TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 (31…40)

34-Trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn )
Số 73-75, Ðường Bùi Thị Xuân,
Quận 2, Sàigòn

Trường Nguyễn Bá Tòng là trường trung học tư thục công giáo đệ nhị cấp. Trường được đặt theo tên của vị giám mục đầu tiên của Việt Nam (Xem tiểu sử giám mục Nguyễn Bá Tòng trong Phụ đề 1).

Theo tài liệu [1] :Trường này đã có từ lâu do một số Cha công giáo hợp tác với Cha sở nhà thờ Huyện Sĩ đứng tổ chức. Ban đầu, trường chỉ xử dụng có 5 phòng học.

Từ niên khóa 1955-56 ,mới xây thêm dẫy nhà 3 tầng, cha Nguyễn Quang Lãm làm hiệu trưởng, rồi cha Nguyễn Khánh Tường, sau cùng là cha Ðỗ Ðình Tiệm làm hiệu trưởng cho tới năm 1975.

Trường Nguyễn Bá Tòng là tổ hợp phát triển giáo dục, trong đó Bùi Chu có 33%, địa phận Sàigòn 33% và nhà thờ Huyện Sĩ 34% cổ phần. (Phụ chú : Giáo xứ Bùi Chu là chủ nhà in Nguyễn Bá Tòng nằm gần Trường – Xem thêm chi tiết trong Phụ đề 2).

Theo tài liệu [2,3,4] : Trường Nguyễn Bá Tòng được xây cất từ năm 1956 (1955?) với sự trợ giúp đặc biệt của cơ quan Caritas Germanica Đức Quốc và cơ quan NCWC, Công Giáo Hoa Kỳ. Trường nằm trên một khu đất rộng trên đường Bùi Thị Xuân với những lớp học trên hai (ba?) tầng lầu của hai tòa nhà lớn, có đến 38 lớp với 47 thầy cô giáo, dạy dỗ cho trên 2 ngàn nữ sinh.

Tòa nhà 3 (2?) tầng đầu tiên được xây cất vào năm 1955, dài 80 thước, rộng 10 thước, gồm 25 (38?) phòng học, 2 phòng giáo sư, 1 thư viện và một số phòng nhỏ sử dụng cho ban giám thị và tu sĩ giảng dạy tại trung học Nguyễn Bá Tòng.

Ngôi nhà gỗ 2 tầng xây cất năm 1956, dài 50 thước, rộng 12 thước, gồm 9 phòng học và 1 phòng giám thị. Sau là học khu nữ sinh (Hình AD Điệu Chi).

“Lầu cũ thân quen tiếng cười đan kín
Lối đi mòn lát gạch đỏ, giậu thưa
Và còn thương, em nói mấy cho vừa…

(Ký ức của một cựu học sinh Trương Bích Thủy : Khu nhà gỗ này mình học lớp đệ lục 23 và đệ tam c15).

Học khu nam sinh (Hình AD Điệu Chi)- năm chưa xác định được

Trường Nguyễn Bá Tòng năm 1960
-Hình này được in trên thẻ học sinh của trường
(tài liệu [5])

‘’Ta vẫn chưa quên Nguyễn Bá Tòng,
Với hàng phượng vỹ đỏ thắm sân…”
(Kỷ yếu 1973 Nguyễn Bá Tòng)

Ban giám hiệu trường Nguyễn Bá Tòng niên khoá 1962 (trích từ kỷ yếu 1961-1962) :

Đức Tổng Giám mục và ông giám đốc Nha tư thục đến dự lễ khai giảng niên khóa 1962- ngày 1 tháng 6 năm 1962

Thầy Hiệu trưởng & Văn phòng hành chánh phục vụ cho 6000 nam nữ học sinh

Thầy Giám học- Thầy Giám thị

Hình bià kỷ yếu 1963- Học sinh trong sân trường

Vào năm 1963, trường có nhiều cấp lớp từ đệ thất đến đệ nhất đủ các ban A, B, C đặt dưới quyền đìều khiển của 8 vị linh mục cùng với sự giảng dạy của 160 vị giáo sư và 30 nhân viên văn phòng.

Những năm kế tiếp , để đáp ứng số lượng ghi danh học càng ngày càng tăng và cũng để tăng phẩm chất giảng dạy, trường Nguyễn Bá Tòng đã xây thêm nhiều cơ sở mới trong khuôn viên trường ( Hình trích từ kỷ yếu 1973-tài liệu [5):

Toà nhà trường Nguyễn Bá Tòng
Tháp chuông nhà thờ Huyện Sĩ in bóng sau lưng

Trường Nguyễn Bá Tòng (dãy nhà dài) đang được xây vào năm 1966
Bên bià trái của hình là tháp chuông nhà thờ Huyện Sĩ

Tòa nhà 4 tầng bên trái xây cất năm 1966,
dài 50 thước, rộng 10 thước,
gồm 25 phòng học.
Tòa nhà 4 tầng bên phải xây cất vào năm 1968,
dài 50 thước , rộng 10 thước,
gồm 17 phòng học, một phòng thí nghiệm và một nguyện đường.

Nguyện đường
Các linh mục trong trường thường “dâng lễ Misa” buổi sáng nơi đây

Học khu Kỹ thuật
Hai tầng lầu trên cùng của học khu Kỹ thuật sử dụng cho:
-3 phòng Gia chánh,
-3 phòng Cắt may,
-1 phòng Kế toán (máy chữ),
-1 phòng Giáo sư và 7 phòng học.
Tầng dưới cùng gồm 3 lớp học, 1 văn phòng, 1 thư quán và 1 phòng liên lạc.

Một phòng Gia chánh thuộc học khu Kỹ thuật

Một phòng Kế toán (đánh máy chữ)

Trường Nguyễn Bá Tòng năm 1972

Từ thưở thành lập , trường Nguyễn Bá Tòng ở địa chỉ đường Bùi Thị Xuân, quận 1, Sàigòn là một trường trung học hỗn hợp nam và nữ sinh, nhưng vào khoảng năm 1970, sau khi ban quản trị trường Nguyễn Bá Tòng mở thêm một phân hiệu mới ở đường Hoàng Hoa Thám-Gia Định có cùng tên là trường Nguyễn Bá Tòng, các nam học sinh trường Nguyễn Bá Tòng-Sàigòn được chuyển về trường bên Gia Định . Để phân biệt hai trường, đề nghị tạm gọi trường thứ nhứt là trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn) , trường thứ hai là trường Nguyễn Bá Tòng (Gia Định).

Đoạn văn dưới đây trích từ tài liệu [6] cho thấy là vào niên khóa 1971-1972, trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn) đã chuyển các nam học sinh về trường Nguyễn Bá Tòng (Gia Định) : ‘’Năm lớp 10, tôi học trường Nguyễn Bá Tòng-Sàigòn. Niên học sau đó, 1971-1972, trường này chỉ dành cho nữ sinh nên tôi chuyển qua trường mới mở bên Gia Định, học lớp 11B-4’’.

Kể từ năm 1971, trường Nguyễn Bá Tòng- Sàigòn trở trường dành riêng cho nữ học sinh.

Theo tài liệu [5] : Từ năm 1972, trường được tách thành hai trường :

. nam tại đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định

. và nữ tại đường Bùi Thị Xuân, Sàigòn, với 7500 nữ sinh.

Vì không còn nam sinh học tại trường bên Sàigòn, ban giám thị cũng như nhân viên văn phòng nhà trường đều do các nữ tu Mân Côi đảm nhiệm.

Nữ sinh Nguyễn Bá Tòng
(Hình AD Điệu Chi)
Nữ sinh Nguyễn Bá Tòng
(Hình AD Điệu Chi)
Nữ sinh Nguyễn Bá Tòng Các nữ sinh xếp hàng, trật tự và kỷ luật trong sân trường.

Nữ sinh Nguyễn Bá Tòng hàng ngũ hóa

Học sinh Nguyễn Bá Tòng ủy lạo đồng bào ty nạn tại trại tiếp cư Thạnh Mỹ Tây,Thị Nghè
– Viếng thăm khu Fatima
– Thăm gia đình tử sĩ sư đoàn Dù tai trại Hoàng Hoa Thám- năm 1972

Ban huynh trưởng (trưởng lớp và phó lớp) Nguyễn Bá Tòng 1972-1973

Ban nhạc Nguyễn Bá Tòng 1972-1973

Tu sĩ giảng dạy tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng năm 1973

(Ký ức của một cựu học sinh Trương Bích Thủy : Những gương mặt thân quen ngày xưa bây giờ mới thấy lại , thấy cha Tiệm nhớ lại cái roi vì nói chuyện trong lúc cha giảng bài).

Năm 1972 , trường Nguyễn Bá Tòng khánh thành Đài Đức Mẹ , kinh phí do linh mục Nguyễn Chính Thái đài thọ.

Năm 1973, trường Nguyễn Bá Tòng khánh thành phòng thí nghiệm trị giá hơn 6 triệu đồng do cơ quan bác ái Đức Quốc viện trợ.

Theo tài liệu [7] : Trong số, các trường tư thục ở miền Nam được trang bị phòng thí nghiệm để cho học sinh học môn khoa học có thể nghiên cứu, chỉ có Nguyễn Bá Tòng và Hưng Đạo là hai trường được trang bị đầy đủ nhất, đến nỗi người ta nói rằng hai trường này có thể so sánh với trường Đại Học Khoa Học tại Sàigòn.”

Tuy là một trường trung học tư thục nhưng kỷ luật trong trường rất nghiêm minh. (tài liệu [5]). Ngoài chương trình học, nhà trường rất chú trọng về đức dục .Mỗi tuần một lần, khi nghe tiếng chuông điện reo lên, sau đó là tiếng loa phát ra trong từng lớp học : ‘’ Kính thưa quí vị giáo sư, xin quí vị ngưng giảng bài, cho phép các em học sinh bỏ bút xuống, im lặng để nghe bài giáo dục trong tuần…’’.Bài giáo dục trong tuần thường là một câu truyện ngắn hay ngụ ngôn với những nhận xét giúp học sinh thành người lịch sự và có trách nhiệm.Đầu mỗi buổi học, học sinh đọc lời tâm niệm.

Trường Nguyễn Bá Tòng được đánh gíá cao trong việc giáo dục vì vậy đạt được nhiều uy tín ở Sàigòn.


Học bạ

Sổ điểm hàng tháng

Trong Đại Hội Nguyễn Bá Tòng Hè 2016 tổ chức ngày 28 tháng 5, 2016 tại thành phố Santa Ana, Nam California (tài liệu [7]), giáo sư Trần Phong Vũ (Trần Ngọc Vân) ,đã có lời chia sẻ của ông về ngôi trường như sau: “Tôi dạy ở Nguyễn Bá Tòng về môn Quốc Văn ở Đệ Nhị Cấp từ những năm 58, 59 đến ngày mất nước. Nguyễn Bá Tòng là một tư thục Công Giáo lớn nhất bên cạnh trường Hưng Đạo và La SanTabert, cả ba trường này tôi đều may mắn được dạy Quốc văn ở đó. Những năm cuối tôi phải nói rằng Nguyễn Bá Tòng và Hưng Đạo là hai trường có thể nói là nhiều mặt không có trường nào địch lại được, ngay những phòng cho Đệ Nhị Cấp đã lên đến bốn, năm chục phòng, lớp 11, 12 có cả mấy chục lớp nên có thể nói rất là lớn’’.

Theo tài liệu [1] : Số học sinh trường Nguyễn Bá Tòng thời đông nhất lên tới 10,000.

Theo tài liệu [3,8] : Trường Nguyễn Bá Tòng là nơi đào tạo nhiều người nổi tiếng, trong đó có ca sĩ Mai Hương (đã vào học trường này vào năm 1956, lớp đệ lục), Khánh Ly, Ý Lan. Một số thầy giáo đã dạy trường này như nhạc sĩ Thu Hồ (nhạc), nhà văn Bùi Nhật Tiến (Lý Hóa), Nguyễn Văn Kỷ Cương (Toán), linh mục Đỗ Đình Tiệm làm Hiệu Trưởng.

Trường Nguyễn Bá Tòng sau năm 1975

Sau năm 1975, trường Nguyễn Bá Tòng bị ngụy quyền cộng sản tịch thu, đổi thành trường trung học phổ thông công lập và bị đổi tên thành trường THPT Bùi Thị Xuân (kể từ niên khóa 1977 – 1978), dành cho cả học sinh nam và nữ. Những năm sau , khuôn viên của trường Nguyễn Bá Tòng bị cắt một phần để làm trụ sở Vietcombank và cả bệnh viện phụ sản.

Theo tài liệu [8] : Thành phố Sàigòn đã đổi tên, trường Nguyễn Bá Tòng cũng đã không còn tên cũ, nhưng những người học trò năm xưa dù lưu vong hải ngọai vẫn còn giữ mãi hình ảnh cao đẹp về một mái trường. Đất nước Việt Nam bây giờ cần một tinh thần lương sư hưng quốc, một đường lối giáo dục nhân bản, tự do, khai phóng. Chỉ có giáo dục mới đào tạo dân trí cao và những nhân tài mới mong đưa đất nước ra khỏi nạn nghèo đói, lạc hậu, xứng danh là con cháu Tiên Rồng.

Phụ đề 1 : Sơ lược tiểu sử: GM Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng

Theo tài liệu [9,10] :

Thân thế

Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng sinh ngày 7 tháng 8 năm 1868 (ngày 19 tháng 6 năm Mậu Thìn) tại Gò Công. Cha của Nguyễn Bá Tòng là Giacôbê Nguyễn Gia Tuấn, nguyên

cựu sinh viên Chủng viện Pesnang (Malaysia), quê ở họ đạo Tân Hòa tỉnh Gò Công, làm thông ngôn tại Gò Công một thời gian, mẹ là Maria Mađalêna Nguyễn Thị Chi.

Sau một thời gian làm việc tại Gò Công, cha của Nguyễn Bá Tòng về Trà Vinh.

Năm 1878, khi Nguyễn Bá Tòng được 10 tuổi, ông gửi con vào trường Tiểu học La San Mỹ Tho. Khi ngôi trường bị đóng cửa năm 1880, Nguyễn Bá Tòng được gửi về Sàigòn theo học tại Collège d’Adran, và tại đây, cậu được gặp linh mục Jean Dépierre (tên Việt là Để, 1855-1898) giáo sư Tiểu chủng viện Sàigòn kiêm Tuyên úy Collège d’Adran.

Năm 1883, linh mục Dépierre đỡ đầu cho Nguyễn Bá Tòng vào học Tiểu chủng viện dưới quyền giám đốc lúc bấy giờ là linh mục Thiriet nổi tiếng là một người thông thái. Những năm học ở Tiểu chủng viện, Nguyễn Bá Tòng luôn là một chủng sinh xuất sắc. Ngày 24 tháng 9 năm 1887, Nguyễn Bá Tòng vào học Đại chủng viện Sàigòn và cho tới năm 1896 thì tốt nghiệp. (Xem thêm chi tiết trong hai bài Collège d’Adran và Chủng viện (Séminaire) Sàigòn của cùng tác giả).

Sự nghiệp

Quản lý Toà Giám mục Sài Gòn

Ngày 19-9-1896, ngay sau khi Nguyễn Bá Tòng tốt nghiệp Đại Chủng viện Sàigòn năm 28 tuổi, ông được giám mục Jean Dépierre Giáo phận Sàigòn (1895-1898) phong chức linh mục tại Nhà thờ Đức Bà Sàigòn. Linh mục Nguyễn Bá Tòng đảm nhiệm chức Quản lý Toà Giám mục Sàigòn liên tục trong 21 năm.

Trong thời gian này, trên cương vị Quản lý Tòa Giám mục, linh mục Nguyễn Bá Tòng đã từng biểu lộ sự thương yêu đùm bọc những người bạn linh mục người Việt Nam bị thực dân Pháp bắt đày nơi Côn Đảo. Đó là 3 linh mục Đậu Quang Lĩnh (1868?-1930),Nguyễn Thần Đồng (1867-1944), Nguyễn Văn Tường (1853?-?). Cả ba vị linh mục này hưởng ứng phong trào Đông Du của lãnh tụ Phan Bội Châu (1867-1940) và sau bị lưu đày ra Côn Đảo.

Quản xứ Bà Rịa và Tân Định

Sau nhiều năm giữ chức Quản lý Tòa giám mục Sàigòn với nhiều trọng trách, do sức khỏe suy yếu nên ngày 2 tháng 4 năm 1917,linh mục Nguyễn Bá Tòng được chuyển công tác đỡ vất vả hơn tại giáo xứ Bà Rịa với chức vụ Cha Sở (quản xứ). Tại Bà Rịa, linh mục Nguyễn Bá Tòng đã đóng góp lớn trong các công tác xã hội như chỉ đạo cho xây cất trường học, nhà hát.

Đến tháng 9 năm 1926, giám mục Sàigòn Isidore Dumortier (tên Việt là Đượm, 1869-1941) thuyên chuyển linh mục Nguyễn Bá Tòng về làm Cha sở Giáo xứ Tân Định, một giáo xứ lớn bậc nhất Sàigòn và kiêm Giám đốc Tân Định ấn quán, một nhà in lớn thành lập từ năm 1864, chuyên in phát hành sách báo đạo. Tại Giáo xứ Tân Định, linh mục Nguyễn Bá Tòng cũng cho xây dựng kiến tạo nhiều công trình như mở rộng nhà thờ, xây tháp chuông cao 52 mét, với đồ án tháp do linh mục thiết kế.

Giám mục Giáo phận Phát Diệm

Ngày 10 tháng 1 năm 1933, Đức Giáo hoàng Piô XI ra sắc lệnh bổ nhiệm linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng làm giám mục Hiệu toà Sozopoli, giữ chức giám mục phó với quyền kế vị Giáo phận Phát Diệm . Trong buổi tấn phong giám mục tại Đền thánh Phêrô, Roma, ngày 11 tháng 6 năm 1933, cùng Nguyễn Bá Tòng, còn có 4 giám mục khác đến từ châu Á là Đức cha Attipetty của Ấn Độ và ba giám mục Trung Hoa là Giuse Fan, Ts’oei và Mathêu Ly. Lần đầu tiên một người Việt được phong chức giám mục, là kết quả của một quá trình dài ngót nghét 4 thế kỷ từ khi công giáo du nhập vào Việt Nam.

Năm 1934, giám mục Nguyễn Bá Tòng được bầu vào Ủy ban nghiên cứu về tài chính của Giáo hội Việt Nam.

Ngày 15 tháng 10 năm 1935, nhân ngày kỷ niệm 40 năm làm giám mục, giám mục Alexandre Marcou Thành lãnh đạo Giáo phận Phát Diệm từ giã Phát Diệm về Thanh Hoá nghỉ hưu. Giám mục Nguyễn Bá Tòng chính thức làm giám mục giáo phận này.

Giám mục Nguyễn Bá Tòng có sức viết khỏe, trong thời gian quản lý địa phận, ông viết 70 lá thư “Luân Lưu” đề cập nhiều vấn đề của địa phận. Tác giả Hoàng Xuân Việt viết trong sách Thắng cảnh Phát Diệm nhận định rằng trong bình diện văn học, giám mục Nguyễn Bá Tòng thuộc đội ngũ nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam từ giai đoạn 1930 – 1949 (tài liệu [10]) .

Ngày 3 tháng10 năm 1940 ( 3 tháng 12 năm 1940 tài liệu [10]), theo Khâm sứ Toà Thánh, giám mục Antonin Drapier chủ lễ thụ phong giám mục Nguyễn Bá Tòng tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm, Việt Nam. Trong buổi lễ này hai vị linh mục Phan Đình Phùng và Hồ Ngọc Cẩn cũng được thụ phong giám mục. Theo sau cuộc lễ tấn phong là lễ gắn huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho Đức cha Nguyễn Bá Tòng do quan Toàn quyền Decoux thay mặt Thống tướng Pétain, quốc trưởng Pháp kính tặng Đức cha Tòng với sự tham dự của các quan quyền các cấp.

Theo tài liệu [10]: Giám mục Nguyễn Bá Tòng cũng được triều đình Huế trao Nam Long Bội tinh và Kim khánh. Cả hai tặng thưởng từ triều đình và Pháp đều để ghi nhận công lao giám mục Nguyễn Bá Tòng cho tiến hành đắp đê Kim Tùng, góp phần bảo vệ mùa màng và tạo việc làm cho người nghèo.

Ngày 27 tháng 12 năm 1943, giám mục Nguyễn Bá Tòng trao quyền quản lý địa phận cho giám mục phó Gioan Maria Phan Ðình Phùng. Giám mục Nguyễn Bá Tòng quyết định về Xuân Đài để nghỉ dưỡng. Tuy vậy, chỉ vài tháng sau khi chấp chính giáo phận, giám mục Phan Đình Phùng qua đời cuối tháng 5 năm 1944. Nhận được tin, giám mục Nguyễn Bá Tòng quay về địa phận và tổ chức lễ tang cho giám mục Phùng. Kể từ ngày 8 tháng 6 năm 1944, ông đảm nhận vai trò Giám quản Tông Tòa Địa phận Phát Diệm để chờ Tòa Thánh chọn người kế vị. Giám mục Nguyễn Bá Tòng theo đường hướng của linh mục Trần Lục để quyết định khai khẩn, lấy đất lấp biển ở vùng Cồn Thoi. Với việc này, ông tạo việc làm cho người dân không phân biệt lương giáo và thiết lập được nhiều xứ đạo nơi vùng đất mới trong thời kỳ khó khăn năm 1945.

Đại diện cho các giám mục Việt Nam, ngày 23 tháng 9 năm 1945, giám mục Nguyễn Bá Tòng viết điện văn gửi Tòa Thánh Vatican, Anh và Hoa Kỳ. Trong thư, ông kêu gọi Tòa Thánh và toàn bộ giáo sĩ, giáo dân ủng hộ nền độc lập cho Việt Nam và hai quốc gia Anh, Hoa Kỳ can thiệp ủng hộ cho nền độc lập [của nước Việt Nam]. Giám mục Nguyễn Bá Tòng đề cử linh mục Tađêô Lê Hữu Từ, tu viện trưởng dòng Châu Sơn và Tòa Thánh quyết định chọn linh mục này làm giám mục. Lễ tấn phong cho giám mục Từ diễn ra cuối tháng 10 năm 1945 và giám mục Nguyễn Bá Tòng bàn giao lại địa phận cho giám mục Từ, trở lại Xuân Đài để nghỉ hưu. Tại đây, ông nhiều lần trò chuyện cùng giám mục Hồ Ngọc Cẩn và gặp giám mục Cẩn một ngày trước khi giám mục này qua đời.

Cuối tháng 6 năm 1949, giám mục Nguyễn Bá Tòng nhận thấy sức đã kiệt, rời nơi hưu dưỡng về Phát Diệm. Ông bày tỏ mong muốn muốn được qua đời tại Phát Diệm. Giám mục Tòng qua đời ngày 11 tháng 7 năm 1949, an táng tại Nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Vai trò trong Giáo hội Công giáo Việt Nam

Công giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 16 do các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, và tiếp đó là các giáo sĩ người Pháp. Các thế hệ linh mục Công giáo nước ngoài này đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển về nhiều mặt của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đương thời, không chỉ là việc hình thành các giáo phận, xây dựng hệ thống tổ chức của Giáo hội Công giáo Việt Nam, mà còn là sự phát triển văn hoá. Trong đó có thể nói đến linh mục Alexandre de Rhodes với công lao La tinh hoá hệ chữ viết tiếng Việt góp phần hình thành chữ quốc ngữ ngày nay.

Năm 1922, trong chuyến tháp tùng vua Khải Định sang Pháp và đến Roma, ông Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) đã dâng thỉnh nguyện thư tới Giáo hoàng Piô XI xin lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Toà Thánh đã cử đặc sứ sang Việt Nam mở nhiều hội nghị ở Phát Diệm, Sài Gòn. Kết quả là Giám mục Alexandre Marcou (tên Việt là Thành, 1857-1939), Giám mục Giáo phận Phát Diệm giai đoạn 1901-1935, đã từ Phát Diệm vào Huế, Sàigòn tiếp xúc thăm dò và được giám mục Sàigòn giới thiệu Linh mục Nguyễn Bá Tòng, khi đó đang quản xứ Tân Định.

Khi Giáo hoàng Piô XI ban hành thông điệp Sự việc Giáo hội (Rerum Ecclesiae) nhằm cổ vũ việc trao quyền cho hàng giáo sĩ địa phương, giám mục Alexandre Marcou Thành là người đầu tiên hưởng ứng, với việc đề cử linh mục Nguyễn Bá Tòng làm giám mục phó với quyền kế vị ở giáo phận Phát Diệm vào năm 1933. Linh mục Nguyễn Bá Tòng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được thụ phong chức giám mục, sau đúng 400 năm công giáo truyền vào vào Việt Nam.

Phụ đề 2 : Nhà in Nguyễn Bá Tòng

Theo tài liệu [1] : Nhà in Nguyễn Bá Tòng , tọa lạc gần trường Nguyễn Bá Tòng, được thành lập ngay từ hồi 1955 bởi giáo xứ Bùi Chu. Ngoài các việc in sách và văn phòng phẩm của khách hàng đưa tới, nhà in chú ý đặc biệt in các sách triết học, thần học và những sách về tôn giáo, học thuật của nhà xuất bản Ra Khơi, nhà xuất bản của Bùi Chu.

Hồi 1955, nhà in còn ấn hành tuần báo Ðường Sống do cha Vũ Ðình Trác làm chủ nhiệm. Từ năm 1970, nhà in được cải tiến đại quy mô, xây lên 4 lầu, mua thêm máy in tối tân, máy chụp, máy làm bản kẽm, máy xếp chữ Monophoto với số vốn trên 400,000 mỹ kim. Ðặc biệt nhất máy Rotative Offset in nhật báo đầu tiên ở Việt Nam là máy của nhà in Nguyễn Bá Tòng và nhật báo đầu tiên ở Việt Nam in bằng máy này là nhật báo Sóng Thần của nhà văn Chu Tử.

Tài liệu tham khảo :

  1. L.M. Trần Ðức Huynh – Lịch Sử Ðịa Phận Bùi Chu trích ra từ “Kỷ yếu địa phận Bùi Chu” phát hành tại Hoa Kỳ năm 1984
  2. TRẺ Sưu Tầm- Lưu bút ngày xanh Nguyễn Bá Tòng- Nguồn: FB Hoài niệm miền nam một thời – 23/11/ 2019
  3. Sàigòn Xưa – Trường trung học Nguyễn Bá Tòng một số hình ảnh của trường trong kỷ yếu 1973
  4. Sàigòn xưa – Nhìn lại các trường nữ trung học nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975 (nguồn: https://nhacxua.vn/nhin-lai-cac-truong-nu-trung-hoc-noi-tieng-cua-mien-nam-truoc-nam-1975/) – Cùng nhìn lại một số trường nữ sinh Việt Nam trước 75, kỳ 1
  5. Facebook-Made In Sàigòn-Trường Trung học Tư thục Công giáo Nguyễn Bá Tòng – 16/10/2015
  6. Bùi Văn Phú – Tấm lòng của Ngọc Di, cô nữ sinh lớp 12A-1 Nguyễn Bá Tòng– (Bài đã đăng trên VTimes (San Jose, California)- 14/11/2008
  7. Thanh Phong – Viễn Đông Daily news-Đại Hội Nguyễn Bá Tòng Hè 2016
  8. Việt Báo -Hs Nguyễn Bá Tòng Họp Mặt 600 Người Về Ôn Lại Kỷ Niệm-14/12/2005
  9. Truyền Tin -3/7/20
  10. Bách khoa toàn thư – Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng

—>35-Trường Văn Lang
<—Mục lục

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Trường Trung Học Phổ Thông và Tổng Hợp ở Sàigòn - Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời