Tướng E.G. Lansdale: TÔI LÀM QUÂN SƯ CHO TT NGÔ ĐÌNH DIỆM (1-4)

1. Nhiệm sở mới : Việt Nam

Sau ba năm rưỡi trải qua tấn bi kịch nặng nhọc ở Phi Luật Tân, tôi đã sẵn sàng để được thuyên chuyển khỏi nhiệm sở đầy xúc động này. Một viễn ảnh về một công việc văn phòng trong căn phòng nhỏ ở Ngũ Giác Đài cũng có vẻ hấp dẫn mà tôi không nghĩ rằng tôi có thể kiếm được. Nhưng việc thay đổi ấy đã không xảy ra. Ngay sau khi tôi trở về Hoa Thịnh Đốn vào tháng giêng năm 1954, tôi được lệnh chuẩn bị sang Việt Nam. Tôi đã tới nơi này và ở lại Việt Nam cho đến cuối năm 1956, sống giữa một giai đoạn ồn ào sôi động của lịch sử đã làm đảo lộn số phận quốc gia này. Nơi đây không phải là chỗ lý tưởng để dưỡng bệnh

Tôi nhận được tin về việc tôi phải sang Việt Nam trong một phiên họp ở Ngũ Giác Đài giữa các viên chức bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng mà trong đó vấn đề nhu cầu tiếp liệu quân sự cho người Pháp tại Đông Dương đang được bàn cãi. Trước khi bế mạc, Ngoại Trưởng John F. Dulles phát biểu điều ông dự liệu rằng Việt Nam sắp được người Pháp trao trả quyền độc lập rộng rãi hơn trước và khi điều đó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ có thể viện trợ trực tiếp giúp cho người Việt Nam thay vì phải chuyển qua tay người Pháp. Rất hy vọng rằng với sự trợ lực này, người Việt Nam Tự Do sẽ có thể thành công trong việc tự quản và tự phòng trong một tương lai có thể tiên liệu trước được. Dulles quay sang tôi và nói rằng đã có quyết định cho tôi sang Việt Nam để giúp đỡ người Việt Nam cũng như tôi đã giúp đỡ nhiều cho người Phi Luật Tân. Các viên chức Bộ Quốc Phòng cũng xác nhận thêm về quyết định ấy. Tôi sẽ trợ lực cho người Việt Nam trong vấn đề huấn luyện phản du kích và cố vấn cho họ về những biện pháp của chính quyền nhằm chống lại các hoạt động của Cộng Sản nếu cần thiết. Đại Sứ Donald Heath ở Sàigòn và Tướng John W. O’ Daniel người vừa được trao quyền chỉ huy MAAG Đông Dương (Phái Bộ Viện trợ và Cố Vấn Quân Sự Hoa Kỳ), đã thỉnh cầu bổ nhiệm tôi. Những lời thỉnh cầu này đã hỗ trợ cho quyết định của Hoa Thịnh Đốn. Tôi không phải sang Việt Nam tức khắc, nhưng cũng không được trì trễ hơn.

Tôi báo tin về việc sang VN ở nhà và nói rằng có thể tôi sẽ được vài tháng để sửa soạn. Nhưng ngay vài tháng ấy cũng đã chẳng có. Đêm đó tôi nhận được điện thoại của Ramon Magsaysay (Tổng thống Phi Luật Tân) gọi từ Ma Ni (Manille: thủ đô của Phi Luật Tân). Ông ta hỏi tôi rằng tôi có thể sang Phi Luật Tân trong ít tuần lễ được không để giúp ông chương trình cải cách ruông đất và cải tổ chính quyền. Tôi giải thích cho ông nghe rằng tôi phải sửa soạn cho nhiệm vụ mới kể cả việc học Việt ngữ và chắc chắn tôi sẽ rất bận rộn trong các tuần lễ tới sau đó. Có lẽ tôi sẽ sang thăm ông ta vào mùa Xuân. Lúc ấy là nửa đêm ở Hoa Thịnh Đốn nên tôi đoán rằng ông ta đang gọi điện thoại cho tôi từ bàn ăn bữa trưa ở Ma Ni và chợt nghĩ rằng ông ta sẽ đi nghỉ trưa vào lúc tôi đi ngủ ở Hoa Thịnh Đốn. Ông cúp máy, nhưng trong những đêm sau đó lại gọi lại tôi với cùng một đề nghị ấy. Rồi một hôm tôi không được điện thoại từ Ma Ni mà từ Ngũ Giác Đài. Magsaysay đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Eishenhover và đã trực tiếp yêu cầu ông cử tôi sang Ma Ni trong ít tuần lễ. Thế là xong. Ngũ Giác Đài liền thay đổi lệnh bổ nhiệm. Tôi phải đi ngay. Được, được, tôi sẽ được trở lại Hoa Thịnh Đốn để chuẩn bị cho công việc tại VN. Còn bây giờ, đi Phi luật Tân đã.

Tôi thu xếp đồ một cách vội vàng. Trong khi đang lèn hàng đống quần áo vào vali thì nhận được điện thoại của các anh tôi ở Los Angeles. Mẹ tôi vừa mất. Chúng tôi ở trong một gia đình nhiều tình cảm và sống gần gũi nhau nên tin buồn ấy làm cho tôi xúc động mạnh. Tôi thay đổi lộ trình bay để ngừng lại Calilornia dự đám táng mẹ tôi. Lần đoàn tụ này thật buồn, và tôi tiếp tục bay sang Á Châu với một khí sắc u sầu cực độ.

Những tuần lễ ở Phi Luật Tân qua mau và công việc đã giúp tôi bớt buồn phiền. Tôi đã dự nhiều buổi họp với Magsaysay và các viên chức của ông để bàn về những hành động dự trù cho các công tác xã hội, kinh tế và những đường lối để dành được sự ủng hộ của Lập Pháp đối với vị tân Tổng Thống. Tôi cũng thường dùng xe đi đến các tỉnh để đích thân quan sát những sự việc đang diễn tiến vào lúc này là lúc mà hòa bình đã được tái lập. Có thể thấy rõ niềm vui nhộn nhịp trong đời sống nông thôn, hiện rõ trên khuôn mặt và thái độ của mọi người trong các làng mạc. Tôi lấy làm may mắn được có cơ hội này để biết rõ sự kết thúc cuộc tranh đấu dai dẳng chống quân Huks đã đem lại những gì cho dân chúng ở đây. Bây giờ họ lại hy vọng xây dựng lại cuộc đời. Chỉ còn một nhúm quân Huks trốn thoát, sống lẩn lút xa khỏi sào huyệt cũ. Quân Huks không còn lý do tồn tại khi mà dân chúng đã có một chính quyền hữu hiệu của chính họ. Phi Luật Tân có nhiều hứa hẹn mới. Trước khi tôi kịp nghĩ đến thời giờ trôi qua thì đã sang cuối tháng Năm.

Một điện văn từ Hoa Thịnh Đốn đã chấm dứt công việc của tôi ở đấy. Tôi phải sang Saigon ngay bằng phương tiện chuyên chở nào sớm nhất. Như vậy là không có việc trở lại Hoa Thịnh Đốn để sửa soạn cho nhiệm vụ mới như tôi đã được hứa trước. Tôi hiểu rằng những biến chuyển ở Đông Dương đang đi đến cao điểm và Hoa Kỳ muốn tôi có mặt tại chỗ để làm những chuyện nào đó sẽ xảy ra sau này. Điện văn chấm dứt với lời chúc tụng cá nhân mà tôi cũng như các nhân viên trung tâm điện văn chưa hề thấy trên những văn thư chính thức bao giờ. Sau một tràng dài những chữ tắt và những ghi chú về tài chánh thường có trên các công lệnh, điện văn chấm dứt với hàng chữ “Xin Chúa phù hộ ông”.

Sau đó ít giờ đồng hồ tôi đã ở trên đường sang Saigon trong chuyến bay sớm nhất, trên một chiếc thủy phi cơ thuộc Phi Đoàn 31 Cấp Cứu Không-Hải tại Căn Cứ Không quân Clark. Hoa tiêu và phi hành đoàn đề nghị với tôi được bay thêm lên vài giờ để tuần thám biển Nam Hải nếu tôi bằng lòng. Thời gian bay thêm ấy đã không làm phiền tôi lắm. Nó cho tôi một dịp để suy ngẫm về công việc tương lai và lấy làm lạ rằng vì sao mà tôi được cử sang VN một cách vội vã như vậy. Tôi ngồi trong ghế phi cơ hơi lắc lư theo nhịp rung của máy, nhấm nháp cà phê trong chiếc ly giấy và suy nghĩ về tình hình.

Tôi đã được chỉ thị phải giúp cho người VN để họ tự giúp họ. Như tôi biết, việc này hầu như không thể làm được đối với một người Mỹ. Người Pháp đã cai trị VN như một thuộc địa, người VN có rất ít quyền hành. Quốc Trưởng Bảo Đại thì ở bên Pháp, Thủ Tướng và Chính Phủ do ông chỉ định ở Saigon có nhiều viên chức hành chánh và cố vấn người Pháp ở khắp mọi Bộ, mọi văn phòng. Những viên chức người Pháp này rất dễ bị đụng chạm về vấn đề ưu quyền thuộc địa của họ, và sẽ không cho bất cứ ai bên ngoài, thí dụ như người Mỹ được bén mảng đến gần những công việc của họ tại VN. Quả thật Pháp đã tuyên bố VN độc lập (Thoả hiệp Vịnh Hạ Long 5 -6-1948, thỏa hiệp với Bảo Đại ngày 8-3-1949 và Tuyên Ngôn của Pháp ngày 3-7-1953). Nhưng người Pháp phát hành và kiểm soát tiền tệ VN, điều hành ngân hàng quốc gia, quan thuế, ngoại giao. quân lực và cảnh sát và có một số rất đông viên chức Pháp được bổ nhiệm khắp trong hệ thống hành chánh. Viên Cao Ủy Pháp tại VN mới là người nắm quyền thực sự chứ không phải Bảo Đại. Phải chăng vụ Điện Biên Phủ và hội nghị Genève khiến cho tình trạng thay đổi ? Tôi quả thật không biết rõ.

Sự thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ đã chứng tỏ rằng dân Á Châu có thể chắc chắn chiến thắng người Âu Châu tại chiến trường. Vào hồi tháng Giêng 1954 khi tôi đang dự hội nghị tại Ngũ Giác Đài thì Việt Minh chuyển quân đến những núi non bao quanh những đồn bót do Pháp khởi sự thiết lập tháng 11 năm trước trên Đường số 41 trong thung lũng Điện Biên Phủ. Bộ Tư Lệnh Pháp, ghi nhận được các lực lượng địch tiến đến, tỏ ra kinh ngạc vì những cảm tưởng về vụ Verdun, vụ Chiến lũy Maginot, đã quyết định rằng nơi này là chỗ địch quân sẽ bị dử vào bẫy trong tử địa trước mũi súng của các đồn bót. Họ sẽ bị tàn sát hàng nhiều ngàn người mà kết quả là Việt Minh sẽ thua trận. Pháp gửi thêm quân đến Điện Biên Phủ. Việt Minh cũng vậy. Vào tháng 3 Việt Minh khởi sự tấn công. Trong tháng 4 những cuộc tấn công không ngừng của họ được đẩy mạnh ghê gớm và thành công. Việt Minh mới có pháo binh hạng nặng để tiêu diệt sức kháng cự của Pháp và nhờ quan sát được chiến trường từ trên các cao điểm nên Việt Minh có thể bắn rất hiệu quả, đó là một yếu tố hiển nhiên quyết định mà ngay lúc đầu Bộ Tư Lệnh Pháp đã không biết. Sau cùng trong đêm 6 tháng 5 và sáng sớm 7 tháng 5, lực lượng Việt Minh tràn vào các đồn bót tan hoang của Pháp. Tại đây, cuộc chiến khốc liệt tiếp diễn cho đến hôm sau. Vào lúc 4 giờ 45 chiều 8 tháng 5, viên Tư Lệnh Pháp gửi một điện văn vĩnh biệt, cho biết Điện Biên Phủ đã bị địch tràn ngập và không thể nào tiếp tục kháng cự nữa. Trận đánh quyết định của cuộc chiến tranh đã diễn ra, nhưng với một chung cuộc khác hẳn mà tướng lãnh Pháp đã dự liệu.

Cùng ngày đó, 8 tháng 5, các phái đoàn của những phe tham chiến đã khai diễn cuộc hội nghị ở Genève để nói chuyện về việc chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương. Anh và Nga là những nước bảo trợ cuộc hội nghị cũng có mặt cùng với các phái đoàn Pháp và Việt Minh. Hoa Kỳ có đại diện với tư cách quan sát viên. Những nước tham dư khác là Kampuchia, Trung Cộng, Lào và Quốc Gia VN (chính phủ Saigon). Theo những bản tin tôi được đọc, hình như các phái đoàn ở Genève cãi nhau rất dữ dội đến nỗi phải mất nhiều ngày giờ họ mới thỏa thuận được một điều gì trên bàn hội nghị nếu có. (Tuy nhiên sau cùng hội nghị đã có kết quả với thỏa thuận ngưng bắn và các thỏa hiệp khác vào ngày 20 tháng 7).

Tất cả điều đó có nghĩa gì đối với hàng triệu người VN không Cộng Sản mà tôi sẽ giúp đỡ? Họ là phần chủ yếu trong mục tiêu của hội nghị Genève. Việc Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ đối với họ có hghĩa là người Pháp sẽ về nước và tôi cho rằng điều đó khiến cho họ vui sướng vì lòng khao khát độc lập. Nhưng những gì sẽ xảy ra sau này cho hàng triệu người VN ấy ? Tôi có thể giúp đỡ cho họ được không ? Tôi không thể trả lời câu hỏi của tôi. Những câu hỏi ấy vẫn còn làm tôi thắc mắc khi chúng tôi đáp xuống phi cảng Tân Sơn Nhứt.

Khi phi cơ lăn bánh vào khu vực quân sự của phi cảng thì trời đã xế chiều. Tôi ném hành lý xuống đất và cám ơn phi hành đoàn. Một thợ máy người Hoa Kỳ làm việc trên một chiếc C.47 đậu gần đó vừa xong cho tôi quá giang về thành phố trên chiếc xe jeep của anh ta. Chúng tôi đi qua những phố xá trong lúc tôi ngắm nhìn phong cảnh một cách thèm thuồng. Rồi đây tôi sẽ là một người của thành phố này. Saigon với những đường phố có trồng cây hai bên và những mái nhà ngói đỏ có vẻ thong thả vô tư hơn so với lần tôi đến đây mùa hè năm trước. Có lẽ tôi đọc được điều ấy trên những khuôn mặt của dân chúng đi lại đông đảo quanh chúng tôi. Phần lớn có vẻ chỉ muốn mau chóng về nhà ăn cơm sau một ngày làm việc. Những chiếc xích lô tràn đầy phố xá, một số đạp bằng bàn đạp nhưng phần lớn có gắn máy cỡ nhỏ đẩy chạy lịch bịch. Đó đây có những gia đình cả nhà ngồi chen trước chen sau ông bố rất thăng bằng trên tay lái. Lẫn lộn trong đám đông ấy là những xe taxi con cóc, xe jeep, và những xe hơi mui trần loại cũ mà dân Saigon chạy làm xe lô ra vào vùng ngoại ô. Chỉ có những điều nhắc nhở đến chiến tranh khác hơn những bộ quân phục của nhiều người là thỉnh thoảng có một chiếc xe nhà binh với người tài xế Phi Châu và đôi khi có một tống thư văn người Pháp cưỡi môtô, đội nón sắt, rạp mình trên tay lái, lách qua lách lại trong đám xe cộ lưu thông chậm chạp.

Nơi tôi sẽ đến là tư thất Tướng John V. O’Daniel ở đường La Grandière trong trung tâm thành phố. Tôi phải trình diện ông ta tại đây. Tôi đến vừa lúc ông ngồi vào bàn ăn. Ông đón tiếp tôi rất nồng nhiệt, dành cho tôi một giường trống để ngủ và mời tôi ăn cơm chung. O’Daniel là một người lính của lính, chiến đấu giỏi, tướng mạo gan dạ. Mùa hè năm trước khi tôi phục vụ trong phái bộ của ông, ông còn là một Trung tướng 3 sao. Bây giờ thì ông chỉ đeo 2 sao của cấp Thiếu tướng. Khi có chức vụ Trưởng Phái Bộ MAAG tại Đông Dương, Hoa Kỳ cần tìm một Thiếu tướng để bổ nhiệm phù hợp với nghi thức là người Trưởng Phái Bộ này phải có cấp bậc nhỏ hơn viên Tư Lệnh Pháp tại đây. O’Daniel đã xin xuống một cấp để được phục vụ tại Đông Dương. Các giới chức Hoa Kỳ không chịu lời thỉnh cầu ngược nguyên tắc này, nhưng sau cùng chấp thuận. Trên đường sang Saigon, O’Daniel ghé lại Hồng Kông để mua một ít đồ cần dùng. Thay vì theo nghi lễ của một vị tướng vãng lai, ông ta lai mượn lon của một Trung tá trong bộ tham mưu của ông để đeo trong lúc đi mua đồ dùng vội vã ngoài phố. Giới ngoại giao đã xầm xì chút ít vì chuyện này. Đó là câu chuyện chính của chúng tôi trong bàn ăn tối hôm đó.

Chúng tôi nói chuyện một lúc rồi đi ngủ. Tôi buồn ngủ rất mau. Tôi chỉ thức khi O’Daniel kêu tôi dậy. Còn đang mơ màng, tôi đã thấy O’Daniel đứng bên cạnh giường mặc đồ ngủ, và những tiếng ồn ào lớn. Có những tiềng nổ long trời kéo dài ở gần đâu đây. Nhiều luồng hơi nóng đập vào cánh cửa sổ làm cho các cánh cửa rung động và đập mạnh. Tôi lăn xuống khỏi giường và giúp ông mở các cánh cửa. Chúng tôi ngó ra ngoài. Tiếng nổ phát ra ở ngoại ô gần phi trường nơi người Pháp có một kho đạn lớn. Chúng tôi đoán chừng đặc công của Việt Minh đã đánh kho đạn và làm kho đạn nổ. Một cuộc nói chuyện điện thoại đã xác nhận điều đó đúng. Tiếng nổ tiếp tục. Sau khi nghe những tiếng nổ tôi bảo rằng một người Mỹ lúc này chẳng làm được gì để đối phó với tình hình ấy và tôi đi ngủ. Lúc đó tôi mới nhớ ra rằng chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn ở VN.

Cuối tháng 5 sang tháng 6, tôi làm việc cho quen với tình hình tại đây. Tôi vẫn không thể tìm ra chứng cớ tại sao tôi được cử sang VN một cách vội vàng như vậy. Lúc rảnh rỗi tôi làm quen với các quân nhân VN, với dân chúng trong thủ đô và các nhân vật tôn giáo. Tôi còn phải lo những việc phàm tục hơn như kiếm chỗ ở, một văn phòng và phương tiện di chuyển.

Một chỗ ở tại Saigon đông đúc là điều cần thiết. Tôi kiếm được một phòng trong cư xá Sĩ quan độc thân, ở được trong một thời gian vì người được cấp đi phép vắng. Tôi được bổ nhiệm đến Saigon với chức phụ tá Tùy Viên Không Lực nhờ đó tôi có thể làm việc thẳng với các ông Đại Sứ cũng như Trưởng Phái Bộ MAGG. Trong cái văn phòng nhỏ xíu của Tùy viên Không Lực chẳng có một cái bàn, một cái ghế hay một cái tủ nào trống. Về phương tiện chuyên chở thì tôi được cho biết rằng tôi không được cấp. Tôi phải nhờ những người khác hay đi phố bằng xe xích lô, một loại xe kéo kiểu Saigon, mà khách đi ngồi trong chỗ ngồi đằng trước chỉ cao khỏi mặt đất mươi lăm phân trong khi người phu xe đạp xe chạy hoặc điều khiển máy ở phía sau. Đi trên xe xích lô, người đi sẽ có cảm tưởng rằng mình là một cái cây cản trước của chiếc xe và là cách mau nhất làm cho thận tuyến lưu thông mạnh khi đi qua những phố xá đông đúc xe cộ của Saigon. Khi ngồi trên xích lô, tôi mới nhận thấy rằng mức viện trợ chiến cụ của người Mỹ cho cuộc chiến ở đây thật là hào phóng. Tôi thấy hình như bất cứ người sĩ quan hay binh sĩ Pháp nào cũng lái xe jeep riêng hiệu Mỹ đi chơi trong thành phố.

Nỗi bực dọc vì thiếu xe đã đến độ không thể chịu nổi vào một buổi tối mà tôi phải đi dự vào cuộc tiếp tân ngoại giao đầu tiên. Đây là một vụ khăn đóng áo dài do Thủ Tướng VN, Hoàng thân Bửu Lộc mời tại Dinh Gia Long. Coi bộ sáng sủa trong bộ quân phục trắng, tôi đi bộ đến Dinh và ngừng lại trên vỉa hè trước Dinh để xem quang cảnh. Một hàng xe hơi đi vào cổng và chạy từ từ lên thềm dốc đến cửa trước. Tại cửa, toán lính danh dự bắt súng chào mỗi vị khách đến. Thật khốn khổ nếu tôi là vị khách duy nhất cuốc bộ lang thang vào dự tiếp tân. Một đám đông người VN đứng coi lễ nghi tiếp đón trên hè phố bên cạnh tôi phía trước Dinh. Trong số này có nhiều phu xích lô ngồi trên xe của họ. Tôi kêu một người, anh ta chỉ mặc có cái quần đùi, mình trần, chân đi đép, thuê anh ta chở tôi vào cổng Dinh. Người phu xe và những người đứng xem đều bật cười khi chiếc xích lô chạy theo đoàn xe hơi vào Dinh. Hết sức đạp xe, người phu xe chở tôi ráng bò lên thềm dốc đến cửa chính. Đến đây tôi nghiêm trang trả tiền xe trong lúc toán danh dự đứng chào cứng nhắc.

Vào trong Dinh, tôi đi theo hàng quan khách và lọt ngay vào vòng phục kích của những viên chức Hoa Kỳ đầy giận dữ. Họ cho tôi biết trong đời họ chưa bao giờ thấy xấu hổ như hôm nay. Tại sao tôi dám hạ thấp uy tín của nước Mỹ bằng cách đến dinh trên xe xích lô ? Tôi trả lời rằng đó là phương tiện duy nhất mà tôi có. Nếu họ lo ngại về vấn đề uy tín của họ hãy cấp cho tôi chiếc xe. Lúc ấy Tướng O’Daniel đến. Ông rất khoái khi nghe chuyện này. MAAG vừa nhận được mấy cái xe Citroen 2-ngựa. Ông cho biết nếu tôi cần gấp ông sẽ cấp một chiếc trong số đó cho tôi. Chiếc xe 2-ngựa là một cái hộp nhỏ xíu xấu xí, ghế làm bằng dây cao su to bản, nhưng tôi thích nó.

Tướng O’Daniel đưa tôi đến thăm xã giao Bác sĩ Phan Huy Quát, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng, người chỉ huy quân lực Việt Nam. Tướng O’Daniel nói với các vị này rằng tôi sẽ là sĩ quan liên lạc không chính thức của ông và tôi sẽ giúp họ mọi việc trong khả năng sẵn có.

Tôi và ông Quát nhớ ra rằng chúng tôi đã gặp nhau ở Hà Nội mùa hè năm trước. Cũng giống như nhiều y sĩ VN khác, ông ta quay sang nghề chính trị tuy rằng ông vẫn tiếp tục công việc y khoa bằng một phòng mạch riêng tại nhà. (Các chính phủ VN hình như luôn luôn dành cho các bác sĩ, nha sĩ những vai trò quan trọng). Chúng tôi hiểu nhau dễ dàng mặc dù ông chỉ biết vài ba tiếng Anh và tôi thì bập bẹ vài tiếng Pháp.

Tướng Hinh là con trai một cựu Thủ tướng, cao lớn hơn hầu hết các sĩ quan tham mưu dưới quyền, một người lịch sự hào hoa có vợ Pháp và là Đại tá trong Không Lực Pháp. Tôi đã gặp ông trước kia khi ông sang thăm Ma Ni một thời gian ngắn hồi chiến dịch chống quân Huks. Ông Hinh hỏi tôi về Tổng Thống Magsayeay, nói rằng ông rất thán phục Magsayeay và ông cũng thán phục một người nữa là Nasser mà ông đã có dịp đến thăm gần đây ở Ai Cập. Tôi hết sức cố gắng để mọi câu hỏi của ông ta trả lời và sau cùng ở lại ăn cơm để nói chuyện thêm trên bàn ăn.

Bác sĩ Quát đề nghị với sự đồng ý của Tướng Hinh cho tôi giúp đỡ Phòng 5 của Quân Đội VN. Phòng 5 là một cơ quan thông tin và tuyên truyền của quân đội. Quả thật người Pháp ít chú ý đến cơ quan này và sẽ không quan tâm đến một người Mỹ phụ giúp một tổ chức mà họ coi là chẳng quan trọng gì. (Phòng 1 về nhân viên, Phòng 2 về tình báo do sĩ quan Pháp cầm đầu, trong khi Phòng 3 về hành quân, huấn luyện và Phòng 4 về tiếp liệu thì đầy những cố vấn Pháp). Phòng 6 về công tác đặc biệt là một hoạt động của người Pháp do một người Việt Nam đứng tên chỉ huy. Tôi không thấy một sĩ quan Pháp nào liên hệ với Phòng 5. Vì vậy nhờ ông Tổng Trưởng Quốc Phòng và ông Tổng Tham Mưu Trưởng, tôi trở thành một cố vấn không chính thức của Đại úy Phạm Xuân Giai, trưởng Phòng 5. Việc này khiến tôi trực tiếp liên quan đến các hoạt động tâm lý chiến của cuộc chiến Pháp – Việt Minh đang tiếp diễn đến độ tàn bạo trong khi các phe lâm chiến đang tranh luận ở Genève.

Phòng 5 ở đây hơn hẳn tổ chức Dân sự Vụ của Phi Luật Tân trong chiến dịch Huks. Có tất cả một bộ chỉ huy lớn, 3 đại đội Võ trang Tuyên truyền ở các nơi, một ban tham mưu gồm các nghệ sĩ và văn sĩ, một đài phát thanh truyền thanh hàng ngày cho binh sĩ qua đài phát thanh Saigon, thêm vào nữa là những phương tiện ấn loát đầy đủ cùng những vật dụng tâm lý chiến hành quân như những máy phóng thanh mang tay loại tốt nhất mà tôi chưa từng thấy. Điều thiếu sót căn bản là mục tiêu thực sự hướng dẫn tất cả nguồn nhân lực có khả năng và số vật dụng tốt này hoạt động. Quả thật Phòng 5 có cố gắng kêu gọi địch quân đầu hàng và thông tin thời sự cho quân sĩ trong quân lực VN ; nhưng Phòng 5 có một trở ngại chính trị quan trọng. Lính VN lẫn lộn với lính Pháp thuộc địa chiến đấu chống lại kẻ thù Cộng Sản trong dân chúng đang khao khát độc lập ở tay người Pháp. Cộng Sản tiếp tục đóng vai một lực lượng quốc gia thật sự ở VN, và dù rằng cách ngụy trang này đã kém hiệu quả trong một cuộc chiến dài, đối phương vẫn có ưu thế tâm lý hơn quân đội VN.

Lúc đầu tôi cho rằng Đại úy Giai thấy tôi là người Mỹ nên tưởng tôi là một loại ông già Giáng Sinh (hay đến cho quà con nít). Ông ta thiết lập ngay một danh sách dài những thứ vật dụng mà ông ta muốn có. Tôi đề nghị rằng ông nên dành thì giờ cho những công việc hữu ích hơn vì ông đã có nhiều thứ rồi, hơn cả điều tôi dự liệu. Tại sao ông không tìm cách xử dụng những phương tiện ấy một cách nào đó để có kết quả nhiều gấp 2, hay 3 lần ? Khi đã thực hiện được điều ấy, thì mới có thể xét tiếp xem sẽ cần thêm những vật dụng mới nào. Ông Giai hỏi tôi rằng tôi đã có dự kiến nào chưa ? Tôi bèn đề nghị huấn luyện một số kỹ thuật tâm lý chiến hành quân cũng như làm thế nào để điều khiển các chiến dịch rỉ tai nếu Phòng 5 định đảm nhận nhiệm vụ căn bản là sửa chữa thái độ, tác phong của binh sĩ VN đối với dân chúng. Sự hống hách và gian tham là những tệ đoan rất phổ biến trong những liên hệ với dân chúng. Một truyền thống đáng hãnh diện hơn cho quân đội VN có thể là vai trò bảo vệ nhân dân và Phòng 5 sẽ phải trợ lực trong việc hình thành một truyền thống như thế. Sau một chút lưỡng lự, ông Giai đồng ý trình đề nghị ấy lên Tướng Hinh. Tướng Hinh chấp thuận và chúng tôi bắt đầu làm việc đề thực hiện điều đó.

Một lớp huấn luyện chiến tranh tâm lý qnân đội được thành lập. Chương trình huấn luyện do tôi vạch ra với những phương thức chi tiết về vấn đề cải thiện liên hệ giữa binh sĩ và dân chúng. Nhiều chương trình phát thanh, bích chương, truyền đơn bản tin trong đơn vị, những vở kịch do nhân viên Phòng 5 viết và đóng, những bài soạn sẵn cho các cấp chỉ huy nói chuyện với binh sĩ, phim của Arellano về phản ứng của dân chúng đối với thái độ tốt và không tốt của binh sĩ tại Phi Luật Tân, và những cuốn cẩm nang của binh sĩ do Phòng Thông Tin Mỹ soạn… đã được xử dụng trong nổ lực này để thay đổi thái độ chung của quân sĩ. Kết quả ghi nhận không được đồng đều. Lính tráng đói rách, ít lương vẫn bắt gà heo, cướp gạo trong các cuộc hành quân. Không thể thay đổi đươc tình trạng ấy bằng cách khuyến cáo đơn thuần. Phải có một đường hướng mới từ thượng từng và một sự đãi ngộ vật chất xứng đáng mới thật sự thay đổi được tình trạng này. Làm như vậy sẽ phải đụng chạm với tự ái của người Pháp mà người Pháp thì đang thực sự kiểm soát quân đội VN. Tôi bắt đầu gắng thuyết phục các sĩ quan tham mưu Pháp mà tôi gặp. Họ cho rằng ý kiến của tôi chẳng có gì quan hệ và đề nghị một cách khôi hài với tôi rằng tôi nên tính chuyện hút thuốc phiện thay thế cho công việc lẩm cẩm ấy.

Các viên chức ở Hoa Thịnh Đốn coi công việc của tôi với Phòng 5 như một chuyện kỳ quái. Đại úy Giai và các sĩ quan của ông thì có vẻ thích thú về lời mô tả của tôi đối với vấn đề kỹ thuật rỉ tai có thể đem lại những sự trợ giúp cho các cuộc hành quân của binh sĩ như thế nào. Họ hỏi thêm chi tiết và có ý nghĩ sẽ đặc biệt áp dụng ở Bắc Việt là nơi hồi ấy đang chịu áp lực nặng nề của Việt Minh. Một trong những đề nghị của tôi là loan truyền những câu chuyện đồn đại ám chỉ sự hiện diện của một sư đoàn quân Trung Cộng tại một vị trí nào đó gần biên giới. (Mọi người miền Bắc đều ghét lính Tàu). Các sĩ quan Phòng 5 ghi nhận các phương thức áp dụng mà tôi mô tả và cám ơn tôi. Sau đó, tôi quên hẳn những điều đó. Rồi một hôm trong phiên họp ở Tòa Đại Sứ tôi được biết có văn thư từ Hoa Thịnh Đốn gửi sang hỏi về giá trị hư thật của tin tức nói rằng có 3 sư đoàn Trung Cộng vượt biên giới vào miền Bắc VN. Vì tôi và tướng O’Daniel sẽ bay ra Hà Nội sau đó, họ yêu cầu chúng tôi phối kiểm những tin tức đó. Tại Hà Nội tôi hỏi thăm về việc 3 sư đoàn Trung Cộng vượt biên. Thật buồn cười, đại đội Võ Trang Tuyên Truyền hoạt động ở Bắc Việt đã xử dụng kỹ thuật rỉ tai của tôi. Thay vì tung tin một sư đoàn, họ đã nói đến 3 sư đoàn. Họ nói với tôi rằng kỹ thuật ấy đã có kết quả. Gần như mọi người đều tin vào câu chuyện này, và các báo cáo tin tức đang tràn ngập các cơ quan sưu tầm tin tức tình báo. Tôi liền viết bản giải thích đưa cho tòa Đại Sứ khi về đến Saigon. Sau đó ít lâu các viên chức ở Hoa Thịnh Đốn có cho biết rằng họ không ưa cái trò chơi ấy.

Tháng 6 năm ấy, tôi lo sắp xếp để thăm viếng mỗi vùng trong nước. Trong lúc ở miền Bắc, tôi gặp lại một số chính trị gia VN ở Hà Nội và Hải Phòng mà tôi đã biết hồi mùa hè năm trước. Phần lớn là những đảng viên của hai đảng quốc gia kỳ cựu. VNQDĐ và Đại Việt. Những người này không ai tự nhận mình là đảng viên, tuy nhiên về sau khi biết nhau rõ hơn, mới có một vài người tự nhân với tôi.

Thoạt tiên, tôi phải tìm xem họ có phải là đảng viên hay không bằng cách hỏi dò. Những đảng này, trái hẳn với quan niệm của người Hoa Kỳ về vấn đề đảng phái chính trị, đây là những tổ chức bí mật, làm cách mạng gồm những tiểu tổ 3 người và do một bộ phận chỉ huy bí mật điều khiển. Họ sinh hoạt chính trị trong thời kỳ Pháp đô hộ, một chế độ mà họ đã chiến đấu để đánh đổ hầu dành lại độc lập cho Việt Nam. Đảng viên bị người Pháp bắt bớ vì tính cách đối lập và còn bị Cộng Sản tàn sát. Kỷ luật của đảng bắt buộc phải cứng rắn. Xét thấy bản chất chung của mọi đảng phái quốc gia như vậy, tôi không khỏi lo ngại rằng sau này không biết họ có thể hoạt động một cách xây dựng hay không trong một xã hội tự do khi mà VN đã được thực sự độc lập.

Tại miền Trung, ở Đà Nẵng, tôi dự phần vào một nỗ lực không có kết quả trong việc giải cứu 4 người Mỹ bị Việt Minh bắt được khi họ lén đi tắm biển trong vùng cấm xa khỏi phi trường. Cuộc giải cứu được thực hiện với xe jeep và thiết giáp nhẹ của đơn vị lính Lê Dương rồi chấm dứt khi chúng tôi gặp một người đàn bà VN trên đường đi cho biết có thấy những người Mỹ này chỉ mặc có quần tắm trên người, mặt mũi nhăn nhó vì phải đi chân không qua đất cứng và đã khóc khi bị đưa ra trước dẫn chúng trong làng. Anh trung sĩ Lê Dương để râu mép chỉ huy thiết giáp nhổ nước bọt xuống đất và nói rằng anh sẽ không nướng mấy chiếc xe của anh để cố công giải cứu 4 tên ngu ngốc ấy, rồi quay xe về Đà Nẵng. Không có hỏa lực yểm trợ, việc giải cứu phải bỏ dở. (Những người Mỹ này được tha về cùng với những tù binh khác khi chiến tranh chấm dứt sau đó).

Tại miền Nam, tôi quen thuộc với các giáo phái mà không ngờ rằng chẳng bao lâu sau đó, họ đã làm cho tôi suýt chết. Hai trong số các phe phái này là Hòa Hảo và Cao Đài là những tôn giáo có tính chất địa phương với khoảng một triệu tín đồ, ở những tỉnh nhiều lúa gạo phía Tây Saigon. Phe thứ 3 là Bình Xuyên, là một tổ chức không tôn giáo gồm nhiều ngàn người trong vùng thủ đô Saigon – Chợ Lớn. Các tay lãnh tụ của họ làm đầu nậu một thế giới vô hình đầy tội lỗi, phạm pháp. Tôi ngạc nhiêa vì cả 3 nhóm này đều giống hệt như các lãnh chúa thời trung cổ. Mỗi phe có quân đội riêng với các tướng tá cùng nhiều tiểu đoàn, có đảng chính trị riêng và những vùng lãnh địa do họ chiếm đóng. Gần như tất cả mọi lực lượng giáo phái đều được người Pháp trả lương phụ lực quân (supportif). Ngoại trừ có một trường hợp là nhóm Cao Đài ly khai Trịnh Minh Thế, trấn giữ một vùng gần biên giới Kampuchia ; họ chiến đấu chống cả Pháp lẫn Cộng Sản. Khi tôi tỏ ý muốn đến thăm những giáo phái này, các sĩ quan Pháp bảo tôi rằng tôi chẳng có việc gì mà phải thăm mấy “ông quỉ sứ” ấy.

Người đầu tiên tôi gặp là Đại Tá Jean Leroy, chỉ huy một nhóm du kích quân Thiên Chúa Giáo mệnh danh những Đơn Vị Tự Vệ Lưu Động Thiên Chúa Giáo. Người thấp, mạnh khoẻ và dữ tướng, ông ta quả thật là một sự kết hợp giữa những đặc điểm tốt của ông bố người Pháp và bà mẹ VN. Khi gặp ông ta ở Saigon, tôi nhận ngay thấy căn nhà của ông giống như một pháo đài với hàng rào chắn bằng kẽm gai, những vị trí đặt súng đại liên bằng bao cát ngay trong sân và những binh lính võ trang cùng mình ở mọi chỗ quan yếu. Leroy vui vẻ giải thích rằng ông ta mới lên ở Saigon, rằng ông ta rất thích ngôi nhà này và ông ta đã dùng áp lực trục xuất chủ nhân ngôi nhà. Nay chủ nhân đã dẫn nhờ Luật sư và Cảnh sát đến đòi căn nhà. Leroy đã thách họ có cả gan thì cứ đấu với Leroy mà đòi nhà.

Ngay tại thủ đô, tôi đã đụng chạm với một sự kiện thực tế nữa của VN. Tôi được nghe những câu chuyện từ những người Pháp và VN quen biết rằng Bảo Đại thiếu tiền ăn chơi ở Riviera nên đã bán các Giám Đốc Cảnh Sát Saigon – Chợ Lớn cho vị thủ lãnh thế giới vô hình là Bảy Viễn để lấy 44 triệu đồng VN. Bảy Viễn chỉ huy lực lượng Bình Xuyên, thu thuế xe cộ thương mại xuất nhập đô thành, mở các sòng bạc tại đô thành, các nhà mãi dâm và buôn bán thuốc phiện. Việc mua bán bẩn thỉu này đã được thực hiện dễ dàng nhờ thỏa ước Việt Pháp 4-6-1954 trao quyền độc lập cho VN công bố từ năm trước. Là Quốc Trưởng một quốc gia độc lập, Bảo Đại có quyền hành động theo ý muốn một cách hợp pháp. Bán ngành Cảnh Sát cho trùm ăn cướp là giết chết qưốc gia non trẻ này trong những tháng sau đó. Tôi đã thấy những kết quả đầu tiên của việc mua bán ấy trong một vụ rắc rối mà tôi còn nhớ mãi.

Chuyện xảy ra vào một đêm khi tôi đang ở trong phòng tôi tại Cư xá sĩ quan độc thân và đang ráng đọc mấy tờ báo Pháp ngữ địa phương với cuốn tự điển giúp sức. Tôi chợt nghe chuông điện thoại reo ở ngoài hành lang cách chỗ tôi vài phòng. Chuông điện thoại reo liên tiếp và tôi vùng dậy ra trả lời. Tôi hét vào máy điện thoại “Alo ! Alô” bằng một giọng không quá quắt lắm so với cái hệ thống điện thoại khi kêu khi tịt này. Từ ống nghe xổ ra tiếng nói hốt hoảng của một phụ nữ Mỹ, giọng miền cực Nam Hoa Kỳ, hỏi tôi rằng : “Mấy người lính đang làm gì mà bắn chung quanh chỗ tôi ở vậy ?” . Hơi lo ngại, tôi bắt đầu hỏi xem chuyện gì. Tôi được biết họ là 3 cô gái Mỹ, làm thư ký tòa Đại Sứ cư trú trong một ngôi nhà nhỏ cách đó vài dẫy phố. Lúc này cả 3 cô đều ẩn dưới gầm giường và gọi điện thoại cho tôi. Vẳng từ xa, tôi nghe thấy một tràng súng tiểu liên và một tiếng nổ. Giọng nói trong điện thoại cho biết hình như đang có đánh nhau trong sân nhà họ và ở đường phố đàng trước. ” Ông đến đây ngay giúp chúng tôi. Ông nghe thấy chưa ?” Tôi liền lái xe lại ngay.

Một đại đội lính mũ xanh Bình Xuyên đang ở trong vị thế chiến đấu dọc đường phó và trong sân. Mục tiêu của những loạt đạn tiểu liên là một căn nhà hai tầng ngay đàng sau ngôi biệt thự mấy cô gái Mỹ ở. Một quả lựu đạn ném ra từ cửa sổ phía trên rớt xuống mặt đất làm cho đám lính bên ngoài xô nhau mà chạy. Sau khi thấy mấy cô gái Mỹ vẫn được bình yên và dặn họ nấp phía sau những bức tường trong nhà, tôi mới đi kiếm người chỉ huy đám lính Bình Xuyên. Sau cùng tôi đã được dịch và hiểu được ý chính trong những câu nói của anh ta. Anh ta đang cố chận bắt một người nào đó trong nhà. Chắc có người quan sát chúng tôi lúc chúng tôi đang nói chuyện cho nên từ trong nhà có một giọng nói lớn bảo rằng những người bên trong đó chỉ chịu đầu hàng một sĩ quan người Pháp chứ không chịu sĩ quan Bình Xuyên. Tôi nhìn chung quanh. Lúc ấy không có một người Pháp nào ở đó. Vậy thì hiển nhiên là tôi phải đóng vai một “anh chàng Pierre may mắn”. Sau câu chuyện khó nhọc bằng thứ tiếng Pháp ăn đong của tôi, sau cùng đã dàn xếp được. Lính Bình Xuyên rút lui và để tôi nhận giữ những “can phạm” trong nhà gồm một người đàn ông, người vợ và 2 đứa trẻ. Do những lời tố giác vội vã của họ, tôi nghe được loáng thoáng mấy chữ “militaire”, “armée”… nên tôi đưa họ lên xe và chở họ về tư dinh Tướng Hinh ở Chợlớn. Họ tỏ rõ sự vui mừng khi an toàn đến được tư thất vị Chỉ huy Quân Đội Quân Đội Quốc Gia.

Sau đó tôi mới biết lý do của vụ nổ súng trước nhà mấy cô gái Mỹ. Nắm giữ được ngành Cảnh Sát ở đô thành, Bình Xuyên tìm cách loại ra ngoài ngành Cảnh Sát tất cả những nhân viên đắc lực trong nhiệm vụ bài trừ phạm pháp. Những anh cớm tốt đều bị khai trừ. Người đàn ông mà tôi cứu thoát là một nhân viên Công An. Tướng Hinh và Quân đội VN đã che chở cho người này và nhiều công an viên, cảnh sát viên có kinh nghiệm khác bằng cách thành lập một cơ quan tình báo và điều tra mới là Nha An Ninh Quân Đội đồng thời tuyển dụng những người này vào cơ quan ấy. Người VN cao cấp nhất trong ngành Công An của Pháp, Mai Hữu Xuân, là một trong số người nói trên đã được phong cấp Thiếu Tướng trong quân đội VN và được giao cho chỉ huy ANQĐ.

Điều đáng ghi nhớ nhất trong vụ này không phải là hệ thống tổ chức của một cơ quan mới trong QĐ nhưng lại là cách thức mà người đàn ông tôi giải thoát đề phòng thủ ngôi nhà cùng gia đình hắn bằng lựu đạn. Tôi ghi nhớ kỹ điều ấy trong trí tôi, vì đó là một điều hữu ích cần biết. Một người có thể núp an toàn sau những lớp tường và chận đứng cả một đại đội bằng lựu đạn ném qua cửa hoặc cửa sổ. Từ đó trở đi, tôi dự trữ nhiều lựu đạn trong mọi chỗ tôi ở.

Gần đến cuối tháng thứ nhất ở VN, một đêm tôi ngồi suy nghĩ về tình hình. Tôi được đưa sang làm việc giúp người VN để họ tự giúp họ vào một thời kỳ nào mà việc làm này có thể tiến hành được. Nhưng rõ ràng rằng những người Pháp ở VN đã được thừa nhận. Thái độ chủ nhân của họ đối với người Việt vẫn còn quá quắt như trước khiến cho họ có những phản ứng tức tối mỗi khi có một người Mỹ nào đến gần một người VN “của họ”. Bộ Tư Lệnh Pháp vẫn lãnh đạo cnộc chiến chống Việt Minh, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quân đội quốc gia VN. Vẫn còn nhiều viên chức Pháp ở khắp chỗ trong chính quyền, làm nhiệm vụ cố vấn với một giọng điệu nghe lạ lùng như ra lệnh. Một ký giả Thụy Sĩ đã nói : “Người Pháp cũng giống như một anh chàng bỏ vợ. Anh ta biết rằng tình nghĩa đã hết, nhưng anh ta vẫn tức giận khi nhìn thấy vợ cũ ngồi trong xe hơi với một anh chàng giàu sang mà chị ta mới gặp”. Tôi nghĩ rằng người Mỹ chính là những anh chàng giàu có mới đến.

Có hàng triệu người VN không Cộng Sản hiện đã có thể tự trị bằng một đường lối nào đó khác hơn chế độ Lê Nin Nít. Số phận của họ là một trong những mục tiêu được thảo luận tại hội nghị Quốc Tế ở Genève. Tôi tin rằng họ sẽ được tự do. Trong cuộc sống gia đình, người VN tôn trọng đạo Khổng. Nhưng trong quốc gia, đạo Khổng hình như vắng bóng, bằng chứng là vụ bán ngành cảnh sát cho bọn ăn cướp ở thủ đô. Làm sao người Việt tự do có thể tự cai trị lấy nhau một cách hiệu lực được, khi mà những nhà lãnh đạo tối cao của họ xem thường đạo đức, khi mà tư tưởng chủ nhân trịch thượng của người Pháp ngăn cản người Viêt không được học hỏi, bằng cách tự người Pháp nắm lấy mọi việc, khi mà các đảng phái quốc gia không chịu sinh hoạt công khai, và khi mà còn nhiều sứ quân phong kiến chia phần cai trị dân chúng và nông thôn.

Bỗng nhiên tôi hiểu tại sao người ta đã thêm vào đoạn cuối lịnh di chuyển sang VN của tôi mấy chữ : “XIN CHÚA PHÙ HỘ ÔNG”

—>Chương 2

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, E.G.LANSDALE: Tôi làm quân sư cho TT Ngô Đình Diệm. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời