KINH NƯỚC ĐEN (Nguyễn Thụy Long): 21…Hết

< — 1-10

< — 11-20

hai mươi mốt

Út ngồi ngửa người trên chiếc ghế bành, bàn chân đặt trên đùi một chị đàn bà ngồi dưới đất. Chị ta cắm cúi mài dũa những móng chân đều như san hô của nàng. Chị ngừng tay thận trọng ngắm nghía rồi tẩm Acetone vào một miếng bông gòn lau chùi cẩn thận :

– Thưa bà Giám đốc, bà tính sơn móng chân màu gì?

– Tùy chị, chị thấy màu gì đẹp ?

– Dạ thưa bà, người sang trọng như bà nên dùng màu nhã nhặn quý phái, phơn phớt hồng thôi !

Đ ể bênh vực cho lập luận của mình, chị sửa móng chân nói thêm :

– Bà Đại tá Thuận cũng xài màu đó.

Út nói bâng quơ :

– Hôm vừa rồi tôi thấy bà Thiếu tướng sơn màu đẹp lắm !

– Màu hồng bạc phải không thưa bà ?

– Hình như vậy.

Chị sửa móng chân dè bỉu :

– Nói xin lỗi bà, bà cứ cho phép em nói thiệt…

– Ù, chị cứ nói !

– Bà Thiếu tướng là người không biết ăn mặc, bả có trát vàng mặc vào người cũng vậy thôi. Người sang trọng như bà Giám đốc đây chỉ cần ăn mặc thật đơn sơ nhã nhặn là đủ nổi bật trong đám đông. Em xin hứa danh dự em sẽ làm cố vấn sắc đẹp cho bà Giám đốc, dù bà không trả lương cho em. Được hầu hạ một người sắc nước hương trời như bà Giám đốc em lấy làm thỏa mãn lắm rồi…

Chợt có tiếng mèo kêu meo neo ở cửa. Út mở choàng mắt :

– Lucky, Lucky “cam hia” !

Con mèo vàng lông xù kêu lên mấy tiếng nho nhỏ nhảy tót lên lòng Út. Chị sửa móng chân nịnh thêm một câu :

– Bà Giám đốc có con mèo quý quá, nó biết nghe cả tiếng Huê Kỳ !

Út nựng nịu con mèo, nàng đặt nó lên lòng :

– Sít đao pờ li !

Con mèo ngồi trên lòng nàng, rúc đầu vào ngực nàng, nó gù gù. Út chợt nhăn mặt :

– Con lạnh hả, má tắt máy lạnh nhé !

Nàng dùng chân kia khều nhẹ vào người chị sửa móng chân :

– Chị ra mở cửa tắt máy lạnh dùm.

Chị sửa móng chân trước khi đứng dậy, cẩn thận lót chiếc khăn bông trắng tinh dưới sàn để Út đặt chân lên. Chị ta ra tắt máy lạnh, mở tung mấy cánh cửa kính. Gió ngoài vườn thoang thoảng mát dịu.

Út vuốt ve, nựng nịu con mèo, nàng cù nhẹ vào bụng nó làm con vật cong người lại gậm vào ngón tay nàng. Chợt nàng trợn mắt lên :

– Trời đất ơi, mầy có bọ chét sao ?

Nàng cằn nhằn :

– Thế này thì tệ thật !

Chị sửa móng chân vội vàng đỡ lấy con mèo :

– Bà Giám đốc để em bắt bọ chét cho nó.

Út tức giận, nàng giữ con mèo lại :

– Chị đi kêu con nhỏ người làm lên đây cho tôi.

Chị sửa móng chân vội vàng chạy ra ngoài, một lát sau con bé người làm đi theo chị sửa móng chân vào phòng. Vừa thấy mặt con bé Út nổi giận liền :

– Lại đây tao biểu, lại đây.

Con bé người làm đi tới, nàng vung tay tát bốp vào mặt nó :

– Khốn nạn, có mỗi việc săn sóc con mèo của tao mầy làm cũng không xong.

Con bé lãnh đủ một tát tay bỏng rát, nó lùi lại. Chị sửa móng chân vội chạy lại giữ lấy tay Út :

– Xin bà Giám đốc đừng giận…

Chị ta nhìn xuống móng tay Út :

– Bà giận đánh nó hư móng tay rồi. Để em sửa lại.

Út đáo để, xa xả mắng con bé người làm :

– Mầy chỉ có mỗi việc săn sóc con mèo cũng không xong. Tao đã biểu mầy phải bắt hết bọ chét cho nó, khi nó ăn sữa xong mầy phải lấy bông gòn lau mồm nó hiểu chưa ?

– Dạ…

– Từ giờ đến tối tao còn thấy con bọ chét nào ở người nó thì mầy khó sống với tao.

– Dạ…

Chị sửa móng tay góp lời :

– Mầy bế con mèo đi, còn đứng đây làm chi, bà chủ đang giận.

Con bé vội vàng ôm lấy con mèo biến ra cửa. Út vẫn chưa đã giận. Nàng lầm bầm nói một thôi một hồi :

– Thiệt người làm không đứa nào sướng như ở nhà này. Chúng nó có phải làm gì đâu, chơi suốt ngày mà vẫn làm biếng…

Út lại nói về con mèo :

– Hôm nay là ngày sinh nhật con Lucky, tôi có mời một số người đến, rồi tới người ta bồng bế nó, bọ chét dính vào người ta thì thiệt đẹp mặt tôi. Chị biết những người đến mừng cho Lucky là hạng người nào không ? Toàn ông to bà lớn… Tôi phải thay mặt chồng tội tiếp đãi vì ổng đi công tác xa…

Chị sửa móng tay dạ ngắt câu Út đều đều… Út xem lại móng chân móng tay mình, nàng hài lòng :

– Thôi được rồi đó chị !

Út chỉ cái xắc tay để trên bàn :

– Chị mang cái xắc đến đây tôi trả tiền cho.

Chị sửa móng tay vội vàng mang xắc lại. Út mở xắc lấy tờ giấy hai trăm đưa cho chị ta. Chị ta từ chối :

– Thưa bà Giám đốc, được sửa sắc đẹp cho bà là hân hạnh cho em rồi, em còn phải nhờ vả bà Giám đốc nhiều.

Út ngó chị sửa móng tay :

– Chị chê ít hả ? Thôi đây cầm lấy năm trăm.

Chị sửa móng tay đẩy tiền lại :

– Dạ không phải, thiệt tình em kính trọng bà Giám đốc.

Chị ta cười e ấp :

– Chả nói giấu gì bà Giám đốc, em muốn nhờ vả bà Giám đốc từ lâu mà chưa dám mở miệng đấy ạ !

– Chuyện gì vậy ?

– Nếu bà Giám đốc cho phép em xin thưa !

– Chị cứ nói !

– Dạ cám ơn bà Giám đốc có lòng tốt. Số là em có một người bà con nghèo khổ quá muốn nhờ bà Giám đốc giúp đỡ.

– Tôi làm gì được ?

– Xin bà Giám đốc bảo đảm cho để xin ông Giám đốc cho một sở làm.

Út nói duỗi ra :

– Tôi biết sao mà bảo đảm, ngộ lỡ họ là VC thì sao. Mà chức vụ của chồng tôi đâu có cho phép dùng nhân viên người Việt. Vệ sĩ của ảnh toàn là người Huê Kỳ…

Chị sửa móng tay năn nỉ :

– Em xin bà Giám đốc mở lượng hải hà, em xin lấy tánh mạug bảo đảm cho tư cách của cha nầy.

Út chợt hỏi :

– Đàn ông à ?

– Dạ, con người thiệt khôn ngoan hiền lành, chỉ phải mỗi cái trời bắt có tật.

– Anh ta làm được cái gì ?

– Bà Giám đốc sai bất cứ cái gì ảnh cũng làm, ảnh có biết nói tiếng Huê Kỳ, biết lái xe hơi…

– Tôi có tài xế rồi.

Chị sửa móng tay năn nỉ :

– Xin bà Giám đốc thương xót dùm ảnh một vợ hai, ba đứa con, làm không đủ sống… Người Việt với nhau….

Chị sửa móng tay năm nỉ ỉ ôi, Út giơ tay che miệng ngáp :

– Tôi buồn ngủ quá, bây giờ tôi chưa thể nhận lời được, tôi còn phải hỏi lại ý kiến chồng tôi. Mướn thêm một người đối với tôi không ăn nhằm gì, nhưng chồng tôi kỹ lắm, ảnh phải gởi đi An ninh điều tra.

Chị sửa móng tay vội thưa :

– Em đã nói em xin lấy tính mạng bảo đảm tư cách cha này mà, người đàng hoàng lắm.

Chị ta cười hì hì :

– Được bà Giám đốc cho một hy vọng như vậy là em tin tưởng lẳm rồi, em xin về để bà Giám đốc đi nghỉ.

Chị ta quay ra, Út vo viên tờ giấy năm trăm ném theo :

– Chị cầm lấy !

Chị sửa móng tay cúi xuống nhặt tiền, rạp người xuống chào :

– Cám ơn bà Giám đốc.

Còn lại mình Út trong phòng, nàng đứng dậy đi vào phòng riêng. Buổi sáng thật tĩnh mịch, khi nằm xuống giường, nàng lại không thấy buồn ngủ nữa. Chiếc hình của Nelson và nàng chụp chung để ở chiếc bàn đêm ngay đầu giường. Nelson hơn nàng đến gần ba chục tuổi. Hắn say mê nàng đến điên cuồng. Út không biết chức vụ thật của chồng, nhưng có lẽ hắn làm lớn lắm. Một mình hắn được chính phủ cấp cho nguyên chiếc biệt thự rộng thênh thang này, kẻ hầu, người hạ nườm nượp. Từ ngày Út về sống với hắn ở đây nàng thật sung sướng. Tiền bạc tiêu như nước, ngày nào cũng có ông này bà kia đến xin xỏ điều này điều nọ. Từ khi có Út họ xin xỏ trực tiếp với Út. Út nói lại với chồng, và nàng được đền ơn xứng đáng.

Út không thể ngờ đời mình lại có giây phút này, sự may mắn đến với nàng như chuyện thần thoại, chuyện cổ tích. Nelson nhiều lần ôm lấy chân nàng:

– Anh yêu em, thiếu em anh không thể sống được. Em đừng bỏ đi nữa. Anh đang làm thủ tục ly dị vợ anh bên Huê Kỳ.

Út đã bỏ đi một lần, khi biết Nelson có vợ. Chẳng phải nàng yêu thương gì hắn ta, nàng sợ rắc rối rồi bị ở tù.

Út thấy Nelson quá say mê nàng, nàng làm tình làm tội hắn, nàng khóc lóc bỏ ăn bỏ uống :

– Em không thể sống thế này đưọc, anh lường gạt em, anh có vợ rồi, em chỉ là gái qua đêm của anh…

– Không, em sẽ là vợ chính thức của anh !

– Anh bỏ vợ sao ?

– Đúng, tháng sau anh sẽ về Huề Kỳ ly dị, anh chỉ đi một tuần thôi.

Và Nelson đã đi, hắn đi được ba ngày rồi. Út nằm gối đầu trên cánh tay mình mỉm cười. Cửa kính đóng kín, máy điều hòa không khí chạy vừa đủ mát. Vẫn có những buổi sáng, như buổi sáng nay, nàng chợt nhớ đến dĩ vãng của mình, con Út nghèo khó suốt ngày chạy rong bán từng tấm vé số xin thêm một đồng lẻ.

Út nhớ đến chàng, chàng bây giờ ở đâu, người đàn ông đẹp trai đã sống với nàng bảy dêm, dạy nàng những câu tiếng Anh vỡ lòng… Buổi sáng ngày thứ bảy chàng đã âm thầm ra đi. Khi Út tỉnh dậy nàng thấy bên cạnh mình chàng để lại mấy ngàn bạc, một mảnh giấy nhỏ : “Giúp em ít tiền, chúc em sung sướng”. Mảnh giấy không ký tên, suốt bảy ngày sống cạnh chàng, Út không biết tên thật của chàng. Hỏi chàng, chàng gạt đi :

– Quan trọng gì mà tên với tuổi.

– Biết đâu sau này em không có dịp trả ơn anh.

Chàng mỉm cười, nhìn thẳng vào mặt nàng :

– Ghê nhỉ, nhưng anh không nhận đâu, em sẽ lấy Mỹ chớ gì, biết đâu chả vớ được chú Mỹ bảnh, nhiều kẻ sẽ quì dưới chân em xin ân huệ, nhưng trong số người đó không có anh.

Chàng dí tay vào mũi nàng nói nửa đùa nửa thật :

– Anh vẫn coi em là một con đượi, một gái kiếm tiền.

Út không giận chàng, chàng vẫn có lối nói đốp chát đó. Nàng tự cho mình là kẻ hiểu chàng. Nàng cười và ngả mình vào trong vòng tay chàng.

Sau đó Út lại đi lang thang mỗi đêm với hy vọng gặp lại chàng ở một quán nào đó. Nhưng chàng bặt vô âm tín. Út không bao giờ còn nghĩ mình sẽ trở lại một ổ điếm nào khác, mặc dầu có vài người dụ dỗ nàng. Gã xích lô quen thuộc đưa nàng hằng đêm, một lần đề nghị :

– Cô bắt khứa lẻ như vày không ăn cái giải gì. Cô phải bắt một khứa nào cho đông bạc.

Út chán nản :

– Đông bạc thượng số là năm xấp một đêm chứ mấy, qua đêm nó quăng tiền cho mình rồi lại bỏ đi như những thằng khác, tụi Mẽo có tiếng là kẹo.

– Phải làm gái bao mới khá !

Gã xích lô máy chở nàng đi đến gần giờ giới nghiêm. Tới đầu đường Tự Do, hắn thấy một người Mỹ cao lớn, từ trên Queen Bee đi xuống. Gã xích lô vội ghé xe vào lề đường :

– Cô ngồi đây, tôi ra bắt thằng này cho.

Trong khi gã xích lô chặn gã Huê Kỳ già lại thì Út xuống xe. Nàng lượn qua mặt hắn cười tình, nàng đứng dựa gốc cây hút thuốc lá Salem phì phèo. Gã Mỹ già đứng mặc cả với gã xích lô một hồi. Gã xích lô chợt gọi rối rít :

– Cô, cô lại đây !

Út thủng thẳng đi tới, mỉm cười đưa ra bắt tay gã Mỹ :

– Gút nai !

Gã chào lại bằng tiếng Việt, giọng còn hơi cứng :

– Chào người đẹp Saigon.

Út bỗng cười dòn :

– Ông biết nói tiếng Việt ?

– Biết, nhưng ít thôi.

Hắn chỉ chiếc xe hơi Huê Kỳ bóng loáng ở đầu đường :

– Xe của tôi, mời người đẹp lên…

Gã Mỹ già không quên dúi vào tay gã xích lô mấy trăm bạc. Út giơ tay vẫy khi lên xe :

– Mai gặp lại nghe bồ !

Gã già Mỹ đưa Út về một biệt thự thật sang trọng.

Gần sáng gã hỏi nàng :

– Em ở lại đây với tôi không ?

– Bao lâu ?

– Tùy em !

Út hôn vào trán hắn :

– Một tuần lễ !

Nelson gật đầu. Nhưng qua một tuần lễ, Út không ra khỏi biệt thự đó. Nelson đã yêu nàng… Hắn không ngần ngại giới thiệu nàng là vợ với mọi người. Cuộc đời nàng bắt đầu sung sướng từ đó.

Út thấy đói, có lẽ trưa rồi. Nàng nhìn đồng hồ, đã hơn mười hai giờ. Út bấm chuông gọi bồi. Chị người làm chạy lên. Út hất hàm hỏi :

– Có cơm chưa.

– Dạ thưa cô xong rồi, em nghĩ là cô ngủ nên…

– Dọn cơm cho tôi ăn !

Út uể oải đứng dậy, chị người làm nói tiếp :

– Có cô giáo ngồi chờ cô ngoài nhà…

– Lâu chưa ?

– Từ lúc mười giờ :

Út vội vàng ra khỏi phòng, nàng lịch sự chào cô giáo :

-Xin lỗi cô nhé. Hôm nay người tôi hơi mệt nên vào phòng nằm nghỉ, quên bẵng mất cô đến dạy học.

Cô giáo khoảng hai mươi tuổi, nàng hàng ngày đến dạy Út học Anh Văn. Tính nết cô ta đằm thắm nên Út rất mến. Cô giáo còn là sinh viên. Cô ta nói với nàng :

– Tôi còn đi học, nhà nghèo nên phải kiếm tiền thêm.

Út quý mến cô ta nên trả tiền lương hậu lại quà cáp luôn luôn. Nhưng cô ta rất ít khi nhận. Cô ta không như những kẻ đến nhà này.

Út đề nghị với cô giáo :

– Hôm nay muộn rồi, cô giáo cho tôi nghỉ một buổi và mời cô giáo ở lại đây ăn cơm với tôi, tối này dự sinh nhựt của Lucky.

Cô giáo ngó Út thắc mắc :

– Lucky là ai đấy ạ ?

Út mỉm cười :

– Con mèo lông xù của tôi.

Cô giáo bật cười :

– Ăn sinh nhật cả con mèo nữa sao ?

Con mèo Lucky kêu meo meo từ dưới nhà chạy lên, nhảy tót lên lòng Út. Nàng vuốt ve nó :

– Nó khôn như người ấy cô ạ. Tôi thương nó như con, nó được một năm rồi.

Cô giáo nhìn con mèo, nàng thầm nghĩ sao họ có thể rởm đến như vậy được. Nàng từ chối :

– Tối hôm nay tôi bận nhiều chuyện, rất tiếc không thể đến được. Vả lại lại tôi không hợp với không khí đông đảo…

Út cố mời mọc :

– Có gì là đông đảo đâu, tôi chỉ mời mấy người thân, mấy ông đổng lý, Giám đốc bên phía người mình thôi mà.

Cô giáo tò mò hỏi :

– Người ta nhận lời chưa ạ ?

– Họ nhận lời hết rồi, ăn uống ở nhà ấy mà.

Cô giáo muốn cười lớn, nhưng không thể cười được.

Nàng đứng dậy :

– Để hôm khác tôi sẽ đến dạy bà, bây giờ xin phép bà tôi phải ra thư viện.

Út tiễn cô giáo ra cửa, nàng chợt giữ tay cô giáo lại :

– Cô cần mượn tiền trước không ?

– Cám ơn bà, cứ để cuối tháng tôi lấy một thể.

Cô giáo ra khỏi nhà, nàng tủm tỉm cười nghĩ đến thái độ vừa rởm vừa “phú quí sinh lễ nghĩa” của bà chủ mình. Nàng nghĩ đến người yêu của mình, kể cho anh ấy nghe chuyện này chắc là cười bằng thích. Nghĩ đến chàng, nàng thấy mát cả lòng. Chàng thật là người hoàn toàn, kiêu kỳ nhưng không phách lối.

Bữa tiệc sinh nhật con Lucky được tổ chức vào buổi tối, thân mật, nhưng không kém phần long trọng.

Út vui vẻ ôm con mèo ra tận cửa đón khách, nàng vui vẻ nhận những món quà tặng. Nàng vào nhà, đặt con mèo trên một chiếc gối nhung ngay bên cạnh chỗ ngồi của mình. Bữa tiệc diễn ra trong không khí vui vẻ. Câu chuyện xoay chiều ra công việc buôn bán, đổi chác đô-la. Út hỏi một bà bạn:

– Chị cần đổi bao nhiêu ?

Ba ta hợm hĩnh :

– Chị có bao nhiêu tôi đổi hết…

Một bà khác nói xen vào:

– Ê, đâu có được. Còn để tụi nầy chứ !

Út cười thật tươi:

– Yên trí mà, tôi hết thì còn nhà tôi…

Út lại nói về những vụ mua bán đồ Mỹ trong PX:

– Cứ tới nhà tôi rồi chở đi, bao nhiêu tủ lạnh, máy điều hòa không khí cũng có.

Bà Thiếu tá nói:

– Dễ mà, chỉ mua là khó chứ chở đi dễ ợt, nhưng bà chị phải hạ giá hơn người ta thì mới có thể bao thầu được.

– Chị chở bằng xe T.N. hay xe gì ?

– Xe nhà binh thiếu gì, nói cho chị biết tôi bảo đảm còn có xe hộ tống nữa. Bố phú-lít cũng không đám đụng đến.

Út cười, nàng ngó bà bạn:

– Chị đừng tưởng tôi không lo được vụ đó đâu, nhưng tôi nhiều việc quá nên không có thì giờ rảnh… Thôi được tôi giao cho chị.

Bà Thiếu tá mặt mũi hớn hở :

– Thiệt nhé chị…Chị đã nhận lời…

Út gật đầu, bà Thiếu tá mở liền cái xắc tay :

– Em ký ngay cho bà chị cái “xếch” một triệu để xài chơi.

Út ngăn lại :

– Khoan, hôm nay ngày vui mà. Chuyện buôn bán mình xếp lại đã.

Bà Thiếu tá cố nài nỉ :

– Em biết bà chị không thiếu gì tiền, nhưng cứ cầm cho em tin tưởng…

Út cười dòn :

– Nếu chị không tin được lời hứa của tôi thì mình buôn bán với nhau sao được.

Bà Thiếu tá vội vàng nói :

– Ấy chết, em chân thành đề nghị với bà chị, bà chị lại nói dỗi…

Út ra bàn đặt ly rượu :

– Thôi bây giờ chúng ta ra đánh bài. Bà Thiếu tá cứ yên chí, chuyện đó cũng xong rồi.

Nàng ngó ra phía đàn ông, các ông đang tranh luận ráo riết về một vấn đề nào đó. Út đi tới:

– Các ông nói chuyện gì mà hăng say quá vậy,?

Một ông trán hói cười tươi :

– Chúng tôi đang nói về chuyện tranh cử, anh Hoàng kỳ nầy ra nữa.

Út vui vẻ :

– Thế ạ, bây giờ tôi mới biết đấy !

Người đàn ông tên Hoàng lịch sự :

– Tôi ra kỳ này mong bà chị giúp cho một phiếu.

– Một phiếu của tôi thì ăn thua gi ?

– Cứ được nửa phiếu của bà chị cũng là quí lắm rồi.

Gã nhìn nàng :

– Tôi còn phải nhờ bà chị nhiều, phải nói trắng ra rằng nếu không được sự giúp đỡ của người Mỹ thì…

Gã bỏ lửng câu nói, cười lớn :

– Đất nước chúng ta đau thương quá rồi, tôi cũng muốn trong dịp này ra tranh cử để họa may có giúp nước được gì không? Mình là người trí thức không thể khoanh tay ngồi nhìn được.

Chỉ một lát sau ông ta trở nên hùng biện :

– Chúng ta phải có tự do dân chủ, chiến tranh phải chấm dứt ở đất nước đau thương này. Cũng vì vậy mà tôi đã từng vào tù ra khám. Nếu tôi đắc cử, tôi nguyện đem hết tâm lực giúp dân giúp nước.

Một lát sau ông ta nói đến sự thối nát của xã hội hiện tại, sự bất công v.v…

Một ông khác hỏi :

– Khi ra tranh cử, anh đã có hậu thuẫn nào chưa ?

Ông nghị tương lai đưa một ngón tay lên môi suỵt khẽ:

– Bí mật, nhưng ở đây anh em thân tình cả, tôi có thể tiết lộ được.

Ông ta yên lặng nhìn mọi người :

– Thời buổi này không có hậu thuẫn thì ông nội tôi cũng không dám ứng cử. Xong hết rồi, Phật giáo, Công giáo, Lao động. Vậy là đủ quá rồi.

Ông ta lần lượt kể đến sự tiếp xúc của mình với các vị lãnh đạo tôn giáo. Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi. Cuối cùng tất cả câu chuyện được kết thúc bằng một canh bạc thâu đêm. Một bà giơ tay che miệng ngáp, đứng dậy :

– Thôi tôi về đây, cháy túi. Mất mẹ nó mấy cái đầu quân dịch.

Út vào ngủ sau khi tiễn chiếc xe hơi cuối cùng ra cửa.

Nàng thiếp đi tới chiều mới tỉnh dậy. Nàng bấm chuông gọi người làm, con bé ở chạy vào :

– Có gì cho tao ăn không ?

– Dạ vẫn để phần cơm bà chủ, à thưa bà có chị sửa móng tay ngồi chờ bà ở ngoài, chị ta có đưa một người đàn ông tới.

Út ngồi dậy, nhíu mắt :

– Chị ta có nói là đến việc gì không?

– Dạ không thấy nói!

Út vào phòng tắm riêng rửa mặt trang điểm qua loa. Khi Út vừa ra đến cửa phòng, nàng sững người khi thấy gã đàn ông không phải ai xa lạ, mà chính là Hội Thọt. Sau mấy năm không gặp lại hắn, Út thấy hắn vẫn vậy, diêm dúa một cách quê mùa. Bộ quần áo giặt ủi trắng lôm lốp, tóc chải bi-dăng-tin bóng lưỡng. Hội Thọt cũng sững người luống cuống, mồ hôi hắn toát ra xâm xấp trên trán.

Út lấy lại bình tĩnh, ra ghế xa-lông ngồi :

– Hai người ngồi xuống đi!

Chị sửa móng tay đon đả :

– Thưa bà Giám đốc, được bà Giám đốc nhận lời, em đưa người của em lại.

Út hất hàm về phía Hội Thọt hỏi :

– Chú này đấy phải không ?

– Dạ! Bà Giám đốc cố giúp em cháu, nó nghèo quá, vợ con đùm đề. Dạ thưa bà Giám đốc em xin bảo đảm, chú em đây là người lương thiện đàng hoàng, thực thà lắm, một là một hai là hai, em mà nói sai em xin chịu tội với bà Giám đốc.

– Chị bảo đảm phải không ? Chị có chắc chắn anh này là người lương thiện không ?

Hội Thọt toát mồ hôi hột. Hắn thấy da thịt mình như bỏng rát vì cái nhìn của người thiếu phụ. Hắn không quên được tội lỗi hắn đã gây ra cho nàng. Nàng sẽ xử trí với mình ra sao?

Chị sửa móng tay vẫn xoen xoét tâng bốc Hội Thọt. Út vừa nghe vừa gật gù. Nàng hỏi :

– Hắn làm được nghề gì ?

– Dạ chú nó có bằng lái xe hơi !

– Ở nhà tôi có ba tài xế rồi, người nào cũng lành lặn chứ không què quặt như chú này,

Chị sửa móng tay ăn nỉ :

– Xin bà Giám đốc thương cho hoàn cảnh hắn, cùng người Việt mình cả.

Út cười lớn :

– Để xem đã, tôi chỉ ngán chú này lại giở thói đưa gái cho chồng tôi hoặc quyến rũ con sen nhà tôi đem bán thì hỏng to.

Hội Thọt giật mình, mặt đỏ lên. Út kiếm chuyện trả thù mình chăng. Chị sửa móng tay vội vàng chống chế :

– Thưa bà Giám đốc làm gì có chuyện đó, chú em tôi thật thà như đếm. Bà Giám đốc đừng quan tâm đến vấn đề lương lậu. Bà trả chú nó bao nhiêu cũng được miễn là chú nó được hân hạnh hầu hạ bà Giám đốc.

Út gật gù :

– Anh ta hầu hạ tôi thì hầu hạ gì được?

– Thưa bà Giám đốc bà sai làm bất cứ cái gì cũng được.

Út mở hộp lấy một điếu thuốc lá gắn lên môi, ngoắc Hội Thọt lại :

– Anh có bật lửa không ?

Hội Thọt vội đứng dậy chạy lại bật lửa. Út giằng lấy cái bật lửa, nàng xem đi xem lại, mỉm cười hỏi Hội Thọt :

– Cái quẹt máy này có phải quẹt máy nguyên tử không ?

Mặt Hội Thọt đỏ Iên, Út hỏi gặng :

– Phải không ? Kìa, tôi hỏi sao không trả lời ?

Chị sửa móng tay thúc giục :

– Chú câm à, bà Giám đốc hỏi kìa.

Hôi Thọt lắp bắp trả lời :

– Dạ không… hộp quẹt ga.

Út cười, nhả một nạm khói :

– Vậy mà tôi cứ ngỡ là hộp quẹt nguyên tử chớ.

Hội Thọt tập tễnh về ghế mình. Út nói :

– Nếu tôi mượn chú, tôi phải gởi chú sang Huê Kỳ lắp cái chân khác, cái chân thọt của chú tôi thấy xốn con mắt quá !

Hội Thọt nín khe, chịu đựng. Hắn lo lắng không biết nàng sẽ làm gì mình. Chị sửa móng tay cứ luôn miệng tán tụng Hội Thọt. Út bực mình :

– Thôi, chị nói ít chứ, vậy là đủ rồi. Chị biểu ảnh đưa giấy tờ cho tôi coi.

Hội Thọt đành phải đưa ra. Út xem thẻ căn cước rồi giữ lấy :

– Tôi nhận lời, chiều đến làm !

Chị sửa móng tay cám ơn rối rít, Hội Thọt bần thần. Hắn xin lại cái thẻ căn cước. Út lắc đầu:

– Không được, tôi phải gởi số thẻ căn cước của anh đi điều tra đã. Lỡ anh là VC vô đây ám sát vợ chồng tôi thì sao !

Chị sửa móng tay một lần nữa lại ra lời bảo đảm.

Út gạt đi:

– Tôi không cần chị bảo đảm, tờ lý lịch của cảnh sát giá trị hơn lời chị nhiều.

Út ra bàn ăn. Nàng đang định đuổi hai người ra khỏi nhà, bỗng gọi giật lại :

– Này, anh kia trở lại tôi biểu.

Chị sửa móng tay toan quay lại, Út xua tay :

– Chị xong rồi, về đi, để anh này lại cho tôi hỏi.

Chị sửa móng tay dạ một tiếng, chị không quên nhắn nhủ Hội Thọt :

– Chú phải trả lời bà Giám đốc đàng hoàng nhé.

Chờ cho trong phòng không còn ai, ngoài Út và Hội Thọt, nàng ngẩng lên :

– Anh còn nhớ tôi chứ?

Hội Thọt chắp hai tay lại vái :

– Mong bà Giám đốc tha thứ cho.

Út đứng dậy, khoanh tay trước ngực đi đi lại lại.

Nàng bỗng ngửa mặt cười dòn :

– Quả đất tròn, tôi không ngờ lại gặp anh ở đây. Nếu anh không nhớ tôi, tôi nhắc lại con Út bán vé số đây. Đứa con gái dại khờ bị anh quyến rũ vào nghề điếm đàng đây.

Nàng ngồi phịch xuống ghế xa-lông, đưa cái thẻ căn cước của Hội Thọt ra:

– Bây giờ anh ở trong tay tôi, tôi có thể bỏ tù anh rục xương.

Út chỉ cái điện thoại:

– Chỉ một cú điện thoại, sẽ có người đến còng tay anh liền, đồ lưu manh !

Hội Thọt nhìn trước nhìn sau không thấy ai, sụp xuống lạy :

– Xin lạy bà trăm lạy, bà tha thứ tội lỗi cho em, em biết tội rồi.

Út cười ho sặc sụa, nàng nhổ một bãi nước bọt xuống đất, mặt đanh lại :

– Anh chỉ là một thằng hèn.

– Dạ, em thân hèn hạ !

Út bỗng nhìn bãi nước bọt của mình :

– Anh muốn tôi tha tội cho anh không ?

– Xin bà mở lượng khoan hồng !

Út chỉ bãi nước bọt :

– Liếm đi !

Hội Thọt ngẩng lên :

– Bà nỡ lòng nào !

Út vẫn kênh kiệu, nàng ra chiếc bàn nhỏ nhắc cái điện thoại màu đỏ lên :

– Tùy anh, có liếm hay không, tôi không bắt buộc.

Hội Thọt cuống lên :

– Lạy bà, em xin chuộc lại tội lỗi bằng cách liếm nước miếng của bà.

Út đặt ống điện thoại xuống. Nàng trở lại ghế ngồi chống tay vào cằm nhìn Hội Thọt một cách độc ác :

– Liếm đi !

Hội Thọt cúi xuống, hắn thè lưỡi ra, liếm bãi nước bọt trên gạch bông. Út rót một ly nước lạnh, đưa cho Hội Thọt :

– Nuốt đi rồi uống ly nước này,

Hội Thọt không làm sao được đành nuốt xuống bụng, chiêu một ngụm nước. Út giằng lấy cái ly không liệng ra ngoài cửa sổ :

– Đáng lẽ tao bắt mầy ăn cứt tao mới phải.

Út bấm chuông kêu con bé người làm lên :

– Đưa anh này ra ngoài.

Nàng nói , đưa trả lại Hội Thọt chiếc thẻ căn cước :

– Muốn làm thì chiều đến !

Hội Thọt tập tễnh ra khỏi nhà. Út cười ngất, chưa bao giờ nàng cười to như vậy.

***

—>Xem tiếp

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Nguyễn Thụy Long. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời