu úy Nguyễn Vĩnh Giám (K19) còn sống sót, nhưng đang là thương binh loại 2, những niên trưởng khác của tôi đều tử trận cả rồi.

Thiếu úy Hồng Dũ Thiều (K19) và Trung úy Nguyễn Văn Hùng (K18) chết trong trận Việt-An, Quảng-Ngãi khi tôi đang tập dượt lễ mãn khóa 20 trong Trường Võ-Bị. Thiếu úy Nguyễn Vĩnh Gia (K19) chết ở Cẩm-Kim, Hội-An, ngày tôi trình diện tiểu đoàn.

Vì thế đầu Xuân 1966, ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, nhìn tới, ngó lui, chỉ có một bông mai vàng Ðà-Lạt cô đơn, đó là tôi.

Thời gian này Quân Ðoàn I đang trong chiến dịch “Hỏa Tuyến Vùng Lên”. Ðơn vị tôi thường xuyên đi hành quân tảo thanh quanh thị xã Hội-An và vùng ven biển Quảng-Nam.

Tôi là cựu học sinh Trung học Trần Quí Cáp. Tôi không lạ gì hai con chó đá và hai con khỉ đá Chùa Cầu. Tôi cũng rất quen những địa danh Cẩm-Kim, Xuyên-Quang, Phước-Trạch, Thu-Bồn, Cửa-Ðợi, Câu-Lâu… vân vân.

Mỗi khi hành quân về, đại đội tôi lại đóng quân ở nghĩa trang Triều-Châu, gần miếu Ông Cọp, ngoại ô thị xã Hội-An.

Căn lều của ban chỉ huy Trung Ðội 1 dựng gần mộ nhạc sĩ La Hối, tác giả bài “Xuân và Tuổi Trẻ”. Ông La Hối là người của thành phố Fai-Foo, tên xưa của Hội-An.

Căn lều ấy chứa năm thầy trò chúng tôi. Gồm có tôi (Thiếu úy Vương Mộng Long), Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong, người nấu cơm cho trung đội trưởng, Binh nhất Lý Thí, người mang đồ ngủ, lều võng cho trung đội trưởng, Binh nhất Mai Ðăng Vinh, hiệu thính viên của Trung Ðội 1, và Hạ sĩ nhất Nguyễn Mầu, xạ thủ trung liên BAR, hỏa lực chính của Trung Ðội 1.

Mặc dù gia đình tôi ở ngay trong phố Nguyễn Duy Hiệu, Hội-An, nhưng tôi thích sống tại đơn vị, gần gũi với những quân nhân dưới quyền.

Những buổi trở trời, mưa phùn bay mênh mang trên những đụn cát xa xa, Binh nhất Lý Thí lại mò ra đầu xóm, rinh về một đĩa lòng heo luộc và một bi-đông rượu trắng. Thầy trò tôi ngồi tán dóc chuyện dưới biển, trên trời.

Khi men cay đã thấm, ông Mầu và thằng Thí gân cổ, vụng về ca những câu vọng cổ chẳng đâu vào đâu, làm cho thằng Vinh lăn bò ra cười. Khi nó cười, miệng nó óng ánh hai cái răng vàng quê ơi là quê!

Vào những chiều mưa buồn như thế, đám đàn em của tôi thường nài nỉ tôi cụng ly với họ.

Sau mỗi lần tôi chịu “dzô!” một ly, thế nào họ cũng bắt tôi kể cho họ nghe một câu chuyện văn chương hay lịch sử.

Không biết họ có hiểu ý nghĩa của những câu chuyện tôi kể, thơ tôi ngâm hay không, nhưng tôi thấy họ ngây người nghệt mặt, miệng há tròn như chữ “O”, họ nhìn tôi với ánh mắt đầy cảm kích.

“Sĩ quan Ðà-Lạt, văn võ kiêm toàn!”

Thằng Thí chỉ biết gục gặc cái đầu, tán tụng một câu như vậy, mỗi khi tôi ngừng đọc một bài Ðường Thi, hay kết thúc một chuyện tình của Nã Phá Luân Ðại-Ðế.

o O o

Mờ sáng 22 tháng 2 năm 1966 đại đội tôi được thiết vận xa chở từ Hội-An lên Vĩnh-Ðiện để cùng với Ðại Ðội 1 và Ðại Ðội 4 đi giải vây cho đồn Kỳ-Ngọc, Ðiện-Bàn. Vì Ðại Ðội 2/11 của Trung úy Tôn Thất Trực đang tăng cường cho chi khu Quế-Sơn, nên lần hành quân này Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân chỉ tham chiến với ba đại đội.

Vừa rời ngã ba Quốc Lộ 1 được một đỗi, đơn vị tôi bị khựng lại vì đoàn người chạy loạn ngược chiều cản đường. Ðồng bào bồng bế dắt díu nhau ùn ùn dồn về thị trấn Vĩnh-Ðiện để lánh nạn chiến tranh.

Gần tới tháp Bằng-An, tôi gặp Trung úy Nguyễn Ngại, đại đội trưởng đơn vị Ðịa Phương Quân phụ trách vùng Tây Vĩnh-Ðiện. Trung úy Ngại xin gặp Trung úy Ngọ. Hai ông đại đội trưởng trao đổi tin tức cùng nhau vài phút. Sau đó, tôi được lệnh triển khai đội hình một hàng dọc, theo lộ tiến về hướng Tây.

Trung Ðội 1 do tôi dẫn đầu vừa qua khỏi tháp Bằng-An thì đằng sau có tin báo, khẩu súng Colt của Trung úy đại đội trưởng bị “cướp cò” khiến cho một viên đạn “dính” vào cẳng ông. Ông Trung úy đã được y tá khiêng lên xe cứu thương chở đi mất rồi!

Hạ sĩ Phụng, hiệu thính viên đại đội chạy hộc tốc từ hậu quân lên tìm tôi để đưa cái ống liên hợp máy PRC10 cho tôi,

– Thiếu úy! Ðại Bàng muốn nói chuyện với Thiếu úy!

Ðây là lần đầu trong đời lính, tôi có dịp đàm thoại với “Ðại Bàng” trên máy PRC10.

Buổi ấy là thời cực thịnh của những danh xưng truyền tin dữ dằn, đầy hơi hướm giang hồ hảo hớn như “Sơn Vương”, “Phi Hổ” ,”Mãnh Sư”, “Ðại Bàng”…

Mãi về sau, khi bọn thư sinh hào hoa may mắn sống sót, ngoi lên được những vị trí chỉ huy chiến trận, thì tên của những nữ minh tinh, ca sĩ thủ đô mới được “trực thăng vận” ra chiến trường. Từ đó, bất cứ chốn nào có súng nổ, đạn bay, thì các nàng Thái Thanh, Kiều Chinh, Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Thúy… lại gọi nhau ơi ới.

Trận này chỉ có một “Ðại Bàng” Mũ Nâu, Nguyễn Thừa Dzu. Còn “Ðại Bàng” Mũ Ðen Nguyễn Văn Của, Chi Ðoàn Trưởng Thiết Kỵ thì vắng mặt. Người chỉ huy đơn vị thiết kỵ ngày hôm đó là Trung úy Lào, Chi Ðoàn Phó.

Ông Ðại úy tiểu đoàn trưởng cho lệnh tôi đảm đương chức vụ Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 3/ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, vì đại đội tôi chỉ còn hai sĩ quan là tôi và Chuẩn úy Ðạt.

Từ phút đó, trên máy truyền tin, tôi không còn là “Giới Chức 1” nữa mà tôi được quyền xưng danh là “Thẩm Quyền 3”.

“Ðại Bàng! Ðây Thẩm Quyền 3 tôi nghe!”

Tôi chưa ổn định được đội hình đại đội thì Ðại úy đã thúc hối,

– A lê! Tiến lên cho kịp mấy con cua sắt! Ð! M! Cứ lù đù như gà mắc dây thun thì đến tối cũng chưa tới mục tiêu!

Quả thực, từ lúc khởi hành cho tới giờ đó, tôi có biết mục tiêu ở chỗ nào đâu! Trung úy ra đi không để lại một lời! Ðại úy ở chỗ nào tôi cũng chẳng hay! Tôi chỉ nghe được tiếng nói của người trên máy. Tôi định xin Ðại úy chỉ cho tôi mục tiêu ở chỗ nào, và nhiệm vụ của đại đội tôi làm gì, nhưng tôi lại sợ Ðại úy nổi giận!

Thấy đoàn M113 đang hàng dọc bò chầm chậm theo con lộ, tôi vội vàng ra lệnh cho quân mình dàn hàng ngang hai bên đường tiến lên phía trước đoàn xe.

Những tia nắng mai bắt đầu lóng lánh trên mặt nước đồng chiêm. Nếu không có những tiếng động cơ M113 rú lên từng chập trên con đường đá dăm gập ghềnh, thì toàn vùng đồng không mông quạnh này sẽ im ắng như tờ. Không cả tiếng chó sủa, mèo kêu. Tôi cảm thấy lạnh lưng, rùng mình trước cái im lặng ghê rợn ấy.

Tôi sử dụng đội hình “Tam Giác Mũi Trước”; ban chỉ huy đại đội đi sau Trung Ðội 2 bên trái đội hình. Tôi cẩn thận cho một toán tiền thám ba người đi dò đường một đoạn khá xa phía trước.

Khi chúng tôi đến gần một con dốc, nơi có cái miếu thổ địa bên đường, thì anh trưởng toán tiền thám là Binh nhất Trần Quy chạy ngược lại, hớt hải,

– Hướng Nam con lộ có rất nhiều người cài lá ngụy trang đang di chuyển ngược chiều quân bạn!

Tôi cho lệnh đại đội ngừng lại bố trí sẵn sàng. Tôi báo cáo sự việc cho Ðại Bàng.

Ông Ðại úy cằn nhằn,

– Ð! M! “Toa” cứ theo mấy con cua! Nó ngừng, “toa” ngừng. Nó tiến, “toa” tiến. Ðừng có lôi thôi!

Tôi thận trọng tiến lên cùng toán tiền sát để thăm dò tình hình. Tôi đã thấy những cành lá ngụy trang đang di chuyển từ Tây sang Ðông.


—>xem tiếp

This entry was posted in 2.Một thời để nhớ, BĐQ Vương Mộng Long, Người Lính VNCH, Vương Mộng Long. Bookmark the permalink.