TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 (65…75)

75-Trường Thánh Thomas
Số 190 , Đường Trương Minh Ký
Phú Nhuận, Gia Định

Theo tài liệu [1,2,3] : Trường Thánh Thomas là trường tiểu và trung học đệ nhị cấp tư thục công giáo thành lập vào năm 1959 bởi Dòng Đaminh Việt Nam.

Trường thánh Thomas và Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương-
bên phải hình là nhà thờ Ba Chuông

Nhà thờ Ba Chuông

Trường Thánh Thomas

Niên khoá đầu tiên của trường Thánh Thomas được khai giảng vào năm 1962 . Một điều rất đáng nhớ là trường Thánh Thomas là hậu thân của trường Saint Thomas được mở tại Nam Định năm 1950, và Vũng Tầu năm 1958.

Theo tài liệu [4]: Trường Thánh Thomas có : Các lớp tiểu học từ lớp năm (lớp 1) đến lớp nhứt (lớp 5) và các lớp trung học như sau: 10 lớp đệ thất (lớp 6) , 9 đệ lục (lớp 7), 9 lớp đệ ngũ (lớp 8), 8 lớp đệ tứ (lớp 9) ,9 lớp đệ tam (lớp10) ,9 đệ nhị (lớp 11) , 8 đệ nhất (lớp 12) ban A (Vạn vật) và ban B (Toán). Trường Saint Thomas còn có phòng thí nghiệm trang bị kiếng hiển vi để học sinh làm thực tập môn Vạn Vật.

Sau đây là danh sách các linh mục tu sĩ từng phục vụ tại trường đã qua đời (tài liệu [3]) :

Ba vị Hiệu trưởng

  1. Lm Giuse Hoàng Kim Thao (22.07.2008),
  2. Lm Phanxicô Mai Bảo Thư (17.09.2002),
  3. Lm Giuse Phạm Văn Vang (29.12.1986),

Các vị Giám học, Giám thị :

  1. Lm Anrê Đinh Dưỡng Thiệm (11.07.1993),
  2. Lm Angelo Nguyễn Ngọc Thuỵ (31.07.1992),
  3. Lm Phêrô Nguyễn Doãn Quang (16.08.1988),
  4. Lm Vinhsơn Nguyễn Hữu Dụ (12.01.2009), ( Tổng Giám Thị niên khóa cuối 1974- 1975 – tài liệu [4]) ,
  5. Thầy Phêrô Mai Văn Tộ (10.04.2008)
  6. Thầy Đaminh Trần Thanh Khiết (06.06.1980).

Ngoài ra theo tài liệu [5] : Trường Thánh Thomas còn có hiệu trưởng linh mục Nguyễn Ngọc Thành và giám học linh mục Nguyễn Đức Hòa .


Ban Giám đốc
(Ảnh Manhhai-Flickr)

Nhân viên văn phòng- Giám thị
(Ảnh Manhhai-Flickr)

Chỉ có tám năm sau khi thành lập ,vào ngày 17 tháng 3 năm 1967 trong chương trình Lễ Ngày thành lập Tỉnh Dòng Đa Minh tại Việt Nam với thánh hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”, các học sinh trường Thánh Thomas được vinh dự chào đón Cha Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernandez và phái đoàn, sau khi ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt, về tới Tu viện Alberto, Phú Nhuận. (Tu viện này được xây cùng năm với trường Thánh Thomas bởi các tu sĩ Dòng Đa Minh Việt Nam).

Cha Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernandez và phái đoàn về tới Tu viện Alberto

Cảnh trường và sinh hoạt học đường của trường Thánh Thomas theo tài liệu [5,6,7] :

Trung tiểu học Saint Thomas Sàigòn (Phú Nhuận ?) là hậu thân của trường Trung học Saint Thomas Nam Định, Bắc phần. Sau khi hiệp định Genève chia cắt đất nước thành Đôi Bờ vào năm 1954, trường Saint Thomas Nam Định cũng đã theo những gót chân của hàng triệu đổng bào miến Bắc di cư vào Nam để tìm ánh sáng Tự Do và quảng bá Chân Lý.

Năm 1958, , ngôi trường trung học Saint Thomas năm ấy, dưới sự dẫn dắt của linh mục Phạm Văn Vang , một trong những sáng lập viên của trường , đã mở lại cánh cửa trường học, vẫn tên gọi Saint Thomas, nhưng rộng lớn hơn với 2 cấp Trung và Tiểu học. Từ ấy, Trung tiểu học Saint Thomas đươc hình thành .

Trường tiểu và trung học Thánh Thomas có 3 cổng :

– Cổng A (cổng Trước) là cổng sát cạnh nhà thờ đường Trương Minh Ký, quay mặt về hướng Đông Nam của thành phố Sàigòn ;

– Cổng B (cổng Trái) thơ mộng với những hàng phượng vỹ và hoàng điệp nhìn trước mặt con đường Huỳnh Quang Tiên nối dài ;

Hình bìa Kỷ yếu 25 năm trường Saint Thomas
Ảnh Manhhai-Flickr

Cổng C (cổng Phải) cách cổng A khoảng 100 thước nhưng phải vào hẻm ngắn không tên (đặc biệt có võ đường Bảo Truyền). Cổng Phải khép hờ để học sinh ra về bằng phương tiện xe cộ trên con hẻm này. Trên bản đổ của thành phố năm ấy, Saint Thomas nằm giáp ranh giữa các quận trung tâm thành phố là: Tân Bình,Phú Nhuận và quận Ba.

Dọc theo khoảng sân lát xi măng trải rộng từ cổng trước đi vào, bên tay phải, ngôi thánh đường nằm sát bên được cấu trúc theo kiểu Âu Mỹ với tên gọi Nhà thờ Đa Minh hay còn có thêm một tên gọi khác dễ nhớ hơn là Nhà thờ Ba Chuông. Ngôi thánh đường này vốn gắn liền với năm sinh của trường Trung Tiểu học Saint Thomas bởi ban sáng lập đa số là những linh mục thuộc dòng Đa Minh.

Phi thuyền mang dáng vẻ Apollo trong khuôn viên của Nhà thờ Ba Chuông
Ảnh Manhhai-Flickr

Rảo thêm vài bước chân nữa, bên tay trái, trong khuôn viên của thánh đường, sau tượng đài Đức Mẹ, một chiếc phi thuyền mang dáng vẻ Apollo mới được dựng lên từ những năm đầu thập niên 70 đã vô tình làm tăng thêm vẻ đẹp lạ kỳ mà không kém phần huyền dịệu đầy ý nghĩa của Thiên Chúa trước những phát minh tiến bộ vượt bực của loài người.

Rời khuôn viên tượng đài Đức Mẹ, lững thững vài bước chân nửa, để tiến về phiá trước, đây là khu vực văn phòng của ban giám hiệu và ban giảng huấn của nhà trường . Sau vài bậc tam cấp, bước lên, qua cánh cửa phòng hành chánh luôn rộng mở, nơi đây học sinh cũ và mới thưòng tề tựu rất đông đảo để ghi danh cho kịp thời hạn trước khi vào ngày đầu niên học mới.

Từ cửa chính của văn phòng, thêm vài bước chân nữa, bạn sẽ rẽ trái vào lối hành lang chính để vào các lớp. Sát ngay cánh cửa mở rộng , Bạn sẽ thấy cửa sau của văn phòng. Đây là phòng tài vụ: ông kế toán già kiêm nhân viên thủ qũy luôn mỉm cười chào hỏi bạn và thường hay nhắc nhở đến quyền lợi giảm học phí của học sịnh có đông anh chị em theo học cùng trường nhà. Liếc sang phòng Sinh hoạt nằm kế bên , bạn sẽ tò mò chiêm ngưỡng những tấm hình quảng cáo, cổ vũ và động viên tình thần học hỏi của học sinh đồng thời cũng nhắc nhở những tác phong, kỷ luật của mỗi người đã được trang trí rất mỹ thuật ở trên tường.

Trên bức tường ấy, bạn sẽ nhìn thấy những câu thơ, câu vè được trình bày rất công phu với hình ảnh minh hoạ kèm theo: ” Áo dài duyên dáng đẹp ghê ! Áo cộc, áo ngắn trông quê cùng mình” (dành cho nữ sinh), Hay: “Cái gì như chó chết trương ? Coi chừng đích thị qủy vương ra đời !” (dành cho nam sinh).

Quay lưng trở lại, nhìn chung quanh khu vực cận kề cổng hành lang, trên bức tường hai bên là những khung gỗ hình chữ nhật được dựng lên để niêm yết danh sách ban giảng huấn của nhà trường,bản Nội quy cùng những thông cáo, bản tường trình sinh hoạt, thể lệ cuộc thi vẽ tranh, làm bích báo dành cho học sinh các cấp vào mỗi dịp Trung Thu, Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán. Vào các dịp này, học sinh trường thi đua triển lãm bích báo, họa phẩm, hoa vải, hoa giấy… Nơi đây, bạn cũng sẽ có những ít lần mơ được có tên mình trong Bảng Danh Dự dành cho những học sinh xuất sắc được niêm yết trang trọng trong một khung gỗ có cửa kiếng vào mỗi tháng.

Dãy A
Ảnh Manhhai-Flickr

Trên lối đi từ hành lang chính, bạn sẽ thấy những khung cửa sổ của các phòng học được kéo lên với khoảng cách đều nhau nhìn thật đẹp mắt , đây là dãy A dành cho học sinh Đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9).

Cuối hành lang nhìn ra khoảng sân rộng trước mắt là dãy B mới được khánh thành theo kiểu mẫu tân kỳ nằm chếch về bên phải khu vực này gồm những lớp học 10, 11 và 12 A và B thuộc đệ nhị cấp. Dãy C cao ngất với những lầu 1 và 2 là cặp sinh đôi với dãy B và dãy C dành cho các em Tiểu học …

Quanh sân trường, dọc theo lối đi có những hàng cây hoàng điệp ngập hoa vàng với tán lá vươn cao và xoè rộng như cánh quạt làm bóng mát cho học sinh bên cạnh những hàng phượng vỹ chỉ rực đỏ vào những ngày tháng Hạ. Dưới tàng cây cao ngập hoa vàng và đỏ ấy, một vài chiếc ghế đá nằm thin thít bên cạnh để lắng nghe rất nhiều những câu chuyện vui buồn của các nữ sinh với me chua, kẹo ngọt trên tay trong những giờ ra chơi không thể thiếu mỗi ngày.

Từ hành lang ngoài cửa lớp của bạn trong giờ ra chơi, bạn đã bao lần một mình đứng trên đó, để mắt len lén dõi theo mái tóc dài và hình bóng của những tà áo dài ?

Nữ sinh tha thước trong tà áo dài
Ảnh Manhhai-Flickr

Bên cạnh dẫy B là câu lạc bộ bán thức ăn và nước uống cho học sinh mỗi ngày ( sau này được chuyển sang dẫy C ). Sau tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi, không đầy 5 phút thôi, bạn sẽ thấy trước cửa sổ của câu lạc bộ chật ních những tà áo dài, những quần xanh áo trắng và đủ mọi các lớp với tiếng la tiếng hét inh ỏi như chợ hôm vào sáng sớm.

Hình kỷ niệm học sinh trường
Ảnh Manhhai-Flickr

Thả bộ theo lối đi về dãy C, bên phải là khu vực đậu xe của học sinh, bên trái ở tầng trệt dẫy C này là khán đài dã chiến được lắp ghép nhanh chóng cho nhà trường và học sinh trong những lần tổ chức Văn nghệ và lễ Phát Thưởng mỗi năm.

Văn nghệ Thánh Thomas – múa nón
Ảnh Manhhai-Flickr

Trường Thánh Thomas có Ca đoàn Thánh Thomas (choir) đóng góp vào các sinh hoạt công giáo và trình diễn văn nghệ nội bộ trường như các màn hát : độc ca, song ca, tam ca,tứ ca, vũ đông phương…, đôi khi Ca đoàn này xuất hiện trên đài truyền hình và đài phát thanh.

Ngoài ra, trường Thánh Thomas còn có đoàn Hướng đạo Thánh Thomas.

Khoảng sân rộng trước mặt dẫy C cũng là nơi vui chơi thể thao của học sinh trong những bộ môn như: Túc cầu , bóng chuyền, bóng rỗ, bóng bàn, vũ cầu. Học sinh của trường Thánh Thomas còn thi đấu thể thao với các bậc đàn anh sinh viên đại học Vạn Hạnh, láng giềng cùng trên đường Trương Minh Ký, trong tình thần tôn giáo hòa đồng.


Cầu Trương Minh Giảng
– toà nhà tay phải phía sau là viện Đại học Vạn Hạnh

Viện Đại Học Vạn Hạnh

Nhắc đến bộ môn thể thao này, lòng tôi (tác giả tài liệu [6]) lại vương lên những nỗi buồn ngậm ngùi khi nhớ đến những người bạn rất thân đã từng vui chơi ở sân trường đó mà nay không còn nữa vì đã bỏ xác ở chiến trường tàn nhẫn vào những năm đỏ lửa khốc liệt 1972.

Tiệc tiễn đưa những người bạn lên đường nhập ngũ –
Ảnh Manhhai-Flickr

Từ năm 1971 trở đi, cũng tại khoảng sân rộng ấy ,giữa sân trường dưới cột cờ thẳng tắp với ngọn quốc kỳ bay phất phới trong gíó lộng ,ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể học sinh các cấp đã từng tề tựu ở đó để tiếp đón những vị quan khách đại diện chính phủ trong Bộ Văn Hoá Giáo Dục. Theo tài liệu [5] : Lễ Phát Thưởng mỗi năm đã được tổ chức với sự hiện diện của ông Phụ tá Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục & Thanh Niên.

Những đêm thức trắng với ban giám hiệu cùng các Thầy Cô phụ trách lớp quây quần hoà vui với ngọn lửa Trại , rồi trình diễn Văn nghệ trong buổi thi chung kết và cùng nấu bánh chưng cho Cây Mùa Xuân Chiến sĩ.

Hay ở đâu đó ngoài sân trường, trên những chuyến xe buýt du ngoạn đường dài đã đưa nhà trường và học sinh cùng tham dự buổi khoản đãi ở bãi Trước, bãi Sau Vũng Tàu năm nào đó (?) … và chắc không thể nào quên được những chuyến đi ủy lạo Thương bệnh binh tại Quân y viện Lê Hữu Sanh của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến vào những ngày cận Tết.

Và sau đây là ký ức sâu đậm không phai của một cựu học sinh trường (tác giả tài liệu [6]) : ’’ Còn nữa và còn nữa biết bao những kỷ niệm thân yêu không sao kể hết được khi chúng ta đã từng một thời sống dưới mái trường, bên bạn cũ thầy xưa qua từng lớp học.Theo thời gian đổi thay như lẽ tuần hoàn vẫn từng và đang lôi cuốn theo hai mùa mưa nắng nhưng chắc chắn, mai sau dẫu đã xa hẳn mái trường cũ yêu dấu ấy, dù bạn đã trưởng thành và không còn cơ hội ghé thăm lại dẫu chỉ một lần nhưng tận đáy lòng ký ức về ngày xanh của một thời hoa mộng sẽ không thể tàn phai !

Dưới sân trưòng, cuộc đời thật thơ mộng đẹp và nên thơ biết bao ! Những kỷ niệm ở đó sẽ muôn đời bất diệt !!!

Những sợi tóc màu sương trắng bây giờ đang nhuộm gần hết mái đầu xanh ngày trước. Nhưng, vẫn không thể nào làm phai nhạt được hết những ký ức ngây thơ hiện vẫn còn rõ nét trong nỗi thương nhớ ngậm ngùi của tôi về Trường cũ…

Tôi yêu Saint Thomas mãi mãi …’’.

Sau 1975, trường Thánh Thomas bị ngụy quyền cộng sản tịch thu và bị chia làm 3 phần riêng là : nhà thờ Ba Chuông (tháp chuông bên phải hình), trường Phú Nhuận và Hàn Thuyên. Sau đó Hàn Thuyên gộp vào Phú Nhuận, còn Phú Nhuận dời ra hướng công viên Gia Định (là sân golf cũ) (tài liệu [7]) .

Tài liệu tham khảo :

  1. Tổng Giáo phận Sàigòn-Nhà thờ Giáo xứ Đa Minh- Lược sử Giáo xứ Đaminh – Ba Chuông .
  2. Giáo xứ Thánh Đaminh Ba Chuông – Lược Sử Giáo Xứ- Lược sử và Danh Xưng – Giáo xứ Thánh Đaminh – Ba Chuông – 12/01/2009 .
  3. Giáo xứ Thánh Đaminh Ba Chuông-Trường Saint Thomas : Gặp Lại Thầy Xưa Bạn Cũ – 20/01/2012 .
  4. Facebook -T.Thomas High School ,Saigon – Việt Nam – 27 janvier .
  5. Phạm Châu – Kỷ yếu 25 năm trường Saint Thomas .
  6. Lương Tất Đạt – Sân Ga Sainthomas – Trung Tiểu Học Thánh Thomas – vềmáitrườngxưa…
  7. Facebook- Trường Trung Tiểu học Thánh Thomas -1959 – 30/01/2017.

—>76- Trường Notre Dame des Missions
<—Mục lục

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Trường Trung Học Phổ Thông và Tổng Hợp ở Sàigòn - Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975. Bookmark the permalink.

4 Responses to TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 (65…75)

  1. Liem Tran says:

    Tôi đã học trường này từ năm 1970 tới năm 1976, thương lắm ngôi trường với nhiều kỷ niệm lúc tuổi còn rất trẻ, nhớ lắm những buổi tập hát để đi trình diễn trên đài TH với thầy dạy nhạc cũng là nhạc sĩ Đỗ Lể, những ngày đi tập thể dục ở sân vận động của trường ở Hạnh Thông Tây Gò Vấp. Có ai đã học trường này nhớ hết bài “Đạt Đức Hành Khúc” không? : Ta đoàn học sinh Đạt Đức xứng danh anh tài, ta đoàn học sinh Đạt Đức đắp xây ngày mai. Nào cùng chung tay, tay nắm tay, dù ngàn chông gai đẹp sức trai

    Like

  2. TM says:

    TM rất vui mừng khi được biết bài về Trường trung học trước 1975 cùa TM đã gây lại cho ông Trung Nguyen vài kỷ niệm đẹp thưở học trò. Đó là những điều phấn lệ cho TM. Nhằm muc đích bảo tồn những nét đep của cuộc sống hàng ngày thời trước 1975, xin ông giới thiệu cho những đề tài khác. Cám ơn ông rất nhiều.

    Like

  3. Trung Nguyen says:

    Tôi học ở trường Dạt Đức từ lớp đệ thất đến đệ nhị (bây giờ gọi là lớp 11). Tôi có nhiều kỷ niệm với Trường nầy. Bây giờ đã 74 tuổi mới thấy có tài liệu viết lại ngôi trường đầy ấp kỷ niệm của tôi. Lòng cảm thấy vui buồn lẫn lộn.

    Like

Ý kiến - Trả lời