HOA HUỆ TRẮNG (Kha Lăng Đa)

HOA HUỆ TRẮNG

Năm ấy gần đến ngày Giáng Sinh, mẹ tôi bỗng lâm cơn trọng bệnh. Gần nửa tháng trường mà bệnh của mẹ tôi vẫn không thuyên giảm. Tôi mới vừa tròn mười một tuổi, em gái tôi mười tuổi làm sao gánh vác được việc nhà và săn sóc mẹ tôi chu đáo. Tôi nghĩ mà buồn và thương cho mẹ, thương anh em tôi trong cảnh mẹ góa con côi.

Tôi cũng cố gắng nấu cháo cho mẹ tôi ăn, tưới nước cho những luống hoa huệ của mẹ trồng và giặt quần áo cho mẹ, cho anh em tôi. Từ khi bị bệnh, mẹ không còn may quần áo cho bà con hàng xóm lấy tiền công để sống qua ngày. Mẹ không còn gánh hoa huệ ra chợ bán. Thỉnh thoảng có người đến mua hoa, tôi thay mẹ cắt và bó hoa bán cho họ. Cha xứ thấy cảnh tình bi đát của gia đình tôi nên người thường đến thăm, đem thuốc cho mẹ tôi uống, đem thực phẩm, quà bánh đến nuôi mẹ con tôi. Lần nào Cha cũng an ủi mẹ tôi và khuyên anh em tôi phải hết lòng cầu nguyện cho mẹ tôi. Cha bảo mẹ tôi phải đi nằm bệnh viện, mọi tốn kém Cha sẽ lo tất cả nhưng mẹ tôi không bằng lòng. Mẹ thốt lời đội ơn Cha trong nỗi nghẹn ngào, xúc động, nước mắt tuôn lai láng.

Còn năm ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, em gái tôi lo lắng hỏi:

– Anh ơi! Má bệnh làm sao dẫn anh em mình đi lễ đêm Giáng Sinh hả anh?

Tôi nhìn em tôi, nghe lòng mình đau nhói:

– Anh em mình hãy cầu nguyện cho má hết bệnh trước đêm Giáng Sinh.

Tôi dẫn em tôi ra ngồi trước thềm nhà, mắt đăm chiêu nhìn những bông huệ trắng nở lác đác trong nắng chiều. Em tôi nhắc đến cha tôi:

– Phải chi ba còn sống, ba sẽ lo cho má, cho anh em mình thì tụi mình đâu có cực. Em nhớ có hai lần ba đi phép về đúng đêm Giáng Sinh để đi lễ với má và anh em mình. Bây giờ ba không còn nữa!

Em tôi thút thít khóc. Tôi ôm em vào lòng mà nước mắt cũng rưng rưng. Tôi chạnh nhớ tới cha tôi trong nỗi thương tiếc khôn cùng. Tôi nhớ năm ngoái, mẹ tôi đã kể cho tôi nghe chuyện tình của cha và mẹ. Vào một buổi chiều vàng, có một sĩ quan thuộc binh chủng Nhảy Dù, áo còn vương bụi đường xa, đến vườn mua hoa huệ để đi lễ tạ ơn Đức Mẹ đã che chở cho người ấy thoát nạn ở chiến trường. Mẹ tôi và người chiến sĩ ấy quen nhau, yêu nhau rồi thành nghĩa vợ chồng. Mẹ kể đám cưới của cha mẹ được che rợp bằng những dù hoa sặc sỡ. Các chiến hữu của cha đến dự rất đông. Mẹ cho tôi và em tôi xem hình ảnh đám cưới của cha mẹ.

Lúc ấy bà ngoại tôi còn sống ở bên cạnh mẹ và anh em tôi. Tôi mơ hồ nhớ lại hình ảnh của ngoại lưng còng, tóc bạc. Cả ngày, ngoại lo săn sóc anh em tôi. Giọng ru của ngoại nghe êm đềm, tha thiết đưa anh em tôi vào giấc ngủ say sưa trong những đêm trăng vàng soi bóng bên thềm hay những trưa hè hây hẩy gió nồm nam. Ngoại qua đời khi tôi vừa được sáu tuổi. Mộ của ngoại được chôn trong vườn nhà bên cạnh những luống hoa huệ trắng. Anh em tôi đã mất đi sự nuông chiều và tình thương bao la của ngoại.

Cha tôi đi chinh chiến miệt mài, có khi mấy tháng trời mới về nhà. Lần nào về, cha cũng mua quà cho mẹ và anh em tôi. Cha dẫn mẹ và anh em tôi đi lễ nhà thờ, đi dạo phố, đi ăn, đi xem hát cải lương. Cha vui đùa với anh em tôi suốt cả ngày. Cha làm ngựa cho anh em tôi cỡi. Cha nằm sấp bắt anh em tôi đấm bóp và đứng giậm trên lưng cha. Tôi và em tôi đòi món đồ chơi nào, cha cũng dẫn đi mua cho bằng được. Tôi nhớ có lần cha hỏi tôi:

– Lớn lên con của cha sẽ làm gì nè?

Tôi trả lời:

– Con sẽ đi lính Nhảy Dù giống như ba vậy đó!

Cha tôi nâng bỗng tôi lên cao:

– Giỏi lắm! Nhưng ba sợ con sẽ đái trong quần lúc dù chưa bọc.

Tôi chới với vì bị cha nâng cao và xoay mấy vòng. Tôi cười đáp lời cha:

– Con không sợ đâu

Cha đặt tôi đứng xuống đất, khen ngợi:

– Vậy mới phải là con chim “Hồng” của ba chớ!

Tôi ngạc nhiên hỏi cha:

– Con là hoa Hồng chớ đâu phải chim Hồng.

Cha giải thích:

– Tên cha là Bằng tức là tên của một loài chim dũng mãnh nên ba đặt tên con là Hồng vì Hồng cũng là tên một loài chim lớn, ngang dọc, kiêu hùng. Má con là Bạch Huệ tức là hoa huệ trắng, em con là Hoàng Lan tức là hoa lan màu vàng nhưng con không phải là hoa hồng. Con hiểu chưa!

– Dạ hiểu, vậy thì con giống cha.

Sau khi hết phép, cha trở lại đơn vị. Mẹ và anh em tôi tiễn chân cha đến tận bến xe. Cha bịn rịn nắm tay mẹ và hôn anh em tôi với lời hẹn sẽ trở về. Xe chuyển bánh, cha vẫy tay với mẹ và anh em tôi. Lần nào tiễn cha đi rồi mẹ tôi cũng khóc, nhìn theo cho tới khi xe khuất dạng trong gió cuốn bụi mù.

Bỗng một đêm nọ trong giấc ngủ, mẹ tôi thét lên hãi hùng rồi vụt ngồi dậy. Tôi và em tôi cũng giật mình thức giấc. Mồ hôi còn đọng trên trán, loang loáng ánh đèn khuya, mẹ run sợ, ôm lấy anh em tôi, nói đứt quãng:

– Má nằm mộng thấy ba con về thân mình đẫm đầy máu. Má lo cho ba con gặp chuyện không may.

Mẹ vội dẫn anh em tôi tới bàn thờ Chúa, đốt nến, quì gối, đọc kinh và cầu nguyện cho cha tôi. Tôi và em tôi ngơ ngác nhìn mẹ.

Cách mấy ngày sau, đơn vị Nhảy Dù đưa xác của cha tôi về trong cỗ quan tài có phủ lá cờ Tổ Quốc. Mẹ tôi ngất xỉu, anh em tôi vật vã khóc bên mẹ. Từ ấy mẹ tôi u buồn ít nói, mất ngủ, biếng ăn. Đôi mắt mẹ như đại dương sầu thăm thẳm và luôn ướt lệ dưới vành khăn sô như áng mây đen phủ che đời mẹ. Mẹ cứ ngồi nhìn vào di ảnh của cha tôi, kể lể, khóc than. Anh em tôi cũng khóc theo mẹ. Mộ cha tôi được chôn gần mộ ngoại để cha tôi được nhìn hoa huệ trắng nở, ngửi hương thơm của loài hoa cao quý trong gió nhẹ canh khuya.

Sau khi ăn được vài muỗng cháo do tôi nấu, mẹ tôi ngủ thiếp đi. Tôi sờ trán mẹ nóng ran trong cơn sốt với nỗi buồn lo âu, bối rối. Tôi nhất định phải năn nỉ mẹ tôi nghe theo lời Cha xứ đi nằm bệnh viện, nếu không thì mẹ sẽ chết và anh em tôi sẽ trở thành hai đứa trẻ mồ côi. Nghĩ đến cảnh sống lạc lõng, bơ vơ, tôi nhìn em tôi mà không cầm được nước mắt.Tiếng chuông giáo đường vang vọng. Tôi dẫn em tôi đi lễ chiều để cầu nguyện cho mẹ tôi. Sau khi tan lễ, giáo dân đã ra về mà tôi và em tôi vẫn còn quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ để cầu xin. Tôi nói với em tôi:

– Anh đã xin Đức Mẹ một nhánh hoa huệ trắng trên bàn thờ về sắc thuốc cho má uống. Anh xin Chúa và Đức Mẹ ban phép lạ trong nhánh bông ấy để má uống sẽ lành bệnh.

Khuôn mặt em tôi bỗng trở nên rạng rỡ:

– Được đó anh! Mình lấy bông huệ về đi!

Tôi đứng dậy lấy nhánh bông huệ trắng trên bàn thờ Đức Mẹ, lận vào bụng, vội vã đi ra khỏi nhà thờ.

Về đến nhà, mẹ tôi vẫn còn ngủ. Thỉnh thoảng mẹ ho khắc khoải từng tràng. Tôi cắt nhánh bông huệ ra làm ba phần, đặt trong cái ấm đất rồi đổ nước vào nấu. Em tôi đến ngồi bên cạnh tôi, tôi bảo em tôi:

– Em hãy cầu nguyện với anh.

– Dạ.

Tôi chắp tay cung kính:

– Lạy Đức Mẹ xin cho mẹ chúng con uống nước bông huệ sẽ hết bệnh.

Sau khi cầu nguyện xong, tôi và em tôi cùng đọc kinh “Kính Mừng” cho đến khi nước sôi và sắc lại còn một chén. Tôi rót nước bông huệ ra chén và để cho nguội bớt. Tôi và em tôi đến ngồi cạnh giường mẹ tôi đang nằm. Tôi khẽ gọi mẹ tôi:

– Má ơi!Má!

Em tôi cũng nắm lấy tay mẹ tôi lay gọi:

– Má ơi! Má dậy uống thuốc.

Mẹ tôi cựa mình từ từ mở mắt nhìn chúng tôi. Mẹ yếu ớt hỏi:

– Các con đã ăn cơm chưa?

– Dạ tụi con đi lễ mới về. Con vừa sắc thuốc cho má, má rán uống cho hết bệnh nghe má, để con và em con đỡ má dậy.

Mẹ tôi cố gắng chống tay ngồi dậy. Anh em tôi đỡ lưng mẹ. Mẹ mệt nhọc hỏi:

Thuốc gì vậy con?

Tôi nói dối với mẹ:

– Dạ thuốc của Cha xứ bảo sắc cho má uống.

Tôi bưng chén thuốc đến cho mẹ. Em tôi hối mẹ:

– Má uống đi má!

Mẹ tôi bưng chén thuốc uống từng ngụm. Mẹ hỏi:

– Thuốc gì thơm mùi bông huệ?

Tôi giả vờ không biết:

– Con cũng không biết được. Má ráng uống hết rồi con múc cháo cho má ăn.

Uống xong chén thuốc mẹ rờ đầu tôi và em tôi mà mắt ứa lệ:

– Tội nghiệp con tôi!

Em tôi nắm tay mẹ mân mê:

– Để con đi lấy cháo cho má ăn.

Mẹ tôi vừa ăn vừa nhìn chúng tôi với ánh mắt bao dung trìu mến. Mẹ bảo:

Má no rồi, hai con đi lấy cơm ăn đi. Má phải nằm nghỉ. Má chóng mặt quá.

Tôi và em tôi đỡ mẹ nằm xuống. Mẹ lim dim mắt rồi ngủ mê man. Sau khi ăn cơm xong, tôi và em tôi cũng đi ngủ trên bộ ván gỗ ở nhà trên vì từ khi bị bệnh, mẹ không cho anh em tôi ngủ chung với mẹ. Tôi nhắm mắt hình dung hình ảnh hiên ngang, oai dũng của cha tôi trong bộ đồ hoa pha màu lá rừng. Chiếc mũ đỏ cha đội lệch trên đầu như ngạo nghễ. Khuôn mặt cha tuấn tú, kiên nghị. Rồi tôi thấy những cánh hoa dù nở giữa không gian xanh biếc như ý của hai câu thơ mà ngày nào cha thường đọc cho mẹ tôi nghe:

Không gian vương dấu giày
Bâng khuâng hoa dù nở.

Tôi và em tôi đi vào giấc ngủ say. Bỗng giữa khuya tôi nghe như có ai ngồi bên cạnh và nắm tay mình. Tôi giật mình tỉnh giấc, thấy mẹ tôi. Tôi ngạc nhiên gọi:

– Má! Sao má thức dậy giờ này?

Mẹ vẫn còn cầm tay tôi:

– Má thấy khỏe nhiều, chắc má hết bệnh rồi, chỉ còn hơi chóng mặt. Sau khi uống thuốc má nằm ngủ mê, khi thức dậy mồ hôi đổ ướt cả áo. Má đi thay đồ và đến với con.

Em tôi chợt thức giấc. Nó ngồi dậy ôm lấy mẹ tôi:

Má! Má! Má hết bệnh rồi hả má?

Mẹ vuốt tóc em tôi:

– Ờ, má thấy như hết bệnh rồi nhưng sức má còn yếu.

Em tôi vui mừng nói líu lo:

– Vậy thì má kịp dẫn con và anh con đi lễ đêm Giáng Sinh. Con mừng quá, mừng quá!

Tôi kể lại chuyện thang thuốc mầu nhiệm hoa huệ trắng cho mẹ tôi nghe. Mẹ cảm động ôm tôi và em tôi vào lòng. Mẹ nhìn ảnh Đức Mẹ trên bàn thờ, nói trong nước mắt:

– Tạ ơn Mẹ đã cứu con khỏi bệnh.

Mẹ nằm xuống, tôi và em tôi nằm hai bên hông mẹ.

Mẹ quay sang hôn tôi rồi hôn em tôi:

– Ngày mai má dẫn hai con đến nhà thờ tạ ơn Đức Mẹ và đêm Giáng Sinh mẹ sẽ dẫn hai con đi lễ. Hai con hãy ngủ đi, hơn nửa đêm rồi đó.

Tôi nhắm mắt lại nghe thoang thoảng hương thơm của hoa huệ nở ngoài vườn theo gió nhẹ lọt vào song cửa.

Ngày hôm sau, mẹ tôi cắt một bó hoa huệ trắng, dẫn anh em tôi đi lễ nhà thờ buổi chiều để tạ ơn Đức Mẹ. Khi lễ xong, mẹ đến thăm và cám ơn Cha xứ. Cha rất ngạc nhiên vì sự bình phục quá mau chóng của mẹ tôi. Mẹ tôi thuật lại đầu đuôi câu chuyện cầu xin Đức Mẹ của anh em tôi. Cha xứ nhìn chúng tôi khen ngợi:

Các con có đức tin, có lòng hiếu thảo, Cha sẽ có phần thưởng cho hai con trong đêm Giáng Sinh.

Cha cho mẹ tôi một số thuốc bổ để hồi phục sức khỏe. Mẹ tôi cám ơn cha rồi dẫn anh em tôi ra về.

Trong không khí vui tươi, đầm ấm của đêm Giáng Sinh mẹ dẫn anh em tôi đến nhà thờ dự lễ nữa đêm. Nhiều bà con giáo dân đến gặp mẹ tôi, ân cần hỏi han và mừng mẹ tôi vừa hết bệnh. Sau lễ, đến phần phát quà Cha xứ đã kể lại chuyện anh em tôi cầu nguyện cho mẹ tôi và nhánh bông huệ trên bàn thờ Đức Mẹ chữa lành căn bệnh của mẹ tôi cho tất cả giáo dân nghe. Cha trao cho anh em tôi hai phần quà đặc biệt giữa tiếng vỗ tay của mọi người. Mẹ tôi nở nụ cười tươi mà đôi mắt giăng màn lệ vì xúc động. Tôi có ngờ đâu đêm Giáng Sinh ấy là đêm Giáng Sinh cuối cùng của tôi trên đất tổ quê cha.

Sau ngày 30 thang 4 năm 1975, mẹ dẫn anh em tôi cùng những giáo dân thân cận vượt biển tìm tự do. Hành trang của mẹ và của anh em tôi chỉ có tấm tượng ảnh Đức Mẹ, giấy tờ, hình ảnh cha tôi và mỗi người hai bộ quần áo. Rất may mắn cho mẹ con tôi là thuyền vượt biên đến Nam Dương trong vòng năm ngày. Mọi người mệt lả vì say sóng nhưng đều được bình an. Mẹ tôi gặp phái đoàn và được nhận vào nước Mỹ. Những năm đầu tiên ở tiểu bang Missouri giá lạnh của vùng Trung Tây nước Mỹ, mẹ tôi vô cùng cực nhọc. Mẹ phải đi làm hai job mới đủ tiền nuôi hai anh em tôi đi học. Đến lúc trưởng thành đỗ đạt, tôi và em tôi không cho mẹ đi làm nữa vì tóc mẹ đã dần bạc, hình vóc mẹ hao gầy qua bao tháng năm dày dạn, truân chuyên. Vậy mà mẹ tôi vẫn tạo công việc để làm tại nhà. Mẹ lãnh may và thêu áo dài, áo gối. Mẹ làm nem, chả để bán cho các siêu thị Tàu, siêu thị Việt Nam. Mùa Xuân, mùa Hè, mùa Thu, mẹ trồng hoa huệ trắng sau nhà để đi dâng lễ Đức Mẹ ngày Chúa Nhựt. Mùa Đông mẹ vẫn trồng hoa huệ trắng trong chậu và để hoa trong nhà. Cuộc đời mẹ như gắn liền với hoa huệ trắng !

Tôi nắn nót từng nét, vẽ trên chiếc áo dài màu tím mấy cành hoa huệ trắng để tặng cho mẹ. Mẹ rất thích chiếc áo dài nầy và thường mặc nó để đi lễ ở giáo đường. Em gái tôi cũng đòi tôi vẽ cho em một chiếc áo dài. Tôi đã vẽ một cành hồng lan trên nền áo dài màu thiên thanh của em tôi. Em tôi trầm trồ khen đẹp và cũng thường mặc áo ấy để đi lễ với mẹ tôi.Em tôi đã nên bề gia thất, nhưng vẫn sống chung với mẹ và tôi. Em rể của tôi là người “tân tòng”, nhưng rất ngoan đạo. Mẹ tôi thương con rể như thương yêu anh em tôi. Một hôm, mẹ tôi hỏi

– Con đã yêu cô gái nào chưa để má hỏi, cưới cho con ?

Tôi mỉm cười, bẽn lẽn nhìn mẹ:

– Thưa má, con sẽ chọn người con gái nào có đức tính giống như má, nếu không thì con sẽ không lấy vợ .

Mẹ tôi cười:

– Con đã ba mươi mấy tuổi rồi, đừng kén chọn quá mà ế vợ đó con !

Chợt nhìn ảnh cha tôi trên bàn thờ, mẹ thoáng buồn:

– Con giống ba con như đúc . Má định mùa hè năm tới, má con mình sẽ về Việt Nam để thăm mộ của ngoại và mộ của ba con.

Mẹ tôi vẫn thường liên lạc thư từ với Cha xứ ở quê tôi ngày trước. Năm nào mẹ cũng gởi quà Giáng Sinh về cho cha, cho người giáo dân thân tín hiện cư trú tại gian nhà cũ của mẹ con tôi.

Mẹ tôi đã thủ tiết thờ chồng, nuôi con đến ngày khôn lớn, vượt qua bao cơn sóng gió của cuộc đời. Lòng mẹ luôn trong trắng như lồi hoa tinh khiết. Tâm hồn tôi luôn nở đẹp những hoa huệ trắng và in đậm hình ảnh người mẹ hiền yêu kính mà tôi mãi mãi tôn thờ.

Kha Lăng Đa

Trở Về Mục Lục

Xem tiếp

This entry was posted in 4.Truyện ngắn, KQ Kha Lăng Đa. Bookmark the permalink.

4 Responses to HOA HUỆ TRẮNG (Kha Lăng Đa)

  1. Van Minh says:

    Là 1 độc giả trung thành, xin cảm tạ BVCV và đặc biệt bác Lê Thy đã bỏ nhiều công sức đánh máy để phổ biến nhiều tác phẩm bổ ích, giúp người đọc mở mang kiến thức, học hỏi nhiều điều mới lạ.

    Đánh máy những tác phẩm là việc làm “bạc bẽo”, tốn nhiều công sức và thời gian nên mạn phép hỏi sao bác Lê-Thy không Scan những trang sách, rồi dùng Software OCR để biến thành Text, bớt vất vả hơn nhiều !

    Chúc bác Lê-Thy nhiều sức khỏe để tiếp tục sứ mệnh “cơm nhà vác ngà voi” !

    Van Minh

    Like

    • Lê Thy says:

      Trước tiên LT xin cám ơn sự ủng hộ của Van Minh dành cho BVCV .

      Về việc scan sách rồi dùng software OCR thì LT cũng có dùng ABBY FINE READER nhưng khi convert ra text rồi cũng phải bỏ thời gian ra để sửa lại các lỗi. Nhất là những sách xưa, người ta đánh máy không có dấu, rồi bỏ dấu bằng tay. Cũng như những sách in không rõ, bị mờ v.v… Cho nên software khi convert ra tiếng Việt nó không nhận biết mấy cái dấu đó. Nó trở thành tiếng Iran, Iraq, Miên, Lào gì không à !!! Như vậy thà là đánh máy thì nhanh hơn vì vừa mất thời gian scan mấy trăm trang sách, vừa convert thành text. LT có “thập dương chỉ” hơn 20 năm kinh nghiệm mà….
      Cám ơn Van Minh đã có lòng lo cho LT “tốn công sức và thời gian”. Già rồi, không bận bịu việc gia đình gì nhiều thì đây là một cách để giết thời gian một cách lành mạnh và hữu ích . Van Minh có đồng ý với LT không?
      LT

      Like

      • Van Minh says:

        Cám ơn bác Lê-Thy bỏ thì giờ quý báu để trả lời.

        Thật ra tôi đánh máy kiểu “mổ cò”, nôm na “nhất dương chỉ” nên thông cảm sự vất vả của bác!

        Tôi cũng dùng ABBY FINE READER để chép lại vài cuốn sách dùng cho cá nhân, nhưng bằng tiếng Pháp nên ít bị trở ngại vì dấu như tiếng Việt.

        Nếu Bác Lê-Thy không thấy trở ngại và cần thêm người giúp việc (ô-sin theo tiếng VC) để tăng thêm “năng xuất lao động” thì tôi xin tình nguyện làm OCR phụ bác. Để thử việc, bác có thể gửi cho tôi vài trang Scanned text. Nếu không thì xin chân “thầy cò”, phụ bác sửa những lỗi đánh máy, tuy không nhiều nhưng rải rác trong nhiều tác phẩm đăng ở đây.

        “Đây là một cách để giết thời gian một cách lành mạnh và hữu ích”, đúng 100% và đáng ngưỡng mộ những tấm lòng như Bác.

        VM

        Like

        • Lê Thy says:

          Kính ông VM,
          Rất cám ơn nhã ý giúp đỡ của ông. Tôi đã trả lời cho ông qua địa chỉ courriel mà ông cung cấp ở đây.
          LT

          Like

Ý kiến - Trả lời