Tướng E.G. Lansdale: TÔI LÀM QUÂN SƯ CHO TT NGÔ ĐÌNH DIỆM (5…14)

7. Đụng độ ở Sàigon

Những tiếng nổ lớn lôi tôi ra khỏ giường vào giữa đêm 29 rạng 30 tháng 3. Tiếng nổ dường như ở cách vài khu phố về hướng dinh Độc Lập. Giữa các tiếng nổ lớn,tôi còn nghe thấy tiếng súng đại liên và súng trường nghe chừng xa hơn. Bộ Binh hẳn đang giao chiến ở đâu đó chứ không phải ở Dinh. Chú ý nghe ngóng để giải đoán những tiếng súng, tôi nghe thấy chuông reo lên làm tôi ngơ ngác một lúc rồi mới biết đó là chuông điện thoại. Mấy sĩ quan trong toán của tôi gọi lại. Họ ở một căn nhà đường Taberd, cách dinh hai khu phố về phía kia. Họ cho biết đạn súng cối rớt khắp quanh nhà và hỏi có nên ra khỏi khu nầy để đến khu an toàn trong thành phố không? Tôi bảo họ ở yên đó và tránh xa các cửa cũng như cửa sổ. Các bức tường dầy và chắc đủ sức chắn đạn súng cối. Bên ngoài bây giờ không được yên ổn. Tôi hỏi họ về tiếng súng nhỏ tôi nghe thấy xa xa. Họ trả lời cũng nghe thấy như vậy nhưng ở cách xa đây nhiều khu phố. Họ cho biết có người bị thương. Một sĩ quan vấp phải chiếc thùng đựng nước phòng hoả để ở lối đi, nhưng không gẫy cái xương nào. Tôi bảo họ nhớ báo tôi biết mọi biến chuyển rồi gác máy.

Joe Redick đến khi tôi vừa gác máy điện thoại. Tôi bảo anh ta ráng kêu điện thoại gặp người nào trong Dinh cũng được để xem ông Diệm có sao không và Dinh có yên ổn không. Cuối cùng Redick cũng gặp được ông Võ Văn Hải sau những câu cãi vã thường lệ với tổng đài viên và sau khi bị cúp nửa chừng như mọi lần. Ông Hải nói ông Diệm vừa trở vào phòng. Ông đã ra ngoài sân, mình bận bộ đồ ngủ, chân đi dép, để kiểm soát binh sĩ xem những người bị thương có được săn sóc không và để vững tâm rằng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu. Nhưng hiện giờ chưa có quân Bình Xuyên đánh vào Dinh mà chỉ có pháo kích bằng súng cối vẫn đang tiếp diễn. Ngoài ra một vài chỗ sứt mẻ trên tường. Dinh không bị thiệt hại gì. Giao tranh trên bộ xảy ra ở Chợ Lớn, nơi quân Bình Xuyên định xung phong vào các cơ sở quân sự như Bộ T.T.M. nhưng đã bị đẩy lui.

Lúc đó ông Diệm cầm máy nói với tôi rằng một số binh sĩ đi trên xe bị phục kích ở đường Galliéni. Hoả lực dữ dội nhất trong một tiệm thuốc tây bắn ra khiến nhiều binh sĩ bị thương. Lực lượng tăng viện của quân đội không di chuyển bằng xe dễ dàng qua thành phố được vì có nhiều chiến xa Pháp án ngữ một số lớn đường phố và các ngã tư chính. Ông Diệm cho biết một ít binh sĩ đã chiếm được một bót cảnh sát ở quận 4 nhưng ông lo ngại cho tình trạng của họ nếu quân tăng viện không đến được . Bót cảnh sát này đang ở dưới hoả lực dữ dội của Bình Xuyên. Ông sẽ cố gắng gọi điện thoại lần nữa gặp Tướng Ely để yêu cầu các chiến xa Pháp đừng chận ngang đường đi của quân tiếp viện. Tôi khuyên ông nên giữ mình và đừng lăng xăng ra ngoài với quần áo ngủ nữa.

Sau đó tôi gọi cho Collins và thông báo những tin tức từ dinh Độc Lập. Ông ta bảo tôi ghé lại tư dinh nếu có thể, sau đó chừng 1 giờ khi ông đến hội với Tướng Ely. Tôi quyết định sẽ lái xe theo đường vòng thay vì đi thẳng để đến tư dinh Collins cách đó hơn chục khu phố, hy vọng sẽ thâu lượm được những tin tức sốt dẻo. Tiếng đạn pháo kích chung quanh Dinh có vẻ thưa dần nhưng tôi vẫn còn nghe tiếng súng nhỏ ở đằng xa.

Tôi lái xe ra đi. Ngay góc phố đầu tiên tôi đã thấy mấy người lính quân đội quốc gia di chuyển một cách thận trọng đến khu phố tôi ở, kéo theo khẩu đại liên. Họ tiến theo đội hình chiến đấu, vài khinh binh đi trước làm xích hầu. Tôi nhìn lại khu phố và chợt nhớ ra rằng một trong những chính trị gia Bình Xuyên có một căn nhà cách tôi vài dãy. Quả nhiên, đèn đường gần đấy soi rõ những bóng người bận đồ Kaki ở sau bức tường, đầu đội mũ bê-rê xanh của Công an Bình Xuyên. Tôi không thấy súng đại liên, nhưng thấy rõ nhiều tiểu liên. Tôi đoán chừng sắp có đánh nhau ngay tại khu nầy. Tôi thầm chúc may mắn cho binh sĩ quân đội khi tôi vượt qua họ và chạy về con đường ngang qua dinh rồi xuống Chợ Lớn.

Tôi không thể thấy những sinh hoạt trong Dinh. Binh sĩ phân tán ra các phố chung quanh ở mỗi gốc cây, ngõ ngách và hàng rào đều có lính mang súng đứng núp để phòng biến cố. Mũi súng và cặp mắt họ hướng theo xe tôi khi tôi chạy qua. Nhiều chiến xa hạng nặng của Pháp đang di chuyển trên đường phố về Chợ Lớn. Cuối cùng đến một công trường giữa ngã tư của đại lộ, tôi gặp một đơn vị chiến xa chặn ngang đường.

Một đoàn xe chở đầy lính bị chiến xa Pháp chận lại, đoàn xe tản vào bóng tối, còn viên sĩ quan chỉ huy thì tranh luận một cách giận dữ với những sĩ quan Pháp đứng cạnh các chiến xa. Tiếng súng giao tranh của Bộ Binh ở rất gần đây nghe điếc cả tai. Các sĩ quan Pháp to giọng bảo rằng quân VN không thể đi qua chỗ nầy được, đoàn xe phải quay trở về trại. Các sĩ quan VN cũng to giọng giận dữ nói rằng họ phải vượt qua đây để trợ lực đồng đội ở đường Galliéni. Tôi nhảy ra khỏi xe và chen vào vụ cãi cọ. Quân tiếp viện VN phải được đi qua đây. Bọn sĩ quan Pháp không chịu. Tôi lấy sổ tay và hỏi tên họ những sĩ quan nầy. Họ không cho biết tên mà còn bảo tôi lui xe ra trước khi xe tăng của họ thanh toán cả tôi lẫn chiếc xe.

Thêm nhiều chiến xa Pháp khác ầm ầm kéo đến. Đoàn xe VN quay đầu trở lại và chạy về hướng cũ. Tôi lái xe đến tư dinh Collins trong lúc tiếng súng nhỏ vẫn còn làm điếc tai vọng đến từ một cuộc giao tranh kế bên.

Tôi báo cho Collins biết việc các chiến xa Pháp chặn đường lực lượng tiếp viện VN. Rõ ràng là quân đội Pháp cố ý giúp đỡ lực lượng Bình Xuyên đã phục kích quân VN ở đường Galliéni và tấn công các cơ sở quân đội ở Chợ Lớn. Nếu đơn vị nhỏ bé đang bị bao vây nầy không được trợ lực ngay, họ sẽ bị quét sạch. Tôi chỉ có thể đi đến kết luận rằng phe người Pháp muốn cho Bình Xuyên thắng để đánh bại không riêng gì quân đội quốc gia mà cả ông Diệm và chính phủ của ông.

Collins ôn tồn bảo tôi rằng ông vừa thoả thuận với Ely về việc phải chận đứng vụ đổ máu ở Sàigòn – Chợ Lớn. Ely đã biểu lộ mối quan tâm về sự an toàn của hàng ngàn kiều dân Pháp tại thủ đô. Ngoài ra còn cả triệu thường dân VN mà nếu chiến cuộc giữa Bình Xuyên và quân đội còn kéo dài sẽ khiến cho nhiều người thương vong vì lẽ cuộc giao tranh xẩy ra trong phạm vi thành phố. Vì vậy, các cấp chỉ huy Pháp và Mỹ phải buộc hai bên ngưng bắn. Với sự đồng ý của Collins, Ely sẽ tiếp xúc với cả ông Diệm lẫn Bảy Viễn ngay tức khắc và yêu cầu họ ra lệnh cho binh sĩ ngưng đánh nhau đồng thời ở nguyên vị trí bất động cho đến khi có lệnh mới. Các lực lượng Liên Hiệp Pháp đã được đưa vào thành phố để bảo đảm việc tuân hành lệnh hưu chiến cũng như để bảo vệ khu vực lân cận trong đó đa số người Pháp cư ngụ.

Tiếng súng của Bộ Binh đang giao tranh ở Chợ Lớn nghe vẫn còn rõ khi Collins dứt câu chuyện. Cả hai chúng tôi đều nghe thấy Collins nói có lẽ phải cần một thời gian ngắn để mọi binh sĩ nhận được lệnh ngưng bắn, nhưng phải ngưng bắn trước sáng mai. Ông tiếp tục nói như tự nói với mình rằng phải chấm dứt cảnh đổ máu.

Trên đường về, khi đến góc phố tôi ở, tôi thấy quân chính phủ vẫn còn ở khu này sẵn sàng chiến đấu. Lúc ấy, đã 3 giờ sáng và đèn đường còn cháy, nhưng sau những khoảng sáng là những vũng tối của cây lớn cây nhỏ và tường rào che khuất những người lính. Xa xa, tiếng súng của cuộc giao tranh vẫn chưa dứt. Ở dãy phố tôi ở , binh sĩ đã ở trong vị thế chiến đấu, rõ ràng là họ dùng khoảng thời gian từ lúc tôi ra đi để im lặng bò từng phân một đến vị trí hiện tại, cẩn trọng không làm cho lính Bình Xuyên ở khu phố kế đó phải nổ súng. Tôi nhìn lại dọc phố đến ngôi nhà cuối ngã tư, tại đây binh sĩ Bình Xuyên đã phòng thủ bức tường quanh vườn. Không có một bóng người, căn nhà thì tối om. Tôi chỉ có thể đoán rằng lính Bình Xuyên cũng đang ở vị thế chiến đấu, im lặng chờ đợi vận chuyển kế tiếp của lính chính phủ.

Tôi phóng nhanh xe vào trong sân. Tại đây tôi nói nhỏ với những người lính chính phủ yêu cầu họ hỏi cấp chỉ huy về chuyện ngưng bắn. Tôi nghe họ lẩm bẩm với nhau có vẻ hiểu rõ và tiếng nói bị bịt nhỏ gọi cấp chỉ huy qua máy vô tuyến.

Đến sáng thì cuộc hưu chiến do Pháp sắp đặt và do Mỹ ủng hộ bắt đầu có hiệu lực. Tại văn phòng tôi được biết rằng vụ ngưng bắn đã được sắp đặt 3giờ 15 phút sau khi Bình Xuyên khai hoả súng cối vào Dinh hồi nửa đêm

***

Hai tuần lễ kế đó thì đầy những khó khăn đối với việc hưu chiến tại Sàigòn – Chợ Lớn. Lính của hai bên vẫn còn giữ các vị trí họ chiếm trước khi ngưng bắn. Tại một vài chỗ họ đối diện nhau hai bên lề đường phố cách nhau một khoảng ngắn, nói với nhau hoặc chửi nhau cũng nghe thấy. Các vị trí nầy được tăng cường bằng bao cát, những bót gác và cứ điểm rải khăp thành phố. Khu “phi quân sự” ở giữa đôi bên là đường phố đầy xe cộ lưu thông. Vì lẽ lính đôi bên đặt trong tình trạng báo động, súng ống sẵn sàng chỉ chờ bên kia để đánh nhau trở lại, nên lái xe qua những đường phố giữa hai hàng đồn bót đối diện nhau là một việc làm thú vị để đi qua được dòng xe cộ lưu thông hỗn độn trong thành phố.

Lực lượng Pháp đã vào thành phố, tự đắp công sự bằng bao cát dọc các phố xá và đại lộ, đặt hàng cây số kẽm gai cuốn, đậu chiến xa trên các vĩa hè hoặc các công trường mà từ đó họ có một xạ trường dọc các con đường và phòng thủ hệ thống quân sự này bằng cả ngàn binh sĩ. Quân đội Pháp chia các quận và các khu lân cận ở trung tâm thủ đô ra làm nhiều khu, tuyên bố đất một số khu vực ấy ở dưới sự bảo vệ của họ. Những phần lãnh thổ nầy do thế lực quân sự Pháp che chở, liền được mệnh danh là “Khu vực Pháp”. Nhiều cứ điểm mà Bình Xuyên ở bên trong khu vực Pháp và Bình Xuyên có thể tự do đi lại công khai dưới sự bảo vệ của quân đội Pháp. Vị trí của một vài cứ điểm được bảo vệ nầy khiến cho chúng nó có vẻ thật khiêu khích. Thí dụ như khu vực Pháp ở kế cận dinh Độc Lập. Đằng sau quân đội Pháp chỉ cách nơi làm việc và phòng ngủ của ông Diệm 800 mét, lính Bình Xuyên trấn giữ Tổng Nha C.S.Q.G trên phố Catinat.

Ông Diệm đã ước lượng rằng các khu vực Pháp chiếm hết nửa đô thành, hoàn toàn cách xa các vùng hệ trọng thực sự của người Pháp. Lực lượng Pháp trong đô thành lên đến 30.000 người với khoảng 400 chiến xa đủ 1oại. Khi nhắc đến quân số Pháp, ông Diệm không thể không phản đối nhà cầm quyền Pháp. Ông nói : “Tướng Pháp Jacquot đến bộ T.T.M cho biết nửa lữ đoàn lính Pháp sẽ được đưa vào đô thành. Nhưng Tướng Ely từ chối không cho tôi đem về đây 3 Tiểu đoàn. Nếu tôi có thêm 3 Tiểu đoàn thì Bình Xuyên đã không dám làm những chuyện điên cuồng ấy”.

Quân đội VN trong đô thành đếm được độ hơn Tiểu đoàn. Một đại đội đã bị phục kích ở đường Galliéni và một đại đội khác đã chiếm bót cảnh sát ở quận 4 nơi xảy ra giao tranh. Số lính còn lại trải qua khắp nơi từng toán nhỏ. Đối đầu với số lính này là 16 Tiểu đoàn Bình Xuyên, trung bình độ 400 người mỗi Tiểu đoàn cộng với số Cảnh sát do Bình Xuyên kiểm soát. Số vũ khí tự động khá dồi dào của Bình Xuyên cũng là điều đáng lo nhưng điều tôi ngại nhất là có thể các sĩ quan Pháp sẽ cung cấp cho Bình Xuyên một số trọng pháo cỡ lớn hơn loại súng cối 60 mà họ dùng để pháo kích dinh Độc Lập. Quân đội Pháp đã cho Bình Xuyên 3 giang đỉnh, những tàu này rất hữu hiệu cho vùng Sàigòn – Chợ Lớn vốn có nhiều sông rạch (Lực lượng Hải quân bé nhỏ của VN thì ở dưới quyền chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ của người Pháp, không thể cựa quậy nổi một ngón tay để chống lại “Hải quân” Bình Xuyên hoặc các cứ điểm của họ hai bên sông Saigon).

Trong thời gian yên ổn một cách đáng ghét như vậy, tôi lẳng lặng xem xét vấn đề Quân Đội đang sưu tầm tin tức về phe Bình Xuyên như thế nào. Sĩ quan Pháp điều khiển Phòng 2 T.T.M Việt Nam cũng như sĩ quan Pháp đang hướng dẫn bộ tham mưu Bình Xuyên. Với số sĩ quan Pháp ở cả hai bên kết hợp với nhau như vậy, thì mọi tin tức họ chuyển cho Quân đội VN đều rất đáng nghi ngờ. Vì vậy Quân đội VN phải cần có những dữ kiện giá trị để làm căn bản cho các kế hoạch và quyết định.

Các cấp chỉ huy tối cao Quân đội VN là Lê Văn Tỵ và Trần Văn Đôn thì chẳng có một ngân khoản nào dành cho việc sưu tầm tin tức tình báo vì lẽ việc này thuộc Phòng 2.

Những cấp chỉ huy có quân sĩ đối đầu với Bình Xuyên thì lại làm khác nhau. Đại Tá Trần văn Minh chỉ huy Đệ Nhất Quân Khu, bao gồm cả thủ đô và phần lãnh thổ phía nam và phía tây đô thành. Tướng Minh có một ngân khoản hàng trăm ngàn đồng về tình báo và hàng triệu để mua vũ khí (của bọn buôn lậu), nhưng ông ta hình như không biết rõ lắm về lực lượng địch. Hay nói cách khác, hình như ông ta chú ý nhiều đến vị trí những tài sản của Bình Xuyên hơn là về những khía cạnh quân sự. Nhưng không phải chỉ có một mình ông ta làm như vậy.

Nhiều người VN khác rất muốn biết về những của cải phi pháp của Vua tội lỗi Bảy Viễn và về chỗ ông ta cất giấu gia sản. Con đường buôn thuốc phiện (phần lớn từ Lào về miền Hoa Nam, qua tay Bình Xuyên sang Âu Châu và các thị trường khác) có một thương số khét tiếng đến 200 triệu mỗi tháng hay là gần 2 tỷ rưỡi đồng bạc một năm. Bình Xuyên còn nhờ nắm quyền kiểm soát cờ bạc và mãi dâm mà kiếm thêm nhiều triệu bạc lợi tức. Theo lời đồn thì Bảo Đại được Bình Xuyên trả một triệu đô la để giữ quyền kiểm soát ngành Cảnh Sát, cùng với một số bách phân tiền lãi về thuốc phiện ; người ta nói lợi tức của Bảo Đại lên đến 3, 4 triệu đô la một năm.

Trung tá Dương văn Minh thì chỉ huy quân đội thuộc phân khu Sàigòn – Chợ Lớn. Ông không có ngân khoản chính thức về sưu tầm tình báo, vậy mà hình như ông ta lại biết rõ chi tiết về lực lượng Bình Xuyên đối địch với ông. Tôi phát giác ra rằng ông đã thu lượm tin tức từ mọi chỗ mà ông nghĩ đến, gồm những người cho tin tự nguyện hoặc phải trả tiền. Tiền để trả loại mật báo viên này là tiền Tướng “Minh lớn” bán chiếc xe riêng và đồ đạc cũng như tiền cầm nhà. Biết chuyện này, tôi rất sảm động. Ông này là người để nhiệm vụ lên trên chuyện riêng tư. Tôi đem bàn chuyện khó khăn về tiền bạc của Tướng “Minh lớn” với ông Diệm và được thu xếp để chuyền tiền quỹ dự phòng của Bộ Quốc Phòng cho ông xử dụng,

Ông Diệm cũng có những nguồn tin riêng của ông, chủ yếu là do ông Nhu nhưng cũng có những tin không dính dáng đến ông Nhu. Những nguồn tin này gồm cả của Mai Hữu Xuân bên An Ninh Quân Đội và của Nguyễn Ngọc Thơ người đã giữ những chức vụ hành chánh cấp tỉnh trong vùng giáo phái lâu năm. Ông Xuân biết nhiều về Bình Xuyên từ hồi giữ chức vụ chỉ huy về điều tra hình ảnh ở Công An. Và dĩ nhiên còn có những cá nhân khác đến gặp riêng ông Diệm. Đường liên lạc chính yếu của ôg Diệm với các hoạt động của Hoa kiều ở Chợ lớn đi qua Lý Kai. Ngày 8-4-55 người thương gia Trung Hoa khả kính này bị ba người có võ trang bắt cóc tại một nhà hàng trong Chợ lớn. Ôag Diệm đã yêu cầu tướng Gambiez can thiệp với Bình Xuyên nhưng vô hiệu. (Số người bị bắt cóc lên cao trong thời kỳ này. Trong số nạn nhân có khoảng 30 quân nhân VN cư ngụ ở Saigon và Chợ lớn).

Ông Ngô Đình Nhu làm việc ngày đêm để cung cấp tin tức cho ông Diệm. Ông đã thiết lập những lưới tình báo riêng và thu thập được hàng đống báo cáo dày những tin có thật hoặc tưởng tượng. Thêm vào đó, ông từng hoạt động chính trị với giới lao động mấy năm và đã có nhiều tin tức do những thợ thuyền sinh sống trong khu vực Bình Xuyên tự nguyện cung cấp. Ngoài ra ông còn là người liên lạc của ông Diệm với các giáo phái ủng hộ chính quyền như tướng Ngộ của Hòa Hảo và Tướng Phương của Cao Đài. Tướng Phương và 8.000 phụ lực quân Cao Đài đã được sát nhập vào quân đội ngày 31-3-55. một ngày sau khi BìnhXuyên tấn công và đang trông coi vùng ngoại ô và các ngã xâm nhập vào Sàigòn – Chợ Lớn về phía tây. Ông Nhu cũng thúc đẩy Trình Minh Thế tham gia các hoạt động bí mật nhắm vào bộ chỉ huy Bình Xuyên ở đầu cầu chữ Y, nhưng Tướng Thế cảm thấy mình bị xử dụng không đúng chỗ nên từ chối. Tướng Thế và quân sĩ của ông đã bị bỏ rơi ở một nơi thuộc loại công việc văn phòng vu hãm mà ông mô tả là “lè-phè”. Ông còn cho biết ông và người của ông “chẳng có công ăn việc làm gì cả”.

Trình Minh Thế nhìn nhận rằng ông biết khá rõ về Bình Xuyên. Ông đã ngầm đưa một số chuyên viên vào làm cho Bình Xuyên và đang bận rộn với hàng chục dự án của Bình Xuyên kể cả việc điều hành đài phát thanh Bình Xuyên ở cầu chữ Y đang phát thanh hàng ngày sách động quần chúng. Ông ta hỏi tôi có muốn phá nổ đài phất thanh ấy không ? (Tôi có hỏi Đại sứ Collins có nên phá hoại đài phát thanh này không, thì ông trả lời không).

Trong lúc ấy, tôi cũng nhận được nhiều tin tức tự nguyện. Những người láng giềng VN mà tôi đến thăm mùa hè năm trước. Họ đến gặp tôi tại nhà để biết chắc rằng tôi hiểu rõ những sự thực đang xảy ra. Gia đình Ocampo, người Phi Luật Tân ở Saigon lâu năm từng kéo cờ Mỹ trước nhà khi quân Anh đến Saigon giải giới quân Nhật năm 1945, thường yêu cầu những người quen trong giới xích lô và taxi cho tin, đã làm tôi ngạc nhiên vì những món quà tin tức mỗi ngày thật chi tiết. Đại Tá Jose Banzon quan sát viên Phi Luật Tân cũng có nhiều tin tức không kém trong giới Phi kiều, họ là những ca nhạc sĩ thành phần gần gũi với đời sống ban đêm của thủ đô do Bình Xuyên chủ trương. Nhiều bạn bè của tôi trong số ký giả Việt-Mỹ, là những người cũng phẫn nộ như tôi đối với trò hề chính trị diễn ra ở Saigon, ngày nào cũng cho tôi một ít tin tức. Tôi vô cùng cảm động khi thấy nhiều người muốn giúp tôi như vậy.

***

Đến giữa tháng 1-55, tôi được biết Collins và EIy đã đi đến những quyết định sau cùng về vấn đề giáo phái. Tôi được yêu cầu thu xếp một cuộc họp giữa Pháp–Mỹ với các lãnh tụ giáo phái. Xử dụng các sĩ quan Pháp và Mỹ trong nhóm nghiên cứu trước đây làm liên lạc viên, tôi gửi giấy mời đến các nhân vật chính yếu của các giáo phái sắp đặt giờ đến của họ để các lãnh tụ thân chính quyền và các lãnh tụ trong mặt trận không có mặt trong cùng một phòng sợ rằng họ sẽ bắn lộn nhau. Vụ hưu chiến khó chịu này lộ rõ hơn khi những người đến họp đi xe đến địa điểm hội kiến ở Chợ lớn. Họ phải tìm lối đi qua hàng xe tăng Pháp đậu trên nhiều đường phố, xạ đoàn nằm chơi trên xe dưới ánh nắng hoặc cắm lều ở gần bên.

Các buổi họp diễn ra bằng Pháp ngữ và do các sĩ quan Pháp chủ tọa. Mỗi lãnh tụ giáo phái được có cơ hội biện minh, trình bày tình hình, quân số tổng cộng và các nhu cầu của họ, trong khi khán giả gồm cac sĩ quan Pháp – Mỹ ngồi ghi chép. Mỗi lãnh tụ cũng được thăm dò về cảm nghĩ đối với vấn đề “chính phủ mở rộng căn bản” và vấn đề “ngăn ngừa đổ máu”. Họ trả lời đồng ý, cần phải mở rộng chính pbủ : có người còn vô lý đến độ tưởng rằng chính quyền phải đi theo đường lối của họ. Và họ cũng đồng ý ngăn ngừa đổ máu, có người rất lo ngại về việc giữ cho sinh mạng của họ yên ổn nhiều hơn. Nhiều sĩ quan Pháp không giữ nổi vẻ mặt nghiêm trang trong phần vấn đáp và cười với nhau về những trò hề của các cuộc tranh luận. Đây là một lần hiếm có mà tôi đồng ý với họ, tuy nhiên cảm giác nặng nề trong bụng vì những chuyện cũ làm cho tôi không thể cười theo họ được. Tôi đánh hơi ngay thấy một “giải pháp chính trị” sắp đến sẽ trao chính quyền cho Bảy Viễn và các bạn Pháp của ông ta.

Một trong những người phe Bình Xuyên đến dự họp là Đại tá Thái Hoàng Minh, Tham Mưu Trưởng lực lượng Bình Xuyên. Cao lớn, mạnh mẽ với một phong độ quân nhân và cách nói chuyện không văn hoa, ông ta khiến tôi chú ý. Ông ta đang làm cái gì với bọn kẻ cướp này ? Tôi vội lục lọi ký ức xem tôi đã biết những gì về ông ta. Ông đã có một thành tích chiến đấu đáng phục khi chỉ huy phụ lực quân Bình Xuyên đánh Việt Minh lúc đường Saigon–Vũng Tàu khai thông vào tháng 2-1953. Ông bị loại khỏi vòng chiến vì dẫm phải mìn.

Khi Đại tá Thái Hoàng Minh rời bục thuyết trình sau phần của ông, Redick và tôi tự giới thiệu. Các sĩ quan Pháp mau lẹ vây kín quanh chúng tôi giống như con gà mái sợ mất con. Tôi tỏ ý mừng cho ông còn đi lại được không bị khập khiễng sau khi bị thương nặng như thế. Thành tích của ông ai cũng biết, ngay đến một người Mỹ như tôi cũng được nghe. Tôi đòi ông ta cho xem vết thương đã lành như thế nào. Ồng ta cười, nói rằng cũng có nghe tiếng tôi và kéo ống quần lên để chỉ cho tôi thấy vết thương trên chân ông đã khỏi ra sao. Tôi ngồi xổm xuống đất để coi kỹ. Các sĩ quan Pháp bỏ đi vì chán cho cái tánh ưa tò mò của tôi. Ngay lúc họ vừa đi khỏi, tôi nhỏ nhẹ bảo ông Minh rằng tôi và ông chỉ có một chốc lát để nói chuyện riêng. Tôi muốn nói với ông một chuyện quan trọng. Tôi hỏi ông rằng :

– Ông làm cái gì ở phía phi nghĩa ấy ? Ông phải đứng về phía đồng bào ông, không nên đứng với bọn ăn cướp.

Cảm nghĩ chân thật của ông toát ra trong tiếng nói thì thầm nhưng mạnh mẽ. Ông nói ông không dự vào quyết định của cuộc tấn công đêm 29 rạng 30 tháng 3. Ông cho đó là điều sai lầm và ngu ngốc. Có 4 Tiểu đoàn trung thành với ông, tất cả đều đóng ở phía nam đô thành bên kia con kinh. Ông muốn đem họ về với ông Diệm chứ không muốn về với Chính Phủ hoặc Quân Đội. Ông muốn tôi nói với ông Diệm việc này. Nếu ông Diệm thỏa thuận, ông sẽ thu xếp. Tôi hứa sẽ thông báo ông Diệm. Sau đó chúng tôi hết cơ hội nói chuyện riêng vì mấy con gà mái Pháp quay trở lại và chợt lo ngại vì đã để chúng tôi đứng một mình với nhau một lúc lâu. Họ đi theo ông Minh ra ngoài cửa. Khi ra về ông nở nụ cười thân thiện với tôi. Đó là lần cuối cùng tôi thấy ông. Vài ngày sau ông ta chết.

Sau cuộc họp này, Trình Minh Thế làm tôi ngạc nhiên vì một chuyện của riêng ông : Ông sẽ sang Indonesia với tư cách nhân viên phái đoàn VN tại hội nghị 29 tức Á Phi họp ở Bandung từ 18 đến 23-4-55. Tôi khuyên ông ta nên mặc đồng phục bà ba đen trong cuộc họp này. Chắc chắn một vài phái đoàn Cộng Sản sẽ mặc những bộ đồ có vẻ quê mùa. Ông sẽ mặc bộ đồ của đồng ruộng trung thực hơn họ và sẽ mặc nó một cách hãnh diện.

Gặp ông Diệm chiều hôm sau, tôi báo cho ông biết vụ Đại tá Minh bên Bình Xuyên. Ông Diệm rất lưu ý đến đề nghị của Đại tá Minh đem về 4 Tiểu đoàn và lập tức yêu cầu ông Nhu dàn xếp công việc với ông Minh. Tất cả đều đồng ý là phải làm rất cẩn thận để bảo vệ ông Minh.

***

Ông Diệm đã gửi ông Luyện qua Pháp gặp Bảo Đại.

Hai người từng quen biết nhau khá thân. Nhưng hiện nay có vẻ Bảo Đại muốn tránh mặt khi ông Luyện nóng lòng xin yết kiến.Trong lúc đó, phe Bảo Đại ở Saigon tỏ ra bận rộn với một kế hoạch mới. Nghe nói Bảo Đại sẽ trở về VN. Nếu đúng như vậy thì bắt buộc sẽ có phản ứng mạnh của dân chúng chống Bảo Đại. Dân chúng đã coi như Bảo Đại về phe Bình Xuyên và nhiều khẩu hiệu “Đả Đảo Bảo Đại” đã xuất hiện ở đường phố.

Ông Diệm nhận thấy thái độ của Bình Xuyên cố ý gây thêm sự lộn xộn và bất an trong dân chúng, có lẽ là để tạo lý do hầu áp dụng những biện pháp cảnh sát chặt chẽ hơn đối với quần chúng do Tổng Giám Đóc Cảnh Sát Lai văn Sang hoặc do quân đội Pháp. Nhiều người chạy xe jeep qua phố xá vào lúc chạng vạng tối ở Chợlớn, nổ súng tiểu liên. Số thương vong của thường dân gia tăng. Một buổi giữa trưa, một số người võ trang đi trên xe jeep bắn vào cổng chính Bộ T.T.M ở Chợ lớn.

Ông ngó ra cửa sổ một cách trầm ngâm, vẻ mặt u ám như phản ảnh những ý nghĩ gay cấn. Sau cùng ông quay lại nói với tôi rằng hiện nay ông đã biết Ely và Collins nghĩ gì về giải pháp đối với vấn đề giáo phái. Ông đã nói chuyện với mỗi người ấy, như sáng hôm nay ông đã gặp Collins .

Giải pháp do họ đề nghị gồm 5 điểm :

1.) Chính phủ VN chỉ là lâm thời và sẽ gồm một nội các liên hiệp có một số nhân vật đối lập với ông Diệm.

2.) Ông Diệm sẽ cử một Tổng Giám Đốc Cảnh Sát mới theo sự thỏa thuận của nội các liên hiệp và của Bình Xuyên để tránh đổ máu.

3.) Sẽ chỉ định các đại biểu để thành lập Hội Đồng Lâm Thời họp vào ngày 15-5-55. Trong số đại biểu chỉ định này, 60 người của các giáo phái, l6 người di cư và l0 người của ông Diệm. Hội Đồng Lâm Thời sẽ đề nghị lên Bảo Đại người để ông chỉ định làm Thủ Tướng.

4.) Một Thượng Hội Đồng danh dự sẽ được chỉ định để làm cơ quan tư vấn, các lãnh tụ giáo phái là Hội Viên. (Ông Diệm ngừng lại ở chỗ này thêm rằng : Dường như họ sẽ thỏa mãn với các chức vị danh dự trong khi họ muốn có tiền bạc).

5.) Ông Nhu và ông Luyện phải đi khỏi VN tức khắc.

Ông Diệm cũng đã gửi thơ cho Tướng Ely sáng hôm ấy về giải pháp của ông đối với vấn đề giáo phái. Trong thơ ông viết: “Người Pháp đã võ trang các giáo phái thì người Pháp phải giải giới họ”.

Ngay sau khi rời Dinh Độc Lập, tôi gặp Collins cho ông biết nhận định của ông Diệm và trình bày quan điểm về phản ứng của ông Diệm không chấp nhận giải pháp do Pháp và Mỹ đề nghị. Hơn nữa đa số dân chúng đứng về phía ông Diệm. Khi dân chúng nghe tin về giải pháp đề nghị nói trên, sẽ có sự lộn xộn lớn. Đó là một sự khiêu khích chứ không phải là một giải pháp. Ngoại trừ trường hợp có một phương thức cụ thể thâu nhận 40.000 quân sĩ giáo phái vào một công việc khác, khó khăn trầm trọng tại VN vẫn còn tồn tại.

Collins tin chắc, với ý nghĩ có lẽ chưa toàn thiện, rằng giải pháp ấy có thể thực hiện được. Mục tiêu chính vẫn là dập tắt tình trạng căng thẳng để tránh đổ máu. Collins sẽ về Hoa Thịnh Đốn. Ông vạch ra một số vấn đề quan hệ mà ông sẽ thảo luận ở bên đó, trong đó có vấn đề giáo phái, vấn đề giảm quân số Bảo An và chính qui. Ngoài ra còn phải xin thêm tiền cho việc định cư dân di cư.

Tôi nhắc Collins rằng tôi thường gặp ông Diệm hàng ngày. Tôi thấy rõ là VN đang đi đến tình trạng hỗn loạn rất mau chóng. Khi xảy ra chuyện gì chắc chắn ông Diệm sẽ hỏi tôi rằng Hoa kỳ có ủng hộ ông trong vai trò đứng đầu chính phủ không và ông Diệm là người xứng đáng được chúng ta trả lời thành thật.

Collins trả lời rõ ràng với tôi rằn tôi có thể nói với ông Diệm là Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ông. Ông Diệm là Thủ tướng một chính phủ được Hoa kỳ công nhận. Nhưng sau đó Collins lại nói thêm một câu hơi lạ. Ông nói chắc tôi có nghe thấy nhiều tin đồn, cả những tin đồn nói Hoa Kỳ sẽ ngưng ủng hộ ông Diệm. Tôi nói không cần biết đến những câu chuyện ấy. Tôi phải được bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ ông Diệm và sẽ báo cho ông ta biết như thế.

***

Khi Collìns rời Saigon về Hoa Thịnh Đốn, ông Diệm đọc thông điệp truyền thanh gửi dân chúng VN. Ông nhắc lại lời mời các lãnh tụ Bình Xuyên và Hoà Hảo đến gặp ông. Ông tiết lộ chính phủ sẽ không trả lương cho các lực lượng phụ lực quân nữa nhưng ông nói sẽ cố gắng tìm cách giúp đỡ họ nếu họ muốn làm việc cho chính phủ. Ngoài ra, một việc khác đang được thi hành để cho dân chúng được tham gia nhiều hơn vào chính quyền : Trong 3 tháng sẽ có bầu cử để lập Quốc Hội. Cử tri sẽ được tham khảo về ý kiến đối với vấn đề vai trò của Quốc Hội. Ông Diệm kêu gọi đoàn kết và nói rằng điều cần thiết là VN phải được độc lập sau khi bị phân chia hơn 80 năm dưới chế độ thuộc địa. Ông còn nói rằng quân đội quốc gia có đủ phương tiện cần thiết để chống lại mọi mưu mô bạo lực.

Tôi nghe được bài thông điệp truyền thanh này ở T.R.I.M lúc đang bận rộn vì những công tác chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch Giải Phóng sẽ khai diễn trong 3 ngày sau ở Quảng Ngãi. Mãi đến tối, tôi mới xong việc và đến gặp ông Diệm. Tôi hỏi ông có nhận được lời phúc đáp nào của Bình Xuyên và Hòa Hảo không, nhưng không có gì cả. Tôi hỏi tiếp về vấn đề Quốc Hội và về việc tham khảo ý kiến cử tri. Ông Diệm trả lời rằng Quốc Hội không chỉ có toàn đại biểu dân cử mà còn có các đại biểu chỉ định của các phe nhóm võ trang và các đảng chính trị. Đó là cách để làm cho tình hình trong nước bớt căng thẳng.

Cuộc thăm dò ý kiến cử tri mà ông đề nghị sẽ được thực hiện qua các mẫu câu hỏi gửi cho cử tri thuộc mọi xã. Họ sẽ gửi bản trả lời cho chính quyền bằng những phong bì in sẵn miễn phí. Cử tri được yêu cầu trả lời 3 câu hỏi chính :

  1. Có đồng ý bầu Quốc Hội không ?
  2. Có đồng ý thống nhất quân đội không ?
  3. Có đồng ý về một chương trình cải cách không ?

Câu hỏi sau cùng này sẽ gồm những câu hỏi liên quan đến cải cách ruộng đất, đại học quốc gia, công chánh và phục hưng kinh tế quốc gia. Bản sao kết quả nhận qua cuộc thăm dò sẽ được gửi cho Bảo Đại để cho ông ta thấy rõ tâm tư của quần chúng.

Kế đó tôi hỏi ông Diệm về đề nghị của phía Pháp và Mỹ để giải quyết tình hình hiện tại :

– Có phải ông từ chối không cứu xét đề nghị này không ?

Ông Diệm cho biết đã cứu xét, nhưng nếu ông trao những chức vụ quan trọng trong chính phủ cho những kẻ phản bội thì ông sẽ không giữ được lòng kính mến của quần chúng để đủ tư cách điều khiển chính phủ ? Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Lai văn Sang phải được thay thế ngay. Những vụ bắt cóc và nổ súng vẫn còn tiếp tục. Dù ông đã tỏ ra tự chế hết mức, nhưng nếu không có những hành động quả quyết như hành động thay thế Tổng Giám Đốc Cảnh Sát, thì kết quả đem lại sẽ rất tai hại. Chính phủ của ông sẽ đi đến chỗ phải đầu hàng. Quân đội sẽ bất mãn, chán nản vì những hành vi thiếu quả quyết một cách hiển nhiên. Nhiều nhân viên Cảnh Sát từng quay lại với chính quyền sau vụ tấn công của Bình Xuyên sẽ mất tinh thần. Quần chúng sẽ cảm thấy bị phản bội và sẽ gây ra rối loạn thật sự.

Ông Diệm đã nhận được điện văn của Bảo Đại nói rằng cuôc hưu chiến ở Saigon nên được kéo dài ít nhất là đến hết tháng 4-1955. Bảo Đại còn đòi gửi 30 triệu bạc cho ông ta, nhưng ông Diệm không có ngân khoản nào để thỏa mãn.

Tôi đã chuẩn bị cho bản thân trong những ngày căng thẳng chắc chắn sắp xảy đến. Vì phải lái xe đi về qua thành phố nên tôi phải ráng tìm những con đường nhỏ, những lối đi khác nhau bằng cách thay đổi lộ trình mỗi khi ra phố. Tính tự giác của tôi được khuyến khích sau mấy lần bị bắn trên con đường đi thường lệ và một lần tránh khỏi một xe hơi cố tình cán chết. Tôi dọn nhà lại đường Duy Tân và có tin đồn nhà này sẽ là mục tiêu tấn công của bọn khủng bố. Nhiều sĩ quan trong toán cũng dọn đến ở với tôi. Chúng tôi chất súng ống với đạn lắp sẵn và lựu đạn gần cửa sồ, cửa ra vào để tiện dùng đến khi nguy cấp. Các bạn Phi Luật Tân trong Công Ty Tự Do rất quan tâm đến vấn đề an ninh của tôi và đã khuyên tôi nên cho Proc Mojica đến ở chung để trông chừng giúp tôi lúc đêm hôm.

Trình Minh Thế ở hội nghị Bandung trở về với nhiều chuyện hay. Trong bộ bà ba đen, ông đã lớn tiếng đọc lời tuyên bố trước một phái đoàn Truug Cộng do Chu Ân Lai cầm đầu. Bản tuyên bố bắt đâu bằng những lời lẽ chua cay tố cáo những phương thức mà thực dân Pháp đã dùng để áp chế tự do của người Việt. Thú vị vì những điều nghe được, Cộng Sản cho vặn lớn máy phát thanh để mọi phái đoàn nghe được lời nói của một thanh niên cách mạng Việt TNam gầy gò trong bộ bà ba đen. Họ hoan hô vang phòng họp. Đúng, thực dân Pháp thật xấu xa. Nhưng ngày nay còn có một con ác quỷ to lớn hơn, cũng tồi tệ như thực dân Pháp và người VN cũng căm thù như căm thù thực dân Pháp, con ác quỷ mà phát ngôn viên (chỉ Trình Minh Thế) sẽ chống đối đến hơi thở cuối cùng, đó là đế quốc Cộng Sản. Đó là kẻ thù xấu xa nhất của mọi người. Nói đến đây, Trình Minh Thế nhìn thẳng vào phái đoàn Trung Cộng đang còn choáng váng mặt này, rồi đi về chỗ ngồi.

***

Ngày 25-4-1955 ông Diệm nói với tôi rằng tình hình không thể cứu vãn được nữa. Hôm sau ông giải chức Lai văn Sang và chỉ định ông Nguyễn Ngọc Lễ thay thế. Ông Lễ từng tổ chức Hội Cựu Chiến Binh với sự giúp đỡ của những người Phi trong Công Ty Tự Do. Ngày 27, ông Diệm cho tôi hay Bảo Đại đã phản ứng bằng cách gửi điện văn từ Pháp về ra lệnh cho ông Diệm trao quyền chỉ huy quân đội cho một người do Bảo Đại lựa chọn là Tướng Nguyễn văn Vỹ hiện ở Đalat với các đơn vị Ngự Lâm Quân. Ông Diệm phỏng đoán rằng Tướng Vỹ sẽ không chỉ nắm quyền chỉ huy quân đội mà còn sẽ tự tuyên bố giữ chức Xử lý thường vụ Thủ Tướng nhân danh Hoàng Đế Bảo Đại, đưa ông Diệm sang Pháp và chuẩn bị cho Bảo Đại trở về VN. Tôi không tin điều này ; ông Vỹ không thể là người tệ đến độ dám làm những việc sẽ có thể đưa VN đến chỗ bị xâu xé ra từng mảnh. Một chính phủ lâm thời như vậy sẽ làm cho Bình Xuyên có uy thế lớn hơn trước rất nhiều. Nếu vạch rõ điều này cho ông Vỹ thấy, tôi chắc chắn ông ta sẽ làm theo truyền thống học được từ người Pháp là từ chối không chấp nhận những chỉ thị như vậy của Bảo Đại.

Khi tôi ra về thì ông Diệm đang thảo điện văn trả lời Bảo Đại. Ông Diệm đang cố gắng làm cho Bảo Đại thấy rõ thực trạng ở VN và tỉnh giấc mộng hão huyền của ông ta.

—>Chương 8

This entry was posted in 1.Hồi-ký - Bút-ký, E.G.LANSDALE: Tôi làm quân sư cho TT Ngô Đình Diệm. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời